BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2018/TT-BNV |
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2018 |
Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Điều 1. Sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ như sau:
“8. Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp (sau đây gọi chung là người giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty) được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật vào làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nếu thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; các trường hợp còn lại thực hiện việc xếp lương như sau:
a) Xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên cao cấp (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương):
Những trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương hoặc có đủ 03 điều kiện sau thì được xem xét xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương:
Thứ nhất, đang giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí chức danh ở các cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,0 trở lên hoặc chức danh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 trở lên;
Thứ hai, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học từ đủ 16 năm trở lên (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), trong đó có thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tối thiểu 10 năm;
Thứ ba, đã xếp hệ số lương đóng bảo hiểm xã hội của chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định của Chính phủ trừ hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh dự kiến bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm bằng hoặc lớn hơn hệ số lương bậc 1 của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
Việc xếp lương được thực hiện như sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, thì tính từ ngày có đủ đồng thời điều kiện thứ hai và điều kiện thứ ba tại Điểm a này được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ ngày được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương trở về sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
b) Xếp lương ngạch chuyên viên chính hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên chính (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương):
Nhũng trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương hoặc có đủ 03 điều kiện sau thì được xem xét xếp lương ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương:
Thứ nhất, đang giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí chức danh ở các cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,8 trở lên hoặc chức danh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 trở lên;
Thứ hai, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học từ đủ 10 năm trở lên (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), trong đó có thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tối thiểu 5 năm;
Thứ ba, đã xếp hệ số lương đóng bảo hiểm xã hội của chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty theo quy định của Chính phủ trừ hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh dự kiến bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm bằng hoặc lớn hơn hệ số lương bậc 1 của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.
Việc xếp lương được thực hiện như sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, thì tính từ ngày có đủ đồng thời điều kiện thứ hai và điều kiện thứ ba tại Điểm b này được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ ngày được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở về sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.
c) Các trường hợp còn lại (không thuộc trường hợp áp dụng quy định tại Điểm a hoặc Điểm b nêu trên) được xếp lương ngạch chuyên viên hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên hoặc tương đương) như sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương, thì tính từ ngày đủ 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 01 năm trở về sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên hoặc tương đương.
d) Cấp có thẩm quyền chỉ thực hiện việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với việc xếp lương theo quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c nêu trên kể từ ngày có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng đối với các trường hợp đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm. Trường hợp chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp viên chức thì chỉ thực hiện việc xếp lương và trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền phải cử cán bộ, công chức, viên chức đi học để hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức theo thẩm quyền.”
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2018.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Số hiệu: | 13/2018/TT-BNV |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Nội vụ |
Người ký: | Nguyễn Duy Thăng |
Ngày ban hành: | 19/10/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Chưa có Video