ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3819/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2016 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng;
Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 12208/SLĐTBXH-DN ngày 23 tháng 5 năm 2016 về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc thành phố, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, các Sở - ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Dân tộc thành phố, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết:
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đây là một thị trường lao động phát triển, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đã và đang đi vào cuộc sống. Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế của Thành phố, chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc cũng đã từng bước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm vừa qua, Thành phố đã quan tâm nhiều đến việc tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số, nhất là vào các dịp lễ, tết và trao học bổng cho những học sinh xuất sắc... Tuy nhiên, đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn như: tỷ lệ thất nghiệp cao, điều kiện sống thiếu thốn, trình độ học vấn thấp hơn so với người Kinh...
Thành phố hiện có 52 dân tộc, trong đó có 51 dân tộc thiểu số. Kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, có 462.612 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 6,4% dân số Thành phố, đông nhất là dân tộc Hoa (414.045 người, chiếm 5,78%); dân tộc Khmer (24.268 người, chiếm 0,33%); dân tộc Chăm (7.819 người, chiếm 0,1%) và các dân tộc khác. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 280.459 người, chiếm tỷ lệ 60,63%. Số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo đang làm trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể khoảng 81.000 người. Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế thành phố, 72% số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo có nhu cầu học nghề.
Do đó, Đề án giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 là rất cần thiết nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và ban hành những chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
2. Căn cứ pháp lý:
2.1. Các văn bản của Trung ương:
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020;
Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Quyết định số 79/QĐ-BLĐTBXH ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020;
Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2105 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng;
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
2.2. Các văn bản của Thành phố:
Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;
Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”;
Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố đến năm 2020;
Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012 -2015;
Công văn số 5985/UBND-VX ngày 05 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 học tại các cơ sở giáo dục đại học.
1. Quan điểm:
Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân, trong đó có người dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số tham gia học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số; đặc biệt người dân tộc thiểu số ở các khu vực ngoại thành, người dân tộc thiểu số ở khu vực bị di dời, giải toả.
Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số; có chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.
2. Mục tiêu của Đề án:
2.1. Mục tiêu chung:
Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm nghèo bền vững và có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố trong quá trình phát triển và hội nhập.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
Đào tạo nghề cho 20% người dân tộc thiểu số (khoảng 11.700 người)[1] trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề.
Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 80% người dân tộc thiểu số sau khi tham gia đào tạo.
1. Dạy nghề tập trung cho người dân tộc thiểu số tại các cơ sở dạy nghề:
1.1. Đối tượng hỗ trợ:
Người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề nhưng có nhu cầu học nghề, có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.
1.2. Mức hỗ trợ:
Học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2105 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
1.3. Nguyên tắc hỗ trợ:
Mỗi đối tượng được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của Đề án này. Những đối tượng đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách khác của Nhà nước không được hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Đề án này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện xem xét quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại Đề án này, nhưng tối đa không quá 3 lần.
2. Dạy nghề kèm cặp trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo
2.1. Đối tượng hỗ trợ:
- Người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề nhưng có nhu cầu học nghề, có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Có đủ sức khỏe để làm việc, hiện nay chưa có việc làm ổn định, có nguyện vọng được học nghề và giải quyết việc làm trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
2.2. Điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dạy nghề dạng kèm cặp:
- Là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
- Có đủ điều kiện tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (nếu dạy nghề theo trình độ sơ cấp) và đảm bảo yêu cầu về người dạy, thiết bị đào tạo (nếu dạy nghề dưới 3 tháng). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát, cấp phép đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được dạy nghề cho người dân tộc thiểu số theo dạng kèm cặp.
- Tự nguyện tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số sau khi đào tạo.
- Cam kết nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi học nghề.
2.3. Phương thức hỗ trợ:
- Thực hiện khoán chi kinh phí cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào học nghề và làm việc, Ủy ban nhân dân quận, huyện thanh toán cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhận người dân tộc thiểu số vào học nghề và làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với mức chi không quá 03 triệu đồng/người/khóa học.
- Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện chủ trương dạy nghề kèm cặp và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thành lập Tổ tư vấn để xét duyệt đối tượng tham gia, thực hiện chi trả và thanh quyết toán với ngân sách nguồn chi trả cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thành phần Tổ tư vấn do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện làm tổ trưởng, thành viên bao gồm Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế quận, huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã.
3. Giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số:
3.1. Giới thiệu vào làm việc trong doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh:
- Căn cứ vào nguyện vọng làm việc, khả năng đáp ứng các điều kiện về tuyển dụng của người dân tộc thiểu số để giới thiệu vào làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng.
- Phát huy vai trò của các cơ sở dạy nghề, các cơ sở giới thiệu việc làm, các Sở, ban ngành, Hội, Đoàn thể cùng tham gia giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số.
3.2. Chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm:
Đối tượng được vay vốn ưu đãi được quy định tại Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
- Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 là 67.860.000.000 (Sáu mươi bảy tỷ tám trăm sáu mươi triệu) đồng, trong đó:
+ Kinh phí hỗ trợ đào tạo là 35.100.000.000 (Ba mươi lăm tỷ một trăm ngàn) đồng (3.000.000 đồng x 11.700 người = 35.100.000.000 đồng);
+ Kinh phí hỗ trợ tiền ăn là 31.590.000.000 (Ba mươi mốt tỷ năm trăm chín mươi triệu) đồng, trung bình 01 khóa học là 90 ngày (30.000 đồng x 11.700 người x 90 ngày);
+ Kinh phí hỗ trợ tiền đi lại (ước tính khoảng 50% số người thuộc diện hỗ trợ trên tổng số 11.700 người) là 1.170.000.000 (Một tỷ một trăm bảy mươi triệu) đồng (200.000 đồng x 5.850 người).
- Kinh phí dự kiến hàng năm là 14.000.000.000 (Mười bốn tỷ) đồng.
- Nguồn kinh phí thực hiện: chi từ nguồn kinh phí dự toán hàng năm Thành phố giao cho ngân sách quận, huyện.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chính sách, hoạt động của Đề án; phối hợp kiểm tra việc thực hiện Đề án.
- Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án của các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Ban Dân tộc thành phố:
- Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai Đề án trên địa bàn quận, huyện.
- Phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
3. Sở Tài chính:
- Thẩm định và bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho các Sở, ngành và quận, huyện được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
4. Thành đoàn thành phố:
Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo và:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở tham gia đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số.
7. Liên đoàn Lao động thành phố:
- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.
- Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động và người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
8. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố:
Triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
9. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:
- Xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ, mẫu biểu cho vay giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.
- Tổ chức hướng dẫn cho quận, huyện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán bộ chuyên trách quản lý công tác dân tộc về quy trình và thủ tục cho vay vốn giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.
- Tổ chức tiếp nhận vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi và thực hiện công tác xử lý nợ theo đúng quy định.
10. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn quận, huyện.
- Chỉ đạo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức rà soát, chọn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện tham gia dạy nghề dạng kèm cặp và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong tầng lớp nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh về ý nghĩa và mục tiêu của Đề án. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến trong doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn quận, huyện.
- Xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định và phân bổ kinh phí.
- Định kỳ hàng năm và kết thúc Đề án, các Sở, ngành, quận, huyện tham gia Đề án báo cáo kết quả kết quả dạy nghề, giải quyết việc làm, các dự án vay vốn tự tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số gửi về Ban Dân tộc Thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định./.
Quyết định 3819/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020"
Số hiệu: | 3819/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Nguyễn Thị Thu |
Ngày ban hành: | 26/07/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3819/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020"
Chưa có Video