Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3788/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: “XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2010”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án: “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục giai đoạn 2005 - 2010”;

Căn cứ Hướng dẫn số 11-HD/KGTW ngày 01/10/2004 của Ban Khoa Giáo TƯ; Hướng dẫn số 50-HD/TG ngày 31/01/2005 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng;

Theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định 09/2005/TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010” .

Điều 2. Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; các sở, ban, ngành có liên quan chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 3. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án này thành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn theo quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - TBXH, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các P Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 4 QĐ;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

ĐỀ ÁN

“XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CBQL GIÁO DỤC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2010”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3788/QĐ-UBND ngày 05/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CBQL GIÁO DỤC

1. Tình hình trường lớp, đội ngũ nhà giáo và CBQL:

Tính đến tháng 4/2007, toàn tỉnh có 2.152 trường (cơ sở giáo dục), trong đó có: 643 trường Mầm non; 1480 trường Phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT); 28 TTGDTX cấp huyện và tỉnh; 01 TTGDKTTH. Đội ngũ giáo viên, CBQL của ngành học Mầm non, Phổ thông là 53.279 người, chia ra: CBQL là 5.596 người; Giáo viên là: 45.298 người; NVHC là 2.385 người.

2. Cơ cấu đội ngũ:

2.1 Tỷ lệ nam, nữ:

Cán bộ giáo viên nữ là: 39.867 người, chiếm tỷ lệ là 74,82%; nam chiếm tỷ lệ là 25,18%. Tỷ lệ giữa nam và nữ là không đồng đều, đặc biệt là ngành học Mầm non (nữ chiếm tới 99,22%). Cấp THPT có tỷ lệ về giới là tương đối ngang nhau: nữ 54,29%, nam 45,71%.

2.2 Chính trị, tôn giáo, dân tộc:

Toàn ngành có 1.958 Đảng bộ, Chi bộ, đạt tỷ lệ 91 % số cơ sở giáo dục có tổ chức Đảng. Cán bộ, giáo viên là Đảng viên có 20.550 người, đạt tỷ lệ 37,57% tổng số cán bộ giáo viên toàn ngành. Điển hình là ở cấp Tiểu học, số Đảng viên là 8.261 người chiếm tới 47,26%; cấp THPT với 2.362 Đảng viên chiếm tỷ lệ là 42,28%. Bậc THCS có 6.827 Đảng viên chiếm 36,60%. Tỷ lệ Đảng viên ở ngành học Mầm non đang còn thấp với gần 22,77% giáo viên của cấp học.

Giáo viên là người dân tộc thiểu số là 6.078 người, chiếm 11,40%, trong đó: ngành học Mầm non là 1.746 người, chiếm tỷ lệ 17,03%; cấp Tiểu học với 2.640 người, chiếm 15,10%; cấp THCS có 1.334 người, chiếm 7,15%; cấp THPT với 263 người, chiếm 4,70%.

3. Chất lượng đội ngũ:

3.1 Đội ngũ nhà giáo, CBQL trong biên chế:

- Đội ngũ giáo viên ngành học Mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn: 73,37%, trong đó trên chuẩn là 5,75%. Bậc Tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn: 98,02%, trong đó trên chuẩn là 25,79 %. Bậc THCS đạt chuẩn và trên chuẩn: 97,32%, trong đó trên chuẩn là 25,04%. Bậc THPT đạt chuẩn và trên chuẩn: 97,15%, trong đó trên chuẩn là 2,87%.

- Đội ngũ CBQL ngành học Mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn: 100%, trong đó trên chuẩn là: 19,29%. Bậc Tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn: 100%, trong đó trên chuẩn là 61,88 %. Bậc THCS đạt chuẩn và trên chuẩn: 100%, trong đó trên chuẩn là 41,46%. Bậc THPT đạt chuẩn và trên chuẩn: 100%, trong đó trên chuẩn 9,50%.

- TTGDTX tỉnh, huyện có CBQL và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 95% (5% là đội ngũ công nhân kỹ thuật), trong đó trên chuẩn là 7%.

- Cơ quan PGD đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%; trong đó trên chuẩn là 4%; Cơ quan Sở đạt chuẩn và trên chuẩn là 100% trong đó trên chuẩn là 59%.

3.2 Đội ngũ nhà giáo, CBQL ngoài biên chế:

- Bậc THPT GV bán công đạt chuẩn: 98,84 %, trong đó trên chuẩn là 0,46 %. CBQL bán công đạt chuẩn: 100 %, trong đó trên chuẩn là 14,75 %.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên Mầm non ngoài biên chế hiện đang hưởng trợ cấp của UBND tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn là 97,17%, trong đó trên chuẩn là 11,98%.

4. Đánh giá chung:

4.1 Về ưu điểm:

Đội ngũ nhà giáo, CBQL nói chung có đạo đức tốt, tận tụy với nghề nghiệp, có tinh thần và ý thức phấn đấu cao, có ý thức rèn luyện về chính trị, tư tưởng, phấn đấu hết mình vì lý tưởng của Đảng, của Nhà nước (thể hiện qua tỷ lệ Đảng viên ở các cấp học, ngành học).

Chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao (thể hiện qua tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học, ngành học). Công tác bồi dưỡng giáo viên được chú trọng, thực hiện thường xuyên và định kỳ.

Cơ chế tuyển chọn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ QLGD thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ QLGD được bố trí sử dụng đúng năng lực, sở trường và có điều kiện phát triển tốt.

4.2 Những yếu kém bất cập:

4.2.1 Về số lượng và cơ cấu:

Tính đến hết năm học 2006-2007, tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, không đồng bộ về cơ cấu bộ môn đang diễn ra ở bậc Tiểu học và THCS (Bậc THCS: thừa là 268 người; thiếu là 1088 người. Bậc Tiểu học: thừa 1888 giáo viên văn hóa; thiếu 921 giáo viên đặc thù)

Năm học 2007-2008, căn cứ kế hoạch phát triển sự nghiệp Giáo dục đã được UBND tỉnh giao cho Ngành (số lớp Tiểu học giảm 295 lớp; THCS giảm 742 lớp; THPT tăng 95 lớp) đồng thời căn cứ định mức biên chế theo Thông tư Liên tịch số 35 thì đội ngũ cán bộ, giáo viên phổ thông tiếp tục có sự biến động (Bậc THCS: thừa là 1143 người; thiếu là 3289 người. Bậc Tiểu học: thừa là 2748 người; thiếu là 3255 người. Bậc THPT: thiếu là 842 người).

4.2.2 Về chất lượng:

Chất lượng chuyên môn của đội ngũ nhà giáo chưa được chuyển biến mạnh, đặc biệt một bộ phận cán bộ, giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy. Vẫn còn một số giáo viên mầm non, phổ thông chưa đạt chuẩn, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (chưa đạt chuẩn: Mầm non 495; Tiểu học 410; THCS 114; THPT 36; TTGDTX tỉnh và huyện 23). Một bộ phận nhà giáo và cán bộ QLGD chưa toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

4.2.3 Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên:

Chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng giáo viên chưa cao. Chương trình, hình thức bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, chậm đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, tích cực của người học. Nhiều CBQL các PGD, các nhà trường chưa quan tâm, chưa thực sự coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

4.2.4 Về cơ chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng và CĐCS đối với nhà giáo và CBQL:

Hiện nay, cơ chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng và CĐCS đối với nhà giáo và CBQL còn có phần bất hợp lý, chưa tạo động lực đủ mạnh để phát huy phẩm chất và năng lực của đội ngũ. Việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên công tác ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đã thực hiện nhưng có nơi thực hiện chưa kịp thời. Chưa có chế độ chính sách ưu đãi cho giáo viên công tác quá 5 năm ở các vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn. Chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên Mầm non ngoài biên chế tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa tương xứng với trình độ đào tạo và cường độ làm việc.

4.3 Nguyên nhân:

4.3.1 Về mặt chủ quan:

- Do quy mô phát triển cấp Tiểu học, THCS giảm nhanh và ổn định, trong khi đó số giáo viên đủ tuổi về nghỉ hưu không nhiều.

- Nguồn tuyển hiện nay có nhưng tổng biên chế của ngành lại không còn do giáo viên dôi dư ở các bộ môn khác và cấp học khác. Do đó, các bộ môn Nhạc, họa, Thể dục, Công nghệ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp học. Cũng không thể tuyển thêm giáo viên tự nhiên bổ sung cho cấp THCS vì hiện nay số lớp đang giảm dần, nếu tuyển đủ thì một vài năm tới lại tiếp tục thừa giáo viên.

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD vẫn chưa thực sự được coi trọng, còn đơn điệu, ít hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời và chưa triệt để.

- Cơ chế tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá nhà giáo và cán bộ QLGD chưa phát huy được vai trò chủ động của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục, chưa xây dựng được khung pháp lý về đào tạo bồi dưỡng, quản lý hoạt động của nhà giáo và cán bộ QLGD còn chậm, thiếu đồng bộ. Việc xây dựng chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ QLGD nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục chưa được triển khai kịp thời.

4.3.2 Về mặt khách quan:

Có sự bất cập lớn giữa yêu cầu điều chỉnh và mở rộng quy mô phát triển các cấp học, bậc học cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục với sự hạn chế về khả năng, điều kiện đảm bảo vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã tăng nhiều song vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Các yếu tố tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường đã có tác động không nhỏ đến tâm tư, nếp nghĩ, lối sống của một bộ phận nhà giáo và cán bộ QLGD. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Dự báo quy mô phát triển đội ngũ giáo viên đến năm 2010:

 

Mầm non

Tiểu học

THCS

THPT

2006-2007

Tổng số HS

145525

264432

315298

158775

HS công lập

69825

264432

315298

98624

Tổng số GV

13107

15461

17114

5650

GV công lập

4172

15461

17114

4346

2007-2008

Tổng số HS

158116

255987

295468

163578

HS công lập

79187

255987

295468

103651

Tổng số GV

13613

14050

15685

6137

GV công lập

4527

14050

15685

4647

2008-2009

Tổng số HS

171610

257498

266837

166896

HS công lập

89888

257498

266837

107882

Tổng số GV

14129

13266

13854

6602

GV công lập

4907

13266

13854

4921

2009-2010

Tổng số HS

181592

264848

242094

168237

HS công lập

103327

264848

242094

110936

Tổng số GV

14348

12808

12293

7017

GV công lập

5190

12808

12293

5149

2. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

3. Nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp:

3.1 Nhiệm vụ thứ nhất:

Nâng cao chất lượng toàn diện đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

3.1.1 Mục tiêu:

Trọng tâm là xây dựng đội ngũ nhà giáo vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức lối sống. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục để họ có bản lĩnh chính trị, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tinh thông nghiệp vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành. Quan tâm thỏa đáng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thanh tra giáo dục các cấp.

3.1.2 Các giải pháp:

1. Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Cụ thể:

+ Thực hiện công tác sơ kết đánh giá theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) việc thực hiện chỉ thị 34 - CT/TW và các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho nhà giáo và cán bộ QLGD, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong nhà trường gắn liền với cuộc vận động nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và CBQL do Bộ trưởng vừa phát động.

+ Phát triển đội ngũ Đảng viên mới trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD (nhất là số cán bộ trẻ) và học sinh.

+ Thực hiện tốt pháp lệnh cán bộ, công chức, pháp lệnh chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, quy chế dân chủ cơ sở. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tiêu cực, khiếu nại tố cáo xảy ra trong các cơ quan giáo dục, trường học; xử lý kịp thời cán bộ vi phạm kỷ luật. Kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong các nhà trường.

+ Triển khai cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành để xác định rõ động cơ, lý tưởng cách mạng và phẩm chất chính trị của người giáo viên.

+ Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục. Thường xuyên lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách giáo dục, đặc biệt là công tác xã hội hóa giáo dục, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng nền nếp, kỷ cương. Coi trọng và gắn việc phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục là một chỉ tiêu phấn đấu để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Phát triển Đảng, tăng cường xây dựng và củng cố tổ chức Đảng để thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo trong các nhà trường.

+ Quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý GD&ĐT theo hướng tập trung xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch và chính sách. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy phạm về giáo dục. Tăng cường chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách và quy định cho phù hợp với các văn bản mới ban hành của Chính phủ, các Bộ và Tỉnh.

+ Có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng với hành vi, vi phạm đạo đức của giáo viên, CBQL để làm trong sạch đội ngũ.

2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giáo dục đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Cụ thể:

+ Tăng cường công tác thanh tra chuyên môn, thanh tra QLGD, thanh tra giáo viên theo quy định. Tiếp tục chấn chỉnh nền nếp kỷ cương trong nhà trường, xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, giáo viên vi phạm quy chế chuyên môn, Luật Giáo dục, Pháp lệnh cán bộ, công chức v.v... Tổ chức tốt việc học tập và thực hiện nghiêm túc Điều lệ nhà trường. Coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể, thực hiện tốt nguyên tắc công khai dân chủ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và thực hiện chế độ chính sách.

+ Tăng cường công tác tự kiểm tra của các đơn vị trường học, thanh tra của Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, tập trung vào công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, việc thực hiện và quản lý hồ sơ sổ sách, việc thực hiện các quy chế, quy định của Trung ương, của Ngành và của Tỉnh.

+ Thực hiện nghiêm túc Quy chế thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý đối với giáo viên; đánh giá xếp loại giáo viên theo định kỳ nhằm một mặt phát hiện những khiếm khuyết để bổ sung, uốn nắn cho đội ngũ; mặt khác tạo niềm tin, tạo động lực khuyến khích giáo viên tích cực học tập và nâng cao chất lượng công việc.

3. Làm tốt công tác đánh giá xếp loại đội ngũ nhà giáo và CBQLGD; Cụ thể:

+ Tiếp tục thực hiện Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV ngày 31/3/2006 của Bộ Nội vụ và Công văn số 3040/BGD&ĐT-TCCB ngày 17/4/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn một số điều trong “Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập” một cách nghiêm túc, sát với thực tế tình hình đội ngũ.

+ Đánh giá xếp loại CBQL, nhân viên (không trực tiếp giảng dạy) theo Quy chế đánh giá công chức hàng năm ban hành theo Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC, ngày 05/12/1998 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ.

+ Các cấp quản lý thực sự coi trọng và có thái độ nghiêm túc trong việc tổ chức, đánh giá xếp loại một cách công khai, công bằng và dân chủ. Những đơn vị thực hiện không nghiêm túc để xảy ra khiếu kiện thì người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và Pháp luật.

4. Nâng cao chất lượng, đổi mới công tác QLGD; Cụ thể:

+ Hoàn thiện bộ máy quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện, xã và các trường học theo QĐ 685/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh để xác định và thể chế hóa vai trò, chức năng của các cấp quản lý.

+ Xây dựng hệ thống thông tin QLGD từ tỉnh đến các Phòng GD&ĐT, các nhà trường để thu thập, xử lý và cập nhật thường xuyên về GD&ĐT và Khoa học xã hội liên quan, giúp cho việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý.

+ Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các đơn vị giáo dục. Thực hiện thông suốt chế độ thông tin hai chiều kịp thời. Chấn chỉnh nền nếp quản lý sử dụng bảo quản hồ sơ sổ sách và tài sản ở đơn vị, thực hiện quy chế dân chủ, công khai tài chính.

+ Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ QLGD trong các cơ sở giáo dục theo hướng chuyên nghiệp hóa; bố trí, sắp xếp cán bộ QLGD các cấp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của cán bộ, có cơ chế thay thế, luân chuyển, điều động khi không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

+ Xây dựng được các tiêu chí để tạo nguồn cán bộ QLGD phù hợp với nhu cầu xã hội và nhiệm vụ của Ngành. Kiên quyết không bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại những CBQL không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, không đủ các tiêu chuẩn của người CBQL, không còn chế độ nợ văn bằng, chứng chỉ.

3.2 Nhiệm vụ thứ hai:

Khắc phục những bất hợp lý về số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo và CBQL, đảm bảo đủ số lượng giáo viên, CBQL đạt trình độ chuẩn trở lên cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển.

3.2.1 Mục tiêu:

Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đạt trình độ chuẩn trở lên theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài của sự nghiệp giáo dục.

3.2.2 Các giải pháp:

1. Làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên. Cụ thể:

- Đối với cấp Tiểu học:

Giải quyết thiếu giáo viên nhạc họa, phụ trách Đội, NVHC (Thư viện, thiết bị, NVVP) bằng cách: cử số giáo viên văn hóa dôi dư còn trẻ, có năng khiếu đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để chuyển sang làm tổng phụ trách Đội hoặc cho đi học bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, thiết bị, y tế trường học để sử dụng làm NVHC. Có thể bố trí cho số GV dôi dư có nguyện vọng đi học nâng chuẩn lên trình độ CĐSP Tiểu học theo chương trình đào tạo chuyên sâu Văn - Nhạc, Toán - Hoạ hoặc Toán - Thể dục (Chương trình do Bộ GD & ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 2493/GD-ĐT ngày 25/7/1995) để bổ sung cho số giáo viên đặc thù còn thiếu. Số giáo viên dôi dư không bố trí đi học được thì giải quyết theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

- Đối với cấp THCS:

+ Phương án giải quyết việc thiếu giáo viên giảng dạy bộ môn công nghệ trước mắt là bồi dưỡng giáo viên Tự nhiên dôi dư có chuyên môn gần với bộ môn công nghệ như: Sinh vật, KTNN, KTCN để dạy một số tiết của môn công nghệ.

+ Do số lớp giảm nhiều (742 lớp) nên giáo viên TN-XH, Thể dục dư thừa 1053 người. Tuy nhiên dự báo có 414 người đủ tuổi về hưu nên thực tế còn khoảng 639 người. Cử số giáo viên TN-XH, Thể dục dôi dư còn trẻ, có năng khiếu đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để chuyển sang làm tổng phụ trách Đội hoặc cho đi học bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, thiết bị, y tế trường học để sử dụng làm NVHC. Số giáo viên dôi dư không bố trí đi học được thì giải quyết theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

2. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Cụ thể:

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo theo 3 cấp: Cấp cơ sở (trường học), cấp huyện (Phòng TC-LĐ các huyện, thị, thành phố), cấp tỉnh (Sở GD &ĐT). Từ quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được xây dựng và phê duyệt phân bổ kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ QLGD cho từng năm học cũng theo 3 cấp đã nêu ở trên. Trong quy hoạch ưu tiên cho đối tượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, con em gia đình có công với cách mạng,….

- Xây dựng quy hoạch CBQL giai đoạn 2007-2010-2015. Trên cơ sở quy hoạch đó để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ QLGD, về trình độ lý luận chính trị cho từng cá nhân trong diện quy hoạch.

- Có chính sách ưu đãi đối với giáo viên học tập nâng cao trình độ.

- Tăng ngân sách cho đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL.

Để bảo đảm đến năm 2010 đáp ứng đủ về số lượng, trong đó 100% giáo viên các cấp học, bậc học phổ thông, dạy nghề đạt chuẩn đào tạo theo quy định; 10% giáo viên trung học phổ thông và dạy nghề đạt trình độ sau đại học; 50% giáo viên Tiểu học, THCS đạt trình độ trên chuẩn. Giải pháp cụ thể là:

+ Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên văn hóa:

- Đối với GV Mầm non: Tiếp tục bồi dưỡng hoàn chỉnh kiến thức cho những giáo viên có trình độ Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học. Đào tạo mới mỗi năm 200 - 300 chỉ tiêu, trong đó: đào tạo trình độ Đại học, CĐSP mầm non là 200; TCSP mầm non (cử tuyển cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có ít giáo viên là người địa phương) là 100.

- Đối với GV Tiểu học: Vẫn duy trì đào tạo mới giáo viên Tiểu học, nhưng đào tạo trình độ ĐHSP, CĐSP tiểu học kiêm môn: Văn-Nhạc; Toán-Họa; Toán-Thể dục mỗi năm 100 chỉ tiêu, đào tạo cho các xã vùng đặc biệt khó khăn và chưa có hoặc có ít giáo viên là người địa phương theo chế độ cử tuyển.

- Đối với giáo viên THCS: Các bộ môn văn hóa không đào tạo trình độ cao đẳng, giao chỉ tiêu cho ĐHHĐ đào tạo trình độ đại học và luân chuyển giữa các bộ môn, mỗi năm 1 lớp 40 hoặc 50 chỉ tiêu. Trường ĐHHĐ và TCSP nghiên cứu đề xuất chương trình đào tạo GV THCS trình độ đại học 2 môn (theo ban) và đào tạo cán bộ thí nghiệm cho cấp THPT và THCS.

- Giáo viên THPT và các đơn vị trực thuộc: ưu tiên tiếp nhận sinh viên người Thanh Hóa tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường sư phạm để bổ sung cho cấp THPT và các đơn vị trực thuộc.

+ Bồi dưỡng về Tin học và Ngoại ngữ:

Triển khai thực hiện việc bồi dưỡng Tin học cho CBQL và giáo viên của tất cả các cấp học, bậc học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục mở lớp theo hướng tự túc kinh phí. Giao TTGDTX của tỉnh, huyện tổ chức các lớp Ngoại ngữ, Tin học để cho tất cả các CBQL, đội ngũ giáo viên có điều kiện tham gia.

+ Đào tạo trên chuẩn về chuyên môn và QLGD:

Hàng năm bố trí từ 5% đến 10% cán bộ quản lý được tham gia học tập chương trình đào tạo trên chuẩn về chuyên môn và Thạc sỹ QLGD. TTGDTX tỉnh và các cơ sở đào tạo khác liên kết mở lớp như đã thực hiện trong thời gian trước đây.

Tăng chỉ tiêu đào tạo nguồn Thạc sỹ băng chương trình bồi dưỡng 10 chuyên đề SĐH cho các môn cơ bản.

3.3 Nhiệm vụ thứ ba:

Xây dựng hệ thống chính sách mới, thực hiện đúng và đủ những chính sách đã ban hành để tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục tự phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt cho sự nghiệp giáo dục.

3.3.1 Mục tiêu:

Tiến hành xây dựng mới, bổ sung những chính sách còn thiếu; hoàn thiện sửa đổi những chính sách đã có nhưng còn bất cập để tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là các cơ chế chính sách tinh giản biên chế, về định mức lao động, về biên chế, chế độ trợ cấp tiền lương, tuyển dụng, sàng lọc, thu hút, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển CBQL, phân cấp trách nhiệm của Ngành, địa phương và cơ sở giáo dục.

3.3.2 Các giải pháp:

1. Xây dựng cơ chế chính sách cho đội ngữ nhà giáo, CBQL sau xếp loại. Cụ thể:

+ Đối với giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn được xếp từ loại trung bình trở lên:

- Tiếp tục sử dụng làm công tác giảng dạy.

- Chọn những giáo viên khá, giỏi, dưới 40 tuổi (đối với nam) và dưới 35 tuổi (đối với nữ) đi đào tạo trình độ trên chuẩn để sử dụng làm cán bộ cốt cán cho cấp học, ngành học.

- Chọn những giáo viên đủ điều kiện đứng lớp, nằm trong định mức biên chế nhưng nhiều năm chưa được đi bồi dưỡng nâng cao trình độ được lần lượt đi bồi dưỡng để tiếp tục sử dụng.

+ Đối với giáo viên chuẩn, trên chuẩn nhưng xếp loại năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu hoặc sức khỏe không đảm bảo hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém nhưng chưa đến mức buộc thôi việc (qua khảo sát, số lượng ước độ 200 người):

Thực hiện theo quy định phân công, phân cấp tại QĐ 685/2007/QĐ-UB của UBND tỉnh, các cấp có thẩm quyền quyết định và hoàn tất thủ tục giải quyết chế độ cho giáo viên theo hướng:

- Nếu là giáo viên hợp đồng có thời hạn thì cho nghỉ công tác, thanh lý hợp đồng và giải quyết chính sách theo chế độ hiện hành.

- Nếu là giáo viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì cho nghỉ công tác và căn cứ vào khả năng tài chính của đơn vị mà vận dụng giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

- Nếu là giáo viên công lập thì cho nghỉ công tác và giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Điều 6, Điều 7 - Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

+ Đối với giáo viên chuẩn, trên chuẩn nhưng dôi dư do bố trí sắp xếp (qua khảo sát, số lượng ước độ hơn 200 người):

- Chọn những giáo viên dưới 50 tuổi đối với nữ và dưới 55 tuổi đối với nam, có điều kiện và sức khỏe tốt cho đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thiết bị thí nghiệm, thư viện để bố trí làm cán bộ chuyên trách thiết bị, thí nghiệm, thư viện và NVHC của nhà trường.

- Giáo viên dôi dư còn lại thuộc diện tinh giản biên chế. Tùy theo từng loại đối tượng có thể giải quyết theo một trong các phương án quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Nghị định 132/2007/NĐ-CP.

+ Đối với giáo viên dưới chuẩn (qua khảo sát, số lượng ước độ 600 người):

1. Giáo viên còn trong độ tuổi đào tạo bồi dưỡng theo quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể: từ 50 tuổi trở xuống đối với nữ và từ 55 tuổi trở xuống đối với nam có đủ sức khỏe, năng lực chuyên môn xếp loại khá trở lên cho đi bồi dưỡng đạt chuẩn để tiếp tục sử dụng làm giáo viên hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ để làm hành chính, văn phòng hoặc làm cán bộ thư viện.

2. Giáo viên không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hóa về chuyên môn giải quyết theo chế độ thôi việc ngay theo khoản 1 - Điều 7, Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

+ Đối với CBQL sau xếp loại:

1. Nếu không đủ điều kiện (văn bằng, chứng chỉ,...) thì không bổ nhiệm lại và chuyển làm công tác khác.

2. Nếu thuộc diện dôi dư không luân chuyển được và cũng không bố trí công tác khác được, cho nghỉ công tác và giải quyết chế độ theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP.

3. Thực hiện việc luân chuyển theo quy định.

2. Xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế chính sách mới. Cụ thể:

Để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL trong giai đoạn hiện nay, ngoài những chế độ chính sách đã và đang thực hiện, cần thiết phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một số chính sách địa phương đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục.

+ Đối với các đối tượng xếp loại chuyên môn yếu kém hoặc sức khỏe yếu không thể giảng dạy được nhưng không thể bố trí công tác khác, có tuổi đời dưới 50 tuổi đối với nữ và dưới 55 tuổi đối với nam, chưa thuộc diện tinh giản biên chế theo NĐ 132 trong các năm 2007, 2008, 2009, 2010 (tuổi thiếu tối đa là 3 năm - tính đến hết năm 2010) thì giải quyết theo hướng: Cho nghỉ công tác hưởng 100% lương cơ bản (không có phụ cấp đứng lớp), thời gian hưởng không quá 12 tháng. Sau đó hưởng 75% lương cơ bản cho đến khi đủ tuổi để giải quyết chế độ theo quy định tại NĐ 132.

+ Chế độ đối với GVMN: tiếp tục điều chỉnh theo QĐ 2480/2007/QĐ-UBND ngày 16/8/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh cho phù hợp tình hình mới.

+ Chế độ học tập và nâng chuẩn thực hiện theo QĐ 746/QĐ-UB.

+ Xây dựng cơ chế tổ chức, quản lý và khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực giảng dạy như: Khen thưởng, xếp loại các danh hiệu thi đua. Khen thưởng kịp thời cho những giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và bồi dưỡng học sinh.

+ Thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo mới giáo viên theo chế độ cử tuyển đối với các xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và những xã chưa có hoặc có ít giáo viên là người địa phương ở miền núi.

+ Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và những trường có quy mô nhỏ không đủ lớp để bố trí 1 GV/lớp, nhất là GV các bộ môn đặc thù, phải điều chuyển giáo viên dạy liên trường và những trường ở các xã vùng xa, vùng khó khăn của miền xuôi cần có cơ chế chính sách dạy liên trường. Thực hiện cơ chế biệt phải có thời hạn và luân chuyển giáo viên giữa các trường trong một huyện để tạo ra sự cân đối, đồng bộ của đội ngũ trong các nhà trường. Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình trường THCS liên xã hoặc trường phổ thông 2 cấp học (Tiểu học và THCS) đối với những địa phương có số lượng học sinh Tiểu học, THCS ít (không đủ số lớp để xếp hạng trường)

+ Tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho giáo viên đi học trên chuẩn, ngân sách chi trả toàn bộ kinh phí cho các lớp bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho các loại hình trong hè, trong năm học, bồi dưỡng dạy kiêm môn của giáo viên.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án:

- Trích từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu và dự toán chi thường xuyên hàng năm cho ngành Giáo dục và Đào tạo

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Tổ chức thực hiện:

2.1 Sở Giáo dục và Đào tạo:

Giao Sở GD-ĐT thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhà giáo và CBQL giáo dục.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ban ngành liên quan, các huyện, thị, thành phố cụ thể hóa nội dung Đề án này thành các chương trình, dự án với các mục tiêu, nội dung, giải pháp, lộ trình thực hiện hàng năm phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Đề án, quy định chế độ theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện đề án, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan:

+ Cân đối và phân bổ chỉ tiêu hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ quan, các huyện, thị xã, thành phố.

+ Kiến nghị về định mức đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đáp ứng nội dung, yêu cầu triển khai các chương trình đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

+ Lập dự toán kinh phí để triển khai theo kế hoạch hàng năm của Đề án.

+ Huy động các nguồn lực, nguồn tài trợ phục vụ việc thực hiện Đề án.

2.2 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa nội dung Đề án liên quan đến lĩnh vực dạy nghề thành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

2.3 Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tổng hợp kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục hàng năm để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

2.4 Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan:

- Lập dự toán, kế hoạch ngân sách hàng năm để phân bổ vốn thực hiện các nhiệm vụ của Giáo dục - Đào tạo và giải quyết việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBQL GV từ năm 2007 đến năm 2010.

- Bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức tài chính để bảo đảm thực hiện nội dung của đề án.

2.5 Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, công chức ngành giáo dục.

2.6 Các cơ sở giáo dục và dạy nghề:

Có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung của Đề án này thành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, thực hiện trong phạm vi, đối tượng quản lý của đơn vị; phối hợp với các cơ quan có liên quan ở tỉnh và địa phương, các cơ sở giáo dục và dạy nghề khác triển khai, thực hiện các nội dung của Đề án.

2.7 UBND các huyện, thị, thành phố:

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án này thành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nội dung Đề án theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đã quy định; định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan để triển khai thực hiện Đề án theo sự chỉ đạo, điều hành chung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với kế hoạch, yêu cầu của tỉnh./.

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 3788/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010

Số hiệu: 3788/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
Người ký: Vương Văn Việt
Ngày ban hành: 05/12/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 3788/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…