Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3081/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HẠN CHẾ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TẠI KHU KINH TẾ VÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2012 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2002, 2006 và 2007);

Căn cứ Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động;

Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở cho người lao động. Có biện pháp quản lý mức giá cho thuê nhà hợp lý đối với các chủ nhà trọ và ngăn ngừa việc lợi dụng tình hình hiện nay để tăng mức giá thuê nhà lên quá cao;

Căn cứ Công văn số 930/LĐTBXH-LĐTL ngày 01/4/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

Xét đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 351/LĐLĐ ngày 23/7/2012 về việc đề nghị phê duyệt Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật tại khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 2012-2015"; kèm theo ý kiến của các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Công thương, Lao động Thương binh và Xã hội; Công văn số 1299/SLĐTBXH-TLBHXH ngày 25/6/2012 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thẩm định nội dung Đề án,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật lại khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Thọ

 

ĐỀ ÁN

“HẠN CHẾ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TẠI KHU KINH TẾ VÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2012-2015”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý và chủ trương của Đảng và Nhà nước

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2002, 2006 và 2007);

- Căn cứ Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động;

- Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp;

- Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp;

- Căn cứ Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở cho người lao động. Có biện pháp quản lý mức giá cho thuê nhà hợp lý đối với các chủ nhà trọ và ngăn ngừa việc lợi dụng tình hình hiện nay để tăng mức giá thuê nhà lên quá cao;

- Căn cứ Công văn số 930/LĐTBXH-LĐTL ngày 01/4/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

- Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 28/4/2011 của UBND tỉnh về việc thực hiện năm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

2. Thực trạng tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua

a) Thực trạng tranh chấp lao động và đình công

Tính đến 31/12/2011, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.820 doanh nghiệp, trong đó: có 7.785 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (số doanh nghiệp đi vào hoạt động 6.041 đơn vị, chiếm 77,6% tổng số đăng ký kinh doanh); có 65 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài; 970 hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng 211.617 lao động, trong đó có 130.356 người đã ký hợp đồng lao động: Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước 4.500 người; Khối doanh nghiệp ngoài nhà nước 110.856 người; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 15.000 người.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cùng chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển, có doanh nghiệp nhờ sự trợ giúp chia sẻ của người lao động đã vượt qua được khó khăn của khủng hoảng kinh tế khi doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật đối với công nhân lao động: như chậm điều chỉnh tiền lương, không nâng lương, trả lương chậm, không cải thiện bữa ăn giữa ca... trong khi đó lại tăng ca, tăng thời giờ làm việc quá nhiều, cư xử khắt khe với người lao động, các ý kiến đề xuất kiến nghị của người lao động không được chủ sử dụng lao động quan tâm giải quyết thấu đáo. Những mâu thuẫn trên là một trong những nguyên nhân tạo nên sự bùng phát của các cuộc đình công, ngừng việc tập thể, làm cho quan hệ lao động trong doanh nghiệp diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, an ninh trật tự xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tính từ năm 2009 đến tháng 31/12/2011 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ công nhân ngừng việc tập thể ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Riêng trong năm 2011 đã có 10 vụ ngừng việc tập thể của người lao động. Tất cả các cuộc đình công trong thời gian qua đều mang tính tự phát, chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

b) Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, trong đó nguyên nhân chính đều xuất phát từ các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, cách đối xử của chủ sử dụng lao động và người lao động. Qua thực tế giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động trên địa bàn tỉnh cho thấy nguyên nhân chủ yếu như sau:

- Về phía chủ doanh nghiệp:

+ Chưa chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về lao động, như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; dây dưa nợ đọng Bảo hiểm kéo dài; không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian làm việc của người lao động còn bị kéo dài quá quy định của pháp luật;...

+ Một số lãnh đạo doanh nghiệp chỉ là người làm thuê cho chủ đầu tư, không có đầy đủ thực quyền nên những đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động không được xem xét, giải quyết kịp thời;

+ Hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ phía người lao động và công đoàn cơ sở lên lãnh đạo doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...

- Về phía người lao động:

+ Ý thức kỷ luật lao động kém, chưa có tác phong làm việc công nghiệp;

+ Trình độ học vấn, tay nghề và hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia ngừng việc tập thể khi bị dụng chạm đến quyền lợi.

+ Đời sống tinh thần, vật chất của người lao động hết sức khó khăn, nhất là Khu công nghiệp, Khu kinh tế tập trung đông công nhân lao động. Tình trạng thuê nhà trọ khó khăn, tạm bợ không có người quản lý sau giờ làm việc, không đảm bảo an ninh trật tự, dễ bị kẻ xấu đe dọa, lợi dụng, không có khu vui chơi, giải trí sau giờ làm việc, thiếu các thiết chế văn hóa, nơi giữ trẻ...

+ Trong các cuộc ngừng việc thời gian gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa đã xuất hiện hiện tượng có kẻ quấy rối, kích động, lôi kéo, gây sức ép đối với người lao động bắt họ tham gia đình công, dùng vũ lực đe dọa người lao động đi làm trở lại, hiện tượng này thường xảy ra trong các khu nhà trọ của công nhân.

- Về phía quản lý Nhà nước:

+ Hệ thống chính sách, pháp luật đối với công nhân trong các thành phần kinh tế chưa đồng bộ, vai trò điều tiết của Nhà nước, nhất là các quy định về chính sách đối với công nhân lao động.

+ Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, công tác giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho công nhân lao động còn nhiều hạn chế.

+ Sự phối kết hợp của các cơ quan chức năng trong việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp chưa tốt; công tác kiểm tra, thanh tra còn ít, chưa đồng bộ; hiệu lực các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao; việc xử lý vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh.

+ Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, đặc biệt là đình công theo quy định của pháp luật lao động hiện hành quá phức tạp, không phù hợp với thực tế quan hệ lao động hiện nay.

- Về phía tổ chức Công đoàn cơ sở:

+ Cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu làm kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nghiệp vụ công đoàn nên việc tổ chức, hoạt động công đoàn còn yếu.

+ Nguồn thu nhập của cán bộ công đoàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

+ Chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn khi tham gia đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong doanh nghiệp, do hưởng lương của chủ doanh nghiệp nên nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đã thực hiện theo sự điều hành của chủ doanh nghiệp.

+ Vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở chưa được khẳng định, có nơi còn hình thức.

c) Dự báo về sự phát triển doanh nghiệp, lao động và quan hệ lao động trong thời gian tới

Để thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh, chúng ta đang tập trung nâng cao sức cạnh tranh, nhanh chóng hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững.

Qua kết quả khảo sát trong phạm vi đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tổ chức công đoàn trên địa bàn Thanh Hóa” và qua thực tiễn hoạt động công đoàn cho thấy:

Thứ nhất, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhà nước:

Những người đại diện cho nhà nước, có tư cách pháp nhân này đa số là nhân sự do tổ chức Đảng và chính quyền xem xét bổ nhiệm. Họ chủ yếu xuất thân từ đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước, đều là đảng viên, đoàn viên công đoàn, cán bộ viên chức nhà nước. Phần lớn các chủ thể sử dụng lao động này tôn trọng và chấp hành các quy định pháp luật về lao động.

Thứ hai, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp này có sự khác biệt, thường mang đậm văn hóa quản lý của chính quốc, nên chưa đạt độ chuẩn mực quốc tế cần thiết, thường phát sinh hiện tượng tiêu cực trong việc chấp hành Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn của Việt Nam; người quản lý trực tiếp thiếu sự chủ động cần thiết trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trong quan hệ lao động, không ít trường hợp lách luật, rũ bỏ trách nhiệm của người sử dụng lao động, đặc biệt khi cần phải giải quyết xung đột về lương, thưởng và thời gian làm việc của người lao động.

Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần:

Trong những năm gần đây, loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển mạnh về số lượng. Đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp này là: quy mô vốn nhỏ, quy mô lao động hạn chế, thời gian lao động không ổn định, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp chưa nhiều, cách thức quản lý chưa thuần thục, chưa chuyên nghiệp. Từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề trong việc cải thiện quan hệ với người lao động và xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, tiến bộ.

Thứ tư, về hợp tác xã:

Quan hệ lao động trong các hợp tác xã có sự đan xen giữa quyền lợi xã viên và quyền lợi của người lao động. Cho đến nay nhìn chung vẫn còn lúng túng, bất cập trong nhận thức về hình thức sở hữu và cách thức xử lý các vấn đề về quyền của xã viên và quyền của người lao động theo hướng "tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng quản lý, cùng hưởng lợi".

d) Phương hướng thực hiện quan hệ lao động tại các loại hình doanh nghiệp trong thời gian tới.

Việc thực hiện phương hướng chung cần phù hợp với mỗi loại hình doanh nghiệp. Trước hết, đối với khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước: phải có giải pháp nâng cao vai trò của công tác tuyên truyền, vận động để phát huy ý thức đoàn kết, tương trợ trong doanh nghiệp, và hạn chế tối đa tâm lý làm thuê.

Tiếp đó, đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: cần tổng kết công tác giải quyết đình công của người lao động và hòa giải tranh chấp lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Trong đó cần chú ý đến tính khác biệt nhất định giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các quốc gia có nền văn hóa khác nhau.

Cuối cùng, đối với khu vực doanh nghiệp đã sở hữu (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn): đây sẽ là khu vực mà các cơ quan quản lý nhà nước cần đầu tư nghiên cứu và tập trung giải quyết nhiều nhất trong thời gian tới, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Phần II

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM

1. Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng quan hệ lao động trong các Doanh nghiệp.

2. Thông qua việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong Doanh nghiệp để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.

3. Khắc phục được những hạn chế, bất cập trong việc tiếp cận thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; xử lý kịp thời các kiến nghị, tranh chấp của người lao động; các hành vi vi phạm pháp luật về lao động của các doanh nghiệp, cũng như của người lao động.

4. Đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, đề án hiện hành để vận dụng các nguồn lực, phối hợp sự tham gia của các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, bảo đảm hiệu quả trong việc xây dựng quan hệ lao động trong các Doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng quy định của pháp luật xảy ra tại các Doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015 nhằm đảm bảo lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo môi trường đầu tư, ổn định an ninh trật tự xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

Kịp thời nắm bắt, chia sẻ, giải tỏa được các kiến nghị, thắc mắc của người lao động, từng bước nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động để người lao động có ý thức và trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại doanh nghiệp, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.

- Thực hiện thường xuyên việc tư vấn, trợ giúp pháp luật cho người lao động.

- Định kỳ phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp. Đề nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lao động.

- Phối hợp xử lý kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

III. NỘI DUNG

1. Khảo sát điều tra thực trạng các Doanh nghiệp

Khảo sát điểm để xác định rõ hơn những nội dung cần ưu tiên và các phương thức phù hợp nhất đối với từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, từng vùng, làm cơ sở xây dựng Kế hoạch hoạt động, đề xuất cơ chế giải pháp phòng ngừa xử lý tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định của pháp luật lại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015.

1.1. Đối tượng khảo sát

- Người sử dụng lao động;

- Người lao động;

- Cán bộ công đoàn.

1.2. Số lượng phiếu khảo sát

a) Lựa chọn doanh nghiệp khảo sát; Doanh nghiệp là công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Số lượng phiếu khảo sát (để có cơ sở so sánh, đánh giá đúng thực trạng cần được tiến hành khảo sát trên mặt bằng chung các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh):

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 41 doanh nghiệp - Đây là loại hình doanh nghiệp có đông công nhân lao động (CNLĐ) (bình quân CNLĐ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 700 CNLĐ/doanh nghiệp), chưa được đào tạo nghề, trình độ học vấn phổ thông và kiến thức pháp luật rất hạn chế, lực lượng cán bộ quản lý của doanh nghiệp đông và là loại hình doanh nghiệp có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong quan hệ lao động, nên tỷ lệ khảo sát cần được xác định phù hợp với tính chất, đặc điểm loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể:

+ Đối với người lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 20%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 10% số lượng CNLĐ: 574 phiếu;

+ Đối với người sử dụng lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 20%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 20 cán bộ quản lý (Giám đốc, Bộ phận nhân sự - hành chính và cán bộ quản lý trực tiếp CNLĐ): 82 phiếu.

- Doanh nghiệp Tư nhân: 1.118 DN (bình quân CNLĐ trong doanh nghiệp là 40 CNLĐ/doanh nghiệp). Đối tượng khảo sát:

+ Đối với người lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 5%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 10% số lượng CNLĐ: 224 phiếu;

+ Đối với người sử dụng lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 5%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 03 cán bộ quản lý (Giám đốc, Bộ phận nhân sự hành chính và cán bộ quản lý trực tiếp CNLĐ): 167 phiếu.

Công ty cổ phần: 1.516 doanh nghiệp (bình quân CNLĐ trong doanh nghiệp là 50 CNLĐ/doanh nghiệp).

+ Đối với người lao động: số lượng doanh nghiệp khảo sát 5% mỗi doanh nghiệp khảo sát 10% số lượng CNLĐ: 379 phiếu:

+ Đối với người sử dụng lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 5%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 07 cán bộ quản lý (Giám đốc, Bộ phận nhân sự - hành chính và cán bộ quản lý trực tiếp CNLĐ): 531 phiếu.

- Công ty TNHH: 2.978 doanh nghiệp (bình quân CNLĐ trong doanh nghiệp là 40 CNLĐ/doanh nghiệp)

- Đối với người lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 5%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 10% số lượng CNLĐ: 596 phiếu:

+ Đối với người sử dụng lao động: Số lượng doanh nghiệp khảo sát 5%, mỗi doanh nghiệp khảo sát 05 cán bộ quản lý (giám đốc, bộ phận nhân sự - hành chính và cán bộ quản lý trực tiếp CNLĐ): 745 phiếu.

- Khảo sát cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp:

Trong 450 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn - khảo sát 20% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, mỗi doanh nghiệp khảo sát 07 cán bộ công đoàn cơ sở (gồm: Chủ tịch và ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở): 630 phiếu.

Tổng cộng: 3.928 phiếu (người sử dụng lao động 1.525 phiếu; người lao động 1.773 phiếu và cán bộ công đoàn cơ sở 630 phiếu).

1.3. Địa bàn khảo sát

Tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn: Tp.Thanh Hóa, TX.Bỉm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn: các huyện: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc.

1.4. Mục đích yêu cầu

Đánh giá đúng thực trạng hiểu biết kiến thức pháp luật, các vấn đề về thu nhập, điều kiện làm việc, sinh hoạt, nơi ở và tư tưởng của CNLĐ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa.

1.5. Nội dung

- Thông tin cá nhân của đối tượng được khảo sát;

- Loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh;

- Sự hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đối tượng được khảo sát;

- Việc thực hiện các chính sách, pháp luật tại doanh nghiệp (Chế độ tiền lương; tiền thưởng, định mức lao động, BHXH, BHTN, BHYT, ATLĐ, kỷ luật...);

- Việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ tại doanh nghiệp;

- Vấn đề thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, nhà ở, sinh hoạt văn hóa, điều kiện lao động...;

- Nhu cầu về nhận biết pháp luật của đối tượng được khảo sát;

- Các kiến nghị, đề xuất về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp.

1.6. Phương pháp khảo sát

- Xây dựng các mẫu phiếu, tiêu chí phiếu khảo sát cho từng đối tượng: Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia của các ngành có liên quan;

- Tổ chức khảo sát;

+ Đối với người sử dụng lao động: Thực hiện khảo sát thông qua phiếu khảo sát được gửi trực tiếp đến người sử dụng lao động;

+ Đối với người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở: thực hiện việc khảo sát bằng cách tập trung các đối tượng được khảo sát trong từng doanh nghiệp để tổ chức khảo sát trực tiếp;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khảo sát: Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia của các ngành có liên quan.

1.7. Tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động trong KCN, KKT - Những vấn đề cần quan tâm, kiến nghị giải quyết

a) Hội thảo 1: Đối tượng tham gia: Ban chỉ đạo đề án; tổ thư ký của đề án; đại diện lãnh đạo Sở Lao động TBXH, phòng Thanh tra và phòng Lao động tiền lương của Sở LĐTBXH; BHXH tỉnh; Sở Tư pháp; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; đại diện VCCI; Liên minh HTX; Hiệp hội DN Thanh Hóa; Chủ tịch UBND một số huyện, thị xã, thành phố; một số Phòng Lao động cấp huyện; đại diện UBND tỉnh; đại diện Tỉnh ủy; đại diện Công an tỉnh (số lượng đại biểu dự hội thảo 50 đại biểu)

b) Hội thảo 2: Đối tượng tham gia: Ban chỉ đạo đề án; tổ thư ký của đề án; tổ trưởng tổ tư vấn, một số thành viên tổ tư vấn, cộng tác viên tư vấn, một số chủ tịch công đoàn cơ sở, chủ tịch công đoàn cấp trên cơ sở (số lượng 100 đại biểu).

2. Nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của người lao động; nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động

Nắm bắt kịp thời các tâm tư, thắc mắc của người lao động: nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động. Xây dựng các kênh nắm bắt thông tin thông qua việc tư vấn pháp luật trực tiếp lại các khu nhà trọ có đông công nhân lao động; tư vấn lưu động tại các Khu công nghiệp. Khu kinh tế; qua đó thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho người lao động. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Xây dựng nguồn tài liệu về pháp luật lao động và các quy định luật pháp liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động để tập huấn cho thành viên. Tổ tư vấn trực tiếp tại khu nhà trọ, thành viên Tổ tư vấn lưu động và thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động.

2.1. Biên soạn, cung cấp các tài liệu pháp luật liên quan

a) Nội dung tài liệu

Các văn bản về: Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

b) Số lượng các loại tài liệu

- Tài liệu dùng cho đối tượng được tập huấn:

* Tài liệu tập huấn: 300 cuốn, gồm các loại tài liệu sau:

+ Nội dung cơ bản cần đối thoại tại doanh nghiệp và kỹ năng đối thoại tại doanh nghiệp:

+ Kỹ năng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể:

+ Các nội dung cơ bản của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm Thất nghiệp quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;

+ Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động và đình công;

+ Kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.

+ Kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động và đình công;

* Tài liệu dùng cho các tư vấn viên:

Xây dựng hệ thống tài liệu các văn bản pháp luật liên quan trên máy tính xách tay - phục vụ cho các Tư vấn viên pháp luật lưu động sử dụng khi đi tư vấn, gồm các chuyên đề sau:

+ Chuyên đề các văn bản pháp luật về Bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN);

+ Chuyên đề các văn bản pháp luật về Pháp luật lao động (Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động, Bảo hộ lao động, tranh chấp lao động, xử lý vi phạm pháp luật lao động...)

+ Chuyên đề các chính sách, chế độ đối với người lao động.

- Tài liệu cấp cho người lao động:

Tài liệu pháp luật bỏ túi: 10.000 cuốn.

2.2. Thành lập các Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập, hướng dẫn các Tổ tư vấn pháp luật tại khu nhà trọ có đông công nhân lao động tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho công nhân lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tình hình thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động chấp hành tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và người lao động từng bước biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Cụ thể:

a) Thành lập, quản lý và hướng dẫn hoạt động

- Giao cho Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, Liên đoàn Lao động Bỉm Sơn, Liên đoàn Lao động huyện Đông Sơn, Liên đoàn Lao động huyện Quảng Xương, Liên đoàn Lao động huyện Hoằng Hóa, Liên đoàn Lao động thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, công an địa phương thành lập, quản lý các Tổ tư vấn trên địa bàn của mình.

- Ban Chính sách - Pháp Luật Liên đoàn Lao động tỉnh, thành viên Tổ tư vấn lưu động có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, Liên đoàn Lao động Bỉm Sơn, Liên đoàn Lao động huyện Đông Sơn, Liên đoàn Lao động huyện Quảng Xương, Liên đoàn Lao động huyện Hoằng Hóa, Liên đoàn Lao động thành phố Thanh Hóa hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của các tổ; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của các tổ hàng tháng về Thường trực Liên đoàn lao động tỉnh và báo cáo hàng quý về cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy.

b) Số lượng

Thành lập 16 tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ có đông công nhân lao động, mỗi tổ 5 người - một tổ trưởng và 4 tổ viên (mời một cán bộ tổ dân phố, thôn tại địa bàn Tổ tư vấn hoạt động làm thành viên thực hiện nhiệm vụ giám sát, tư vấn: số tổ viên còn lại là công nhân lao động tại khu nhà trọ), cụ thể:

+ Tại khu CN Lễ Môn: 08 tổ tại các khu nhà trọ có đông CNLĐ

+ Tại khu CN Bỉm Sơn: 03 tổ tại các khu nhà trọ có đông CNLĐ

+ Tại khu CN Hoàng Long: 02 tổ tại các khu nhà trọ có đông CNLĐ

+ Tại khu CN Quảng Xương: 01 tổ tại các khu nhà trọ có đông CNLĐ

+ Tại khu CN Thành phố: 02 tổ tại các khu nhà trọ có đông CNLĐ

c) Địa điểm, thời gian và phương tiện hoạt động:

- Địa điểm hoạt động: Thuê địa điểm thuận lợi tại khu nhà trọ có đông công nhân

- Thời gian sinh hoạt của các tổ tư vấn:

Các tổ sinh hoạt mỗi tháng 02 lần vào thứ 4 của tuần thứ nhất và tuần thứ 3 trong tháng.

Thời gian sinh hoạt từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút.

- Phương tiện hoạt động: Thành viên Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ sử dụng: Loa xách tay (có míc không dây): cung cấp tài liệu miễn phí cho công nhân lao động; Thành viên Tổ tư vấn pháp luật lưu động sử dụng máy tính xách tay cung cấp các văn bản pháp luật liên quan cho người lao động và hỗ trợ Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ.

d) Nội dung hoạt động của các tổ:

- Nắm bắt thông tin của các công nhân lao động tại khu nhà trọ về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nơi công nhân đang làm việc; việc chấp hành các chế độ, chính sách cho người lao động, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp để cung cấp cho công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, Liên đoàn Lao động Bỉm Sơn, Liên đoàn Lao động huyện Quảng Xương, Liên đoàn Lao động huyện Hoằng Hóa, Liên đoàn Lao động thành phố Thanh Hóa, Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh.

- Tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động (theo nội dung đã được tập huấn và tài liệu được cung cấp). Từng bước nâng cao nhận thức pháp luật của người lao động.

- Kịp thời chia sẻ, giải tỏa vướng mắc của người lao động, hướng cho người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và định hướng người lao động thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

- Kiến nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

d) Chế độ đối với thành viên Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ:

Toàn bộ các thành viên tổ tư vấn được tập huấn, cung cấp tài liệu miễn phí, được hỗ trợ tiền tư vấn.

2.3. Thành lập tổ tư vấn pháp luật lưu động

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các huyện thành lập các Tổ tư vấn pháp luật lưu động thực hiện tư vấn pháp luật lưu động tập trung tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế và trực tiếp tại các doanh nghiệp có nhu cầu: hỗ trợ, hướng dẫn cho các Tổ tư vấn pháp luật tại các khu nhà trọ có đông công nhân lao động tổ chức hoạt động.

a) Số lượng

- Tổ tư vấn pháp luật lưu động do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập và quản lý, gồm 22 đồng chí. Trong đó, Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh 08 người; Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn 05 người; LĐLĐ TX.Bỉm Sơn 3 người; LĐLĐ huyện Hoằng Hóa, LĐLĐ huyện Quảng Xương, LĐLĐ Thành phố mỗi đơn vị cử 02 người tham gia;

- Tổ tư vấn lưu động có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;

- Tổ trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động tại địa bàn các đơn vị: Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, LĐLĐ TX.Bỉm Sơn, LĐLĐ huyện Hoằng Hóa;

- Tổ phó chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động tại các đơn vị: LĐLĐ huyện Quảng Xương, LĐLĐ Thành phố.

b) Nội dung hoạt động của tổ tư vấn pháp luật lưu động

- Tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;

- Nắm bắt thông tin của các công nhân lao động về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nơi công nhân đang làm việc; việc chấp hành các chế độ, chính sách cho người lao động, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp;

- Kịp thời chia sẻ, giải tỏa vướng mắc của người lao động, hưởng cho người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và kiến nghị giải quyết các tranh chấp lao động và đình công theo đúng quy định của pháp luật;

- Hỗ trợ pháp luật cho người lao động trong trường hợp người lao động bị vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng;

- Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

- Cung cấp miễn phí các tài liệu tuyên truyền cho người lao động;

- Làm việc với Công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp tiến hành trực tiếp tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp có nhiều vấn đề mâu thuẫn, bức xúc trong quan hệ lao động;

- Hỗ trợ, hướng dẫn cho Tổ tư vấn pháp luật tại khu nhà trọ hoạt động.

c) Cách thức hoạt động

- Thực hiện tư vấn lưu động: Phân thành 8 nhóm, mỗi nhóm do một cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh làm trưởng nhóm và thành viên Tổ tư vấn lưu động là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở tại điểm chỉ đạo được phân công;

- Việc hỗ trợ, hướng dẫn Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ hoạt động: Giao cho một đồng chí thành viên Tổ tư vấn pháp luật lưu động là cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh cùng với thành viên Tổ tư vấn lưu động là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở tại điểm chỉ đạo được phân công chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ 02 Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ.

d) Thời gian tổ chức tư vấn lưu động

- Kế hoạch tư vấn cố định: thực hiện vào ngày chủ nhật tuần đầu tiên và cuối cùng của tháng tại địa bàn thuộc phạm vi đề án;

- Ngoài ra, tổ làm việc với Công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp tiến hành trực tiếp tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp có nhiều vấn đề mâu thuẫn, bức xúc trong quan hệ lao động.

d) Chế độ đối với thành viên Tổ tư vấn pháp luật lưu động

- Toàn bộ các thành viên tổ tư vấn được tập huấn, cung cấp tài liệu miễn phí, được hỗ trợ tiền tư vấn và các chế độ khác theo quy định;

- Các thành viên Tổ tư vấn pháp luật lưu động được trang bị các phương tiện hoạt động: máy tính xách tay, máy chiếu, loa, máy ảnh.

2.4. Thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật

Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn Thanh Hóa có chức năng khai thác, cập nhật và cung cấp thông tin pháp lý phục vụ công tác pháp luật của công đoàn, cho công nhân, viên chức, lao động; trực tiếp làm công tác tư vấn pháp luật tại Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Tư vấn pháp luật lưu động, hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn, cho Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ, Tổ tư vấn pháp luật lưu động.

Trình tự, thủ tục, cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2.5. Tập huấn

a) Mục tiêu tập huấn

Trang bị cho cán bộ công đoàn, cán bộ Phòng lao động cấp huyện, các thành viên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, Hòa giải viên lao động cấp huyện nắm vững các nội dung của Pháp luật Lao động, BHXH, BHTN, BHYT, Luật Công đoàn; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động và đình công, các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; Tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động; hòa giải viên lao động cấp huyện; kỹ năng đối thoại tại doanh nghiệp, kỹ năng xử lý các tình huống và giải quyết các vấn đề nảy sinh tại doanh nghiệp và khi người lao động có yêu cầu giải quyết tại cấp huyện.

b) Đối tượng tập huấn

- Chủ tịch công đoàn cơ sở, thành viên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở các doanh nghiệp: 200 người;

- Cán bộ Phòng lao động cấp huyện, Hòa giải viên lao động các huyện; 10 huyện x 5 người = 50 người;

- Thành viên tổ tư vấn trực tiếp tại các khu nhà trọ; thành viên Tổ tư vấn lưu động: 64 người.

c) Nội dung tập huấn

- Nội dung cơ bản cần đối thoại tại doanh nghiệp và kỹ năng đối thoại tại doanh nghiệp;

- Kỹ năng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động lập thể;

- Kỹ năng tuyên truyền miệng;

- Các nội dung cơ bản của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm thất nghiệp quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;

- Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động và đình công;

- Kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.

d) Tổ chức thực hiện

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh - Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các ngành chức năng: Tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động cho cán bộ Phòng lao động cấp huyện có Khu công nghiệp, Khu kinh tế; hòa giải viên lao động; chủ tịch công đoàn cơ sở; thành viên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế của tỉnh.

2.6. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật thông qua thông tin đại chúng

a) Tư vấn pháp luật thông qua Đài truyền thanh; truyền hình, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa Xã hội Đời sống.

- Đối tượng tư vấn: Công nhân lao động và người sử dụng lao động

- Nội dung tư vấn: Các vấn đề liên quan đến Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian tư vấn: Tối thứ bảy hàng tuần

- Phương thức tư vấn: Giao lưu, trả lời trực tiếp qua Đài truyền thanh

- Cán bộ tư vấn: Cán bộ văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh

b) Tư vấn pháp luật thông qua Bản tin công đoàn:

- Đối tượng tư vấn: Công nhân lao động và người sử dụng lao động

- Nội dung tư vấn: Các vấn đề liên quan đến Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian tư vấn: Thực hiện thường xuyên trên các Bản tin công đoàn

- Phương thức tư vấn: Trả lời trực tiếp trên các Bản tin công đoàn

- Cán bộ tư vấn: Cán bộ văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh

c) Tư vấn pháp luật thông qua điện thoại:

- Đối tượng tư vấn: Công nhân lao động và người sử dụng lao động

- Nội dung tư vấn: Các vấn đề liên quan đến Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian tư vấn: Thực hiện thường xuyên

- Phương thức tư vấn: Trả lời trực tiếp qua điện thoại

- Cán bộ tư vấn: Cán bộ văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh

3. Kiểm tra, giám sát; giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động

Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động; xây dựng quy chế phối hợp tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, thắc mắc của người lao động.

3.1. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

a) Nội dung kiểm tra, giám sát: Việc chấp hành pháp luật Công đoàn, Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp

b) Đối tượng kiểm tra, giám sát: các loại hình doanh nghiệp trong phạm vi đề án

c) Thời gian và số lượng doanh nghiệp:

- Năm 2012: Kiểm tra, giám sát tại 20 doanh nghiệp;

- Năm 2013: Kiểm tra, giám sát tại 50 doanh nghiệp;

- Năm 2014: Kiểm tra, giám sát tại 50 doanh nghiệp.

d) Thành phần đoàn kiểm tra:

Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan Xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong phạm vi Đề án.

3.2. Giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động

a) Trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động tại các doanh nghiệp

- Đối với công đoàn cơ sở các doanh nghiệp: Có trách nhiệm xây dựng quy chế phối hợp với người sử dụng lao động trong việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của người lao động; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động đề nghị người sử dụng lao động xem xét giải quyết. Trường hợp người sử dụng lao động kéo dài không giải quyết hoặc các bên có bất đồng quan điểm không thể giải quyết được thì kịp thời báo cáo công đoàn cấp trên và lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, cơ sở trực tiếp về đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết.

- Đối với Tổ tư vấn trực tiếp tại khu nhà trọ và Tổ tư vấn lưu động:

Hướng dẫn công nhân lao động làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời tổng hợp các kiến nghị của công nhân lao động báo cáo công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp quản lý Tổ và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn để được xem xét hỗ trợ giải quyết.

- Đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

Tiếp nhận các thông tin do Tổ tư vấn trực tiếp tại khu nhà trọ và Tổ tư vấn lưu động cung cấp để phân loại giải quyết. Cụ thể:

- Đối với ý kiến kiến nghị của công nhân lao động tại các doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở: Chỉ đạo cho công đoàn cơ sở kịp thời làm việc với người sử dụng lao động giải quyết.

+ Đối với ý kiến kiến nghị của công nhân lao động tại các doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở: Đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương làm việc với người sử dụng lao động giải quyết.

b) Trách nhiệm phối hợp giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

- Đối với các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng chủ sử dụng lao động cố tình kéo dài không giải quyết.

Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐTBXH, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp và Công đoàn cơ sở (đối với doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn) làm việc với người sử dụng lao động yêu cầu giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Trường hợp các cơ quan đã phối hợp giải quyết nhưng không đạt kết quả, hướng dẫn cho người lao động đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chính sách

Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ người lao động lại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bao gồm:

+ Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;

+ Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp;

+ Khuyến khích đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân thành một nội dung trong thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

+ Chính sách về giải quyết nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, khu vui chơi giải trí... cho công nhân ở các Doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

2. Các giải pháp về cơ chế

- Cơ chế huy động nguồn lực thực hiện đề án:

+ Ngân sách UBND tỉnh cấp hàng năm để tổ chức thực hiện các nội dung đề án;

+ Khuyến khích sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp cho các hoạt động đề án tại doanh nghiệp;

+ Huy động các nguồn hỗ trợ khác (các dự án do nước ngoài tài trợ, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai...).

- Cơ chế phân cấp và phối hợp:

Các hoạt động của Đề án được phân công cho từng cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp thực hiện để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đánh giá kết quả của Đề án.

- Cơ chế giám sát, đánh giá:

+ Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của các Sở, ban, ngành liên quan;

+ Phát huy cơ chế phối hợp công tác giữa Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các sở, ban, ngành có liên quan;

+ Huy động sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động vào việc thiết kế, thực hiện và giám sát việc thực hiện các hoạt động của Đề án.

3. Các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật thực hiện đề án

- Bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật trực tiếp tại các khu nhà trọ có đông công nhân lao động và đội ngũ tư vấn pháp luật lưu động.

- Bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động cho đội ngũ Hòa giải viên lao động cấp huyện, Chủ tịch công đoàn cơ sở các doanh nghiệp.

- Kết hợp việc xây dựng mô hình điểm với nhân rộng điển hình, kết hợp việc kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiên tiến với việc xử phạt nghiêm minh và gây dư luận xã hội phê phán những hành vi vi phạm pháp luật.

- Tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn; xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

- Xây dựng cơ chế phối hợp xử lý kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. PHẠM VI, THỜI GIAN

Đề án được triển khai thực hiện từ 2012 đến 2015 trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.

II. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH

- Thành lập Ban Điều hành Đề án do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

- Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.

- Cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các hoạt động thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc thực hiện các hoạt động đó, và để phối hợp với Ban Điều hành chung của Đề án.

III. PHÂN CÔNG; TRÁCH NHIỆM

a) Liên đoàn Lao động tỉnh

Là cơ quan chủ trì Đề án, tổ chức phối hợp, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của nhóm giải pháp 3 trên phạm vi cả tỉnh, gồm các hoạt động: khảo sát; biên soạn tài liệu nguồn; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tư vấn trực tiếp các khu nhà trọ, tư vấn lưu động cho người lao động tại các khu nhà trọ, tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và tại các doanh nghiệp khi có nhu cầu; hoạt động truyền thông chung của Đề án; hoạt động chỉ đạo điểm và nhân điển hình, đề xuất khen thưởng; giám sát, đánh giá Đề án.

b) Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết các vụ việc... khi xảy ra tranh chấp đình công.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong phạm vi Đề án;

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án;

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh kịp thời đề xuất UBND tỉnh về phương án giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của công nhân lao động còn vướng mắc.

c) Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong phạm vi Đề án;

- Kịp thời đề xuất UBND tỉnh về phương án giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của công nhân lao động còn vướng mắc.

d) Sở Tư pháp

- Tư vấn về phương pháp thực hiện Đề án; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng bộ tài liệu pháp luật, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động;

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động, các doanh nghiệp trong phạm vi đề án.

đ) Sở Tài chính

- Bố trí kinh phí để thực hiện đề án, đồng thời hướng dẫn sử dụng và quyết toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung của Đề án.

c) Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình

- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động;

- Chỉ đạo lực lượng phóng viên, biên tập viên chuyên viết về pháp luật của các báo, đài, trang thông tin điện tử phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, tổ chức trong Đề án thực hiện các nội dung của Đề án.

g) UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn có liên quan

- Tích cực tham gia cùng giải quyết các vụ tranh chấp đình công.

- Phối hợp với tổ chức công đoàn thành lập, quản lý các Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ;

- Tạo điều kiện cho các Tổ tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ, Tổ tư vấn pháp luật lưu động hoạt động trên địa bàn.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Tiến độ thực hiện Đề án: 2012 đến 2015, chia làm hai giai đoạn

a) Giai đoạn 2012 đến hết năm: Xây dựng và phê duyệt Đề án; khảo sát nhu cầu; lập kế hoạch triển khai; xây dựng chính sách; triển khai thí điểm rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

b) Giai đoạn 2013 - 2015: Triển khai đồng loạt tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp; sơ kết 2 năm; tiếp tục triển khai có bổ sung các nội dung mới và rút kinh nghiệm từ sơ kết giai đoạn I; đánh giá kết quả, tổng kết Đề án; khuyến nghị bước tiếp theo.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

a) Tổng kinh phí ước tính thực hiện: khoảng 4 tỷ đồng.

b) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách UBND tỉnh cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác; Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm.

VI. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI

- Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật nói chung, trước hết là pháp luật về lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thực hiện tốt hơn các chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Hòa giải viên lao động, thành viên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở; tư vấn viên Tổ tư vấn trực tiếp lại khu nhà trọ và Tổ tư vấn lưu động sẽ tạo điều kiện để đảm bảo hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phối hợp giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người lao động và các tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp.

- Góp phần tăng cường sự phối hợp ba bên giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức của người sử dụng lao động./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 3081/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015"

Số hiệu: 3081/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
Người ký: Lê Đình Thọ
Ngày ban hành: 18/09/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [10]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 3081/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015"

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…