HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 137-CP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 1969 |
VỀ VIỆC BỔ SUNG CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ
Cấp xã là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân, với sản xuất. Cán bộ xã là những người chịu trách nhiệm lãnh đạo, giáo dục, tổ chức, động viên quần chúng và cùng quần chúng thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, trong đó cán bộ chủ chốt của xã giữ vai trò rất quan trọng. Vì vậy Đảng và Nhà nước đã từng bước kiện toàn cấp xã và chú ý bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ xã về mọi mặt và đã ban hành một số chính sách, chế độ đãi ngộ vật chất để tạo cho cán bộ xã có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng vì chính sách, chế độ đối với cán bộ xã còn chưa đầy đủ và việc chấp hành những chính sách, chế độ đã ban hành còn có những thiếu sót, nên đã ảnh hưởng một phần đến việc đào tạo và nâng cao đội ngũ cán bộ xã.
Để giải quyết vấn đề này một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ cách mạng to lớn hiện nay và sau này, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 5 năm 1969 đã quyết định:
1. Giao cho Bộ Nội vụ cùng với Ban Tổ chức trung ương, Ban Nông nghiệp trung ương, Bộ Lao động, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan ở trung ương nghiên cứu những vấn đề dưới đây để đưa trình thường vụ Hội đồng Chính phủ:
- Vị trí, chức năng của cấp xã, quy hoạch đào tạo cán bộ xã và chế độ đãi ngộ vật chất bao gồm cả chế độ bảo hiểm xã hội đối với các loại cán bộ xã (kể cả cán bộ giữ vai trò chủ chốt, cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ trong hợp tác xã) bảo đảm cho cán bộ xã yên tâm phục vụ công tác;
- Thống nhất quản lý các nguồn thu và chi ở xã, lập ngân sách xã theo hướng tăng các nguồn thu cho ngân sách xã để xã tự giải quyết dần những yêu cầu về phát triển kinh tế, văn hóa, và trợ cấp cho cán bộ xã, tiến tới bớt dần phần trợ cấp do ngân sách Nhà nước đài thọ.
2. Trước mắt, Hội đồng Chính phủ quy định bổ sung một số chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và hợp tác xã như sau:
I. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP HÀNG THÁNG VÀ CHẾ ĐỘ THAM GIA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT.
a) Quy định chung cho mỗi xã có từ 5 đến 7 cán bộ chuyên trách công tác Đảng và công tác chính quyền, gồm có: bí thư Đảng ủy xã phụ trách chung và đi sâu vào nhiệm vụ hợp tác hóa nông nghiệp; phó bí thư hoặc thường vụ Đảng ủy xã, thường trực Đảng; chủ tịch Ủy ban hành chính xã phụ trách kế hoạch, sản xuất và lao động; phó chủ tịch phụ trách công tác tài chính thương nghiệp, đời sống, hướng dẫn kiểm tra công tác tài vụ, phân phối của các loại hợp tác xã; phó chủ tịch phụ trách công tác nội chính, trưởng công an xã; ủy viên thư ký Ủy ban hành chính xã, phụ trách công tác văn giáo; xã đội trưởng.
- Ngoài số cán bộ chuyên trách trên, quy định cho mỗi xã có từ 10 đến 13 cán bộ nửa chuyên trách để bảo đảm các công tác như: bí thư thanh niên; hội trưởng phụ nữ; cán bộ phụ trách công tác tài chính, kế toán, ngân sách xã; cán bộ phụ trách công tác kế hoạch lao động và hợp tác hóa; cán bộ phụ trách công tác thống kê; cán bộ phụ trách công tác giao thông, thủy lợi và quản lý ruộng đất; cán bộ phụ trách công tác chăn nuôi và thú y; một phó công an xã phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu, thống kê dân số; một xã đội phó; văn phòng Đảng ủy kiêm công tác tổ chức xây dựng Đảng; văn phòng Ủy ban hành chính xã kiêm công tác tổ chức chính quyền; cán bộ phụ trách công tác thương binh – xã hội; cán bộ phụ trách công tác văn hóa, thông tin.
Ở các xã nhỏ hoặc xã có hợp tác xã quy mô toàn xã có thể rút bớt một số cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách. Ở các xã to, có nhiều hợp tác xã, nhiều ngành nghề, tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp cũng không được vượt quá số lượng tối đa đã quy định trên đây. Ở các xã miền núi có thể rút bớt hoặc phân công kiêm nhiệm để có cán bộ phụ trách lâm nghiệp hoặc phụ trách các bản, lũng xa đối với trung tâm của xã.
- Mức phụ cấp hàng thàng cho bí thư Đảng ủy xã (hoặc bí thư chi bộ xã ở nơi chưa có Đảng ủy) và chủ tịch Ủy ban hành chính xã mỗi người 30 đồng, riêng ở vùng cao miền núi 33 đồng. Các cán bộ chuyên trách khác, hàng tháng, mỗi người được phụ cấp 25 đồng, ở vùng cao miền núi 28 đồng. Các khoản chi này do ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đài thọ.
- Mức phụ cấp hàng tháng cho mỗi cán bộ nửa chuyên trách từ 12 đến 15 đồng, riêng ở vùng cao miền núi từ 15 đồng đến 18 đồng. Các khoản chi này do ngân sách xã đài thọ, nếu không đủ thì Ủy ban hành chính tỉnh.
II. CHẾ ĐỘ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CÁN BỘ XÃ.
Các cấp, các ngành có trách nhiệm chăm lo đến việc nâng cao trình độ của cán bộ xã và hợp tác xã bằng cách thường xuyên mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế, tổ chức đi tham quan, phổ biến kinh nghiệm thực tế,… Trong thời gian đi học các lớp huấn luyện, bồi dưỡng hoặc đi tham quan, cán bộ xã và hợp tác xã được hưởng các chế độ sau đây:
- Được trợ cấp tiền ăn, tiền tài liệu, sách báo cần thiết, tiền trợ cấp thuốc men, được chữa bệnh khi ốm đau và được trợ cấp các khoản chi cần thiết khác phục vụ cho việc học tập. Riêng cán bộ nữ được trợ cấp thêm tiền vệ sinh phí. Nếu có con nhỏ mang theo thì được gửi con vào nhóm trẻ của trường, hoặc nhóm trẻ của hợp tác xã gần trường; các cháu ốm đau được khám bệnh và cấp thuốc; chị em gặp khó khăn, túng thiếu quá thì con được xét trợ cấp cả hoặc một phần tiền ăn trong thời gian theo mẹ ở lớp huấn luyện. Các khoản chi phí này do quỹ đào tạo của địa phương hoặc của ngành mở lớp đó đài thọ.
- Cán bộ xã và hợp tác xã đang được hưởng phụ cấp, khi đi học được giữ cả hoặc một phần phụ cấp đó để giúp đỡ gia đình; nếu còn học lớp ngắn hạn khoảng 3 tháng thì được giữ nguyên phụ cấp hàng tháng, nếu học lớp dài hạn và học xong về lại tiếp tục làm việc cho xã, thì được giữ nửa khoản phụ cấp hàng tháng. Đối với cán bộ y tế xã thì Bộ Y tế cùng với Bộ Nội vụ và các ngành có liên quan hướng dẫn riêng.
- Cán bộ đi học mà gia đình gặp nhiều khó khăn, túng thiếu thì huyện có trách nhiệm hướng dẫn xã và hợp tác xã có biện pháp giúp đỡ thiết thực để cho các anh chị em đó yên tâm học tập và có thể cho giữ cả khoản phụ cấp hàng tháng.
III. CHẾ ĐỘ BẢO VỆ SỨC KHOẺ CHO CÁN BỘ XÃ.
Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho cán bộ xã, hợp tác xã và chỉ đạo các cơ quan y tế của địa phương, các bệnh viện, trạm xá thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ khám bệnh, điều trị, bồi dưỡng quản lý sức khoẻ của cán bộ xã.
Các cán bộ chủ chốt của xã như cấp ủy viên, ủy viên Ủy ban hành chính xã, trưởng, phó các ngành, các đoàn thể và cán bộ chủ chốt của hợp tác xã như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, bí thư chi bộ hợp tác xã khi ốm đau hoặc sức khoẻ bị giảm sút nhiều được khám bệnh, chữa bệnh, nằm điều trị ở bệnh viện, nơi an dưỡng, và được hưởng các chế độ ăn, bồi dưỡng, thuốc men như cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước. Các khoản chi về việc này do ngân sách địa phương đài thọ
IV. CHẾ ĐỘ GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH CÁN BỘ XÃ KHI GẶP KHÓ KHĂN, TÚNG THIẾU
Đối với cán bộ xã và hợp tác xã gặp khó khăn, túng thiếu đột xuất do thiếu sức lao động, ốm đau hoặc do tai nạn bất thường xẩy ra thì các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huyện có trách nhiệm lãnh đạo xã và hợp tác xã săn sóc giúp đỡ thiết thực đối với anh chị em: bố trí những công việc lao động thích hợp với sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình của cán bộ; trường hợp cần thiết thì hợp tác xã hoặc Ủy ban hành chính xã có thể trích quỹ để trợ cấp thêm cho gia đình cán bộ gặp khó khăn, túng thiếu đột xuất; nếu hợp tác xã và Ủy ban hành chính xã không có điều kiện giải quyết được thì Ủy ban hành chính huyện đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét và trợ cấp.
V. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ HOẠT ĐỘNG LÂU NĂM VÀ CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA XÃ KHI GIÀ YẾU NGHỈ VIỆC.
Đối với những cán bộ xã hoạt động từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay (theo thông tư số 32-TT/TC của Ban Tổ chức trung ương) có nhiều cống hiến cho cách mạng và những cán bộ chủ chốt của xã (từ trưởng, phó các ngành, các đoàn thể trở lên) đã công tác liên tục từ 5 năm trở lên, nay vì tuổi già hoặc mất sức lao động mà được nghỉ việc thì Đảng uỷ, Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã cần chú ý săn sóc giúp đỡ về tinh thần, vật chất khi gặp khó khăn; nếu Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã không thể giải quyết được thì Ủy ban hành chính huyện đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét và giải quyết. Khi các cán bộ này bị ốm đau hoặc chết thì được hưởng các chế độ chữa bệnh và mai táng như khi đang công tác.
Riêng đối với các cán bộ xã đã hoạt động từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và các đồng chí trước đã tham gia kháng chiến chống Pháp, được tặng thưởng huân chương, huy chương hiện là trưởng ngành hoặc trước đã làm trưởng ngành ở xã trở lên như chính trị viên xã đội, xã đội trưởng, trưởng công an xã, hội trưởng phụ nữ, bí thư thanh niên xã… là cán bộ tốt đã có những cống hiến nhất định cho xã , vì già yếu hoặc mất sức lao động được nghỉ công tác, hoặc được giao công tác nhẹ hơn mà không có phụ cấp như các cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách xã nói trên, nếu đã qua 15 năm công tác liên tục trong đó có 5 năm giữ chức vụ chủ chốt ở xã, thì hàng tháng được trợ cấp từ 12 đồng đến 15 đồng do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt và Ủy ban hành chính xã trực tiếp các cấp. Các khoản chi này do quỹ xã hội thuộc ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ.
Ngoài những chế độ quy định trên đây và những chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã đã ban hành từ trước đến nay, việc phân phối lương thực và một số hàng công nghiệp tiêu dùng cho cán bộ xã cần được chấp hành tốt theo đúng những quy định của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Mặt khác, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Ban Tổ chức trung ương và các ngành thương nghiệp, lương thực và thực phẩm căn cứ vào khả năng thực tế hiện nay, nghiên cứu bổ sung một số điểm cho thích hợp, nhất là đối với các xã ở vùng cao miền núi.
Về mặt tinh thần, các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huyện cần theo dõi, khen thưởng kịp thời những cán bộ xã và hợp tác xã có nhiều thành tích về sản xuất, chiến đấu và nâng cao đời sống của nhân dân để động viên cán bộ và phong trào.
Quyết định này được ban hành có một ý nghĩa rất quan trọng và là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước trong việc củng cố kiện toàn cấp xã và bồi dưỡng nâng cao đội ngũ cán bộ xã.
Các cấp, các ngành cần quán triệt đầy đủ, chấp hành nghiêm chỉnh quyết định này và bảo đảm việc phổ biến quyết định này được sâu, rộng tới cơ sở, làm cho cán bộ, nhân dân thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cấp xã và cán bộ xã mà thêm hăng hái, phấn khởi thực hiện tốt quyết định này.
Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các ông thủ trưởng các ngành có liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc thi hành quyết định này.
Quyết định này được thi hành kể từ ngày ký.
Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện quyết định này lên Hội đồng Chính phủ.
|
TM. HỘI ĐỒNG
CHÍNH PHỦ |
Quyết định 137-CP năm 1969 về việc bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 137-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Hội đồng Chính phủ |
Người ký: | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành: | 07/08/1969 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 137-CP năm 1969 về việc bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
Chưa có Video