ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 12 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 19-NQ/TU NGÀY 23/5/2003 CỦA TỈNH ỦY (KHÓA XII) VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CÁN BỘ VÀ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
Thực hiện Kết luận số 72-KL/TU ngày 04/7/2013 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Chương trình hành động số 19-NQ/TU ngày 23/5/2003 của Tỉnh ủy về công tác tổ chức, cán bộ và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy); Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành trong công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống quản lý hành chính, sự nghiệp nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Kết luận số 72-KL/TU ngày 04/7/2013 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 23/5/2003 của Tỉnh ủy (khóa XII) về công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
2. Yêu cầu:
- Cụ thể hóa kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
- Quán triệt và thực hiện có hiệu quả và đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu trong Kết luận số 72-KL/TU ngày 04/7/2013 của Tỉnh ủy.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để kịp thời chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm điều chỉnh, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các nghị định văn bản hướng dẫn mới của Trung ương, đảm bảo bộ máy hoạt động gọn nhẹ, có hiệu quả, chất lượng, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
- Rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại các đơn vị sự nghiệp, phù hợp với các điều kiện về kinh tế của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nếu đơn vị nào hoạt động hiệu quả thấp thì giải thể; đơn vị nào có khả năng khai thác nguồn thu thì chuyển sang tự trang trải kinh phí; một số đơn vị đặc thù thì phải củng cố lại, nhằm nâng cao tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đồng thời giảm chi ngân sách của tỉnh, của nhà nước.
- Kịp thời hoàn thiện các quy chế, quy định theo hướng phân công, phân cấp rõ ràng và đề cao trách nhiệm cá nhân, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.
2. Công tác quy hoạch cán bộ, công chức
- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện đúng qui trình 3 khâu giữa công tác quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Gắn với thực hiện tốt Nghị quyết số 42-NQ/TƯ ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 20/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ thuộc phạm vi quản lý và đề xuất qui hoạch các chức danh thuộc diện cấp trên quản lý.
- Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng, đồng thời có sự phân cấp hợp lý về thẩm quyền quy hoạch cán bộ, phù hợp với phân cấp quản lý, sử dụng cán bộ.
- Thống nhất thực hiện chủ trương quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm. Đối với cán bộ đảm nhiệm chức danh có quy định một người không giữ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp nếu còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch thì cần xem xét để quy hoạch ở chức vụ khác, hoặc bố trí giữ chức vụ đó ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác.
- Xây dựng quy hoạch cán bộ phải đồng thời với xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch. Cấp có thẩm quyền có quyền bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới và phê duyệt quy hoạch của cấp dưới khi có đầy đủ kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sắp xếp cán bộ theo quy hoạch.
- Về số lượng nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý: Tối thiểu phải quy hoạch 02 đến 03 người vào 01 chức danh; không quy hoạch 01 người cho 01 chức danh. Không quy hoạch 01 người vào quá 03 chức danh; không quy hoạch 01 chức danh quá 04 người.
- Duy trì nghiêm cơ cấu 03 độ tuổi trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp. Danh sách quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo cơ cấu 03 độ tuổi; dãn cách giữa 03 độ tuổi là 05 năm.
- Về độ tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý lần đầu nói chung phải đủ tuổi để tham gia được 02 nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải tham gia được trọn 01 nhiệm kỳ.
- Về tỷ lệ nữ trong quy hoạch phải đảm bảo không dưới 15% trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp. Đồng thời, thực hiện chủ trương: Đối với cấp huyện và tương đương trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo.
3. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng.
- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, địa phương, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự vững vàng và kiên định về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống; đoàn kết, thống nhất; có trí tuệ, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn đảm bảo các vị trí công tác; trên cơ sở đó, có kế hoạch đào tạo, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để tạo nguồn cán bộ.
- Từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chủ chốt phải có trình độ đại học về chuyên môn nghiệp vụ và cao cấp hoặc cử nhân chính trị trở lên. Đối với cán bộ làm công tác khoa học, phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ thạc sỹ trở lên, có lý lịch chính trị rõ ràng, có tư duy và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trên cơ sở đội ngũ cán bộ, công chức đã được quy hoạch, căn cứ chỉ tiêu đã đề ra, các cấp, các cơ quan đơn vị rà soát một cách toàn diện, dự kiến nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước… để nghiên cứu và có kế hoạch đào tạo.
Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị, địa phương, tỉnh sẽ mở các lớp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức để hoàn chỉnh các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức đối với những trường hợp đã được bổ nhiệm nhưng còn thiếu các tiêu chuẩn quy định, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức trẻ mới được đề bạt, bổ nhiệm.
- Mục tiêu từ đây đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được đào tạo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định; 95% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng; 90% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng trước khi được bổ nhiệm.
Đối với cán bộ công chức cấp xã, 90% cán bộ có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định; 100% cán bộ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng; 90% công chức cấp xã vùng núi có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.
4. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ
Nghiêm túc thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ công chức hằng năm, đưa vào hồ sơ cán bộ; coi trọng ý kiến nhận xét của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xem đây là thước đo của sự cống hiến và trưởng thành của cán bộ, công chức; ưu tiên bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức được đánh giá xếp loại xuất sắc.
5. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
- Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tuân theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp đặc biệt). Căn cứ các tiêu chuẩn cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đã được quy định để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Không bổ nhiệm lại những cán bộ dưới 45 tuổi còn thiếu các tiêu chuẩn về trình độ. Đối với cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, đã được bổ nhiệm lần đầu nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học thì cơ quan, đơn vị sử dụng phải có kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng; nếu không được bổ sung đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên thì sẽ không được bổ nhiệm lại.
- Tiếp tục đổi mới các khâu trong công tác tổ chức, cán bộ; việc sử dụng, bố trí và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; đúng nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ, đảm bảo dân chủ, công khai. Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều thực hiện theo đúng quy trình lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
6. Công tác luân chuyển
- Tiếp tục thực hiện thường xuyên việc luân chuyển cán bộ, công chức lãnh đạo cấp sở, cấp huyện; sau hai nhiệm kỳ phải được chuyển đổi vị trí công tác. Riêng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp sở, cấp huyện, sau hai nhiệm kỳ công tác cần xem xét để được luân chuyển sang công tác khác. Việc luân chuyển không nhất thiết đóng khung trong cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các đơn vị trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ trong công tác quản lý nhà nước. Quy định về chế độ, chính sách, điều kiện làm việc nhằm tạo động lực cho cán bộ được luân chuyển yên tâm công tác.
- Thời hạn luân chuyển cán bộ tối thiểu từ 02 năm trở lên để cán bộ được luân chuyển rèn luyện, phấn đấu và thâm nhập thực tiễn có chiều sâu. Khi kết thúc thời hạn luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ tiến hành nhận xét, đánh giá, cân nhắc việc bố trí nhiệm vụ mới cho cán bộ.
7. Xây dựng cơ chế, chính sách cho chiến lược cán bộ
- Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, kiến thức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có học vị cao hơn; xây dựng cơ chế, chính sách luân chuyển có định kỳ cán bộ, công chức quản lý để tăng cường cho những địa phương thường xuyên thiếu cán bộ có năng lực, trình độ…
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch của cấp, ngành mình và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch này. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng và hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) theo quy định.
2. Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp xây dựng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch trên của tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 131/KH-UBND năm 2103 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Chương trình hành động 19-NQ/TU về công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 131/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 25/12/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 131/KH-UBND năm 2103 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Chương trình hành động 19-NQ/TU về công tác tổ chức, cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video