TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO
ĐỘNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/HD-LĐLĐ |
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2022 |
ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ
- Căn cứ Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị Quy định về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 05/1/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm đối với đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy;
- Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Hướng dẫn 1295/HD-TLĐ ngày 14/8/2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc Hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở;
Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội ban hành Hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC
1. Mục đích
1.1. Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng công ty, Công đoàn cấp trên cơ sở (sau đây gọi chung là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động; khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo hoạt động Công đoàn cơ sở.
1.2. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được LĐLĐ thành phố thông báo tới các cấp ủy cùng cấp và báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội; là căn cứ kiểm điểm đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý hàng năm trong thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền được giao; đồng thời là căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội.
2. Yêu cầu
2.1. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tiến hành hằng năm và phải công khai kết quả tới các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội.
2.2. Nội dung, tiêu chí đánh giá Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở và người lao động”; phương pháp, quy trình các bước đánh giá, xếp loại phải thuận tiện, dễ thực hiện.
3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại
3.1. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bám sát các tiêu chí, những nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và căn cứ vào kết quả thực tế thực hiện nhiệm vụ để đánh giá, xếp loại chất lượng.
3.2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, trung thực, khách quan, toàn diện, công bằng, đúng thực chất và phải mang tính định lượng cao, phù hợp với đặc thù của loại hình Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
3.3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tự đánh giá, chấm điểm và xếp loại, có tham khảo, tiếp thu ý kiến của đoàn viên, cán bộ công đoàn. LĐLĐ thành phố Hà Nội trực tiếp thẩm định, đánh giá, quyết định xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
3.4. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thực hiện hằng năm, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống Công đoàn thành phố Hà Nội.
1. Đối tượng, điều kiện đánh giá, xếp loại
1.1. Đối tượng
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn thành phố Hà Nội, bao gồm: các LĐLĐ quận, huyện, thị xã; các Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc LĐLĐ thành phố; Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
1.2. Điều kiện:
Đối với những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập mới thì sau khi hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên; Đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chia tách, sáp nhập, hợp nhất thì sau khi hoạt động từ đủ 06 tháng trở lên thuộc đối tượng đánh giá, xếp loại (tính từ ngày Quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thi hành).
2. Khung tiêu chí đánh giá, cơ cấu thang điểm
2.1. Khung tiêu chí đánh giá, cơ cấu thang điểm
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ theo 04 nhóm tiêu chí đánh giá, với thang điểm 100, phân bổ như sau:
a). Nhóm tiêu chí đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác: khung điểm tối đa 95 điểm, bao gồm:
- Nhóm tiêu chí 1, “Hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS và người lao động”: khung điểm tối đa 40 điểm.
- Nhóm tiêu chí 2, “Thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm”: khung điểm tối đa 40 điểm.
- Nhóm tiêu chí 3, “Công tác tham gia quản lý, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động”: khung điểm tối đa 15 điểm.
b) Nhóm tiêu chí điểm thưởng: Khung điểm tối đa 05 điểm.
2.2. Xây dựng Bảng chấm điểm
- Căn cứ chủ đề công tác, định hướng chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội; căn cứ các nội dung tiêu chuẩn quy định tại Hướng dẫn 1295/HD-TLĐ ngày 14/8/2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc Hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; LĐLĐ thành phố xây dựng Bảng chấm điểm chi tiết từng nội dung cho phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của từng năm và từng đối tượng Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhưng số điểm của mỗi nhóm không vượt quá số điểm tối đa theo quy định về khung thang điểm.
- Điểm thưởng chỉ dành để khuyến khích, động viên Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về thu tài chính Công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác thương lượng, xây dựng, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; có giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS;
- Những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc diện phải đánh giá, xếp loại mà không thực hiện đánh giá, xếp loại thì LĐLĐ thành phố xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”.
Chất lượng hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được xếp loại theo 04 mức sau:
3.1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”:
- Là những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được chọn trong số các đơn vị được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, lấy theo thứ tự các đơn vị có kết quả chấm điểm cuối năm từ cao xuống thấp cho đủ số lượng theo quy định. Chỉ những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cơ bản là: thu tài chính Công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác thương lượng, xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, mới được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
- Số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tối đa không vượt quá 20% tổng số đơn vị xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
- Những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại “Hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ” thuộc đối tượng xét đề nghị khen thưởng.
3.2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”:
Là những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có tổng số điểm đạt từ 80 điểm trở lên.
3.3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “Hoàn thành nhiệm vụ”:
Là những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có tổng số điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 80 điểm.
3.4. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “Không hoàn thành nhiệm vụ”:
Là những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm.
4. Quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng
4.1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tự đánh giá
- Hàng năm, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố căn cứ kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị mình tự đánh giá, chấm điểm theo bảng chấm điểm của Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố; căn cứ mức độ kết quả đạt được của từng nội dung để tính điểm, kết quả đạt đến đâu thì chấm điểm tương ứng; tất cả nội dung của các tiêu chí khi chấm điểm phải có hồ sơ, số liệu minh chứng cụ thể; Căn cứ kết quả chấm điểm, đề xuất mức xếp loại chất lượng của đơn vị mình.
- Hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm; Bảng tự chấm điểm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; biểu tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại CĐCS trực thuộc.
4.2. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đánh giá, xếp loại
- Các ban LĐLĐ thành phố căn cứ kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với chuyên đề của đơn vị mình tiến hành chấm điểm và đề xuất mức xếp loại đối với từng đơn vị theo các cụm thi đua; kết quả chấm điểm gửi về Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động để tổng hợp chung.
- LĐLĐ thành phố có thể thành lập các đoàn kiểm tra, thẩm định, phúc tra, trực tiếp đánh giá, chấm điểm thẩm định, xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở;
- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tới các cấp Công đoàn và các cấp ủy đồng cấp, đồng thời báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội theo quy định.
1. Đối với LĐLĐ thành phố Hà Nội
1.1. Giao Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động:
- Căn cứ nội dung tiêu chuẩn xây dựng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hàng năm xây dựng bảng chấm điểm chi tiết cho các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Hằng năm đôn đốc, tập hợp kết quả, thẩm định, phúc tra, đánh giá, chấm điểm, quyết định xếp loại các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác đánh giá, xếp loại, có biện pháp hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Phối hợp với Ban Tổ chức LĐLĐ thành phố tổng hợp, tham mưu kết quả đánh giá xếp loại các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm căn cứ đề xuất các hình thức thi đua khen thưởng.
1.2. Giao Ban Tổ chức LĐLĐ thành phố
- Làm đầu mối tham mưu, phối hợp với các ban LĐLĐ thành phố đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Hằng năm kiểm tra, giám sát thực hiện Hướng dẫn này.
- Tập hợp, theo dõi, đề xuất sơ kết, tổng kết công tác xây dựng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vững mạnh và đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở;
- Hàng năm tham mưu thông báo công khai kết quả đánh giá, xếp loại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định; và báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội.
1.3. Các ban LĐLĐ thành phố
- Phối hợp theo dõi, đánh giá chấm điểm xếp loại đối với nội dung chuyên đề được phân công phụ trách
- Phối hợp đề xuất đổi mới nội dung hoạt động thuộc chuyên đề được phân công phụ trách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
2. Đối với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Hằng năm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác theo yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn cơ sở và chỉ đạo của công đoàn cấp trên.
- Thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại, đảm bảo tính khách quan, chính xác và trung thực; lập hồ sơ đánh giá, xếp loại gửi về công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định xếp loại theo quy định của LĐLĐ thành phố.
- Căn cứ kết quả hoạt động theo quyết định xếp loại của công đoàn cấp trên, từng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác cho phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động.
Hướng dẫn này được phổ biến đến tất cả các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và áp dụng đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động từ năm 2022./.
|
TM.
BAN THƯỜNG VỤ |
Hướng dẫn 20/HD-LĐLĐ năm 2022 về đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 20/HD-LĐLĐ |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Phi Thường |
Ngày ban hành: | 28/10/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 20/HD-LĐLĐ năm 2022 về đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành
Chưa có Video