BỘ NỘI VỤ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 14-NV |
Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH PHỤC VIÊN, LIỆT SĨ NĂM 1962
Năm 1962, nhiệm vụ chung của công tác thương binh, liệt sĩ là “Ra sức đẩy mạnh việc chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với thương binh phục viên, liệt sĩ và đẩy mạnh phong trào quần chúng săn sóc, giúp đỡ thương binh phục viên và gia đình liệt sĩ trong việc làm ăn, chủ yếu là giúp đỡ những thương binh và gia đình liệt sĩ hiện đang gặp khó khăn để dần dần nâng mức sống của anh em và của gia đình theo kịp với mức sống của nhân dân, tích cực bồi dưỡng giáo dục thương binh, phục viên và động viên khuyến khích gia đình liệt sĩ tham gia công tác và sản xuất.”
Kết hợp với trọng tâm trên, tiếp tục làm nốt những công việc về xác nhận thương binh, xác nhận liệt sĩ, giải quyết các quyền lợi cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích và trồng cây, tu sửa, bảo quản tốt các nghĩa trang liệt sĩ để hoàn thành những công việc này trong một thời gian nhất định.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên đây, Bộ nêu lên những phương hướng chính và một số mặt công tác cụ thể để các Uỷ ban dựa vào đó mà có kế hoạch chỉ đạo cho sát với từng địa phương.
I. ĐẨY MẠNH VIỆC CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH VÀ PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG THƯỜNG XUYÊN SĂN SÓC, GIÚP ĐỠ THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, CHỦ YẾU LÀ GIÚP ĐỠ NHỮNG ANH EM VÀ GIA ĐÌNH HIỆN ĐANG GẶP KHÓ KHĂN.
Năm nay, hướng chính của công tác thương binh phục viên, liệt sĩ là phải chỉ đạo phong trào quần chúng kế hợp với việc chấp hành tốt các chính sách đã được quy định nhằm thiết thực giúp đỡ các thương binh phục viên và gia đình liệt sĩ hiện đang gặp khó khăn:
1. Các Uỷ ban hành chính tỉnh cần phối hợp với các Ban công tác nông thôn có kế hoạch chỉ đạo một cách toàn diện hơn việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, điểm chủ yếu là làm cho việc thực hiện những biện pháp trong chỉ thị trở thành nhiệm vụ thường xuyên, được ghi trong điều lệ của các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể cần làm tốt một số việc sau đây:
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và giáo dục tinh thần và nội dung chỉ thị trên đến các xã và trong từng hợp tác xã nông nghiệp (nhất là những nơi chưa phổ biến) nhằm nâng cao nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của toàn thể xã viên trong việc chấp hành chính sách, đồng thời bàn bạc việc thi hành cụ thể ở địa phương mình.
- Nắm vững tình hình đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ, thống kê phân loại những anh em và gia đình hiện đang gặp khó khăn (đặc biệt chú ý đến anh em thương binh thương tật nặng, cha mẹ già yếu của liệt sĩ, con em liệt sĩ bơ vơ không nơi nương tựa). Trên cơ sở thống kê và phân loại các thương binh và gia đình liệt sĩ gặp khó khăn, các hợp tác xã sẽ bàn bạc cách giúp đỡ thiết thực, chủ yếu nhất là tạo điều kiện cho anh em và gia đình có công việc làm thích hợp để có thu nhập thường xuyên. Việc giúp đỡ anh em và gia đình gặp khó khăn sẽ đặt thành quy ước chung cho toàn thể xã viên, mặt khác Uỷ ban hành chính huyện, tỉnh sẽ giải quyết việc trợ cấp khó khăn, điều chỉnh công việc làm, v.v…
2. Ngoài việc chỉ đạo phong trào quần chúng như trên, năm nay cần chấp hành tốt các chính sách đã quy định cụ thể là:
Thực hiện đúng, kịp thời việc trợ cấp khó khăn cho các gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích, thực hiện tốt việc nâng phụ cấp thương tật cho thương binh.
- Chỉ đạo chặt chẽ việc trợ cấp mất sức lao động đợt 2 cho quân nhân phục viên, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng chính sách, thực hiện tốt việc chữa vết thương và bệnh cũ tái phát đúng như quy định mới sắp ban hành.
- Xét trợ cấp khó khăn cho thương binh nói chung và trợ cấp tiếp sức cho thương binh miền Nam nói riêng cho chính xác, kịp thời.
3. Củng cố và phát triển phong trào đỡ đầu con em liệt sĩ ở địa phương kết hợp với việc giúp đỡ thêm của Nhà nước, nhằm giải quyết tốt các cháu hiện đang gặp khó khăn. Ở nông thôn nhất là những xã có các cháu không nơi nương tựa cần dựa vào các hợp tác xã nông nghiệp để phát triển phong trào. Các quỹ đỡ đầu đã gây được trong từng hợp tác xã do Ban quản trị hợp tác xã quản lý sử dụng và phân phối để giúp đỡ các cháu ở hợp tác xã của mình (nhưng cần tránh quyên góp, bổ bán). Ở thành thị, cần giữ vững và phát triển phong trào ở các Công đoàn cơ quan, xí nghiệp trường học, bộ đội. Cần đưa phong trào đi vào toàn diện, không những giúp đỡ về vật chất mà phải chú trọng cả về mặt tinh thần, tạo điều kiện cho các cháu học tập tiến bộ ngay tại địa phương.
II. TÍCH CỰC BỒI DƯỠNG GIÁO DỤC THƯƠNG BINH PHỤC VIÊN, ĐỘNG VIÊN KHUYẾN KHÍCH GIA ĐÌNH LIỆT SĨ THAM GIA CÔNG TÁC VÀ SẢN XUẤT.
Năm nay, cần quan tâm đúng mức tới công tác này và có kế hoạch cụ thể nhằm làm cho tất cả thương binh phục viên và gia đình liệt sĩ phát huy được truyền thống cách mạng, góp phần đắc lực cho phong trào ở địa phương.
Thông qua công tác và sản xuất ở địa phương để bồi dưỡng, giáo dục đào tạo anh em bằng những biện pháp như sắp xếp công tác thích hợp giải quyết những khó khăn để anh em yên tâm công tác, dần dần bồi dưỡng, đào tạo anh em trở thành cán bộ tốt ở địa phương (chú ý anh em thương binh miền nam) và tạo điều kiện sắp xếp cho một số anh em theo học các lớp chuyên môn hoặc làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của tỉnh, huyện v.v…
Mặt khác cần động viên, khuyến khích và khen thưởng những anh em thương binh phục viên và gia đình liệt sĩ có thành tích, nhằm nêu cao vinh dự và trách nhiệm của anh em và gia đình đồng thời chú ý giáo dục một số ít anh em phạm sai lầm để anh em sửa chữa, tiến bộ.
III. TIẾP TỤC NHỮNG CÔNG VIỆC VỀ XÁC NHẬN THƯƠNG BINH, XÁC NHẬN LIỆT SĨ, GIẢI QUYẾT CÁC QUYỀN LỢI CHO THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ QUÂN NHÂN TỪ TRẦN HAY MẤT TÍCH, TIẾN HÀNH VIỆC TRỒNG CÂY TU SỬA VÀ BẢO QUẢN CÁC NGHĨA TRANG LIỆT SĨ.
1. Về xác định thương binh, cần thực hiện đúng sự hướng dẫn mới đây của Bộ kết hợp chặt chẽ việc chứng thương với việc khám thương tật, đảm bảo giải quyết được thận trọng, chính xác. Cần tích cực nhắc nhở những anh em còn sót lại, xúc tiến việc lập hồ sơ để đến hết năm 1963 phải hoàn thành hẳn việc này.
2. Về xác nhận liệt sĩ, cần xúc tiến hoàn thành sớm ở những nơi tồn tại nhiều (Thanh hoá, Nghệ an, Bắc ninh, Bắc giang và một số nơi lẻ tẻ khác) và hướng dẫn kê khai xác nhận các quân nhân mất tin, mất tích trong thời kỳ kháng chiến, tiến hành kiểm tra lại việc xác nhận ghi công ở từng địa phương để giải quyết những trường hợp sai hoặc sót trong khi thực hiện.
Song song với các việc trên đây, giải quyết nhanh gọn các quyền lợi của thương binh gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích như cấp tiền tuất, bằng Tổ quốc ghi công, khen thưởng tổng kết, gia đình vẻ vang, huy hiệu thương binh v.v… và các quyền lợi khác theo như chính sách đã quy định.
3. Về công tác mồ mả nghĩa trang liệt sĩ, năm nay, chủ yếu là trồng cây, tu sửa và tổ chức bảo quản tốt các nghĩa trang liệt sĩ, Bộ và Tổng cục Lâm nghiệp đã có chỉ thị và kế hoạch cụ thể về vấn đề này. Đề nghị các Uỷ ban nghiên cứu và chỉ đạo chặt chẽ để đạt được kết quả tốt.
Chính sách thương binh, liệt sĩ là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, về thực chất là một bộ phận trong công tác cán bộ của Đảng. Thực hiện tốt những nhiệm vụ công tác trên chẳng những góp phần tích cực vào việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng mà còn có tác dụng phát huy những nhân tố tích cực trong thương binh và gia đình liệt sĩ, góp phần đẩy mạnh các mặt công tác ở địa phương.
Để đạt được yêu cầu trên, Bộ đề nghị Uỷ ban quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trên, nhất là chú ý củng cố các bộ phận công tác thương binh, liệt sĩ ở các cấp tỉnh, huyện, xã để đủ sức thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
|
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Chỉ thị 14-NV về nhiệm vụ công tác thương binh phục viên, liệt sĩ năm 1962 do Bộ Nội vụ ban hành
Số hiệu: | 14-NV |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nội vụ |
Người ký: | Tô Quang Đẩu |
Ngày ban hành: | 09/03/1962 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 14-NV về nhiệm vụ công tác thương binh phục viên, liệt sĩ năm 1962 do Bộ Nội vụ ban hành
Chưa có Video