BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2011 |
VỀ VIỆC CỦNG CỐ MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ VÀ NÂNG CAO CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG
Để đảm bảo công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống dịch bệnh và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với sức khỏe của người lao động, theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Thông tư Liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ngày 10 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Củng cố mạng lưới Y tế cơ sở.
Các doanh nghiệp tiến hành lập bộ phận y tế theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ngày 10 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong các cơ sở lao động; các cơ sở đào tạo tiến hành thành lập trạm y tế theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm y tế trong các Học viện, trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp;
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp còn lại thuộc Bộ (Tổng cục, các Khu quản lý thuộc Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành, Ban quản lý dự án) phải bố trí cán bộ y tế để chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất hoạt động y tế tại các đơn vị.
2. Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở các cơ quan, đơn vị
a) Đối với công tác phòng chống dịch bệnh
Tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cùng với các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để xử lý kịp thời khi dịch xảy ra. Phải có công trình vệ sinh, đảm bảo nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh nơi làm việc. Bếp ăn tập thể phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
b) Đối với công tác vệ sinh lao động và giám sát môi trường lao động
- Tổ chức kiểm định môi trường lao động, đánh giá mức độ có hại của môi trường lao động đến sức khỏe người lao động và có các biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
- Lập, quản lý hồ sơ vệ sinh lao động và các điểm nguy cơ phát sinh yếu tố tác hại nghề nghiệp, nguy cơ gây tai nạn giao thông. Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.
c) Đối với công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo đúng quy định;
- Thực hiện gửi giám định tổn hại sức khỏe, thương tật cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Lập danh sách và quản lý người lao động tiếp xúc trực tiếp với môi trường có yếu tố độc hại. Tổ chức điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có kết quả khám sức khỏe định kỳ xếp loại IV, V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp;
- Xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp cứu tai nạn lao động tại cơ sở trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn. Người lao động chỉ được vào vị trí làm việc khi đã được tập huấn đầy đủ về vệ sinh lao động, phòng tránh bệnh nghề nghiệp và được khám sức khỏe khi tuyển dụng.
3. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về củng cố mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh lao động ở các cơ quan đơn vị.
4. Tổ chức thực hiện
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc tổ chức thực hiện các nội dung trên, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải (qua Cục Y tế Giao thông vận tải).
b) Cục Y tế Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống, theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch; phối hợp với các đơn vị phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc, các loại vật tư hóa chất cần thiết và trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch để xử lý kịp thời, có hiệu quả khi có dịch và sẵn sàng ứng phó theo kế hoạch hành động khẩn cấp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan định kỳ hàng năm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động tại các công trường thi công và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 03/CT-BGTVT về củng cố mạng lưới y tế cơ sở và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người lao động do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: | 03/CT-BGTVT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký: | Lê Mạnh Hùng |
Ngày ban hành: | 28/04/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 03/CT-BGTVT về củng cố mạng lưới y tế cơ sở và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người lao động do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Chưa có Video