TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-TLĐ |
Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2009 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 04/2006/NQ-TLDLDVN NGÀY 03/4/2006 VỀ “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04/2006/NQ-TLDLDVN ngày 03/4/2006 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”
Ngày 03/4/2006, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết số 04/2006/NQ-TLDLDVN về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”.
Qua hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã có tác dụng thiết thực, tạo sự chuyển biến quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động công tác Tuyên giáo công đoàn. Các cấp Công đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng và tổ chức tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của tổ chức Công đoàn đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chủ động tham gia phối hợp cùng với chính quyền, chuyên môn tổ chức tốt các phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ văn hoá, chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trong CNVCLĐ, đáp ứng yêu cầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động văn hoá, văn nghệ được duy trì, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống CNVCLĐ và đóng góp có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học đã có bước phát triển, tập trung hơn cho yêu cầu đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; công tác phát triển Đảng trong CNVCLĐ được quan tâm.
Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới nhất là tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta và trực tiếp đối với người lao động và tổ chức Công đoàn; tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của CNVCLĐ gặp nhiều khó khăn; các thế lực thù địch thực hiện “âm mưu diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta; công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được triển khai đồng bộ. Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục còn nặng về lý luận, chưa sát với tình hình thực tiễn đất nước và sự phát triển đa dạng của các loại hình công đoàn cơ sở, chưa đến được số đông CNLĐ trực tiếp sản xuất và làm việc phân tán, lưu động, CNLĐ trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn còn hạn chế; chưa có sự đầu tư nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng CNLĐ, thiếu những giải pháp phù hợp với yêu cầu cụ thể của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, sự giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp, nhất là sự hiểu biết về chính sách, pháp luật của CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế, gây trở ngại cho công tác tuyên truyền, giáo dục.
Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2006/NQ-TLDLDVN gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam, Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết 20 về “ Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ động đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hoà bình trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng của các thế lực thù địch. Các cấp Công đoàn cần bám sát quan điểm, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch công tác của địa phương, ngành để xây dựng chương trình, nhiệm vụ công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn cho phù hợp với đặc điểm thực tiễn và từng đối tượng CNVCLĐ.
2. Triển khai có hiệu quả Tiểu đề án 3, Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan đến người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu đến 2012 đạt 70% người lao động trong khu vực này được tuyên truyền, phổ biến về các quy định pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ công đoàn và người lao động như mục tiêu Tiểu đề án đã đề ra.
3. Ban Thường vụ các LĐLĐ tỉnh, Thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn các Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các Ban và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tình hình mới, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo, khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên truyền, giáo dục tại đơn vị mình.
- Nghiên cứu đề ra các hình thức tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, thích hợp với từng đối tượng CNLĐ, từng mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, nhất là CNLĐ trẻ, CNLĐ ở các khu công nghiệp. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phải tập trung hướng về cơ sở. Khai thác và phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, phát thanh, truyền hình, hoạt động của các Nhà văn hoá lao động, đội ngũ cộng tác viên, báo cáo viên, các tổ công nhân tự quản và các hình thức hoạt động văn hoá, nghệ thuật khác để chuyển tải nội dung cần tuyên truyền đến CNVCLĐ.
- Biên soạn và phát hành rộng rãi đến CNLĐ những tài liệu tuyên truyền, nhất là những tài liệu có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của CNLĐ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trước mắt, sử dụng có hiệu quả tài liệu Hỏi - Đáp nâng cao hiểu biết về chính trị và pháp luật cho công nhân lao động và các loại sổ tay pháp luật về lao động, công đoàn và các quy định pháp luật liên quan đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn.
4. Quan tâm củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo công đoàn các cấp, lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng CNVCLĐ và dư luận xã hội, nhất là công nhân lao động trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định và tiến bộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
5. Các cấp Công đoàn, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể, tranh thủ sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ đồng cấp, có kế hoạch phân công trách nhiệm, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 03 có hiệu quả; định kỳ sơ, tổng kết gửi báo cáo về Tổng Liên đoàn.
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến Công đoàn cơ sở.
Nơi nhận: |
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 01/CT-TLĐ năm 2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04/2006/NQ-TLDLDVN về “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn trong tình hình mới” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 01/CT-TLĐ |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Người ký: | Đặng Ngọc Tùng |
Ngày ban hành: | 22/09/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 01/CT-TLĐ năm 2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04/2006/NQ-TLDLDVN về “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn trong tình hình mới” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
Chưa có Video