TỔNG CỤC VẬT TƯ ******* Số: 362-TVT-KT |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC HAO HỤT VẬT TƯ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC VẬT TƯ
Căn cứ theo Nghị định số 165-CP ngày 18 tháng 10 năm 1961
quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Vật tư;
Xét tình hình quản lý định mức hao hụt vật tư hiện nay trong toàn ngành;
Để đưa công tác quản lý định mức hao hụt vật tư vào nề nếp, nhằm bảo vệ tốt tài
sản của Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này điều lệ quản lý định mức hao hụt vật tư.
Điều 2. – Các ông Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ, Chánh văn phòng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC VẬT TƯ |
ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC HAO HỤT VẬT TƯ
(Ban hành kèm theo Qyết định số 362-TVT-KT ngày 30-11-1964)
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. – Việc ban hành điều lệ quản lý định mức hao hụt vật tư nhằm:
a) Tăng cường quản lý công tác cung cấp và dự trữ vật tư, giảm bớt mức hao hụt vật tư, hạ chi phí bảo quản, chi phí lưu thông, góp phần hạ giá thành sản phẩm tăng nguồn tích lũy vốn cho Nhà nước;
b) Đẩy mạnh các biện pháp bảo quản vật tư chống hao hụt xăng dầu, kim loại, lương thực, công nghệ phẩm dự trữ v.v..;
c) Giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, yêu quý và bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Điều 2. – Các Cục cung cấp và dự trữ, các Chi cục, các trạm, các kho, các ban đại diện vật tư thuộc Tổng cục cần dựa trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần tích cực và tính sáng tạo của cán bộ, công nhân viên để xây dựng tốt các định mức hao hụt trung bình tiền tiến và quản lý tốt các định mức hao hụt đã được phê chuẩn. Những đơn vị đã có định mức hao hụt vật tư cần tăng cường công tác theo dõi hao hụt, căn cứ vào kinh nghiệm đã đạt được để xây dựng định mức hao hụt trung bình tiền tiến.
Điều 3. – Căn cứ vào định mức đã được xét duyệt để tính tỷ lệ hao hụt trong chi phí lưu thông đối với các đơn vị cung cấp, và chi phí bảo quản đối với các đơn vị dự trữ.
Điều 4. – Các Cục, các đơn vị cung cấp và dự trữ khi xét duyệt và lập định mức hao hụt vật tư phải dựa vào những nguyên tắc quy định trong điều lệ này.
II. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHẠM VI CÁC LOẠI ĐỊNH MỨC HAO HỤT
Điều 5. – Định mức hao hụt vật tư là số vật tư hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa của loại vật tư, do điều kiện thiên nhiên, do thiết bị, kỹ thuật bảo quản, xuất nhập và vận chuyển không thể tránh được trong quá trình lưu thông vật tư.
Những tổn thất bất thường do khuyến điểm của cán bộ, công nhân viên gây ra (bị mất trộm, biến chất, đổ xe, đắm tàu v.v...) hoặc do các nguyên nhân bất thường khác (bị thiên tai, hỏa hoạn, bị nổ vỡ v.v...) đều không thuộc vào phạm vi các định mức hao hụt quy định trong điều lệ này.
Điều 6. – Vật tư tăng thêm do tính chất, điều kiện bảo quản (thóc hấp hơi, than đá tăng độ ẩm v.v...) điều kiện nhiên nhiên hoặc các nguyên nhân khác đều không được bù vào số vật tư hao hụt, không cùng một giấy thanh toán vận chuyển, không cùng một kho bảo quản thì phải lập biên bản tìm ra nguyên nhân và trình thủ trưởng đơn vị giải quyết. Nếu xác nhận là do sắp xếp, đóng gói, cân đo trong khâu nhập khẩu, giao nhận hoặc sai sót trong quá trình viết phiếu khiến số vật tư này tăng, số vật tư khác giảm, kho này tăng, kho khác giảm khi được thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền xét duyệt mới được bù.
Điều 7. – Định mức hao hụt do pha chế, tái sinh hoặc sàng lọc, phân loại vật tư đều phải lập riêng và tính vào giá thành sản phẩm, không được tính vào hao hụt bảo quản, vận chuyển, xuất nhập hoặc xuất lẻ vật tư.
Điều 8. – Khi theo dõi để lập và quản lý định mức hao hụt, các đơn vị cần tăng cường tinh thần trách nhiệm và nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kiểm tra hao hụt:
- Trước khi xuất nhập vật tư cần điều chỉnh cân và các dụng cụ đo lường, kiểm tra bao bì chứa đựng để tránh dôi thừa, thiếu hụt vật tư vô cớ;
- Phải kiểm tra những tính chất cơ bản của vật tư có ảnh hưởng đến dôi thừa, thiếu hụt độ ẩm trong thóc, trong than đá, nước lẫn trong xăng dầu...).
Điều 9. – Theo tính chất của khâu quản lý, cung cấp và dự trữ vật tư, định mức hao hụt vật tư có thể chia thành bốn loại:
- Hao hụt bảo quản;
- Hao hụt vận chuyển;
- Hao hụt xuất nhập;
- Hao hụt xuất lẻ.
Nhưng tùy theo tính chất riêng của từng loại vật tư, có loại có thể phân chia giản đơn hơn. Ví dụ về kim khí có thể chi phân thành hai loại, hao hụt bảo quản và hao hụt xuất nhập vận chuyển.
Điều 10. – Trong quá trình bảo quản, xuất nhập, vận chuyển có loại vật tư bị biến thể (than đá vỡ cỡ to thành cỡ nhỏ) cần lập riêng định mức do biến thể. Chênh lệch giá cả do vật tư biến thể trong định mức được tính vào hao hụt thực tế qua các khâu nói trên.
Nếu hao hụt quá định mức phải lập biên bản tìm ra nguyên nhân quy kết trách nhiệm, sau khi được Cục duyệt mới được hạch toán vào lỗ lãi.
III. HAO HỤT BẢO QUẢN
Điều 11. – Hao hụt bảo quản là số vật tư hao hụt tự nhiên trong suốt quá trình vật tư nằm trong kho tức là vật tư nằm trong kho đến lúc xuất kho.
Điều 12. – Khi theo dõi để lập định mức hao hụt bảo quản nên theo dõi số vật tư bảo quản tương đối ổn định trong những điều kiện khác nhau.
Điều 13. – Khi lập và xét duyệt định mức hao hụt bảo quản cần dựa vào những yếu tố chính sau đây:
- Tính chất của loại vật tư (xăng dầu bay hơi, than đá vỡ vụn, vương vãi, thóc bị côn trùng phá hủy, bị bốc nóng và dễ tăng độ ẩm v.v...);
- Điều kiện bảo quản (trong kho, ngoài trời; nhiệt độ độ ẩm mùa xuân, hạ, thu, đông, vùng bảo quản và bao bì chứa đựng khi bảo quản);
- Thời gian bảo quản (tháng, quý, năm).
Điều 14. – Trong quá trình bảo quản nếu có những động tác đột xuất làm hao hụt vật tư như chuyển kho, chuyển bệ, phơi v.v... đều phải tính riêng và phải báo cáo về Cục xét duyệt mới được hạch toán vào phí lưu thông, không được gộp vào để tính định mức hao hụt bảo quản.
IV. HAO HỤT VẬN CHUYỂN
Điều 15. – Hao hụt vận chuyển là số hao hụt tự nhiên trong suốt quá trình vận chuyển từ nơi xuất đến nơi nhập vật tư.
Điều 16. – Lập định mức hao hụt vận chuyển phải theo dõi lập riêng cho từng phương tiện vận chuyển.
Trường hợp trên một tuyến đường có thay đổi phương tiện vận chuyển thì tính riêng từng loại phương tiện rồi tổng hợp lại và đề ra định mức hao hụt vận chuyển cho tuyến đường đó.
Điều 17. – Khi lập và xét dyệt định mức hao hụt vận chuyển cần dựa vào những yếu tố chính sau đây:
- Tính chất của loại vật tư;
- Loại phương tiện và điều kiện vận chuyển (tàu hỏa, tàu thủy, ô-tô, xe ba-gác, mùa xuân, hạ, thu, đông và bao bì chứa đựng khi vận chuyển).
V. HAO HỤT XUẤT NHẬP
Điều 18. – Hao hụt xuất nhập là số hao hụt tự nhiên trong quá trình xuất nhập, nghĩa là hao hụt trong quá trình chuyển vật tư từ kho xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc bốc rót từ phương tiện vận chuyển đưa vào kho hoặc xuất hàng loạt cho khách hàng.
Điều 19. – Khi lập và xét duyệt định mức hao hụt xuất nhập cần dựa vào những yếu tố chính sau đây:
- Tính chất của loại vật tư;
- Phương tiện và điều kiện xuất nhập (thủ công, cơ giới, bao bì chứa đựng khi xuất nhập, mùa xuân, hạ, thu, đông ảnh hưởng đến hao hụt xuất nhập...).
Điều 20. – Đóng gói vật tư vào các đồ chứa nhỏ, xuất lẻ vật tư cho khách hàng đều phải tính vào hao hụt xuất lẻ.
Tùy theo tính chất của từng loại vật tư, với số lượng, khối lượng bao nhiêu được gọi là xuất lẻ do Cục chủ quản quy định.
Nếu loại vật tư đó xuất lẻ quá ít thì được tính chung vào hao hụt xuất nhập.
VI. HAO HỤT XUẤT LẺ
Điều 21. – Hao hụt xuất lẻ là số hao hụt tự nhiên trong quá trình đóng gói, chứa đựng vật tư vào các đồ chứa nhỏ, xuất lẻ cho khách hàng.
Khi lập và xét duyệt định mức hao hụt xuất lẻ cũng dựa vào những yếu tố như trong hao hụt xuất nhập.
VII. TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 22. – Các đơn vị cung cấp và dự trữ thuộc Tổng cục Vật tư chịu trách nhiệm lập ra các loại định mức hao hụt trung bình tiền tiến trình lên Cục chủ quản xét duyệt định mức hao hụt từng loại vật tư cho từng đơn vị. Sau khi đã được duyệt có trách nhiệm quản lý và thường xuyên theo dõi rút kinh nghiệm và báo cáo lên Tổng cục những điểm cần bổ sung.
Điều 23. – Khi lập hợp đồng vận chuyển phải yêu cầu chủ phương tiện cam đoan chịu trách nhiệm bảo quản tốt các loại vật tư thuê chở, mất mát phải bồi thường như các điều khoản đã quy định trong các điều lệ vận chuyển hàng hóa hiện hành của Nhà nước.
Điều 24. – Các Cục có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra và đôn đốc các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác lập và quản lý các loại định mức hao hụt chung trình lên Tổng cục phê chuẩn định mức tổng hợp về hao hụt vật tư cho toàn Cục.
Điều 25. – Tổng cục mới có quyền phê chuẩn định mức hao hụt các loại vật tư cho các Cục và sửa đổi bổ sung các định mức đó.
VIII. THƯỞNG PHẠT
Điều 26. – Những đơn vị, bộ phận và cán bộ, công nhân viên có thành tích xuất sắc, phát hiện nhiều vấn đề làm tốt công tác định mức hao hụt vật tư, có sáng kiến cải tiến giảm được định mức hao hụt cần được khen thưởng kịp thời và thích đáng.
Điều 27. – Những đơn vị, bộ phận và cán bộ, công nhân viên vi phạm đến định mức hao hụt vật tư làm tổn thất đến của cải của Nhà nước, tùy theo trường hợp nặng nhẹ mà xử trí, chủ yếu dựa trên nguyên tắc mắc lỗi phải bồi thường theo thể lệ hiện hành của Nhà nước.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC VẬT TƯ |
Quyết định 362-TVT-KT năm 1964 ban hành điều lệ quản lý định mức hao hụt vật tư của Tổng cụctrưởng Tổng cục Vật tư
Số hiệu: | 362-TVT-KT |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tổng cục Vật tư |
Người ký: | Lê Hoàng |
Ngày ban hành: | 30/11/1964 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 362-TVT-KT năm 1964 ban hành điều lệ quản lý định mức hao hụt vật tư của Tổng cụctrưởng Tổng cục Vật tư
Chưa có Video