BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2003/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 28/2003/QĐ-BTC NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ 05 CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM (ĐỢT 4)
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
- Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP
ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về Nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
- Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ ban hành Quy chế kiểm
toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân;
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, nâng cao chất lượng
của kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân; Kiểm tra, kiểm soát chất
lượng hoạt động kiểm toán độc lập, lành mạnh hoá thông tin tài chính trong nền
kinh tế quốc dân;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính,
Điều 1: Ban hành năm (05) chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (đợt 4) có số hiệu và tên gọi sau đây:
1. Chuẩn mực số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán;
2. Chuẩn mực số 320 - Tính trọng yếu trong kiểm toán;
3. Chuẩn mực số 501 - Bằng chứng kiểm toán bổ sung đối với các khoản mục và sự kiện đặc biệt;
4. Chuẩn mực số 560 - Các sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính;
5. Chuẩn mực số 600 - Sử dụng tư liệu của kiểm toán viên khác.
Điều 2: Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định này áp dụng đối với kiểm toán độc lập báo cáo tài chính. Dịch vụ kiểm toán các thông tin tài chính khác và dịch vụ liên quan của Công ty kiểm toán được áp dụng theo quy định cụ thể của từng chuẩn mực.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2003.
Điều 4: Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện 05 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành theo Quyết định này trong hoạt động của mỗi Công ty.
Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Chánh văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Quyết định này.
HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 220
KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN
(Ban hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC
ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
01. Mục đích của chuẩn mực này là qui định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản trong việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán trên các phương diện:
a. Các chính sách và thủ tục của công ty kiểm toán liên quan đến hoạt động kiểm toán;
b. Những thủ tục liên quan đến công việc được giao cho kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán trong một cuộc kiểm toán cụ thể.
02. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng đối với toàn bộ hoạt động kiểm toán của công ty kiểm toán và đối với từng cuộc kiểm toán.
03. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và cũng được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ liên quan của công ty kiểm toán.
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ những qui định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán và cung cấp dịch vụ liên quan.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc và thủ tục qui định trong chuẩn mực này để thực hiện trách nhiệm của mình và để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.
Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
04. Công ty kiểm toán: Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thành lập và hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
05. Giám đốc (hoặc người đứng đầu) công ty kiểm toán: Là người đại diện theo pháp luật cao nhất của công ty kiểm toán và chịu trách nhiệm cuối cùng đối với công việc kiểm toán.
06. Cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp: Là tất cả các cấp lãnh đạo, kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán và chuyên gia tư vấn của công ty kiểm toán.
07. Kiểm toán viên: Là người có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, có đăng ký hành nghề tại một công ty kiểm toán độc lập, tham gia vào quá trình kiểm toán, được ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc công ty kiểm toán về cuộc kiểm toán.
08. Trợ lý kiểm toán: Là người tham gia vào quá trình kiểm toán nhưng không được ký báo cáo kiểm toán.
09. Chất lượng hoạt động kiểm toán: Là mức độ thoả mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên; đồng thời thoả mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của kiểm toán viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý.
10. Công ty kiểm toán phải xây dựng và thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng để đảm bảo tất cả các cuộc kiểm toán đều được tiến hành phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hoặc chuẩn mực kiểm toán quốc tế được Việt Nam chấp nhận nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của các cuộc kiểm toán.
11. Nội dung, lịch trình và phạm vi của những chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của một công ty kiểm toán phụ thuộc vào các yếu tố như qui mô, tính chất hoạt động của công ty, địa bàn hoạt động, cơ cấu tổ chức, việc tính toán xem xét giữa chi phí và lợi ích. Chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của từng công ty có thể khác nhau nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán trong chuẩn mực này.
Ví dụ về chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng quy định trong Phụ lục số 01.
12. Để đạt được mục tiêu kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, các công ty kiểm toán thường áp dụng kết hợp các chính sách sau:
a. Tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp
Cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp của công ty kiểm toán phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, gồm: độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách nghề nghiệp và tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.
b. Kỹ năng và năng lực chuyên môn
Cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp của công ty kiểm toán phải có kỹ năng và năng lực chuyên môn, phải thường xuyên duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
c. Giao việc
Công việc kiểm toán phải được giao cho những cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp được đào tạo và có đầy đủ kỹ năng và năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực tế.
d. Hướng dẫn và giám sát
Công việc kiểm toán phải được hướng dẫn, giám sát thực hiện đầy đủ ở tất cả các cấp cán bộ, nhân viên nhằm đảm bảo là công việc kiểm toán đã được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kiểm toán và các quy định có liên quan.
e. Tham khảo ý kiến
Khi cần thiết, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia trong công ty hoặc ngoài công ty.
f. Duy trì và chấp nhận khách hàng
Trong quá trình duy trì khách hàng hiện có và đánh giá khách hàng tiềm năng, công ty kiểm toán phải cân nhắc đến tính độc lập, năng lực phục vụ khách hàng của công ty kiểm toán và tính chính trực của Ban quản lý của khách hàng.
g. Kiểm tra
Công ty kiểm toán phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tính đầy đủ và tính hiệu quả trong quá trình thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty.
13. Các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty kiểm toán phải được phổ biến tới tất cả cán bộ, nhân viên của công ty để giúp họ hiểu và thực hiện đầy đủ các chính sách và thủ tục đó.
14. Kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán phải áp dụng những chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của công ty cho từng hợp đồng kiểm toán một cách thích hợp.
15. Kiểm toán viên có trách nhiệm xem xét năng lực chuyên môn của những trợ lý kiểm toán đang thực hiện công việc được giao để hướng dẫn, giám sát và kiểm tra công việc cho phù hợp với từng trợ lý kiểm toán.
16. Khi giao việc cho trợ lý kiểm toán, phải đảm bảo là công việc được giao cho người có đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết.
17. Kiểm toán viên phải hướng dẫn trợ lý kiểm toán những nội dung cần thiết liên quan đến cuộc kiểm toán như: trách nhiệm của họ đối với công việc được giao, mục tiêu của những thủ tục mà họ phải thực hiện, đặc điểm, tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng và những vấn đề kế toán hoặc kiểm toán có thể ảnh hưởng tới nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán mà họ đang thực hiện.
18. Kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán là một công cụ quan trọng để hướng dẫn kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán thực hiện các thủ tục kiểm toán.
19. Giám sát có mối liên hệ chặt chẽ với hướng dẫn và kiểm tra và có thể bao gồm cả hai yếu tố này.
20. Người của công ty kiểm toán được giao giám sát chất lượng cuộc kiểm toán phải thực hiện các chức năng sau:
a. Giám sát quá trình thực hiện kiểm toán để xác định xem:
- Kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán có đầy đủ kỹ năng và năng lực chuyên môn cần thiết để thực hiện công việc được giao hay không;
- Các trợ lý kiểm toán có hiểu các hướng dẫn kiểm toán hay không;
- Công việc kiểm toán có được thực hiện theo đúng kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán hay không;
b. Nắm bắt và xác định các vấn đề kế toán và kiểm toán quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán để điều chỉnh kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán cho phù hợp;
c. Xử lý các ý kiến khác nhau về chuyên môn giữa các kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán cùng tham gia vào cuộc kiểm toán và cân nhắc xem có phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn không;
21. Người được giao giám sát chất lượng cuộc kiểm toán phải thực hiện các trách nhiệm sau:
a. Nếu phát hiện kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán vi phạm đạo đức nghề nghiệp kiểm toán hay có biểu hiện cấu kết với khách hàng làm sai lệch báo cáo tài chính thì người giám sát phải báo cho người có thẩm quyền để xử lý;
b. Nếu xét thấy kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán không đáp ứng được kỹ năng và năng lực chuyên môn cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán, thì phải đề nghị người có thẩm quyền thay kiểm toán viên hay trợ lý kiểm toán để đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán theo đúng kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán đã đề ra.
22. Công việc do kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán tiến hành đều phải được người có năng lực chuyên môn bằng hoặc cao hơn kiểm toán viên kiểm tra lại để xác định:
a. Công việc có được thực hiện theo kế hoạch, chương trình kiểm toán hay không;
b. Công việc được thực hiện và kết quả thu được đã được lưu giữ đầy đủ vào hồ sơ kiểm toán hay không;
c. Tất cả những vấn đề quan trọng đã được giải quyết hoặc đã được phản ánh trong kết luận kiểm toán chưa;
d. Những mục tiêu của thủ tục kiểm toán đã đạt được hay chưa;
e. Các kết luận đưa ra trong quá trình kiểm toán có nhất quán với kết quả của công việc đã được thực hiện và có hỗ trợ cho ý kiến kiểm toán hay không.
23. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thường xuyên kiểm tra các công việc sau:
a. Thực hiện kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán;
b. Việc đánh giá về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, bao gồm cả việc đánh giá kết quả của các thử nghiệm kiểm soát và đánh giá những sửa đổi (nếu có) trong kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán;
c. Việc lưu vào hồ sơ kiểm toán những bằng chứng kiểm toán thu được bao gồm cả ý kiến của chuyên gia tư vấn và những kết luận rút ra từ việc tiến hành các thử nghiệm cơ bản;
d. Báo cáo tài chính, những dự kiến điều chỉnh báo cáo tài chính và dự thảo báo cáo kiểm toán.
24. Trong khi kiểm tra chất lượng một cuộc kiểm toán, nhất là những hợp đồng kiểm toán lớn và phức tạp, có thể phải yêu cầu cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp không thuộc nhóm kiểm toán tiến hành một số thủ tục bổ sung nhất định trước khi phát hành báo cáo kiểm toán.
25. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về chất lượng một cuộc kiểm toán thì cần thảo luận tập thể trong nhóm kiểm toán để thống nhất đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu trong nhóm kiểm toán không thống nhất được ý kiến thì báo cáo Giám đốc để xử lý hoặc đưa ra cuộc họp các thành viên chủ chốt trong công ty.
VÍ DỤ VỀ CHÍNH SÁCH VÀ THỦ TỤC KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG
HOẠT ĐỘNG
KIỂM TOÁN CỦA CÔNG TY KIỂM TOÁN
A - TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Toàn bộ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp của công ty kiểm toán phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, gồm: Độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách nghề nghiệp và tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.
1. Phân công cho một người hoặc một nhóm người chịu trách nhiệm hướng dẫn và giải quyết những vấn đề về tính độc lập, tính chính trực, tính khách quan và tính bí mật.
a. Xác định các trường hợp cần giải trình bằng văn bản về tính độc lập, tính chính trực, tính khách quan và tính bí mật;
b. Khi cần thiết, có thể tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia hoặc người có thẩm quyền.
2. Phổ biến các chính sách và thủ tục liên quan đến tính độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách nghề nghiệp và các chuẩn mực chuyên môn cho tất cả cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp trong công ty.
a. Thông báo về những chính sách, thủ tục và yêu cầu họ phải nắm vững những chính sách và thủ tục này;
b. Trong chương trình đào tạo và quá trình hướng dẫn, giám sát và kiểm tra một cuộc kiểm toán, cần nhấn mạnh đến tính độc lập và tư cách nghề nghiệp;
c. Thông báo thường xuyên, kịp thời danh sách khách hàng phải áp dụng tính độc lập.
- Danh sách khách hàng của công ty phải áp dụng tính độc lập bao gồm cả chi nhánh, công ty mẹ, và công ty liên doanh, liên kết;
- Thông báo danh sách đó tới tất cả cán bô, nhân viên chuyên nghiệp trong công ty để họ xác định được tính độc lập của họ;
- Thiết lập các thủ tục để thông báo về những thay đổi trong danh sách này.
3. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những chính sách và thủ tục liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp: độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách nghề nghiệp và tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.
a. Hàng năm, yêu cầu cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp nộp bản giải trình với nội dung:
- Cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp đã nắm vững chính sách và thủ tục của công ty;
- Hiện tại và trong năm báo cáo tài chính được kiểm toán, cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp không có bất kỳ khoản đầu tư nào bị cấm;
- Không phát sinh các mối quan hệ và nghiệp vụ mà chính sách công ty đã cấm.
b. Phân công cho một người hoặc một nhóm người có đủ thẩm quyền để kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ về việc tuân thủ tính độc lập và giải quyết những trường hợp ngoại lệ;
c. Định kỳ xem xét mối quan hệ giữa công ty với khách hàng về các vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập của công ty kiểm toán.
B. KỸ NĂNG VÀ NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN
Cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp của công ty kiểm toán phải có kỹ năng và năng lực chuyên môn, phải thường xuyên duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuyển nhân viên:
Công ty kiểm toán phải duy trì một quy trình tuyển dụng nhân viên chuyên nghiêp bằng việc lập kế hoạch nhu cầu nhân viên, đặt ra mục tiêu tuyển dụng nhân viên; yêu cầu về trình độ và năng lực của người thực hiện chức năng tuyển dụng.
a. Lập kế hoạch nhu cầu nhân viên ở các chức danh và xác định mục tiêu tuyển dụng dựa trên số lượng khách hàng hiện có, mức tăng trưởng dự tính và số nhân viên có thể giảm.
b. Để đạt được mục tiêu tuyển dụng, cần phải lập một chương trình tuyển dụng gồm các nội dung sau:
- Xác định nguồn nhân viên tiềm năng;
- Phương pháp liên hệ với nhân viên tiềm năng;
- Phương pháp xác định thông tin cụ thể về từng nhân viên tiềm năng;
- Phương pháp thu hút nhân viên tiềm năng và thông tin cho họ về công ty;
- Phương pháp đánh giá và chọn lựa nhân viên tiềm năng để có được số lượng nhân viên thi tuyển cần thiết.
c. Thông báo cho những người liên quan đến việc tuyển dụng về nhu cầu nhân viên của công ty và mục tiêu tuyển dụng.
d. Phân công người có thẩm quyền quyết định về tuyển dụng.
e. Kiểm tra tính hiệu quả của chương trình tuyển dụng:
- Định kỳ đánh giá chương trình tuyển dụng để xác định xem công ty có tuân thủ chính sách và thủ tục tuyển dụng nhân viên đạt trình độ hay không;
- Định kỳ xem xét kết quả tuyển dụng để xác định liệu công ty có đạt được mục tiêu và nhu cầu tuyển dụng nhân viên hay không.
2. Thiết lập tiêu chuẩn và hướng dẫn việc đánh giá nhân viên dự tuyển ở từng chức danh.
a. Xác định những đặc điểm cần có ở nhân viên dự tuyển; Ví dụ: Thông minh, chính trực, trung thực, năng động và khả năng chuyên môn nghề nghiệp.
b. Xác định thành tích và kinh nghiệm mà công ty kiểm toán yêu cầu cần có ở những người dự tuyển mới tốt nghiệp hoặc đã có kinh nghiệm; Ví dụ:
- Học vấn cơ bản;
- Thành tích cá nhân;
- Kinh nghiệm làm việc;
- Sở thích cá nhân.
c. Lập bản hướng dẫn về tuyển dụng nhân viên trong những trường hợp riêng biệt:
- Tuyển những người thân của cán bộ, nhân viên của công ty kiểm toán, người có quan hệ mật thiết hoặc người thân của khách hàng;
- Tuyển lại nhân viên cũ;
- Tuyển nhân viên của khách hàng;
- Tuyển nhân viên của công ty cạnh tranh.
d. Thu thập thông tin cơ bản về trình độ của người dự tuyển bằng những cách thích hợp, như:
- Sơ yếu lý lịch;
- Đơn xin việc;
- Văn bằng trình độ học vấn;
- Tham chiếu ý kiến cá nhân;
- Tham chiếu ý kiến của cơ quan cũ;
- Phỏng vấn...
e. Đánh giá trình độ của nhân viên mới, kể cả những người được nhận không theo quy trình tuyển dụng thông thường (Ví dụ: Những người tham gia vào công ty với tư cách người giám sát; tuyển dụng qua sát nhập hoặc mua công ty, qua liên doanh) để xác định là họ có đáp ứng được yêu cầu của công ty hay không.
3. Thông báo cho những người dự tuyển và nhân viên mới về chính sách và thủ tục của công ty liên quan đến họ.
a. Sử dụng tài liệu giới thiệu hoặc những cách thức khác để giới thiệu về công ty cho những người dự tuyển và nhân viên mới;
b. Chuẩn bị tài liệu hướng dẫn về những chính sách và thủ tục của công ty để phát cho tất cả cán bộ, nhân viên;
c. Thực hiện chương trình định hướng nghề nghiệp cho nhân viên mới.
4. Thiết lập những hướng dẫn và yêu cầu tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ và thông báo cho tất cả cán bộ nhân viên trong công ty kiểm toán.
a. Phân công một người hoặc một nhóm người chịu trách nhiệm về việc phát triển nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên;
b. Chương trình đào tạo của công ty phải được những người có trình độ chuyên môn kiểm tra, soát xét. Chương trình phải đề ra mục tiêu đào tạo, trình độ và kinh nghiệm cần có;
c. Đưa ra định hướng phát triển công ty và nghề nghiệp cho nhân viên mới.
Chuẩn bị tài liệu về định hướng phát triển công ty và nghề nghiệp để thông báo cho nhân viên mới về trách nhiệm và cơ hội nghề nghiệp của họ;
Phân công thực hiện những buổi hội thảo có tính định hướng để phổ biến trách nhiệm nghề nghiệp và chính sách của công ty.
d. Thiết lập chương trình đào tạo, cập nhật về chuyên môn cho tất cả cán bộ, nhân viên ở từng cấp độ trong công ty:
- Khi lập chương trình đào tạo, cập nhật về chuyên môn, cần cân nhắc tới những qui định bắt buộc và những hướng dẫn không bắt buộc của pháp luật và của Tổ chức nghề nghiệp;
- Khuyến khích tham gia vào các chương trình đào tạo nghề nghiệp ngoài công ty, kể cả hình thức tự học;
- Khuyến khích tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp và xác định công ty trả toàn bộ hay một phần chi phí;
- Khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia vào các Ban chuyên môn của Tổ chức nghề nghiệp; viết bài, viết sách và tham gia vào các hoạt động chuyên ngành khác.
e. Kiểm tra định kỳ các chương trình đào tạo chuyên môn và lưu giữ hồ sơ về tình hình đào tạo của toàn công ty và từng cá nhân.
- Xem xét định kỳ về tình hình tham gia của từng nhân viên vào chương trình đào tạo để xác định việc tuân thủ các yêu cầu do công ty đặt ra;
- Xem xét định kỳ báo cáo đánh giá và những ghi chép khác về các chương trình đào tạo nâng cao để đánh giá xem liệu những chương trình đào tạo này có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra của công ty hay không. Cân nhắc nhu cầu cần có chương trình đào tạo mới và sửa đổi lại chương trình cũ hoặc loại bỏ những chương trình đào tạo không hiệu quả.
5. Cung cấp kịp thời cho tất cả cán bộ, nhân viên những thông tin về chuẩn mực kỹ thuật nghiệp vụ và những tài liệu về chính sách và thủ tục kỹ thuật của công ty. Khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động tự nâng cao trình độ nghiệp vụ.
a. Cung cấp kịp thời cho tất cả cán bộ, nhân viên những tài liệu về chuyên môn nghiệp vụ, kể cả những thay đổi, gồm:.
- Tài liệu chuyên ngành của quốc gia và quốc tế về kế toán và kiểm toán;
- Văn bản về luật định hiện hành trong những lĩnh vực cụ thể cho các nhân viên chịu trách nhiệm về những lĩnh vực đó;
- Tài liệu về chính sách và thủ tục của công ty về kỹ thuật, nghiệp vụ.
b. Đối với chương trình đào tạo do công ty xây dựng, chuẩn bị tài liệu và lựa chọn người hướng dẫn:
- Trong chương trình đào tạo cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm của người tham gia;
- Người hướng dẫn khoá đào tạo phải nắm vững nội dung, chương trình và phương pháp sư phạm;
- Tổ chức cho học viên đánh giá nội dung khoá đào tạo, đánh giá về người hướng dẫn khoá học và các điều kiện học tập;
- Trong chương trình đào tạo phải có phần kiểm tra và đánh giá của giảng viên về nội dung khoá đào tạo , phương pháp giảng dạy và về các học viên;
- Chương trình đào tạo phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển và đổi mới cũng như các báo cáo đánh giá liên quan;
- Tổ chức lưu giữ và tạo điều kiện khai thác các tài liệu chuyên môn kỹ thuật về những qui định của công ty liên quan đến kỹ thuật chuyên môn.
6. Để đào tạo đội ngũ chuyên gia thuộc lĩnh vực và chuyên ngành hẹp, công ty phải:
a. Tự tổ chức các chương trình đào tạo chuyên ngành hẹp như kiểm toán lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán bằng máy vi tính, phương pháp chọn mẫu,...
b. Khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia các chương trình đào tạo bên ngoài, các hội thảo để nâng cao trình độ chuyên môn;
c. Khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp liên quan đến các lĩnh vực và chuyên ngành hẹp;
d. Cung cấp tài liệu có liên quan đến các lĩnh vực và chuyên ngành hẹp.
7. Công ty kiểm toán phải phân công người theo dõi tất cả kiểm toán viên của công ty thực hiện chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức hàng năm do Bộ Tài chính hoặc tổ chức được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện.
8. Công ty kiểm toán phải thiết lập những tiêu chuẩn cho từng cấp cán bộ, nhân viên trong công ty:
a. Qui định về trách nhiệm và trình độ cho mỗi cấp cán bộ, nhân viên, gồm:
- Chức danh và trách nhiệm của từng chức danh;
- Tiêu chuẩn về trình độ và kinh nghiệm (hoặc thời gian công tác) của từng chức danh.
b. Xác định các tiêu chuẩn về trình độ làm căn cứ để xem xét, đánh giá kết quả hoạt động và năng lực làm việc thực tế của mỗi cấp; Ví dụ:
- Kiến thức chuyên môn;
- Khả năng phân tích và đánh giá;
- Khả năng giao tiếp;
- Kỹ năng đào tạo;
- Phương pháp lãnh đạo;
- Mối quan hệ với khách hàng;
- Thái độ cá nhân và tác phong nghề nghiệp (như tính cách, mức độ thông minh, khả năng xét đoán và tính năng động);
- Khả năng soát xét.
c. Xây dựng sổ tay cá nhân hoặc các phương tiện khác để phổ biến cho tất cả cán bộ, nhân viên về thủ tục và chính sách thăng tiến của công ty.
9. Tổ chức đánh giá kết quả công tác của tất cả cán bộ, nhân viên và thông báo cho họ biết.
a. Thu thập thông tin và đánh giá kết quả công tác:
- Xác định trách nhiệm và yêu cầu đánh giá ở mỗi cấp, chỉ ra ai là người thực hiện đánh giá này và khi nào đưa ra kết quả đánh giá;
- Hướng dẫn về những mục tiêu đánh giá;
- Sử dụng biểu mẫu chuẩn để đánh giá kết quả công tác bằng cách cán bộ, nhân viên tự đánh giá theo biểu mẫu, xong người có thẩm quyền cao hơn kiểm tra lại;
- Kiểm tra lại những đánh giá trước đây của từng cán bộ, nhân viên;
- Việc xem xét, đánh giá nhân viên phải được nhiều người thực hiện;
- Xác định công việc đánh giá được hoàn thành đúng kỳ hạn;
- Lưu giữ các bản đánh giá trong hồ sơ cá nhân;
- Trường hợp đánh giá cán bộ lãnh đạo phải tham khảo ý kiến của cán bộ, nhân viên dưới quyền để xác định xem những cán bộ đó còn đủ trình độ để hoàn thành trách nhiệm của mình không.
b. Định kỳ thông báo cho tất cả cán bộ, nhân viên biết những tiến bộ và triển vọng nghề nghiệp của từng người, trong đó phải nói rõ:
- Kết quả hoạt động;
- Triển vọng cá nhân và nghề nghiệp;
- Cơ hội thăng tiến của từng người.
c. Định kỳ thực hiện đề bạt và thăng tiến cán bộ, nhân viên theo kết quả đánh giá.
Công việc kiểm toán phải được giao cho những cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp được đào tạo và có đầy đủ kỹ năng và năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực tế.
1. Phân công công việc cho nhân viên:
a. Lập kế hoạch nhu cầu nhân viên cho từng bộ phận trong công ty;
b. Xác định nhu cầu nhân viên cho những hợp đồng kiểm toán cụ thể;
c. Bố trí nhân viên và thời gian cho từng hợp đồng kiểm toán;
d. Khi phân công công việc cho nhân viên phải cân nhắc các yếu tố:
- Qui mô và tính phức tạp của cuộc kiểm toán;
- Số lượng nhân viên hiện có;
- Khả năng và yêu cầu chuyên môn đặc biệt cần có;
- Lịch trình thực hiện công việc;
- Tính liên tục và luân phiên nhân viên theo định kỳ;
- Triển vọng của việc đào tạo tại chỗ.
2. Phân công công việc cho một người hoặc một nhóm người trong một cuộc kiểm toán cụ thể.
a. Người có trách nhiệm phân công phải xem xét các yếu tố sau:
- Yêu cầu về nhân viên và thời gian của hợp đồng kiểm toán;
- Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, địa vị, học vấn cơ bản, và năng lực đặc biệt của nhân viên;
- Kế hoạch tham gia của người được giao trách nhiệm giám sát;
- Dự kiến thời gian của từng cá nhân;
- Những tình huống ảnh hưởng đến tính độc lập; Ví dụ: Phân công cho cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp có quan hệ kinh tế hoặc quan hệ họ hàng với ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.
b. Khi phân công công việc, cần cân nhắc đến tính liên tục và tính luân phiên để nhân viên có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả và cũng phải xem xét tới khả năng, trình độ và kinh nghiệm của những nhân viên khác.
3. Kế hoạch thời gian và nhân sự cho một cuộc kiểm toán phải được phê duyệt trước khi thực hiện.
Công việc kiểm toán phải được hướng dẫn, giám sát thực hiện đầy đủ ở tất cả các cấp cán bộ, nhân viên nhằm đảm bảo là công việc kiểm toán đã được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kiểm toán và các quy định có liên quan.
1. Thủ tục lập kế hoạch kiểm toán.
a. Phân công trách nhiệm lập kế hoạch kiểm toán;
b. Xem xét lại thông tin thu được từ lần kiểm toán trước và cập nhật thông tin mới;
c. Lập kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán.
2. Thủ tục duy trì tiêu chuẩn chất lượng:
a. Thực hiện giám sát ở mọi cấp; xem xét quá trình đào tạo, khả năng và kinh nghiệm của nhân viên được giao việc;
b. Đưa ra hướng dẫn về mẫu và nội dung giấy tờ làm việc;
c. Sử dụng mẫu chuẩn, danh mục phải kiểm tra, bảng câu hỏi phù hợp để hỗ trợ cho công việc kiểm toán;
d. Đưa ra thủ tục giải quyết khi có đánh giá chuyên môn khác nhau.
3. Thực hiện đào tạo tại chỗ trong quá trình thực hành kiểm toán.
a. Thường xuyên thảo luận với trợ lý kiểm toán về mối quan hệ giữa công việc của từng người với toàn bộ cuộc kiểm toán và sắp xếp cho trợ lý kiểm toán tham gia vào nhiều phần hành kiểm toán;
b. Đưa nội dung "kỹ năng quản lý nhân viên" vào chương trình đào tạo của công ty;
c. Khuyến khích nhân viên tham gia vào "chương trình đào tạo và phát triển cán bộ kế cận";
d. Kiểm tra công việc được giao để xác định xem nhân viên đã nắm được chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm kiểm toán thuộc từng lĩnh vực.
e. Tham khảo ý kiến
Khi cần thiết, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia trong công ty hoặc ngoài công ty.
1. Xác định những lĩnh vực và tình huống cụ thể cần phải tham khảo ý kiến tư vấn hoặc khuyến khích nhân viên tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia hoặc những người có thẩm quyền.
a. Thông báo cho cán bộ, nhân viên về chính sách và thủ tục tham khảo ý kiến tư vấn của công ty;
b. Những lĩnh vực cụ thể hay những tình huống chuyên môn phức tạp đòi hỏi cần phải tư vấn, như:
- Áp dụng những văn bản qui phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp;
- Những ngành, nghề kinh doanh có những yêu cầu đặc biệt về kế toán, kiểm toán và báo cáo;
- Những vấn đề mới phát sinh;
- Những yêu cầu của Luật pháp và qui định của cơ quan chức năng, đặc biệt là những yêu cầu của luật pháp quốc tế.
c. Duy trì hoạt động của bộ phận lưu trữ và tham khảo trang web hoặc các phương tiện, như:
- Tham khảo tài liệu ở phòng ban, hoặc công ty;
- Thành lập cuốn sổ tay chuyên môn và lưu chuyển văn bản hướng dẫn chuyên môn, kể cả văn bản liên quan đến những ngành, nghề kinh doanh đặc thù và những chuyên môn khác;
- Duy trì việc tham khảo ý kiến tư vấn của các công ty và cá nhân khác;
- Khi có vấn đề phức tạp, cần tham khảo ý kiến tư vấn của một nhóm chuyên gia.
2. Phân công người chuyên trách và xác định quyền hạn của họ trong lĩnh vực tư vấn.
a. Phân công người lưu trữ hồ sơ làm việc với cơ quan pháp luật;
b. Phân công cán bộ theo dõi từng ngành, nghề cụ thể;
c. Thông báo cho tất cả cán bộ, nhân viên về quyền hạn của người chuyên trách và thủ tục giải quyết khi có ý kiến khác nhau.
3. Qui định cụ thể việc lưu trữ về tài liệu kết quả tham khảo ý kiến tư vấn:
+ Trách nhiệm lưu trữ tài liệu;
+ Nơi lưu trữ và điều kiện sử dụng tài liệu lưu trữ;
+ Lưu hồ sơ liên quan đến kết quả tư vấn để phục vụ cho mục đích tham khảo và nghiên cứu.
F- DUY TRÌ VÀ CHẤP NHẬN KHÁCH HÀNG
Trong quá trình duy trì khách hàng hiện có và đánh giá khách hàng tiềm năng, công ty kiểm toán phải cân nhắc đến tính độc lập, năng lực phục vụ khách hàng của công ty kiểm toán và tính chính trực của Ban quản lý của khách hàng.
1. Thiết lập các thủ tục đánh giá và chấp nhận khách hàng tiềm năng.
a. Thủ tục đánh giá khách hàng tiềm năng, gồm:
- Thu thập và xem xét các tài liệu hiện có liên quan đến khách hàng tiềm năng, như báo cáo tài chính, tờ khai nộp thuế;
- Trao đổi với bên thứ ba các thông tin về khách hàng tiềm năng, về Giám đốc (hoặc người đứng đầu) và cán bộ, nhân viên chủ chốt của họ;
- Trao đổi với kiểm toán viên năm trước về các vấn đề liên quan đến tính trung thực của Ban giám đốc; về những bất đồng giữa Ban Giám đốc về các chính sách kế toán, các thủ tục kiểm toán, hoặc những vấn đề quan trọng khác và lý do thay đổi kiểm toán viên;
- Cân nhắc những tình huống đặc biệt hoặc khả năng rủi ro của hợp đồng;
- Đánh giá tính độc lập và khả năng của công ty kiểm toán trong việc phục vụ khách hàng tiềm năng của công ty;
- Phải xác định việc chấp nhận khách hàng là không vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.
b. Phân công một người hay một nhóm người ở cấp quản lý thích hợp thực hiện đánh giá thông tin và đưa ra quyết định có hoặc không chấp nhận khách hàng.
c. Thông báo cho nhân viên về chính sách và thủ tục chấp nhận khách hàng của công ty.
d. Phân công người chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc chấp hành các chính sách và thủ tục chấp nhận khách hàng của công ty.
2. Đánh giá khách hàng khi xảy ra các sự kiện đặc biệt để quyết định xem liệu có nên duy trì mối quan hệ với khách hàng này hay không.
a. Những sự kiện đặc biệt cần đánh giá khách hàng, gồm:
- Khi kết thúc một khoảng thời gian nhất định;
- Khi có thay đổi lớn về một hoặc một số yếu tố:
+ Hội đồng quản trị;
+ Giám đốc (hoặc người đứng đầu);
+ Chủ sở hữu vốn;
+ Chuyên gia tư vấn pháp luật;
+ Tình hình tài chính;
+ Tình trạng kiện tụng, tranh chấp;
+ Vi phạm hợp đồng;
+ Tính chất ngành, nghề kinh doanh của khách hàng.
b. Phân công một hoặc một nhóm người ở cấp quản lý thích hợp, thực hiện đánh giá thông tin và đưa ra quyết định có hay không duy trì khách hàng này.
c. Thông báo cho nhân viên về chính sách và thủ tục duy trì khách hàng của công ty.
d. Phân công người chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc chấp hành các chính sách và thủ tục duy trì khách hàng của công ty.
Công ty kiểm toán phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tính đầy đủ và tính hiệu quả trong quá trình thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty.
1. Thiết lập thủ tục, nội dung, chương trình kiểm tra của công ty.
a. Thủ tục kiểm tra gồm:
- Xác định mục tiêu và lập chương trình kiểm tra;
- Đưa ra hướng dẫn về phạm vi công việc và tiêu chuẩn để lựa chọn những nội dung cần kiểm tra;
- Định ra chu kỳ và thời gian kiểm tra;
- Thiết lập qui chế giải quyết khi có bất đồng xảy ra.
b. Đặt ra yêu cầu về trình độ, năng lực chuyên môn để lựa chọn nhân viên kiểm tra.
c. Tiến hành hoạt động kiểm tra:
- Rà soát và kiểm tra việc tuân thủ chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty;
- Rà soát và kiểm tra về tính tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp và thủ tục kiểm soát chất lượng của công ty đối với một hợp đồng kiểm toán đã lựa chọn.
2. Qui định việc báo cáo những phát hiện trong kiểm tra với cấp quản lý thích hợp, qui định việc kiểm tra những hoạt động được thực hiện hoặc dự kiến thực hiện và qui định đối với việc rà soát lại toàn bộ hệ thống kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty.
a. Thảo luận các vấn đề phát hiện được trong quá trình kiểm tra với người chịu trách nhiệm;
b. Thảo luận về các vấn đề phát hiện được trong quá trình kiểm tra các hợp đồng kiểm toán đã được lựa chọn với người chịu trách nhiệm giám sát của công ty;
c. Báo cáo về những phát hiện nói chung và những phát hiện nói riêng của các hợp đồng kiểm toán đã được lựa chọn và đề xuất với ban giám đốc các biện pháp đã được thực hiện hay dự kiến thực hiện;
d. Xác định nhu cầu cần thiết phải sửa đổi các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán xuất phát từ kết quả kiểm tra và từ những vấn đề liên quan khác.
TÍNH TRỌNG YẾU TRONG KIỂM TOÁN
(Ban hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC
ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc, thủ tục cơ bản liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán khi xác định tính trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính và mối quan hệ giữa tính trọng yếu với rủi ro kiểm toán.
02. Khi tiến hành một cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải quan tâm đến tính trọng yếu của thông tin và mối quan hệ của nó với rủi ro kiểm toán.
03. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và cũng được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác của công ty kiểm toán.
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ những qui định của chuẩn mực này trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến việc xác định mức trọng yếu của các thông tin đã được kiểm toán.
Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
04. Trọng yếu: Là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin (một số liệu kế toán) trong báo cáo tài chính.
Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính. Mức trọng yếu tuỳ thuộc vào tầm quan trọng và tính chất của thông tin hay của sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính.
05. Mục tiêu của kiểm toán báo cáo tài chính là để kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận xem báo cáo tài chính có được lập trên cơ sở chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận), có tuân thủ pháp luật liên quan và có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Việc xác định mức trọng yếu là công việc xét đoán mang tính nghề nghiệp của kiểm toán viên.
06. Khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu có thể chấp nhận được để làm tiêu chuẩn phát hiện ra những sai sót trọng yếu về mặt định lượng. Tuy nhiên, để đánh giá những sai sót được coi là trọng yếu, kiểm toán viên còn phải xem xét cả hai mặt định lượng và định tính của sai sót. Ví dụ: Việc không chấp hành chế độ kế toán hiện hành có thể được coi là sai sót trọng yếu nếu dẫn đến việc trình bày sai các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính làm cho người sử dụng thông tin tài chính hiểu sai bản chất của vấn đề; hoặc trong báo cáo tài chính không thuyết minh những vấn đề có liên quan đến hoạt động không liên tục của doanh nghiệp.
07. Kiểm toán viên cần xét tới khả năng có nhiều sai sót là tương đối nhỏ nhưng tổng hợp lại có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, như: một sai sót trong thủ tục hạch toán cuối tháng có thể trở thành một sai sót trọng yếu, tiềm tàng nếu như sai sót đó cứ tiếp tục tái diễn vào mỗi tháng.
08. Kiểm toán viên cần xem xét tính trọng yếu trên cả phương diện mức độ sai sót tổng thể của báo cáo tài chính trong mối quan hệ với mức độ sai sót chi tiết của số dư các tài khoản, của các giao dịch và các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính. Tính trọng yếu cũng có thể chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác như các quy định pháp lý hoặc các vấn đề liên quan đến các khoản mục khác nhau của báo cáo tài chính và mối liên hệ giữa các khoản mục đó. Quá trình xem xét có thể phát hiện ra nhiều mức trọng yếu khác nhau tuỳ theo tính chất của các vấn đề được đặt ra trong báo cáo tài chính được kiểm toán.
09. Kiểm toán viên phải xác định tính trọng yếu khi:
a. Xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán;
b. Đánh giá ảnh hưởng của những sai sót.
Mối quan hệ giữa trọng yếu và rủi ro kiểm toán
10. Khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên phải xem xét đến các nhân tố có thể làm phát sinh những sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Đánh giá của kiểm toán viên về mức trọng yếu liên quan đến số dư các tài khoản và các loại giao dịch chủ yếu sẽ giúp kiểm toán viên xác định được các khoản mục cần được kiểm tra và quyết định nên áp dụng thủ tục chọn mẫu hay thủ tục phân tích. Việc đánh giá mức trọng yếu liên quan đến số dư các tài khoản và các loại giao dịch chủ yếu sẽ giúp kiểm toán viên lựa chọn được những thủ tục kiểm toán thích hợp và việc kết hợp các thủ tục kiểm toán thích hợp đó với nhau sẽ làm giảm được rủi ro kiểm toán tới mức độ có thể chấp nhận được.
11. Trong một cuộc kiểm toán, mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau: mức trọng yếu càng cao thì rủi ro kiểm toán càng thấp và ngược lại. Kiểm toán viên phải cân nhắc đến mối quan hệ này khi xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán một cách thích hợp, như: khi lập kế hoạch kiểm toán, nếu kiểm toán viên xác định mức trọng yếu có thể chấp nhận được là thấp thì rủi ro kiểm toán sẽ tăng lên. Trường hợp này kiểm toán viên có thể:
a. Giảm mức độ rủi ro kiểm soát đã được đánh giá bằng cách mở rộng hoặc thực hiện thêm thử nghiệm kiểm soát để chứng minh cho việc giảm rủi ro kiểm soát; hoặc
b. Giảm rủi ro phát hiện bằng cách sửa đổi lại nội dung, lịch trình và phạm vi của những thủ tục kiểm tra chi tiết đã dự kiến.
Trọng yếu và rủi ro kiểm toán trong đánh giá bằng chứng kiểm toán
12. Kết quả đánh giá mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán của kiểm toán viên ở thời điểm lập kế hoạch kiểm toán ban đầu có thể khác với kết quả đánh giá ở các thời điểm khác nhau trong quá trình kiểm toán. Sự khác nhau này là do sự thay đổi tình hình thực tế hoặc sự thay đổi về sự hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán dựa trên kết quả kiểm toán đã thu thập được, như: trường hợp lập kế hoạch kiểm toán trước khi kết thúc năm tài chính, kiểm toán viên đã đánh giá mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán căn cứ trên dự tính trước kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu tình hình tài chính thực tế và kết quả hoạt động của doanh nghiệp có sự khác biệt đáng kể so với dự tính, thì việc đánh giá mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán sẽ có thay đổi. Hơn nữa, trong khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên thường ấn định mức trọng yếu có thể chấp nhận được thấp hơn so với mức sử dụng để đánh giá kết quả kiểm toán nhằm tăng khả năng phát hiện sai sót.
Đánh giá ảnh hưởng của sai sót
13. Khi đánh giá về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu tổng các sai sót được phát hiện trong quá trình kiểm toán nhưng chưa được sửa chữa có hợp thành một sai sót trọng yếu hay không.
14. Tổng hợp các sai sót chưa được sửa chữa, gồm:
a. Sai sót do kiểm toán viên phát hiện trong năm nay, bao gồm cả các sai sót đã được phát hiện trong các năm trước chưa được sửa chữa trong năm kiểm toán;
b. Ước tính của kiểm toán viên về những sai sót khác không thể xác định được một cách cụ thể (sai sót dự tính) của báo cáo tài chính trong năm kiểm toán.
15. Kiểm toán viên cần xác định những sai sót chưa được sửa chữa có thể hợp thành sai sót trọng yếu không. Nếu kiểm toán viên kết luận tổng hợp những sai sót đó là trọng yếu, thì kiểm toán viên cần có biện pháp để giảm bớt rủi ro kiểm toán bằng cách bổ sung các thủ tục kiểm toán cần thiết hoặc yêu cầu Giám đốc đơn vị được kiểm toán điều chỉnh lại báo cáo tài chính.
16. Trường hợp Giám đốc đơn vị được kiểm toán từ chối điều chỉnh lại báo cáo tài chính, và kết quả thực hiện những thủ tục kiểm toán bổ sung cho phép kiểm toán viên kết luận là tổng hợp các sai sót chưa được sửa chữa là trọng yếu, thì kiểm toán viên cần xem xét, sửa đổi lại báo cáo kiểm toán cho phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 - Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính.
17. Trường hợp tổng hợp các sai sót đã phát hiện nhưng chưa được sửa chữa xấp xỉ với mức trọng yếu đã được ấn định thì kiểm toán viên phải xem xét khả năng có những sai sót chưa được phát hiện kết hợp với những sai sót đã phát hiện nhưng chưa được sửa chữa có thể tạo thành sai sót trọng yếu hay không. Trong trường hợp đó, kiểm toán viên cần giảm bớt rủi ro kiểm toán bằng cách bổ sung các thủ tục kiểm toán cần thiết hoặc yêu cầu Giám đốc điều chỉnh lại báo cáo tài chính để sửa chữa những sai sót đã được phát hiện.
BẰNG CHỨNG KIỂM TOÁN BỔ SUNG ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN MỤC VÀ SỰ KIỆN ĐẶC BIỆT
(Ban
hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC
ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc, thủ tục cơ bản liên quan đến việc thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán các khoản mục và sự kiện đặc biệt trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Các nguyên tắc và thủ tục quy định trong chuẩn mực này bổ sung cho các nguyên tắc và thủ tục quy định trong Chuẩn mực số 500 "Bằng chứng kiểm toán".
02. Việc áp dụng các nguyên tắc và thủ tục được trình bày trong chuẩn mực này sẽ giúp kiểm toán viên và công ty kiểm toán thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với các khoản mục đặc biệt trong báo cáo tài chính và một số sự kiện liên quan khác.
03. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và cũng được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ có liên quan của công ty kiểm toán.
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến quá trình cung cấp và thu thập bằng chứng kiểm toán các khoản mục và sự kiện đặc biệt.
04. Các khoản mục và sự kiện đặc biệt trong kiểm toán báo cáo tài chính, thường gồm:
- Hàng tồn kho;
- Các khoản phải thu;
- Các khoản đầu tư dài hạn;
- Các vụ kiện tụng và tranh chấp;
- Thông tin về các lĩnh vực hoặc khu vực địa lý.
Các khoản mục và sự kiện được xác định là đặc biệt tuỳ thuộc vào từng đơn vị được kiểm toán theo đánh giá của kiểm toán viên. Khi được xác định là khoản mục hoặc sự kiện đặc biệt thì kiểm toán viên phải tiến hành các công việc sau đây:
05. Đơn vị được kiểm toán phải thiết lập các thủ tục kiểm kê và thực hiện kiểm kê hiện vật hàng tồn kho ít nhất mỗi năm một lần làm cơ sở kiểm tra độ tin cậy của hệ thống kê khai thường xuyên và lập báo cáo tài chính.
06. Trường hợp hàng tồn kho được xác định là trọng yếu trong báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự hiện hữu và tình trạng của hàng tồn kho bằng cách tham gia công việc kiểm kê hiện vật, trừ khi việc tham gia là không thể thực hiện được. Khi đơn vị thực hiện kiểm kê, kiểm toán viên chỉ giám sát hoặc có thể tham gia trực tiếp kiểm kê chọn mẫu hàng tồn kho, để thu thập bằng chứng về sự tuân thủ các thủ tục kiểm kê và kiểm tra độ tin cậy của các thủ tục này.
07. Trường hợp kiểm toán viên không thể tham gia kiểm kê hiện vật vào ngày đơn vị thực hiện kiểm kê, thì phải tham gia kiểm kê lại một số mặt hàng vào thời điểm khác, và khi cần thiết, phải kiểm tra biến động hàng tồn kho trong khoảng thời gian giữa thời điểm kiểm kê lại và thời điểm đơn vị thực hiện kiểm kê.
08. Trường hợp kiểm toán viên không thể tham gia kiểm kê, chẳng hạn do tính chất và địa điểm của công việc kiểm kê này, thì kiểm toán viên phải xác định xem mình có thể thực hiện các thủ tục kiểm tra thay thế nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự hiện hữu và tình trạng của hàng tồn kho, để tránh phải đưa ra ý kiến ngoại trừ vì phạm vi kiểm toán bị giới hạn, như kiểm tra chứng từ về bán hàng sau ngày kiểm kê hiện vật có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán thích hợp.
09. Trường hợp kiểm toán viên có kế hoạch tham gia kiểm kê hiện vật hoặc thực hiện các thủ tục kiểm tra thay thế thì phải xem xét đến các yếu tố sau:
- Đặc điểm của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến hàng tồn kho;
- Các rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát, rủi ro phát hiện, và tính trọng yếu của khoản mục hàng tồn kho;
- Các thủ tục kiểm kê đã được thiết lập và hướng dẫn đến người thực hiện kiểm kê hay chưa;
- Kế hoạch kiểm kê;
- Địa điểm kiểm kê hàng tồn kho;
- Sự cần thiết phải tham gia kiểm kê của chuyên gia.
10. Trường hợp kiểm toán viên đã tham gia kiểm kê hiện vật một hoặc một số lần trong năm, thì chỉ cần quan sát việc thực hiện các thủ tục kiểm kê và kiểm tra chọn mẫu hàng tồn kho.
11. Nếu đơn vị thực hiện ước tính số lượng hàng tồn kho, như ước tính khối lượng của một đống than, thì kiểm toán viên phải xem xét đến tính hợp lý của phương pháp ước tính này.
12. Trường hợp kiểm kê hiện vật hàng tồn kho được tiến hành cùng một lúc tại nhiều địa điểm thì kiểm toán viên phải lựa chọn địa điểm phù hợp để tham gia kiểm kê tuỳ theo mức độ trọng yếu của loại hàng tồn kho và sự đánh giá về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát đối với các địa điểm này.
13. Kiểm toán viên phải soát xét các quy định của đơn vị được kiểm toán về kiểm kê hàng tồn kho:
a. Việc áp dụng các thủ tục kiểm soát, như soát xét phương pháp cân, đong, đo, đếm, nhập, xuất hàng tồn kho; thủ tục ghi chép sổ kho, thẻ kho, việc ghi chép phiếu kiểm kê, tổng hợp kết quả kiểm kê;
b. Việc xác định sản phẩm dở dang, hàng chậm luân chuyển, lỗi thời, hoặc bị hư hại, hàng gửi đi gia công, hàng gửi đại lý, ký gửi, hàng nhận gia công, hàng nhận bán đại lý,...;
c. Việc xác định các thủ tục thích hợp liên quan đến hàng lưu chuyển nội bộ, hàng nhập, xuất trước và sau ngày kiểm kê.
14. Để đảm bảo các thủ tục kiểm kê do đơn vị quy định được thi hành nghiêm chỉnh, kiểm toán viên phải giám sát việc thực hiện các thủ tục kiểm kê và có thể tham gia trực tiếp kiểm kê chọn mẫu. Kiểm toán viên phải kiểm tra lại độ chính xác và đầy đủ của các phiếu kiểm kê bằng cách chọn và kiểm tra lại một số mặt hàng thực tế tồn trong kho để đối chiếu với phiếu kiểm kê hoặc chọn và kiểm tra một số phiếu kiểm kê để đối chiếu với hàng thực tế tồn trong kho. Trong các phiếu kiểm kê đã được kiểm tra, kiểm toán viên cần phải xem xét nên lưu giữ những phiếu kiểm kê nào để giúp cho việc kiểm tra và soát xét sau này.
15. Kiểm toán viên cũng phải xem xét thủ tục kết thúc niên độ, chủ yếu là các chi tiết của giá trị hàng tồn kho lưu chuyển ngay trước, trong và sau khi kiểm kê để có thể kiểm tra được việc hạch toán giá trị hàng lưu chuyển này.
16. Trong thực tế, kiểm kê hiện vật hàng tồn kho có thể được thực hiện vào thời điểm khác với thời điểm kết thúc niên độ. Thông thường, cách làm này chỉ được áp dụng cho trường hợp kiểm toán khi rủi ro kiểm soát được đánh giá là thấp hoặc trung bình. Trường hợp này, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục thích hợp để xem xét sự biến động của hàng tồn kho giữa ngày kiểm kê và ngày kết thúc niên độ có được hạch toán một cách chính xác hay không.
17. Trường hợp đơn vị được kiểm toán áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ để kế toán hàng tồn kho thì giá trị hàng tồn kho được xác định vào cuối niên độ, nhưng kiểm toán viên vẫn phải tiến hành một số thủ tục bổ sung để đánh giá xem các chênh lệch lớn giữa số liệu kiểm kê và số liệu trên sổ kế toán có được đơn vị xác định nguyên nhân và kiểm tra xem số chênh lệch đó đã được điều chỉnh chưa.
18. Kiểm toán viên phải kiểm tra danh mục hàng tồn kho cuối năm đã được kiểm kê để xác định xem có phản ánh đầy đủ, chính xác số tồn kho thực tế hay không.
19. Trường hợp hàng tồn kho được bên thứ ba kiểm soát hoặc bảo quản thì kiểm toán viên phải yêu cầu bên thứ ba xác nhận trực tiếp về số lượng và tình trạng của hàng tồn kho mà bên thứ ba đang giữ hộ cho đơn vị. Tuỳ theo mức độ trọng yếu của số hàng tồn kho này, kiểm toán viên cần phải xem xét các nhân tố sau:
- Tính chính trực và độc lập của bên thứ ba;
- Sự cần thiết phải trực tiếp tham gia kiểm kê hoặc để kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán khác tham gia kiểm kê;
- Sự cần thiết phải có báo cáo của kiểm toán viên khác về tính thích hợp của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của bên thứ ba để có thể đảm bảo công việc kiểm kê là đúng đắn và hàng tồn kho được giữ gìn cẩn thận;
- Sự cần thiết phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến hàng tồn kho do bên thứ ba giữ; Ví dụ: Phiếu nhập kho, hoặc được bên khác xác nhận hiện đang giữ cầm cố các tài sản này.
20. Trường hợp các khoản phải thu được xác định là trọng yếu trong báo cáo tài chính và có khả năng khách nợ sẽ phúc đáp thư yêu cầu xác nhận các khoản nợ thì kiểm toán viên phải lập kế hoạch yêu cầu khách nợ xác nhận trực tiếp các khoản phải thu hoặc các số liệu tạo thành số dư của khoản phải thu.
21. Sự xác nhận trực tiếp sẽ cung cấp bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy về sự hiện hữu của các khoản phải thu và tính chính xác của các số dư. Tuy nhiên, sự xác nhận này thông thường chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng về khả năng thu hồi các khoản phải thu hoặc còn các khoản phải thu khác không được hạch toán.
22. Trường hợp kiểm toán viên xét thấy các khách nợ sẽ không phúc đáp thư xác nhận các khoản phải thu thì phải dự kiến các thủ tục thay thế; Ví dụ: Kiểm tra các tài liệu tạo thành số dư phải thu.
23. Kiểm toán viên có thể chọn ra các khoản nợ phải thu cần xác nhận để đảm bảo sự hiện hữu và tính chính xác của các khoản phải thu trên tổng thể, trong đó có tính đến các khoản phải thu có tác động đến rủi ro kiểm toán đã được xác định và các thủ tục kiểm toán dự kiến khác.
24. Thư yêu cầu xác nhận nợ phải thu do kiểm toán viên gửi, trong đó nói rõ sự uỷ quyền của đơn vị được kiểm toán và cho phép khách nợ trực tiếp cung cấp thông tin cho kiểm toán viên.
25. Thư yêu cầu xác nhận nợ phải thu (có thể gồm cả xác nhận nợ phải trả) bằng Đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (nếu có) của kiểm toán viên có 2 dạng:
- Dạng A: ghi rõ số nợ phải thu và yêu cầu khách nợ xác nhận là đúng hoặc bằng bao nhiêu (Xem Phụ lục số 01);
- Dạng B: không ghi rõ số nợ phải thu mà yêu cầu khách nợ ghi rõ số nợ phải thu hoặc có ý kiến khác (Xem Phụ lục số 02).
26. Xác nhận Dạng A (Xem đoạn 25) cung cấp bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy hơn là xác nhận Dạng B (Xem đoạn 25). Việc lựa chọn dạng yêu cầu xác nhận nào phụ thuộc vào từng trường hợp và sự đánh giá về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát của kiểm toán viên. Xác nhận Dạng A thích hợp hơn khi rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát được đánh giá là cao.
27. Kiểm toán viên có thể thực hiện kết hợp cả hai dạng xác nhận trên. Ví dụ: Khi tổng các khoản phải thu bao gồm một số lượng hạn chế các khoản phải thu lớn và một số lượng lớn các khoản phải thu nhỏ thì kiểm toán viên có thể yêu cầu xác nhận theo Dạng A toàn bộ hay một số các khoản phải thu lớn, và chấp nhận xác nhận theo Dạng B số lượng lớn các khoản phải thu nhỏ.
28. Sau khi gửi thư xác nhận nợ một khoảng thời gian hợp lý, nếu các khách nợ chưa phúc đáp thì kiểm toán viên phải gửi thư thúc giục. Thư xác nhận các trường hợp ngoại lệ cần được điều tra đầy đủ hơn.
29. Kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục thay thế hoặc phải tiếp tục điều tra, phỏng vấn khi:
- Không nhận được thư phúc đáp;
- Thư phúc đáp xác nhận số nợ khác với số dư của đơn vị được kiểm toán;
- Thư phúc đáp có ý kiến khác.
Sau khi thực hiện các thủ tục thay thế hoặc tiếp tục điều tra, phỏng vấn, nếu vẫn không có đủ bằng chứng tin cậy hoặc không thể thực hiện được thủ tục thay thế, thì sự khác biệt được coi là sai sót. Ví dụ: Thực hiện thủ tục thay thế như kiểm tra hóa đơn bán hàng và các phiếu thu tiền của khoản nợ phải thu không nhận được thư phúc đáp.
30. Trên thực tế, khi rủi ro kiểm soát được đánh giá là thấp, kiểm toán viên có thể yêu cầu xác nhận số dư các khoản nợ phải thu tại một thời điểm khác với ngày kết thúc năm tài chính. Ví dụ: Trường hợp kiểm toán viên phải hoàn thành công việc kiểm toán trong một thời hạn rất ngắn sau ngày kết thúc niên độ thì kiểm toán viên phải kiểm tra các nghiệp vụ xảy ra giữa thời điểm số dư phải thu được xác nhận và ngày kết thúc năm tài chính.
31. Trường hợp Giám đốc đơn vị được kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên không gửi thư yêu cầu xác nhận đến một số khách nợ thì kiểm toán viên phải xem xét yêu cầu này có chính đáng hay không. Ví dụ: Trường hợp một khoản phải thu đang còn tranh chấp giữa hai bên, hoặc trường hợp yêu cầu xác nhận nợ phải thu sẽ ảnh hưởng không tốt đến những thương lượng đang diễn ra giữa đơn vị và khách nợ. Trước khi chấp thuận yêu cầu này, kiểm toán viên phải xem xét những bằng chứng chứng minh cho giải thích của Giám đốc. Trường hợp này, kiểm toán viên phải áp dụng các thủ tục thay thế đối với số dư của những khoản phải thu không được gửi thư xác nhận.
Đánh giá và trình bày các khoản đầu tư dài hạn
32. Trường hợp các khoản đầu tư dài hạn được xác định là trọng yếu trong báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá và trình bày các khoản đầu tư dài hạn.
33. Thủ tục kiểm toán các khoản đầu tư dài hạn thường để xác định xem đơn vị có khả năng và có ý định nắm giữ các khoản đầu tư này dài hạn không và phải thu thập các bản giải trình về khoản đầu tư dài hạn.
34. Thủ tục kiểm toán thường bao gồm việc kiểm tra báo cáo tài chính và các thông tin khác có liên quan, như xác định và so sánh giá chứng khoán trên thị trường với giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư dài hạn đến ngày ký báo cáo kiểm toán.
35. Nếu giá thị trường thấp hơn giá trị ghi sổ thì kiểm toán viên phải xét đến sự cần thiết phải lập dự phòng giảm giá. Nếu xét thấy có nghi ngờ về khả năng thu hồi khoản đầu tư thì kiểm toán viên phải xem xét đến các điều chỉnh và thuyết minh thích hợp trình bày trong báo cáo tài chính.
36. Các vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan đến đơn vị được kiểm toán có thể có ảnh hưởng trọng yếu tới báo cáo tài chính thì phải trình bày trong báo cáo tài chính theo quy định.
37. Kiểm toán viên phải tiến hành các thủ tục để xác định các vụ kiện tụng, tranh chấp có liên quan đến đơn vị và có thể ảnh hưởng trọng yếu tới báo cáo tài chính. Các thủ tục này gồm:
- Trao đổi với Giám đốc và yêu cầu cung cấp bản giải trình;
- Xem xét các biên bản họp Hội đồng quản trị và các thư từ trao đổi với chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị;
- Kiểm tra các khoản phí tư vấn pháp luật;
- Sử dụng mọi thông tin có liên quan đến các vụ kiện tụng, tranh chấp.
38. Khi các vụ kiện tụng, tranh chấp đã được xác định hoặc khi kiểm toán viên nghi ngờ có kiện tụng, tranh chấp thì phải yêu cầu chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin. Bằng cách đó, kiểm toán viên sẽ thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các vụ việc và mức thiệt hại làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị.
39. Thư yêu cầu chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị cung cấp thông tin về các vụ kiện tụng, tranh chấp phải do đơn vị được kiểm toán ký và do kiểm toán viên gửi đi, gồm các nội dung sau:
- Danh sách các vụ kiện tụng, tranh chấp;
- Đánh giá của Giám đốc đơn vị được kiểm toán về hậu quả của các vụ kiện tụng, tranh chấp và ước tính ảnh hưởng về mặt tài chính của vụ việc đó, kể cả các chi phí pháp lý có liên quan;
- Yêu cầu chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị xác nhận tính hợp lý trong các đánh giá của Giám đốc và cung cấp cho kiểm toán viên các thông tin bổ sung.
40. Kiểm toán viên phải xem xét diễn biến của các vụ kiện tụng, tranh chấp cho đến ngày ký báo cáo kiểm toán. Khi cần thiết, kiểm toán viên có thể thu thập thêm thông tin cập nhật từ phía chuyên gia tư vấn pháp luật.
41. Trường hợp vụ việc rất phức tạp hoặc không có sự nhất trí giữa Giám đốc đơn vị được kiểm toán và chuyên gia tư vấn pháp luật thì kiểm toán viên phải gặp trực tiếp chuyên gia tư vấn pháp luật để trao đổi về hậu quả của vụ việc. Cuộc trao đổi này phải có sự đồng ý của Giám đốc đơn vị được kiểm toán và cần có đại diện Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán tham dự.
42. Trường hợp Giám đốc đơn vị được kiểm toán không cho phép kiểm toán viên trao đổi với chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị sẽ là sự giới hạn về phạm vi kiểm toán và kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến. Trường hợp chuyên gia tư vấn pháp luật của khách hàng từ chối trả lời với lý do thỏa đáng và kiểm toán viên cũng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thông qua thủ tục thay thế, thì kiểm toán viên phải xác định xem điều này có tạo nên sự giới hạn trong phạm vi kiểm toán và có thể phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến.
Thông tin về các lĩnh vực hoặc khu vực địa lý
43. Trường hợp thông tin liên quan đến các lĩnh vực và khu vực địa lý được xác định là trọng yếu trong báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các thông tin cần được trình bày trong báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực kế toán hiện hành.
44. Kiểm toán viên phải xem xét các thông tin liên quan đến các lĩnh vực và khu vực địa lý trong mối liên hệ với báo cáo tài chính trên bình diện tổng thể. Kiểm toán viên không bắt buộc phải áp dụng các thủ tục kiểm toán để đưa ra ý kiến riêng về các thông tin liên quan đến các lĩnh vực và khu vực địa lý, tuy nhiên khái niệm trọng yếu phải chứa đựng cả yếu tố định lượng và định tính và các thủ tục của kiểm toán viên để xác định thông tin trọng yếu phải tính đến điều này.
45. Các thủ tục kiểm toán cho phần thông tin liên quan đến các lĩnh vực và khu vực địa lý thường gồm thủ tục phân tích và thử nghiệm kiểm toán phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
46. Kiểm toán viên cần trao đổi với Giám đốc đơn vị được kiểm toán về các phương pháp được sử dụng để thu thập các thông tin liên quan đến các lĩnh vực và khu vực địa lý, và xác định xem các phương pháp này có phù hợp với chuẩn mực kế toán hiện hành và đảm bảo rằng các phương pháp này được áp dụng nghiêm chỉnh. Để thực hiện điều này, kiểm toán viên phải xem xét doanh thu bán hàng, chi phí chuyển giao giữa các lĩnh vực hay khu vực địa lý; loại trừ các khoản phát sinh trong nội bộ một lĩnh vực hay một khu vực; so sánh với kế hoạch và các dự toán khác; Ví dụ: Tỷ lệ % lợi nhuận trên doanh thu bán hàng và việc phân bổ tài sản và chi phí giữa các bộ phận có nhất quán với các giai đoạn trước hay không và có trình bày đầy đủ trên báo cáo tài chính không khi không có sự nhất quán.
(Mẫu thư yêu cầu xác nhận số dư)
Ngày... tháng... năm...
Kính gửi: Công ty...................................................... (Khách nợ)
Địa chỉ: ...........................................................................
Fax: .................................................................................
Thư: Yêu cầu xác nhận số dư
Theo yêu cầu kiểm toán, chúng tôi kính đề nghị Quý công ty đối chiếu số dư dưới đây với sổ của công ty tại thời điểm ngày................................ và xác nhận số dư này (1/ Công ty phải thu và 2/ Công ty phải trả) là đúng, hoặc bằng bao nhiêu. Thư xác nhận gửi trực tiếp hoặc fax cho kiểm toán viên của chúng tôi theo địa chỉ trên mẫu xác nhận dưới đây:
1. Nợ phải trả:................................. (bằng chữ:............................................)
2. Nợ phải thu:................................. (bằng chữ:...........................................)
Thư xác nhận này không phải là yêu cầu thanh toán mà chỉ nhằm phục vụ mục đích kiểm toán. Các khoản nợ và các khoản thanh toán sau ngày nói trên không bao gồm trong số dư xác nhận.
|
GIÁM
ĐỐC HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN |
Kính gửi: Công ty kiểm toán ...............................................................
(Họ và tên kiểm toán viên: ..................................................)
Địa chỉ: ................................................................................
Fax: ......................................................................................
Chúng tôi xác nhận số dư trên sổ sách kế toán ngày............................. của chúng tôi là đúng với số dư nói trên, hoặc là:
- ......................................................................................................
- ......................................................................................................
|
GIÁM
ĐỐC HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN (KHÁCH NỢ) |
PHỤ LỤC SỐ 02 (Dạng B)
(Mẫu thư yêu cầu xác nhận số dư)
Ngày... tháng... năm...
Kính gửi: Công ty...................................................... (Khách nợ)
Địa chỉ:........................................................................
Fax:..............................................................................
Thư: Yêu cầu xác nhận số dư
Theo yêu cầu kiểm toán, chúng tôi kính đề nghị Quý công ty căn cứ số dư trên sổ kế toán của công ty tại thời điểm ngày....................... và xác nhận số dư hoặc có ý kiến khác vào mẫu dưới đây. Thư xác nhận gửi trực tiếp hoặc fax cho kiểm toán viên của chúng tôi theo địa chỉ ghi dưới.
Thư xác nhận này không phải là yêu cầu thanh toán mà chỉ nhằm phục vụ mục đích kiểm toán. Các khoản nợ và các khoản thanh toán sau ngày nói trên không bao gồm trong số dư xác nhận.
|
GIÁM
ĐỐC HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN |
Kính gửi: Công ty kiểm toán ............................................................
(Họ và tên kiểm toán viên:................................................)
Địa chỉ:.............................................................................
Fax:...................................................................................
Chúng tôi xác nhận số dư trên sổ sách kế toán ngày ..................... của chúng tôi là:
1. Nợ chúng tôi phải thu: ................................. (bằng chữ: ...............................)
2. Nợ chúng tôi phải trả: ................................. (bằng chữ: ...............................)
3. Ý kiến khác: ...................................................................................................
|
GIÁM
ĐỐC HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN (KHÁCH NỢ) |
CÁC SỰ KIỆN PHÁT SINH SAU NGÀY KHOÁ SỔ KẾ TOÁN LẬP BÁO CÁO
TÀI CHÍNH
(Ban hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC
ngày 14 tháng 03 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc, thủ tục cơ bản liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán khi xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính để kiểm toán trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.
02. Kiểm toán viên phải xem xét ảnh hưởng của những sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính đối với báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán.
03. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và cũng được vận dụng cho kiểm toán các thông tin tài chính khác của công ty kiểm toán.
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) phải có những hiểu biết cần thiết về chuẩn mực này để phối hợp với kiểm toán viên trong việc cung cấp các thông tin và tài liệu liên quan đến các sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính để kiểm toán.
Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
04. Các sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính: Là những sự kiện có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính để kiểm toán đến ngày ký báo báo cáo kiểm toán; và những sự kiện được phát hiện sau ngày ký báo cáo kiểm toán.
Có 2 loại sự kiện xẩy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính:
a. Những sự kiện cung cấp thêm bằng chứng về các sự việc đã tồn tại vào ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính;
b. Những sự kiện cung cấp dấu hiệu về các sự việc đã phát sinh tiếp sau ngày khoá sổ kế toán lập Báo cáo tài chính.
05. Ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính: Là ngày tính đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm . Ví dụ: Kỳ kế toán năm từ 01/01 đến 31/12 năm dương lịch thì ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính là đến 24 giờ ngày 31/12 năm đó.
06. Ngày ký báo cáo tài chính: Là ngày, tháng, năm ghi trên báo cáo tài chính trước phần ký tên Giám đốc (hoặc người được uỷ quyền) và đóng dấu của đơn vị được kiểm toán. Ngày ký báo cáo tài chính phải sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính.
07. Ngày ký báo cáo kiểm toán: Là ngày, tháng, năm ghi trên báo cáo kiểm toán trước phần ký tên kiểm toán viên, ký tên Giám đốc (hoặc người được uỷ quyền) và đóng dấu của công ty kiểm toán. Ngày ký báo cáo kiểm toán có thể là ngày thực ký báo cáo kiểm toán hoặc là ngày cuối cùng kết thúc công việc kiểm toán trên thực địa đơn vị được kiểm toán. Công ty kiểm toán phải tự quyết định ngày ký báo cáo kiểm toán, nhưng ngày ký báo cáo kiểm toán phải sau hoặc cùng ngày với ngày ký báo cáo tài chính.
08. Ngày công bố báo cáo tài chính: Là ngày tính theo dấu bưu điện hoặc là ngày ký nhận sớm nhất khi nộp báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán cho cơ quan Nhà nước hoặc công khai.
09. Các sự kiện phát sinh sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán gồm 3 giai đoạn:
- Các sự kiện phát sinh đến ngày ký báo cáo kiểm toán;
- Các sự kiện được phát hiện sau ngày ký báo cáo kiểm toán nhưng trước ngày công bố báo cáo tài chính;
- Các sự kiện được phát hiện sau ngày công bố báo cáo tài chính.
Các sự kiện phát sinh đến ngày ký báo cáo kiểm toán
10. Kiểm toán viên phải xây dựng và thực hiện các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định tất cả những sự kiện đã phát sinh đến ngày ký báo cáo kiểm toán xét thấy có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, và phải yêu cầu đơn vị điều chỉnh hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính. Các thủ tục này bổ sung cho các thủ tục thông thường được áp dụng cho các sự kiện đặc biệt xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính nhằm thu thập thêm bằng chứng kiểm toán về số dư của các tài khoản vào thời điểm lập báo cáo tài chính. Tuy nhiên, kiểm toán viên không bắt buộc phải xem xét tất cả các vấn đề mà những thủ tục kiểm toán trong năm đã đưa ra kết luận thoả đáng. Ví dụ: Kiểm tra nghiệp vụ bán hàng tồn kho và thanh toán công nợ sau ngày khoá sổ kế toán cung cấp bằng chứng về giá trị hàng tồn kho trong báo cáo tài chính.
11. Thủ tục nhằm xác nhận sự kiện có thể dẫn đến yêu cầu đơn vị được kiểm toán phải điều chỉnh hoặc phải thuyết minh trong báo cáo tài chính cần phải được tiến hành vào thời điểm gần ngày ký báo cáo kiểm toán nhất và thường gồm những bước sau:
* Xem xét lại các thủ tục do đơn vị quy định áp dụng nhằm bảo đảm mọi sự kiện xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính đều được xác định.
* Xem xét các biên bản Đại hội cổ đông, họp Hội đồng quản trị, họp Ban kiểm soát, họp Ban Giám đốc sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính, kể cả những vấn đề đã được thảo luận trong các cuộc họp này nhưng chưa được ghi trong biên bản.
* Xem xét báo cáo tài chính kỳ gần nhất của đơn vị và kế hoạch tài chính cũng như các báo cáo quản lý khác của Giám đốc.
* Yêu cầu đơn vị hoặc luật sư của đơn vị cung cấp thêm thông tin về các vụ kiện tụng, tranh chấp đã cung cấp trước đó, hoặc về các vụ kiện tụng, tranh chấp khác (nếu có).
* Trao đổi với Giám đốc đơn vị để xác định những sự kiện đã xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính nhưng có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, như:
- Những số liệu tạm tính hoặc chưa được xác nhận;
- Những cam kết, khoản vay hay bảo lãnh mới được ký kết;
- Bán hay dự kiến bán tài sản;
- Những cổ phiếu hay trái phiếu mới phát hành;
- Thoả thuận sáp nhập hay giải thể đã được ký kết hay dự kiến;
- Những tài sản bị trưng dụng hay bị phá huỷ do hoả hoạn hay lụt bão,...
- Những rủi ro hay sự kiện có thể xảy ra;
- Những điều chỉnh kế toán bất thường đã thực hiện hay dự định thực hiện;
- Những sự kiện đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra làm cho các chính sách kế toán đã được sử dụng để lập báo cáo tài chính không còn phù hợp. Ví dụ: Phát sinh sự kiện nợ phải thu khó đòi làm cho giả thiết về tính liên tục hoạt động kinh doanh không còn hiệu lực.
12. Trường hợp một đơn vị cấp dưới (chi nhánh trong công ty, công ty trong tổng công ty) được công ty kiểm toán độc lập khác thực hiện kiểm toán thì kiểm toán viên kiểm toán đơn vị cấp trên phải xem xét các thủ tục mà kiểm toán viên của công ty kiểm toán kia đã áp dụng liên quan đến những sự kiện xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính và xem có cần phải thông báo cho công ty kiểm toán kia về ngày dự kiến ký báo cáo kiểm toán của mình không.
13. Khi nhận thấy các sự kiện xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải xác định xem các sự kiện này có được tính toán đúng đắn và trình bày thích hợp trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán hay không.
Các sự kiện được phát hiện sau ngày ký báo cáo kiểm toán nhưng trước ngày công bố báo cáo tài chính
14. Kiểm toán viên không bắt buộc phải áp dụng các thủ tục hoặc phải xem xét những vấn đề có liên quan đến báo cáo tài chính sau ngày ký báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, Giám đốc của đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm thông báo cho kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán biết về các sự kiện đã xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày ký báo cáo kiểm toán đến ngày công bố báo cáo tài chính có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
15. Trường hợp kiểm toán viên biết được có sự kiện có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính phát sinh sau ngày ký báo cáo kiểm toán nhưng trước ngày công bố báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên phải cân nhắc xem có nên sửa lại báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán hay không và phải thảo luận vấn đề này với Giám đốc của đơn vị được kiểm toán để có những biện pháp phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
16. Trường hợp Kiểm toán viên yêu cầu và Giám đốc đơn vị được kiểm toán chấp nhận sửa đổi báo cáo tài chính thì kiểm toán viên sẽ thực hiện những thủ tục cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế và sẽ cung cấp cho đơn vị được kiểm toán một báo cáo kiểm toán mới dựa trên báo cáo tài chính đã được sửa đổi. Báo cáo kiểm toán mới này phải được ký cùng ngày, tháng hoặc ngay sau ngày, tháng ký báo cáo tài chính đã sửa đổi. Trường hợp này kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán quy định ở đoạn 10, 11 cho đến ngày ký báo cáo kiểm toán đã sửa đổi.
17. Trường hợp Kiểm toán viên yêu cầu nhưng Giám đốc đơn vị được kiểm toán không chấp nhận sửa đổi báo cáo tài chính, và báo cáo kiểm toán chưa được gửi đến đơn vị được kiểm toán thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán sẽ lập lại báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến không chấp nhận.
18. Trường hợp báo cáo kiểm toán đã được gửi đến đơn vị được kiểm toán mới phát hiện có sự kiện ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên phải yêu cầu người đứng đầu đơn vị được kiểm toán không công bố báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán cho bên thứ ba. Nếu đơn vị vẫn quyết định công bố các báo cáo này, thì kiểm toán viên phải áp dụng những biện pháp thích hợp để ngăn chặn các bên thứ ba sử dụng báo cáo kiểm toán của mình. Các biện pháp ngăn chặn được thực hiện tùy thuộc vào quyền hạn và nghĩa vụ pháp lý của kiểm toán viên cũng như những khuyến nghị của luật sư của kiểm toán viên.
Các sự kiện được phát hiện sau ngày công bố báo cáo tài chính
19. Sau ngày công bố báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên không bắt buộc phải xem xét, kiểm tra bất cứ số liệu hay sự kiện nào có liên quan đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
20. Sau ngày công bố báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán nếu kiểm toán viên nhận thấy vẫn còn sự kiện xẩy ra đến ngày ký báo cáo kiểm toán cần phải sửa đổi báo cáo kiểm toán, thì kiểm toán viên phải cân nhắc xem có nên sửa lại báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán hay không; phải thảo luận vấn đề này với Giám đốc đơn vị được kiểm toán và có những biện pháp thích hợp tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
21. Trường hợp Giám đốc đơn vị được kiểm toán chấp nhận sửa đổi báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải thực hiện những thủ tục cần thiết, phù hợp và phải kiểm tra các biện pháp mà đơn vị được kiểm toán áp dụng nhằm bảo đảm vấn đề này đã được thông báo đến các bên nhận báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán đã công bố, đồng thời kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải công bố một báo cáo kiểm toán mới căn cứ trên báo cáo tài chính đã sửa đổi.
22. Trong báo cáo kiểm toán mới phải có đoạn giải thích nguyên nhân phải sửa đổi báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán đã được công bố. Báo cáo kiểm toán mới này được ký cùng ngày, tháng hoặc ngay sau ngày, tháng ký báo cáo tài chính đã sửa đổi. Trường hợp này kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán quy định ở đoạn 10, 11 cho đến ngày ký báo cáo kiểm toán đã sửa đổi.
23. Trường hợp Giám đốc đơn vị được kiểm toán không thông báo vấn đề nêu ở đoạn 21 đến các bên đã nhận được báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán đã công bố trước đó và cũng không sửa đổi báo cáo tài chính theo yêu cầu của kiểm toán viên thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thông báo cho Giám đốc đơn vị được kiểm toán biết về những biện pháp mà kiểm toán viên sẽ áp dụng để ngăn chặn việc các bên thứ ba sử dụng báo cáo kiểm toán. Các biện pháp ngăn chặn được thực hiện tùy thuộc vào quyền hạn và nghĩa vụ pháp lý của kiểm toán viên cũng như khuyến nghị của luật sư của kiểm toán viên.
24. Trường hợp báo cáo tài chính của năm tài chính tiếp theo đang được công ty kiểm toán tiếp tục kiểm toán và sắp được công bố thì có thể không cần phải sửa đổi báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán cho năm tài chính trước với điều kiện là phải trình bày rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính của năm tài chính tiếp theo vấn đề nêu ở đoạn 21.
Trường hợp đơn vị được kiểm toán phát hành chứng khoán
25. Trường hợp đơn vị được kiểm toán phát hành chứng khoán trên thị trường thì kiểm toán viên phải xem xét đến các quy định pháp lý liên quan đến việc phát hành chứng khoán. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể phải thực hiện những thủ tục kiểm toán bổ sung khác cho đến thời điểm đơn vị được kiểm toán niêm yết thông tin về phát hành chứng khoán. Những thủ tục này thường gồm các biện pháp được quy định trong các đoạn 10, 11 đến thời điểm niêm yết thông tin và xem xét tài liệu về các thông tin niêm yết để đảm bảo các thông tin niêm yết nhất quán với các thông tin tài chính mà kiểm toán viên đã xác nhận.
SỬ DỤNG TƯ LIỆU CỦA KIỂM TOÁN VIÊN KHÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC
ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc, thủ tục cơ bản trong việc sử dụng tư liệu kiểm toán của kiểm toán viên khác về các thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị khi kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị, trong đó bao gồm cả thông tin tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác.
02. Khi kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu kiểm toán của một kiểm toán viên khác, cần phải xác định mức độ ảnh hưởng của những tư liệu đó đối với công việc kiểm toán của mình.
03. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị, trong đó có gộp thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác. Chuẩn mực này không áp dụng cho các trường hợp trong đó hai hoặc nhiều kiểm toán viên được bổ nhiệm đồng kiểm toán cho một đơn vị, và cũng không đề cập đến mối quan hệ giữa kiểm toán viên năm nay với kiểm toán viên năm trước.
Trường hợp kiểm toán viên chính kết luận báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác ảnh hưởng là không trọng yếu thì không áp dụng chuẩn mực này, trừ khi ảnh hưởng của nhiều đơn vị không trọng yếu lại là trọng yếu thì cần xem xét có hay không áp dụng chuẩn mực này.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng), các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu của kiểm toán viên khác phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc, thủ tục cơ bản trong chuẩn mực này để phối hợp công việc với công ty kiểm toán và kiểm toán viên chính trong quá trình kiểm toán.
Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
04. Kiểm toán viên chính: Là kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài chính và ký báo cáo kiểm toán của một đơn vị, trong đó có gộp thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác do kiểm toán viên khác thực hiện kiểm toán.
05. Kiểm toán viên khác: Là kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài chính và ký báo cáo kiểm toán của đơn vị cấp dưới hoặc đơn vị kinh tế khác được gộp trong báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên. Kiểm toán viên khác là kiểm toán viên thuộc công ty kiểm toán khác hoặc là kiểm toán viên thuộc chi nhánh hoặc văn phòng của công ty kiểm toán.
06. Đơn vị cấp dưới: Là đơn vị, bộ phận, chi nhánh, công ty con, công ty thành viên của đơn vị cấp trên mà các thông tin tài chính trong báo cáo tài chính của các đơn vị này được hợp nhất trong báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên do kiểm toán viên chính thực hiện kiểm toán.
07. Đơn vị kinh tế khác: Là các đơn vị, công ty liên doanh, liên kết, có quan hệ kinh tế mà các thông tin tài chính của đơn vị này có bao gồm trong báo cáo tài chính của đơn vị do kiểm toán viên chính thực hiện kiểm toán.
Nội dung chuẩn mực
Chấp nhận là kiểm toán viên chính
08. Để chấp nhận hợp đồng kiểm toán với trách nhiệm là kiểm toán viên chính, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét các vấn đề sau:
* Mức độ trọng yếu của phần báo cáo tài chính được kiểm toán viên chính kiểm toán;
* Mức độ hiểu biết của kiểm toán viên chính về tình hình hoạt động kinh doanh tại các đơn vị cấp dưới và các đơn vị kinh tế khác được kiểm toán viên khác kiểm toán;
* Rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính của các đơn vị cấp dưới và các đơn vị kinh tế khác được kiểm toán viên khác kiểm toán;
* Khả năng thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung theo quy định trong chuẩn mực này, liên quan đến thông tin tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác do kiểm toán viên khác thực hiện, có sự tham gia của kiểm toán viên chính trong công việc kiểm toán.
Các thủ tục kiểm toán do kiểm toán viên chính thực hiện
09. Khi lập kế hoạch kiểm toán trong đó có dự kiến sử dụng tư liệu của kiểm toán viên khác, kiểm toán viên chính phải xem xét năng lực chuyên môn của công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác dựa trên bối cảnh công việc thực tế.
Để xem xét năng lực chuyên môn của công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác, kiểm toán viên chính phải căn cứ vào các nguồn thông tin sau: tổ chức kiểm toán nơi kiểm toán viên khác đăng ký hành nghề; những cộng sự của kiểm toán viên khác; khách hàng hoặc những người có quan hệ công việc với kiểm toán viên khác; hoặc qua các cuộc trao đổi trực tiếp với kiểm toán viên khác.
10. Kiểm toán viên chính cần phải thực hiện các thủ tục cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp chứng minh rằng các công việc do kiểm toán viên khác thực hiện là phù hợp với công việc kiểm toán và mục đích của kiểm toán viên chính trong từng cuộc kiểm toán cụ thể.
11. Kiểm toán viên chính cần thông báo cho kiểm toán viên khác về:
* Yêu cầu về tính độc lập liên quan đến đơn vị cấp trên, các đơn vị cấp dưới, đơn vị kinh tế khác và thu thập bản giải trình về việc tuân thủ các yêu cầu đó;
* Việc sử dụng tư liệu và báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên khác và sự phối hợp giữa hai bên ngay từ khi lập kế hoạch kiểm toán;
* Những vấn đề cần đặc biệt quan tâm; những thủ tục xác định các nghiệp vụ giao dịch nội bộ cần được nêu ra trong bản thuyết minh; lịch trình thực hiện kiểm toán;
* Những yêu cầu về kế toán, kiểm toán, lập báo cáo và thu thập bản giải trình việc tuân thủ các yêu cầu trên.
12. Kiểm toán viên chính có thể thảo luận với kiểm toán viên khác về các thủ tục kiểm toán đã được kiểm toán viên khác thực hiện hoặc xem xét hồ sơ kiểm toán của kiểm toán viên khác. Việc thực hiện các thủ tục kiểm toán này phụ thuộc vào từng tình huống của cuộc kiểm toán và sự đánh giá của kiểm toán viên chính về năng lực chuyên môn của kiểm toán viên khác.
13. Khi kiểm toán viên chính có đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp chứng minh các thủ tục kiểm toán đã được kiểm toán viên khác thực hiện là thoả đáng, bảo đảm chất lượng cuộc kiểm toán thì không cần thiết phải thực hiện các thủ tục nêu ở đoạn 12.
14. Kiểm toán viên chính phải xem xét đến những phát hiện quan trọng của kiểm toán viên khác.
15. Kiểm toán viên chính có thể thảo luận với kiểm toán viên khác, với Giám đốc của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác về các phát hiện quan trọng hoặc các vấn đề khác có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị đó. Trường hợp cần thiết, kiểm toán viên chính có thể thực hiện các thủ tục kiểm tra bổ sung trên tài liệu hoặc báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới. Tuỳ theo từng tình huống, các thủ tục kiểm tra này có thể do kiểm toán viên chính hoặc kiểm toán viên khác thực hiện.
16. Kiểm toán viên chính cần lưu vào hồ sơ kiểm toán của mình các tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác đã được kiểm toán viên khác kiểm toán; các tài liệu về việc thực hiện thủ tục kiểm toán và các kết luận thu được từ các thủ tục kiểm toán; tên của kiểm toán viên khác và các kết luận dù không trọng yếu của kiểm toán viên khác.
Phối hợp giữa các kiểm toán viên
17. Kiểm toán viên khác phải phối hợp với kiểm toán viên chính trong trường hợp kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu kiểm toán của mình. Ví dụ: Kiểm toán viên khác phải thông báo cho kiểm toán viên chính những phần việc mình không thực hiện được theo yêu cầu hoặc bất cứ vấn đề nào có ảnh hưởng đáng kể đến công việc của kiểm toán viên khác mà kiểm toán viên chính quan tâm. Ngược lại, kiểm toán viên chính cần thông báo cho kiểm toán viên khác về những vấn đề có thể ảnh hưởng quan trọng đến báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới hoặc đơn vị kinh tế khác do kiểm toán viên khác kiểm toán mà kiểm toán viên chính phát hiện được.
Sự phối hợp giữa các kiểm toán viên cần có sự thoả thuận của các cấp quản lý cuộc kiểm toán.
Kết luận và lập báo cáo kiểm toán
18. Khi kiểm toán viên chính kết luận là tư liệu của kiểm toán viên khác không sử dụng được và kiểm toán viên chính không thể tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán bổ sung đối với báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác được kiểm toán viên khác kiểm toán, nếu xét thấy có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính được kiểm toán thì kiểm toán viên chính cần phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến vì bị giới hạn phạm vi kiểm toán.
19. Khi kiểm toán viên chính dựa vào ý kiến của kiểm toán viên khác thì báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên chính phải nói rõ điều này và nêu rõ giới hạn của báo cáo tài chính được kiểm toán bởi kiểm toán viên khác.
20. Trường hợp kiểm toán viên khác đưa ra hoặc dự kiến đưa ra báo cáo kiểm toán sửa đổi, thì kiểm toán viên chính cần phải xem xét bản chất và mức độ ảnh hưởng của những sửa đổi đối với báo cáo tài chính do kiểm toán viên chính kiểm toán và từ đó có thể phải sửa đổi báo cáo kiểm toán của mình.
Trách nhiệm của kiểm toán viên chính
21. Kiểm toán viên chính phải tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục quy định trong chuẩn mực này khi kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên, trong đó bao gồm cả thông tin tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác và phải chịu trách nhiệm về những rủi ro kiểm toán Báo cáo tài chính.
|
Trần Văn Tá (Đã ký) |
THE
MINISTRY OF FINANCE |
|
No: 28/2003/QD-BTC |
|
PROMULGATING AND PUBLICIZING 05 VIETNAMESE AUDITING STANDARDS (PHASE 4)
THE MINISTER OF FINANCE
Pursuant to the Government's Decree No.
86/2002/ND-CP of November 5, 2002 defining the functions, tasks, powers and
organizational structures of the ministries and ministerial-level agencies;
Pursuant to the Government's Decree No. 178/CP of October 28, 1994 on the
tasks, powers and organizational apparatus of the Ministry of Finance;
Pursuant to the Government's Decree No. 07/CP of January 29, 1994 promulgating
the Regulation on independent audit in the national economy;
In order to meet the requirements of renewing the economic and financial
management mechanisms, raising the quality of independent audit in the national
economy; to inspect and control the quality of independent audit and make
healthy financial information in the national economy;
At the proposals of the directors of the Accounting Regime Department and the
Office of the Ministry of Finance,
DECIDES:
1. Standard No. 220 - Quality control of auditing activities;
2. Standard No. 320 - Audit materiality;
...
...
...
4. Standard No. 560 - Events occurring after the date of closing accounting books and making financial statement;
5. Standard No. 600 - Use of other auditors' materials.
Article 3.- This Decision takes effect as from April 1, 2003.
The director of the Accounting Regime Department, the director of the Ministry's Office and the heads of the concerned units under and attached to the Ministry of Finance shall have to guide, inspect the implementation of, and implement, this Decision.
FOR THE MINISTER OF FINANCE
VICE MINISTER
Tran Van Ta
...
...
...
THE
SYSTEM OF VIETNAMESE AUDITING STANDARDS
STANDARD NO. 220
QUALITY CONTROL
OF AUDITING ACTIVITIES
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No.
28/2003/QD-BTC of March 14, 2003)
GENERAL PROVISIONS
01. The purpose of this standard is to prescribe the basic principles and procedures and guide the application thereof to the quality control of audit work in the following aspects:
a/ The audit firms' policies and procedures relating to auditing activities;
b/ Procedures relating to the work assigned to auditors and audit assistants in specific audits.
02. Auditors and audit firms must implement quality control policies and procedures for all auditing activities of audit firms and for each audit.
03. This standard shall apply to the audit of financial statements and also to the audit of other financial information and related services of audit firms.
...
...
...
The audited units (clients) and the users of audit results must possess necessary knowledge of the principles and procedures prescribed in this standard so as to fulfil their duties and cooperate with auditors and audit firms in dealing with relationships in the auditing process.
The terms in this standard are construed as follows:
04. Audit firm means an enterprise established and operating under the law provisions on the establishment and operation of enterprises in the field of provision of independent auditing services.
05. Director (or head) of an audit firm means the highest representative at law of that audit firm, who bears the final responsibility for the audit.
06. Professional personnel means leaders of all levels, auditors, audit assistants and consultants of an audit firm.
07. Auditor means a person who possesses the auditor's certificate granted by the Ministry of Finance, has made practice registration with an independent audit firm, participates in the auditing process, may sign the auditing reports and bears responsibility for the audit before law and the director of the audit firm.
08. Audit assistant means a person who participates in the auditing process but is not permitted to sign the auditing reports.
09. Quality of auditing activities means the degree of satisfaction of the users of audit results in terms of objectivity and reliability of the audit opinions of auditors; and also satisfaction of the audited units' expectations of the auditors' opinions in order to improve the business efficiency within a pre-determined period and with reasonable charges.
CONTENTS OF THE STANDARD
...
...
...
10. Audit firms must establish and implement
quality control policies and procedures with a view to ensuring that all audits
are conducted in accordance with the Vietnamese auditing standards or
international auditing standards accepted by
11. The contents, timetable and scope of an audit firm's quality control policies and procedures depend on a number of factors such as the size and nature of its operation, geographical area of operation, organizational structure and cost and benefit considerations. The quality control policies and procedures adopted by individual firms may vary but must comply with this standard's provisions on the quality control of auditing activities.
Examples of quality control policies and procedures are presented in Appendix No. 01.
12. In order to achieve the objectives of quality control of auditing activities, the audit firms normally apply the following policies in combination:
a/ Compliance with principles on professional ethics
Professional personnel of audit firms must adhere to the audit profession's principles on ethics of the audit profession, including independence, integrity, objectivity, professional capability, prudence, confidentiality, professional behavior and compliance with professional standards.
b/ Professional skills and competence
Professional personnel of audit firms must possess professional skills and competence, regularly maintain, update and raise their knowledge so as to fulfil their assigned tasks.
c/ Assignment
...
...
...
d/ Guidance and supervision
The audit work must be adequately guided and supervised for personnel at all levels to secure that it has been conducted in accordance with the auditing standards and relevant regulations.
e/ Consultation
When necessary, auditors and audit firms must consult with experts inside or outside the firms.
f/ Retention and acceptance of clients
In the process of retaining existing clients and evaluating potential ones, the audit firms must take into consideration their independence and ability to serve clients as well as the integrity of the clients' management boards.
g/ Examination
The audit firms must regularly monitor and examine the adequacy and efficiency in the process of implementing their policies and procedures for quality control of their auditing activities.
13. The audit firms' policies and procedures for quality control of their auditing activities must be communicated to all of their personnel so that they can be fully understood and implemented.
...
...
...
14. Auditors and audit assistants must apply their firms' quality control policies and procedures to each audit contract in an appropriate manner.
15. Auditors shall have to consider the professional capability of audit assistants performing the work assigned to them so as to provide guidance, supervision and examination appropriate to each audit assistant.
16. When assigning work to audit assistants, it must be ensured that such work is assigned to persons with adequate professional capability as required.
Guidance
17. Auditors must guide audit assistants on the necessary contents relating to each audit such as their responsibilities for the assigned work, the objectives of the procedures they are to perform, characteristics and nature of the clients' production and business activities as well as accounting or auditing matters that may affect the contents, time table and scope of auditing procedures which they are performing.
18. The overall audit plans and the audit programs shall serve as an important tool for guiding auditors and audit assistants to perform the audit procedures.
Supervision
19. Supervision is closely related to guidance and examine and may involve both of these elements.
20. The audit firms' personnel assigned to supervise the quality of an audit must perform the following functions:
...
...
...
- Auditors and audit assistants have adequate professional skills and capability needed to fulfil their assigned tasks;
- Audit assistants understand the audit guidelines;
- The audit work is being conducted according to the overall audit plan and the audit program;
b/ Grasping and identifying important accounting and auditing questions arising in the auditing process so as to adjust the overall audit plan and the audit program appropriately;
c/ Handling the difference of professional opinions between auditors and audit assistants jointly participating in the audits and considering whether consultation with experts is needed or not.
21. The persons assigned to supervise the quality of audits must perform the following responsibilities:
a/ If detecting that auditors and/or audit assistants breach the audit profession's ethics or show signs of colluding with clients to distort financial statements, to report such to competent persons for handling;
b/ If deeming that auditors or audit assistants fail to have the required professional skills and competence for carrying out the audits, to propose competent persons to replace such auditors and/or audit assistants so as to ensure the quality of the audits according to the set overall audit plans and audit programs.
Examination
...
...
...
a/ The work has been performed in accordance with the audit program;
b/ The work performed and the results obtained have been fully documented into audit dossiers;
c/ All important audit matters have been settled or reflected in audit conclusions;
d/ The objectives of the audit procedures have been achieved;
e/ The conclusions made in the auditing process are consistent with the results of the work performed and support the audit opinions.
23. Auditors and audit firms must regularly examine the following:
a/ The implementation of the overall audit plan and the audit program;
b/ The assessments of inherent and control risks, including the results of tests of control and the modifications (if any) made to the overall audit plan and the audit program;
c/ The documentation in audit dossiers of the obtained audit evidences, including consultants' opinions, and the conclusions drawn from the basic tests;
...
...
...
24. When examining the quality of audits, especially big and complicated audit contracts, professional personnel outside the audit teams may be requested to carry out certain additional procedures before the issuance of the auditors' report.
25. Where there still exist divergent opinions on the quality of an audit, the audit team should discuss collectively so as to reach agreement on the evaluation thereof and draw experiences. If the audit team fail to reach agreement, such should be reported to the director for handling or presented at a meeting of the firm's key members.
EXAMPLE OF THE POLICIES AND PROCEDURES FOR QUALITY CONTROL OF AUDITING ACTIVITIES OF AUDIT FIRMS
A. COMPLIANCE WITH THE PRINCIPLES ON PROFESSIONAL ETHICS
Policy
All professional personnel of audit firms must adhere to the principles on ethics of the audit profession, including independence, integrity, objectivity, professional capability, prudence, confidentiality, professional behavior and compliance with professional standards.
Procedures
1. Assigning an individual or group to guide and settle questions regarding independence, integrity, objectivity and confidentiality.
...
...
...
b/ Consulting with experts or competent persons, when necessary.
2. Disseminating policies and procedures regarding independence, integrity, objectivity, professional capability, prudence, confidentiality, professional behavior and professional standards to all professional personnel of the firms.
a/ Informing them of the policies and procedures and requesting them to firmly grasp these policies and procedures;
b/ Emphasizing independence and professional behavior in the training programs and the process of guiding, supervising and examining audits;
c/ Informing them on a regular and timely basis of the list of clients to which independence policies apply.
- The list of clients to whom the firms must apply independence, including clients' affiliates, parent companies, joint-venture companies and associated companies;
- Notifying such list to all professional personnel in the firms so that they can determine their independence;
- Establishing procedures for notification of changes in the list.
3. Monitor and examine the implementation of policies and procedures related to the adherence to the principles on professional ethics: independence, integrity, objectivity, professional capability, prudence, confidentiality, professional behavior and compliance with professional standards.
...
...
...
- They have firmly grasped the firms' policies and procedures;
- They have no prohibited investments at present and in the year when financial statements are audited;
- Relationships and transactions prohibited by the firms are not established.
b/ Assigning a person or group with competence to check the completeness of dossiers on independence compliance and to deal with exceptional cases.
c/ Periodically reviewing the relationships between the firms and clients regarding matters which may affect the audit firms' independence.
B. PROFESSIONAL SKILLS AND COMPETENCE
Policy
Professional personnel of audit firms must possess professional skills and competence, continuously maintain, update and raise their knowledge so as to accomplish their assigned tasks.
Procedures
...
...
...
1. Audit firms must maintain a process of recruiting professional personnel by planning the personnel needs, setting recruitment objectives and requirements on qualification as well as compatibility of persons who perform the recruiting function.
a/ Planning the needs of personnel in different posts and determining the recruitment objectives based on the existing number of clients, the projected growth rate and the number of personnel who may be laid off.
b/ To achieve the recruitment objectives, designing a recruitment program with the following contents:
- Identifying sources of potential personnel;
- Methods of contacting potential personnel;
- Methods of determining specific information on each potential personnel;
- Methods of attracting potential personnel and informing them of the firms;
- Methods of evaluating and selecting potential personnel so as to achieve the necessary number of applicants for selection.
c/ Informing the people related to the recruitment of the firms' personnel needs and recruitment objectives.
...
...
...
e/ Checking the effectiveness of the recruitment program:
- Periodically evaluating the recruitment program to determine whether or not the firms have complied with policies and procedures for recruiting qualified personnel;
- Periodically reviewing the recruitment results to determine whether or not the firms have achieved personnel recruitment objectives and needs.
2. Establish criteria and guidelines for evaluating applicants for each post.
a/ Identifying the attributes to be sought in the applicants, for example: intelligence, integrity, honesty, dynamism and aptitude for the profession.
b/ Identifying achievements and experiences the firms require from applicants who are new graduates or experienced ones; for example:
- Academic background;
- Personal achievements;
- Work experiences;
...
...
...
d/ Making written guidelines for recruiting personnel in specific cases such as:
- Recruiting relatives of the firms' personnel, persons who have close relationships with or relatives of clients;
- Re-recruiting former employees;
- Recruiting clients' employees;
- Recruiting employees of competing firms.
d/ Gathering basic information on the applicants' qualifications by appropriate means, such as:
- Resumes;
- Job applications;
- Educational diplomas;
...
...
...
- References of former agency (ies);
- Interviews'
e/ Evaluating the qualifications of new personnel, including those employed not through normal recruitment procedures (for example: those joining the firms in the capacity of supervisors, through merger or acquisition or joint ventures) to determine whether they meet the firms' requirements or not.
3. Inform the applicants and new personnel of the firms' policies and procedures relevant to them.
a/ Using a brochure or other means to introduce the firms to applicants and new personnel;
b/ Preparing and distributing a manual describing the firms' policies and procedures to all personnel;
c/ Conducting an professional orientation program for new personnel.
Professional training
4. Establish guidelines and requirements for continued professional fostering and notify them to all personnel of the audit firms.
...
...
...
b/ The firms' training programs must be scrutinized by professionally qualified persons and they must set forth the training objectives and education and experience requirements;
c/ Setting forth orientations for the development of the firms and the profession for of new employees.
- Preparing materials on the orientation for the development of the firms and the profession in order to inform new employees of their professional responsibilities and opportunities;
- Assigning responsibility for conducting orientation workshops to introduce the professional responsibilities and the firms' policies.
d/ Designing professional training and refresher programs for all personnel at each level in the firms:
- Taking into consideration compulsory regulations and voluntary guidelines of laws and professional organizations when designing professional training and refresher programs;
- Encouraging participation in professional training programs outside the firms, including the form of self-study;
- Encouraging participation in professional associations and determining whether the firms would pay the whole or part of expenses;
- Encouraging personnel to serve on professional boards of professional associations, write articles, books and participate in other professional activities.
...
...
...
- Periodically reviewing the participation of each employee in the training program so as to determine his/her compliance with the firms' requirements;
- Periodically examining the evaluation reports and other records regarding the advanced training programs to evaluate whether or not these programs are effective and have achieved the firms' objectives. Considering the needs for new programs and for revision of on-going programs or elimination of ineffective training programs.
5. Provide in time all personnel with information on professional technical standards and materials containing the firms' technical policies and procedures. Encourage them to engage in self-development activities.
a/ Providing all personnel with professional technical materials, even those on changes, including:
- National and international specialized materials on accounting and auditing;
- Documents on current laws in specific domains, for employees who take charge of such domains;
- Materials on the firms' technical and professional policies and procedures.
b/ For training programs designed by the firms, preparing materials and selecting instructors:
- The programs should clearly state the objectives, requirements on participants' education and experience;
...
...
...
- Asking participants to evaluate training course contents, instructors and training conditions;
- The training program must spare time for instructors to test and evaluate training course contents, teaching methods and trainees;
- The training programs must be updated to accommodate new developments and renovations, and relevant evaluation reports;
- Archiving, and creating conditions for exploiting, professional and technical materials on the firms regulations relating to professional technical matters.
6. In order to train a contingent of experts in specialized domains and branches, the firms must:
a/ Organize on their own specialized training programs such as in banking auditing, computer-aided auditing, sampling methods'
b/ Encourage personnel to attend external training programs, workshops to raise their professional levels;
c/ Encourage personnel to participate in professional associations concerned with specialized domains and branches.
d/ Provide materials relating to the specialized domains and branches.
...
...
...
Advancement opportunities:
8. Audit firms must establish criteria for each rank of employee in the forms:
a/ Regulations on responsibilities and qualifications for each rank of employees, including:
- Titles and responsibilities thereof;
- Criteria on qualification and experience (or seniority) for each title.
b/ Determining qualification criteria to be used as a basis for considering and evaluating the results of actual performance and capability of each rank, for example:
- Professional knowledge;
- Analytical and judgmental abilities;
- Communication skills;
...
...
...
- Leadership methods;
- Client relations;
- Personal attitude and professional behavior (characters, intelligence, judgment and dynamism);
- Supervisory ability.
c/ Compiling a personal manual or other means to disseminate the firms advancement procedures and policies to all employees.
9. Evaluate the work performance results of all employees and notify them thereof.
a/ Gathering information on and evaluating the work performance results:
- Identifying evaluation responsibilities and requirements at each level, indicating who will make these evaluations and when the evaluation results will be presented;
- Guiding the evaluation objectives;
...
...
...
- Re-examining previous evaluations of each employee;
- Personnel evaluations must be done by different persons;
- Determining that evaluations are completed on schedule;
- Filing written evaluations in personal dossiers;
- Evaluations of leading officials must include consultations with their subordinates to determine whether these officials continue to have the qualifications to fulfill their responsibilities or not.
b/ Periodically informing all employees of their progress and career prospect, clearly stating:
- Performance results;
- Personal and career prospects;
- Advancement opportunities of each person.
...
...
...
C. ASSIGNMENT
Policy
Audit work must be assigned to trained professional personnel who have adequate professional skills and competence to satisfy the practical requirements.
Procedures
1. Assign work to personnel:
a/ Planning the personnel needs for each of the firm's divisions;
b/ Determining the personnel need for each specific audit contract;
c/ Arranging personnel and allocating time for each audit contract;
d/ When assigning work to employees, the following factors must be considered:
...
...
...
- Number of existing personnel;
- Special capability and expertise required;
- Schedule of the work to be performed;
- Continuity and rotation of personnel;
- Prospect of on-the-job training.
2. Assign work to a person or group in a specific audit.
a/ Persons with responsibility for work assignment must consider the following factors:
- Staffing and timing requirements of the audit contract;
- Qualifications, experiences, positions, educational background and special abilities of personnel;
...
...
...
- Projected time required for of each individual;
- Circumstances which may affect independence, for example: assignment of work to professional personnel who have economic or kin relation with the leaderships of the audited units.
b/ When assigning work, consideration should be given to continuity and rotation to enable personnel to perform their work effectively, as well as to capabilities, qualifications and experiences of other personnel.
3. The timing and personnel plan for an audit must be approved before implementation.
D. GUIDANCE AND SUPERVISION
Policy
Audit work must be adequately guided and supervised for personnel at all levels to ensure that it has been performed in compliance with the auditing standards and relevant regulations.
Procedures
1. Procedures for planning audits
...
...
...
b/ Reviewing information obtained from previous audits and updating new information;
c/ Working out the overall audit plan and the audit program.
2. Procedures for maintaining the quality standards:
a/ Conducting supervision at all levels; considering the training process, abilities and experiences of the assigned personnel;
b/ Issuing guidelines for the forms and contents of working papers;
c/ Using appropriate standardized forms, checklists, and questionnaires to assist in the audit work;
d/ Establishing procedures for settling differences of professional judgment.
3. Provide on-the-job training in the auditing process.
a/ Regularly discussing with audit assistants the relationships between the work performed by each person and the audit as a whole and arranging assistants to participate in many portions of the audit;
...
...
...
c/ Encouraging personnel to participate in the "programs on training and developing subordinates";
d/ Monitoring the assigned work to determine whether personnel have grasped professional technical knowledge and auditing experiences in each domain or not.
E. CONSULTATION
Policy
When necessary, auditors and audit firms must consult with experts inside and outside the firms
Procedures
1. Identify domains and situations where consultation is required and encourage personnel to consult with experts and competent persons.
a/ Informing personnel of the firms' consultation policies and procedures;
b/ Specific domains or complex professional requiring consultation, such as:
...
...
...
- Business lines with special accounting, auditing and reporting requirements;
- Newly arising problems;
- Requirements of law and regulations of functional bodies, especially the requirements of international law.
c/ Maintaining the operation of the archival section and referring to web sites or other means, such as:
- Referring to materials at various sections or the firms;
- Establishing a professional manual and circulating professional instruction materials, including documents relating to particular business lines and other specialties;
- Maintaining consultation with other firms and individuals;
- Referring, when necessary, complicated problems to a group of specialists.
2. Assign persons in specialized charge and define their powers in the consultation areas.
...
...
...
b/ Assigning personnel to monitor each particular business line;
c/ Informing all personnel of the powers of persons in specialized charge and of the procedures for dealing with divergent opinions.
3. Specify the archival of documents on the results of consultation:
+ Archival responsibility;
+ Place of archival and conditions for use of archived documents;
+ Archiving dossiers relating to the consultation results for reference and research purposes.
F. RETENTION AND ACCEPTANCE OF CLIENTS
Policy
In the process of retaining existing clients and evaluating potential clients, audit firms must consider their independence and ability to serve clients and the integrity of the clients' management boards.
...
...
...
1. Establish procedures for evaluating and accepting potential clients.
a/ Procedures for evaluating potential clients, including:
- Gathering and reviewing available documents relating to potential clients, such as financial statements and tax payment declaration forms;
- Exchanging with third parties information on potential clients, their directors (or heads) and key personnel;
- Exchanging with the previous years' auditors on matters relating to the directorates' honesty, on disagreements among the directorates concerning accounting policies, audit procedures or other important matters, and on the reasons for the change of auditors;
- Considering special circumstances or possible risks of contracts;
- Assessing the audit firms' independence and ability to serve their potential clients;
- It must be determined that acceptance of clients must not violate the audit profession's ethical principles.
b/ Assigning a person or group at appropriate management levels to evaluate information and make decisions whether to accept clients or not.
...
...
...
d/ Assigning persons to inspect and supervise the observance of the firms' policies and procedures for accepting clients.
2. Evaluate clients upon the occurrence of special events to determine whether to maintain the relationships therewith or not.
a/ Special events when clients should be evaluated include:
- The expiry of a certain period;
- A major change in one or more of the following factors:
+ The management board;
+ Directors (of heads);
+ Capital owners;
+ Legal advisers;
...
...
...
+ Litigation and disputes;
+ Contractual breaches;
+ Nature of the clients' business lines.
b/ Assigning a person or group at appropriate management levels to evaluate information and make decisions whether to retain these clients or not.
c/ Informing personnel of the firms' policies and procedures for retaining clients.
d/ Assigning persons with responsibility to examine and supervise the observance of the firms' policies and procedures for retaining clients.
G. EXAMINATION
Policy
Audit firms must regularly monitor and examine the adequacy and effectiveness in the process of implementing the firms' policies and procedures for controlling their operational quality.
...
...
...
1. Establish the firms' examination procedures, contents and program.
a/ Examination procedures include:
- Determining the examination objectives and working out the examination program;
- Issuing guidelines on the scope of examination and criteria for selecting contents to be examined;
- Setting the frequency and time of examination;
- Establishing procedures for settling disagreements when they arise.
b/ Setting criteria of professional qualifications and competence for selecting examiners.
c/ Conducting examination activities:
- Scrutinizing and examining the adherence to the firms' policies and procedures for controlling the quality of audit work;
...
...
...
2. Providing for reporting on findings in the examinations to the appropriate management levels, for examining activities already implemented or planned to be implemented, and for examining the firms' audit work quality control system.
a/ Discussing findings in the examination process with responsible persons;
b/ Discussing findings in the process of examining selected audit contracts with the firms' persons assigned with supervisory responsibility;
c/ Reporting on general findings and specific findings of selected audit contracts and proposing to the directorates remedial measures already taken or planned to be taken;
d/ Identifying needs for modification of audit work quality control policies and procedures on the basis of the examination results and other relevant matters.
AUDIT MATERIALITY
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No.
28/2003/QD-BTC of March 14, 2003)
GENERAL PROVISIONS
01. The purpose of this standard is to prescribe the basic principles and procedures and guide the modes of application thereof to the responsibilities of auditors and audit firms when determining materiality in auditing financial statements and the relationship between materiality and audit risk.
...
...
...
03. This standard shall apply to the audit of the financial statements and also to the audit of other financial information of audit firms.
Auditors and audit firms must observe the provisions of this standard in the process of auditing the financial statements.
The audited units (clients) and the users of audit results must possess necessary knowledge of this standard so as to cooperate in working and handling relationships relating to the determination of materiality of audited information.
The terms in this standard shall be construed as follows:
04. Materiality is the concept used to express the importance of a piece of information (an accounting figure) in the financial statements.
Information is regarded as material if its omission or inaccuracy could influence the decisions of users of the financial statements. Materiality depends on the magnitude and nature of information or error judged in particular circumstances. Materiality is a threshold or cut-off point rather than a content which information must have. Information materiality must be considered both quantitatively and qualitatively.
CONTENTS OF THE STANDARD
Materiality
05. The objective of the audit of financial statements is to enable auditors and audit firms to confirm whether or not the financial statements have been made in accordance with the current (or accepted) accounting standards and regimes, with relevant laws and honestly or rationally reflect material aspects. The determination of the level of materiality is a matter of professional judgment of auditors.
...
...
...
07. Auditors should consider the possibility of relatively small errors that, if added up, could have a material effect on the financial statements, such as an error in a month-end accounting procedure may become a potential material error if it is repeated each month.
08. Auditors should consider materiality in terms of the extent of erroneousness of the financial statements as a whole in relation to detailed errors in individual account balances, transactions and information disclosed in the financial statements. Materiality may be influenced by other factors such as legal requirements or matters related to different financial statement items and the relationships between these items. In the process of consideration, different materiality levels may be discovered, depending on the nature of matters put forward in the audited financial statements.
09. Auditors must determine materiality when:
a/ Determining the contents, timing and scope of auditing procedures;
b/ Evaluating the effect of errors.
The relationship between materiality and audit risk
10. When planning audits, auditors must consider factors which may give rise to material errors in the financial statements. The auditors' assessment of materiality relating to account balances and major transactions shall help the auditors determine which items to be examined and decide to use sampling or analytical procedures. The materiality assessment relating to account balances and major transactions shall help the auditors select suitable audit procedures that, when combined, shall reduce audit risk to an acceptable level.
11. There is an inverse relationship between materiality and audit risk in an audit: The higher the materiality level is, the lower the audit risk would be and vice versa. Auditors should take this relationship into account when determining the contents, timing and scope of audit procedures in an appropriate manner, such as when planning audits, if auditors determine that the acceptable materiality level is low, audit risk is increased. In this case, auditors may:
a/ Reduce the assessed level of control risk by carrying out extended or additional tests of control so as to prove the reduced level of control risk; or
...
...
...
Materiality and audit risk in evaluating audit evidences
12. The auditors' materiality and audit risk assessment results at the time of initially planning the audits may be different from the assessment results at different times in the auditing process. Such difference could be attributed to a change in practical circumstances or a change in the auditors' knowledge of the audited units on the basis of the obtained audit results, such as when the audit is planned before the end of a fiscal year, the auditors have assessed materiality and audit risk on the basis of the enterprises' anticipated operation results and financial situation. If the enterprises' actual financial situation and operation results are substantially different therefrom, the assessment of materiality and audit risk will also change. Moreover, when planning audits, auditors usually set the acceptable materiality level lower than that is used to evaluate the audit results in order to increase the possibility to detect errors.
Evaluation of the effect of errors
13. When evaluating the financial statements' honesty and rationality, auditors must assess whether the aggregate of uncorrected errors which have been detected in the auditing process constitutes a material error or not.
14. The aggregate of uncorrected errors comprises:
a/ Errors detected by auditors in the current year, including those detected in the previous years and not yet corrected in the audit year;
b/ The auditors' estimation of other errors which cannot be specifically determined (projected errors) in the financial statements of the audit year.
15. Auditors should consider whether the aggregate of uncorrected errors may be material or not. If they conclude that the aggregate of such errors is material, they should take action to reduce audit risk by adding necessary audit procedures or requesting the directors of the audited units to adjust the financial statements.
16. Where the directors of the audited units refuse to adjust the financial statements and the results of application of additional audit procedures permit the auditors to conclude that the aggregate of uncorrected errors is material, they should consider and modify the auditing reports in accordance with Vietnamese Auditing Standard No. 700 "Auditing reports on financial statements."
...
...
...
ADDITIONAL AUDIT EVIDENCES FOR SPECIAL ITEMS AND EVENTS
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No.
28/2003/QD-BTC of March 14, 2003)
GENERAL PROVISIONS
01. The purpose of this standard is to prescribe the basic principles and procedures and guide modes of application thereof to the gathering of additional audit evidences for special items and events in the process of auditing financial statements. The principles and procedures prescribed in this standard supplement those prescribed in Standard No. 500 "Audit evidences."
02. The application of the principles and procedures described in this standard shall assist auditors and audit firms in obtaining sufficient appropriate audit evidences for special items in the financial statements and several related events.
03. This standard shall apply to the audit of financial statements and also to the audit of other financial information and related services of audit firms.
Auditors and audit firms must observe the provisions of this standard in the process of conducting audits.
The audited units (clients) and users of the audit results must possess necessary knowledge of this standard so as to cooperate in dealing with relationships relating to the supply and gathering of audit evidences for special items and events.
CONTENTS OF THE STANDARD
...
...
...
- Inventory;
- Receivables;
- Long-term investments;
- Litigation and dispute cases;
- Information on various domains or geographical areas.
Whether items and events are determined as special or not depends on each audited unit and the assessment of auditors. When determining that items or events are special, auditors must perform the following:
Participation in inventory counts
05. The audited units must establish inventory counting procedures and count inventory physically at least once a year to serve as a basis for checking the reliability of the regular declaration system and for preparing financial statements.
06. When inventory is determined as material to the financial statements, auditors must gather sufficient appropriate audit evidences regarding the existence and conditions of inventory by participating in physical inventory counts unless such participation is impossible. When the units count inventory, auditors may only supervise the counting or directly join in counting inventory samples so as to gather evidences regarding compliance with the counting procedures and check the reliability of these procedures.
...
...
...
08. If unable to participate in the count, for example due to the nature and location of the count, auditors must determine whether they can carry out alternative inspection procedures in order to gather sufficient appropriate evidences regarding the existence and conditions of inventory, so that they can avoid to express an exclusion opinion because of the limitation in the auditing scope, for example, checking sale vouchers after the date of physical inventory count may provide appropriate audit evidences.
09. If auditors plan to participate in the physical inventory count or carry out alternative inspection procedures, they must consider the following factors:
- The characteristics of the accounting and internal control systems relating to inventory;
- Inherent, control and detection risks, and materiality of the item of inventory;
- Whether or not the inventory counting procedures have been established and instructed to inventory counters;
- The inventory count plan;
- The locations of inventory counting;
- The necessity to invite experts to participate in the counting.
10. Where auditors have participated in the physical inventory count one or more times during the year, they only need to observe the carrying out of counting procedures and check inventory samples.
...
...
...
12. When the physical inventory count is taken simultaneously at various locations, auditors must select appropriate locations for participation in the count, depending on the materiality of the category of inventory and the assessment of inherent and control risk at these locations.
13. Auditors must check the audited units' regulations on inventory count:
a/ The application of control procedures, such as checking of methods of weighing, measuring, counting, receiving and delivering inventory; procedures for recording warehouse books, warehouse cards, recording of count cards and summing of count results;
b/ The determination of unfinished products, slow-moving, obsolete or damaged goods, goods sent for processing, to agents or on consignment, goods received for processing, for agency sale...;
c/ The determination of appropriate procedures relating to the internally circulated goods, goods received and delivered before and after the counting date.
14. To ensure the inventory count procedures be strictly complied with, auditors must supervise the carrying out of these procedures and may directly participate in the sample count. Auditors must check both the accuracy and completeness of the count cards by selecting and checking a number of commodity items actually kept in the warehouses for comparison with the count cards or selecting and checking a number of count cards for comparison with the goods actually kept in the warehouses. Of the checked count cards, auditors should consider which ones need to be retained for subsequent checking and comparison.
15. Auditors should also consider period-end procedures, mostly details of the value of inventory moved just before, during and after the count so that the accounting of such value can be checked later.
16. In practice, the physical inventory count may be conducted at a time other than period end. This method will normally apply to audits only when control risk is assessed as low or average. In this case, auditors must carry out appropriate procedures to consider whether fluctuations in inventory between the count date and the period-end date are correctly accounted or not.
17. If the audited units apply the periodical count method for accounting inventory, the value of inventory is determined at the period-end, but auditors must carry out several additional procedures to assess whether or not the reasons for any significant differences between the count data and the data in accounting books have been determined by the units and to check whether or not such differences have been adjusted.
...
...
...
19. Where inventory is under the control or custody of a third party, auditors must request the third party to directly confirm the quantities and conditions of inventory held by the third party on behalf of the unit. Depending on materiality of this inventory, auditors should also consider the following factors:
- The integrity and independence of the third party;
- The necessity to directly participate in the count or to invite other auditors or audit firms to participate in the count;
- The necessity to have other auditors' reports on the compatibility of the third party's accounting and internal control systems for ensuring that inventory is correctly counted and carefully preserved.
- The necessity to examine inventory-related documents held by the third party, for example, warehouse receipts, confirmations from other parties that they are holding such inventory as collateral.
Confirmation of receivables
20. Where receivables are determined as material to the financial statements and when it is likely that debtors will respond, auditors must plan to request these debtors to confirm such receivables or data constituting the account balance of receivables.
21. Direct confirmation shall provide reliable audit evidences regarding the existence of receivables and the accuracy of account balances. However, such confirmation does not normally provide sufficient evidences regarding the recoverability of receivables or regarding the existence of unaccounted receivables.
22. Where auditors assume that debtors will not respond to letters of request for confirmation of receivables, they must plan alternative procedures, for example, examining documents constituting the account balance of receivables.
...
...
...
24. Letters of request for confirmation of receivables shall be sent by auditors, clearly stating the authorization by the audited units and the permission for debtors to supply information directly to auditors.
25. Auditors' letters of request for
confirmation of receivables (possibly including confirmation of payables) in
- Form A: clearly stating the amount of receivables and requesting debtors to confirm it is correct or how much it is;
- Form B: not stating the amount of receivables but requesting debtors to clearly indicate the amount of receivables or express different opinions.
26. Form-A confirmation (see paragraph 25) provide audit evidences more reliable than form-B confirmation (see paragraph 25). The selection of either form depends on each specific circumstance and the auditors' assessment of potential risk and control risk. Form-A confirmation is more appropriate when potential risk and control risk are assessed as high.
27. Auditors may combine both forms of confirmation above. For example, when the total of receivables consists of a small number of large receivables and a large number of small receivables, auditors may request Form-A confirmation for all or some large receivables and accept Form-B confirmation for a large number of small receivables.
28. Past a reasonable period of time after sending letters of request for debt confirmation, if receiving no replies from debtors, auditors may send a reminder letter to them. Letters of confirmation of exceptional cases should be more thoroughly investigated.
29. Auditors must perform alternative procedures or continue investigating and/or interviewing when:
- No reply is received;
...
...
...
- Replies contain different opinions.
After performing alternative procedures or continuing investigating and/or interviewing, if finding that there is still not enough reliable evidences or it is impossible to perform alternative procedures, any difference shall be regarded as an error. For example, performing alternative procedures such as examining sales invoice and receipts of receivables for which no reply is received.
30. In practice, when control risk is assessed as low, auditors may request confirmation of the balance of receivables at a time other than the last day of the fiscal year. For example, if auditors must finish the audit work within a very short time limit after the last day of a year, they must examine all transactions occurring between the time when the balance of receivables is confirmed and the last day of the fiscal year.
31. Where the directors of the audited units request auditors not to send letters of request for confirmation to a number of debtors, auditors must consider whether such requests are justified or not. For example, if a receivable is being disputed between the two parties or if requests for confirmation of debts would badly affect on-going negotiations between the units and debtors. Before accepting such requests, auditors must consider evidences supporting the directors' explanations. In this cases, auditors must apply alternative procedures for the balance of receivables for which letters of request for confirmation must not be sent.
Valuation and presentation of long-term investments
32. If long-term investments are regarded as material to the financial statements, auditors must gather sufficient appropriate audit evidences regarding the valuation and presentation of long-term investments.
33. The procedures for auditing long-term investments normally aim to determine whether or not the units have the ability and intend to hold these long-term investments and must gather written representation to that effect.
34. The audit procedures normally include the examination of financial statements and other relevant information, such as determination and comparison of the market prices of securities with the book value of long-term investments up to the date of the auditing reports.
35. If the market prices are lower than the book value, auditors must consider the necessity to set up price decrease reserves. If doubting the recoverability of investments, auditors must take into account appropriate adjustments and explanations presented in the financial statements.
...
...
...
36. Litigation and dispute cases involving the audited units, which may have a material effect on the financial statements, must be presented in the financial statements as provided for.
37. Auditors must carry out procedures to identify litigation and dispute cases involving the units, which may have a material effect on the financial statements. These procedures include:
- Inquiring the directors, asking for written representations;
- Examining minutes of meetings of the management boards and correspondence with the units' legal advisors;
- Examining legal advise expenses;
- Using all information relating to litigation and dispute cases.
38. When litigation and/or dispute cases have been identified or when auditors doubt that they may exist, they must request the units' legal advisors to directly supply information. With this method, they can obtain sufficient appropriate audit evidences regarding the cases as well as the degree of damage affecting the units' financial statements.
39. Letters of request for the units' legal advisors to supply information on litigation and/or dispute cases must be signed by the audited units and sent by auditors. Such a letter contains the following contents:
- A list of litigation and/or dispute cases;
...
...
...
- A request that the unit's legal advisor confirms the reasonableness of the director's assessments and provides the auditors with further information
40. Auditors must consider the happenings of litigation and/or dispute cases up to the date of signing of the auditor' reports. When necessary, auditors may gather updated information from legal advisors.
41. Where the cases are very complicated or there is disagreement between the directors of the audited units and their legal advisors, auditors must meet with the legal advisors to discuss the consequences of the cases. Such meetings must be consented by the directors of the audited units and attended by representatives of the units' directorates.
42. Where the directors of the audited units refuse to permit auditors to meet with the units' legal advisors, this will constitute a limitation in the auditing scope and auditors must give a partial acceptance opinion or an opinion on refusal to express opinion. Where the clients' legal advisors refuse to reply with plausible reasons and auditors are also unable to gather sufficient audit evidences by applying alternative procedures, the auditors must consider whether this constitutes a limitation in the auditing scope and thus may express a partial acceptance opinion or an opinion on refusal to express opinion
Information on various domains or geographical areas
43. Where information relating to various domains and geographical areas is regarded as material to the financial statements, auditors must gather sufficient appropriate audit evidences regarding the information which needs to be disclosed in the financial statements in accordance with the current accounting standards.
44. Auditors must consider information relating to various domains and geographical areas in relation to the financial statements taken as a whole. Auditors are not required to apply audit procedures in order to express their own opinions on information relating to various domains and geographical areas. However, the concept of materiality must encompass both quantitative and qualitative factors and the auditors' procedures used for determining material information must reckon this.
45. The audit procedures for information relating to various domains and geographical areas normally consist of analytical procedures and audit tests appropriate in each specific circumstance.
46. Auditors should discuss with the directors of the audited units the methods used to collect information relating to various domains and geographical areas, and consider whether or not these methods are in accordance with the current accounting standards and ensure that they are strictly applied. To realize this, auditors must consider sale turnover, charges of transfers between domains or geographical areas, elimination of amounts arising within a domain or area; comparisons with plans and other budget estimates, for example, the percentage of profits over sale turnover, and the allocation of assets and costs among segments in consistency with previous periods and the adequacy of the presentations in the financial statements when inconsistency exists.
...
...
...
EVENTS OCCURRING AFTER THE DATE OF CLOSING ACCOUNTING BOOKS
AND MAKING FINANCIAL STATEMENTS
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No.
28/2003/QD-BTC of March 14, 2003)
GENERAL PROVISIONS
01. The purpose of this standard is to prescribe the basic principles and procedures and guide the modes of application thereof to the responsibility of auditors and audit firms when considering events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements for auditing in the process of auditing the financial statements.
02. Auditors must consider the effect of events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements on the financial statements and the auditing reports.
03. This standard shall apply to the audit of financial statements and also to the audit of other financial information of audit firms.
Auditors and audit firms must observe the provisions of this standard in the process of auditing financial statements.
The audited units (clients) must possess necessary knowledge of this standard so that they can cooperate with auditors in supplying information and materials relating to the events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements.
The terms in this standard are construed as follows:
04. Events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements mean events affecting the financial statements, which have occurred after the date of closing accounting books and making financial statements till the date of signing the auditing report; and events detected after the date of signing the auditing report.
...
...
...
a/ Events that provide further evidences of the events that existed up to the date of closing accounting books and making financial statements;
b/ Events that provide signs of events that arose after the date of closing accounting books and making financial statements.
05. The date of closing accounting books and making financial statements means the date lasting till the end of the last day of the accounting year. For example, if the accounting year spans from January 1 to December 31 of the calendar year, the date of closing accounting books and making financial statements lasts until the 24th hour of December 31 of such year.
06. The financial statement date means the date inscribed on a financial statement above the section reserved for the director's (or authorized person's) signature and the stamp of the audited unit. The financial statement date must be subsequent to the date of closing accounting books and making financial statements.
07. The date of signing the auditing report means the date inscribed on an auditing report above the section reserved for the auditor's signature, the director's (or authorized person's) signature and the stamp of the audit firm. The date of signing the auditing report may be either the date of actually signing the auditing report or the date when the audit work finishes at the audited unit. The audit firms must decide on their own the date of signing the auditing report which, however, must be subsequent to or coincide with the financial statement date.
08. The financial statement publicization date means the date of the postmark or the earliest date of signing for receipt of the financial statements and auditing reports which are submitted to the State bodies or publicized.
CONTENTS OF THE STANDARD
09. Events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements and relating to the responsibility of auditors and audit firms are classified into three stages:
- Events occurring up to the date of signing the auditing report;
...
...
...
- Events discovered after the financial statement publicization date.
Events occurring up to the date of signing the auditing report
10. Auditors must establish and perform audit procedures to gather sufficient appropriate audit evidences in order to determine all events occurring up to the date of signing the auditing report, which may affect the financial statements, and request the units to make adjustment of, or present explanations in, the financial statements. These procedures supplement routine procedures applied to special events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements in order to collect further audit evidences regarding account balances at the time of making financial statements. However, auditors are not required to consider all matters on which previously applied procedures have provided satisfactory conclusions. For example, examining the sale of inventory and the settlement of debts after the date of closing accounting books would provide evidences regarding the value of inventory in the financial statements.
11. The procedures to identify events that may require the audited units to adjust the financial statements or present explanations therein should be performed at a time nearest to the date of signing the auditing report and normally include the following steps:
+ Reviewing procedures the units have prescribed to ensure that all events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements are identified.
+ Reading minutes of the meetings of shareholders, the management boards, the Control Boards and the directorates held after the date of closing accounting books and making financial statements, and inquiring about matters discussed at these meetings but not recorded in the minutes.
+ Reading the units' financial statements of the latest period and the financial plans as well as other management reports of the directors.
+ Requesting the units or their lawyers to supply further information concerning the previously notified litigation and/or dispute cases or other litigation and dispute cases (if any).
+ Inquiring the units' directors to identify events which occur after the date of closing accounting books and making financial statements and may materially affect the financial statements, such as:
...
...
...
- Commitments, borrowings or guarantees, which have been recently entered into;
- Sales of assets, which have been effected or are planned;
- Newly issued shares or bonds;
- Merger or dissolution agreements, which have been signed or are planned;
- Assets which have been appropriated or destroyed due to fire or flood
- Risks or contingencies;
- Unusual accounting adjustments, which have been made or are planned;
- Events which have occurred or are likely to occur and thereby render inappropriate the accounting policies already used for making financial statements. For example, the occurrence of bad debts would render invalid the presumption on the continuity of business activities.
12. Where a subordinate unit (a company's branch or a company under a corporation) is audited by another independent audit firm, auditors who audit the superior unit must consider the procedures applied by such audit firm's auditors to the events occurring after the date of closing accounting books and making financial statements and examine whether or not they need to inform such audit firm of the expected date of signing their auditing reports.
...
...
...
Events discovered after the date of signing the auditing report and before the financial statement publicization date
14. Auditors are not required to apply procedures or review matters relating to the financial statements after the date of signing the auditing report. The directors of the audited units shall, however, have to notify the auditors or audit firms of the events which have occurred after the date of signing the auditing report and before the financial statement publicization date and may affect the audited financial statements.
15. Where auditors become aware of an event which occurs after the date of signing the auditing report and before the financial statement publicization date and may materially affect the financial statements, they must consider whether or not the financial statements and auditing reports need to be amended and must discuss this matter with the audited units' directors so as to take appropriate measures in each particular circumstance.
16. Where, at the auditors' request, the directors of the audited units accept to amend the financial statements, the auditors shall perform necessary procedures suitable to the practical circumstances and then provide the audited units with a new report based on the amended financial statements. The new auditing report must be signed at the same date of the amended financial statements or at a later date. In this case, auditors must perform the audit procedures specified at paragraphs 10 and 11 till the date of signing the amended auditing report.
17. Where the directors of the audited units do not amend the financial statements as requested by auditors, and the auditing reports have not yet been sent to the audited units, the auditors and audit firms shall make a new auditing report expressing a partial acceptance opinion or non-acceptance opinion.
18. Where events which have a material effect on the financial statements are discovered only after the auditing reports have been sent to the audited units, the auditors shall request the heads of the audited units not to publicize the financial statements and the auditing reports to third parties. If the units still decide to publicize these reports, the auditors must apply appropriate measures to prevent the third parties from using their auditing reports. The preventive measures taken will depend on the auditors' legal powers and obligations as well as the recommendations of the auditors' lawyers.
Events discovered after the financial statement publicization date
19. After the financial statements and the auditing reports have been publicized, auditors are not required to consider and examine any data or events relating to the audited financial statements.
20. After the financial statements and the auditing reports have been publicized, if auditors become aware of events which occurred up to the date of signing the auditing report and cause the auditors to modify the auditing reports, the auditors should consider whether the financial statements and the auditing reports need to be revised or not and must discuss this matter with the directors of the audited units and take appropriate measures in each particular circumstance.
...
...
...
22. The new auditing reports must contain a paragraph explaining the reasons for the revision of the previously publicized financial statements and auditing reports. The new auditing reports shall be signed at the same date of the revised financial statements or at a later date. In this case, auditors must perform the audit procedures specified at paragraphs 10 and 11 till the date of the revised auditing report.
23. Where the directors of the audited units do not notify the matter mentioned at paragraph 21 above to the recipients of the previously publicized financial statements and auditing reports nor revise the financial statements at the auditors' requests, the auditors and audit firms must notify the directors of the audited units of the measures to be taken by the auditors to prevent the third parties from using the auditing reports. The preventive measures taken will depend on the auditors' legal powers and obligations as well as the recommendations of the auditors' lawyers.
24. Where the financial statements for the following fiscal year are being audited by the audit firms and are bound to be publicized, it may not be necessary to revise the financial statements and auditing reports for the preceding fiscal year provided that the matter mentioned at paragraph 21 above is clearly described in the representations on the financial statements for the following year.
Cases where the audited units issue securities
25. Where the audited units issue securities on the market, auditors must consider any law provisions relating to the securities issuance. For example, auditors may be required to carry out additional audit procedures till the date when the audited units post up securities issuance information. These procedures normally include measures specified at paragraphs 10 and 11 till the time of posting up information and reviewing documents on the posted information to ascertain that the posted information is consistent with the financial information already confirmed by the auditors.
USE OF OTHER AUDITORS MATERIALS
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No. 28/2003/QD-BTC
of March 14, 2003)
GENERAL PROVISIONS
01. The purpose of this standard is to prescribe the basic principles and procedures and guide the mode of application thereof to the use of other auditors' auditing materials regarding the financial information of one or many units when auditing the financial statements of a unit, including financial information of subordinate units and of other economic units.
...
...
...
03. This standard shall apply to the audit of the financial statements of a unit, which include financial information of one or many subordinate units, and other economic units. This standard shall not apply to cases involving two or more auditors appointed as joint auditors for a unit, nor does it deal with the relationship between the present auditors and the previous years auditors.
Where the principal auditors conclude that the financial statements of subordinate units and other economic units have an immaterial effect, this standard shall not apply, except where many units, though each having an immaterial effect, can together produce a material effect, the application of this standard should be considered.
The audited units (clients), units and individuals related to the use of other auditors' materials by the principal auditors must possess necessary knowledge of the essential principles and procedures in this standard so that they can cooperate with the audit firms and the principal auditors in the auditing process.
The terms in this standard are construed as follows:
04. Principal auditors mean the auditors with responsibility for auditing the financial statements and signing the auditing reports of units, including financial information of one or many subordinate units and other economic units audited by the other auditors.
05. Other auditors mean the auditors with responsibility for auditing the financial statements and signing the auditing reports of subordinate units or other economic units, which are included in the financial statements of the superior unit. Another auditor is the auditor working for another audit firm or for a branch or office of the audit firm.
06. Subordinate units mean units, components, branches, subsidiaries or member companies of the superior units, whose financial information is included in the superior units' financial statements audited by the principal auditors.
07. Other economic units mean units, joint-venture companies, associated companies with economic relations, whose financial information is included in the units' financial statements audited by the principal auditors.
CONTENTS OF THE STANDARD
...
...
...
08. To accept auditor contracts with the principal auditor's responsibility, auditors and audit firms must consider the following matters:
+ The materiality of the portion of the financial statements which the principal auditors audit;
+ The principal auditors' knowledge about the situation of business activities of the subordinate units and other economic units audited by the other auditors;
+ The risk of material errors in the financial statements of the subordinate units and other economic units audited by other auditors;
+ The possibility to perform additional procedures as prescribed in this standard, which relate to financial information of subordinate units and other economic units audited by other auditors with the participation of the principal auditors.
Audit procedures performed by the principal auditors
09. When planning the audits involving the use of other auditor's materials, the principal auditors must consider the professional capability of the audit firms and other auditors in the context of their actual work.
In order to consider professional capability of the audit firms and other auditors, the principal auditors must base themselves on the following sources of information: the audit organizations where the other auditors have made practice registration; colleagues of the other auditors; clients or people having working relations with the other auditors, or through face-to-face meetings with the other auditors.
10. The principal auditors should perform necessary procedures to obtain sufficient appropriate audit evidences that the other auditors' work is relevant to the principal auditors' audit work and purposes in each specific audit.
...
...
...
+ The independence requirements related to the superior unit, subordinate units and other economic units and obtain written representations on compliance therewith
+ The use of the other auditors' materials and reports and the coordination between the two parties right at the audit planning stage;
+ Matters requiring special consideration; procedures for identification of internal transactions that need to be stated in written explanations, and the timetable for the audit;
+ The accounting, auditing and reporting requirements and obtain written representations on compliance therewith.
12. The principal auditors may discuss with the other auditors the audit procedures already applied by the latter or review the other auditors' audit dossiers. The performance of these audit procedures will depend on the specific context of the audit and on the principal auditors' assessment of the professional capability of the other auditors.
13. The principal auditors are not required to apply the procedures stated in paragraph 12 if they have sufficient appropriate audit evidences that the audit procedures performed by the other auditors are satisfactory and ensure the audit quality.
14. The principal auditors must consider the significant findings of the other auditors.
15. The principal auditors may discuss with the other auditors and the directors of the subordinate units and other economic units the significant findings or other matters affecting the financial statements of such units. When necessary, the principal auditors may perform additional procedures to check the records or financial statements of the subordinate units. Depending on the particular circumstances, these checking procedures may be performed by the principal auditors or the other auditors.
16. The principal auditors should archive in their audit dossiers documents relating to the financial statements of the subordinate units and other economic units audited by the other auditors; documents on the performance of audit procedures and conclusions reached therefrom; the names of the other auditors and any conclusions, though being immaterial, reached by the other auditors.
...
...
...
17. The other auditors must cooperate with the principal auditors in cases the principal auditors use their auditing materials. For example, the other auditors must inform the principal auditors of any portions of their work that cannot be carried out as requested or of any matters significantly affecting the other auditors' work, which are of the principal auditors' concern. Similarly, the principal auditors should notify the other auditors of any matters which are discovered by the principal auditors and may considerably affect the financial statements of the subordinate units or other economic units audited by the other auditors.
The cooperation between auditors should be agreed upon by the authorities managing the audits.
Conclusions and elaboration of auditing reports
18. When the principal auditors conclude that the other auditors' materials cannot be used and they has not been able to perform additional audit procedures for the financial statements of the subordinate units and other economic units audited by the other auditors, if deeming that such would materially affect the audited financial statements, the principal auditors should express a partial acceptance opinion or an opinion to refuse to express an opinion because there is a limitation in the scope of the audit.
19. When the principal auditors have relied on the other auditors' opinions, their reports must clearly state this and specify the limitation of the financial statements audited by the other auditors.
20. Where the other auditors issue or plan to issue a modified auditing report, the principal auditors should consider the nature and significance of the modifications in relation to the financial statements audited by the principal auditors and determine whether their auditing reports need to be modified.
Responsibility of the principal auditors
21. The principal auditors must observe the principles and procedures prescribed in this standard when auditing the financial statements of the superior units, which include financial information of the subordinate units and other economic units, and must be responsible for the financial statement audit risks.-
...
...
...
FOR THE MINISTER OF FINANCE
VICE MINISTER
Tran Van Ta
;
Quyết định 28/2003/QĐ-BTC ban hành và công bố 05 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (đợt 4) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 28/2003/QĐ-BTC |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Người ký: | Trần Văn Tá |
Ngày ban hành: | 14/03/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 28/2003/QĐ-BTC ban hành và công bố 05 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (đợt 4) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Chưa có Video