BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2024/TT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024 |
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 06 năm 2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 06 năm 2024;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác.
Thông tư này quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe; trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Điểm dừng đón, trả khách (bao gồm cả điểm dừng xe buýt) là nơi dừng xe trên đường bộ dành cho xe ô tô hoạt động theo tuyến cố định, xe buýt dừng để hành khách lên, xuống xe trên hành trình chạy xe.
2. Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải để chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.
3. Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.
KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ
Điều 4. Quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
2. Quản lý và sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phương tiện để đảm bảo các phương tiện phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ;
b) Lập, cập nhật đầy đủ dữ liệu lý lịch phương tiện, quá trình hoạt động của phương tiện vào Hồ sơ lý lịch phương tiện với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Quản lý người lái xe kinh doanh vận tải hành khách
a) Lập, cập nhật đầy đủ lý lịch hành nghề người lái xe, quá trình hoạt động của lái xe vào Hồ sơ lý lịch hành nghề người lái xe với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đảm bảo việc người lái xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe theo quy định tại Điều 64 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Trực tiếp điều hành phương tiện, người lái xe của đơn vị mình để thực hiện vận chuyển hành khách theo một trong các hình thức sau
a) Thông qua phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải;
b) Thông qua lệnh vận chuyển;
c) Thông qua hợp đồng vận chuyển.
5. Quyết định giá cước vận tải đối với hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị.
6. Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi phải xây dựng, công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải.
7. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải và công tác tài chính kế toán trong hoạt động vận tải.
8. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe kinh doanh vận tải hoặc nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) theo quy định.
Mục 2. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH
Điều 5. Tiêu chí thiết lập tuyến
1. Có hệ thống đường bộ được công bố khai thác trên toàn bộ hành trình.
2. Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố đưa vào khai thác.
3. Có mã số tuyến vận tải hành khách cố định
a) Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có mã số tuyến được xác định bởi mã số tỉnh, thành phố nơi đi, nơi đến; mã số bến xe khách nơi đi, nơi đến. Mã số tuyến được đánh theo thứ tự: tỉnh, thành phố có mã số nhỏ đứng trước tỉnh, thành phố có mã số lớn; bến xe khách của tỉnh, thành phố có mã số nhỏ đứng trước bến xe khách của tỉnh, thành phố có mã số lớn;
b) Tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh có mã số tuyến được xác định bởi mã số tỉnh, thành phố; mã số bến xe khách nơi đi, nơi đến. Mã số tuyến được đánh theo thứ tự: mã số tỉnh, thành phố; bến xe khách có mã số nhỏ; bến xe khách có mã số lớn. Trường hợp tuyến có nhiều hành trình khác nhau thì bổ sung thêm ký tự trong bảng chữ cái Tiếng Việt vào cuối của dãy số.
4. Có thời gian giãn cách giữa các chuyến xe và tổng lưu lượng của tuyến
a) Thời gian giãn cách giữa các chuyến xe tại bến xe phải được xác định trên cơ sở thống nhất của hai Sở Giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải nơi có đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký khai thác lấy ý kiến thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia;
b) Tổng lưu lượng của tuyến cố định phải được xác định bằng tổng số chuyến trên tháng; đối với tuyến có nhiều hành trình thì phải xác định lưu lượng cho từng hành trình.
Điều 6. Tổ chức, quản lý và tiêu chí điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định
1. Tiêu chí của điểm dừng đón, trả khách
a) Điểm dừng đón, trả khách chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe;
b) Biển chỉ dẫn điểm dừng đón, trả khách áp dụng cho tuyến cố định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ;
c) Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm dừng đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc với bến xe hai đầu tuyến do Sở Giao thông vận tải căn cứ tình hình thực tế và việc tổ chức giao thông của địa phương để xác định.
2. Tổ chức, quản lý hoạt động điểm dừng đón, trả khách
a) Điểm dừng đón, trả khách chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt đón, trả khách; không sử dụng cho hoạt động khác;
b) Tại điểm dừng đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được dừng tối đa không quá 03 phút;
c) Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương nơi có điểm dừng đón, trả khách tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực điểm dừng đón, trả khách trên địa bàn địa phương;
d) Sở Giao thông vận tải thông báo bằng văn bản về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định, xe buýt đến các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe buýt có hoạt động trên địa bàn, đồng thời đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở.
1. Niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải các thông tin sau: danh mục các tuyến cố định trên địa bàn địa phương đã được công bố; danh sách tuyến đang khai thác; tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian và tổng số chuyến xe đã đăng ký hoạt động; danh sách các đơn vị vận tải hiện đang hoạt động vận chuyển trên tuyến; biểu đồ chạy xe theo tuyến; số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.
2. Niêm yết tại bến xe các thông tin sau: danh sách các tuyến, lịch xe xuất bến của các chuyến xe đang hoạt động tại bến; danh sách các đơn vị vận tải kinh doanh khai thác trên từng tuyến; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải địa phương.
3. Niêm yết tại quầy bán vé các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.
4. Niêm yết trên xe
a) Niêm yết ở phía trên kính trước: tên bến xe nơi đi, tên bến xe nơi đến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm;
b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Niêm yết ở trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu.
5. Trách nhiệm niêm yết và cung cấp thông tin niêm yết
a) Sở Giao thông vận tải thực hiện niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bến xe thực hiện niêm yết tại bến xe và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe nhận ủy thác bán vé theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; cung cấp cho bến xe liên quan các thông tin để bến xe thực hiện quy định tại điểm b khoản này.
Điều 8. Quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
2. Niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Thông tư này.
3. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe; đánh số thứ tự lớn dần từ trái sang phải theo hàng ghế và từ phía trước đến phía sau xe.
4. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ).
5. Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
6. Trong cùng một thời điểm, mỗi xe được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định khác nhau, 02 tuyến có thể xuất phát/kết thúc từ 04 bến xe khách khác nhau hoặc 03 bến xe khách khác nhau (trong trường hợp nối tuyến) và được cấp 01 phù hiệu (trên phù hiệu ghi tên 02 tuyến).
Trường hợp hai chuyến xe trên cùng một tuyến có thời gian liền kề nhau do cùng một đơn vị khai thác thì chuyến sau nếu đã bán hết vé được phép xuất phát cùng giờ với chuyến trước.
Điều 9. Quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện đối với xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách trong quá trình hoạt động vận tải trung chuyển hành khách.
2. Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải. Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm.
Điều 10. Quy định về quản lý tuyến
1. Sở Giao thông vận tải thực hiện các nội dung quản lý tuyến nội tỉnh theo quy định; đối với tuyến liên tỉnh Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để thực hiện các nội dung quản lý tuyến và phối hợp với Sở Giao thông vận tải nơi phát sinh các vấn đề về quản lý vận tải trên tuyến để xử lý.
2. Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải để: xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh; gửi báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp, công bố định kỳ hàng năm. Định kỳ trước ngày 30 tháng 4 hàng năm, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; Cục Đường bộ Việt Nam công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh.
3. Sở Giao thông vận tải địa phương (đối với tuyến nội tỉnh) và Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến (đối với tuyến liên tỉnh) thống nhất và công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở các thông tin chi tiết của từng tuyến gồm: bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình; tổng số chuyến xe và giờ xuất bến của từng chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác và thống nhất giờ dự kiến giãn cách tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề; công suất bến xe hai đầu tuyến.
4. Trường hợp xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, bão lụt ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến cố định, Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến thống nhất tạm thời điều chỉnh giảm số chuyến xe thực tế hoặc tạm ngừng hoạt động của tuyến theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền; báo cáo kết quả điều chỉnh về Cục Đường bộ Việt Nam.
Điều 11. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến
1. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến
Đơn vị kinh doanh vận tải được thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc được bổ sung xe nếu việc bổ sung không làm tăng số chuyến xe. Xe được bổ sung, thay thế vào tuyến nào phải được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” có ghi tên tuyến đó và phải đảm bảo các yêu cầu về loại phương tiện tham gia khai thác tuyến đã đăng ký.
2. Thay thế xe đột xuất
a) Đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng phương tiện bất kỳ của đơn vị mình đã được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” để thay thế khi xe đang hoạt động trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác. Trường hợp đơn vị không bố trí được phương tiện thay thế, Sở Giao thông vận tải quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế;
b) Xe thay thế đột xuất phải có lệnh vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Quy định về tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách
1. Tuân thủ và duy trì các quy định đối với hoạt động tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định trong quá trình hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.
2. Xe hoạt động trên các tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng và xe buýt được sử dụng để tăng cường giải tỏa hành khách vào các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng.
3. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách (trong đó có danh sách phương tiện, người lái xe được điều động) và tổ chức thực hiện. Thời gian ban hành kế hoạch tăng cường giải tỏa hành khách đảm bảo trước các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tối thiểu 07 ngày.
4. Đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác tuyến cố định căn cứ vào nhu cầu đi lại, thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường phương tiện trên tuyến do đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác vào các ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật) có lượng khách tăng đột biến (trong đó có tổng số chuyến xe tăng cường và ngày thực hiện). Thông báo phương án tăng cường phương tiện trên tuyến vào các ngày cuối tuần đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến trước ngày 15 tháng 01 hàng năm để thực hiện.
5. Trong thời gian xe được bố trí tăng cường, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia, các bến xe liên quan và các đơn vị kinh doanh vận tải có xe tăng cường thực hiện theo dõi, giám sát và quản lý hoạt động của phương tiện, người lái xe theo các quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.
6. Khi tăng cường phương tiện, bến xe khách đầu tuyến (lượt đi) ghi thời gian xe chạy và xác nhận vào lệnh vận chuyển, thông báo về chuyến xe tăng cường cho bến xe khách đầu tuyến bên kia để bố trí thời gian thực hiện chuyến xe lượt về. Bến xe khách đầu tuyến bên kia ghi thời gian và xác nhận chuyến xe lượt về vào lệnh vận chuyển; trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải đề nghị không thực hiện chuyến xe lượt về, bến xe khách chỉ thực hiện xác nhận xe đến bến vào lệnh vận chuyển.
Điều 13. Quy định về lệnh vận chuyển
1. Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng lệnh vận chuyển.
3. Bến xe khách có trách nhiệm cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe thông tin về lệnh vận chuyển đã được đóng dấu xác nhận.
Điều 14. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Áp dụng các biện pháp để tổ chức, thực hiện đúng, đầy đủ phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô đã đăng ký.
2. Thực hiện các quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.
3. Theo dõi, quản lý việc sử dụng phù hiệu, lệnh vận chuyển của đơn vị; ghi thông tin trên lệnh vận chuyển và cấp cho người lái xe theo đúng các quy định về quản lý vận tải hành khách theo tuyến cố định.
4. Có trách nhiệm thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 04 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km; thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 01 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 02 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng; không được nhận hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, thực phẩm tươi sống không chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, phòng dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc bồi thường hàng hóa ký gửi khi hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người gửi hàng.
6. Xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có), thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
7. Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 7 của Thông tư này.
8. Đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng xe có phù hiệu "XE TRUNG CHUYỂN" để hoạt động kinh doanh vận tải.
9. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Điều 15. Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu của đơn vị kinh doanh vận tải đã quy định; mang theo lệnh vận chuyển đối với chuyến xe đang khai thác.
2. Thực hiện đúng lệnh vận chuyển do đơn vị kinh doanh vận tải cấp; đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các điểm dừng đón, trả khách và chạy đúng hành trình.
3. Không được chở quá số người cho phép chở, không được chở vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô; hành lý, hàng hóa ký gửi phải được xếp dàn đều trong khoang chở hành lý, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, thực phẩm tươi sống không chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, phòng dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường; hàng nguy hiểm trên xe khách. Khi nhận hàng hóa ký gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng.
4. Đảm bảo mọi hành khách trên xe đều có vé; hướng dẫn, sắp xếp cho hành khách ngồi, nằm đúng chỗ theo vé, phổ biến các quy định khi đi xe, giúp đỡ hành khách; bố trí chỗ ngồi, nằm ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em; có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.
5. Yêu cầu bến xe khách xác nhận thông tin quy định trong lệnh vận chuyển trước khi xe xuất bến và khi xe về bến.
6. Giữ gìn vệ sinh phương tiện.
7. Điều khiển xe có mặt tại bến xe khách trước giờ xe xuất bến tối thiểu 10 phút để thực hiện các tác nghiệp có liên quan tại bến xe theo quy trình bảo đảm an toàn giao thông.
8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Điều 16. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe
1. Yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã công bố và niêm yết.
2. Yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền kiểm tra.
3. Nhận lại số tiền vé theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Thông tư này.
4. Khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Chấp hành các quy định để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên xe; lên, xuống xe tại bến xe hoặc các điểm dừng đón, trả khách theo quy định.
6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mục 3. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT
Điều 17. Quy định đối với xe buýt
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe buýt trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
2. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; việc đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.
3. Niêm yết thông tin
a) Niêm yết bên ngoài xe
Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm;
Hai bên thành xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Niêm yết bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách;
c) Bên trong xe có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm ở vị trí hành khách dễ quan sát, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; biển cấm hút thuốc trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Điều 18. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt, lệnh vận chuyển
1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt
a) Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông theo phương án tổ chức giao thông;
b) Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có);
c) Có nhà chờ cho hành khách.
2. Điểm dừng xe buýt
a) Khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), hành trình tuyến rút gọn ở phía sau biển báo;
b) Biển báo điểm dừng xe buýt đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
3. Tại các bến xe khách, nhà ga đường sắt, cảng hàng không, cảng, bến thủy nội địa, cảng biển có hành trình tuyến xe buýt đi qua phải bố trí điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt để kết nối với các phương thức vận tải khác.
4. Nhà chờ xe buýt
a) Sở Giao thông vận tải công bố mẫu nhà chờ xe buýt áp dụng trong phạm vi địa phương mình;
b) Tại nhà chờ xe buýt phải niêm yết các thông tin: số hiệu tuyến, tên tuyến, hành trình, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến.
5. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải được xây dựng đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
6. Lệnh vận chuyển
a) Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện từ; xuất trình lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.
b) Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng lệnh vận chuyển.
Điều 19. Công bố mở tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Sở Giao thông vận tải công bố mở tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại địa phương theo danh mục mạng lưới tuyến được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Nội dung công bố mở tuyến xe buýt
a) Đơn vị kinh doanh vận tải khai thác tuyến;
b) Số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; cự ly; hành trình (điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng);
c) Biểu đồ chạy xe, thời gian hoạt động của tuyến;
d) Nhãn hiệu, sức chứa, màu sơn đặc trưng của xe hoạt động trên tuyến;
đ) Giá vé.
3. Sở Giao thông vận tải phải công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất 15 ngày, trước khi thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến xe buýt.
Điều 20. Quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nguồn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô loại hình vận tải bằng xe buýt được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc được đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
3. Sở Giao thông vận tải địa phương ký hợp đồng khai thác tuyến với đơn vị kinh doanh vận tải trúng thầu hoặc được đặt hàng. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng.
4. Sở Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ biểu đồ, hành trình chạy xe trên tuyến xe buýt nội tỉnh khi có sự thay đổi về tổ chức giao thông dẫn đến phải thay đổi hành trình hoặc trong trường hợp thiên tai, bão lụt hoặc trong trường hợp bất khả kháng khác hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác tuyến phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại từng thời điểm; đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh phương án khai thác tuyến tương ứng với biểu đồ chạy xe mới điều chỉnh.
5. Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, việc điều chỉnh biểu đồ, hành trình chạy xe, ngừng khai thác hoặc đóng tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương đầu tuyến bên kia; thông báo đến các Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt đi qua trước khi thực hiện.
6. Quyết định điều chỉnh biểu đồ chạy xe được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 ngày trước khi thực hiện điều chỉnh biểu đồ.
1. Ngừng khai thác trên tuyến, đóng tuyến xe buýt
a) Trước khi ngừng khai thác ít nhất 30 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải có văn bản thông báo ngừng khai thác trên tuyến gửi Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trường hợp ngừng khai thác dẫn đến phải thay đổi tần suất chạy xe trên tuyến hoặc phải đóng tuyến, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (hoặc thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia đối với tuyến xe buýt liên tỉnh) công bố tần suất chạy xe mới hoặc công bố đóng tuyến trên cơ sở đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;
b) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo;
c) Sau thời điểm ngừng khai thác tối đa 05 ngày làm việc, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu của các xe ngừng khai thác cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp.
2. Bổ sung xe, thay thế xe buýt
a) Đơn vị kinh doanh vận tải được thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc được bổ sung xe nếu việc bổ sung không làm tăng số chuyến xe. Xe được bổ sung, thay thế phải có phù hiệu “XE BUÝT” và phải đảm bảo các yêu cầu về loại phương tiện tham gia khai thác tuyến theo hợp đồng đã ký kết;
b) Đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng các phương tiện bất kỳ của đơn vị mình đã được cấp phù hiệu “XE BUÝT” để thay thế xe đột xuất khi xe đang hoạt động trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác.
Điều 22. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Tổ chức, thực hiện đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác đã ký kết trong hợp đồng.
2. Thực hiện các quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
3. Xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
4. Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 7 của Thông tư này.
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Điều 23. Quyền hạn và trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu đơn vị kinh doanh vận tải đã quy định.
2. Thực hiện đúng biểu đồ, hành trình chạy xe đã được phê duyệt.
3. Cung cấp thông tin về hành trình tuyến, các điểm dừng trên tuyến khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe; có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.
4. Giữ gìn vệ sinh phương tiện.
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Điều 24. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt
1. Mang theo hành lý với trọng lượng không quá 10 kg và kích thước không quá 30x40x60 cm. Đối với hành khách đi trên xe của tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không, tuyến xe buýt liên tỉnh hành khách được mang theo hành lý với trọng lượng không quá 20 kg và kích thước phù hợp với thiết kế của xe.
2. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
3. Yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.
4. Khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mục 4. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI
Điều 25. Quy định đối với xe taxi
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe taxi trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
2. Thực hiện niêm yết thông tin như sau:
a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Việc đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.
4. Trong xe phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn.
Điều 26. Điểm dừng đón, trả khách công cộng, điểm đỗ xe taxi
1. Điểm dừng đón, trả khách công cộng cho xe taxi phải đảm bảo an toàn giao thông và được báo hiệu bằng biển báo, vạch sơn kẻ đường theo quy định về tổ chức giao thông.
2. Điểm đỗ xe taxi
a) Điểm đỗ xe taxi gồm 02 loại: điểm đỗ xe taxi do đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức và quản lý; điểm đỗ xe taxi công cộng do cơ quan quản lý nhà nước của địa phương tổ chức và quản lý;
b) Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi: đảm bảo trật tự, an toàn và không gây ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Điều 27. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
1. Thực hiện các quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
2. Xây dựng quy định đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
3. Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Thông tư này.
4. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Điều 28. Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe taxi
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng quy định của đơn vị kinh doanh vận tải.
2. Thu tiền cước của hành khách khi kết thúc hành trình theo đồng hồ tính tiền hoặc theo thông báo trên phần mềm hoặc theo thỏa thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải.
3. Giữ gìn vệ sinh phương tiện.
4. Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe.
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 29. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe taxi
1. Yêu cầu người lái xe cung cấp thông tin về hành trình chạy xe.
2. Trả tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền và nhận hóa đơn điện tử của chuyến đi đúng số tiền thanh toán. Trường hợp tiền cước chuyến đi theo thoả thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải thì tính theo biểu chi phí niêm yết trên xe taxi hoặc thông qua phần mềm tính tiền của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
3. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người lái xe.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mục 5. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THEO HỢP ĐỒNG BẰNG XE Ô TÔ
Điều 30. Quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
2. Niêm yết thông tin sau: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải
a) Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm;
b) Vị trí niêm yết: phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
3. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.
4. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; việc đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.
5. Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Điều 31. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Thực hiện các quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
2. Phải tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
3. Xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có), thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
4. Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Thông tư này.
5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 32. Quyền hạn và trách nhiệm của người lái xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Thực hiện vận chuyển hành khách theo đúng hành trình, lịch trình theo hợp đồng vận tải đã ký. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng quy định của đơn vị kinh doanh vận tải.
2. Phải tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với người lái xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
3. Người lái xe điều khiển phương tiện có sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải trong quá trình vận chuyển hành khách phải có thiết bị truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng vận tải điện tử, danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Giữ gìn vệ sinh phương tiện.
5. Từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe; có quyền từ chối vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ hoặc động vật sống.
6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG XE Ô TÔ
Điều 33. Quy định về xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa
1. Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa.
2. Phải niêm yết các thông tin theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Vị trí niêm yết thông tin
a) Đối với xe ô tô tải, xe đầu kéo: niêm yết ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái;
b) Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc có thùng chở hàng: niêm yết ở mặt ngoài hai bên thùng xe;
c) Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc không có thùng chở hàng: niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau hoặc vị trí niêm yết thông tin của rơ moóc, sơ mi rơ moóc kiểu modul theo thiết kế của nhà sản xuất.
4. Xe ô tô vận tải hàng hóa phải có kích thước thùng xe đúng theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
5. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; việc đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.
Điều 34. Quy định về Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)
1. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành và có các thông tin tối thiểu theo quy định.
2. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho người lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
3. Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
Điều 35. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa
1. Quản lý và sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa
a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phương tiện để đảm bảo các phương tiện phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ;
b) Lập, cập nhật đầy đủ dữ liệu lý lịch phương tiện, quá trình hoạt động của phương tiện vào Hồ sơ lý lịch phương tiện với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trực tiếp điều hành phương tiện, người lái xe của đơn vị mình để thực hiện vận chuyển hàng hóa theo một trong các hình thức sau:
a) Thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải;
b) Thông qua hợp đồng vận chuyển;
c) Thông qua Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
3. Quyết định giá cước vận tải đối với hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị.
4. Có trách nhiệm phổ biến cho người lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về trọng tải của phương tiện lưu thông trên đường; không được tổ chức hoặc yêu cầu người lái xe bốc xếp và vận chuyển hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông; chịu trách nhiệm liên đới nếu xe thuộc quyền quản lý của đơn vị thay đổi các thông số kỹ thuật của xe trái với quy định, vận chuyển hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
5. Quản lý người lái xe kinh doanh vận tải hàng hoá
a) Lập, cập nhật đầy đủ lý lịch hành nghề người lái xe, quá trình hoạt động của lái xe vào Hồ sơ lý lịch hành nghề người lái xe với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đảm bảo việc người lái xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe theo quy định tại Điều 64 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa.
Điều 36. Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa
1. Khi vận chuyển hàng hóa, người lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của người lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Người lái xe điều khiển phương tiện có sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải có thiết bị truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng vận tải điện tử, Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) điện tử trong quá trình vận chuyển.
2. Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, người lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải (Giấy vận chuyển); từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật về xếp hàng lên xe.
3. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với người lái xe trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa.
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BẾN XE, BÃI ĐỖ XE, TRẠM DỪNG NGHỈ, ĐIỂM DỪNG XE
Điều 37. Quy định về hoạt động của bến xe khách
1. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách
a) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đối với bến xe khách trong quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô;
b) Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường trong bến xe khách; chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh trong phạm vi bến xe khách;
c) Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của bến xe khách, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về bến xe khách;
d) Ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải theo quy định của pháp luật trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải tại bến xe khách;
đ) Niêm yết nội quy của bến xe khách và hình thức xử lý theo hợp đồng đã ký kết khi vi phạm nội quy của bến xe khách;
e) Quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách.
Trang bị phần mềm quản lý bến xe khách và lưu trữ các thông tin xe xuất bến: thông tin xe, người lái, thông tin tuyến thực hiện, thời gian xe xuất bến, thời gian xe đến bến, số hành khách trên xe.
Thông tin do bến xe khách cung cấp được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra đường bộ khi có yêu cầu.
Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý bến xe khách cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi có yêu cầu.
Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin về phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến tối thiểu 03 năm kể từ năm kết thúc công việc.
Trực tiếp thực hiện các quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản này hoặc ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý.
g) Chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
h) Thực hiện báo cáo định kỳ vào ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất tình hình hoạt động của bến xe khách theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải địa phương;
i) Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương các quy định của đơn vị về danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào lệnh vận chuyển;
k) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bến xe khách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách;
l) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
m) Cho xe xuất bến đúng thời gian biểu đồ chạy xe đã được cơ quan quản lý tuyến công bố.
2. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe khách
a) Ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng đã ký kết với bến xe khách;
b) Chấp hành các nội quy, quy định, quy trình giải quyết cho xe ra, vào bến của đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách.
3. Trách nhiệm của hành khách tại bến xe khách
a) Giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ trong khu vực bến xe khách;
b) Chấp hành nội quy, quy định và hướng dẫn của nhân viên bến xe khách.
4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
a) Công bố và công bố lại việc đưa bến xe khách vào khai thác, công bố tạm ngừng, chấm dứt hoạt động bến xe khách trên địa bàn địa phương; trường hợp tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động bến xe khách thì phải công bố trước thời điểm bến xe khách tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động tối thiểu 90 ngày. Văn bản công bố phải đồng thời gửi đến Cục Đường bộ Việt Nam và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở;
b) Quản lý hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn địa phương;
c) Chỉ đạo các bến xe khách trên địa bàn thực hiện áp dụng phần mềm quản lý bến xe khách;
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách trên địa bàn địa phương.
5. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam
a) Thống kê, tổng hợp các dữ liệu về hệ thống bến xe khách trong toàn quốc;
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và xử lý các vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị quản lý, đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách trong toàn quốc.
Điều 38. Quy định về trình tự, thủ tục đưa bến xe khách vào khai thác
1. Thủ tục công bố lần đầu
Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố đưa bến xe vào khai thác đến Sở Giao thông vận tải địa phương nơi bến xe được xây dựng (nộp trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến).
2. Hồ sơ đề nghị công bố gồm:
a) Văn bản đề nghị công bố đưa bến xe khách vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Văn bản chấp thuận đấu nối đường ra, vào bến xe với đường bộ của cơ quan có thẩm quyền;
c) Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể bến xe;
d) Quyết định cho phép đầu tư xây dựng của cơ quan có thẩm quyền và biên bản nghiệm thu xây dựng;
đ) Bản đối chiếu các quy định kỹ thuật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách với các công trình của bến xe theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;
e) Quy chế quản lý khai thác bến xe khách do đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách ban hành.
3. Quy trình xử lý hồ sơ đề nghị công bố:
a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra các tiêu chí phân loại bến xe theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách và lập biên bản kiểm tra;
b) Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu bến xe không đáp ứng đúng các tiêu chí thì phải ghi rõ các nội dung không đạt trong biên bản kiểm tra và trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra phải thông báo cho đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách; nếu bến xe đáp ứng đúng các quy định kỹ thuật của loại bến xe mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe đề nghị thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Sở Giao thông vận tải quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị không thời hạn.
4. Thủ tục công bố lại
Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách phải nộp hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có bến xe để đề nghị công bố, xếp loại lại bến xe trong các trường hợp:
a) Sau khi cải tạo cơ sở vật chất dẫn đến thay đổi các tiêu chí phân loại bến xe khách;
b) Thay đổi đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách.
5. Hồ sơ đề nghị công bố lại bao gồm:
a) Văn bản đề nghị công bố lại bến xe theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể các công trình xây dựng, cải tạo bến xe (nếu có thay đổi so với lần công bố trước);
c) Quyết định cho phép đầu tư xây dựng, cải tạo của cơ quan có thẩm quyền (nếu có thay đổi so với lần công bố trước);
d) Biên bản nghiệm thu các công trình xây dựng, cải tạo (nếu có thay đổi so với lần công bố trước);
đ) Bản đối chiếu các quy định kỹ thuật của quy chuẩn này với các công trình của bến xe (nếu có thay đổi so với lần công bố trước);
e) Văn bản hoặc tài liệu chứng minh về thay đổi đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe (nếu có thay đổi so với lần công bố trước).
6. Quy trình xử lý hồ sơ đề nghị công bố lại:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra các tiêu chí phân loại bến xe và lập biên bản kiểm tra;
b) Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu bến xe không đáp ứng đúng các tiêu chí thì phải ghi rõ các nội dung không đạt trong biên bản kiểm tra và trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra phải thông báo cho đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe; nếu bến xe đáp ứng đúng các quy định kỹ thuật của loại bến xe mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe đề nghị thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Sở Giao thông vận tải quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Quy định về thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe và báo cáo định kỳ
a) Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe chịu trách nhiệm duy trì các tiêu chí quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách;
b) Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động, tình hình an ninh trật tự, việc duy trì, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách về Sở Giao thông vận tải nơi có bến xe.
Điều 39. Quy định về hoạt động của bến xe hàng
1. Quy định đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng
a) Chỉ được đưa bến xe hàng vào khai thác sau khi đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng thực hiện các quy định tại Điều 40 Thông tư này;
b) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại bến xe hàng;
c) Niêm yết công khai nội quy bến xe hàng, giá các dịch vụ tại bến xe, tên và số điện thoại Sở Giao thông vận tải địa phương để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Kinh doanh các loại dịch vụ theo quy định;
e) Thu giá dịch vụ xe ra, vào bến xe theo quy định;
g) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bến xe hàng để đón, trả khách;
h) Từ chối phục vụ đối với khách hàng không chấp hành nội quy bến xe;
i) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Sở Giao thông vận tải
a) Tiếp nhận văn bản công bố đưa bến xe hàng vào khai thác của đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng trên địa bàn địa phương;
b) Công bố thông tin về danh mục các bến xe hàng trên địa bàn địa phương trên Trang thông tin điện tử của Sở; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng trên địa bàn địa phương theo quy định.
Điều 40. Quy định về trình tự, thủ tục đưa bến xe hàng vào khai thác
1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng tổ chức kiểm tra, đánh giá, đối chiếu các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng với các hạng mục công trình tương ứng với từng loại bến xe hàng theo thực tế tại bến xe hàng của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này; công bố đưa bến xe hàng vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này và gửi văn bản công bố đến Sở Giao thông vận tải địa phương trước khi đưa vào khai thác.
2. Bến xe hàng sau khi nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình làm thay đổi các tiêu chí phân loại bến xe theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng hoặc thay đổi thông tin liên quan đến đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng thì phải thực hiện công bố lại. Việc công bố lại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin công bố.
Điều 41. Quy định về hoạt động của trạm dừng nghỉ
1. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ
a) Chỉ được đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác sau khi đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ thực hiện các quy định tại Điều 42 Thông tư này;
b) Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ tại trạm dừng nghỉ;
c) Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại trạm dừng nghỉ;
d) Cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người có nhu cầu sử dụng theo quy định;
đ) Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của trạm dừng nghỉ;
e) Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại trạm dừng nghỉ theo quy định; niêm yết nội quy của trạm dừng nghỉ;
g) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
h) Thực hiện báo cáo định kỳ vào ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất tình hình hoạt động của trạm dừng nghỉ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và Sở Giao thông vận tải nơi có trạm dừng nghỉ.
2. Trách nhiệm của người sử dụng trạm dừng nghỉ
a) Giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trong khu vực trạm dừng nghỉ;
b) Chấp hành nội quy, quy định và hướng dẫn của nhân viên tại trạm dừng nghỉ.
3. Sở Giao thông vận tải
a) Tiếp nhận văn bản công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác của đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ trên địa bàn địa phương;
b) Công bố thông tin về danh mục các trạm dừng nghỉ trên địa bàn địa phương trên Trang thông tin điện tử của Sở; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ trên địa bàn địa phương theo quy định.
Điều 42. Quy định về trình tự, thủ tục đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác
1. Đơn vị kinh doanh trạm dừng nghỉ tổ chức kiểm tra, đánh giá, đối chiếu các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ với các hạng mục công trình của trạm dừng nghỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này; công bố đưa Trạm dừng nghỉ vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này và gửi văn bản công bố đến Sở Giao thông vận tải địa phương.
2. Trạm dừng nghỉ sau khi nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình có ảnh hưởng đến các yếu tố kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ thì phải thực hiện công bố lại. Việc công bố lại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này để tiếp tục duy trì hoạt động.
3. Đơn vị kinh doanh trạm dừng nghỉ: thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin công bố.
Điều 43. Quy định về hoạt động của bãi đỗ xe, điểm dừng xe
1. Yêu cầu đối với bãi đỗ xe
a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;
b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.
2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe
a) Dịch vụ trông giữ phương tiện;
b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện;
c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe
a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;
b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
e) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;
g) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.
4. Trách nhiệm, quyền hạn của chủ phương tiện hoặc người lái xe tại bãi đỗ xe
a) Chấp hành nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên điều hành bãi đỗ xe;
b) Sử dụng các dịch vụ tại bãi đỗ xe;
c) Có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của bãi đỗ xe.
5. Quy định về điểm dừng xe
a) Việc tổ chức điểm dừng xe trên đường bộ phải phù hợp với quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và được bố trí tại các vị trí thuận tiện cho người lên, xuống xe;
b) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe tại điểm dừng xe phải chấp hành đúng quy định tại Điều 18 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 44. Cục Đường bộ Việt Nam
1. Quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong phạm vi cả nước.
2. Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 37, điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 46 của Thông tư này.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tổ chức triển khai áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
4. Xây dựng quy trình điện tử của dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục cấp, cấp đổi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu, thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải khách cố định để áp dụng trong toàn quốc.
5. Rà soát và thực hiện cắm biển hạn chế tốc độ đối với xe khách có giường nằm hai tầng tại các vị trí cần thiết, đặc biệt là khu vực có địa hình đèo, dốc, tại các vị trí có bán kính đường cong nhỏ trên các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về tổ chức quản lý vận tải.
7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi thực hiện Thông tư này.
Điều 45. Sở Giao thông vận tải
1. Quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn địa phương và theo thẩm quyền.
2. Báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn địa phương.
3. Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, khai thác sử dụng các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe do đơn vị kinh doanh vận tải (hoặc tổ chức được ủy quyền) cung cấp và từ cơ sở dữ liệu của Cục Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của địa phương. Tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định.
5. Khai thác, sử dụng dữ liệu trên phần mềm quản lý bến xe khách của các bến xe để phục vụ công tác quản lý bến xe, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn và người lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương.
6. Quản lý hoạt động vận tải hành khách đối với xe khách có giường nằm hai tầng
a) Kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị có sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng;
b) Rà soát và thực hiện cắm biển hạn chế tốc độ đối với xe khách có giường nằm hai tầng tại các vị trí cần thiết, đặc biệt là khu vực có địa hình đèo, dốc, tại các vị trí có bán kính đường cong nhỏ trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
7. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ trên địa bàn địa phương.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 46. Quy định về chế độ báo cáo
1. Báo cáo tình hình hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải; Báo cáo kết quả hoạt động của bến xe
a) Tên báo cáo: báo cáo kết quả hoạt động vận tải, bến xe;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: kết quả hoạt động của đơn vị vận tải, bến xe;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo: đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Sở Giao thông vận tải;
đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ hàng tháng;
g) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 20 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo;
h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo;
i) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XIV, Phụ lục XV và Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Báo cáo tình hình hoạt động vận tải đường bộ của địa phương
a) Tên báo cáo: báo cáo tình hình hoạt động vận tải;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: kết quả hoạt động vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa; hoạt động của các bến xe trên địa bàn;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đường bộ Việt Nam;
đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ hàng năm;
g) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 20 tháng 12 hàng năm;
h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến ngày 30 tháng 11 năm báo cáo;
i) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XVII Thông tư này.
3. Báo cáo tình hình hoạt động vận tải đường bộ trên phạm vi toàn quốc như sau:
a) Tên báo cáo: báo cáo tình hình hoạt động vận tải;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: kết quả hoạt động vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa; hoạt động của các bến xe trên địa bàn;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Cục Đường bộ Việt Nam;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Giao thông vận tải;
đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ hằng năm;
g) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 15 tháng 02 năm tiếp theo của kỳ báo cáo;
h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến ngày 30 tháng 11 năm báo cáo;
i) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
2. Bãi bỏ các Thông tư:
a) Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
b) Điều 8 Thông tư số 36/2020/TT-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực vận tải đường bộ;
c) Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 2 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
d) Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
đ) Điều 17 Thông tư số 05/2023/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái;
e) Thông tư số 18/2024/TT-BGTVT ngày 31 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Đơn vị vận tải: ……………………………
Biển kiểm soát: Số máy: Số khung: Chủ sở hữu:
Nhãn hiệu: Nước sản xuất: Năm sản xuất: Trọng tải:
Cải tạo: Nguyên chiếc:
Thuộc sở hữu (hoặc quản lý, sử dụng) từ ngày: / /
BẢNG THEO DÕI QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA
Năm…………
TT |
Nội dung |
Tháng |
Tổng cộng |
T/g BDSC, cải tạo thực tế |
Địa điểm BDSC, cải tạo |
|||||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
|||||
1 |
Km xe chạy trong tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Km xe chạy lũy kế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Số chuyến trong tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Số chuyến xe lũy kế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
Bảo dưỡng - …… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
4 |
Sửa chữa - Hệ thống phanh - Sơn lại xe - vv ……… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
5 |
Cải tạo - Thay đổi công năng - Thùng xe - vv ………. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Hướng dẫn: Ngoài các nội dung nêu trên, đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung các nội dung khác để phục vụ công tác quản lý điều hành của đơn vị
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
LÝ LỊCH LÁI XE KINH DOANH VẬN TẢI
Trang 1:
(Tên đơn vị vận tải)
LÝ LỊCH HÀNH NGHỀ LÁI XE
Họ và tên:
………………………………………………………………………………..
Ngày sinh: ……………………………………………………………………………….
Số Giấy phép lái xe …………………………… cơ quan cấp: ………………………
Địa chỉ thường trú: ……………………………………………………………………..
Các trang tiếp theo (mỗi nội dung có thể bố trí 1 trang hoặc nhiều trang)
QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC
Thời gian |
Hạng GPLX |
Điều khiển xe |
Hình thức hợp đồng lao động |
|
Loại xe |
Sức chứa (trọng tải) |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THEO DÕI SỨC KHỎE
Thời gian kiểm tra sức khỏe |
Tên cơ sở y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe |
Kết quả kiểm tra sức khỏe |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THEO DÕI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ATGT
Thời gian |
Lỗi vi phạm |
Hình thức xử lý |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THEO DÕI TAI NẠN GIAO THÔNG
Thời gian |
Địa điểm |
Thiệt hại về người, phương tiện |
Nguyên nhân |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Khen thưởng: …………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………
Kỷ luật: …………………………………………..……………………………………
…………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………..……..
THEO DÕI ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN
Chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ |
Thời gian tổ chức |
Đơn vị tổ chức |
Thời hạn Giấy chứng nhận tập huấn |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Hướng dẫn: Ngoài các nội dung nêu trên, đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung các nội dung khác để phục vụ công tác quản lý điều hành của đơn vị.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
MẪU THÔNG TIN NIÊM YẾT GIÁ VÉ (GIÁ CƯỚC)
1. Mẫu Bảng niêm yết giá vé (giá cước) đối với tuyến cố định:
GIÁ VÉ Tên tuyến: ………………………………………… Bến đi…………………………., Bến đến: ………………… |
Giá vé 1 lượt: ………………đồng/ HK |
Giá vé chặng (nếu có): từ....đến....: đồng/HK. |
Giá vé đã bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách. |
2. Mẫu Bảng niêm yết giá vé (giá cước) đối với xe buýt:
GIÁ VÉ Số hiệu tuyến:…………………………………………. |
Giá vé 1 lượt: ………………đồng/ HK |
Giá vé tháng (nếu có): ………………đồng/ HK |
Ghi chú: giá vé trên bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách. |
3. Mẫu Bảng niêm yết giá cước xe taxi:
Giá cước - Taxi Fare (Giá cước đã bao gồm thuế GTGT) |
|
………………..(đồng)/… |
(Đơn vị tính) |
………………..(đồng)/… |
(Đơn vị tính) |
………………..(đồng)/…giờ chờ đợi (nếu có). |
|
Ghi chú: giá cước trên bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách. |
Hướng dẫn:
- Bảng niêm yết giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi ở mặt ngoài cánh cửa xe có diện tích tối thiểu là 400 cm2.
- Bảng niêm yết giá vé vận tải hành khách bằng xe tuyến cố định và xe buýt ở mặt ngoài thành xe có kích thước tối thiểu là 250 cm2.
- Ngoài những thông tin nêu trên, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải được bổ sung các thông tin khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị./.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TÊN ĐƠN VỊ: …………….. Điện thoại: ………………… Số: …………………………. |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
Dùng cho xe ô tô vận chuyển hành khách .... tuyến cố định (hoặc xe buýt) ……
Có giá trị từ ngày ……………….. đến ngày ……………………….
Cấp cho Lái xe 1: …………………………….hạng GPLX:…………… Lái xe 2: ……………………………………….hạng GPLX:……………. Nhân viên phục vụ trên xe: ……………………………………………….. Biển số đăng ký: ………… Số ghế (giường nằm): ……. Loại xe: …….. Bến đi, bến đến: ……………………. Mã số tuyến: …………………….. Hành trình tuyến: …………… (áp dụng đối với tuyến cố định)………….. |
Thủ trưởng đơn vị |
|||
Lượt xe thực hiện |
Bến xe đi, đến |
Giờ xe chạy |
Số khách |
Bến xe |
Lượt đi |
Bến xe đi: ………….. |
xuất bến ……… giờ ngày………. |
|
|
Bến xe nơi đến: ……. |
đến bến ……… giờ ngày………. |
|
|
|
Lượt về |
Bến xe đi: …………… |
xuất bến ……… giờ ngày………. |
|
|
Bến xe nơi đến: ……. |
đến bến ……… giờ ngày………. |
|
|
|
LÁI XE 1 |
LÁI XE 2 |
NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE |
* Hướng dẫn:
- Bến xe ghi vào ô ngày giờ đi đến, đóng dấu.
- Trên một tờ Lệnh vận chuyển chỉ được phép bố trí tối đa 4 lượt đi và 4 lượt về. Riêng Lệnh vận chuyển dành cho xe buýt bỏ nội dung “số khách” và “Bến xe (Ký tên và đóng dấu)”.
- Ngoài các nội dung nêu trên, đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung các nội dung khác để phục vụ công tác quản lý điều hành của đơn vị.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Đơn
vị kinh doanh: |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
(Kèm theo Hợp đồng vận chuyển số …/……….. ngày ….. tháng … năm ……….)
STT |
Họ tên hành khách |
Năm sinh |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
……. |
|
|
|
|
Tổng số: ………người |
|
|
Đơn
vị kinh doanh vận tải |
Đại
diện tổ chức, cá nhân bên thuê vận tải |
* Hướng dẫn: Trường hợp có nhiều trang, đơn vị kinh doanh đóng dấu treo vào tất cả các trang của danh sách.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
NIÊM YẾT THÔNG TIN TRÊN XE Ô TÔ TẢI, Ô TÔ ĐẦU KÉO, RƠ MOÓC, SƠ MI RƠ MOÓC
I. Xe ô tô tải
a) Vị trí: Trên cánh cửa xe
b) Nội dung:
(khung bao ngoài có thể bố trí dạng hình chữ nhật, hình tròn hoặc bán nguyệt)
II. Xe ô tô đầu kéo
a) Vị trí: Trên cánh cửa xe b) Nội dung:
(khung bao ngoài có thể bố trí dạng hình chữ nhật, hình tròn hoặc bán nguyệt)
(1): Khối lượng toàn bộ của sơ mi rơ moóc phân bố lên cơ cấu kéo (mâm xoay).
III. RƠ MOÓC, SƠ MI RƠ MOÓC
a) Vị trí:
- Trường hợp rơ moóc và sơ mi rơ moóc có thành thùng chở hàng: Mặt ngoài hai bên thành thùng
- Trường hợp rơ moóc và sơ mi rơ moóc không có thành thùng chở hàng: Niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau.
b) Nội dung, hình thức:
- Kích thước:
Chiều dài: Ddài = 400 mm ± 50 mm
Chiều rộng: Crộng = 300 mm ± 50 mm
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
...........
(2).......... |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:......../....... |
........., ngày.... tháng..... năm...... |
CÔNG BỐ ĐƯA BẾN XE KHÁCH VÀO KHAI THÁC
Kính gửi:......................... (1).................................
1. Đơn vị khai thác bến xe khách: (2):...................................................................
2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có):..........................................................................
3. Trụ sở:................................................................................................................
4. Số điện thoại (Fax):............................................................................................
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số.............. do................... cấp ngày... tháng... năm.....
Đề nghị kiểm tra để đưa bến xe khách........... (3) ......................
Cụ thể như sau:
- Tên: (3).................................................................................................................
- Địa chỉ: (4)............................................................................................................
- Tổng diện tích đất: (5)..........................................................................................
Sau khi xem xét và đối chiếu với các quy định tại QCVN ………./BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách chúng tôi đề nghị....(1)..... công bố Bến xe khách..... (3)..... đạt quy chuẩn Bến xe loại:..... (6)..... và được đưa vào khai thác..... (2).... cam kết những nội dung trên là đúng thực tế.
|
Đại
diện đơn vị |
* Hướng dẫn ghi:
1) Gửi Sở Giao thông vận tải địa phương có bến xe khách.
(2) Ghi tên đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách.
(3) Ghi tên bến xe khách.
(4) Ghi tên vị trí, lý trình, địa chỉ của bến xe khách.
(5) Ghi diện tích đất hợp pháp được sử dụng để xây dựng bến xe khách.
(6) Ghi loại bến xe khách đề nghị công bố.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
.........(2)........ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../....... |
......, ngày.... tháng.... năm..... |
BẢN ĐỐI CHIẾU CÁC QUY ĐỊNH KỸ THUẬT THEO QUY CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH CỦA BẾN XE KHÁCH
Kính gửi:................................(1).................................
1. Đơn vị khai thác bến xe khách: (2):....................................................................
2. Trụ sở:................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):............................................................................................
Kết quả đối chiếu các quy định kỹ thuật theo quy chuẩn đối với các công trình của bến xe khách............(3)............ như sau:
TT |
Tiêu chí phân loại |
Đơn vị tính |
Quy định kỹ thuật của Bến xe khách loại ....(4).... |
Theo thực tế |
1 |
Tổng diện tích (tối thiểu) |
m2 |
|
|
2 |
Diện tích bãi đỗ xe ôtô chờ vào vị trí đón khách (tối thiểu) |
m2 |
|
|
3 |
Diện tích bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác (tối thiểu) |
m2 |
|
|
4 |
Diện tích tối thiểu phòng chờ cho hành khách (có thể phân thành nhiều khu vực trong bến) |
m2 |
|
|
5 |
Số vị trí đón, trả khách (tối thiểu) |
vị trí |
|
|
6 |
Số chỗ ngồi tối thiểu khu vực phòng chờ cho hành khách (tối thiểu) |
chỗ |
|
|
7 |
Hệ thống điều hòa, quạt điện khu vực phòng chờ cho hành khách (tối thiểu) |
|
|
|
8 |
Diện tích khu vực làm việc của bộ máy quản lý |
|
|
|
9 |
Diện tích văn phòng dành cho Y tế |
|
|
|
10 |
Diện tích khu vệ sinh |
|
|
|
11 |
Diện tích dành cho cây xanh, thảm cỏ |
|
|
|
12 |
Đường xe ra, vào bến |
|
|
|
13 |
Đường dẫn từ phòng chờ cho hành khách đến các vị trí đón, trả khách |
|
|
|
14 |
Kết cấu mặt đường ra, vào bến xe và sân bến |
|
|
|
15 |
Hệ thống cung cấp thông tin |
|
|
|
16 |
Hệ thống kiểm soát xe ra vào bến |
|
|
|
Các tiêu chí phân loại tại bảng trên áp dụng phù hợp theo quy định đối với bến xe khách được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.
....(2).... cam kết những nội dung trên là đúng thực tế.
|
Đại
diện đơn vị |
* Hướng dẫn ghi:
(1) Gửi Sở Giao thông vận tải địa phương có bến xe khách.
(2) Ghi tên đơn vị khai thác bến xe khách.
(3) Ghi tên bến xe.
(4) Ghi loại bến xe đề nghị công bố.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
.........(2)........ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../....... |
......, ngày.... tháng.... năm..... |
BẢN ĐỐI CHIẾU CÁC QUY ĐỊNH KỸ THUẬT THEO QUY CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH CỦA BẾN XE HÀNG
Kính gửi:................................(1).................................
1. Đơn vị khai thác bến xe hàng: (2):....................................................................
2. Trụ sở:................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):............................................................................................
Kết quả đối chiếu các quy định kỹ thuật theo quy chuẩn đối với các công trình tương ứng với từng loại bến xe hàng ............(3)............ như sau:
TT |
Tiêu chí phân loại |
Đơn vị tính |
Quy định kỹ thuật của Bến xe hàng loại ....(4).... |
Theo thực tế |
1 |
Tổng diện tích (tối thiểu) |
m2 |
|
|
2 |
Trang thiết bị bốc, xếp bằng cơ giới |
|
|
|
3 |
Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ (tối thiểu) |
Chỗ |
|
|
4 |
Diện tích khu vệ sinh |
m2 |
|
|
5 |
Diện tích dành cho cây xanh, thảm cỏ |
m2 |
|
|
6 |
Đường xe ra, vào bến |
|
|
|
7 |
Mặt sân bến |
|
|
|
8 |
Hệ thống cung cấp thông tin |
|
|
|
9 |
Hệ thống thoát nước |
|
|
|
10 |
Hệ thống phòng cháy và chữa cháy |
|
|
|
Các tiêu chí phân loại tại bảng trên áp dụng phù hợp theo quy định đối với bến xe hàng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng.
....(2).... cam kết những nội dung trên là đúng thực tế.
|
Đại
diện đơn vị |
* Hướng dẫn ghi:
(1) Gửi Sở Giao thông vận tải địa phương có bến xe hàng (gửi kèm theo quyết định công bố; sau khi công bố).
(2) Ghi tên đơn vị khai thác bến xe hàng.
(3) Ghi tên bến xe.
(4) Ghi loại bến xe công bố.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
......
(2) ....... |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:......../QĐ-.... |
........., ngày..... tháng.... năm..... |
Về việc công bố đưa bến xe khách/bến xe hàng vào khai thác
(2)
Căn cứ Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác;
Căn cứ QCVN ……./BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách/bến xe hàng do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày …. tháng …. năm 20….;
Căn cứ Quyết định số.......... của........ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của.........(2)....
Căn cứ Biên bản kiểm tra của...................(2).............. ngày............/........./...........
Xét đề nghị của......................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Công bố đưa Bến xe khách/bến xe hàng...... (1).... vào khai thác với các nội dung sau:
- Bến xe khách/bến xe hàng: (1) ...................................................... Mã số:.....................
- Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe trực tiếp quản lý, khai thác:.......................................
- Vị trí (3).................................... Điện thoại:........................ Fax:..........................
- Tổng diện tích đất:................(4)...........................................................................
Trong đó:
- Diện tích bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách/xếp hàng hóa:......................................
- Diện tích bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác:..................................................
- Diện tích phòng chờ cho hành khách (áp dụng cho bến xe khách):.................................
............(1)..................... đạt quy chuẩn Bến xe khách/bến xe hàng loại:............................
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày..... tháng.... năm..... đến ngày..... tháng...... năm..................
Điều 3. Các ông (bà).................., Trưởng phòng..................; Thủ trưởng...(1).... và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
Thủ
trưởng...(2).... |
* Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi tên bến xe khách/bến xe hàng.
(2) Ghi tên cơ quan ban hành quyết định công bố.
(3) Ghi tên vị trí, lý trình, địa chỉ của bến xe khách/bến xe hàng.
(4) Ghi diện tích đất hợp pháp được sử dụng để xây dựng bến xe khách/bến xe hàng.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
......(2)....... |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:......../....... |
........., ngày... tháng.... năm.... |
Kính gửi:....................... (1) ...............................
1. Đơn vị khai thác bến xe khách:...................... (2): .............................................
2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có):..........................................................................
3. Trụ sở:................................................................................................................
4. Số điện thoại (Fax):............................................................................................
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số.................... do............... cấp ngày... tháng...năm.....
Đơn vị hiện đang quản lý, khai thác...(3)...... Theo Quyết định công bố đưa Bến xe khách vào khai thác số.... ngày.... tháng... năm... của....(1)..... Thời gian được phép khai thác đến ngày... tháng.... năm.....
Sau khi xem xét các quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác; QCVN …../BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Bến xe khách, chúng tôi đề nghị.... (1)..... tiếp tục công bố đưa Bến xe khách.... (3).... đạt loại:......... (4):............. vào khai thác...(2).... cam kết những nội dung trên là đúng thực tế.
|
Đại
diện đơn vị |
* Hướng dẫn ghi:
(1) Gửi Sở Giao thông vận tải địa phương có bến xe khách.
(2) Ghi tên đơn vị khai thác bến xe khách.
(3) Ghi tên bến xe khách.
(4) Ghi loại bến xe khách đề nghị công bố.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
……
(2) ……. |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……../BBĐC |
………, ngày tháng năm |
THEO QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TRẠM DỪNG NGHỈ
(Kèm theo Văn bản số:……/CBTDN ngày …..tháng…..năm …….của ……(2)……)
- Tên trạm dừng nghỉ: …………………………………………….. ………………………..
- Đơn vị kinh doanh trạm dừng nghỉ ……………………………………………………
- Mã số thuế: ……………………………………………………………………………
- Địa chỉ:……………………………… Điện thoại: ………………………………….
Kết quả tự kiểm tra, đánh giá, đối chiếu các quy định kỹ thuật của quy chuẩn với các hạng mục công trình của trạm dừng nghỉ …..….. như sau:
TT |
Tiêu chí phân loại |
Đơn vị tính |
Yêu cầu kỹ thuật của trạm dừng nghỉ loại…. |
Số liệu thực tế |
1 |
Tổng diện tích mặt bằng trạm dừng nghỉ |
m2 |
|
|
2 |
Khu vực đỗ xe |
m2 |
|
|
3 |
Số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. |
|
|
|
4 |
Đường xe ra, vào |
|
|
|
5 |
Khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoặc khu vực rửa xe |
|
|
|
6 |
Trạm cấp nhiên liệu |
|
|
|
7 |
Kết cấu mặt sân khu vực đỗ xe |
|
|
|
8 |
Khu vệ sinh |
|
|
|
9 |
Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe (diện tích tối thiểu) |
m2 |
|
|
10 |
Không gian nghỉ ngơi (Khu vực có mái che và khu vực trồng cây xanh có ghế ngồi |
|
|
|
11 |
Nơi cung cấp thông tin |
|
|
|
12 |
Khu vực ăn uống, giải khát |
|
|
|
13 |
Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa |
|
|
|
14 |
Phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông |
|
|
|
Đơn vị xin cam kết những nội dung trên là đúng thực tế và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin nêu trên.
|
Đại
diện đơn vị |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
……
(2) ……. |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……../CBTDN |
………, ngày tháng năm |
CÔNG BỐ ĐƯA TRẠM DỪNG NGHỈ VÀO KHAI THÁC
Kính gửi: ……………. (1) ……………………………
Căn cứ Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác; QCVN ……./BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ, ……(tên đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ)… đã thực hiện đánh giá (có phụ lục kèm theo) và công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác như sau:
1. Công bố đưa trạm dừng nghỉ ………….. (2)....vào khai thác với các nội dung sau:
- Tên trạm dừng nghỉ: (2) …………………………………………….. ………………………
- Đơn vị kinh doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ: ………………………………………………..
- Mã số thuế: ……………………………………………………………………………
- Địa chỉ: (3) ……………………………… Điện thoại: ………………………………….
- Giấy chứng nhận kinh doanh số: ………………………ngày cấp……………………
- Tổng diện tích:...(4) …………………………………………………………………
Trong đó:
+ Diện tích bãi đỗ xe: ……………………………………………………
+ Số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện: ………………………
+ Đường xe ra, vào: ……………………
+ Khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoặc khu vực rửa xe: …………
+ Trạm cấp nhiên liệu: …………………………………………
+ Nơi cung cấp thông tin: …………………………………………
+ Khu vực ăn uống, giải khát: …………………………………………
+ Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa: …………………………………………
+ Phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông: …………………………………………
……… (2) ………………… đạt quy chuẩn trạm dừng nghỉ loại: …(5)……………
2. Cam kết về quyền sử dụng đất:
Đơn vị xin cam kết toàn bộ diện tích trạm dừng nghỉ thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng của đơn vị do ………(tên cơ quan cấp)……. cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số ................. (hoặc hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất). Đơn vị xin chịu trách nhiệm về quyền sử dụng đất cũng như mục đích sử dụng khu đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
3. Cam kết phòng cháy chữa cháy:
Đơn vị đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại văn bản số................ ngày……..của …………(tên có quan cấp giấy chứng nhận)…….
Đơn vị xin cam đoan các nội dung trên là đúng; đồng thời cam kết thực hiện, duy trì các hạng mục công trình phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng dịch vụ cung cấp và kết quả tự đánh giá.
|
Đại
diện đơn vị |
* Hướng dẫn ghi:
(1) Gửi Sở Giao thông vận tải địa phương có trạm dừng nghỉ.
(2) Ghi tên trạm dừng nghỉ
(3) Ghi tên vị trí, lý trình, địa chỉ của trạm dừng nghỉ
(4) Ghi diện tích đất hợp pháp được sử dụng hoặc hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất để xây dựng trạm dừng nghỉ
(5) Ghi loại trạm dừng nghỉ công bố đưa vào khai thác.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Tên
Đơn vị kinh doanh vận tải: |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………., ngày ... tháng ... năm ...... |
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải ……………
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác, …… (tên đơn vị vận tải) …… báo cáo kết quả hoạt động vận tải của đơn vị trong tháng ….. năm ……… như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định:
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Số tuyến tham gia khai thác |
tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
2 |
Số lượng phương tiện |
Xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
3 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
2. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt:
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Số tuyến tham gia khai thác |
tuyến |
|
|
- Số tuyến có trợ giá |
-nt- |
|
2 |
Số lượng phương tiện |
Xe |
|
3 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
4 |
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Sản lượng khách vận chuyển |
lượt khách |
|
6 |
Trợ giá (nếu có) |
1000đ |
|
3. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi:
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Số lượng phương tiện |
Xe |
|
2 |
Lượt xe thực hiện |
lượt |
|
3 |
Sản lượng khách vận chuyển |
lượt khách |
|
4. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng:
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Số lượng phương tiện |
xe |
|
|
- Sức chứa dưới 9 chỗ |
-nt- |
|
- Sức chứa từ 9 - 25 chỗ |
-nt- |
|
|
- Sức chứa từ trên 25 chỗ |
-nt- |
|
|
2 |
Số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
3 |
Sản lượng khách vận chuyển |
Lượt khách |
|
5. Thuận lợi, khó khăn: ………..
6. Đề xuất, kiến nghị: …………..
|
Đại
diện đơn vị kinh doanh vận tải |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Tên
đơn vị kinh doanh |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải …………….
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác, ………… (tên đơn vị vận tải)....báo cáo kết quả hoạt động vận tải của đơn vị trong tháng năm như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hàng hóa
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Số lượng phương tiện |
xe |
|
|
- Xe công-ten-nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
2 |
Sản lượng hàng hóa vận chuyển |
tấn |
|
|
- Xe công-ten-nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
3 |
Sản lượng luân chuyển hàng hóa |
tấn.km |
|
|
- Xe công-ten-nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
2. Thuận lợi, khó khăn: ……………………………
3. Đề xuất, kiến nghị: ………………………………
|
Đại
diện đơn vị kinh doanh |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Tên
đơn vị Bến xe …….. |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải …………..
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác, ……… (tên đơn vị bến xe)....báo cáo kết quả hoạt động vận tải của đơn vị trong tháng ….. năm …… như sau:
1. Kết quả hoạt động của bến xe khách
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số đơn vị đăng ký khai thác tại bến |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số tuyến xe xuất phát tại bến |
Tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
Tuyến |
|
3 |
Số lượng phương tiện |
xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
-nt- |
|
4 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Tổng số chuyến xe buýt |
Chuyến |
|
6 |
Tổng số chuyến xe không thực hiện |
Chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
7 |
Tổng hành khách vận chuyển thông qua bến |
HK |
|
8 |
Công suất bến xe (công suất thực tế/công suất đã công bố) |
|
|
2. Kết quả hoạt động của bến xe hàng
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số đơn vị đăng ký hoạt động tại bến |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số lượt phương tiện ra, vào bến |
Lượt xe |
|
3 |
Tổng khối lượng hàng hoá thông qua tại bến |
1000 tấn |
|
3. Thuận lợi, khó khăn: ………………….
4. Đề xuất, kiến nghị: ……………………
|
Đại
diện đơn vị bến xe |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
SỞ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………/……… |
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NĂM ………..
Kính gửi: Cục đường bộ Việt Nam
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác, …….. (Sở GTVT làm báo cáo).... báo cáo kết quả hoạt động vận tải trên địa bàn địa phương trong năm ……… như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách
a) Vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng số đơn vị vận tải trên địa bàn |
Đơn vị |
|
|
- Doanh nghiệp |
-nt- |
|
|
- Hợp tác xã |
-nt- |
|
2 |
Tổng số tuyến |
tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
3 |
Tổng số phương tiện |
xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
4 |
Tổng chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
* Ghi chú: Chỉ tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, HTX có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh tại địa phương.
b) Vận chuyển hành khách theo hợp đồng
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Ghi chú |
1 |
Tổng số đơn vị tham gia |
đơn vị |
|
|
- Doanh nghiệp |
-nt- |
|
|
- Hợp tác xã |
-nt- |
|
|
- Hộ kinh doanh |
-nt- |
|
2 |
Tổng số phương tiện |
xe |
|
|
- Sức chứa dưới 9 chỗ |
-nt- |
|
|
- Sức chứa từ 9 - 25 chỗ |
-nt- |
|
|
- Sức chứa từ trên 25 chỗ |
-nt- |
|
3 |
Số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
4 |
Sản lượng khách vận chuyển |
lượt khách |
|
c) Vận chuyển hành khách bằng xe buýt
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng số tuyến |
tuyến |
|
|
- Số tuyến có trợ giá (nếu có) |
-nt- |
|
2 |
Tổng phương tiện |
xe |
|
3 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
4 |
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Tổng trợ giá (nếu có) |
Tr.đ |
|
2. Kết quả hoạt động vận tải hàng hóa
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng phương tiện |
xe |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
2 |
Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển |
Tấn |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
3 |
Tổng sản lượng luân chuyển hàng hóa |
tấn.km |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
3. Kết quả hoạt động của các bến xe trên địa bàn
a) Bến xe khách
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số bến xe khách |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số tuyến xe xuất phát tại các bến xe |
Tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
Tuyến |
|
3 |
Tổng số lượng phương tiện |
xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
-nt- |
|
4 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Tổng số chuyến xe buýt |
Chuyến |
|
6 |
Tổng số chuyến xe không thực hiện |
Chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
7 |
Tổng hành khách vận chuyển thông qua bến |
HK |
|
b) Bến xe hàng
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số bến xe hàng trên địa bàn |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số lượt phương tiện ra, vào các bến |
Lượt xe |
|
3 |
Tổng khối lượng hàng hoá thông qua tại các bến |
1000 tấn |
|
4. Thuận lợi, khó khăn: ………….
5. Đề xuất, kiến nghị: …………….Bổ sung
|
GIÁM
ĐỐC |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………/……… |
………., ngày ... tháng ... năm ..…... |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NĂM ………..
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động vận tải, hoạt động của các bến xe trên toàn quốc trong năm ……… như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách
a) Vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng số đơn vị vận tải trên địa bàn |
Đơn vị |
|
|
- Doanh nghiệp |
-nt- |
|
|
- Hợp tác xã |
-nt- |
|
2 |
Tổng số tuyến |
tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
3 |
Tổng số phương tiện |
xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
4 |
Tổng chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
* Ghi chú: Chỉ tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, HTX có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh tại địa phương.
b) Vận chuyển hành khách theo hợp đồng
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Ghi chú |
1 |
Tổng số đơn vị tham gia |
đơn vị |
|
|
- Doanh nghiệp |
-nt- |
|
|
- Hợp tác xã |
-nt- |
|
|
- Hộ kinh doanh |
-nt- |
|
2 |
Tổng số phương tiện |
xe |
|
|
- Sức chứa dưới 9 chỗ |
-nt- |
|
|
- Sức chứa từ 9 - 25 chỗ |
-nt- |
|
|
- Sức chứa từ trên 25 chỗ |
-nt- |
|
3 |
Số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
4 |
Sản lượng khách vận chuyển |
lượt khách |
|
c) Vận chuyển hành khách bằng xe buýt
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng số tuyến |
tuyến |
|
|
- Số tuyến có trợ giá (nếu có) |
-nt- |
|
2 |
Tổng phương tiện |
xe |
|
3 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
4 |
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Tổng trợ giá (nếu có) |
Tr.đ |
|
2. Kết quả hoạt động vận tải hàng hóa
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
1 |
Tổng phương tiện |
xe |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
2 |
Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển |
Tấn |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
3 |
Tổng sản lượng luân chuyển hàng hóa |
tấn.km |
|
|
- Xe Công ten nơ |
-nt- |
|
|
- Xe đầu kéo |
-nt- |
|
|
- Xe taxi tải |
-nt- |
|
|
- Xe tải khác |
-nt- |
|
3. Kết quả hoạt động của các bến xe trên địa bàn
a) Bến xe khách
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số bến xe khách |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số tuyến xe xuất phát tại các bến xe |
Tuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
Tuyến |
|
3 |
Tổng số lượng phương tiện |
xe |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến xe buýt |
-nt- |
|
4 |
Tổng số chuyến xe thực hiện |
chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
chuyến |
|
|
Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch |
% |
|
5 |
Tổng số chuyến xe buýt |
Chuyến |
|
6 |
Tổng số chuyến xe không thực hiện |
Chuyến |
|
|
- Tuyến nội tỉnh |
-nt- |
|
|
- Tuyến liên tỉnh |
-nt- |
|
7 |
Tổng hành khách vận chuyển thông qua bến |
HK |
|
b) Bến xe hàng
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Kết quả |
1 |
Tổng số bến xe hàng trên địa bàn |
Đơn vị |
|
2 |
Tổng số lượt phương tiện ra, vào các bến |
Lượt xe |
|
3 |
Tổng khối lượng hàng hoá thông qua tại các bến |
1000 tấn |
|
4. Thuận lợi, khó khăn: ………….
5. Đề xuất, kiến nghị: ……………..Bổ sung
- …….. |
CỤC
TRƯỞNG |
THE MINISTRY OF
TRANSPORT OF VIETNAM |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 36/2024/TT-BGTVT |
Hanoi, November 15, 2024 |
CIRCULAR
ON ARRANGEMENT, MANAGEMENT OF TRANSPORT SERVICES PROVIDED USING AUTOMOBILES AND OPERATION OF COACH STATIONS, PARKING LOTS, REST AREAS, STOPPING PLACES ON ROADS; PROCEDURES FOR INITIATING OPERATION OF COACH STATIONS AND REST AREAS
Pursuant to the Law on Road dated June 27, 2024;
Pursuant to the Law on Road Traffic Order and Safety dated June 27, 2024;
Pursuant to the Law on Promulgation of Legislative Document dated June 22, 2015; Law on amendment to the Law on Promulgation of Legislative Document dated June 18, 2020;
Pursuant to Decree No. 56/2022/ND-CP dated August 24, 2022 of the Government on functions, tasks, powers, and organizational structures of Ministry of Transport;
At request of Director of Transportation Department and Director of Department for Roads of Vietnam;
The Minister of Transport promulgates Circular on arrangement, management of transport services provided using automobiles and operation of coach stations, parking lots, rest areas, stopping places on roads; procedures for initiating operation of coach stations and rest areas.
...
...
...
GENERAL PROVISIONS
Article 1. Scope
This Circular prescribes arrangement, management of passenger transport services and goods transport services using automobiles and operation of coach stations, parking lots, rest areas, stopping places on roads; procedures for initiating operation of coach stations and rest areas.
Article 2. Regulated entities
This Circular applies to agencies, organizations, and individuals related to passenger transport services, goods transport services provided using automobiles, coach stations, parking lots, rest areas, and stopping places.
Article 3. Definitions
In this Circular, the terms below are construed as follows:
1. Passenger pick-up and drop-off point (including bus stop) means a stopping place on road for automobiles operating on predetermined route and buses to stop and pick up, drop off passengers along the way.
2. Assigning vehicle operator to provide transport service via software facilitating automobile transport connection (hereinafter referred to as “transport connection software”) means when an organization or individual, via the use of transport connection software, transmits information pertaining to transportation request to vehicle operator to perform transportation duty.
...
...
...
Chapter II
PASSENGER TRANSPORT SERVICES USING AUTOMOBILES
Section 1. GENERAL REQUIREMENTS
Article 4. Regulations for passenger transport service providers
1. Business conditions applicable to passenger transport service providers must be complied with and maintained during operation of passenger transport services.
2. Manage and use automobiles for passenger transport services
a) Develop and implement plans for vehicle technical maintenance and repair in a manner compliant with regulations of the law pertaining to technical maintenance and repair of motorized road vehicles;
b) Develop and update data on vehicle background and vehicle operation in vehicle background sheet with minimum information required in accordance with forms defined under Appendix I attached hereto.
3. Manage drivers in passenger transport services
...
...
...
b) Ensure that drivers comply with regulations on driving time under Article 64 of the Law on Road Traffic Order and Safety.
4. Directly coordinate affiliating vehicles and drivers to provide passenger transport services:
a) Via transport connection software;
b) Via transport order;
c) Via transport agreement.
5. Decide transport rate for transport services
6. Develop and adopt service quality standards
Fixed-route passenger transport service providers, public bus service providers, and taxi transport service providers are to develop and declare transport service quality standards.
7. Store relevant documents during management and coordination of transport services to enable inspection, examination of transport service and facilitate financial, accounting affairs.
...
...
...
Section 2. FIXED-ROUTE PASSENGER TRANSPORT SERVICES USING AUTOMOBILES
Article 5. Criteria for establishing route
1. Roads in the whole route are open for use.
2. Coach stations of origin and coach stations of destination are granted permission for operation by competent authorities.
3. Fixed route of passenger transport service is assigned route number
a) Route number of inter-provincial passenger transport is determined by code of provinces, cities of origin, destination; code of coach stations of origin, destination. Route number shall be arranged in the following order: province, city with a lower code precedes province, city with a higher code; coach station of province, city with a lower code precedes coach station of province, city with a higher code;
b) Route number of intra-provincial passenger transport is determined by code of provinces, cities; code of coach station of origin, destination. Route number shall be arranged in the following order: code of provinces, cities; coach station with a lower code; coach station with a higher code. Where a route has different variations, a letter from the Vietnamese alphabet shall be added to the end of the route number.
4. Trip interval and total capacity of route are determined
a) Trip interval at coach stations shall be determined on the basis of negotiation between Departments of Transport. Department of Transport of province, city where transport service providers register for operation shall negotiate with the other Department of Transport;
...
...
...
Article 6. Arrangement, management, criteria of passenger pick-up and drop-off points of fixed-route transport
1. Criteria of passenger pick-up, drop-off points
a) Passenger pick-up, drop-off points shall only be located at locations where traffic safety is respected and passenger can embark and disembark with ease;
b) Road signs indicating passenger pick-up, drop-off points of fixed-route transport shall conform to National Technical Regulations on road signals;
c) Minimum separation distance between 2 subsequent passenger pick-up, drop-off points or between a passenger pick-up, drop-off point and a rest area or coach stations of origin and destination shall be determined by Departments of Transport on the basis of practical situations and local traffic arrangement.
2. Arrangement and management of operation of passenger pick-up, drop-off points
a) Passenger pick-up, drop-off points shall only serve and allow automobiles providing fixed-route passenger transport services and buses to pick up, drop off passengers;
b) Each automobile providing fixed-route passenger transport services may stop at passenger pick-up, drop-off points for a maximum of 3 minutes;
c) Departments of Transport shall cooperate with local governments in arranging, managing, maintaining traffic safety, order, security, and environmental hygiene at passenger pick-up, drop-off points in their jurisdiction;
...
...
...
Article 7. Posting information
1. The following information shall be posted on website of Departments of Transport: list of declared route in their jurisdiction; list of route in operation; maximum number of vehicles permitted per route in a unit of time and total number of vehicles registered for operation; list of transport service providers operating on the route; diagram of vehicles operating on routes; hotline of Departments of Transport.
2. The following information shall be posted at coach stations: list of route, trip schedule of vehicles operating at the stations; list of transport service providers operating in each route; hotline of transport service providers and local Departments of Transport.
3. The following information shall be posted at ticket booths: name of transport service providers, name of route, ticket fare declared in accordance with Appendix III attached hereto, operating schedule of each trip, services available en-route, baggage allowance weight.
4. The following information shall be posted vehicles
a) Name of station of origin, station of destination with minimum lettering height of 6 cm on the front windshield;
b) Name and phone number of transport service providers at least 20 cm in length, 20 cm in width; fare declared in accordance with Appendix III attached hereto on vehicle body exterior;
c) License plate, fare declared in accordance with Appendix III attached hereto, route itineraries, services available on-board, baggage allowance weight, hotline of transport service providers and Departments of Transport that issue badge inside the vehicles.
5. Responsibility for posting information and providing information to be posted
...
...
...
b) Coach stations are responsible for posting at their establishments and ticket booths for routes that the stations are entrusted to provide tickets for in accordance with Clause 2 and Clause 3 of this Article;
c) Transport service providers are responsible for posting on vehicles and at ticket booths where tickets for their services are sold in accordance with Clause 3 and Clause 4 of this Article; providing relevant coach stations with information to enable implementation of Point b of this Clause.
Article 8. Regulations for automobiles engaged on fixed-route passenger transport services
1. Business conditions applicable to automobiles in fixed-route passenger transport services must be complied with and maintained during operation of fixed-route passenger transport services.
2. Publicly post information in accordance with Clause 4 Article 7 hereof.
3. Quantity, quality, and arrangement of seats, beds on-board shall adhere to vehicle design; seats shall be numbered in ascending order from left to right and from the front of the vehicle to the back of the vehicle.
4. Vehicles shall be outfitted with emergency evacuation devices; compliant with fire safety, fire prevention and firefighting requirements in respect of motorized vehicles in accordance with Decree No. 136/2020/ND-CP dated November 24, 2020 of the Government (amended by Decree No. 50/2024/ND-CP dated May 10, 2024 of the Government).
5. Placards regarding traffic safety and evacuation shall be placed behind seats or on the sides of beds. The placards shall contain: instructions on how to fasten seat belts (if any); instructions on how to arrange baggage; no smoking sign; instructions on how to use electrical system on board (if any); instructions on how to use fire extinguishers, glass breakers, and direction of egress in case of emergencies.
6. Each vehicle can be registered and operating on at most 2 passenger transport routes which may start/end at 4 different coach stations or 3 different coach stations (if routes are connected) and will be issued with 1 badge which specifies name of the 2 routes.
...
...
...
Article 9. Regulations on operation of transit vehicles for passenger transport
1. Operating conditions of automobiles engaged in passenger transit operations must be complied with and maintained.
2. Post name and phone number of transport service providers on body exterior or on doors. Minimum dimensions: 20 cm in length, 20 cm in width.
Article 10. Regulation on route management
1. Departments of Transport shall implement management of intra-provincial routes as per the law; Departments of Transport of provinces and cities that issue badge shall take charge and cooperate with Departments of Transport of origin/destination provinces and cities in implementing management and cooperate with Departments of Transport where issues pertaining to transport management arise along the routes in handling these issues.
2. Departments of Transport shall employ management software for automobile transport services of the Ministry of Transport to: develop, revise, add fixed intra-provincial passenger transport routes; negotiate with Departments of Transports of origin/destination provinces and cities in order to develop, revise, and add fixed inter-provincial passenger transport routes; send reports to the Department for Roads of Vietnam for consolidation and disclosure on an annual basis. Departments of Transport of provinces and central-affiliated cities shall declare list of network of fixed intra-provincial passenger transport routes; Department for Roads of Vietnam shall declare list of network of fixed inter-provincial passenger transport routes before April 30 each year.
3. Local Departments of Transport (for intra-provincial routes) and Departments of Transport of origin and destination provinces and cities shall publicize the following information of each route on their website: station of origin, station of destination, itineraries; total number of trips, departure time of each trip if service providers are determined, minimum interval between trips; capacity of origin and destination stations.
4. In case dangerous pandemic, natural disasters, or flood affects operation of fixed transport routes, Departments of Transport of origin and destination provinces and cities shall reduce number of trips or temporarily suspend operation of the routes entirely at request of transport service providers or in accordance with decision of competent authority; report adjustment results to Department for Roads of Vietnam.
Article 11. Addition, replacement of vehicles operating on fixed route
...
...
...
Transport service providers may replace vehicles operating on fixed routes or add more vehicles if such addition does not increase the number of trips. Vehicles added or replaced shall be issued badge that reads “XE TUYẾN CỐ DỊNH” (fixed-route vehicle) followed by name of respective routes and compliant with requirements for vehicle types registered for operation in the routes.
2. Irregular replacement
a) Transport service providers may employ a vehicle under their management which has been issued a badge that reads “XE TUYẾN CỐ DỊNH” (fixed-route vehicle) to replace another vehicle that is rendered inoperable due to technical issues or traffic accidents or other force majeure. Where replacement is not feasible, Departments of Transport shall decide and mobilize vehicles of other transport service providers operating on the same route to replace;
b) Vehicles fulfilling irregular replacement demands shall be required to obtain transport order from their transport service providers using form under Appendix IV attached hereto.
Article 12. Regulation on vehicle mobilization for passenger transport during peak season
1. Comply with and maintain regulation on mobilization of additional vehicles for passenger transport on fixed routes during peak seasons while providing fixed-route passenger transport services.
2. Vehicles operating on fixed routes, vehicles providing contractual passenger transport services, and buses shall be mobilized to increase passenger transport capacity during national holidays, new year, national high school exams, university, college entrance exams.
3. Departments of Transport shall take charge, cooperate with relevant entities in prepare plans for mobilizing vehicles for passenger transport during peak season (including list of mobilized vehicles, drivers) and arrange implementation. These plans must be promulgated at least 7 days before national holidays, new year, national high school exams, university, college entrance exams.
4. Transport service providers providing fixed-route transportation shall rely on travel demand, negotiate with coach stations in order to develop plans for mobilizing vehicles on routes where they are providing transport services on weekends (Fridays, Saturdays, and Sundays) where travel demand spikes (the plans must include number of additional trips and days on which these trips are implemented). Send plans for mobilizing vehicles for weekends to Departments of Transport of origin and destination provinces and cities before January 15 each year.
...
...
...
6. While vehicle mobilization is in effect, coach stations of origin shall record and inform coach stations of destination about time of departure, verify in transport order, and send notice pertaining to mobilized trip to enable coach stations of destination to schedule return trips. Coach stations of destination shall record, verify time of arrival in transport order; where transport service providers request to withhold return trips, coach stations of arrival shall only verify arrival at the stations in transport order.
Article 13. Regulations on transport order
1. Physical or electronic transport order shall be produced by transport service providers using form under Appendix IV attached hereto. While providing passenger transport services, drivers must carry physical transport order or devices that can access electronic transport order and present at request of the authority.
2. Transport service providers have the responsibility to manage, issue, and examine the use of transport order.
3. Coach stations have the responsibility to update transport order to which verification seal has been appended on station management software.
Article 14. Powers and responsibilities of transport service providers providing fixed-route passenger transport services
1. Adopt means to arrange and implement plans for operating passenger transport routes using automobiles according to registration.
2. Implement Article 4 and Article 5 hereof.
3. Monitor and manage the use of badge and transport order; complete and issue transport order to drivers in accordance with regulations on management of fixed-route passenger transport services.
...
...
...
5. Upon providing baggage shipping services on fixed routes where senders do not travel on the same vehicles (unaccompanied baggage shipping), request senders to provide adequate information on goods, full name, address, ID Card number, phone number of the senders and recipients; refuse to provide unaccompanied baggage shipping services in case of prohibited goods, combustible goods, live animals, raw/fresh food that does not comply with food safety, hygiene, epidemiology, disease prevention, and environmental hygiene laws. Compensation for baggage that has been damaged, lost, or reduced in quantity in the process of unaccompanied baggage shipping services shall conform to transport agreements or agreement between transport service providers and senders.
6. Develop internal regulations pertaining to uniform and name tags for drivers, on-board attendants (if any), driver identification cards; name tags must include photo, full name, presiding entity and may be incorporated with driver identification card.
7. Use electronic devices to publicly post information in accordance with Clause 2, Clause 3, and Clause 4 Article 7 hereof.
8. Do not employ vehicles carrying badge that reads “XE TRUNG CHUYỂN” (transit vehicle) for transport services.
9. Exercise other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions in the process of providing fixed-route passenger transport services.
Article 15. Powers and responsibilities of drivers and on-board attendants working on vehicles operating on fixed routes
1. Wear name tags and uniform in accordance with regulations of transport service providers; carry transport order for active trips.
2. Comply with transport order issued by transport service providers; maintain on board security and order; pick up an drop off passengers at stations of origin, destination, designated passenger pick-up and drop-off points; adhere to itineraries.
3. Do not exceed passenger limit; do not exceed gross weight limit under certificate of technical safety and environmental protection inspection for automobiles; evenly arrange, secure baggage and unaccompanied baggage in baggage compartment to prevent displacement during transport; do not carry prohibited goods, dangerous goods, combustible goods, live animals, raw/fresh food that does not comply with food safety, hygiene, epidemiology, disease prevention, and environmental hygiene laws. Upon providing unaccompanied baggage shipping services, request senders to provide adequate information on goods, full name, address, ID Card number, phone number of the senders and recipients.
...
...
...
5. Request coach stations to verify information on transport order before departure and before arrival.
6. Maintain vehicle hygiene.
7. Bring vehicles to coach stations at least 10 minutes before departure time in order to process relevant operations at the stations in accordance with traffic safety assurance procedures.
8. Exercise other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions in respect of drivers and on-board attendants in the process of providing fixed-route passenger transport services.
Article 16. Powers and responsibilities of passengers
1. Request transport service providers to provide services at a quality as declared and publicly posted.
2. Request on-board attendants to issue the correct ticket type; keep tickets on person throughout the trips and present at examination conducted by competent persons.
3. Receive ticket refund in accordance with Clause 4 Article 14 hereof.
4. File complaints regarding violations of regulations on transport management from transport service providers, drivers, on-board attendants and request damage compensation (if any).
...
...
...
6. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Section 3. PUBLIC BUS SERVICE
Article 17. Regulations for buses
1. Business conditions applicable to buses must be complied with and maintained throughout operation of public bus service.
2. Buses shall be outfitted with emergency evacuation devices; compliant with fire safety requirements in accordance with Clause 4 Article 8 hereof.
3. Publicly posted information
a) Vehicle exterior
Route number or route code, origin, destination of route on the front and rear windshield with minimum lettering height of 6 cm;
Route number or route code, phone number of transport service provider on both sides of vehicle body with 20 cm in length, 20 cm in width, ticket fare in accordance with Appendix III attached hereto;
...
...
...
c) Traffic safety and evacuation placards containing: instructions on how to fasten seat belts (if any); instructions on how to arrange baggage; no smoking sign; instructions on how to use electrical system on board (if any); instructions on how to use fire extinguishers, glass breakers, and direction of egress in case of emergencies on the inside of vehicles where passengers and see with ease.
Article 18. Origin, destination, intermediate stops, bus stop shelters, transport order
1. Origin, destination of bus routes shall
a) have sufficient area to allow buses to turn around and park in a manner respecting traffic safety in accordance with traffic arrangement solutions;
b) be outfitted with information panels which contain: name of routes; route number; itineraries; frequency; daily operating hours; phone number of route presiding agencies and respective transport service providers; responsibilities of passengers, drivers, on-board attendants (if any);
c) be outfitted with passenger waiting lounges.
2. Bus stop
a) Areas at which passenger pick up and drop off passengers shall be communicated via signs and road markings; signs shall contain route number or route code, route name (origin – destination), shortened itineraries on the other side of the signs;
b) Signs indicating bus stop shall conform to National Technical Regulation on road signals.
...
...
...
4. Bus shelters
a) Departments of Transport shall promulgate bus shelter design for adoption in their jurisdiction;
b) Information such as: route number, route name, itineraries, frequency, daily operating hours, hotline of transport service providers, and local Departments of Transport , map or layout of route shall be publicly posted at bus shelters.
5. Origin, destination, stops, and bus shelters shall be so designed to accommodate accessibility of people with disabilities.
6. Transport order
a) Physical or electronic transport order shall be produced by transport service providers using form under Appendix IV attached hereto.
While providing passenger transport services, drivers must carry physical transport order or devices that can access electronic transport order and present at request of the authority.
b) Transport service providers have the responsibility to manage, issue, and examine the use of transport order.
Article 19. Declaration of new public bus routes
...
...
...
2. Declaration of new bus route contains
a) Transport service provider(s) operating on the route;
b) Route number or route code; travel distance; itineraries (origin, destination, stops);
c) Operating schedule, operating hours of the route;
d) Label, seating capacity, characteristic paint color of vehicles operating on the route;
dd) Ticket fare.
3. Departments of Transport shall upload information under Clause 2 of this Article on their website at least 15 days prior to operation of bus transport services.
Article 20. Management of bus transport services
1. Departments of Transport shall arrange bidding or order placement for provision of public bus services using local government budget in accordance with regulations of the law on production and provision of public products and services.
...
...
...
3. Local Departments of Transport shall enter into contracts for route operation with transport service providers awarded with the contract or receiving the order. Such contracts must specify route operating plans, including: route name, route number, vehicle label, seating capacity, ticket fare, operating schedule, contract term.
4. Departments of Transport shall revise operating schedule and itineraries of intra-provincial bus routes, in part or in whole, in case of changes to traffic arrangement that warrant revision to itineraries, in case of natural disasters, in case of other force majeure, or at request of transport service providers operating on the route depending on practical demands and conditions from time to time; transport service providers shall amend route operating plans in accordance with revised operating schedule.
5. For bus routes on multiple provinces and cities, revision to operating schedules, itineraries, temporary suspension or closure of bus routes shall be implemented by Departments of Transport of provinces and cities where the routes go through and where headquarters or branch offices of relevant transport service providers are located after negotiating with the other Departments of Transport of origin or destination provinces and cities; inform Departments of Transport of provinces and cities where the routes go through.
6. Decision on revision to operating schedule shall be publicly posted on mass media at least 10 days prior to implementation.
Article 21. Temporary suspension, closure of bus routes; addition, replacement of buses operating on routes
1. Temporary suspension, closure of bus routes
a) Transport service providers shall send notice of temporary suspension of bus routes to Departments of Transport that issue license to provide transport services using automobiles at least 30 days before the date on which the temporary suspension is in effect.
Where temporary suspension warrants amendment to operating frequency or route closure, Departments of Transport that issue license to provide transport services using automobiles (or discussing with the other Departments of Transport of origin or destination provinces in case of inter-provincial bus routes) shall declare new operating frequency or route closure on the basis of request of transport service providers within 10 working days from the date on which Departments of Transport that issue license to provide transport services using automobiles are notified by transport service providers;
b) Departments of Transport have the responsibility to declare on mass media at most 15 working days from the date on which they are notified;
...
...
...
2. Addition and replacement of buses
a) Transport service providers may replace buses operating in routes or add more buses if such addition does not increase the number of trips. Vehicles added or replacing other vehicles shall be required to carry a badge that reads “XE BUÝT” (bus) and satisfy requirements pertaining to vehicles providing services on the routes under signed contracts;
b) Transport service providers may deploy any bus in their employment to which badge that reads “XE BUÝT” (bus) has been issued to replace another bus that has been rendered inoperable due to incidents or technical issues, or traffic accidents or other force majeure.
Article 2. Powers and responsibilities of public bus service providers
1. Arrange and adhere to operating schedules in service plans under signed contracts.
2. Exercise Article 4 hereof.
3. Develop internal regulations pertaining to uniform and name tags for drivers, on-board attendants, driver identification cards; name tags must include photo, full name, presiding entity and may be incorporated with driver identification card.
4. Use electronic devices to publicly post information in accordance with Clause 2, Clause 3, and Clause 4 Article 7 hereof.
5. Exercise other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions applicable to public bus service providers during operation.
...
...
...
1. Wear name tag and uniform in accordance with regulations of transport service providers.
2. Adhere to approved operating schedule and itineraries.
3. Provide passengers with information on itineraries and stops at their request; provide instructions and help passengers (especially people with disabilities, the elderly, pregnant women, and children) embark, disembark; behave in a civilized, polite manner.
4. Maintain vehicle hygiene.
5. Fulfill other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions applicable to drivers and on-board attendants during operation.
Article 24. Powers and responsibilities of bus passengers
1. Carry baggage the weight and dimensions of which do not exceed 10 kg and 30x40x60 cm respectively. Passengers boarding buses of which origin or destination is in vicinity of airports or inter-provincial bus routes may carry baggage the weight of which does not exceed 20 kg depending on vehicle design.
2. Comply with regulations while traveling and guidance of drivers, on-board attendants.
3. Request on-board attendants to issue the correct ticket type after returning change; keep tickets on person throughout the trips and present at examination conducted by competent persons.
...
...
...
5. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Section 4. TAXI SERVICES
Article 25. Regulations for taxis
1. Business conditions applicable to taxis during operation must be complied with and maintained.
2. The following information must be posted:
a) Name, phone number, logo of taxi service providers of at least 20 cm in length, 20 in width; declared taxi fare in accordance with Appendix III attached hereto on doors on both sides;
b) Taxi fare in kilometers (km), taxi fare for waiting for passengers, and other costs (if any) incurred by passengers and declared in accordance with Appendix III attached hereto inside the vehicles.
c) Where fare calculation software is used, taxi fare declared in accordance with Appendix III attached hereto must be displayed on passenger interface.
3. Requirements pertaining to fire safety, fire prevention and firefighting shall conform to Clause 4 of Article 8 hereof.
...
...
...
Article 26. Public passenger pick-up, drop-off points and taxi parking spaces
1. Public passenger pick-up and drop-off points for taxi services shall be so arranged to maintain traffic safety and indicated by signs and road markings in accordance with traffic arrangement laws.
2. Taxi parking spaces
a) Taxi parking spaces consist of 2 types: taxi parking spaces arranged and managed by taxi service providers; public taxi parking spaces arranged and managed by local authorities;
b) Taxi parking spaces shall be so designed to maintain order and safety, not cause traffic congestion, and satisfy requirements pertaining to fire hazards and environmental hygiene.
Article 27. Powers and responsibilities of taxi service providers
1. Exercise Article 4 hereof.
2. Develop internal regulations pertaining to uniform and name tags for drivers, driver identification cards; name tags must include photo, full name, presiding entity and may be incorporated with driver identification card.
3. Use electronic devices to publicly post information in accordance with Clause 2 Article 25 hereof.
...
...
...
Article 28. Powers and responsibilities of taxi drivers
1. Wear name tag and uniform in accordance with regulations of taxi service providers.
2. Collect fare upon finishing the trip in accordance with fare meters or software notification or agreement between passengers and taxi service providers.
3. Maintain vehicle hygiene.
4. Provide itinerary information at request of passengers; provide instructions and help passengers (especially people with disabilities, the elderly, pregnant women, and children) embark, disembark.
5. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Article 29. Powers and responsibilities of passengers
1. Request drivers to provide information on itineraries.
2. Pay fare in accordance with fare meters or software notification and receive e-invoices for the payment. Where fare is compliant with agreement between passengers and transport service providers, fare shall be calculated in accordance with fare schedule installed inside taxis or software of taxi transport service providers.
...
...
...
4. File complaints regarding violations of regulations on transport management from taxi service providers, drivers and request damage compensation (if any).
5. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Section 5. CONTRACTUAL PASSENGER TRANSPORT SERVICES USING AUTOMOBILES
Article 30. Regulations for automobiles engaged in contractual passenger transport services
1. Business conditions applicable to automobiles engaged in contractual passenger transport services must be complied with and maintained during operation.
2. Name and phone number of transport service providers must be publicly posted
a) Minimum dimensions: 20 cm in length, 20 cm in width;
b) On both sides of vehicle body on the front half of vehicle's length or on vehicle doors.
3. Quantity, quality, and arrangement of seats shall conform to vehicle design.
...
...
...
5. Placards regarding traffic safety and evacuation (in both Vietnamese and English) shall be placed behind seats or on the sides of beds. The placards shall contain: instructions on how to fasten seatbelts (if any); instructions on how to arrange baggage; no smoking sign; instructions on how to use electrical system on board (if any); instructions on how to use fire extinguishers, glass breakers, and direction of egress in case of emergencies.
Article 31. Powers and responsibilities of contractual passenger transport service providers
1. Exercise Article 4 hereof.
2. Comply with and maintain business conditions applicable to contractual passenger transport services during operation.
3. Develop internal regulations pertaining to uniform and name tags for drivers, on-board attendants (if any), driver identification cards; name tags must include photo, full name, presiding entity and may be incorporated with driver identification card.
4. Use electronic devices to publicly post information in accordance with Clause 2 Article 30 hereof.
5. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Article 32. Powers and responsibilities of drivers engaged in contractual passenger transport service providers
1. Provide passenger transportation in accordance with itinerary and schedule in accordance with signed transport service contracts. Wear name tag and uniform in accordance with regulations of taxi service providers.
...
...
...
3. Drivers employing transport connection software during passenger transport shall be outfitted with devices capable of accessing electronic transport service contracts and passenger manifest of which form is provided under Appendix V attached hereto.
4. Maintain vehicle hygiene.
5. Deny services provided for passengers who violate order, security, safety on board; deny services provided for prohibited goods, combustible goods, or live animals.
6. Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
Chapter III
GOODS TRANSPORT SERVICES USING AUTOMOBILES
Article 33. Regulations for automobiles engaged in goods transport services
1. Business conditions applicable to automobiles engaged in goods transport services must be complied with and maintained during operation.
2. Information shall be publicly posted in accordance with Appendix VI attached hereto.
...
...
...
a) For trucks and tractor units: on the outside of cabin doors;
b) For trailers and semi-trailers with cargo hold: on both sides of the outside of cargo hold;
c) For trailers and semi-trailers without cargo hold: information contained in metal panel attached to chassis at visible locations on the side or at the rear or posted in modular fashion in accordance with manufacturer’s design.
4. Dimensions of cargo hold of automobiles engaged in goods transport shall be required to be compliant with certificate of technical safety and environmental protection inspection of motorized road vehicles.
5. Automobiles shall be outfitted with emergency evacuation devices; compliant with fire safety requirements in accordance with Clause 4 Article 8 hereof.
Article 34. Regulations on transport slips
1. Transport slips shall be issued by transport service providers and contain basic information prescribed by regulations of the law.
2. Transport service provides shall append seal to and issue transport slips to drivers who must carry the transport slips during transportation. In case of household businesses, household business owners shall sign and write full name in transport slips.
3. After loading goods and before transportation, goods owners (or persons authorized by goods owners) or representatives of entities or individuals loading goods onto vehicles shall append signature to transport slips to verify law-compliant loading of the goods.
...
...
...
1. Manage and use automobiles for goods transport services
a) Develop and implement plans for vehicle technical maintenance and repair in a manner compliant with regulations of the law pertaining to technical maintenance and repair of motorized road vehicles;
b) Develop and update data on vehicle background and vehicle operation in vehicle background sheet with minimum information required in accordance with forms defined under Appendix I attached hereto.
2. Directly coordinate affiliating vehicles and drivers to provide goods transport services:
a) Via transport connection software;
b) Via transport contracts;
c) Via transport slips.
3. Decide transport rate for transport services.
4. Inform drivers about regulations of the law pertaining to vehicle load for road operation; do not arrange or request drivers to load and transport goods at a weight exceeding the permissible weight limit for traffic operation; assume joint responsibility if technical specification of affiliating vehicles are modified in an unlawful manner or transported goods exceed the permissible weight limit for traffic operation.
...
...
...
a) Develop and update professional background of drivers and driver operation in driver background sheet with minimum information required in accordance with forms defined under Appendix II attached hereto;
b) Ensure that drivers comply with regulations on driving time under Article 64 of the Law on Road Traffic Order and Safety.
6. Exercise other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions applicable to goods transport service providers during operation.
Article 36. Powers and responsibilities of drivers engaged in goods transport service
1. For the purpose of transporting goods, drivers shall be required to carry transport slips and other documents associated with drivers and vehicles as per the law. Drivers operating vehicles outfitted with transport connection software shall be required to carry devices that can display electronic transport contracts and electronic transport slips during transportation.
2. Prior to providing goods transport service, drivers shall request persons responsible for loading goods to sign and verify goods loading in transport slips; deny transport services if goods are not loaded in a law-compliant manner.
3. Exercise other responsibilities in accordance with the Law on Road, the Law on Traffic Order and Safety; comply with and maintain business conditions applicable to drivers in goods transport services during operation.
Chapter IV
REGULATION ON OPERATIONS OF COACH STATIONS, PARKING LOTS, REST AREAS, STOPPING PLACES
...
...
...
1. Passenger coach station service providers have the responsibility to:
a) adequately comply with regulations of the law applicable to passenger coach stations in management of passenger transport services using automobiles;
b) maintain social order, safety, fire prevention, firefighting, and environmental hygiene in passenger coach stations; assume all legal responsibilities for business operations conducted within passenger coach stations;
c) provide regular maintenance, repair, and provision of equipment, facilities; popularize, communicate regulations of the law, and improve qualifications, professional capabilities of employees in order to maintain and improve service quality of passenger coach stations, strictly adhere to regulations of the Government on passenger coach stations;
d) sign contracts with transport service providers as per the law prior to conducting business operations at passenger coach stations;
dd) publicly post regulations of station and actions taken in accordance with signed contracts upon violation of the regulations;
e) manage and adopt information from station management software.
Equip station management software and store information of departing vehicles: information on vehicles, drivers, routes, time of departure, time of arrival, number of passengers.
Information provided by passenger coach stations shall be used for state management in transport operation, management of operations of transport service provider, passenger coach stations and provided to police authorities, road inspectors when needed.
...
...
...
Update and systematically record information on vehicles and transport service providers operating at the stations on the system for at least 3 years from the date on which the last affair is conducted.
Directly implement provisions under Point a, Point c, and Point d of this Clause or authorize service providers to implement via legally effective contracts.
g) operate under management, inspection, and examination of competent authorities;
h) produce periodic reports on December 15 annually and irregular reports on operation of passenger coach stations at request of local Departments of Transport;
i) submit reports on list, titles, and signature of persons tasked with examining and appending verification signature to transport order to local Departments of Transport;
k) adequately comply with regulations applicable to passenger coach stations in accordance with National Technical Regulations on Passenger Coach Station;
l) exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety;
m) depart vehicles in accordance with operating schedule declared by route presiding authorities.
2. Transport service providers operating at passenger coach stations have the responsibility to
...
...
...
b) comply with rules, regulations, procedures for departing and accepting vehicles of entities managing, operating passenger coach stations.
3. Passengers at passenger coach stations have the responsibility to
a) maintain order, security, environmental hygiene, fire prevention and firefighting requirements at passenger coach stations;
b) comply with rules, regulations, and instructions of employees at passenger coach stations.
4. Departments of Transport have the responsibility to
a) declare operation, re-operation of passenger coach stations, temporary suspension, termination of local passenger coach stations where temporary suspension and termination of passenger coach stations must be declared at least 90 days before the date on which passenger coach stations are temporarily suspended from operating or terminated. Written declaration shall also be sent to Department for Roads of Vietnam and uploaded on website of local Departments of Transport;
b) manage operation of local passenger coach stations;
c) request local passenger coach stations to use station management software;
d) conduct periodic and irregular inspections, examination in respect of local passenger coach station service providers.
...
...
...
a) consolidate statistical data pertaining to nationwide passenger coach station system;
b) conduct periodic and irregular inspection, examination and take actions against violations in respect of agencies, presiding entities, and passenger coach station service providers nationwide.
Article 38. Regulations procedures for initiating operation of passenger coach stations
1. Procedures for initial declaration
Passenger coach station service providers shall submit application for declaration of operation of passenger coach station to local Departments of Transport where relevant passenger coach stations are built (in-person or via post service or online).
2. The application consists of:
a) Written application using form under Appendix VII attached hereto;
b) Written approval for connection between entrances and exits of passenger coach station to public roads issued by competent authorities;
c) General layout drawing of passenger coach station;
...
...
...
dd) Written record of cross-examination of station infrastructure and National Technical Infrastructure on Passenger Coach Station in accordance with Appendix VIII attached hereto;
e) Regulations on managing operation of passenger coach stations promulgated by passenger coach station service providers.
3. Procedures for handling application:
a) Within 10 days from the date on which Departments of Transport receive adequate applications, Departments of Transport shall examine passenger coach station classification criteria in accordance with National Technical Infrastructure on Passenger Coach Station and produce record of inspection;
b) Where passenger coach stations do not meet a criterion, Departments of Transport shall specify unqualified criterion/criteria and inform passenger coach station service providers within 2 working days from the date on which inspection concludes; where passenger coach station satisfies all technical requirements applicable to the respective type of passenger coach station, within 5 working days from the date on which inspection concludes, Departments of Transport shall declare operation of passenger coach stations using form under Appendix X attached hereto;
c) Decision initializing operation of passenger coach station comes into force from the date of signing and lasts indefinitely.
4. Procedures for re-declaration
Passenger coach station service providers shall submit application for re-declaration, re-classification of passenger coach stations to Departments of Transport of provinces and cities where relevant passenger coach stations are located when:
a) Passenger coach station classification criteria are changed as a result of infrastructure improvement;
...
...
...
5. Application for re-declaration consists of:
a) Written application for re-declaration using form under Appendix XI attached hereto;
b) General layout drawing of structures and improvements (relative to previous declaration);
c) Decision permitting investment, construction, renovation of competent authorities (relative to previous declaration);
d) Commissioning record of structures and improvements (relative to previous declaration);
dd) Record of comparison between technical regulations of the National Technical Regulation on Passenger Coach Station and passenger coach stations (relative to previous declaration);
e) Documents proving change of passenger coach station service providers (relative to previous declaration).
6. Procedures for handling application for re-declaration:
a) Within 5 working days from the date on which Departments of Transport receive adequate application, Departments of Transport shall inspect passenger coach station classification criteria and produce inspection record;
...
...
...
7. Regulations on compliance with National Technical Regulation on Passenger Coach Stations and periodic report
a) Passenger coach station service providers have the responsibility to maintain criteria under National Technical Regulation on Passenger Coach Station;
b) Passenger coach station service providers shall submit periodic reports on operating results, security, order, maintenance, investment, improvement to facilities, and compliance with National Technical Regulation on Passenger Coach Station to Departments of Transports of of provinces and cities where relevant passenger coach stations are located.
Article 39. Regulations on cargo coach stations
1. Regulations on cargo coach station service providers
a) Only operate cargo coach stations after cargo coach station service providers have implemented Article 40 hereof;
b) Ensure security, order, environmental hygiene, fire prevention, firefighting at cargo coach stations;
c) Publicly post station regulations, station service prices, name and phone number of local Departments of Transport to enable vehicle owners to file complaints when necessary;
d) Operate under inspection, supervision of competent authorities;
...
...
...
e) Charge vehicle arrival, departure services;
g) Prevent vehicle owners, transport service providers from picking up, dropping off passengers;
h) Deny services from passengers failing to adhere to station regulations;
i) Exercise other duties in accordance with Law on Road, the Law on Road Traffic Order and Safety.
2. Departments of Transport shall:
a) Receive written declaration on operation of cargo coach station submitted by station service providers;
b) Disclose list of cargo coach stations in their jurisdiction on their website; inspect, examine, and take actions against violations of station service providers in their jurisdiction as per the law.
Article 40. Regulations procedures for initiating operation of coach stations
1. Coach station service providers shall inspect, evaluate, and cross-examine technical provisions of National Technical Regulation on Cargo Coach Station in respect of work items corresponding to type of cargo coach stations using form under Appendix IX attached hereto; declare operation of cargo coach stations using form under Appendix X attached hereto and send written declaration to local Departments of Transport prior to operation.
...
...
...
3. Station service providers shall be held responsible for adequacy and legitimacy of declared information.
Article 41. Operation of rest areas
1. Rest area service providers have the responsibility to
a) operate rest areas only after fulfilling Article 42 hereof;
b) ensure social security, safety, fire safety at rest areas;
c) maintain food safety and environmental hygiene at rest areas.
d) provide some services free of charge as per the law;
dd) provide regular maintenance, repair, preparation of of equipment and amenities; communicate, educate on regulations of the law, improve qualifications and capability of employees to maintain, improve service quality;
e) publicly post price of goods and services at rest areas as per the law; publicly post regulations of rest areas;
...
...
...
h) submit annual reports on December 15 and irregular reports on operation of rest areas at request of competent authorities and Departments of Transport of administrative divisions where respective rest areas are located.
2. Rest area users have the responsibility to
a) maintain order, security, environmental hygiene, and fire safety in vicinity of rest areas;
b) comply with regulations, rules, and guidelines of rest area employees.
3. Departments of Transport shall:
a) receive written declaration on operation of rest areas submitted by station service providers;
b) disclose list of rest areas in local administrative divisions on their website; inspect, examine, and take actions against local station service providers.
Article 42. Procedures for initiating operation of rest areas
1. Rest area service providers shall inspect, examine, assess, and cross-examine technical regulations of National Technical Regulation on Rest Areas in respect of work items of rest areas using form under Appendix XII attached hereto; declare operation of rest areas using form under Appendix VIII attached hereto and send written declaration to local Departments of Transport.
...
...
...
3. Rest area service providers shall fulfill Clause 1 and Clause 2 of this Article before operating rest areas and be held accountable for accuracy and legitimacy of declared information.
Article 43. Regulation on operation of parking lots, stopping places
1. Requirements for parking lots
a) Security, order, fire prevention, firefighting, and environmental hygiene requirements must be maintained;
b) Entrance and exits of parking lots shall be so arranged to maintain traffic safety and prevent congestion.
2. Details of services provided at parking lots
a) Vehicle parking services;
b) Vehicle maintenance and repair services;
c) Other services as per the law.
...
...
...
a) Maintain order, security, environmental hygiene, and fire safety at parking lots;
b) Publicly post regulations and service fees at parking lots, name and phone number of competent authority;
c) Compensate persons parking their vehicles at the lots for losses, damage to their vehicles;
d) Operate under inspection, supervision of competent authorities;
dd) Provide services under Clause 2 of this Article;
e) Prevent transport service providers from using the parking lots for passenger pick-up, drop-off or goods loading, unloading, transshipment;
g) Deny services from vehicle owners who do not comply with regulations.
4. Vehicle owners or drivers parking at parking lots have the responsibility and power to
a) comply with regulations and guidance of parking lot employees;
...
...
...
c) file complaints to competent authorities pertaining to violations of parking lots.
5. Regulations on stopping places
a) Arrangement of stopping places on roads shall conform to regulations of the law on road traffic order, safety and be located at convenient locations to allow people to embark, disembark;
b) Where vehicle operators stop at stopping places, they shall conform to Article 18 of the Law on Road Traffic Order and Safety.
Chapter V
RESPONSIBILITIES OF STATE AUTHORITIES
Article 44. Department for Roads of Vietnam
1. Manage transport services using automobiles on nationwide scale.
2. Fulfill responsibilities under Clause 2 Article 10, Clause 5 Article 37, Point d Clause 2 and Point c Clause 3 Article 46 hereof.
...
...
...
4. Develop electronic procedures for public online procedures for issuance, renewal of license to provide transport services using automobiles, badge, license plate and operation of fixed-route passenger transport services for unified application on a nationwide scale.
5. Review and install speed limit signage applicable to two-level sleeper buses at necessary locations, especially areas on hillside, ridges, areas with small curve radius on national highways under their jurisdiction.
6. Inspect, examine, and take actions within power against violations of regulations of the law pertaining to transportation management and arrangement.
7. Take charge and cooperate with relevant authorities in directing, expediting, monitoring compliance with this Circular.
Article 45. Departments of Transport
1. Manage transport services using automobiles and auxiliary road transport services within their jurisdiction.
2. Submit reports on transport services using automobiles and auxiliary road transport services in their jurisdiction to Department for Roads of Vietnam.
3. Receive, consolidate, analyze, and access information extracted from tracking devices provided by transport service providers (or authorized organizations) and database of Traffic Police Department for state management of transport services.
4. Develop database, website on transport services using automobiles in their jurisdiction. Implement online public services to process administrative procedures pertaining to transport services using automobiles and auxiliary road transport services as per the law.
...
...
...
6. Manage passenger transport services in respect of two-level sleeper buses
a) Examine, supervise service providers employing two-level sleeper buses;
b) Review and install speed limit signage applicable to two-level sleeper buses at necessary locations, especially areas on hillside, ridges, areas with small curve radius on roads under their jurisdiction.
7. Inspect, examine, and take actions against violations of regulations on arrangement, management of transport services using automobiles and operation of coach stations, parking lots, rest areas, and stopping places in their jurisdiction.
Chapter VI
ORGANIZING IMPLEMENTATION AND EFFECTIVENESS
Article 46. Reporting regulations
1. Reports on transport services provided by transport service providers; Report on operating results of coach station
a) Report name: report on transport service, coach station operating results;
...
...
...
c) Reporting entities: transport service providers, coach stations;
d) Authorities receiving the report: Departments of Transport;
dd) Means for submitting, receiving report: reports are presented in physical or electronic form. Reports shall be submitted to receiving authorities in-person, via post service, via fax, via email, or via other means as per the law;
e) Reporting frequency: on a monthly basis;
g) Report deadline: before the 20th of the month following reporting period;
h) Report data: from the 1st to the last day of reporting month;
i) Report form: Appendix XIV, Appendix XV, and Appendix XVI attached hereto.
2. Report on local road transport services
a) Report name: report on transport services;
...
...
...
c) Reporting entities: Departments of Transport of provinces and central-affiliated cities;
d) Authority receiving the report: Department for Roads of Vietnam;
dd) Means for submitting, receiving report: reports are presented in physical or electronic form. Reports shall be submitted to receiving authorities in-person, via post service, via fax, via email, or via other means as per the law;
e) Frequency of report: on an annual basis;
g) Report submission deadline: before December 20 of each year;
h) Report data range: from December 1 of the previous year to November 30 of the reporting year;
i) Report form: Appendix XVII attached hereto.
3. Report on nationwide road transport services:
a) Report name: report on transport services;
...
...
...
c) Reporting entity: Department for Roads of Vietnam;
d) Authority receiving the report: the Ministry of Transport;
dd) Means for submitting, receiving report: reports are presented in physical or electronic form. Reports shall be submitted to receiving authorities in-person, via post service, via fax, via email, or via other means as per the law;
e) Frequency of report: on an annual basis;
g) Report deadline: before February 15 of the year following reporting period;
h) Report data range: from December 1 of the previous year to November 30 of the reporting year;
i) Report form: under Appendix XVIII attached hereto.
Article 47. Implementation
1. This Circular comes into force from January 01, 2025.
...
...
...
a) Circular No. 12/2020/TT-BGTVT dated May 29, 2020 of the Minister of Transport;
b) Article 8 of Circular No. 36/2020/TT-BGTVT dated December 24, 2020 of the Minister of Transport.
c) Circular No. 02/2021/TT-BGTVT dated February 4, 2021 of the Minister of Transport;
d) Circular No. 17/2022/TT-BGTVT dated July 15, 2022 of the Minister of Transport;
dd) Article 17 of Circular No. 05/2023/TT-BGTVT dated April 27, 2023 of the Minister of Transport;
e) Circular No. 18/2024/TT-BGTVT dated May 31, 2024 of the Minister of Transport./.
PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER
Nguyen Duy Lam
...
...
...
;
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Số hiệu: | 36/2024/TT-BGTVT |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký: | Nguyễn Duy Lâm |
Ngày ban hành: | 15/11/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Chưa có Video