ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 211/TB-UBND |
Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THẾ THẢO, CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ TẠI BUỔI HỌP NGHE BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TẠI BẾN XE MỸ ĐÌNH, CÔNG TÁC PHÂN LÀN ĐƯỜNG THÍ ĐIỂM VÀ TẠI BUỔI KIỂM TRA, THỊ SÁT MỘT SỐ VỊ TRÍ ĐỂ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG BẾN XE, BÃI ĐỖ XE
Ngày 08/7/2013, tại trụ sở UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo UBND Thành phố nghe Báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tại bến xe Mỹ Đình và công tác phân làn đường thí điểm. Tham dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Sửu, Trần Xuân Việt; Lãnh đạo các Sở, ngành: Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Tổng Công ty vận tải Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm, Văn phòng UBND Thành phố.
Ngày 09/7/2013 đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố đã kiểm tra, thị sát một số vị trí để đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc của Thành phố về vận tải hành khách công cộng. Cùng đi có Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Văn phòng UBND Thành phố.
Sau khi nghe Sở Giao thông vận tải báo cáo tại hội nghị ngày 08/7/2013 và ý kiến của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố, đại biểu các cơ quan dự họp; qua báo cáo của Lãnh đạo các Sở, ngành và kiểm tra thực tế tại hiện trường ngày 09/7/2013 đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã kết luận chỉ đạo như sau:
I. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TẠI BẾN XE MỸ ĐÌNH:
Thời gian gần đây, bến xe Mỹ Đình đã trở nên quá tải, gây ra tình trạng mất trật tự bên trong và khu vực xung quanh bến, gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện, hành khách đi lại, công tác quản lý và trật tự an toàn, an ninh...
1. Nguyên nhân do: Tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế phát triển dẫn đến lượng hành khách tăng cao; Cơ chế quản lý, tổ chức phân luồng phân tuyến còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học; Nguồn lực đầu tư hạn hẹp nên chưa đầu tư thêm được bến xe mới, các bến xe cũ không có khả năng mở rộng. Mặt khác, Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được nghiên cứu điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế phát triển; Công tác tổ chức quản lý thiếu tập trung, còn có lúc buông lỏng; Ý thức của các chủ phương tiện, lái xe còn không nghiêm túc thực hiện các quy định.
2. Các giải pháp chỉ đạo, thực hiện:
a) Về quan điểm: Việc tổ chức các bến xe phục vụ hành khách đi về Thủ đô là trách nhiệm của Thành phố; cần có giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân ổn định, thuận lợi, không bị ngừng trệ, điều tiết, sắp xếp tối ưu cho các tuyến, tổ chức quản lý điều hành khoa học, hợp lý và thống nhất.
b) Về nguyên tắc: Phải tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang trình duyệt. Việc đầu tư các bến xe liên tỉnh, mạng lưới giao thông kết nối các bến xe theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc phải thực hiện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tính khả thi, có biện pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo hành khách đi lại được thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông.
c) Các giải pháp thực hiện:
- Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố nghiên cứu phân luồng, phân tuyến các bến xe; Căn cứ lượng xe vào Thành phố để nghiên cứu đầu tư bến xe mới hoặc mở rộng theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về công suất hoạt động;
- Tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến: Các tuyến theo hướng QL1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm; Các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chi Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; Các tuyến đi theo hướng QL 32 đi vào bến xe Mỹ Đình; Các tuyến phía Nam đi theo hướng QL 1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (từ Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đi vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm; nếu các bến xe không đủ điều kiện bố trí thì Sở Giao thông vận tải đề xuất địa điểm đầu tư mới hoặc tạm thời.
- Tổ chức thực hiện ngay việc điều chuyển 52 phương tiện (các chủ xe đã có cam kết với Sở Giao thông vận tải), tuyến xe từ tỉnh Hòa Bình về bến xe Yên Nghĩa; điều chuyển có lộ trình hợp lý các phương tiện còn lại. Sắp xếp hợp lý các diện tích sử dụng trong bến để tăng hiệu quả bến xe; Nghiên cứu việc phối hợp sử dụng các bến xe như Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, bãi xe phía sau bến Mỹ Đình để tổ chức hoạt động chung, điều hành thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt; Tổng Công ty vận tải Hà Nội tổ chức thực hiện mở rộng bến xe Mỹ Đình theo quy hoạch (diện tích 1,3 ha phía sau bến xe Mỹ Đình); Trường hợp chủ sử dụng đất có nhu cầu cùng đầu tư thì có cơ chế góp vốn phù hợp với Tổng Công ty để triển khai dự án, việc điều hành bến xe phải tổ chức thống nhất theo điều hành của Tổng Công ty vận tải Hà Nội.
- Giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án và đầu tư xây dựng bến xe tạm tại bãi đỗ xe khu vực nút giao đường Pháp Vân - Vành đai 3 (Có diện tích khoảng 06 ha), đón trả khách các tuyến xe từ phía Nam theo QL1 và tuyến xe theo QL5, không xây dựng công trình kiến trúc cao tầng; nghiên cứu, lập dự án và đầu tư xây dựng bến xe khách, tiêu chuẩn cấp 2 hoặc cấp 3 tại khu vực Hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh (Km1 đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), đón trả khách các tuyến xe theo hướng QL2, QL3; cho phép áp dụng cơ chế đặc thù và cải cách thủ tục hành chính để các dự án trên triển khai đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2013. Sau khi dự án hoàn thành, giao Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý, khai thác. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án huy động các nguồn lực để đầu tư.
- Vị trí bãi đỗ xe Đền Lừ: Chỉ làm bãi đỗ xe tĩnh kết hợp bãi đỗ xe trung chuyển hàng hóa, không chuyển đổi sang các chức năng khác, kể cả bổ sung chức năng hoạt động thương mại.
- Vị trí depot xe buýt Nam Thăng Long: Tổng Công ty vận tải Hà Nội tổ chức sắp xếp hợp lý, chuyển một phần chức năng depot xe buýt sang làm nơi đón trả khách các tuyến xe theo hướng QL2, QL3, giảm tải cho bến xe Mỹ Đình; tổ chức trung chuyển khách bằng các tuyến buýt bến nối bến, tạo thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.
II. Về công tác tổ chức thực hiện phân làn tách dòng phương tiện trên một số tuyến đường phố thuộc địa bàn thành phố Hà Nội
Việc triển khai thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện (9 tuyến) trong thời gian qua đã góp phần giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến; tăng khả năng lưu thông của các phương tiện, giảm tai nạn giao thông và đã góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông khi đi trên các tuyến đường có tổ chức phân làn, tạo thói quen văn minh đô thị trên các tuyến đường của Thủ đô.
Để phát huy có hiệu quả các kết quả đã đạt được, khắc phục các nhược điểm tồn tại, UBND Thành phố yêu cầu: Sở GTVT, Công an Thành phố tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
1. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết đánh giá việc tổ chức thí điểm phân làn vừa qua, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp khẩn trương khắc phục những tồn tại và bất cập, nhất là việc tổ chức phân làn, phân tuyến, phương án thiết kế dải phân cách, tổ chức giao thông; bổ sung biển báo hiệu, sơn kẻ đường... theo quy định để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc tổ chức sơ kết đánh giá tiến hành trước ngày 10/8/2013.
2. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các Quận, Huyện có liên quan, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh.., tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành chủ trương phân làn, phân tuyến, tạo sự đồng thuận, tự giác thực hiện.
3. Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm như: Điều khiển phương tiện đi lấn làn, sai làn đường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, kinh doanh, buôn bán,... ảnh hưởng đến trật tự giao thông, trật tự đô thị.
Văn phòng UBND Thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo để các đơn vị liên quan biết, tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL.
CHỦ TỊCH |
Thông báo 211/TB-UBND năm 2013 kết luận của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại buổi họp nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, công tác phân làn đường thí điểm và tại buổi kiểm tra, thị sát một số vị trí để đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe
Số hiệu: | 211/TB-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Thịnh Thành |
Ngày ban hành: | 11/07/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 211/TB-UBND năm 2013 kết luận của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại buổi họp nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, công tác phân làn đường thí điểm và tại buổi kiểm tra, thị sát một số vị trí để đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe
Chưa có Video