ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5773/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 21 tháng 12 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Quyết định số 55/2012/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2019 về việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng;
Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Quyết định số 5443/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án mô hình hệ thống vé và cơ chế trợ giá cho hành khách đi xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Quyết định số 4428/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Phương án vé và trợ giá các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Quyết định 03/2016/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy định một số nội dung về đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy định một số nội dung về đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 22/01/2018 về việc phê duyệt phương án đầu tư 06 tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số: 5655/TTr-SGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với những nội dung chủ yếu như sau:
- Mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đảm bảo mật độ bao phủ đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt (đạt tỷ lệ khoảng 50% - 70% tại khu vực trung tâm thành phố).
- Nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân bằng xe buýt.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả của hệ thống; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, gia tăng số lượng hành khách đi xe buýt, từng bước hạn chế và thay thế việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.
2.2. Mục tiêu cụ thể[1]
a) Về mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt:
+ Đến năm 2025 có 26 tuyến gồm: 04 tuyến BRT, 03 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 19 tuyến buýt thường.
+ Đến năm 2030 có 28 tuyến gồm: 04 tuyến BRT, 03 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 21 tuyến buýt thường.
b) Về chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận VTHKCC bằng xe buýt:
+ Đến năm 2025: tỷ lệ đảm nhận đạt 17% tổng nhu cầu giao thông đô thị.
+ Đến năm 2030: tập trung ưu tiên cho phát triển hệ thống VTHKCC đảm bảo thị phần khoảng (25-35)% tổng nhu cầu giao thông đô thị.
3.1. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo các quy định hiện hành.
3.2. Tiếp tục thực hiện các quy định, chính sách nâng cao hiệu quả khai thác hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: (1) Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô ở một số tuyến đường trên địa bàn thành Phố; (2) Cấm đỗ xe theo ngày chẵn ngày lẻ cấm đỗ xe giờ cao điểm; (3) Đầu tư bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm, ven biển, các khu vực tuyến đường vành đai phục vụ trung chuyển, khu vực đầu mối vận tải công cộng; (4) Phân luồng, hạn chế phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào giờ cao điểm khu vực trung tâm thành phố.
3.3. Chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
a) Ưu tiên bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách phục vụ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, hiệu quả khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố để kịp thời bổ sung, điều chỉnh mật độ mạng lưới, lộ trình tuyến, điểm dừng - đỗ, điểm đầu - điểm cuối và kết nối các phương thức khác phù hợp với nhu cầu thực tế.
b) Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy hoạch được duyệt (bến bãi, điểm đầu - cuối, các điểm bán vé, nhà chờ, điểm dừng...).
c) Trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do doanh nghiệp đầu tư được nhà nước cho thuê đất và miễn tiền thuê đất theo quy định (theo thời hạn của Hợp đồng vận hành khai thác tuyến)[2].
d) Hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng trường hợp doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
đ) Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay viện trợ (ODA), vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
3.4. Chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải
a) Tiếp tục thực hiện cơ chế trợ giá hiện hành[3] nhằm đảm bảo lợi ích tài chính cho đơn vị sản xuất và kinh doanh vận tải hành khách công cộng để khuyến khích các đơn vị tham gia vào lực lượng vận tải hành khách công cộng và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
b) Hỗ trợ giá dịch vụ xe ra vào bến đối với xe buýt ra, vào bến cho các tuyến buýt có trợ giá sử dụng điểm đầu, điểm cuối của tuyến xuất phát tại các bến xe khách, nhà ga (do các doanh nghiệp khai thác theo hình thức xã hội hóa).
c) Xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu điện tử đối với hoạt động xe buýt như: tuyến buýt, lượt khách, số vé, đối tượng đi xe buýt, tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, mục đích sử dụng xe buýt... nhằm phục vụ công tác đánh giá hiệu quả và cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt.
3.5. Chính sách khuyến khích người sử dụng dịch vụ xe buýt
a) Tiếp tục thực hiện phương án giá vé, chính sách miễn, giảm giá vé cho hành khách đi xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định hiện hành[4].
b) Miễn tiền gửi xe đạp, xe mô tô đối với hành khách sử dụng vé tháng đi xe buýt tại các trạm xe buýt, bãi giữ xe công cộng, các điểm trung chuyển.
c) Kêu gọi, khuyến khích công chức, viên chức sử dụng xe buýt công cộng tham gia giao thông ít nhất 02 ngày/tuần làm việc; Tích hợp thẻ sử dụng xe buýt vào thẻ cán bộ công chức và tích điểm đối với người sử dụng xe buýt 02 ngày / tuần làm việc để giảm chi phí đậu đỗ xe tại các bãi đỗ xe công cộng.
d) Tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền rộng rãi nhằm thu hút nhiều thành phần, đối tượng khác nhau sử dụng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày; có chính sách khuyến khích các hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ xe buýt cho nhu cầu đi lại.
4.1. Tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo tính bao phủ, tăng khả năng tiếp cận của hệ thống:
- Tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt theo quy hoạch đảm bảo tiêu chí trong phạm vi 500m người dân có thể tiếp cận xe buýt; thường xuyên khảo sát, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện tại cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
- Đầu tư các tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại đặc thù: buýt kết nối sân bay, ga đường sắt; buýt bến nối bến, buýt du lịch; xe buýt chuyên chở học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp.
4.2. Tiếp tục cải thiện và nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:
- Tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt: Bố trí làn đường ưu tiên trên các tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng; thiết kế ưu tiên tín hiệu giao thông khi xe buýt qua nút nhằm tăng vận tốc khai thác của xe buýt.
- Tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác: Xây dựng bãi đỗ xe công cộng kết hợp dịch vụ sử dụng phương tiện công cộng; Bố trí các điểm dừng đỗ đón trả khách hợp lý (trong khu vực đô thị khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ không quá 500m).
- Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin xe buýt: Hoàn thiện trang thông tin điện tử cung cấp các thông tin về hoạt động xe buýt; Tăng cường lắp đặt hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến trên xe buýt; lắp đặt bản đồ lộ trình tuyến lịch trình xe chạy tại tất cả các vị trí dừng xe buýt; lắp đặt bảng điện tử thông tin tại các điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển và nhà chờ xe buýt.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt: Ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, đảm bảo tỷ lệ 100% phương tiện hỗ trợ cho người khuyết tật; Rút ngắn thời gian mỗi chuyến xe, đảm bảo vận hành đúng biểu đồ chạy xe (đúng giờ, thời gian giãn cách); Tăng số lượng nhà chờ, tăng số lượng vịnh dừng xe đảm bảo được tách làn giao thông khi dừng, đón, trả khách; ứng dụng công nghệ vé thông minh; Đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tiếp, Online, các ứng dụng trên điện thoại thông minh...) và loại vé (vé lượt, vé tuyến vé liên tuyến...) phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.
4.3. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát đối với chất lượng dịch vụ các tuyến buýt đang vận hành
- Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kiểm soát chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt (lộ trình, thời gian, chi phí, thái độ phục vụ ) để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tăng hiệu quả khai thác.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng khai thác của tuyến buýt liền kề hiện nay để có thể xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và trật tự an toàn giao thông.
- Tăng cường tiếp nhận phản ảnh, góp ý của khách hàng: Lắp đặt các hòm thư đóng góp ý kiến, khiếu nại về chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe buýt tại các trạm dừng, trên xe buýt...; có cơ chế tiếp thu, giải quyết, giải trình kịp thời những ý kiến góp ý, khiếu nại của khách hàng sử dụng dịch vụ xe buýt
1. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đề án; phối hợp với các Sở ban, ngành và UBND các quận, huyện tổ chức thông báo công khai, rộng rãi nội dung đề án, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Hội đồng nhân dân thành phố kết quả thực hiện đề án.
- Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện đề án nếu có vướng mắc phát sinh cần điều chỉnh, sửa đổi, báo cáo kịp thời về UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND thành phố bố trí vốn quy hoạch và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy hoạch.
3. Sở Xây dựng
Chủ trì tham mưu UBND thành phố quy hoạch quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện để phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với với các cơ quan có liên quan bố trí dự toán ngân sách hàng năm đối với kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xác định chi phí vận hành, doanh thu, trợ giá của tuyến buýt và các khoản hỗ trợ của thành phố cho nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và tham mưu UBND thành phố bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
6. Sở Du lịch
Phối hợp với các Hội, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để giới thiệu và khuyến khích khách du lịch sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày.
8. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc tham mưu đề xuất đối tượng được miễn, hỗ trợ giá xe buýt theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đề án.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung các chương trình khuyến khích và nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trong việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt thay thế phương tiện cơ giới cá nhân phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất các tuyến xe buýt trường học phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tại Điều 2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
[1] Quyết định số 8087/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
[2] Quyết định số 55/2012/QĐ-TTg ngày 19/12/2012 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2019 về việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng.
[3] Quyết định số 5443/QĐ-UBND ngày 06/8/2013 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án mô hình hệ thống vé và cơ chế trợ giá cho hành khách đi xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
[4] Quyết định số 4428/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Phương án vé và trợ giá các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020
Quyết định 5773/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Số hiệu: | 5773/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký: | Đặng Việt Dũng |
Ngày ban hành: | 21/12/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 5773/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Chưa có Video