Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 272/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 25 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ vào luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ngày 26/11/2003 ;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ;
Căn cứ Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07/11/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1390/TTr-GTVT ngày 30 tháng 11 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các Sở, Ngành, Đoàn thể và các đối tượng có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 183/2003/QĐ-UB ngày 17/7/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành quy định tạm thời về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương ; Quyết định số 104/2004/QĐ-UB ngày 16/8/2004 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 183/2003/QĐ-UB ngày 17/7/2003./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẦU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 272/2006/QĐ-UBND ngày 25/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cấp kỹ thuật đường bộ; phân cấp trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phạm vi đất dành cho đường bộ; việc khai thác, sử dụng phạm vi đất dành cho đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ, thuận tiện cho việc cải tạo mở rộng sau này.

Điều 2. Công trình giao thông đường bộ gồm :

1. Nền đường, mặt đường, hè phố, nơi dừng xe, đỗ xe, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cột cây số, đảo giao thông, dải phân cách, hệ thống chiếu sáng, đường ngầm, tràn, đường cứu nạn;

2. Cầu, hầm, cống, kè, tường chắn;

3. Bến phà, bến cầu phao, phương tiện vượt sông và nơi cất dấu các phương tiện vượt sông;

4. Các công trình chống va, tường, kè chỉnh trị dòng nước;

5. Trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường, các thiết bị đếm xe;

6. Các mốc đo đạc, cột mốc lộ giới;

7. Các công trình phụ trợ an toàn giao thông.

Điều 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải tuân theo các quy định này và các quy định pháp luật có liên quan, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Mặt đường : là phạm vi dành cho xe chạy trực tiếp lên nó. Tùy thuộc vào tính chất phục vụ mà mặt đường có thể là bê tông nhựa, bê tông ximăng, cán đá láng nhựa, mặt đường sỏi đỏ, mặt đường đất …

2. Lề đường : còn gọi là vai đường, là phạm vi bảo vệ mặt đường không bị sạt lở, xói mòn, là phần đường dành cho người đi bộ, có kết cấu bằng đất chọn lọc, sỏi đỏ, đá, nhựa hoặc trồng cỏ, có chiều rộng tùy thuộc vào cấp đường.

3. Mái taluy : là độ nghiêng (dốc) quy định cho mái đường đào (nếu cao độ mặt đường thấp hơn cao độ tự nhiên bên ngoài đường) và mái đường đắp (nếu cao độ mặt đường cao hơn cao độ thiên nhiên bên ngoài đường) gọi chung là mái taluy nền đường, tức là phần mái dốc sát cạnh lề đường. Mái taluy có tác dụng giữ cho vai đường không bị trượt, sạt lở. Có hai loại : mái taluy dương là mái dốc lên ứng với nền đường đào, mái taluy âm là mái dốc xuống ứng nền đường đắp.

4. Mép đường : là điểm ngoài cùng của vai đường (lề đường).

5. Tim đường : là trục chuẩn của đường theo phương dọc đường, thường chia đường làm hai phần.

6. Vĩa hè : là phần đường dành riêng cho người đi bộ đối với đường trong đô thị.

7. Hệ thống đường bộ : được hiểu bao gồm các tuyến đường bộ và các công trình hoặc hạng mục công trình trên đường như : cầu, hầm, cống, kè, tường chắn, mương thoát nước ngang - dọc, bến phà, cầu phao, hệ thống báo hiệu đường bộ như cọc tiêu, biển báo, trụ cây số, đèn tín hiệu giao lộ, vạch sơn đường….

8. Chỉ giới đường đỏ : là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng không gian công cộng khác.

9. Chỉ giới xây dựng : là đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình trên lô đất.

10. Mố cầu : là một bộ phận của kết cấu công trình cầu nằm trong phần đất, có tác dụng nâng đỡ dầm cầu.

11. Hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) : là phần đất dọc hai bên đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo công trình đường bộ. Phạm vi hành lang an toàn đường bộ được xác định từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào, hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hoặc rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên đường. Bề rộng HLATĐB được xác định tùy thuộc cấp hạng kỹ thuật của đường theo quy hoạch dài hạn do cấp thẩm quyền quyết định (gọi tắt là cấp đường quy hoạch).

12. Quy đổi phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tính từ tim đường trở ra mỗi bên :

Để thuận tiện cho việc quản lý phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý cấp phép xây dựng, thống nhất quy đổi việc xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, thay vì tính từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào, hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hoặc rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên, được quy đổi, tính từ tim đường trở ra hai bên, mỗi bên một khoảng cách bằng một phần hai bề rộng nền đường + bề rộng mương dọc + bề rộng hành lang an toàn theo Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ đối với tuyến đường đó.

Chương II

PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN VÀ SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống sau:

1. Hệ thống quốc lộ (ký hiệu là QL) : là các đường trục chính của mạng lưới đường bộ, có tác dụng đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hoặc khu vực.

2. Hệ thống đường tỉnh (ký hiệu là ĐT) : là các đường trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện.

3. Hệ thống đường huyện (ký hiệu là ĐH) : là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.

4. Hệ thống đường xã (ký hiệu là ĐX) : là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, xóm hoặc đường nối giữa các xã.

5. Hệ thống đường đô thị (ký hiệu là ĐĐT) : là các đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

6. Hệ thống đường chuyên dùng (ký hiệu là ĐCD) : là các đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tư nhân. Đường chuyên dùng có thể là đường giao thông đối nội trong các khu công nghiệp, đường nội bộ trong cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, đường phục vụ nội bộ trong các lô cao su, đường lâm sinh trong các lâm trường …

Điều 6. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ được quy định như sau:

1. Hệ thống đường tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

2. Hệ thống đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

3. Hệ thống đường huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

4. Hệ thống đường xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

5. Hệ thống đường chuyên dùng do tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với đường chuyên dùng nối với quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng nối với đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng nối với đường xã.

Điều 7. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:

1. Đối với đường nằm ngoài đô thị thuộc hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã : tên đường được đặt theo ký hiệu kèm theo số hiệu. Ví dụ : QL.13, ĐT.741, ĐH.501, ĐX.1005, …

2. Đối với đường đô thị trong nội ô thị xã, thị trấn, thị tứ : tên đường được đặt theo tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử văn hoá, tên địa danh hoặc tên theo tập quán.

Trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của quốc lộ.

3. Đối với đường chuyên dùng, hay đường trong nội bộ trong khu công nghiệp, khu dân cư, tên đường có thể được đặt như đối với đường đô thị hoặc đặt theo số hiệu đường là số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết. Ví dụ : N.01, D.02.

4. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ do cơ quan có thẩm quyền phân loại đường bộ quyết định; riêng đường đô thị, đường tỉnh đặt theo tên theo quy định của Chính phủ.

Chương III

QUY HOẠCH KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT ĐƯỜNG BỘ

Điều 8.

1. Trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định như sau: Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chung của tỉnh và của cả nước; phê duyệt hoặc trình duyệt theo phân cấp. Riêng quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Giao thông - Vận tải; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1 phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải.

2. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi được phê duyệt, cơ quan tổ chức xây dựng quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi bằng các hình thức thích hợp.

Điều 9.

1. Đường bộ xây dựng mới phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng cấp đường theo tiêu chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn ngành của Bộ Xây dựng đối với đường đô thị hoặc các tiêu chuẩn ngành của Bộ Giao thông - Vận tải đối với đường ngoài đô thị; riêng đối với đường lâm nghiệp, đường khai thác mỏ và đường chuyên dùng khác phải áp dụng cả các tiêu chuẩn riêng của ngành đó.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ của nước ngoài thì phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

2. Các tuyến đường bộ đang khai thác chưa vào cấp phải được cải tạo, nâng cấp để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường phù hợp.

Điều 10.

1. Các công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và các công trình khác có liên quan đến công trình giao thông, phải được thẩm định an toàn giao thông. Đối với công trình đã đưa vào khai thác nhưng có vấn đề về đảm bảo an toàn giao thông, thì cơ quan quản lý công trình đó phải trình thẩm định an toàn giao thông.

2. Thẩm định an toàn giao thông được thực hiện tại một hoặc một số trong các giai đoạn sau :

a) Báo cáo đầu tư xây dựng công trình;

b) Dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình;

c) Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công;

d) Trước khi đưa công trình vào khai thác;

đ) Trong quá trình khai thác.

3. Các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định đầu tư sẽ do Sở Giao thông Vận tải thẩm định an toàn giao thông, các dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư sẽ do Phòng Quản lý Đô thị cấp huyện thẩm định an toàn giao thông. Các dự án thuộc nguồn vốn của tư nhân, doanh nghiệp,…trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Chủ đầu tư sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập với đơn vị lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật thẩm định hoặc trình cơ quan thẩm quyền thẩm định an toàn giao thông.

4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cho phép đầu tư quyết định dự án phải thẩm định, giai đoạn thẩm định và tổ chức thực hiện việc thẩm định an toàn giao thông.

5. Tổ chức thực hiện thẩm định an toàn giao thông có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ dự án, thiết kế công trình, kiểm tra hiện trường, phát hiện các khả năng tiềm ẩn về tai nạn giao thông, đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục.

6. Tư vấn thiết kế có trách nhiệm tiếp thu bằng văn bản các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an toàn giao thông và chỉnh sửa hồ sơ dự án, thiết kế theo nội dung đã tiếp thu. Đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm tiếp thu các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an toàn giao thông và có phương án sửa chữa khắc phục.

7. Kinh phí thẩm định an toàn giao thông được xác định trong kinh phí đầu tư dự án đối với công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; được sử dụng trong nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác.

Chương IV

PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 11. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

Điều 12. Đất của đường bộ: là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng bao gồm cả các công trình giao thông tĩnh và các công trình phụ trợ. Công trình đường bộ gồm các khoản được quy định tại điều 2 Quy định này.

Điều 13. Giới hạn hành lang an toàn đối với đường được quy định như sau:

1. Đối với đường ngoài đô thị : căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào, mép ngoài của rãnh dọc hoặc mép ngoài của rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên là:

- 20 m (hai mươi mét) đối với đường cao tốc, đường cấp I, cấp II;

- 15 m (mười lăm mét) đối với đường cấp III;

- 10 m (mười mét) đối với đường cấp IV, cấp V;

- 05 m (năm mét) đối với đường dưới cấp V.

2. Đối với đường trong đô thị: phạm vi hành lang an toàn của đường là bề rộng tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được phê duyệt.

3. Đối với đường bộ song song với sông ngòi, kênh rạch có khai thác vận tải thủy mà hành lang an toàn bị chồng lấn thì phạm vi hành lang an toàn đường bộ tính từ mép bờ cao trở về phía đường bộ.

4. Đối với đường bộ song song liền kề với đường sắt mà hành lang an toàn bị chồng lấn thì ranh giới hành lang an toàn giữa đường bộ và đường sắt xác định tại khoản 8 mục I Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07/11/2005 của Bộ Giao thông - Vận tải.

Điều 14. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ và đường tỉnh :

1. Các tuyến theo quy hoạch là đường cấp I, cấp II : Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với từng tuyến, tính từ tim đường trở ra hai bên, mỗi bên một khoảng cách như sau:

a. QL13 :

- Đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã 3 đài vệ tinh mặt đất : 32 m.

- Đoạn từ ngã 3 đài vệ tinh mặt đất đến cầu Tham Rớt : 31m.

(Riêng đoạn qua nội ô thị xã Thủ Dầu Một từ Suối Cát – cống Định Hoà và nội ô thị trấn Mỹ Phước áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

b. QL1K : từ ranh TP Hồ Chí Minh đến ranh tỉnh Đồng Nai : 27m.

c. ĐT741 : từ ngã tư Sở Sao đến ranh giới tỉnh Bình Phước : 27m.

d. ĐT743 :

- ĐT743a : đoạn nội ô thị xã Thủ Dầu Một từ ngã 4 Chợ Đình (Km0+000) đến cơ sở cám Phú Lợi (Km2+500) áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này.

- ĐT743a : đoạn từ Km2+500 đến ngã 3 Bình Thung (Km22+000) : 27 m.

- ĐT743b : đoạn từ ngã ba An Phú đến khu công nghiệp Sóng Thần : 27m.

2. Các tuyến theo quy hoạch là đường cấp III : Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tính từ tim đường trở ra hai bên, mỗi bên một khoảng cách như sau:

a. ĐT742 : từ Km3+500 (hết đoạn nội ô thị xã Thủ Dầu Một) đến giáp ĐT747 gần ngã ba Cổng Xanh : 21m (riêng đoạn qua nội ô thị xã Thủ Dầu Một từ ngã 3 Sao Quỳ (Km0+000) đến đường ray xe lửa (Km3+500) áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

b. ĐT743 :

- ĐT743a: đoạn ngã 3 Bình Thung (Km22+000) đến cầu Tân Vạn (Km27+062): 21m.

- ĐT743c : từ cầu Ông Bố đến ngã ba Đông Tân : 21m.

c. ĐT744 : từ ngã 3 Suối Giữa đến ngã 3 Minh Hòa : 21m (Riêng đoạn qua nội ô thị trấn Dầu Tiếng từ cầu Cát đến ngã 3 Kiểm Lâm áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

d. ĐT745 : từ ngã 4 Phú Văn đến ranh thị trấn Lái Thiêu : 21m (Riêng đoạn qua nội ô thị trấn Lái Thiêu từ Mũi Tàu - Phú Long đến ngã 3 Nhà Đỏ và đoạn qua thị trấn An Thạnh từ Cầu Bà Hai đến ranh thị xã Thủ Dầu Một áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

e. ĐT746 : từ ngã 3 Bình Quới đến ngã 3 Bình Hóa và từ ngã 3 Mùa Muộn qua Tân Định, Tân Thành, đến Hội Nghĩa giáp ĐT747 : 21m . (Riêng đoạn qua nội ô thị trấn Uyên Hưng từ ngã 3 Bưu Điện đến ngã 3 Mùa Muộn áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

f. ĐT747a : từ cầu Ông Tiếp đến cầu Rạch Tre và từ dốc Bà Nghĩa đến ngã 3 Cổng Xanh : 21m (riêng đoạn qua nội ô thị trấn Uyên Hưng từ cầu Rạch Tre đến dốc bà Nghĩa áp dụng theo khoản 2 điều 13 bảng quy định này).

g. ĐT747b : từ ngã ba Tân Ba đến ngã tư Miễu Ông Cù (TL11 cũ) và từ ngã tư Miễu Ông Cù đến Hội Nghĩa giáp ĐT747 : 21m.

h. ĐT748 : (HL 16 cũ) từ ngã 4 Phú Thứ đến ngã 3 Giáng Hương : 21m.

i . ĐT749a (Lộ 30 cũ) từ cầu Quan đến ngã 3 Minh Thạnh : 21m (Riêng đoạn qua nội ô thị trấn Mỹ Phước từ cầu Quan đến trạm biến điện thị trấn Mỹ Phước áp dụng theo khoản 2 điều 13 của Quy định này).

j . ĐT749b (ĐT751 cũ) từ cầu Bà Và đến Bưng Bàng : 21m .

k. ĐT750 từ ngã ba Bố Lá (giáp ĐT741) qua Tân Long, Trừ Văn Thố, Cây Trường, cầu Thị Tính , đến cầu Tàu huyện Dầu Tiếng : 21m (Riêng đoạn qua nội ô thị trấn Dầu Tiếng áp dụng theo khoản 2 điều 13 Quy định này). (Có bảng phụ lục kèm theo).

Điều 15. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường huyện, đường xã, đường liên ấp, đường đô thị :

1. Đường huyện :

a. Các tuyến đường có quy hoạch là đường cấp 3, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy đổi về tim đường tối thiểu là 21 m.

b. Các tuyến đường có quy hoạch là đường cấp 4, cấp 5, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy đổi về tim đường tối thiểu là 16 m.

2. Đường đô thị, thị trấn :

Đối với các tuyến đường đô thị, thị trấn (đường trong nội ô thị xã Thủ Dầu Một và các thị trấn): Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bằng chỉ giới xây dựng, theo các quyết định của UBND tỉnh.

3. Các tuyến đường xã, đường liên ấp :

a. Đối với các tuyến đường xã, đường liên ấp đã có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, căn cứ vào cấp hạng quy hoạch để xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo khoản 1 điều 13 của Quy định này.

b. Đối với các tuyến đường xã, đường liên ấp không nằm trong quy hoạch được duyệt, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tính từ tim đường bằng bề rộng ½ thân đường (gồm nền đường tính cả mái taluy và mương) + 5 mét (hành lang an toàn theo Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004).

Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp Sở Giao thông Vận tải, căn cứ vào cấp đường quy hoạch của từng tuyến đường huyện - thị đường xã, đường liên ấp (theo quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và nội dung quy hoạch giao thông trong quy họach tổng thể phát triển kinh tế xã hội của mỗi huyện - thị đến năm 2020, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt), tham mưu trình UBND tỉnh ra quyết định quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho từng tuyến đường huyện, thị xã, đường xã, đường liên ấp.

Điều 16. Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống được quy định như sau :

1. Đối với cầu trên đường ngoài đô thị :

a) Theo chiều dọc cầu, từ đuôi mố cầu ra mỗi bên là :

- 50 m (năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài từ 60 m trở lên;

- 30 m (ba mươi mét) đối với cầu có chiều dài dưới 60 m;

Trong trường hợp cầu có chiều dài đường dốc lên, dốc xuống lớn hơn quy định tại điểm a khoản 1 trên đây thì giới hạn hành lang an toàn được tính từ đuôi mố cầu ra đến hết chân dốc.

b) Theo chiều ngang cầu, từ phạm vi tiếp giáp với cầu, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi phía là :

- 150 m (một trăm năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 m;

- 100 m (một trăm mét) đối với cầu có chiều dài từ 60m đến 300m;

- 50 m (năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài từ 20m đến dưới 60m;

- 20 m (hai mươi mét) đối với cầu có chiều dài dưới 20m.

2. Đối với cầu trên đường trong đô thị :

a) Theo chiều dọc cầu, quy định như điểm a khoản 1 Điều này.

b) Theo chiều ngang cầu.

Từ mép lan can ngoài cùng của cầu trở ra mỗi bên 07 m (bảy mét) đối với phần cầu chạy trên cạn, kể cả phần cầu chạy trên phần đất chỉ ngập nước khi có nước lũ ; đối với phần cầu còn lại, quy định như điểm b khoản 1 Điều này.

3. Giới hạn hành lang an toàn đối với cống, theo chiều dọc cống về hai phía bằng bề rộng hành lang an toàn của đường bộ.

Điều 17. Giới hạn hành lang an toàn đối với hầm đường bộ quy định như sau :

1. Trên đường ngoài đô thị: phạm vi trong vòng 100m (một trăm mét) cách các điểm ngoài cùng của các bộ phận kết cấu của hầm.

2. Trên đường trong đô thị: được UBND tỉnh quy định cụ thể đối với từng dự án cụ thể.

Điều 18. Giới hạn hành lang an toàn đối với bến phà, cầu phao được quy định như sau:

1. Theo chiều dọc: bằng chiều dài đường xuống bến phà, cầu phao.

2. Theo chiều ngang: từ tim bến phà, cầu phao trở ra mỗi phía thượng lưu, hạ lưu là 150 m (một trăm năm mươi mét).

Điều 19. Giới hạn hành lang an toàn đối với kè được quy định như sau:

1. Kè chống xói để bảo vệ nền đường:

a) Từ đầu kè và từ cuối kè về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 50 m (năm mươi mét);

b) Từ chân kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét).

2. Kè chỉnh trị dòng nước:

a) Từ chân kè về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 100 m (một trăm mét);

b) Từ gốc kè trở vào bờ 50 m (năm mươi mét);

c) Từ chân đầu kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét).

Điều 20. Phạm vi bảo vệ đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường và các công trình phục vụ quản lý đường là phạm vi vùng đất, vùng nước của công trình được UBND tỉnh quy định trong giấy phép sử dụng.

Điều 21. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không được quy định như sau:

1. Đối với đường là 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ tim mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng;

2. Đối với cầu là bộ phận kết cấu cao nhất của cầu, nhưng không thấp hơn 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ mặt sàn cầu trở lên theo phương thẳng đứng;

3. Chiều cao đường dây thông tin đi phía trên đường bộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ mặt đường đến đường dây thông tin là 5,50 m (năm mét năm mươi);

4. Chiều cao đường dây tải điện đi phía trên đường bộ hoặc gắn trực tiếp trên kết cấu của cầu phải bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải và an toàn lưới điện tùy theo điện áp cuả đường dây điện.

Điều 22. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với đường dây thông tin, dây tải điện (đã được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cho phép) lắp đặt trên cột điện, cột đường dây thông tin trong hành lang an toàn đường bộ phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu như sau:

1. Đối với cột có chiều cao (tính từ mặt đất tại chân cột đến đỉnh cột) lớn hơn 3,75 mét, thì khoảng cách tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh đường đào đến chân cột tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của cột;

2. Đối với cột có chiều cao (tính từ mặt đất tại chân cột đến đỉnh cột) nhỏ hơn hoặc bằng 3,75mét, thì khoảng cách tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh đường đào đến chân cột tối thiểu bằng 05 mét.

Điều 23. Hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ phía dưới mặt đất về nguyên tắc không có giới hạn. Trường hợp bắt buộc phải cho phép xây dựng công trình ngầm trong hành lang bảo vệ đường bộ thì phải được cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể trên cơ sở không gây mất an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, sửa chữa, nâng cấp của ngành đường bộ cũng như không làm ảnh hưởng đến quản lý khai thác của ngành có công trình ngầm. Khi đường bộ có nhu cầu nâng cấp mở rộng, sửa chữa gây ảnh hưởng đến bảo vệ, khai thác công trình ngầm thì cơ quan quản lý công trình ngầm có trách nhiệm di chuyển và chịu mọi phí tổn trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Điều 24. Đối với các công trình đường bộ đã nâng cấp cải tạo nhưng ở giai đoạn đầu chưa đúng với cấp đường quy hoạch thì hành lang bảo vệ vẫn phải xác định trên cơ sở cấp đường quy hoạch. Phạm vi bề rộng giải phóng mặt bằng hai bên đường đã được chủ dự án thực hiện khi nâng cấp, cải tạo đường nhằm đảm bảo an toàn cho thi công, an toàn cho quản lý khai thác nếu nhỏ hơn bề rộng hành lang bảo vệ của cấp đường quy hoạch thì không coi đó là bề rộng hành lang bảo vệ của đường.

Chương V

SỬ DỤNG, KHAI THÁC TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ

Điều 25.

1. Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông, vận tải đường bộ.

2. Việc xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng;

b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật (công trình ngầm đường cáp quang, đường dây tải điện, đường ống cấp nước, cấp xăng dầu, khi đốt, các công trình cột đường dây tải điện, cột đường dây thông tin) không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ.

c) Công trình phải bố trí trên cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm tính đồng bộ và tiết kiệm.

3. Chủ đầu tư công trình thiết yếu phải thực hiện đầy đủ các bước thỏa thuận, cấp giấy phép thi công theo quy định, đồng thời cam kết tự di chuyển công trình khi ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng và không đòi bồi thường.

Điều 26. Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải tuân theo các quy định sau:

1. Lập và duyệt dự án, thiết kế theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Phải được cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có thẩm quyền sau đây đồng ý bằng văn bản ngay từ khi lập dự án và chấp thuận hồ sơ thiết kế trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định:

a) Sở Giao thông Vận tải đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C liên quan đến đường địa phương (ngoài đô thị) và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến các đường thuộc phạm vi quản lý;

b) Sở Giao thông Vận tải hoặc Sở Xây dựng đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến đường đô thị theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Có giấy phép thi công bảo đảm an toàn giao thông của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền.

Điều 27. Việc khai thác, sử dụng trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

1. Được phép sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ để trồng cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả, cây lấy gỗ, nuôi trồng thủy sản, nhưng phải tuân theo các yêu cầu sau:

a) Đối với đường đắp, phải trồng cách mép chân đường ít nhất 01 m (một mét) đối với cây lương thực, hoa màu và ít nhất 02 m (hai mét) đối với cây ăn quả, cây lấy gỗ;

b) Đối với đường đào phải trồng cách mép đỉnh mái đường hoặc mép ngoài rãnh đỉnh ít nhất 06 m (sáu mét);

c) Chỉ được trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ có rễ ăn sâu và không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông đường bộ. Riêng tại các đoạn đường gần nơi đường giao nhau giữa đường bộ với đường bộ, giao cắt đường bộ với đường sắt và các vị trí ở phía bán kính nhỏ của đường cong dễ bị khuất tầm nhìn chỉ được trồng các loại cây thấp có chiều cao không quá 01 mét so với vai đường ở khu vực đó để không cản trở tầm nhìn.

d) Các ao, hồ nuôi trồng thủy sản phải cách mép chân đường một khoảng tối thiểu bằng mức chênh lệch về độ cao giữa mép chân nền đường đắp và đáy ao, hồ. Mức nước trong ao, hồ không được cao hơn cao độ chân nền đường;

đ) Các mương thủy lợi phải cách chân mái đường đắp một khoảng cách tối thiểu bằng chiều sâu của mương và mức nước trong mương không được cao hơn cao độ chân nền đường, trừ trường hợp lũ lụt.

2. Khi xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ phải xây dựng hệ thống đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và phải nối vào hệ thống đường nhánh hiện có trước khi nối với đường chính.

Trường hợp đường nhánh xây dựng mới được phép nối trực tiếp với đường chính hiện có thì điểm nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.

3. Các biển quảng cáo lắp đặt ở phần hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận và không được gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

4. Việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

5. Các trạm xăng dầu phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào trạm xăng dầu qua phần đất hành lang an toàn đường bộ bao gồm thiết kế điểm nối với đường hiện có, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của đoạn đường đang khai thác.

Điều 28. Việc sử dụng, khai thác ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn giao thông đường bộ, phải tuân theo các quy định sau:

1. Lò vôi, lò đúc kim loại, lò gạch, lò thủy tinh, lò gốm phải cách chân nền đường bộ ít nhất 25 m (hai lăm mét).

2. Nơi họp chợ và các điểm kinh doanh, dịch vụ phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và mọi hoạt động không được để ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.

3. Các kho chứa chất nổ, chất độc, chất dễ cháy; các mỏ khai thác bằng mìn ngoài việc phải ở ngoài hành lang an toàn đường bộ còn phải có một khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Các công trình khác ở ngoài hành lang an toàn đường bộ nhưng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và an toàn giao thông đường bộ phải được khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Điều 29.

1. Việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải tuân theo quy định về bảo đảm an toàn giao thông của Bộ Giao thông Vận tải.

2. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan phòng chống lụt bão có thẩm quyền có thể sử dụng công trình đường bộ phục vụ cho việc chống bão lụt, nhưng không được làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình; sau khi hoàn thành phải khôi phục lại trạng thái ban đầu của công trình đường bộ.

3. Trường hợp các cơ quan quản lý công trình đường bộ và cơ quan quản lý công trình thủy lợi đều có kế hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình phải kết hợp với nhau.

4. Việc xây dựng công trình mới làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình có trước hoặc làm trở ngại đến tác dụng của công trình đó thì cơ quan chủ quản công trình xây dựng mới phải có biện pháp xử lý bằng kỹ thuật theo sự thoả thuận của cơ quan chủ quản công trình cũ bị ảnh hưởng và chịu phí tổn để sửa chữa, khôi phục. Nếu đồng thời muốn cải tạo, mở rộng nâng cấp công trình có trước thì cơ quan chủ quản công trình cũ phải đầu tư phần tăng thêm.

Điều 30. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Đào, khoan, xẻ đường trái phép.

2. Mở đường nhánh nối vào đường chính trái phép.

3. Đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông.

4. Thả rông, chăn dắt súc vật trên mặt đường, mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, công trình phụ trợ khác của đường bộ.

5. Khai thác trái phép cát, đá, sỏi hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng tới an toàn công trình đường bộ.

6. Đào phá, đốt lửa, nổ mìn, neo buộc tầu thuyền hoặc gây ảnh hưởng đến an toàn cầu.

7. Tự ý leo trèo lên mố, trụ và dầm cầu.

8. Lấn, chiếm đất hành lang an toàn đường bộ dưới bất kỳ hình thức nào.

9. Các hành vi khác gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 31.

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác đường bộ (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng) trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải tuân theo quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ.

3. Mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình giao thông đường bộ có sự cố hoặc phát hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình giao thông đường bộ phải báo ngay cho đơn vị quản lý đường bộ, cơ quan công an hoặc UBND địa phương nơi gần nhất.

Điều 32. Tổ chức và phân cấp quản lý đường bộ được quy định như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Giao thông Vận tải quản lý các hệ thống đường tỉnh trong phạm vi toàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo trì và khai thác các hệ thống đường huyện, đường xã theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.

Điều 33. Các đường chuyên dùng, các đường được xây dựng theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (B.O.T), xây dựng – chuyển giao (BT) do tổ chức , cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phải tự tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 34. Tất cả các công trình có liên quan, ảnh hưởng đến an toàn đường bộ đều phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền tham gia ngay từ giai đoạn lập, thẩm định và trình duyệt dự án.

Điều 35.

1. Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trên các đoạn đường theo dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa phải có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ trong suốt thời gian thi công kể từ khi nhận đường cho đến khi bàn giao lại đường cho đơn vị quản lý khai thác.

2. Các chủ đầu tư khi bàn giao đường đã hoàn công cho đơn vị quản lý phải bàn giao đầy đủ hồ sơ giải phóng mặt bằng, mốc giải phóng mặt bằng và mốc ranh giới phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (mốc lộ giới) nếu có .

Điều 36. Các công trình bắt buộc phải xây dựng nằm trong HLATĐB hoặc nằm ngoài HLATĐB nhưng ảnh hưởng đến an toàn đường bộ, chủ dự án phải xin ý kiến thoả thuận của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền ngay từ khi lập dự án và chỉ được phép thi công các hạng mục ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ khi được cơ quan Cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ), Sở Giao thông Vận tải (đối với đường địa phương) cấp phép thi công.

Điều 37. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) chủ trì theo chỉ đạo, kiểm tra của UBND cấp huyện, thị với sự phối hợp của các đơn vị quản lý đường bộ cơ sở để chống lấn chiếm xây dựng trái phép và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn xã. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị tổ chức việc giải toả các vi phạm và quản lý việc sử dụng đất đai trong phạm vi HLATĐB phù hợp với pháp luật về đất đai, về xây dựng và về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn huyện, thị.

Điều 38. Việc sử dụng công trình trong phạm vi bảo vệ đường bộ phải theo đúng văn bản thoả thuận và giấy phép thi công của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.

Trước khi thi công và sau khi thi công xong phải báo cáo cho đơn vị trực tiếp quản lý công trình giao thông biết để kiểm tra.

Điều 39.

1. Việc xây dựng công trình thuỷ lợi có liên quan đến công trình đường bộ phải được sự thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền. Việc xây dựng công trình đường bộ có liên quan đến công trình thuỷ lợi phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý công trình thuỷ lợi;

2. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan phòng chống lụt bão, chống hạn, chống úng có thể sử dụng công trình giao thông đường bộ, nhưng không được làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình, và khi hoàn thành nhiệm vụ có trách nhiệm khôi phục nguyên trạng thái ban đầu của công trình giao thông đường bộ;

3. Việc quản lý, sử dụng những đoạn đê vừa là đường giao thông, vừa là đê phải tuân theo pháp luật về bảo vệ đê điều và pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên nguyên tắc ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo an toàn đê điều.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 40.

1. Tổ chức, cá nhân được khen thưởng theo quy định của Nhà nước khi có một trong những thành tích sau đây:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Đóng góp công sức, của cải vào việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường bộ, hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

2. Người thi hành công vụ có thành tích được khen thưởng theo chế độ chung đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước .

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ công trình giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 41. Cơ quan công an, thanh tra viên các ngành : Giao thông Vận tải , Xây dựng và UBND các huyện, thị , xã, phường, thị trấn được xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các Nghị định, văn bản pháp quy hiện hành.

Điều 42. Các quyết định xử phạt phải lập theo mẫu thống nhất . Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực mà đương sự không tự nguyện thi hành thì các cơ quan chức năng kiến nghị UBND huyện - thị hoặc tỉnh ra quyết định cưỡng chế thi hành.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 43. Xác định mốc thời gian để giải quyết và nguyên tắc giải quyết đối với công trình tồn tại trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ quy định như sau:

1. Xác định mốc thời gian:

a) Trước ngày 21 tháng 12 năm 1982;

b) Từ ngày 21 tháng 12 năm 1982 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2000;

c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến trước ngày Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 có hiệu lực.

2. Nguyên tắc giải quyết:

a) Dỡ bỏ ngay các công trình gây nguy hại đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn hoạt động giao thông vận tải đường bộ;

b) Những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao thông đường bộ thì trước mắt cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công trình phải cam kết không cơi nới, không phát triển và thực hiện việc dỡ bỏ công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) Việc bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị dỡ bỏ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Ngành giao thông vận tải, UBND các huyện - thị xã, căn cứ quyết định phân cấp quản lý đường của UBND tỉnh, có trách nhiệm :

1. Tổ chức quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa đường, trồng cọc tiêu, biển báo, … và thường xuyên kiểm tra, phát hiện các sự cố trên đường để sửa chữa kịp thời bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

2. Hướng dẫn về tốc độ, tải trọng cho phép chạy trên đường, cấp giấy phép các loại xe quá khổ, quá tải, bánh xích … theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

3. Cử lực lượng thanh tra giao thông cùng với chính quyền các huyện - thị giải tỏa lòng lề đường.

Điều 45. Đối với ngành Công an

1. Lực lượng công an có trách nhiệm tổ chức tuần tra kiểm sóat trên đường , bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hệ thống đường bộ.

2. Là lực lượng chính trong việc xử lý các vi phạm và hổ trợ trong việc thực hiện cưỡng chế.

Điều 46. UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm :

1. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin công cộng, tổ chức học tập đến các tổ dân phố để các tổ chức cá nhân có ý thức bảo vệ đường bộ, bảo vệ tài sản Quốc gia, nghiêm chỉnh chấp hành quy định bảo vệ đường bộ.

2. Tổ chức bảo vệ hệ thống đường bộ trong địa phương mình để ngăn chặn các hành động vi phạm .

 

PHỤ LỤC

PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG QUỐC LỘ VÀ ĐƯỜNG TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định số: 272/2006/QĐ-UBND ngày 25/12/2006 Ủy ban nhân dân tỉnh).

Tên đường

Điểm đầu

Điểm cuối

Cấp đường theo quy hoạch được duyệt

Bề rộng 1/2 Nền đường + mương (mét)

Hành lang an toàn theo Nghị định 186/2004/NĐ-CP (mét)

Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy đổi về tim (mét)

I. ĐƯỜNG TW

 

 

 

 

 

 

QL13

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Cầu Vĩnh Bình (ranh TP.HCM)

Ngã 3 đài vệ tinh mặt đất

II

12

20

32

Đoạn 2

Ngã 3 đài vệ tinh mặt đất

Cầu Tham Rớt (ranh tỉnh Bình Phước)

II

11

20

31

QL1K

Ranh TP.HCM

Ranh tỉnh Đồng Nai

II

7

20

27

II. ĐƯỜNG TỈNH

 

 

 

 

 

 

ĐT741

Ngã 4 Sở Sao

Bàu Trư (ranh tỉnh Bình Phước)

II

7

20

27

ĐT742

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Km3+500

Km11+200

III

6

15

21

Đoạn 2

Km11+200

Ngã ba giáp ĐT747

III

6

15

21

ĐT743a

Km2+500 (cơ sở cám Phú Lợi)

Km22+000 (ngã ba Bình Thung)

II

7

20

27

ĐT743a

Ngã 3 Bình Thung

Cầu Tân Vạn (ranh tỉnh Đồng Nai)

III

6

15

21

ĐT743b

Ngã 4 An Phú

Khu CN Sóng Thần

II

7

20

27

ĐT743c

Cầu Ông Bố

Ngã 3 Đông Tân

III

6

15

21

ĐT744

Ngã 3 Suối Giữa

Ngã 3 Minh Hòa

III

6

15

21

ĐT745

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Ngã 4 Phú Văn

Phường Phú Thọ - ranh TT.An Thạnh

III

6

15

21

Đoạn 2

Cầu Bà Hai

Xã Bình Nhâm - ranh TT. Lái Thiêu

III

6

15

21

ĐT746

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Ngã 3 Bình Quới (giáp ĐT743)

Ngã 3 Bình Hóa (giáp ĐT747)

III

6

15

21

Đoạn 2

Ngã 3 Mùa Muộn

Hiếu Liêm

III

6

15

21

Đoạn 3

Hiếu Liêm

Hội Nghĩa

III

6

15

21

ĐT747a

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Cầu Ông Tiếp

Cầu Rạch Tre

III

6

15

21

Đoạn 2

Dốc Bà Nghĩa

Ngã 3 Cổng Xanh (giáp ĐT741)

III

6

15

21

ĐT747b

 

 

 

 

 

 

Đoạn 1

Ngã 3 Tân Ba

Ngã 4 Miếu Ông Cù

III

6

15

21

Đoạn 2

Ngã 4 Miếu Ông Cù

Hội Nghĩa

III

6

15

21

ĐT748

Ngã 4 Phú Thứ

Ngã 3 Giáng Hương lộ 30

III

6

15

21

ĐT749a

Trạm biến điện 35KV (TT.Mỹ Phước)

Ngã 3 Minh Thạnh

III

6

15

21

ĐT749b

Cầu Bà Và

Cầu Bưng Bàng (ranh T.Tây Ninh)

III

6

15

21

ĐT750

Ngã 3 Bố Lá

Dầu Tiếng

III

6

15

21

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 272/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu: 272/2006/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
Ngày ban hành: 25/12/2006
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [2]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 272/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [9]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…