Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 348-NĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1955 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH LUẬT ĐI ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Theo đề nghị của Nha Giao thông và sau khi đã được Thủ tướng Phủ thông qua, các Bộ Nội vụ, Tư pháp và Công an đồng ý,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: -  Nay ban hành luật đi đường bộ kèm theo nghị định này để áp dụng trong toàn quốc.

Điều 2: - Các ông Chánh Văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, Giám đốc Nha Giao thông, Chủ tịch Uỷ ban hành chính các Liên khu Việt-bắc, 3, 4 Khu Tự trị Thái –Mèo, Khu Tả-ngạn, Hồng -quảng, các thành phố Hà-nội và Hải-phòng thi hành nghị định này.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG


 
 

Lê Dung

LUẬT ĐI ĐƯỜNG

Chương 1:

MỤC ĐÍCH – NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Mục đích- Bản luật đi đường bộ này áp dụng cho người, súc vật, xe cộ đi trên các đường công cộng và nhằm:

a) Đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại và vận chuyển trên các đường giao thông và trong các đường phố.

b) Đảm bảo an toàn cho nhân dân ở ven đường giao thông cũng như ở trong những thành phố hay thị trấn.

c) Giữ gìn trật tự giao thông làm cho sự đi lại và vận chuyển được dễ dàng thuận tiện.

d) Bảo vệ đường sá, cầu, cống, phà, biển báo hiệu và các công trình giao thông khác xây dựng trên đường.

Điều 2: Phía đi: - Trên các đường giao thông cũng như các đường phố, tất cả các loại xe cộ trừ xe lửa và xe điện có đường riêng, chạy bằng động cơ hay do sức người, súc vật kéo đẩy, người đi ngựa, người đi bộ đều phải đi về phía tay phải mình.

Điều 3: - Tránh, vượt: - Người đi bộ, người cưỡi ngựa, người dắt súc vật và tất cả các loại xe cộ đều phải tránh nhau về bên phải và vượt về bên trái mình trừ trường hợp vượt xe điện quy định ở điều 21.

Điều 4: - Lối đi riêng- Khi một đường hay một phần đường đã dành riêng cho người đi bộ hay cho một loại xe nào thì chỉ người đi bộ hoặc loại xe ấy được đi mà thôi.

Điều 5: - Ngã ba, ngã tư đường – Khi đến gần ngã ba, ngã tư đường xe cộ phải giảm bớt tốc độ, đi sát về bên phải và đồng thời báo hiệu bằng chuông hay còi, cho các ngả đường biết có xe mình đi tới.

Nếu cùng một lúc ở các ngả đường cũng có xe đi tới, xe nào thấy đường bên phải mình không có xe thì được đi trước. Luật này không áp dụng cho đường có ưu tiên, xe chạy trên đường không có ưu tiên phải tuyệt đối nhường đường cho xe chạy trên đường có ưu tiên.

Xe ở trong nhà ra hoặc ở ngõ hẹp ra đường phải nhường đường cho xe đi trên đường, bất cứ ở bên tay phải hay bên tay trái mình.

Điều 6: - Tốc độ - Người lái xe lúc nào cũng phải làm chủ được tốc độ xe của mình. Trong những trường hợp dưới đây, cần phải giảm tốc độ hoặc đỗ hẳn để tránh tai nạn có thể xẩy ra:

a) Qua thành phố và thị trấn.

b) Tới ngã ba, ngả tư đường, qua cầu, qua những quãng đường nguy hiểm vì đường hẹp, ngoặt, cong, chữ chỉ, hoặc bị che khuất.

c) Qua những nơi có nhiều người tập hợp (đám ma, đám cưới, đám rước, biểu tình, bộ đội hành quân, dân công di chuyển, trường học đang tan, chợ đang họp v.v…)

d) Khi tránh các xe cộ khác hoặc thấy bất cứ một chứng ngại vật nào trên đường.

e) Khi không trông rõ đường như bị sương mù, khói, bụi, gió lốc, trời gần tối, chưa sáng. v.v..

Điều 7: -Xe và các bộ phận xe – Xe và các bộ phận của xe phải chắc chắn, tốt, phải đủ còi, chuông báo hiệu, phanh hãm và phải được luôn luôn giữ gìn cho tốt để đảm bảo an toàn.

Điều 8: - Bánh xe- Bánh xe bò bằng sắt phải đủ rộng để khỏi làm hư hại đường. Bề rộng tính theo trọng tải xe, cứ 60kg là 1cm cho mỗi bên bánh và bề rộng tối thiểu phải là 6cm.

Xe cơ giới, loại bánh có xích không được chạy trên đường ô tô, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan giao thông cho phép.

Điều 9: - Xe quệt, kéo gỗ: - Trên đường ô tô không được kéo gỗ, kéo xe quệt, trừ trường hợp đặc biệt có phép riêng của cơ quan giao thông địa phương.

Điều 10: - Đỗ xe:

a) Xe cộ các loại không được đỗ, người cưỡi ngựa không được dừng ngựa ở dọc đường nếu không có lý do chính đáng.

Nếu vì một lý do cần đỗ hay dừng ngựa ở dọc đường phải ra hiệu trước cho phía sau mình biết. Khi đỗ xe hay dừng ngựa phải đỗ dừng sát vệ đường, bên tay phải, để sự đi lại không bị cản trở và không được làm cản lối đi ngang vào các nhà ven đường. Các xe ô tô, mô tô trước khi đỗ phải bóp còi báo hiệu.

Nếu vì bị hư hỏng hay vì tai nạn, xe phải nằm ở dọc đường, hàng hóa trên xe dỡ xuống chưa kịp mang đi, người điều khiển xe phải bố trí thu xếp để sự đi lại không bị cản trở, không nguy hiểm.

b) Cấm tất cả các loại xe lớn, xe cộ xếp hàng hoá cồng kềnh (ô tô, xe bò, xe ba gác) không được đỗ ở những nơi quy định dưới đây:

Đầu ngã ba, ngã tư, đường cong, đầu dốc, chân dốc, giữa dốc, đầu cầu, trong cầu, chợ, trường học, chỗ khách lên xuống xe điện, cổng ra vào của xe ô tô nhà tư hay cơ quan. Muốn đỗ phải đỗ cách những nơi quy định trên ít nhất là 50 mét trừ trường hợp có chỗ dành riêng.

Điều 11: - Đi đêm – Xe cộ đi đêm phải có đèn như đã quy định cho từng loại xe.

Điều 12: - Qua cầu, phà – Các cầu, phà có biển hạn định trọng tải, xe cộ nặng quá trọng tải hạn định nhất thiết không được qua.

Khi cho xe xuống phà hay qua cầu phải lái xe vào giữa phà hay giữa cầu hoặc giữa lối dành cho xe.

Điều 13: - Trọng tải: - Bất cứ loại xe nào đều không được chuyên chở quá trọng tải đã ấn định trong giấy phép sử dụng xe.

Điều 14: - Trật tự - Xe các loại, có hay không có động cơ, người cưỡi ngựa, người đi bộ, người khuân vác nặng cồng kềnh, đều phải giữ gìn trật tự, tránh những hành động có thể làm trở ngại cho sự đi lại của người khác, hoặc có thể gây ra tai nạn như:

- Ganh nhau chạy nhanh chèn nhau trên đường hoặc khi qua cầu, phà.

- Đi hàng ngang choán mất đường.

- Bám xe ô tô, mô tô, xe điện.

- Buông tay lái trong khi xe đang chạy.

- Nhảy lên, nhảy xuống xe trong khi xe đang chạy.

- Nghe còi hay chuông báo hiệu không tránh ngay.

- Ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ, khi đi qua các thành phố, thị xã hoặc bất cứ nơi nào có đông nhân dân ở, đều không được làm ồn ào bằng cách bóp còi xe, bấm chuông liên tiếp, rú ga, thử máy, hò hát v.v…

- Khi đi qua các khu vực an dưỡng đường và nhà thương, xe cộ phải giữ trật tự, yên tĩnh, bất cứ nơi nào.

- Phải tuyệt đối tuân theo các biển báo hiệu, mũi tên chỉ đường, sự chỉ dẫn của nhân viên cảnh sát giao thông và của người phụ trách cầu, phà.

- Xe chuyên chở hành khách không được lôi kéo tranh giành hành khách.

- Phải nhường đường hay lối đi cho những xe cộ hay toán người có quyền ưu tiên quy định ở điều 5, 22, 24.

Chương 2:

LUẬT ÁP DỤNG RIÊNG CHO XE Ô TÔ, MÔ TÔ VÀ XE ĐẠP CÓ ĐỘNG CƠ

Điều 15: Xe được phép chạy: - Chỉ những xe cộ đủ giấy tờ hợp thức như đã quy định trong bản thể lệ vận tải bộ mới được phép chạy.

Điều 16: - Người lái xe: - Lái xe ô tô, mô tô phải có bằng cầm lái. Thể thức sát hạch, cấp bằng cầm lái quy định riêng trong bản thể lệ vận tải bộ.

Điều 17: Xếp hàng: - Không được xếp hàng chờm ra ngoài bề ngang thùng xe và cao quá 3m tính từ mặt đất. Trường hợp vận chuyển đặc biệt quá khổ phải có giấy phép do cơ quan giao thông cấp.

Điều 18: - Trong thị trấn, thành phố hay qua những nơi đông đúc, xe ô tô, mô tô không được để đèn pha mà chỉ được để đèn cột.

Điều 19:- Tốc độ tối đa xe ô tô và mô tô tạm quy định như dưới đây:

a) Đường đồng bằng xe ô tô lớn 50km một giờ.

                              xe ô tô con và xe mô tô 60km một giờ.

b) Đường đồi, xe ô tô lớn 30 km một giờ.

                     xe ô tô con và xe mô tô 40km một giờ.

c) Đường rừng núi, xe ô tô lớn 20km một giờ.

                            xe ô tô con và xe mô tô 30km một giờ.

Trong thành phố, ở ngoại ô hay trong thị trấn tốc độ xe chạy không được quá 20km một giờ, trừ xe chữa cháy, xe hộ đê, xe cứu thương, xe quân sự hay xe công an có việc khẩn cấp.

Những tốc độ trên đều phải hạn chế trong mọi trường hợp nói ở điều 22, 23, 25 và 26.

Trường hợp đường ô tô và đường xe lửa là hai đường song hành và sát nhau thì ô tô không được chạy song song với xe lửa, phải chạy chậm lại hoặc vượt xe lửa để tránh tai nạn có thể xẩy ra.

Điều 20: - Tránh xe: - Gặp nhau trên một đường rộng, cả hai xe đều phải bấm còi báo hiệu, ban đêm phải tắt đèn pha, để đèn cột, cả 2 xe đều phải giảm bớt tốc độ và đều tránh về phía tay phải của mình. Nếu đường hẹp hoặc nguy hiểm, cả hai xe đều phải đi rất chậm, nếu cần, một xe đỗ hẳn lại.

Tránh nhau ở giữa dốc, xe ở trên dốc xuống phải đỗ lại cho xe dưới dốc tiến lên.

Trường hợp hai xe gặp nhau, xe nào trước mặt bị vướng thì phải đỗ lại để nhường cho xe bên kia đi trước.

Trên quãng đường hẹp chỉ vừa một xe đi và có bố trí chỗ tránh thì xe nào gần chỗ tránh hơn sẽ phải lui lại chỗ tránh cho xe kia đi.

Điều 21: - Vượt xe: - Xe chạy chậm (chạy từng cái hay từng đoàn) phải nhường đường cho xe hay đoàn xe sau chạy nhanh hơn khi đã có báo hiệu muốn vượt.

Xe muốn vượt phải bấm còi, ban đêm có thể báo hiệu bằng cách nhấp nháy đèn pha, giảm bớt tốc độ, xe trước phải tránh sát sang phía tay phải và ra hiệu cho xe sau vượt, xe sau chỉ được vượt khi xe trước đã tránh xong; xe được vượt sẽ từ từ vượt sang phía tay trái khi đã vượt qua phải từ từ sang bên phải, không được mới nhô lên mà đã lái ngay sang bên phải. Trước khi vượt hoặc để vượt phải biết chắc chắn phía trước mặt không có một xe khác bất cứ loại nào đang đi lại phía mình.

Riêng khi vượt xe điện thì vượt bên phải nếu đường xe điện ở giữa đường ô tô, nhưng phải bóp còi luôn. Nếu xe điện đỗ lại cho hành khách lên xuống thì ô tô hay mô tô cũng phải đỗ lại để hành khách lên xuống xong mới được chạy.

Trường hợp xe ô tô không được vượt nhau:

1) Đầu ngã ba, ngã tư đường, chân dốc, đầu dốc, giữa dốc, đầu cầu, giữa cầu (trừ cầu có chỗ vượt) và những nơi đông người.

2) Sương mù, xe cách nhau 100 mét không trông thấy nhau.

3) Xe loại thường gặp các loại xe có ưu tiên như xe chữa cháy, hộ đê, cứu thương, xe quân sự, hay xe công an có việc khẩn cấp. Nếu muốn vượt phải có sự đồng ý của người chỉ huy các loại xe ấy.

Điều 22: - Ngã ba và ngã tư đường: - Khi đến ngã ba hay ngã tư đường, xe ô tô, mô tô đều phải báo hiệu cho mọi người biết, đồng thời giảm bớt tốc độ và khi muốn rẽ sang đường khác, phải báo hiệu: ban ngày giơ tay, ban đêm xe ô tô phải dùng đèn đỏ (đèn đỏ ở hai bên sườn và phía sau xe). Trong các thành phố nhiều xe chạy, khi đến ngã ba hay ngã tư phố, người lái xe tuyệt đối phải tuân theo sự chỉ dẫn của cảnh sát giao thông. Trường hợp không có cảnh sát giao thông hướng dẫn và nếu cũng là loại xe thường thì xe nào thấy đường phía tay phải mình không có xe đi đến, được đi trước, rồi lần lượt đến xe khác.

Trường hợp 2, 3 xe cùng đến một lúc trong đó có những xe được ưu tiên như: chữa cháy, hộ đê, cứu thương, quân sự, chở thư, v.v… thì những xe ấy được đi trước.

Nếu 3, 4 xe đều là loại xe ưu tiên cùng đến đầu ngã ba hay ngã tư một lúc thì xe nào bấm còi xin đường trước được đi trước rồi các xe khác lần lượt đi theo đúng thể lệ đã quy định ở điều 5.

Điều 23: - Qua cầu -  Xe qua cầu phải giảm bớt tốc độ. Nếu có bảng hạn định tốc độ và trọng tải thì phải triệt để tuân theo.

Trường hợp cùng đi một chiều, có xe bò, xe đạp, xe xích lô, súc vật v.v… đã chớm vào cầu rồi bắt buộc xe ô tô, mô tô phải đi sau các xe đó cho đến khi qua hết cầu hay đến chỗ tránh đầu tiên trên cầu mới được vượt lên trước.

Trường hợp đầu cầu bên kia có xe đã chớm vào cầu hoặc đã đến gần cầu hơn mình thì phải đỗ lại để cho xe bên kia đi trước.

Qua những cầu gỗ ngắn, 10 mét hay 15 mét, hai xe ô tô cùng chở nặng không được đi trên cầu cùng một lúc, trường hợp xe trước kéo xe sau bị hỏng thì phải nối dài giây kéo để xe qua cầu từng cái một.

Nếu có hai làn băng bánh xe, phải lái cho bánh xe đi đúng giữa làn băng đó.

Khi qua cầu chung với đường xe lửa có người gác, sự đi lại nhất thiết phải theo sự hướng dẫn của người gác.

Điều 24: - Qua phà – Khi xe qua phà, tất cả người ngồi trên xe phải xuống xe, người lái xe tuyệt đối phải theo sự điều khiển của người phụ trách bến phà, xe đến trước được đi trước, xe đến sau đi sau, trừ trường hợp những xe chở thư và những xe có nhiệm vụ khẩn cấp khác được quyền ưu tiên.

Trường hợp các loại xe được quyền ưu tiên trên cùng đến bến phà một lúc thì phải tuỳ theo thời bình hay thời chiến mà theo thứ tự dưới đây:

Thời bình:

1) Xe chữa cháy.

2) Xe hộ đê

3) Xe quân sự hay xe công an có nhiệm vụ khẩn cấp.

4) Xe cứu thương.

5) Xe chở thư.

6) Xe quân sự nói chung.

Thời chiến

1) Xe quân sự

2) Xe công an có nhiệm vụ khẩn cấp

3) Xe chữa cháy.

4) Xe hộ đê.

5) Xe cứu thương.

6) Xe chở thư.

Điều 25: - Qua đường xe lửa: - Khi thấy có biển báo hiệu qua đường xe lửa, người lái xe ô tô hay mô tô phải giảm bớt tốc độ.

Trường hợp có người gác thì phải tuân theo sự chỉ dẫn của người gác.

Trường hợp không có người gác và nếu có xe lửa, ô tô ray hay xe goòng đang đi lại thì phải đỗ lại cho các xe ấy qua đã rồi mới được đi.

Điều 26: Qua những đám đông người: - Xe ô tô, mô tô trước khi qua chỗ  đông người như hội hè, chợ, ga xe lửa, đám cưới, biểu tình, v.v… phải giảm hẳn tốc độ và bóp còi luôn luôn. Nếu gặp đám ma cũng phải giảm tốc độ nhưng không bóp còi, muốn vượt qua chỉ nên rú máy mà thôi.

Điều 27: - Qua nơi đông súc vật: - Trước khi qua chỗ đông trâu, bò, lừa, ngựa, v.v… xe ô tô, mô tô có thể bấm còi nhưng khi bắt đầu đi sát tới súc vật không nên bấm còi nữa làm chúng hoảng sợ.

Điều 28: - Xe có rơ-moóc: - Xe có rơ-moóc kéo đằng sau, phải có dấu hiệu riêng: ban ngày bằng biển  hình tam giác sơn màu vàng cắm để trên mui ca-bin, ban đêm bằng những mắt kính đỏ hình tròn có phản ánh (ca-ta-phốt) đặt ở đầu xe và cuối rơ moóc.

Trường hợp một xe kéo nhiều rơ-moóc thành một đoàn xe liên tiếp thì chiếc rơ-moóc cuối cùng phải mang ở đằng sau biển số hiệu của xe kéo. Ban đêm và ban ngày phải có dấu hiệu như trên đặt ở đầu xe và sau rơ-moóc cuối cùng.

Trong một đoàn xe như thế, các xe phải nối với nhau thật chắc chắn.

Điều 29: - Xe đi từng đoàn: - Trừ xe quân sự, các xe ô tô đi từng đoàn thì mỗi đoàn không được dài quá 250 mét, đoàn nọ cách đoàn kia ít nhất kà 100 mét, xe nọ phải cách xe kia ít nhất là 20 mét. Xe ô tô, mô tô hay xe đạp máy khi đi từng đoàn đều phải đi theo hàng một.

Điều 30: - Xe làm vận tải công cộng: - Các xe vận tải công cộng: xe ô tô chuyên chở hành khách hàng hóa, xe ta-xi, đều phải tuân theo thể lệ vận tải hiện hành cụ thể những khoản chính dưới đây:

a) Các xe vận tải công cộng phải đỗ ở những bến do chính quyền địa phương ấn định và phải triệt để chấp hành thể lệ quy định cho mỗi bên.

b) Không được xếp hành khách hoặc hàng hóa quá số đã ghi trong giấy phép.

c) Không được để người ngồi trên mui hoặc bám vào thành xe dù là người làm xe. Trước khi xe chạy các cửa lên xuống phải đóng và gài thật chắc chắn.

d) Không được chở hành khách cùng một chuyến với các thứ thuốc nổ hoặc các chất dễ cháy, hay các súc vật và các thứ hàng nặng mùi, tanh hôi.

e) Xe phải giữ gìn sạch sẽ.

f) Hàng hóa chất trên mui xe phải ràng buộc chắc chắn không được xếp hàng cao quá mức đã quy định ở điều 17.

Chương 3:

LUẬT ÁP DỤNG CHO CÁC LOẠI XE KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ

Điều 31: - Kiểm tra xe: - Xe xích lô, xe bò, ngựa làm vận tải chuyên nghiệp cứ 6 tháng một kỳ khám xét lại toàn bộ.

Mỗi xe phải có: biển tên, tên hiệu, địa chỉ người chủ xe, số thứ tự (theo thứ tự đoàn xe của người chủ xe).

Người điều khiển phải được sát hạch cách lượn, tránh, vượt và một số biển báo hiệu cần thiết.

Điều 32: - Trọng tải, xếp hàng – Xe trâu, xe bò, xe ngựa không được chuyên chở nặng quá 350 kg.

Nếu là hàng cồng kềnh không được xếp cao quá 2 mét kể từ mặt đất trở lên, không được xếp tre nứa, gỗ dài quá 10 mét để kéo lê trên mặt đường.

Xe xích lô không được chở nặng quá 1 tạ 50 hoặc hàng cồng kềnh, không được chở quá 2 người lớn. Nếu chở cả người và hàng hóa thì tối đa là một người và 1tạ hàng.

Điều 33: - Bộ phận xe, người điều khiển- Xe đạp, xe đạp thồ, xe xích lô, xe do người, hoặc súc vật đẩy kéo đều phải có đủ các bộ phận chắc chắn tốt (trục xe, khung xe, bánh xe và bộ phận hãm hay giây kéo).

Xe súc vật kéo phải có người điều khiển, mỗi xe gióng trên 2 súc vật phải thêm 1 người phụ, người kéo xe bò và xe đạp xích lô phải đủ sức khỏe, không được dưới 18 tuổi và trên 50 tuổi.

Điều 34: - Xe đi từng đoàn: - Nếu đoàn xe đạp thồ, xe xích lô, xe bò, xe ngựa kéo đi hàng một quá dài thì phải tách ra từng đoàn 60 mét, đoàn nọ cách đoàn kia ít nhất 25 mét, xe nọ cách xe kia ít nhất là 3 mét.

Tất cả các loại xe này khi đi từng đoàn phải đi hàng một về bên tay phải.

Điều 35: - Qua cầu, qua phà- Những cầu đã có chắn ngang hay rào cấm, xe đạp, xe đạp thồ, xe bò, xe xích lô, xe ngựa, tuyệt đối không được qua.

Khi qua cầu treo, cầu phao hay phà phải theo quy tắc đã niêm yết ở hai đầu cầu hay bến phà.

Cấm không được đi xe đạp trên cầu treo.

Khi qua phà các xe cộ súc vật kéo, người kéo hay người đẩy phải theo đúng quy tắc ấn định ở điều 24, quyền ưu tiên là của xe ô tô và mô tô.

Chương 4:

LUẬT ÁP DỤNG CHO NGƯỜI ĐI BỘ VÀ SÚC VẬT ĐI ĐƯỜNG

Điều 36: - Người đi bộ- Người đi bộ, đi không hay có gánh vác, phải đi về phía tay phải của mình, không được làm cản trở sự đi lại của xe cộ.

Khi thấy có báo hiệu (tiếng còi, tiếng chuông hay tiếng nhạc ngựa) phải tránh vào mép đường, phía tay phải mình. Khi có xe tới gần không được chạy ngang qua đường, gánh vác những thứ hàng nặng, cồng kềnh không được trở vai.

Trong thành phố hay những đường có lề, người đi bộ chỉ được đi trên hè và lề đường.

Khi qua đường nhất là đến các ngã ba, ngã tư có nhiều xe cộ phải nhìn trước nhìn sau, chắc chắn không có xe qua lại mới được sang.

Điều 37: - Người đi từng đoàn- Khi người đi bộ đi từng đoàn phải đi theo hàng một sát về phía tay phải. Các tổ chức tập thể (bộ đội hành quân, dân công di chuyển, thiếu nhi, v.v…) có thể tuỳ trường hợp xếp hàng 2, 3, 4 xong cần có chỉ huy thống nhất, phải đi sát vào lề đường phía tay phải, tránh làm trở ngại cho sự đi lại chung. Khi đoàn đi qua ngã ba, ngã tư gặp các xe ô tô, mô tô thì phải đứng lại cắt hàng, nhường cho xe đi trước.

Điều 38: - Tụ họp ở dọc đường – Những người đi bộ không được tụ họp hoặc đặt gánh hàng ngổn ngang trên mặt đường.

Ở trên đường ô tô không được họp chợ, không được vất ra mặt đường những đồ vật làm cản trở sự đi lại hoặc có thể gây ra nguy hiểm.

Điều 39: - Súc vật đi từng đoàn- Đại gia súc đi hàng đàn trên đường ô tô, cứ 5 con (mức tối đa) phải có một người chăn dắt trừ trường hợp chỉ đi ngang qua đường.

Ở các thành phố phải cho gia súc đi vào những giờ nghỉ, ít xe cộ đi lại, như sáng sớm, buổi trưa và buổi tối.

Cấm ngặt không được buộc súc vật trên đường ô tô.

Điều 40: - Súc vật thả rông không có người chăn giữ - Cấm không được thả rông súc vật trên đường ô tô kể cả những súc vật kéo xe, tải hàng hay để cưỡi.

Cấm chăn trâu, bò, ngựa, dê, v.v… ở hai bên vệ đường hay mái đường xe hơi.

Chương 5:

TAI NẠN - CHẤP HÀNH LUẬT ĐI ĐƯỜNG - TRỪNG PHẠT

Điều 41: - Tai nạn- Tất cả các loại xe, người cưỡi ngựa, người hướng dẫn súc vật và người đi bộ, một lý do gì, vô tình hay hữu ý đã gây ra tai nạn làm thiệt hại đến tính mệnh tài sản của nhân dân thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ xe còn có trách nhiệm bồi thường, nếu tòa án xử bắt bồi thường.

Mỗi khi xẩy ra tai nạn nhất thiết phải dừng lại tại chỗ để nhân viên có thẩm quyền đến lập biên bản nhận xét.

Xe ô tô qua nơi xẩy ra tai nạn có người bị thương đều có trách nhiệm tải người bị thương đến trạm cứu thương, bệnh xá hay bệnh viện gần nhất, trừ những xe đang chở quân nhu đầy không còn chỗ, xe chữa cháy, xe hộ đê, xe công an, xe quân sự có việc khẩn cấp. Người trốn tránh trách nhiệm tải thương có thể bị xử phạt.

Điều 42: - Nhiệm vụ chấp hành luật đi đường- Công dân nước Việt-nam dân chủ cộng hòa và ngoại kiều, ai nấy đều có nhiệm vụ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật đi đường bộ này.

Điều 43: - Trừng phạt phạm pháp:

a) Phạm vào luật đi đường này sẽ bị trừng phạt như dưới đây:

- Phê bình cảnh cáo.

- Phạt tiền từ 400 đến 1.000đ cho người, xe không động cơ và súc vật, từ 1.000 đến 20.000đ cho xe có động cơ. Mức phạt tiền này áp dụng trong toàn quốc, những quy định trái với mục này đều bãi bỏ.

- Thu hồi giấy phép chạy xe, giấy phép kinh doanh trong một thời gian hay vĩnh viễn.

- Thu hồi bằng lái xe trong một thời hạn hoặc vĩnh viễn

- Truy tố trước tòa án.

Tuỳ trường hợp nặng, nhẹ có thể áp dụng một hay hai, ba cách trừng phạt trên.

b) Những trường hợp sau đây sẽ đưa ra tòa án:

- Trốn tránh sau khi gây tai nạn.

- Xẩy tai nạn chết người hay làm bị thương nặng .

- Người gây ra tai nạn không chịu sự xử lý của nhân viên có thẩm quyền kiểm soát giao thông.

c) Được quyền lập biên bản các vụ phạm pháp:

- Công an viên trật tự các cấp.

- Thẩm phán tòa án nhân dân huyện và thị xã.

- Công tố uỷ viên tòa án nhân dân tỉnh và thành phố.

- Trưởng ty và Phó trưởng ty giao thông.

d) Những việc phạm pháp nói trên, trừ trường hợp nói trong khoản b) đều giao Uỷ ban hành chính xã, các đồn công an, đội cảnh sát giao thông giải quyết trước bằng cách phê bình,  cảnh cáo, điều đỉnh, phạt tiền từ 400 đến 1.000 là tối đa.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 44: - Phạm vi áp dụng- Bản luật đi đường này áp dụng trong cả nước Việt-nam dân chủ cộng hòa cho tất cả các loại xe cộ hay không có động cơ (trừ xe hỏa, xe điện) người cưỡi ngựa, người đi bộ, súc vật đi trên các đường giao thông, trong các thành phố, thị trấn.


 

 

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định 348-NĐ năm 1955 ban hành luật đi đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện

Số hiệu: 348-NĐ
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký: Lê Dung
Ngày ban hành: 13/12/1955
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định 348-NĐ năm 1955 ban hành luật đi đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…