Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 23 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH NĂM 2018

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 3067/QĐ-BGTVT ngày 11/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020;

Căn cứ Quyết định số 46/2017/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã và đường chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc Ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến quốc lộ, đường 229 và đường tỉnh trên địa bàn tỉnh;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, với các nội dung cụ thể:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn và địa phương trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

- Chấn chỉnh và lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

- Lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Yêu cầu

- Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thuận lợi theo quy định của pháp luật. Cưỡng chế và giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Việc xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; các vi phạm phải được xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo việc xử lý có hiệu quả, đồng thời có biện pháp duy trì chống tái vi phạm.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Việc ra quân đảm bảo nghiêm túc, đúng mục đích, không hình thức, phô trương, không gây cản trở đến việc kinh doanh, sản xuất, đi lại của tổ chức, cá nhân; đề cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, Ban ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh, tránh tình trạng hình thức, chung chung.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi triển khai: Các tuyến Quốc lộ, đường 229, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là khu đô thị, khu đông dân cư.

2. Công tác triển khai thực hiện và thời gian thực hiện: Căn cứ các hành vi vi phạm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, tiến hành triển khai thực hiện như sau:

2.1. Giai đoạn 1

- Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân các huyện, xã, phường, thị trấn:

+ Ra quân dọn dẹp rác thải, vệ sinh sạch sẽ mặt đường, lề đường. Tổ chức phát quang và cắt tỉa cây ảnh hưởng đến tầm nhìn.

+ Bố trí và tổ chức lực lượng tuần đường, phát hiện kịp thời vi phạm ngay từ lúc đầu; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông.

+ Tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân chủ động tháo dỡ các công trình vi phạm.

- Thời gian thực hiện trong tháng 5/2018 - 6/2018.

2.2. Giai đoạn 2

- Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tổng hợp, phân loại các trường hợp vi phạm, Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển vụ việc vi phạm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

- Trường hợp đã lập hồ sơ vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà đối tượng không chấp hành, cần phải tổ chức cưỡng chế, thì căn cứ các quy định của pháp luật Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố huy động lực lượng Công an huyện, xã, phường, thị trấn, phối hợp với các lực lượng chức năng được giao quản lý trên địa bàn cùng với phương tiện, công cụ hỗ trợ tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Việc tổ chức cưỡng chế (khi đập, phá, dỡ các công trình xây dựng) phải xác định rõ phạm vi, chỉ giới xây dựng, giấy phép xây dựng, đảm bảo việc cưỡng chế đúng quy định của pháp luật.

- Thời gian thực hiện trong tháng 7/2018 - 8/2018 tập trung xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm.

2.3. Giai đoạn 3

- Sơ kết, tổng kết và đánh giá việc thực hiện.

- Biểu dương, khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Thời gian thực hiện: Dự kiến Quý IV năm 2018.

3. Chế độ báo cáo: Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả xử lý các vụ việc vi phạm trên địa bàn quản lý về Sở Giao thông vận tải: Báo cáo tháng trước ngày 10 hàng tháng (trước ngày 10 tháng sau), báo cáo kết quả thực hiện của Kế hoạch trước ngày 15/9/2018 để phối hợp theo dõi thi hành và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để làm cơ sở trong việc sơ kết, tổng kết và đánh giá.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý Đường bộ I

- Lập và triển khai kế hoạch xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Tăng cường quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ ngay từ khi các dự án đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường bộ hoàn thành đưa vào khai thác; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm về lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo trì và xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong công tác triển khai kế hoạch, thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung xử lý: Trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt lối đi lên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ; phá hoại công trình giao thông đường bộ; đấu nối trái phép vào đường giao thông, ...

- Đề nghị chính quyền địa phương thực hiện biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại đến công trình giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ; chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ bố trí nhân lực, xe máy phục vụ chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế hành vi vi phạm. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong quá trình cưỡng chế giải tỏa.

- Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn đường bộ, đất hành lang an toàn giao thông đã được bồi thường, hỗ trợ.

- Sở Giao thông vận tải: Tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện kế hoạch của các Sở, ngành và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng chức năng có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý Đường bộ I, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; lên án, phê phán các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ,... gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê, phân loại và xử lý các tồn tại về sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý Đường bộ I kiểm tra việc thực thi các quy định của Pháp luật về đất đai liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

5. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn, quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ và các hạng mục hạ tầng khác trên tuyến đường như vỉa hè, cây xanh, cấp thoát nước, chiếu sáng, tuy nen và hào kỹ thuật thuộc khu vực đô thị.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở và các bộ phận trực thuộc thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm về xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi liên quan đến công trình đường bộ. Hướng dẫn việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ để canh tác nông nghiệp, bảo đảm kỹ thuật an toàn công trình đường bộ, không che khuất tầm nhìn, đảm bảo an toàn giao thông.

7. Sở Công thương

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy hoạch và xây dựng các cửa hàng xăng dầu, chợ, công trình điện và các cơ sở dịch vụ khác dọc theo đường bộ phải tuân thủ các quy định về quản lý và bảo vệ hành lang đường bộ.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Lập và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định của pháp luật và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường bộ trên địa bàn; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè trước; sau đó chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các tuyến đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn); thực hiện quyết liệt theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Sau đợt thực hiện kế hoạch, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra ngăn chặn vi phạm tái diễn.

- Hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Đối với các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại... hạn chế nằm trong hành lang an toàn đường bộ, không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, vệ sinh môi trường của hệ thống đường bộ.

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiến, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện.

- Căn cứ các nội dung trong Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường huyện, đường xã trên địa bàn quản lý.

9. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật.

- Phát hiện và phối hợp với Đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra đường bộ xử lý kịp thời, theo thẩm quyền các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này từng ngành, địa phương tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc trong phạm vi, chức năng quản lý.

2. Kinh phí thực hiện kế hoạch của các đơn vị, địa phương quyết toán trong kinh phí hàng năm của các đơn vị, địa phương.

3. Giao Sở Giao thông vận tải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Tổng cục ĐBVN;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục QLĐB I;
- Các Sở, Ban, Ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD (TD 65b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 70/KH-UBND về xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2018

Số hiệu: 70/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
Người ký: Nguyễn Văn Quang
Ngày ban hành: 23/05/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 70/KH-UBND về xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2018

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…