Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

VỀ QUYỀN CẦM GIỮ VÀ CẦM CỐ HÀNG HẢI 1993

Tổ chức tại Palais des Nations, Geneva, từ 19 tháng 4 đến 6 tháng 5 năm 1993

Các quốc gia tham gia hội nghị này:

- Nhận thức được sự cần thiết phải cải tiến các điều kiện đối với tài trợ tầu biển và phát triển đội tàu thương mại quốc gia,

- Mong muốn một sự thống nhất quốc tế trong lĩnh vực lưu giữ và cầm cố hàng hải, và do vậy

- Nhất trí về sự cần thiết phải có một công cụ pháp lý quốc tế điều chỉnh quyền lưu giữ và cầm cố quốc tế, đã quyết định ký kết một Công ước với mục đích trên và thống nhất như sau:

Ðiều 1 - Công nhận và thi hành việc cầm cố, thế chấp và lệ phí :

Tài sản cầm cố, thế chấp và các khoản ký quỹ đăng ký (lệ phí đăng ký) có bản chất tương tự như việc thế chấp, - lệ phí đăng ký có bản chất tương tự thế chấp dưới đây gọi là "lệ phí" - áp dụng đối với tàu biển sẽ được các quốc gia thành viên công nhận và thi hành với điều kiện rằng:

a) Tài sản cầm cố, thế chấp và "lệ phí" đã được thực hiện và đăng ký theo luật của quốc gia sở tại nơi mà con tàu được đăng ký;

b)Sổ đăng ký và những văn bản phải để lưu giữ tại cơ quan đăng ký, theo luật của quốc gia sở tại nơi con tàu được đăng ký, được công khai cho phép kiểm tra tự do; và trích lục từ sổ đăng ký, bản sao các văn bản đó có thể được cung cấp tại cơ quan đăng ký.

c) Hoặc là sổ đăng ký hoặc là bất kỳ văn bản nào nêu trong tiểu mục (b) phải cho biết cụ thể ít nhất là tài sản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí được thực hiện để cho ai hưởng - tên và địa chỉ của người được hưởng lợi đó hay được ký phát vô danh, trị giá tối đa được bảo đảm, nếu đó là quy định theo luật của quốc gia đăng ký hoặc nếu đó là trị giá được nêu cụ thể trong văn bản cam kết cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí, ngày và các chi tiết khác, theo luật của nước đăng ký, xác định thứ hạng của các loại cầm cố, thế chấp và lệ phí.

Ðiều 2 - Xếp hạng và hiệu lực của cầm cố , thế chấp và lệ phí:

Thứ hạng cầm cố, thế chấp, hoặc lệ phí giữa bản thân chúng và không làm tổn hại tới những điều khoản của Công ước này, hiệu lực của chúng đối với các bên thứ ba sẽ được xác định bởi luật của nước đăng ký; tuy nhiên, không làm tổn hại tới các điều khoản của Công ước này, mọi vấn đề liên quan tới thủ tục thi hành sẽ được điều chỉnh bởi luật của quốc gia nơi diễn ra việc thi hành.

Ðiều 3 - Thay đổi sở hữu hoặc đăng ký

1. Trừ các trường hợp nêu trong các Ðiều 11 và 12, trong tất cả các trường hợp khác đòi hỏi phải xoá tên đăng ký của con tàu trong sổ đăng ký của một quốc gia thành viên, thì quốc gia thành viên đó sẽ không cho phép chủ tàu xoá tên trừ phi mọi khoản cầm cố, thế chấp và lệ phí đã được xoá xong trước đó, hoặc có văn bản đồng ý của tất cả những người nắm giữ các khoản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí đó. Tuy nhiên, trong trường hợp việc xoá tên đăng ký của con tàu là nghĩa vụ theo luật của quốc gia thành viên, do những lý do không phải là kết quả của việc bán tàu tự nguyện, thì tất cả những người nắm giữ các khoản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí phải được thông báo về việc sắp xoá tên con tàu nhằm tạo điều kiện để những người nắm giữ này có thể tiến hành những biện pháp hợp lý bảo vệ quyền lợi của họ, trừ phi có sự đồng ý của những người nắm giữ, việc xoá tên con tàu không được thực hiện trước khi kết thúc một thời hạn hợp lý không dưới 3 tháng kể từ ngày có thông báo thích hợp tới những người nắm giữ.

2. Không làm tổn hại tới Điều 12, tiểu mục 5, một con tàu đang hoặc đã đăng ký tại một quốc gia thành viên không được phép đăng ký tại một quốc gia thành viên khác, trừ phi có một trong hai giấy chứng nhận sau:

a) Giấy chứng nhận được cấp bởi quốc gia nơi con tàu trước đây đã đăng ký xác nhận rằng con tàu đó đã xoá tên trong sổ đăng ký;

b) Giấy chứng nhận được cấp bởi quốc gia nơi con tàu trước đây đã đăng ký xác nhận rằng con tàu đó sẽ được xoá tên trong sổ đăng ký ngay vào thời điểm khi việc đăng ký mới có hiệu lực. Ngày xoá tên đăng ký sẽ chính là ngày đăng ký mới của con tàu đó.

Ðiều 4 - Quyền lưu giữ hàng hải

1. Mỗi khiếu nại trong số những khiếu nại đối với chủ tàu, người thuê tàu để nhượng lại, người quản lý hoặc người vận hành của con tàu sẽ được bảo đảm bằng quyền lưu giữ đối với con tàu đó:

a) Khiếu nại về tiền lương và các khoản tiền khác phải trả cho thuyền trưởng, thuỷ thủ và các thành viên khác trong biên chế của con tàu về việc đã thuê họ làm việc trên tàu, bao gồm cả chi phí hồi hương và các khoản phí bảo hiểm xã hội phải đóng cho họ;

b) Khiếu nại về việc bỏ mạng (chết) hoặc thương tật cá nhân, trên đất liền hoặc trên biển, có liên quan trực tiếp tới hoạt động của con tầu;

c)  Khiếu nại đòi tiền thưởng về việc cứu tàu;

d) Khiếu nại đòi phí cảng, luồng và các phí đường thuỷ khác và phí hoa tiêu;

e) Khiếu nại về những lỗi mắc phải phát sinh từ tổn thất hoặc hư hại về vật chất mà nguyên nhân gây ra là do vận hành tầu ngoài những tổn thất về hàng hoá, công-te-nơ và và đồ dùng của hành khách chở trên tầu.

2. Không có quyền lưu giữ hàng hải đối với một con tàu để giải quyết khiếu nại nêu trong tiểu mục (b) và (e) của mục 1 nếu những khiếu nại đó xuất phát từ hoặc là kết quả của:

a) Hư hại liên quan đến việc chuyên chở dầu hoặc các loại chất nguy hại hoặc độc hại bằng đường biển mà việc đền bù cho người khiếu nại được căn cứ theo các công ước quốc tế hoặc luật quốc gia quy định những trách nhiệm hoặc bảo hiểm bắt buộc hoặc các công cụ khác để bảo đảm giải quyết khiếu nại; hoặc

b) Chất phóng xạ hoặc những chất vừa có tính phóng xạ vừa có tính chất độc hại, gây nổ hoặc các chất nhiên liệu nguyên tử, sản phẩm phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ có tính chất nguy hại.

Ðiều 5 - Ưu tiên về quyền lưu giữ hàng hải

1. Những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Ðiều 4 sẽ được ưu tiên đối với các khoản cầm cố, thế chấp và lệ phí được đăng ký, và không một khiếu nại nào khác được ưu tiên hơn những quyền lưu giữ hàng hải hoặc đối với những khoản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí được thực hiện theo quy định của Điều 1, trừ trường hợp quy định trong mục 3 và 4 của Điều 12. 

2. Những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Điều 4 được xếp hạng theo đúng thứ tự đã liệt kê, tuy nhiên với điều kiện là quyền lưu giữ hàng hải để đảm bảo giải quyết tiền thưởng về việc cứu con tàu sẽ được ưu tiên trước tất cả các quyền lưu giữ khác áp dụng đối với con tàu trước thời điểm tiến hành các hoạt động phát sinh quyền lưu giữ đã nêu.

3. Những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong các tiểu mục (a ), (b), (d) và (e) thuộc mục 1 của Điều 4 sẽ áp dụng theo nguyên tắc cái gì xảy ra trước thì sẽ giải quyết trước. 

4. Những quyền lưu giữ hàng hải để giải quyết khiếu nại về tiền thưởng cứu tàu sẽ được ưu tiên theo trình tự ngược về thời gian khi mà những khiếu nại đó phát sinh. Những khiếu nại này được coi là phát sinh kể từ ngày hoạt động cứu tàu chấm dứt.

Ðiều 6 - Những quyền lưu giữ hàng hải khác:

Mỗi quốc gia thành viên có thể, theo luật của mình, quy định các quyền lưu giữ tàu khác để giải quyết những khiếu nại khác, ngoài những khiếu nại được nêu trong Điều 4, đối với chủ tàu, người thuê tàu để nhượng lại, người quản lý hoặc người vận hành của con tầu, với điều kiện rằng những quyền lưu giữ tàu đó :

a) Tuỳ theo các quy định của Điều 8, 10 và 12;

b) Sẽ hết hiệu lực

- Sau một thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm phát sinh khiếu nại được đảm bảo bằng quyền lưu giữ đó trừ phi, trước khi hết thời hạn 6 tháng đó, con tàu bị đã bắt giữ, việc bắt giữ dẫn tới việc bán tàu bắt buộc; hoặc

- Vào thời điểm kết thúc thời hạn 60 ngày sau khi bán con tàu cho một người mua chân thật, thời hạn 60 ngày đó sẽ bắt đầu từ ngày việc bán tàu được đăng ký theo luật của quốc gia nơi mà con tàu được đăng ký sau khi bán; căn cứ vào thời hạn nào hết trước; và

c)  Được xếp hạng sau những quyền lưu giữ tàu nêu trong Điều 4 và sau những khoản cầm cố, thế chấp và lệ phí phù hợp với quy định trong Điều 1.

Ðiều 7 - Quyền cầm lại

1. Mỗi quốc gia thành viên có thể, theo luật của mình, trao quyền cầm lại đối với một con tàu thuộc sở hữu của hoặc là:

a) Một công ty đóng tàu, để đảm bảo cho những khiếu nại về việc đóng con tàu đó; hoặc

b) Một công ty sửa chữa tàu, để đảm bảo cho việc sửa chữa tàu, bao gồm cả việc đóng lại con tàu, được tiến hành trong thời gian sở hữu đó.

2. Quyền cầm lại sẽ hết hiệu lực khi con tàu không còn thuộc sở hữu của công ty đóng tàu hoặc sửa chữa tàu, mà việc không còn thuộc sở hữu đó không phải do kết quả của một việc bắt giữ.

Ðiều 8 - Ðặc tính của quyền lưu giữ hàng hải

Tuỳ thuộc quy định của Điều 12, quyền lưu giữ tàu gắn với con tàu, bất kể về việc thay đổi về sở hữu, hoặc về đăng ký hoặc về cờ tàu.

Ðiều 9 - Mất quyền lưu giữ tàu vì lý do thời gian

1. Những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Điều 4 sẽ hết hiệu lực sau thời hạn 1 năm trừ phi, trước khi hết thời hạn 1 năm đó, con tàu bị bắt giữ, việc bắt giữ dẫn đến việc bán tàu bắt buộc.

2. Thời hạn 1 năm nêu trong mục 1 trên sẽ bắt đầu tính từ:

a) Đối với những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Điều 4, tiểu mục 1 (a), từ thời điểm người khiếu nại ra khỏi con tàu

b) Đối với những quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Điều 4, tiểu mục từ 1 (b) đến (e), từ thời điểm phát sinh những khiếu nại được đảm bảo bằng quyền lưu giữ hàng hải đó;

và được tính một cách liên tục không có khoảng thời gian bị ngừng hoặc ngắt quãng, tuy nhiên với điều kiện rằng thời hạn đó không tính khoảng thời gian việc bắt hoặc giữ tàu trái pháp luật.

Ðiều 10 - Chuyển nhượng và bắn nợ

1. Việc chuyển nhượng của hoặc bắn nợ đối với một khiếu nại được bảo đảm bằng một quyền lưu giữ hàng hải dẫn đến việc chuyển nhượng và bắn nợ đối với quyền lưu giữ hàng hải đó.

2. Bên khiếu nại có quyền lưu giữ tàu có thể không phải bắn nợ để đền bù cho chủ con tàu theo quy định của một hợp đồng bảo hiểm. 

Ðiều 11 - Thông báo về bán tàu bắt buộc

1. Trước khi tiến hành việc bán tàu bắt buộc tại một quốc gia thành viên, cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia thành viên đó, theo quy định của điều này, phải thông báo cho:

a) Cơ quan phụ trách sổ đăng ký tại quốc gia đăng ký;

b) Tất cả những người nắm giữ các khoản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí được đăng ký mà đã được ký phát cho người nắm giữ thể;

c) Tất cả những người nắm giữ các khoản cầm cố, thế chấp hoặc lệ phí được đăng ký được ký phát vô danh và tất cả những người có quyền lưu giữ hàng hải nêu trong Điều 4, với điều kiện là cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc bán tàu bắt buộc nhận được sự thỉnh cầu cuả họ; và

d) Người chủ tàu được đăng ký

2. Việc thông báo phải được thực hiện ít nhất là 30 ngày trước khi tiến hành bán tàu bắt buộc và phải bao gồm hoặc là:

(a) thời gian và địa điểm tiến hành bán tàu bắt buộc và các chi tiết liên quan tới việc bán tàu bắt buộc hoặc thủ tục dẫn đến việc bán tàu bắt buộc mà cơ quan thẩm quyền tại quốc gia thành viên tiến hành các thủ tục thấy cần thiết và đủ để bảo vệ quyền lợi của những người được thông báo.

(b) nếu như không thể xác định một cách chắc chắn thời gian và địa điểm của việc bán tầu bắt buộc, thì khoảng thời gian và địa điểm dự kiến cùng các chi tiết cụ thể liên quan tới việc bán tàu bắt buộc thuộc quyền quyết định của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên tiến hành các thủ tục bán tàu bắt buộc sẽ là đủ để bảo vệ quyền lợi của những người được thông báo.

Nếu thông báo được tiến hành theo tiểu mục (b) trên, thì phải có thông báo bổ sung về thời gian và địa điểm chính xác của việc bán tàu bắt buộc, và trong bất cứ trường hợp nào, không dưới 7 ngày trước khi bán tàu bắt buộc.

3. Thông báo nêu trong mục 2 của điều này phải bằng văn bản được gửi, hoặc bằng thư bảo đảm hoặc bằng phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác đòi hỏi có xác nhận về việc đã nhận được văn bản, tới những người liên quan như nêu trong mục 1, nếu biết. Ngoài ra, thông báo còn được công bố trên báo chí tại quốc gia nơi diễn ra việc bán tàu bắt buộc và, nếu cơ quan tiến hành bán tàu bắt buộc thấy phù hợp, trên các ấn phẩm khác.

Ðiều 12 : Hiệu lực của việc bán tầu bắt buộc

1. Trong trường hợp việc bán tầu bắt buộc ở một quốc gia thành viên thì tất cả các khoản cầm cố, thế chấp, hoặc lệ phí trừ những khoản đã được người mua tiếp nhận với sự đồng ý của những người nắm giữ, và mọi quyền lưu giữ và các nghĩa vụ khác có tính chất tương tự, sẽ không còn hiệu lực gắn theo con tàu với điều kiện là:

(a) Vào thời điểm bán tầu con tầu đang ở trong khu vực thuộc quyền phán xét của quốc gia đó, và

(b) Việc bán tầu được tiến hành theo luật pháp của quốc gia đó và quy định của nêu trong Điều 11 và 12

2. Các chi phí và phí tổn phát sinh từ việc bắt giữ tàu và việc bán con tàu sẽ được thanh toán trước hết từ những khoản thu của việc bán tầu. Những chi phí và phí tổn này bao gồm, không kể những cái khác, các chi phí cho việc bảo dưỡng con tàu và chế độ cho thủy thủ đoàn như lương và các khoản và chi phí khác được nêu trong điều 4 tiểu mục 1 (a), phải chịu từ thời điểm bắt giữ con tàu. Phần còn lại của khoản thu sẽ được phân bổ phù hợp với quy định của Công ước này, trong phạm vi cần thiết để giải quyết các khiếu nại. Sau khi thoả mãn yêu cầu của những người khiếu kiện, thì phần còn lại của khoản thu bán tàu, nếu có, sẽ được trả lại cho người chủ và có thể được chuyển nhượng tự do.

3. Một quốc gia thành viên có thể quy định trong luật của mình là trong trường hợp bắt buộc, việc bán một con tầu bị mắc cạn hoặc bị chìm sau khi được cơ quan công cộng trục vớt vì mục đích an toàn hàng hải hoặc bảo vệ môi trường biển, chi phí của việc trục vớt sẽ được hoàn trả từ khoản thu của việc bán tàu, trước tất cả các khiếu nại khác được bảo đảm bằng quyền lưu giữ hàng hải đối với con tàu. 

4. Nếu vào thời điểm bán tàu bắt buộc mà con tàu đang thuộc sở hữu của một công ty đóng tàu hay công ty sửa chữa tàu mà các công ty này, theo của luật pháp của một quốc gia thành viên nơi diễn ra việc bán tàu, có quyền giữ lại con tàu thì công ty này phải chuyển quyền sở hữu của con tàu sang cho người mua, nhưng công ty này được quyền đòi bồi thường từ khoản thu của việc bán tàu sau khi đã giải quyết tất cả những khiếu nại của những người nắm quyền lưu giữ hàng hải như nêu trong Điều 4.

5. Khi một còn tầu được đăng ký tại quốc gia thành viên là đối tượng của việc bán tàu bắt buộc tại bất cứ quốc gia thành viên nào, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ, theo yêu cầu của người mua, cấp một giấy chứng nhận về hiệu lực rằng con tàu được bán không bị ràng buộc bởi các khoản cầm cố hay thế chấp hoặc lệ phí ngoại trừ những khoản này được người mua tiếp nhận, không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền lưu giữ và nghĩa vụ nào khác, với điều kiện là những yêu cầu trong tiểu mục 1(a) và 1(b) đã được tuân thủ. Sau khi cấp giấy chứng nhận đó, cơ quan đăng ký sẽ có trách nhiệm xoá tất cả các khoản cầm cố, thế chấp, lệ phí tổn đã đăng ký, trừ phi các khoản này đã được người mua tiếp nhận, và đăng ký con tàu bằng tên người mua hoặc cấp giấy chứng nhận việc xoá tên đăng ký để phục vụ cho việc đăng ký mới, tuỳ trường hợp cụ thể.

6. Các quốc gia thành viên đảm bảo rằng tất cả các khoản thu của việc bán tầu bắt buộc là các khoản thu có thực và được tự do chuyển nhượng .

Ðiều 13: Phạm vi áp dụng

1. Trừ phi có quy định khác trong Công ước này, các quy định của Công ước áp dụng đối với tất cả các con tàu đi biển được đăng ký tại một quốc gia thành viên, hoặc tại một quốc gia không phải thành viên với điều kiện là những con tàu của quốc gia không phải là thành viên đó thuộc quyền phán xét của quốc gia thành viên.

2. Không một quy định nào trong Công ước này tạo ra bất cứ một quyền nào hoăc tạo điều kiện để bất cứ một quyền nào được thi hành đối với bất kỳ một con tàu nào do nhà nước sở hữu hoặc vận hành và sử dụng vào mục đích dịch vụ phi thương mại của chính phủ.

Ðiều 14 - Thông tin liên lạc giữa các quốc gia thành viên

Ðối với mục đích của các Điều 3, 11 và 12, các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên sẽ được uỷ quyền để trao đổi trực tiếp với nhau.

Ðiều 15 - Xung đột giữa công ước

Không có điều khoản nào của Công ước này làm ảnh hưởng tới bất kỳ một công ước quốc tế nào quy định hạn chế về nghĩa vụ hay luật quốc gia với mục đích này.

Ðiều 16 - Thay đổi cờ tạm thời

Nếu một tàu con tàu biển đã đăng ký tại một quốc gia được phép tạm thời treo cờ của quốc gia khác thì những điều sau đây sẽ được áp dụng:

(a) Phục vụ cho mục đích của điều khoản này, trong Công ước này khi dẫn nhóm từ "Quốc gia nơi con tàu được đăng ký" hay "Quốc gia đăng ký" thì có nghĩa rằng đó là Quốc gia mà tại đó con tàu đã được đăng ký ngay trước khi thay đổi cờ, và khi dẫn nhóm từ "cơ quan phụ trách sổ đăng ký" sẽ có nghĩa là cơ quan phụ trách sổ đăng ký tàu tại quốc gia đó.

(b) Luật của quốc gia đăng ký sẽ quyết định đối với mục đích của việc thừa nhận tài sản cầm cố, thế chấp và lệ phí.

(c) Nước đăng ký sẽ yêu cầu có tham chiếu chéo trong sổ đăng ký của mình trong đó nêu cụ thể Quốc gia mà con tàu được mang cờ tạm thời; tương tự như vậy, quốc gia có cờ mà con tàu được mang tạm thời cũng yêu cầu cơ quan quản lý hồ sơ tàu có tham chiếu về hồ sơ của nước đăng ký.

(d) Không một quốc gia thành viên nào cho phép một con tàu đăng ký tại quốc gia thành viên đó cắm cờ tạm thời của quốc gia khác trừ phi các tài sản cầm cố, thế chấp và lệ phí đã được đăng ký cho con tàu đó đây đã được thoả mãn hay đã có sự đồng ý bằng văn bản tất cả những người nắm giữ các tài sản cầm cố, thế chấp và lệ phí.

(e) Việc thông báo được nêu trong Điều 11 cũng phải được gửi tới cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ của con tàu ở quốc gia có cờ mà con tàu được phép mang tạm thời.

(f) Ngay sau khi cấp giấy chứng nhận xoá tên trong sổ đăng ký như nêu trong Điều 12, mục 5, cơ quan thẩm quyền quản lý hồ sơ con tàu tại quốc gia mà con tàu được phép mang cờ tạm thời của mình sẽ cấp chứng nhận xác nhận rằng quyền mang cờ của quốc gia đó đã bị huỷ bỏ theo yêu cầu của người mua.

(g) Không một điều nào trong Công ước này được hiểu là để áp đặt bất cứ nghĩa vụ nào cho các quốc gia thành viên phải cho phép tàu của nước ngoài được mang cờ tạm thời của quốc gia mình hay các con tàu của mình được mang cờ tạm thời của nước ngoài.

Ðiều 17 - Lưu giữ Công ước

Công ước này sẽ được lưu giữ tại Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Ðiều 18 - Ký kết, phê chuẩn, thừa nhận, thông qua và tham gia

1. Công ước này sẽ để ngỏ cho việc ký kết được thực hiện bởi bất cứ quốc gia nào ở Trụ sở của Liên hợp quốc, NewYork, từ ngày 01 tháng 09 năm 1993 đến 31 tháng 08 năm 1994 và về sau sẽ để ngỏ để các quốc gia tham gia.

2. Các quốc gia có thể bày tỏ sự đồng ý tham gia công ước này bằng cách:

(a) Ký kết không có bảo lưu để phê chuẩn, thừa nhận hay thông qua; hoặc:

(b) Ký kết phải chịu sự phê chuẩn, thừa nhận hay thông qua, phải tuân theo sự phê chuẩn, chấp nhận hay thông qua; hoặc

(c) Việc tham gia

3. Việc phê chuẩn, thừa nhận, thông qua hay tham gia sẽ có hiệu lực bởi việc lưu giữ văn bản đó tại nơi lưu giữ Công ước.

Ðiều 19 - Có hiệu lực

1. Công ước này sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày 10 quốc gia thể hiện sự đồng ý tham gia Công ước.

2. Ðối với một quốc gia thể hiện sự đồng ý tham gia Công ước sau khi các điều kiện để Công ước có hiệu lực đã được thoả mãn thì sự nhất trí này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày thể hiện sự đồng ý đó.

Ðiều 20 - Ðiều chỉnh và sửa đổi

1. Một Hội nghị xem xét hoặc sửa đổi lại Công ước này sẽ được Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập theo yêu cầu của một phần ba số các Quốc gia tham gia Công ước.

2. Ðồng ý tham gia công ước, theo quy định của Công ước, được đưa ra sau khi việc sửa đổi Công ước đã có hiệu lực, thì Quốc gia đó được coi là tham gia vào Công ước đã sửa đổi.

Ðiều 21 - Bãi ước

1. Bất cứ quốc gia nào cũng có thể tuyên bố bãi bỏ không tham gia Công ước này vào bất kỳ thời điểm nào sau khi việc tham gia vào Công ước của quốc gia đó có hiệu lực.

2. Việc tuyên bố bãi bỏ sẽ có hiệu lực bằng việc gửi văn bản tuyên bố bãi bỏ tới cơ quan lưu giữ.

3. Việc tuyên bố bãi ước sẽ có hiệu lực một năm hoặc có thể lâu hơn như đã ghi cụ thể trong tuyên bố bãi bỏ sau khi cơ quan lưu giữ nhận được công hàm đó.

Ðiều 22 - Ngôn ngữ

1. Công ước này được lập bằng tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Tây Ban Nha, các văn bản bằng các ngôn ngữ khác nhau có giá trị như nhau.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công ước quốc tế về quyền cầm giữ và cầm cố hàng hải 1993

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: ***
Người ký: ***
Ngày ban hành: 06/05/1993
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công ước quốc tế về quyền cầm giữ và cầm cố hàng hải 1993

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…