CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 474/BC-CP |
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Quốc hội
Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Nghị quyết số 23/2016/QH14 ngày 7/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, tập trung huy động các nguồn lực nhằm giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, như sau:
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2017
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Công điện về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (số 2239/CĐ-TTg ngày 13/12/2016; số 50/CĐ-TTg ngày 18/01/2017 và số 503/CĐ-TTg ngày 11/4/2017, số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2017; số 1224/CĐ-TTg ngày 17/8/2017) và 02 Chỉ thị (số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt) chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã trực tiếp tham dự và phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2017; chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2016 và triển khai Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong Thanh, Thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” đề ra nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% cả về số vụ, số người chết và bị thương, giảm thiểu các vụ ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I, Quý II năm 2017; tham dự và phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”.
2. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành 15 Công điện, 22 Kế hoạch và 198 văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Lễ ra quân năm an toàn giao thông 2017 và thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2017, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Lễ Hội xuân và dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã công bố các số điện thoại đường dây nóng và tổ chức ứng trực 24/24 giờ/ngày trong dịp Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4, 1/5, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 .
3. Các Bộ, ngành, đoàn thể là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai Kế hoạch năm an toàn giao thông 2017, đó là:
- Đảng ủy Công an Trung ương có Công văn số 268-CV/ĐUCA ngày 28/02/2017 gửi các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, Bộ Công an ban hành 20 Điện1, 35 Kế hoạch2, 01 Quyết định (Quyết định số 3112/QĐ-BCA-C67 ngày 30/8/2017 thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án đấu giá quyền lựa chọn số của biển số xe ô tô) và trên 300 văn bản khác chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong các dịp cao điểm, dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đất nước hoặc các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
- Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 3597/QĐ-BGTVT ngày 18/11/2016; 01 Thông tư số 29/2017/TT-BGTVT ngày 01/9/2017 quy định về đào tạo thẩm tra viên và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; 02 Kế hoạch (số 12885/KH-BGTVT ngày 01/11/2016, số 784/KH-BGTVT ngày 20/01/2017); ban hành 05 công điện (số 65/CĐ-BGTVT, số 50/CĐ-BGTVT ngày 24/10/2016; số 04/CĐ-BGTVT ngày 22/02/2017, số 19/CĐ-BGTVT ngày 18/4/2017, số 20/CĐ-BGTVT ngày 18/4/2017), 02 chỉ thị (Chỉ thị số 12/CT-BGTVT ngày 21/12/2016 và Chỉ thị số 11/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng hải, đường thủy nội địa) và nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện các giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-BCĐ ngày 12/01/2017 về tổ chức thực hiện Năm An toàn giao thông 2017 trong Quân đội và Kế hoạch số 596/KH-BCĐ ngày 21/02/2017 của Ban Chỉ đạo 50 Bộ Quốc phòng về tổ chức phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và ban hành 14 văn bản3 chỉ đạo toàn quân thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các dịp cao điểm, lễ, tết.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch số 110/KH-BGDĐT ngày 21/02/2017 chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2017; 06 văn bản4 chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.
- Bộ Tài chính đã có văn bản số 7765/BTC-NSNN ngày 12/6/2017 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bố trí kinh phí để tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí kinh phí cho các lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của địa phương; văn bản số 13619/BTC-NSNN ngày 11/10/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ về tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn giao thông.
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 569a-KH/TWĐTN-ĐKTHTN ngày 08/2/2017 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Năm An toàn giao thông - 2017”.
- Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành 02 Kế hoạch (Kế hoạch số 333/KH-MTTW-BTT ngày 10/02/2017 và Kế hoạch số 377/KH-MTTW-BTT ngày 21/4/2017) và nhiều văn bản hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành văn bản số 2377-CV/HNDTW ngày 15/12/2016 chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Lễ hội Xuân và Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đồng thời, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội triển khai chương trình phối hợp số 159/CTPH-UBATGTQG-HNDVN ngày 14/3/2013 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động “Nông dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông” năm 2017.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan, thông tấn báo chí trung ương và địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện tuyên truyền xoay quanh chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong Thanh, Thiếu niên” của năm an toàn giao thông 2017.
- Bộ Y tế đã ban hành Văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông khi bị tai nạn giao thông và văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường triển khai thực hiện khám sức khỏe của người lái xe; Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế tiếp tục thực hiện nâng cao năng lực sơ, cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông trong các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên.
- Các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2016, triển khai kế hoạch hành động Năm an toàn giao thông 2017 và xây dựng Kế hoạch tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tết Đinh Dậu 2017.
4. Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết Năm An toàn giao thông 2016, triển khai kế hoạch hành động Năm an toàn giao thông 2017; đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thành lập các đoàn kiểm tra công tác triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải, thực hiện nghiêm quy định về thường trực trong những ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ dịp (30/4-1/5; 2/9), phối hợp tốt với các lực lượng trong việc xử lý kịp thời các ý kiến phản ảnh của người dân về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua đường dây nóng.
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật
- Quốc hội đã thông qua Luật đường sắt (văn bản số 06/2017/QH14 ngày 16/6/2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
- Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định (số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 về quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017 về tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBATGTQG ngày 07/9/2017 về ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
- Bộ Giao thông vận tải đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư, 01 Quyết định cá biệt liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó các văn bản quy phạm pháp luật chú trọng đến nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu lực thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực, như: giải quyết sự cố tai nạn giao thông đường sắt, quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay, khai thác tàu bay, quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ...
- Bộ Công an đã ban hành Chương trình số 03/Ctr-BCA-V19 ngày 25/01/2017 về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017. Trên cơ sở đó, Cục Cảnh sát giao thông đã có Kế hoạch số 635/KH-C67-P1 ngày 23/02/2017 để triển khai thực hiện. Bộ đã ban hành 05 thông tư quy định về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Thông tư số 37/2016/TT-BCA ngày 20/9/2016; Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016; Thông tư số 46/2016/TT-BCA ngày 08/11/2016; Thông tư số 47/2016/TT-BCA ngày 14/11/2016 và Thông tư số 26/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017).
- Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 32/2017/TT-BQP ngày 24/01/2017 quy định đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền quân sự.
- Bộ Y tế ban hành Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/01/2016 quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc.
- Các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã xây dựng kế hoạch rà soát, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
a) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương tập trung tuyên truyền theo chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong Thanh, Thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, tiếp tục tuyên truyền về siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện... thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, như: phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2017 và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu; tổ chức họp báo công bố “Chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn” và phối hợp với Quỹ an toàn đường bộ Anh (SRF) trao tặng 5000 mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc thái cho 7 tỉnh; phối hợp với Honda Việt Nam tổ chức Lễ phát động chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe ô tô an toàn cho sinh viên năm 2017, Lễ trao giải An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai và An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ; tổ chức họp báo về Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”; phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) tổ chức Lễ công bố và ký kết chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông” năm 2017; triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”.
b) Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gắn với tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông và hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự; tuyên truyền, phổ biến kết quả Hội nghị diễn đàn Cảnh sát giao thông ASEAN lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam; kết quả thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Đinh Dậu và các lễ hội đầu xuân năm 2017 cũng như các sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đất nước; kết quả xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề; tuyên truyền, phản ánh về những bất cập trong tổ chức giao thông, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên tuyến sông...5.
Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức ký kết “Thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động về An toàn giao thông giai đoạn 2017-2019”; phối hợp với Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và đào tạo) và Tập đoàn Báo Mainichi Nhật Bản tổ chức lớp học về An toàn giao thông cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và Hội nghị “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông”.
Công an các địa phương đã triển khai hơn 50 mô hình tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền miệng, chiếu phim tuyên truyền và tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa với 3.032.546 lượt người tham gia; xây dựng 329 chuyên mục, 2.164 phóng sự, viết và biên tập 14.091 tin, bài về trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội đăng tải trên các báo viết, báo điện tử; tuyên truyền lưu động 25.511 buổi; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở 10.595 buổi; tổ chức hơn 25.000 lượt triển lãm tranh ảnh, phát hành 259.272 tờ rơi, pano, áp phích, cuốn tài liệu, băng rôn và 762 đĩa DVD.
c) Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức 11 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (trong đó, 02 hội nghị tập huấn công tác bảo đảm an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc, 02 lớp đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, có 02 hội nghị tập huấn về công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông, 02 hội nghị an toàn giao thông nông thôn, 03 hội thảo về một số quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong Luật Giao thông đường bộ tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh).
d) Bộ Quốc phòng tổ chức cho 62 đầu mối đơn vị phát động, kí giao ước thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ an toàn giao thông lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”. Đồng thời, chỉ đạo Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Công an, Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức Hội thi “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” năm 2017 tại khu vực phía Bắc.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành biên soạn bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” dành cho học sinh trung học cơ sở; tổ chức tập huấn pháp luật về giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô an toàn cho học sinh tại Hải Dương, An Giang, Hà Tĩnh và cho sinh viên tại Gia Lai, Sơn La, Tiền Giang; tập huấn về giáo dục văn hóa giao thông cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở tại Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; tổ chức Lễ ra quân phát động hưởng ứng “Tháng hành động an toàn giao thông” năm 2017 trong học sinh, sinh viên tại Cần Thơ và Hà Nội.
e) Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai xây dựng mô hình điểm về khu dân cư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, theo đó, chọn 10 xã, phường, thị trấn ở 10 tỉnh để xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó xây dựng mới 5 mô hình điểm tại 05 tỉnh (Bắc Kạn, Ninh Bình, An Giang, Bình Phước, Vĩnh Long) và duy trì 05 mô hình điểm tại 05 tỉnh đã làm điểm chỉ đạo của Trung ương (Lạng Sơn, Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bến Tre); tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” với 12 tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ; Hội nghị tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn tại 02 tỉnh (Đắk Nông, Lạng Sơn).
f) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, UBND thành phố Hải Phòng và Công ty Honda việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”; phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức 04 Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông năm 2017” tại Đắk Nông, Hà Nam, Lào Cai, Bạc Liêu. Các cấp bộ Đoàn, Hội cả nước đã xây dựng kế hoạch cụ thể hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2017, tiếp tục duy trì, củng cố và thành lập mới các mô hình, đội hình của thanh niên tham gia bảo đảm an toàn giao thông và tập trung triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
g) Trung ương Hội Nông dân Việt nam đã tổ chức 12 lớp truyền thông An toàn giao thông và 03 Hội thi “Nông dân với An toàn giao thông” cho hàng ngàn cán bộ, hội viên nông dân tại 3 tỉnh: Tiền Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng thời, triển khai xây dựng mô hình “Nông dân với an toàn giao thông” tại 5 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang.
h) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tập huấn tuyên truyền an toàn giao thông cho 200 cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố phía Bắc; Hội cựu chiến binh các cấp đã tổ chức 714 lớp tập huấn về an toàn giao thông cho 124.052 cán bộ và đội ngũ báo cáo viên các cấp hội.
i) Bộ Y tế tổ chức Hội thảo truyền thông về cấp cứu tai nạn giao thông cho các nhân viên y tế thuộc cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi toàn quốc.
k) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đã kịp thời đưa tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu và nghỉ lễ 30/4, 1/5, dịp nghỉ Quốc khánh 02/9.
l) Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông năm 2017, chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ban An toàn giao thông đã chỉ đạo Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng, tin, bài tuyên truyền hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30/4, 1/5, dịp Quốc khánh 02/9. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp trong dịp lễ, tết như: vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy..., tiêu biểu như: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước v.v...
3. Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
a) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBATGTQG thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội xuân 2017. Đoàn đã kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại một số bến xe, bến cảng, nhà ga trọng điểm: Bến xe miền Đông, Ga Sài Gòn, Ga Hà Nội, Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước Ngầm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Quyết định số 157/QĐ-UBATGTQG ngày 28/4/2017 về thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trật tự, an toàn giao thông, đã hoàn thành kiểm tra tại 11 tỉnh, thành phố.
b) Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, như: đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bộ, công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định. Từ ngày 16/9/2016 đến ngày 15/8/2017, Thanh tra Bộ đã thực hiện được 23 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện được 127.987 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; quyết định xử phạt 125.005 vụ vi phạm, với số tiền 289.212,37 triệu đồng; tạm giữ 522 ô tô; đình chỉ hoạt động 822 bến và 542 phương tiện thủy nội địa; giám sát 1.107 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 1.272 kỳ sát hạch lái xe mô tô, cụ thể như sau:
- Lĩnh vực đường bộ: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện 105.775 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 114.587 vụ vi phạm, với số tiền 261.950,91 triệu đồng; tạm giữ 522 ô tô; giám sát 1.107 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 1.272 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
- Lĩnh vực đường sắt: Cục Đường sắt Việt Nam đã thực hiện 903 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 473 vụ vi phạm, với số tiền 106,15 triệu đồng.
- Lĩnh vực đường thủy: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện 13.673 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 9.100 vụ vi phạm, với số tiền 19.165 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 822 bến và 542 phương tiện thủy nội địa.
- Lĩnh vực hàng không: Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện 123 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 507 vụ vi phạm, với số tiền 3.350,65 triệu đồng.
- Lĩnh vực hàng hải: Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện 7.513 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 338 vụ vi phạm, với số tiền 4.639,66 triệu đồng.
c) Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vừa thực hiện các đợt hoạt động cao điểm theo chỉ đạo của Bộ, vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, trong đó tập trung xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, quá tải trọng xe, xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; xử lý vi phạm quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; xử lý xe biển xanh, xe khách vi phạm trật tự, an toàn giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa...
- Triển khai kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ).
- Tính từ ngày 16/9/2016 đến ngày 15/9/2017 lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 4.584.380 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử phạt hơn 2.833 tỷ đồng; tạm giữ 711.847 phương tiện các loại (xe ô tô, mô tô, xe máy...). Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn là 194.558 trường hợp, số trường hợp không đội mũ bảo hiểm là 969.652 trường hợp. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, đã kiểm tra, phát hiện 4.328 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế; bắt giữ 2.406 đối tượng.
- Chống người thi hành công vụ: (tính từ ngày 16/9/2016 đến ngày 15/8/2017) xảy ra 48 vụ (Hà Nội: 21 vụ; Tiền Giang, Phú Thọ mỗi địa phương xảy ra 03 vụ; Bắc Giang, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bến Tre mỗi địa phương xảy ra 02 vụ; Bình Dương, Bình Định, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hà Giang, Lạng Sơn, Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp Nam Định và Thừa Thiên - Huế mỗi địa phương xảy ra 01 vụ), làm 02 đồng chí hy sinh, 03 đồng chí bị thương; bắt giữ 29 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 23 vụ (48/25).
- Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (từ ngày 01/9/2016 đến ngày 30/7/2017): lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã phối hợp điều tra và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 3.347 vụ, với 3.215 bị can (Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 2.835 vụ, với 2.927 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2.901 vụ, với 2.995 bị cáo).
d) Trong quý IV/2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra hơn 3.000 lượt xe ô tô quân sự hoạt động ở ngoài doanh trại; đã chấn chỉnh, xử lý 250 lượt xe vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện quân sự khi tham gia giao thông; phát hiện và xử lý 05 xe mang biển giả xe quân sự lưu hành trái phép tại tỉnh Bình Phước, Lâm Đông và thành phố Vũng Tàu; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 75 trường hợp quân nhân vi phạm Nghị định của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông.
4. Công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông
a) Công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Trong năm 2017, công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ 02 Đề án: Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn nhất giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030. Về lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị để xin ý kiến về chủ trương đầu tư.
Trong năm 2017, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên trực tiếp kiểm tra hiện trường nhằm tăng cường quản lý chất lượng và đẩy nhanh các công trình dự án, nhất là các dự án trọng điểm; một số dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và khu vực, như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm Đèo Cả...; các dự án đang được tiếp tục đôn đốc thực hiện để hoàn thành theo kế hoạch, như: cầu Hưng Hà, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành...
Theo số liệu thống kê, từ ngày 16/9/2016 đến ngày 15/8/2017, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, khởi công 15 dự án công trình giao thông; theo kế hoạch từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng triển khai hoàn thành 39 dự án, tổ chức khởi công 05 dự án xây dựng công trình giao thông.
b) Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông
Bộ Giao thông vận tải đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2017 ở tất cả các lĩnh vực ngay từ những ngày đầu năm; đồng thời đang xây dựng, hoàn thiện kế hoạch bảo trì năm 2018. Trong từng lĩnh vực, cơ quan chức năng đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, cụ thể như sau:
- Lĩnh vực đường bộ: đã kịp thời sửa chữa, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ (cầu, đường, bến phà, hầm đường bộ với tổng chiều dài hơn 22.586 km) phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017. Giai đoạn từ 16/9/2016 đến 15/8/2017, Bộ GTVT đã thay thế, bổ sung được 3.820 biển báo, sơn kẻ lại 1.800 km vạch sơn đường, sửa chữa, bổ sung 760 km hộ lan tôn sóng, xử lý 360 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với kinh phí 355 tỷ đồng; khắc phục kịp thời hậu quả lụt bão, bảo đảm giao thông bước 1 với kinh phí 785 tỷ đồng.
- Lĩnh vực đường sắt: các đơn vị chức năng đã tổ chức sơ kết đánh giá 03 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020; đẩy mạnh xử lý các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đề xuất 897 vị trí xây dựng gờ giảm tốc, cảnh giới an toàn giao thông tại 54/146 đường ngang nguy hiểm không có người gác; lắp đặt bổ sung cần chắn tự động cho 144 đường ngang phòng vệ CBTĐ; thu hẹp tổng số 1.680/1710 lối đi tự mở cần thu hẹp,... đề xuất 1.680 vị trí xây dựng gờ giảm tốc cưỡng bức (lối đi tự mở rộng ≥ 2,5 mét).
- Lĩnh vực hàng không: thực hiện kiểm định đánh giá sức chịu tải của đường cất hạ cánh 25R/07L Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường cất hạ cánh 11L/29R Cảng hàng không Nội Bài; triển khai xây dựng mới hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông thuộc khu bay các cảng hàng không.
- Lĩnh vực đường thủy nội địa: ngừng cấp giấy phép mới và đình chỉ toàn bộ hoạt động của các dự án xã hội hóa bảo trì, nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu vật liệu trên các tuyến sông do Bộ quản lý; tiến hành rà soát, kiểm tra, cấp phép hoạt động đối với 6.337/8.252 bến thủy nội địa, đạt 76%; cấp phép 2.058/2.526 bến khách ngang sông, đạt 81,5%; sắp xếp nơi neo đậu tàu, thuyền, đảm bảo hợp lý, an toàn cho phương tiện, không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn luồng chạy tàu, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khác trên đường thủy nội địa.
- Lĩnh vực hàng hải: đã hoàn thành Dự án đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò; đang triển khai Dự án bổ sung Hệ thống quản lý hàng hải tàu biển luồng Cái Mép - Thị Vải; xây dựng dự thảo quy trình nạo vét, quản lý giám sát dự án xã hội hóa; hoàn thiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển.
5. Công tác quản lý vận tải, phương tiện, dịch vụ hỗ trợ vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện
a) Công tác quản lý vận tải, phương tiện, dịch vụ hỗ trợ vận tải
- Trong những tháng đầu năm 2017, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý các lĩnh vực vận tải, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, thí điểm hoạt động các loại hình vận tải chưa được quy định trong Luật. Đã phê duyệt và triển khai Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động, kịp thời triển khai kế hoạch phục vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
- Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đẩy mạnh công tác quản lý các lĩnh vực vận tải và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định tại các Nghị định, thông tư; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thí điểm hoạt động các loại hình vận tải chưa được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, đẩy mạnh công tác hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng xăng hoặc năng lượng điện) phục vụ chở khách du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn một số địa phương (hiện tại Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố).
- Hướng dẫn phối hợp các địa phương tiếp tục cấp phép, cấp phù hiệu cho xe vận tải hàng hóa từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn theo lộ trình quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn về vận tải hành khách công cộng (xe buýt), phối hợp một số địa phương tăng cường công tác quản lý xe taxi; có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, đặc biệt là hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định; phối hợp Hiệp hội vận tải ô tô việt Nam tổ chức hội thảo về hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ để tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất các nội dung quản lý để đưa vào sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
- Về vận tải hàng không và tình hình an toàn hoạt động bay: 9 tháng đầu năm 2017, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 205.811 chuyến bay tăng 7% so với cùng kỳ 2016, trong đó, có 180.423 chuyến cất cánh đúng giờ chiếm tỷ lệ đúng giờ (OTP) là 87,7% tăng 4,3 điểm so với cùng kỳ 2016. Trong số các hãng, VASCO có tỷ lệ đúng giờ cao nhất là 96,7%, tiếp theo là Vietnam Airlines (89,9%), Vietjet Air (85,4%) và Jetstar Pacific Airlines (82,3%). Tỷ trọng các nhóm nguyên nhân gây cất cánh không đúng giờ: trang thiết bị tại cảng (6,1%), quản lý điều hành bay (2,3%), hãng hàng không (20,3%), thời tiết (1,7%), tàu bay muộn (67,4%), lý do khác (2,2%).
+ Tổng số chuyến bay bị hủy trong 9 tháng đầu năm 2017 là 1.048 chuyến, chiếm tỷ lệ hủy là 0,5% giảm 0,1 điểm so với cùng kỳ 2016. Tỷ trọng nguyên nhân hủy chuyến: thời tiết (25%), kỹ thuật (26,2%), thương mại (2,2%), khai thác (20,8%), lý do khác (25,8%).
+ Hành khách thông qua: 71,75 triệu khách, tăng 17,9% so với 9 tháng năm 2016. Trong đó quốc tế: 22,56 triệu khách tăng 28,6% so với 9 tháng năm 2016; nội địa: 49,18 triệu khách tăng 13,5% so với 9 tháng năm 2016.
+ Hàng hóa thông qua: 833 nghìn tấn, tăng 34,6% so với 9 tháng năm 2016. Trong đó quốc tế: 663,65 nghìn tấn, tăng 39,2% so với 9 tháng năm 2016; nội địa: 169,41 nghìn tấn, tăng 19,1% so với 9 tháng năm 2016.
b) Công tác quản lý phương tiện
- Đăng ký phương tiện
Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký xe; thực hiện đăng ký xe 4 bánh có gắn động cơ xăng để chở khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế; xử lý thu hồi biển số xe 80A, 80B và biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng; kiểm tra, xử lý xe ô tô mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài do người Việt Nam sử dụng trái phép. Thực hiện cải cách hành chính đăng ký xe qua mạng internet.
Tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án đấu giá biển số xe ô tô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tích hợp các thông tin điện tử của cá nhân người điều khiển phương tiện vào giấy chứng nhận đăng ký xe.
Từ 16/9/2016 đến 15/9/2017, toàn quốc đăng ký mới 339.069 xe ô tô, 2.910.879 xe mô tô, 574.248 xe máy điện. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 10.300 ô tô (-2,95%), giảm 663.950 mô tô (-18,57%). Tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan Công an đến 15/9/2017 là 3.400.484 ô tô, 51.885.834 mô tô.
- Công tác đăng kiểm phương tiện
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông xuất phát từ yếu tố kỹ thuật của phương tiện, cụ thể:
Lĩnh vực đường bộ: Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, rà soát, triển khai Quy hoạch tổng thể các Trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến nay đã có 32 trung tâm đi vào hoạt động, 14 trung tâm đang xây dựng. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tăng cường giám sát trên mạng kiểm định và qua hệ thống Camera; thực hiện kiểm tra chuyên ngành 85 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đã phát hiện sai phạm và đình chỉ 01 tháng đối với 55 đăng kiểm viên, đình chỉ hoạt động 02 dây chuyền kiểm định, đình chỉ hoạt động 01 tháng đối với 03 Trung tâm. Từ 01/01/2017 đến 31/8/2017 tổng số lượt phương tiện đã kiểm định: 1.979.295 lượt (trong đó: số lượt đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật: 1.667.735 lượt, số lượt không đạt tiêu chuẩn ATKT: 303.530 lượt; số lượt đạt ở lần kiểm định thứ nhất 1.391.025 lượt, số lượt phương tiện không đạt ở lần kiểm định thứ nhất 291.471 lượt).
Về đường thủy nội địa: Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Ban An toàn giao thông các tỉnh và lực lượng chức năng tại địa phương tổ chức tuyên truyền tới chủ phương tiện thủy nội địa có phương tiện đã quá hạn kiểm định mà chưa thực hiện kiểm định lại theo quy định; thông báo trên Website của Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách các phương tiện hết niên hạn của từng tỉnh, thành phố; thông báo đến các chủ phương tiện thời hạn kiểm định của phương tiện; tổ chức rà soát tình trạng kỹ thuật của tàu khách, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm trên vịnh. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đăng kiểm nâng cấp VR-SB cho phương tiện phù hợp với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải để phương tiện hoạt động trên các tuyến vận tải ven bờ biển (đến nay có 1.371 phương tiện hiện đang hoạt động trên tuyến SB, trong đó có 34 phương tiện chở công ten nơ). Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị Đăng kiểm thực hiện kiểm tra bến, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Về hàng hải: Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác đăng kiểm nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC; tiếp tục nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong công tác đăng kiểm tàu biển; trong 9 tháng năm 2017 số tàu bị lưu giữ là 20 tàu trong tổng số 558 lượt kiểm tra chiếm tỷ lệ lưu giữ là 3,58%.
c) Công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ của người điều khiển phương tiện
- Công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, sách hạch, cấp giấy phép lái xe tiếp tục được tăng cường, cụ thể: sân tập lái của các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe đã có tình huống giả định, mô phỏng tình huống lên dốc, xuống dốc, nơi đường bộ giao cắt với đường sắt không có rào chắn; Việc sát hạch lý thuyết, sát hạch lái xe trong hình đã sử dụng thiết bị chấm điểm tự động... Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở Giao thông vận tải kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức giảng dạy, ôn luyện các nội dung này tại các cơ sở đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo chưa giảng dạy đủ các nội dung trên, thì đình chỉ tuyển sinh hoặc thu hồi giấy phép đào tạo.
Thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần đảm bảo an toàn giao thông”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức hợp tác đường bộ Vicroads Internation Australia (đơn vị tư vấn) khảo sát, đánh giá công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Hà Nội, Bắc Ninh và Quảng Ninh. Để quản lý người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông hoàn thiện “Quy chế phối hợp để quản lý vi phạm của người lái xe”.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 16/9/2016 đến ngày 15/8/2017, trên toàn quốc có 327 cơ sở đào tạo lái xe ô tô; đã cấp mới 612.948 giấy phép lái xe ô tô; cấp đổi 348.990 giấy phép lái xe ô tô.
- Về lĩnh vực đường thủy nội địa: để tiếp tục nâng cao chất lượng trong đào tạo thuyền viên, người lái, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định về thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm bảo chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa; đồng thời, bổ sung, sửa đổi Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Tính đến 15/9/2017 tổng số Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn được cấp là: 374.344 chiếc, đạt 40,6% so với Tổng điều tra. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2017 cấp được 20.428 chiếc tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2016; tháng 9/2017 cấp được 2.223 chiếc.
d) Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT ngày 28/02/2017 quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đã hoàn thành việc xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về quy trình kiểm tra tải trọng phương tiện.
- Về việc ký cam kết kiểm soát tải trọng phương tiện: Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chấp thuận biểu mẫu ký cam kết kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ, các cục chức năng đang triển khai, đôn đốc việc ký lại cam kết kiểm soát tải trọng xe theo mẫu mới đã được Bộ chấp thuận; Sở Giao thông vận tải các địa phương cũng đang triển khai tổ chức ký lại cam kết (theo mẫu mới) với các doanh nghiệp về không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép.
- Triển khai Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát cụ thể 28 vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe theo kế hoạch đến năm 2020; đồng thời, hoàn thiện mô hình mẫu Trạm kiểm tra tải trọng xe để triển khai thí điểm, làm cơ sở sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trạm kiểm tra tải trọng xe.
- Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-BCA-C67 ngày 30/5/2017 về thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; đồng thời có Điện số 88/HT ngày 14/02/2017 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Thông báo số 13/TB-BCA-V11 của Bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe.
- Tại các địa phương, công tác kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: các địa phương đã củng cố lại lực lượng khắc phục những khó khăn về biên chế và kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, đồng thời tăng cường sử dụng bộ cân xách tay để xử lý tình trạng xe quá tải đi vòng tránh trạm kiểm tra tải trọng xe. Hiện nay, còn 8/63 địa phương đang tiếp tục kiện toàn lực lượng để đưa trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động vào hoạt động.
Kết quả kiểm soát tải trọng xe: trong giai đoạn từ 16/9/2016 đến ngày 15/8/2017, lực lượng Thanh tra giao thông đã kiểm tra 352.842 phương tiện, phát hiện 41.505 phương tiện vi phạm, tước 10.624 giấy phép lái xe, xử phạt 244 tỷ đồng.
Kết quả xử lý vi phạm quá khổ, quá tải: từ 16/9/2016 đến ngày 15/9/2017 Bộ Công an đã kiểm tra, xử lý 53.992 trường hợp (trong đó quá tải 41.786 trường hợp, quá khổ 12.206 trường hợp), phạt tiền 333,129 tỷ đồng, tạm giữ 4.167 phương tiện, tước Giấy phép lái xe 16.406 trường hợp, hạ tải 15.367 trường hợp với 40.959 tấn hàng hóa.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ GIẢM ÙN TẮC GIAO THÔNG
1. Tai nạn giao thông (theo số liệu Văn phòng Bộ Công an, Cục Hàng hải Việt Nam tính từ ngày 16/9/2016 đến 15/9/2017)
Xảy ra 20.078 vụ, làm chết 8.230 người, bị thương 16.981 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 1.458 vụ (-6,8%), giảm 394 người chết (-4,6%), giảm 2.348 người bị thương (-12,1%). Trong đó:
a) Đường bộ: Xảy ra 19.807 vụ, làm chết 8.034 người, bị thương 16.913 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 1.403 vụ (-6,61%), giảm 355 người chết (-4,23%), giảm 2.349 người bị thương (-12,19%).
Trong đó có 67 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 211 người, bị thương 202 người.
Phân tích về giới tính, độ tuổi, thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, cho thấy:
- Về giới tính: 84,22% do nam; 15,78% do nữ
- Về độ tuổi: 6,81% dưới 18 tuổi; 33,1% từ 18 đến dưới 27 tuổi; 48,36% từ 27 đến 55 tuổi và 11,73% trên 55 tuổi.
- Về thời gian: 10,81% từ 0h đến 06h; 19,13% sau 06h đến 12h; 32,13% từ sau 12h đến 18h và 37,93 từ sau 18h đến 24h.
- Về địa điểm: 0,85% xảy ra trên cao tốc; 37,58% quốc lộ; 13,17% tỉnh lộ; 33,7% nội thị; 12,05% nông thôn; 2,63% nơi khác.
- Về nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông: có 24,05% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 9,55% do vi phạm tốc độ xe chạy; 9,37% do chuyển hướng không chú ý; 6,47% do không nhường đường; 6,26% do vượt xe sai quy định; 6,13% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,17% do tránh xe; 2,04% do sử dụng rượu bia; 33,96% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có Giấy phép lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do người đi bộ, do công trình giao thông và các nguyên nhân khác.
- Tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em là 6,81% tổng số nạn nhân; theo nghiên cứu của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Việt Đức về tai nạn giao thông trẻ em tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ tai nạn giao thông do trẻ em gây ra và nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em ở 2 thành phố cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của thế giới và khu vực, đồng thời có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011-2016, đặc biệt là tỷ lệ nạn nhân tử vong là học sinh trung học phổ thông chiếm trên 80% số nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em.
b) Đường sắt: xảy ra 153 vụ, làm chết 131người, bị thương 43 người. So với cùng kỳ nằm 2016, giảm 41 vụ (-21,13%), giảm 30 người chết (-18,63%), giảm 15 người bị thương (-25,86%). Có 04 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 15 người, bị thương 10 người.
Về nguyên nhân: Có 70,62% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh; 14,22% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ nằm, ngồi trên đường sắt; 6,63% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang có phòng vệ bằng cảnh báo tự động; 8,06% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang có biển báo; 0,47% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua đường ngang có người gác
c) Đường thủy:
Xảy ra 95 vụ, làm chết 51 người, bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 20 vụ (-17,39%), giảm 20 người chết (-28,17%), tăng 15 người bị thương (+166,67%). Có 04 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13 người, bị thương 17 người.
Về nguyên nhân: có 58,51% do phương tiện tránh, vượt không đúng quy định; 19,15% do phương tiện đâm va vào chướng ngại vật; 10,64%) do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện; 8,51% do vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện; 3,19 do nguyên nhân khác.
d) Hàng không: không xảy ra tai nạn
đ) Hàng hải: xảy ra 23 vụ, làm chết 14 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 6 vụ (+35,3%), tăng 11 người chết (+366,7%) và tăng 01 người bị thương.
e) Tình hình xảy ra tai nạn giao thông theo địa phương trong 9 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/9/2017): có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì ra tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Cao Bằng, Cà Mau, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Yên Bái. Đặc biệt Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35% số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn 15 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 8 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu; có 02 tỉnh có số người chết tăng trên 40% là: Hậu Giang, Lai Châu (có phụ lục kèm theo).
f) Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (số liệu tính từ ngày 16/9/2016 đến 15/9/2017): xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 240 người chết, bị thương 229 người. Một số vụ điển hình là: 02 vụ tai nạn giao thông đường sắt, (1) tại khu gian Lăng Cô - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) ngày 20/02 làm 03 người chết, 02 người bị thương, (2) tại Bình Định ngày 24/4 làm 04 người chết, 02 người bị thương; 01 vụ tai nạn giao thông hàng hải tại Vũng Tàu ngày 28/3 làm chết 09 người; vụ tai nạn giao thông giữa xe khách và xe tải tại Gia Lai ngày 7/5 làm 13 người chết, 35 người bị thương; 3 vụ giữa 2 xe khách làm 9 người chết, 31 người bị thương (tại Kon Tum ngày 30/6 làm 04 người chết, 10 người bị thương; trên QL1A Bình Thuận ngày 19/7 làm 3 người chết, 16 người bị thương; tại Long An ngày 30/8 làm 2 người chết, 5 người bị thương); 03 vụ tai nạn giao thông đường thủy tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bạc Liêu, mỗi vụ chết 3 người.
Theo báo cáo sơ bộ của Công an các địa phương, nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay:
+ Về tai nạn giao thông đường bộ: các vụ tai nạn giao thông phần lớn đều do lái xe vi phạm quy định trật tự, an toàn giao thông như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém.
Đa phần các vụ tai nạn đều liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải mà đặc biệt là xe ô tô tải, một phần liên quan đến xe máy; các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc, nơi có địa hình hiểm trở, quanh co, tầm nhìn hạn chế và trên đường trong khu đô thị; phần lớn các nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy và xe kinh doanh vận tải, nhiều nạn nhân có tuổi đời còn trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn.
+ Về tai nạn giao thông đường sắt: do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định an toàn giao thông khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh; hiện vẫn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông đường sắt.
+ Về tai nạn giao thông đường thủy nội địa: do việc sử dụng phương tiện gia dụng không bảo đảm chất lượng, không có dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định.
Mặc dù nhân tố con người là nguyên nhân lớn nhất trực tiếp gây nên các vụ tai nạn giao thông nói chung, những bất cập trong hành vi của người tham gia giao thông là hệ quả trực tiếp và gián tiếp của những yếu kém tồn tại trong: các quy định pháp luật có liên quan tới công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu lực thực thi pháp luật, hệ thống giáo dục và tuyên truyền nói chung và đào tạo sát hạch cấp phép lái xe nói riêng, những bất cập về hạ tầng, quản lý phương tiện; công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm và công tác ứng phó cứu hộ sau tai nạn.
2. Ùn tắc giao thông
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 02 buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo TP. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Ngay sau buổi làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt, cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị và các dự án xây dựng cầu vượt tại các nút giao thường xuyên ùn tắc; đổi mới đoàn phương tiện và điều chỉnh lộ trình, lịch trình dịch vụ xe buýt trong đô thị, đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh (Hà Nội); ra quân“Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè” tại hai thành phố; triển khai các biện pháp điều tiết chống ùn tắc cục bộ tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu chuẩn bị thực hiện đề án quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố; Bộ Giao thông vận tải tích cực triển khai đưa hệ thống thu phí không dừng tại các trạm BOT vào hoạt động đồng bộ trên tuyến QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm khác; thực hiện quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô, áp dụng mô hình hoạt động xe buýt cho các tuyến vận tải cố định liên tỉnh kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận (trong bán kính khoảng 100-120 km), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:
a) Tại thành phố Hà Nội:
Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; thông qua đề án, thành phố hướng đến một số giải pháp, như: quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông bằng cách đề xuất cấp hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện kinh doanh như taxi (Uber, Grab) phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng giao thông; quy định số lượng xe điện chở người 4 bánh; quản lý xe đạp điện như xe máy và rà soát, có biện pháp xử lý đối với xe máy không đảm bảo an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng. Có biện pháp xử lý đối với xe máy đã qua sử dụng không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, thành phố tập trung các lực lượng thường xuyên tổ chức điều tiết giao thông vào giờ cao điểm tại các vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông; tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, tổ chức giao thông trên địa bàn; cung cấp danh sách các tuyến phố cấm xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội; theo đó sẽ thực hiện cấm theo giờ đối với một số đoạn, tuyến phố có nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, như: đoạn tuyến từ Ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng đến Xuân Thủy - Trần Thái Tông, đường Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám...
Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cập nhật các địa điểm phát sinh hiện tượng xe dù, bến cóc tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; tổ chức xử lý dứt điểm các điểm đã tồn tại và xử lý ngay các điểm mới phát sinh.
b) Thành phố Hồ Chí Minh:
Thành phố đã phân cấp quản lý toàn bộ hệ thống vỉa hè cho các quận huyện. Nhiều quận huyện đã tập trung chỉ đạo, ra quân thường xuyên nên đã tạo được chuyển biến rõ rệt, như: Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4, Quận 6, Quận 7, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Củ Chi; đến nay tình hình trật tự lòng, lề đường trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước. Nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn, hoạt động buôn bán lấn chiếm tại một số nơi đã được chấn chỉnh và sắp xếp tương đối ổn định.
Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư phương tiện thuộc đề án thay mới 1680 xe công cộng. Đến hết năm 2016, thành phố đã đầu tư thay thế được 857 xe trên 49 tuyến xe buýt. Theo kế hoạch đến hết năm 2017 sẽ đầu tư thay thế tiếp 823 xe buýt mới trên các tuyến xe buýt có trợ giá; việc thay xe mới đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt (khối lượng vận chuyển tăng thêm khoảng 20% so với trước thời điểm thay xe).
c) Kết quả về tình hình ùn tắc giao thông: theo thống kê của Văn phòng Bộ Công an (số liệu tính từ ngày 16/9/2016 đến 15/9/2017): xảy ra 64 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 09 vụ (-14,1%). Nguyên nhân: do tai nạn giao thông: 50 vụ (78,12%); lưu lượng phương tiện tăng cao: 04 vụ (6,25%); nguyên nhân khác (sự cố trên đường, cháy nổ, sạt lở...): 10 vụ (15,63%).
1. Kết quả nổi bật
Từ 16/9/2016 - 15/9/2017 là thời điểm nhân dân cả nước đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cùng nhiều Lễ Hội xuân, nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp (lũ lụt ở miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc), nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của một số Bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam..., tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương; tai nạn giao thông đường sắt giảm sâu so với năm trước.
- Tình hình vận tải trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, không để xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao đã giảm; tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.
- Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi cơ giới trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.
Những kết quả về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Chính phủ và các địa phương được sự quan tâm giám sát và ghi nhận của các Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đạt được những kết quả trên là do:
Một là, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sự vào cuộc thực hiện nghiêm túc, kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Năm An toàn giao thông 2017, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Hai là, sự chỉ đạo và vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự chủ động, tích cực của các cơ quan thường trực về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các đơn vị liên quan trong lực lượng Công an, Giao thông vận tải từ trung ương đến địa phương; các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông... đã nỗ lực cao nhất để tạo môi trường giao thông và dịch vụ vận tải thuận tiện, có chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9.
Ba là, việc tiếp thu nghiêm túc, kịp thời ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, của người dân trong việc xây dựng và thi hành các chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã góp phần khắc phục kịp thời những thiếu sót trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến quá trình triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bốn là, công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường, ngoài lực lượng CSGT, các địa phương tăng cường các lực lượng khác như cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã, phường tham gia tuần tra và giải tỏa lòng, lề đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và đường sắt.
Năm là, việc đầu tư cho phát triển, bảo vệ KCHTGT tiếp tục được quan tâm và chú trọng; trong đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm (như QL1A, QL5, đường Hồ Chí Minh...) đã góp phần nâng cao điều kiện khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế và hạn chế tai nạn giao thông; công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được rà soát và xử lý thường xuyên góp phần nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với các công trình đường bộ đang khai thác.
Sáu là, việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Bảy là, công tác đăng kiểm, quản lý phương tiện giao thông cơ giới ngày càng chặt chẽ, minh bạch, dẫn đến chất lượng phương tiện khi tham gia giao thông ngày càng nâng cao, hạn chế tối đa tai nạn giao thông có nguyên nhân từ yếu tố kỹ thuật của phương tiện.
Tám là, các Bộ, ngành, đoàn thể và cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông; vận động người dân, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
a) Một số tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông hàng hải tăng cao đột biến trong các tháng đầu năm 2017; tai nạn giao thông đối với trẻ em vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân của khu vực và có diễn biến phức tạp, gia tăng trong giai đoạn 2011 - 2016 (tính riêng ở Hà Nội và TPHCM); xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa làm 240 người chết, bị thương 228 người và thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội; xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng gây thiệt hại về tài sản và gây lo lắng đối với hành khách.
Thứ hai, tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động trái phép theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định trong khu vực nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương (tình trạng xe dù, bến cóc) diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.
Thứ ba, tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).
Thứ tư, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo dừng hoạt động nạo vét, tận thu sản phẩm, nhưng tình hình khai thác cát tại các mỏ vật liệu có phép và khai thác trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại tại một số địa phương (Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang...) gây mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế xã hội địa phương.
Thứ năm, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu; ùn tắc giao thông cục bộ do tai nạn giao thông, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thứ sáu, công tác quản lý, khai thác vận hành tại một số dự án BOT trên quốc lộ còn chưa hợp lý dẫn đến một bộ phận lái xe phản ứng tiêu cực, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí, gây tâm lý lo ngại, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
b) Nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế nêu trên:
Thứ nhất, chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; còn một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định (đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thủy nội địa).
Thứ hai, hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mặc dù đã có nhưng còn thiếu hoặc bất cập dẫn tới vướng mắc, hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện, ví dụ: thiếu quy định về thời gian thử thách đối với người mới được cấp bằng lái xe tô tô; thiếu quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng các ứng dụng kết nối khách hàng qua điện thoại thông minh; thiếu chế tài xử phạt lũy tiến với hành vi tái phạm, xử phạt bằng lao động công ích; thủ tục xử phạt các vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống tư pháp còn phức tạp; Luật thống kê chưa quy định rõ về thống kê các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; một số quy định pháp luật chưa sát với thực tiễn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ ba, còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là tình trạng nút giao thông, điểm giao cắt đường bộ-đường sắt không đảm bảo an toàn; lối đi dân sinh trái phép vẫn còn nhiều trên hệ thống đường sắt (5.700 điểm giao cắt, trong đó có 1.516 đường ngang hợp pháp có cảnh báo và 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp đa số mới chỉ thu hẹp và cắm biển cảnh báo, xây gờ giảm tốc, chưa xử lý dứt điểm được); hệ thống vạch sơn, tín hiệu, ký hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên nhiều tuyến đường bộ, thiếu gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn giao thông để tập kết vật liệu, nông, lâm sản, kinh doanh, trông giữ phương tiện, xây dựng công trình... trái phép trên mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa diễn ra tràn lan.
Thứ tư, hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông; trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn thấp; đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải; một bộ phận không nhỏ chủ phương tiện buông lỏng công tác an toàn vận tải và không thực hiện quy định pháp luật về thời gian lao động của lái xe.
Thứ năm, sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là sự tăng nhanh của xe ô tô tải, xe ô tô con cá nhân; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn giao thông, sự cố phương tiện, tại các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng đường là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Thứ sáu, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải cũng như giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu tiêu chí để đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của bộ, ngành, địa phương.
Thứ bảy, kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho trật tự, an toàn giao thông, dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí dành cho tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giải tỏa hành lang an toàn giao thông và xử lý khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương.
Năm 2018, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,5%, đặc biệt là từ 01/01/2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ gia tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông; từ nay đến tháng 11 năm 2017, tiếp tục diễn ra chuỗi hoạt động hướng tới Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TƯ ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 28/4/2011 của Chính phủ nhằm mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%; giảm số vụ ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các trục giao thông trọng điểm; Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:
- Giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2017.
- Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
- Thực hiện Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”.
a) Hoàn thiện thể chế
Tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới... và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông; kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông cùng với các chế tài xử lý vi phạm tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
b) Tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội
Đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa học lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông; có chiến lược truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thanh, thiếu niên; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp đồng thời xây dựng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật dân tộc để tuyên truyền về văn hóa giao thông.
c) Phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tái cấu trúc phát triển không gian
Khẩn trương nghiên cứu, lập và triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đặc biệt là sớm trình xin chủ trương để lập và đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Biên Hòa - Vũng Tàu; TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh... gắn với điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và sử dụng đất của các trung tâm kinh tế -chính trị - xã hội nhằm nâng cao năng lực kết nối quốc gia và vùng, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm cho các đô thị trung bình (loại 1, loại 2) nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông, môi trường và an sinh xã hội.
d) Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và giảm giá thành vận tải hàng hóa của các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt; tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức nhằm thu hút nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giúp giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
đ) Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; đảm bảo tính kết nối liên thông về dịch vụ giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, với dịch vụ xe buýt và dịch vụ vận tải công cộng đường dài quốc gia (hàng không, đường sắt quốc gia, xe khách liên tỉnh).
Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt trong các đô thị; tổ chức quản lý các tuyến xe buýt khách liên tỉnh với lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe, trật tự xe trên đường ổn định, điểm dừng đỗ rõ ràng với đầy đủ thông tin để thu hút hành khách đi lại bằng dịch vụ công cộng, giảm mức độ sử dụng phương tiện cá nhân.
e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh
Khẩn trương nghiên cứu, lập dự án đầu tư trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, hướng dẫn người dân; đồng thời có khả năng giám sát và hỗ trợ xử lý vi phạm trước hết tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác.
Đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu để quản lý điều hành giao thông thông minh giữa các trung tâm điều hành giao thông đô thị với các trung tâm quản lý, điều hành mạng lưới đường cao tốc; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa quản lý giao thông, vận tải công cộng và lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
3. Nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương
a) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 - 2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 70 của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, thay thế Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 30/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cơ sở đó trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép đưa vào chương trình làm việc để sửa đổi bổ sung trong thời gian sớm nhất.
- Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền và xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới giai đoạn 2015 - 2020; Kế hoạch xây dựng văn hóa giao thông giai đoạn 2016 - 2020; tuyên truyền về các giải pháp thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2018.
- Ký chương trình phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2017 - 2021 với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
- Tổ chức hoạt động tuyên truyền theo chủ đề: an toàn cho người đi xe mô tô; kiểm soát tốc độ; kiểm soát tải trọng xe; kiểm soát uống rượu, bia đối với lái xe; an toàn đường ngang đường sắt; an toàn bến khách ngang sông; sản xuất các sản phẩm truyền thông (phóng sự, thông điệp, áp phích, pano, tờ rơi...) để tuyên truyền thống nhất trên toàn quốc.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông qua các chương trình phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp; kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đã ký; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Vòng tay nhân ái chia sẻ nỗi đau tai nạn giao thông”, Chương trình hỗ trợ mũ bảo hiểm “Trọn nghĩa đồng bào - Ấm tình cha mẹ”.
- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”; phong trào xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2018, trao giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ V; phát động và trao giải thưởng báo chí viết về An toàn giao thông năm 2018.
- Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông hàng quý để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; tổ chức Hội nghị thường niên diễn đàn các nhà khoa học về an toàn giao thông năm 2018.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng quý tại các địa phương có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng.
b) Bộ Giao thông vận tải
- Triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và đề án thuộc Chương trình công tác năm 2018; trong đó, tập trung hoàn thành tổng kết thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, báo cáo Chính phủ nội dung và kế hoạch sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét; tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật đường sắt sửa đổi; tập trung xây dựng các Nghị định sửa đổi, thay thế các Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và lĩnh vực hàng hải; tiếp tục rà soát quy định về tiêu chí xác định điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường sắt và đường thủy nội địa; đề xuất với Chính phủ về việc sửa đổi một số quy định có liên quan để thúc đẩy tiến độ và chất lượng đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến năm 2020; Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa.
- Chủ trì tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Tập trung triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng công trình giao thông, đặc biệt chú trọng đối với các dự án trọng điểm, như: dự án đường sắt trên cao, đường bộ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... Tăng cường rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên hệ thống đường quốc lộ; cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; rà soát, điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ theo tiêu chuẩn QCVN41:2016/BGTVT.
- Phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương khắc phục những bất hợp lý trong công tác quản lý, khai thác vận hành tại một số dự án BOT trên quốc lộ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
- Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, trước hết là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và phương tiện thủy nội địa và đơn vị vận tải hàng hóa đường bộ có xe ô tô tải trên 7 tấn chưa kiểm tra trong giai đoạn 2013-2016; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc chở hàng cấm, vật liệu dễ cháy, nổ trên phương tiện chở khách; khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ lái xe, có kiểm tra dấu hiệu sử dụng ma tuý; tổ chức tốt công tác vận tải phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
- Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tải các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng trên toàn quốc; cung cấp dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm.
- Phối hợp với Bộ Công an tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu xử phạt trật tự, an toàn giao thông với công tác quản lý cấp giấy phép lái xe để bảo đảm không cấp giấy phép lái xe cho lái xe trong thời gian bị tước giấy phép lái xe.
- Tiếp tục nghiên cứu ban hành các quy định của pháp luật để cụ thể hóa các điều kiện, yêu cầu trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho các lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là: lái xe khách, xe tải, xe chở container...
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và du lịch; nâng cấp phần mềm quản lý để có thể giám sát trực tuyến tình hình giao thông trên mạng lưới đường bộ toàn quốc, cung cấp ứng dụng hướng dẫn giao thông cho lái xe và người dân; cung cấp dữ liệu tổng hợp cho Sở Giao thông vận tải các địa phương khác để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn theo yêu cầu đặc thù của địa phương; phối hợp với VOV Giao thông để chia sẻ dữ liệu giữa hai bên.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ; điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, hàng không.
- Cập nhật các quy định mới nhất của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO); khắc phục khuyến cáo sau đợt đánh giá theo chương trình giám sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của ICAO và của Cục hàng không Hoa Kỳ (FAA), chuẩn bị sẵn sàng cho đợt đánh giá của FAA, đạt điều kiện phục vụ cho các hãng hàng không Việt Nam bay thẳng đến Hoa Kỳ; đánh giá công tác triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn (SMS) của các đơn vị cung cấp dịch vụ trên cơ sở triển khai mạnh mẽ các biện pháp cụ thể đã được nêu tại Chương trình an toàn Quốc gia.
c) Bộ Công an
- Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Công an nhân dân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ Công an về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt 05 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường quản lý vận chuyển hành khách bằng ô tô và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; Chỉ thị số 29/CT-TTg về xử lý phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phục vụ các hoạt động của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
- Tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác; xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên lĩnh giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo các chuyên đề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông.... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên. Gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gắn với hoạt động tuần tra kiểm soát; triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” gắn với thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ cho xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông. Phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành văn bản phối hợp điều tra, giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện do Quân đội quản lý.
- Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án đấu giá biển số xe; Đề án nâng cao hiệu quả trong quản lý biển số xe ô tô, xe mô tô thuộc sở hữu cá nhân, doanh nghiệp. Hoàn thiện và triển khai việc tích hợp các thông tin điện tử của cá nhân người điều khiển phương tiện vào giấy chứng nhận đăng ký xe.
- Nghiên cứu, đề xuất quy định trình tự, thủ tục khi xử phạt qua hình ảnh từ các thiết bị ghi hình đảm bảo đúng pháp luật; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp theo dõi, quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng.
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với các loại xe máy điện, xe đạp điện, mũ bảo hiểm dành cho người đi xe mô tô, xe gắn máy.
d) Bộ Quốc phòng
- Tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, duy trì nghiêm việc chấp hành các quy định pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội đối với người điều khiển phương tiện quân sự, nhất là thực hiện quy định của pháp luật về nồng độ cồn, về tốc độ và quy định về tải trọng khi tham gia giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp quân đội, phối hợp với các cơ quan chức năng ngoài Nhà nước hoàn thiện việc chuyển đổi biển số cho các xe ô tô doanh nghiệp làm kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng giấy tờ giả, biển số giả phương tiện quân sự hoạt động trái phép.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông trong toàn quân, duy trì và phát huy, nhân rộng các mô hình xây dựng địa bàn điểm về trật tự, an toàn giao thông.
đ) Bộ Xây dựng
- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý hoạt động xây dựng nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
- Nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đánh giá mức độ tác động gây ùn tắc giao thông đối với các công trình xây dựng quy mô lớn trong khu vực đô thị.
- Rà soát, bổ sung quy định về diện tích, số vị trí đỗ xe ô tô, đỗ mô tô, xe máy tối thiểu trong công trình xây dựng chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện...
- Rà soát, sửa đổi thống nhất quy định về không gian vỉa hè, lối đi dành cho người đi bộ đối với đường nội bộ các công trình xây dựng khu dân cư, văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... kết nối với đường công cộng.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Triển khai Đề án tuyên truyền an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng giai đoạn 2016-2020. Tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức viết tuyên truyền về bảo đảm an toàn giao thông cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Tổ chức Hội thi Thông tin lưu động tuyên truyền về an toàn giao thông.
- Sản xuất các tiểu phẩm phát thanh và phát sóng trên sóng phát thanh quốc gia. Sản xuất phóng sự chính luận nhằm phân tích các nguyên nhân, hậu quả, giải pháp, chế tài, ... qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của cộng đồng. In sao đĩa về các chương trình tiêu phẩm truyền thanh gửi hệ thống Đài truyền thanh cơ sở (cấp huyện, cấp xã) để tuyên truyền.
f) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông năm học 2018-2019; xây dựng kế hoạch triển khai năm an toàn giao thông 2018 trong hệ thống giáo dục và phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường- tháng 9/2018.
- Tiếp tục triển khai bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến các sở giáo dục và đào tạo; phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2018-2019 cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục An toàn giao thông cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến Trung học phổ thông, triển khai đồng bộ từ năm học 2018-2019.
g) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ứng vốn, bổ sung vốn ngân sách trung ương kết hợp với ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa để xóa các điểm đen về tai nạn giao thông, các đoạn đèo dốc nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương; ưu tiên kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông; tiếp tục rà soát và hoàn thiện văn bản liên quan đến việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ an toàn giao thông năm 2018 từ nguồn chi ngân sách nhà nước năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
h) Bộ Y tế:
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư quy định về kiểm tra, xét nghiệm chất kích thích thần kinh bị cấm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Thông tư số 49/2016/BYT ngày 30/12/2016 quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc.
- Tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông cho đội ngũ lái xe taxi, xe chở khách và tình nguyện viên.
- Phối hợp chặt chẽ trong công tác thống kê tai nạn giao thông năm 2017; hàng quý có báo cáo số nạn nhân vi phạm nồng độ cồn, vi phạm chất gây kích thích khi cấp cứu tai nạn giao thông tại bệnh viện.
- Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng khám sức khỏe đối với lái xe, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong tổ chức thực hiện.
i) Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, người điều khiển xe mô tô, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.
k) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018 theo chủ đề năm với một số nhiệm vụ trọng tâm:
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường quản lý vận chuyển hành khách bằng ô tô và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; Chỉ thị số 29/CT-TTg về xử lý phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
- Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt.
- Xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bám sát chủ đề năm An toàn giao thông 2018, chuyên đề an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và các chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động cơ sở, phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh xã, phường.
- Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2018 của địa phương và các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả lối đi dân sinh), sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ và huy động người dân tham gia phù hợp quy định pháp luật (đối với lối đi dân sinh); cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt, gắn trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi dân sinh trái phép. Tổ chức cảnh báo có người gác tại các lối đi dân sinh qua đường sắt có mật độ phương tiện cao. Đề xuất cơ chế để tạo nguồn kinh phí cho chính quyền huyện, xã xây dựng đường gom.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu để Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo:
+ Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; thống kê và có phương án quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán.... đảm bảo trật tự an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận dân nghèo sống phụ thuộc vỉa hè.
+ Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay ùn tắc giao thông để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông; thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về phương án phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay ùn tắc giao thông, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường...
+ Sở Giao thông vận tải xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến, tích hợp dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô, toàn bộ camera trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý, giám sát, điều hành, cung cấp thông tin vi phạm cho Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người dân thành phố và những người muốn ra, vào thành phố.
+ Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng 100-120 km theo mô hình quản lý tuyến xe buýt; tổ chức các đoàn tàu ngoại ô, xem xét cơ chế trợ giá cho hành khách đi lại trên các tuyến này; tổ chức kết nối với các tuyến xe buýt trong nội thành; tổ chức trông giữ xe tại các đầu bến và các trạm dừng bên ngoài thành phố.
+ Xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó chú trọng các giải pháp áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường; xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo.
Đề thực hiện được mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các Nghị quyết của Quốc hội và tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong năm 2017 cũng như trong các năm tiếp theo, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 70 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về việc “giảm số thương vong về người do tai nạn giao thông đường bộ năm 2020 còn bằng 50% con số của năm 2010”, Chính phủ kiến nghị Quốc hội:
1. Xem xét ban hành nghị quyết và tổ chức giám sát về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Xem xét đưa vào chương trình làm việc để sớm thông qua Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia; Luật sửa đổi bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật quy hoạch.
3. Đưa vào chương trình để nghiên cứu sửa đổi các Luật có liên quan tới công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: Luật giao thông đường bộ, Luật thống kê, Luật đất đai, trong thời gian sớm nhất.
4. Các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát và tổ chức chất vấn theo chuyên đề đối với các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
5. Các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương xem xét ban hành chương trình giám sát đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa phương, trong đó tập trung vào lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.
Trên đây là Báo cáo của Chính phủ về “Kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018”. Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Quốc hội và sự giám sát thường xuyên của các Ủy ban của Quốc hội./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
1 Điện số 469/TK ngày 02/12/2016, Điện số 88/HT ngày 14/02/2017, Điện số 120/HT1 ngày 28/02/2017, Điện số 207/HT1 ngày 04/4/2017, Điện số 233/HT1 ngày 15/4/2017.
2 Kế hoạch số 11/KH-BCA-C67 ngày 09/01/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân năm 2017; Kế hoạch số 67/KH-BCA-C67 ngày 28/3/2017 thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 69/KH-BCA-C41 ngày 13/4/2017 về tổ chức cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi; Kế hoạch số 319/KH-BCA-C67 ngày 17/11/2016 thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Kế hoạch số 156/KH-BCA-C67 ngày 30/5/2017 về thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Kế hoạch số 56/KH-BCA-C67 ngày 22/3/2017 kiểm tra công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ...
3 Công điện số 5560/CĐ-BCĐ ngày 29/8/2016 triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm bào đàm trật tự ATGT trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2016-2017; Văn bản số 7018/BCĐ ngày 28/10/2016 Tổ chức các hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Văn bản số 7034/TCKT ngày 08/11/2016 Tổ chức thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 25/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Văn bản số 7877/BCĐ-TCKT ngày 30/11/2016 Tổ chức thực hiện Công điện số 23/CĐ-UBATGTQG của UBATGTQG về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý IV/2016.
Công văn số 2404/CT-TH ngày 23/12/2016 triển khai thực hiện công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 8563/BCĐ ngày 27/12/2016 để chỉ đạo toàn quân xây dựng kế hoạch bảo đảm ATGT trong dịp Tết; Công điện số 184/CĐ-XM ngày 16/01/2017 về tăng cường biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ Hội Xuân 2017; Công văn số 537/XM-KTXQS ngày 06/03/2017 về xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Công văn số 640/XM-KTXQS ngày 15/03/2017 về tăng cường kiểm tra xe quân sự; Công văn số 874/XM-KTXQS ngày 04/04/2017 về xử lý vi phạm tải trọng, biển số giả; Công điện số 956/BCĐ ngày 16/4/2017 bảo đảm ATGT dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
4 Văn bản số 5300/BGDĐT-CTHSSV ngày 25/10/2016 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2016; số 3988/BGDĐT-CTHSSV về tăng cường triển khai công tác giáo dục ATGT đầu năm học 2016; số 6305/BGDĐT-CTHSSV ngày 27/12/2016 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2017; công văn số 1658/BG ĐT-CTHSSV ngày 24/04/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2017; công văn số 1956/BGDĐT-CTHSSV ngày 10/5/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sình viên trong dịp nghỉ hè và kỳ thi TNPT quốc gia năm 2017; số 4025/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 01/9/2017 về tăng cường triển khai công tác giáo dục ATGT năm học 2017-2018
5 Phối hợp với các báo, đài xây dựng hơn 100 phóng sự, trả lời phỏng vấn về các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hàng loạt phóng sự về các đợt triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, TTXH của lực lượng CSGT; các nội dung theo kế hoạch tuyên truyền chuyên đề. Phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an các địa phương xây dựng 06 phóng sự, tin bài tuyên truyền về các kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các địa phương: tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đối với người tham gia giao thông; trực tiếp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông cho 15.885 học sinh và gần 1.000 giáo viên, công nhân viên các trường THPT, THCS; tuyên truyền luật đường sắt cho 120 hộ dân sống dọc ven đường sắt và 850 lượt người tham gia giao thông qua đường ngang; phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho người dân, các doanh nghiệp, công nhân; tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa cho gần 50.000 lượt người tham gia giao thông, chủ phương tiện, cá nhân thuộc các cơ quan, doanh nghiệp vận tài đường thủy, người dân làm ăn, sinh sống dọc ven sông trên tuyến sông, tuyến ven biển.
Báo cáo 474/BC-CP về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 do Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 474/BC-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Trương Quang Nghĩa |
Ngày ban hành: | 19/10/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 474/BC-CP về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 do Chính phủ ban hành
Chưa có Video