Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2010/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về việc đánh giá, xếp loại công tác học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2011. Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Chính phủ, Bộ GD&ĐT;
- Như điều 3;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 39 /2010/BGDĐT ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về việc đánh giá công tác học sinh, sinh viên (HSSV) bao gồm: các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV và việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV theo các tiêu chuẩn.

2. Quy định này áp dụng đối với các khoa trực thuộc đại học, các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là các nhà trường).

Điều 2. Tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV

1.Tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV là quy định về những nội dung cơ bản, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực cơ bản của công tác HSSV.

2. Một nội dung của tiêu chuẩn là một khoản trong các điều quy định tại chương II của văn bản này.

Điều 3. Mục đích tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV

1. Đảm bảo sự thống nhất, từng bước chuẩn hoá để thúc đẩy sự phát triển công tác HSSV, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo của các nhà trường.

2. Làm căn cứ để nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch củng cố, hoàn thiện và tăng cường công tác HSSV sau mỗi năm học.

Điều 4. Yêu cầu tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV

1. Đảm bảo khách quan, toàn diện, khoa học, kết luận đúng và chính xác thực trạng công tác HSSV của nhà trường.

2. Việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của nhà trường phải căn cứ vào các minh chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng) hiện có để xác nhận mức độ đạt được của mỗi nội dung các tiêu chuẩn quy định tại Chương II của văn bản này.

Chương II

CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC HSSV

Điều 5. Tiêu chuẩn 1: Hệ thống tổ chức, quản lý và công tác hành chính

1. Có hệ thống tổ chức, quản lý công tác HSSV phù hợp, đúng quy định để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung của công tác HSSV.

2. Có phòng, ban chuyên trách thực hiện công tác HSSV theo Điều lệ nhà trường với số lượng và chất lượng cán bộ đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

3. Có đầy đủ cơ sở dữ liệu về HSSV; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ HSSV.

4. Các công việc hành chính có liên quan đến HSSV được giải quyết kịp thời, đúng quy định.

5. Thống kê, báo cáo đầy đủ về các nội dung của công tác HSSV theo quy định.

Điều 6. Tiêu chuẩn 2: Công tác quản lý HSSV

1. Các văn bản quy phạm pháp luật về công tác HSSV của cơ quan có thẩm quyền được cụ thể hoá thành các văn bản, nội quy, quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và được phổ biến, quán triệt đầy đủ đến HSSV và các đối tượng có liên quan.

2. Tổ chức thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội quy, quy định.

3. Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân HSSV và xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng quy chế, mang tính giáo dục cao đối với tập thể, cá nhân HSSV vi phạm nội quy, quy định.

4. Có Ký túc xá và thực hiện công tác quản lý HSSV ở nội trú theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Thực hiện công tác quản lý HSSV ở ngoại trú theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 7. Tiêu chuẩn 3: Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV

1. Xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện đầy đủ các nội dung, biện pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV theo từng năm học và toàn khoá học theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.Tổ chức tốt “Tuần sinh hoạt công dân -HSSV” đầu năm, đầu khoá và cuối khoá học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả việc khuyến khích HSSV phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu có).

4. Tổ chức thực hiện việc đánh giá và sử dụng kết quả rèn luyện của HSSV theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Tiêu chuẩn 4: Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ và hoạt động phong trào HSSV

1. Có kế hoạch hàng năm và triển khai hiệu quả các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong HSSV gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước, sự kiện lịch sử, truyền thống của nhà trường. Tổ chức và hỗ trợ để duy trì hoạt động của ít nhất một câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ HSSV.

2. Mỗi năm tổ chức ít nhất một cuộc thi văn hoá, văn nghệ cấp nhà trường; thành lập đội tuyển của nhà trường tham gia các cuộc thi văn hoá, văn nghệ cấp địa phương, toàn quốc do cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoặc tham gia biểu diễn, giao lưu với các cơ quan, đơn vị.

3. Có hội trường, trang thiết bị đảm bảo cho việc sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thường xuyên của HSSV.

4. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc chỉ đạo, tổ chức phong trào HSSV tình nguyện và các hoạt động giáo dục, tuyên truyền trong HSSV.

5. Xây dựng và tổ chức thường xuyên, hiệu quả phong trào học tập, nghiên cứu khoa học trong HSSV.

Điều 9. Tiêu chuẩn 5: Tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa trong HSSV

1. Có bộ phận chuyên trách theo dõi, thực hiện công tác thể thao ngoại khóa; có kế hoạch hàng năm, triển khai hiệu quả hoạt động thể thao ngoại khoá cho HSSV và tạo điều kiện để HSSV được luyện tập thể thao thường xuyên.

2. Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thể lực HSSV theo đúng các Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức, hỗ trợ để duy trì hoạt động của ít nhất một câu lạc bộ thể thao.

3. Mỗi năm tổ chức ít nhất một giải thể thao HSSV cấp trường; thành lập đội tuyển tham gia các giải vô địch thể thao cấp khu vực, cấp toàn quốc hoặc tham gia giao lưu, thi đấu với các cơ quan, đơn vị.

4. Có sân bãi, nhà thi đấu phục vụ việc luyện tập thể thao thường xuyên của HSSV.

Điều 10. Tiêu chuẩn 6: Thực hiện chế độ, chính sách đối với HSSV

1. Đảm bảo nguồn kinh phí và tổ chức xét chọn, trao học bổng khuyến khích học tập cho HSSV theo đúng Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương trong việc thực hiện học bổng chính sách, miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội, bảo hiểm, tín dụng đào tạo và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến HSSV theo đúng các quy định của Nhà nước.

3. Tạo điều kiện, có hình thức cụ thể để giúp đỡ HSSV khuyết tật, HSSV diện chính sách, HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Điều 11. Tiêu chuẩn 7: Công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ đối với HSSV

1. Thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho HSSV theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Hàng năm phối hợp với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động để tổ chức ít nhất 02 hoạt động giao lưu, tư vấn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội cho HSSV. Tổ chức và hỗ trợ để duy trì hoạt động thường xuyên ít nhất 01 câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của HSSV.

3. Phối hợp thường xuyên với các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, những người từng học tập và công tác tại trường để tổ chức hiệu quả việc tiếp nhận, trao tặng học bổng tài trợ và các hình thức hỗ trợ khác cho HSSV.

4. Tổ chức hiệu quả, đúng quy định các hoạt động dịch vụ đối với HSSV trong nhà trường như: nhà ăn tập thể, căng tin, trông giữ xe, dịch vụ văn hoá, thể thao.

Điều 12. Tiêu chuẩn 8: Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học, giáo dục an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội

1. Có văn bản phối hợp và triển khai thường xuyên, hiệu quả việc phối hợp với cơ quan công an ở địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học; tổ chức giao ban, phối hợp kiểm tra việc thực hiện theo định kỳ ít nhất 02 lần trong một năm.

2. Thành lập, thường xuyên kiện toàn để duy trì hoạt động hiệu quả của các Ban chỉ đạo, Đội HSSV tự quản về an ninh, trật tự; xây dựng Kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện công tác giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo các quy định và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng.

3. Phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định các vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội có liên quan đến HSSV. Không có vụ việc nghiêm trọng về an ninh, trật tự xảy ra trong trường học.

Điều 13. Tiêu chuẩn 9: Công tác y tế trường học

1. Thực hiện việc tổ chức và hoạt động của Trạm Y tế của nhà trường theo đúng Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Tổ chức việc khám sức khoẻ khi nhập học cho HSSV đúng quy định; Phối hợp hiệu quả với cơ quan y tế địa phương trong các hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ HSSV.

3. Đảm bảo vệ sinh trường, lớp học, ký túc xá; không để xảy ra dịch, bệnh tật học đường, ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích nghiêm trọng trong nhà trường.

4. Thực hiện nghiêm túc các quy định, tổ chức tốt công tác truyền thông, giáo dục cho HSSV về phòng, chống HIV/AIDS, tác hại của thuốc lá.

Điều 14. Tiêu chuẩn 10: Các nội dung khuyến khích đạt được

1. Có ít nhất 01 sáng kiến hoặc cải tiến trong công tác HSSV so với năm học trước được Hội đồng thi đua, khen thưởng của nhà trường công nhận ứng dụng thành công hoặc có thành tích nổi bật về công tác HSSV được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, khen thưởng.

2. Có quy ước về ứng xử văn hoá trong nhà trường và thực hiện tốt việc giáo dục văn hoá, thẩm mỹ, truyền thống trong HSSV.

3. Có đội tuyển của nhà trường đạt giải, thứ hạng cao (nhất, nhì, ba) trong các cuộc thi: văn nghệ, thể thao, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, olympic các môn khoa học,…cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Chương III

TỰ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN THEO CÁC TIÊU CHUẨN

Điều 15. Phương pháp tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV

1. Nhà trường thực hiện việc tự đánh giá công tác HSSV thông qua việc đánh giá và cho điểm từng nội dung trong mỗi tiêu chuẩn.

2. Việc cho điểm từng nội dung trong mỗi tiêu chuẩn được thực hiện trên cơ sở xem xét các minh chứng liên quan, điều kiện cụ thể của nhà trường và thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo văn bản này.

3. Điểm mỗi nội dung trong các tiêu chuẩn quy định tại chương II của văn bản này được tính tối đa là 2,5 điểm (làm tròn đến 0,05=5%). Tổng điểm tối đa của 40 nội dung các tiêu chuẩn là 100 điểm.

4. Căn cứ vào điểm mỗi nội dung của các tiêu chuẩn và tổng số điểm, việc xếp loại công tác HSSV của nhà trường được thực hiện như sau:

a) Loại xuất sắc: tổng số điểm từ 90 điểm đến 100 điểm, mỗi nội dung của các tiêu chuẩn phải đạt từ 2 điểm trở lên;

b) Loại tốt: tổng số điểm từ 80 trở lên; các nội dung của các tiêu chuẩn từ Tiêu chuẩn 1 đến Tiêu chuẩn 9 phải đạt từ 1 điểm trở lên nhưng không được xếp ở loại xuất sắc;

c) Loại khá: tổng điểm từ 70 trở lên nhưng không được xếp ở loại cao hơn;

d) Loại trung bình: tổng số điểm từ 50 trở lên nhưng không được xếp ở loại cao hơn;

e) Loại chưa đạt: tổng điểm dưới 50 điểm.

Điều 16. Quy trình tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV

Việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của nhà trường được thực hiện theo các bước sau:

1. Thành lập Ban đánh giá công tác HSSV của nhà trường:

Trưởng ban là Hiệu trưởng (hoặc Phó hiệu trưởng được Hiệu trưởng uỷ quyền). Uỷ viên thường trực là Lãnh đạo Phòng Công tác học sinh, sinh viên. Các thành viên khác là Lãnh đạo nhà trường, đại diện Lãnh đạo Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; đại diện Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (nếu có); đại diện lãnh đạo đơn vị phụ trách ký túc xá, công tác y tế, thể thao; đại diện lãnh đạo và Trợ lý công tác HSSV các khoa; các đơn vị chức năng khác có liên quan.

2. Ban đánh giá công tác HSSV:

a) Tiến hành tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của nhà trường theo các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV và Phiếu tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV (Phụ lục kèm theo);

b) Tổng hợp kết quả theo Phiếu tự đánh giá và xếp loại công tác HSSV (Phụ lục kèm theo) và gửi về các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 17. Thời điểm tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV và thời hạn gửi báo cáo

1. Việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của nhà trường được tiến hành theo từng năm học, vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

2. Các nhà trường gửi Phiếu tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV về các cơ quan theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 16 của văn bản này trước ngày 30 tháng 7 hàng năm.

Điều 18. Sử dụng kết quả tự đánh giá, xếp loại

1. Kết quả tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV thể hiện một phần năng lực và chất lượng đào tạo của nhà trường, được thông báo công khai trên Website của nhà trường.

2. Kết quả tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV là căn cứ để nhà trường đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, khen thưởng nhà trường về công tác HSSV và được sử dụng để tham khảo trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ TRƯỜNG, CÁC BỘ, NGÀNH, CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Điều 19. Trách nhiệm của nhà trường

1. Tổ chức thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của nhà trường và báo cáo kết quả theo quy định.

2. Căn cứ vào tình hình cụ thể của nhà trường để xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường công tác HSSV theo các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV.

Điều 20. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, các đại học

1. Chỉ đạo các nhà trường trực thuộc thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV; thực hiện việc kiểm tra kết quả tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV đối với các trường trực thuộc theo từng năm học và gửi báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Chỉ đạo các nhà trường trực thuộc xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác HSSV theo các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV.

Điều 21. Trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà trường và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo các nhà trường trực thuộc thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV; thực hiện việc kiểm tra kết quả tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV đối với các trường trực thuộc hoặc theo sự phân cấp về quản lý giáo dục và thông báo kết quả kiểm tra về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Chỉ đạo các nhà trường trực thuộc xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác HSSV theo các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV.

3. Đảm bảo các điều kiện cần thiết để các nhà trường trực thuộc phấn đấu đạt các tiêu chuẩn đánh giá công tác HSSV.

Điều 22. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

Vụ Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các nhà trường thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra kết quả tự đánh giá, xếp loại công tác HSSV của các nhà trường trên toàn quốc.

3. Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện; đề xuất tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định này./.

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 39/2010/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá, xếp loại công tác học sinh, sinh viên của trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu: 39/2010/TT-BGDĐT
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký: Trần Quang Quý
Ngày ban hành: 23/12/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 39/2010/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá, xếp loại công tác học sinh, sinh viên của trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…