Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2003/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 17/2003/TT-BGDĐT NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN ĐIỀU 3, ĐIỀU 7 VÀ ĐIỀU 8 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/2001/NĐ-CP NGÀY 22/11/2001 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ

Ngày 22 tháng 11 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2001/NĐ-CP về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chi tiết Điều 3, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 88/2001/NĐ-CP như sau:

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

1. Trong Thông tư này, đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được gọi tắt là đối tượng.

2. Một số từ ngữ quy định trong Nghị định số 88/2001/NĐ-CP được hiểu như sau:

a) Đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là đối tượng thuộc hộ nghèo quy đinh tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Xã đặc biệt khó khăn là xã thuộc danh sách quy định tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ và được bổ sung bởi Quyết định số 647/2000/QĐ-TTg ngày 12/7/2000 và Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 26/3/2001.

II. VIỆC TIẾP NHẬN ĐỐI TƯỢNG VÀO HỌC TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ

1. Tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học đều được nhận vào học tại các trường trung học cơ sở đặt tại xã phường, thị trấn, hoặc cụm xã, phường nơi học sinh có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn (từ 6 tháng trở lên).

2. Ngoài trách nhiệm tiếp nhận những đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn, nếu sĩ số học sinh/lớp không vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường trung học cơ sở công lập có thể tiếp nhận đối tượng không thuộc nơi cư trú tại xã, phường, thị trấn có trường theo quy định của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh.

3. Đối tượng quá tuổi quy định theo quy chế tuyển vào lớp 6 của trường trung học cơ sở công lập thì được tiếp nhận vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, quận, thị xã hoặc lớp bổ túc trung học cơ sở theo phương thức giáo dục không chính quy do cơ quan quản lý giáo dục quận, huyện quy định.

4. Thủ tục tiếp nhận đối tượng vào học tại trường trung học cơ sở công lập theo quy định của Điều lệ trường trung học.

III. VIỆC PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO PHƯƠNG THỨC KHÔNG CHÍNH QUY

1. Đối tượng không có điều kiện học theo phương thức giáo dục chính quy thì có quyền và trách nhiệm theo học tại các lớp bổ túc trung học cơ sở theo phương thức giáo dục không chính quy.

2. Các hình thức học không chính quy dành cho đối tượng này bao gồm:

- Học ban ngày, 5 buổi/tuần tổ chức tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường bổ túc văn hóa trung học cơ sở, lớp bổ túc trung học cơ sở tại các trường trung học cơ sở.

- Học ban đêm, ngoài giờ lao động tổ chức cho đối tượng ban ngày phải đi làm.

- Học tập trung ngắn hạn tổ chức cho đối tượng ở các cụm dân cư có điều kiện sinh hoạt, lao động đặc biệt như ngư dân vùng chài lưới, sông nước, trên biển hoặc ở các xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động phải làm việc ca kíp.

8. Việc giảng dạy các đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo phương thức giáo dục không chính quy theo chương trình bổ túc trung học cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 48/2002/QĐ-BGDĐT ngày 27/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Địa điểm tổ chức học tập: tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường bổ túc văn hóa và các lớp bổ túc trung học cơ sở mở tại các công nông, lâm ngư trường, cơ quan, tổ chức hoặc cụm dân cư.

5. Đối tượng có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn không phải đóng học phí và tiền xây dựng trường, lớp; được trợ cấp học phẩm; được cấp miễn phí hoặc cho mượn 01 bộ sách giáo khoa lớp đang học. Đối tượng học lớp 9 chuẩn bị thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học cơ sở được cấp thêm 1 bộ sách ôn tập.

6. Thủ tục tiếp nhận và thuyên chuyển đối tượng học bổ túc trung học cơ sở được quy định như sau:

a) Đối tượng học bổ túc trung học cơ sở cần ghi tên và nộp hồ sơ, học bạ (nếu có) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường, lớp bổ túc văn hóa.

Trường hợp đối tượng không có hồ sơ, học bạ thì sở giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra trình độ hai môn ngữ văn và toán. Căn cứ vào kết quả kiểm tra Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo cấp giấy cho phép vào học tại lớp tương ứng với trình độ. Giấy cho phép vào học này là căn cứ để thay học bạ các lớp dưới trong hồ sơ dự thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở. Những đối tượng không còn bằng tốt nghiệp tiểu học thì ngay cuối năm học phải dự thi để lấy bằng tốt nghiệp bổ túc tiểu học.

b) Đối tượng học bổ túc trung học cơ sở muốn chuyển trường cần có đơn xin chuyển trường và được phép chuyển trường khi nơi xin chuyển đến đồng ý tiếp nhận.

7. Việc bố trí giáo viên giảng dạy tại các lớp bổ túc trung học cơ sở phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều lệ trường trung học.

8. Giáo viên dạy phổ cập giáo dục trung học cơ sở được thanh toán tiền bồi dưỡng theo quy định sau:

- Đối với giáo viên cơ hữu của trung tâm giáo dục thường xuyên, số giờ vượt định mức theo quy định hiện hành được thanh toán theo chế độ vượt giờ quy định tại Thông tư liên Bộ số 17/TTLB- BLĐTBXH-BTC-BGDĐT ngày 27/7/1995 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ và phụ cấp dạy lớp ghép của ngành giáo dục và đào tạo.

- Đối với giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên tình nguyện tham gia dạy phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì tất cả số giờ dạy kiêm nhiệm được thanh toán theo chế độ dạy vượt giờ quy định tại Thông tư liên Bộ số 17/TTLB-BLĐTBXH-BTC-BGDĐT nói trên.

- Tùy theo điều kiện cụ thể địa phương có thể hỗ trợ thêm kinh phí đi lại hoặc phụ cấp cho giáo viên phải dạy ở nơi xa, điều kiện giao thông khó khăn.

- Ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, trường hợp giáo viên phải ở lại trường để hướng dẫn học viên học tập, sinh hoạt thì trong thời gian ở lại trường, giáo viên được hưởng phụ cấp như giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú.

9. Kinh phí cho học sinh, giáo viên được chi từ kinh phí phổ cập giáo dục trung học cơ sở của các địa phương.

Quy định cụ thể về kinh phí cho việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Vụ Trung học phổ thông, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Kế hoạch và tài chính và các đơn vị liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 và Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các địa phương, cơ sở phản ánh về Bộ để xem xét, sửa đổi kịp thời.

 

Nguyễn Văn Vọng

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 17/2003/TT-BGDĐT hướng dẫn Điều 3, Điều 7 và Điều 8 Nghị định 88/2001/NĐ-CP về thực hiện phố cập giáo dục trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào ban hành

Số hiệu: 17/2003/TT-BGDĐT
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký: Nguyễn Văn Vọng
Ngày ban hành: 28/04/2003
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 17/2003/TT-BGDĐT hướng dẫn Điều 3, Điều 7 và Điều 8 Nghị định 88/2001/NĐ-CP về thực hiện phố cập giáo dục trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…