Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 16/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TUYỂN SINH QUÂN SỰ NĂM 2008

Căn cứ Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1994 và năm 2005; Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); các quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng (BQP) về tuyển sinh quân sự (TSQS).
Quán triệt Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về Công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2008;
Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các học viện, trường sĩ quan, trường cao đẳng và trung cấp quân sự năm 2008 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC TUYỂN SINH QUÂN SỰ

1. Công tác TSQS là nhiệm vụ có vị trí quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng và xã hội; nhằm lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn toàn diện cả về chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa, sức khỏe và độ tuổi phù hợp vào đào tạo tại các học viện, trường quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong giai đoạn mới.

2. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 08 tháng 09 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Có kế hoạch và biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn để triển khai quyết liệt có hiệu quả cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp. Tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Chấp hành nghiêm Luật Giáo dục và quy chế của Bộ GD&ĐT, quy định của BQP, thực hiện công bằng, dân chủ, công khai, khách quan, chính xác trong công tác tuyển sinh.

3. Công tác TSQS phải bảo đảm yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; đảm bảo yêu cầu đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng, chú trọng diện cử tuyển các đối tượng miền núi, vùng cao, vùng sâu, các địa bàn trọng điểm và nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Công tác TSQS đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT, cơ quan điều hành trực tiếp là Ban TSQS/BQP, đến Ban TSQS các cấp. Thực hiện tốt việc phân cấp cho các trường tự quản lý, điều hành quy trình công tác TSQS bằng chương trình công nghệ thông tin, trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, tổ chức các kỳ thi, chấm thi, báo cáo Ban TSQS/BQP điểm tuyển, điểm xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển vào học.

II. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO CẤP TRUNG ĐOÀN, SƯ ĐOÀN HỆ CHÍNH QUY

A. Các học viện tuyển sinh:

1. Học viện Lục quân;

2. Học viện Chính trị Quân sự;

3. Học viện Kỹ thuật Quân sự;

4. Học viện Hậu cần;

5. Học viện Khoa học Quân sự;

6. Học viện Phòng không – Không quân;

7. Học viện Hải quân;

8. Học viện Biên phòng.

B. Tổ chức tuyển sinh

1. Năm 2008, thực hiện quy trình đào tạo mới, tuyển sinh đào tạo theo chức vụ cán bộ cấp trung, sư đoàn.

2. Các học viện tự ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi và báo cáo Ban TSQS/BQP xét duyệt và quyết định điểm tuyển.

3. Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh: thực hiện theo Quy định số 487/QĐ-QP ngày 12/6/1995 của BQP về quy định đối tượng, tiêu chuẩn vào học các trường trong Quân đội, ngoài Quân đội và ngoài nước; Quy định số 237/QĐ-QP ngày 06/3/1996 của BQP về quy định việc tổ chức tuyển chọn và quản lý học viên các trường trong quân đội, ngoài quân đội, ngoài nước và Hướng dẫn về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ năm 2008 của Tổng cục Chính trị.

4. Môn thi: Thi 2 môn, Triết học và Chuyên ngành

5. Thời gian thi: Thi trong 01 ngày (ngày 15 tháng 7 năm 2008).

6. Địa điểm thi: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị quân sự, Học viện Hậu cần tổ chức địa điểm thi tại 2 khu vực (phía Bắc và phía Nam), các học viện còn lại tổ chức một điểm thi tại trường.

7. Các quy định cụ thể về tổ chức sơ tuyển, tổ chức thi, xét duyệt điểm chuẩn, báo gọi nhập học thực hiện theo Kế hoạch và Hướng dẫn TSQS năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

III. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI BẬC ĐẠI HỌC HỆ CHÍNH QUY

A. Các học viện, trường tuyển sinh:

1. Học viện Chính trị Quân sự;

2. Học viện Kỹ thuật Quân sự;

3. Học viện Quân y;

4. Học viện Khoa học Quân sự;

5. Học viện Phòng không – Không quân;

6. Học viện Hải quân;

7. Học viện Biên Phòng;

8. Học viện Hậu Cần;

9. Trường sĩ quan Lục quân 1;

10. Trường sĩ quan Lục quân 2;

11. Trường sĩ quan Pháo binh;

12. Trường sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Công binh;

13. Trường sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Thông tin;

14. Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp;

15. Trường sĩ quan Đặc công;

16. Trường sĩ quan Phòng hóa.

Trường sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào; các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế tùy theo nguyện vọng, thí sinh được đăng ký dự thi vào một trong hai trường nói trên.

Thí sinh có hộ khẩu phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào (thời gian được tính hộ khẩu phía Nam đến tại thời điểm đăng ký dự thi phải đủ 3 năm thường trú trở lên).

B. Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh:

1. Đối tượng:

a) Quân nhân tại ngũ: Là Hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp nhập ngũ từ năm 2007 về trước. Công nhân viên quốc phòng có thời gian phục vụ quân đội từ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 7 năm 2008). Số lượng đăng ký dự thi theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các đơn vị.

b) Nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ), số lượng đăng ký dự thi không hạn chế.

Năm 2008, Học viện Chính trị quân sự vẫn tuyển sinh đối tượng nam thanh niên vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

c) Nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân:

- Vào đào tạo dược sĩ, bác sỹ quân y tại Học viện Quân y và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự: số lượng tuyển vào học bằng 10% chỉ tiêu.

- Vào đào tạo Kỹ sư quân sự ngành Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự: số lượng tuyển vào học bằng 10% chỉ tiêu của 2 ngành trên. Do chỉ tiêu tuyển nữ rất hạn chế, các học viện tuyển sinh theo phương thức lấy từ điểm cao nhất xuống, đến đủ 10% chỉ tiêu quy định.

2. Tiêu chuẩn

Thí sinh trúng tuyển, được vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học là những người có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Tự nguyện:

- Thí sinh tự nguyện đăng ký dự thi vào một trường quân sự;

- Khi trúng tuyển chấp hành sự phân công ngành học;

- Khi tốt nghiệp chấp hành sự phân công công tác của BQP.

b) Chính trị, đạo đức:

- Có lịch sử chính trị gia đình và bản thân rõ ràng; đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo Điều lệ của Đảng; không phạm các điểm nêu trong Điều 2 của Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị (Khóa X) một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; đồng thời đủ tiêu chuẩn chính trị để đưa vào đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo Chỉ thị số 344/QĐ ngày 12 tháng 10 năm 1990 của Tổng cục Chính trị về một số điểm trong công tác quản lý cán bộ.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; phải là Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Riêng quân nhân, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ.

c) Văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông.

d) Sức khỏe: Tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện theo Chỉ thị số 03/CT-BQP ngày 17 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn sức khỏe trong TSQS và Hướng dẫn số 96/HD-QY-NT ngày 22 tháng 01 năm 2008 của Liên Cục Quân Y – Nhà trường về tuyển chọn sức khỏe tuyển sinh quân sự năm 2008.

e) Độ tuổi:

- Thanh niên ngoài quân đội từ 17 đến 21 tuổi (tính đến năm dự thi);

- Quân nhân tại ngũ và đã xuất ngũ từ 18 – 23 tuổi (tính đến năm dự thi); riêng Thiếu sinh quân từ 17 – 23 tuổi (tính đến năm dự thi).

C. Tổ chức tuyển sinh

1. Tổ chức sơ tuyển và đăng ký dự thi (ĐKDT).

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, nhà trường chịu trách nhiệm trước BQP và Ban TSQS/BQP về chất lượng sơ tuyển, không để lọt những trường hợp không đủ tiêu chuẩn tuyển sinh vào học các học viện, trường sĩ quan; không để xảy ra các sai sót trong hồ sơ ĐKDT.

b) Việc xác minh lý lịch chính trị: Giao Ban TSQS tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã tổ chức xác minh chính trị cho thí sinh ĐKDT đúng quy định và hướng dẫn của Ban TSQS/BQP. Nghiêm cấm việc cho thí sinh tự khai vào bản thẩm tra xác minh lý lịch, tự đi lấy xác nhận của cấp ủy địa phương mà không qua khâu kiểm tra xác minh của cán bộ Ban TSQS đơn vị (đối với quân nhân) và địa phương (đối với thanh niên ngoài quân đội).

c) Đối tượng thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội không hạn chế chỉ tiêu ĐKDT, những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh về chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, văn hóa và độ tuổi, quy định tại mục B, phần III của Thông tư này, đều được ĐKDT theo nguyện vọng; các Ban TSQS quận, huyện (thị) và các đơn vị phải đảm bảo đủ hồ sơ TSQS cho thí sinh ĐKDT.

d) Thí sinh là hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng vẫn thực hiện ĐKDT theo chỉ tiêu được phân bổ cho đơn vị, không thực hiện chế độ ĐKDT tự do vì yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ và quân số thường trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện của các đơn vị.

đ) Thời gian tổ chức sơ tuyển và ĐKDT tại các đơn vị, địa phương: Từ 10 tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 năm 2008.

e) Mẫu biểu, hồ sơ tuyển sinh: Do Ban TSQS/BQP in phát hành thống nhất trong toàn quân.

f) Thời hạn giao nhận hồ sơ ĐKDT quy định thống nhất như sau:

- Các đơn vị, địa phương khu vực phía Bắc bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các học viện, trường từ 08h00 đến 17h00 ngày 05 tháng 5 năm 2008 tại Trung tâm Quản lý học viên và Bồi dưỡng cán bộ/Tổng cục Chính trị (số 676 Nguyễn Văn Cừ/Long Biên/Hà Nội).

- Các đơn vị, địa phương khu vực phía Nam bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các học viện, trường từ 08h00 đến 17h00 ngày 08 tháng 5 năm 2008 tại Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu (C59B, phía Nam), số 18D Đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình/Tp. Hồ Chí Minh.

2. Tổ chức thi:

a) Thời gian thi, khối thi:

- Các trường quân đội thống nhất thực hiện việc tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đợt thi, cùng khối thi với các trường đại học trong cả nước:

- Thời gian thi: Chi làm hai đợt.

+ Đợt 1: Thi khối A, trong 02 ngày (ngày 04 và 05/7/2008).

+ Đợt 2: Thi các khối B, C, D và Năng khiếu trong 02 ngày (ngày 09 và 10/7/2008).

- Khối thi: Thi theo 4 khối cơ bản. Khối A (Toán, Vật Lý, Hóa học); khối B (Toán, Hóa học, Sinh học); Khối C (Văn, Lịch Sử, Địa Lý); Khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ).

Thi theo phương pháp trắc nghiệm gồm bốn môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn còn lại thi theo phương pháp tự luận. Riêng Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội tổ chức thi môn Năng khiếu theo quy định.

(Khối thi, môn thi cụ thể của từng trường giao Ban TSQS/BQP xác định trong Kế hoạch TSQS năm 2008).

b) Đề thi: Năm 2008, các học viện, trường quân đội sử dụng đề thi chung của Bộ GD&ĐT soạn thảo cho tất cả các trường đại học trong cả nước.

c) Tổ chức thi: các học viện, trường quân đội tự tổ chức coi thi theo 2 khu vực cụ thể như sau:

- Khu vực phía Bắc: Tổ chức thi cho thí sinh thuộc địa bàn từ tỉnh Quảng Bình trở ra.

- Khu vực phía Nam: Tổ chức thi cho thí sinh thuộc địa bàn từ tỉnh Quảng Trị trở vào.

d) Địa điểm thi, phòng thi:

- Địa điểm tổ chức thi trong các học viện, trường, hoặc các đơn vị quân đội; trường hợp thiếu phòng thi, phải hiệp đồng với các trường phổ thông trung học để thuê địa điểm thi, phòng thi nhưng phải thực hiện thống nhất theo các yêu cầu sau đây để bảo đảm việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đúng quy chế:

+ Trước ngày gửi phiếu dự thi cho thí sinh (ngày 26/5/2008), Hội đồng tuyển sinh các học viện, trường phải xác định xong các điểm thi và chuẩn bị đủ số phòng thi cần thiết. Địa điểm thi phải cách ly với môi trường bên ngoài và được bảo đảm các điều kiện an toàn, yên tĩnh trong thời gian thi.

+ Phòng thi phải có đủ ánh sáng, bàn ghế, bảng, khoảng cách giữa 2 thí sinh liền kề nhau phải từ 1,2 m trở lên. Bố trí đủ cán bộ coi thi, nhân viên bảo vệ, phục vụ cho từng điểm thi theo quy chế. Có phương án xử lý trong trường hợp có mưa bão, mất điện (có máy nổ dự phòng). Không thuê mượn các phòng thi có các loại bàn ghế nhỏ, thấp chuyên dùng cho học sinh tiểu học.

đ) Giấy thi:

Các môn thi tự luận do Ban TSQS/BQP in theo mẫu thống nhất của Bộ GD&ĐT. Phiếu trả lời trắc nghiệm sử dụng thống nhất theo quy định của Hội đồng chấm thi khu vực của Ban TSQS/BQP.

e) Tổ chức coi thi:

- Công tác coi thi tiếp tục được chú trọng, kiên quyết thực hiện kỳ thi nghiêm túc đúng quy chế. Yêu cầu Hội đồng tuyển sinh các học viện, trường quân đội thực hiện tốt các quy định sau đây:

- Phải lựa chọn và bố trí cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn mới được tham gia cán bộ coi thi, giám sát phòng thi, lực lượng bảo vệ, trật tự viên, y tế, phục vụ. Trước kỳ thi nhất thiết phải tổ chức tập huấn kỹ cho tất cả các lực lượng tham gia kỳ thi, đặc biệt là quy trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên. Chỉ cho phép những cán bộ nắm chắc quy chế, nhiệm vụ, quy trình mới được làm nhiệm vụ coi thi. Bố trí lực lượng coi thi có số lượng lớn hơn số cán bộ coi thi thực tế từ 5% - 10% để sẵn sàng thay thế những cán bộ vi phạm quy chế, chưa nắm chắc nhiệm vụ hoặc lý do sức khỏe.

- Các Hội đồng coi thi phổ biến công khai tới thí sinh quy chế và các văn bản quy định về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và BQP đúng thời gian quy định, nhất là các nội dung cần ghi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, để hạn chế thấp nhất việc Hội đồng chấm thi trắc nghiệm phải sửa lỗi lôgíc.

- Thực hiện nghiêm túc quy trình lập danh sách phòng thi, đánh số báo danh theo vần a, b, c … (đối với những thí sinh trùng họ, đệm và tên thì thay đổi thứ tự số báo danh của các thí sinh đó cách nhau ít nhất là 5 số) và thay đổi quy luật xếp chỗ ngồi của thí sinh trong phòng thi, chống việc lợi dụng quy luật xếp số báo danh theo vần để thi hộ, thi kèm. Danh sách thí sinh dự thi tại phòng thi phải có ảnh kèm theo để kiểm tra và đối chiếu ngay từng buổi thi và khi gọi thí sinh trúng tuyển vào nhập học. Thí sinh không dự thi phải xóa tên khỏi danh sách dán tại phòng thi, thí sinh không dự thi buổi thi trước phải xóa khỏi danh sách vào dự thi buổi thi tiếp theo.

- Tuyệt đối không để mất bài thi hoặc lẫn bài thi của thí sinh; quản lý chặt chẽ giấy thi, đề thi thừa, thực hiện nghiêm túc quy trình cán bộ coi thi ký vào giấy thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) và giấy nháp của thí sinh, triệt để thu lại toàn bộ giấy thi đã phát cho thí sinh (cả giấy thi thừa và giấy thi thí sinh làm bài hỏng phải thay); riêng phiếu trả lời trắc nghiệm, nếu thí sinh làm hỏng xin thay, thực hiện cấp phiếu mới và thu phiếu cũ. Tuyệt đối không cho thí sinh đã nộp bài lấy lại bài thi để bổ sung thêm bất cứ nội dung gì.

- Sau mỗi môn thi, bài thi hoặc phiếu trả lời trắc nghiệm phải được đóng gói, niêm phong và bảo vệ nghiêm ngặt, để trong hòm sắt có khóa, lưu giữ tại kho bảo mật của nhà trường, do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường giữ chìa khóa, khi bàn giao cho Hội đồng chấm thi làm phách (đối với môn thi tự luận), Hội đồng chấm thi trắc nghiệm (đối với môn thi trắc nghiệm) phải có đủ thành phần theo quy định và còn nguyên dấu niêm phong.

- Đối với thí sinh, phải được thông báo đầy đủ các nội dung quy định của quy chế; mọi thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi ngay. Cấm thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào khu vực thi (khu vực thi do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường quy định phù hợp với thực tế). Đặc biệt chú ý kiểm tra ngăn chặn thí sinh mang máy điện thoại di động, máy thu, phát tín hiệu vào phòng thi. Tăng cường công tác bảo vệ và bảo mật đề thi, chú ý công tác bảo vệ vòng ngoài để ngăn chặn kẻ xấu xâm phạm khu vực thi, cướp đề thi, chuyển tài liệu và phá rối trật tự.

- Đối với cán bộ coi thi và các thành viên khác trong Ban coi thi đều phải chấp hành nghiêm các quy định của quy chế; cán bộ coi thi, giám sát tuyệt đối không được mang theo điện thoại di động, máy thu, phát tín hiệu trong khi làm nhiệm vụ.

- Đối với cán bộ thanh tra giám sát điểm thi phải tăng cường đôn đốc, nhắc nhở cán bộ coi thi xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đồng thời xử lý ngay các trường hợp cán bộ coi thi không làm đúng trách nhiệm.

- Bất kỳ điểm thi nào để xảy ra tình trạng mất trật tự xung quanh phòng thi, ném đề thi ra ngoài, ném bài giải, tài liệu vào phòng thi, hoặc cán bộ tham gia tuyển sinh tìm cách hỗ trợ thí sinh dưới mọi hình thức, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và mọi cán bộ liên quan đều bị xử lý theo quy chế và quy định của pháp luật.

3. Tổ chức chấm thi.

Năm 2008, các môn thi tự luận và năng khiếu do các học viện, trường tự chấm thi; các môn thi trắc nghiệm tổ chức chấm thi tập trung tại ba trung tâm của BQP, cụ thể như sau:

a) Đối với các môn thi tự luận:

- Tổ chức khu vực chấm thi: Các Hội đồng chấm thi tổ chức ở nơi biệt lập với bên ngoài, liên tục có lực lượng bảo vệ, canh gác suốt ngày đêm. Tất cả cán bộ trong Hội đồng chấm thi có tiếp xúc với bài thi phải cách ly hoàn toàn với bên ngoài trong suốt thời gian chấm thi.

- Lựa chọn, bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia làm cán bộ chấm thi, lực lượng bảo vệ và phục vụ của Hội đồng. Nhất thiết phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ quy chế và đáp án chấm thi cho cán bộ chấm thi; chỉ cho phép cán bộ nắm chắc quy chế, nhiệm vụ, quy trình mới được làm nhiệm vụ chấm thi. Tuyệt đối không được mang bất cứ tài liệu, giấy tờ riêng và các phương tiện thông tin liên lạc khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.

- Tổ chức làm phách và chấm thi theo đúng quy chế; quản lý đầu phách và bài thi một cách nghiêm ngặt, bảo mật tuyệt đối số phách bài thi, đầu phách không được để cùng với kho chứa bài thi. Bài thi do Chủ tịch Hội đồng chấm thi trực tiếp quản lý, sau mỗi buổi làm việc, bài thi phải được lưu giữ trong tủ sắt và được khóa bằng 02 khóa khác nhau, Trưởng môn chấm thi giữ chìa khóa của một khóa, Ủy viên Ban thư ký giữ chìa của một khóa, kho bảo mật để các tủ đựng bài thi do Chủ tịch Hội đồng chấm thi giữ chìa khóa, cửa kho và tủ đựng bài thi chỉ được mở khi có đủ các thành viên giữ chìa khóa. Thực hiện nghiêm túc quy định chấm thi hai vòng độc lập tại 02 phòng riêng biệt, theo đúng đáp án và thang điểm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc dồn túi chấm thi theo quy định một túi được rút trong năm phòng thi. Chỉ chấm những bài thi hợp lệ, bài thi không có hiện tượng vi phạm quy chế. Đồng thời phải quy định về trách nhiệm cá nhân từng cán bộ liên quan trong việc quản lý bài thi, chống hiện tượng đánh tráo bài thi, viết thêm vào bài thi, chấm sai lệch, cho khống điểm bài thi hoặc các hiện tượng gian lận khác.

b) Đối với bài thi trắc nghiệm:

- Ban TSQS/BQP quyết định thành lập Hội đồng chấm thi trắc nghiệm tại ba khu vực:

+ Khu vực phía Bắc: Tại Học viện Kỹ thuật quân sự, chấm thi cho các trường khu vực phía Bắc;

+ Khu vực miền Trung: Tại Trường sĩ quan Thông tin, chấm thi cho các trường khu vực miền Trung.

+ Khu vực phía Nam: Tại Trường sĩ quan Lục quân 2, chấm thi cho các trường khu vực phía Nam.

- Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh học viện, trường chịu trách nhiệm quản lý bài thi trắc nghiệm; tổ chức ký hợp đồng chấm thi với các Hội đồng chấm thi khu vực của BQP, bàn giao bài thi phải còn nguyên niêm phong, khi bàn giao phải có đủ thành phần theo quy định; tham gia giám sát chặt chẽ quá trình chấm thi trắc nghiệm, thực hiện ghép điểm thi cho từng thí sinh đúng quy trình và bảo đảm chính xác tuyệt đối.

- Chủ tịch Hội đồng chấm thi trắc nghiệm các khu vực được ủy quyền của BQP chịu trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, kết quả chấm thi, báo cáo kết quả chấm thi về Ban TSQS/BQP và trả kết quả chấm thi cho các học viện, trường đúng quy chế.

c) Đối với môn thi năng khiếu: Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội phải tổ chức chấm thi và quy tròn điểm thi môn chuyên môn, năng khiếu theo đúng quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008.

4. Xét duyệt điểm tuyển và báo gọi nhập học.

a) Về điểm chuẩn:

- Thực hiện phương án xác định một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội; chỉ xác định điểm chuẩn riêng với đối tượng thí sinh khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào). Trường Sĩ quan Lục quân 2, vẫn xác định điểm chuẩn đến từng quân khu phía Nam (quân nhân tại ngũ là người phía Nam được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú).

- Riêng thí sinh trúng tuyển kỳ thi đại học vào trường quân sự được gửi ra đào tạo tại một số trường đại học ngoài quân đội, khi trúng tuyển sẽ lựa chọn gửi vào học ngay các trường ngoài quân đội, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức chính trị, quân sự mới phong quân hàm và bố trí về đơn vị công tác.

b) Thực hiện phương án “ba chung” trong các trường quân đội:

Năm 2008, Nhà nước tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng theo giải pháp “ba chung” (thi chung đợt, dùng chung đề thi, sử dụng chung kết quả thi) như năm 2007. Đối với các trường quân đội, khi có kết quả thi, việc thực hiện phương án “ba chung” cụ thể như sau:

- Về sử dụng chung kết quả thi: Việc xét tuyển vào các học viện, trường quân đội sẽ thực hiện theo yêu cầu riêng của BQP, cụ thể:

+ Tuyển nguyện vọng 1: Các học viện, trường căn cứ vào kết quả thi của thí sinh có nguyện vọng 1 và chỉ tiêu đào tạo của từng trường đã được BQP quy định, để đề xuất điểm tuyển nguyện vọng 1 báo cáo Ban TSQS/BQP (chỉ được đề nghị phương án tuyển đủ 100% chỉ tiêu, không đề nghị tuyển quá chỉ tiêu); sau khi được Ban TSQS/BQP phê duyệt điểm chuẩn các học viện, trường triệu tập thí sinh vào học.

+ Việc xét tuyển các nguyện vọng khác:

Thí sinh dự thi vào các trường đại học quân sự, nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, được sử dụng kết quả thi để xin đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào các trường đại học, cao đẳng ngoài quân đội theo quy chế của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008.

Việc xét tuyển các nguyện vọng khác vào các trường đại học, cao đẳng quân sự: chỉ xét tuyển những thí sinh dự thi vào các trường đại học trong quân đội, đã qua sơ tuyển và có đủ tiêu chuẩn theo quy định của BQP về lý lịch chính trị, sức khỏe, phẩm chất đạo đức, độ tuổi, không trúng tuyển nguyện vọng 1; có nguyện vọng xin xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng quân sự khác, có cùng khối thi, đề thi và chỉ được xét tuyển khi trường đó còn chỉ tiêu tuyển sinh.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TSQS:

- Năm 2008, các học viện, trường quân đội tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh theo quy chế chung của Bộ GD&ĐT, quy định của BQP.

- Cơ quan thường trực Ban TSQS/BQP chịu trách nhiệm hoàn thiện chương trình phần mềm TSQS năm 2008 phù hợp với phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn các trường thực hiện việc quản lý điều hành công tác tuyển sinh trong toàn quân, đảm bảo các yếu tố liên  thông với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

6. Về chỉ tiêu và các quy định khác, thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn TSQS năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

IV. TUYỂN SINH VÀO ĐÀO TẠO CAO ĐẲNG QUÂN SỰ HỆ CHÍNH QUY

A. Các trường tuyển sinh:

1. Học viện Hải quân;

2. Học viện Phòng không – Không quân;

3. Học viện Biên phòng;

4. Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội;

5. Trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhempíc.

B. Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh:

1. Đối tượng.

a) Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc:

- Đối tượng thi tuyển: Tuyển thí sinh nam có hộ khẩu trường trú ở phía Nam 3 năm trở lên (tính từ Quảng Trị trở vào).

- Đối tượng xét tuyển: tuyển thí sinh nam có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) dự thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự (hệ quân sự) trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008, không trúng tuyển nguyện vọng 1.

b) Học viện Hải quân, Học viện Phòng không – Không quân và Học viện Biên phòng: Tuyển thí sinh nam theo địa chỉ các quân khu phía Nam.

c) Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: Chỉ tuyển sinh đối tượng là quân nhân đang tại ngũ.

2. Tiêu chuẩn.

Thực hiện như tiêu chuẩn tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

C. Tổ chức tuyển sinh:

1. Các trường xét tuyển.

a) Học viện Hải quân, Học viện Phòng không – Không quân và Học viện Biên phòng: Chỉ xét tuyển nguyện vọng 2 từ nguồn nam quân nhân và nam thanh niên có hộ khẩu thường trú phía Nam 3 năm trở lên (tính từ Quảng Trị trở vào) dự thi đại học (hệ quân sự) cấp quân đội năm 2008, không trúng tuyển nguyện vọng 1, có đăng ký nguyện vọng 2 vào hệ cao đẳng của một trong ba học viện trên (theo khối thi của từng trường), được xét tuyển theo quy chế, chỉ tiêu xét tuyển được phân bổ theo địa chỉ các quân khu phía Nam. Khi trúng tuyển vào học, học viên phải qua đào tạo dự khóa sĩ quan tại Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trường sĩ quan Lục quân 2 theo quy trình đào tạo sĩ quan dài hạn cấp phân đội bậc cao đẳng.

c) Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc: Xét tuyển nguyện vọng 2 từ nguồn thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) dự thi vào hệ quân sự tại Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2008, không trúng tuyển nguyện vọng 1, có đăng ký nguyện vọng 2 vào học hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc, được xét tuyển vào học, chỉ tiêu xét tuyển phân bổ cho từng quân khu phía Bắc.

2. Các trường thi tuyển.

- Đối tượng đào tạo cao đẳng quân sự tại Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật quân đội dự kỳ thi tuyển sinh đại học theo khối thi của trường, nhưng lấy kết quả thi để xét tuyển vào học cao đẳng (không tổ chức kỳ thi cao đẳng riêng).

- Đối tượng thi tuyển vào đào tạo cao đẳng kỹ thuật quân sự tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc, chỉ tuyển thí sinh nam quân nhân, nam thanh niên học sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam (từ Quảng Trị trở vào), tổ chức thi tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

a) Hồ sơ tuyển sinh:

- Sử dụng bộ hồ sơ tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

- Thời gian giao nhận hồ sơ cùng với đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

b) Đề thi:

- Năm 2008, dùng đề thi chung của Bộ GD&ĐT; bốn môn (Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học) thi theo phương pháp trắc nghiệm, các môn còn lại thi theo phương pháp tự luận; riêng Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội tổ chức thi môn Năng khiếu theo quy định.

(Khối thi, môn thi cụ thể của từng trường thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Thông tư tuyển sinh năm 2008).

c) Thời gian thi:

- Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung với kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 2, trong 02 ngày (ngày 09 và ngày 10/7/2008).

- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc tổ chức kỳ thi tuyển sinh cao đẳng: thi trong 02 ngày (ngày 15 và ngày 16/7/2008).

d) Tổ chức thi, chấm thi, xét duyệt điểm tuyển và báo gọi nhập học, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh: Thực hiện như tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

e) Về chỉ tiêu và các quy định khác, thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn TSQS năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

V. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP QUÂN SỰ HỆ CHÍNH QUY

A. Các học viện, trường tuyển sinh:

1. Học viện Hậu Cần;

2. Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin;

3. Trường sĩ quan Đặc công;

4. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc;

5. Trường Trung học Biên phòng;

6. Trường Trung học Biên phòng 1;

7. Trường 24/BTL Biên phòng (Trường TH Biên phòng 1 tuyển sinh);

8. Trường Trung học Kỹ thuật Hải quân (tuyển sinh cả đối tượng Trung cấp Bản đồ quân sự);

9. Trường Trung học Quân khí;

10. Trường Trung học Trinh sát;

11. Trường Trung học Quân y 1;

12. Trường Trung học Quân y 2;

13. Trường Trung học Kỹ thuật Mật mã;

14. Trường Trung học Phòng không – Không quân.

15. Trường Trung học Kỹ thuật Xe máy;

B. Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh:

1. Đối tượng.

- Hạ sĩ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ, nhập ngũ từ năm 2007 về trước. Công nhân viên chức quốc phòng có thời gian phục vụ quân đội từ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 7 năm 2008). Số lượng đăng ký dự thi theo chỉ tiêu đã phân phối cho các đơn vị.

Riêng các đơn vị phía Nam (QK5, QK7, QK9, QĐ3, QĐ4) nếu thiếu nguồn, được phép lựa chọn một số quân nhân nhập ngũ đợt 1 năm 2008 có hộ khẩu trường trú ở phía Nam từ 3 năm trở lên (từ Quảng Trị trở vào, tính đến thời điểm ĐKDT) để đưa vào nguồn dự thi.

2. Tiêu chuẩn.

a) Tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa: Thực hiện như tiêu chuẩn tuyển sinh vào đào tạo cán bộ cấp phân đội bậc đại học. Riêng thí sinh là quân nhân ĐKDT vào Trường Trung học Kỹ thuật Mật mã phải do cán bộ ngành Cơ yếu, đơn vị có thí sinh ĐKDT trực tiếp xác minh.

b) Độ tuổi: Từ 18 – 25 tuổi (tính đến năm dự thi). Riêng Thiếu sinh quân từ 17 – 25 tuổi (tính đến năm dự thi).

c) Sức khỏe: Thực hiện theo Hướng dẫn số 96/HD-QY-NT ngày 22 tháng 01 năm 2008 của Liên cục Quân y – Nhà trường về tuyển chọn sức khỏe tuyển sinh quân sự năm 2008.

C. Tổ chức tuyển sinh

1. Mẫu biểu, hồ sơ tuyển sinh: Do Ban TSQS/BQP in phát hành thống nhất trong toàn quân.

2. Thời gian giao nhận hồ sơ cùng với đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

3. Đề thi: Năm 2008, các trường quân đội tuyển sinh trung cấp quân sự chính quy dài hạn vẫn thực hiện thi tuyển sinh theo hình thức tự luận. Đề thi do Hội đồng đề thi BQP soạn thảo theo quy chế của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008 và quy định của BQP.

4. Thời gian thi: Thi trong 01 ngày (ngày 15/7/2008).

5. Tổ chức thi và chấm thi: Các trường chịu trách nhiệm tổ chức thi và chấm thi cho thí sinh dự thi vào trường mình, thực hiện như tuyển sinh đào tạo cấp phân đội bậc đại học (theo quy định về chấm thi các môn thi tự luận).

6. Tổ chức xét duyệt điểm tuyển và báo gọi nhập học, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh: thực hiện như tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học.

7. Về chỉ tiêu và các quy định khác thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn TSQS năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

VI. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO SỸ QUAN 3 NĂM CẤP PHÂN ĐỘI (KHÔNG GẮN VỚI TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN)

A. Các học viện, trường tuyển sinh

1. Học viện Hậu cần;

2. Học viện Phòng không – Không quân;

3. Học viện Biên phòng;

4. Học viện Hải quân;

5. Trường sĩ quan Lục quân 1;

6. Trường sĩ quan Lục quân 2;

7. Trường sĩ quan Pháo binh;

8. Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp;

9. Trường sĩ quan Công binh;

10. Trường sĩ quan Thông tin;

11. Trường sĩ quan Đặc công.

B. Đối tượng tiêu chuẩn tuyển sinh

Thực hiện theo Hướng dẫn thực hiện Thông tư TSQS năm 2008.

C. Tổ chức tuyển sinh

1. Hồ sơ tuyển sinh

Thực hiện theo Hướng dẫn thực hiện Thông tư TSQS năm 2008.

2. Tổ chức sơ tuyển và ĐKDT.

Năm 2008, đồng thời với việc báo cáo đề nghị với cấp có thẩm quyền xét duyệt nhân sự đi học, các đơn vị phải báo cáo hồ sơ về trường cử quân nhân vào đào tạo cùng với bàn giao hồ sơ tuyển sinh đại học cấp phân đội. Các nội dung khác thực hiện như tuyển sinh đào tạo sỹ quan cấp phân đội bậc đại học.

3. Tổ chức kiểm tra, xét duyệt vào học:

a) Nội dung kiểm tra:

- Tổ chức kiểm tra 3 môn: Điều lệnh, Chiến thuật, Kỹ thuật (cấp tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng …), do các học viện, trường tự tổ chức kiểm tra.

b) Thời gian:

- Các trường triệu tập thí sinh về trường chuẩn bị kiểm tra: Ngày 20/8/2008;

- Từ 21 – 26/8/2008, các trường tổ chức ôn luyện, khám sức khỏe, tổ chức làm công tác chuẩn bị kiểm tra;

- Ngày 27 và 28/8/2008, các trường tổ chức kiểm tra;

- Ngày 05/9/2008, các trường báo cáo kết quả kiểm tra và phương án đề nghị điểm tuyển về Ban TSQS/BQP (theo mẫu quy định, kèm theo đĩa mềm, văn bản làm theo chương trình Windows);

- Ban TSQS/BQP phê duyệt và thông báo quyết định phương án tuyển chọn cho các học viện, trường trước ngày 15/9/2008;

Quân nhân các đơn vị về dự kiểm tra xong ở lại trường chờ kết quả, trúng tuyển nhập học chính thức, nếu không trúng tuyển các học viện, trường mới trả về đơn vị.

VII. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (HỆ DÂN SỰ)

A. Các học viện, trường tuyển sinh:

1. Tuyển sinh đào tạo đại học.

a) Học viện Kỹ thuật quân sự;

b) Học viện Quân y;

c) Học viện Khoa học quân sự;

d) Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.

2. Tuyển sinh đào tạo cao đẳng.

a) Trường Sĩ quan Thông tin;

b) Trường Sĩ quan Công binh;

c) Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempíc.

3. Tuyển sinh đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

a) Trường Trung học Quân y 1;

b) Trường Trung học Quân y 2;

c) Học viện Hậu cần;

d) Trường Trung học Kỹ thuật Xe máy;

e) Trường Trung học Công nghiệp quốc phòng;

g) Trường Trung học Kỹ thuật Hải quân;

h) Trường Trung học Cầu đường và Dạy nghề.

B. Thời gian thi, khối thi, môn thi, đề thi:

1. Các học viện, trường quân đội tuyển sinh đại học.

a) Thực hiện theo quy chế Bộ GD&ĐT về thi tuyển sinh đại học năm 2008.

b) Chỉ tiêu cụ thể của từng trường, thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

2. Các trường tuyển sinh đào tạo cao đẳng.

a) Thực hiện theo quy chế Bộ GD&ĐT về tuyển sinh cao đẳng năm 2008.

b) Chỉ tiêu cụ thể của từng trường, thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

c) Năm 2008, tất cả các trường trong quân đội tuyển sinh vào đào tạo cao đẳng dân sự, chỉ tổ chức xét tuyển nguyện vọng 2 từ thí sinh không trúng tuyển đại học có cùng khối thi vào học cao đẳng dân sự theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008 (không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng).

3. Các trường tuyển sinh đào tạo trung cấp.

a) Thực hiện theo quy chế Bộ GD&ĐT về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 2008.

b) Chỉ tiêu cụ thể của từng trường, thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh năm 2008 của Ban TSQS/BQP.

c) Năm 2008, tất cả các trường trong quân đội tuyển sinh vào đào tạo trung cấp dân sự, chỉ tổ chức xét tuyển vào đào tạo theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008 (không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng).

C. Địa điểm thi:

Địa điểm thi do các trường quyết định, báo cáo về Ban TSQS/BQP và thông báo cho thí sinh trong phiếu báo dự thi.

D. Tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển:

Thực hiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008.

VIII. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Thực hiện theo quy chế chung của Nhà nước: Giao Ban TSQS/BQP có hướng dẫn riêng.

IX. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO CÁC LOẠI HÌNH KHÁC

Năm 2008, các loại hình tuyển sinh đào tạo ngắn hạn, đào tạo chỉ huy và chính trị từ Trung đội trưởng 801, đào tạo chuyển cấp, hoàn thiện, văn bằng 2, chuyển loại và các loại hình khác BQP quy định như sau:

1. Đối tượng đào tạo chuyển cấp đại học, đào tạo chính trị chuyên môn kỹ thuật thi cùng ngày thi theo khối thi đại học cấp phân đội.

2. Các đối tượng đào tạo Chính trị phân đội từ Trung đội trưởng 801, chỉ huy phân đội từ Trung đội trưởng 801, cao đẳng NHTT, trung cấp NHTT thi cùng ngày thi với đào tạo cao đẳng, trung cấp quân sự dài hạn chính quy.

3. Các đối tượng do Học viện Chính trị quân sự liên kết đào tạo với các học viện, trường: đào tạo văn bằng 2, chính trị chuyên môn kỹ thuật chính trị phân đội từ Trung đội trưởng 801, Học viện Chính trị quân sự chủ trì liên kết đào tạo các loại hình này, chịu trách nhiệm trong các khâu tổ chức thi tuyển đầu vào và quyết định danh sách nhập học, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho học viên tốt nghiệp ra trường.

4. Tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính trị phân đội tại Học viện Chính trị quân sự và Trường sĩ quan Lục quân 2, các đơn vị, địa phương thực hiện sơ tuyển và nộp hồ sơ tuyển sinh về nhà trường cùng ngày với tuyển sinh đại học cấp phân đội.

5. Các lớp liên kết đào tạo cao đẳng của Bộ Công an với các học viện, trường sĩ quan quân đội, đều tổ chức cùng kỳ thi tuyển sinh đại học theo khối thi của từng trường (không tổ chức thi cao đẳng riêng), lấy kết quả thi để xét tuyển vào đào tạo theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

6. Các đối tượng còn lại tuyển sinh theo kế hoạch năm học của từng trường, sau khi thi tuyển sinh, kiểm tra đầu vào xong báo cáo đề nghị điểm tuyển về Ban TSQS/BQP trước ngày khai giảng ít nhất 10 ngày.

Các nội dung khác thực hiện theo Hướng dẫn số 148/NT-1 ngày 22/3/2001 của Ban TSQS/BQP.

X. TUYỂN SINH THEO CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN, THIẾU SINH QUÂN

Thực hiện theo Nghị định của Chính phủ và quy chế chung của Nhà nước (giao Ban TSQS/BQP hướng dẫn cụ thể).

XI. QUY ĐỊNH VỀ CHẤM PHÚC KHẢO, CHẤM THANH TRA BÀI THI

Hội đồng tuyển sinh các học viện, trường quân đội chịu trách nhiệm trước BQP về công tác tổ chức và kết quả chấm phúc khảo, chấm thanh tra bài thi vào trường mình theo quy chế của Bộ GD&ĐT và quy định của Ban TSQS/BQP.

1. Việc chấm phúc khảo bài thi: Thực hiện đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm thi, thí sinh được quyền gửi đơn xin chấm phúc khảo bài thi, đơn xin chấm phúc khảo bài thi phải do thí sinh tự viết và nộp lệ phí chấm phúc khảo theo quy định, đơn nộp về trường dự thi và do trường đó tổ chức chấm phúc khảo.

- Ban TSQS/BQP tổ chức Hội đồng chấm thẩm định, để quyết định kết quả những bài thi đã qua chấm phúc khảo của các trường không trúng tuyển thành trúng tuyển.

2. Vế chấm thanh tra bài thi: Sau khi các trường chấm thi xong, Ban TSQS/BQP sẽ tổ chức chấm thanh tra bài thi của các học viện, trường. Tùy theo yêu cầu cụ thể Thường trực Ban TSQS/BQP sẽ có quy định số lượng bài được chấm thanh tra của từng trường. Khi cần thiết, Ban TSQS/BQP sẽ chấm thanh tra toàn bộ số bài có kết quả thi đạt điểm tuyển vào học của các hội đồng chấm thi.

XII. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN TRONG TUYỂN SINH

1. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh (cộng thêm điểm ưu tiên vào kết quả thi để tính điểm xét tuyển): Gồm chính sách ưu tiên theo đối tượng và chính sách ưu tiên theo khu vực.

a) Chính sách ưu tiên đối tượng:

- Các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2008 (theo Hướng dẫn thực hiện Thông tư TSQS năm 2008 của Ban TSQS/BQP).

- Riêng đối với thí sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo cho quân sự, việc thực hiện chính sách ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh được quy định thêm như sau:

+ Đối tượng 02 (thuộc nhóm UT1): Quân nhân tại ngũ được cử đi học, có 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

+ Đối tượng 08 (thuốc nhóm UT2): Con sĩ quan quân đội, con quân nhân chuyên nghiệp, con công chức quốc phòng và tương đương sĩ quan, đang tại chức hoặc đã nghỉ chế độ, chuyển ngành, nghỉ hưu.

b) Chính sách ưu tiên theo khu vực: Năm 2008, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông hoặc tương đương có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học ở một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên ở khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh. Riêng các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú:

- Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Học sinh các trường, lớp dự bị đại học kể cả các trường, lớp dự bị đại học dân tộc.

- Học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Quân nhân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ; tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

c) Các khu vực được quy định như sau:

- Khu vực 1 (viết tắt là KV1) gồm:

Các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

- Khu vực 2 nông thôn (viết tắt là KV2-NT) gồm:

Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3.

- Khu vực 2 (viết tắt là KV2) gồm:

Các thành phố trực thuộc tỉnh (không trực thuộc Trung ương); các thị xã, các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương.

- Khu vực 3 (viết tắt là KV3) gồm:

Các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Giao Ban TSQS/BQP hướng dẫn cụ thể trong văn bản Hướng dẫn thực hiện Thông tư tuyển sinh năm 2008.

2. Chính sách cử tuyển (không qua kỳ thi tuyển sinh).

a) Thực hiện theo quy định chung của Nhà nước năm 2008 (Ban TSQS/BQP sẽ có hướng dẫn riêng).

b) Để đảm bảo chất lượng đào tạo, số thí sinh đã được xét cử tuyển (kể cả vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp quân sự) sẽ về hai trung tâm (phía Bắc tại Trường sĩ quan Lục quân 1, phía Nam tại Trường sĩ quan Lục quân 2) để dự khóa văn hóa 1 năm, trước khi đào tạo chính khóa.

3. Tổ chức lớp dự bị đại học tại Học viện Hải quân cho quân nhân đã có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ, có thời hạn công tác từ 12 tháng trở lên tại quần đảo Trường Sa và các đảo khác được hưởng chính sách ưu tiên như đảo Trường Sa. Sau một năm học dự bị đại học, số quân nhân trên sẽ được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài quân đội theo nguyện vọng và theo kết quả kiểm tra cuối năm của từng người.

4. Chính sách ưu tiên xét tuyển hoặc tuyển thẳng thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008.

XIII. THANH TRA, KIỂM TRA CÔNG TÁC TUYỂN SINH

1. Căn cứ vào kế hoạch và lịch TSQS năm 2008, Bộ GD&ĐT, BQP và Ban TSQS/BQP sẽ tổ chức đoàn kiểm tra nhằm tăng cường công tác thanh tra, giám sát toàn bộ các khâu trong công tác TSQS.

2. Các học viện, trường quân đội kiện toàn Ban Thanh tra, cán bộ thanh tra và hoạt động theo quy chế thanh tra giáo dục của Nhà nước.

3. Ban TSQS các cấp, Hội đồng TSQS các học viện, trường phải thường trực để giải quyết kịp thời các đơn thư kiến nghị hoặc khiếu nại (nếu có) trước và sau kỳ thi TSQS theo đúng quy định hiện hành.

XIV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Toàn quân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Tổng Tham mưu về việc “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” thực hiện tốt cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Thực hiện công tác tuyển sinh công bằng, dân chủ, công khai, khách quan, chính xác có hiệu quả, kiên quyết loại trừ mọi tiêu cực.

2. Về công tác tạo nguồn và bồi dưỡng nguồn tuyển sinh: Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, cơ quan tổng cục và tương đương chịu trách nhiệm trước BQP và Ban TSQS/BQP về tạo nguồn tuyển sinh và chất lượng công tác sơ tuyển, làm hồ sơ ĐKDT-TSQS cho đối tượng quân nhân và thanh niên học sinh ở các tỉnh trực thuộc quân khu và các đơn vị trực thuộc.

Năm 2008 các học viện, trường sĩ quan đào tạo cấp phân đội bậc đại học, tuyển sinh khối A, B, D, tiếp tục có các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm, vì vậy các đơn vị nhất thiết phải tổ chức ôn luyện thi văn hóa và hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm cho quân nhân đăng ký dự thi tại các trường, lớp, hệ văn hóa của đơn vị mình, thời gian từ 02 đến 03 tháng.

Các quân khu chỉ đạo Ban TSQS cấp tỉnh, cấp huyện chủ động báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể ngoài quân đội có liên quan, cùng chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp quân sự cho thanh niên, nhất là đối với khu vực phía Nam, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, kết hợp tuyển quân với tuyển sinh và tạo nguồn phát triển Đảng, bảo đảm cho công tác TSQS năm 2008 đạt kết quả tốt.

3. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền hướng nghiệp vào các trường trong quân đội.

Cơ quan TSQS các cấp phải chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chức trách theo phân cấp; các học viện, trường chủ động tuyên truyền hướng nghiệp vào trường mình, trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí….) và phải có tài liệu tuyên truyền gửi cho các địa phương tỉnh, thành phố, sư đoàn và các quận, huyện, thị trung đoàn đủ quân trở lên trong toàn quân (có thể gửi trực tiếp hoặc qua Ban TSQS các tỉnh, thành phố, đơn vị trong hội nghị công tác Nhà nước và hội nghị TSQS hàng năm).

Các cơ quan tuyên truyền trong quân đội có trách nhiệm đưa tin, bài trong các chuyên mục riêng và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các trường trực hiện những nội dung tuyên truyền về các nhà trường quân đội và công tác TSQS.

4. Năm 2008, tất cả các học viện, trường trong quân đội tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ dài hạn chính quy cả đào tạo cho quân sự và đào tạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa (dân sự) chỉ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đúng thời gian quy định trong Thông tư hướng dẫn tuyển sinh năm 2008.

5. Các đơn vị, địa phương, nhà trường củng cố, kiện toàn Ban TSQS các cấp và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cấp theo quy định của BQP.

6. Các cơ quan của BQP theo chức năng hiệp đồng chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ mọi mặt cho các đơn vị, địa phương, nhà trường, cơ quan cấp dưới thực hiện công tác TSQS đạt kết quả tốt.

7. Ban TSQS/BQP có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về kế hoạch tuyển sinh; ra quyết định thành lập các Hội đồng đề thi, Hội đồng chấm thanh tra và Hội đồng thanh tra, kiểm tra công tác TSQS.

8. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 29/2007/TT-BQP ngày 23 tháng 02 năm 2007.

 

 

Nơi nhận:
- Các đầu mối trực thuộc Bộ;
- Các cơ quan thành viên Ban TSQS/BQP;
- Các HV, trường TSQS;
- Bộ CHQS 64 tỉnh, thành;
- Lưu 03 bản (VT, NC, P/C)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Nguyễn Khắc Nghiên

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 16/2008/TT-BQP hướng dẫn tuyển sinh quân sự năm 2008 do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu: 16/2008/TT-BQP
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
Người ký: Nguyễn Khắc Nghiên
Ngày ban hành: 14/02/2008
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [5]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 16/2008/TT-BQP hướng dẫn tuyển sinh quân sự năm 2008 do Bộ Quốc phòng ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…