Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2022/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; in, quản lý phôi; cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ sở bồi dưỡng); người học chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp (sau đây gọi tắt là học viên) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

CHƯƠNG II

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP

Điều 3. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp

1. Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp quy định tại Thông tư này bao gồm: Mục tiêu, đối tượng, thời gian bồi dưỡng và đơn vị thời gian, danh mục các mô-đun và phân bổ thời gian bồi dưỡng, chương trình các mô-đun và hướng dẫn thực hiện chương trình (Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).

2. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hằng năm, cơ sở bồi dưỡng tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chương trình được quy định tại khoản 1 Điều này. Học viên sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, được người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp thì được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

Điều 4. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp

1. Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư này bao gồm: Mục tiêu, đối tượng, thời gian bồi dưỡng và đơn vị thời gian, danh mục các mô-đun và phân bổ thời gian bồi dưỡng, chương trình các mô-đun và hướng dẫn thực hiện chương trình (Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo).

2. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hằng năm, cơ sở bồi dưỡng tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chương trình được quy định tại khoản 1 Điều này. Học viên sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, được người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp thì được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

CHƯƠNG III

QUY ĐỊNH MẪU CHỨNG CHỈ, MẪU BẢN SAO; IN VÀ QUẢN LÝ PHÔI; CẤP PHÁT, CHỈNH SỬA, THU HỒI VÀ HỦY BỎ CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP

Điều 5. Mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp được in 2 mặt gồm 4 trang, mỗi trang có kích thước 210 mm x 148 mm; trang 1 và trang 4 là bìa của chứng chỉ; trang 2 và 3 là nội dung của chứng chỉ.

2. Phông chữ sử dụng trong mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909: 2001, kiểu chữ Times New Roman.

3. Trang 1 và trang 4 của chứng chỉ:

a) Trang 1 và trang 4 của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp màu xanh dương, chữ in trên bìa màu vàng. Nội dung in trên trang 1: Quốc hiệu và tiêu ngữ là 02 dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cách mép trên 15 mm, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, cỡ chữ 14. Quốc huy hình tròn, đường kính 40 mm, tâm cách mép trên 65 mm, được đặt canh giữa. Các dòng chữ “CHỨNG CHỈ” và “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP” đặt canh giữa, cách nhau dòng đơn, cách mép dưới 86 mm, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, cỡ chữ 16. Trang 4 không in chữ và hình;

b) Trang 1 và trang 4 của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp màu đỏ, chữ in trên bìa màu vàng. Nội dung in trên trang 1: Quốc hiệu và tiêu ngữ là 02 dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cách mép trên 15 mm, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, cỡ chữ 14. Quốc huy hình tròn, đường kính 40 mm, tâm cách mép trên 65 mm, được đặt canh giữa. Các dòng chữ “CHỨNG CHỈ” và “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP” đặt canh giữa, cách nhau dòng đơn, cách mép dưới 86 mm, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm, cỡ chữ 16. Trang 4 không in chữ và hình.

4. Trang 2 và trang 3 của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp có nền màu trắng, hình trống đồng in chìm chính giữa màu vàng nhạt. Nội dung in trên trang 2: các dòng chữ “CHỨNG CHỈ” và “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP” hoặc “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP” được trình bày bằng chữ màu đỏ, đặt canh giữa, cách nhau dòng đơn, chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm. Nội dung in trên trang 3: Quốc hiệu và tiêu ngữ gồm 2 dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được đặt canh giữa, chữ màu đen, cách nhau dòng đơn; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” cách mép trên 14 mm, được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; dòng thứ hai “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối (-), có cách chữ; phía dưới có dòng kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ.

5. Mẫu chứng chỉ và cách ghi nội dung trên chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Mẫu bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

Mẫu bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và có thêm dòng chữ “BẢN SAO” màu vàng ở trang 1 và màu đỏ ở trang 2, chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm, cỡ chữ 16 ở trang 1 và 14 ở trang 2 (quy định tại Phụ lục V và Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này). Nội dung trên mẫu bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. In phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Căn cứ mẫu phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này, người đứng đầu các cơ sở bồi dưỡng phê duyệt mẫu phôi chứng chỉ của đơn vị mình và gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở bồi dưỡng đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm về nội dung in trên phôi chứng chỉ và tổ chức in phôi chứng chỉ.

2. Việc in phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn và phải được lập sổ quản lý.

Điều 8. Quản lý phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Cơ sở bồi dưỡng phải lập sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, trong đó ghi rõ số hiệu, số vào sổ cấp chứng chỉ. Việc lập số hiệu, số vào sổ cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được thực hiện theo quy định sau:

a) Số hiệu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp được lập liên tục theo số tự nhiên từ nhỏ đến lớn trong toàn bộ quá trình hoạt động của cơ sở bồi dưỡng từ khi tự thực hiện in phôi chứng chỉ; đảm bảo phân biệt được số hiệu của từng loại chứng chỉ;

b) Số vào sổ cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp được lập liên tục theo số tự nhiên từ nhỏ đến lớn theo từng năm từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12; đảm bảo phân biệt được số vào sổ cấp của từng loại chứng chỉ, năm cấp và cơ sở bồi dưỡng cấp.

2. Đối với các phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp bị hư hỏng, in sai, viết sai, chưa sử dụng do thay đổi mẫu thì cơ sở bồi dưỡng phải lập hội đồng xử lý và có biên bản hủy bỏ, ghi rõ số lượng, số hiệu và tình trạng chứng chỉ trước khi bị hủy bỏ. Biên bản hủy phải được lưu trữ trong hồ sơ theo dõi, quản lý và việc hủy bỏ phải được báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở bồi dưỡng đóng trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hủy phôi chứng chỉ để theo dõi, quản lý. Quy định này cũng áp dụng đối với chứng chỉ bị viết hoặc in sai đã được ký, đóng dấu.

3. Trường hợp phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp bị mất, cơ sở bồi dưỡng phải lập biên bản và báo cáo với cơ quan công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đóng trụ sở để xử lý kịp thời.

Điều 9. Cấp chứng chỉ, bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Nguyên tắc quản lý, cấp phát chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp:

a) Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp được quản lý thống nhất, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở bồi dưỡng;

b) Bản chính chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp được cấp một lần cho học viên;

c) Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cấp phát và sử dụng chứng chỉ;

d) Bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát chứng chỉ.

2. Người đứng đầu các cơ sở bồi dưỡng có trách nhiệm:

a) Ký chứng chỉ theo mẫu chữ ký đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền và ghi rõ, đủ họ và tên, chức danh; đóng dấu trên chữ ký của người có thẩm quyền cấp chứng chỉ thực hiện theo quy định về công tác văn thư hiện hành; cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp cho những học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư này không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc khóa bồi dưỡng;

b) Lập sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và bản sao chứng chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này. Sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ phải được ghi chép chính xác, đầy đủ những nội dung tiếng Việt như bản chính chứng chỉ mà cơ sở bồi dưỡng đã cấp, đánh số trang, đóng dấu giáp lai, không được tẩy xóa, đảm bảo quản lý chặt chẽ và lưu trữ vĩnh viễn.

3. Khi cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp cho học viên, cơ sở bồi dưỡng phải thực hiện dán ảnh của học viên được cấp; đóng dấu của cơ sở bồi dưỡng lên ảnh; ghi hoặc in đầy đủ, chính xác, rõ ràng các nội dung trong chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp tại trang 2 và trang 3 của chứng chỉ.

4. Trường hợp học viên đã ký nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp nhưng bị mất hoặc hư hỏng nếu có yêu cầu thì được cấp bản sao. Bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp có giá trị như bản chính. Người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng đã cấp chứng chỉ và đang quản lý sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ có thẩm quyền cấp bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp. Trường hợp cơ sở bồi dưỡng đã sáp nhập, chia, tách hoặc có sự điều chỉnh về thẩm quyền thì người có thẩm quyền quyết định cấp bản sao chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đang quản lý sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ.

5. Trình tự, thủ tục cấp bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Điều 10. Chỉnh sửa nội dung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Học viên được cấp chứng chỉ có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung ghi trên chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp trong trường hợp sau:

a) Học viên đã ký nhận chứng chỉ nhưng nội dung trên chứng chỉ bị sai không phải do lỗi của học viên;

b) Đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận việc thay đổi hoặc cải chính hoặc bổ sung hộ tịch đối với các thông tin của học viên ghi trên chứng chỉ.

2. Học viên đề nghị chỉnh sửa nội dung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp phải cung cấp tài liệu cần thiết làm minh chứng tương ứng các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này để cơ sở bồi dưỡng xem xét, quyết định chỉnh sửa chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp.

3. Nội dung quyết định chỉnh sửa chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp phải bao gồm tối thiểu các nội dung như sau: Họ và tên; ngày tháng năm sinh của học viên có chứng chỉ được chỉnh sửa; số hiệu chứng chỉ, số vào sổ cấp chứng chỉ, ngày cấp chứng chỉ được chỉnh sửa; nội dung và lý do chỉnh sửa; hiệu lực và trách nhiệm thi hành quyết định.

4. Người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng đã cấp chứng chỉ và đang quản lý sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp. Trường hợp cơ sở bồi dưỡng đã sáp nhập, chia, tách hoặc có sự điều chỉnh về thẩm quyền thì người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đang quản lý sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ.

Điều 11. Thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp

1. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

a) Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp bị phát hiện không đủ điều kiện, có hành vi gian lận trong học tập, thi hoặc trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp;

b) Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp do người không có thẩm quyền cấp;

c) Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp bị tẩy xóa, chỉnh sửa.

d) Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp cho người khác sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của mình.

2. Người đứng đầu các cơ sở bồi dưỡng có thẩm quyền và trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp. Trường hợp cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ đã sáp nhập, chia, tách, giải thể hoặc có sự điều chỉnh về thẩm quyền thì cơ quan đang quản lý sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Hướng dẫn việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp; tổng hợp, quản lý việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp trên phạm vi cả nước.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện in phôi, sử dụng phôi chứng chỉ; việc cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ của các cơ sở bồi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trên địa bàn.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng

1. Căn cứ vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp ban hành kèm theo Điều 3, 4 Thông tư này, người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình chi tiết, tài liệu giảng dạy cho cơ sở và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở bồi dưỡng để học viên lựa chọn.

2. Công bố công khai việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp trên trang thông tin điện tử của cơ sở bồi dưỡng và cập nhật số liệu vào cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp). Nội dung thông tin công khai gồm các nội dung ghi trên chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và phải đảm bảo chính xác so với sổ cấp chứng chỉ; phải được cập nhật và lưu giữ thường xuyên trên trang thông tin điện tử của cơ sở bồi dưỡng đã cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp; bảo đảm dễ quản lý, truy cập và tìm kiếm. Việc công khai thông tin về cấp chứng chỉ không áp dụng đối với đối tượng là học viên ngành Công an, Quân đội và một số trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Lập hồ sơ theo dõi việc in, quản lý, cấp, thu hồi, hủy bỏ phôi, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp theo quy định.

4. Quy định các ký hiệu nhận biết phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp riêng của cơ sở bồi dưỡng để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi chứng chỉ.

5. Phối hợp với các cơ sở in đảm bảo an toàn đối với việc in, quản lý phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

6. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc in, cấp, thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp trong đơn vị mình.

7. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống cháy nổ để bảo quản phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

8. Định kỳ hằng năm báo cáo bằng văn bản (bằng bản giấy và bản điện tử) quá trình thực hiện in phôi, sử dụng phôi chứng chỉ; số lượng phôi chứng chỉ đã in, số lượng phôi chứng chỉ đã sử dụng, việc cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ trong năm trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở bồi dưỡng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đặt trụ sở chính theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

9. Cơ sở bồi dưỡng tự chịu trách nhiệm trong việc in phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm trong hoạt động in, quản lý phôi; cấp và thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp theo quy định.

Điều 15. Trách nhiệm của học viên

1. Kê khai chính xác, đầy đủ thông tin cá nhân trong hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp.

2. Quản lý chứng chỉ đã được cấp; không cho thuê, cho mượn chứng chỉ; không tẩy xóa chứng chỉ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra trường hợp đồng ý sử dụng không hợp pháp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp đã được cấp.

3. Xuất trình chứng chỉ và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được tổ chức trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành thì cơ sở bồi dưỡng tiếp tục thực hiện theo chương trình bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư số 38/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp; Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng; mẫu và quy chế quản lý, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

2. Thông tư số 38/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp; Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng; mẫu và quy chế quản lý, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ trung cấp, dạy trình độ cao đẳng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Người đứng đầu các cơ sở bồi dưỡng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- TTTT, TCGDNN để đăng Cổng TTĐT;
- Vụ Pháp chế; Vụ TCCB;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

I. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

Người có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

II. MỤC TIÊU BỒI DƯỠNG

1. Mục tiêu chung

Bồi dưỡng cho người học những năng lực sư phạm cần thiết, đáp ứng yêu cầu về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Kiến thức:

+ Trình bày những vấn đề chung về giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và thế giới; các kiến thức nền tảng về tâm lý và giáo dục nghề nghiệp ứng dụng trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Trình bày được các nguyên tắc giao tiếp sư phạm trong dạy học và giáo dục cho người học trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Mô tả được quy trình thiết kế và tổ chức dạy học kiểu bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Trình bày được nguyên tắc, phương pháp, kỹ thuật thiết kế và tổ chức dạy học số trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Trình bày được đặc điểm, bản chất của Mô hình giáo dục STEM - Mô hình giáo dục tích hợp Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán (Sience - Technology - Engineering - Math) trong giáo dục nghề nghiệp;

+ Trình bày được nguyên tắc và các bước tiến hành rèn luyện kỹ năng sư phạm đối với giảng viên, giáo viên dạy trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Mô tả được các bước tiến hành một nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp;

+ Trình bày được mục đích, nội dung phát triển kỹ năng cho người học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Kỹ năng:

+ Tổ chức, quản lý khoa học và hiệu quả quá trình dạy học, giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Vận dụng được các phương pháp, kỹ thuật, quy trình phát triển chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Nhận dạng được bài lý thuyết, thực hành và tích hợp có trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; Thiết kế được giáo án cho các bài lý thuyết, thực hành và tích hợp đúng quy định trong dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Thực hiện được các bài lý thuyết, thực hành và tích hợp đảm bảo đúng các bước lên lớp, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại bài học đối với trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Thiết kế, thực hiện dạy học số trên nền tảng công nghệ phổ biến, hiện đại; Lựa chọn được công cụ phù hợp thiết kế học liệu số; Lựa chọn được công cụ giao tiếp phù hợp trên nền tảng số; Lựa chọn được hệ thống quản lý dạy học để tổ chức dạy học các mô-đun, môn học phù hợp;

+ Xác định được tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp với mục tiêu mô-đun, môn học, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; Thiết kế được công cụ và tiến hành đánh giá được năng lực người học đảm bảo khách quan, trung thực;

+ Lập được đề cương nghiên cứu cho một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đảm bảo đúng các bước tiến hành và cấu trúc đề cương nghiên cứu khoa học;

+ Thiết kế và tổ chức dạy bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo định hướng giáo dục STEM;

+ Phát triển được nội dung giáo dục kỹ năng làm việc cho học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp;

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

+ Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ cá nhân, tập thể liên quan đến hoạt động nghề nghiệp;

+ Tự định hướng, phát triển nghiệp vụ sư phạm của bản thân; thể hiện quan điểm cá nhân trong hoạt động sư phạm nghề nghiệp.

III. THỜI GIAN BỒI DƯỠNG VÀ ĐƠN VỊ THỜI GIAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian bồi dưỡng: 280 giờ.

2. Đơn vị thời gian của giờ học: Một giờ học lý thuyết là 45 phút; một giờ học thực hành/tích hợp/thảo luận là 60 phút; một giờ thi, kiểm tra là 60 phút.

IV. DANH MỤC CÁC MÔ-ĐUN VÀ PHÂN BỔ THỜI GIAN

Mã mô- đun

Tên mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

A

MÔ-ĐUN BẮT BUỘC

248

84

152

12

MĐ01

Cơ sở chung của giáo dục nghề nghiệp

40

20

18

02

MĐ02

Phát triển chương trình đào tạo

40

13

25

02

MĐ03

Chuẩn bị dạy học

44

16

26

02

MĐ04

Dạy học số trong giáo dục nghề nghiệp

28

09

17

02

MĐ05

Thực hiện dạy học

52

12

38

02

MĐ06

Đánh giá trong dạy học

20

07

12

01

MĐ07

Nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp

24

07

16

01

B

MÔ-ĐUN TỰ CHỌN (Chọn một trong bốn mô-đun)

32

 

 

 

MĐ08

Thực tập sư phạm

32

03

29

 

MĐ09

Giao tiếp sư phạm

32

09

21

02

MĐ10

Phát triển kỹ năng làm việc cho người học nghề

32

08

22

02

MĐ11

Giáo dục STEM trong giáo dục nghề nghiệp

32

14

16

02

 

Tổng cộng (A+B)

280

 

 

 

V. CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

MÔ-ĐUN MĐ01

CƠ SỞ CHUNG CỦA GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thời gian thực hiện: 40 giờ (Lý thuyết: 20 giờ; Thực hành, thảo luận: 18 giờ; Thi/ kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện đầu tiên trong chương trình bồi dưỡng.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, thuộc khối kiến thức cơ bản nền tảng của sư phạm nghề nghiệp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được mục tiêu, đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp; các mô hình và phương thức đào tạo nghề; hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và mô hình giáo dục nghề nghiệp của một số nước trên thế giới.

+ Phân tích được bản chất của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp và giải thích được cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng:

+ Áp dụng được mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy - học vào quá trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

+ Vận dụng được kiến thức tâm lý và giáo dục vào hoạt động giáo dục người học, quá trình dạy học và quản lý quá trình dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các kiến thức nền tảng về tâm lý, giáo dục vào thiết kế, thực hiện, đánh giá dạy học và giáo dục người học trình độ cao đẳng, trung cấp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Khái quát về giáo dục nghề nghiệp

04

03

01

 

2

Bài 2: Cơ sở tâm lý học của giáo dục nghề nghiệp

10

05

05

 

3

Bài 3: Quá trình dạy - học nghề

12

06

06

 

4

Bài 4: Hoạt động giáo dục nghề nghiệp

12

06

06

 

5

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

40

20

18

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Khái quát về giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được mục tiêu và đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp; các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp; mô tả được hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và mô hình giáo dục nghề nghiệp của một số nước trên thế giới.

- Kỹ năng: Nhận diện được các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp tiên tiến theo định hướng phát triển năng lực người học; Áp dụng được mô hình và phương thức đào tạo nghề vào thiết kế và tổ chức dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế và tổ chức dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

* Nội dung:

1. Khái niệm nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp

1.1. Nghề nghiệp

1.2. Giáo dục nghề nghiệp

2. Mục tiêu và đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp

2.1. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp

2.2. Đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp

3. Các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp

3.1. Các mô hình giáo dục nghề nghiệp

3.2. Các phương thức giáo dục nghề nghiệp

4. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và một số nước trên thế giới

4.1. Cơ sở pháp lý của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

4.2. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

4.3. Mô hình giáo dục nghề nghiệp của một số nước trên thế giới

5. Thực hành, thảo luận

5.1. Các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp

5.2. Cơ sở pháp lý của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

5.3. Mô hình giáo dục nghề nghiệp của một số nước trên thế giới.

 

Bài 2: Cơ sở tâm lý học của giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Phân tích được bản chất của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp;

+ Giải thích được cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng được cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học vào thiết kế và thực hiện dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học vào thiết kế và thực hiện dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

* Nội dung:

1. Khái niệm, bản chất và tầm quan trọng của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp đối với nhà giáo

1.1. Khái niệm tâm lý học giáo dục nghề nghiệp

1.2. Bản chất của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp

1.3. Tầm quan trọng của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp đối với nhà giáo

2. Cơ sở tâm lý của hoạt động học

2.1. Sự phát triển tâm lý của người học trong giáo dục nghề nghiệp

2.2. Bản chất tâm lý của học tập

2.3. Phong cách học tập

2.4. Các lý thuyết học tập

2.5. Mô hình học tập của người học trong giáo dục nghề nghiệp

3. Cơ sở tâm lý của hoạt động dạy

3.1. Đặc điểm, vai trò của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

3.2. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

3.3. Thái độ, cảm xúc, tính cách và hành vi của nhà giáo trong lớp học

3.4. Cơ sở tâm lý của dạy lý thuyết, thực hành và tích hợp

3.5. Giảng dạy hiệu quả trong lớp học

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Tầm quan trọng của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp đối với nhà giáo

4.2. Sự phát triển tâm lý của người học trong giáo dục nghề nghiệp

4.3. Phong cách học tập và các mô hình học tập của người học trong giáo dục nghề nghiệp

4.4. Giảng dạy hiệu quả trong lớp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Bài 3: Quá trình dạy - học nghề

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được bản chất, nguyên tắc và nhiệm vụ của quá trình dạy - học nghề; phương pháp, hình thức dạy - học nghề.

- Kỹ năng: Áp dụng được nguyên tắc, phương pháp và hình thức dạy - học nghề vào thiết kế và thực hiện bài dạy trình độ trung cấp, cao đẳng.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt, sáng tạo khi áp dụng kiến thức của quá trình dạy - học nghề vào thiết kế và thực hiện bài dạy trình độ trung cấp, cao đẳng theo yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung của quá trình dạy - học nghề

1.1. Khái niệm quá trình dạy - học nghề

1.2. Các thành tố của quá trình dạy - học nghề

1.3. Bản chất của quá trình dạy - học nghề

1.4. Nhiệm vụ dạy học nghề

1.5. Logic của quá trình dạy - học nghề

1.6. Nguyên tắc dạy - học nghề

2. Phương pháp dạy - học nghề

2.1. Khái niệm phương pháp dạy - học nghề

2.2. Đặc điểm của phương pháp dạy - học nghề

2.3. Các phương pháp và kỹ thuật dạy - học thường sử dụng trong đào tạo nghề

3. Hình thức tổ chức dạy - học nghề

3.1. Khái niệm hình thức tổ chức dạy - học nghề

3.2. Các hình thức tổ chức dạy - học nghề

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Các thành tố của quá trình dạy - học nghề

4.2. Logic của quá trình dạy - học nghề

4.3. Các nguyên tắc, phương pháp và hình thức dạy - học nghề.

 

Bài 4: Hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được mục đích, nội dung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Thiết kế và tổ chức được hoạt động giáo dục người học trình độ cao đẳng, trung cấp phù hợp với mục tiêu giáo dục phẩm chất, đạo đức của người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có khả năng thực hiện độc lập hoặc theo nhóm việc tổ chức hoạt động giáo dục người học nghề.

* Nội dung:

1. Mục đích và nội dung hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1.1. Mục đích thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1.2. Nội dung hoạt động giáo dục nghề nghiệp

2. Hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp

2.1. Hình thức tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp

2.2. Phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp

3. Thực hành, thảo luận

3.1. Nội dung hoạt động giáo dục nghề nghiệp

3.2. Hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Đề cương chi tiết, tài liệu giảng dạy mô-đun.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Mục tiêu, đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp; các mô hình và phương thức đào tạo nghề; hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và quá trình dạy - học nghề; bản chất của tâm lý học giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng mô hình và phương thức đào tạo nghề; cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy - học vào quá trình dạy học nghề; tổ chức hoạt động giáo dục người học nghề, quá trình dạy học nghề và quản lý quá trình dạy học nghề.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, linh hoạt áp dụng các kiến thức nền tảng về tâm lý, giáo dục vào thiết kế, thực hiện dạy học và giáo dục người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng chương trình: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6.2. Hướng dẫn một số điểm chính về phương pháp giảng dạy mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận theo nhóm, nghiên cứu trường hợp, học tập khám phá, học tập theo dự án, học tập giải quyết vấn đề theo phương thức học trực tiếp, học trực tuyến, học kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành kết hợp với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Làm bài tập, nghiên cứu tài liệu học tập, thảo luận, trao đổi, thuyết trình, giải quyết vấn đề, thực hiện dự án học tập, phản biện, đánh giá,...

6.3. Những trọng tâm chương trình cần chú ý

- Mục tiêu và đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp

- Các mô hình và phương thức đào tạo nghề

- Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và một số nước trên thế giới

- Cơ sở tâm lý học của giáo dục nghề nghiệp

- Quá trình dạy - học nghề

- Hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lý luận dạy học hiện đại-cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, NXB ĐHSPHN, Hà Nội.

[2] Diệp Phương Chi (2020), Dạy học định hướng hành động- Cơ sở và áp dụng, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TPHCM.

[3] Dương Thị Kim Oanh (2013), Giáo trình Tâm lý học nghề nghiệp, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

[4] Nguyễn Đức Trí, Hồ Ngọc Vinh (2013), Phương pháp dạy học trong đào tạo nghề, NXB Giáo dục Việt Nam.

[5] Nguyễn Đức Trí (Chủ biên) và cộng sự (2016), Giáo trình Giáo dục học nghề nghiệp, NXB Giáo dục.

[6] Phan Thị Hồng Vinh, Trần Thị Tuyết Oanh, Từ Đức Văn, Vũ Lệ Hoa, Nguyễn Thị Tình, Trịnh Thúy Giang, Nguyễn Thị Thanh Hồng (2018), Giáo trình Giáo dục học (Tập 1), NXB Đại học Sư phạm.

 

MÔ-ĐUN MĐ02

PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Thời gian thực hiện: 40 giờ (Lý thuyết 13 giờ; Thực hành, thảo luận 25 giờ; Thi, kiểm tra 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau mô-đun MĐ01.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp cho người học có năng lực thiết kế, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được phương pháp, quy trình, nội dung cơ bản về thiết kế, đánh giá và cải tiến chất lượng chương trình đào tạo.

- Kỹ năng:

+ Lập bản phân tích nghề đảm bảo mô tả đầy đủ nhiệm vụ, công việc cho một nghề, vị trí việc làm trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Xây dựng chuẩn đầu ra cho nghề đã phân tích đảm bảo mô tả cụ thể những nội dung người học làm được sau quá trình đào tạo;

+ Biên soạn chương trình đào tạo cho nghề đã chọn đảm bảo đúng quy định hiện hành.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch thiết kế, đánh giá, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo đối với một ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đáp ứng đáp ứng nhu cầu của thế giới nghề nghiệp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Phương pháp và quy trình phát triển chương trình đào tạo

02

01

01

 

2

Bài 2: Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

06

02

04

 

3

Bài 3: Thiết kế chương trình đào tạo

16

04

12

 

4

Bài 4: Thiết kế chương trình mô- đun, môn học

10

04

06

 

5

Bài 5: Đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo

04

02

02

 

6

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

40

13

25

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Phương pháp và quy trình phát triển chương trình đào tạo

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Giải thích được bản chất chương trình đào tạo và các kiểu chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Xác định được phương pháp phát triển chương trình đào tạo; phân tích được nội dung các bước của quy trình phát triển chương trình đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động xác định và lựa chọn đúng phương pháp, quy trình phát triển chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu được giao.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về phát triển chương trình đào tạo

1.1. Khái niệm cơ bản

1.2. Các kiểu chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

2. Cách tiếp cận, phương pháp và quy trình phát triển chương trình đào tạo nghề

2.1. Cách tiếp cận trong phát triển chương trình đào tạo

2.2. Phương pháp phát triển chương trình đào tạo nghề (DACUM)

2.3. Quy trình phát triển chương trình đào tạo nghề

3. Thảo luận: Phương pháp và quy trình phát triển chương trình đào tạo nghề.

 

Bài 2: Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

Thời gian: 06 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được các phương pháp, công cụ thu thập thông tin và phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Thiết kế được công cụ thu thập thông tin và phân tích được nhu cầu của thế giới nghề nghiệp; sử dụng được phương pháp DACUM để phân tích nghề, phân tích công việc.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng yêu cầu thiết kế công cụ thu thập thông tin về nhu cầu của thế giới nghề nghiệp; phân tích nghề, phân tích công việc theo ngành, nghề được giao.

* Nội dung:

1. Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp

1.1. Mục đích, ý nghĩa của việc phân tích nhu cầu thế giới nghề nghiệp

1.2. Phương pháp, công cụ thu thập thông tin và phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp

2. Xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

2.1. Xây dựng hồ sơ nghề nghiệp thông qua phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp

2.2. Xây dựng hồ sơ nghề nghiệp bằng phương pháp DACUM

3. Thực hành: Thiết kế công cụ thu thập thông tin về nhu cầu của thế giới nghề nghiệp; phân tích nghề, phân tích công việc theo ngành, nghề đang đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

 

Bài 3: Thiết kế chương trình đào tạo

Thời gian: 16 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Mô tả được cấu trúc chương trình đào tạo.

- Kỹ năng: Xác định được mục tiêu, chuẩn đầu ra và thiết kế được khung chương trình đào tạo của một ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp theo quy định hiện hành.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch thiết kế chương trình đào tạo ngành, nghề được giao.

* Nội dung:

1. Thiết kế mục tiêu, chuẩn đầu ra

2. Thiết kế cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo

2.1. Khung chương trình đào tạo

2.2. Dự kiến kế hoạch giảng dạy

2.3. Ma trận mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo

2.4. Nội dung mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo

3. Xác định điều kiện nguồn lực và hướng dẫn thực hiện chương trình

3.1. Đội ngũ nhà giáo thực hiện chương trình

3.2. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ học tập

3.3. Hướng dẫn thực hiện chương trình

4. Thực hành: Thiết kế mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; thiết kế cấu

trúc và nội dung chương trình đào tạo ngành, nghề; xác định điều kiện nguồn lực và hướng dẫn thực hiện chương trình.

 

Bài 4: Thiết kế chương trình đun, môn học

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nội dung công việc cần thực hiện để thiết kế chương trình mô-đun, môn học.

- Kỹ năng: Thiết kế được đề cương chi tiết mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo quy định hiện hành.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch thiết kế đề cương chi tiết mô-đun, môn học được giao.

* Nội dung:

1. Thiết kế mục tiêu

1.1. Thiết kế mục tiêu

1.2. Xác định vị trí, tính chất của mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra

2. Thiết kế nội dung, phương pháp, hình thức, kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá

2.1. Thiết kế nội dung chi tiết

2.2. Lựa chọn, sử dụng phương pháp, hình thức dạy học

2.3. Thiết kế kế hoạch dạy học

2.4. Thiết kế phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

3. Thực hành: Thiết kế đề cương chi tiết mô-đun, môn học.

 

Bài 5: Đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được sự cần thiết của đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo, quy trình đánh giá chương trình đào tạo.

- Kỹ năng: Thu thập thông tin và viết báo cáo đánh giá chương trình đào tạo; Xác định được nội dung cần cập nhật, cải tiến đối với một chương trình.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng việc đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo.

* Nội dung:

1. Đánh giá chương trình đào tạo

1.1. Tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo

1.2. Tự đánh giá và đánh giá ngoài

2. Cải tiến chất lượng chương trình đào tạo

2.1. Cải tiến thường xuyên

2.2. Cải tiến theo định kì

3. Thực hành: Phân tích tiêu chí và viết báo cáo đánh giá một chương trình đào tạo nghề. Xác định nội dung cần cập nhật đối với một chương trình đang được triển khai đào tạo.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Tài liệu phát triển chương trình đào tạo, giấy A4; chương trình và tài liệu dạy học ngành, nghề hiện hành trình độ trung cấp, cao đẳng.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Những nội dung lý thuyết về chương trình đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; các bước xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; quy trình xây dựng chương trình đào tạo.

- Kỹ năng: Thiết kế, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ thực hiện kế hoạch thiết kế, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo đối với một ngành, nghề đáp ứng nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

5.2. Phương pháp: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Xây dựng các bài tập cụ thể gắn với những công việc của phát triển chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; dạy học lý thuyết, hướng dẫn người học nghiên cứu tài liệu, tổ chức thảo luận, hướng dẫn thiết kế chương trình; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghe giảng và tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài, nghiên cứu tài liệu, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm hoặc làm việc độc lập đối với từng công việc cụ thể trong phát triển chương trình, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần lưu ý: Xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, thiết kế, đánh giá và cải tiến chất lượng chương trình đào tạo.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức lựa chọn, biên soạn, thẩm định giáo trình giảng dạy trình độ trung cấp, cao đẳng.

[2] Chính phủ, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016.

[3] GS.TS. Nguyễn Đức Chính (chủ biên), TS. Vũ Lan Hương (2015). Phát triển chương trình giáo dục, NXBGD Việt Nam.

[4] Nguyễn Vũ Bích Hiền (chủ biên), Nguyễn Thị Thu Hằng (2016). Phát Triển Và Quản Lý Chương Trình Giáo Dục, NXB Đại học sư phạm.

[5] Robert E. Norton (1997), DACUM Handbook, State University Columbus, Ohio.

 

MÔ-ĐUN MĐ03

CHUẨN BỊ DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 44 giờ (Lý thuyết 16 giờ; Thực hành, thảo luận 26 giờ; Thi, kiểm tra 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau mô-đun MĐ01.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực chuẩn bị hồ sơ giảng dạy phù hợp trước khi lên lớp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, mục đích, yêu cầu, căn cứ và các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học; đặc điểm, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài lý thuyết, thực hành, tích hợp; nguyên tắc thiết kế môi trường dạy học tương tác.

- Kỹ năng:

+ Phân loại được bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;

+ Thiết kế được hồ sơ dạy bài lý thuyết, thực hành và tích hợp bao gồm: Giáo án, đề cương dạy học, học liệu, phương tiện, phiếu bài tập, phiếu luyện tập, phiếu đánh giá, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp loại bài giảng, tính chất nội dung, điều kiện thực hiện bài học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện sự tự tin vận dụng các phương pháp và kỹ thuật thiết kế dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp, nhận thức được giá trị, vai trò của công tác chuẩn bị dạy học đối với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Lập kế hoạch dạy học mô- đun, môn học

02

01

01

 

2

Bài 2: Thiết kế bài lý thuyết

06

02

04

 

3

Bài 3: Thiết kế bài thực hành

08

02

06

 

4

Bài 4: Thiết kế bài tích hợp

10

04

06

 

5

Bài 5: Chuẩn bị thiết bị, dụng cụ, vật tư, không gian học tập

02

01

01

 

6

Bài 6: Phát triển phương tiện dạy học

06

02

04

 

7

Bài 7: Thiết kế môi trường dạy học tương tác

08

04

04

 

8

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

44

16

26

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, mục đích, yêu cầu, căn cứ và các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học.

- Kỹ năng: Lập được kế hoạch dạy học mô-đun, môn học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học đáp ứng yêu cầu được giao.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về lập kế hoạch dạy học

1.1. Khái niệm, mục đích, ý nghĩa của lập kế hoạch dạy học

1.2. Yêu cầu của kế hoạch dạy học

1.3. Căn cứ lập kế hoạch dạy học

2. Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

2.1. Các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

2.2. Xây dựng mẫu kế hoạch dạy học mô-đun, môn học cụ thể

3. Thực hành: Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học cụ thể trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

 

Bài 2: Thiết kế bài lý thuyết

Thời gian: 06 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, đặc điểm, các loại bài lý thuyết, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài lý thuyết.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy bài lý thuyết bao gồm giáo án, đề cương dạy học, học liệu, phương tiện, phiếu bài tập, công cụ đánh giá phù hợp tính chất nội dung, điều kiện thực hiện bài lý thuyết trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài lý thuyết đang được triển khai tại trường trung cấp, cao đẳng.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài lý thuyết

1.1. Khái niệm bài lý thuyết

1.2. Đặc điểm của bài lý thuyết

1.3. Các loại bài lý thuyết trong chương trình đào tạo

1.4. Nguyên tắc thiết kế bài lý thuyết

1.5. Cấu trúc giáo án bài lý thuyết

2. Quy trình thiết kế bài lý thuyết

2.1. Thiết kế mục tiêu bài học

2.2. Thiết kế nội dung bài học

2.3. Thiết kế các hoạt động dạy học

2.4. Thiết kế phương tiện dạy học

2.5. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.6. Thiết kế môi trường dạy học

3. Thực hành thiết kế bài lý thuyết hướng vào phát triển năng lực người học.

 

Bài 3: Thiết kế bài thực hành

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, các loại bài thực hành, các giai đoạn hình thành kỹ năng; nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài thực hành.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy bài thực hành bao gồm giáo án, đề cương dạy học, phiếu hướng dẫn thực hiện kỹ năng, phiếu luyện tập, phiếu đánh giá kỹ năng, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp tính chất nội dung bài thực hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài thực hành đang được triển khai tại trường cao đẳng, trường trung cấp.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài thực hành

1.1. Khái niệm bài thực hành

1.2. Phân loại bài thực hành trong chương trình đào tạo nghề

1.3. Các giai đoạn hình thành kỹ năng và hoạt động dạy học thực hành

1.4. Nguyên tắc thiết kế bài thực hành

1.5. Cấu trúc giáo án bài thực hành

2. Quy trình thiết kế bài thực hành

2.1. Xác định chính xác tên bài học (tên kỹ năng)

2.2. Thiết kế mục tiêu bài học

2.3. Thiết kế nội dung bài học

2.4. Xây dựng "Bản hướng dẫn thực hiện" cho kỹ năng

2.5. Thiết kế các hoạt động dạy học

2.6. Thiết kế phương tiện dạy học

2.7. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.8. Thiết kế môi trường dạy học thực hành

3. Luyện tập thiết kế bài thực hành theo hướng phát triển năng lực người học.

 

Bài 4: Thiết kế bài tích hợp

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, đặc trưng bài tích hợp, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài tích hợp.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy học bài tích hợp bao gồm giáo án, đề cương dạy học đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành; phiếu hướng dẫn thực hiện kỹ năng, phiếu luyện tập; phiếu đánh giá kỹ năng, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp tính chất nội dung bài tích hợp trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài tích hợp đang được triển khai tại trường trung cấp, cao đẳng.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài tích hợp

1.1. Khái niệm bài tích hợp

1.2. Đặc trưng của bài tích hợp

1.3. Nguyên tắc thiết kế bài tích hợp

1.4. Cấu trúc giáo án bài tích hợp

2. Quy trình thiết kế bài tích hợp

2.1. Xác định tên bài học

2.2. Thiết kế mục tiêu bài học

2.3. Xác định năng lực thành tố trong bài học

2.4. Xây dựng lý thuyết liên quan

2.5. Thiết kế trình tự thực hiện hình thành kỹ năng

2.6. Thiết kế nhiệm vụ thực hành, luyện tập

2.7. Thiết kế phương tiện dạy học

2.8. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.9. Thiết kế môi trường dạy học

3. Thực hành thiết kế bài tích hợp theo hướng phát triển năng lực người học.

 

Bài 5: Chuẩn bị thiết bị, dụng cụ, vật tư, không gian học tập

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được vai trò của kế hoạch sử dụng thiết bị, dụng cụ, vật tư; yêu cầu đối với không gian học tập trong dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Kỹ năng: Lập được kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp cho việc dạy học bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trình độ cao đẳng, trung cấp; xây dựng được đề xuất về yêu cầu đối với không gian học tập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động đề xuất được yêu cầu đối không gian học tập; lập kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt và an toàn.

* Nội dung:

1. Kế hoạch sử dụng thiết bị, dụng cụ, vật tư

1.1. Vai trò của kế hoạch sử dụng thiết bị, dụng cụ, vật tư

1.2. Lập kế hoạch sử dụng thiết bị, dụng cụ, vật tư

2. Yêu cầu đối với không gian học tập

2.1. Phân loại không gian học tập

2.2. Yêu cầu đối với từng loại không gian học tập

3. Tiến hành chuẩn bị thiết bị, dụng cụ, vật tư, không gian học tập

3.1. Chuẩn bị thiết bị

3.2. Chuẩn bị dụng cụ

3.3. Chuẩn bị vật tư

3.4. Chuẩn bị không gian học tập.

 

Bài 6: Phát triển phương tiện dạy học

Thời gian: 06 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được vai trò, nguyên tắc sử dụng và các yêu cầu đối với phương tiện trong dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Kỹ năng: Thiết kế, chế tạo được các loại phương tiện dạy học thường dùng trong dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động phát triển phương tiện dạy học đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt và an toàn.

* Nội dung:

1. Khái quát chung về phương tiện dạy học

1.1. Khái niệm phương tiện dạy học

1.2. Vai trò của phương tiện dạy học

1.3. Các loại phương tiện dạy học

1.4. Những căn cứ sử dụng phương tiện dạy học

1.5. Nguyên tắc sử dụng phương tiện dạy học

1.6. Yêu cầu đối với phương tiện dạy học tự làm

2. Thực hành thiết kế, chế tạo và sử dụng phương tiện dạy học

2.1. Thực hành thiết kế, chế tạo phương tiện dạy học

2.2. Thực hành sử dụng phương tiện dạy học phổ biến.

 

Bài 7: Thiết kế môi trường dạy học tương tác

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được quan điểm sư phạm tương tác; mô hình, môi trường và quy trình dạy học theo quan điểm sư phạm tương tác.

- Kỹ năng: Thiết kế được môi trường dạy học theo quan điểm sư phạm tương tác đảm bảo kích thích hứng thú học tập của người học, người học vận động, thực hành kỹ năng an toàn và hiệu quả.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động tìm hiểu về môi trường và thiết kế môi trường dạy học theo quan điểm sư phạm tương tác.

* Nội dung:

1. Môi trường dạy học tương tác trong lớp học

1.1. Quan điểm sư phạm tương tác

1.2. Mô hình dạy học theo quan điểm sư phạm tương tác

1.3. Môi trường dạy học theo quan điểm sư phạm tương tác

2. Quy trình thiết kế môi trường dạy học tương tác trong lớp học

2.1. Xác định nguyên tắc thiết kế môi trường dạy học tương tác

2.2. Xác định các yếu tố cần thiết kế của môi trường dạy học tương tác

2.3. Thiết kế các yếu tố của môi trường dạy học tương tác trong lớp học

3. Thực hành: Thiết kế môi trường dạy học tương tác trong lớp học nghề phù hợp với một bài học trong chương trình đào tạo.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu vật thật hoặc hình ảnh mô phỏng thiết bị, dụng cụ, vật tư, không gian học tập; tài liệu phát tay, phiếu học tập, giấy A4.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Khái niệm, mục đích, yêu cầu, căn cứ và các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học; đặc điểm, nguyên tắc, quy trình thiết kế bài lý thuyết, thực hành, tích hợp và cấu trúc giáo án bài lý thuyết, thực hành, tích hợp; nguyên tắc thiết kế môi trường dạy học tương tác.

- Kỹ năng: Thiết kế bài học; thiết kế môi trường dạy học tương tác; thiết kế phương tiện dạy học; xây dựng đề xuất về yêu cầu đối với không gian học tập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tính chủ động, tính trách nhiệm đối với thực hiện nhiệm vụ thiết kế, chuẩn bị cho dạy học; tiến độ thực hiện công việc, chất lượng của sản phẩm và mức độ an toàn.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch, trình diễn kỹ năng.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Dạy học lý thuyết, hướng dẫn người học nghiên cứu tài liệu, tổ chức thảo luận, hướng dẫn thiết kế dạy học. Giảng viên tổ chức cho người học thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghe giảng và tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài, nghiên cứu tài liệu, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Thiết kế bài học và chi tiết hóa nội dung dạy học được đề cập trong giáo án thành đề cương bài giảng, thiết kế bảng biểu treo tường.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lý luận dạy học hiện đại, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

[3] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018), Thông tư số 23/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06/12/2018 quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

[4] Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (2018), Phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo đại học.

[5] Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (2021), Sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong dạy học.

[6] Madeleine Roy, Jean-Marc Denommeá (2009), Trịnh Văn Minh - Đặng Hoàng Minh - Nguyễn Chí Thành dịch, Nguyễn Thị Mĩ Lộc hiệu đính, Sư phạm tương tác - một tiếp cận khoa học thần kinh về học và dạy, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

MÔ-ĐUN MĐ04

DẠY HỌC SỐ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thời gian thực hiện: 28 giờ (Lý thuyết: 09 giờ; Thực hành, thảo luận: 17 giờ; Thi, kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau khi người học học xong mô-đun MĐ03.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp trang bị cho người học năng lực dạy học số, góp phần vào sự đa dạng hóa quá trình tổ chức dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được cơ sở khoa học sư phạm của thiết kế, tổ chức và đánh giá kết quả học tập trong dạy học số.

- Kỹ năng:

+ Thiết kế được học liệu số dưới dạng Audio, Video, PDF, PPT, HTML,...;

+ Tổ chức được quá trình dạy học thông qua ứng dụng Video Call;

+ Sử dụng được ít nhất một hệ thống quản lý dạy học (LMS) và một số nền tảng thông dụng hỗ trợ trong dạy học trực tuyến;

+ Thiết kế và tổ chức đánh giá được kết quả học tập của người học trên hệ thống LMS hoặc các ứng dụng hỗ trợ tích hợp được với LMS.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện độc lập việc thiết kế học liệu số, tổ chức quá trình dạy học số, đánh giá kết quả học tập của người học theo đúng tiến độ và an toàn.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Thiết kế dạy học số

10

03

07

 

2

Bài 2: Tổ chức dạy học số

12

04

08

 

3

Bài 3: Đánh giá trong dạy học số

04

02

02

 

4

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

28

09

17

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Thiết kế dạy học số

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được vai trò, đặc trưng, các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học số; nguyên tắc, yêu cầu sư phạm và công nghệ đối với thiết kế dạy học số.

- Kỹ năng: Sử dụng công cụ thiết kế học liệu số và thiết kế dạy học số với công cụ dạy học trực tuyến đảm bảo dung lượng hợp lý, dễ sử dụng, phù hợp với thiết bị và thói quen công nghệ của người học, đảm bảo tính sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện thiết kế dạy học số với công cụ dạy học trực tuyến đảm bảo tính sư phạm và an toàn.

* Nội dung:

1. Dạy học số

1.1. Vai trò của công nghệ số và đặc trưng của dạy học số

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học số

1.3. Thành phần và cấu trúc của hệ sinh thái dạy học số

2. Sử dụng công cụ hỗ trợ thiết kế học liệu số

2.1. Lecture Marker

2.2. Adobe presenter/iSpring

2.3. OpenShot Video Editor

2.4. Công cụ thiết kế thí nghiệm mô phỏng

3. Thiết kế dạy học số

3.1. Yêu cầu sư phạm và công nghệ đối với thiết kế dạy học số

3.2. Thiết kế dạy học số trên các nền tảng công nghệ

 

Bài 2: Tổ chức dạy học số

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được nguyên tắc, phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học số.

- Kỹ năng: Tổ chức quá trình dạy học số thông qua ứng dụng Video Call, ứng dụng dạy học trực tuyến đảm bảo kiểm soát được truy cập, kiểm soát được sự tham dự của người học, kiểm soát được tiến độ học tập, lập được kênh giao tiếp phù hợp, quản lý được tài nguyên học tập, bảo mật thông tin lớp học, thiết lập được các tương tác giữa người dạy và người học, giữa nội dung với người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ hoạt động tổ chức quá trình dạy học số thông qua ứng dụng video call, hệ thống LMS và một số nền tảng thông dụng trong dạy học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, an toàn.

* Nội dung:

1. Chiến lược và nguyên tắc dạy học số

1.1. Các chiến lược dạy học số

1.2. Nguyên tắc dạy học số

2. Một số hình thức tổ chức dạy học số

2.1. Sử dụng ứng dụng Video Call (Zoom cloud meeting, Google Hangouts Meet, Skype Meet Now)

2.1. Sử dụng hệ thống LMS và một số nền tảng thông dụng (Google Classroom, Moodle, Microsoft Teams).

 

Bài 3: Đánh giá trong dạy học số

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được yêu cầu, quy trình xây dựng công cụ và phương thức kiểm tra - đánh giá kết quả học tập.

- Kỹ năng: Xây dựng được bộ công cụ kiểm tra - đánh giá kết quả học tập, đánh giá được kết quả học tập trên ứng dụng của hệ thống LMS hoặc phần mềm hỗ trợ đảm bảo bảo mật nội dung đánh giá, tính khách quan trong đánh giá, kiểm soát được thời gian đánh giá, quản lý được kết quả đánh giá.

- Năng tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện độc lập việc xây dựng công cụ và đánh giá được kết quả học tập đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; Đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng.

* Nội dung:

1. Yêu cầu xây dựng công cụ - kiểm tra đánh giá trong dạy học số

1.1. Yêu cầu sư phạm

1.2. Yêu cầu công nghệ

2. Xây dựng công cụ kiểm tra - đánh giá trong dạy học số

2.1. Xây dựng công cụ kiểm tra - đánh giá với Hot Potatoes

2.2. Xây dựng công cụ kiểm tra - đánh giá với Presenter

2.3. Xây dựng công cụ kiểm tra - đánh giá với Moodle

2.4. Xây dựng công cụ kiểm tra - đánh giá với Google form

3. Đánh giá kết quả học tập và an toàn thông tin trong dạy học số

3.1. Đánh giá thường xuyên

3.2. Đánh giá định kỳ

3.3. Đảm bảo an toàn thông tin.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học công nghệ thông tin hoặc phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,... có trang bị máy tính kết nối internet.

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector, loa, scaner, các thiết bị ngoại vi cần thiết,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Tài liệu dạy học số trong giáo dục nghề nghiệp, chương trình và tài liệu dạy học ngành, nghề hiện hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Cơ sở khoa học sư phạm của thiết kế, tổ chức và đánh giá kết quả học tập trong dạy học số.

- Kỹ năng: Thiết kế học liệu số, tổ chức quá trình dạy học thông qua ứng dụng video call, ứng dụng (LMS) dạy học trực tuyến; đánh giá kết quả học tập của người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Năng lực độc lập trong thiết kế học liệu số, tổ chức quá trình dạy học số, đánh giá kết quả học tập của người học và năng lực đảm bảo an toàn thông tin.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra. Có thể tổ chức bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun và chấm điểm hoặc đánh giá kết quả thực hành của người học theo từng bài học lấy điểm trung bình cộng thành điểm tổng kết mô-đun.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun bắt buộc trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với tất cả người học có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Người học đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp theo chương trình ban hành tại Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 hoặc các chương trình tương đương khác có thể tham gia học tập, bồi dưỡng mô-đun này khi có nhu cầu.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Mô-đun nên được tổ chức dạy học trên cơ sở kết hợp hoạt động giảng dạy của giảng viên sư phạm và giảng viên công nghệ thông tin. Giảng viên sư phạm có thể thực hiện giảng dạy mô-đun này nếu có năng lực sử dụng thành thạo các ứng dụng dùng cho thiết kế và tổ chức dạy học số. Cần tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học theo hướng tổ chức cho người học thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, học tập dựa vào trải nghiệm, dạy học theo nhóm; bố trí để người học thực hành trong giờ học kết hợp với tự học.

- Người học: Được giảng viên cung cấp học liệu số trước khi học tập trên lớp. Chủ động nghiên cứu tài liệu được cung cấp, truy cập các tài liệu có liên quan thông qua máy tính kết nối Internet, thực hiện nhiệm vụ học tập đảm bảo tiến độ theo hướng dẫn của giảng viên.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần lưu ý: Sử dụng các ứng dụng mã nguồn mở phổ biến trong dạy học trực tuyến; thiết kế dạy học trực tuyến dựa trên các ứng dụng LMS phổ biến.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Anthony William (Tony) Bates (2015), Teaching in Digital Age, Creative Commons Attribution-NonCommercial 4.0, ISBN 978-0-9952692-0-0.

[2] Kolb, A. Y., Kolb, D. A., Passarelli, A., & Sharma, G. (2014). “On Becoming an Experiential Educator The Educator Role Profile”. Simulation & Gaming, 45(2), 204-234.

[3] Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, GIZ (2020), Cẩm nang hướng dẫn tổ chức đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp.

[4] Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (2021), Dạy học số trong giáo dục nghề nghiệp, Tài liệu lưu hành nội bộ dùng bồi dưỡng sư phạm cho nhà giáo GDNN.

[5] Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Nam Định (2021), Tài liệu dạy học trực tuyến trong giáo dục công nghệ kỹ thuật (tài liệu lưu hành nội bộ).

 

MÔ-ĐUN MĐ05

THỰC HIỆN DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 52 giờ (Lý thuyết 12 giờ; Thực hành, thảo luận 38 giờ; Thi, kiểm tra 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau khi người học học xong mô-đun MĐ03.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp trên cơ sở tập giảng dạy từng phần nội dung của bài giảng và tập giảng dạy trọn vẹn bài giảng.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài lý thuyết, thực hành và tích hợp; xác định được các chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học.

- Kỹ năng:

+ Thực hiện được bài dạy lý thuyết trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp bài lý thuyết, tuân thủ ý đồ sư phạm, trung thành bản kế hoạch dạy học đã thiết kế, tổ chức được tình huống, bài tập vận dụng lý thuyết trong thực tiễn nghề nghiệp, tiến hành đánh giá kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức của người học vào giải quyết bài tập, tình huống thực tiễn;

+ Thực hiện được bài dạy thực hành trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp bài của thực hành, tổ chức hợp lý hướng dẫn ban đầu, hướng dẫn thường xuyên, hướng dẫn kết thúc, đảm bảo an toàn cho thiết bị và con người, môi trường. Tổ chức đánh giá sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập;

+ Thực hiện được bài dạy tích hợp trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp của bài tích hợp, tổ chức hợp lý cho người học nhận thức lý thuyết liên quan, tổ chức hợp lý cho người học vận dụng lý thuyết liên quan vào quá trình luyện tập kỹ năng gồm: Tổ chức hợp lý quá trình hướng dẫn thực hiện kỹ năng, tổ chức hợp lý cho người học luyện tập tích hợp, đảm bảo an toàn cho thiết bị và con người, môi trường. Tổ chức đánh giá kiến thức, sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình dạy học, đảm bảo an toàn, phát huy tính tích cực của người học và chịu trách nhiệm về kết quả học tập của người học trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Dạy bài lý thuyết

08

02

06

 

2

Bài 2: Dạy bài thực hành

12

02

10

 

3

Bài 3: Dạy bài tích hợp

14

02

12

 

4

Bài 4: Lựa chọn, sử dụng chiến lược dạy học hiệu quả

16

06

10

 

5

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

 

Cộng

52

12

38

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Dạy bài lý thuyết

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài lý thuyết.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy lý thuyết trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp bài lý thuyết, tuân thủ ý đồ sư phạm, trung thành bản kế hoạch dạy học đã thiết kế, tổ chức được tình huống, bài tập vận dụng lý thuyết trong thực tiễn nghề nghiệp, tiến hành đánh giá kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức của người học vào giải quyết bài tập, tình huống thực tiễn.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình dạy học lý thuyết, phát huy tính tích cực nhận thức của người học.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài lý thuyết

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài lý thuyết

1.2. Các bước thực hiện dạy bài lý thuyết

1.3. Thực hành dạy bài lý thuyết

2. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài lý thuyết

2.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài lý thuyết

2.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài lý thuyết.

 

Bài 2: Dạy bài thực hành

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài thực hành.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy thực hành trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp bài của thực hành, tổ chức hợp lý hướng dẫn ban đầu, hướng dẫn thường xuyên, hướng dẫn kết thúc, đảm bảo an toàn cho thiết bị và con người, môi trường. Tổ chức đánh giá sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình tổ chức hình thành kỹ năng của người học, phát huy tính tích cực của người học, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và môi trường.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài thực hành trong chương trình đào tạo nghề

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài thực hành

1.2. Các bước thực hiện dạy bài thực hành

1.3. Thực hiện dạy bài thực hành

2. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài thực hành

2.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài thực hành

2.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài thực hành.

 

Bài 3: Dạy bài tích hợp

Thời gian: 14 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài tích hợp.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy tích hợp trên đối tượng giả định, hoặc đối tượng thật trình độ cao đẳng, trung cấp đúng các bước lên lớp của bài tích hợp, tổ chức hợp lý cho người học nhận thức lý thuyết liên quan, tổ chức hợp lý cho người học vận dụng lý thuyết liên quan vào quá trình luyện tập kỹ năng gồm: Tổ chức hợp lý quá trình hướng dẫn thực hiện kỹ năng, tổ chức hợp lý cho người học luyện tập tích hợp, đảm bảo an toàn cho thiết bị và con người, môi trường. Tổ chức đánh giá kiến thức, sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình tổ chức cho người học nhận thức và hình thành kỹ năng theo hướng phát huy tính tích cực của người học, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và môi trường.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài tích hợp trong chương trình đào tạo nghề

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài tích hợp

1.2. Các bước thực hiện dạy bài tích hợp

1.3. Thực hành dạy bài tích hợp

2. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài tích hợp

2.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài tích hợp

2.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài tích hợp.

 

Bài 4: Lựa chọn, sử dụng chiến lược dạy học hiệu quả

Thời gian: 16 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được các chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học.

- Kỹ năng: Lựa chọn và sử dụng được các chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, sáng tạo khi lựa chọn và sử dụng các chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về chiến lược dạy học

1.1. Khái niệm chiến lược dạy học

1.2. Chiến lược dạy học trong chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp

1.3. Chiến lược dạy học trong lớp học

2. Lựa chọn, sử dụng chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học

2.1. Xác định chiến lược dạy học phù hợp trong lớp học

2.2. Mô tả chiến lược dạy học

2.3. Tiến trình thực hiện chiến lược dạy học

2.4. Luyện tập sử dụng chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Giáo án và đề cương bài giảng dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp cho dạy học trình độ cao đẳng, trung cấp đã thiết kế hoàn chỉnh; các tranh, ảnh, bảng biểu treo tường, mẫu biểu về hồ sơ dạy học theo quy định, giáo trình thực hiện dạy học. Vật tư, vật liệu, dụng cụ sử dụng để giảng dạy các bài lý thuyết, thực hành, tích hợp.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp. Một số chương trình và tài liệu dạy học các ngành, nghề hiện hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Những kiến thức cơ bản về dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp theo định hướng phát triển năng lực.

- Kỹ năng: Dạy học bài lý thuyết, thực hành, tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp; lựa chọn chiến lược dạy học hiệu quả trong lớp học nghề.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tính chủ động, sáng tạo, đảm bảo an toàn trong quá trình tập giảng; năng lực tổ chức quá trình làm việc nhóm của người học.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng hình thức: Bài thực hành trình diễn kỹ năng.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, tổ chức cho người học làm việc nhóm, trình diễn kỹ năng giảng dạy.

- Người học: Tập trình giảng để hình thành năng lực dạy học trên cơ sở phối hợp tổng thể các kỹ năng dạy học và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong giờ dạy.

3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Tổ chức cho người học luyện tập để hình thành năng lực dạy học và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong giờ dạy thông qua việc tập giảng dạy theo cá nhân, nhóm.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lý luận dạy học hiện đại-cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, NXB ĐHSPHN, Hà Nội.

[2] Diệp Phương Chi (2020), Dạy học định hướng hành động- Cơ sở và áp dụng, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TPHCM.

[3] Nguyễn Đức Trí (2011), Giáo trình giáo dục học nghề nghiệp, NXBGD.

[4] Nguyễn Thế Mạnh và cộng sự (2014), Dạy học tích hợp trong đào tạo nghề, Trường Đại học SPKT Nam Định, Tài liệu tham khảo.

[5] https://gdnn.edu.vn/nghiep-vu-su-pham/lua-chon-phuong-phap-to-chuc-day- hoc-thuc-hanh-nghe-180.html.

[6] https://www.quizalize.com/blog/2018/02/23/teaching-strategies/

[7] https://www.prodigygame.com/main-en/blog/teaching-strategies/January 29, 2021.

 

MÔ-ĐUN MĐ06

ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 20 giờ (Lý thuyết 07 giờ; Thực hành, thảo luận 12 giờ; Thi, kiểm tra 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được bố trí sau khi người học học xong mô-đun MĐ05.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá trong dạy học.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những vấn đề chung về đánh giá trong dạy học; quy trình thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá; cách thức xử lý, phản hồi kết quả kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học hoặc cải tiến chương trình dạy học.

- Kỹ năng: Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá trong dạy học; thiết kế được công cụ kiểm tra, đánh giá; xử lý và phản hồi được kết quả kiểm tra, đánh giá phù hợp mục đích đánh giá, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình, mô-đun, môn học, bài học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện lập kế hoạch đánh giá, thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá; độc lập trong đánh giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học

07

04

03

 

2

Bài 2: Thiết kế công cụ và triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá trong dạy học

08

02

06

 

3

Bài 3: Phân tích và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá

04

01

03

 

4

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

Cộng

20

07

12

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học

Thời gian: 07 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được mục đích, vai trò, nguyên tắc, hình thức, phương pháp và quy trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học; quan điểm kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực trong giáo dục nghề nghiệp; quy trình lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học.

- Kỹ năng: Lập được kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra, mô-đun, môn học, bài học trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện theo nhóm hoặc làm việc độc lập để để lập được kế hoạch kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.1. Khái niệm kiểm tra, đánh giá

1.2. Mục đích, chức năng, nguyên tắc kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.3. Hình thức, phương pháp, quy trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.4. Kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực

1.5. Các quan điểm và văn bản hiện hành về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp

2. Quy trình lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học

2.1. Xác định các năng lực cần đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình

2.2. Xác định nội dung đánh giá phù hợp

2.3. Xác định hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá tương ứng

2.4. Xác định công cụ kiểm tra, đánh giá hợp lý

2.5. Xác định thời điểm kiểm tra, đánh giá phù hợp

3. Thực hành: Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá mô-đun, môn học, bài học trong chương trình cao đẳng, trung cấp hiện hành.

 

Bài 2: Thiết kế công cụ và triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá trong dạy học

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được quy trình và kỹ thuật thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá trong dạy học.

- Kỹ năng:

+ Thiết kế được công cụ kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng phù hợp với mục tiêu, chính sách đánh giá của mô-đun, môn học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phù hợp với năng lực người học trình độ cao đẳng, trung cấp.

+ Thực hiện được kiểm tra, đánh giá trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tự chủ thực hiện thiết kế công cụ và tổ chức quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

* Nội dung:

1. Quy trình và kỹ thuật thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá trong dạy học

1.1. Thiết kế bài kiểm tra nói và phương pháp đánh giá

1.2. Thiết kế bài kiểm tra viết và phương pháp đánh giá

1.3. Thiết kế bài kiểm tra thực hành và phương pháp đánh giá

2. Triển khai thực hiện kiểm tra đánh giá trong dạy học

2.1. Tổ chức kiểm tra đánh giá thông qua các công cụ đã thiết kế

2.2. Triển khai theo tiến trình thuận lợi, đúng quy chế

3. Thực hành: Thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá cho môn đun/môn học/bài học trong chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng hiện hành.

 

Bài 3: Phân tích và sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được cách thức xử lý, phản hồi kết quả kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học hoặc cải tiến chương trình dạy học.

- Kỹ năng: Xử lý và phản hồi được kết quả kiểm tra đánh giá; sử dụng được kết kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học hoặc cải tiến chương trình dạy học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tích cực, chủ động, tuân thủ quy định, có trách nhiệm trong xử lý, phản hồi kết quả kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học hoặc cải tiến chương trình dạy học.

* Nội dung:

1. Xử lý và phản hồi kết quả kiểm tra đánh giá

1.1. Xử lý kết quả kiểm tra đánh giá

1.2. Phản hồi kết quả kiểm tra đánh giá

2. Sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá

2.1. Sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học

2.2. Sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá để cải tiến chất lượng chương trình đào tạo.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Tài liệu đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp, giấy A4; chương trình và tài liệu dạy học một số ngành, nghề hiện hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Yêu cầu đối với lập kế hoạch đánh giá, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá; tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá.

- Kỹ năng: Lập kế hoạch, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá; đánh giá năng lực của người học; phản hồi kết quả và sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng dạy học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động trong thực hiện việc lập kế hoạch đánh giá, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá; độc lập trong đánh giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, học tập dựa vào trải nghiệm, dựa vào dự án, dạy học theo nhóm, sử dụng mô hình dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc hỗn hợp (Blended learning); tổ chức cho người học thực hành kỹ năng đánh giá, quản lý hồ sơ dạy học trong bối cảnh thực hoặc thông qua quan sát các video do giảng viên chuẩn bị.

- Người học: Nghiên cứu tài liệu được cung cấp hoặc nguồn dữ liệu internet, thảo luận, trao đổi, phản biện, làm bài tập, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần lưu ý: Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá năng lực, thu thập minh chứng, phân tích kết quả, phản hồi và sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá để điều chỉnh quá trình dạy học.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 09/2017/BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

[2] Hoàng Hòa Bình (2015), Năng lực và đánh giá theo năng lực, Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Công Khanh (Chủ biên), Đào Thị Oanh (2019), Kiểm tra đánh giá trong giáo dục, NXB Đại học Sư phạm.

[4] Sái Công Hồng, Lê Thái Hưng, Lê Thị Hoàng Hà, Lê Đức Ngọc (2017), Giáo trình kiểm tra đánh giá trong dạy học, NXB ĐHQG Hà Nội

[5] Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), Trần Khánh Đức, Hà Thế Truyền (2010), Đánh giá trong giáo dục đại học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

MÔ-ĐUN MĐ07

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thời gian thực hiện: 24 giờ (Lý thuyết 07 giờ; Thực hành, thảo luận 16 giờ; Thi, kiểm tra 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau mô-đun MĐ06.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực thực hiện một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng nghiên cứu ứng dụng.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Học xong mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nội dung cơ bản khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

- Kỹ năng: Thực hiện được các giai đoạn nghiên cứu một nhiệm vụ khoa học và công nghệ bao gồm lựa chọn vấn đề và xây dựng đề cương nghiên cứu, thu thập và xử lý dữ liệu, viết báo cáo, tổ chức hội thảo khoa học, bảo vệ và công bố kết quả nghiên cứu.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong dạy học, giáo dục người học và quản lý quá trình giáo dục nghề nghiệp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Xây dựng đề cương nghiên cứu

08

02

06

 

2

Bài 2: Triển khai đề cương nghiên cứu

12

04

08

 

3

Bài 3: Công bố kết quả và đánh giá công trình khoa học

03

01

02

 

4

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

Cộng

24

07

16

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Xây dựng đề cương nghiên cứu

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được khái niệm nghiên cứu khoa học, quan điểm phương pháp luận nghiên cứu khoa học, các phương pháp nghiên cứu, khái niệm và cấu trúc của đề cương, các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Kỹ năng: Lựa chọn đề tài nghiên cứu và xây dựng được đề cương nghiên cứu, dự kiến đầy đủ các điều kiện nghiên cứu.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động lựa chọn vấn đề và xây dựng đề cương nghiên cứu, dự kiến các điều kiện nghiên cứu đảm bảo tiến độ, chất lượng.

* Nội dung:

1. Khái quát về nghiên cứu khoa học

1.1. Các khái niệm cơ bản

1.2. Phân loại đề tài nghiên cứu khoa học và lĩnh vực khoa học

1.3. Logic nội dung đề tài nghiên cứu khoa học và tiến trình thực hiện

2. Lựa chọn đề tài nghiên cứu

2.1. Tầm quan trọng của việc xác định đề tài nghiên cứu

2.2. Các yêu cầu đối với đề tài nghiên cứu

2.3. Các điều kiện lựa chọn đề tài nghiên cứu

2.4. Các bước hình thành đề tài nghiên cứu

2.5. Kỹ thuật xác định đề tài nghiên cứu

3. Xây dựng đề cương nghiên cứu

3.1. Tầm quan trọng của việc xây dựng đề cương nghiên cứu

3.2. Xây dựng cấu trúc và nội dung đề cương nghiên cứu

4. Chuẩn bị các điều kiện nghiên cứu

4.1. Các điều kiện khách quan và chủ quan để thực hiện đề tài nghiên cứu

4.2. Dự kiến nguồn lực thực hiện nghiên cứu

5. Thực hành: Lựa chọn đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và xây dựng đề cương nghiên cứu của đề tài đã chọn; xác định được các điều kiện và nguồn lực thực hiện nghiên cứu.

 

Bài 2: Triển khai đề cương nghiên cứu

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được vai trò, các nguồn dữ liệu và cách sử dụng các phương pháp để thu thập dữ liệu lý luận, thực tiễn, các bước xử lý và kiểm tra dữ liệu. Trình bày được về cấu trúc, hình thức của báo cáo và tóm tắt kết quả nghiên cứu.

- Kỹ năng: Thu thập, xử lý đầy đủ, chính xác dữ liệu, kiểm tra được kết quả nghiên cứu. Viết được một số nội dung cơ bản của báo cáo kết quả nghiên cứu và tóm tắt được kết quả nghiên cứu.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện độc lập hoặc thực hiện theo nhóm trong việc thu thập, xử lý và kiểm tra dữ liệu, viết báo cáo kết quả nghiên cứu đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng của đề tài nghiên cứu.

* Nội dung:

1. Các phương pháp nghiên cứu

1.1. Phương pháp nghiên cứu định tính

1.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng

2. Thu thập dữ liệu

2.1. Thu thập dữ liệu lý thuyết

2.2. Thu thập dữ liệu thực tiễn

3. Xử lý dữ liệu và kiểm tra dữ liệu đã xử lý

3.1. Xử lý dữ liệu

3.2. Kiểm tra dữ liệu đã xử lý

4. Hoàn thiện dàn ý công trình nghiên cứu và viết báo cáo kết quả nghiên cứu

4.1. Hoàn thiện dàn ý công trình nghiên cứu

4.2. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu

4.3. Viết tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu

5. Thực hành: Thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, kiểm tra dữ liệu đã xử lý, hoàn thiện dàn ý công trình nghiên cứu theo đề cương nghiên cứu, viết một số nội dung báo cáo kết quả nghiên cứu và viết tóm tắt.

 

Bài 3: Công bố kết quả và đánh giá công trình khoa học

Thời gian: 03 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được các công việc cần thực hiện để chuẩn bị hội thảo, bảo vệ và đánh giá kết quả nghiên cứu, công bố và chuyển giao kết quả nghiên cứu, đăng ký sở hữu trí tuệ.

- Kỹ năng: Bảo vệ và đánh giá được kết quả nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu, chuyển giao được kết quả nghiên cứu.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động trong việc bảo vệ và đánh giá kết quả nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu đảm bảo tính trung thực, đúng tiến độ, đạt chất lượng và an toàn.

* Nội dung:

1. Tổ chức hội thảo khoa học

1.1. Chuẩn bị tổ chức hội thảo khoa học

1.2. Tổ chức hội thảo khoa học

2. Bảo vệ và đánh giá kết quả nghiên cứu

2.1. Chuẩn bị bảo vệ kết quả nghiên cứu

2.2. Bảo vệ kết quả nghiên cứu

2.3. Đánh giá kết quả nghiên cứu

3. Công bố, đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu

3.1. Công bố kết quả nghiên cứu

3.2. Đăng ký sở hữu trí tuệ

3.3. Chuyển giao kết quả nghiên cứu

4. Thực hành: Bảo vệ và đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài khoa học giáo dục nghề nghiệp; kỹ năng viết bài báo khoa học và công bố trong nước, quốc tế.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu biểu về đề cương nghiên cứu khoa học, đề tài khoa học để người học tham khảo, tài liệu nghiên cứu khoa học, giấy A4. Chương trình và tài liệu dạy học một số ngành, nghề hiện hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Lựa chọn vấn đề và xây dựng đề cương nghiên cứu, thu thập và xử lý tài liệu, viết báo cáo, tổ chức hội thảo khoa học, bảo vệ và công bố kết quả nghiên cứu.

- Kỹ năng: Thực hiện các giai đoạn nghiên cứu một đề tài: Xây dựng đề cương nghiên cứu, thu thập và xử lý tài liệu, viết báo cáo, tổ chức hội thảo khoa học, bảo vệ và công bố kết quả nghiên cứu.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tiến độ, chất lượng.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, học tập dựa vào trải nghiệm, dựa vào dự án, dạy học theo nhóm, sử dụng mô hình dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc hỗn hợp (Blended learning), hướng dẫn người học luyện tập thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp. Giảng viên nên tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghiên cứu tài liệu được cung cấp hoặc nguồn dữ liệu internet, thảo luận, trao đổi, phản biện, làm bài tập, học tập dựa vào dự án, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Xây dựng đề cương nghiên cứu, lựa chọn và sử dụng các phương pháp nghiên cứu cho một đề tài cụ thể.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Huy Bá - Chủ biên (2009), Phương Pháp Luận Nghiên Cứu Khoa Học, NXBGD Việt Nam.

[2] Lưu Xuân Mới (2003), Phương pháp nghiên cứu khoa học, NXB ĐHSP.

[3] Trần Khánh Đức (2011), Phương pháp luận NCKH Giáo dục - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Võ Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tuấn (2016), Giáo trình Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM.

[5] Vũ Cao Đàm (2008), Giáo trình phương pháp luận NCKH - NXB Thế giới - Hà Nội Việt Nam.

[6] https://library.oapen.org/bitstream/handle/20.500.12657/27694/1002312.pdf?sequence=1#page=137.

[7] https://www.sciencebuddies.org/science-fair-projects/science-fair/steps-of- the-scientific-method.

 

MÔ-ĐUN MĐ08

THỰC TẬP SƯ PHẠM

Thời gian thực hiện: 32 giờ (Lý thuyết: 03 giờ; Thực hành, thảo luận: 29 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau các mô-đun bắt buộc.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giúp người học có năng lực thực hiện phối hợp các nhiệm vụ cơ bản của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong một quỹ thời gian xác định.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Học xong mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nhiệm vụ cơ bản của người tham gia thực tập sư phạm.

- Kỹ năng:

+ Lập kế hoạch giảng dạy và giáo dục tại cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đúng theo quy chế của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

+ Thực hiện đầy đủ số giờ lên lớp cho mỗi loại bài lý thuyết, thực hành và tích hợp tại cơ sở thực tập cho trình độ cao đẳng, trung cấp đúng theo quy chế của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

+ Thực hiện đầy đủ số giờ tham gia công tác giáo dục cho lớp học trình độ cao đẳng, trung cấp được phân công theo kế hoạch đã được xác lập đúng quy chế của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

+ Hoàn thành nhật ký thực tập theo mẫu quy định đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy chế thực tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ thực tập sư phạm theo đúng kế hoạch, sáng tạo và an toàn.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành, thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Thực tập tổ chức hoạt động giáo dục

06

01

05

 

2

Bài 2: Thực tập giảng dạy

22

01

21

 

3

Bài 3: Thực tập công tác chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập

04

01

03

 

Cộng

32

03

29

 

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Thực tập tổ chức hoạt động giáo dục

Thời gian: 06 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nội dung cơ bản đối với nhiệm vụ tìm hiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia thực tập sư phạm.

- Kỹ năng: Thiết kế và tổ chức được hoạt động giáo dục cho học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng theo kế hoạch, đảm bảo tính giáo dục và an toàn.

* Nội dung:

1. Tìm hiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1.1. Tìm hiểu về truyền thống và chiến lược phát triển của nhà trường

1.2. Tìm hiểu về nội dung và hình thức hoạt động giáo dục toàn diện

2. Thiết kế, tổ chức và đánh giá hoạt động giáo dục

2.1. Thiết kế hoạt động giáo dục

2.2. Tổ chức và đánh giá hoạt động giáo dục.

 

Bài 2: Thực tập giảng dạy

Thời gian: 22 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được logic sư phạm đã thiết kế trong giáo án và tiêu chí đánh giá giờ dạy lý thuyết, thực hành, tích hợp.

- Kỹ năng: Dạy được giáo án lý thuyết, thực hành, tích hợp; phát hiện được những ưu điểm và tồn tại đối với giờ dạy được quan sát.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tổ chức và làm chủ được hoạt động dạy học trong quá trình giảng dạy giáo án lý thuyết, thực hành, tích hợp; chủ động đóng góp ý kiến mang tính xây dựng đối với giờ dạy được quan sát.

* Nội dung:

1. Thực tập giảng dạy bài lý thuyết

1.1. Trình giảng

1.2. Nhận xét, góp ý bài giảng

2. Thực tập giảng dạy bài thực hành

2.1. Trình giảng

2.2. Nhận xét, góp ý bài giảng

3. Thực tập giảng dạy bài tích hợp

3.1. Trình giảng

3.2. Nhận xét, góp ý bài giảng.

 

Bài 3: Thực tập công tác chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được vai trò, nhiệm vụ và các yêu cầu đối xây dựng kế hoạch, triển khai và đánh giá công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập; yêu cầu đối với báo cáo thu hoạch thực tập sư phạm.

- Kỹ năng: Xây dựng kế hoạch, triển khai và đánh giá được công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập; viết được báo cáo thu hoạch.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ thực tập công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập đảm bảo đúng kế hoạch và an toàn, báo cáo thu hoạch phản ánh đúng tiến trình và kết quả thu được từ thực tập sư phạm.

* Nội dung:

1. Công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập

1.1. Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập

1.2. Xây dựng kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập

2. Triển khai kế hoạch công tác giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập

2.1. Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập

2.2. Đánh giá công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập

3. Báo cáo thu hoạch thực tập sư phạm

3.1. Yêu cầu đối với báo cáo thu hoạch

3.2. Viết báo cáo thu hoạch.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp.

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy tính và các thiết bị ngoại vi; các thiết bị đặc trưng của ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu biểu về hồ sơ giảng dạy, các mẫu biểu về kế hoạch giáo dục người học trình độ trung cấp, cao đẳng; nguồn học liệu; các dụng cụ, vật liệu cần thiết để giảng dạy ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp được giao.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp. Chương trình và học liệu phục vụ cho dạy học một số ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Đường truyền Internet, các nền tảng công nghệ phục vụ cho thiết kế học liệu số, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của người học (đối với dạy học sử dụng ứng dụng video call, ứng dụng (LMS) dạy học trực tuyến).

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Hiểu biết về những nhiệm vụ cơ bản của người khi thực tập sư phạm.

- Kỹ năng: Thực hiện hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục người học trình độ trung cấp, cao đẳng.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, sáng tạo và kết quả đạt được của người học khi thực tập sư phạm.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả thực tập sư phạm của người học là điểm trung bình cộng của các điểm thành phần về thực tập giáo dục, thực tập giảng dạy, thực tập công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập. Thực tập giảng dạy của người học được giảng viên hướng dẫn dự giờ và đánh giá điểm. Thực tập giáo dục và thực tập công tác giáo viên chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập của người học được giảng viên hướng dẫn quan sát trực tiếp và đánh giá điểm hoặc thông qua sản phẩm viết thu hoạch của người học để giảng viên hướng dẫn chấm điểm. Không bố trí giờ thi, kiểm tra riêng như những mô-đun khác.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trình độ cao đẳng, trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Do đặc thù của thực tập sư phạm, giảng viên không nên hướng dẫn người học thực hiện xong nhiệm vụ học tập thuộc bài học 01 rồi mới thực hiện sang bài học 02, bài học 03; nên hướng dẫn người học thực hiện đan xen, linh hoạt các nhiệm vụ thực tập sư phạm trong suốt tiến trình thực tập sư phạm. Mỗi bài học đều bố trí 01 giờ học lý thuyết để giảng viên bố trí hướng dẫn tập trung cả đoàn thực tập sư phạm trước khi từng cá nhân thực hiện nhiệm vụ của họ. Trước khi kết thúc bài học 03, giảng viên hướng dẫn nên bố trí tối thiểu 01 giờ để tổng kết, rút kinh nghiệm chung cho cả đoàn thực tập sư phạm.

- Người học: Thực tập sư phạm là quá trình giúp người học nghiệp vụ sư phạm kết hợp các năng lực sư phạm được hình thành trước đó để hình thành năng lực thực hiện đan xen, linh hoạt, sáng tạo những nhiệm vụ cơ bản của nhà giáo dạy ở trường trung cấp hoặc cao đẳng, do đó người học phải sử dụng tối ưu thời lượng 32 giờ và thời gian tự học để hoàn thành các nhiệm vụ học tập đúng tiến độ, đạt kết quả.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Các hoạt động trải nghiệm về giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục, làm chủ nhiệm lớp - cố vấn học tập.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 08/2017/TT-LĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ nhà giáo GDNN.

[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/4/2017 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

[3] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018), Thông tư số 23/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06/12/2018 quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

[4] Chính phủ (2016), Khung trình độ quốc gia, Ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016.

[5] Nguyễn Thế Mạnh, Phạm Ngọc Uyển, Nguyễn Văn Hùng (2010), Thực tập sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

 

MÔ-ĐUN MĐ09

GIAO TIẾP SƯ PHẠM

Thời gian thực hiện: 32 giờ (Lý thuyết: 09 giờ; Thực hành, thảo luận: 21 giờ; Thi/ kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau khi học xong các mô-đun bắt buộc trong chương trình.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn, giúp hình thành năng lực giao tiếp cho nhà giáo trong môi trường sư phạm.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được vai trò, nguyên tắc và các giai đoạn trong quá trình giao tiếp sư phạm; những kỹ năng giao tiếp sư phạm cần có của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

+ Phân tích được các tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Kỹ năng:

+ Vận dụng được các kỹ năng giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống giao tiếp sư phạm.

+ Giải quyết được tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Những vấn đề chung về giao tiếp sư phạm

03

02

01

 

2

Bài 2: Kỹ năng giao tiếp sư phạm

12

06

06

 

3

Bài 3: Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm

15

01

14

 

4

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

32

09

21

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Những vấn đề chung về giao tiếp sư phạm

Thời gian: 03 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được vai trò, nguyên tắc và các giai đoạn trong quá trình giao tiếp sư phạm.

- Kỹ năng: Vận dụng được các nguyên tắc giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các nguyên tắc giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Khái niệm giao tiếp sư phạm

2. Vai trò, nguyên tắc giao tiếp sư phạm

2.1. Vai trò của giao tiếp sư phạm

2.2. Nguyên tắc giao tiếp sư phạm

3. Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm

3.1. Giai đoạn mở đầu

3.2. Giai đoạn diễn biến

3.3. Giai đoạn kết thúc

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Nguyên tắc giao tiếp sư phạm

4.2. Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm.

 

Bài 2: Kỹ năng giao tiếp sư phạm

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được đặc điểm và cách thức thực hiện các kỹ năng giao tiếp sư phạm.

- Kỹ năng: Vận dụng được các kỹ năng giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các kỹ năng giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Kỹ năng nhận thức trong giao tiếp sư phạm

1.1. Nhận biết trạng thái cảm xúc

1.2. Nhận biết ý định, thái độ

2. Nhóm kỹ năng làm chủ bản thân trong giao tiếp sư phạm

2.1. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc

2.2. Kỹ năng ứng phó với căng thẳng

2.3. Kỹ năng thể hiện sự kiên định

2.4. Kỹ năng tự nhận thức

2.5. Kỹ năng xác định giá trị

3. Nhóm kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp sư phạm

3.1. Kỹ năng sử dụng các phương tiện giao tiếp

3.2. Kỹ năng giải quyết vấn đề

3.3. Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ

3.4. Kỹ năng đưa và nhận thông tin phản hồi

3.5. Kỹ năng từ chối

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Nhận biết trạng thái cảm xúc, ý định, thái độ

4.2. Nhóm kỹ năng làm chủ bản thân trong giao tiếp sư phạm

4.3. Nhóm kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp sư phạm.

 

Bài 3: Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm

Thời gian: 15 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Xác định được đặc điểm các tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Kỹ năng: Giải quyết được tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp

1.1. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - học sinh

1.2. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - giáo viên

1.3. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - phòng ban trong nhà trường và doanh nghiệp

1.4. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - phụ huynh học sinh

1.5. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa học sinh - học sinh

2. Giải quyết các tình huống sư phạm thường gặp

3. Thực hành, thảo luận

3.1. Tình huống giao tiếp sư phạm

3.2. Cách giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp. Đề cương chi tiết, tài liệu giảng dạy mô-đun.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Vai trò, nguyên tắc và các giai đoạn trong quá trình giao tiếp sư phạm; những kỹ năng giao tiếp sư phạm cần có của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng các nguyên tắc, kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, linh hoạt áp dụng các kiến thức nền tảng về giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch, thực hành.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng chương trình: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trình độ cao đẳng, trung cấp.

6.2. Hướng dẫn một số điểm chính về phương pháp giảng dạy mô-đun

- Giảng viên:

+ Thiết kế các hoạt động thảo luận theo nhóm, nghiên cứu trường hợp, học tập khám phá, học tập theo dự án, học tập giải quyết vấn đề theo phương thức học trực tiếp, học kết hợp, học trực tuyến, học kết hợp trực tiếp với trực tuyến.

+ Tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành kết hợp với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Làm bài tập, nghiên cứu tài liệu học tập, thảo luận, trao đổi, thuyết trình, giải quyết vấn đề, thực hiện dự án học tập, phản biện, đánh giá v.v.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần chú ý

- Nguyên tắc giao tiếp sư phạm.

- Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm.

- Các kỹ năng giao tiếp sư phạm.

- Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Võ Văn Nam, Võ Thị Tường Vy, Mai Thị Hạnh (2017), Giao tiếp sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

[2] Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Nguyễn Thị Tứ, Bùi Hồng Quân, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (2016), Giáo trình Tâm lý học giao tiếp, NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Văn Lê, Tạ Văn Doanh (1998), Giao tiếp sư phạm, NXB Giáo dục.

[4] Quang Lâm (2019), Nghệ thuật giao tiếp ứng xử sư phạm, NXB Dân trí.

[5] Trịnh Trúc Lâm, Nguyễn Văn Hộ (2005), Ứng xử sư phạm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

MÔ-ĐUN MĐ10

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG LÀM VIỆC CHO NGƯỜI HỌC NGHỀ

Thời gian thực hiện: 32 giờ (Lý thuyết: 08 giờ; Thực hành, thảo luận: 22 giờ; Thi/ kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và được thực hiện sau khi học xong các mô-đun bắt buộc trong chương trình.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được các kỹ năng làm việc thiết yếu cho người học.

+ Trình bày được các hình thức và phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học.

- Kỹ năng:

+ Vận dụng được các hình thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc vào tổ chức rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc thiết yếu cho người học.

+ Xây dựng được công cụ đánh giá kỹ năng làm việc của người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng tự chủ và hợp tác khi vận dụng các hình thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc vào tổ chức rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc cần thiết cho người học.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Kỹ năng làm việc cho người học

03

01

02

 

2

Bài 2: Tổ chức rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học

11

05

06

 

3

Bài 3: Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học

16

02

14

 

4

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

32

08

22

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Kỹ năng làm việc cho người học

Thời gian: 03 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được những căn cứ để xác định kỹ năng làm việc cho người học.

+ Xác định được các kỹ năng làm việc cho người học.

- Kỹ năng: Lựa chọn được các kỹ năng làm việc thiết yếu để phát triển cho người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong lựa chọn kỹ năng cần thiết để giảng dạy cho người học.

* Nội dung:

1. Khái niệm kỹ năng làm việc (employability skills)

2. Căn cứ xác định kỹ năng làm việc cần phát triển cho người học

3. Các loại kỹ năng làm việc cần phát triển cho người học

3.1. Kỹ năng giao tiếp

3.2. Kỹ năng làm việc nhóm

3.3. Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc

3.4. Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định

3.5. Kỹ năng tư duy phản biện

3.6. Kỹ năng tư duy sáng tạo

3.7. Kỹ năng học tập suốt đời

4. Thực hành, thảo luận: Kỹ năng làm việc cần phát triển cho người học.

Bài 2: Tổ chức rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học

Thời gian: 11 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được đặc điểm các hình thức và phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học.

+ Trình bày được các công cụ đánh giá kỹ năng làm việc của người học.

- Kỹ năng:

+ Vận dụng được các hình thức và phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học.

+ Thiết kế được công cụ đánh giá kỹ năng làm việc của người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức và phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc vào rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc cho người học.

* Nội dung:

1. Hình thức rèn luyện kỹ năng làm việc

1.1. Rèn luyện kỹ năng làm việc qua dạy học các kỹ năng làm việc

1.2. Rèn luyện kỹ năng làm việc qua tích hợp vào các mô-đun, môn học

1.3. Rèn luyện kỹ năng làm việc qua các hoạt động ngoại khóa

1.4. Rèn luyện kỹ năng làm việc qua các hoạt động thực hành, luyện tập, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp

1.5. Rèn luyện kỹ năng làm việc qua tự giáo dục của người học

2. Phương pháp tổ chức rèn luyện kỹ năng làm việc

2.1. Phương pháp đàm thoại

2.2. Phương pháp thảo luận theo nhóm

2.3. Phương pháp đóng vai

2.4. Phương pháp trò chơi

2.5. Phương pháp học tập theo dự án

2.6. Phương pháp học tập theo tình huống

2.7. Phương pháp học tập nên và giải quyết vấn đề

2.8. Phương pháp mô phỏng

3. Tổ chức đánh giá kỹ năng làm việc

3.1. Xây dựng công cụ đánh giá kỹ năng

3.2. Thực hiện đánh giá kỹ năng

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Hình thức rèn luyện kỹ năng làm việc

4.2. Phương pháp rèn luyện kỹ năng làm việc

4.3. Đánh giá kỹ năng làm việc.

Bài 3: Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học

Thời gian: 16 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những yêu cầu khi tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học.

- Kỹ năng: Tổ chức thực hiện được việc phát triển kỹ năng làm việc cho người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong tổ chức thực hiện phát triển kỹ năng làm việc cho người học.

* Nội dung:

1. Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua dạy học kỹ năng làm việc

1.1. Yêu cầu tổ chức thực hành

1.2. Tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua dạy học kỹ năng làm việc

2. Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua tích hợp vào các mô-đun, môn học

2.1. Yêu cầu tổ chức thực hành

2.2. Tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua tích hợp vào các mô-đun, môn học

3. Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua các hoạt động ngoại khóa

3.1. Yêu cầu tổ chức thực hành

3.2. Tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua các hoạt động ngoại khóa

3. Thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua các hoạt động thực hành, luyện tập, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp

3.1. Yêu cầu tổ chức thực hành

3.2. Tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học qua các hoạt động thực hành, luyện tập, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Yêu cầu tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc

4.2. Thực hành phát triển kỹ năng làm việc qua các hình thức rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Đề cương chi tiết, tài liệu giảng dạy mô-đun.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Kỹ năng làm việc cho người học nghề; hình thức, phương pháp tổ chức rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học nghề

- Kỹ năng: Tổ chức thực hiện việc phát triển kỹ năng làm việc cho người học nghề.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong tổ chức thực hiện phát triển kỹ năng làm việc cho người học nghề.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch, thực hành.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng chương trình: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trình độ cao đẳng, trung cấp.

6.2. Hướng dẫn một số điểm chính về phương pháp giảng dạy mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận theo nhóm, nghiên cứu trường hợp, học tập khám phá, học tập theo dự án, học tập giải quyết vấn đề theo phương thức học trực tiếp, học kết hợp, học trực tuyến, học kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành kết hợp với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Làm bài tập, nghiên cứu tài liệu học tập, thảo luận, trao đổi, thuyết trình, giải quyết vấn đề, thực hiện dự án học tập, phản biện, đánh giá,...

6.3. Những trọng tâm chương trình cần chú ý

- Kỹ năng làm việc cần thiết cho người học.

- Hình thức, phương pháp tổ chức rèn luyện kỹ năng làm việc cho người học.

- Tổ chức thực hành phát triển kỹ năng làm việc cho người học.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Asheema Singh (Editor), Employability Skills, National Institute of open schooling. https://www.brilliantstarmagazine.org/uploads/play/pdf-.

[2] Brewer, Laura (2013), Enhancing youth employability: What? Why? and How? Guide to core work skills, International Labour Office; Skills and Employability Dept.

[3] National Instructional Media Institute (2019), Employability skills - Common for all trades, In Student work book 1, India.

[4] Nguyễn Công Khanh (2012), Phương pháp giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

[5] Nguyễn Thanh Bình (2009), Giáo dục kỹ năng sống, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

MÔ-ĐUN MĐ11

GIÁO DỤC STEM TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

Thời gian thực hiện: 32 giờ (Lý thuyết: 14 giờ; Thực hành, thảo luận: 16 giờ; Thi, kiểm tra 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp được thực hiện sau khi học xong các mô-đun bắt buộc trong chương trình.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn trong chương trình. Mô-đun này đưa ra khái niệm về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và giáo dục STEM liên quan đến nhiều bối cảnh và môi trường giáo dục nghề nghiệp. Xem xét giáo dục STEM và STEM trong các bối cảnh địa phương, quốc gia, toàn cầu, xem xét nguyên tắc, đặc điểm, ý nghĩa và vai trò của STEM và Giáo dục STEM trong bối cảnh mới và ở nhiều cấp độ khác nhau. Học phần tập trung vào việc xem xét các bối cảnh STEM có tác động như thế nào đến suy nghĩ của giáo viên, học sinh và quản lý trog cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi triển khai giáo dục STEM, đồng thời bước đầu cung cấp cơ sở lý luận và quy trình kỹ thuật giảng dạy các chủ đề STEM trong điều kiện cho phép.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Học xong mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày được định nghĩa về giáo dục STEM, quan điểm triết lý của giáo dục STEM; mục đích, đặc điểm giáo dục STEM.

+ Trình bày cơ sở khoa học và thực tiễn của giáo dục STEM.

+ Trình bày được nguyên tắc phương pháp, kỹ thuật thiết kế và tổ chức bài học STEM/ chủ đề STEM trong đào tạo nghề.

- Kỹ năng:

+ Xây dựng được các chủ đề STEM đơn môn, đa môn, liên môn, xuyên môn.

+ Thiết kế dạy học các chủ đề STEM thuộc chương trình giáo dục nghề nghiệp theo tiếp cận dạy học hiện đại.

+ Thực hiện dạy học một số bài STEM điển hình.

+ Tổ chức được môi trường dạy học phù hợp với đặc điểm, tính chất bài học STEM.

- Mức độ tự chủ và trách nhiệm: Nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục STEM trong đào tạo nghề. Tích cực, chủ động, sáng tạo vận dụng triết lý, quan điểm, phương pháp luận, quy trình, kỹ thuật trong dạy học chủ đề STEM trong giáo dục nghề nghiệp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Những vấn đề chung về STEM và giáo dục STEM

07

04

03

 

2

Bài 2: Cơ sở lý luận về giáo dục STEM và mô hình dạy học

10

06

04

 

3

Bài 3: Thiết kế và tổ chức dạy học trong đào tạo nghề theo định hướng giáo dục STEM

13

04

09

 

4

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

32

14

16

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Những vấn đề chung về STEM và giáo dục STEM

Thời gian: 07 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, mục đích, vai trò và đặc điểm giáo dục STEM; nội dung và hình thức giáo dục STEM.

- Kỹ năng: So sánh giáo dục STEM và giáo dục truyền thống.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Nhận thức đúng ý nghĩa và vai trò của giáo dục STEM đối với giáo dục nghề nghiệp. Tích cực, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng giáo dục STEM trong đào tạo nghề tại đơn vị.

* Nội dung:

1. STEM và giáo dục STEM

1.1. Khái niệm STEM

1.2. Khái niệm giáo dục STEM

1.3. Mục đích của giáo dục STEM

2. Vai trò và đặc điểm của giáo dục STEM

2.1. Vai trò của giáo dục STEM

2.2. Đặc điểm của của diáo dục STEM

3. Nội dung và hình thức giáo dục STEM

3.1. Nội dung giáo dục STEM

3.2. Hình thức giáo dục STEM.

Bài 2: Cơ sở lý luận về giáo dục STEM và mô hình dạy học

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

- Kiến thức: Giải thích được quan điểm tích hợp trong giáo dục STEM và dạy học định hướng phát triển tư duy sáng tạo; Mô tả và giải thích được các lý thuyết học tập ứng dụng vào giáo dục STEM. Mô tả được các mô hình dạy học ứng dụng vào giáo dục STEM.

- Kỹ năng: Vận dụng các mô hình dạy học phù hợp với kiểu bài học STEM trong giáo dục nghề nghiệp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tích cực và chủ động vận dụng các mô hình dạy học STEM trong giáo dục nghề nghiệp.

* Nội dung:

1. Quan điểm tích hợp trong giáo dục STEM

1.1. Tích hợp và dạy học tích hợp

1.2. Dạy học định hướng phát triển năng lực và tưu duy sáng tạo

2. Lý thuyết học tập ứng dụng trong giáo dục STEM

2.1. Lý thuyết kiến tạo

2.2. Thuyết xây khung

2.3. Thuyết học tập dựa vào trải nghiệm

2.4. Lý thuyết học tập xã hội

2.5. Lý thuyết nhận thức

3. Mô hình dạy học

3.1. Học tập dựa vào khám phá

3.2. Mô hình học tập hợp tác

3.3. Mô hình dạy học 5E

3.4. Mô hình hướng dẫn trực tiếp

3.5. Mô hình học tập kết hợp

3.6. Học tập phục vụ cộng đồng.

 

Bài 3: Thiết kế và tổ chức dạy học trong đào tạo nghề theo định hướng giáo dục STEM

Thời gian: 13 giờ

* Mục tiêu:

- Kiến thức: Mô tả được mục tiêu, đặc điểm nội dung, nguyên tắc dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Thiết kế được chủ đề và nội dung STEM cho bài học cụ thể trong đào tạo nghề. Thiết kế đực kế hoạch dạy học bài STEM trong đào tạo nghề. Thực hiện dạy bài học STEM cho chủ đề đã chọn.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ kỹ năng và phương pháp thiết kế và tổ chức bài học STEM trong giáo dục nghề nghiệp.

* Nội dung:

1. Mục tiêu và đặc điểm nội dung giáo dục nghề nghiệp

1.1. Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp

1.2. Đặc điểm mội dung giáo dục nghề nghiệp

2. Dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong giáo dục nghề nghiệp

2.1. Nguyên tắc học theo định hướng giáo dục STEM trong giáo dục nghề nghiệp

2.2. Các cấp độ dạy học STEM trong giáo dục nghề nghiệp

3. Thiết kế dạy học STEM

3.1. Thiết kế chủ đề STEM

3.2. Thiết kế nội dung chủ đề STEM và nguồn lực dạy học

3.3. Lập kế hoạch dạy học bài học STEM

3.4. Thiết kế đánh giá năng lực học sinh

3.5. Thực hiện dạy học chủ đề STEM

4. Tổ chức mô hình câu lạc bộ STEM trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu biểu về đề cương Mô-đun, Chủ đề STEM trong đào tạo nghề, tài liệu về thiết kế và tổ chức dạy học STEM trong đào tạo nghề, giấy A4, A0, Bút dạ, máy tính, máy in, thiết bị dụng cụ thí nghiệm thực hành theo yêu cầu các chủ đề STEM.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp. Chương trình và tài liệu dạy học ngành, nghề hiện hành trình độ cao đẳng, trung cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Mục đích vai trò của giáo dục STEM; Các hình thức, nguyên tắc của giáo dục STEM; Các cơ sở khoa học của GD STEM; Các mô hình dạy học STEM.

- Kỹ năng: Thiết kế và tổ chức dạy một chủ đề STEM thuộc môn học hoặc mô-đun trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ làm chủ thiết kế và triển khai bài dạy STEM trong mô-đun, môn học cụ thể.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trình độ cao đẳng, trung cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, học tập dựa vào trải nghiệm, dựa vào dự án, dạy học theo nhóm, sử dụng mô hình dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc hỗn hợp (Blended learning), hướng dẫn người học luyện tập thiết kế bài học STEM trong đào tạo nghề. Giảng viên nên tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghiên cứu tài liệu được cung cấp hoặc nguồn dữ liệu internet, thảo luận, trao đổi, phản biện, làm bài tập, học tập dựa vào dự án, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Thiết kế và thực hiện bài dạ y STEM thuộc mô-đun, môn học phụ trách.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Burke, B.N (2014), The ITEEA 6E Learning byDeSIGN™ Model, Maximizing Informed Design and Inquiry in the Integrative STEM Classroom, Technology and Engineering Teacher 73 (6), 14-19.

[2] Chu Cẩm Thơ (2021). Giáo dục STEM truyền cảm hứng cho các nhà đổi mới sáng tạo trong tương lai, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/821885/giao-duc-stem-truyen-cam-hung-cho-cac-nha-doi-moi-sang-tao-trong-tuong-lai.aspx.

[3] Khoa Sư phạm Kỹ thuật (2013), Tập bài giảng Giáo dục STEM trong đào tạo nghề, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

[4] Nguyễn Thanh Hải (2019), Giáo dục STEM-từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo, NXB Trẻ. TP Hồ Chí Minh.

[5] Vasquez, J. A. (December, 2014/January, 2015), STEM - beyond the acronym, Educational Leadership. p. 13.

VI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ

1.1. Tuyển sinh

- Tuyển sinh đúng đối tượng quy định trong chương trình.

- Người học được đăng ký bồi dưỡng theo nguyện vọng và được xét miễn, giảm mô-đun, thời lượng học tập của chương trình khi học liên thông các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng dạy học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Căn cứ năng lực đầu vào của người học, thời lượng, nội dung mô-đun, học phần của các chương trình bồi dưỡng mà người học đã được cấp chứng chỉ, cơ sở tổ chức bồi dưỡng xét miễn giảm, công nhận, chuyển đổi điểm và tổ chức dạy học bổ sung các nội dung còn thiếu để đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình.

1.2. Tổ chức bồi dưỡng

- Chương trình có thể tổ chức giảng dạy theo một trong các hình thức: trực tiếp; trực tuyến; trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

- Điều kiện dạy học trực tuyến 100% chương trình: Cơ sở tổ chức bồi dưỡng phải xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến của chương trình; có hệ thống quản lý dạy học trực tuyến (LMS); có hạ tầng mạng truyền thông đáp ứng yêu cầu đào tạo.

- Cơ sở tổ chức bồi dưỡng lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với nội dung cụ thể và đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình.

1.3. Đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ

- Tổ chức đánh giá kết quả mô-đun: Học viên được tham dự đánh giá mô-đun khi thực hiện ít nhất 80% số giờ đào tạo và hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mô-đun quy định. Kết thúc mỗi mô-đun, học viên được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra viết tự luận/tiểu luận/bài thu hoạch, vấn đáp hoặc thực hành (trình diễn kỹ năng). Bài thi, kiểm tra được chấm theo thang điểm 10. Học viên không đạt kết quả mô-đun nào (điểm < 5,0) sẽ phải thi lại mô-đun đó. Hình thức, nội dung thi kết thúc từng mô-đun được xác định phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nội dung cụ thể của mô-đun.

- Điểm trung bình chung của khóa học được tính bằng trung bình cộng của các điểm mô-đun có trong chương trình bồi dưỡng đã đạt yêu cầu (đạt điểm từ 5,0 trở lên).

- Điều kiện cấp chứng chỉ: Học viên phải có tất cả các bài thi kết thúc mô-đun đạt từ 5 điểm trở lên sẽ được cấp “Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp”. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên mô-đun, điểm số mà học viên đã hoàn thành.

- Kết quả xếp loại ghi trong Chứng chỉ thực hiện theo quy định sau:

Loại xuất sắc: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 9,0 đến 10.

Loại giỏi: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 8,0 đến dưới 9,0.

Loại khá: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 7,0 đến dưới 8,0.

Loại trung bình: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 5,0 đến dưới 7,0.

1.4. Hướng dẫn về đào tạo liên thông

- Liên thông từ chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp lên chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp: Đối với các mô-đun bắt buộc, người học cần học bổ sung bài 5, bài 6 và bài 7 MĐ03; bài 4 MĐ05; bài 3 MĐ06; học mới toàn bộ MĐ01, MĐ02 và MĐ07. Đối với các mô-đun tự chọn, người học phải học mới toàn bộ một trong số các mô-đun tự chọn hoặc hoặc học bổ sung một số bài trong mô-đun tự chọn có liên quan đến mô-đun đã học ở chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

- Liên thông từ chương trình bồi dưỡng kỹ năng dạy học: Căn cứ vào thời lượng, nội dung mô-đun, học phần của chương trình bồi dưỡng mà người học đã được cấp chứng chỉ để xét miễn giảm và công nhận điểm cho phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.

2. Yêu cầu đối với cơ sở tổ chức thực hiện chương trình

- Cơ sở tổ chức bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình chi tiết, tài liệu theo quy định tại chương trình này và quy định hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

- Tài liệu: Cơ sở tổ chức bồi dưỡng căn cứ vào chương trình này để tổ chức biên soạn, thẩm định, ban hành hoặc lựa chọn tài liệu để tổ chức giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế và hình thức tổ chức bồi dưỡng./.

 

Phụ lục II

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

I. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

Người có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

II. MỤC TIÊU BỒI DƯỠNG

1. Mục tiêu chung

Bồi dưỡng cho người học đạt những năng lực sư phạm cần thiết, đáp ứng yêu cầu về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Kiến thức:

+ Trình bày các kiến thức cơ bản về tâm lý học và khoa học giáo dục trong hoạt động sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp;

+ Trình bày được các nguyên tắc giao tiếp sư phạm trong dạy học và giáo dục cho người học trình độ sơ cấp;

+ Nêu được các bước cơ bản phát triển chương trình đào tạo trình độ sơ cấp;

+ Mô tả được quy trình thiết kế và tổ chức dạy học kiểu bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trình độ sơ cấp.

+ Trình bày được nguyên tắc và các bước tiến hành rèn luyện kỹ năng sư phạm trong đào tạo trình độ sơ cấp.

- Kỹ năng:

+ Nhận dạng được bài lý thuyết, thực hành, tích hợp trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp;

+ Thiết kế được giáo án cho các bài lý thuyết, thực hành và tích hợp đúng biểu mẫu theo quy định;

+ Thực hiện bài lý thuyết, thực hành và tích hợp đảm bảo đúng các bước lên lớp, phù hợp với đặc điểm tính chất của từng loại bài học;

+ Tổ chức, quản lý hiệu quả quá trình dạy học, giáo dục trình độ sơ cấp;

+ Vận dụng được phương pháp, kỹ thuật, quy trình phát triển chương trình đào tạo sơ cấp;

+ Sử dụng hợp lý phương pháp, phương tiện, thiết bị, dụng cụ và vật tư trong dạy học phù hợp với từng loại bài học trong đào tạo trình độ sơ cấp;

+ Thiết kế công cụ và tiến hành đánh giá được năng lực người học đảm bảo khách quan, trung thực, xác định được tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp với mục tiêu , mô-đun, môn học, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ phương pháp và kỹ thuật dạy học trình độ sơ cấp. Tự tin thực hiện các bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trong đào tạo trình độ sơ cấp, thể hiện được đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo trong dạy học, chủ động học tập phát triển năng lực nghề nghiệp.

III. THỜI GIAN BỒI DƯỠNG VÀ ĐƠN VỊ THỜI GIAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian bồi dưỡng: 96 giờ.

2. Đơn vị thời gian của giờ học: Một giờ học lý thuyết là 45 phút; một giờ học thực hành/tích hợp/thảo luận là 60 phút; một giờ thi, kiểm tra là 60 phút.

IV. DANH MỤC CÁC MÔ-ĐUN VÀ PHÂN BỔ THỜI GIAN

Mã mô-đun

Tên mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ Kiểm tra

A

MÔ-ĐUN BẮT BUỘC

80

21

54

05

MĐ01

Chuẩn bị dạy học

28

09

17

02

MĐ02

Thực hiện dạy học

36

06

28

02

MĐ03

Đánh giá trong dạy học

16

06

9

01

B

MÔ-ĐUN TỰ CHỌN (Chọn một trong bốn mô-đun)

16

 

 

 

MĐ04

Thực tập sư phạm

16

02

14

 

MĐ05

Cơ sở chung của giáo dục nghề nghiệp

16

09

06

01

MĐ06

Phát triển chương trình đào tạo trình độ sơ cấp

16

05

10

01

MĐ07

Giao tiếp sư phạm

16

03

12

01

 

Tổng cộng (A+B)

96

 

 

 

V. CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

MÔ-ĐUN MĐ01

CHUẨN BỊ DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 28 giờ (Lý thuyết: 09 giờ; Thực hành, thảo luận: 17 giờ; Thi, kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực chuẩn bị hồ sơ giảng dạy phù hợp trước khi lên lớp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày các vấn đề chúng của kế hoạch dạy học mô-đun, môn học; đặc điểm, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài lý thuyết, thực hành, tích hợp.

- Kỹ năng:

+ Nhận dạng được bài lý thuyết, thực hành và tích hợp trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp;

+ Thiết kế được hồ sơ dạy bài lý thuyết, thực hành và tích hợp bao gồm: Giáo án, đề cương dạy học, học liệu, phương tiện, phiếu bài tập, phiếu luyện tập, phiếu đánh giá, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp loại bài giảng, tính chất nội dung, điều kiện thực hiện bài học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện sự tự tin vận dụng các phương pháp và kỹ thuật thiết kế dạy học trình độ sơ cấp, nhận thức được giá trị, vai trò của công tác chuẩn bị dạy học đối với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ sơ cấp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Lập kế hoạch dạy học mô- đun, môn học

02

01

01

 

2

Bài 2: Thiết kế bài lý thuyết

06

02

04

 

3

Bài 3: Thiết kế bài thực hành

08

02

06

 

4

Bài 4: Thiết kế bài tích hợp

10

04

06

 

5

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

Cộng

28

09

17

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, mục đích, yêu cầu, căn cứ và các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học.

- Kỹ năng: Lập được kế hoạch dạy học mô-đun, môn học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học đáp ứng yêu cầu được giao.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về lập kế hoạch dạy học

1.1. Khái niệm, mục đích, ý nghĩa của lập kế hoạch dạy học

1.2. Yêu cầu của kế hoạch dạy học

1.3. Căn cứ lập kế hoạch dạy học

2. Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

2.1. Các bước lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học

2.2. Xây dựng mẫu kế hoạch dạy học mô-đun, môn học cụ thể

3. Thực hành: Lập kế hoạch dạy học mô-đun, môn học cụ thể trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp.

 

Bài 2: Thiết kế bài lý thuyết

Thời gian: 06 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, đặc điểm, các loại bài lý thuyết, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài lý thuyết.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy bài lý thuyết bao gồm giáo án, đề cương dạy học, học liệu, phương tiện, phiếu bài tập, công cụ đánh giá phù hợp tính chất nội dung, điều kiện thực hiện bài lý thuyết cho trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài lý thuyết đang được triển khai trong chương trình sơ cấp.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài lý thuyết

1.1. Khái niệm bài lý thuyết

1.2. Đặc điểm của bài lý thuyết

1.3. Các loại bài lý thuyết trong chương trình đào tạo

1.4. Nguyên tắc thiết kế bài lý thuyết

1.5. Cấu trúc giáo án bài lý thuyết

2. Quy trình thiết kế bài lý thuyết

2.1. Thiết kế mục tiêu bài học

2.2. Thiết kế nội dung bài học

2.3. Thiết kế các hoạt động dạy học

2.4. Thiết kế phương tiện dạy học

2.5. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.6. Thiết kế môi trường dạy học

3. Thực hành: Thiết kế bài lý thuyết theo hướng phát triển năng lực người học.

 

Bài 3: Thiết kế bài thực hành

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, loại bài thực hành, các giai đoạn hình thành kỹ năng, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài thực hành.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy bài thực hành bao gồm giáo án, đề cương dạy học, phiếu hướng dẫn thực hiện kỹ năng, phiếu luyện tập, phiếu đánh giá kỹ năng, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp tính chất nội dung bài thực hành trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài thực hành đang được triển khai trong chương trình sơ cấp.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài thực hành

1.1. Khái niệm bài thực hành

1.2. Phân loại bài thực hành trong chương trình đào tạo

1.3. Các giai đoạn hình thành kỹ năng và hoạt động dạy học thực hành

1.4. Nguyên tắc thiết kế bài thực hành

1.5. Cấu trúc giáo án bài thực hành

2. Quy trình thiết kế bài thực hành

2.1. Xác định tên bài học (tên kỹ năng)

2.2. Thiết kế mục tiêu bài học

2.3. Thiết kế nội dung bài học

2.4. Xây dựng "Bản hướng dẫn thực hiện" cho kỹ năng

2.5. Thiết kế các hoạt động dạy học

2.6. Thiết kế phương tiện dạy học

2.7. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.8. Thiết kế môi trường dạy học thực hành

3. Thực hành: Thiết kế bài thực hành theo hướng phát triển năng lực người học.

 

Bài 4: Thiết kế bài tích hợp

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được khái niệm, đặc trưng bài tích hợp, nguyên tắc, quy trình thiết kế và cấu trúc giáo án bài tích hợp.

- Kỹ năng: Thiết kế được hồ sơ dạy bài tích hợp bao gồm giáo án, đề cương dạy học đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành; phiếu hướng dẫn thực hiện kỹ năng, phiếu luyện tập; phiếu đánh giá kỹ năng, dự kiến vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành phù hợp tính chất nội dung bài tích hợp trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, tích cực tìm hiểu và thiết kế các giáo án bài tích hợp đang được triển khai trong chương trình sơ cấp.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về thiết kế bài tích hợp

1.1. Khái niệm bài tích hợp

1.2. Đặc trưng của bài tích hợp

1.3. Nguyên tắc thiết kế bài tích hợp

1.4. Cấu trúc giáo án bài tích hợp

2. Quy trình thiết kế bài tích hợp

2.1. Xác định tên bài học

2.2. Thiết kế mục tiêu bài học

2.3. Xác định năng lực thành tố trong bài học

2.4. Xây dựng lý thuyết liên quan

2.5. Thiết kế trình tự thực hiện hình thành kỹ năng

2.6. Thiết kế nhiệm vụ thực hành, luyện tập

2.7. Thiết kế phương tiện dạy học

2.8. Thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

2.9. Thiết kế môi trường dạy học tích hợp

3. Thực hành thiết kế bài tích hợp theo hướng phát triển năng lực người học.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu vật thật, hoặc hình ảnh mô phỏng thiết bị, dụng cụ, vật tư, không gian học tập; tài liệu phát tay, phiếu học tập, giấy A4.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc, quy trình thiết kế bài lý thuyết, thực hành, tích hợp và cấu trúc giáo án bài lý thuyết, thực hành và tích hợp.

- Kỹ năng: Thiết kế bài lý thuyết, thực hành và tích hợp theo hướng phát triển năng lực người học.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tính chủ động, tính trách nhiệm đối với thực hiện nhiệm vụ thiết kế, chuẩn bị cho dạy học; tiến độ thực hiện công việc, chất lượng của sản phẩm và mức độ an toàn.

5.2. Phương pháp: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch, trình diễn kỹ năng.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Dạy học lý thuyết, hướng dẫn người học nghiên cứu tài liệu, tổ chức thảo luận, hướng dẫn thiết kế dạy học. Giảng viên tổ chức cho người học thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghe giảng và tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài, nghiên cứu tài liệu, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Thiết kế bài học và chi tiết hóa nội dung dạy học được đề cập trong giáo án thành đề cương bài giảng, thiết kế học liệu cần thiết cho bài giảng.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lý luận dạy học hiện đại, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

[3] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018), Thông tư số 23/2018/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/12/2018 quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

[4] Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (2018), Phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo đại học.

[5] Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (2021), Sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong dạy học.

 

MÔ-ĐUN MĐ02

THỰC HIỆN DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 36 giờ (Lý thuyết: 06 giờ; Thực hành, thảo luận: 28 giờ; Thi, kiểm tra: 02 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và được thực hiện sau khi người học học xong mô-đun MĐ01.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực thực hiện dạy học trình độ sơ cấp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày những công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài lý thuyết, thực hành và tích hợp.

- Kỹ năng:

+ Thực hiện được bài dạy lý thuyết trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp bài lý thuyết, tuân thủ ý đồ sư phạm, trung thành bản kế hoạch dạy học đã thiết kế, tổ chức được tình huống, bài tập vận dụng lý thuyết trong thực tiễn nghề nghiệp, tiến hành đánh giá kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức của người học vào giải quyết bài tập, tình huống thực tiễn;

+ Thực hiện được bài dạy thực hành trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp bài của thực hành, tổ chức hợp lý hướng dẫn ban đầu, hướng dẫn thường xuyên, hướng dẫn kết thúc, đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người và môi trường. Tổ chức đánh giá sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập;

+ Thực hiện được bài dạy tích hợp trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp của bài tích hợp, tổ chức hợp lý cho người học nhận thức lý thuyết liên quan, tổ chức hợp lý cho người học vận dụng lý thuyết liên quan vào quá trình luyện tập kỹ năng gồm: Tổ chức hợp lý quá trình hướng dẫn thực hiện kỹ năng, tổ chức hợp lý cho người học luyện tập tích hợp, đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người và môi trường. Tổ chức đánh giá kiến thức, sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình dạy học, đảm bảo an toàn, phát huy tính tích cực của người học và chịu trách nhiệm về kết quả học tập của người học trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành, thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Dạy bài lý thuyết

08

02

06

 

2

Bài 2: Dạy bài thực hành

12

02

10

 

3

Bài 3: Dạy bài tích hợp

14

02

12

 

4

Thi, kiểm tra

02

 

 

02

 

Cộng

36

06

28

02

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Dạy bài lý thuyết

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài lý thuyết.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy lý thuyết trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp bài lý thuyết, tuân thủ ý đồ sư phạm, trung thành bản kế hoạch dạy học đã thiết kế, tổ chức được tình huống, bài tập vận dụng lý thuyết trong thực tiễn nghề nghiệp, tiến hành đánh giá kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức của người học vào giải quyết bài tập, tình huống thực tiễn.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình dạy học lý thuyết, phát huy tính tích cực nhận thức của người học.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài lý thuyết trong chương trình đào tạo nghề

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài lý thuyết

1.2. Các bước dạy bài lý thuyết

1.3. Thực hành dạy bài lý thuyết

2. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài lý thuyết

2.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài lý thuyết

2.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài lý thuyết.

 

Bài 2: Dạy bài thực hành

Thời gian: 12 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài thực hành.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy thực hành trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp bài của thực hành, tổ chức hợp lý hướng dẫn ban đầu, hướng dẫn thường xuyên, hướng dẫn kết thúc, đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người và môi trường. Tổ chức đánh giá sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình tổ chức hình thành kỹ năng của người học, phát huy tính tích cực của người học, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và môi trường.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài thực hành trong chương trình đào tạo nghề

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài thực hành

1.2. Các bước dạy bài thực hành

1.3. Thực hiện dạy bài thực hành

2. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài thực hành

2.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài thực hành

2.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài thực hành.

 

Bài 3: Dạy bài tích hợp

Thời gian: 14 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được công việc cần chuẩn bị và các bước dạy bài tích hợp.

- Kỹ năng: Thực hiện được bài dạy tích hợp trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trình độ sơ cấp đúng các bước lên lớp của bài tích hợp, tổ chức hợp lý cho người học nhận thức lý thuyết liên quan, tổ chức hợp lý cho người học vận dụng lý thuyết liên quan vào quá trình luyện tập kỹ năng gồm: Tổ chức hợp lý quá trình hướng dẫn thực hiện kỹ năng, tổ chức hợp lý cho người học luyện tập tích hợp, đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người và môi trường. Tổ chức đánh giá kiến thức, sự thực hiện kỹ năng của người học theo tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác lập.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Làm chủ quá trình tổ chức cho người học nhận thức và hình thành kỹ năng theo hướng phát huy tính tích cực của người học, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và môi trường.

* Nội dung:

1. Thực hiện dạy bài tích hợp trong chương trình đào tạo nghề

1.1. Những công việc chuẩn bị cho dạy bài tích hợp

1.2. Các bước dạy bài tích hợp

1.3. Thực hành dạy bài tích hợp

3. Đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài tích hợp

3.1. Thiết kế tiêu chí đánh giá dạy bài tích hợp

3.2. Thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng dạy bài tích hợp.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Giáo án và đề cương bài giảng dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp cho dạy học trình độ sơ cấp đã thiết kế hoàn chỉnh; các tranh, ảnh, bảng biểu treo tường, mẫu biểu về hồ sơ dạy học theo quy định, giáo trình thực hiện dạy học.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Một số chương trình và tài liệu dạy học ngành, nghề hiện hành thuộc trình độ sơ cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Những kiến thức cơ bản về dạy học lý thuyết, thực hành và tích hợp theo định hướng phát triển năng lực.

- Kỹ năng: Dạy học bài lý thuyết, thực hành và tích hợp theo hướng phát triển năng lực người học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt, đảm bảo an toàn trong quá trình tập giảng; năng lực tổ chức quá trình làm việc nhóm của người học.

5.2. Phương pháp: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng hình thức: Bài thực hành trình diễn kỹ năng.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, tổ chức cho người học làm việc nhóm, trình diễn kỹ năng giảng dạy.

- Người học: Tập trình giảng để hình thành năng lực dạy học trên cơ sở phối hợp tổng thể các kỹ năng dạy học và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong giờ dạy.

3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Tổ chức cho người học luyện tập để hình thành năng lực dạy học và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong giờ dạy thông qua việc thực hành giảng dạy.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lý luận dạy học hiện đại-cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, NXB ĐHSPHN, Hà Nội.

[2] Diệp Phương Chi (2020), Dạy học định hướng hành động - Cơ sở và áp dụng, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TPHCM.

[3] Nguyễn Đức Trí (2011), Giáo trình giáo dục học nghề nghiệp, NXBGD.

[4] Nguyễn Thế Mạnh và cộng sự (2014), Dạy học tích hợp trong đào tạo nghề, Trường Đại học SPKT Nam Định, Tài liệu tham khảo.

[5] https://gdnn.edu.vn/nghiep-vu-su-pham/lua-chon-phuong-phap-to-chuc-day-hoc-thuc-hanh-nghe-180.html.

 

MÔ-ĐUN MĐ03

ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC

Thời gian thực hiện: 16 giờ (Lý thuyết: 06 giờ; Thực hành, thảo luận: 09 giờ; Thi, kiểm tra: 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có nguyện vọng trở thành nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và được bố trí sau khi người học học xong mô-đun MĐ02.

- Tính chất: Là mô-đun bắt buộc, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp người học có năng lực thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học trình độ sơ cấp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày những vấn đề chung về đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp; quy trình thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá.

- Kỹ năng: Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá trong dạy học; xây dựng công cụ và triển khai thực hiện kiểm tra đánh giá kết quả học tập phù hợp mục đích đánh giá, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình, mô-đun, môn học, bài học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện lập kế hoạch đánh giá, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá; độc lập trong đánh giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá trong dạy học

07

04

03

 

2

Bài 2: Xây dựng công cụ và triển khai thực hiện kiểm tra đánh giá kết quả học tập

08

02

06

 

3

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

Cộng

16

06

09

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học

Thời gian: 07 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được mục đích, vai trò, nguyên tắc, hình thức, phương pháp và quy trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học; quan điểm kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển lực người học; quy trình lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học.

- Kỹ năng: Lập được kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra mô-đun, môn học, bài học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện theo nhóm hoặc làm việc độc lập để để lập được kế hoạch kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học.

* Nội dung:

1. Những vấn đề chung về kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.1. Khái niệm kiểm tra, đánh giá

1.2. Mục đích, chức năng, nguyên tắc kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.3. Hình thức, phương pháp, quy trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học

1.4. Kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực trong giáo dục nghề nghiệp

1.5. Các quan điểm và văn bản hiện hành về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp

2. Quy trình lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trong dạy học

2.1. Xác định các năng lực cần đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

2.2. Xác định nội dung đánh giá phù hợp

2.3. Xác định hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá tương ứng

2.4. Xác định công cụ kiểm tra, đánh giá hợp lý

2.5. Xác định thời điểm kiểm tra, đánh giá phù hợp

3. Thực hành: Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá mô-đun, môn học, bài học trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp hiện hành.

 

Bài 2: Thiết kế công cụ và triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá trong dạy học

Thời gian: 08 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được quy trình và kỹ thuật thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá trong dạy học.

- Kỹ năng:

+ Thiết kế được công cụ kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng phù hợp với mục tiêu, chính sách đánh giá của mô-đun, môn học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phù hợp với đối tượng người học trình độ sơ cấp;

+ Thực hiện được kiểm tra, đánh giá trên đối tượng giả định hoặc đối tượng thật trong dạy học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tự chủ thực hiện thiết kế công cụ và tổ chức quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

* Nội dung:

1. Quy trình và kỹ thuật thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá trong dạy học

1.1. Thiết kế bài kiểm tra nói và phương pháp đánh giá

1.2. Thiết kế bài kiểm tra viết và phương pháp đánh giá

1.3. Thiết kế bài kiểm tra thực hành và phương pháp đánh giá

2. Triển khai thực hiện kiểm tra đánh giá trong dạy học

2.1. Tổ chức kiểm tra đánh giá thông qua các công cụ đã thiết kế

2.2. Triển khai theo tiến trình thuận lợi, đúng quy chế

3. Thực hành: Thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá cho môn đun, môn học, bài học trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp hiện hành.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Tài liệu kiểm tra, đánh giá trong dạy học, giấy A4.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Yêu cầu đối với lập kế hoạch đánh giá, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá.

- Kỹ năng: Lập kế hoạch, xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu mô-đun, bài học; thực hiện đánh giá kết quả học tập của người học đảm bảo đúng quy định.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động trong việc lập kế hoạch và tổ chức xây dựng bài kiểm tra, đánh giá trong dạy học; mức độ thể hiện trách nhiệm về tính chính xác, công bằng, khách quan, đúng quy chế đối với kết quả đánh giá.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận, hướng dẫn nghiên cứu trường hợp, học tập dựa vào trải nghiệm, dựa vào dự án, dạy học theo nhóm, sử dụng mô hình dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc hỗn hợp (Blended learning); tổ chức cho người học thực hành kỹ năng đánh giá, quản lý hồ sơ dạy học trong bối cảnh thực hoặc thông qua quan sát các video do giảng viên chuẩn bị.

- Người học: Nghiên cứu tài liệu được cung cấp hoặc nguồn dữ liệu internet, thảo luận, trao đổi, phản biện, làm bài tập, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm, làm việc độc lập, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần lưu ý: Xây dựng kế hoạch và công cụ kiểm tra, đánh giá năng lực người học theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 09/2017/BLĐ-TBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

[2] Hoàng Hòa Bình (2015), Năng lực và đánh giá theo năng lực, Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Công Khanh (Chủ biên), Đào Thị Oanh (2019), Kiểm tra đánh giá trong giáo dục, NXB Đại học Sư phạm.

[4] Sái Công Hồng, Lê Thái Hưng, Lê Thị Hoàng Hà, Lê Đức Ngọc (2017), Giáo trình kiểm tra đánh giá trong dạy học, NXB ĐHQG Hà Nội.

[5] Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), Trần Khánh Đức, Hà Thế Truyền (2010), Đánh giá trong giáo dục đại học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

MÔ-ĐUN MĐ04

THỰC TẬP SƯ PHẠM

Thời gian thực hiện: 16 giờ (Lý thuyết: 02 giờ; Thực hành, thảo luận: 14 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và được thực hiện sau các mô-đun bắt buộc.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giúp người học có năng lực thực hiện phối hợp các nhiệm vụ cơ bản của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong một quỹ thời gian xác định.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Học xong mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nhiệm vụ cơ bản của người tham gia thực tập sư phạm.

- Kỹ năng:

+ Lập được kế hoạch giảng dạy và giáo dục tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp đúng theo quy chế;

+ Thực hiện đầy đủ số giờ lên lớp cho mỗi loại bài học: Lý thuyết, thực hành, tích hợp tại cơ sở thực tập cho trình độ sơ cấp đúng theo quy chế.

+ Thực hiện đầy đủ số giờ tham gia công tác giáo dục cho lớp học trình độ sơ cấp được phân công theo kế hoạch đã được xác lập đúng theo quy chế;

+ Hoàn thành nhật ký thực tập theo quy định đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy chế thực tập của cơ sở đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ thực tập sư phạm theo đúng kế hoạch, sáng tạo và an toàn.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành, thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Thực tập tổ chức hoạt động giáo dục

02

01

01

 

2

Bài 2: Thực tập giảng dạy

14

01

13

 

Cộng

16

02

14

 

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Thực tập tổ chức hoạt động giáo dục

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được những nội dung cơ bản đối với nhiệm vụ tìm hiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia thực tập sư phạm.

- Kỹ năng: Thiết kế và tổ chức được hoạt động giáo dục cho người học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động thực hiện nhiệm vụ tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh học trình độ sơ cấp theo kế hoạch, đảm bảo tính giáo dục và an toàn.

* Nội dung:

1. Tìm hiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1.1. Tìm hiểu về truyền thống và chiến lược phát triển của trung tâm

1.2. Tìm hiểu về công tác giáo viên chủ nhiệm

2. Thiết kế, tổ chức và đánh giá hoạt động giáo dục

2.1. Thiết kế hoạt động giáo dục

2.2. Tổ chức và đánh giá hoạt động giáo dục.

 

Bài 2: Thực tập giảng dạy

Thời gian: 14 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích được logic sư phạm đã thiết kế trong giáo án và tiêu chí đánh giá giờ dạy lý thuyết, thực hành, tích hợp.

- Kỹ năng: Dạy được giáo án lý thuyết, thực hành, tích hợp; phát hiện được những ưu điểm và tồn tại đối với giờ dạy được quan sát.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Tổ chức và làm chủ được hoạt động dạy học trong quá trình giảng dạy giáo án lý thuyết, thực hành, tích hợp; chủ động đóng góp ý kiến mang tính xây dựng đối với giờ dạy được quan sát.

* Nội dung:

1. Thực tập giảng dạy giáo án lý thuyết

1.1. Trình giảng

1.2. Nhận xét, góp ý bài giảng

2. Thực tập giảng dạy giáo án thực hành

2.1. Trình giảng

2.2. Nhận xét, góp ý bài giảng

3. Thực tập giảng dạy giáo án tích hợp

3.1. Trình giảng

3.2. Nhận xét, góp ý bài giảng.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn: Phòng dạy học lý thuyết, thực hành, tích hợp.

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy tính và các thiết bị ngoại vi; các thiết bị đặc trưng của nghề đào tạo trình độ sơ cấp.

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Các mẫu biểu về hồ sơ giảng dạy, kế hoạch chủ nhiệm lớp; các dụng cụ, vật liệu cần thiết để giảng dạy những nghề cụ thể trình độ sơ cấp được giao.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Đường truyền Internet, các nền tảng công nghệ phục vụ cho thiết kế học liệu số, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của người học (đối với dạy học sử dụng ứng dụng Video Call, ứng dụng LMS dạy học trực tuyến).

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Những nhiệm vụ cơ bản của người tham gia thực tập sư phạm.

- Kỹ năng: Thực hiện hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục người học nghề trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, sáng tạo và kết quả đạt được của người học khi thực tập sư phạm.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả thực tập sư phạm của người học là điểm trung bình cộng của các điểm thành phần về thực tập giáo dục, thực tập giảng dạy. Thực tập giảng dạy của người học được giảng viên hướng dẫn dự giờ và đánh giá điểm. Thực tập giáo dục của người học được giảng viên hướng dẫn quan sát trực tiếp và đánh giá điểm hoặc giảng viên hướng dẫn giao cho người học viết thu hoạch và chấm điểm bài thu hoạch. Không bố trí giờ thi, kiểm tra riêng như những mô-đun khác.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Do đặc thù của thực tập sư phạm, giảng viên không nên hướng dẫn người học thực hiện xong nhiệm vụ học tập thuộc bài học 01 rồi mới thực hiện sang bài học 02; nên hướng dẫn người học thực hiện đan xen, linh hoạt các nhiệm vụ thực tập sư phạm trong suốt tiến trình thực tập sư phạm. Mỗi bài học đều bố trí 01 giờ học lý thuyết để giảng viên bố trí hướng dẫn tập trung cả đoàn thực tập sư phạm trước khi từng cá nhân thực hiện nhiệm vụ của họ. Trước khi kết thúc bài học 02, giảng viên hướng dẫn nên bố trí thời lượng phù hợp để tổng kết, rút kinh nghiệm chung cho tất cả người học tham gia thực tập sư phạm.

- Người học: Thực tập sư phạm là quá trình giúp người học nghiệp vụ sư phạm kết hợp các năng lực sư phạm được hình thành trước đó để hình thành năng lực thực hiện đan xen, linh hoạt, sáng tạo những nhiệm vụ cơ bản của nhà giáo dạy ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp, do đó người học phải sử dụng tối ưu thời lượng 16 giờ và thời gian tự học để hoàn thành các nhiệm vụ học tập đúng tiến độ, đạt kết quả.

6.3. Những trọng tâm của chương trình cần lưu ý: Các hoạt động trải nghiệm về giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015), Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.

[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015), Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 quy định về đào tạo thường xuyên.

[3] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

[4] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

[5] Chính phủ (2016), Khung trình độ quốc gia, Ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016.

[6] Nguyễn Thế Mạnh, Phạm Ngọc Uyển, Nguyễn Văn Hùng (2010), Thực tập sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

 

MÔ-ĐUN MĐ05

CƠ SỞ CHUNG CỦA GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thời gian thực hiện: 16 giờ (Lý thuyết: 09 giờ; Thực hành, thảo luận: 06 giờ; Thi, kiểm tra: 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, thực hiện đầu tiên trong chương trình nếu được chọn.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn, thuộc khối kiến thức cơ bản nền tảng của sư phạm nghề nghiệp.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được các kiến thức khái quát về giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng được các mô hình và phương thức giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế và thực hiện dạy học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng kiến thức liên quan tới cơ sở chung của giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế, thực hiện dạy học và giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian:

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ Kiểm tra

1

Bài 1: Khái quát về giáo dục nghề nghiệp

04

03

01

 

2

Bài 2: Cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp

11

06

05

 

3

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

 

Cộng

16

09

06

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Khái quát về giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được mục tiêu và đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp; các mô hình và phương thức đào tạo nghề; hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và cơ sở pháp lý về hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

- Kỹ năng: Áp dụng được mô hình và phương thức đào tạo nghề vào thiết kế và tổ chức dạy học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động áp dụng các mô hình và phương thức đào tạo nghề vào thiết kế và thực hiện dạy học trình độ cơ cấp.

* Nội dung:

1. Khái niệm nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp

1.1. Nghề nghiệp

1.2. Giáo dục nghề nghiệp

2. Mục tiêu và đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp

2.1. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp

2.2. Đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp

3. Các mô hình và phương thức đào tạo nghề

3.1. Các mô hình đào tạo nghề

3.2. Các phương thức đào tạo nghề

4. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

4.1. Cơ sở pháp lý của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

4.2. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

5. Thực hành, thảo luận

5.1. Các mô hình và phương thức đào tạo nghề.

5.2. Cơ sở pháp lý của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

 

Bài 2: Cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 11 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - hoc trong giáo dục nghề nghiệp; bản chất, nhiệm vụ, các thành tố và logic của quá trình dạy - học nghề; các nguyên tắc, phương pháp và hình thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng được các cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học; nguyên tắc, phương pháp, hình thức dạy học nghề vào thiết kế và thực hiện dạy học trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có khả năng thực hiện động lập hoặc theo nhóm việc áp dụng kiến thức của cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế và thực hiện dạy học trình độ sơ cấp.

* Nội dung:

1. Cơ sở tâm lý của hoạt động học

1.1. Sự phát triển tâm lý của người học trong giáo dục nghề nghiệp

1.2. Bản chất tâm lý của học tập

1.3. Mô hình học tập của người học trong giáo dục nghề nghiệp

2. Cơ sở tâm lý của hoạt động dạy

2.1. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp

2.2. Cơ sở tâm lý của dạy lý thuyết, thực hành và tích hợp

3. Quá trình dạy - học nghề

3.1. Bản chất và lôgic của quá trình dạy - học nghề

3.2. Nguyên tắc, phương pháp, hình thức dạy - học nghề

4. Quá trình giáo dục nghề nghiệp

4.1. Bản chất, đặc điểm, nguyên tắc của quá trình giáo dục nghề nghiệp

4.2. Phương pháp, hình thức giáo dục người học

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Sự phát triển tâm lý của người học trong giáo dục nghề nghiệp

4.2. Mô hình học tập của người học trong giáo dục nghề nghiệp

4.3. Nguyên tắc, phương pháp, hình thức dạy - học nghề

4.4. Nguyên tắc, con đường giáo dục người học trong giáo dục nghề nghiệp.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Đề cương chi tiết, tài liệu giảng dạy mô-đun.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Khái quát về giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng các mô hình và phương thức đào tạo nghề, cơ sở tâm lý - giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế, thực hiện dạy học và giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, linh hoạt áp dụng kiến thức liên quan tới cơ sở chung của giáo dục nghề nghiệp vào thiết kế, thực hiện dạy học và giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng chương trình: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn một số điểm chính về phương pháp giảng dạy mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận theo nhóm, nghiên cứu trường hợp, học tập khám phá, học tập giải quyết vấn đề theo phương thức học trực tiếp, học trực tuyến hoặc học kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành kết hợp với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Làm bài tập, nghiên cứu tài liệu học tập, thảo luận, trao đổi, thuyết trình,...

6.3. Những trọng tâm chương trình cần chú ý

- Mô hình và phương thức đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

- Cơ sở tâm lý của hoạt động dạy - học trong giáo dục nghề nghiệp.

- Quá trình dạy - học nghề.

- Quá trình giáo dục nghề nghiệp.

7. TÀI LIỆU CẦN THAM KHẢO

[1] Diệp Phương Chi (2020), Dạy học định hướng hành động- Cơ sở và áp dụng, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TPHCM.

[2] Dương Thị Kim Oanh (2013), Giáo trình Tâm lý học nghề nghiệp, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Đức Trí, Hồ Ngọc Vinh (2013), Phương pháp dạy học trong đào tạo nghề, NXB Giáo dục Việt Nam.

[4] Nguyễn Đức Trí (Chủ biên) và cộng sự (2016), Giáo trình Giáo dục học nghề nghiệp, NXB Giáo dục.

[5] Phan Thị Hồng Vinh, Trần Thị Tuyết Oanh, Từ Đức Văn, Vũ Lệ Hoa, Nguyễn Thị Tình, Trịnh Thúy Giang, Nguyễn Thị Thanh Hồng (2018), Giáo trình Giáo dục học (Tập 1), NXB Đại học Sư phạm.

 

MÔ-ĐUN MĐ06

PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP

Thời gian thực hiện: 16 giờ (Lý thuyết 05 giờ; Thực hành, thảo luận 10 giờ; Thi, kiểm tra 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, thực hiện trước MĐ01 nếu được chọn.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn, mang tính tích hợp, giúp cho người học có năng lực xây dựng mới hoặc cập nhật chương trình đào tạo.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và nội dung cơ bản về thiết kế chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp.

- Kỹ năng: Thực hiện nhiệm vụ phân tích nghề, xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch thiết kế chương trình đào tạo đối với một ngành, nghề trình độ sơ cấp đáp ứng nhu cầu của thế giới nghề nghiệp.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

05

01

04

 

2

Bài 3: Thiết kế chương trình đào tạo

10

04

06

 

3

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

Cộng

16

05

10

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

Thời gian: 05 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được các phương pháp, công cụ thu thập thông tin và phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp; phân tích được nội dung các bước của quy trình phát triển chương trình đào tạo.

- Kỹ năng: Thiết kế được công cụ thu thập thông tin và phân tích được nhu cầu của các bên liên quan vị trí việc làm của nghề cần đào tạo trình độ sơ cấp; lập được bảng phân tích nghề đào tạo trình độ sơ cấp (Bảng phân tích chức năng nhiệm vụ của nghề; Phiếu phân tích công việc; Bảng các năng lực cần đào tạo của nghề đào tạo trình độ sơ cấp).

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng yêu cầu thiết kế công cụ thu thập thông tin về nhu cầu của các bên liên quan; phân tích nghề, phân tích công việc theo ngành, nghề được giao.

* Nội dung:

1. Phân tích nhu cầu của thế giới nghề nghiệp

1.1. Mục đích, ý nghĩa của việc phân tích nhu cầu thế giới nghề nghiệp

1.2. Phương pháp, công cụ thu thập thông tin và phân tích nhu cầu của các bên liên quan đến nghề cần đào tạo

2. Các bước phân tích nghề

2.1. Xây dựng bảng phân tích nhiệm vụ, công việc

2.2. Xây dựng phiếu phân tích công việc

2.3. Xác định các năng lực cần đào tạo cho nghề đào tạo trình độ sơ cấp

3. Thực hành: Thiết kế công cụ thu thập thông tin về nhu cầu của thế giới nghề nghiệp; phân tích nghề, phân tích công việc theo ngành, nghề đang đào tạo ở trình độ sơ cấp.

 

Bài 2: Thiết kế chương trình đào tạo

Thời gian: 10 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Giải thích được cấu trúc chương trình đào tạo trình độ sơ cấp.

- Kỹ năng: Xác định được mục tiêu, chuẩn đầu ra và thiết kế được khung chương trình đào tạo của một ngành, nghề theo quy định hiện hành.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thực hiện đúng kế hoạch thiết kế chương trình đào tạo của ngành, nghề được giao.

* Nội dung:

1. Thiết kế mục tiêu chương trình đào tạo trình độ sơ cấp đáp ứng chuẩn đầu ra

2. Xác định đối tượng đào tạo cho chương trình đào tạo trình độ sơ cấp

3. Xác định thời gian và đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo

4. Xây dựng danh mục mô-đun, môn học và phân bổ thời gian

5. Xây dựng chương trình chi tiết các mô-đun, môn học

6. Hướng dẫn thực hiện chương trình

7. Thực hành: Thiết kế mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; thiết kế cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo ngành, nghề trình độ sơ cấp; xác định điều kiện nguồn lực và hướng dẫn thực hiện chương trình.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Tài liệu phát triển chương trình đào tạo, giấy A4; chương trình và tài liệu dạy học một số ngành, nghề trình độ sơ cấp.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Những nội dung lý thuyết về nhu cầu của thế giới nghề nghiệp và nội dung cơ bản về thiết kế chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp.

- Kỹ năng: Phân tích nghề, xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ thực hiện đúng kế hoạch thiết kế chương trình đào tạo đối với một ngành, nghề trình độ sơ cấp đáp ứng nhu cầu của thế giới nghề nghiệp.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng mô-đun: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập mô-đun

- Giảng viên: Xây dựng các bài tập cụ thể gắn với những công việc của phát triển chương trình đào tạo trình độ sơ cấp; dạy học lý thuyết, hướng dẫn người học nghiên cứu tài liệu, tổ chức thảo luận, hướng dẫn thiết kế chương trình; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành đan xen với tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Nghe giảng và tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài, nghiên cứu tài liệu, trải nghiệm thông qua tham gia làm việc nhóm hoặc làm việc độc lập đối với từng công việc cụ thể trong phát triển chương trình, báo cáo sản phẩm.

6.3. Những trọng tâm chương trình cần lưu ý: Xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức lựa chọn, biên soạn, thẩm định giáo trình giảng dạy trình độ trung cấp, cao đẳng.

[2] Chính phủ, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016.

[3] Nguyễn Đức Chính (chủ biên), Vũ Lan Hương (2015), Phát triển chương trình giáo dục, NXBGD Việt Nam.

[4] Nguyễn Vũ Bích Hiền (chủ biên), Nguyễn Thị Thu Hằng (2016). Phát Triển Và Quản Lý Chương Trình Giáo Dục. NXB Đại học sư phạm

[5] Robert E. Norton (1997), DACUM Handbook, State University Columbus, Ohio.

 

MÔ-ĐUN MĐ07

GIAO TIẾP SƯ PHẠM

Thời gian thực hiện: 16 giờ (Lý thuyết: 03 giờ; Thực hành, thảo luận: 12 giờ; Thi/ kiểm tra: 01 giờ)

1. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA MÔ-ĐUN

- Vị trí: Là mô-đun trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình sơ cấp và được thực hiện sau khi học xong các mô-đun bắt buộc trong chương trình.

- Tính chất: Là mô-đun tự chọn, giúp hình thành năng lực giao tiếp cho nhà giáo trong môi trường sư phạm.

2. MỤC TIÊU MÔ-ĐUN

Hoàn thành mô-đun này, người học có khả năng:

- Kiến thức:

+ Trình bày vai trò, nguyên tắc và các giai đoạn trong quá trình giao tiếp sư phạm; những kỹ năng giao tiếp sư phạm cần có của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

+ Phân tích các tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Kỹ năng:

+ Vận dụng các kỹ năng giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống giao tiếp sư phạm.

+ Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

3. NỘI DUNG MÔ-ĐUN

3.1. Nội dung tổng quát và phân bổ thời gian

TT

Tên các bài trong mô-đun

Thời gian (giờ)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành/ Thảo luận

Thi/ kiểm tra

1

Bài 1: Những vấn đề chung về giao tiếp sư phạm

02

01

01

 

2

Bài 2: Kỹ năng giao tiếp sư phạm

04

01

03

 

3

Bài 3: Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm

09

01

08

 

4

Thi, kiểm tra

01

 

 

01

Cộng

16

03

12

01

3.2. Nội dung chi tiết của mô-đun

Bài 1: Những vấn đề chung về giao tiếp sư phạm

Thời gian: 02 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Vận dụng được các nguyên tắc giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các nguyên tắc giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Khái niệm giao tiếp sư phạm

2. Vai trò, nguyên tắc giao tiếp sư phạm

2.1. Vai trò của giao tiếp sư phạm

2.2. Nguyên tắc giao tiếp sư phạm

3. Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm

3.1. Giai đoạn mở đầu

3.2. Giai đoạn diễn biến

3.3. Giai đoạn kết thúc

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Nguyên tắc giao tiếp sư phạm

4.2. Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm.

 

Bài 2: Kỹ năng giao tiếp sư phạm

Thời gian: 04 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Trình bày được đặc điểm và cách thức thực hiện các kỹ năng giao tiếp sư phạm.

- Kỹ năng: Vận dụng được các kỹ năng giao tiếp sư phạm trong xử lý các tình huống tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Chủ động, linh hoạt áp dụng các kỹ năng giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Kỹ năng nhận thức trong giao tiếp sư phạm

1.1. Nhận biết trạng thái cảm xúc

1.2. Nhận biết ý định, thái độ

2. Nhóm kỹ năng làm chủ bản thân trong giao tiếp sư phạm

2.1. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và ứng phó với căng thẳng

2.2. Kỹ năng tự nhận thức

2.3. Kỹ năng xác định giá trị

3. Nhóm kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp sư phạm

3.1. Kỹ năng sử dụng các phương tiện giao tiếp

3.2. Kỹ năng đưa và nhận thông tin phản hồi

4. Thực hành, thảo luận

4.1. Nhận biết trạng thái cảm xúc, ý định, thái độ

4.2. Nhóm kỹ năng làm chủ bản thân trong giao tiếp sư phạm

4.3. Nhóm kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp sư phạm.

 

Bài 3: Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm

Thời gian: 09 giờ

* Mục tiêu:

Hoàn thành bài học này, người học có khả năng:

- Kiến thức: Xác định được đặc điểm các tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Kỹ năng: Giải quyết được tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Thể hiện khả năng độc lập, tự chủ và hợp tác trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

* Nội dung:

1. Tình huống giao tiếp sư phạm thường gặp

1.1. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - học sinh; học sinh - học sinh

1.2. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - giáo viên; phòng ban trong nhà trường và doanh nghiệp

1.3. Tình huống giao tiếp sư phạm giữa giáo viên - phụ huynh học sinh

2. Giải quyết các tình huống sư phạm thường gặp

3. Thực hành, thảo luận

3.1. Tình huống giao tiếp sư phạm

3.2. Cách giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

4. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

4.1. Phòng học chuyên môn hóa: Phòng học bố trí đầy đủ ánh sáng, không gian tổ chức các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, trình diễn,...

4.2. Trang thiết bị máy móc: Máy vi tính, Internet, máy in, projector,...

4.3. Học liệu, dụng cụ, vật liệu: Đề cương chi tiết, tài liệu giảng dạy mô-đun.

4.4. Nguồn lực khác: Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

5.1. Nội dung

- Kiến thức: Vai trò, nguyên tắc và các giai đoạn trong quá trình giao tiếp sư phạm; những kỹ năng giao tiếp sư phạm cần có của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

- Kỹ năng: Áp dụng các nguyên tắc, kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Mức độ chủ động, linh hoạt áp dụng các kiến thức nền tảng về giao tiếp sư phạm vào giải quyết các tình huống giao tiếp sư phạm.

5.2. Phương pháp đánh giá: Kết quả học tập được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra kết thúc mô-đun bằng một trong các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch, thực hành.

6. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MÔ-ĐUN

6.1. Phạm vi áp dụng chương trình: Mô-đun này được áp dụng đối với những người học có nhu cầu lựa chọn khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

6.2. Hướng dẫn một số điểm chính về phương pháp giảng dạy mô-đun

- Giảng viên: Thiết kế các hoạt động thảo luận theo nhóm, nghiên cứu trường hợp, học tập khám phá, học tập theo dự án, học tập giải quyết vấn đề theo phương thức học trực diện, học kết hợp, học trực tuyến, học kết hợp trực diện với trực tuyến. Tổ chức cho người học làm bài tập, thảo luận, thực hành kết hợp vớ i tiến trình dạy học lý thuyết.

- Người học: Làm bài tập, nghiên cứu tài liệu học tập, thảo luận, trao đổi, thuyết trình, giải quyết vấn đề, thực hiện dự án học tập, phản biện, đánh giá,...

6.3. Những trọng tâm chương trình cần chú ý

- Nguyên tắc giao tiếp sư phạm.

- Các giai đoạn của quá trình giao tiếp sư phạm.

- Các kỹ năng giao tiếp sư phạm.

- Giải quyết tình huống giao tiếp sư phạm.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Võ Văn Nam, Võ Thị Tường Vy, Mai Thị Hạnh (2017), Giao tiếp sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

[2] Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Nguyễn Thị Tứ, Bùi Hồng Quân, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (2016), Giáo trình Tâm lý học giao tiếp, NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

[3] Quang Lâm (2019), Nghệ thuật giao tiếp ứng xử sư phạm, NXB Dân trí.

VI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ

1.1. Tuyển sinh

- Căn cứ vào quy định hiện hành về chuẩn nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.

- Người học được đăng ký bồi dưỡng theo nguyện vọng và được xét miễn, giảm mô-đun, thời lượng học tập của chương trình khi học liên thông các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng dạy học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Căn cứ năng lực đầu vào của người học, thời lượng, nội dung mô-đun, học phần của các chương trình bồi dưỡng mà người học đã được cấp chứng chỉ, cơ sở tổ chức bồi dưỡng xét miễn giảm, công nhận, chuyển đổi điểm và tổ chức dạy học bổ sung các nội dung còn thiếu để đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình.

1.2. Tổ chức bồi dưỡng

- Chương trình có thể tổ chức giảng dạy theo một trong các hình thức: trực tiếp; trực tuyến; trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

- Điều kiện dạy học trực tuyến 100% chương trình: Cơ sở tổ chức bồi dưỡng phải xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến của chương trình; có hệ thống quản lý dạy học trực tuyến (LMS); có hạ tầng mạng truyền thông đáp ứng yêu cầu đào tạo.

- Cơ sở tổ chức bồi dưỡng lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với nội dung cụ thể và đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình.

1.3. Đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ

- Tổ chức đánh giá kết quả mô-đun: Học viên được tham dự đánh giá mô-đun khi thực hiện ít nhất 80% số giờ đào tạo và hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mô- đun quy định. Kết thúc mỗi mô-đun, học viên được đánh giá thông qua bài thi, kiểm tra viết tự luận/tiểu luận/bài thu hoạch, vấn đáp hoặc thực hành (trình diễn kỹ năng). Bài thi, kiểm tra được chấm theo thang điểm 10. Học viên không đạt kết quả mô-đun nào (điểm < 5,0) sẽ phải thi lại mô-đun đó. Hình thức, nội dung thi kết thúc từng mô- đun được xác định phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nội dung cụ thể của mô-đun.

- Điểm trung bình chung của khóa học được tính bằng trung bình cộng của các điểm mô-đun có trong chương trình bồi dưỡng đã đạt yêu cầu (đạt điểm từ 5,0 trở lên).

- Điều kiện cấp chứng chỉ: Học viên phải có tất cả các bài thi kết thúc mô-đun đạt từ 5 điểm trở lên sẽ được cấp “Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp”. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên mô-đun, điểm số mà học viên đã hoàn thành.

- Kết quả xếp loại ghi trong Chứng chỉ thực hiện theo quy định sau:

Loại xuất sắc: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 9,0 đến 10.

Loại giỏi: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 8,0 đến dưới 9,0.

Loại khá: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 7,0 đến dưới 8,0.

Loại trung bình: Điểm trung bình chung của khóa học đạt từ 5,0 đến dưới 7,0.

1.4. Hướng dẫn về đào tạo liên thông từ chương trình bồi dưỡng kỹ năng dạy học: Căn cứ vào thời lượng, nội dung mô-đun, học phần trong chương trình mà người học đã được cấp chứng chỉ để xét miễn giảm và công nhận điểm cho phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

2. Yêu cầu đối với cơ sở tổ chức thực hiện chương trình

- Cơ sở tổ chức bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình chi tiết, tài liệu theo quy định tại chương trình này và quy định hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

- Tài liệu: Cơ sở tổ chức bồi dưỡng căn cứ vào chương trình này để tổ chức biên soạn, thẩm định, ban hành hoặc lựa chọn tài liệu để tổ chức giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế và hình thức tổ chức bồi dưỡng./.

 


PHỤ LỤC III

MẪU CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
(Kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)


CÁCH GHI NỘI DUNG TRÊN CHỨNG CHỈ, BẢN SAO CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP

(1) Ghi chức danh của người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm “HIỆU TRƯỞNG/VIỆN TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC”; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(2) Ghi tên cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(3) Ghi họ và tên người được cấp chứng chỉ theo Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Giấy khai sinh; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(4) Ghi ngày, tháng, năm sinh theo Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Giấy khai sinh; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(5) Ghi ngày, tháng, năm bắt đầu đến ngày, tháng, năm kết thúc khóa bồi dưỡng; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(6) Ghi Xuất sắc, Giỏi, Khá hoặc Trung bình; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(7) Ghi số Quyết định tốt nghiệp (bao gồm cả phần số và phần chữ); chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(8) Ghi ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(9) Ghi địa danh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ đặt trụ sở và ngày, tháng, năm cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(10) Ghi chức danh của người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng “HIỆU TRƯỞNG/VIỆN TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC”; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu theo quy định.

(11) Ghi tên cơ quan chủ quản của cơ sở bồi dưỡng; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng.

(12) Ghi tên cơ sở bồi dưỡng; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(13) Ghi số hiệu chứng chỉ do cơ sở bồi dưỡng cấp; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(14) Ghi số vào sổ cấp chứng chỉ do cơ sở bồi dưỡng ghi vào sổ cấp chứng chỉ khi cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(15) Ghi ngày vào sổ cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

Lưu ý chung về cách ghi ngày, tháng, năm: Nếu từ ngày 1 đến ngày 9 và tháng là tháng 1, tháng 2 thì ghi thêm số 0 phía trước; ghi năm đầy đủ 4 chữ số (Ví dụ: 05/01/1985).

 


PHỤ LỤC IV

MẪU CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
(Kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)


CÁCH GHI NỘI DUNG TRÊN CHỨNG CHỈ, BẢN SAO CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP

(1) Ghi chức danh của người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm “HIỆU TRƯỞNG/VIỆN TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC”; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(2) Ghi tên cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(3) Ghi họ và tên người được cấp chứng chỉ theo Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Giấy khai sinh; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(4) Ghi ngày, tháng, năm sinh theo Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Giấy khai sinh; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(5) Ghi ngày, tháng, năm bắt đầu đến ngày, tháng, năm kết thúc khóa bồi dưỡng; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(6) Ghi Xuất sắc, Giỏi, Khá hoặc Trung bình; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(7) Ghi số Quyết định tốt nghiệp (bao gồm cả phần số và phần chữ); chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(8) Ghi ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(9) Ghi địa danh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ đặt trụ sở và ngày, tháng, năm cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(10) Ghi chức danh của người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng “HIỆU TRƯỞNG/VIỆN TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC”; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu theo quy định.

(11) Ghi tên cơ quan chủ quản của cơ sở bồi dưỡng; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng.

(12) Ghi tên cơ sở bồi dưỡng; chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.

(13) Ghi số hiệu chứng chỉ do cơ sở bồi dưỡng cấp; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(14) Ghi số vào sổ cấp chứng chỉ do cơ sở bồi dưỡng ghi vào sổ cấp chứng chỉ khi cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

(15) Ghi ngày vào sổ cấp chứng chỉ; chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.

Lưu ý chung về cách ghi ngày, tháng, năm: Nếu từ ngày 1 đến ngày 9 và tháng là tháng 1, tháng 2 thì ghi thêm số 0 phía trước; ghi năm đầy đủ 4 chữ số (Ví dụ: 05/01/1985).

 


PHỤ LỤC V

MẪU BẢN SAO CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
(Kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

PHỤ LỤC VI

MẪU BẢN SAO CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
(Kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

THE MINISTRY OF LABOR, WAR INVALIDS AND SOCIAL AFFAIRS
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------------

No. 06/2022/TT-BLDTBXH

Hanoi, April 6, 2022

 

CIRCULAR

ON PEDAGOGICAL RETRAINING PROGRAMS FOR VOCATIONAL TEACHERS AND VOCATIONAL PEDAGOGICAL CERTIFICATES

Pursuant to the Law on Vocational Education dated November 27, 2014;

Pursuant to the Government's Decree No. 115/2020/ND-CP dated September 25, 2020 on recruitment, employment and management of public employees;

Pursuant to the Government's Decree No. 15/2019/ND CP dated February 1, 2019 on elaboration of the Law on Vocational Education;

Pursuant to the Government’s Decree No. 14/2017/ND-CP dated February 17, 2017 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs;

At the proposal of the Director of the General Department of Vocational Education;

The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs promulgates a Circular on pedagogical retraining programs for vocational teachers and vocational pedagogical certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular set forth the pedagogical retraining programs for teachers at college, intermediate and elementary levels; certificate template, certificate copy template; printing and managing blank certificate templates; issuing, modifying, withdrawing and canceling pedagogical certificates at college, intermediate and elementary levels.

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to institutions providing pedagogical retraining programs for vocational teachers (hereinafter referred to as pedagogical institutions); learners of pedagogical training programs at college, intermediate and elementary levels (hereinafter referred to as trainees) and other relevant organizations and individuals.

CHAPTER II

PEDAGOGICAL RETRAINING PROGRAMS FOR TEACHERS AT COLLEGE, INTERMEDIATE AND ELEMENTARY LEVELS

Article 3. Pedagogical retraining program for teachers at college and intermediate levels

1. Contents of the pedagogical retraining program for teachers at college and intermediate levels prescribed in this Circular: Objectives, eligible entities, program duration and time unit, list of modules and program schedule, program of modules and instructions (See Appendix I for details).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Pedagogical retraining program for teachers at elementary level

1. Contents of the pedagogical retraining program for teachers at elementary levels prescribed in this Circular: Objectives, eligible entities, program duration and time unit, list of modules and program schedule, program of modules and instructions (See Appendix II for details).

2. Based on the annual plan for pedagogical training and retraining, the pedagogical institution shall offer retraining courses according to the program specified in Clause 1 of this Article. Upon completion of the retraining program, if a decision on recognition of graduation is issued by the head of the pedagogical institution, then a certificate in pedagogy at elementary level is issued.

CHAPTER III

CERTIFICATE TEMPLATE, CERTIFICATE COPY TEMPLATE; PRINTING AND MANAGING BLANK CERTIFICATE TEMPLATES; ISSUING, MODIFYING, WITHDRAWING AND CANCELING PEDAGOGICAL CERTIFICATES AT COLLEGE, INTERMEDIATE AND ELEMENTARY LEVELS

Article 5. Pedagogical certificate templates for teachers at college, intermediate, elementary levels

1. The pedagogical certificate for teachers at college, intermediate, elementary levels (hereinafter referred to as pedagogical certificate) is printed on both sides with 4 pages, each page is 210 mm x 148 mm; pages 1 and 4 are the cover of the certificate; pages 2 and 3 are the contents of the certificate.

2. The font used in the pedagogical certificate template is the Vietnamese font of the Unicode character set according to Vietnamese standards TCVN 6909: 2001, Times New Roman font.

3. Pages 1 and 4 of the certificate:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Pages 1 and 4 of the pedagogical certificate at elementary level are in red, letters printed on the cover are yellow. The content printed on page 1: Vietnamese official name and motto are 02 lines "SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM" and "Independence - Freedom - Happiness" 15mm from the top edge, in uppercase, vertical, bold, font size 14. The emblem is circular, 40 mm in diameter, 65 mm from the top edge, centered. The words “PEDAGOGICAL CERTIFICATE AT ELEMENTARY LEVEL” are centered, single line spacing, 86 mm lower edge, uppercase, vertical, bold, font size. 16. Page 4 does not print text and images.

4. Pages 2 and 3 of the pedagogical certificate have a white background, a bronze drum image is imprinted in the middle in light yellow. Content printed on page 2: the words “PEDAGOGICAL CERTIFICATE AT COLLEGE AND INTERMEDIATE LEVEL” or “PEDAGOGICAL CERTIFICATE AT ELEMENTARY LEVEL” are presented in red letters, centered, single line spacing, capital letters, font size 14, bold, vertical font. The content printed on page 3: Vietnamese official name and motto are 02 lines "SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM" and "Independence - Freedom - Happiness" centered, black letters, single line spacing ; the words "SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM" are 14 mm from the top edge, presented in capital letters, font size 14, bold, vertical font; the second line "Independence - Freedom - Happiness" is presented in lowercase, font size 14, bold, vertical font; the first letters of the phrases are capitalized, between the phrases there is a hyphen (-), there is a space for letters; below there is a horizontal line, solid line, the length is equal to the length of the text.

5. The certificate template and how to write the content on the pedagogical certificate are specified in Appendix III and IV issued together with this Circular.

Article 6. Template of pedagogical certificate copy for teachers at college, intermediate, elementary levels

The template of pedagogical certificate copy must comply with Article 5 of this Circular and add the words "COPY" in yellow on page 1 and red color on page 2, capital letters, vertical and bold font, font size 16 on page 1 and 14 on page 2 (specified in Appendix V and Appendix VI issued together with this Circular). The contents of the pedagogical certificate copy shall comply with Article 5 of this Circular.

Article 7. Printing blank pedagogical certificates

1. Based on the template of blank pedagogical certificate specified in Articles 4 and 5 of this Circular, the head of the pedagogical institution shall choose a template of blank pedagogical certificate and send it to the General Department of Vocational Education affiliated to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the police office of the province or and centrally-affiliated city where the pedagogical institution is headquartered to report; be responsible for the content printed on the blank certificate and print it.

2. The printing of blank pedagogical certificates must be rigorous and safe and must be recorded in a management book.

Article 8. Management of blank pedagogical certificates

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The number of the pedagogical certificate shall be made continuously according to natural numbers from small to large during the entire operation of the pedagogical institution from self-printing of blank certificates; ensuring identification of the number of each type of certificate;

b) The reference number in the certificate issuance book shall be made consecutively according to the natural numbers from small to large each year from January 1 to the end of December 31; ensuring identification of the reference number of each type of certificate, the year of issue and the pedagogical institution.

2. For blank certificates that are damaged, misprinted, miswritten or not yet used due to the change in the template, the pedagogical institution must set up a council for handling and have a cancellation record, specifying the quantity, reference number and status of the certificate before they are cancelled. The cancellation minutes must be kept in the management record and the cancellation must be reported to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs where the pedagogical institution is headquartered within 15 days from the date of cancellation of blank certificates for monitoring and management. This provision also applies to signed or stamped certificates that are miswritten or misprinted.

3. In case blank pedagogical certificates are lost, the pedagogical institution must make a record and report it to the police agency, the Department of Labor - Invalids and Social Affairs in the province where it is headquartered for timely actions.

Article 9. Issuance of pedagogical certificates, pedagogical certificate copies

1. Principles of management and issuance of pedagogical certificates to teachers at college, intermediate and elementary levels:

a) The pedagogical certificates for teachers at college, intermediate and elementary levels shall be uniformly managed with autonomy and self-responsibility assigned to the pedagogical institutions;

b) The original of the pedagogical certificate shall be issued once to the trainee;

c) All acts of fraud in the issuance and use of certificates are strictly prohibited;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Heads of pedagogical institutions have the responsibility to:

a) Sign the certificate according to the specimen signature notified to the competent authority and clearly state full name and title; stamp on the signature of the person competent to issue the certificate shall be affixed in accordance with applicable regulations on clerical work; issue pedagogical certificates to trainees who have completed a pedagogical retraining program at college, intermediate, and elementary levels as prescribed in this Circular within 30 days from the date of completion of the retraining course;

b) Make a book to monitor the issuance of pedagogical certificates and pedagogical certificate copies according to Clause 1, Article 8 of this Circular. The certificate issuance book must be accurately and fully recorded in Vietnamese, such as the original certificate issued by the pedagogical institution, page numbering, fan stamping, not erased, ensuring strict management and permanent storage.

3. When granting pedagogical professional certificates to trainees, the pedagogical institution must glue photos of the trainees with granted certificates; affix the pedagogical institution’s seal on the photo; write or print fully, accurately and clearly the contents of the pedagogical certificate on pages 2 and 3.

4. In case a trainee has certified the receipt of a pedagogical certificate, but it is lost or damaged; he/she may request for a certificate copy to be issued. A pedagogical certificate copy is valid as the original. The head of pedagogical institution that has issued the certificate and is managing the certificate issuance book is competent to issue pedagogical certificate copies. In case the pedagogical institution has merged, divided, split or had adjustment in terms of competent persons, the person competent to decide to issue a copy of the certificate is the head of the agency that is managing the certificate issuance book.

5. The procedures for granting pedagogical certificate copies shall comply with Articles 16 and 17 of Decree No. 23/2015/ND -CP dated 16/02/2015 of the Government on issuance of copies from master register, authentication of copies from originals, authentication of signatures and authentication of contracts and transactions.

Article 10. Revisions to pedagogical certificates

1. A trainee with a granted pedagogical certificate may request a revision to the certificate in any of the following cases:

a) The trainee has certified receipt of the certificate, but the content on the certificate is miswritten through no fault of the trainee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The trainee who requests a revision to their pedagogical certificate must provide necessary documents as proofs corresponding to the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article 1 in order for the pedagogical institution to consider revising such pedagogical certificate.

3. The decision on revision to the pedagogical certificate must include at least the following: Full name; the date of birth of the trainee whose certificate is revised; certificate number, certificate number, reference number in the certificate issuance book, certificate issue date to be revised; content and reasons for revision; validity period and responsibility for implementing the decision.

4. The head of pedagogical institution that has issued a certificate and is managing the certificate issuance book is competent to issue a decision on revision to the pedagogical certificate. In case the pedagogical institution has merged, divided, split or had adjustment in terms of competent persons, the person competent to decide to revise the certificate is the head of the agency that is managing the certificate issuance book.

Article 11. Revocation and cancellation of pedagogical certificates

1. A pedagogical certificate is revoked or cancelled in any of the following cases:

a) The holder of certificate is found to be ineligible, commits fraud in studying, taking exams or in making application to be granted the pedagogical certificate;

b) The pedagogical certificate is granted by an unauthorized person;

c) The pedagogical certificate is erased or modified.

d) The holder of the pedagogical certificate let others use his/her certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CHAPTER IV

IMPLEMENTATION

Article 12. Responsibilities of the General Department of Vocational Education

Guide the offering of retraining in pedagogy in teaching at college, intermediate and elementary levels; synthesize and manage the granting of professional certificates nationwide.

Article 13. Responsibilities of Departments of Labor, War Invalids and Social Affairs of provinces and centrally-affiliated cities

Inspect and supervise the process of printing and using blank certificates; the issuance, modification, revocation and cancellation of certificates of pedagogical institutions under their management or in the province.

Article 14. Responsibilities of pedagogical institutions

1. Based on the pedagogical retraining program for teaching at college, intermediate and elementary levels promulgated together with Articles 3 and 4 of this Circular, the head of the pedagogical institution shall formulate, appraise and issue detailed programs and teaching materials for the institution and publish it on the pedagogical institution’s website for trainees to choose.

2. Publicly announce the granting of pedagogical certificates on the website of the pedagogical institution and update the data into the state management database of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs (General Department of Vocational Education). Contents of public information include the contents recorded on the pedagogical certificate and must be accurate compared with the certificate issuance book; must be regularly updated and stored on the website of the pedagogical institution that has granted the pedagogical certificate; ensure ease of management, access and search. The disclosure of information about the grant of certificates does not apply to trainees of the Public Security, Army and some other cases as prescribed by competent authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Prescribe symbols for identifying the blank pedagogical certificate of the pedagogical institutions to serve the confidentiality, identification and anti-counterfeiting purposes.

5. Coordinate with printing establishments to ensure the safety of printing and managing blank pedagogical certificates.

6. Regularly inspect and supervise their own printing, granting, revocation and cancellation of pedagogical certificates.

7. Ensure facilities and equipment for fire safety to preserve blank pedagogical certificates.

8. Annually report in writing (in paper and electronic copies) the process of printing and using blank certificates; the quantity of printed blank certificates, the quantity of used blank certificates, the issuance, modification, revocation and cancellation of certificates in the year before January 15 of the following year to the General Department of Vocational Education, the agency directly managing the pedagogical institution and the local Department of Labor, War Invalids and Social Affairs where its head office is located, using the form specified in Appendix VII issued with this Circular.

9. The pedagogical institution is responsible for printing blank pedagogical certificates as prescribed in Articles 5 and 6 of this Circular. Be accountable to regulatory authorities when there are violations in printing and management of blank certificates; grant and revoke pedagogical certificates as prescribed.

Article 15. Responsibilities of trainees

1. Accurately and fully declare personal information in the application for registration to attend a retraining course or issuance of a pedagogical certificate.

2. Manage issued certificates; not lease or lend certificates; do not erase the certificate. Take legal responsibility if there is a case of consenting to use illegally the issued pedagogical certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Transitional provisions

For pedagogical retraining courses offered before the effective date of this Circular but have not been completed, the pedagogical institutions shall continue to offer the retraining program and grant pedagogical certificates according to regulations of Decree No. 38/2017/TT-BLDTBXH dated December 29, 2017 of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs on pedagogical retraining program for teachers at elementary level; certificate template, certificate copy template; management of blank pedagogical certificates; Circular No. 28/2018/TT-BLDTBXH dated December 25, 2018 of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs on pedagogical retraining program for teachers at intermediate and college levels; certificate template and regulations on management, granting pedagogical certificates at intermediate and college levels.

Article 17. Entry in force

1. This Circular comes into force as of June 1, 2022.

2. Circular No. 38/2017/TT-BLDTBXH dated December 29, 2017 of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs on pedagogical retraining program for elementary level teachers; certificate template, certificate copy template; management of blank pedagogical certificates at elementary levels; Circular No. 28/2018/TT-BLDTBXH dated December 25, 2018 of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs on pedagogical retraining program for teachers at intermediate and college levels; certificate template and regulations on management, granting pedagogical certificates at intermediate and college levels shall cease to be effective from the effective date of this Circular.

Article 18. Implementation

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, heads of central agencies of socio-political organizations having vocational education institutions; Presidents of People's Committees of provinces and centrally affiliated cities; Directors of Departments of Labor - Invalids and Social Affairs of provinces and centrally affiliated cities; Chief of Office of the Ministry, General Director of the General Department of Vocational Education; Heads of pedagogical institutions, heads of relevant agencies shall implement this Circular./.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

;

Thông tư 06/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: 06/2022/TT-BLĐTBXH
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký: Lê Tấn Dũng
Ngày ban hành: 06/04/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [2]
Văn bản được dẫn chiếu - [10]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Thông tư 06/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…