Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 928/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH KHUNG CHƯƠNG TRÌNH TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ - CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 724/TTr-SGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở (sau đây được gọi tắt là Khung chương trình) (Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở theo từng bậc học của Khung chương trình được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1576/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa và Thể thao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, GD.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

PHỤ LỤC

KHUNG CHƯƠNG TRÌNH TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ - CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông toàn tỉnh nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và con người Thừa Thiên Huế; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng tri thức để góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hóa truyền thống, các vấn đề về địa lí, kinh tế, chính trị - xã hội, môi trường, con người của Thừa Thiên Huế. Thông qua đó bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Huế, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển giàu mạnh.

- Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây được gọi tắt là Chương trình) cùng với các môn học khác trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực tổ chức các hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương. Hỗ trợ những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá những kiến thức về địa phương.

- Triển khai thực hiện nội dung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tiến độ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

II. CÁC YÊU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

1. Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng

- Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

- Quán triệt quan điểm định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 (Hội nghị Trung ương 8 khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục địa phương; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục.

- Căn cứ chương trình phổ thông 2018 cả về mạch kiến thức và phương pháp tiếp cận, gắn với thực tiễn địa phương và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.

2. Phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và tiếp cận nghề nghiệp

a) Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tài liệu giáo dục địa phương được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, xác định các mức độ khác nhau của mỗi năng lực tương thích với từng cấp học và từng môn học.

b) Cùng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, tài liệu giáo dục địa phương góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần. Học sinh được giáo dục toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; được rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết và tiếp cận nghề nghiệp. Đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, địa lí địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

3. Cấu trúc, nội dung tài liệu phải đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, trình bày những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, ... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất trong và giữa các cấp học

a) Đảm bảo kế thừa và phát triển những tài liệu giáo dục địa phương hiện hành.

b) Nội dung giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nội dung giáo dục được lựa chọn là những tri thức cơ bản, đảm bảo vừa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông vừa gắn với thực tiễn địa phương trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề cao tính, tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

c) Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán theo các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, theo từng lớp và đảm bảo theo đúng thời lượng đã quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d) Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 3536/BGDĐT -GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021, Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học; các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 15/02/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 15/02/2019 về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông, Công văn số 12707/UBND-GD ngày 25/12/2021 về việc điều chỉnh Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - Lớp 6 và Khung chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.

III. KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

1. Xây dựng đủ 35 tiết/khối lớp (trong đó gồm 31 tiết thực dạy, 4 tiết kiểm tra đánh giá định kì), được giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 9, là nội dung giáo dục có giá trị như một môn học bắt buộc.

2. Biên soạn theo lớp (từ lớp 6 đến lớp 9), mỗi khối lớp có 01 cuốn tài liệu (nội dung bao hàm các lĩnh vực về lịch sử, văn hóa địa phương; các vấn đề về địa lí, môi trường, kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương gồm các mạch kiến thức về Lịch sử - Văn hóa, Văn học, Nghệ thuật, Địa lí - Môi trường, Kinh tế - Chính trị - Xã hội.

3. Chương trình được thiết kế theo các chủ đề (trong môi chủ để có thể thiết kế theo từng bài học) và dựa trên các mạch kiến thức Lịch sử - Văn hóa, Văn học, Nghệ thuật, Địa lí - Môi trường, Kinh tế - Chính trị - Xã hội.

LỚP 6

Mạch kiến thức

Chủ đề, bài học

Yêu cầu cần đạt

Thời lượng (tiết)

Lịch sử - Văn hóa

Chủ đề: Thừa Thiên Huế - Một vùng đất cổ xưa

Bài 1: Dấu tích thời nguyên thủy tại Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế.

Bài 3: Thừa Thiên Huế thời kì Champa.

- Nhận biết được các di tích/di chỉ tiêu biểu gắn với thời kì đá mới và Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế thời tiền sử, từ đó khẳng định được nguồn gốc lâu đời của vùng đất Thừa Thiên Huế.

- Trình bày được những nét chính của Thừa Thiên Huế thời Champa.

- Liên hệ được các di tích, di chỉ tiêu biểu thời nguyên thủy, thời văn hóa Sa Huỳnh và thời kì Champa trên địa bàn tỉnh; gắn với địa danh hành chính hiện nay; trân trọng, tự hào, có ý thức gìn giữ, bảo tồn và quảng bá những di sản quý báu đó.

8

Văn học

Chủ đề: Văn học dân gian và từ ngữ địa phương Thừa Thiên Huế

Bài 1: Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Ca dao Thừa Thiên Huế.

Bài 3: Từ ngữ địa phương Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết được một số yếu tố hình thức và nội dung của truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, ca dao Thừa Thiên Huế.

- Kể được một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích Thừa Thiên Huế.

- Nhớ được một số bài ca dao tiêu biểu của Thừa Thiên Huế.

- Biết được một số đặc điểm cơ bản của từ ngữ địa phương Thừa Thiên Huế, bước đầu biết cách sử dụng từ ngữ địa phương phù hợp.

- Nhận biết, hiểu được nghĩa và tác dụng của một số từ ngữ địa phương được dùng trong ca dao Thừa Thiên Huế.

- Biết trân trọng, tự hào; có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ và tiếng nói địa phương.

9

Nghệ thuật

Chủ đề: Âm nhạc truyền thống Thừa Thiên Huế

Bài 1: Âm nhạc truyền thống dân gian Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Âm nhạc truyền thông chuyên nghiệp Thừa Thiên Huế.

- Trình bày được các hoạt động chính của âm nhạc truyền thống Thừa Thiên Huế trong đời sống hiện đại.

- Trình bày được những nét chính về các thể loại âm nhạc truyền thống Thừa Thiên Huế.

- Biết tự hào về nền âm nhạc truyền thống của quê hương.

4

Địa lí - Môi trường

Chủ đề: Vị trí địa lí và địa giới hành chính Thừa Thiên Huế

Bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Các đơn vị hành chính Thừa Thiên Huế.

- Xác định được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ của tỉnh trên bản đồ, nhận biết các tỉnh, quốc gia tiếp giáp.

- Kể tên được các đơn vị hành chính của tỉnh.

- Nêu được ý nghĩa về vị trí địa lí của tỉnh.

4

Kinh tế - Chính trị - Xã hội

Chủ đề: Cộng đồng dân cư ở Thừa Thiên Huế.

Bài 1. Sự hình thành và phát triển cộng đồng dân cư Thừa Thiên Huế.

Bài 2. Đặc điểm cơ bản của cộng đồng dân cư Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết sơ lược về quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của một cộng đồng dân cư.

- Nêu được đặc điểm cơ bản của một cộng đồng dân cư.

- Liên hệ thực tế địa phương.

6

LỚP 7

Mạch kiến thức

Chủ đề, bài học

Yêu cầu cần đạt

Thời lượng (tiết)

Lịch sử - Văn hóa

Chủ đề: Thừa Thiên Huế từ thế kỉ X đến thế kỉ XVI

Bài 1: Thừa Thiên Huế thời Trần - Hồ.

Bài 2: Thừa Thiên Huế thời Lê sơ và dấu ấn chúa Tiên. 

- Trình bày được những nét chính thời Trần - Hồ - Lê sơ và những ngày đầu của chúa Tiên - Nguyễn Hoàng ở Thừa Thiên Huế.

- Xác định được tên gọi và địa giới hành chính của Thừa Thiên Huế qua các thời kì (từ thế kỉ X đến thế kỉ XVI).

- Liên hệ các sự kiện, địa danh, nhân vật tiêu biểu gắn liền với địa danh, tên đường, trường học, công trình văn hóa, ... ở địa phương hiện nay.

8

Văn học

Chủ đề: Văn học trung đại Thừa Thiên Huế

Bài 1: Thơ ca trung đại Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Văn xuôi trung đại Thừa Thiên Huế.

- Nêu được một số tác giả, tác phẩm văn học trung đại tiêu biểu của Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết sơ lược đặc điểm, giá trị nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ ca, văn xuôi trung đại Thừa Thiên Huế.

- Có tình cảm, thái độ tích cực với di sản văn học trung đại của địa phương.

6

Nghệ thuật

Chủ đề: Mĩ thuật truyền thống Thừa Thiên Huế

Bài 1: Tranh dân gian Làng Sình.

Bài 2: Kiến trúc thời Nguyễn ở Huế.

Bài 3: Nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn ở Huế.

- Nhận biết được những yếu tố đặc trưng, ý nghĩa và giá trị của tranh dân gian Làng Sình trong đời sống.

- Nhận biết được những đặc trưng cơ bản về kiến trúc (dân gian và cung đình), các hoa văn trang trí tiêu biểu trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn.

- Nhận diện được các đặc trưng cơ bản của nghệ thuật điêu khắc thông qua các tác phẩm tại các công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

- Biết trân trọng, có ý thức giữ gìn và quảng bá các giá trị tiêu biểu của mĩ thuật thời Nguyễn.

7

Địa lí - Môi trường 

Chủ đề: Thiên nhiên Thừa Thiên Huế

Bài 1: Địa hình và Khoáng sản.

Bài 2: Khí hậu và Thủy văn.

Bài 3: Đất và Sinh vật.

- Trình bày được đặc điểm cơ bản về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ giữa các yếu tố của tự nhiên Thừa Thiên Huế

- Nêu được những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với đời sống và sản xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Liên hệ thực tế nơi em ở.

- Xác định được một số đối tượng của tự nhiên trên bản đồ.

6

Kinh tế - Chính trị - Xã hội

Chủ đề: Chính sách an sinh xã hội Thừa Thiên Huế

- Nhận biết được cơ bản vai trò của an sinh xã hội.

- Nêu được những chính sách an sinh xã hội của Thừa Thiên Huế.

4

LỚP 8

Mạch kiến thức

Chủ đề, bài học

Yêu cầu cần đạt

Thời lượng (tiết)

Lịch sử - Văn hóa

Chủ đề: Thừa Thiên Huế từ cuối thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX

Bài 1: Thuận Hóa - Phú Xuân từ cuối thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX.

Bài 2: Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Thừa Thiên Huế từ năm 1885 đến năm 1918.

- Nhận biết được một số nhân vật, địa danh, di tích lịch sử tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế thời kì từ cuối thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX.

- Nêu được những dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Thừa Thiên Huế từ cuối thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX.

- Trình bày được những nét cơ bản về một số nhân vật tiêu biểu và phong trào đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên Huế giai đoạn từ năm 1885 đến năm 1918.

- Liên hệ các sự kiện, nhân vật tiêu biểu gắn với địa danh, tên đường, trường học, ... ở địa phương hiện nay.

9

Văn học

Chủ đề: Văn học Thừa Thiên Huế từ 1900 đến 1945

Bài 1: Thơ ca Thừa Thiên Huế từ 1900 đến 1945.

Bài 2: Văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1900 đến 1945.

- Nhận biết được một số tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu của Thừa Thiên Huế từ 1900 - 1945.

- Nêu được một số đặc điểm, giá trị nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ, văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1900 - 1945.

- Có tình cảm, thái độ tích cực với di sản văn học Thừa Thiên Huế.

8

Nghệ thuật

Chủ đề: Âm nhạc hiện đại ở Thừa Thiên Huế

- Nhận biết được một số tác giả, tác phẩm âm nhạc hiện đại tiêu biểu của Thừa Thiên Huế.

- Trình bày được những nét chính về hoạt động âm nhạc hiện đại ở Thừa Thiên Huế.

- Tự hào về các tác giả, tác phẩm âm nhạc hiện đại tiêu biểu của Thừa Thiên Huế.

4

Địa lí - Môi trường

Chủ đề: Dân cư Thừa Thiên Huế

Bài 1: Dân số, gia tăng dân số và cơ cấu dân số.

Bài 2: Lao động và việc làm.

Bài 3: Đô thị hóa.

- Trình bày được các đặc điểm cơ bản về dân cư địa phương.

- Nhận biết được đặc điểm nguồn lao động; phân tích được mối quan hệ giữa dân số, lao động và việc làm ở Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết được quá trình đô thị hóa ở Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến đời sống xã hội.

- Liên hệ thực tế địa phương về vấn đề lao động, việc làm.

- Sử dụng biểu đồ, bản đồ, bảng số liệu để phân tích/trình bày được một số vấn đề dân cư và nguồn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế.

6

Kinh tế - Chính trị - Xã hội

Chủ đề: Hệ thống chính trị ở Thừa Thiên Huế

- Biết được cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị ở Thừa Thiên Huế từ cấp phường/xã đến cấp tỉnh.

- Biết sơ lược về vai trò cơ bản của một số bộ phận, phòng ban, cơ quan chuyên môn ở từng cấp chính quyền (từ cấp phường/xã đến cấp tỉnh) trong hệ thống chính trị.

4

LỚP 9

Mạch kiến thức

Chủ đề, bài học

Yêu cầu cần đạt

Thời lượng (tiết)

Lịch sử - Văn hóa

Chủ đề: Thừa Thiên Huế từ năm 1918 đến nay

Bài 1. Phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế những năm 1918 - 1945.

Bài 2: Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ (1945-1975).

Bài 3: Thừa Thiên Huế trong công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập.

- Nêu được những nét chính về phong trào dân tộc dân chủ ở Thừa Thiên Huế trong những năm 1918-1930.

- Trình bày được những dấu mốc quan trọng trong quá trình ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 - 1945.

- Nêu được những đóng góp tiêu biểu của quân và dân Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ; biết được nguyên nhân thắng lợi/thất bại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm.

- Nhận biết được sự thay đổi về mọi mặt của vùng đất Thừa Thiên Huế thời kì đổi mới (từ nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX đến nay).

8

Văn học

Chủ đề: Văn học Thừa Thiên Huế từ 1945 đến nay

Bài 1: Thơ ca Thừa Thiên Huế từ 1945 đến nay.

Bài 2: Văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1945 đến nay.

- Biết được một số tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu của Thừa Thiên Huế từ 1945 đến nay.

- Trình bày sơ lược đặc điểm, giá trị nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ ca, văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1945 đến nay.

- Có tình cảm, thái độ tích cực với di sản văn học Thừa Thiên Huế.

7

Nghệ thuật

Chủ đề: Mĩ thuật hiện đại Thừa Thiên Huế

Bài 1: Khái quát về Mĩ thuật hiện đại ở Thừa Thiên Huế.

Bài 2: Các họa sĩ tiêu biểu của Thừa Thiên Huế thời hiện đại.

- Trình bày được một số đặc điểm tổng quan về mĩ thuật hiện đại Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết được một số kĩ thuật cơ bản về chất liệu của các tác phẩm mĩ thuật.

- Nhận diện được phong cách, đề tài của các họa sĩ tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế.

- Nhận biết được giá trị của các tác phẩm mĩ thuật trong đời sống.

5

Địa lí - Môi trường

Chủ đề: Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài 1: Một số vấn đề về bảo vệ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Bài 2: Một số thiên tai và cách phòng tránh.

Bài 3: Dự án bảo vệ môi trường tự nhiên.

- Trình bày được một số vấn đề về môi trường tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế (hiện trạng, nguyên nhân, các biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên).

- Phân tích tác động của dân cư- xã hội đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh.

- Biết được các thiên tai thường xảy ra ở Thừa Thiên Huế và các biện pháp phòng tránh.

- Biết cách sưu tầm tài liệu và trình bày được một vấn đề về môi trường tự nhiên tại địa phương.

- Lựa chọn và thực hiện được một dự án nhằm góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương.

5

Kinh tế - Chính trị - Xã hội

Chủ đề: Các ngành kinh tế của Thừa Thiên Huế

Bài 1: Nông - lâm - thủy sản.

Bài 2: Công nghiệp và xây dựng.

Bài 3: Dịch vụ.

- Trình bày được những đặc điểm chính về kinh tế của tỉnh.

- Phân tích được lĩnh vực/ngành kinh tế chủ đạo hoặc xu hướng chuyển dịch kinh tế của địa phương.

- Nhận xét, phân tích được một số dạng biểu đồ và bảng số liệu về các vấn đề liên quan đến dịch vụ, công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp..

- Nêu dự báo của bản thân về nền kinh tế của tỉnh.

6

IV. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống địa phương), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin.

Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, trải nghiệm, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tùy theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 928/QĐ-UBND năm 2022 về điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở

Số hiệu: 928/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký: Nguyễn Thanh Bình
Ngày ban hành: 14/04/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 928/QĐ-UBND năm 2022 về điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…