Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 64/2001/QĐ-UB

Tam Kỳ, ngày 28 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2004;
Căn cứ quyết định số : 42/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm, học thêm ngoài giờ của các trường phổ thông công lập;
Căn cứ chỉ thị số : 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 15/7/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&DT về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;
Căn cứ Nghị quyết số : 21/2001/NQ-HĐND ngày 8/3/2001 của HĐND tỉnh Quảng Nam khoá VI, kỳ họp thứ tư về một số giải pháp tăng cường xã hội hoá đầu tư giáo dục, phát triển giáo dục miền núi, chấn chỉnh dạy thêm, học thêm;
Căn cứ Nghị quyết số : 30/2001/NQ-HĐND ngày 16/8/2001 của HĐND tỉnh Quảng Nam khoá VI, kỳ họp thứ sáu về sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị quyết số: 21/2001/NQ-HĐND ngày 8/3/2001 của HĐND tỉnh Quảng Nam khoá VI, kỳ họp thứ tư;
Theo đề nghị của Sở GD&ĐT tại tờ trình số: 198/TT-GD&ĐT ngày 23/12/2001;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.Những quy định trước đây của tỉnh có liên quan đến việc dạy thêm, học thêm trái với quyết định này không còn hiệu lực.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh văn phòng HĐND-UBND tỉnh;Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo; Thủ truởng các cơ quan,các ban ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận
- Bộ GD&ĐT
-TT TU, HĐND, UBND,
- UBMTTQVN tỉnh
- Như điều 3.
- Lưu VT, VX.

TM/UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Thị Thanh Lâm

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM
(Ban hành kèm theo quyết định số: 64/2001/QĐ-UB ngày 28/12/2001 của UBND Tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Hoạt động dạy thêm

1) Giảng dạy ngoài giờ chính khoá cho học sinh phổ thông, kể cả việc dạy học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học;

2) Giảng dạy ôn luyện thi tốt nghiệp, tuyển sinh các cấp bậc học;

3) Giảng dạy một số môn học mà nhà trường phổ thông ( sau đây xin viết tắt là nhà trường ) chưa có điều kịên dạy cho tất cả học sinh như ngoại ngữ, tin học,một số môn năng khiếu nghệ thuật và thể dục thể thao.

Điều 2: Loại hình dạy thêm

1) Dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông (sau đây viết tắt là dạy thêm phục vụ học sinh ) do nhà trường (hoặc giáo viên ) tổ chức dạy thêm tại trường mình, bao gồm :

a) Dạy phụ đạo học sinh kém thuộc trách nhiệm của giáo viên dạy chính khoá, không thu tiền của học sinh;

b) Bồi dưỡng học sinh giỏi, không thu tiền của học sinh;

c) Dạy thêm thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 5, lớp 9, lớp12 do nhà trường tổ chức, quản lý và thu tiền của học sinh theo mức thu quy định tại Thông tư liên tịch số : 16/TT-LB ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và Bộ Tài Chính;

d) Dạy các lớp học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học : ngoài các tiết dạy thuộc chương trình 5 buổi/tuần,nhà trường đưa vào dạy thêm tiết, thêm môn theo chương trình học 2 buổi /ngày do Bộ Giáo Dục va Đào Tạo quy định;

2) Dạy thêm theo nhu cầu của người học trong và ngoài nhà trường (sau đây viết tắt là dạy thêm theo nhu cầu người học), bao gồm:

a) Các lớp dạy thêm không thuộc loại hình dạy thêm phục vụ học sinh nói tại khoảng 1 của điều này, do nhà trường tổ chức dạy thêm tại trường mình;

b) Các lớp dạy thêm không thuộc loại hình dạy thêm phục vụ học sinh nói tại điều khoảng 1 điều này, do giáo viên đang dạy ở trường phổ thông tổ chức dạy thêm ngoài trường cho học sinh lớp 9, lớp 12 để ôn luyện chuẩn bị thi tốt nghiệp và tuyển sinh;

c) Các lớp do các trường Cao đẳng Sư phạm, trường Trung học chuyên nghiệp,Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp ( sau đây xin viết tắt là cơ sở giáo dục ) tổ chức dạy tại cơ sở giáo dục đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông;

d) Các lớp do tổ chức, cá nhân khác mở ( ngoài các lớp nói tại điểm a,b,c khoản 2 điều này ) để củng cố,nâng cao kiến thức,luyện thi các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông;

e) Các lớp (trung tâm) dạy tin học,ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức (cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục ) không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn học đó lập ra;

3) Dạy thêm theo hình thức "gia sư": người dạy không tổ chức nhiều người học thành lớp mà theo nhóm không quá năm người, dạy kèm cặp từng học sinh theo yêu cầu của gia đình.

Điều 3: Yêu cầu của việc dạy thêm, học thêm

1) Các lớp dạy thêm phải được tổ chức trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Nghiêm cấm việc dùng các biện pháp ép buộc học sinh như ưu ái học sinh học thêm, kìm chế học sinh không học thêm, dành lại kiến thức của giờ học chính khoá để dạy thêm, để "rò rỉ"đề kiểm tra, đề thi ở lớp học thêm,v.v...;

2) Đề cao trách nhiệm của nhà trường và giáo viên trong việc tổ chức dạy thêm phục vụ học sinh, khuyến khích học sinh học theo nhóm tự kèm cặp nhau;

3) Giáo viên các trường phổ thông không được phép dạy thêm có thu tiền cho học sinh do chính mình phụ trách dạy chính khoá, trừ trường hợp được hiệu trưởng phân công dạy thêm phục vụ học sinh nói tại khoản 1 điều 2 chương I của quy định này;

4) Đối với bậc tiểu học, không được phép tổ chức dạy thêm có thu tiền nói tại khoản 2 điều 2 chương I của quy định này; không tổ chức dạy thêm trong kỳ nghỉ hè, vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật;

5) Giáo viên không nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, không được biến thành lớp dạy thêm;

6) Không sử dụng buổi dạy thêm ngoài giờ chính khoá để dạy trước chương trình chính khoá;

7) Nghiêm cấm việc tổ chức dạy giảng dạy chương trình lớp một cho các cháu ở độ tuổi mẫu giáo.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Đối tượng giáo viên dạy thêm

1) Giáo viên phổ thông dạy thêm phục vụ học sinh nói tại khoản 1 điều 2 chương I của Quy định này;

2) Giáo viên đương nhiệm ở các trường phổ thông tham gia dạy thêm theo nhu cầu của người học nói tại khoản 2 điều 2 chương I của Quy định này phải có đủ các điều kiện sauđây:

a) Có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ trên cơ sở chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

b) Phải có trình độ đào tạo chuẩn theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường;

d) Không bị các hình thức kỷ luật có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động dạy thêm;

e) Đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường trở lên của năm học trước liền kề;

f) Phải đứng tên xin cấp giấy phép dạy thêm được hiệu trưởng nhà trường xác nhận và được cấp có thẩm quyền quy định tại điều 11 chương II của quy định này cấp giấy phép dạy thêm;

3) Giáo viên không đương nhiệm ở cảc trường phổ thông ( bao gồm giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục, giáo viên đã nghỉ hưu,...) dạy thêm theo nhu cầu của học nói tại khoản 2 điều 2 chương I của quy định này phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ trên cơ sở chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

b) Phải đạt trình độ đào tạo chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín có năng lực sư phạm;

d) Không có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động dạy thêm;

e) Phải đứng tên xin cấp giấy phép dạy thêm được thủ trưởng cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác xác nhận hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) xác nhận đối với giáo viên không đương nhiệm và được cấp có thẩm quyền quy định tại điều 11 chương II của Quy định này cấp giấy phép dạy thêm;

4) Cá nhân dạy thêm theo hình thức "gia sư "nói tại khoản 3 điều 2 chương I của Quy định này;

Điều 5: Đối tượng học sinh học thêm

1) Học sinh thuộc diện yếu, kém học thêm để vươn lên đạt trình độ học tập trung bình, khá;

2) Học sinh giỏi có nhu cầu học thêm nhằm bồi dưỡng năng khiếu, chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi và thi vào trường chuyên;

3) Học sinh cuối cấp học, bậc học ( lớp 5 ở bậc tiểu học, lớp 9và lớp 12 ở bậc trung học) ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh;

4) Học sinh tiểu học có nhu cầu học 2 buổi /ngày ở các truờng có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi / ngày theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

5) Học sinh khá, giỏi có nguyện vọng học thêm một số môn mà nhà trường chưa có điều kiện dạy cho tất cả học sinh như ngoại ngữ,tin học,một số môn năng khiếu nghệ thuật và thể dục thể thao;

6) Học sinh các lớp trung học cơ sở,trung học phổ thông có nguyện vọng học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện thi các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông;

7) Tất cả các đối tượng học sinh học thêm nói ở điều này đều phải có đơn xin học và ý kiến đề nghị của phụ huynh học sinh; khi thôi học phải có đơn đề nghị.

Điều 6: Các quy định khác đối với lớp dạy thểm theo nhu cầu của học sinh nói tại khoản 2 điều 2 chương I của Quy định này

1) Lớp dạy thêm có từ sáu học sinh trở lên bắt buộc phải đăng ký xin phép.

2) Số lượng học sinh tối đa của lớp dạy thêm là 25 học sinh.

3) Thời gian dạy thêm mỗi môn học tối đa 6 tiết/tuần/lớp.

4) Có phòng học riêng, diện tích tối thiểu bình quân 1m2/học sinh, thoáng mát, đủ ánh sáng, đủ bàn ghế và đúng quy cách, có bảng đen, đảm bảo vệ sinh.

5) Tại địa điểm học thêm, phải có đủ chỗ để xe của học sinh, không để lấn chiếm lòng lề đường, vĩa hè...gây ách tắc giao thông, giáo viên và học sinh phải có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tư, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi tập trung học thêm.

6) Đối với các lớp dạy ngoài trường và cơ sở giáo dục, phải có xác nhận đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tổ chức lớp dạy thêm.

Điều 7: Đăng ký mở lớp dạy thêm

1. Dạy thêm phục vụ học sinh nói tại khoản 1 điều 2 chương I của Quy định này không thuộc loại hình tổ chức dạy thêm phải đăng ký xin phép. Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức, quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm này theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 15/200/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000.

2. Các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học trong và ngoài nhà trường nói tại khoản 2 điều 9, Chương I của Quy định này phải đăng ký xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm. Giáo viên dạy thêm phải có đủ các điều kiện nói tại điểu 4 Chương II của Quy định này;

3. Dạy thêm theo hình thức " gia sư" nói tại khoản 3 điều 2 chương I của Quy định này không thuộc loại hình tổ chức dạy thêm phải đăng ký xin phép nhưng giáo viên phải chấp hành Quy định này và tự chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung giảng dạy. Giáo viên đương nhiệm ở trường phổ thông dạy thêm theo hình thức " gia sư". Phải được sự đồng ý của hiệu trưởng.

Điều 8: Mức thu tiền học thêm

1. Đối với các lớp thuộc loại hình dạy thêm phục vụ học sinh nói tại khoản 1 điều 2 chương I của Quy định này.

a) Lớp ôn thi tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp, mức thu tiền theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.

b. Lớp học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, mức thu tiền theo sự thoả thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, nhưng không quá 40.000đồng/tháng.

2. Đối với các lớp thuộc loại hình dạy thêm theo nhu cầu của người học nói tại khoản 2 điều 2 Chương I của Quy định này, mức tối đa không quá 1.000đồng/1 tiết/1 học sinh THCS, tối đá không quá 1.500 đồng/1 tiết/1 học sinh THPT.

Điều 9: Cách thu - Chi tiền học thêm

1- Đối với các lớp dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học tổ chức trong nhà trường, cách thu và quản lý sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.

2- Đối với các lớp dạy thêm do các cơ sở giáo dục - các tổ chức khác mở, thực hiện việc thu thông qua giáo viên hoặc bộ phận tài vụ và quy định chi như sau:

a) 80% chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

b) 15% chi cho quản lý, tổ chức lớp học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm.

c) 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc dạy thêm.

3- Đối với các lớp dạy thêm do cá nhân mở ngoài nhà trường, giáo viên tự thu và chi, nhưng phải có sổ ghi thu học phí hàng tháng của từng học sinh, có chữ ký của học sinh.

Điều 10: Công tác quản lý hoạt động dạy thêm

1) Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông.

20 Các phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các huyện quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học cơ sở và tiểu học.

3- Thủ trưởng đơn vị ( cơ sở giáo dục, trường học, cơ sở khác) chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các lớp dạy thêm do giáo viên của đơn vị mình giảng dạy.

4- Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Dào tạo hoặc phòng giáo dục và đào tạo (theo phân cấp quy định tại điều này) trong việc quản lý các lớp dạy thêm này.

5- Nội dung công tác quản lý dạy thêm bao gồm:

a) Quản lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm.

b- Quản lý giáo viên dạy thêm, địa điểm dạy thêm và các điều kiện mở lớp dạy thêm.

c- Quản lý danh sách học sinh học thêm.

d- Quản lý nội dung, chương trình dayh thêm và chất lượng dạy thêm.

Điều 11: Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm

Giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm cấp theo từng năm học (từ tháng 9 năm này đến hết tháng 8 năm sau) theo phân cấp như sau:

1- Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện, thị cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm cho tổ chức, cá nhân dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học cơ sở.

2- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm cho tổ chức, cá nhân dạy thêm các môn học thuộc chương trình Trung học phổ thông.

Điều 12: Hồ sơ xin cấp chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm

a- Đối với đơn vị đăng ký mở lớp.

b- Đơn xin cấp giấy phép dạy thêm của giáo viên, kèm theo 3 ảnh 3 x 4;

c- Bản sao bằng tốt nghiệp sư phạm của giáo viên dạy thêm (có công chứng).

d) Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

e) Nếu thuê, mượn cơ sở để tổ chức dạy thêm thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc của chủ dở hữu cơ sở đó; đối với các lớp dạy thêm ngoài trường và cơ sở giáo dục, phải có xác nhận đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp xã - nơi tổ chức lớp dạy thêm.

2- Đối với cá nhân đăng ký mở lớp:

a- Đơn xin đăng ký dạy thêm và đơn xin cấp giấy phép dạy thêm có xác nhận của thủ trưởng đơn vị, nếu là cá nhân ngoài ngành giáo dục và đào tạo thỉ phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

b- Bản sao bằng tốt nghiệp sư phạm của giáo viên dạy thêm (có công chứng); kèm theo 3 ảnh 3 x4.

c- Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

d- Nếu thuê, mượn cơ sở để tổ chức dạy thêm thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc của chủ sở hữu cơ sở đó; đối với các lớp dạy thêm ngoài trường và cơ sở giáo dục, phải có xác nhận đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tổ chức lớp dạy thêm.

3- Mẫu hồ sơ, giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất trong toàn tỉnh.

Chương III

KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT.

Điều 13: Khen thưởng

1- Cá nhân, đơn vị tổ chức thực hiện tốt Quy định này được xét biểu dương khen thưởng theo quy định hiện hành.

2- Giáo viên đương nhiệm thực hiện tốt quy định này được đưa vào tiêu chí xem xét đánh giá thi đua khen thưởng hàng năm.

Điều 14: Kỷ luật

1- Cá nhân, đơn vị vi phạm Quy định này sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm.

2- Xử lý các trường hợp mở lớp dạy thêm trái phép theo quy định tại điều 108 của Luật Giáo dục;

3- Cá nhân, đơn vị dược phép mở lớp dạy thêm nhưng vi phạm Quy định này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm; đồng thời xử lý người vi phạm theo quy định hiện hành.

4- Giáo viên đương nhiệm ở các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục vi phạm Quy định này sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, kể cả buộc thôi việc.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 15: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động dạy thêm

1- Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a- Tổ chức quán triệt nội dung bản Quy định này trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, triển khai thực hiện Quy định này đến tận cơ sở đạt kết quả tốt.

b- Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký mở lớp dạy thêm và giấy phép dạy thêm một cách nhanh gọn, tránh phiền hà.

c- Phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàm, xử lý các hành vi vi phạm quy định này theo thẩm quyền.

d- Tập hợp các ý kiến phản ảnh về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định này để trình UBND tỉnh xem xét giải quyết; định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo UBND tỉnh kết quả tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

2- Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, phát hiện những hành vi vi phạm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

3- Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai và quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn huyện, thị.

b- Chỉ đạo kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này;

4- Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.

a- Các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình trong tỉnh có trách nhiệm phổ biến Quy định này trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm rõ tham gia tích cực vào việc tạo ra dư luận mạnh mẽ ủng hộ những điển hình tốt, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực trong việc dạy thêm, mở lớp dạy thêm trái phép.

b- Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...tham gia tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm.

c- Định kỳ hoặc đột xuất, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, thị xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra việc thực hiện Quy định này, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 64/2001/QĐ-UB Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu: 64/2001/QĐ-UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
Người ký: Hồ Thị Thanh Lâm
Ngày ban hành: 28/12/2001
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 64/2001/QĐ-UB Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [5]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…