Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 565/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ MẪU PHỐI HỢP ĐƯA HỌC SINH CỦA CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT THUỘC BỘ TƯ PHÁP ĐI THỰC TẬP TẠI CÁC PHÒNG TƯ PHÁP, CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế mẫu phối hợp đưa học sinh của các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đi thực tập tại các Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Hiệu trưởng các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND các cấp tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Sơn La;
- Các Thứ trưởng;
- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Sơn La;
- Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự các tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Sơn La;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

QUY CHẾ MẪU

PHỐI HỢP ĐƯA HỌC SINH CỦA CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT THUỘC BỘ TƯ PHÁP ĐI THỰC TẬP TẠI PHÒNG TƯ PHÁP, CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN\ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-BTP ngày 01/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về mục đích, nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp giữa các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp với các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự nơi có các Trường Trung cấp Luật đặt trụ sở và một số tỉnh lân cận trong việc đưa học sinh năm cuối của các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đi thực tập tại các Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự nơi có các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đặt trụ sở và một số tỉnh lân cận (sau đây gọi là Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn).

2. Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn (sau đây gọi là cơ sở thực tập).

3. Các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là các Trường Trung cấp Luật).

4. Người hướng dẫn thực tập; học sinh các Trường Trung cấp Luật.

Điều 3. Mục đích phối hợp

Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp giữa các Trường Trung cấp Luật với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn trong việc đưa học sinh các Trường đi thực tập tại các cơ sở thực tập nhằm thực hiện tốt nguyên lý giáo dục, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tế, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập; tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, từng bước hình thành các kỹ năng trong xử lý công việc của học sinh; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa các Trường Trung cấp Luật và các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

1. Phù hợp với quy định của pháp luật và chương trình đào tạo của các Trường Trung cấp Luật.

2. Thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

3. Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chuyên môn của các Trường Trung cấp Luật, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và các cơ sở thực tập có liên quan.

Điều 5. Phương thức phối hợp

Việc phối hợp được thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch, trao đổi ý kiến hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Trường hợp cấp bách các bên có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc qua email, fax; tổ chức họp liên ngành; các phương thức khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP TRONG VIỆC ĐƯA HỌC SINH ĐI THỰC TẬP

Điều 6. Kế hoạch đi thực tập

1. Chậm nhất ngày 30 tháng 11 hàng năm, các Trường Trung cấp Luật xây dựng dự kiến Kế hoạch đi thực tập của học sinh gửi Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn để thống nhất và đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ vào Kế hoạch công tác đã được phê duyệt, chậm nhất 30 ngày trước khi học sinh đi thực tập, các Trường Trung cấp Luật trao đổi, thống nhất Kế hoạch chi tiết và có văn bản gửi các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn về việc cử học sinh đi thực tập.

3. Kế hoạch chi tiết đi thực tập của học sinh phải bao gồm: Danh sách học sinh đi thực tập, cơ sở thực tập, nội dung thực tập và thời gian thực tập.

Điều 7. Danh sách học sinh đi thực tập

Danh sách học sinh đi thực tập do Hiệu trưởng các Trường Trung cấp Luật quyết định, bao gồm các học sinh năm cuối, đã tích lũy đủ các học phần theo chương trình đào tạo Trung cấp Luật và những học sinh đã tham gia thực tập của năm trước nhưng chưa hoàn thành việc thực tập theo quy định.

Điều 8. Cơ sở thực tập

1. Căn cứ vào danh sách các cơ sở dự kiến đến thực tập do Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn giới thiệu, Hiệu trưởng các Trường Trung cấp Luật lựa chọn cơ sở thực tập phù hợp với nguyện vọng của học sinh đăng ký thực tập.

2. Cơ sở dự kiến đến thực tập phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Có phong trào hoặc chất lượng hoạt động tốt;

b) Có đội ngũ công chức nhiệt tình, có năng lực, kinh nghiệm công tác để hướng dẫn thực tập;

c) Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực tập.

3. Mỗi cơ sở thực tập được nhận không quá 05 học sinh đến thực tập trong cùng một thời điểm.

Điều 9. Thời gian thực tập

1. Thực tập của học sinh được thực hiện vào kỳ cuối cùng của khóa học với thời lượng từ 2 đến 3 tháng, bảo đảm phù hợp với chương trình đào tạo Trung cấp Luật.

2. Học sinh vắng mặt trên 20% số thời gian thực tập được quy định tại khoản 1 Điều này được coi là không hoàn thành việc thực tập và phải tham gia thực tập vào năm tiếp theo.

Điều 10. Nội dung thực tập

1. Đối với học sinh đi thực tập tại các Phòng Tư pháp: Giúp công chức Phòng Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 5, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Đối với học sinh đi thực tập tại các Chi cục Thi hành án dân sự: Giúp công chức Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 16, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

3. Đối với học sinh đi thực tập tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Giúp công chức Tư pháp – Hộ tịch thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Thông tư số 06/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 11. Quyền, nghĩa vụ của học sinh thực tập

1. Được người hướng dẫn thực tập cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết các công việc có liên quan phù hợp với nội dung thực tập.

2. Được cơ sở thực tập tạo điều kiện trong quá trình thực tập theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Quy chế này.

3. Được tạo điều kiện về chỗ ăn, ở và hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật và hỗ trợ của địa phương (nếu có).

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật; nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy chế, kỷ luật của cơ sở thực tập.

5. Thực hiện các công việc theo sự phân công của người hướng dẫn thực tập. Trong trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người hướng dẫn thực tập.

6. Chịu trách nhiệm trước người hướng dẫn thực tập và cơ sở thực tập về chất lượng công việc mà mình đảm nhận.

7. Cập nhật đầy đủ sổ nhật ký thực tập theo quy định.

Điều 12. Báo cáo kết quả thực tập

1. Sau khi hoàn thành thời gian thực tập theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế này, học sinh thực tập có trách nhiệm viết báo cáo kết quả thực tập. Báo cáo kết quả thực tập gồm những nội dung chính sau:

a) Thời gian, địa điểm và nội dung thực tập;

b) Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của học sinh thực tập; những kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết công việc thu nhận được từ quá trình thực tập;

c) Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tập và đề xuất, kiến nghị.

2. Báo cáo kết quả thực tập của học sinh phải có nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn thực tập và xác nhận của cơ sở thực tập.

3. Báo cáo kết quả thực tập là căn cứ để chấm điểm thực tập và xét tốt nghiệp đối với học sinh.

Điều 13. Điều kiện đối với người hướng dẫn tập thực tập

1. Người hướng dẫn thực tập là công chức của cơ sở thực tập quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác pháp luật.

2. Mỗi người hướng dẫn thực tập chỉ được hướng dẫn tối đa 3 học sinh thực tập trong cùng một thời điểm.

Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của người hướng dẫn thực tập

1. Hướng dẫn học sinh thực tập cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết các công việc liên quan đến nội dung thực tập.

2. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh thực tập được phân công hướng dẫn; ký xác nhận hàng ngày vào sổ nhật ký thực tập của học sinh.

3. Nhận xét báo cáo thực tập của học sinh, trong đó nêu rõ các ưu điểm, hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc; ý thức chấp hành kỷ luật của học sinh thực tập.

4. Nhiệt tình, trách nhiệm trong việc hướng dẫn học sinh thực tập; chịu trách nhiệm về những việc mà học sinh thực tập thực hiện theo sự phân công của người hướng dẫn thực tập.

Điều 15. Đánh giá kết quả thực tập

1. Căn cứ nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn thực tập và báo cáo thực tập của học sinh, các Trường Trung cấp Luật chấm điểm báo cáo thực tập theo thang điểm 10 và xếp loại như sau:

a) Loại xuất sắc đạt từ điểm 9 đến điểm 10;

b) Loại giỏi đạt từ điểm 8 đến điểm cận 9;

c) Loại khá đạt từ điểm 7 đến điểm cận 8;

d) Loại trung bình khá đạt từ điểm 6 đến điểm cận 7;

đ) Loại trung bình đạt từ điểm 5 đến điểm cận 6;

e) Loại yếu đạt từ điểm 4 đến điểm cận 5;

g) Loại kém đạt dưới điểm 4.

2. Học sinh có kết quả thực tập dưới trung bình thì chưa được xét tốt nghiệp và phải tham gia thực tập vào năm tiếp theo.

Điều 16. Quyền, nghĩa vụ của cơ sở thực tập

1. Phân công công chức đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy chế này hướng dẫn học sinh thực tập và chịu trách nhiệm về việc phân công đó.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, cần ưu tiên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và có chế độ chính sách phù hợp để học sinh đến thực tập có điều kiện tốt nhất hoàn thành công việc được giao.

3. Lập, quản lý, sử dụng sổ theo dõi quá trình thực tập của học sinh thực tập tại cơ quan, đơn vị mình.

4. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người hướng dẫn thực tập đối với học sinh thực tập.

5. Xác nhận đối với nhận xét của người hướng dẫn thực tập về kết quả thực tập của học sinh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Nhiệm vụ của Vụ Tổ chức cán bộ

Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn các Trường Trung cấp Luật, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn, các cơ sở thực tập thực hiện Quy này; thực hiện chế độ báo cáo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tổ chức sơ kết việc thực hiện Quy chế theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Quy chế này.

Điều 18. Nhiệm vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự

Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo và hướng dẫn các Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn tổ chức thực hiện Quy chế này; kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình các cơ quan thi hành án dân sự địa phương triển khai thực hiện Quy chế.

Điều 19. Nhiệm vụ của các Trường Trung cấp Luật

1. Căn cứ Quy chế này, các Trường Trung cấp Luật thống nhất với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn xây dựng Quy chế phối hợp trong việc đưa học sinh đi thực tập tại các Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

2. Xây dựng dự kiến Kế hoạch và kế hoạch chi tiết thực tập của học sinh, ấn định nội dung, thời gian, số lượng các đoàn học sinh thực tập theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quy chế này.

3. Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn tổ chức thực hiện kế hoạch đưa học sinh đi thực tập, trong trường hợp cần thiết có thể thành lập Ban chỉ đạo thực tập gồm đại diện Ban giám hiệu, các phòng, ban, khoa và chủ nhiệm các lớp có liên quan để thực hiện.

4. Thường xuyên liên hệ với cơ sở thực tập để kiểm tra, đánh giá chất lượng thực tập của học sinh.

5. Trên cơ sở tình hình thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết, các Trường Trung cấp Luật phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp trong việc đưa giảng viên mới được tuyển dụng, đang trong thời gian tập sự của Trường đi thực tế tại các cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

Điều 20. Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trên địa bàn

1. Trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký kết, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính trên địa bàn thống nhất chương trình, kế hoạch công tác năm, trong đó có nội dung kế hoạch đi thực tập của học sinh các Trường Trung cấp Luật, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện về chỗ ăn, ở và hỗ trợ kinh phí cho học sinh thực tập.

2. Lựa chọn các cơ sở thực tập có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Quy chế này để thống nhất kế hoạch với các Trường Trung cấp Luật và giao nhiệm vụ cho các cơ sở thực tập theo thẩm quyền triển khai kế hoạch thực tập bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

3. Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở thực tập thực hiện tốt kế hoạch thực tập và đánh giá khách quan, thống nhất kết quả thực tập của học sinh.

Điều 21. Nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn

Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với các Trường Trung cấp Luật trong việc triển khai Quy chế phối hợp đã ký, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 20 Quy chế này.

Điều 22. Sơ kết và sửa đổi, bổ sung Quy chế

1. Hàng năm, các Trường Trung cấp Luật chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn đánh giá việc triển khai thực hiện các Quy chế đã ký kết, từ đó rút kinh nghiệm và sửa đổi, bổ sung các Quy chế đã ký kết cho phù hợp.

2. Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên địa bàn, các cơ sở thực tập có trách nhiệm phối hợp với các Trường Trung cấp Luật đánh giá việc triển khai thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.

4. Bộ Tư pháp sẽ tổ chức sơ kết Quy chế sau 5 (năm) năm thực hiện./.

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 565/QĐ-BTP năm 2016 Quy chế mẫu phối hợp đưa học sinh của Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đi thực tập tại Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu: 565/QĐ-BTP
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
Người ký: Hà Hùng Cường
Ngày ban hành: 01/04/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 565/QĐ-BTP năm 2016 Quy chế mẫu phối hợp đưa học sinh của Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đi thực tập tại Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…