Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3900/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG BÀI GIẢNG MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-BGDĐT ngày 22/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Ban biên soạn Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông;

Căn cứ biên bản cuộc họp và kết luận của Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết định số 2788/QĐ-BGDĐT ngày 27/9/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông (Tài liệu kèm theo).

Điều 2. Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học cơ sở và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng (để p/h);
- Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế (để p/h);
- Lưu:VT, Vụ GDTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 

TÀI LIỆU

HƯỚNG DẪN GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG BÀI GIẢNG MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

MỤC LỤC

PHẦN 1

KHÁI QUÁT VỀ TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ VÀ GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

I. TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VÀ CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ MỚI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE, KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG

1.1. Tác hại của thuốc lá điếu truyền thống

1.2. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

2.1. Vị trí, vai trò giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đối với giáo dục toàn diện HS

2.2. Định hướng về nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và Hoạt động giáo dục cấp THPT

2.3. Định hướng về phương pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng các môn học, Hoạt động giáo dục cấp THPT

2.4. Định hướng đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá

PHẦN 2

HƯỚNG DẪN GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG BÀI GIẢNG MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

1.1. Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

1.2. Nguyên tắc giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

1.3. Quy trình giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

1.4. Phương pháp trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá

1.5. Đánh giá trong tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phòng, chống tác hại của thuốc lá

II. GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỘT SỐ MÔN HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

2.1. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp

2.2. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

2.3. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Sinh học

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Ký hiệu viết tắt

Tên đầy đủ

FDA

Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ

GDPT

Giáo dục phổ thông

GV

Giáo viên

HĐTN

Hoạt động trải nghiệm

HS

Học sinh

KTDH

Kỹ thuật dạy học

PPDH

Phương pháp dạy học

THPT

Trung học phổ thông

TLĐT

Thuốc lá điện tử

TLNN

Thuốc lá nung nóng

WHO

Tổ chức Y tế Thế giới

YCCĐ

Yêu cầu cần đạt

 

DANH LỤC HÌNH

Hình 1. Một số chất độc hại có trong sản phẩm thuốc lá điếu thông thường

Hình 2. Các bệnh do sử dụng sản phẩm thuốc lá thông thường gây ra

Hình 3. Các bệnh do hút thuốc thụ động

Hình 4. Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

Hình 5. Cấu tạo của TLĐT

Hình 6. Các loại TLĐT

Hình 7. Các loại hương vị của tinh dầu TLĐT

Hình 8. Cấu tạo của thuốc lá nung nóng

Hình 9. Các loại thuốc lá nung nóng

Hình 10. Thuốc lá điếu và viên nang trong các sản phẩm TLNN khác nhau

Hình 11. Thuốc lá nung nóng với các hương vị khác nhau

Hình 12. Tổn thương phổi cấp tính liên quan đến TLĐT

Hình 13: Một số hương vị tinh dầu sử dụng cho TLĐT

Hình 14: Một số sản phẩm TLĐT được bán trên thị trường

 

DANH LỤC BẢNG

Bảng 1. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp THPT

Bảng 2. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Bảng 3. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Sinh học cấp THPT

 

LỜI NÓI ĐẦU

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh (HS) độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022); trong nhóm tuổi từ 13 đến 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50% (từ 5,4% năm 2013 xuống còn 2,8% năm 2019). Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở HS cấp học mầm non đến trung học phổ thông (THPT) tại khu vực trường học giảm từ 24,4% (năm 2020) xuống 20,5% (năm 2022).

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận các em HS sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, bên cạnh đó việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: TLĐT, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng. Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng TLĐT trong HS 13-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong HS năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT HS độ tuổi 13 -15 là 3,5%. Theo các chuyên gia WHO tại Việt Nam, với lứa tuổi HS, khi hút một trong các loại trên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập và tương lai sau này.

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua các hoạt động ngoại khóa thì việc lồng ghép giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, HS nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá và có thái độ, ứng xử đúng đắn đối với phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc lá.

Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong một số môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT được biên soạn nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên THPT cập nhật các kiến thức về thuốc lá, tác hại của thuốc lá, cách phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như phương pháp luận tiếp cận và các hình thức thực hiện lồng ghép, tích hợp khối kiến thức này trong việc dạy và học một số môn học, các hoạt động giáo dục ở cấp THPT. Tài liệu bao gồm hai nội dung chính:

Phần 1. Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá. Phần này giúp người đọc hiểu biết hơn về tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe con người, kinh tế, xã hội, và môi trường cũng như vị trí, vai trò của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với việc giáo dục toàn diện người học; giúp xác định được nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giúp người đọc có các định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Phần 2. Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT. Trong phần này, người đọc sẽ xác định mục tiêu, nguyên tắc, quy trình lồng ghép giáo cũng như các hướng dẫn lồng ghép về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT.

Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn và mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc để nội dung tài liệu được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau.

 

PHẦN 1

KHÁI QUÁT VỀ TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ VÀ GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

I. TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VÀ CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ MỚI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE, KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG

1.1. Tác hại của thuốc lá điếu truyền thống

1.1.1 Các thành phần độc hại trong khói thuốc lá

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, “Thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Theo báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Một số chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá gồm:

Nicotine

Nicotine là một chất gây nghiện, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.

Cục quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự Heroin và Cocain. Khi nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào não bộ, các hóa chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích tạo ra nhiều tác động như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ... Vì vậy, để có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc.

Ở những người sử dụng thuốc lá, nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ. Đối với những người hút trên 15 điếu thuốc một ngày, nồng độ nicotine trong máu luôn ở mức cao làm cho việc cai thuốc trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nhiều hóa chất đi kèm nhằm tăng độ hấp thụ nicotine vào cơ thể.[1]

Hắc ín (Tar)

Hắc ín hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Carbon monoxide (khí CO)

Khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây các bệnh về tim mạch, đột quỵ.

Benzene

Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn.

Nitrosamines

Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong khói thuốc và cả trong các sản phẩm thuốc lá không khói.

Ammonia

Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng tăng cường khả năng hấp thụ Nicotine của niêm mạc đường hô hấp, vì thế cùng một lượng khói thuốc hít vào, lượng Nicotine được hấp thụ tăng lên.

Formaldehyde

Là chất dùng trong công nghệ ướp xác, và nó cũng có nhiều trong khói thuốc. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.

Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH): Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác.

Hình 1. Một số các chất độc hại có trong sản phẩm thuốc lá điếu thông thường

1.1.2. Tác hại của hút thuốc lá chủ động

Thế giới hiện có 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc, 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo WHO[2], hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ[3]. Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,23 triệu người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Hình 2. Các bệnh do sử dụng sản phẩm thuốc lá truyền thống gây ra

1.1.2.1. Hút thuốc lá và các bệnh ung thư

Ung thư phổi

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 90% các ca ung thư phổi. Trên thế giới, tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh và có sự liên quan mật thiết với việc hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị mắc ung thư phổi cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Với nam giới hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi, từ 12,2 lên tới 25 lần[4]. Khi hút thuốc lá với lượng lớn hơn và thời gian hút dài hơn, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng lên. [5]

Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện K, hơn 90% những người mắc ung thư phổi là người sử dụng thuốc lá.

Nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc. Bỏ thuốc lá thành công làm hạn chế đáng kể nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi.

Ung thư thanh quản

Thanh quản tiếp xúc trực tiếp với chất sinh ung thư trong khói thuốc lá khi hơi thuốc được hít qua thanh môn ở khoảng giữa hai dây thanh âm. Những người hút thuốc từ 30 đến 39 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc. Những người hút từ 40 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư thanh quản gấp 14 lần so với những người không hút thuốc.

Những người hút thuốc từ 20 đến trên 20 điếu/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 đến 25 lần so với người không hút thuốc [6] [7] [8] [9] .

Ung thư hầu, miệng

Các dẫn chất trong khói thuốc lá có chứa các chất thúc đẩy sự phát triển ung thư trong khoang miệng[10].

Nguy cơ mắc ung thư khoang miệng ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn 27 lần so với nam giới không hút thuốc lá[11]. Con số này lên tới 14 lần đối với ung thư hầu[12]. Nghiên cứu theo dõi của Hội ung thư Hoa Kỳ theo dõi 352.363 nam và 553.593 nữ từ 1982-1996 cho thấy nguy cơ chết do ung thư miệng hầu tăng lên từ 4 đến 13 lần (ở nam) và từ 2 đến 12 lần (ở nữ) khi số lượng điếu thuốc lá hút hàng ngày tăng lên.

Ung thư thực quản

Với đầy đủ các bằng chứng từ nghiên cứu dịch tễ học, y sinh học và thực nghiệm các nhà khoa học Hoa Kỳ đã kết luận được hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản[13]. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá liên tục có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn gấp 3,7 lần so với người không hút thuốc[14].

Ung thư tụy

Các nghiên cứu cho thấy người sử dụng nhiều thuốc lá nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn người không bao giờ hút thuốc từ 3 đến 5 lần. Nguy cơ này giảm đi ở những người đã cai thuốc lá.

Ung thư bàng quang và ung thư thận

Hút thuốc lá có thể gây ra tới 30% đến 40% các trường hợp ung thư bàng quang. Nguy cơ này tăng lên cùng với số lượng và thời gian hút thuốc tăng.

Hút thuốc lá gây ra 70% đến 82% các trường hợp ung thư quanh thận và ung thư niệu quản ở nam và 37% đến 61% ở nữ. Nguy cơ mắc ung thư thận ở những người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc có thể tới 5 lần[15].

Ung thư cổ tử cung

Có mối quan hệ nhân quả giữ hút thuốc lá và ung thư cổ tử cung. Nguy cơ mắc ung thư tử cung ở người hút thuốc có thể cao gấp 5 lần người không hút thuốc. Nguy cơ mắc giảm sau khi cai thuốc[16].

Ung thư dạ dày

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã báo cáo tỷ lệ chết và mắc ung thư dạ dày cao hơn ở nhóm những người hút thuốc. Từ năm 2002, các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã kết luận rằng có đủ bằng chứng chứng tỏ hút thuốc lá có quan hệ nhân quả với ung thư dạ dày[17].

1.1.2.2. Hút thuốc lá và các bệnh tim mạch

Khói thuốc khi vào cơ thể sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút.

Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tim mạch đã được các nhà khoa học phát hiện ra từ những năm 1940. Mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch không chỉ thấy ở cả 2 giới, trong người trẻ và người già mà còn thấy ở tất cả các chủng tộc.

Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ.

Xơ vữa động mạch

Chứng xơ vữa động mạch là do tích lũy các chất béo trong động mạch và gây cản trở và làm hẹp các động mạch. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành do lớp nội mạch bị phá hủy bởi các hóa chất trong khói thuốc.

Một nghiên cứu trên cộng đồng ở Pháp năm 1991 cho thấy so với nhóm nữ không hút thuốc, nhóm nữ hút thuốc có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao gấp 3,9 lần[18]. Một nghiên cứu khác do Fine-Edelstein và cs. (1994) tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng so với nhóm không hút thuốc, nhóm đang hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 2,8 lần (ở nam) và 3,1 lần (ở nữ) [19].

Bệnh mạch vành

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá và nhồi máu cơ tim cho dù nghiên cứu được thực hiện trên chủng tộc hay dân tộc nào[20]. Hút thuốc lá còn được xác định là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng nhất của bệnh nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi [21] [22]. So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc, lên 3 lần ở người hút từ 1-14 điếu/ngày và lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu thuốc/ngày.

Nguy cơ mắc và chết do bệnh mạch vành ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 2,5 lần đến 75 lần tùy theo mức độ hút thuốc, theo giới và tuổi.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ chết đột ngột do kết dính tiểu cầu, giải phóng những chất catecholamines gây ra huyết khối cấp tính và loạn nhịp tim. Các bằng chứng cho thấy nicotine ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền của tế bào cơ tim, thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá với loạn nhịp tim và chết đột ngột [23].

Bệnh mạch máu não

Bệnh mạch máu não là một hội chứng tổn thương thần kinh do máu tưới lên não bị ngắt quãng. Tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo vùng não bộ nào bị tổn thương và có thể là tạm thời (thiếu máu cục bộ tạm thời) hay vĩnh viễn (đột quỵ).

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa đã khẳng định hút thuốc lá là một nguyên nhân gây ra bệnh mạch máu não. Một nghiên cứu theo dõi 40 năm từ 1951 đến 1991 của Doll và cs. (1994) khẳng định liên quan giữa hút thuốc và chết cho đột quỵ. Nguy cơ chết do đột quỵ ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 1,3 đến 2,1 lần tùy vào loại đột quỵ. Với những người hút thuốc nhiều hơn, nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, cụ thể là nguy cơ chảy máu dưới màng não tăng lên từ 1,4 đến 1,7 và 3,4 lần ở ba nhóm tương ứng hút từ 1-14 điếu thuốc lá/ngày, hút từ 15-24 điếu/ngày và hút từ trên 24 điếu/ngày [24].

Cao huyết áp

Một tác động nguy hiểm khác của khói thuốc là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong vòng vài phút hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng. Để phản ứng lại sự kích thích này, mạch máu co bóp lại buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để luân chuyển ô xy. Một số nghiên cứu cho thấy huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày làm tăng huyết áp trung bình, dẫn đến các bệnh về tim mạch.

Hút thuốc còn làm giảm tác dụng của việc điều trị tăng huyết áp do các chất hóa học trong khói thuốc kích thích gan sản xuất enzym vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc.

1.1.2.3. Hút thuốc lá và các bệnh về hô hấp

Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi và chức năng phổi như: tổn thương phổi, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, làm giảm chức năng phổi. Hút thuốc lá còn gây ra nhiều triệu chứng hô hấp tính như: ho mạn tính, khò khè, có đờm, khó thở.

Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Những sự thay đổi cấu trúc phổi ở những người hút thuốc làm giảm khả năng lấy oxygen của phổi. Khói thuốc gây phá hủy phế nang làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi oxygen. Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, từ đó dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxygen cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.

Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng giảm thông khí đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc, và do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở.

Các bệnh hô hấp cấp tính

Hút thuốc lá làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 đến 7 lần. So với nhóm không hút thuốc, tỷ lệ chết do lao hô hấp ở nhóm hút thuốc lá cao hơn 3 đến 5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 đến 2,6 lần[25].

Các bệnh hô hấp mạn tính

Bodner và cs. (1998) đã tiến hành một nghiên cứu bệnh chứng ở người từ 35 đến 49 tuổi cho thấy so với người không hút thuốc, người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc chứng thở khò khè cao gấp 2 lần và mắc chứng ho mãn tính và có đờm gấp 11,5 lần. Những người đã cai thuốc nguy cơ thở khò khè giảm xuống.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuật ngữ để chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tử vong. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới.

Mối liên quan giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hút thuốc cũng mạnh như với ung thư phổi. Theo các thống kê cho thấy, 90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người nghiện thuốc lá.

Hen

Ở người hút thuốc bệnh hen sẽ bị nặng hơn. Người mắc bệnh hen là người hút thuốc lá có nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm bệnh và dị ứng. Người mắc bệnh hen có triệu chứng hô hấp mạn tính cao hơn ở người không hút thuốc.

Viêm đường hô hấp mãn tính

Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp mãn tính cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ phải chịu đựng số lần mắc bệnh nhiều hơn mà họ phải chịu nhiều các đợt bệnh ở mức độ nặng hơn.

1.1.2.4. Hút thuốc lá và các bệnh về sức khỏe sinh sản

Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới

Hút thuốc giảm lượng tinh trùng: các nghiên cứu chỉ ra rằng các chất độc trong khói thuốc kìm hãm chất enzym - là chất cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. So với người không hút thuốc, mật độ tinh trùng của người hút thuốc giảm 13% [26].

Hút thuốc làm biến đổi hình dạng tinh trùng: Ở những người hút thuốc có phần trăm tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn tới sảy thai, thai nhi dị tật bẩm sinh, hoặc biến chứng khi sinh.

Nghiện thuốc lâu năm có thể dẫn tới chứng liệt dương: Giống như cơ chế gây tắc nghẽn mạch máu ở tim do quá trình xơ vữa động mạch, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi của bệnh xơ vữa động mạch trong mạch máu của dương vật, làm giảm khả năng cương cứng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Nguyên nhân do các chất độc trong khói thuốc làm xơ vữa động mạch ở dương vật, làm giảm lượng máu tới dương vật.

Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới

Các nghiên cứu khoa học hiện nay đã chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc với khả năng sinh sản ở nữ giới. Hút thuốc làm giảm khả năng sinh sản của nữ, làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai [27]. So với nữ không hút thuốc, nữ hút trên một bao thuốc một ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy phụ nữ hút thuốc, khả năng mang thai chỉ bằng từ 50% đến 89% so với phụ nữ không hút thuốc [28] [29].

Các nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của việc thai ngoài tử cung. Phụ nữ hút thuốc làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung từ 1,3 đến 2,5 lần, gây đẻ non hoặc thai chết lưu từ 1,4 đến 2,4 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra hút thuốc còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ sơ sinh.

1.1.2.5. Hút thuốc lá và ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài

Hút thuốc lá có thể khiến cho người hút thuốc trông có vẻ già hơn tuổi và ngoại hình sẽ trở nên kém hấp dẫn bởi răng bị ố vàng, hơi thở có mùi hôi, da xỉn, đầu tóc, quần áo luôn ám mùi khói thuốc.

Màu da của người hút thuốc sẽ có xu hướng ngả về tông màu cam hoặc xám do thiếu lượng oxy cung cấp cho các tế bào da, cùng với các tác động tiêu cực của nhiều hóa chất khác trong thuốc lá. Chất nicotin và các chất độc khác có trong thuốc lá sẽ bám màu vào răng, ngón, móng tay, khiến chúng dần chuyển sang màu vàng và có mùi khó chịu. Việc này gần như không thể loại bỏ bằng xà phòng hay nước. Cách duy nhất để thực sự thoát khỏi tình trạng vàng da này là ngừng hút thuốc [30].

1.1.3. Tác hại của hút thuốc lá thụ động

Hình 3. Các bệnh do hút thuốc lá thụ động

1.1.3.1. Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với người lớn

Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Một số bệnh điển hình như:

Hút thuốc thụ động và bệnh ung thư phổi

Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc[31].

Hút thuốc thụ động và bệnh tim mạch

Hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.

Hút thuốc thụ động và sức khỏe sinh sản

Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động còn được biết đến là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200-400gram.

1.1.3.2. Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em

Ở Việt Nam, hút thuốc là thói quen của nam giới và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thường bao gồm con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc.

Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như

cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bệnh tật nào khác có thể gây tử vong khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần [32].

Cân nặng khi sinh thấp

Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.

Các vấn đề về hô hấp

Viêm đường hô hấp cấp tính: là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ: là ho nhiều, nhiều nước dãi hoặc đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên. Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác.

Viêm tai giữa

Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc thụ động ở trẻ em và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe.

Các triệu chứng hen

Hen là một dạng mắc hô hấp mãn tính được mô tả là sưng đường dẫn khí, làm cản trở một phần đường dẫn khí, gây thường xuyên thở khò khè và khó thở. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, hút thuốc thụ động sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và tái phát bệnh thường xuyên hơn.

Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ; nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.

Suy giảm sự phát triển chức năng phổi

Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ [33].

1.1.4. Tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới kinh tế và môi trường

1.1.4.1. Trên thế giới

Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; Chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá [34].

Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng hóa chất, chất thải độc hại, đầu mẩu thuốc lá, bao gồm cả vi hạt nhựa và chất thải từ TLĐT.

Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ. Bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá thuốc còn làm suy giảm năng suất lao động, giảm thu nhập của hộ gia đình.

Hình 4. Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

1.1.4.2. Tại Việt Nam

Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra.

Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Ước tính số tiền người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá hàng năm là 49.000 tỷ VND/năm (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra: Trên thế giới khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá [35]. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.

1.2. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Trong những năm gần đây, nhiều loại sản phẩm gọi là thuốc lá mới đã được các công ty đa quốc gia đưa ra thị trường, bao gồm: TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha và các loại khác (thuốc hít, nhai…). Các loại thuốc lá mới này còn có các tên gọi khác nhau như: sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (next generation products); sản phẩm nicotin dạng hơi (vaporized nicotine products); sản phẩm nicotin thay thế (alternative nicotine products); ...

TLĐT và thuốc lá nung nóng là hai loại sản phẩm thuốc lá mới có xu hướng sử dụng gia tăng và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, đặc biệt là ở giới trẻ. Các sản phẩm này hiện không được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.

1.2.1. Thông tin chung về đặc điểm, cấu tạo, thành phần của TLĐT, thuốc lá nung nóng

1.2.1.1. Đặc điểm, cấu tạo của TLĐT

TLĐT (Electronic Nicotine Delivery Systems - ENDS), còn được gọi tên khác như E- cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào [36].

TLĐT có bốn bộ phận chính gồm pin, bộ phận cảm biến, buồng đốt/bộ phun, và bộ phận ống chứa dung dịch điện tử.

Hình 5. Cấu tạo của TLĐT

(Nguồn: Cục Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ - Từ điển hình ảnh về các sản phẩm TLĐT)

Các loại TLĐT

Các thiết bị TLĐT khác nhau về hình dạng, kích thước và chức năng. Có nhiều “thế hệ” TLĐT khác nhau tùy theo công nghệ và thiết kế, từ thế hệ TLĐT đầu tiên có hình dạng “giống điếu thuốc” và sử dụng 1 lần đến các thiết bị TLĐT sử dụng nhiều lần hiện nay.

TLĐT sử dụng một lần

Có hình giống điếu thuốc (cigalike), không thể sạc hay tái nạp lại dung dịch điện tử, dùng một lần cho đến khi hết pin hoặc hết dung dịch có sẵn trong thiết bị.

TLĐT sử dụng nhiều lần (vape pens)

Có ống chứa dung dịch điện tử được đóng sẵn bởi nhà sản xuất và có thể thay ống mới khi sử dụng hoặc có bộ phận chứa dung dịch điện tử có thể tái nạp sau khi sử dụng. Ống chứa dung dịch điện tử được gắn vào pin. TLĐT này có hình như chiếc bút (vape pen).

TLĐT sử dụng nhiều lần (tank systems)

Có đầu đốt dung dịch điện tử và thân máy tích hợp bộ điều khiển và pin (tanks mods) cho phép người sử dụng có thể điều chỉnh được nhiệt độ và thay đổi thành phần dung dịch điện tử. Thiết bị có thể sạc và sử dụng nhiều lần.

TLĐT sử dụng nhiều lần (pod systems)

Có phần đầu là bình chứa dung dịch điện tử được nạp sẵn hoặc tái nạp gắn với thân máy tích hợp hệ thống có thể điều chỉnh (Pod- mods). Sản phẩm thường sử dụng muối nicotine thay vì nicotine đơn thuần như trong các sản phẩm TLĐT khác, cho phép dung nạp nicotine nồng độ cao.

Hình 6. Các loại TLĐT

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại TLĐT mới kết hợp chức năng của các sản phẩm điện tử khác, chẳng hạn như TLĐT Bluetooth kết hợp hút TLĐT với nghe nhạc hoặc gọi điện cho bạn bè[37] [38]. Các thiết bị khác có thể được sử dụng vừa là TLĐT vừa là điện thoại di động như Vaporcade Jupiter [39].

Dung dịch điện tử/tinh dầu dùng trong TLĐT

Dung dịch hay còn gọi là tinh dầu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT có thành phần, nồng độ rất khác nhau. Chúng thường là hợp chất có chứa: nicotine, propylene glycol, glycerin, và chất tạo hương vị. Một số rất ít TLĐT không chứa nicotine.

Thành phần chính của dung dịch điện tử/tinh dầu như sau:

o Nicotine

Nicotine là một chất gây nghiện cao. Chất nicotine có trong TLĐT có nguồn gốc từ chiết xuất từ thuốc lá hoặc nicotine tổng hợp nhân tạo. Hàm lượng nicotine của TLĐT có thể dao động từ 0 mg/ml đến hơn 66 mg/ml (ít nhất gấp đôi hàm lượng nicotine trong một điếu thuốc lá tiêu chuẩn).

Nicotine được sử dụng trong dung dịch điện tử/tinh dầu có các dạng khác nhau. Nicotine gốc tự do là một dạng nicotine được biến đổi và có thể khiến thuốc lá trở nên gây nghiện hơn bằng cách đưa nicotine nhanh chóng vào não. Gần đây, các nhà sản xuất TLĐT đã phát triển các muối nicotine cung cấp lượng nicotine cao hơn cho người dùng [40].

o Propylene glycol (PG) and glycerol

Các hợp chất này là chất mang nicotine và một số hương liệu. Tỷ lệ của 2 hợp chất này thường quyết định trải nghiệm với TLĐT vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ êm, và khói (đám mây) được tạo ra trong quá trình sử dụng. Bụi mịn và siêu mịn ở trong sol khí thụ động có thể được hình thành từ hơi 1, 2-propanediol (propylene glycol) bão hòa[41].

o Hương vị

Có khoảng 16.000 hương vị độc đáo có sẵn ở trên thị trường, nhiều loại trong số đó hấp dẫn trẻ em [42] [43] [44] [45]. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotine và đóng vai trò trong quyết định sử dụng TLĐT lần đầu của người dùng[46]. Hương vị làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, do đó, thay đổi nhận thức liên quan đến việc sử dụng[47]. Ví dụ, hương vị như tinh dầu bạc hà góp phần thúc đẩy và duy trì việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, trong khi các hương vị như quế có thể cải thiện vị ngon của sản phẩm [48] [49].

Các loại hương vị khác nhau là yếu tố hấp dẫn người sử dụng TLĐT và là yếu tố thúc đẩy thanh thiếu niên thử TLĐT và nghiện nicotine.

Hình 7. Các loại hương vị của tinh dầu TLĐT

Chất độc hại trong khói TLĐT (hạt khí dung hay sol khí)

Sol khí (sau đây gọi là khói TLĐT) được tạo ra do quá trình làm nóng dung dịch TLĐT, chứa rất nhiều hợp chất[50]

Nicotine;

Hợp chất của cacbon: acetaldehyde, aceton, acrolein, hợp chất hữu cơ formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs);

Nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA);

Kim loại: chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường;

Chất tạo mùi hương: diacetyl and acetyl propionyl...

1.1.2. Đặc điểm, cấu tạo của thuốc lá nung nóng

Thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Products - HTPs) là thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định hoặc kích hoạt thiết bị có chứa sợi thuốc lá, tạo ra sol khí chứa nicotine và các chất phụ gia tạo hương vị cho người dùng hít vào. Nhiệt độ do thuốc lá nung nóng tạo ra (trực tiếp hoặc gián tiếp) lên đến 350ºC, thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá truyền thống (600ºC) [81].

Thuốc lá nung nóng có cấu tạo cơ bản gồm ba phần chính gồm phần sạc pin, tẩu hút (có chứa pin) và phần thuốc lá chuyên dụng.

Hình 8. Cấu tạo của thuốc lá nung nóng

(Nguồn: Tạp chí ScienceDirect - Đánh giá hệ thống nhiệt thuốc lá[82])

Phần sạc pin (charger): dùng để sạc cho tẩu thuốc sau mỗi lần hút. Hộp sạc chứa pin lớn hơn dự trữ đủ năng lượng để sạc tẩu hút 20 lần. Tùy vào từng dòng máy mà hộp sạc sẽ có thiết kế khác nhau đôi chút về hình dáng.

Phần tẩu hút thuốc (holder): được thiết kế để gắn phần điếu thuốc lá vào và có thanh tạo nhiệt được điều khiển bằng điện tử.

Phần điếu thuốc lá chuyên dụng (tobacco stick): chứa thuốc lá được chế biến phù hợp để tạo khói.

Các loại thuốc lá nung nóng

Thuốc lá nung nóng cũng có nhiều loại thiết kế khác nhau. Đáng lưu ý là ngày càng có nhiều sản phẩm thuốc lá “lai” mới có chứa cả nguyên liệu lá thuốc lá và dung dịch nicotine, và thiết bị hóa hơi có thể làm nóng thảo mộc khô bao gồm cả cần sa.

Thuốc lá nung nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá được thiết kế dạng điếu, hoặc ổ cắm hoặc viên nang.

Thuốc lá nung nóng nung nóng dung dịch điện tử để tạo ra khí dung (sol khí) và sau đó đưa lượng khí này vào khoang chứa nguyên liệu thuốc lá để hấp thu hương vị và nicotine từ thuốc lá.

Thuốc lá nung nóng có gắn thiết bị làm nóng sợi thuốc lá hoặc cả lá thuốc lá và thảo mộc khô bao gồm cần sa.

Hình 9. Các loại thuốc lá nung nóng

(Nguồn: Tạp chí Frontiers-Thuốc lá nung nóng: tổng hợp các hiểu biết và đánh giá ban đầu)

Nguyên liệu thuốc lá dùng trong thuốc lá nung nóng

Nguyên liệu thuốc lá sử dụng trong thuốc lá nung nóng là thuốc lá đã qua chế biến, các chất phụ gia không phải thuốc lá và các hương liệu. Thuốc lá có thể ở hình thức điếu hoặc ở các hình thức thiết kế đặc biệt khác như thanh, viên nang chứa thuốc lá băm nhỏ.

Hình 10. Thuốc lá điếu và viên nang trong các sản phẩm TLNN khác nhau

Nhiều sản phẩm thuốc lá nung nóng cũng có chứa chất tạo hương vị để tăng tính hấp dẫn. Các hương vị phổ biến như trái cây, bạc hà, cà phê,v.v.[83]

Hình 11. Thuốc lá nung nóng với các hương vị khác nhau

Các hóa chất có trong khói của thuốc lá nung nóng

Khói của thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường, các hóa chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có hương vị. Các hóa chất trong thuốc lá nung nóng có khả năng gây hại cho sức khỏe gồm: kim loại nặng, formaldehyde, nicotine, hydrocarbon thơm đa vòng, cacbon monoxide, accetaldehyde, acrolein.

1.2.2. Tác hại của sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng tới sức khỏe của người hút thuốc chủ động

1.2.2.1. Tác hại của TLĐT đến sức khỏe của người sử dụng

Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh

Nicotine có trong TLĐT là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.

• Nicotine làm cho người hút thuốc lá nhanh chóng bị nghiện thuốc lá (lệ thuộc vào nicotine) dù chỉ sau vài lần hút thuốc. Nicotine có thể vào não bộ từ 7 đến 10 giây sau khi hút TLĐT, làm tăng lượng dopamine trong não và làm người hút thuốc cảm thấy sảng khoái. Khi đã bị nghiện thuốc lá, nếu thiếu thuốc lá hoặc dừng hút thuốc sẽ có biểu hiện thèm thuốc, cơ thể mệt mỏi, chán nản, hay cáu kỉnh. Để cai nghiện thuốc lá rất khó, và mất nhiều thời gian và công sức.

• Sử dụng nitcotine liều cao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

• Sử dụng nicotine lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, do vậy đặc biệt tác động đối với trẻ em. Do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn.

• Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác (như ma túy) ở nhóm tuổi này. Hơn nữa, sử dụng TLĐT ở giới trẻ cũng làm tăng khả năng hút thuốc lá trong tương lai.

• Các dung dịch TLĐT hoặc dung dịch có trong một số loại thuốc lá nung nóng dạng “lai” trong quá trình sử dụng người dùng/người sản xuất có thể phối trộn thêm các chất ma túy rất khó kiểm soát.

Gây ra bệnh lý đường hô hấp

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã khẳng định rằng TLĐT tạo ra các hóa chất độc hại giống như thuốc lá điếu thông thường, kèm theo các phụ gia hương liệu và kim loại nặng. Những chất này có thể gây hại cho sức khỏe và tác động tiêu cực của TLĐT đối với chức năng phổi đã được ghi nhận. Các bệnh lý tổn thương phổi nghiêm trọng liên quan đến TLĐT có thể kể đến:

Bệnh “phổi bỏng ngô” (popcorn lung) hay còn gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, một bệnh hiếm gặp được cho là do diacetyl, một trong các hóa chất tạo mùi hương trong khói TLĐT có khả năng đi sâu vào phổi gây ra. Các biểu hiện thường gặp là ho, thở khò khè, đau ngực và thở nông. Hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này[51].

Bệnh viêm phổi lipoid có liên quan đến hút TLĐT và cả thuốc lá nung nóng (vaping- related lipoid pneumonia) là hậu quả của việc hít các hợp chất dầu có trong dung dịch điện tử. Các axit béo bám dính vào phổi và gây ra phản ứng viêm tại phổi. Các triệu chứng thường gặp là ho mạn tính, thở nông, ho ra máu hoặc đờm có máu. Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này [52].

Hội chứng tổn thương phổi cấp do TLĐT (EVALI) là hậu quả nổi bật nhất do sử dụng TLĐT. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2 năm 2020. Tetrahydrocannabinol (THC) và Vitamin E acetate có trong TLĐT được cho là nguyên nhân gây hội chứng này. Các triệu chứng thường gặp là khó thở, ho, đau ngực, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, thở nhanh và nông[53], thiếu oxy máu, X-quang có các đám mờ vùng khí quản hai bên. Bệnh nhân EVALI thường phải nhập viện và nhiều trường hợp cần đến trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

Hình 12. Hình ảnh tổn thương phổi cấp tính liên quan đến TLĐT[54]

Suy giảm chức năng phổi: Kim loại được giải phóng từ khói TLĐT, tùy mức độ tiếp xúc, có khả năng gây ra khó thở, kích ứng phế quản và phổi, kích ứng màng nhầy ở mắt và đường hô hấp trên[55].

Hen suyễn, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): sử dụng TLĐT lâu dài có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Triệu chứng thường gặp của bệnh là ho, khó thở kéo dài vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống[56].

Hơn nữa, TLĐT được cho là có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh phổi khác, bao gồm xơ nang, viêm phổi kích ứng đường hô hấp, chủ yếu là đường hô hấp trên, hội chứng suy hô hấp cấp tính, thay đổi chức năng tế bào miễn dịch, thay đổi chức năng tế bào biểu mô, thay đổi biểu hiện gen và protein của tế bào biểu mô, và xuất huyết phế nang[57].

Tác hại lên hệ tim mạch

Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng TLĐT tác động đến chức năng tim mạch[58] [59]. Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy dù chỉ tiếp xúc với TLĐT trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra rối loạn chức năng mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, trong lâu dài là nguy cơ biến chứng mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.

Tăng nguy cơ ung thư

Một số hợp chất có trong khói TLĐT như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường.

Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.

Gây ra các bệnh răng, miệng

Người sử dụng TLĐT có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác và tổn thương niêm mạc miệng cao hơn nhiều so với những người không bao giờ sử dụng. Nguy cơ mắc bệnh nha chu ở người sử dụng TLĐT cũng cao hơn đáng kể so với người không hút thuốc và tương đương với người hút thuốc lá bởi tiếp xúc với TLĐT có ảnh hưởng tới sự hình thành màng vi khuẩn, điều chỉnh phản ứng viêm miệng, tăng cường sự gắn kết của tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) với các tế bào biểu mô miệng, do đó, thúc đẩy viêm nha chu và tiền ung thư[60].

Tác hại lên sự phát triển và sinh sản

TLĐT chứa nhiều chất có hại, trong đó có chất gây rối loạn nội tiết gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng lên quá trình phát triển hình thái và chức năng của cơ quan sinh sản. Một số tinh dầu có hương vị cụ thể trong TLĐT có khả năng gây độc tế bào đặc biệt với tế bào gốc phôi thai, gây giãn phế quản ở trẻ sơ sinh và các biến chứng khác. Trong số các hương vị, hương quế (cinnamaldehyde and 2-methoxycinnamaldehyde) là hóa chất có độc tính tế bào mạnh nhất.

Các nguy cơ khác của việc sử dụng TLĐT

Ngộ độc

Ngộ độc do sử dụng TLĐT bao gồm cả do vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn), đã được báo cáo ở Mỹ[61], Châu Âu[62] và các quốc gia khác trong những năm gần đây.

Từ năm 2015 đến năm 2022, tổng cộng 66 trường hợp ngộ độc được báo cáo tiếp xúc với TLĐT và chất lỏng của TLĐT ở Malaysia. Hơn một nửa (40 trường hợp) liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp đều vô tình nuốt phải chất lỏng của TLĐT (76%) tại nhà và các triệu chứng do phơi nhiễm dao động từ nhẹ đến nặng, bao gồm nhiễm toan chuyển hóa, co giật và suy nhược hệ thần kinh trung ương[63].

Ở Việt Nam, nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT trong HS đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi HS, trong đó có cả nữ giới. Một số trường hợp điển hình theo phản ánh của các cơ quan báo chí như: Ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong TLĐT. Ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút TLĐT bơm tinh dầu. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê. Ngày 22/8/2022, 7 HS trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu TLĐT rồi cùng nhau hút sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp và sau đó được đưa đi cấp cứu. Ngày 01/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút TLĐT được bơm tinh dầu mua trên thị trường. Ngày 9/11/2022, một nam sinh 12 tuổi hút TLĐT đã được đưa đến bệnh viện. Sau khi hút, xuất hiện các cơn run, chóng mặt, khó thở và co giật. Kết quả xét nghiệm mẫu TLĐT cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc. Ngày 5/12/2022, 7 HS lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải TLĐT. Ngày 7/12/2022, bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của TLĐT, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, v.v.[65]

Bỏng và chấn thương

Bỏng nhiệt, bỏng kiềm (do lithium hydroxit), cháy nhà và thậm chí thương vong đã được báo cáo do sử dụng TLĐT[66]. Các thiết bị TLĐT cho phép người dùng tùy chỉnh các thành phần không tương thích với nhau, ví dụ: thay đổi ống tinh dầu hay điều chỉnh nhiệt độ làm nóng. TLĐT bị lỗi, kém chất lượng hoặc tuỳ chỉnh không hợp lý làm thiết bị và/hoặc pin quá nóng và có thể phát nổ, dẫn đến bỏng nhiệt/lửa, bỏng hóa chất và chấn thương do nổ ở vùng mặt, tay và đùi hoặc háng[67].

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ từ năm 2015 đến 2017, ước tính có khoảng 2.035 vụ nổ TLĐT và các tổn thương do bỏng tại các khoa cấp cứu của bệnh viện Hoa Kỳ[68] [69]. Từ năm 2016 đến 2019, 15 thanh thiếu niên Mỹ (13-18 tuổi) bị chấn thương do nổ thiết bị TLĐT. Các chấn thương bao gồm bỏng mặt, đùi, háng, bàn tay, mắt, mất nhiều răng, chấn thương dây thần kinh hướng tâm, rách mặt và gãy xương hàm dưới[70]. Ít nhất hai trường hợp chết đã được ghi nhận ở Mỹ do TLĐT phát nổ[71] [72].

Hiệu ứng cửa ngõ-tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống và các chất gây nghiện khác bao gồm cả ma túy

Các nghiên cứu xã hội và báo cáo phân tích của WHO đã cảnh báo rằng, TLĐT đóng vai trò là cửa ngõ khiến cho trẻ em và thanh thiếu niên sau này sẽ sử dụng thuốc lá thông thường[73] [74] [75] [76].

Bằng chứng cho thấy việc tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống[77] [78], tăng nguy cơ sử dụng rượu và uống rượu say[79], và sử dụng ma túy bất hợp pháp[80] ở những thanh niên đang sử dụng TLĐT mà trước đây chưa từng có ý định hút thuốc.

1.2.2.2. Tác hại của thuốc lá nung nóng đến sức khỏe của người sử dụng

Do có tính tương đồng với thuốc lá điếu thông thường về thành phần nguyên liệu, thuốc lá làm nóng cũng gây nghiện do có chứa nicotine và có những tác hại đối với sức khỏe tương tự như thuốc lá điếu thông thường hiện nay. Những sản phẩm này mới được đưa vào thị trường gần đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của chúng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, tích lũy. Tuy nhiên, các nghiên cứu y khoa tiến bộ đã chỉ ra được những tác hại tiêu biểu và không kém phần nguy hiểm cần được lưu ý:

Tác hại lên hệ hô hấp

TLNN có chứa và thải ra nicotine. Theo WHO, hàm lượng nicotine trong nhiều loại TLNN gần bằng thuốc lá điếu truyền thống[84].

Ngoài những hậu quả lâu dài do tiếp xúc với nicotine trong TLNN như với TLĐT, TLNN còn có thể gây hại hơn TLĐT do tạo ra carbonyl (acrolein, acetaldehyde, formaldehyde) và hydrocarbon thơm đa vòng đều là chất có hại cho phổi[85], trong đó có bệnh viêm phổi lipoid.

Tác hại lên hệ tim mạch

Người dùng TLNN có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương tự như hút thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy tác động cấp tính lên nhịp tim, huyết áp và độ cứng động mạch giữa hút thuốc lá nung nóng và thuốc lá truyền thống là như nhau[86]. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim và các tổ chức mô khác, theo đó qua thời gian làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein có trong TLNN góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và cả đột quỵ giống carbon monoxide.

Tăng nguy cơ ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng TLNN chứa các thành phần gây ung thư ở mức độ tương tự như trong thuốc lá điếu thông thường và nhiều độc chất khác ở mức độ cao hơn so với khói thuốc lá như glycidol, formaldehyde và acetaldehyde, …Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn trong khi phơi nhiễm chất nitrosamines đặc trưng có liên quan tới các loại ung thư như ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung.

Tác động lên phụ nữ mang thai và trẻ em

Do tác dụng phụ rõ ràng của nicotine đối với sự phát triển và chức năng sinh sản, việc sử dụng TLNN ở phụ nữ mang thai và trẻ em được quan tâm đặc biệt. TLNN có liên quan đáng kể đến bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng đối với thanh thiếu niên[87] và hút TLNN khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân so với tuổi thai[88], gây ra đẻ non, thai chết lưu cùng hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ.

Tăng nguy cơ bị bệnh răng, miệng

Người sử dụng TLNN và các sản phẩm thuốc lá khác có tỷ lệ mắc bệnh nha chu cao hơn so với những người không bao giờ sử dụng[89].

1.2.3. Tác hại của TLĐT, TLNN đối với người hút thuốc thụ động

Với bản chất hóa hơi của TLĐT và TLNN, thì nguy cơ gây hại là rõ ràng khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, ngay cả khi các hóa hơi này không được nhìn rõ. WHO và Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NASEM) đều xác định rằng có bằng chứng thuyết phục cho thấy sol khí của TLĐT làm tăng nồng độ các hạt vật chất, nicotine và một số chất độc trong không khí [90] [91].

Các nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng phơi nhiễm trực tiếp với sol khí của TLĐT làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở thanh thiếu niên[92], cũng như gây ho, buồn nôn/nôn, viêm họng và kích thích hô hấp hoặc nhiễm độc nicotine cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên[93]. Người tiếp xúc thụ động với sol khí HTPs có các triệu chứng ngắn hạn như đau họng, đau mắt và cảm giác không khỏe[94].

WHO[95] và các chuyên gia về không khí trong nhà[96] khuyến cáo rằng hút TLĐT, thuốc lá nung nóng nên bị cấm ở những nơi cấm hút thuốc.

1.2.4. Ảnh hưởng của TLĐT, TLNN tới xã hội, kinh tế, môi trường

1.2.4.1. Nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội

TLĐT và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng TLĐT cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng TLĐT đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử[97]. Ở Việt Nam, nhiều trường hợp HS phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong TLĐT đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công an [99] [99] [100]. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

1.2.4.2. Ảnh hưởng tới môi trường

Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Rác thải của bộ phận điện tử của TLĐT và thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần. Theo báo cáo của WHO năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: hai phần ba lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá: trồng cây, sấy, ... Thêm vào đó, thiết bị TLĐT, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch…, quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine, ...Thực tế tại Mỹ, 58 triệu sản phẩm TLĐT được bán ra trong năm 2015, trong đó có 19,2 triệu sản phẩm dùng một lần[101]. Các sản phẩm TLĐT thiếu hướng dẫn người dùng cách vứt bỏ sản phẩm.

1.2.4.3. Ảnh hưởng tới an sinh xã hội, kinh tế và sự phát triển bền vững

TLĐT gây gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan đến bệnh tật lớn. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP[102].

Tiêu dùng TLĐT, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng tới đói nghèo và phát triển bền vững. Các hãng TLĐT, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người[103]. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

1.2.5. Sự thật liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới

1.2.5.1. TLĐT, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường

WHO đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường.” [104] TLĐT, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên[105].

Khói TLĐT có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu truyền thống) [106].

Khói thuốc lá nung nóng có chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu truyền thống. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu truyền thống, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe[107].

Không có bằng chứng khoa học của tuyên bố: “TLĐT giảm hại hơn 95% so với thuốc lá thông thường.” Thông tin này được đưa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học[108].

FDA không phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS là “giảm hại”. FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác[109].

WHO khuyến cáo các quốc gia cần có biện pháp “ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của TLĐT, thuốc lá nung nóng” (COP8/FCTC).

1.2.5.2. TLĐT, thuốc lá nung nóng không giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường

Các sản phẩm phân phối nicotine thay thế, như TLĐT và TLNN, bằng cách nhanh chóng đưa nicotine vào não tương tự như thuốc lá, giúp duy trì chứ không làm mất đi việc nghiện nicotine.

Theo WHO, chưa có bằng chứng cho thấy TLĐT, TLNN giúp cai thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng TLĐT, TLNN tăng nguy cơ sử dụng kép các loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả TLĐT, TLNN và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.

Ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống (CDC Hoa Kỳ) [110]. Khoảng 70% người dùng TLNN ở Nhật Bản và 96,2% người dùng TLNN ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời TLNN với thuốc lá điếu truyền thống[111].

Mặt khác, TLĐT/TLNN cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm chưa từng sử dụng TLĐT[112].

Trên thế giới, hàng triệu người hút thuốc đã bỏ thuốc lá qua các biện pháp kiểm soát thuốc lá của chính phủ, mà không sử dụng bất kỳ loại cai nghiện thuốc lá nào. Việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang TLĐT, thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá. Thay vào đó, chính phủ nên thúc đẩy cai thuốc lá để giúp người hút thuốc không bị nghiện tất cả các dạng nghiện nicotine.

1.2.5.3. TLĐT, thuốc lá nung nóng là sản phẩm không chỉ dành cho người trưởng thành hút thuốc mà còn nhắm tới giới trẻ

Ngành công nghiệp thuốc lá thường lập luận rằng các sản phẩm TLĐT, TLNN là những sản phẩm ít độc hại và chỉ dành cho những người trưởng thành sử dụng để giảm độc hại. Tuy nhiên, trên thực tế, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau họ đang nhắm tới đối tượng khách hàng mới là thanh thiếu niên. Số liệu thống kê cho thấy xu hướng sử dụng TLĐT và nung nóng trong trẻ em và thanh thiếu niên ở các nước trên thế giới gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt ở Mỹ và Châu Âu.

Tại Mỹ theo điều tra quốc gia (NYTS), giai đoạn từ 2017 - 2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT ở HS THPT tăng từ 11,7 % lên 27,5%; ở HS THCS tăng từ 3,3% lên 10,5%[113].

Các quốc gia Châu Âu: tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm 13-15 tuổi tăng nhanh, cả ở nam và nữ: ở Rumani tỷ lệ này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Ý tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018) [114].

Về thuốc lá nung nóng, 3,1% thanh niên Rumani sử dụng thuốc lá nung nóng năm 2017. Ở Hàn Quốc chỉ sau một năm sau khi sản phẩm thuốc lá nung nóng ra mắt thị trường lần đầu tiên đã có 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12-18 cho biết là đã sử dụng thuốc lá nung nóng.

Tại Việt Nam, sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên và HS gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn Năm 2019 Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành khảo sát sức khỏe HS toàn cầu (GSHS) cho thấy tỷ lệ hiện đang hút TLĐT (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng TLĐT) ở HS 15-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở HS thành thị là 3,4%[115]. Năm 2021-2022, kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022) cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT ở nhóm tuổi 13-15 tuổi là 3.5% (nam là 4.3%, nữ là 2.8%)[116]. Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và TLĐT sẵn có hơn, tỷ lệ hút TLĐT ở HS hiện rất đáng quan ngại. Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe HS THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở HS lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở HS lớp 10-12 là 12,6%[117].

Các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sử dụng nhiều cách thức để hướng tới đối tượng là giới trẻ như sử dụng hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm “bắt mắt”, “thời trang”, “tiện ích theo xu hướng công nghệ” và quảng bá rộng rãi sản phẩm trên mạng xã hội.

Quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nhắm tới giới trẻ:

Nắm bắt được xu hướng tiếp cận các dịch vụ công nghệ của giới trẻ, các tập đoàn thuốc lá sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ. Các chiến dịch quảng cáo này thường tạo các hình ảnh sành điệu, thời thượng và vui vẻ khi sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng.

Hương vị hấp dẫn, phù hợp thị hiếu thanh thiếu niên: Nghiên cứu cho thấy có hơn 16.000 hương vị độc đáo được sử dụng trong dung dịch TLĐT có sẵn trên thị trường, nhiều loại trong số đó hấp dẫn trẻ em như hương trái cây, hương vị kẹo,… [118]. Nghiên cứu cho thấy hương vị đóng vai trò trong quyết định sử dụng TLĐT lần đầu của người dùng[119]. Hương vị cũng làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, do đó, thay đổi nhận thức liên quan đến tác hại của việc sử dụng[120].

Hình 13: Một số hương vị tinh dầu dùng cho TLĐT

Thiết kế sản phẩm bắt mắt: các sản phẩm TLĐT và TLNN được thiết kế đa dạng từ màu sắc đến hình ảnh, kiểu dáng nhỏ gọn, tạo xu hướng sang trọng, phong cách, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi (phát sáng, phát nhạc, ...). Rất nhiều sản phẩm được thiết kế như những đồ dùng học tập (bút, USB, ...), dây đeo cổ, đồng hồ đeo tay, cây son môi, … nên giáo viên và cha mẹ không biết vì không nhận dạng được đó là TLĐT.

Hình 14:Một số sản phẩm TLĐT bán trên thị trường

Ở Việt Nam, TLĐT và TLNN đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam cho thấy: trong vòng 06 tháng cuối năm 2021, có 54,967 tin bài đăng liên quan đến TLĐT, thuốc lá nung nóng trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam (báo điện tử, trang thông tin điện tử, Blog, Diễn đàn (forum), mạng xã hội Facebook, Youtube). Trong đó, mạng xã hội Facebook là kênh tập trung lượng tin bài nhiều nhất và tiếp theo là Tiktok; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng[121].

Bên cạnh đó, các sản phẩm TLĐT và thuốc lá nung nóng được giới thiệu và bán tại các cửa hàng được thiết kế hào nhoáng. Đồng thời, các cửa hàng này cũng cho dùng thử, khuyến mại giảm giá, quà tặng hấp dẫn nhằm tạo hình ảnh thời thượng để lôi kéo thanh thiếu niên.

II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

2.1. Vị trí, vai trò giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đối với giáo dục toàn diện HS

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế (Luật Giáo dục, 2019).

Tại Điều 10, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Thông tin, giáo dục, truyền thông bao gồm các nội dung:

- Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội;

- Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội;

- Các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá;

Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 “Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông” được quy định như sau:

Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức, cung cấp thông tin khoa học về tác hại của thuốc lá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá vào trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình;

Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả;

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá và lồng ghép vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học.

Như vậy, nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đã được quy định cụ thể tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện đối với HS, góp phần thực hiện mục tiêu của giáo dục, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá là thành tố quan trọng của giáo dục sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đối với HS.

- Đối với sức khỏe thể chất: Thuốc lá chứa nhiều chất độc nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt đối với HS đang trong giai đoạn phát triển về thể chất. Ảnh hưởng của các chất độc có trong thuốc lá rất lâu dài, là nguyên nhân trực tiếp, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tim mạch, ung thư, bệnh đường hô hấp…

- Đối với sức khỏe tinh thần: Nicotine có trong thuốc lá làm thay đổi tâm trạng người sử dụng. Nó kích thích hệ thần kinh trung ương khiến người sử dụng cảm thấy tràn đầy sinh lực, thôi thúc người hút muốn hút thêm dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá. Ngoài ra, nicotine còn gây ức chế, cản trở sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh, làm cho hệ thần kinh quen với sự có mặt của nicotine, làm gia tăng lượng nicotine có trong máu của người hút. Khi hiệu ứng này lắng xuống, người hút sẽ cảm thấy mệt mỏi và thèm hơn. Các độc tố trong khói thuốc còn ngăn cản việc tuần hoàn máu lên não, ảnh hưởng đến tinh thần trong ngày của người hút, làm suy giảm trí nhớ và khả năng học tập hiệu quả.

Thứ hai, Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá một trong những nội dung, biện pháp cụ thể của giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục pháp luật đối với HS.

Hút thuốc lá là một thói quen xấu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người hít phải khói thuốc thụ động và môi trường xung quanh. Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ góp phần trực tiếp hình thành đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức tuân thủ pháp luật đối với HS, cụ thể:

- Hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và người xung quanh.

- Hình thành kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng biết từ chối với những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại.

- Hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với HS.

- Hút thuốc lá ở lứa tuổi HS nếu dẫn đến nghiện sẽ rất nguy hiểm. Ngoài yếu tố nguy hiểm về sức khỏe, nghiện thuốc lá dẫn đến HS liên tục cần tiền để mua thuốc, khi không có tiền, không được thỏa mãn cơn nghiện sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm khác như trộm cắp, trấn lột, … Mặt khác, rất nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ma túy đều bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc lá. Nhiều sản phẩm thuốc lá mới hiện nay có màu sắc, hương vị rất bắt mắt, lôi cuốn giới trẻ rất dễ để các đối tượng xấu trà trộn, sử dụng cùng với ma túy tổng hợp.

2.2. Định hướng về nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và Hoạt động giáo dục cấp THPT

Trong tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có thể tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

(1) Tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động

- Các loại thuốc lá

- Thành phần độc tính của khói thuốc lá

- Chất gây nghiện có trong sản phẩm thuốc lá

- Ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với sức khỏe con người

- Tác hại của hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá)

(2) Thực trạng hút thuốc và hút thuốc thụ động tại Việt Nam, các tổn thất do sử dụng thuốc lá.

- Tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam

- Thực trạng hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam

- Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam

- Các tổn thất về kinh tế của việc sử dụng thuốc lá

- Thuốc lá và vấn đề ô nhiễm môi trường

(3) Các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá

- Những quy định của pháp luật phòng chống tác hại của thuốc lá

- Các biện pháp và hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá

- Nhiệm vụ của HS trong hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá

2.3. Định hướng về phương pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng các môn học, Hoạt động giáo dục cấp THPT

a) Mục tiêu của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá:

- Người học có hành vi, thái độ ứng xử đúng đắn đối với việc sử dụng thuốc lá.

- Nói không với việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

- Tự nguyện, mong muốn tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh không khói thuốc.

b) Phương pháp: Để đạt được mục tiêu hướng vào thái độ hành vi phòng chống tác hại của thuốc lá thì cần vận dụng phù hợp các phương pháp dạy học tích cực tác động trực tiếp tới người học, lôi cuốn người học tham gia thực hiện các hoạt động học tập cũng như tham gia ngay vào các hoạt động thực tiễn tìm hiểu về thuốc lá, tìm hiểu và thực hiện những biện pháp, hành vi, thể hiện thái độ phòng chống tác hại của thuốc lá.

Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong cấp THPT là phương thức giáo dục tích hợp, sử dụng nhiều phương pháp dạy học của các bộ môn, chịu sự chi phối của các phương pháp đặc trưng của từng bộ môn nhưng nó cũng có những phương pháp mang tính đặc thù. Việc kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học cho hoạt động này cần theo phương châm tạo điều kiện cho HS tích cực hoạt động và gắn nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống. Ở bậc này, giáo viên có thể khai thác các hoạt động giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá theo các khía cạnh sau:

(i) Điều tra khảo sát thực địa, nghiên cứu khoa học

Hoạt động này không chỉ giúp HS kiểm chứng lại các lý thuyết đã học trên lớp mà còn giúp HS có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng hút thuốc lá, sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và đời sống xã hội cũng như ô nhiễm môi trường của người dân địa phương, nơi HS tiến hành nghiên cứu, điều tra khảo sát. Từ các kết quả nghiên cứu, HS có thể nhận thấy các vấn đề và có thể tự đưa ra các phương án để giải quyết các vấn đề đó. Ở phương pháp này GV hướng HS lên kế hoạch nghiên cứu và xây dựng các bộ phiếu điều tra phù hợp với mục tiêu nghiên cứu cụ thể.

(ii) Quan sát, thực hiện thí nghiệm

Việc sử dụng TN trong giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá góp phần chứng minh thực tế tính độc hại của thuốc lá đối với sức khỏe cũng như môi trường. Nhiều kiến thức các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học HS cần tiếp thu trải nghiệm qua các thí nghiệm. Đây cũng là những PPDH đặc trưng cho các môn Khoa học tự nhiên. Thông qua TN, bản thân HS cần phải tư duy cao mới có thể khám phá ra được những điều cần nghiên cứu, HS lĩnh hội kiến thức rộng hơn và nhanh hơn, HS quan sát và đưa ra những dự đoán, những ý tưởng mới, nhờ đó hoạt động nhận thức của HS sẽ được tích cực và tư duy của các em sẽ được phát triển tốt hơn. Ví dụ thiết kế thí nghiệm nghiên các hóa chất thấm từ một mẩu thuốc lá (ngâm 24 giờ trong một lít nước) đã giải phóng đủ độc tố để giết chết 50% cá nước mặn và nước ngọt tiếp xúc với nó trong 96 giờ. Từ hoạt động này giúp HS nhận thức được các chất thải từ một mẩu thuốc lá có thể ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và gây hại cho các sinh vật sống trong môi trường đó.

c) Khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục

HS cấp THPT đã có vốn kiến thức tương đối lớn và ngày càng được mở rộng và sâu thêm. Tầm nhìn của các em không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường và gia đình. Chính vì vậy cần bồi đắp thêm kiến thức, kỹ năng của HS trên nền tảng kỹ năng đã có GV nên đưa các em vào những tình huống cần tìm hiểu, cần giải quyết, buộc các em phải vận dụng vốn hiểu biết của mình, tìm kiếm những vốn kiến thức, kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề, từ đó thu nhận thêm vốn kiến thức kỹ năng mới làm giàu thêm vốn học vấn của mình.

d) Kết hợp hoạt động thực tiễn, giải quyết vấn đề cộng đồng và giáo dục kỹ năng sống

Mỗi cộng đồng địa phương đều có hiện tượng người dân hút thuốc lá cũng như mức độ tệ nạn xã hội khác nhau. Giáo viên cần khai thác tình hình hút thuốc lá ở địa phương để giáo dục HS đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Phương pháp này đòi hỏi GV phải thu thập số liệu, sự kiện, tình hình hút thuốc lá và sức khỏe của người dân ở địa phương đảm bảo tính chân thực và hiệu quả. Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động phù hợp để HS tham gia góp phần giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá ở địa phương như: tổ chức các cuộc thi tình hiểu về khói thuốc và sức khỏe cộng động; thiết kế poster, vẽ tranh, vận động người dân bỏ địa phương bỏ thuốc lá, … đồng thời những hoạt động này cũng tác động lên ý thức của HS, rèn luyện kỹ năng, thói quen phòng, chống lại tác hại của thuốc lá. Trong quá trình giáo dục cần chú ý rèn luyện kỹ năng phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc luyện tập, xử lý các tình huống cụ thể. Xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường không khói thuốc, kỹ năng kiên định thực hiện kế hoạch hành động phòng chống tác hại của thuốc lá.

e) Nêu gương

HS cấp trung học vẫn luôn nhìn vào hành vi của người lớn để xem xét, so sánh và bình luận. Muốn giáo dục các em có nếp sống văn minh, lịch sự, tránh xa thuốc lá và các tệ nạn xã hội thì trước hết GV và các bậc phụ huynh cần là tấm gương cho các em noi theo. Ngoài ra tác động của bạn học cũng rất lớn. Những gương người tốt, việc tốt từ bạn bè sẽ cảm hóa và làm tấm gương tốt cho các em. GV cần tận dụng các hoạt động tập thể để HS thi đua cùng thực hiện tốt cá hoạt động phòng phòng, chống tác hại của khói thuốc lá từ những việc cụ thể như xây dựng trường học không khói thuốc, gia đình, làng xóm không khói thuốc…

Như vậy, tùy từng nội dung, mức độ tích hợp, đối tượng, điều kiện cụ thể mà giáo viên lựa chọn, phối hợp một các phù hợp, linh hoạt các hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy trong đó HS phải là chủ thể của các hoạt động học để tìm tòi, khám phá cũng như thể hiện quan điểm, thái độ, vận dụng thực hiện các hành vi phòng chống tác hại của thuốc lá.

2.4. Định hướng đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng nhằm xác định mức độ chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng vận dụng của người học và xác định mục tiêu dạy học đạt được cũng như xác nhận văn bằng chứng chỉ cho người học.

Đối với HS là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá có tác dụng thúc đẩy quá trình học tập phát triển không ngừng. Qua kết quả kiểm tra, HS tự đánh giá mức độ của bản thân để có phương pháp tự mình ôn tập, củng cố, bổ sung nhằm hoàn thiện học vấn bằng phương pháp tự học với hệ thống thao tác tư duy của chính mình.

Đối với GV, kết quả kiểm tra đánh giá là cơ sở thực tiễn để mỗi giáo viên tự đánh giá kết quả giảng dạy của mình, tự nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Việc đánh giá HS không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng và định hướng điều chỉnh hoạt động của HS mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định thực trạng và định hướng điều chỉnh hoạt động dạy học của giáo viên.

Kiểm tra, đánh giá là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong quá trình giáo dục. Đây là khâu cuối cùng, đồng thời cũng là khởi đầu cho một quy trình kín tiếp theo với một chất lượng cao hơn.

Trong tổ chức các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, việc đánh giá cũng theo định hướng chung về đánh giá phẩm chất, năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GV cần vận dụng đa dạng, phù hợp và linh hoạt các phương pháp, công cụ đánh giá như đánh giá viết, đánh giá qua hỏi đáp, đánh giá qua quan sát, đánh giá qua sản phẩm hay qua hồ sơ học tập với công cụ phù hợp theo mục tiêu lồng ghép.

 

PHẦN 2

HƯỚNG DẪN GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG BÀI GIẢNG MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

1.1. Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chủ đề/ bài học của môn học hay hoạt động giáo dục có liên quan nhằm giúp HS biết được thành phần cơ bản của thuốc lá, các loại thuốc lá, dấu hiệu nhận diện, các tác hại của thuốc lá với sức khỏe và các tác hại khác đến môi trường, kinh tế, xã hội; Lí giải được tại sao thuốc lá có hại với sức khỏe; Có thái độ, ứng xử, hành vi đúng đắn với thuốc lá để phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của mình và cộng đồng; Chia sẻ, lan tỏa những hiểu biết và biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá với bạn bè, người thân, cộng đồng.

1.2. Nguyên tắc giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng như lồng ghép các vấn đề về giáo dục nói chung trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục là sự kết hợp một cách có hệ thống các kiến thức môn học, hoạt động giáo dục với kiến thức phòng, chống tác hại của thuốc lá tạo thành một thể thống nhất, hợp lí.

Một số nguyên tắc cơ bản cần đảm bảo khi giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục, đó là:

- Không làm thay đổi tính đặc trưng môn học hay hoạt động giáo dục thực hiện việc lồng ghép. Không biến bài học của môn học hay hoạt động giáo dục thành bài giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Đảm bảo yêu cầu cần đạt của các chủ đề/bài học trong các môn học, hoạt động giáo dục khi giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá và mục tiêu phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đảm bảo thời lượng phù hợp theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.

- Phù hợp với đối tượng HS, điều kiện cơ sở vật chất và đặc điểm, tình hình địa phương, nhà trường.

- Khai thác nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá có chọn lọc, có tính tập trung vào những chương mục nhất định phù hợp với nội dung của chủ đề/bài học các môn học và hoạt động giáo dục thực hiện lồng ghép.

- Phát huy các hoạt động tích cực chủ động nhận thức của HS; Tạo điều kiện cho HS trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có và các kinh nghiệm thực tế của HS; Tạo cơ hội để HS phân tích, khái quát hóa, trình bày quan điểm, cách ứng xử trong các hoạt động giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1.3. Quy trình giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

1.3.1. Quy trình thực hiện

Để thực hiện giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục có thể thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

Xác định địa chỉ lồng ghép tức là xác định môn học, chủ đề và yêu cầu cần đạt cụ thể phù hợp để giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Để thực hiện điều này GV cần tìm hiểu các kiến thức nền về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá (trong phần 1 của tài liệu này và các tài liệu tham khảo khác) và các yêu cầu cần đạt cụ thể trong các chủ đề, mạch nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục được chọn để lồng ghép (ở cấp THPT thường là các môn: Sinh học, Vật lí, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Từ đó, GV đối chiếu để xác định nội dung các môn học/hoạt động giáo dục có kiến thức nào liên quan tới thuốc lá hoặc các yêu cầu cần đạt về kĩ năng, năng lực trong môn học/hoạt động giáo dục phù hợp trong việc tìm hiểu và thể hiện thái độ, hành vi, ứng xử đúng đắn với việc giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đó chính là đại chỉ có thể thực hiện giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

Bước 2: Xác định nội dung về giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá

Đối chiếu yêu cầu cần đạt của chủ đề trong môn học/hoạt động giáo dục đã xác định ở bước 1 với nội dung kiến thức nền cơ bản về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá ở phần 1 chỉ ra các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá để lồng ghép cụ thể.

Tùy thuộc vào nội dung lồng ghép cần xác định thời lượng của bài học có sự lồng ghép so với thời lượng bài học trước khi có sự lồng ghép và đưa vào kế hoạch của tổ chuyên môn trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bước 3: Đề xuất hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá

Việc xác định hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động lồng ghép trong bài học/chủ đề cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt và nội dung lồng ghép sao cho phù hợp.

Khi tổ chức dạy học các bài học có nội dung lồng ghép về phòng, chống tác hại của thuốc lá có thể sử dụng các phương pháp dạy học như: phương pháp dạy học dự án, phương pháp đóng vai, phương pháp thuyết trình, phương pháp tranh biện và phương pháp xemina/thảo luận, phương pháp webquest,…. Tùy theo mục tiêu cụ thể, nội dung và đối tượng, điều kiện về cơ sở vật chất mà GV sẽ chọn phương pháp dạy học phù hợp.

Trong một số trường hợp cũng có thể thực hiện dưới dạng bài học STEM, hoạt động giáo dục STEM hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là sự liên hệ, giới thiệu đến nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá, hoặc đưa các dữ liệu này lồng ghép trong các bài tập của các môn học.

Bước 4: Thiết kế kế hoạch bài dạy/kế hoạch giáo dục của môn học, hoạt động giáo dục

Từ yêu cầu cần dạy nội dung lồng ghép và hình thức, phương pháp lựa chọn trong 3 bước trên, GV xác định mục tiêu cụ thể của bài học/chủ đề bao gồm:

- Năng lực đặc thù,

- Năng lực chung,

- Phẩm chất chủ yếu,

- Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Từ đó xác định chuỗi các hoạt động học và đánh giá phù hợp; xây dựng nội dung chi tiết cho từng hoạt động theo khung kế hoạch bài dạy/hoạt động giáo dục gợi ý trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 và các công văn, thông tư hướng dẫn liên quan khác

Bước 5: Tổ chức thực hiện thử nghiệm hoạt động dạy học, giáo dục đã xây dựng

Tổ chức dạy học/tổ chức hoạt động thử nghiệm theo kế hoạch đã xây dựng, tự đánh giá, dự giờ để đánh giá hiệu quả của các hoạt động dạy học so với mục tiêu đặt ra. Từ đó đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp.

Bước 6: Rút kinh nghiệm, điều chỉnh

Thực hiện điều chỉnh các kế hoạch đã xây dựng theo các đánh giá, đề xuất điều chỉnh một cách hợp lí.

1.3.2. Ví dụ minh họa

Dưới đây trình bày ví dụ minh họa vận dụng quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sức khỏe trong môn học, hoạt động giáo dục (bước 1, 2, 3, 4), cụ thể với hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp.

Bước 1: Xác định địa chỉ lồng ghép

Trong hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp, trong chủ đề Hoạt động xây dựng cộng đồng - HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI ở lớp 11 có yêu cầu cần đạt “Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng và đề xuất được giải pháp quản lí việc thực hiện hoạt động đó.” Với yêu cầu này có thể lựa chọn các hoạt động phát triển cộng đồng khác nhau, do đó phù hợp để lồng ghép về tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới. Trong đó, HS sẽ lập kế hoạch và thực hiện tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá mới tới sức khỏe, những hiểu biết chưa đúng đắn về tác hại của thuốc lá mới và truyền tải thông điệp nói không với thuốc lá mới.

Bước 2: Xác định nội dung lồng ghép

Đối chiếu với các kiến thức nền về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ phù hợp với việc lồng ghép các nội dung

- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe (các bệnh do hút thuốc lá chủ động và thụ động).

- Tác hại của hút TLĐT, thuốc lá nung nóng với người hút chủ động và người hút thụ động.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.

- Các quy định về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bước 3: Đề xuất hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học

Với nội dung lồng ghép và yêu cầu cần đạt như vậy có thể thực hiện hoạt động giáo dục theo hình thức chủ đề dưới dạng dự án.

Có thể thực hiện nội dung này với 2 ý tưởng dự án sau:

- Dự án: Điều tra sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên trong nhà trường, địa phương và tuyên truyền

Lập kế hoạch tuyên truyền ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên trong nhà trường và địa phương thông qua hình thức tờ rơi, trong đó cung cấp thông tin về: Thực trạng sử dụng thuốc lá trong đối tượng HS THPT ở trường và địa phương; Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên; Biện pháp ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.

- Dự án: Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới

Lập kế hoạch và thực hiện tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá mới tới sức khỏe, những hiểu biết chưa đúng đắn về tác hại của thuốc lá mới và truyền tải thông điệp nói không với thuốc lá mới.

Bước 4: Thiết kế kế hoạch cụ thể

GV thiết kế hoạt động giáo dục cụ thể theo cách tổ chức của dạy học dự án để đạt được mục tiêu theo yêu cầu cần đạt của hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp và mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá đã xác định.

1.4. Phương pháp trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá

Trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục có thể giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá cho HS bằng cách tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo nhiều phương pháp dạy học khác nhau, điển hình có thể kể đến một số phương pháp dạy học như dạy học theo dự án, đóng vai, tranh biện, trò chơi, đàm thoại. Tùy theo mục tiêu, nội dung và mức độ tích hợp, thời lượng mà GV lựa chọn PPDH và thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp.

1.4.1. Dạy học theo dự án

Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học, trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành, tự lực lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm, kết quả dự án là những sản phẩm có thể giới thiệu được như các bài viết, tập tranh ảnh sưu tầm, chương trình hành động cụ thể,...

Cốt lõi của PPDH theo dự án là: xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ tình huống có vấn đề HS là người học thực hiện (thường là qua cộng tác và làm việc nhóm) giải quyết vấn đề thông qua đó hình thành kiến thức, kĩ năng và phát triển phẩm chất, năng lực cho mình.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá là một vấn đề thực tiễn, gần gũi với hiểu biết của HS. Các vấn đề đưa ra về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần có sự hiểu biết kiến thức về thuốc lá, kiến thức, kĩ năng của môn học và hoạt động giáo dục để vận dụng, kết hợp với ý thức, thái độ để đưa ra các phương án giải quyết do đó nhiều vấn đề rất phù hợp để vận dung dạy học dự án.

Quy trình thực hiện một dự án học tập khi lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá:

(1) Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án

Đề tài dự án có thể được xác định bởi GV hoặc từ chính HS. Tuy nhiên, do dự án phải định hướng đạt các mục tiêu giáo dục phổ thông nói chung, phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời lượng của bài học tích hợp như đã trình bày ở bước; gắn với các vấn đề thực tiễn về phòng, chống tác hại của thuốc lá nên thông thường GV đưa ra tình huống hay đặt vấn đề, từ đó HS phát hiện vấn đề hoặc chỉ ra các nguyên nhân khác nhau tìm các hướng giải quyết khác nhau và đề xuất các dự án để giải quyết tình huống hay vấn đề đó.

Vấn đề đặt ra để giải quyết trong dự án nên có tính mở để phát huy các hướng giải quyết và sáng tạo khác nhau của HS và cũng cần chú ý đến hứng thú của người học, tạo ra sự thách thức ở mức độ phù hợp. Tính mở của dự án cần .

Ví dụ có thể thực hiện các dự án như:

- Điều tra thực tiễn về hiểu biết, thực trạng sử dụng, quan niệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá và xử lí thống kê, rút ra các nhận định, đề xuất biện pháp.

- Các dự án về tuyên truyền, đề xuất giải pháp về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho HS, cha mẹ của HS.(2) Xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện

- Xây dựng nhiệm vụ, sản phẩm của dự án và các tiêu chí để đánh giá sản phẩm của dự án.

Đây là bước quan trọng để định hướng đạt mục tiêu của bài học/hoạt động giáo dục. Giáo viên cần chú ý xác định nhiệm vụ, sản phẩm dự án rõ ràng và đặc biệt cần xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm. Các tiêu chí ở đây sẽ định hướng đến các yêu cầu cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục và mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc là. Cần xác định rõ các tiêu chí về nội dung và hình thức.

- Xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

HS thảo luận, lập kế hoạch thực hiện thông qua xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

(3) Thực hiện dự án

HS thực hiện tìm khai thác các nguồn thông tin, xử lí thông tin và thực hiện tạo sản phẩm, đề xuất giải pháp theo nhiệm vụ, tiêu chí của dự án xác định ở bước 2.

(4) Công bố sản phẩm.

- HS trình bày sản phẩm dự án trước lớp và thảo luận đánh giá sản phẩm theo các tiêu chí đã đặt ra. Trong bước này cần lưu khi tổ chức cho HS trình bày hay nhận xét, góp ý cần nêu rõ các yêu cầu. GV cũng cần chủ động chuẩn bị các câu hỏi làm rõ các nội dung của bài học và nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt nêu các câu hỏi để HS thể hiện quan điểm, thái độ của mình và với các thái độ, quan niệm chưa đúng cần gợi ý, dẫn dắt để các HS tự phát biện và phản biện.

(5) Đánh giá dự án.

- GV tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng về sản phẩm và quá trình thực hiện dự án.

- GV đánh giá, tổng kết các kiến thức, bài học sau khi thực hiện dự án, rút kinh nghiệm dự án.

Khi vận dụng phương pháp

1.4.2. Phương pháp đóng vai

Đây là phương pháp được đặc trưng bởi một hoạt động với các nhân vật giả định, mà trong đó các tình thế trong thực tiễn cuộc sống được thể hiện tức thời thành những hoạt động có kịch tính. Trong vở kịch này, các vai khác nhau do chính HS đóng và trình diễn. Các hành động kịch được xuất phát từ chính sự hiểu biết, óc tưởng tượng và trí sáng tạo của HS, không cần phải qua đợt tập dượt hay dàn dựng công phu, vì vậy đây là quá trình thông tin với đặc điểm cơ bản là trình diễn tức thời.

Với đặc điểm như vậy GV có thể lựa chọn các vấn đề thực tiễn về phòng, chống tác hại của thuốc lá để HS sẽ vào các vai khác nhau thực hiện câu chuyện đưa ra các thông điệp cần thiết. Ví dụ như: vai người sử dụng thuốc lá để thể hiện những hiểu biết chưa đúng đắn về thuốc lá; vai cha mẹ HS thể hiện quan điểm, sự hiểu biết, giáo dục con cái của cha mẹ HS; vai bác sĩ hay các tổ chức về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá để đưa ra các thông tinh đúng đắn;….

Phương pháp đóng vai được tiến hành theo các bước sau:

(1)Tạo không khí để đóng vai

Việc đóng vai không phải bao giờ cũng được tất cả các HS chấp nhận, vì vậy bước này rất quan trọng. GV cần cho HS nhận thức được rằng bất kì con người nào trong cuộc sống cũng có thể gặp các tình huống cụ thể khác nhau. GD cần dẫn dắt để đưa ra tình huống về phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách tự nhiên để HS chấp nhận, hào hứng vào các vai diễn.

(2) Lựa chọn vai và chuẩn bị

GV có thể phân vai phù hợp với từng HS hoặc để HS tự nhận các vai trong vở kịch. Các HS khác còn lại đóng vai khán giả quan sát. Người quan sát cần phải chú ý xem diễn viên nhập vai như thế nào, tự đặt mình vào diễn và hình dung về tính phù hợp với thực tế của các diễn viên và cách giải quyết vấn đề, suy nghĩ xem có cách nào khác giải quyết vấn đề không.

Trong bước này GV cần đưa ra yêu cầu với các vai diễn là thể hiện được hiểu biết, quan điểm, ứng xử của mình với vấn đề. GV cũng có thể tạo nhóm hỗ trợ các vai diễn, thảo luận cần thể hiện như thế nào về nội dung và hành động, biểu cảm. Lưu ý các vai thể hiện đúng hiểu biết, quan niệm, thái độ của mình. Các vai là cha mẹ, bác sĩ cần đưa ra các thông tin đúng đắn, phù hợp thì GV nên cũng cấp các tài liệu về thuốc lá.

(3) Các vai trình diễn

Các vai thực hiện trình vai diễn. Nếu thấy ý đồ của mình đã được thực hiện thì GV có thể cho ngừng diễn. Sau đó hướng dẫn HS thảo luận về các cách giải quyết vấn đề của vai diễn và có đánh giá vở kịch. Việc các HS làm khác giản phân tích, nhận xét là khâu quan trọng để đưa ra được các thông điệp, nhận định cần thiết.

(4) Có thể yêu cầu các diễn viên khác trình diễn vở kịch theo cách khác, với các cách giải quyết vấn đề khác.

(5)Hướng dẫn HS trao đổi kinh nghiệm và rút ra các kết luận cần thiết về các vấn đề của vở kịch nêu lên.

1.4.3. Phương pháp tranh biện

Đây là phương pháp mà GV sẽ tổ chức dạy học thông qua một cuộc tranh biện của các HS để thực hiện tìm hiểu một nội dung mới hoặc vận dụng kiến thức đã học, thông qua tranh biện và tổ chức thảo luận nhận xét, đánh giá sau đó mà đạt được mục tiêu dạy học.

Với đặc điểm như vậy GV có thể lựa chọn các vấn đề về quan niệm với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá để HS tranh biện thể hiện hiểu biết, quan niệm, ý kiến cá nhân của mình.

- Cách thực hiện:

+ GV chia toàn thể số người tham gia thành hai bên. Mỗi bên cử một nhóm từ 3 đến 5 người làm đại diện. Số người giữa hai nhóm là bằng nhau. Cuộc tranh biện sẽ diễn ra giữa hai nhóm này. Số còn lại gồm các cổ động viên cho nhóm mình. Cần một trọng tài công bằng.

+ GV đóng vai là điều khiển, trọng tài, dẫn chương trình đưa ra một ý kiến (dưới dạng một mệnh đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá ví dụ @Nên cấm hay không việc sản xuất thuốc lá?”.

+ Bốc thăm để phân công một trong hai nhóm gọi là “nhóm ủng hộ” (bảo vệ ý kiến trên), còn nhóm kia là “nhóm chống” (phản bác ý kiến trên). Mỗi nhóm có một thời gian nhất định để hội ý để thống nhất đưa ra các lí lẽ chính của nhóm mình (mỗi người trong nhóm chịu trách nhiệm biện hộ cho một lí lẽ).

+ Phần tranh biện: nhóm “ủng hộ” cử người thứ nhất đưa ra lí lẽ thứ nhất. Nhóm “chống” cử người thứ nhất của mình phản bác lại ý kiến của nhóm kia, đồng thời đưa ra lí lẽ riêng của nhóm mình. Lần lượt như vậy đối với người thứ hai, thứ ba… cho đến hết.

Vai trò trọng tài: giữ cho cuộc tranh biện xảy ra đúng luật. Vai trò cử tọa: quan sát và bình chọn đội nào có lí lẽ vững vàng và có sức thuyết phục. Nguy cơ có thể gặp khi tranh biện: có một nhóm nào cố tình “cướp diễn đàn” một cách thiếu lịch sự, hoặc cử tọa nhảy lên diễn đàn để… cãi!

+ Kết thúc GV nhận xét, đánh giá các nhóm, đánh giá sự tham dự của cử tọa và rút ra những kết luận, những bài học về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1.4.4. Phương pháp thuyết trình

Là phương pháp, trong đó HS tự thu nhập tư liệu qua các tài liệu, báo chí và các phương tiện truyền thông khác, xây dựng thành một báo cáo và trình bày trước tập thể (lớp hay nhóm người có chung mục đích, cùng có quan tâm đến vấn đề).

Đây là phương pháp thể hiện sự vận dụng tổng hợp các kĩ thuật ở nhiều phương pháp khác (khám phá, điều tra, thực địa, dự án, quan sát - phỏng vấn). Sử dụng được phương pháp này, nghĩa là HS đã đặt mình vào vị trí của người vừa có hành động tích cực đối với môi trường, vừa thông tin, lí giải và lôi cuốn mọi người quan tâm đến môi trường.

Khi thực hiện phương pháp thuyết trình, GV cần lưu ý đưa ra các tiêu chí với bài thuyết trình về nội dung, hình thức thể hiện và thời gian, đặc biệt chú ý các nội dung cần thể hiện được để đạt được mục tiêu dạy học. Trong các tiêu chí với bài về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần lưu ý về nội dung phải làm rõ nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, cần đảm bảo yêu cầu của bài học thuộc môn học chọn để lồng ghép. Không biến bài học thành bài về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1.4.5. Phương pháp thảo luận

Là phương pháp mà GV đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề nội dung của bài học/chủ đề, HS sẽ tham gia trả lời, ủng hộ hay phản biện ý kiến của nhau,… theo cá nhân hay các nhóm sau đó trình bày ý kiến chung trước lớp. Thông qua việc thảo luận đó giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cho HS.

Lưu ý với những câu hỏi để khai thác ý kiến, quan điểm của HS nên đặt ở dạng các câu hỏi mở, không nên thể hiện thái độ, ý kiến của người học trong nội dung hay ngữ điệu nêu câu hỏi để không ảnh hưởng đến ý kiến của HS.

Có thể kết hợp sử dụng các kĩ thuật dạy học như công não (nên sử dụng công não viết), kĩ thuật Think - Pair - Share hay kĩ thuật kim tự tháp, kĩ thuật công não, sơ đồ tư duy, kĩ thuật 321,... trong thảo luận để có nhiều ý kiến hơn, việc phân tích các vấn đề, nội dung được sâu hơn.

1.5. Đánh giá trong tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phòng, chống tác hại của thuốc lá

Như đã trình bày trong mục về định hướng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá ở phần 1, mục tiêu là HS biết và hiểu được các tác hại của thuốc lá từ đó thể hiện được quan điểm, thái độ, hành vi cụ thể. Do đó trong các hoạt động này cần sử dụng các phương pháp và công cụ đánh giá năng lực để đánh giá được và kiến thức và hành vi, thái độ cụ thể của HS trong các nội dung lồng ghép cụ thể. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp, thường sử dụng trong tổ chức hoạt động dạy học tích hợp lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá: Kiểm tra viết, Kiểm tra vấn đáp và kiểm tra thông qua quan sát, đánh giá qua sản phẩm.

1.5.1. Phương pháp kiểm tra viết

Kiểm tra viết là hình thức kiểm tra phổ biến, được sử dụng đồng thời với nhiều HS cùng một thời điểm. Nội dung kiểm tra có thể bao quát từ vấn đề lớn có tính chất tổng hợp đến vấn đề nhỏ, HS phải diễn đạt câu trả lời bằng ngôn ngữ viết.

Kiểm tra viết có thể thực hiện dưới dạng câu hỏi/bài tập tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan, dưới dạng bài kiểm tra hoặc bảng hỏi, phiếu KWL,..

Trong tổ chức dạy học, giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá có GV có thể sử dụng phương pháp đánh giá viết để đánh giá mức độ đạt yêu cầu bài học của HS.

Hình thức tự luận sẽ rất phù hợp để hỏi trình bày hiểu biết sâu về tác hại của thuốc lá, về quan niệm, thái độ, cách ứng xử của HS với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ví dụ như:

- Hãy phân tích tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe của con người?

- Hãy giải thích tại sao rác thải thuốc lá và TLĐT lại gây ra ô nhiễm môi trường? Còn với hình thức trắc nghiệm, GV có thể sử dụng để kiểm tra nhanh về kiến thức bài học và kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1.5.2. Phương pháp vấn đáp

Kiểm tra vấn đáp là phương pháp hỏi đáp giữa người dạy và người học nhằm giúp GV biết được mức độ nắm tri thức của HS qua câu trả lời của họ. Ứu điểm của phương pháp này là: Thu được thông tin nhanh chóng từ HS, HS tự kiểm tra kiến thức của bản thân nhanh chóng; Kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học; Thúc đẩy sự tiến bộ, học tập của người học; Sử dụng mọi thời điểm dạy học; Điều khiển được quá trình nhận thức, kích thích tư duy sáng tạo của HS.

Do đó trong quá trình tổ chức các hoạt động lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá GV cần chủ động chuẩn bị các câu hỏi để hỏi vấn đáp thu thập thông tin phản hồi từ HS để có các điều chỉnh cho việc dạy và học phù hợp. GV cũng cần chú ý khuyến khích việc hỏi đáp giữa HS với HS.

1.5.3. Phương pháp quan sát

Đây là phương pháp thu thập thông tin thông qua việc quan sát việc trình bày, hành vi, thái độ của HS trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục.

Khi đánh giá qua quan sát, GV có thể sử dụng các công cụ như sổ ghi nhật kí, các bảng kiểm, thang đo hoặc phiếu đánh giá theo tiêu chí để quan sát các hành vi, thái độ của HS. Từ các thông tin quan sát được GV bổ sung các nội dụng cần thiết, chuẩn hóa thông tin và phân tích các quan điểm, hành vi phù hợp hoặc chưa phù hợp.

1.5.4. Phương pháp đánh giá qua sản phẩm

Đây là phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS khi những kết quả ấy được thể hiện bằng các sản phẩm như bức vẽ, bản đồ, đồ thị, đồ vật, sáng tác, chế tạo, lắp ráp…

Sản phẩm được hiểu là các bài làm hoàn chỉnh được HS thể hiện qua việc xây dựng, sáng tạo, thể hiện ở việc hoàn thành được công việc một cách có hiệu quả. Các sản phẩm học tập chọn để đánh giá cần:

- Giới hạn ở những kĩ năng thực hiện trong phạm vi hẹp (cắt hình, xếp hình, hát một bài hát…)

- Đòi hỏi HS phải sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, các kĩ năng có tính phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn. Sản phẩm này có thể đòi hỏi sự hợp tác giữa các HS và nhóm HS, thông qua đó mà GV có thể đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn của HS.

Trong các hoạt động giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá, các sản phẩm cần thể hiện được nội dung lồng ghép do đó cần đưa ra các tiêu chí phù hợp định hướng mục tiêu này. Các tiêu chí và tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm là rất đa dạng có thể dựa trên ngữ cảnh cụ thể của hiện thực, và cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của bài học.

Khi sử dụng phương pháp đánh giá sản phẩm học tập cần: Thông báo, thống nhất các tiêu chí đánh giá trước khi HS thực hiện làm sản phẩm; Xây dựng chỉ dẫn cụ thể cho việc chấm điểm, bao gồm các tiêu chí và mức độ cho từng sản phẩm của HS nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Công cụ thường sử dụng trong phương pháp đánh giá sản phẩm học tập là bảng kiểm, thang đánh giá.

II. GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỘT SỐ MÔN HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

2.1. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp

2.1.1. Nội dung, địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá qua tổ chức Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hình thành, phát triển ở HS năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, 5 phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình GDPT tổng thể 2018.

Nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân HS với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp. Mỗi mạch nội dung chỉ rõ yêu cầu cần đạt về các kĩ năng, hành vi, thái độ của HS. Nhiều kĩ năng, hành vi, thái độ của HS được thể hiện trong nhận thức và các hành động với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá do đó có thể chọn lồng ghép các nội dung phù hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS, thông qua đó đạt được các yêu cầu cần đạt trong chương trình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bảo đảm tính mở, linh hoạt. Cơ sở giáo dục và GV chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học.

Các phương thức, hình thức và phương pháp tổ chức HĐTN, HN được thực hiện theo các định hướng chung sau đây: (1) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; làm cho mỗi HS đều sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực; (2) Tạo điều kiện cho HS trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm; (3)Tạo cơ hội cho HS suy nghĩ, phân tích, khái quát hóa những gì trải nghiệm để kiến tạo kinh nghiệm, kiến thức và kĩ năng mới; (4)Vận dụng các PPGD và hình thức tổ chức giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng HS và điều kiện cụ thể. Đánh giá kết quả giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực HS.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình GDPT2018, bao gồm cả cấp THCS, quy định tổ chức thông qua các 4 loại hình hoạt động sau: (1) Sinh hoạt dưới cờ; (2) Sinh hoạt lớp; (3) Hoạt động giáo dục theo chủ đề (thường xuyên và định kỳ); (4) Hoạt động câu lạc bộ với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: GV chủ nhiệm lớp, GV môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường (Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ HS, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Với mục tiêu, đặc điểm về nội dung, chương trình, phương thức tổ chức, đánh giá như trên nên việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp rất thuận lợi cho việc lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thực hiện tổ chức các hoạt động theo các chủ đề trong chương trình.

Cụ thể bảng dưới đây gợi ý có thể giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá khi tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trải nghiệm đáp ứng một số yêu cầu cần đạt trong cụ thể trong chương trình như sau:


Bảng 1. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp THPT

Lớp

Chủ đề - Mạch nội dung

Yêu cầu cần đạt

Nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá lồng ghép

Gợi ý hình thức, PP tổ chức

10

Hoạt động xây dựng cộng đồng - HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI

- Thực hiện được các biện pháp thu hút cộng đồng vào các hoạt động xã hội.

- Lập và thực hiện được kế hoạch tuyên truyền trong cộng đồng về văn hóa ứng xử nơi công cộng.

- Tham gia một số hoạt động cộng đồng phù hợp và đánh giá được kết quả hoạt động phát triển cộng đồng.

- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe (các bệnh do hút thuốc lá thụ động).

- Tác hại của hút TLĐT, thuốc lá nung nóng với người hút thụ động.

1. Loại hình: Sinh hoạt dưới cờ

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Thuyết trình, đóng kịch với nội dung về tác hại của hút thuốc lá thụ động tới sức khỏe và tuyên truyền thực hiện hành vi hút thuốc lá có văn hóa ở nơi công cộng.

2. Loại hình: Hoạt động giáo dục theo chủ đề

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Dạy học dự án lập kế hoạch và tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá thụ động tới sức khỏe và thực hiện hành vi hút thuốc lá có văn hóa ở nơi công cộng.

3. Loại hình: Sinh hoạt lớp

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Đóng vai hoặc xemina/thảo luận về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người xung quanh (do hiện tượng hút thuốc là thụ động).

11

Hoạt động rèn luyện bản thân - HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN

- Tuân thủ kỉ luật, quy định của nhóm, tập thể trường, lớp, cộng đồng.

 

Loại hình: Sinh hoạt lớp

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Thuyết trình, thảo luận về các quy định về việc sử dụng thuốc lá, TLĐT. Thảo luận về hành vi tuân thủ các quy định này với HS.

Hoạt động xây dựng cộng đồng - HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI

- Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng và đề xuất được giải pháp quản lí việc thực hiện hoạt động đó.

- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe (các bệnh do hút thuốc lá chủ động và thụ động).

- Tác hại của hút TLĐT, thuốc lá nung nóng với người hút chủ động và người hút thụ động.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.

- Các quy định về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1. Loại hình: Sinh hoạt dưới cờ

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Thuyết trình, đóng kịch với nội dung về tác hại của hút thuốc lá chủ động và thụ động tới sức khỏe và tuyên truyền không hút thuốc lá và thực hiện hành vi hút thuốc lá có văn hóa ở nơi công cộng.

2. Loại hình: Chủ đề

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Dạy học dự án. Ví dụ ý tưởng dự án:

- Lập kế hoạch tuyên truyền ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên trong nhà trường và địa phương thông qua hình thức tờ rơi, trong đó cung cấp thông tin về: Thực trạng sử dụng thuốc lá trong đối tượng HS THPT ở trường và địa phương; Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên; Biện pháp ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.

- Lập kế hoạch và thực hiện tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá mới tới sức khỏe, những hiểu biết chưa đúng đắn về tác hại của thuốc lá mới và truyền tải thông điệp nói không với thuốc lá mới

3. Loại hình: Sinh hoạt lớp

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Đóng vai hoặc thảo luận về:

- Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người xung quanh (do hiện tượng hút thuốc là thụ động).

- Tác hại về tác hại của thuốc lá mới và những hiểu biết chưa đúng đắn, ảnh hưởng của quảng cáo, của bạn bè làm gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên. Từ đó lên kế hoạch thực hiện các hoạt động để xây dựng cộng đồng lớp học nói không với thuốc lá mới.

12

Hoạt động rèn luyện bản thân- HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN

- Thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sự trung thực, tuân thủ nội quy, quy định của pháp luật trong đời sống.

- Tác hại của thuốc lá (truyền thống, điện tử) với người hút và người hút thuốc lá thụ động.

- Hiểu biết chưa đúng về tác hại của thuốc lá mới.

- Các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá trong nhà trường, các quy định với giáo viên và HS.

Loại hình: Sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt lớp

Phương thức tổ chức của HĐTN, HN: Thuyết trình, thảo luận, đóng kịch.

- Thuyết trình, thảo luận về các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá trong nhà trường, các quy định với giáo viên và HS. Thảo luận về hành vi tuân thủ các quy định này với HS.

- Tổ chức cho HS đóng kịch khuyên ngăn người hút thuốc lá (TLĐT hoặc thuốc lá truyền thống) thể hiện hiểu biết về tác hại của thuốc lá hoặc thể hiện quan điểm, hành vi đúng đắn với việc hút thuốc nơi công cộng giảm tác hại của hút thuốc lá thụ động.


2.1.2. Ví dụ minh họa giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá qua tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp

HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THEO CHỦ ĐỀ - LỚP 11

TÊN CHỦ ĐỀ: Hoạt động xây dựng cộng đồng - Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới

Mạch nội dung: Hoạt động xây dựng cộng đồng - Hoạt động hướng đến xã hội

(Hình thức: Chủ đề - Thời gian: 3 tiết)

I. MỤC TIÊU CHỦ ĐỀ

1. Năng lực đặc thù

- Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng và đề xuất được giải pháp quản lí việc thực hiện hoạt động đó.

2. Góp phần phát triển phẩm chất và năng lực chung

- Năng lực tự học: đọc tài liệu và tổng hợp thông tin

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: nêu ý kiến, lắng nghe ý kiến của người khác, thuyết phục, điều chỉnh thống nhất ý kiến trong làm việc nhóm; thực hiện nhiệm vụ được phân công trong nhóm, tham gia hoàn thiện sản phẩm chung của nhóm, hỗ trợ bạn; giới thiệu kế hoạch và thực hiện trước lớp, nêu ý kiến nhận xét, phản biện, bảo vệ ý kiến của nhóm,...

- Chăm chỉ, trung thực: hoàn thiện nội dung được phân công và sản phẩm của nhóm.

3. Mục tiêu tích hợp GD phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Tự đọc tài liệu và tóm tắt được các loại thuốc lá mới, những hiểu biết không đúng về thuốc lá mới, tác hại của thuốc lá mới, các lí do và nguyên nhân dẫn đến sử dụng thuốc lá mới của thanh thiếu niên.

- Thể hiện được hiểu biết và quan điểm của mình về thuốc lá mới qua sản phẩm (video, bài thuyết trình, tranh cổ động) dùng để tuyên truyền thông điệp nói không với thuốc lá mới.

II. HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC

- Loại hình hoạt động: hoạt động giáo dục theo chủ đề

- Hình thức tổ chức: hoạt động trên lớp

- Phương pháp tổ chức: Phương pháp dạy học dự án.

CHUẨN BỊ

- Chuẩn bị của GV:

+ Chuẩn bị tài liệu giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá mới, gồm: các loại thuốc lá mới, các tác hại của thuốc lá mới, những hiểu biết chưa đúng về thuốc lá mới, các quy định về Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học (quy định trong nhà trường, với giáo viên và với HS, quy định về xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá) (có thể trích từ TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG NGỪA THUỐC LÁ MỚI CHO HS PHỔ THÔNG của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

+ Phiếu giao nhiệm vụ, hướng dẫn thảo luận nhóm;

+ Các tiêu chí đánh giá và hướng dẫn đánh giá, nhận xét.

- Chuẩn bị của HS:

Chia lớp thành 2 nhóm HS, HS mỗi nhóm thực hiện chuẩn bị 1 nhiệm vụ sau (làm cá nhân)

+ Đọc tài liệu về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá mới do GV cung cấp, ghi tóm tắt nội dung trả lời các câu hỏi sau vào vở:

(1) Có những loại thuốc lá mới nào? Bản chất và cách nhận diện mỗi loại như thế nào?

(2) Thuốc lá mới có những tác hại nào đối với sức khỏe người hút và những người xung quanh (hút thụ động)?

(3) Nhưng hiểu biết chưa đúng về thuốc lá mới thường gặp là gì?

(4) Tại sao thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị lôi kéo, sử dụng thuốc lá mới?

- Đọc tài liệu về các quy định về Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học (quy định trong nhà trường, với giáo viên và với HS, quy định về xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá) để tóm tắt:

+ Các quy định nghiêm cấm mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học thể hiện trong những luật nào, điều mấy, nội dung là gì?

+ Quy định với giáo viên và HS về phòng, chống tác hại của thuốc lá thể hiện trong các thông tư nào, điều mấy, nội dung là gì?

+ Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá thể hiện trong nghị định nào, điều mấy, nội dung cụ thể là gì?

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC THEO CHỦ ĐỀ

1. Chuỗi các hoạt động giáo dục và thời gian dự kiến

TT

Hoạt động

Phương pháp

Thời lượng

1

TÌM HIỂU NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC TRẢI NGHIỆM

Hoạt động 1: Khởi động, giao nhiệm vụ dự án

Giới thiệu các thông tin về sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, các nguyên nhân. Giới thiệu dự án tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới cho đối tượng HS trong nhà trường. Giao nhiệm vụ dự án: tìm hiểu về tác hại của thuốc lá mới, các quy định và lựa chọn hình thức tuyên truyền, xây dựng sản phẩm tuyên truyền và kế hoạch tuyên truyền

Thuyết trình

10 phút

2

Hoạt động 2: Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá mới và các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá

Làm việc nhóm theo kĩ thuật mảnh ghép để chia sẻ kiến thức về thuốc lá mới, các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Làm việc nhóm, cá nhân

40 phút

THỰC HÀNH TRẢI NGHIỆM

Hoạt động 3: Lập kế hoạch thực hiện dự án

Thảo luận nhóm chọn hình thức tuyên truyền; lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ chuẩn bị các sản phẩm để tuyên truyền; lập kế hoạch tuyên truyền.

Hoạt động 4: Thực hiện chuẩn bị sản phẩm tuyên truyền, lập kế hoạch tuyên truyền

Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch để chuẩn bị các sản phẩm tuyên truyền, lập kế hoạch tuyên truyền (ở nhà)

Làm việc nhóm, cá nhân

40 phút

3

BÁO CÁO, THẢO LUẬN, ĐÁNH GIÁ

Hoạt động 5: Báo cáo trình bày dự án

Trình bày dự án tuyên truyền và thực hiện thử nghiệm tuyên truyền/giới thiệu sản phẩm tuyên truyền.

Nhận xét, đánh giá, góp ý cho các dự án

Xemina/thảo luận

Thuyết trình

30 phút

4

Hoạt động 6: Giao nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền

Đàm thoại, tự trải nghiệm

5 phút

5

Hoạt động 7: Đánh giá hiểu biết, suy nghĩ về tác hại của thuốc lá mới

Làm bài kiểm tra nhanh kiến thức về thuốc lá mới, các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Viết các suy nghĩ và bài học rút ra cho bản thân

Làm việc cá nhân

10 phút

2. Tiến trình hoạt động cụ thể

TÌM HIỂU NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC TRẢI NGHIỆM

Hoạt động 1: KHỞI ĐỘNG, GIAO NHIỆM VỤ DỰ ÁN (10 phút)

Nội dung, cách thức tổ chức

- GV đặt vấn đề bằng cách giới thiệu các thông tin về sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, các nguyên nhân.

(GV có thể sử dụng thông tin về sự gia tăng sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên trong TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG NGỪA THUỐC LÁ MỚI CHO HS PHỔ THÔNG (Tài liệu dành cho cán bộ quản lí, giáo viên, HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông))

- Từ đó đặt ra vấn đề cần tuyên truyền để giảm sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên và giới thiệu dự án tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới cho đối tượng HS trong nhà trường.

Kết quả/Sản phẩm: HS xác định được rõ nhiệm vụ, sản phẩm và yêu cầu của sản phẩm dự án. Cụ thể:

Nhiệm vụ dự án:

- Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá mới, các quy định về chống tác hại của thuốc lá

- Lựa chọn hình thức tuyên truyền, xây dựng sản phẩm tuyên truyền và kế hoạch tuyên truyền.

(Sản phẩm tuyên truyền: chọn 1 trong 2 hình thức như tranh cổ động khổ giấy A0, clip tối đa 5 phút).

Yêu cầu:

(1) Sản phẩm tuyên truyền

- Thể hiện được các loại và cách nhận diện các loại thuốc lá mới; các tác hại của thuốc lá mới; các hiểu biết không đúng về thuốc lá mới; các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Thể hiện được thông điệp nói không với thuốc lá.

- Thông tin được thể hiện rõ, đảm bảo tính chính xác, khoa học.

- Hình thức hấp dẫn, thu hút người xem.

(2) Kế hoạch tuyên truyền

Cần trình bày được: Mục tiêu, nội dung, hình thức, phương tiện, phân công trách nhiệm, đối tượng tuyên truyền, thời gian, địa điểm, kết quả mong đợi

Hoạt động 2: Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá mới và các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá (40 phút)

Nội dung, cách thức tổ chức:

Chuyển giao nhiệm vụ

GV đặt vấn đề vào bài học: Thuốc lá mới là gì? Cách nhận diện các loại thuốc lá mới như thế nào? Chúng có tác hại gì với sức khỏe. Các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá như thế nào? Và tổ chức cho HS làm việc nhóm theo kĩ thuật mảnh ghép để chia sẻ kiến thức về thuốc lá mới, các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cụ thể thực hiện theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thảo luận nhóm chuyên gia

Các HS chuẩn bị nội dung 1 về tác hại của thuốc lá lập thành nhóm 2 chuyên gia (1a, 1b). Các HS chuẩn bị nội dung 2 về quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá lập thành nhóm 2 chuyên gia (2a, 2b).

Các nhóm chuyên gia thảo luận về nội dung đã đọc, sử dụng file tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ giáo dục cung cấp để chia sẻ trong giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Lập nhóm mảnh ghép

Lấy 1/2 nhóm 1a ghép với 1/2 nhóm 2a; Lấy 1/2 nhóm 1b ghép với 1/2 nhóm 2b; tạo thành 4 nhóm mới.

Nhóm mảnh ghép thảo luận: chia sẻ nội dung đã thảo luận chuyên sâu ở giai đoạn 1 cho các bạn chưa tìm hiểu.

Các HS được chia sẻ cần ghi tóm tắt nội dung vào vở.

HS thực hiện nhiệm vụ

HS di chuyển về nhóm chuyên sâu, thảo luận theo nội dung chuyên sâu được phân công, thống nhất các nội dung được phân công và sẽ chia sẻ ở nhóm mảnh ghép.

HS di chuyển về nhóm mảnh ghép, thảo luận theo nội dung chuyên sâu được phân công.

Thảo luận chung cả lớp

GV gọi một số HS trình bày về các loại thuốc lá mới, các tác hại của thuốc lá mới, hiểu biết chưa đúng về thuốc lá mới, các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hỏi chéo HS nhóm chuyên sâu.

Kết quả/Sản phẩm: HS trình bày được:

- Các loại thuốc lá mới,

- Những hiểu biết chưa đúng về thuốc lá mới,

- Các tác hại của thuốc lá mới,

- Các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá.

THỰC HÀNH TRẢI NGHIỆM

Hoạt động 3: Lập kế hoạch thực hiện dự án

Nội dung, cách thức thực hiện:

HS thảo luận nhóm chọn hình thức tuyên truyền; lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ chuẩn bị các sản phẩm để tuyên truyền; lập kế hoạch tuyên truyền, cụ thể các nhiệm vụ cần làm:

- Chọn hình thức sản phẩm tuyên truyền, cách thức tuyên truyền.

- Lập kế hoạch tuyên truyền

- Phân công nhiệm vụ làm sản phẩm tuyên truyền

GV nhắc lại các yêu cầu đối với sản phẩm và gợi ý các mẫu lập kế hoạch (phụ lục).

GV có thể đánh giá sự tham gia hợp tác của HS theo các tiêu chí được thông báo trước (xem phụ lục)

Kết quả/Sản phẩm: Lập được bản kế hoạch để thực hiện dự án

Hoạt động 4: Thực hiện chuẩn bị sản phẩm tuyên truyền, lập kế hoạch tuyên truyền (thực hiện ở nhà)

Nội dung, cách thức thực hiện:

GV cung cấp các công cụ hỗ trợ thực hiện như bản gợi ý lập kế hoạch tuyên truyền (xem phụ lục), phiếu đánh giá sự hợp tác; Đôn đốc, nhắc nhở HS thực hiện.

HS thực hiện nhiệm vụ cá nhân và hợp tác theo kế hoạch để chuẩn bị các sản phẩm tuyên truyền, lập kế hoạch tuyên truyền.

HS các nhóm ghi chép rõ phân công công việc, mức độ hoàn thành để đánh giá sự tham gia hợp tác của HS.

Kết quả/Sản phẩm: Bản kế hoạch tuyên truyền và sản phẩm tuyên truyền

 

BÁO CÁO, THẢO LUẬN, ĐÁNH GIÁ

Hoạt động 5: Báo cáo trình bày dự án (30 phút) Nội dung, cách thức thực hiện:

HS trưng bày sản phẩm tuyên truyền theo phương pháp phòng tranh. HS xem và nhận xét, đánh giá, góp ý cho các dự án theo các tiêu chí đánh giá như đã xác định ở hoạt động 1.

Kết quả/Sản phẩm:

HS trình bày được ý tưởng, nội dung sản phẩm tuyên truyền và kế hoạch tuyên truyền. Trả lời được các câu hỏi phản biện của GV và các nhóm khác về sản phẩm của nhóm.

Hoạt động 6: Giao nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền (5 phút)

Nội dung, cách thức thực hiện:

GV yêu cầu các nhóm triển khai kế hoạch tuyên truyền và chụp lại các hình ảnh làm minh chứng thực hiện, chia sẻ lên group/padlet của lớp.

Thống nhất khoảng thời gian thực hiện kế hoạch và thời hạn gửi hình ảnh minh chứng. Sau khi gửi hình ảnh minh chứng, GV cần có các nhận xét cho hoạt động của các nhóm.

Kết quả/Sản phẩm: Các hình ảnh làm minh chứng thực hiện kế hoạch của các nhóm, chia sẻ lên group/padlet của lớp.

Hoạt động 7: Đánh giá hiểu biết, suy nghĩ về tác hại của thuốc lá mới (10 phút)

Nội dung, cách thức thực hiện:

Làm bài bài kiểm tra nhanh kiến thức về thuốc lá mới, các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá (Nội dung kiểm tra xem phần phụ lục).

Viết các suy nghĩ và bài học rút ra cho bản thân

Kết quả/Sản phẩm: Nội dung các phương án trả lời bài kiểm tra và bài viết về suy nghĩ, bài học cho bản thân.

 

PHỤ LỤC

1. Nội dung đề kiểm tra

Câu 1: Ngoài các loại thuốc lá như thuốc lá điếu, thuốc lào, xì gà, trên thị trường hiện nay đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới nào?

A. Thuốc lá điện tử

B. Thuốc lá nung nóng

C. Miếng dán có chứa Nicotine

D. Shisha

E. Tất cả đáp án trên đều đúng

Câu 2: Thuốc lá điện tử gồm những bộ phận chính nào sau đây?

A. Pin.

B. Ống dung dịch điện tử.

C. Buồng đốt.

D. Bộ phận cảm biến.

Câu 3: Thuốc lá nung nóng có cấu tạo cơ bản như thế nào?

A. Là điếu thuốc lá thông thường nhưng được bổ sung các phụ gia đặc biệt.

B. Gồm ba phần chính gồm phần sạc pin, tẩu hút (có chứa pin) và phần thuốc lá chuyên dụng

C. Gồm đầu đốt dung dịch điện tử chứa Nicotine và hóa chất và thân máy tích hợp bộ điều khiển và pin .

Câu 4: Chất gây nghiện trong các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điếu, điện tử, nung nóng) là chất gì?

A. Nicotine

B. Chất cồn

C. Cocain

Câu 5: Khói của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa thành phần gì mà gây hại cho người sử dụng?

A. Hạt bụi

B. Hơi nước

C. Hóa chất độc hại

Câu 6: Hút thuốc lá thụ động là gì?

A. Hút chung điếu thuốc đang hút của người khác

B. Không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác.

C. Nhai, ngậm thuốc lá

D. Tất cả các đáp án trên đều đúng

Câu 7: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho người sử dụng vì nguyên nhân nào?

A. Giật điện

B. Cháy/nổ pin của thiết bị điện tử

C. Rơi, vỡ tạo ra các mảnh sắc nhọn

D. Tất cả đáp án trên đều sai

Câu 8: Sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ dẫn tới bắt đầu sử dụng loại sản phẩm nào dưới đây?

A. Thuốc lá điếu

B. Các chất gây nghiện

C. Rượu bia

D. Tất cả đáp án trên đều đúng

Câu 9: Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra các loại bệnh tật nào?

A. Bệnh đường hô hấp

B. Bệnh tim mạch

C. Ung thư

D. Tất cả các đáp án trên đều đúng

Câu 10: Vì sao thuốc lá điện tử hấp dẫn thanh thiếu niên?

A. Nhiều hương vị

B. Thiết kế đẹp mắt

C. Tạo trào lưu

D. Tất cả đáp án trên đều đúng

Câu 11: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng đến môi trường do nguyên nhân gì?

A. Gây ô nhiễm không khí

B. Phát sinh chất thải rắn độc hại

C. Tất cả đáp án trên đều đúng

Câu 12: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng nhắm chủ yếu tới đối tượng nào?

A. Người đang hút thuốc lá

B. Người đã cai thuốc lá

C. Thanh thiếu niên

2. Khung hướng dẫn lập kế hoạch tuyên truyền:

HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Nhóm …………………………………………..

Các thành viên: ………………………………..

 

Mục tiêu

Ghi mục tiêu cần đạt được của hoạt động tuyên truyền

 

Nội dung

Liệt kê các nội dung cần tuyên truyền

Hình thức, phương tiện

Ghi hình thức và phương tiện tuyên truyền (tranh cổ động, clip; đưa trên phương tiện thông tin nào?)

Phân công trách nhiệm

Ghi rõ phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm trong việc chuẩn bị và thực hiện các hoạt động tuyên truyền

Đối tượng tuyên truyền

Học sinh lớp … trường …. địa phương ….

Thời gian

Khoảng thời gian tuyên truyền?

Địa điểm

Treo tranh, chiếu clip ở đâu?

Kết quả mong đợi

Ghi rõ kết quả mong đợi như thế nào?

3. Mẫu phiếu phân công nhiệm vụ và đánh giá hoạt động nhóm

ĐÁNH GIÁ TÍNH TÍCH CỰC TRONG HỢP TÁC NHÓM

TÊN NHÓM: .............................................

Nội dung nhiệm vụ nhóm......................................

1. Phân công thực hiện nhiệm vụ

STT

Tên thành viên

Nhiệm vụ thực hiện

Sản phẩm cần đạt

Thời hạn

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

2. Đánh giá sự tham gia của các thành viên trong nhóm

STT

Tên thành viên

Mức độ đóng góp ý kiến, phản biện, phân tích

Mức độ hoàn thành nhiệm vụ được phân công và sản phẩm nhóm

Mức độ hợp tác với các thành viên trong nhóm

Thái độ thể hiện tính xây dựng, đoàn kết trong nhóm

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

Mỗi tiêu chí đánh giá theo 4 mức độ được mô tả trong bảng ở trang sau.


Mỗi tiêu chí đánh giá theo 4 mức độ, cụ thể mô tả các mức độ như sau:

Tiêu chí

Mức 4

Mức 3

Mức 2

Mức 1

Mức độ đóng góp ý kiến, phản biện, phân tích

Chủ động, tích cực nêu ý kiến, chú ý nghe và phản biện ý kiến người khác phù hợp và đưa ra các phân tích, điều chỉnh, tổng kết, kết luận vấn đề nghiên cứu

Chủ động, tích cực nêu ý kiến cá nhân, chú ý nghe và phản biện ý kiến người khác phù hợp tuy nhiên chưa chủ động, tích cực đưa ra các phân tích, điều chỉnh, tổng kết, kết luận vấn đề nghiên cứu

Có tham gia nêu ý kiến cá nhân, nghe và phản biện ý kiến người khác phù hợp tuy nhiên, phân tích, tổng kết vấn đề thảo luận nhưng chưa chủ động, tích cực

Hầu như không tham gia nêu ý kiến cá nhân, nghe và phản biện ý kiến người khác phù hợp tuy nhiên, phân tích, tổng kết vấn đề thảo luận

Mức độ hoàn thành nhiệm vụ được phân công và sản phẩm nhóm

Hoàn thành nhiệm vụ được phân công, sản phẩm nhóm đúng hạn, sản phẩm tốt trên yêu cầu

Hoàn thành nhiệm vụ được phân công, và sản phẩm nhóm đúng hạn, sản phẩm đạt yêu cầu

Hoàn thành nhiệm vụ được phân công nhưng chưa đúng hạn hoặc sản phẩm chưa đạt yêu cầu, chưa tham gia tích cực làm sản phẩm nhóm

Không hoàn thành nhiệm vụ phân công hoặc hoàn thành rất hạn chế

Mức độ hợp tác với các thành viên trong nhóm

Hợp tác chặt chẽ, với thái độ tích cực, vui vẻ, đoàn kết

Hợp tác chặt chẽ, thái độ chưa được tích cực, vui vẻ, đoàn kết

Hợp tác không chặt chẽ, thái độ chưa được tích cực, vui vẻ, đoàn kết

Không hợp tác với các thành viên khác trong nhóm

Thái độ thể hiện tính xây dựng, đoàn kết với các thành viên trong nhóm

Thái độ thể hiện tính xây dựng, đoàn kết với các thành viên trong nhóm cao

Thái độ thể hiện tính xây dựng, đoàn kết với các thành viên trong nhóm chưa cao

Chưa thể hiện được tính xây dựng, đoàn kết với các thành viên trong nhóm

Có thái độ gây căng thẳng, mất đoàn kết trong nhóm

2.2. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

2.2.1. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Bảng 2. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Lớp

Chủ đề

Xác định yêu cầu cần đạt có khả năng lồng ghép

Nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc là

Gợi ý hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học

Lớp 10

Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật

- Phân tích, đánh giá được các hình thức thực hiện pháp luật trong một số tình huống thực tiễn

- Phê phán các hành vi vi phạm pháp luật

- Các quy định nghiêm cấm mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học

- Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá

PPDH: Dạy học khám phá, dạy học giải quyết vấn đề để phân tích, làm rõ các quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học; về các quy định xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá.

KTDH: Sơ đồ tư duy để hệ thống lại các quy định của pháp luật về thuốc lá

Lớp 11

Cạnh tranh, cung, cầu trong nền kinh tế thị trường

- Phê phán những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh

- Nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến cung

- Nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến cầu

- Các yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên

- Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá

PPDH: Dạy học hợp tác, dạy học giải quyết vấn đề nhằm làm rõ cạnh tranh không lành mạnh đã làm xuất hiện và gia tăng việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên

KTDH: Kĩ thuật công não, XYZ để xác định mối quan hệ cung - cầu trong vấn đề thuốc lá đã làm gia tăng việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên

 

Đạo đức kinh doanh

- Vận động người thân trong gia đình thực hiện đạo đức kinh doanh

- Phê phán được những biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh

- Các yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên

- Các quy định nghiêm cấm mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học

- Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá

PPDH: Dạy học hợp tác, dạy học khám phá để vận động mọi người ngăn ngừa các yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá

KTDH: Kĩ thuật phòng tranh, KWL, công náo… để xác định các quy định của pháp luật trong việc xử phạt đối với các hành vi sử dụng, quảng cáo, buôn bán thuốc lá…

 

Văn hóa tiêu dùng

- Mô tả được một số đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng Việt Nam và các biện pháp xây dựng văn hóa tiêu dùng.

- Thực hiện được các hành vi tiêu dùng có văn hóa

- Phê phán những biểu hiện không có văn hóa trong tiêu dùng; tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân làm người tiêu dùng có văn hoá

- Tác hại của thuốc lá tới sức khỏe

- Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

- Gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng thuốc lá

PPDH: Dạy học hợp tác, dạy học khám phá nhằm làm rõ đặc điểm của hành vi tiêu dùng không có văn hóa trong tiêu thụ, sử dụng thuốc lá của người Việt Nam đã tổn hại đến sức khỏe và gây gánh nặng cho xã

KTDH: Kĩ thuật phòng tranh, sơ đồ tư duy để tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân không sử dụng thuốc lá.

Lớp 12

Tăng trưởng và phát triển kinh tế

Nhận biết được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển bền vững.

- Tác hại của thuốc lá tới sức khỏe

- Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

- Gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng thuốc lá

PPDH: Dạy học hợp tác, dạy học dự án để khảo sát những ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí do các chất độc hại từ khói thuốc lá tới sức khỏe, môi trường; những gánh nặng của bệnh tật do thuốc lá đã gây tổn hại đến kinh tế và sự phát triển bền vững

KTDH: Phòng tranh, thuyết trình, điều tra, phỏng vấn…trong thực hiện các dự án học tập.

 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

- Trình bày được ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

- Xác định được trách nhiệm của công dân khi tham gia điều hành doanh nghiệp.

- Phê phán những biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với xã hội của một số doanh nghiệp.

- Tác hại của thuốc lá tới sức khỏe

- Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

- Các quy định nghiêm cấm mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học

- Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá

PPDH: Dạy học hợp tác, giải quyết vấn đề nhằm làm rõ trách nhiệm của xã hội và doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn ngừa những tác hại của thuốc lá.

KTDH: Mảnh ghép, chuyên gia đặt câu hỏi, động não, …

 

Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, xã hội

- Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chăm sóc sức khỏe; đảm bảo an sinh xã hội, môi trường

- Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về văn hoá, xã hội bằng những hành vi phù hợp.

- Nhận biết được tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá, xã hội

- Tác hại của thuốc lá tới sức khỏe

- Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường

- Các bệnh do hút thuốc lá

- Tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới

PPDH: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học hợp tác để tuyên truyền quy định của pháp luật về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường, an sinh xã hội

KTDH: Chuyên gia, mảnh ghép, đặt câu hỏi có vấn đề…

2.2.2. Ví dụ minh họa giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THPT

CHỦ ĐỀ 9. PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BÀI: THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

Số tiết: 3

Mạch nội dung: Giáo dục pháp luật

1. MỤC TIÊU

1.1. Năng lực Năng lực tự chủ và tự học: Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật

Năng lực điều chỉnh hành vi:

- Nhận biết được khái niệm, khái niệm, các hình thức thực hiện pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Nhận xét, đánh giá được thái độ, hành vi, việc làm của bản thân và của người khác trong thực hiện các quy định của pháp luật

- Phê phán, đấu tranh với những thái độ, hành vi, việc làm vi phạm quy định của pháp luật Trách nhiệm: có thái độ tích cực, tự giác rèn luyện bản thân để thực hiện đúng các quy định của pháp luật

Lồng ghép các nội dung sau

- Các quy định nghiêm cấm mua bán và sử dụng thuốc lá trong trường học

- Các quy định về xử phạt vi phạm quảng cáo, buôn bán và hút thuốc lá

2. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- Máy tính, ti vi, màn hình trình chiếu;

- SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10; Một số văn bản pháp luật: Hiến pháp 2013; Bộ luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012; Luật giáo dục 2019; Chỉ thị số 6036/CT-BGD ĐT ngày 17/12/2014 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành Giáo dục.

- Video mô tả các hình thức hiện pháp luật, video nói không với thuốc lá điện tử; Video sức khỏe của bạn hay thuốc lá điện tử, tranh ảnh về hút thuốc lá, bệnh do thuốc lá.

3. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

Hoạt động 1. Xác định vấn đề

a) Mục tiêu: HS bước đầu nhận biết được một số quy định của pháp luật trong trong dó các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Tổ chức thực hiện

- GV sử dụng video “Sức khỏe của bạn hay thuốc lá điện tử?”; yêu cầu HS quan sát, theo dõi và ghi ra A4/vở những nội dung sau: (1) Những chủ thể nào được nhắc đến trong bài Ráp ở video? (2) tìm các từ/cụm từ trong bài Ráp nói đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của các chủ thể về thuốc lá điện tử; tác hại của thuốc lá điện tử; (3) Những suy nghĩ, nhận thức, hành vi của các chủ thể đó có phù hợp với pháp luật không? Vì sao.

- HS thực hiện nhiệm vụ cá nhân, sau đó trao đổi với bạn ngồi cạnh để thống nhất câu trả lời

- GV hướng dẫn HS chia sẻ trước lớp theo các gợi ý sau khi xem video và phát biểu những yêu cầu, nhiệm vụ cần giải quyết trong bài học.

Hoạt động 2. Tìm hiểu khái niệm và các hình thức thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mục tiêu:

Nhận biết các hình thức thực hiện pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhận xét, đánh giá được thái độ, hành vi, việc làm của bản thân và của người khác trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Phê phán, đấu tranh với những thái độ, hành vi, việc làm vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá .

Tổ chức thực hiện

Nhiệm vụ 1: GV chiếu video “Nói không với thuốc lá” và yêu cầu HS làm việc cá nhân và nhóm để xác định các hình thức thực hiện trong phòng, chống tác hại của thuốc lá thể hiện ở video

Nhiệm vụ 2: GV phát phiếu bài tập và yêu cầu HS hoàn thành:

PHIẾU BÀI TẬP

Họ và tên HS:………………………………………....... Lớp:………………….

Mỗi hành vi, việc làm dưới đây thuộc hình thức thực hiện pháp luật nào? Vì sao?

(Ghi hình thức thực hiện pháp luật ở cột 2 tương ứng với hành vi, việc làm ở cột 1)

Hành vi, việc làm

Hình thức thực hiện pháp luật

A. Không sản xuất buôn bán, sử dụng trái phép chất thuốc lá

Tuân thủ pháp luật

B. Mở cửa hàng bán hàng tạp hóa và bán những mặt hàng được ghi trong giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp

Sử dụng pháp luật

C. Đội quản lí thị trường đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi mặt hàng thuốc lá của nhà ông K vì không có trong giấy phép kinh doanh.

Áp dụng pháp luật

D. Nhà máy sản xuất vải sợi sử dụng biển báo “cấm hút thuốc lá” tại các khu vực dễ gây cháy nổ.

Thi hành pháp luật

Với nhiệm vụ 1: HS xem video (cá nhân) ghi chép các chi tiết cho thấy những tác hại của hút thuốc lá điện tử, những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử. Sau đó thảo luận để thống nhất kết quả bằng bài thuyết trình trước lớp. Đại diện nhóm thuyết trình trước lớp.

Với nhiệm vụ 2: HS hoàn thành phiếu, sau đó thảo luận với bạn ngồi cạnh để thống nhất kết quả. Đại diện cặp đôi trình bày kết quả trên phiếu đã thống nhất..

GV hướng dẫn HS thảo luận lớp. Nêu câu hỏi để HS phân tích: Nếu chứng kiến người khác có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, em sẽ xử lí như thế nào? Vì sao?

Kết luận, nhận định: Có bốn hình thức thực hiện pháp luật: Tuân thủ pháp luật; Thi hành pháp luật; Sử dụng pháp luật; Áp dụng pháp luật. Khi chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật: Phê phán, biểu thị không đồng tình, tố giác những hành vi sai phạm đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hút thuốc lá điện tử tạo ra khí độc, gây bệnh cho cả người hút (hút chủ động) và người xung quanh (hút thụ động), ... làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người hút, ảnh hưởng đến tương lai. Các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng thuốc là điện tử dưới mọi hình thức thuốc đều vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hoạt động 3 Thực hành tuyên truyền pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mục tiêu: Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Biết tránh xa thuốc lá.

Tổ chức thực hiện

- GV giao cho HS lập bảng theo dõi việc thực hiện quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nhà, ở trường và ở nơi công cộng.

- HS lập được bảng theo dõi chi tiết (như nhật kí) việc thực hiện pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nhà, ở trường và ở nơi công cộng. Ghi rõ thành các cột: ngày, tháng, năm; địa điểm; thời gian; hành vi, việc làm, biểu hiện cụ thể về thực hiện pháp luật hoặc không thực hiện pháp luật; Nêu hướng phát huy hành vi thực hiện pháp luật hoặc khắc phục hành vi không thực hiện pháp luật.

- HS nộp sản phẩm cho GV vào tiết học tiếp theo.

Kết luận, nhận định:

GV nhận xét tinh thần, thái độ học tập, hợp tác nhóm của HS và đánh giá sản phẩm, báo cáo kết quả học tập của các nhóm HS. Sau đó tổng kết các nội dung của bài.

2.3. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Sinh học

2.3.1. Nội dung, địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá qua dạy học môn Sinh học

Sinh học là môn học được lựa chọn trong nhóm môn khoa học tự nhiên ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Môn Sinh học hình thành, phát triển ở HS năng lực sinh học, đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở HS các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Chương trình môn Sinh học vừa hệ thống hoá, củng cố kiến thức, phát triển kĩ năng và giá trị cốt lõi của sinh học đã được học ở giai đoạn giáo dục cơ bản; vừa giúp HS tìm hiểu sâu hơn các tri thức sinh học cốt lõi, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng sinh học, các nguyên lí và quy trình công nghệ sinh học thông qua các chủ đề: sinh học tế bào; sinh học phân tử; sinh học vi sinh vật; sinh lí thực vật; sinh lí động vật; di truyền học; tiến hóa và sinh thái học. Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gần gũi với đời sống hằng ngày của HS. Bản thân sinh học là khoa học thực nghiệm. Sự phát triển của sinh học đang ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức lí thuyết cơ bản với công nghệ ứng dụng. Vì vậy thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu sinh học, đồng thời cũng là phương pháp dạy học đặc trưng của môn học này. Thông qua việc tổ chức các hoạt động thực nghiệm, thực hành, môn Sinh học giúp HS khám phá thế giới tự nhiên, phát triển khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và khả năng định hướng nghề nghiệp sau giáo dục phổ thông.

Mục tiêu môn Sinh học là hình thành, phát triển ở HS năng lực sinh học; đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở HS các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung là các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Sinh vật sống trong đó có cả con người là đối tượng nghiên cứu của môn Sinh học. Thông qua nội dung kiến thức môn Sinh học các em không chỉ hiểu về sự vận động, phát triển của thế giới sống mà còn hiểu biết về một số cơ chế, quá trình sinh lí của chính cơ thể mình. Qua đó, các em biết tự điều chỉnh các hoạt động của bản thân, biết tự bảo vệ mình trước những tác nhân có hại có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, trong các nhà trường cần có những chương trình, hoạt động giáo dục lồng ghép nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kĩ năng phòng tránh những tác hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Phân tích đặc điểm về YCCĐ và nội dung của môn Sinh học, chỉ ra các chủ đề có nội dung liên quan đến vấn đề về tác hại của thuốc lá với sức khỏe để đề xuất nội dung lồng ghép và gợi ý phương pháp tổ chức dạy học.

Nội dung và địa chỉ tích hợp có thể thực hiện trong môn Sinh học được trình bày trong bảng 2.2 dưới đây.

Bảng 3. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Sinh học cấp THPT

Lớp

Chủ đề/mạch nội dung

Yêu cầu cần đạt

Nội dung lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá

Gợi ý hình thức, Phương pháp/kĩ thuật tổ chức dạy học

11

Chủ đề: Hô hấp và trao đổi khí ở động vật

− Giải thích được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe.

− Vận dụng hiểu biết về hô hấp trao đổi khí để phòng các bệnh về đường hô hấp.

− Giải thích được tác hại của ô nhiễm không khí đến hô hấp.

− Tìm hiểu được các bệnh về đường hô hấp.

− Trình bày được quan điểm của bản thân về việc xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng và cấm trẻ em dưới 16 tuổi hút thuốc lá.

Thuốc lá có hại đến sức khỏe

Thuốc lá gây nên một số bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong.

1. Thuốc lá gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn (BPTNM)

2. Thuốc lá gây bệnh có liên quan đến ung thư

3. Thuốc lá gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

4. Thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường không khí

1. Thuốc lá làm ô nhiễm môi trường không khí

2. Thuốc lá làm hủy hoại môi trường

3. Thuốc lá tàn phá rừng

4. Thuốc lá làm đất bạc màu

5. Thuốc lá làm tăng lượng chất thải độc hại, rác thải

V. Trẻ em với thuốc lá Người hút thuốc trước 15 tuổi sẽ có nguy cơ bị ung thư gấp 4 lần người hút thuốc sau 25 tuổi.

1. Mắc các bệnh về đường hô hấp

2. Giảm trí thông minh

3. Dễ mắc viêm màng não và viêm não mô cầu

4. Gây bệnh về tim mạch

Hình thức tổ chức dạy học:

- Dạy học trên lớp

- Dạy học theo nhóm

- Dạy học cá nhân

Phương pháp dạy học:

- Dạy học khám phá, tìm tòi để tìm hiểu các bệnh về đường hô hấp.

- Dạy học dự án, tìm hiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người, ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường không khí.

- Dạy học giải quyết vấn đề trong dạy học nội dung biện pháp phòng các bệnh về đường hô hấp.

- Dạy học tranh biện trong dạy học nội dung trẻ em với thuốc lá.

Kĩ thuật dạy học:

- Mảnh ghép

- Khăn trải bàn

- Chuyên gia

- Ổ bi….

Lớp 11

Chủ đề: Hệ tuần hoàn

Kể được các bệnh thường gặp về hệ tuần hoàn. Trình bày được một số biện pháp phòng chống các bệnh tim mạch.

Trình bày được vai trò của thể dục, thể thao đối với tuần hoàn.

I. Các bệnh về hệ tuần hoàn và nguyên nhân

1. Bệnh xơ vữa động mạch

2. Bệnh rối loạn nhịp tim

3. Bệnh viêm cơ tim

4. Bệnh mạch vành

II. Không hút thuốc để phòng chống các bệnh tim mạch.

Hình thức tổ chức dạy học:

- Dạy học trên lớp

- Dạy học theo nhóm

- Dạy học cá nhân

Phương pháp dạy học:

- Dạy học khám phá tìm hiểu một số bệnh tim mạch.

- Dạy học hợp tác tìm hiểu biện pháp bảo vệ hệ tim mạch.

Kĩ thuật dạy học:

- Kĩ thuật mảnh ghép

- Kĩ thuật khăn trải bàn

- Kĩ thuật xương cá

- Chuyên gia

- Think - Pair - Share

Lớp 12

Chủ đề: Đột biến gene

Phân tích được nguyên nhân, cơ chế phát sinh của đột biến gene.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột biến gene

Hình thức tổ chức dạy học:

- Dạy học trên lớp

- Dạy học theo nhóm

- Dạy học cá nhân

Phương pháp dạy học:

- Seminar/dạy học hợp tác/dạy học giải quyết vấn đề /đóng kịch tìm hiểu tác hại của hút thuốc lá đến bộ gene và hậu quả của những đột biến gene do tác động của khói thuốc lá.

- Dự án hoặc xemina/thảo luận về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh do hiện tượng hút thuốc là thụ động. Có thể tổ chức đóng vai với vai diễn là bác sĩ để giải thích tác hại của hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động tới bộ gene

Kĩ thuật dạy học: Chuyên gia, mảnh ghép, đặt câu hỏi có vấn đề…

Lớp 12

Chủ đề: Sinh thái học phục hồi, bảo tồn và phát triển bền vững

- Phân tích được những biện pháp chủ yếu hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Phân tích được vai trò của giáo dục bảo vệ môi trường đối với phát triển bền vững đất nước.

Đề xuất các hoạt động bản thân có thể làm được nhằm góp phần phát triển bền vững.

I. Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường không khí

1. Thuốc lá làm ô nhiễm môi trường không khí

2. Thuốc lá làm hủy hoại môi trường

3. Thuốc lá tàn phá rừng

4. Thuốc lá làm đất bạc màu

5. Thuốc lá làm tăng lượng chất thải độc hại, rác thải

Hình thức tổ chức dạy học:

- Dạy học trên lớp

- Dạy học theo nhóm

- Dạy học cá nhân

Phương pháp dạy học:

- Dạy học khám phá/dạy học hợp tác/dạy học giải quyết vấn đề /đóng kịch/ Thiết kế poster về tác hại của hút thuốc lá chủ động, hút thuốc lá thụ động làm ô nhiễm môi trường không khí và tuyên truyền thực hiện hành vi hút thuốc lá có văn hóa ở nơi công cộng.

- Dạy học khám phá/dạy học hợp tác/dạy học giải quyết vấn đề /đóng kịch / tranh biện về giáo dục bảo vệ môi trường và tuyên truyền thực hiện hành vi hút thuốc lá có văn hóa ở nơi công cộng.

Kĩ thuật dạy học:

- Kĩ thuật mảnh ghép

- Kĩ thuật khăn trải bàn

- Kĩ thuật xương cá


2.3.2. Ví dụ minh họa giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá qua dạy học môn Sinh học cấp THPT

CHỦ ĐỀ: HÔ HẤP VÀ TRAO ĐỔI KHÍ Ở ĐỘNG VẬT

Số tiết: 2

Mạch nội dung: Ứng dụng hô hấp và trao đổi khí ở động vật

1. MỤC TIÊU

1.1. Các mục tiêu bài học:

Năng lực Sinh học

- Giải thích được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe.

- Vận dụng hiểu biết về hô hấp trao đổi khí để phòng các bệnh về đường hô hấp.

- Giải thích được tác hại của ô nhiễm không khí đến hô hấp.

- Tìm hiểu được các bệnh về đường hô hấp.

- Trình bày được quan điểm của bản thân về việc xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng và cấm trẻ em dưới 16 tuổi hút thuốc lá.

Năng lực chung

- Chủ động tìm kiếm thông tin liên quan đến một số bệnh về đường hô hấp, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường sống.

- Tích cực, chủ động trong hoạt động nhóm nhằm đánh giá mức độ gây hại của khói thuốc lá đến sức khỏe hệ hô hấp.

Phẩm chất

- Có ý thức bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp cho bản thân cũng như thành viên trong gia đình. Tuyên truyền cho người thân, cộng đồng về nguyên nhân gây nên một số bệnh về đường hô hấp cũng như biện pháp phòng, chống bệnh về đường hô hấp không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể thao nâng cao sức khỏe hệ hô hấp.

- Đồng cảm, động viên và giúp đỡ những người mạch bệnh hô hấp trong gia đình, trong cộng đồng.

- Có thái độ phê phán, không đồng tình với những người hút thuốc nơi công cộng, nghiêm cấm trẻ em hút thuốc lá.

1.2. Các mục tiêu tích hợp GD phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Trình bày được khái niệm, triệu chứng biểu hiện của một số bệnh về đường hô hấp.

- Giải thích được nguyên nhân, cơ chế gây một số bệnh về hô hấp do tác động của một số hóa chất có trong khói thuốc lá.

- Giải thích được những hệ lụy của một số bệnh hô hấp đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển kinh tế gia đình của những người bệnh.

- Đề xuất được một số biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí do khói thuốc và tuyên truyền những biện pháp đó đến gia đình và cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp của bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Nhận biết và từ chối sự lôi kéo của người khác trong việc thuyết phục sử dụng thuốc lá, và thể hiện thái độ đúng đắn với việc làm không phù hợp, thực hiện kĩ năng từ chối.

2. THIẾT BỊ VÀ HỌC LIỆU

Chuẩn bị của GV: Chuẩn bị phim tài liệu giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá mới (gồm các loại thuốc lá, hiểu biết chưa đúng về thuốc lá mới và các tác hại của thuốc lá mới); Phiếu giao nhiệm vụ thảo luận nhóm; Các tiêu chí đánh giá và hướng dẫn đánh giá, nhận xét.

Chuẩn bị của HS: Đọc tài liệu về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sức khỏe bản thân và cộng đồng.

PHIẾU GIAO NHIỆM VỤ DỰ ÁN

GV đặt vấn đề “Thuốc lá là tác nhân gây nên nhiều bệnh về hô hấp, tỉ lệ người Việt Nam, đặc biệt là thanh thiếu niên hút thuốc lá khá cao. Hãy thực hiện dự án Tìm hiểu và đánh giá tác hại của thuốc lá đến sức khỏe hệ hô hấp”.

Ý tưởng dự án

“Khói thuốc lá” chứa nhiều hóa chất không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt gây nên các bệnh hệ hô hấp.

Đây là vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm và có nhiều biện pháp hoạt động kêu gọi mọi người không hút thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người do thói quen, do công việc và cũng do cả sự hiểu biết chưa đầy đủ về tác hại của khói thuốc lá mà vẫn hút thuốc lá ở mọi lúc, mọi nơi.

Việc tuyên truyền các thông tin cụ thể về tác hại của thuốc lá có ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nên bệnh hệ hô hấp là một biện pháp tốt để kêu gọi mọi người không hút và sản xuất thuốc lá.

Vì môi trường của chính chúng ta và cộng đồng, mỗi nhóm HS sẽ vào vai là các tình nguyện viên vì sức khỏe cộng đồng, thiết kế 1 poster tuyên truyền không hút thuốc lá và không sản xuất thuốc lá dựa trên căn cứ về tác hại của việc hút thuốc lá có hại đến hệ hô hấp và ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiệm vụ

Tìm hiểu thông tin về: nguyên nhân, triệu chứng một số bệnh về hệ hô hấp; tìm hiểu cơ chế gây bệnh của khói thuốc lá đến sức khỏe hệ hô hấp và ảnh hưởng đến môi trường từ đó đưa ra các thông điệp về không hút thuốc lá; thiết kế 01 poster trên khổ giấy A0 với thông tin tuyên truyền về (i) tác hại của thuốc lá với sức khỏe nói chung, sức khỏe hệ hô hấp nói riêng; (ii) không hút thuốc lá nơi học đường và nơi công cộng; (iii) tác hại của thuốc lá với sự phát triển của trẻ em và nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng thuốc lá.

Trưng bày poster và thuyết trình vào buổi học tiếp theo.

Tiêu chí đánh giá sản phẩm

Tiêu chí đánh giá

Điểm tối đa

Điểm đánh giá

Nội dung

(1) Nêu được thông tin về các loại hóa chất trong khói thuốc lá.

1,0

 

(2) Trình bày được một số bệnh hô hấp do tác hại của khói thuốc lá.

1,0

 

(3) Nêu được thực trạng việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam.

1,0

 

(4) Thông điệp tuyên truyền không hút thuốc lá có hại đến sức khỏe hệ hô hấp.

1,0

 

 

(5) Thông điệp tuyên truyền không hút thuốc lá trong các trường học, nơi công cộng.

1,0

 

(6) Thông điệp tuyên truyền tác hại của thuốc lá với sự phát triển của trẻ em.

1,0

 

(7) Thông điệp tuyên truyền cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng thuốc lá.

1,0

 

Hình thức

(5) Phối hợp cân đối giữa hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu với chữ.

1,0

 

(6) Làm nổi bật được các thông tin quan trọng.

1,0

 

(7) Ấn tượng, hấp dẫn, sáng tạo.

1,0

 

Tổng điểm tối đa

10,0

 

Hướng dẫn và yêu cầu khi thực hiện

- Thảo luận xác định các nội dung và yêu cầu cần tìm hiểu làm dữ liệu thiết kế poster, phân công người phụ trách.

- Lập kế hoạch điều tra: viết các câu hỏi điều tra, thiết kế thành phiếu ghi chép khi thu thập dữ liệu, xác định các gia đình, thời gian điều tra, phân công người điều tra, tổng hợp dữ liệu.

- Chia sẻ các thông tin thu thập được, thảo luận đưa ra các suy nghĩ, thông điệp, biện pháp giảm thiểu hút thuốc lá, thảo lập lên ý tưởng thiết kế poster, thực hiện thiết kế poster.

- Các nhóm cần lập bản phân công chi tiết và đánh giá theo mẫu:

Nhiệm vụ

Yêu cầu với sản phẩm của nhiệm vụ

Thời gian hoàn thành

Người phụ trách

Đánh giá mức độ hoàn thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thực hiện tự đánh giá và đánh giá chéo theo nhóm

PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỒNG ĐẲNG

Nhiệm vụ trong nhóm (Ghi một cách ngắn gọn các phần việc được giao)

………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………….

Đánh dấu X vào cột mức độ phù hợp với sự đóng góp của bản thân em và các thành viên khác cho nhóm.

Mức độ

3

2

1

0

Mô tả sự đóng góp theo mức độ

Có những đóng góp quan trọng cho nhóm

Có những đóng góp nhỏ cho nhóm

Không có đóng góp cho nhóm

Gây cản trở hoạt động của nhóm

Tự đánh giá

 

 

 

 

Đánh giá các thành viên khác

HS A

 

 

 

 

HS B

 

 

 

 

HS C

 

 

 

 

HS D

 

 

 

 

3. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

Hoạt động 1. Xác định vấn đề (5 phút)

Mục tiêu: Thông qua hoạt động nhận diện thông điệp trong tranh ảnh, HS bước đầu nhận biết được một số tác hại của thuốc lá đến sức khỏe nói chung đến hệ hô hấp nói riêng.

Tổ chức thực hiện

Bước 1. Giao nhiệm vụ

- GV chiếu 4 hình ảnh hoặc phát cho HS và yêu cầu HS trao đổi theo cặp đôi và ghi kết quả trao đổi ra A4/vở những nội dung sau:

+ Xác định những nội dung nào biểu hiện bệnh hô hấp.

+ Chỉ ra hình ảnh biểu đạt bệnh hô hấp do tác hại của thuốc lá và cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh. Giải thích vì sao?

+ Đặt tên chủ đề học tập.

Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ

- Các cặp đôi trao đổi, thảo luận tình huống và chia sẻ với cả lớp cách giải quyết của mình.

- GV hướng dẫn HS chia sẻ theo các gợi ý sau:

+ Mô tả các nội dung được biểu đạt trong từng hình ảnh.

+ Xác định tiêu chí và phân nhóm các hình ảnh.

Bước 3. Báo cáo, thảo luận

GV tổ chức cho HS báo cáo kết quả thảo luận và đặt tên chủ đề học tập.

Bước 4. Kết luận, nhận định

GV dựa vào báo cáo của HS, dẫn vào bài học và giới thiệu những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học.

Hoạt động 2. Hình thành kiến thức mới: Tìm hiểu nguyên nhân và biểu hiện một số bệnh hô hấp (20 phút).

a. Mục tiêu: Thông qua đọc tài liệu, xem video HS trình bày được triệu chứng, nguyên nhân một số bệnh hệ hô hấp và đề xuất biện pháp hạn chế một số bệnh đó.

b. Tổ chức thực hiện

Bước 1. Giao nhiệm vụ

GV cung cấp tài liệu cho HS dưới dạng kênh chữ, kênh hình và âm thanh, yêu cầu nhóm 4 HS thực hiện nhiệm vụ học tập sau:

Nhiệm vụ 1. Tìm hiểu nguyên nhân và biểu hiện một số bệnh hệ hô hấp.

Yêu cầu: Mỗi các nhân đọc/xem video ghi nhanh thông tin thu nhận được, thảo luận nhóm hoàn thành phiếu học tập hoặc trả lời câu hỏi hoặc sơ đồ hóa nội dung tìm hiểu được.

Thời gian: 10 phút.

 

 

Nhiệm vụ nhóm 1, 3: Truy cập vào link (https://s.net.vn/AzvN), xem video và thảo luận nhóm hoàn thành phiếu học tập

 

PHIẾU HỌC TẬP NHÓM

+ Hoàn thành nội dung trong bảng:

Tên bệnh

Những biểu hiện bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

 

 

 

+ Trả lời câu hỏi: Thuốc lá có liên quan như thế nào đến bệnh?

 

 

Nhiệm vụ nhóm 2, 4: Đọc tài liệu “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, thảo luận nhóm và trả lời câu hỏi:

- Nêu các triệu chứng và hệ quả của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Nêu nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Bệnh tắc nghẽn mạn tính có liên quan như thế nào đến thuốc lá?

 

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính liên quan đến hút thuốc lá, căn bệnh được xem như gánh nặng kinh tế đáng kể lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng ở cả các nước đã và đang phát triển. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu gặp ở người trên 40 tuổi. Nhưng trên thực tế, tổn thương phổi đã xuất hiện và tiến triển dần dần từ những năm 20 tuổi, khi họ bắt đầu hút những điếu thuốc lá đầu tiên. Do đó, COPD gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, do thói quen hút thuốc lá phổ biến hơn ở nam.

Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính liên quan đến hút thuốc lá, căn bệnh được xem có những triệu chứng sau: bị ho có đàm, thở khò khè và mức độ khó thở tăng dần có thể dẫn đến những cơn kịch phát cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn, người bệnh phải nhập viện cấp cứu, phải thở oxy, nhiều trường hợp phải thở máy. Bệnh nhân trở nên tàn phế, không lao động được, không tự phục vụ được. Cuộc sống không còn chất lượng và thường tử vong do suy hô hấp. Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và một loạt các tình trạng khác.

Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi COPD. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giúp người bệnh dễ thở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, COPD là bệnh có thể phòng ngừa được bởi COPD là hậu quả của sự tổn thương phổi do tiếp xúc thường xuyên và trong thời gian dài với các chất độc hại như: khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, khói than củi,... phổ biến nhất là khói thuốc lá.

Nhiệm vụ nhóm 5, 6: Đọc tài liệu “Bệnh ung thư phổi”, thảo luận nhóm và thực hiện yêu cầu sau:

+ Vẽ sơ đồ tư duy giới thiệu về bệnh ung thư phổi.

+ Trả lời câu hỏi: Bệnh ung thư phổi có liên quan như thế nào đến thuốc lá?

 

BỆNH UNG THƯ PHỔI

1. Khái quát về bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi (tiếng Anh là Lung Cancer) là loại ung thư khởi phát từ phổi hay còn được gọi là khối u ác tính ở đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi một khối u ác tính hình thành trong phổi, phát triển nhanh về kích cỡ dẫn tới xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh. Hai lá phổi trong lồng ngực có chức năng hấp thụ oxy khi hít vào và thải carbon dioxide (CO2) khi thở ra.

Chia u phổi (đường hô hấp) ác tính thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào khối u thư dưới kính hiển vi, đó là:

- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm 80 - 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Đây là thuật ngữ chung để chỉ một số loại u phổi ác tính, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào lớn.

- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 15 - 20% các trường hợp. Loại này hầu như chỉ xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn so với ung thư không tế bào nhỏ.

Ngoài ra, vẫn có trường hợp có thể xuất hiện các khối u phổi lành tính. U lành có về cơ bản có sự khác biệt rất lớn với u ác tính (tế bào ung thư). Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác tính chất của khối u, vẫn cần có các phương pháp chẩn đoán khoa học và chính xác từ các bác sĩ, chuyên gia y tế.

Các giai đoạn của bệnh u phổi ác tính

Ung thư không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn, tượng trưng cho mức độ di căn của các tế bào u ác tính. Việc chẩn đoán chính xác bệnh đang ở giai đoạn nào sẽ giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Vì bệnh không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nên bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi các tế bào khối u đã lan rộng. Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tế bào ung thư được tìm thấy trong phổi, nhưng chúng chưa lan ra ngoài phạm vi này;

Giai đoạn 2: Tế bào xuất hiện ở phổi và các hạch bạch huyết lân cận;

Giai đoạn 3: Tế bào được tìm thấy trong phổi và các hạch bạch huyết ở giữa ngực:

- Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư có trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi những tế bào ác tính đầu tiên xuất hiện.

- Giai đoạn 3B: Ung thư lan sang các hạch bạch huyết ở bên ngực đối diện, hoặc đến các hạch bạch huyết trên xương đòn.

Giai đoạn 4: Ung thư giai đoạn cuối lan rộng cả hai phổi, sang khu vực xung quanh vị trí này hoặc đến các cơ quan ở xa.

Ung thư phổi tế bào nhỏ có 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc các hạch bạch huyết lân cận ở cùng bên ngực.

Giai đoạn mở rộng: Các khối u ác tính đã lan rộng khắp một lá phổi → đến phổi đối diện → đến các hạch bạch huyết ở phía đối diện → lan ra chất lỏng xung quanh phổi → đến tủy xương → đến các cơ quan ở xa.

Các dấu hiệu ung thư phổi thường gặp

Về cơ bản, các triệu chứng của 2 loại u phổi ác tính này là tương tự nhau. Những biểu hiện ban đầu có thể nhận thấy thường là: ho kéo dài, có đờm hoặc máu; đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho; khàn tiếng; Hụt hơi; Thở khò khè;

Suy nhược và mệt mỏi; Chán ăn dẫn đến sụt cân.

 

 

Nhiệm vụ 2. Đề xuất biện pháp bảo vệ hệ hô hấp cho bản thân và gia đình và giải thích cơ sở của những biện pháp đố.

Yêu cầu: Thảo luận nhóm, đề xuất biện pháp bảo vệ hệ hô hấp cho bản thân và gia đình theo mẫu bảng sau:

STT

Biện pháp

Cơ sở của biện pháp

1

 

 

2

 

 

3

 

 

Thời gian: 3 phút.

 

Nhiệm vụ 3. Trưng bày poster, tuyên truyền tác hại của thuốc lá đối với hệ hô hấp và phòng chống hút thuốc lá trong học đường và nơi công cộng; nghiêm cấm người dưới 16 tuổi hút thuốc lá.

Yêu cầu: Mỗi nhóm trưng bày Poster nhóm, cử thành viên ở lại vị trí treo Poster của nhóm để thuyết minh cho nhóm bạn đến tham quan.

Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ

GV hướng dẫn HS thực hiện và báo cáo nhiệm vụ 1 sau đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ 2.

- Các nhóm HS thực hiện các yêu cầu trong nhiệm vụ 1 và phân công thành viên báo cáo rồi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ 2.

- GV quan sát, hỗ trợ các nhóm HS thực hiện ba nhiệm vụ và báo cáo kết quả thảo luận.

Bước 3. Báo cáo, thảo luận.

Nhiệm vụ 1. GV yêu cầu từng cặp nhóm 4 HS ghép thành nhóm 8 HS, thảo luận, chọn ra một sản phẩm thống nhất và cử đại diện báo cáo; HS nhóm khác lắng nghe đánh giá nhóm báo cáo theo phiếu hướng dẫn đánh giá nhiệm vụ 1 theo mẫu sau:

PHIẾU HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM NHIỆM VỤ 1

Tiêu chí đánh giá

Điểm tối đa

Điểm đánh giá

Sản phẩm

Trình bày khoa học

1,0

 

Nêu được khái niệm bệnh

2,0

 

Nêu được đầy đủ, chính xác những biểu hiện bệnh

2,0

 

Nêu được đầy đủ, chính xác các nguyên nhân gây bệnh

2,0

 

Trình bày

Ngắn gọn

0,5

 

Rõ ràng

1,0

 

Tương tác với người nghe

0,5

 

Trả lời được các câu hỏi

0,5

 

Đảm bảo thời gian

0,5

 

Tổng điểm

10,0

 

Nhiệm vụ 2: HS căn cứ vào sơ đồ biện pháp bảo vệ hệ hô hấp tự đánh giá số biện pháp đúng và ghép với nhóm bạn thảo luận về cơ sở của biện pháp bảo vệ hệ hô hấp cho bản thân và gia đình.

 

GV Mời đại diện của 3 nhóm lớn lần lượt báo cáo phần cơ sở của những biện pháp bảo vệ hệ hô hấp.

Nhiệm vụ 3. GV sử dụng kĩ thuật phòng trang tổ chức HS:

- Tham quan, đánh giá Poster theo phiếu hướng dẫn

- Báo cáo, thảo luận.

Bước 4. Kết luận, nhận định

GV nhận xét tinh thần, thái độ học tập, hợp tác nhóm của HS và đánh giá sản phẩm, báo cáo kết quả học tập của các nhóm HS.

GV chuẩn hóa kiến thức và giới thiệu thêm một số bệnh hệ hô hấp phổ biến ở Việt Nam và thế giới.

1. Một số bệnh hệ hô hấp: bệnh viêm phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Bệnh viêm phế quản; Bệnh ung thư phổi…

2. Nguyên nhân gây bệnh hệ hô hấp: chất kích thích (rượu, thuốc lá…); sinh hoạt không điều độ (ngủ muộn, ăn uống không hợp lý…).

3. Một số biện pháp bảo vệ hệ hô hấp: không hút thuốc lá, vệ sinh sạch sẽ, tập thể dục, giảm cân, đeo khẩu trang, tránh nguồn bệnh…

Hoạt động 3. Luyện tập (5 phút)

a. Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết/trả lời câu hỏi, bài tập về một số bệnh hệ hô hấp, nguyên nhân và biện pháp bảo vệ hệ hô hấp.

b. Tổ chức thực hiện

Bước 1. Giao nhiệm vụ

GV sử dụng phần mềm Quizizz/Kahoot hoặc Power Point và bộ câu hỏi để tổ chức HS luyện tập.

Câu hỏi 1. Bệnh nào sau đây không phải bệnh hệ hô hấp?

A. Hen phế quản.

B. Ung thư phổi.

C. Viêm phổi.

D. Đột quỵ

Câu hỏi 2. Biểu hiện nào sau đây thuộc bệnh rối loạn nhịp tim?

A. Hồi hộp, tim đập nhanh.

B. Sốt cao, khát nước.

C. Đau tức ngực.

D. Khó thở, thở gắng sức.

Câu hỏi 3. Triệu chứng nào dưới đây là đúng nhất về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

A. Ho nhiều.

B. Khó thở, thở khò khè.

C. Chán ăn, ăn không ngon.

D. Người mệt mỏi, sụt cân.

Câu hỏi 4. Những biện pháp nào cần thiết để bảo vệ hệ hô hấp?

1. Không hút thuốc.

2. Nhà ở thông thoáng.

3. Tập thể dục thường xuyên.

4. Uống nhiều nước.

Tổ hợp trả lời đúng là

A. 1, 2, 3

B. 1, 3, 4

C. 1, 2, 4

D. 2, 3, 4

Câu 5. Nguyên nhân chủ yếu nào dưới đây gây nên các bệnh hệ hô hấp?

A. Hút thuốc lá.

B. Ăn nhiều tinh bột.

C. Uống nước có ga.

D. Sử dụng máy tính.

Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ

GV tổ chức HS tham gia trả lời các câu hỏi trên nền tảng Quizizz/Kahoot hoặc Power Point.

Bước 3. Báo cáo, thảo luận

GV thông báo kết quả trả lời câu hỏi của HS và giải thích một số câu có nhiều HS trả lời sai.

Bước 4. Kết luận, nhận định

GV tổng kết hoạt động luyện tập, nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động.

Hoạt động 4: Vận dụng (10 phút)

a. Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, xây dựng kế hoạch tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng.

b. Tổ chức thực hiện

Bước 1. Giao nhiệm vụ

HS chia sẻ với người thân trong gia đình, bạn bè về tác hại của thuốc lá mới với người thân và đưa ra lời khuyên về ứng xử với thuốc lá mới và chia sẻ lại kết quả của việc chia sẻ của mình với GV và các bạn trong lớp.

Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ

HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà;

Bước 3. Báo cáo, thảo luận

GV tổ chức HS báo cáo, thảo luận ở buổi học tuần sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jack E. Henningfield, James F. Pankow, Bridgette E. Garrett. Ammonia and other chemical base tobacco additives and cigarette nicotine delivery: Issues and research needs. Nicotine & Tobacco Research. Volume 6, Number 2 (April 2004) 199-205.

2. WHO. https://apps.who.int/iris/rest/bitstreams/1359088/retrieve

3. 3. Judith Mackay, M.P.E., O. Shafey, The Tobacco Atlas 2nd edition. 2006

4. Báo cáo của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ - 2014

5. Tobacco in India. Health Consequenses of Tobacco Smoking. p. 90

6. Tavani A, N.E., Franceschi S., Barbone F., La Vecchia C, Attributable risk for larayngeal cancer in Northern Italy. Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention 1994. 3(2): p. 121-125.

7. Maier H., T.M., Epidemiology of Laryngeal cancer: result of the Heidenberg case- control stud. Acta Otolaryngologica Supplementum 1997. 527: p. 160-164

8. Dosemeci M., G.I., Unsal M., Hayes RB., Blair A, Tobacco, alcohol use, and risks of laryngeal and lung cancer by subsite and hostologoic type in Turkey. Cancer Causes and Control 1997. 8(5): p.729-737.

9. Schlecht NF, F.E., Pintos J, Negassa A, Kowalski LP, Oliveira BV, Curado MP, Interaction between tobacco and alcohol consumption and the risk of cancers of the upper aero-digestive tract in Brazil. American Journal of Epidemiology 1999. 150(11).

10. U.S. Department of Health, Education, and Welfare The Health Consequences of Smoking. A Report of the Surgeon General, 1972. Washington: U.S. Department of Health, Education, and Welfare, Public Health Service, Health Services and Mental Health Administration, 1972. DHEW Publication No. (HSM72-7516.

11. Franceschi S, Barra S, La Vecchia C, Bidoli E, Negri E, Talamini R. Risk factors for cancer of the tongue and the mouth: a case-control study from northern Italy. Cancer 1992;70(9):2227-33.

12. McLaughlin JK, H.Z., Blot WJ, Fraumeni JF Jr, Smoking and cancer mortality among U.S. veterans: a 26-year follow-up. International Journal of Cancer 1995. 60(2): p. 190-193.

13. U.S. Department of Health Service - CDC, The Health Consequences of Smoking. The Surgeon General's Report. 2004

14. Carstensen JM, P.G., Eklund G, Mortality in relation to cigarette and pipe smoking: 16 years' observation of 25,000 Swedish men. Journal of Epidemiology Community Health, 1987. 41(2): p. 166-172

15. U.S. Department of Health Service - CDC, The Health Consequences of Smoking. The Surgeon General's Report. 2004

16. U.S. Department of Health and Human Services. The Health Benefits of Smoking Cessation. A Report of the Surgeon General . Atlanta: U.S. Department of Health and Human Services, Public Health Service, Centers for Disease Control, Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Office on Smoking and Health, 1990. DHHS Publication No. (CDC) 90-8416.

17. International Agency for Research on Cancer. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans: Tobacco Smoke and Involuntary Smoking. Vol. 83. Lyon (France): International Agency for Research on Cancer, 2002; <http://monographs.iarc.fr/ htdocs/monographs/vol83/02-involuntary.html>; accessed: December 19, 2002.

18. Bonithon-Kopp C, S.P., Taquet A, Touboul PJ, Malmejac A, Guize L,, Risk factors for early carotid atherosclerosis in middle-aged French women. Arteriosclerosis and Thrombosis. Arteriosclerosis and Thrombosis, 1991. 11(4): p. 966-972.

19. Fine-Edelstein JS, W.P., O'Leary DH, Poehlman H, Belanger AJ, Kase CS, D'Agostino RB,, Precursors of extracranial carotid atherosclerosis in the Framingham Study. Journal of Neurology 1994. 44(6): p. 1046-50

20. U.SA. Department of Health and Human Services - CDC, Tobacco Use Among U.S. Racial/Ethnic Minority Groups—African Americans, American Indians and Alaska Natives, Asian Americans and Pacific Islanders, and Hispanics. A Report of the Surgeon General 1998.

21. Rosenberg L, K.D., Helmrich SP, Miller DR, Stolley PD, Shapiro S,, Myocardial infarction and cigarette smoking in women younger than 50 years of age. Journal of the American Medical Association 1985. 253(20): p. 2965-2969.

22. Croft P, H.P., Risk factors for acute myocardial infarction in women: evidence from the Royal College of General Practitioners' oral contraception study British Medical Journal 1989. 298(6667): p. 165-8.

23. Wang H, S.H., Zhang L, Pourrier M, Yang B, Nattel S, Wang Z, Nicotine is a potent blocker of the cardiac A-type K(+) channels:effects on cloned Kv4.3 channels and native transient outward current. Circulation 2000. 102(10): p. 1165-1171.

24. Doll R, P.R., Wheatley K, Gray R, Sutherland I,, Mortality in relation to smoking: 40 years' observations on male British doctors. British Medical Journal 1994. 309(6959): p. 901-911

25. U.S. Department of Health and Human Services - CDC, Reducing the Health Consequences of Smoking. 25 years of progress. A report of the Surgeon General 1989

26. Vine MF, Margolin BH, Morrison HI, Hulka BS. Cigarette smoking and sperm density: a meta-analysis. Fertility and Sterility 1994;61(1):35-43.

27. Windham GC, Elkin EP, Swan SH, Waller KO, Fenster L. Cigarette smoking and effects on menstrual function. Obstetrics and Gynecology 1999;93(1):59-65.

28. Joffe M, Li Z. Male and female factors in fertility. American Journal of Epidemiology 1994;140(10):921-9.

29. Alderete E, Eskenazi B, Sholtz R. Effect of cigarette smoking and coffee drinking on time to conception. Epidemiology 1995;6(4):403-8.

30. https://trungtamytequan11.medinet.gov.vn/tu-van-cai-nghien-thuoc-la/tac-hai-khon-luong-cua-viec-hut-thuoc-la-doi-voi-lan-da-cmobile16110-33170.aspx

31. Zhong L, Goldberg MS, Parent M-E, Hanley JA. Exposure to environmental tobacco smoke and the risk of lung cancer: a meta-analysis. Lung Cancer 2000;27(1):3-18.

32. U.S. Department of Health Service - CDC. The Health Consequences of Smoking. The Surgeon General's Report. 2004

33. Cook DG, Strachan DP, Carey IM. Health effects of passive smoking: 9. Parental smoking and spirometric indices in children. Thorax1998;53(10): 884-93.

34. https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/255574/9789241512497-eng.pdf

35. Nguyễn T Lâm, Chapmans S, Taylor R. Ảnh hưởng kinh tế của việc chi tiêu cho hút thuốc đối với hộ gia đình nghèo ở Việt Nam. Tạp chí Y học thực hành-số 533, Bộ Y tế, 2006.

36. McRobbie, H., C. Bullen, J. Hartmann-Boyce, and P. Hajek. “Electronic Cigarettes for Smoking Cessation and Reduction.”. Cochrane Database Syst Rev, no. 12 (2014): Cd010216. https://doi.org/10.1002/14651858. CD010216.pub2.

37. Want. 2014. Is dit een grapje? Met de Supersmoker Bluetooth kun je roken, bellen en muziek luisteren https://www.want.nl/is-dit-een-grapje-met-de-supersmoker- bluetooth-kun-je-roken-bellen-en-muziek-luisteren/2014/ webcite.

38. https://tobaccouseddiseases.biomedcentral.com/articles/10.1186/1617-9625-12-21.

39. Daily Mail. 2015. The phone you can SMOKE: Vaporcade Jupiter comes with a built-in e-cigarette to let you 'vape' and dial http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-3330177/The-phone-SMOKE-299-Vaporcade-Jupiter-comes-built-e-cigarette-let-vape- dial.html?ITO=1490&ns_mchannel=rss&ns_campaign=1490:

40. Jackler RK, Ramamurthi D. Nicotine arms race: JUUL and the high-nicotine product market. Tobacco Control. 2019;0:1-6. doi:10.1136/ tobaccocontrol-2018-054796.

41. https://cdn.who.int/media/docs/default-source/regulating-tobacco- products/backgroundpapersends1-4november.pdf?sfvrsn=e8ddac84_4

42. Sæbø G, Scheffels J. Assessing notions of denormalization and renormalization of smoking in light of e-cigarette regulation. International Journal of Drug Policy.

2017; 49:58-64.

43. Petrescu D, Vasiljevic M, Pepper J, Ribisl K, Marteau T. What is the impact of e- cigarette adverts on children’s perceptions of tobacco smoking? An experimental study. Tobacco control. 2017;26(4):421-427

44. Zhu SH, Sun JY, Bonnevie E, Cummins SE, Gamst A, Yin L et al. Four hundred and sixty brands of e-cigarettes and counting: implications for product regulation. Tobacco Control. 2014; 23: iii3-iii9

45. Hsu G, Sun JY, Shu-Hong Z. Evolution of electronic cigarette brands from 2013-2014 to 2016-2017: Analysis of brand websites. Journal of Medical Internet Research. 2018;20(3): e80

46. Barrington-Trimis J, Samet J McConnell R. Flavorings in electronic cigarettes. Journal of the American Medical Association. 2014;312(23):2493

47. Strombotne K, Buckell J, Sindelar JL. Do JUUL and e-cigarette flavours change risk perceptions of adolescents? Evidence from a national survey. Tobacco Control. 2021; Mar;30(2):199-205.doi: 10.1136/tobaccocontrol-2019-055394.Epub 2020 Apr 16

48. Van de Nobelen S, Kienhuis AS, Talhout R. An inventory of methods for the assessment of additive-increased addictiveness of tobacco products. Nicotine & Tobacco Research. 2016;18(7):1546-15551

49. Preliminary scientific evaluation of the possible public health effects of menthol versus nonmenthol cigarettes. Silver Spring, Maryland: Food & Drug Administration; 2013

50. WHO (2020). WHO’s brief to the Ministry of Health of Vietnam on novel and emerging nicotine and tobacco products.

51. Allen Joseph, G., Flanigan Skye, S., LeBlanc, M., Vallarino, J., MacNaughton, P., Stewart James, H., & Christiani David, C. (2016). Flavoring Chemicals in E- Cigarettes: Diacetyl, 2,3-Pentanedione, and Acetoin in a Sample of 51 Products, Including Fruit-, Candy-, and Cocktail-Flavored E-Cigarettes. Environmental Health Perspectives, 124(6), 733-739

52. Gay, B., Field, Z., Patel, S., Alvarez, R. M., Nasser, W., Madruga, M., & Carlan, S.J. (2020). Vaping-Induced Lung Injury: A Case of Lipoid Pneumonia Associated with E-Cigarettes Containing Cannabis. Case Reports in Pulmonology, 2020, 7151834.

53. https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/severe-lung- disease.html.

54. Cedano, J., Sah, A., Cedeno-Mendoza, R., Fish, H., & Remolina, C. (2020). Confirmed E-cigarette or vaping product use associated lung injury (EVALI) with lung biopsy; A case report and literature review. Respiratory medicine case reports, 30, 101122-101122.

55. Gaur, S, & Agnihotri, R. (2019). Health effects of trace metals in electronic cigarette aerosols-a systematic review. Biological Trace Element Research, 188 (2), 295-315.

56. Osei, A. D., Mirbolouk, M., Orimoloye, O. A., Dzaye, O., Uddin, S. M. I., Benjamin, E. J., . Blaha, M. J. (2020). Association Between E-Cigarette Use and Chronic Obstructive Pulmonary Disease by Smoking Status: Behavioral Risk Factor Surveillance System 2016 and 2017. American Journal of Preventive Medicine, 58(3), 336-342

57. Giovacchini CX, Crotty Alexander LE, Que LG. Electronic Cigarettes: A Pro-Con Review of the Current Literature. J Allergy Clin Immunol Pract. 2022 Nov;10(11):2843-2851.

58. Maryam Jessri et al., Nicotine E-Vaping and Cardiovascular Consequences: A Case Series and Literature Review, 4 Eur.Heart J. 1 (2020).

59. Bozier J, Chivers EK, Chapman DG, Larcombe AN, Bastian N, Masso-Silva JA, Byun MK, McDonald CF, Alexander Crotty LE, Ween MP: The Evolving Landscape of Electronic Cigarettes: A Systematic Review of Recent Evidence. Chest 2020.

60. Cátala-Valentín AR, Almeda J, Bernard JN, Cole AM, Cole AL, Moore SD, Andl CD. E-Cigarette Aerosols Promote Oral S. aureus Colonization by Delaying an Immune Response and Bacterial Clearing. Cells. 2022 Feb 23;11(5):773.

61. Payne D, Michaels D, Orellana-Barrios M, and Nugent K. (2017). Electronic cigarette toxicity. Journal of Primary Care & Community Health 2017, Vol. 8(2): 100-102. DOI: 10.1177/2150131916668645

62. Vardavas CI, Girvalaki C, Filippidis FT, et al. (2017). Characteristics and outcomes of e-cigarette exposure incidents reported to 10 European poison centers: a retrospective data analysis. Tob Induc Dis 15:36. DOI 10.1186/s12971-017-0141-z

63. Sulastri S, Leong Y H, Adilah M A. (2022). Nicotine poisoning trend after emerging of e-cigarette products in Malaysia. Abstract article. National Poison Center, University Sains Malaysia, Penang, Malaysia.

64. Scarpino M, Bonizzoli M, Lanzi C, Lanzo G, Lazzeri C, Cianchi G, Gambassi F, Lolli F, Grippo A. Brain death following ingestion of E-cigarette liquid nicotine refill solution. Brain Behav. 2020 Sep;10(9): e01744.

65. http://phuyencdc.vn/tin-tuc/hoat-dong-chuyen-mon/phong-chong-tac-hai-thuoc- la2/mot-so-truong-hop-ngo-doc-do-thuoc-la-dien-tu-gay-ra.html

66. Jones CD, Ho W, Gunn E, Widdowson D, Bahia H. E-cigarette burn injuries: comprehensive review and management guidelines proposal. Burns. 2019;45(4):763-771.

67. Ahmed AR, Etchey B, Ahmed M. Explosions, Burn Injuries and Adverse Health Effects of Electronic Nicotine Delivery Systems: A Review of Current Regulations and Future Perspectives. J Pharm Pharm Sci. 2021; 24:462-474.

68. Rossheim ME, Livingston MD, Soule EK, et al. (2019). Electronic cigarette explosion and burn injuries, US Emergency Departments 2015-2017. Tob Control 28:472-474

69. Rudy, S. F., & Durmowicz, E. L. (2017). Electronic nicotine delivery systems: overheating, fires and explosions. Tobacco Control, 26(1), 10. doi:10.1136/tobaccocontrol-2015-052626

70. Katie W. Russell, Micah G. Katz, Ryan C. Phillips, Lorraine I. Kelley-Quon, et.al. (2022). Adolescent Vaping-Associated Trauma in the Western United States. Journal of surgical research, Volume 276, P251-256, 1 August 2022.

71. Brodwin E. (2018). A vape pen killed a 38-year-old man — and it's a type of e-cig that's wildly popular among one group of vapers. Business Insider, 17 May.

72. Beasley Allen Law Firm. (2019). E-cigarette explosion kills Texas man. Published February 5, 2019.

73. 1 Chan GCK, Stjepanović D, Lim C, et al. Gateway or common liability? A systematic review and meta-analysis of studies of adolescent e-cigarette use and future smoking initiation. Addiction. 2021 Apr;116(4)

74. 1 O’Brien D, Long J, Quigley J, et al. Association between electronic cigarette use and tobacco cigarette smoking initiation in adolescents: a systematic review and meta-analysis. BMC Public Health 21, 954 (2021).

75. 1 WHO. E-cigarettes. Section ‘Are E-cigarettes dangerous?’ 25 May 2022. https://www.who.int/newsroom/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes

76. 1 Chien YN, Gao W, Sanna M, et al. Electronic Cigarette Use and Smoking Initiation in Taiwan: Evidence from the First Prospective Study in Asia. Int J Environ Res Public Health. 2019 Mar 30;16(7):1145. https://doi.org/10.3390/ijerph16071145

77. O’Brien D, Long J, Quigley J, Lee C, McCarthy A, Kavanaugh P. (2021). Association between electronic cigarette use and tobacco cigarette smoking initiation in

78. Aladeokin A, Haighton C. (2019). Is adolescent e-cigarette use associated with smoking in the United Kingdom?: A systematic review with meta-analysis. Tobacco Prevention & Cessation 2019; 5: 15. doi: 10.18332/tpc/108553

79. Rothrock AN, Andris H, Swetland SB, Chavez V, et al. (2020). Association of e- cigarettes with adolescent alcohol use and binge drinking-drunkenness: A systematic review and meta-analysis. Am J Drug Alcohol Abuse 2020 Nov 1;46(6):684-698.

80. Temple JR, Shorey RC, Lu Y, Torres E, Stuart GL, Le VD. (2017). E-cigarette use of young adults motivations and associations with combustible cigarette alcohol, marijuana, and other illicit drugs. Am J Addict 2017 Jun;26(4):343-348. doi: 10.1111/ajad.12530

81. Smith, M. R., Clark, B., Lüdicke, F., Schaller, J.-P., Vanscheeuwijck, P., Hoeng, J., & Peitsch, M. C. (2016). Evaluation of the Tobacco Heating System 2.2. Part 1: Description of the system and the scientific assessment program. Regulatory Toxicology and Pharmacology, 81, S17-S26. doi:https://doi.org/10.1016/j.yrtph.2016.07.006

82. Smith, M. R., Clark, B., Lüdicke, F., Schaller, J.-P., Vanscheeuwijck, P., Hoeng, J., & Peitsch, M. C. (2016). Evaluation of the Tobacco Heating System 2.2. Part 1: Description of the system and the scientific assessment program. Regulatory Toxicology and Pharmacology, 81, S17-S26. doi:https://doi.org/10.1016/j.yrtph.2016.07.006

83. WHO Study Group on Tobacco Product Regulation: Eighth report. 2021

84. https://www.euro.who.int/ data/assets/pdf_file/0008/443663/Heated-tobacco- products-brief-eng.pdf

85. Znyk M, Jurewicz J, Kaleta D. Exposure to Heated Tobacco Products and Adverse Health Effects, a Systematic Review. Int J Environ Res Public Health. 2021 Jun 21;18(12):6651.

86. Ioakeimidis N, Emmanouil E, Terentes-Printzios D, Dima I, Aznaouridis K, Tousoulis D, Vlachopoulos C. Acute effect of heat-not-burn versus standard cigarette smoking on arterial stiffness and wave reflections in young smokers. Eur J Prev Cardiol 2047487320918365, 2020.

87. Chung SJ, Kim BK, Oh JH, Shim JS, Chang YS, Cho SH et al. Novel tobacco products including electronic cigarette and heated tobacco products increase risk of allergic rhinitis and asthma in adolescents: Analysis of Korean youth survey. Allergy. 2020;75(7):1640-8.

88. Hosokawa Y, Zaitsu M, Okawa S, Morisaki N, Hori A, Nishihama Y, Nakayama SF, Fujiwara T, Hamada H, Satoh T, Tabuchi T. Association between Heated Tobacco Product Use during Pregnancy and Fetal Growth in Japan: A Nationwide Web-Based Survey. Int J Environ Res Public Health. 2022 Sep 19;19(18):11826.

89. Yoshioka T, Tabuchi T. Combustible cigarettes, heated tobacco products, combined product use, and periodontal disease: A cross-sectional JASTIS study. PLoS One. 2021 Mar 30;16(3): e0248989.

90. World Health Organization. (2014). Electronic nicotine delivery systems: Report by WHO

91. National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine. (2018). Public health consequences of e-cigarettes. Washington, DC: The National Academies Press. DOI: https://doi.org/10.17226/24952

92. Bayly JE, Bernat D, Porter L, et al. (2019). Secondhand exposure to aerosols from electronic nicotine delivery systems and asthma exacerbations among youth with asthma. Chest 155(1):88-93. DOI: 10.1016/j.chest.2018.10.005

93. Richmond, S. A., Pike, I., Maguire, J. L., & Macpherson, A. (2018). E-cigarettes: A new hazard for children and adolescents. Paediatrics & child health, 23(4), 255-259. DOI:10.1093/pch/pxx204

94. Tabuchi T, Gallus S, Shinozaki T, Nakaya T, Kunugita N, Colwell B. Heat-not-burn tobacco product use in Japan: its prevalence, predictors and perceived symptoms from exposure to secondhand heat-not-burn tobacco aerosol. Tob Control 2017;27(e1): e25-33.

95. World Health Organization. (2016). Electronic nicotine delivery systems and electronic non-nicotine delivery systems (ENDS/ENNDS): Report by WHO.

96. Offermann FJ. (2014). The hazards of e-cigarettes. ASHRAE Journal, June 2014.

97. Prevalence of Cannabis Use in Electronic Cigarettes Among US Youth. JAMA Pediatr, 172(11), 1097-1099)

98. Cảnh báo ma túy núp bóng TLĐT xâm nhập giới trẻ (vietnamnet.vn)

99. TLĐT và con đường dẫn đến ma túy tổng hợp (baothanhhoa.vn)

100. Ma túy trộn lẫn trong TLĐT (Vnexpress).

101. Marynak, K. L., Gammon, D. G., Rogers, T., Coats, E. M., Singh, T., & King, B. A. (2017). Sales of Nicotine-Containing Electronic Cigarette Products: United States, 2015. American journal of public health, 107(5), 702-705. https://doi.org/10.2105/AJPH.2017.303660

102. Drope J, Schluger N, Cahn Z, Drope J, Hamill S, Islami F, . . . M., S. (2018). The Tobacco Atlas. Atlanta: American Cancer Society and Vital Strategies. Retrieved from https://tobaccoatlas.org/cite/

103. Hoang, V., Nguyen, T., Nguyen, T., Nguyen, T., & Vu, T. (2004). Financial burden of smoking on households in Vietnam. Med Prac Jour, 533, 94-107. Retrieved from https://seatca.org/dmdocuments/13_financial_burden_of_smoking_on_households_in_vi etnam.pdf

104. WHO (2019). Report on the Global Tobacco Epidemic

105. WHO(2020). Heated Tobacco Products, Information Sheet.

106. WHO (2020). WHO’s brief to the Ministry of Health of Vietnam on novel and emerging nicotine and tobacco products

107. WHO (2019). Report on the Global Tobacco Epidemic

108. E-cigarettes: Public Health England's evidence-based confusion - The Lancet

109. FDA News Release (7/2020). FDA authorizes marketing of IQOS tobacco heating system with “Reduce exposure” information.

110. https://www.cdc.gov/pcd/issues/2017/pdf/16_0600.pdf

111. WHO (2020). WHO’s brief to the Ministry of Health of Vietnam on novel and emerging nicotine and tobacco products

112. JAMA Pediatr (2017); 171(8):788-797. Doi:10.1001/jamapediatrics.1488

113. FDA News Release (2019). Trump Administration Combating Epidemic of Youth E-Cigarette Use with Plan to Clear Market of Unauthorized, Non-Tobacco- Flavored E-Cigarette Products.

114. Nguồn: Romania, Georgia, Italy Global Youth Tobacco Surveys. 2013 - 2018. Centers for Dissease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/tobacco/global/gtss/gtssdata/index.html

115. WHO (2019). Global School-Based Student Health Survey (GSHS).

116. Bộ Y tế, Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 2021-2022

117. Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, 2020.

118. Campaign for Tobacco Free Kids. Electronic Cigarettes and Youth

119. Arrington-Trimis J, Samet J McConnell R. Flavorings in electronic cigarettes. Journal of the American Medical Association. 2014;312(23):2493

120. Strombotne K, Buckell J, Sindelar JL. Do JUUL and e-cigarette flavours change risk perceptions of adolescents? Evidence from a national survey. Tobacco Control. 2021; Mar;30(2):199-205.doi: 10.1136/tobaccocontrol-2019-055394.Epub 2020 Apr 16

121. Fermion & CTFK Báo cáo social listening, 6 tháng cuối 2021

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 3900/QĐ-BGDĐT năm 2023 phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu: 3900/QĐ-BGDĐT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký: Ngô Thị Minh
Ngày ban hành: 17/11/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 3900/QĐ-BGDĐT năm 2023 phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…