Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2480/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 10 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÍCH HỢP GIÁO DỤC VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 135/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2210/TTr- SGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Văn hóa và Thể thao; Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh: CT, các PCT;
- Sở GDĐT;
- Báo TT Huế;
- Đài PTTH tỉnh;
- VP: CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, GD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

MỤC LỤC

PHẦN I: SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết

II. Cơ sở pháp lý

III. Phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện đề án

PHẦN II: THỰC TRẠNG VỀ GIÁO DỤC MẦM NON THỪA THIÊN HUẾ

I. Tổng quan về tình hình giáo dục mầm non

1. Quy mô mạng lưới trường lớp mầm non

2. Chất lượng giáo dục mầm non

3. Thực trạng tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

II. Sự tác động ảnh hưởng của các chương trình đối với cấp học mầm non

1. Kết quả nổi bật

2. Những hạn chế, nguyên nhân

PHẦN III: NỘI DUNG

I. Mục tiêu

II. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình giáo dục mầm non và nội dung giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non

2. Xây dựng tài liệu, học liệu Văn hóa địa phương

3. Xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non

4. Nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ

5. Huy động các nguồn lực tham gia giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường

III. Lộ trình thực hiện

IV. Kinh phí thực hiện

PHẦN IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

2. Sở Tài chính

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Nội Vụ

5. Sở Văn hóa và Thể thao

6. Sở Thông tin và Truyền thông

7. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

9. Các sở, ban, ngành liên quan

10. Cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương Thừa Thiên Huế

Phụ lục kinh phí thực hiện

 

ĐỀ ÁN

TÍCH HỢP GIÁO DỤC VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 19/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. SỰ CẦN THIẾT

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 07 di sản gắn liền với vùng đất Huế đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).

Trong những năm qua, sự nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, dân trí từng bước được nâng cao, tinh thần yêu nước, tính năng động và tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị. Môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh. Giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa đạt được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vị thế, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động. Cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị được nâng cấp, chỉnh trang tạo nên diện mạo mới cho đô thị Huế.

Nói đến Huế, người ta thường nhắc đến: người Huế, kiến trúc Huế, món ăn Huế, nón lá Huế, màu tím Huế, giọng Huế - tiếng Huế, ca Huế… Huế là vùng đất có nền văn hóa cội nguồn đặc sắc với đặc điểm địa lý đa dạng, những đặc trưng riêng biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, con người… đã tạo ra những nét đẹp văn hóa mang đậm dấu ấn vùng miền; đó là một nền văn hóa được làm giàu bởi các dòng Văn hóa đô thị, Văn hóa làng (chùa), Văn hóa cung đình, Văn hóa dân gian… Tuy nhiên, bối cảnh sống hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa địa phương, tác động nhận thức và thái độ chưa đúng của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống địa phương, một nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Giáo dục hiện nay.

Vai trò của giáo dục địa phương trong giáo dục văn hóa địa phương là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò then chốt, bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của mỗi vùng, miền được bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền nối tiếp các thế hệ. Việc đưa giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền một cách giản đơn, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ phù hợp với độ tuổi; hình thành những phẩm chất, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với môi trường xung quanh nơi trẻ sinh sống. Mặt khác, đưa giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp bối cảnh địa phương, đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ và trình độ của giáo viên cũng như trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa địa phương; tác động nhận thức và thái độ chưa đúng của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống địa phương, một nhiệm vụ đặt ra đối với giáo dục và đào tạo hiện nay. Với lý do trên, việc xây dựng Đề án Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

- Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản;

- Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững;

- Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm làm một trong những trung tâm lớn đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết số 135/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Đề án được thực hiện ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng: Là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh các trẻ mầm non, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội.

3. Thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2028 và định hướng đến năm 2030.

PHẦN II

THỰC TRẠNG VỀ GIÁO DỤC MẦM NON THỪA THIÊN HUẾ

I. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH GIÁO DỤC MẦM NON

1. Quy mô mạng lưới trường lớp mầm non

Hiện nay, toàn tỉnh có 206 trường mầm non, trong đó có 185 trường công lập, 21 trường ngoài công lập; ngoài ra còn có 124 cơ sở GDMN độc lập, tư thục; tổng số có 2466 nhóm, lớp; huy động độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 39,3% (13606/34656), độ tuổi mẫu giáo đạt 93,2% (53556/57447); riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,77% (19762/19807); tăng nhà trẻ (18,1%); tăng mẫu giáo (17,2%); riêng trẻ 5 tuổi tăng (7,06 %).

2. Chất lượng giáo dục mầm non

Trẻ đến trường được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Mục tiêu của Chương trình là giúp trẻ phát triển đồng đều các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ phù hợp với từng lứa tuổi (nhóm, lớp); tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm độ tuổi nhà trẻ giảm 9,95% (nhẹ cân) và 9,33% (thấp còi); độ tuổi mẫu giáo giảm 9,88% (nhẹ cân) và 9,69% (thấp còi); toàn cấp học có 5216 giáo viên, trong đó có 1414 giáo viên nhà trẻ và 3802 giáo viên mẫu giáo, 97,5 % giáo viên có trình độ đạt chuẩn đào tạo theo quy định, đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non hàng năm đạt từ loại khá trở lên đạt 85%; đa số giáo viên đều có khả năng chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển đạt kết quả Chương trình.

Phong trào thi đua toàn cấp học được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thông qua hội thi thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho độ tuổi nhà trẻ tự làm. Toàn tỉnh có thêm 3.115 bộ thiết bị trong danh mục tối thiểu, 613 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời và 1136 bộ đồ chơi sáng tạo khác tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh nhà, đồng thời giảm bớt gánh nặng ngân sách đầu tư của các địa phương; tổ chức thành công các ngày hội giao lưu về chủ đề Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương trong Chương trình Giáo dục mầm non tạo được phong trào thi đua trong toàn ngành, đồng thời tuyên truyền đến cha mẹ trẻ em và lực lượng cộng đồng về Chương trình Giáo dục mầm non; tạo sự gắn bó giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, và những phong trào thi đua khác được diễn ra tích cực; số lượng, chất lượng trường chuẩn quốc gia tăng so với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh có 120/206 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 58,25%; trường học đảm bảo an toàn theo quy định vào cuối năm học đạt 100%; chế độ chính sách đối với trẻ em, đội ngũ luôn được giải quyết kịp thời, đúng quy định.

3. Thực trạng tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Nguồn tư liệu về văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của các vùng miền khá phong phú, tuy nhiên chỉ mới khai thác được khía cạnh các di sản, di tích văn hóa của địa phương thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các công trình tôn giáo, đình làng, làng nghề tại địa phương, hỗ trợ sưu tầm những phương tiện sản xuất, trang phục, các bài ca dao, dân ca…Thực tế, nguồn tài liệu phù hợp với chương trình giáo dục độ tuổi mầm non và điều kiện thực trạng của nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn do chưa mang tính hệ thống phù hợp với nhu cầu cần sử dụng, thiếu phòng hoạt động nghệ thuật để trẻ có điều kiện khám phá, trải nghiệm và phát triển những nét đẹp văn hóa địa phương thông qua các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian… mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Sự phối hợp của các tổ chức xã hội trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, hoạt động trải nghiệm chưa quan tâm đến đối tượng là các cháu trong độ tuổi mầm non.

II. SỰ TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐỐI VỚI CẤP HỌC MẦM NON

Năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTE5T); việc hoàn thành PCGDMNTE5T là một nhiệm vụ chính trị quan trọng thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; cơ hội vàng để cấp học mầm non thay đổi toàn diện: giáo viên mầm non toàn tỉnh được tuyển dụng vào biên chế nhà nước; cơ sở vật chất được nâng lên, nhiều trường học khang trang, chuẩn hóa; thiết bị đồ dùng, đồ chơi được đầu tư chuẩn hóa; góc nhìn của xã hội đối với cấp học cũng thay đổi từ đó.

Từ khi hoàn thành PCGDMNTE5T cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục có những chính sách Trung ương như: Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non; Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/02/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030” và nhiều chính sách khác. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có các chính sách tác động tích cực đến phát triển giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho cấp học mầm non phát triển mạnh mẽ về số lượng lẫn chất lượng, làm nền tảng vững chắc góp phần hỗ trợ chất lượng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

1. Kết quả nổi bật

Công tác huy động trẻ đến trường luôn phát triển và ổn định (39,3% độ tuổi nhà trẻ, 93,2% độ tuổi mẫu giáo); 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGDMNTE5T, chất lượng luôn được duy trì và nâng cao; trẻ đến trường được phân chia nhóm lớp đúng độ tuổi, được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm. So với năm học trước, năm học 2022 - 2023 trẻ ra lớp tăng cao, độ tuổi nhà trẻ tăng 7,9%; mẫu giáo tăng 8,8%, riêng 5 tuổi tăng 1,1%.

100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác bán trú, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho bữa ăn của trẻ tại trường; được theo dõi sự phát triển của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng và đánh giá sự tiến bộ của trẻ; chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng ngày càng tăng, so với năm học trước, độ tuổi nhà trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 1,9%; thấp còi giảm giảm 2,0%; độ tuổi mẫu giáo suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 2,3%; thấp còi giảm giảm 1,3%; trẻ thừa cân béo phì được khống chế so với cùng kỳ năm trước.

100% trường mầm non lập kế hoạch tổ chức học qua thực hành trải nghiệm trong nhà trường và những hoạt động tham quan dã ngoại bên ngoài nhà trường, tạo điều kiện cho trẻ tích cực, hứng thú khám phá tìm hiểu thế giới xung quanh.

Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi luôn được đầu tư phát triển, nhiều trường học khang trang, môi trường giáo dục đạt theo hướng chuẩn hóa; đội ngũ giáo viên mầm non được vào biên chế, thu nhập ổn định., phong trào thi đua nuôi - dạy tốt được đẩy mạnh, ý nghĩa, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia luôn được các cấp, các ngành quan tâm, số lượng lẫn chất lượng trường chuẩn quốc gia tăng so với cùng kỳ năm trước (so với cùng kỳ năm trước tăng 08 trường);100% trường học đảm bảo an toàn theo quy định vào cuối năm học.

Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương đúng đắn, toàn diện quyết định thay đổi chất lượng của cấp học mầm non; đảm bảo tính liên thông chương trình từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, giúp trẻ học tốt chương trình giáo dục của các cấp học tiếp theo.

2. Những hạn chế, nguyên nhân

a) Những hạn chế

Nhiều trường mầm non chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; trang thiết bị đồ dùng dạy học ở các nhóm lớp dưới 5 tuổi chưa đồng bộ, còn thiếu so với quy định.

Sự huy động các nguồn lực sẵn có ở mỗi địa phương tham gia vào hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng trong đó có giáo dục văn hóa địa phương chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc giáo dục trẻ hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương cho con; bên cạnh đó, các trào lưu tây hóa trong giao tiếp, ẩm thực, trang phục, nếp sống… đã và đang gây ra một sức ảnh hưởng không nhỏ lên các bậc phụ huynh trẻ tuổi nên công tác phối hợp giữa gia đình nhà trường giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em không thuận lợi.

Kho tư liệu, tài liệu, dữ liệu dân gian về chuyện kể, thơ ca, hò vè, làn điệu dân ca địa phương chưa nhiều; chưa có chương trình bồi dưỡng cho CBQL, GV, NV mầm non về giáo dục văn hóa địa phương.

b) Nguyên nhân

Một số trường mầm non thuộc các vùng trung tâm đô thị, đông dân cư gặp khó khăn trong phát triển quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đúng quy định và đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ.

Sự kết nối, phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong công tác xã hội hóa giáo dục ở một số đơn vị còn hạn chế.

Điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, cha mẹ trẻ, tài chính của trường mầm non cũng tác động không nhỏ đến công tác giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ.

Sự tích cực, linh hoạt trong việc tìm tòi sử dụng nguồn văn hóa địa phương có thể sử dụng được trong giáo dục mầm non đưa vào chương trình giáo dục nhà trường còn tuỳ thuộc vào năng lực chuyên môn của mỗi CBQL, GV, NV trong nhà trường.

PHẦN III

NỘI DUNG

I. MỤC TIÊU

Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non thông qua các hoạt động giáo dục ở các lĩnh vực phát triển thể chất, ngôn ngữ, khám phá xã hội, tình cảm xã hội và thẩm mỹ sẽ giúp trẻ sớm được bồi dưỡng khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn hóa địa phương; hình thành ở trẻ tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với quê hương nơi trẻ sinh sống; giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào về con người Huế và bản sắc văn hóa Huế, từ đó hình thành cho trẻ hành vi đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa cội nguồn của địa phương mình; hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương ngay từ độ tuổi mầm non.

Nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình Giáo dục mầm non, làm phong phú nội dung, hình thức giáo dục, góp phần thực hiện tốt phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Nâng cao nhận thức của CBQL, GV, NV các cơ sở giáo dục mầm non, cha mẹ trẻ, các tổ chức và cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường hướng đến sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Góp phần thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non mới, tạo nền tảng cho trẻ mầm non học tốt chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có giáo dục địa phương.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình Giáo dục mầm non và nội dung giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cán bộ, giáo viên, nhân viên và cộng đồng trong việc đưa văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh;

Viết bài truyền thanh, chuyên mục phóng sự… phát động các phong trào thi đua, phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tìm hiểu truyền thống lịch sử; thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và của từng địa phương nói riêng...nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân, cộng đồng xã hội ở mỗi địa phương và CBQL, GV, NV, cha mẹ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, những sự kiện lễ hội, văn hóa làng nghề truyền thống, sản phẩm nghề truyền thống… của địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để phụ huynh học sinh tiếp cận các phương pháp giáo dục con phù hợp với từng độ tuổi về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các giá trị văn hóa Huế thông qua hoạt động trải nghiệm để phụ huynh cùng tham gia, góp phần cùng giáo dục hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

2. Xây dựng tài liệu, học liệu văn hóa địa phương

Tổ chức biên soạn, sưu tầm các tài liệu văn hóa địa phương theo đúng quy định Luật Di sản (2013), Thông tư số 30/2021/TT-BGDĐT ngày 05/11/2021 đồng thời phù hợp mục tiêu giáo dục trẻ ở các lĩnh vực phát triển theo từng độ tuổi được quy định tại Chương trình Giáo dục mầm non.

a) Nội dung tài liệu Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non Giáo dục lễ giáo (hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ mẫu mực, trong sáng, lịch sự, văn minh …) hình thành kỹ năng ứng xử với thế giới xung quanh trẻ phù hợp với văn hóa địa phương.

Giáo dục trẻ biết tên những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương như: cầu Trường Tiền, Đại Nội, Sông Hương, các lăng tẩm, chùa chiền, các di tích lịch sử khác tại địa phương phù hợp với khả năng của trẻ; hình thành cho trẻ lòng tự hào, cảm xúc tích cực, phát triển tình yêu quê hương, đất nước, yêu bản sắc riêng của Thừa Thiên Huế ngay từ độ tuổi mầm non.

Giáo dục trẻ biết về các sự kiện văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế qua các sự kiện lễ hội nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế, của mỗi địa phương nơi trẻ sống như: hội chợ quê, hội chợ xuân, lễ hội cầu ngư, hội chợ ẩm thực, lễ hội Festival, lễ hội mừng lúa mới của người dân tộc thiểu số…; giáo dục trẻ biết yêu thích làn điệu dân ca, hò, vè, trò chơi dân gian … của địa phương; làm quen với những giá trị văn hóa “phi vật thể” của tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với độ tuổi.

Giáo dục trẻ biết về văn hóa ẩm thực của địa phương nhằm phát triển kỹ năng và hiểu biết của trẻ về văn hóa ẩm thực mỗi địa phương, giúp trẻ trẻ biết và cảm nhận về những món ăn đặc sắc riêng của Thừa Thiên Huế như: chè hạt sen, bánh nậm, bánh lọc, cơm hến, bún bò, hay một số món ăn của người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện Nam Đông, A Lưới như: bánh A Coat; cháo tà lục, tà lạo; món cà lèng; cheo cá mát… và món ăn khác của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục trẻ biết một số nghề, một số trang phục truyền thống của địa phương nhằm phát triển kỹ năng và hiểu biết của trẻ về một số nghề truyền thống, trang phục truyền thống của địa phương; giúp trẻ biết yêu quý, tôn trọng, giữ gìn và tự hào về nghề truyền thống của địa phương mình (nghề mây tre đan, đệm bàng, chằm nón, đánh cá, chổi đót, làm hương, làm hoa giấy, nặn Tò he, diều Huế…) trang phục truyền thống của địa phương (áo dài Huế, zèng của người DTTS…) phù hợp với từng độ tuổi.

b) Hình thức tài liệu, học liệu

Tranh ảnh, tuyển tập thơ, chuyện, bài hát, dân ca, ca dao, đồng dao có nội dung giáo dục văn hóa địa phương.

Những đồ vật, đồ chơi có nội dung giáo dục văn hóa địa phương được làm từ những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương như: đất sét, mây, tre, lá… và các sản phẩm của nghề truyền thống ở địa phương.

Những phim ngắn, sản phẩm 3D: Chuyển thể từ các tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, những trò chơi dân gian hay các điệu múa truyền thống …. thành các bộ phim ngắn hoạt hình, kịch… có nội dung văn hóa địa phương.

3. Xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non

Xây dựng môi trường vật chất trong và ngoài lớp học đảm bảo an toàn, tạo không gian phù hợp cho các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ sở giáo dục mầm non; tạo góc văn hóa địa phương trong khu vực chơi ở sân vườn, lớp học (các lễ hội truyền thống, món ăn truyền thống, trang phục truyền thống, sản phẩm làng nghề truyền thống…); các không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế; các nguyên vật liệu mở mang tính đặc trưng riêng của từng vùng miền có sẵn ở địa phương phù hợp với khả năng của trẻ.

CBQL, GV, NV cần phải hiểu rõ đặc điểm văn hóa, tự nhiên, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân tộc, ngôn ngữ … trình độ nhận thức của cha mẹ và cộng đồng địa phương; các đặc điểm về địa lý, thời tiết, văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, dân ca, bài thơ, câu chuyện, nghề truyền thống… để thiết kế nên môi trường thân quen, gần gũi, thân thiện, phù hợp với thực tế của địa phương, vùng miền và phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của trẻ, thúc đẩy trẻ hứng thú, tích cực hoạt động lâu dài, qua đó giúp cho trẻ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về văn hóa địa phương.

Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ, trang phục của giáo viên đối với trẻ và những

người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.

4. Nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ

Phát động sâu rộng đến mọi đối tượng trong cộng đồng xã hội tham gia phong trào sưu tầm, tìm kiếm những bài thơ, bài hát, hò vè, câu đố… phù hợp với độ tuổi mầm non đang lưu truyền trong dân gian ở mỗi địa phương.

Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên nền làn điệu dân ca, vè, kịch, câu đố có nội dung giáo dục văn hóa địa phương phù hợp với độ tuổi mầm non, đối tượng tham gia là CBQL, GV, NC trong toàn cấp học và cha mẹ học sinh, các cộng đồng xã hội.

Tổ chức tập huấn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, xây dựng chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục văn hóa địa phương phù hợp với trẻ, điều kiện của nhà trường và địa phương cho CBQL và GV mầm non.

5. Huy động các nguồn lực tham gia giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường

a) Huy động nguồn lực xã hội và cộng đồng

Vận động sự tham gia hỗ trợ của toàn dân và các tổ chức xã hội, cá nhân về việc xây dựng nguồn tài liệu, học liệu văn hóa địa phương (tìm kiếm, sưu tầm, xác minh, thẩm định về tài liệu, học liệu) và các hoạt động thiết thực khác cho trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, trong và ngoài nước đóng góp kinh phí, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nghe nhìn về văn hóa địa phương.

b) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành

Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ về giáo dục văn hóa địa phương.

Lồng ghép triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Chương trình này với các chương trình, đề án có liên quan của địa phương.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2023-2025: Xây dựng nguồn tài liệu giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non; tổ chức thẩm định nội dung tài liệu (nguồn tài liệu); in ấn tài liệu; tập huấn năng lực tích hợp giáo dục VHĐP cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non (1000 người), cụ thể:

- Năm 2024: Xây dựng nguồn tài liệu địa phương; tổ chức thẩm định; hội nghị hội thảo; in ấn tài liệu; tập huấn tham quan trải nghiệm nâng cao năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non (500 người).

- Năm 2025: Hội thảo, tập huấn, tham quan trải nghiệm nâng cao năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ CBQL, GV mầm non (500 người); hội thi trực tuyến về kiến thức văn hóa địa phương đối với CBQL, GV, NV cấp học mầm non; xây dựng chuyên mục, phóng sự truyền thông.

2. Giai đoạn 2026-2028: Tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên mầm non (500 người); tổ chức tham quan trải nghiệm nâng cao nâng cao năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ CBQL, GV mầm non chưa đạt yêu cầu thông qua các hội thi trực tuyến; tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm sau 2 năm thực hiện Đề án; Ngày hội giao lưu đối với cha mẹ, trẻ em, giáo viên, động đồng về chủ đề văn hóa địa phương trong Chương trình Giáo dục mầm non; truyền thông (chuyên mục, phóng sự, liên hoan giao lưu, liên hoan).

3. Giai đoạn tiếp theo: Thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đưa giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN (Chi tiết theo phụ lục đính kèm)

1. Tổng kinh phí Đề án: 1.824.000.000 đồng (Một tỉ, tám trăm, hai bốn triệu đồng). Cụ thể:

Năm 2024: 798.000.000 đồng (Bảy trăm chín tám triệu đồng)

Năm 2025: 738.000.000 đồng (Bảy trăm ba tám triệu đồng)

Năm 2026: 73.000.000 đồng (Bảy mươi ba triệu đồng)

Năm 2027: 130.000.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu đồng)

Năm 2028: 85.000.000 đồng (Tám mươi lăm triệu đồng)

2. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn sự nghiệp giáo dục và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

PHẦN IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban; ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện đề án và định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Xây dựng nguồn tài liệu, học liệu về văn hóa địa phương tại Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa địa phương phù hợp với trẻ.

- Tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư về giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non.

2. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án trong khả năng ngân sách địa phương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động nguồn vốn hợp pháp thực hiện Đề án.

4. Sở Nội Vụ

Tiếp tục bố trí định biên giáo viên mầm non đảm bảo đủ số lượng giáo viên trên nhóm, lớp theo đúng quy định.

5. Sở Văn hóa và Thể thao

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới các làn điệu dân ca Huế, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật về văn hóa Huế, công tác tổ chức hội thi, liên hoan, trình diễn nghệ thuật về văn hóa Huế dưới các hình thức phù hợp với giáo dục mầm non; xây dựng nguồn tài liệu, học liệu về văn hóa địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc thi trực tuyến về giáo dục văn hóa địa phương trong Chương trình Giáo dục mầm non.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết của Đề án nâng nhằm cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng cư dân về giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non.

7. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non thông qua thực hành trải nghiệm thực tế, phim 3D về văn hóa địa phương.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tại địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, giá trị của giáo dục văn hóa địa phương, phối hợp cùng các nhà trường đưa văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non; hỗ trợ xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác giáo dục văn hóa địa phương.

9. Các sở, ban, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án.

10. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí Đề án: 1.824.000.000 đồng (Một tỉ, tám trăm, hai mươi bốn triệu đồng). Cụ thể:

* Năm 2024:

Danh mục

Sản phẩm

Số lượng
(quyển)

Ước tính thành tiền
(triệu đồng)

Cuộc thi:

 

 

 

- Sưu tầm những bài ca dao, đồng dao, dân ca, câu chuyện, bài thơ, trò chơi dân gian

- Bài ca dao, đồng dao, dân ca, câu chuyện, bài thơ, trò chơi dân gian Bài hát, vè, hò

100

50

- Cải biên những câu chuyện dân gian, làn điệu dân ca

- Câu chuyện, làn điệu dân ca, bài hát, câu chuyện

100

- Tranh dân gian, làng nghề

- Tranh

100

Thẩm định tài liệu

 

 

30

- In ấn tài liệu

Quyển

206

10

- Các câu chuyện sưu tầm

- Tranh về các đền, chùa mang kiến trúc Huế

Tập (10 tranh/tập)

206

10

- Làng nghề truyền thống Huế

Tập (10 tranh/tập)

206

10

- Các làn điệu dân ca địa phương

Tập

206

10

Phần mềm upload video các hoạt động giáo dục VHĐP, âm nhạc; xây dựng kho tài nguyên giáo dục VHĐP để tất các trường mầm non trên địa bàn vào khai thác.

103 phần mềm

103 trường

618

Tập huấn

Đại biểu

500/5 lớp

60

Tổng cộng

 

 

798

* Năm 2025:

Danh mục

Sản phẩm

Số lượng
(quyển)

Ước tính thành tiền
(triệu đồng)

Hội thi trực tuyến

Người

5876

50

Tập huấn

Đại biểu

500/5 lớp

60

Truyền thông

Lượt

01

10

Phần mềm upload video các hoạt động giáo dục VHĐP, âm nhạc; xây dựng kho tài nguyên giáo dục VHĐP để tất các trường mầm non trên địa bàn vào khai thác.

103 phần mềm

103 trường

618

Tổng cộng

 

 

738

* Năm 2026:

Danh mục

Sản phẩm

Số lượng
(quyển)

Ước tính thành tiền
(triệu đồng)

Sơ kết

Đại biểu

100

13

Tập huấn

Đại biểu

500/5 lớp

60

Tổng cộng

 

 

73

* Năm 2027:

Danh mục

Sản phẩm

Số lượng
(quyển)

Ước tính thành tiền
(triệu đồng)

Hội thi (Giáo viên, trẻ, cha mẹ trẻ)

Đại biểu

100

70

Tập huấn

Đại biểu

500/5 lớp

60

Tổng cộng

 

 

130

* Năm 2028: Tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2023-2028

Danh mục

Sản phẩm

Số lượng
(quyển)

Ước tính thành tiền
(triệu đồng)

Tập huấn

Đại biểu

500/5 lớp

60

Tổng kết

Đại biểu

100

15

Truyền thông

 

 

10

Tổng cộng

 

 

85

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2480/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu: 2480/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký: Nguyễn Thanh Bình
Ngày ban hành: 19/10/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2480/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…