ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2392/QĐ-UBND |
Khánh Hòa, ngày 26 tháng 9 năm 2013 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC CẤP HỌC CỦA TỈNH KHÁNH HÒA TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 976/TTr-SGDĐT ngày 14 tháng 8 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn sự nghiệp đào tạo và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Điều 2. Căn cứ vào mục tiêu, điều kiện, nhiệm vụ và các giải pháp, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ, chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo để triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC CẤP HỌC CỦA
TỈNH KHÁNH HÒA TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nêu rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành”; “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.
Ngày 30 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” với mục tiêu: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học, có đủ năng lực sử dụng độc lập ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Để triển khai có hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Chính phủ tại tỉnh Khánh Hòa và để đạt được các mục tiêu của Đề án, ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh phải đổi mới cả về nội dung, phương thức, phương pháp, phương tiện; cách thức đầu tư và quản lý cho dạy - học môn ngoại ngữ.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020” là cần thiết.
Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;
Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học;
Công văn số 855/KH-BGDĐT ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng kế hoạch tham gia thực hiện Đề án ngoại ngữ của Chương trình phát triển giáo dục trung học;
Công văn số 3017/BGDĐT-GDTrH ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai dạy học thí điểm Chương trình GDPT môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở;
Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
THỰC TRẠNG DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC CẤP HỌC TỈNH KHÁNH HÒA TRONG THỜI GIAN QUA
I. Về tình hình triển khai dạy học ngoại ngữ của các cấp học
1. Cấp tiểu học
Từ năm học 2003-2004 tiếng Anh được đưa vào dạy tự chọn ở cấp tiểu học, số học sinh học tiếng Anh tăng dần hàng năm khoảng 10%.
Năm học 2011-2012 toàn tỉnh có 125/188 trường tiểu học (TH) tổ chức dạy và học ngoại ngữ; trong đó có 3 trường dạy tiếng Pháp tại thành phố Nha Trang theo chương trình tiếng Pháp tăng cường, 94/188 trường tổ chức dạy học tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần, 28/188 trường triển khai học theo chương trình 4 tiết/tuần theo kế hoạch thí điểm của Bộ GDĐT.
Số giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học trên toàn tỉnh là 128 người nhưng chỉ có 88 GV biên chế, còn lại 16 GV hợp đồng và 24 GV thỉnh giảng. Phần lớn GV chưa được bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng Anh theo yêu cầu mới, do trước đây được đào tạo để dạy theo chương trình cũ, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng đánh giá dạy cho học sinh (HS) tiểu học, chưa được cập nhật kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng dạy học theo chương trình mới.
Trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu phong phú và đa dạng của việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới. Kết cấu bàn ghế lớp học không còn phù hợp cho việc dạy và học theo cặp và theo nhóm để phát triển kỹ năng giao tiếp. Hiện nay chỉ có khoảng 50% số trường đã tổ chức dạy và học ngoại ngữ có đồ dùng dạy học tối thiểu như máy cassette, màn hình tivi và một số đồ dùng dạy học làm bằng tranh ảnh từ chương trình các tài liệu Let’s Learn English, Let’s Go được trang bị từ các năm học trước.
2. Cấp trung học
Cấp trung học cơ sở (THCS) có 100% HS được học ngoại ngữ tại 104 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường cấp 1-2, hai trường cấp 1-2-3; trong đó có 01 trường dạy tiếng Pháp tại thành phố Nha Trang theo đề án tiếng Pháp tăng cường của Bộ GDĐT và cộng đồng Pháp ngữ hỗ trợ. Học sinh (HS) tại trường này được học tiếng Anh như ngoại ngữ 2 theo chỉ đạo của Bộ GDĐT (Công văn 6901/BGDĐT-GDTrH ngày 18 tháng 10 năm 2010), còn lại các trường THCS đều dạy tiếng Anh với gần 72.000 HS và 500 GV. Kết quả học tập môn tiếng Anh theo đánh giá cuối năm chỉ có 30-40% HS đạt điểm trung bình trở lên, tỷ lệ này còn thấp hơn ở những trường THCS vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Cấp trung học phổ thông (THPT) có 100% HS được học ngoại ngữ tại 31 trường THPT đang dạy ngoại ngữ 1 là tiếng Anh cho gần 38.000 HS với 300 GV, trong đó có 01 trường THPT dạy tiếng Pháp là ngoại ngữ 1 theo đề án tiếng Pháp tăng cường của Bộ GDĐT và cộng đồng Pháp ngữ hỗ trợ. Số lượng HS đủ điểm trung bình cuối năm cũng như điểm thi môn tiếng Anh ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT thường đạt khoảng 40-50%.
Nhìn chung, trình độ nghiệp vụ của GV dạy tiếng Pháp chương trình song ngữ khá tốt; nhờ có 01 tiến sĩ chuyên ngành và 03 thạc sĩ trên tổng số 08 GV dạy tiếng Pháp ở cấp trung học; riêng đội ngũ GV dạy tiếng Anh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là GV cấp THCS. Trước mắt cần khảo sát trình độ GV dạy tiếng Anh của cả 3 cấp (TH-THCS-THPT) để tiến hành bồi dưỡng nâng cao trình độ ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học và trung học nhằm giúp GV đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ của Bộ GDĐT.
Trang thiết bị dạy học ở bậc trung học còn thiếu, hầu hết cứ 2-3 GV mới có một máy cassette để dạy nghe theo băng và đĩa của Bộ GDĐT cung cấp, một số tranh ảnh như sách giáo khoa được in to để dạy trên lớp, còn lại phần lớn đồ dùng dạy học (ĐDDH) do GV tự làm ít mang tính bền vững và hiệu quả cao với tần suất sử dụng nhiều; chưa đáp ứng được yêu cầu việc dạy và học ngoại ngữ.
Hiện nay, do việc trang bị máy dạy nghe còn hạn chế, nên hầu hết HS không có cơ hội nghe được giọng người nước ngoài nói tiếng Anh, ĐDDH còn thiếu, không đồng bộ và sách báo tham khảo chưa được bổ sung, cập nhật, chưa tạo môi trường thuận lợi cho việc dạy và học ngoại ngữ dẫn đến trình độ ngoại ngữ của GV còn hạn chế, chưa đủ năng lực để sử dụng ngoại ngữ làm công cụ giao tiếp một cách tự tin.
3. Giáo dục thường xuyên
Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trong đó có 1 trung tâm cấp tỉnh. Việc tổ chức dạy môn ngoại ngữ ở các trung tâm này không nằm trong chương trình bắt buộc, chủ yếu là dạy tiếng Anh trình độ A, B cho cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu. Mỗi trung tâm có 1 đến 2 GV dạy ngoại ngữ. Tất cả đều đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học ngoại ngữ.
Các trung tâm GDTX chưa được trang bị các thiết bị dạy học môn ngoại ngữ theo quy định. Các kỳ thi ngoại ngữ trình độ A, B được tổ chức thường xuyên trong năm. Kết quả các kỳ thi cho thấy việc dạy học ngoại ngữ của các trung tâm còn nhiều hạn chế.
4. Trung cấp chuyên nghiệp
Toàn tỉnh có 5 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trong đó có 1 trường công lập do Sở GDĐT Khánh Hòa trực tiếp quản lý.
Hàng năm, tỷ lệ học sinh TCCN học ngoại ngữ theo chương trình đào tạo TCCN đạt kết quả từ trung bình trở lên là 75%. Chất lượng học ngoại ngữ của HS TCCN khá ổn định theo kết quả đánh giá qua bài làm viết trên giấy. Tuy nhiên, do cấu tạo chương trình trước đây, điều kiện dạy học còn hạn chế nên HS vẫn còn yếu ở nhiều kỹ năng cơ bản, chưa thể giao tiếp thông thường.
1. Kết quả đạt được
Việc triển khai dạy học ngoại ngữ được thực hiện đúng theo quy định của Bộ GDĐT. Các đơn vị, trường học thường xuyên tổ chức thao giảng, dạy mẫu, sinh hoạt cụm chuyên môn, tổ chức hoạt động ngoại khóa để trao đổi kinh nghiệm dạy học.
Nhiều HS cấp tiểu học học khá tốt môn tiếng Anh thể hiện trong cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, biểu hiện qua các cuộc thi giao lưu tiếng Anh ở tiểu học, các kỳ thi chuẩn của Cambridge phối hợp với Sở tổ chức và theo cách đánh giá hiện tại chưa cập nhật thang đánh giá chuẩn châu Âu. Các em yêu thích học tiếng Anh và phụ huynh cũng mong muốn cho con em được học tiếng Anh có hiệu quả từ cấp tiểu học.
Nhiều trường THCS, THPT đã có những thành công bước đầu đáng khích lệ trong việc chuyển mình hội nhập đổi mới tổ chức dạy - học môn ngoại ngữ. Đội tuyển HS cấp THCS thi Olympic tiếng Anh trên Internet được Bộ GDĐT trao cúp đồng đội năm 2011. Chương trình giáo dục mũi nhọn có một số thành tựu: Đội tuyển quốc gia lớp 12 tiếng Anh, tiếng Pháp của tỉnh liên tục nhiều năm liền đạt giải cao cá nhân và toàn đoàn trong kỳ thi HS giỏi quốc gia; nhiều HS giỏi được trúng tuyển học bổng A*Star, vài năm gần đây có HS môn tiếng Pháp được cử đi thi quốc tế. Tuy nhiên, số lượng học sinh giỏi trúng học bổng các chương trình này ngày càng giảm dần; chất lượng HS giỏi trong chương trình “mũi nhọn” so với các yêu cầu chương trình tuyển chọn HS giỏi đi nước ngoài vẫn còn hạn chế, tỷ lệ chưa cao. Ví dụ, trong chương trình học bổng A*Star năm học 2011-2012 có 46 thí sinh tham gia dự thi nhưng chỉ có 01 thí sinh đạt giải, so với những năm trước mỗi năm có từ 10 đến 20 HS đạt học bổng này. Chương trình học bổng cấp nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục Singapore hàng năm đều có 2 thí sinh đi thi nhưng mấy năm gần đây vẫn chưa có HS nào được học bổng này.
Các trung tâm GDTX, trường TCCN đã có nhiều đóng góp cơ bản đáng khích lệ trong việc bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh theo yêu cầu chuẩn tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tuy nhiên, so với thực tế giao tiếp, kết quả trên vẫn còn khiêm tốn, và thực trạng giảng dạy đang còn là vấn đề nỗ lực của cá nhân phải tự hoàn thiện các kỹ năng và năng lực cho phù hợp với hoàn cảnh công tác sự hỗ trợ của đơn vị và chính sách duy trì đội ngũ nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu thi đua hai tốt.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Do phụ huynh học sinh nhận thức về môn tiếng Anh còn hạn chế, coi là môn học tự chọn ở tiểu học, hoặc coi là môn phụ ở THCS, và coi là môn học văn hóa ở THPT nên có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học ngoại ngữ. Trong trường phổ thông, các trung tâm GDTX, trường TCCN sự quan tâm đầu tư cho dạy học ngoại ngữ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy - học hiện nay, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Hình thức kiểm tra đánh giá chưa phù hợp, chủ yếu ngữ pháp và viết câu ngắn, yêu cầu cơ bản các kỹ năng ngoại ngữ theo chương trình học, chưa thể giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài bằng ngoại ngữ đã học. Vẫn còn nhiều học sinh TCCN sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu công việc khi cần sử dụng ngoại ngữ. Phương pháp dạy học và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của hầu hết GV chưa đáp ứng yêu cầu dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới.
Công tác quản lý bộ môn ở cơ sở còn nhiều hạn chế do khả năng đáp ứng yêu cầu của cán bộ quản lý nhà trường và cơ sở; việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho môn ngoại ngữ chưa được quan tâm đúng mức theo yêu cầu đổi mới và thực tế giảng dạy.
Chưa có phòng học ngoại ngữ, chưa có chuẩn về trang thiết bị và phòng học chuẩn của từng cấp độ cho phòng học ngoại ngữ và phòng học thực hành bộ môn nên chưa có sự đầu tư đúng mức cho việc dạy và học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế. Đội ngũ chuyên môn thiếu, chưa có chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh ở các Phòng Giáo dục.
I. Mục tiêu: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để khắc phục các hạn chế nêu trên và triển khai có hiệu quả thiết thực Đề án cần phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách để nhằm đạt được các mục tiêu như sau:
1. Mục tiêu chung
Đề án đem lại hiệu quả tích cực việc dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp học, phấn đấu đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh, của học sinh, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đến năm 2020 triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm đại trà ở các cấp học; đổi mới căn bản cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học bộ môn; đổi mới phương pháp và thái độ dạy học của giáo viên để nâng cao chất lượng học tập và phát triển kỹ năng cho học sinh; cũng như nâng cao nhận thức và thái độ của các cấp quản lý.
2. Mục tiêu cụ thể
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động triển khai có hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Chính phủ và của Bộ GDĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập; phát triển nguồn nhân lực Khánh Hòa có thế mạnh về ngoại ngữ giúp tỉnh trở thành một trung tâm tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế.
- Mở rộng quy mô, đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ trường TH, THCS, THPT, các TTGDTX và trường TCCN kết hợp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản của người học theo các quy chuẩn quốc tế (khung chuẩn năng lực ngôn ngữ Châu Âu - KNLNN).
Đảm bảo đến năm 2015, nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên, đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học; nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học. Đến năm 2020, hầu hết HS tốt nghiệp THPT, TCCN có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của thế hệ trẻ tỉnh Khánh Hòa.
- Nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ GV dạy ngoại ngữ bằng nhiều hình thức và nhiều giải pháp đa dạng phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng bộ môn ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc.
2.1. Tiểu học
Từ năm học 2011-2012, Sở GDĐT Khánh Hòa đã triển khai dạy và học chương trình tiếng Anh thí điểm 4 tiết/tuần cho HS lớp 3 và có 20% HS lớp 3 được học tiếng Anh đại trà 4 tiết/tuần theo hệ 10 năm. Tiếp tục phát triển số lớp và chất lượng hiệu quả đảm bảo đến năm học 2015-2016 có 70% HS lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần theo hệ 10 năm và đến năm học 2018-2019 tỷ lệ này đạt 100%.
Triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm cho các trường có điều kiện. Phấn đấu đến năm học 2018-2019 tất cả học sinh tiểu học tại các khu vực trung tâm được học tiếng Anh theo chương trình hệ 10 năm từ lớp 3, đến năm học 2020-2021 hoàn thành việc triển khai với các địa bàn còn lại.
2.2. Trung học
a) Trung học cơ sở
Triển khai dạy và học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm liên tục từ lớp 3 từ năm học 2011-2012 tiếp tục phát triển mở rộng số lớp và chất lượng hiệu quả đảm bảo đến năm học 2014-2015 triển khai cho 20% HS lớp 6 (bắt đầu học tiếng Anh từ năm học 2011-2012) được học chương trình mới tiếng Anh hệ 10 năm; đến năm học 2015-2016 tỷ lệ này đạt 30%; năm học 2016-2017 đạt 40%; năm học 2017-2018 đạt 55%; năm học 2018-2019 đạt 70%; năm học 2019-2020 đạt 90% và năm học 2020-2021 đạt 100%.
b) Trung học phổ thông
Khảo sát đánh giá và bồi dưỡng giáo viên cho đủ năng lực ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành; tăng cường các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và đa dạng hóa các hoạt động phát triển nguồn lực như Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đảm bảo đủ phương tiện dạy học để triển khai chương trình tiếng Anh cho HS lớp 10 học hệ 10 năm liên tục từ lớp 3 trở lên (từ năm học 2011-2012) đến năm học 2018-2019 có 20% HS học chương trình này.
Duy trì và phát triển đến năm học 2019-2020 tỷ lệ này đạt 30%; năm học 2020-2021 đạt 40% và năm học 2021-2022 đạt 50%.
2.3. Đối với trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề
Triển khai chương trình năm 2012-2013 có 10% số lượng học sinh học nghề, TCCN đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ, tiếp tục phát triển tăng lên 60% vào năm 2015-2016 và đạt 100% vào năm học 2019-2020.
2.4. Đối với Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp
Triển khai dạy và học ngoại ngữ 100% cho học viên các lớp bổ túc THCS, THPT trong các trung tâm GDTX.
a) Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức
Đến tháng 12 năm 2015 có 5% cán bộ, công chức (108 người) của Khánh Hòa đạt được trình độ B1. Đến tháng 12 năm 2020 có 30% cán bộ, công chức (649 người) của Khánh Hòa đạt được trình độ B1 (chiếu theo số lượng cán bộ hiện tại: 2.162 người). (Kế hoạch chi tiết theo Phụ lục đính kèm).
Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020.
b) Giáo dục chuyên nghiệp
Triển khai chương trình tiếng Anh thực hành theo Quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT đối với các cơ sở có đào tạo hệ TCCN. Đến 2015 có 40% HS ra trường đạt trình độ A2 theo khung chuẩn Châu Âu và đến năm 2020 đạt được 80%.
2.5. Về đội ngũ giáo viên
- Giai đoạn 2013-2016: Chú trọng công tác đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm để đến năm 2015 có 100% GV dạy ngoại ngữ cấp tiểu học và cấp THPT đảm bảo chất lượng chuyên môn dạy học, được tập huấn và bồi dưỡng hiệu quả để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao trình độ tin học đáp ứng với yêu cầu mới; tiếp đến nâng cao trình độ ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho GV cấp THCS đạt các yêu cầu trên. Phấn đấu có 5% cán bộ quản lý, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên có trình độ tiếng Anh đạt từ bậc 3 trở lên.
- Giai đoạn 2017-2020: Đảm bảo 100% GV dạy ngoại ngữ cấp tiểu học và THPT đảm bảo chất lượng chuyên môn dạy học, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao trình độ tin học đáp ứng với yêu cầu mới; cấp THCS đến năm 2016 số GV đạt yêu cầu này là 80% và đạt 100% vào năm 2020. Đối với GV cấp THPT dạy ngoại ngữ đến năm học 2016 có 30% GV đạt các yêu cầu nâng cao và cập nhật trình độ hội nhập vào năm học 2019-2020. Tiếp tục đầu tư trang bị phòng học ngoại ngữ và mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ bộ môn.
2.6. Cơ sở vật chất và trang thiết bị
Phấn đấu xây dựng và mua sắm đầu tư đến năm 2016 có 70% trường tiểu học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học cần thiết phục vụ dạy học ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GDĐT; tỷ lệ này ở cấp THCS là 50% và cấp THPT là 30%.
Các trung tâm GDTX và trường TCCN tự trang bị đủ thiết bị dạy học ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT.
Đến năm 2020 có 100 % trường tiểu học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học cần thiết phục vụ dạy học ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GDĐT; tỷ lệ này ở cấp THCS là 80% và cấp THPT là 50%.
Cấp THCS và THPT được tiếp tục đầu tư và nâng cấp giai đoạn sau 2020.
1. Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các cấp học là tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
2. Thực hiện khung trình độ năng lực ngoại ngữ có 6 bậc do Hiệp hội các tổ chức ngoại ngữ châu Âu đã ban hành (viết tắt là KNLNN), theo quy định chung của Chính phủ tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg.
3. Triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt các trình độ như sau: Tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ (A1), tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ (A2), tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 (B1), tốt nghiệp TCCN theo quy định đánh giá HS của Bộ GDĐT. Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), HS có thể tự chọn học thêm môn ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2) từ lớp 10 đến lớp 12 với trình độ bậc 2 (A2) theo khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT.
4. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học.
Nâng cao hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục công tác dạy - học ngoại ngữ. Căn cứ quy mô phát triển và lộ trình triển khai kế hoạch của Đề án để tuyển dụng mới biên chế giáo viên đảm bảo số lượng và tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có kế hoạch với trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo mới đáp ứng yêu cầu còn thiếu của giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học và THCS đảm bảo chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Giải pháp tổng thể
- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020” các cấp.
- Tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng về tầm quan trọng, sự cần thiết và chủ trương dạy và học ngoại ngữ theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Triển khai đánh giá và bồi dưỡng giáo viên theo khung năng lực ngoại ngữ với 6 bậc. Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý thay đổi nhận thức đánh giá chỉ đạo và năng lực quản lý trong hoạt động dạy và học nói chung và tiếng Anh nói riêng. Tổ chức các hoạt động sư phạm cho giáo viên tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình, đổi mới tổ chức dạy và học ngoại ngữ. Tạo điều kiện cho giáo viên cốt cán tiếng Anh và cán bộ quản lý được đi tham quan học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các nước bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia là tiếng Anh.
- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí biên chế phụ trách dạy học môn tiếng Anh cho Phòng Giáo dục các huyện, thị xã, thành phố; từ năm học 2013-2014 chỉ tuyển dụng giáo viên có đủ trình độ và chứng chỉ KNLNN theo tiêu chuẩn chung Châu Âu. Ưu tiên tuyển dụng giáo sinh các môn khoa học tự nhiên đạt chuẩn trình độ đào tạo và sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp; có chính sách khuyến khích giáo viên dạy khoa học học thêm tiếng Anh để dạy môn của mình, đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn lực cho trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
- Tập trung xây dựng các trường trọng điểm triển khai đại trà với nhiệm vụ mũi nhọn đột phá và cuốn chiếu dần cao lên ở những năm tiếp theo. Xây dựng mạng lưới cốt cán, thành lập cụm chuyên môn trên cơ sở các trường trọng điểm làm nòng cốt để chia sẻ và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12 với biên chế lớp học mới, tiểu học 35 học sinh/lớp; trung học 40 học sinh/lớp để tiến dần đến 2 giáo viên trên một lớp trong giờ học ngoại ngữ. Mời giáo viên thỉnh giảng là người bản ngữ tạo cơ hội cho GV được phát triển năng lực ngôn ngữ và HS được giao tiếp bằng ngoại ngữ. Quy định môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên hàng năm.
- Khuyến khích các đơn vị trường học có nhu cầu và điều kiện xây dựng các chương trình dạy và học ngoại ngữ với thời lượng nhiều hơn và với trình độ năng lực ngoại ngữ cao hơn so với chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các cấp học. Phát huy giáo viên bản ngữ và lực lượng giáo viên nòng cốt đã được tập huấn từ Bộ và các chương trình trong hoạt động chuyên môn. Trang bị thêm công cụ máy vi tính, mạng Internet, xây dựng thư viện điện tử và khai thác nguồn tư liệu tin cậy phục vụ dạy học và tự học cho giáo viên và cán bộ quản lý.
- Củng cố các chương trình dạy học hiệu quả, nâng cấp và xây thêm các phòng học riêng, trang bị thêm màn hình đa chức năng, máy tính và các chương trình học tiếng Anh. Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá trình độ sử dụng ngoại ngữ. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học, kiểm tra và đánh giá, tự học và tự đánh giá để hoàn thiện các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.
- Triển khai chương trình đào tạo và tự đào tạo của Bộ GDĐT đề ra, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo khung năng lực ngôn ngữ. Giảng dạy và đánh giá theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đánh giá kết quả học tập khách quan thông qua các chương trình chuẩn quốc tế, đảm bảo tính công bằng, chính xác.
- Khuyến khích và phát huy hiệu quả các hoạt động ngoại khóa, xây dựng môi trường tiếng Anh, thành lập các câu lạc bộ cho học sinh và câu lạc bộ cho giáo viên tạo điều kiện các thành viên giao lưu tương tác, trao đổi kinh nghiệm và sử dụng tiếng Anh, khuyến khích các thành viên tham gia các cuộc thi các cấp, thúc đẩy học sinh, các cấp quản lý và giáo viên xây dựng môi trường tự học, tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập dựa trên chuẩn mực của các chương trình hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức uy tín của quốc tế ban hành, sử dụng và triển khai.
2. Đảm bảo đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, kỹ năng sư phạm, kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị hiện đại cho dạy và học ngoại ngữ.
Tiến hành bồi dưỡng năng lực quản lý và chỉ đạo bộ môn theo yêu cầu mới cho cán bộ quản lý và tổ/nhóm trưởng chuyên môn; phối kết hợp với các đơn vị/trung tâm/trường đại học được Bộ GDĐT cho phép khảo sát, cấp chứng chỉ triển khai khảo sát đánh giá và bồi dưỡng sau đánh giá để nâng cao năng lực ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm; sắp xếp bố trí đưa đi đào tạo lại theo yêu cầu chuẩn của khung NLNN, tăng cường kiểm tra và có biện pháp tích cực để rà soát chất lượng đào tạo mới đáp ứng nhu cầu tuyển dụng GV dạy ngoại ngữ đạt chuẩn theo đúng quy định của Bộ GDĐT và phù hợp với lộ trình triển khai đề án. Phấn đấu giảm tỷ lệ HS/GV dạy ngoại ngữ và số lượng HS/lớp học NN theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.
Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên phương pháp, kỹ thuật giảng dạy ngoại ngữ hiện đại cũng như các kỹ năng phụ trợ khác như sử dụng thiết bị đa phương tiện, khả năng khai thác Internet và các phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tự học giúp giáo viên hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ và năng lực sư phạm, khuyến khích GV tự bồi dưỡng và có chính sách phù hợp để GV đạt chứng chỉ quốc tế thông qua các chương trình tự học, các khóa tập huấn trong nước và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho GV dạy ngoại ngữ phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới.
Từng bước triển khai chương trình đào tạo bồi dưỡng GV và kỹ thuật viên cho phòng học bộ môn, phòng LAB chuyên dụng nhằm sử dụng khai thác có hiệu quả các trang thiết bị những phần mềm dạy và học ngoại ngữ, xử lý tốt và có hiệu quả các nguồn thông tin, tư liệu nước ngoài, đặc biệt là Internet, phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình và chỉ đạo của Bộ GDĐT.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ
Khai thác hợp lý và tranh thủ phần nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức cho GDĐT để tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ cho các trường trọng điểm và các chương trình của nước ngoài hỗ trợ cho ngành giáo dục Khánh Hòa ở các cấp học. Xây dựng cơ chế thoáng hơn trong việc đưa người bản ngữ vào các đơn vị có đào tạo ngoại ngữ đảm nhiệm các chức danh như GV và trợ giảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Phát triển chương trình hợp tác của các nhà trường với các tổ chức khác nhau của các quốc gia nói tiếng Anh, tiếng Pháp. Tạo điều kiện cho một bộ phận GV dạy ngoại ngữ của các trường phổ thông, các TTGDTX, trường TCCN được đi tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các quốc gia nói tiếng Anh, tiếng Pháp. Khuyến khích các chương trình trao đổi GV, tạo điều kiện cho GV bản ngữ tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ trong một số trường phổ thông, các TTGDTX và trường TCCN có nhu cầu và có điều kiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Khuyến khích các trường mời hoặc tuyển dụng các công dân Việt Nam có trình độ ngoại ngữ giỏi tham gia giảng dạy ngoại ngữ. Tạo cơ chế cho trường chuyên có chương trình ngoại ngữ tăng cường, chương trình song ngữ và tuyển dụng các giáo viên là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài của các tổ chức tình nguyện, các nước nói tiếng Anh, tiếng Pháp tham gia giảng dạy.
4. Tăng cường cơ sở vật chất, tạo môi trường thuận lợi cho việc dạy học, sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp trong nhà trường và xã hội
Từng bước tiến hành xây dựng phòng học và mua sắm thiết bị dạy - học ngoại ngữ phù hợp với lộ trình triển khai Đề án.
Xây dựng môi trường tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, tự hoàn thiện các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như: Xây dựng thư viện điện tử, mạng Internet và các chương trình hỗ trợ khác cho giáo viên và HS được cơ hội tiếp cận học tập và phát huy hiệu quả các trang thiết bị phần mềm, hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ.
Tổ chức, xây dựng và khai thác các chương trình truyền hình, chương trình phát thanh dành riêng cho dạy và học ngoại ngữ hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh và ngoại ngữ khác.
Khuyến khích phát triển các chương trình làm kỷ yếu, báo tường bằng ngoại ngữ. Chú trọng phát huy các hoạt động âm nhạc, văn hóa nghệ thuật thông tin có yếu tố nước ngoài.
Phát triển các câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ giáo viên dạy ngoại ngữ.
Đối với các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, các trung tâm GDTX triển khai chương trình tiếng Anh thực hành ban hành theo Quyết định 66/2008/QĐ- BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Hợp đồng với các đơn vị có chức năng đào tạo ngoại ngữ để mở lớp, tổ chức thi lấy chứng chỉ quốc tế của đại học Cambridge cấp độ PET tương đương cấp độ B1/cấp độ 3 theo khung chuẩn châu Âu.
Tổ chức tập huấn cho các giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm/cơ sở ngoại ngữ về chương trình tiếng Anh thực hành ban hành theo Quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Kinh phí do các đơn vị cử nhân sự tham gia đóng góp và hệ thống khảo thí của Đại học Cambridge hỗ trợ về mặt chuyên môn. Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức thi TOEFL, TOEIC, IELTS... tại Khánh Hòa cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu.
Thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để triển khai Đề án. Tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng về tầm quan trọng, sự cần thiết và chủ trương dạy và học ngoại ngữ của Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ quản lý nhằm thay đổi nhận thức trong chỉ đạo dạy và học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập đa ngôn ngữ. Tạo điều kiện cho giáo viên cốt cán được đi tập huấn bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ ở các nước bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia là tiếng Anh.
1. Giai đoạn 2013 - 2016
Hoàn thành và triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học tỉnh Khánh Hòa từ nay đến 2020” trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Đề án ở các cấp học trong tỉnh.
Chỉ đạo các trường tiểu học đã thực hiện Chương trình tiếng Anh tiếp tục triển khai thực hiện. Khuyến khích các trường ở các thành phố, thị xã, thị trấn và các trường tiểu học đã thực hiện dạy theo chế độ 2 buổi/ngày tham gia chương trình. Nắm danh sách GV đang giảng dạy các cấp và triển khai kế hoạch khảo sát trình độ, lập chương trình và bồi dưỡng GV theo yêu cầu khung năng lực ngôn ngữ do Bộ GDĐT đã đề ra theo hai luồng: Trong thời hạn được giao theo các lớp bồi dưỡng và tự học để hoàn thiện năng lực theo yêu cầu.
Thực hiện chính sách cho GV đang đứng lớp (bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và năng lực ngôn ngữ) và GV tuyển mới phải đáp ứng các trình độ B1 - B2 và Cl theo quy định. Kiểm tra đánh giá GV và HS thông qua 4 kỹ năng theo chuẩn quốc tế. Giai đoạn 1 tập trung ưu tiên phát triển GV và xây dựng hệ thống đánh giá HS/GV (nâng cao năng lực ngôn ngữ qua 2 hình thức tự học và có hướng dẫn). Theo quy định của Bộ thì phát triển lên một cấp độ phải cần 400 tiết học, và để đạt chuẩn quốc tế cần thêm 100 tiết học có hướng dẫn.
Trang thiết bị được đầu tư theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có các lớp tập huấn để giúp GV khai thác kỹ thuật ứng dụng công nghệ, thể hiện năng lực sáng tạo và kỹ năng lên lớp với thiết bị phù hợp hiện đại hóa chương trình, nâng cao chất lượng học tập của học sinh thông qua các hoạt động trên lớp cũng như trong phòng học bộ môn và các hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng và năng lực tương tác cho học sinh.
Triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho học sinh các trung tâm GDTX, trường TCCN và đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức.
2. Giai đoạn 2017-2020
Tiếp tục triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm cấp tiểu học: Chương trình dạy và học ngoại ngữ 1 như môn học chính ở cấp phổ thông; chương trình ngoại ngữ 2 ở các trường có đủ điều kiện; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; chuẩn hóa trình độ giáo viên dạy ngoại ngữ cho các cấp học theo yêu cầu chuẩn của Bộ GDĐT.
Tiếp tục phát triển và nâng cao chương trình ngoại ngữ 10 năm ở tiểu học: Chương trình dạy và học ngoại ngữ 1 như môn học chính ở các trường phổ thông; chương trình ngoại ngữ 2 ở các trường có chất lượng tốt; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Tiếp tục tuyển dụng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và hoàn thiện năng lực ngoại ngữ của GV các cấp học; rà soát, đánh giá, phân loại để tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ GV vào giai đoạn sau 2018, chuẩn hóa trình độ GV dạy ngoại ngữ cho các cấp học theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT.
1. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Tổng số trường thực hiện:
Hiện nay toàn tỉnh có 322 trường phổ thông công lập; gồm: 187 trường tiểu học, 110 trường THCS (trong đó có 03 trường DTNT), 02 trường cấp 2+3, 23 trường THPT (trong đó có 01 trường chuyên và 01 trường DTNT tỉnh).
b) Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 77.325,5 triệu đồng.
Trong đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đầu tư trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; giao Sở Nội vụ thực hiện đào tạo cán bộ, công chức. Cụ thể:
- Đầu tư trang thiết bị: 56,399,5 triệu, (tiểu học: 187 trường x 211 triệu = 39.457 triệu; THCS và THPT: 135 trường x 125,5 triệu = 16.942,5 triệu);
- Đào tạo bồi dưỡng GV: 1.400 GV x 10 triệu/GV= 14.000 triệu;
- Kinh phí đào tạo cán bộ, công chức đạt chuẩn B1: 6.926 triệu.
c) Phương án đề nghị bố trí kinh phí: Trung ương hỗ trợ; ngân sách tỉnh; và nguồn phối hợp với các Chương trình, Dự án, Đề án của tỉnh và một phần từ kinh phí chi thường xuyên của ngành
2. Phân kỳ đầu tư thực hiện Đề án
a) Giai đoạn 1 (2014-2016): 36.630 triệu đồng. Cụ thể:
- Mua trang thiết bị = 28.630 triệu (100 trường TH: 21.100 triệu; 50 trường THCS và 10 trường THPT: 7.530 triệu);
- Bồi dưỡng 800 GV = 8.000 triệu (300 TH, 400 THCS, 100 THPT).
b) Giai đoạn 2 (2017-2020): 40.722,5 triệu đồng. Cụ thể:
- Mua trang thiết bị = 27.769,5 triệu (87 trường TH: 18.357 triệu; 60 trường THCS và 15 trường THPT: 9.412,5 triệu);
- Bồi dưỡng 600 GV = 6.000 triệu đồng (300 THCS, 300 THPT);
- Đào tạo cán bộ, công chức đạt chuẩn B1 = 6.926 triệu đồng.
3. Nguồn vốn thực hiện Đề án
Ngân sách Trung ương được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia: 21.000 triệu/7 năm;
Ngân sách tỉnh: 11.525,5 triệu/7 năm;
Nguồn phối hợp từ Dự án quy hoạch phát triển hệ thống GDĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tiết kiệm chi: 44.800 triệu (7%).
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020” thành phần gồm:
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban;
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng ban Thường trực;
- Các thành viên: Đại diện các lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
b) Chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn cho các Phòng GDĐT, các trường THCS, THPT và trường THPT chuyên chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình mới theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
c) Rà soát, đánh giá thực trạng giáo viên, học sinh; nhu cầu và triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ (chủ yếu là giáo viên tiếng Anh) ở các cấp học.
d) Chủ trì tập huấn dạy học, kiểm tra, đánh giá có sử dụng thiết bị phòng học bộ môn ngoại ngữ.
e) Rà soát thực trạng, nhu cầu về cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ, lập danh sách (có sắp xếp thứ tự đáp ứng yêu cầu) các trường THCS, THPT đủ điều kiện được cung cấp trang thiết bị dạy học ngoại ngữ.
f) Triển khai mua sắm trang thiết bị phần mềm cho giáo viên và học sinh tự học, trang bị phòng học bộ môn cho toàn ngành theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo tiến độ và mặt bằng giá chung cho toàn tỉnh.
g) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan cụ thể hóa nội dung Đề án thành chương trình, kế hoạch chi tiết để trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện. Kết hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dạy nghề có ngoại ngữ.
h) Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, báo cáo tiến độ triển khai Đề án cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
i) Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chí tuyển dụng giáo viên, chế độ bồi dưỡng, học tập trong và ngoài nước cho giáo viên dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
j) Phát huy tinh thần xã hội hóa trong Đề án và mời gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Sở Nội vụ tổng hợp các kế hoạch đầu tư huy động vốn thực hiện Đề án hàng năm và từng giai đoạn để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (các nguồn xây dựng cơ bản, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn chuyển quyền sử dụng đất, nguồn vốn vay của tỉnh... do Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ).
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở liên quan phân bổ ngân sách, kinh phí sự nghiệp; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành. Cân đối ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương, thực hiện tiết kiệm chi để hoàn thành đề án hiệu quả.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, phân bổ biên chế sự nghiệp; phối hợp các sở liên quan nghiên cứu, hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tuyển dụng giáo viên dạy ngoại ngữ; quy định việc cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy ngoại ngữ ở nước ngoài. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, công chức đạt chuẩn B1.
5. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài tài trợ một số hạng mục của Đề án; hỗ trợ xúc tiến các chương trình hợp tác, giao lưu giữa các trường và các đối tác nước ngoài; tìm kiếm các chương trình, dự án, đối tác, nguồn giáo viên tình nguyện quốc tế; tạo điều kiện cho giáo viên dạy ngoại ngữ học tập và bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm với một số nước nói tiếng Anh như Mỹ, Niu-di-lân, Xinh-ga-po... trong việc thực hiện các cấu phần của Đề án; các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, và các nước có quan hệ hỗ trợ chương trình phát triển nguồn lực cho Khánh Hòa.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò vị trí của ngoại ngữ trong giai đoạn hiện nay đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Hàng năm chủ trì phối hợp Sở Nội vu, Sở GDĐT trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ các cấp.
b) Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong các cấp học của huyện, thị xã, thành phố, cụ thể:
- Xây dựng chương trình, dự án cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn;
- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án quy hoạch, phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020; ưu tiên dành quỹ đất, xây dựng đủ phòng học, phòng học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ trong các cấp học của huyện, thị xã, thành phố.
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Chỉ đạo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh.
8. Các cơ sở giáo dục
Tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo hướng dẫn nhằm đạt các mục tiêu của Đề án đề ra.
Căn cứ quy mô phát triển và lộ trình triển khai kế hoạch của Đề án, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang xây dựng kế hoạch tuyển sinh để đào tạo mới giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học và THCS đảm bảo chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
STT |
Địa bàn |
Số trường phổ thông |
TT GDTX |
TCCN |
|||
Tiểu học |
THCS và cấp 1, 2 |
THPT và cấp 2, 3 |
Cộng |
||||
1 |
TP. Nha Trang |
41 |
24 |
6 |
71 |
2 |
1 |
2 |
TP. Cam Ranh |
21 |
12 |
3 |
35 |
1 |
|
3 |
TX. Ninh Hòa |
33 |
27 |
5 |
65 |
1 |
|
4 |
H. Vạn Ninh |
26 |
13 |
4 |
43 |
1 |
|
5 |
H. Diên Khánh |
27 |
10 |
2 |
39 |
1 |
|
6 |
H. Cam Lâm |
18 |
12 |
3 |
33 |
1 |
|
7 |
H. Khánh Sơn |
8 |
3 |
1 |
12 |
1 |
|
8 |
H. Khánh Vĩnh |
14 |
4 |
1 |
19 |
1 |
|
|
Cộng |
187 |
110 |
25 |
322 |
9 |
1 |
DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐỀ ÁN NGOẠI NGỮ
I. Tổng kinh phí: 77.325,5 triệu đồng
II. Dự kiến nguồn kinh phí:
STT |
Nguồn |
Dự kiến kinh phí |
Ghi chú |
1 |
Chương trình mục tiêu quốc gia |
21.000 triệu/7 năm |
|
2 |
Phối hợp từ vốn mua sắm thiết bị dạy học của Dự án quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo tỉnh giai đoạn 2012-2020 và tiết kiệm chi giáo dục |
44.800 triệu/7 năm |
(trích 7%) |
3 |
Ngân sách tỉnh |
11.525,5 triệu/7 năm |
|
|
Cộng |
77.325,5 triệu |
|
III. Diễn giải chi tiết
2.1. Bồi dưỡng giáo viên
- Số giáo viên: 1.400 người = 14.000 triệu đồng
- Chiết tính chi phí (theo dự kiến của Trung tâm đào tạo SEAMEO)
Giai đoạn |
Số giờ học |
Chi phí cho 1 lớp 35 HV (VNĐ) |
Bình quân 1 HV |
|
Dự bị |
60 |
60 x 950.000 |
57.000.000 |
1.629.000 |
1 |
90 |
90 x 950.000 |
85.500.000 |
2.443.000 |
2 |
90 |
90 x 950.000 |
85.500.000 |
2.443.000 |
3 |
120 |
120 x 950.000 |
114.000.000 |
3.257.000 |
Tổng |
|
|
342.000.000 |
9.772.000 |
(Làm tròn = 10.000.000 đồng/1 người)
2.2. Kinh phí đào tạo 649/2.162 cán bộ, công chức đạt chuẩn B1 (đạt 30%) = 6.926 triệu đồng (chương trình 165).
2.3. Mua sắm thiết bị (theo Bảng giá của Công ty Việt Sin)
a) Tiểu học: 187 trường = 39.457.000 triệu đồng
STT |
Tên thiết bị |
Số lượng |
Đơn giá |
1 |
Bảng điều khiển dạy học tương tác và phần mềm |
01 bộ |
59.900.000đ |
2 |
Bảng điều khiển dạy học tương tác không dây kiểm tra đánh giá |
01 bô |
14.000.000đ |
3 |
Bộ hệ thống kiểm tra đánh giá |
01 bộ |
79.500.000đ |
4 |
Bộ máy chiếu cự ly phóng gần |
01 bộ |
37.000.000đ |
5 |
Máy tính xách tay |
01 bộ |
18.300.000đ |
6 |
Bộ thiết bị lưu trữ điện |
01 bộ |
2.300.000đ |
|
Cộng |
|
211.000.000đ |
b) Trung học cơ sở và trung học phổ thông: 135 trường = 16.942.000 triệu đồng
STT |
Tên thiết bị |
Số lượng |
Đơn giá |
1 |
Hệ thống dạy học tương tác và kiểm tra đánh giá |
01 bộ |
68.000.000đ |
2 |
Bộ kiểm tra đánh giá |
01 bộ |
18.000.000đ |
3 |
Bộ máy chiếu cự ly phóng gần |
01 bộ |
39.500.000đ |
4 |
Máy tính xách tay |
01 bộ |
18.300.000đ |
5 |
Bộ thiết bị lưu trữ điện |
01 bộ |
2.300.000đ |
|
Cộng |
|
125.500.000đ |
Quyết định 2392/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020”
Số hiệu: | 2392/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Khánh Hòa |
Người ký: | Lê Xuân Thân |
Ngày ban hành: | 26/09/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2392/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020”
Chưa có Video