Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 195-QĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1973

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ NHIỆM VỤ CỦA HỌC SINH, CỦA THẦY GIÁO VÀ CỦA NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG VỀ CÁCH ĐÁNH GIÁ HỌC SINH, THẦY GIÁO, NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG, VỀ DANH HIỆU THI ĐUA TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 19-CP ngày 29-1-1966 và Nghị định số 06-CP ngày 7-1-1971 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
Xét yêu cầu về việc đánh giá học sinh, giáo viên và nhà trường phổ thông, thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào thi đua Hai tốt, phấn đấu làm theo các đơn vị điển hình tiên tiến;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế tạm thời về nhiệm vụ của học sinh, của thầy giáo và của nhà trường phổ thông, cách đánh giá học sinh, thầy giáo và nhà trường phổ thông sau mỗi học kỳ và mỗi năm học; các danh hiệu thi đua trong nhà trường phổ thông áp dụng cho các trường phổ thông các cấp.

Điều 2. Các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Vụ trưởng, Cục trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ, Giám đốc Sở và Trưởng Ty giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ NHIỆM VỤ CỦA HỌC SINH, CỦA THẦY GIÁO VÀ CỦA NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG, CÁCH ĐÁNH GIÁ HỌC SINH, THẦY GIÁO VÀ NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG SAU MỖI HỌC KỲ VÀ MỖI NĂM HỌC, CÁC DANH HIỆU THI ĐUA TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 195-QĐ ngày 28 tháng 3 năm 1973 của Bộ Giáo dục).

Để việc đánh giá học sinh, giáo viên và nhà trường phổ thông, thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào thi đua hai tốt, phấn đấu làm theo các đơn vị điển hình tiên tiến, Bộ Giáo dục ban hành dưới đây Quy chế tạm thời về nhiệm vụ của học sinh, của thầy giáo và của nhà trường phổ thông; cách đánh giá học sinh, thầy giáo và nhà trường phổ thông sau mỗi học kỳ và mỗi năm học; các danh hiệu thi đua trong nhà trường phổ thông.

Chương 1

NGUYÊN TẮC CHUNG

Từ nay, ở các trường phổ thông, sẽ tiến hành đánh giá toàn diện chất lượng học sinh, thầy giáo và nhà trường sau mỗi học kỳ và mỗi năm học theo nguyên tắc:

1. Việc đánh giá phải căn cứ vào mức độ thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu của người học sinh, của người thầy giáo và của nhà trường.

2. Việc đánh giá phải tiến hành dân chủ và nghiêm túc, có tác dụng giáo dục, góp phần động viên, hướng dẫn học sinh, thầy giáo và nhà trường thi đua dạy tốt, học tốt, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

3. Trong việc đánh giá học sinh, thầy giáo và nhà trường phổ thông, phải đề cao trách nhiệm chung của nhà trường, của tổ chức Đoàn thanh niên lao động và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, của gia đình và của xã hội, và những tổ chức có liên quan mật thiết với nhau trong sự nghiệp giáo dục, trong đó trách nhiệm của nhà trường là chính.

Chương 2

NHIỆM VỤ NGƯỜI HỌC SINH PHỔ THÔNG – TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI

I. Nhiệm vụ học sinh.

Học sinh trong trường phổ thông có nhiệm vụ phấn đấu học tập theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành con người mới, phát triển toàn diện, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hóa, có kỹ thuật, có sức khỏe, những người chiến sĩ cách mạng làm chủ nước nhà, sẵn sàng đem hết sức lực và tài năng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để hoàn thành nhiệm vụ chung ấy, mỗi học sinh phải thực hiện 4 nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Nhiệm vụ 1.

Người học sinh phải rèn luyện lòng yêu tổ quốc, yêu đồng bào, trung thành với chế độ, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, trau dồi đạo đức, tác phong, sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

1. Phải yêu mến kính trọng cha mẹ, yêu mến và nhường nhịn anh chị em, thường xuyên giúp đỡ gia đình, góp phần cùng gia đình hoàn thành nghĩa vụ đối với xã hội.

2. Phải kính trọng thầy giáo, tôn trọng và giúp đỡ bạn bè, rèn luyện tinh thần thương yêu đồng đội, sẵn sàng nhận khó khăn về mình nhường thuận lợi cho bạn.

3. Phải có ý thức xây dựng Đoàn thanh niên lao động và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường, tôn trọng và hưởng ứng mọi chủ trương công tác của Đoàn và Đội.

Phải coi Đoàn và Đội là trường học để rèn luyện đạo lý và lý tưởng, phải luôn luôn phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu người đoàn viên thanh niên lao động (hoặc người đội viên thiếu niên tiền phong).

4. Phải khiêm tốn học hỏi thầy giáo, bạn bè và những người lao động xung quanh.

Phải trung thực trong học tập và trong đời sống; phải biết đấu tranh chống cái xấu, mạnh dạn nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm. Phải kiên trì, nhẫn nại khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ (trước hết là nhiệm vụ học tập và nhiệm vụ lao động ).

5. Phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định của nhà trường phải tuân theo luật lệ của Nhà nước (trước hết là những quy tắc trật tự, vệ sinh công cộng, những quy định về bảo vệ tài sản, luật lệ giao thông…) rèn luyện nếp sống văn minh.

6. Phải giúp đỡ người già yếu, tàn tật, neo đơn, phụ nữ có con mọn.

7. Phải kính trọng và biết ơn những chiến sĩ đã và đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những người lao động đang xây dựng đất nước. Phải thường xuyên tìm hiểu và giúp đỡ thương binh, gia đình bộ đội, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

8. Phải rèn luyện thói quen hàng ngày làm việc tốt góp phần xây dựng quê hương, xây dựng địa phương mình sống và học tập, xây dựng trường học.

Nhiệm vụ 2.

Người học sinh phải nỗ lực học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập nhằm chuẩn bị đầy đủ ý thức và năng lực để tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

1. Đi học phải chuyên cần, đến trường phải học bài, làm bài đầy đủ, chú ý nghe giảng nắm vững kiến thức, học đều các môn, thực hiện nghiêm chỉnh những điều hướng dẫn của thầy giáo; giữ gìn sách vỡ tốt.

2. Phải tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập, phải có phương pháp học tập đúng.

Phải tăng cường luyện tập, rèn luyện kỹ năng và thói quen thực hành, nói đúng, viết đúng, làm đúng, tập vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật và lao động sản xuất và đời sống.

3. Phải biết tổ chức việc học tập, thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm ngoài nhà trường, không thỏa mãn với vốn hiểu biết sẵn có.

Nhiệm vụ 3.

Để củng cố kiến thức, rèn luyện thái độ và kỹ năng lao động, người học sinh phải thường xuyên tham gia lao động có ích, góp phần sản xuất được của cải vật chất cho xã hội và góp phần xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường.

1. Trong những buổi lao động do nhà trường hoặc Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên trực tiếp tổ chức và quản lý, học sinh phải tham gia đều đặn, làm việc tích cực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

2. Khi lao động phải có ý thức tập thể, có tổ chức, kỷ luật, có kế hoạch. Phải tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, giữ gìn công cụ, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.

3. Phải rèn luyện những kỹ năng lao động phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, cố gắng áp dụng kỹ thuật cải tiến tổ chức để nâng cao năng suất, thông qua đó mà củng cố và bổ sung kiến thức.

Khi lao động ở gia đình và các cơ sở sản xuất cũng phải cố gắng áp dụng. Những quy định trên đây để phát huy tác dụng giáo dục lao động của nhà trường.

Nhiệm vụ 4.

Người học sinh phải chăm lo bảo vệ và rèn luyện thân thể có thói quen giữ gìn vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ năng lực để sẳn sàng tham gia lao động sản xuất và chiến đấu.

1. Phải có thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể, tập thể dục đều đặn hàng ngày.

2. Phải biết ngồi học đúng tư thế, không đọc, viết trong điều kiện quá thiếu ánh sáng, biết giữ vệ sinh khi lao động, không lao động quá sức; biết tổ chức hợp lý thì giờ học tập, lao động, nghỉ ngơi.

3. Phải giữ gìn vệ sinh công cộng, thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về vệ sinh phòng dịch của nhà trường và của địa phương.

4. Phải thường xuyên rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn dưới sự hướng dẫn của nhà trường.

5. Với học sinh lớp 7 và học sinh cấp 3: phải tích cực luyện tập quân sự theo chương trình và rèn luyện nếu sống quân sự hóa.

II. Tiêu chuẩn đánh giá và xếp loại học sinh.

Mỗi năm 2 kỳ (vào cuối học kỳ I và cuối năm học ) nhà trường phối hợp với đoàn thanh niên lao động, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội cha mẹ học sinh, tham khảo ý kiến của các cơ sở sản xuất của địa phương, tiến hành đánh giá, xếp loại học sinh về từng mặt giáo dục và nhận xét tổng hợp cho từng học sinh, căn cứ vào mức độ thực hiện bốn nhiệm vụ học sinh.

1. Đánh giá và xếp loại về đạo đức.

Phải đối chiếu với những điều quy định trong nhiệm vụ 1 mà đánh giá học sinh về rèn luyện đạo đức.

Khi đánh giá phải căn cứ chủ yếu vào hành động hàng ngày của học sinh trong học tập, lao động sản xuất, hoạt động tập thể ở trường và ngoài xã hội.

Phải coi trọng trước hết thái độ, hành vi của mỗi học sinh đối với tập thể lớp học, tập thể nhà trường, đối với lợi ích xã hội.

Sự đánh giá hành động của học sinh phải là sự đánh giá có tính chất chỉ bảo, dẫn dắt.

Về đạo đức, học sinh được xếp vào bốn loại:

Tốt, khá, trung bình, còn yếu.

2. Đánh giá và xếp loại về học tập

Phải căn cứ chủ yếu vào kết quả học tập thể hiện ở điểm số cuối học kỳ và cuối năm về các môn học mà đánh giá và xếp loại học sinh; đồng thời cũng phải đối chiếu với những điều quy định trong nhiệm vụ 2 của người học sinh thể hiện trên ba mặt:

- Ý thức, thái độ học tập,

- Phương pháp học tập,

- Tổ chức việc học tập.

Dựa vào mức độ thực hiện nhiệm vụ 2 này của mỗi học sinh, nhà trường có thể nâng lên hoặc hạ xuống kết quả xếp loại dựa trên điểm số các môn học.

Về học tập, học sinh được xếp vào bốn loại:

Giỏi, khá, trung bình, còn yếu.

3. Đánh giá vào xếp loại về lao động.

Đánh giá và xếp loại học sinh về lao động sản xuất, phải dựa vào mức độ thực hiện nhiệm vụ 3 của người học sinh, thể hiện trên ba mặt:

- Ý thức và thái độ lao động,

- Kỹ năng lao động (bao gồm năng lực tổ chức, quản lý lao động và hiểu biết, thực hành kỹ thuật).

- Kết quả lao động (hiệu suất và thành quả lao động ).

Về lao động học sinh được xếp vào bốn loại:

Tốt, khá, trung bình, còn yếu.

4. Đánh giá về bảo vệ và rèn luyện thân thể.

Khi đánh giá về bảo vệ và rèn luyện thân thể, phải căn cứ vào mức độ thực hiện nhiệm vụ 4, thể hiện trên hai mặt:

- Ý thức và kết quả giữ gìn vệ sinh (vệ sinh thân thể, vệ sinh trong học tập và lao động, vệ sinh công cộng);

- Ý thức và kết quả tập thể dục hàng ngày.

Riêng trong việc đánh giá việc rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn, phải căn cứ vào kết quả kiểm tra của nhà trường, nếu ở trường có thầy giáo chuyên trách về thể dục, nếu ở trường chưa có thầy giáo chuyên trách về thể dục thì căn cứ vào nề nếp, tinh thần và thái độ rèn luyện của học sinh.

Về bảo vệ và rèn luyện thân thể - học sinh được xếp vào 4 loại:

Tốt, khá, trung bình, còn yếu.

III. Sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại học sinh.

Kết quả đánh giá, xếp loại học sinh về từng mặt giáo dục và nhận xét tổng hợp về mỗi học sinh sau mỗi năm học sẽ dùng làm căn cứ để xét cho lên lớp, thi tốt nghiệp và khen thưởng học sinh.

a) Tiêu chuẩn khen thưởng học sinh và các danh hiệu thi đua.

1. Những học sinh, cuối năm học, có bốn mặt giáo dục được xếp loại khá sẽ được danh hiệu học sinh tiên tiến (với học sinh cấp III), hoặc cháu ngoan Bác Hồ (với học sinh cấp I, cấp II).

2. Những học sinh cuối năm học có bốn mặt giáo dục được xếp loại tốt (hoặc giỏi) sẽ được đề nghị tặng danh hiệu học sinh giỏi, được giải thưởng Bác Hồ và được Bộ Giáo dục khen thưởng.

3. Những học sinh có một mặt giáo dục được xếp loại tốt (hoặc giỏi) và các mặt khác được xếp từ trung bình trở lên sẽ được nhà trường khen về từng mặt (song không được khen thưởng bất cứ một học sinh nào có một trong bốn mặt giáo dục bị xếp loại yếu).

Danh sách học sinh được khen thưởng và được tặng danh hiệu thi đua phải được báo cáo và thông qua Hội đồng nhà trường và phải được Phòng Giáo dục huyện, khu phố (đối với cấp I, cấp II) hoặc Sở, Ty Giáo dục (đối với cấp II) xác nhận.

Hội đồng nhà trường, sau khi được Phòng Giáo dục (hoặc Sở, Ty Giáo dục) xác nhận kết quả khen thưởng học sinh, có thẩm quyền công nhận danh hiệu và cấp giấy khen cho học sinh tiên tiến (hoặc cháu ngoan Bác Hồ) và chịu trách nhiệm lập hồ sơ học sinh giỏi, được giải thưởng Bác Hồ gửi lên Bộ Giáo dục xét duyệt theo thủ tục hiện hành.

Kết quả khen thưởng hàng năm của học sinh phải được ghi vào học bạ và lưu trữ trong hồ sơ nhà trường.

b) Tiêu chuẩn lên lớp:

1. Những học sinh xếp loại trung bình trở lên về cả bốn mặt giáo dục sẽ được lên lớp thẳng.

2. Những học sinh bị xếp loại yếu về cả bốn mặt giáo dục sẽ phải ở lại lớp.

3. Những học sinh không ở vào các trường hợp quy định trong điều 1 và 2 trên đây sẽ phải thi lên lớp (nếu bị xếp loại yếu về học tập) hoặc được giao một nhiệm vụ cụ thể để rèn luyện thêm trong hè (nếu bị xếp loại yếu về đạo đức, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể).

Căn cứ vào kết quả thi lên lớp và kết quả rèn luyện trong hè, nhà trường sẽ quyết định vào đầu năm học sau cho những học sinh đó được lên lớp hoặc phải ở lại lớp.

c) Sử dụng kết quả đánh giá đối với việc thi hết cấp và thi tốt nghiệp phổ thông.

Kết quả đánh giá toàn diện học sinh sẽ được dùng làm điều kiện dự thi và các điều kiện lấy trúng tuyển thêm trong các kỳ thi hết cấp và thi tốt nghiệp phổ thông.

Chương 3

NHIỆM VỤ NGƯỜI THẦY GIÁO PHỔ THÔNG – TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ THẦY GIÁO VÀ DANH HIỆU THI ĐUA.

I. Nhiệm vụ người thầy giáo.

Người thầy giáo là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng, là người được Đảng và Nhà nước giao trọng trách giáo dục học sinh, là người cốt cán trong sự nghiệp giáo dục.

Tính chất công tác của thầy giáo là tính chất cách mạng, tính chất chiến đấu, nhiệm vụ người thầy giáo là xây dựng con người mới, chức năng thầy giáo là giáo dục. Vì vậy người thầy giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa phải phấn đấu thực hiện bốn nhiệm vụ cụ thể sau:

Nhiệm vụ 1.

Trên cơ sở giác ngộ lý tưởng cộng sản, thấu suốt nhiệm vụ cách mạng và đường lối giáo dục của Đảng, người thầy giáo trong nhà trường phổ thông có nhiệm vụ tổ chức giáo dục học sinh theo 5 điều Bác dạy (như đã nói trong chương 2 về nhiệm vụ của người học sinh) để trở thành những con người mới theo yêu cầu của cách mạng.

1. Người thầy giáo phải thực hiện đầy đủ chương trình giảng dạy, phải soạn bài kỹ, giảng bài nhiệt tình, chấm bài kiểm tra đều đặn, chu đáo; phải nắm vững nội dung kiến thức cơ bản và biết áp dụng những phương pháp thích hợp để giáo dục toàn diện; phải biết tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập trên lớp và tự học ở nhà.

2. Thầy giáo phải tham gia lao động hàng tuần với học sinh; phải chuẩn bị chu đáo để tổ chức hướng dẫn học sinh lao động sản xuất một cách tự giác, có kế hoạch, có kỹ thuật để đạt năng suất cao và đạt kết quả giáo dục tốt.

 Phải tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động xã hội, thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, theo yêu cầu của mỗi lớp, thông qua đó, giáo dục rèn luyện học sinh.

3. Phải xây dựng tập thể học sinh thành một tập thể đoàn kết, thân ái, xây dựng trong học sinh mối quan hệ đồng đội theo gương những người cộng sản và thông qua đó mà giáo dục cho học sinh đạo đức xã hội chủ nghĩa.

4. Luôn luôn có kế hoạch theo dõi học sinh, đánh giá học sinh một chính xác, có biện pháp phục vụ kịp thời, đảm bảo tất cả học sinh đều hoàn thành nhiệm vụ.

5. Phải thương yêu, tôn trọng học sinh, luôn luôn tìm cách làm cho học sinh đều tiến bộ, xây dựng mối quan hệ thầy trò, vừa là người thầy dìu dắt, giúp đỡ, vừa là người bạn gần gũi, chân tình; chống mọi biểu hiện thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến cá nhân, sỉ nhục học sinh dưới bất kỳ hình thức nào; cấm lợi dụng sức lao động của học sinh phục vụ cho lợi ích riêng của thầy giáo.

Nhiệm vụ 2.

Trên cơ sở phát huy ý thức làm chủ tập thể của người chủ cách mạng, người thầy giáo phải đem hết năng lực của mình tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

1. Phải cùng học tập để giáo viên xây dựng nhà trường thành một khối đoàn kết nhất trí, cộng đồng trách nhiệm trên cơ sở thực hiện đường lối giáo dục của Đảng, các chủ trương, Chỉ thị của cấp trên. Phải thương yêu, học hỏi nhau, giúp đỡ nhau làm tròn nhiệm vụ. Phải tham gia xây dựng các chủ trương và kế hoạch công tác của nhà trường.

2. Phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Ban Giám hiệu và Hội đồng nhà trường, chấp hành nội quy, quy định định do tập thể nhà trường đề ra.

3. Phải góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên và Công đoàn và các tổ chức chuyên môn trong trường vững mạnh. Phải tôn trọng tổ chức đoàn thanh niên và Đội thiếu niên của học sinh, tạo mọi điều kiện cho Đoàn và Đội phát huy chức năng của họ.

4. Phải phát huy sáng kiến, tích cực góp phần xây dựng cơ sở vật chất và làm đồ dùng dạy học cho nhà trường, phải có ý thức, trách nhiệm sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất đó.

Nhiệm vụ 3.

Căn cứ vào đặc điểm công tác và chức năng của mình, thầy giáo có nhiệm vụ góp phần thực hiện ba cuộc cách mạng ở địa phương (trước hết là cách mạng văn hóa tư tưởng và cách mạng kỹ thuật).

1. Tham gia giảng dạy bổ túc văn hóa và giúp đỡ các lớp mẫu giáo, vỡ lòng;

2. Phổ biến chính sách giáo dục của Đảng và phương pháp giáo dục trẻ em cho nhân dân địa phương. Tuyên truyền, tổ chức và vận động các lực lượng xã hội tham gia giáo dục.

 3. Tham gia tuyên truyền các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần vận động thực hiện nếp sống mới trong địa phương (trước hết và chủ yếu là trong học sinh và cha mẹ học sinh).

Nhiệm vụ 4.

Người thầy giáo phải luôn luôn phấn đấu tự rèn luyện về mọi mặt, không ngừng nâng cao trình độ chính trị đạo đức và chuyên môn để có thể hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người thầy giáo xã hội chủ nghĩa.

1. Phải học tập để thấm nhuần đường lối, chính sách của Đảng, luôn luôn rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, gương mẫu, trước mọi người, trau dồi lý tưởng nghề nghiệp, phấn đấu thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của người thầy giáo.

2. Có kế hoạch tự học để không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và nghề nghiệp.

3. Thường xuyên tìm hiểu thực tế thiên nhiên và xã hội làm cho vốn sống ngày càng phong phú, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Phải chăm lo rèn luyện sức khỏe để có thể đảm đương nhiệm vụ lâu dài.

II. Tiêu chuẩn đánh giá thầy giáo và danh hiệu thi đua.

1. Tiêu chuẩn đánh giá.

Khi đánh giá thầy giáo, phải căn cứ vào mức độ thực hiện bốn nhiệm vụ của thầy giáo, trong đó phải rất coi trọng nhiệm vụ thứ nhất. Phải căn cứ trên ba mặt;

- Tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ;

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện ở sự tiến bộ của học sinh sau một thời gian học tập.

Sự tiến bộ này phải được tập thể thầy giáo công nhận;

- Sáng kiến và kinh nghiệm ( chủ yếu là sáng kiến kinh nghiệm về khoa học giáo dục).

Việc đánh giá thầy giáo hàng năm sẽ dùng để;

- Đề nghị khen thưởng cán bộ;

- Giáo dục cán bộ và động viên phong trào thi đua;

- Thực hiện chính sách cán bộ (nâng lương, đề bạt, công nhận hết tập sự, v.v....)

2. Danh hiệu thi đua

Có ba danh hiệu dành cho những thầy giáo có thành tích hoàn thành nhiệm vụ:

a) Giáo viên nhân dân là danh hiệu tặng những thầy giáo hoàn thành tốt kế hoạch cá nhân, phấn đấu thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ người thầy giáo, có sáng kiến nhỏ góp phần giải quyết được một số vấn đề về giáo dục cho nhà trường (được nhà trường công nhận). Trong năm học, không phạm khuyết điểm, thiếu sót lớn.

b) Chiến sĩ thi đua là danh hiệu tặng những thầy giáo hoàn thành xuất sắc kế hoạch cá nhân, phấn đấu thực hiện đầy đủ và có chất lượng bốn nhiệm vụ người thầy giáo, có sáng kiến kinh nghiệm (ít nhất là kinh nghiệm, sáng kiến thuộc nhiệm vụ 1và 2) được Hội đồng thi đua tỉnh xác nhận. Trong năm học, không phạm khuyết điểm đáng kể.

c) Giáo viên ưu tú ( được giải thưởng Bác Hồ) là danh hiệu tặng những thầy giáo chiến sĩ thi đua có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, thực hiện đầy đủ với chất lượng cao cả bốn nhiệm vụ người thầy giáo. Có kinh nghiệm, sáng kiến có giá trị phổ biến về cả bốn nhiệm vụ.

III. Tổ chức đánh giá và công nhận danh hiệu thi đua

Hàng năm, các thầy giáo phải căn cứ vào bốn nhiệm vụ người thầy giáo và kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch cá nhân. Từ trường đến bộ, phải thành lập các Hội đồng thi đua các cấp có đủ điều kiện để vừa có thể công nhận danh hiệu thi đua vừa có thể xét duyệt kinh nghiệm sáng kiến.

Nhà trường chịu trách nhiệm đề nghị danh sách các thầy giáo được tặng danh hiệu thi đua và lập hồ sơ cùng với sáng kiến kinh nghiệm gửi lên cấp trên (thông qua Hội đồng thi đua các cấp).

Phòng Giáo dục huyện, khu phố có thẩm quyền công nhận những thầy giáo được đề nghị tặng danh hiệu giáo viên nhân dân và đề nghị lên Sở, Ty Giáo dục xét công nhận những thầy giáo được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, theo các thủ tục hiện hành (đối với giáo viên cấp I, cấp II).

Sở, Ty Giáo dục có thẩm quyền công nhận những thầy giáo được đề nghị tặng danh hiệu giáo viên nhân dân (đối với giáo viên cấp III) và công nhận những thầy giáo được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua (đối với giáo viên cả ba cấp I, II, III) theo thủ tục hiện hành.

Bộ Giáo dục sẽ công nhận những thầy giáo thuộc cấp I, cấp II, cấp III được đề nghị tặng danh hiệu giáo viên ưu tú, được giải thưởng Bác Hồ, sau khi đã xét duyệt các sáng kiến có giá trị phổ biến.

Chương 4

NHIỆM VỤ NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG – TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ NHÀ TRƯỜNG VÀ DANH HIỆU THI ĐUA

I. Nhiệm vụ nhà trường phổ thông

Nhà trường phổ thông có nhiệm vụ tổ chức tốt việc giáo dục học sinh theo đúng kế hoạch và đạt yêu cầu chất lượng do kế hoạch và chương trình Nhà nước đã quy định, tổ chức tốt việc thầy trò tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng nhằm đào tạo con người phát triển toàn diện, đồng thời phát huy tác dụng tốt của nhà trường đối với xã hội, với địa phương.

Nhiệm vụ trên đòi hỏi nhà trường phải thường xuyên chăm lo xây dựng các lực lượng giáo dục, các điều kiện làm cho công tác giáo dục của mình ngày thêm vững mạnh để trước mắt hoàn thành tốt kế hoạch hàng năm và tiến lên có khả năng đảm đương được nhiệm vụ đào tạo với yêu cầu chất lượng cao hơn và với quy mô lớn hơn trong tương lai.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tổng quát nói trên, nhà trường có trách nhiệm thực hiện tốt bốn nhiệm vụ cụ thể với những yêu cầu cụ thể dưới đây:

Nhiệm vụ 1.

Để mau chóng và từng bước vững chắc thực hiện việc phổ cập giáo dục, góp phần tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở, nhà trường có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm việc thực hiện tốt kế hoạch phát triển mà Nhà nước ( Sở, Ty, Phòng Giáo dục) đã giao. Cụ thể là:

1 Có kế hoạch tuyên truyền giải thích trong nhân dân, có kế hoạch phối hợp và giúp đỡ thích đáng các trường lớp kế cận (cấp I đối với mẫu giáo, vỡ lòng; cấp II đối với cấp I; cấp III đối với cấp II) để tạo cho các trường tuyển lựa học sinh đủ chỉ tiêu và đúng chuẩn vào các lớp đầu cấp.

2. Tổ chức tốt việc giáo dục học sinh nhằm làm cho học sinh trong quá trình học tập đi họcchuyên cần, không vắng mặt , không bỏ học nửa vời.

3. Phấn đấu cho học sinh được lên lớp trên hoặc tốt nghiệp ra trường một cách đều đặn hạn chế tới mức tối thiểu nhất số học sinh học lại lớp hoặc không tốt nghiệp.

 Nhiêm vụ 2.

Tổ chức tốt việc dạy của thầy, việc học của trò, kết hợp với việc tổ chức tốt thày trò tham gia lao động sản xuất, tham gia các họat động chính trị và xã hội, thực hiện tốt phương châm giáo dục của Đảng, bảo đảm đạt mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện, đồng thời góp phần vào việc sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, vừa phát huy tác dụng của trường đối với ba cuộc cách mạng của địa phương. Cụ thể là:

1 Tổ chức tốt việc dạy học của thầy nhằm đạt ba yêu cầu chủ yếu:

a) Thực hiện tốt chương trình, bảo đảm những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa được truyền thụ một cách chính xác không sai sót;

b) coi trọng cả lý thuyết và thực hành, coi trọng việc thực hiện phương châm giảng dạy gần với đời sống, với sản xuất;

c) chú trọng việc phát huy tinh thần chủ động sáng tạo và trí thông minh của học sinh.

2. Tổ chức tốt việc học của trò nhằm đạt ba yêu cầu:

a) bằng công tác tư tưởng và tổ chức giúp cho các em có ý thức tốt, đúng đắn đối với nhiệm vụ học tập và h ọc tập một cách chuyên cần trong các tiết học, các môn học, học ở trong trường ở ngoài trường và trong gia đình.

b) hướng dẫn cho học sinh học có phương pháp chống học tủ, học vẹt.

c) đưa việc học tập của học sinh vào nề nếp giúp cho học sinh dần dần có năng lực tự tổ chức việc học tập của mình.

3. Tổ chức tốt việc thầy trò tham gia lao động sản xuất tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương một cách thích hợp với từng loại đối tượng, từng lứa tuổi, thích hợp với tình hình cụ thể của địa phương nhằm đạt ba yêu cầu chủ yếu:

a) có tác dụng giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức, tác phong, về năng lực tổ chức, củng cố mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

b) có tác dụng làm cho nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên gắn mình với thực tế sản xuất, thực tế xây dựng của địa phương, gần gũi và gắn bó với học sinh, nâng cao thêm vốn hiểu biết và năng lực tổ chức,từ đó, góp phần nâng cao trình độ tư tưởng, kiến thức và nghiệp vụ giảng dạy và giáo dục.

c) có tác dụng kinh tế và xã hội góp phần vào việc sản xuất ra của cải vật chất, góp phần vào cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, vào cuộc cách mạng kỹ thuật của địa phương (đặc biệt đối với các trường cấp II và cấp III).

Nhiệm vụ 3,

Tích cực, kiên trì xây dựng đội ngũ giáo viên và các lực lượng giáo dục khác, từng bước và thường xuyên mở rộng và hoàn thiện cơ sở vật chất và kỹ thuật của công tác giáo dục nhằm trước mắt là để nhà trường hòan thành tốt nhiệm vụ kế hoạch giáo dục hàng năm, lâu dài là để nhà trường ngày thêm vững mạnh về lực lượng và điều kiện để đảm bảo được nhiệm vụ đào tạo với yêu cầu chất lượng cao hơn và quy mô lớn hơn trong tương lai. Cụ thể là:

1.Dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong trường học và sự cộng tác mật thiết với Công đoàn và Chi đoàn giáo viên, xây dựng một đội ngũ giáo viên:

- Có nhiệt tình cách mạng, có tinh thần trách nhiệm cao, phẩm chất đạo đức gương mẫu, tha thiết với đường lối giáo dục của Đảng, với khoa học giáo dục mới, yêu nghề, yêu trẻ, toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục;

- tích cực khắc phục khó khăn, quyết tâm và có kế hoạch từng bước bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, giáo dục của mình;

- biết thương yêu, tôn trọng, khiêm tốn học hỏi và chân thành giúp đỡ lẫn nhau, đấu tranh phê bình để xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, trong việc thực hiện đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, song song với việc quan tâm săn sóc giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

2. Coi trọng và mật thiết cộng tác với Chi đoàn thanh niên để giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chi đoàn học sinh (nếu là trường cấp III) cho Đội thiếu niên, Đội nhi đồng (nếu là trường cấp II, cấp I) tổ chức tốt các hoạt động tập thể của học sinh (trong học tập, trong lao động sản xuất, trong các hoạt động chính trị, xã hội, trong vui chơi giải trí…) nhằm hỗ trợ và bổ sung đắc lực cho việc giảng dạy trên lớp của các thầy, cô giáo.

Có kế hoạch và bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, đặc biệt là trong cha mẹ, anh chị của học sinh những quan điểm, những chủ trương, những phương pháp giáo dục con em mới và chủ động cùng với chính quyền địa phương tổ chức, củng cố các Hội phụ huynh học sinh làm cho công tác giáo dục của nhà trường có được một chỗ dựa, một lực lượng hỗ trợ đắc lực trong xã hội.

3 Thường xuyên và từng bước mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường, coi đây là một điều kiện cực kỳ quan trọng để nâng cao chất lượng công tác giáo dục của nhà trường. Cụ thể là : ngoài việc đầu tư của Nhà nước, nhà trường với tinh thần tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân chăm lo việc mở rộng và hoàn thiện thiết bị nhà trường (phòng thí nghiệm, phòng truyền thống, thư viện, sân tập, xưởng trường, vườn trường,v.v…. đúng tiêu chuẩn) có kế hoạch cụ thể để khai thác, sử dụng đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng nguyên tắc của khoa học giáo dục, có nội quy chặt chẽ trong việc bảo vệ, bảo quản mọi mặt cơ sở vật chất và thiết bị của nhà trường.

Nhiệm vụ 4.

Để nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể kể trên, cơ quan lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm thường xuyên cải tiến công tác lãnh đạo quản lý của mình nhằm làm cho toàn bộ hoạt động của nhà trường được tiến hành một cách khẩn trương, nhịp nhàng và tất cả đều hướng vào một mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của nhà trường là dạy tốt và học tốt, để đào tạo cho xã hội những người lao động mới, phát triển toàn diện để xây dựng xã hội mớ. Cụ thể là:

1 Coi trọng công tác kế hoạch (chú ý trước mắt và lâu dài, cả năm và từng học kỳ, từng tháng, từng tuần, từng mặt công tác,…)

2 Đề cao tinh thần phụ trách toàn diện và năng lực của hiệu trưởng và Hội đồng nhà trường, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở của Đảng (ở những nơi có chi bộ hoặc tổ Đảng) bảo đảm sự tham gia quản lý của quần chúng mà đại diện là Công đoàn và Chi đoàn thanh niên, tranh thủ ý kiến xây dựng của quần chúng nhân dân, trước hết là phụ huynh học sinh.

3 Thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm.

II. Tiêu chuẩn lựa chọn và tặng danh hiệu thi đua cho các trường có thành tích.

Tiêu chuẩn lựa chọn phải căn cứ vào kết quả, tinh thần phấn đấu và kinh nghiệm sáng kiến của các trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ kể trên mà xét tặng các danh hiệu thi đua thích hợp.

1. Những đơn vị trường đạt những yêu cầu sau đây sẽ được tặng danh hiệu trường tiên tiến:

a) đã thực hiện một cách nghiêm túc những nhiệm vụ đề ra trong phần 1 và đạt được một số kết quả bước đầu;

b) đã thực hiện nhiệm vụ nhà trường với tinh thần không ngừng phấn đấu, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, trung thực với cấp trên, chân thành khiêm tốn học tập các đơn vị bạn, học tập kinh nghiệm tiên tiến (của các đơn vị tiên tiến do Bộ đã tổng kết kinh nghiệm và của các đơn vị bạn khác);

c) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có một số kinh nghiệm tốt (kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại);

2. Những đơn vị trường đạt yêu cầu sau đây sẽ được tặng danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc:

a) đã thực hiện một cách nghiêm túc nhiệm vụ của nhà trường và đạt kết quả tương đối tòan diện và rõ nét.

b)có tinh thần tiến công cách mạng, trung thực, khiêm tốn, hợp tác xã hội chủ nghĩa

c) đã đi sâu vào khoa học giáo dục và khoa học quản lý, có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến tốt và đã phát huy tác dụng đối với các đơn vị khác.

3.Những đơn vị trường đạt tiêu chuẩn của trường tiên tiến xuất sắc ở mức độ cao hơn, tòan diện hơn và có tác dụng đối với các đơn vị bạn trên một địa bàn rộng rãi hơn sẽ được tặng danh hiêu là trường học xã hội chủ nghĩa.

Chương 5

ĐIÈU KHOẢN THI HÀNH

1. Bản quy chế tạm thời này áp dụng cho tất cả các trường phổ thông các cấp kể từ năm học 1973 – 1974.

Những qui định cũ trái với quy chế này đều bị bãi bỏ.

2. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các Sở, Ty Giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện những điều đã quy đinh.

3. Bộ Giáo dục sẽ có các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và văn bản hướng dẫn áp dụng thể lệ các kỳ thi hết cấp và thi tốt nghiệp phổ thông phù hợp với những điều nói trong quy chế này

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 195-QĐ năm 1973 ban hành quy chế tạm thời về nhiệm vụ của học sinh, của thầy giáo và của nhà trường phổ thông về cách đánh giá học sinh, thầy giáo, nhà trường phổ thông, về danh hiệu thi đua trong nhà trường phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Số hiệu: 195-QĐ
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
Người ký: Nguyễn Văn Huyên
Ngày ban hành: 28/03/1973
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 195-QĐ năm 1973 ban hành quy chế tạm thời về nhiệm vụ của học sinh, của thầy giáo và của nhà trường phổ thông về cách đánh giá học sinh, thầy giáo, nhà trường phổ thông, về danh hiệu thi đua trong nhà trường phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…