Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

********

 

Số: 18/2006/QĐ-BGDĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

********

              Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THI CHỌN HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀO CÁC ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA THAM DỰ KỲ THI OLYMPIC QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC CÁC MÔN VĂN HÓA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng các trường đại học có các khối lớp trung học phổ thông chuyên và Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Minh Hiển

 

QUY CHẾ

THI CHỌN HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀO CÁC ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA THAM DỰ KỲ THI OLYMPIC QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC CÁC MÔN VĂN HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2006/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về đối tượng dự thi, chương trình thi, môn thi, hình thức thi, ngày thi; công tác tổ chức thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, duyệt kết quả thi, lưu trữ hồ sơ và việc thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật trong các kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển học sinh phổ thông Việt Nam (sau đây gọi là các đội tuyển quốc gia) tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa.

2. Quy chế này áp dụng cho học sinh trung học phổ thông và cán bộ, giáo viên tham gia việc tuyển chọn, thành lập các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Nga và Olympic khu vực môn Vật lý.

Điều 2. Thành lập các đội tuyển quốc gia

1. Hàng năm, căn cứ lời mời của các Ban tổ chức thi Olympic quốc tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia (sau đây gọi là kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia) tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế.

2. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương thức thành lập các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG DỰ THI, CHƯƠNG TRÌNH THI MÔN THI, HÌNH THỨC THI, NGÀY THI

Điều 3. Đối tượng dự thi

Hàng năm, các học sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia môn nào được chọn từ các học sinh của môn đó đã tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông được tổ chức cùng năm. Việc tuyển chọn được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Đối với Bảng A: lấy theo điểm thi, từ cao xuống thấp;

b) Đối với Bảng B: lấy trong các học sinh đạt giải Nhất.

Điều 4. Số lượng học sinh dự thi

Số lượng học sinh dự thi vào đội tuyển quốc gia mỗi môn được xác định số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia môn đó, đảm bảo nguyên tắc:

7n – 5 £ S £ 7n + 5,

trong đó, S là số học sinh được triệu tập dự thi và n là số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia.

Điều 5. Chương trình thi

Chương trình thi chọn vào các đội tuyển quốc gia thực hiện theo quy định về nội dung dạy học các môn chuyên trường trung học phổ thông chuyên và hướng dẫn thi hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 6. Môn thi và hình thức thi

1. Môn thi: thí sinh dự thi vào đội tuyển quốc gia môn nào sẽ thi môn đó.

2. Hình thức thi:

a) Các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học: thi viết. Căn cứ nhu cầu từng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học;

b) Môn Tin học: thi lập trình trên máy vi tính;

c) Môn Tiếng Nga: thi vấn đáp.

Điều 7. Ngày thi và thời gian thi

1. Ngày thi: Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ngày thi và thông báo tới thí sinh ít nhất 15 ngày trước ngày thi.

2. Thời gian thi:

a) Với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học: 180 phút/môn thi/buổi thi;

b) Với môn Toán học: 240 phút/buổi thi;

c) Với môn Tin học: 300 phút/buổi thi.

Chương 3:

TỔ CHỨC THI

Điều 8. Hội đồng thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa

1. Hội đồng thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa (sau đây gọi là Hội đồng tuyển chọn) do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập. Việc ra quyết định được hoàn thành ít nhất 7 ngày trước ngày hội đồng bắt đầu làm việc.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn:

a) Tổ chức và chỉ đạo việc soạn thảo đề thi và đáp án, biểu điểm chấm thi;

b) Tổ chức và chỉ đạo việc coi thi;

c) Tổ chức và chỉ đạo việc chấm thi;

d) Xét duyệt kết quả thi và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;

đ) Xin ý kiến chỉ đạo và báo cáo kịp thời công tác của Hội đồng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 9. Thành phần Hội đồng tuyển chọn

1. Chủ tịch: Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Các Phó Chủ tịch: Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.

3. Tổ thư ký: gồm các thành viên là các chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Các tổ soạn thảo đề thi: mỗi môn thi có một tổ soạn thảo đề thi. Mỗi tổ soạn thảo đề thi gồm tối thiểu hai thành viên. Thành viên của các tổ soạn thảo đề thi là các chuyên gia khoa học, chuyên viên, nghiên cứu viên của các cơ quan Trung ương, giảng viên của các đại học, trường đại học.

5. Cán bộ đọc thẩm định đề thi: mỗi môn thi có ít nhất một cán bộ đọc thẩm định đề thi. Các cán bộ đọc thẩm định đề thi là các chuyên gia khoa học, chuyên viên, nghiên cứu viên của các cơ quan Trung ương, giảng viên của các đại học, trường đại học.

6. Tổ coi thi: gồm các thành viên là các chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Các tổ chấm thi: mỗi môn thi có một tổ chấm thi. Thành viên của các tổ chấm thi là các chuyên gia khoa học, chuyên viên, nghiên cứu viên của các cơ quan Trung ương, giảng viên của các đại học, trường đại học.

8. Tổ bảo vệ: gồm các thành viên là các cán bộ, nhân viên bảo vệ của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cán bộ công an.

Điều 10. Tiêu chuẩn cán bộ, chuyên viên, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi

1. Các cán bộ, chuyên viên, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi phải là những người có các tiêu chuẩn sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;

b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

c) Không có con, em ruột, cháu ruột hoặc em ruột, cháu ruột vợ (hoặc chồng) dự thi;

d) Không nằm trong biên chế của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông và các khối lớp trung học phổ thông chuyên của các trường đại học;

đ) Không bị kỷ luật về thi từ mức khiển trách trở lên.

2. Thành viên của các tổ soạn thảo đề thi, chấm thi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải là những người có năng lực chuyên môn tốt.

Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị có học sinh dự thi

1. Tổ chức cho học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

2. Cử cán bộ, giáo viên đưa học sinh tới địa điểm thi an toàn, đúng thời gian quy định.

Chương 4:

ĐỀ THI, COI THI, CHẤM THI, XÉT KẾT QUẢ THI VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ THI

Mục 1: ĐỀ THI

Điều 12. Yêu cầu của đề thi

1. Đề thi phải có nội dung nằm trong phạm vi chương trình thi, phải đảm bảo tính chính xác khoa học, tính sư phạm, phân loại được trình độ học sinh dự thi. Các bài toán, câu hỏi của đề thi phải là các bài toán, câu hỏi chưa được công bố ở đâu, dưới bất cứ hình thức nào.

2. Chỉ có đề thi bắt buộc với mỗi môn thi; không có dạng 2 đề chọn 1.

3. Đề thi và đáp án chưa công bố là tài liệu tối mật theo quy định tại Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 07/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo.

Điều 13. Đề thi đề xuất

1. Đề thi đề xuất do một số chuyên gia khoa học, chuyên viên, giảng viên có uy tín khoa học ở một số đại học, trường đại học, cơ quan, cơ sở giáo dục ở Trung ương đề xuất, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đề thi đề xuất do chính người đề xuất niêm phong gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ được ghi trong công văn đề nghị.

2. Các đề thi đề xuất phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 12 Quy chế này; là căn cứ tham khảo quan trọng để tổ soạn thảo đề thi xây dựng đề thi dùng cho kỳ thi.

3. Người đề xuất đề thi, cũng như các thành viên của tổ soạn thảo và các cán bộ đọc thẩm định đề thi phải giữ bí mật tuyệt đối các đề thi đề xuất cho tới khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép công bố và phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc bảo mật các đề thi đó.

Điều 14. Soạn thảo đề thi

1. Mỗi tổ soạn thảo đề thi thuộc Hội đồng tuyển chọn có trách nhiệm soạn thảo đề thi chính thức, đề thi dự bị và đáp án cho các đề thi của một môn thi, trình Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phê duyệt. Việc soạn thảo đề thi và đáp án phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 12 của Quy chế này. Đề thi chính thức và đề thi dự bị phải có độ khó tương đương.

2. Các tổ soạn thảo đề thi làm việc theo nguyên tắc độc lập và trực tiếp giữa lãnh đạo Hội đồng tuyển chọn với từng tổ soạn thảo đề thi.

Điều 15. Đọc thẩm định đề thi

1. Các đề thi được đọc thẩm định trước khi Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phê duyệt.

2. Các cán bộ đọc thẩm định đề thi có trách nhiệm: đọc và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định tại Điều 12 của Quy chế này; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết.

3. Ý kiến đánh giá của các cán bộ đọc thẩm định đề thi đối với các đề thi đã được soạn thảo là căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn quyết định phê duyệt đề thi.

Điều 16. Bảo mật, sao, in và bảo quản đề thi

1. Thành viên của tổ soạn thảo đề thi và các cán bộ đọc thẩm định đề thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ nội dung và việc đảm bảo bí mật, an toàn của đề thi theo các nguyên tắc bảo vệ tài liệu tối mật quốc gia.

2. Kể từ thời điểm bắt đầu tiến hành công tác soạn thảo đề thi cho đến khi thi xong, các thành viên của Hội đồng tuyển chọn được phân công làm việc trong khu vực soạn thảo đề thi phải được cách ly triệt để với bên ngoài.

Riêng các thành viên của tổ soạn thảo đề thi môn Tiếng Nga phải được cách ly triệt để với bên ngoài kể từ thời điểm bắt đấu tiến hành soạn thảo đề thi cho đến khi các thí sinh bắt đầu thi.

3. Đề thi môn nào do tổ soạn thảo đề thi môn đó tự đánh máy, in, sao, vào bì và niêm phong.

4. Các bì đề thi đã niêm phong được các tổ soạn thảo đề thi bàn giao trực tiếp cho Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn tại khu vực soạn thảo đề thi. Kể từ thời điểm nhận bàn giao đến khi chuyển giao đề thi cho các giám thị tại phòng thi, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn chịu trách nhiệm bảo quản các bì đề thi theo các nguyên tắc bảo vệ tài liệu tối mật quốc gia.

5. Mỗi lần chuyển giao bì đề thi phải lập biên bản xác nhận bên giao, bên nhận và tình trạng bì đề thi; mỗi biên bản phải được làm thành 02 bản, biên giao giữ 01 bản và bên nhận giữ 01 bản.

6. Việc vận chuyển các bì đề thi từ địa điểm này đến địa điểm khác phải được đặt dưới sự giám sát, bảo vệ của các cán bộ công an.

Mục 2: COI THI

Điều 17. Bố trí phòng thi

1. Mỗi môn thi được bố trí một hoặc hai phòng thi riêng.

2. Việc bố trí các thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét;

b) Hai thí sinh cùng thuộc quyền quản lý của một sở giáo dục và đào tạo hoặc một trường đại học không ngồi cạnh nhau.

3. Mỗi phòng thi phải có tối thiểu 03 giám thị, gồm 01 giám thị coi bên ngoài phòng thi và tối thiểu 02 giám thị coi bên trong phòng thi.

Điều 18. Tổ chức coi thi

1. Nhận và mở bì đề thi:

a) Trước giờ thi 10 phút, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn trực tiếp bàn giao bì đề thi cho các giám thị coi bên trong phòng thi, trước sự chứng kiến của tất cả các thí sinh có mặt trong phòng thi, Khi giao nhận, phải lập biên bản thể hiện rõ tình trạng bì đề thi, có chữ ký xác nhận của bên giao, bên nhận và 02 thí sinh đại diện cho các thí sinh có mặt trong phòng thi;

b) Sau khi hoàn tất việc nhận bàn giao bì đề thi, giám thị mở bì đề thi và phát đề thi cho từng thí sinh có mặt trong phòng thi. Khi phát đề thi cho thí sinh, giám thị yêu cầu thí sinh ghi ngay số báo danh của mình vào bản in đề thi;

c) Với các bản đề thi còn thừa (nếu có), các giám thị phải cất ngay vào bì đề thi và niêm phong, lưu giữ trong phòng thi cho đến hết buổi thi.

2. Thời gian làm bài thi: được tính ngay sau khi các giám thị hoàn tất việc phát đề thi cho tất cả thí sinh có mặt trong phòng thi.

Các giám thị coi bên trong phòng thi có trách nhiệm thông báo cho tất cả thí sinh có mặt trong phòng và ghi lên bảng thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi và thời điểm thu bài thi.

3. Thu, niêm phong bài thi và hồ sơ coi thi:

a) Trước khi hết thời gian làm bài thi 5 phút, các giám thị coi bên trong phòng thi phải thông báo cho tất cả thí sinh về thời điểm thu bài thi;

b) Vào đúng thời điểm thu bài thi, giám thị coi bên trong phòng thi yêu cầu tất cả thí sinh ngừng làm bài và lần lượt gọi các thí sinh lên nộp bài thi tại bàn giám thị;

c) Khi thí sinh nộp bài thi, giám thị phải yêu cầu thí sinh ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi;

d) Trong thời gia thu bài thi, phải có ít nhất một giám thị bao quát phòng thi, đảm bảo trật tự của phòng thi;

đ) Tất cả bài thi của thí sinh phải được niêm phong trong một bì riêng, ngoài bì phải ghi rõ số lượng bài thi và số tờ giấy thi có trong bì;

e) Hồ sơ coi thi, bao gồm phiếu thu bài thi và các biên bản vi phạm Quy chế thi của thí sinh (nếu có), phải được niêm phong trong một bì riêng.

4. Bàn giao bài thi và hồ sơ coi thi:

a) Các giám thị phải bàn giao trực tiếp bài thi và hồ sơ coi thi cho Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn;

b) Phải lập biên bản xác nhận nội dung bàn giao.

Điều 19. Trách nhiệm của thí sinh

1. Có mặt tại địa điểm tập trung đúng ngày, giờ đã quy định trong công văn triệu tập dự thi.

2. Có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định cho từng buổi thi; phải tuân thủ đúng mọi hiệu lệnh của Hội đồng tuyển chọn và hướng dẫn của giám thị. Thí sinh đến muộn, sau khi tính giờ làm bài, sẽ không được dự thi.

3. Xuất trình thẻ dự thi hoặc chứng minh nhân dân cho giám thị khi gọi đến tên và số báo danh của mình. Giám thị cho phép mới được vào phòng thi. Ngồi đúng chỗ ghi số báo danh trong phòng thi.

4. Chỉ được mang những đồ dùng sau: Bút viết, bút chì đen, cái gọt bút chì, thước kẻ, êke, com pa, dụng cụ vẽ hình, thước vẽ đồ thị, máy tính điện tử không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ. Riêng thí sinh thi môn Toán học không được mang vào phòng thi máy tính điện tử các loại; thí sinh thi môn Hóa học được mang vào phòng thi Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

5. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra và ghi số báo danh vào đề thi. Nếu thấy đề thi thiếu trang, in hỏng, không rõ, phải báo cáo ngay với giám thị trong vòng 15 phút sau khi nhận đề.

6. Khi làm bài, tuyệt đối không được trao đổi, bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động dung túng việc gian lận và làm mất trật tự phòng thi.

7. Bài thi phải viết rõ ràng, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Bài thi không viết bằng mực đỏ, bút chì (trừ đường tròn vẽ bằng com pa), không viết bằng 2 thứ mực, 2 loại bút; phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì (kể cả bút xóa).

8. Từng buổi thi, ký tên và Bảng ghi tên, ghi điểm. Trong suốt thời gian ở phòng thi phải tuyệt đối giữ trật tự. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo giám thị. Khi được phép nói, thí sinh đứng báo cáo rõ với giám thị ý kiến của mình.

9. Khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của giám thị.

10. Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng viết ngay. Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấp nháp thay giấy thi.

11. Chỉ được rời phòng thi sau khi hết giờ thi, nộp xong bài thi và được sự đồng ý của giám thị trong phòng thi.

12. Được phép sử dụng nước uống và đồ ăn nguội trong thời gian làm bài nhưng không được làm ảnh hưởng tới người khác.

Mục 3: CHẤM THI, DUYỆT KẾT QUẢ VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ

Điều 20. Mở túi bài thi và rọc phách bài thi

1. Việc mở túi bài thi và rọc phách bài thi do lãnh đạo và các thư ký Hội đồng tuyển chọn được Chủ tịch Hội đồng phân công chịu trách nhiệm thực hiện.

1. Quy trình thực hiện:

a) Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cùng các thư ký được phân công đánh phách và rọc phách tiến hành mở túi bài thi, kiểm tra số lượng bài thi và số tờ giấy thi có trong túi, lập biên bản xác nhận tình trạng túi bài thi trước khi mở và kết quả kiểm tra. Biên bản phải được tất cả những người tham gia mở và kiểm tra túi bài thi ký và ghi rõ họ, tên;

b) Các thư ký tiến hành đánh phách, rọc phách; niêm phong phách, khóa phách rồi bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn quản lý theo các nguyên tắc bảo vệ tài liệu tối mật quốc gia.

3. Người tham gia đánh phách, rọc phách bài thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về tính chính xác và việc bảo mật số phách, khóa phách.

Điều 21. Chấm thi và cho điểm bài thi

1. Tổ chấm thi có trách nhiệm thảo luận và bổ sung, chỉnh lý (nếu thấy cần thiết) đáp án và biểu điểm do tổ soạn thảo đề thi đã soạn thảo, trình Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phê duyệt.

2. Việc chấm thi phải đảm bảo sự chính xác, công bằng, khách quan, đánh giá đúng bài thi của các thí sinh. Mỗi câu của một bài thi phải được ít nhất 2 giám khảo chấm độc lập.

3. Nếu giám khảo phát hiện có hiện tượng nghi vấn trong bài làm của thí sinh, phải đưa ra toàn tổ chấm thi để xem xét, xác nhận, đề xuất biện pháp xử lý và lập biên bản báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn quyết định.

4. Việc cho điểm bài thi phải theo đúng biểu điểm do tổ chấm thi đã thống nhất đề nghị và đã được Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phê duyệt.

5. Điểm của một bài thi là tổng các điểm thành phần của bài thi ấy. Điểm thi của một thí sinh là tổng điểm các bài thi của thí sinh đó.

6. Sau khi có kết quả chung của các vòng chấm độc lập, tổ chấm thi có trách nhiệm: lên điểm bài thi và điểm thi của mỗi thí sinh theo số phách; kiểm tra, xem xét lại bài thi của các thí sinh có điểm thi thuộc tốp cao của kỳ thi. Trong trường hợp có sự điều chỉnh điểm của bài thi, cần gạch chéo điểm đã chấm rồi ghi rõ vào bài thi: "Toàn tổ chấm thi nhất trí điểm của bài thi là… (ghi bằng số và bằng chữ)" và tất cả các thành viên của tổ chấm thi cùng ký tên xác nhận.

7. Sau khi đã thống nhất trong toàn tổ về điểm thi của mỗi thí sinh, tổ chấm thi phải lập biên bản tổng kết chấm thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn. Biên bản phải được tất cả các thành viên của tổ chấm thi ký tên.

8. Mỗi thành viên của tổ chấm thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả chấm thi của mình.

Điều 22. Chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia

1. Việc chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia phải được tiến hành trước khi ghép phách bài thi, theo nguyên tắc lấy theo điểm thi từ cao xuống thấp.

2. Quy trình thực hiện:

a) Căn cứ điểm thi của các thí sinh và số lượng học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia của môn, tổ chấm thi lập biên bản đề nghị danh sách thí sinh theo số phách được chọn vào đội tuyển quốc gia. Biên bản phải được tất cả các thành viên của tổ chấm thi ký tên xác nhận;

b) Căn cứ biên bản chấm thi, biên bản đề nghị danh sách thí sinh được chọn vào đội tuyển quốc gia của các tổ chấm thi, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn tiến hành xem xét, phê duyệt danh sách thí sinh theo số phách của mỗi đội tuyển và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Điều 23. Ghép phách và lên điểm bài thi

1. Đối với mỗi môn thi, việc ghép phách và lên điểm bài thi chỉ được tiến hành sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt kết quả thi của các thí sinh theo số phách.

2. Quy trình thực hiện:

a) Mỗi tổ chấm thi cử 02 thành viên, trong đó có tổ trưởng, cùng với thư ký Hội đồng tuyển chọn do Chủ tịch Hội đồng phân công, tiến hành ghép phách và lên điểm bài thì, điểm thi của các thí sinh theo số báo danh;

b) Các cán bộ thực hiện việc ghép phách, lên điểm có trách nhiệm lập biên bản về kết quả ghép phách, lên điểm bài thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phê duyệt.

Điều 24. Báo cáo và thông báo kết quả thi

1. Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thi của các thí sinh theo số báo danh để Bộ trưởng quyết định.

2. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm thông báo kết quả thi đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn y tới từng thí sinh dự thi thông qua các sở giáo dục và đào tạo, các đại học và trường đại học có học sinh dự thi.

Điều 25. Lưu trữ hồ sơ thi

1. Bài thi của các thí sinh được lưu giữ trong thời hạn 01 năm tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các bảng danh sách kèm theo kết quả của từng thí sinh dự thi được lưu giữ không thời hạn tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương 5:

THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 26. Thanh tra, kiểm tra

1. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác của Hội đồng tuyển chọn do tổ thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện.

2. Các thành viên của tổ thanh tra là các cán bộ thanh tra, thanh tra viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các thành viên của tổ thanh tra làm việc trong khu vực soạn thảo đề thi phải được cách ly triệt để với bên ngoài kể từ thời điểm bắt đầu vào khu vực soạn thảo đề thi cho đến khi thi xong.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập tổ thanh tra.

Điều 27. Khen thưởng và xử lý kỷ luật

1. Thí sinh không đủ điều kiện dự thi (nếu đã dự thi) hoặc vi phạm Quy chế thi sẽ không được chấm bài thi. Nếu bài thi đã chấm cũng không được công nhận kết quả thi.

2. Việc khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với những người tham gia làm công tác thi và thí sinh dự thi áp dụng theo các quy định của Quy chế này và quy định về khen thưởng và xử lý kỷ luật của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông hiện hành./.

           

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 18/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu: 18/2006/QĐ-BGDĐT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký: Nguyễn Minh Hiển
Ngày ban hành: 11/05/2006
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 18/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [7]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…