Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1118/QĐ-UBND

 Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 06 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ TRẺ EM KHUYẾT TẬT TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2019 -2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1011/SLĐTBXH-BTXH ngày 05/4/2019 vệ việc đề nghị phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2019 -2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Kèm theo Kế hoạch).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thể thao, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuấn

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ TRẺ EM KHUYẾT TẬT TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2019-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2019 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Thực hiện Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025 (sau đây gọi tắt là Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật), Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng ở các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đạt được mục tiêu của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2019.

2. Yêu cầu:

Xác định được cụ thể nội dung công việc, tiến độ, trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính liên tục, liên kết giữa các nhiệm vụ, hoạt động trong Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2019 - 2020:

a) Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

b) Phấn đấu 50% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

c) Phấn đấu 70% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

d) Phấn đấu 50% các huyện, thị xã, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

3. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025:

a) Phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

b) Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

c) Phấn đấu 90% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

d) Phấn đấu 90% các huyện, thị xã, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Trẻ em khuyết tật trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

IV. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

a) Hoạt động 1: Tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết; định hướng chủ trương của Đảng, Luật pháp, chính sách của Nhà nước về đảm bảo quyền của trẻ em khuyết tật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

b) Hoạt động 2: Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật tại gia đình, cộng đồng, hỗ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

c) Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông tin đại chúng thông qua Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi, thông tin các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; các quy trình cung cấp dịch vụ và kết nối các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em khuyết tật; chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cán bộ các cơ quan, tổ chức xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

d) Hoạt động 4: Nghiên cứu, xây dựng sản xuất các sản phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với các đối tượng (tài liệu, tờ rơi, pano, áp phích...) với các nội dung về các quyền của trẻ em khuyết tật, các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em khuyết tật tại gia đình và cộng đồng...

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

2. Điều tra thu thập số liệu về trẻ em khuyết tật, phân loại, đánh giá nhu cầu của trẻ em khuyết tật từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em khuyết tật.

a) Điều tra, đánh giá, phân loại trẻ em khuyết tật theo độ tuổi, giới tính, loại tật, trình độ học vấn; đánh giá nhu cầu của trẻ em khuyết tật bao gồm: nhu cầu giáo dục, học nghề, hỗ trợ pháp lý, y tế (phẫu thuật và phục hồi chức năng), về vui chơi giải trí của trẻ em khuyết tật...

b) Đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của gia đình và xã hội đối với trẻ em khuyết tật.

c) Hàng quý, rà soát cập nhật trẻ em khuyết tật trong các gia đình vào phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở. Đặc biệt, quan tâm đến nhóm trẻ khuyết tật trong các gia đình nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em.

d) Triển khai bộ chỉ số, công cụ theo dõi, giám sát, đánh giá, thu thập thông tin về tình tình trẻ em bị khuyết tật, tình hình thực hiện Kế hoạch. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác bảo vệ trẻ em, cán bộ ngành y tế, giáo dục trẻ em khuyết tật về sử dụng bộ chỉ số, công cụ theo dõi, giám sát, đánh giá, thu thập thông tin về tình tình trẻ em bị khuyết tật theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

đ) Tổng hợp tình hình tiếp cận dịch vụ của trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; đánh giá trước và sau khi triển khai thực hiện Kế hoạch.

e) Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

f) Cơ quan phối hợp: Các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

g) Thời gian thực hiện: hàng năm.

3. Nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật về hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, cán bộ ngành Y tế, ngành Giáo dục-Đào tạo và các ngành, đoàn thể liên quan; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, giáo viên tại cơ sở về về các kiến thức, kỹ năng và cách triển khai kế hoạch, hoạt động hỗ trợ đảm bảo quyền của trẻ em khuyết tật, pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em khuyết tật; kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật; quy trình theo dõi, quản lý trẻ em khuyết tật, quy trình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em khuyết tật, các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí về chăm sóc trẻ em khuyết tật; triển khai các mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại cộng đồng. Tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình triển khai tiêu biểu ở các địa phương khác.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

4. Trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng theo nhu cầu và thí điểm một số mô hình cung cấp dịch vụ trợ giúp cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

a) Hoạt động 1: Trợ giúp về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng cho trẻ em khuyết tật:

- Triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em khuyết tật bao gồm: tuyên truyền giáo dục sức khỏe; tiêm chủng phòng bệnh; được điều trị thuốc thiết yếu; Khám sức khỏe ban đầu cho trẻ em khuyết tật; Điều trị các bệnh thông thường cho trẻ em khuyết tật; được quản lý sức khỏe; chuyển tuyến chuyên sâu khi bệnh diễn biến xấu.

- Xây dựng hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, dinh dưõng, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng, gia đình theo từng loại khuyết tật.

- Xây dựng và củng cố mạng lưới phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; Đào tạo tập huấn kỹ năng cho cán bộ phụ trách trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên, cán bộ y tế trường học, giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện sớm và phục hồi chức năng cho trẻ.

- Hướng dẫn kết nối chuyển tuyến các dịch vụ y tế cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế thực hiện ở cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

b) Hoạt động 2: Trợ giúp cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Tiến hành xác định khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật về hỗ trợ giáo dục đối với từng loại tật và theo lứa tuổi của trẻ. Tuyên truyền vận động gia đình đưa trẻ em khuyết tật đi học hoặc tiếp cận giáo dục.

- Tổ chức giáo dục tại nhà cho trẻ em khuyết tật không đến được các cơ sở giáo dục tại cộng đồng: Xây dựng chương trình hỗ trợ giáo dục tại nhà cho trẻ em khuyết tật; đào tạo đội ngũ giáo viên, xây dựng các chính sách hỗ trợ giáo viên; hướng dẫn các cộng tác viên, thành viên gia đình tham gia vào quá trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ tại nhà.

- Tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan tới công tác can thiệp sớm, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật; Tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên các trường mầm non, phổ thông, thành viên của các tổ chức quần chúng, thân nhân trẻ khuyết tật, nhóm hỗ trợ cộng đồng, các tình nguyện viên...kiến thức và kỹ năng về can thiệp sớm, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ; Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại gia đình; Cung cấp tài liệu, phương tiện liên quan tới chương trình học tập và rèn luyện, phát triển khả năng của trẻ khuyết tật (sách chữ nối Braille, máy trợ thính, bảng và dùi viết Braille, xe lăn). Thúc đẩy thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở các huyện, thị xã, thành phố.

- Giáo dục chuyên biệt: Kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết về đội ngũ giáo viên, chương trình dạy cho trẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

- Hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật: Phối hợp và tổ chức các hình thức hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật phù hợp với tình trạng khuyết tật của trẻ và theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các ngành triển khai công tác hướng nghiệp, chuẩn bị cơ sở và dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật.

- Tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm triển khai giáo dục và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện ở cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

c) Hoạt động 3: Trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội và tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội: phòng, chống xâm hại; Chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng. Hỗ trợ phát triển tâm lý, tiếp cận các chính sách theo quy định, vui chơi giải trí, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tiếp cận các dịch vụ công cộng tai cộng đồng; Xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Nghiên cứu xác định nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em khuyết tật.

- Rà soát các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; Đánh giá chất lượng và khả năng cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật sẵn có tại cộng đồng; thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ tại cộng đồng và kết nối chuyển tuyến các dịch vụ chuyên sâu cho trẻ em khuyết tật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

d) Hoạt động 4: Triển khai áp dụng thí điểm mô hình kết nối dịch vụ và cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện giúp trẻ khuyết tật:

- Nội dung: Hình thành ban điều phối và cộng tác viên của mạng lưới kết nối và cung cấp dịch vụ; Tập huấn cho cộng tác viên cách triển khai đánh giá nhu cầu của trẻ em khuyết tật và kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật; Lập danh sách trẻ em khuyết tật và đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ các dịch vụ can thiệp cho của trẻ em khuyết tật trên địa bàn thí điểm mô hình; Tổ chức họp ban điều phối, cán bộ bảo vệ trẻ em, cộng tác viên, các nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất các dịch vụ cần hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật; Lập kế hoạch hỗ trợ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho trẻ em khuyết tật; Tổ chức hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ theo nhu cầu, đối với các dịch vụ cần chuyển tuyến thì hỗ trợ chuyển tuyến dịch vụ cho trẻ khuyết tật; định kỳ hàng tháng đánh giá tình trạng của trẻ để xem xét việc đáp ứng các dịch vụ cho trẻ; Theo dõi giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.

+ Mô hình dịch vụ phục hồi chức năng tại gia đình:

Đánh giá kiến thức, kỹ năng của gia đình trong việc chăm sóc phục hồi cho các em; Xây dựng tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại gia đình theo từng dạng khuyết tật; Tập huấn cho cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại gia đình; Tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình về chăm sóc trẻ em khuyết tật tại gia đình, phục hồi chức năng cho các em; Cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản thăm hộ gia đình để hướng dẫn gia đình phục hồi chức năng cho trẻ; Cung cấp các dụng vụ phục hồi chức năng và hướng dẫn gia đình thực hiện.

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

+ Mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật;

- Mô hình chăm sóc bán trú cho trẻ em tại các cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục\Khảo sát tình hình chăm sóc bán trú trẻ em tại cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; Lựa chọn các cơ sở dịch vụ cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em thực hiện mô hình; Tập huấn cho các cô giáo chăm sóc trẻ tạị các cơ sở bán trú cho trẻ em khuyết tật; Xây dựng quy trình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ chăm sóc bán trú; Xây dựng chương trình chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật; Tiếp nhận trẻ khuyết tật để chăm sóc bán trú; Theo dõi, giám sát quá trình triển khai mô hình; Đánh giá rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.

- Mô hình chăm sóc bán trú tại gia đình: Lựa chọn các gia đình tổ chức chăm sóc bán trú cho trẻ; Lựa chọn các gia đình có trẻ em khuyết tật tập trung thành nhóm 3 - 4 gia đình; Tổ chức các nhóm chăm sóc trẻ khuyết tật tại gia đình; Tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc trẻ cho các bà mẹ; Hỗ trợ các hộ gia đình các dụng cụ phục hồi chức năng và phương tiện để trông trẻ; Theo dõi, giám sát quá trình triển khai mô hình; Đánh giá rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

+ Mô hình tư vấn phát hiện sóm tình trạng trẻ em khuyết tật do mắc bệnh hiếm, mắc các bệnh về thần kinh tâm thần:

Xây dựng các bộ công cụ sàng lọc phát hiện sớm trẻ em khuyết tật mắc các bệnh hiếm, mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, tâm thần. Tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng về cách phát hiện các dấu hiệu sớm của các bệnh trên; Tập huấn cho cán bộ công tác viên, cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ trung tâm công tác xã hội, cán bộ tại các cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em về bộ công cụ và phát hiện sớm trẻ em khuyết tật; Tuyên truyền các biểu hiện dấu hiệu để gia đình phát hiện sớm hướng dẫn cách chăm sóc khuyết tật thần kinh tâm thần tại các gia đình; Kết nối cho trẻ có nguy cơ đi khám chuyên sâu; Hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm phát hiện, phục hồi chức năng trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ hỗ trợ trẻ em mắc bệnh hiếm do các ngành tổ chức; Kết nối đến các dich vụ chuyên sâu để điều trị; Đánh giá rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm

+ Xây dựng và phát triển mô hình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật tại gia đình:

Triển khai xây dựng tài liệu hỗ trợ giáo dục cho trẻ tại gia đình; Hỗ trợ giáo viên, cộng tác viên kỹ năng, kiến thức hỗ trợ giáo dục trẻ tại gia đình; Xây dựng các chương trình có kèm theo các video clip để hướng dẫn cách dạy trẻ học tại gia đình cho cán bộ cộng tác viên và cha mẹ; Tổ chức dạy học cho trẻ em khuyết tật tại gia đình hoặc một nhóm các gia đình trẻ em khuyết tật; Đánh giá kết quả học tập của trẻ định kỳ 6 tháng/lần đế rút kinh nghiệm trong việc dạy học cho trẻ; Đánh giá kết quả thực hiện mô hình và nhận rộng mô hình.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hàng năm.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại cộng đồng. Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tại cộng đồng. Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại các địa phương.

- Cơ quan tham mưu: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thanh tra, kiểm tra hàng năm; Tổng kết Kế hoạch vào năm 2025.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện một số chương trình, đề án có liên quan đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.

3. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện; Hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình triển khai thực hiện.

b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng.

c) Rà soát hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

d) Xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

đ) Tổ chức việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phúc lợi xã hội.

e) Tổ chức thí điểm các mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật theo chức năng của ngành.

g) Huy động sự hỗ trợ, hợp tác về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì triển khai cung cấp các dịch vụ giáo dục phù hợp với trẻ em khuyết tật; hướng dẫn các dịch vụ giáo dục phù hợp cho trẻ em khuyết tật, triển khai mô hình giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng, mô hình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật tại gia đình theo chức năng của ngành.

3. Sở Y tế: Chủ trì triển khai hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; hướng dẫn các dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật và công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật; triển khai mô hình dịch vụ phục hồi chức năng tại gia đình, mô hình tư vấn phát hiện sớm tình trạng trẻ em khuyết tật do mắc bệnh hiếm, mắc các bệnh về thần kinh tâm thần theo chức năng của ngành.

4. Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ em khuyết tật; hướng dẫn triển khai công tác văn hóa, thể thao đảm bảo hòa nhập đối với trẻ em khuyết tật; lồng ghép nội dung trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chưomg trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

6. Sở Tài chính: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách.

7. Các sở, ngành, đoàn thể liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch.

8. Đề nghị Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mật trận, Hội nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh: trong chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư các chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan nhằm đảm bảo quyền của trẻ em khuyết tật.

Tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật, chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại cộng đồng.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

b) Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong đó chú trọng đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; triển khai mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; đánh giá, nhân rộng mô hình tại địa phương; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này với các chương trình, đề án khác có liên quan tại địa phương.

c) Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực triển khai Kế hoạch tại địa phương.

d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 20/11 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1118/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu: 1118/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký: Trần Văn Tuấn
Ngày ban hành: 06/05/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1118/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…