BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 294/KL-TTrB |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ TRƯỜNG HỌC TẠI TỈNH SƠN LA
Thực hiện Quyết định số 195/QĐ-TTrB ngày 02/10/2015 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về thanh tra việc thực hiện các quy định về y tế trường học (YTTH) tại tỉnh Sơn La, trong tháng 10 năm 2015 Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra tại tỉnh Sơn La.
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 18/12/2015 của Trưởng đoàn thanh tra, ý kiến giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra,
Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận như sau:
Sơn La là một tỉnh miền núi vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc có diện tích tự nhiên khoảng 14.174 km2, có 250 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, có 2 cửa khẩu quốc gia. Địa hình tương đối phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Dân số (năm 2014): 1.134.327 người, gồm 12 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Thái 53,2%, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 17,61%, dân tộc Mông 14,61%, dân tộc Mường 7,57% còn lại là các dân tộc khác (Kháng, Khơ mú, La ha, Hoa, Dao...). Mật độ dân số trung bình: 80 người/km2
Toàn tỉnh có 11 huyện, 01 Thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; 3.331 bản, tiểu khu và tổ dân phố.
Tính đến tháng 9/2015, toàn tỉnh có 801 trường với 13.364 lớp với 325.600 học sinh, bao gồm:
+ Khối Mầm non: 258 trường với 3.566 lớp, 88.948 học sinh;
+ Khối Tiểu học: 274 trường với 6.752 lớp, 134.774 học sinh;
+ Khối THCS: 232 trường với 2.583 lớp và 78.930 học sinh;
+ Khối THPT: 37 trường với 643 lớp và 22.948 học sinh;
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
1. Công tác chỉ đạo của địa phương về y tế trường học
Theo báo cáo và qua kiểm tra ghi nhận, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và đã ban hành các văn bản về công tác YTTH như sau:
- UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 27/02/2015 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học tỉnh Sơn La;
- Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 454/KHLN-SGDĐT - SYT về phối hợp liên ngành thực hiện tập huấn công tác y tế trường học năm 2014 và các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động chương trình mục tiêu quốc gia y tế trường học;
2. Việc triển khai thực hiện công tác y tế trường hợp trên địa bàn
2.1. Mạng lưới y tế trường học
- Theo báo cáo của Sở Y tế, số trường có cán bộ y tế trường học quá ít, năm 2014 là 165/797 trường (20,7%), 9 tháng đầu năm 2015, chỉ có 168/801 trường (đạt 21%), còn lại là giáo viên kiêm nhiệm.
- Các trường học có phòng riêng hoặc phòng chung cho y tế, có tủ thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu thông thường và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh theo đúng qui định.
2.2. Công tác bảo hiểm y tế học sinh
- Công tác khám và phân loại sức khoẻ cho học sinh đã được quan tâm, các trường đã phối hợp với các trạm y tế xã và Trung tâm y tế trên địa bàn tổ chức khám và phân loại sức khoẻ cho học sinh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các bệnh về răng miệng, các tật về mắt..., tuy nhiên số học sinh được khám sức khỏe ban đầu còn thấp, do nhiều trường không có cán bộ y tế và số cán bộ ở Trạm y tế xã quá ít, mỗi xã chỉ có lừ 5 - 7 cán bộ y tế, trong khi đó số học sinh các trường trên địa bàn nhiều nên không đáp ứng được nhu cầu khám sức khỏe của học sinh.
- Mặc dù số trường tham gia bảo hiểm y tế trường học cao, nhưng số trường tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh và số học sinh được khám rất thấp, cụ thể:
+ Năm 2014, số trường tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh là 324/797 trường, đạt 46,6%; Số học sinh được khám sức khỏe ban đầu là 154.334/325.600, đạt 47%;
+ 9 tháng đầu năm 2015, số trường tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh là 271/801 trường, đạt 33,8%; số học sinh được khám sức khỏe ban đầu là 99.871/325.600, đạt 30,6%;
2.3. Công tác xây dựng kế hoạch
Căn cứ vào các văn bản chỉ dạo của các cấp và tình hình thực tế của địa phương, ngành Giáo dục Đào tạo có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác y tế trường học đối với các đơn vị giáo dục trực thuộc sở và các phòng giáo dục đào tạo các huyện, thành phố, thị xã để tiến hành triển khai đến các trường học.
2.4. Công tác đào tạo tập huấn:
- Theo báo cáo của địa phương, năm 2014 Sở Y tế và Phối hợp với Sở Giáo dục tập huấn cho cán bộ y tế trong trường học tại 12/12 huyện, thành phố (11/12 huyện, thành phố do tuyến tỉnh thực hiện; 01 huyện Sốp Cộp do tuyến huyện thực hiện).
+ Có 768/797 trường cử học viên tham dự chiếm 96.4%; Tổng số 1.186 học viên trong đó: 165 học viên là cán bộ Y tế còn lại là giáo viên kiêm nhiệm và cán bộ phụ trách bếp ăn của các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
+ Tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác YTTH, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong trường học, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường cho 1.126 học viên của ngành;
+ Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học. Bảo quản, giữ gìn và sử dụng các công trình vệ sinh, nguồn nước sạch trong trường phổ thông. Hướng dẫn truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường phổ thông cho 110 học viên.
- Năm 2015, đã ban hành kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực công tác YTTH ngành giáo dục cho 150 cán bộ làm công tác Y tế trường học;
2.5. Công tác truyền thông, giáo dục:
- Thực hiện kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh Sơn La về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, rubella năm 2014-2015, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn triển khai chiến dịch, kết quả 100% các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh như: bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, tiêm vắc xin sởi, rubella... vào các buổi tập trung đầu tuần, vận động gia đình phụ huynh học sinh đưa con em đến các điểm tiêm chủng trên địa bàn theo lịch triển khai của địa phương; bố trí phòng để tiêm chủng cho các học sinh của trường; Phối hợp với các cán bộ y tế lập danh sách, điều tra đối tượng và tổ chức tiêm chủng;
- Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tại các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch, bệnh, tật trong trường học như: cúm AH1N1, cúm AH5N1, bệnh chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết, lao, nha học đường, mắt học đường, cong vẹo cột sống, sốt rét, giun sán, ... và các dịch bệnh mới xuất hiện. Tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học.
- Truyền thông giáo dục, phòng tránh tai nạn thương tích, tác hại của thuốc lá, lạm dụng rượu bia; triển khai Đề án “Thông tin, truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013-2020” theo các văn bản hướng dẫn của Liên Bộ;
- Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, công tác bảo hiểm y tế học sinh; giáo dục dân số, gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS; Tăng cường công tác chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em, tạo cơ hội cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh nghèo. Tổ chức triển khai tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi, xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình;
2.6. Công tác kiểm tra, giám sát:
Năm 2014, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đi kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tuyên truyền, vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế, kiểm tra công tác y tế trường học tại huyện Sông Mã, Thuận Châu.
2.7. Các hoạt động Dự án khác:
- Theo báo cáo của địa phương, năm 2014 đã triển khai dự án rửa tay với xà phòng tại các trường tiểu học huyện Mộc Châu năm 2014.
- 9 tháng năm 2015: tổ chức triển khai thực hiện công tác y tế trường học thuộc Dự án 5 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015.
3. Kết quả Thanh tra tại các cơ sở giáo dục do Đoàn Thanh tra phối hợp với địa phương thực hiện
3.1. Kết quả thanh tra tại Trường Tiểu học Lò Văn Giá
Toàn trường có 606 học sinh (325 học sinh nam: 248 em là người dân tộc, 281 học sinh nữ: 232 em là người dân tộc) với 28 lớp học và 53 giáo viên, cán bộ nhân viên.
* Về công tác chỉ đạo:
- Nhà trường đã thành lập Ban sức khỏe nhà trường (QĐ số 12/QĐ- TLBSK ngày 05/10/2015), gồm 10 người, do Hiệu trưởng là Chủ tịch, Phó Hiệu trưởng, kiêm Chủ tịch công đoàn là Phó Chủ tịch, các thành viên còn lại là Phó Hiệu trưởng, giáo viên và cán bộ trong nhà trường.
- Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch hoạt động về công tác y tế trường học.
* Về công tác y tế học đường:
- Nhân lực về y tế:
+ Nhà trường có 01 y tá là cán bộ y tế, đã vào biên chế, hàng năm được tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn do ngành y tế tổ chức.
+ Nhà trường có phòng y tế được ngăn đôi từ 1 phòng khác, có 1 giường bệnh, có tủ, vật tư, thuốc thiết yếu nhưng sơ sài, tranh ảnh, tài liệu truyền thông về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh duy nhất có 1 bảng tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.
+ Số học sinh tham gia đóng bảo hiểm y tế chỉ đạt 50%, do trường có nhiều học sinh là người dân tộc, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
- Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh:
+ Vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, đo chiều cao, cân nặng..., có sổ theo dõi, phân loại sức khỏe học sinh.
+ Đối với các dịch bệnh khác, nhà trường phối hợp với Phòng Y tế thành phố và Trạm Y tế phường tổ chức các hoạt động phòng chống kịp thời các dịch, bệnh trong trường học, như: bệnh cúm AH1N1, AH5N1, bệnh chân tay miệng, bệnh cong vẹo cột sống, các bệnh về mắt, sốt xuất huyết, sởi, giun sán...
+ Nhà trường có bếp ăn cho học sinh học bán trú, tuy nhiên khu vực nhà bếp chưa đảm bảo theo nguyên tắc 1 chiều, bàn ghế ngồi ăn của học sinh là những bàn ghế học của học sinh đã cũ, phòng ăn trật trội, nền nhà trong phòng ăn cũng như khu bếp còn những chỗ lồi lõm, không bằng phẳng, không có xô đựng rác và khu vực rửa tay bằng xà phòng theo đúng quy định. Trong khu vực bếp đã có tủ lưu mẫu theo quy định. Theo báo cáo, nhà trường có ký hợp đồng với bên cung cấp thực phẩm, cán bộ phụ trách bếp được học kiến thức về ATTP và có khám sức khỏe định kỳ.
- Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe:
+ Nhà trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, lồng ghép trong buổi sinh hoạt chào cờ, truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, phòng chống các dịch bệnh, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia bảo hiểm y tế, giáo dục kỹ năng sống và hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe;
+ Mỗi tháng 1 lần nhà trường tổ chức học tập ngoại khóa, nội dung về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, tiêm chủng vắc xin, phòng chống HIV/AIDS, với 400 lượt người tham dự
+ Cử nhân viên đi tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm trong nhà trường.
* Về cơ sở hạ tầng
+ Diện tích cây xanh bao phủ trên sân trường còn hạn chế, số phòng học và các phòng chức năng chưa nhiều, một số phòng học chưa nhiều, học sinh phải học làm 2 ca.
+ Bàn ghế trong các phòng học chỉ có 1 kích cỡ dành cho mọi đối tượng học sinh, có chiều cao khác nhau, hệ thống đèn chiếu sáng trong các phòng học chưa đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh học tập theo quy định.
+ Học sinh được áp dụng học theo mô hình mới, vì vậy các tư thế ngồi của học sinh dễ dẫn đến các bệnh mắt, cong vẹo cột sống.
+ Nước uống trong các phòng học được là nước sạch đóng bình, tuy nhiên số lượng cốc uống nước dùng cho học sinh trong 1 lớp học còn quá ít, không đảm bảo vệ sinh.
+ Khu vực nhà vệ sinh của nhà trường số lượng còn hạn chế và quá cũ, không có khu vệ sinh dành riêng cho giáo viên, nhà vệ sinh xây dựng không kiên cố, không đảm bảo vệ sinh.
* Công tác vệ sinh môi trường: Nhìn chung, việc thực hiện vệ sinh môi trường chưa thực sự tốt.
* Một số hạn chế tồn tại:
- Công trình vệ sinh xây dựng chưa kiên cố, số lượng ít, không có khu vực vệ sinh dành riêng cho giáo viên;
- Học sinh là người dân tộc còn nhiều vì vậy số học sinh tham gia bảo hiểm y tế còn thấp (50%);
- Hệ thống đèn chiếu sáng trong các phòng học chưa đủ đảm bảo ánh sáng cho học sinh học tập;
- Mô hình học được áp dụng theo mô hình mới nên dễ dẫn đến các bệnh về y tế học đường: các bệnh về khúc xạ mắt, cong vẹo cột sống...
Kết quả đánh giá của Đoàn theo Bảng kiểm quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT Trường Tiểu học Lò Văn Giá đạt 59 điểm trên tổng số 70 điểm chuẩn (84,3%), xếp loại khá.
3.2. Kết quả thanh tra tại Trường THCS Nguyễn Trãi:
Toàn trường có 727 học sinh (221 học sinh nam, 406 học sinh nữ) với 21 lớp học và 52 giáo viên, cán bộ nhân viên.
* Về công tác chỉ đạo:
- Nhà trường đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe để triển khai thực hiện việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cho học sinh, tuy nhiên thành phần của Ban CSSK chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư 18/2011/TTLT/BYT-BGDĐT.
* Về công tác y tế học đường:
- Nhân lực về y tế:
+ Nhà trường có 01 biên chế, là y sỹ, hàng năm được tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn do ngành y tế tổ chức.
+ Nhà trường có phòng y tế sạch sẽ, có 1 giường bệnh, có tủ, vật tư, thuốc thiết yếu nhưng sơ sài, không có tranh ảnh, tài liệu truyền thông về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
+ 100% học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường đều tham gia đóng bảo hiểm y tế.
- Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh:
+ Vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Đầu năm học, riêng với học sinh nữ khối 9 đã được tiêm phòng uốn ván mũi 2.
+ Đối với việc phòng chống các dịch bệnh, ngay từ đầu năm học Phòng GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo đến trường học, được nhà trường quan tâm, triển khai thực hiện như: phòng, chống bệnh ho gà; phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung đông do virus coroNa (MERS- CoV); phòng chống bệnh sốt xuất huyết.... Nhà trường kết hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh và Trung tâm Y tế phường để chủ động ngăn chặn các tác động tiêu cực, các dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
+ Nhà trường không tổ chức ăn học học sinh bán trú, tuy nhiên việc ăn uống của học sinh được nhà trường rất quan tâm, nhà trường không cho phép học sinh ăn quà vặt khu vực cổng trường, thực hiện tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho học sinh.
- Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe:
+ Nhà trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, lồng ghép trong buổi sinh hoạt chào cờ, nội dung phù hợp với quy định của các môn học như: sức khỏe, giáo dục thể chất và lồng ghép trong các môn học như: sinh học, đạo đức, giáo dục công dân, tìm hiểu tự nhiên xã hội... Bên cạnh đó, nhà trường đã chú trọng đến công tác giáo dục thể chất, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh: chơi cầu lông, đá cầu... đảm bảo sinh hoạt điều độ, tốt cho sức khỏe.
* Về cơ sở hạ tầng
+ Nhà trường mới chuyển trụ sở chưa lâu, vì vậy cơ sở hạ tầng còn thiếu, hệ thống phòng học chưa ổn định, các thiết bị và hệ thống đèn chiếu sáng trong các phòng học chưa đủ đảm bảo cho học sinh học tập.
+ Diện tích cây xanh bao phủ trên sân trường còn hạn chế.
+ Khu vực nhà vệ sinh của nhà trường số lượng còn hạn chế, không có khu vực rửa tay bằng xà phòng.
* Công tác vệ sinh môi trường:
Nhìn chung, việc thực hiện vệ sinh môi trường tốt, nhà trường phấn đấu xây dựng đơn vị điển hình về môi trường “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp và An toàn”.
* Một số hạn chế tồn tại:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cũng như cho lớp học còn hạn chế, chưa đủ đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tại.
- Kinh phí dùng cho công tác YTTH được lấy từ nguồn kinh phí trích lại từ việc thu BHYT của học sinh và phần đóng góp của cha mẹ học sinh nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
- Hệ thống đèn chiếu sáng trong các phòng học chưa đủ đảm bảo ánh sáng cho học sinh học tập.
Kết quả đánh giá do nhà trường tự chấm theo Bảng kiểm quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT dưới sự chứng kiến của Đoàn Thanh tra và đại diện Sở Y tế, Sở Giáo dục đào đạo, đại diện Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Trường THCS Nguyễn Trãi tự chấm được 56/60 điểm (93,3%), xếp loại tốt.
III. KẾT LUẬN VỀ NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ THANH TRA
1. Về công tác chỉ đạo:
Công tác y tế trường học tại tỉnh Sơn La đã được Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo một cách tích cực, đã triển khai kịp thời các văn bản quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và liên bộ, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo của địa phương để cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về y tế trường học trên địa bàn.
2. Kết quả triển khai thực hiện
2.1. Những kết quả tích cực
Theo báo cáo và qua kiểm tra ghi nhận công tác y tế trường học tại tỉnh Sơn La đã được triển khai một cách tích cực và tương đối đồng bộ trên các lĩnh vực, cụ thể là:
- Mạng lưới y tế trường học được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, các trường học đều bố trí phòng y tế và cán bộ đảm nhiệm công tác y tế, có tủ thuốc và có trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu thông thường và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục về y tế trường học được đẩy mạnh đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về y tế trường học cho đội ngũ giáo việc và học sinh, các cấp chứng quyền trong tỉnh.
- Công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về y tế trường học được triển khai một cách tích cực, bao gồm cả cán bộ y tế trường học và lượng lượng cán bộ có liên quan khác.
2.2. Một số tồn tại, hạn chế
- Mạng lưới y tế trường học mặc dù được được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, song số lượng cán bộ làm công tác y tế vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, số cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu về chuyên môn còn ít (21% cán bộ y tế có chuyên môn y tế);
- Công tác bảo hiểm y tế học sinh mặc dù được triển khai trong toàn tỉnh song tỷ lệ học sinh tham gia còn quá thấp (khoảng 50%).
- Việc khám sức khỏe tuy có được triển khai song số trường có tổ chức cho học sinh khám sức khỏe định kỳ quá thấp (33,8%), tỷ lệ học sinh khám sức khỏe định kỳ mới chỉ đạt 30,6%.
- Kinh phí dành cho công tác YTTH chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu, do phần lớn cán bộ làm công tác y tế là nhiệm, không có chuyên môn y tế, vì vậy khó khăn trong việc thanh quyết toán BHYT, cán bộ kiêm nhiệm không đủ điều kiện để ký các chứng từ thanh quyết toán chế độ BHYT dẫn đến việc có tiền mà không chi được, trong khi đó vẫn phải mua thuốc, vật tư y tế... đảm bảo tối thiểu phục vụ cho công tác YTTH.
- Do điều kiện kinh tế của tỉnh nói chung còn khó khăn nên, điều kiện địa hình miền núi bị hạn chế về mặt bằng nên diện tích cây xanh bao phủ tại nhiều trường còn hạn chế, số phòng học và các phòng chức năng chưa nhiều, có nơi còn thiếu phòng làm việc nên một số phòng làm việc vẫn phải dùng chung phòng tại một số trường;
- Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác y tế trường học tại nhiều trường còn chưa đáp ứng, việc bố trí phòng y tế ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đáng kể đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
- Tại một số trường, các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe còn thiếu, khu vực nhà vệ sinh của nhà trường số lượng còn hạn chế, chưa đảm bảo đủ số lượng theo quy định.
- Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo chưa triển khai việc kiểm tra, giám sát công tác YTTH, vì vậy chưa đánh giá được những mặt mạnh, mặt hạn chế trong công tác YTTH, vì vậy chưa thúc đẩy, phát huy tốt công tác YTTH.
IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG
Đoàn thanh tra đã trao đổi, hướng dẫn địa phương một số nội dung liên quan triển khai công tác y tế trường học; nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở được kiểm tra biện pháp khắc phục những tồn tại trong công tác y tế trường học.
1. Đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực hiện các quy định y tế trường học. Các chỉ tiêu kiểm tra cần bám sát theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT BGDĐT-BYT ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Liên bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo.
2. Tăng cường hơn nữa việc tập huấn về chuyên môn y tế trường học cho đội ngũ cán bộ y tế trường học tại tỉnh.
3. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các cơ sở, đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La hướng dẫn các cơ sở đã được thanh tra khắc phục những tồn tại đã ghi trong biên bản thanh tra, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 30/01/2016./.
Trên đây là Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về y tế trường học tại tỉnh Sơn La. Chánh Thanh tra Bộ giao Trưởng Đoàn thanh tra gửi Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận: |
CHÁNH THANH TRA
BỘ |
Kết luận 294/KL-TTrB năm 2016 thực hiện các quy định của pháp luật về y tế trường học tại tỉnh Sơn La do Thanh tra Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 294/KL-TTrB |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thanh tra Bộ Y tế |
Người ký: | Đặng Văn Chính |
Ngày ban hành: | 31/12/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kết luận 294/KL-TTrB năm 2016 thực hiện các quy định của pháp luật về y tế trường học tại tỉnh Sơn La do Thanh tra Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video