Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3759/KH-GDĐT-CĐGD

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP

TỔ CHỨC HỘI THI “NGƯỜI TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT GIỎI” NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ NĂM 2018

Căn cứ Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021;

Căn cứ Kế hoạch số 2686/KH-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2021;

Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động Ngành Giáo dục; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao đạo đức nhà giáo; xây dựng môi trường, giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn thành phố.

- Tạo điều kiện cho cán bộ, nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung, đội ngũ cán bộ công đoàn, cán bộ pháp chế, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên dạy pháp luật trong ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, sáng tạo nhiều mô hình, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL);

- Giới thiệu, chia sẻ, học tập các hình thức tuyên truyền pháp luật.

2. Yêu cầu

- Tìm ra các mô hình, hình thức sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn phụ trách công tác chính sách pháp luật, công đoàn viên phụ trách công tác pháp chế, công đoàn viên là giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên dạy pháp luật khi thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường;

- Thực hiện đúng chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục và Đào tạo; nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường. Thực hiện tốt công tác PBGDPL trong ngành Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

II. ĐỐI TƯỢNG

Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn phụ trách công tác chính sách pháp luật, công đoàn viên phụ trách công tác pháp chế, công đoàn viên, giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung cấp, Cao đẳng, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM THI

1. Quy mô hội thi

Bảng A: Cán bộ công đoàn phụ trách công tác chính sách pháp luật, công đoàn viên phụ trách công tác pháp chế, công đoàn viên, giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn Thành phố.

Bảng B: Cán bộ công đoàn phụ trách công tác chính sách pháp luật, công đoàn viên phụ trách công tác pháp chế, công đoàn viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung cấp, Cao đẳng, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bảng C: Đội ngũ cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn) các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung cấp, Cao đẳng, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cuộc thi gồm 2 vòng

- Vòng loại cơ sở: Thi trắc nghiệm được tổ chức tại cơ sở.

- Vòng chung kết cấp ngành: Thi năng khiếu, xây dựng các tiết mục biểu diễn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

2. Nội dung thi

- Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo.

- Luật cán bộ công chức 2008.

- Luật Viên chức năm 2010.

- Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

- Luật phòng, chống tham nhũng 2005.

- Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

- Luật Trẻ em số 102/2016/QH13.

- Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

3. Hình thức, thời gian, địa điểm

3.1. Vòng loại cấp cơ sở

Được tổ chức tại cơ sở, Ban tổ chức đăng bộ đề thi trên website www.hcm.edu. Bài thi gồm 2 phần. Trắc nghiệm: 30 câu (30 điểm); Tự luận: 1 câu (70 điểm).

- Yêu cầu đối với bài dự thi vòng loại cấp cơ sở:

+ Bài dự thi thể hiện trên giấy A4, theo mẫu của Ban tổ chức.

+ Bài dự thi phải trả lời đầy đủ các câu hỏi của cuộc thi; trình bày sạch sẽ, rõ ràng, đánh số trang theo thứ tự. Ban Tổ chức (BTC) khuyến khích bài thi mở rộng sáng tạo, có tranh, ảnh minh họa.

+ Phía trên bài dự thi phải ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, nơi cư trú, cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ email của người dự thi (theo mẫu).

+ Đối với các thí sinh thi thuộc trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thuộc Phòng GD&ĐT gửi bài về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo chấm bài dự thi và chọn 03 (ba) bài thi có kết quả cao nhất (đính kèm báo cáo nhanh việc tổ chức hội thi cơ sở theo mẫu) gửi về Ban Tuyên giáo - Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố (Lầu 4 - Sở Giáo dục và Đào tạo).

+ Đối với các thí sinh thuộc trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung cấp, Cao đẳng, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về Công đoàn cơ sở của trường. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chấm bài dự thi và chọn 02 (hai) bài thi có kết quả cao nhất (đính kèm báo cáo nhanh việc tổ chức hội thi cơ sở theo mẫu) gửi về Ban Tuyên giáo - Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố.

- Thời gian tổ chức Hội thi cấp cơ sở

+ Công đoàn cơ sở tổ chức hội thi tại đơn vị từ ngày 29/10/2018 đến ngày 22/11/2018.

+ Hạn chót các đơn vị nộp bài về BTC cấp ngành ngày 29/11/2018 để tiến hành chấm chọn ra các thí sinh có số điểm cao nhất tham dự vòng chung kết cấp thành phố. Nếu quá thời gian qui định, BTC không nhận bài dự thi của những đơn vị nộp trễ.

- BTC thông báo kết quả vào vòng chung kết: Ngày 03/12/2018 (Dự kiến).

3.2. Vòng chung kết cấp ngành

- BTC sẽ rà soát, tổng hợp, chấm bài và chọn ra 10 (mười) bài xuất sắc của mỗi bảng thi để dự thi vòng chung kết và tổ chức hình thức thi như sau:

+ BTC sẽ xây dựng 15 chủ đề trọng tâm để các thí sinh rút thăm chủ đề thi vòng chung kết. Sau khi có kết quả rút thăm, các thí sinh xây dựng thành một tiết mục biểu diễn tuyên truyền PBGDPL theo chủ đề đã bốc thăm vào ngày 10/12/2018 (Dự kiến).

+ Các thí sinh được lựa chọn hình thức biểu diễn, tuyên truyền phù hợp với sở trường và điều kiện của từng thí sinh như: diễn tiểu phẩm, nhạc kịch, ca múa, thuyết trình kết hợp sân khấu hoá, thuyết trình kết hợp phóng sự, clip thực tế tuyên truyền pháp luật, biểu diễn thời trang, thực hiện đồ dùng dạy học, học tập bằng sản phẩm tái chế mang tính tuyên truyền; hình thức tuyên truyền phải có tính mới, sáng tạo; chuẩn bị đạo cụ biểu diễn, không giới hạn số lượng người tham gia hỗ trợ thi.

+ Thể hiện bài thi của vòng chung kết trên sân khấu, tiết mục dàn dựng không quá 10 phút. Thí sinh có thể mời giáo viên, học sinh cùng trường tham gia hỗ trợ (không được mời diễn viên chuyên nghiệp), khuyến khích các đơn vị sử dụng đạo cụ, trang phục nhằm tạo sự đa dạng màu sắc, hình ảnh đẹp trên sân khấu của hội thi.

- Mỗi công đoàn cơ sở cử ít nhất 10 cổ động viên tham gia cổ động cho thí sinh của đơn vị mình vào vòng chung kết.

Ghi chú: Các tiết mục dự thi đạt giải cao sẽ được BTC chọn và tổng hợp làm tư liệu, công cụ sinh động tuyên truyền, PBGDPL, giảng dạy tích hợp, lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh tại các trường học.

- Thời gian:

+ Vòng Chung kết Bảng A: 7 giờ 30, thứ tư, ngày 19/12/2018 (Dự kiến);

+ Vòng Chung kết Bảng B: 13 giờ 30, thứ tư, ngày 19/12/2018 (Dự kiến).

+ Vòng Chung kết Bảng C: 7 giờ 30, thứ năm, ngày 20/12/2018 (Dự kiến).

- Địa điểm: Hội trường 2.1 - Sở Giáo dục và Đào tạo (Dự kiến)

3.3. Tổng kết và trao giải:

- Thời gian: Thứ ba, ngày 25/12/2018 (Dự kiến)

- Địa điểm: Hội trường 2.1 - Sở Giáo dục và Đào tạo (Dự kiến)

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Từ ngày 29/10/2018 đến ngày 22/11/2018: Triển khai kế hoạch hội thi đến các cấp công đoàn, công bố bộ đề thi lên mạng theo kế hoạch.

2. Từ ngày 29/10/2018 đến ngày 22/11/2018: Các đơn vị triển khai và nộp bài thi về BTC theo yêu cầu của kế hoạch.

3. Ngày 03/12/2018 công bố kết quả vào Vòng chung kết cấp ngành.

4. Từ 19/12/2018 đến ngày 20/12/2018 tổ chức Vòng chung kết 3 bảng.

(Thời gian thực hiện Kế hoạch có thể thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế).

V. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

Mỗi bảng có 05 (Năm) Giải thưởng tập thể như sau:

- 01 (Một) Giải nhất: Giấy khen và tiền thưởng của Ban tổ chức.

- 01 (Một) Giải nhì: Giấy khen và tiền thưởng của Ban tổ chức.

- 01 (Một) Giải ba: Giấy khen và tiền thưởng của Ban tổ chức.

- 02 (Hai) Giải khuyến khích: Giấy khen và tiền thưởng của Ban tổ chức.

Ghi chú: Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi tùy theo số lượng và chất lượng thí sinh tham gia hội thi.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

* Phòng Chính trị tư tưởng

- Thực hiện công tác tổ chức Hội thi: xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu quyết định thành lập Ban Chỉ đạo-Ban tổ chức, Ban giám khảo, Ban ra đề, Hội đồng chấm Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018; xây dựng đề thi; chấm thi.

- Phối hợp Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố mời đại diện các Sở ngành tham gia Ban giám khảo vòng chung kết; duyệt kịch bản của các thí sinh tham dự vòng chung kết; tổng kết và trao giải.

* Văn phòng Sở

Phối hợp Phòng Chính trị tư tưởng thực hiện công tác tổ chức Hội thi; tổng kết và trao giải.

* Phòng Giáo dục Mầm Non, Phòng GD Tiểu học, Phòng GD Trung học, Phòng GD thường xuyên, Phòng GD Chuyên nghiệp và Đại học

Phối hợp Phòng Chính trị tư tưởng thực hiện công tác tổ chức Hội thi: xây dựng đề thi; chấm thi.

* Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục

Ghi hình, đăng tải, cập nhật toàn nội dung, hình ảnh, hoạt động liên quan Hội thi trên cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

2. Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố

- Đồng thực hiện công tác tổ chức Hội thi: xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu quyết định thành lập Ban Chỉ đạo-Ban tổ chức, Ban giám khảo, Ban ra đề, Hội đồng chấm Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018; xây dựng đề thi; chấm thi. Kinh phí tổ chức Hội thi.

- Mời đại diện các Sở ngành tham gia Ban giám khảo; duyệt kịch bản của các thí sinh tham dự vòng chung kết.

- Tổ chức tổng kết và trao giải.

3. Đối với CĐCS trực thuộc

Tổ chức hội thi ở đơn vị mình và chọn bài để gửi về dự thi cấp Ngành. Mỗi đơn vị gửi bài dự thi theo yêu của Ban tổ chức.

VII. KINH PHÍ:

Từ nguồn kinh phí Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, mọi thắc mắc có liên quan của cá nhân, đơn vị tham gia Hội thi, vui lòng liên hệ Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố (qua Ban Tuyên giáo), hoặc Phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo qua số điện thoại: (028)382.99682 để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Gái

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Bùi Thị Diễm Thu


Nơi nhận:
- Sở Tư pháp;
- Ban Giám đốc;
- Phòng, Ban cơ quan Sở;
- Phòng GD&ĐT Quận-Huyện;
- Các Trường THPT, Trung cấp, Cao đẳng;
- Trung tâm GDNN-GDTX;
- Các đơn vị trực thuộc Sở;
- Lưu: VT, CĐN, CTTT.

 

 

 

CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC TP.HCM

CÔNG ĐOÀN…………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày   tháng   năm 2018

 

BÁO CÁO NHANH

Kết quả tổ chức Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018

I. Công tác triển khai

- Kế hoạch triển khai, phối hợp thực hiện:......................................................................

- Ban tổ chức hội thi cơ sở:..........................................................................................

- Thời gian triển khai:....................................................................................................

II. Kết quả

- Số GV, NV, NLĐ tham gia/Tổng số GV, NV, NLĐ:........................................................

- Họ và tên thí sinh đạt kết quả cao:..............................................................................

- Tổng số tiền thưởng cho bài đạt kết quả cao (Nếu có).................................................

- Chủ đề đạt giải...........................................................................................................

III. Đánh giá chung

- Ưu điểm, thuận lợi: ....................................................................................................

- Hạn chế, khó khăn:.....................................................................................................

 


Nơi nhận:
- Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM;
- Lưu VT.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)
................................................

 

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 2018

 

ĐỀ THI

Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018

I- Phần thi trắc nghiệm (30 điểm):

(Thí sinh đánh dấu gạch chéo (X) vào câu trả lời đúng nhất)

1. Theo quy định Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008, “Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo là gì?

A. Rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

B. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.

C. Ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.

D. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.

2. Đạo đức nghề nghiệp”, theo quy định Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT là gì?

A. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.

B. Lạm quyền lực trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

C. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.

D. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

3. Anh chị hiểu: “Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo là gì ? 

A. Đoàn kết, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp.

B. Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.

C. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

D. Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.

4. Nhận định nào sau đây là quy định: “Lối sống, tác phong theo theo quy định Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT? 

A. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

B. Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.

C. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

D. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

5. Nhận định nào sau đây là quy định: Phẩm chất chính trị theo quy định Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT? 

A. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

B. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.

C. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

D. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

6. Nhận định nào sau đây là quy định: Văn hóa giao tiếp ở công sở của cán bộ, công chức” theo quy định Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT? 

A. Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.

B. Cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ.

C. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

D. Cán bộ, công chức phải đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

7. Theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008, “Đạo đức của cán bộ, công chức”:

A. Cán bộ, công chức phải chuẩn mực về nhận thức, trình độ và ứng xử phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

B. Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.

C. Cán bộ, công chức phải thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

D. Cán bộ, công chức phải đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp

8. Trong văn hóa giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải như thế nào theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008

A. Phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.

B. Phải chuẩn mực về nhận thức, trình độ và ứng xử phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

C. Phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.

D. Phải đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp.

9. Theo quy định của Luật Viên chức 2010, “Đạo đức nghề nghiệp” là gì?

A. Là các chuẩn mực về ứng xử phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

B. Là các chuẩn mực về hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

C. Là các chuẩn mực về nhận thức và cư xử phù hợp với hoạt động nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền quy định.

D. Là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

10. Nhận định nào sau đây là sai theo quy định Luật Viên chức 2010?

A. Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

B. đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

C. Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

D. Viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

11. Nhận định nào sau đây là đúng theo quy định Luật Viên chức 2010?

A. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

B. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

C. Việc tuyển dụng viên chức không có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

D. Viên chức đề được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

12. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có nhiệm vụ là?

A. Kính trọng cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.

B. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

C. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

D. Chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng.

13. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có nhiệm vụ là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

C. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

D. Chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng.

14. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có nhiệm vụ là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

C. Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình và tham gia các công tác xã hội như hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

D. Chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng.

15. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có nhiệm vụ là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

C. Chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng.

D. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.

16.  Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quyền học sinh là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

C. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

D. Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể thao của nhà trường theo quy định.

17.  Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quyền học sinh là?

A. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền học chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định.

B. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

C. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

D. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

18. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quyền học sinh là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện; được giáo dục kỹ năng sống.

C. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

D. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

19.  Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quyền học sinh là?

A. Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

B. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác.

C. Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt.

D. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

20. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học: Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của học sinh trung học phải?

A. Phải đảm bảo tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

B. Phải đảm bảo phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

C. Phải đảm bảo tính văn hoá của lứa tuổi học sinh trung học.

D. Phải đảm bảo tính văn hoá, thẩm mỹ, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

21. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học: Trang phục của học sinh trung học phải?

A. Phải thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường.

B. Phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường.

C. Phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi.

D. Phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thẩm mỹ, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường.

22. Theo quy định Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học: hành vi học sinh không được làm?

A. Tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện; được giáo dục kỹ năng sống.

B. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

C. Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình.

D. Tham gia các công tác xã hội như hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

23. Theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, hành vi nào sau đây là hành vi tham nhũng:

A. Lạm quyền lực trong khi thi hành nhiệm vụ.

B. Tham ô tài sản.

C. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người thân vi phạm pháp luật.

D. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra.

24. Nhận định nào sau đây là sai theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng 2005

A. Công khai là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nội dung nhất định.

B. Minh bạch tài sản, thu nhập là việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có nghĩa vụ kê khai và khi cần thiết được xác minh, kết luận.

C. Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

D. Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng.

25. Nhận định nào sau đây là sai theo quy định Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố

A. Thời giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước: Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.

B. Khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu.

C. Có thái độ niềm nở, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.

D. Không cần phải đeo thẻ công chức khi làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ bên ngoài cơ quan. Thẻ công chức có hình ảnh, tên gọi và kích thước theo mẫu quy định.

26. Chuẩn mực xử sự của công chức trong quan hệ ứng xử với gia đình, theo quy định Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND

A. Xây dựng gia đình văn hóa, nhắc nhở các thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động xã hội ở nơi cư trú trên tinh thần hợp tác, thiện chí.

B. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tham gia sinh hoạt nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.

C. Không vi phạm các quy định về đạo đức công dân đã được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.

D. Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú.

27. Nhận định nào sau đây là sai theo quy định Luật trẻ em hiện hành

A. Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

B. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

C. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, không cần phải xem xét ý kiến của trẻ em, phụ huynh chỉ cần các cơ quan, tổ chức có liên quan.

D. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

28. Nhận định nào sau đây là đúng theo quy định Luật trẻ em hiện hành

A. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

B. Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, tinh thần.

C. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

D. Xâm hại trẻ em là hành vi mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

29. Phạt tiền từ bao nhiêu tiền đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm?

A. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

B. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

C. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

D. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

30. Phạt tiền từ bao nhiêu tiền đối với hành vi sử dụng dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm?

A. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

B. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

C. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

D. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

II- Phần thi tự luận (70 điểm):

Thầy/Cô hãy trình bày các vấn đề sau:

Câu 1: (30 điểm)

Thầy/Cô hãy trình bày thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị.

Câu 2: (40 điểm)

Thầy/Cô trình bày các giải pháp để giải quyết các vấn đề khó khăn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị.

 

BAN TỔ CHỨC

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 3759/KH-GDĐT-CĐGD về tổ chức Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 3759/KH-GDĐT-CĐGD
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Bùi Thị Diễm Thu, Nguyễn Thị Gái
Ngày ban hành: 26/10/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 3759/KH-GDĐT-CĐGD về tổ chức Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…