UBND
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 465/HD-SGDĐT |
Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 03 năm 2014 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT);
Căn cứ Quyết định số 63/2013/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh (Quyết định 63/2013/QĐ-UBND);
Để thống nhất quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể một số nội dung về dạy thêm, học thêm như sau:
I. Yêu cầu
- Các cơ sở giáo dục, tổ chức và cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 63/2013/QĐ-UBND và văn bản hướng dẫn này của Sở đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.
- Hướng dẫn cán bộ, giáo viên, tổ chức và cá nhân có liên quan nắm được quy trình xin cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
II. Những điểm cần lưu ý
1. Những trường hợp không được dạy thêm, học thêm
a) Đối tượng không được dạy thêm:
- Trẻ em trước khi vào lớp 1;
- Học sinh tiểu học; học sinh đang học chương trình bậc trung học (THCS, THPT) đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày;
b) Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
- Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại những cơ sở đã được cấp phép hợp lệ;
- Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó cho phép;
- Giáo viên đang tập sự, giáo viên có năng lực giảng dạy xếp loại trung bình trở xuống không được dạy thêm.
c) Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
2. Quy mô tổ chức lớp dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường
Đối với cấp THCS, THPT mỗi lớp dạy thêm, học thêm tối đa không quá 70 học sinh và phòng học đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 1,10m2/học sinh.
3. Thời gian tổ chức dạy thêm
Dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường phổ thông:
Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh, có thể tổ chức các lớp dạy thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc mỗi học sinh học thêm không quá 06 tiết/môn học/tuần và tổng số tiết của các môn không quá 18 tiết/học sinh/tuần (mỗi tiết 45 phút). Thời gian cụ thể như sau:
- Buổi sáng không được dạy thêm trước 7h00 và sau 11h30.
- Buổi chiều không được dạy thêm trước 13h00 và sau 20h30.
Lưu ý: Không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày lễ, tết học sinh được nghỉ học theo quy định.
III. Hồ sơ, qui trình, điều kiện cấp giấy phép, gia hạn, chuyển địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm
1. Hồ sơ, qui trình cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm
a. Hồ sơ, qui trình cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
b. Cấp phép cho nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông
- Tổ chức, cá nhân chuẩn bị đầy đủ 1 bộ hồ sơ (theo phụ lục 1).
- Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo (Bộ phận một cửa)
- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ lúc nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cấp phép bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân tại Bộ phận một cửa.
c. Cấp phép cho nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở
- Tổ chức, cá nhân chuẩn bị đầy đủ 1 bộ hồ sơ (theo phụ lục 2).
- Nộp hồ sơ tại cơ quan do UBND huyện, thị xã và thành phố (UBND cấp huyện) quy định.
2. Các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường chỉ được tổ chức dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông khi đảm bảo những yêu cầu sau:
- Người xin tổ chức dạy thêm hoặc người đại diện tổ chức, đơn vị đứng tên xin tổ chức dạy thêm phải có bằng nghiệp vụ sư phạm tương ứng với cấp học xin mở lớp, cụ thể:
+ Đối với tổ chức dạy thêm theo chương trình THPT: Phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc bằng đại học trở lên kèm theo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm;
+ Đối với tổ chức dạy thêm theo chương trình THCS: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;
- Có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học;
- Có đủ cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo theo Điều 12 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND;
- Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;
- Có đơn tự nguyện xin học của học sinh và được cha mẹ học sinh đồng ý ký xác nhận.
3. Gia hạn, chuyển địa điểm
- Thời hạn cấp giấy phép dạy thêm, học thêm cho cá nhân và tổ chức là 12 tháng kể từ ngày ký; trước khi hết hạn 01 tháng phải tiến hành thủ tục gia hạn (nếu có nhu cầu).
- Qui trình gia hạn giấy phép dạy thêm, học thêm chuyển địa điểm được thực hiện như cấp giấy phép mới, trong đó hồ sơ phải được bổ sung và chỉ rõ phần thay đổi về nhân sự, cơ sở vật chất và những thay đổi khác.
IV. Thu, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm, học thêm: Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính sẽ có văn bản liên ngành quy định thu, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm, học thêm.
V. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
2. Trách nhiệm của UBND cấp huyện: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
3. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
- Tham mưu với UBND cấp huyện về thẩm quyền thu nhận, xử lý hồ sơ cấp phép dạy thêm, học thêm thuộc chương trình cấp THCS trên địa bàn;
- Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tham gia quản lý dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn;
- Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo phân cấp. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn;
4. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
- Triển khai thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm và các quy định khác do các cấp có thẩm quyền ban hành;
- Quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh các văn bản liên quan đến quy định dạy thêm, học thêm;
- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phối hợp với Hội cha mẹ học sinh, tổ chức Công đoàn để bàn bạc, thống nhất đảm bảo triển khai đúng quy định dạy thêm, học thêm;
- Xây dựng các quy định và có đủ hồ sơ quản lý về chuyên môn lớp học, hồ sơ tài chính;
- Xem xét, quyết định cho phép giáo viên tham gia dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; quản lý, cập nhật các thông tin của tất cả các giáo viên có dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; quản lý hồ sơ xin dạy thêm của giáo viên được trường cho phép tham gia dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân ở ngoài nhà trường;
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
- Kiểm tra xác nhận các điều kiện vào hồ sơ xin cấp phép dạy thêm, tổ chức hoạt động dạy thêm đối với các tổ chức, cá nhân (dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, đối với giáo viên không hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập) có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
- Phối hợp với các cấp quản lý giáo dục liên quan để quản lý, kiểm tra các tổ chức dạy thêm, học thêm ở các cấp học, bậc học trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức dạy thêm, học thêm không được cấp phép hoặc được cấp phép nhưng không thực hiện đúng các quy định.
6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
- Thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm và các quy định khác do các cấp có thẩm quyền ban hành;
- Quán triệt đến giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh các văn bản liên quan đến quy định dạy thêm, học thêm;
- Hợp đồng giảng dạy đối với giáo viên đã có giấy phép;
- Có đủ hồ sơ quản lý lớp học, hồ sơ về tài chính;
- Thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước theo chỉ đạo của chính quyền và các cơ quan chức năng;
- Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại điểm tổ chức dạy thêm, học thêm, chịu trách nhiệm hoàn toàn về mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm với học sinh và phụ huynh;
- Không được tùy tiện thay đổi địa điểm tổ chức, lớp dạy thêm, học thêm theo hồ sơ đăng ký; không được mượn tên giáo viên, giảng viên có học vị, học hàm để quảng bá;
- Tạo điều kiện tốt nhất khi các đoàn kiểm tra của các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đến làm việc;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ vào tháng 12 hàng năm hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất, đảm bảo chính xác, trung thực theo quy định.
7. Trách nhiệm cá nhân tham gia dạy thêm, học thêm: Thực hiện đúng Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 63/2013/QĐ-UBND, các văn bản của Sở và các văn bản khác có liên quan đến dạy thêm, học thêm.
Các tổ chức tham gia dạy thêm, học thêm thực hiện việc báo cáo các nội dung quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định 63/2013/QĐ-UBND.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết một số nội dung cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Hướng dẫn dạy thêm, học thêm này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các văn bản hướng dẫn khác liên quan đến dạy thêm, học thêm trước đây; Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất đúng như quy định tại Điều 12 của Quyết định 63/2013/QĐ-UBND để được cấp phép dạy thêm, học thêm.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để được xem xét, giải quyết./.
Nơi
nhận: |
GIÁM
ĐỐC |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Hướng dẫn 465/HD-SGDĐT năm 2014 thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: | 465/HD-SGDĐT |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Phạm Văn Hùng |
Ngày ban hành: | 20/03/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 465/HD-SGDĐT năm 2014 thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Chưa có Video