BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3420/THPT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2003 |
THỰC HIỆN PHỔ CẬP BẬC TRUNG HỌC.
Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII và IX; Nghị quyết TW IV ( Khoá VII ), TW II ( khoá VIII ) và kết luận của Hội nghị TW lần thứ VI ( Khoá IX ); Luật Phổ cập giáo dục tiểu học và Nghị quyết 41/2000/QH/10 về mục tiêu Phổ cập Giáo dục Trung học cơ sở, đến năm 2000 cả nước đã đạt chuẩn Quốc gia phổ cập Giáo dục Tiểu học và chống mù chữ. Hiện nay, cùng với việc thực hiện Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chống mù chữ, các địa phương đã tập trung phát triển giáo dục trung học cơ sở nhằm đạt được mục tiêu và Nghị quyết TW II ( Khoá VIII ) đề ra là " Hoàn thành phổ cập Giáo dục THCS vào năm 2010".
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, một số địa phương đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Để triển khai công tác phổ cập bậc trung học ( trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ) ở những nơi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo quán triệt và tổ chức thực hiện những vấn đề sau đây:
1. Mục tiêu chung của công tác phổ cập bậc trung học giai đoạn 2003 - 2010 là nâng cao dân trí, làm cho hầu hết công dân đến hết tuổi 21 ở các địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đều đạt được trình độ học vấn trung học, góp phần nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện hội nhập với giáo dục khu vực và thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Củng cố và phát huy thành quả của phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tạo điều kiện học tập trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề cho đối tượng từ 15 đến hết 21 tuổi.
b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trung học, bảo đảm để mọi học sinh được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp; thực hiện tốt việc phân luồng sau THCS:
- Tăng tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 vào học trung học phổ thông từ 38% năm 2000 lên 45% vào năm 2005 và 50% vào năm 2010;
- Tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi phổ cập vào các trường trung học chuyên nghiệp đạt 10% vào năm 2005 và 15% vào năm 2010;
- Thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các trường dạy nghề từ 6% năm 2000 lên 10% năm 2005 và 15% vào năm 2010.
c) Xây dựng hệ thống trường trung học ( THCS, THPT, THPT KT), trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng.
Phấn đấu đến năm 2015 tất cả các trường trung học cơ sở, đến năm 2007 tất cả các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; năm 2005 mỗi quận, huyện có một trường ( trung tâm ) dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp; năm 2010 bảo đảm 100% yêu cầu chuẩn về thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, thư viện trường học ở bậc trung học.
d) Những địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở phấn đấu đạt chuẩn phổ cập bậc trung học từ năm 2005 đến năm 2010.
1) Thực hiện phổ cập bậc trung học ở những địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến đến trong phạm vi cả nước là một công tác trọng tâm của ngành giáo dục, là công tác mang tính xã hội sâu sắc, rộng lớn, do đó công tác phổ cập bậc trung học phải được cụ thể hoá thành chủ trương, Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân địa phương. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải tích cực tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương này.
2) Thực hiện phổ cập bậc trung học phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng dạy và học.
3) Công tác phổ cập bậc trung học phải được tổ chức, chỉ đạo trên cơ sở kế hoạch hàng năm của địa phương đã được phê duyệt của các cấp chính quyền. Đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, do đó phải huy động các tổ chức quần chúng xã hội, tổ chức kinh tế và các lực lượng xã hội tham gia.
III- ĐỐI TƯỢNG PHỔ CẬP BẬC TRUNG HỌC
Đối tượng phổ cập bậc trung học là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến hết 21 đã tốt nghiệp trung học cơ sở, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông hoặc chưa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp đào tạo nghề từ 3 năm trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương.
IV- CHƯƠNG TRÌNH PHỔ CẬP BẬC TRUNG HỌC
Đối tượng phổ cập bậc trung học có thể học theo 1 trong 3 chương trình sau: chương trình trung học phổ thông, chương trình bổ túc trung học phổ thông hoặc chương trình trung học chuyên nghiệp hoặc chương trình đào tạo nghề 3 năm trở lên.
V- TIÊU CHUẨN PHỔ CẬP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Trong khi chờ ban hành văn bản chính thức, Bộ hướng dẫn tạm thời tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học ( THPT, THCN và dạy nghề ) như sau:
1/ Đối với cá nhân:
Thanh thiếu niên thuộc đối tượng phổ cập bậc trung học được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng trung học chuyên nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ( hệ bổ túc) hoặc bằng tốt nghiệp đào tạo nghề 3 năm trở lên trước khi hết tuổi 21.
2) Đối với đơn vị cơ sở ( xã, phường, thị trấn ).
Đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phải đạt các điều kiện sau:
a) Đơn vị đã đạt và duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
b) Huy động được 95% trở lên số đối tượng phổ cập đã tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong đó có ít nhất 15% vào học các trường dạy nghề và 15% trở lên vào học các trường THCS. Đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, huy động được 85% trở lên số đối tượng phổ cập đã tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong đó có ít nhất 10% vào học các trường dạy nghề và 10% trở lên vào học các trường THCS.
c) Bảo đảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm từ 85% trở lên; đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn từ 70% trở lên.
d) Đảm bảo tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến hết 21 có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học phổ thông ( hệ bổ túc) hoặc bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp từ 75% trở lên và ít nhất 10% trở lên có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề; đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn từ 65% trở lên và ít nhất 10% trở lên có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề.
Tỷ lệ này được tính như sau:
+ Tổng số đối tượng từ 18 đến hết 21 tuổi đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp
-----------------------------------------------------------------
Tổng số đối tượng từ 18 đến hết 21 tuổi phải phổ cập
+ Tổng số đối tượng từ 18 đến hết 21 tuổi đã tốt nghiệp đào tạo nghề
------------------------------------------------------------------
Tổng số đối tượng từ 18 đến hết 21 tuổi phải phổ cập
3) Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phải đạt các điều kiện sau:
a) Đơn vị đã đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
b) Có 80% trở lên số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, có ít nhất 50% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đối với đơn vị có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn có 60% trở lên số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, có ít nhất 30% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Có 70% trở lên số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đối với đơn vị có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn có 50% trở lên số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc.
c) Có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học tại thời điểm kiểm tra.
4) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
a) Có 80% trở lên số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đối với các huyện, quận có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn có 60% trở lên số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
b) Đảm bảo mỗi huyện, quận có một trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, một trường ( trung tâm ) dạy nghề hay một trung tâm giáo dục thường xuyên.
c) Có 100% số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn phổ cập bậc trung học tại thời điểm kiểm tra.
1) Ban chỉ đạo
các đơn vị cơ sở xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phổ cập bậc trung học. Quyết định thành lập do Uỷ ban nhân dân ký với các thành viên tương ứng như Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở và bổ sung Hiệu trưởng các trường THPT, THCN, TDN, Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm KTTH-HN.
Ban chỉ đạo phổ cập xây dựng kế hoạch phổ cập của đơn vị mình và tổ chức triển khai kế hoạch.
2) Điều tra cơ bản
Tiến hành điều tra theo phiếu điều tra phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tổng hợp kết quả điều tra theo mẫu. Khi điều tra, cần lập các nhóm điều tra viên và tập huấn, hướng dẫn nội dung, cách thức điều tra. Cố gắng điều tra dứt điểm và không bỏ sót đối tượng.
Thống kê tổng hợp kết quả điều tra và lập hồ sơ phổ cập.
3) Xây dựng kế hoạch phổ cập
a) Đối với đơn vị cơ sở xã, phường.
Trên cơ sở kết quả điều tra để xây dựng kế hoạch thông qua Đảng bộ và uỷ ban nhân dân xã, bao gồm:
- Huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học THPT và bổ túc THPT hoặc trung học chuyên nghiệp hay trường dạy nghề.
- Hỗ trợ về điều kiện vật chất để học sinh bỏ học ra học tiếp. Vận động các em có hoàn cảnh khó khăn không học ở trường THPT, THPT KT, THCN, THN đi học bổ túc.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho trường, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, phân công giáo viên chuyên trách theo dõi phổ cập và dạy lớp phổ cập.
- Phối hợp với đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội khuyến học, Hội cựu chiến binh làm công tác phổ cập.
- Thời gian thực hiện kế hoạch phổ cập từng giai đoạn, dự kiến kinh phí, mức chi phí.
b) Đối với các đơn vị huyện, tỉnh thành.
Xây dựng kế hoạch chung cho từng giai đoạn cụ thể. Kế hoạch phổ cập phải được trình cho Đảng bộ và uỷ ban nhân dân cùng cấp để đưa vào Nghị quyết và chương trình hành động. Trong kế hoạch phải có mục tài chinh và những điều kiện cần thiết để thực hiện.
4) Kiểm tra, đánh giá công nhận.
Căn cứ vào tiêu chuẩn, các đơn vị cơ sở tự kiểm tra, đánh giá và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, làm báo cáo đề nghị cơ quan quản lý cấp trên kiểm tra công nhận.
Việc kiểm tra, công nhận đơn vị đạt chuẩn phổ cập trung học theo trình tự sau:
a) Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra và ra quyết định công nhận đối với các đơn vị cơ sở, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra công nhận.
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra và ra quyết định công nhận đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và ra quyết định công nhận đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5) Hồ sơ kiểm tra
a) Hồ sơ kiểm tra đơn vị cơ sở.
- Sổ theo dõi phổ cập giáo dục trung học cơ sở và sổ theo dõi phổ cập bậc trung học kèm theo phiếu điều tra.
- Bảng ghi tên, ghi điểm học sinh tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở, danh sách học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, tốt nghiệp trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề của 3 năm học trước thời điểm kiểm tra.
- Biểu thống kê tổng hợp kết quả điều tra đối tượng trong độ tuổi phổ cập bậc trung học đang học tại các cơ sở giáo dục ( phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp, dạy nghề).
- Biểu thống kê tổng hợp kết quả huy động và hiệu quả phổ cập theo đơn vị hành chính của địa phương.
- Báo cáo quá trình tổ chức thực hiện và kết quả phổ cập bậc trung học.
b) Hồ sơ kiểm tra đối với cấp huyện, cấp tỉnh.
- Biểu thống kê tổng hợp kết quả điều tra đối tượng trong độ tuổi phổ cập bậc trung học đang học tại các cơ sở giáo dục ( phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp, dạy nghề).
- Biểu thống kê tổng hợp kết quả huy động và hiệu quả phổ cập theo đơn vị hành chính của địa phương.
- Biên bản kiểm tra và quyết định công nhận các đơn vị trực thuộc.
- Các văn bản chỉ đạo của trung ương, địa phương.
- Báo cáo quá trình tổ chức thực hiện và kết quả phổ cập bậc trung học.
6) Nội dung kiểm tra
- Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch.
- Kiểm tra số lượng và chất lượng các hình thức đào tạo .
- Kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học .
- Kiểm tra hồ sơ theo dõi phổ cập, kết quả tự kiểm tra của địa phương.
- Kiểm tra về thực hiện chế độ tài chính cho công tác phổ cập.
Sau khi kiểm tra công nhận đơn vị đạt chuẩn cần tổng kết những bài học thành công để phát huy và phổ biến, đồng thời chỉ ra những vấn đề còn phải tiếp tục củng cố để giữ vững kết quả đã đạt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở triển khai và báo cáo kết quả về Bộ. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần phản ánh về Bộ qua Vụ Trung học phổ thông để giải quyết.
|
KT.
BỘ TRƯỜNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
Hướng dẫn 3420/THPT năm 2003 về việc thực hiện phổ cập bậc Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 3420/THPT |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Nguyễn Văn Vọng |
Ngày ban hành: | 23/04/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 3420/THPT năm 2003 về việc thực hiện phổ cập bậc Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video