BỘ
GIÁO DỤC |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 35-CTPT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 1962 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ HỌC NGHỀ NIÊN KHÓA 1962-1963
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính
gửi: |
- Các Ủy ban hành chính các khu tự trị Việt Bắc, Thái
Mèo, |
I. MẤY NÉT VỀ TÌNH HÌNH HAI NĂM QUA
Trong hai năm qua các trường phổ thông có học nghề đã phát triển tương đối mạnh, nhất là các trường phổ thông nông nghiệp, và đã đạt được nhiều kết quả tốt. Điều kiện còn khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân sự nỗ lực của giáo viên, học sinh, qua phong trào thi đua Bắc lý, nhiều trường đã học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, lao động sản xuất tốt và bước đầu đã trở thành một trung tâm văn hóa kỹ thuật ở địa phương, được nhân dân và hợp tác xã tín nhiệm, coi truờng như của mình. Nhiều trường đã sản xuất giải quyết tự túc cả hoặc một phần làm cho học sinh đi học ít ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và đóp góp được vào việc làm ra của cải vật chất chung của xã hội. Đó là những thành tích nổi bật nói lên tính chất ưu việt của trường phổ thông có học nghề.
Tuy nhiên, phong trào vẫn chưa đều. Bên cạnh những tỉnh phát triển rộng vẫn có những tỉnh mới có trường thí điểm hay chưa có trường, nhất là miền núi. Bên cạnh một số trường tốt vẫn có rất nhiều trường chưa thoát ra khỏi tình trạng lúng túng, bế tắc.
Sở dĩ như vậy là vì mục đích cụ thể và một số vấn đề của trường chưa được thông suốt, Công tác tuyên truyền cho trường còn yếu, nhiều người chưa hiểu rõ về trường, kể cả cán bộ giáo dục, nên quan niệm về trường còn nhiều lệch lạc. Quan điểm giáo dục phục vụ sản xuất chưa được quán triệt. Có nơi còn xem thường loại trường phổ thông có học nghề.
Về tư tưởng, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa, vừa qua, trường đã có nhiều điển hình tốt, ý thức về phục vụ sản xuất, phục vụ nông nghiệp bước đầu đã có nhiều biểu hiện đáng khen. Những thắc mắc về tiền đồ, tư tưởng thoát ly nông thôn còn tồn tại khá nhiều, học sinh chưa thấy rõ nhiệm vụ sản xuất, phục vụ nông nghiệp.
Về học tập văn hóa, kỹ thuật nhiều nơi đã làm tốt, có nhiều cố gắng nhưng vì trình độ thầy còn yếu, trình độ học sinh khi vào trường kém, phương tiện học tập có nhiều thiếu thốn nên nói chung chất lượng còn cần phải được đẩy mạnh lên nhiều.
Về lao động sản xuất các trường đã có nhiều thành tích. Năng suất thu hoạch nhiều trường phổ thông nông nghiệp khá cao. Nhiều nơi đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài nông nghiệp nhưng việc phục vụ cho sản xuất địa phương còn yếu, nhất là việc tiến hành sản xuất tự lúc và góp phần tăng thu hoạch cho gia đình và hợp tác xã còn cần đẩy mạnh hơn nữa. Việc thực hành kỹ thuật nhiều nơi làm chưa tốt, chưa sử dụng hết số giờ quy định.
Về xây dựng cơ sở vật chất, các trường phổ thông có học nghề, nhất là các trường phổ thông nông nghiệp đã có nhiều thành tích rất nổi. Nhiều nơi, trong một thời gian ngắn đã từ hai bàn tay trắng xây dựng được cơ sở vật chất tương đối đầy đủ và có giống, vốn để sản xuất. Tuy vậy, việc xây dựng cơ sở vật chất chưa phù hợp với tính chất nhà trường, chưa thiết thực phục vụ cho việc học kỹ thuật, nhiều nơi còn hình thức.
Hội nghị tổng kết niên học 1961-1962 đã rút ra những kết luận bước đầu về trường phổ thông có học nghề vạch ra những ưu điểm, khuyết điểm, kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, bước vào năm thứ ba của loại trường phổ thông có học nghề chúng ta cần xác định lại một số vấn đề cơ bản của loại trường này và đề ra nhiệm vụ năm học mới để xây dựng nhà trường ngày một tốt hơn nữa.
II. CẦN QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN NHỮNG VẤN ĐỀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG TRƯỜNG
1. Mục đích và tính chất trường.
Chúng ta tiến lên xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ kỹ thuật non kém, cán bộ công nhân kỹ thuật thiếu thốn. Yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng đông đảo thanh thiếu niên thành người lao động có văn hóa, có kỹ thuật chuyên môn. Các trường phổ thông có học nghề ra đời đóng góp một phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Đại hội Đảng lần thứ III đã nêu rõ “Song song với các trường phổ thông cần mở thêm những trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề, chủ yếu là về nông nghiệp, cho các em lớn tuổi”.
Chính vì vậy mục đích của các trường phổ thông có học nghề nhằm đào tạo “một lớp thanh niên đông đảo, có văn hóa, có kỹ thuật chuyên môn (nghề) để phục vụ sản xuất ở địa phương", đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở các hợp tác xã đồng thời tạo thêm điều kiện cho các em lớn tuổi được đi học, góp phần phổ cập kỹ thuật, phổ cập văn hóa trong nhân dân.
Mục đích chung là đào tạo những người lao động cho sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp địa phương nhưng tùy theo yêu cầu của từng địa phương có thể nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương. Chính vì mục đích các trường phổ thông có học nghề như vậy, nên trường phổ thông, dạy kỹ thuật tổng hợp cho học sinh nhỏ tuổi, không thể thay thế cho loại trường này được. Các trường lớp bổ túc văn hóa tập trung hay tại chức hiện nay ở nông thôn, xí nghiệp cũng không thể thay thế trường phổ thông công nông nghiệp được và cần phải dựa vào các trường này để học tập tốt.
Cũng vì mục đích của trường là để phục vụ sản xuất ở địa phuơng nên nói chung học sinh, ngay sau khi tốt nghiệp loại trường này, chủ yếu là phục vụ sản xuất ở địa phương. Càng ngày trình độ sản xuất càng cao, đòi hỏi phải nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của thanh niên để đáp ứng yêu cầu mới. Do đó bằng hình thức này hay hình thức khác, trình độ chung sẽ được nâng lên phục vụ sản xuất địa phương tốt hơn.
Về tính chất trường, trường này thuộc loại trường chuyên nghiệp có học văn hóa phổ thông. Nó là cái cầu nối giữa các trường chuyên nghiệp và các trường phổ thông. Mặt khác, trường này phục vụ đối tượng thanh niên lớn tuổi, đã là những người lao động hay những người đã đến tuổi cần phải tham gia lao động.
Trên cơ sở tính chất của trường như vậy việc tổ chức trường cần chú ý bố trí phù hợp cho việc học kỹ thuật chuyên môn cũng như việc học tập kiến thức văn hóa đồng thời bảo đảm học sinh vừa sản xuất vừa học tập, sao cho học tập không cản trở đến sản xuất.
2. Đối tượng tuyển sinh và yêu cầu phát triển.
Hiện nay có nhiều học sinh lớn tuổi, đã là người lao động rồi mà còn ngồi trên ghế nhà trường cấp II phổ thông. Đó là một tình trạng bất hợp lý. Những học sinh này cần được tổ chức học tập ở một loại trường vừa học vừa sản xuất để không ảnh hưởng đến việc thu nhập chung của quốc dân, của gia đình. Các trường phổ thông có học nghề giải quyết yêu cầu đó. Vì vậy, các trường phổ thông chỉ nên nhận vào các lớp 5 em nhỏ tuổi. Các em lớn tuổi nên chuyển sang học các trường phổ thông có học nghề chủ yếu là các trường nông nghiệp. Học sinh lớn tuổi hiện đang học các lớp giữa cấp của cấp II phổ thông cũng nên tùy điều kiện, vận động đưa sang học các trường phổ thông có học nghề. Các em dưới 14 tuổi không nên nhận vào các trường phổ thông có học nghề vì loại trường này vừa học vừa sản xuất, yêu cầu phải có sức khỏe, độ tuổi phải tương đối lớn. Thanh niên 18 tuổi trở lên nhất thiết phải tham gia lao động và tự học theo con đường bổ túc văn hóa. Trong trường hợp sản xuất địa phương yêu cầu, các hợp tác xã đề nghị những thanh niên này cần được tập trung đi học, thì nên tổ chức vào các hệ ngắn ngày hơn.
Đối tượng của các trường phổ thông có học nghề như vậy. Nhìn vào thực tế hiện tại yêu cầu phát triển năm nay như thế nào?
Số học sinh tốt nghiệp lớp 4 lớn tuổi hiện nay rất đông và lên học lớp 5 trường phổ thông cũng không ít, cần mở những trường phổ thông có học nghề cho loại học sinh này.
Năm nay các trường cấp III các trường chuyên nghiệp (cả trung, sơ cấp) không thu hút hết học sinh tốt nghiệp lớp 7. Một số đông, sẽ về nông thôn sản xuất. Đó là một hiện tượng bình thường và rất tốt. Các huyện nên tổ chức cho loại học sinh này những lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cần thiết cho sản xuất địa phương, thời gian ba, bốn tháng. Ty giáo dục phối hợp với Ty nông nghiệp để chuẩn bị nội dung học tập và cán bộ giảng dạy kỹ thuật cho những lớp này.
Đối với miền núi cần nghiên cứu đẩy mạnh xây dựng các trường phổ thông nông nghiệp cho học sinh từ cấp I trở lên. Học sinh học hết cấp II ở miền núi nói chung là học lên hay đi phục vụ các ngành nghề khác, không trở về nông thôn sản xuất, trong khi đó, học sinh học dở cấp I hoặc học hết cấp I, đã lớn tuổi, trở về sản xuất rất đông. Số này cần được bồi dưỡng về kiến thức sản xuất nông nghiệp để các em bước vào sản xuất được tốt.
Nói chung, đối với các loại trường phổ thông nông nghiệp nên cố gắng phát triển và tạo điều kiện để phát triển rộng rãi hơn nữa trong những năm sau, nhất là ở những nơi trước đây giáo dục phổ thông phát triển chậm, thanh niên không được học lên cấp II phải về tham gia sản xuất đông.
Đối với các truờng phổ thông công nghiệp cấp II việc xây dựng có nhiều khó khăn nên việc phát triển phải dựa vào các hợp tác xã thủ công nghiệp, các xí nghiệp công nghiệp địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với Ty công nghiệp, hai bên cùng chịu trách nhiệm và phải tính toán đến yêu cầu của công nghiệp địa phương để sử dụng các em sau khi ra trường. Nên chú ý xây dựng các trường thủ công nghiệp để duy trì và phát triển nhiều nghề thủ công rất quý của ta.
Đối với trường phổ thông công nghiệp cấp III phải nghiên cứu sử dụng số học sinh tốt nghiệp. Việc tổ chức trường này cũng có nhiều khó khăn nên năm nay cần củng cố những trường đã có, đồng thời xác định rõ mục đích cụ thể của trường và nội dung học tập.
Trường phổ thông có học nghề là một truờng vừa học văn hóa vừa học kỹ thuật chuyên môn (nghề). Việc thiết bị phải phục vụ cho việc học nghề. Nội dung học tập kỹ thuật phải thể hiện tính chất học nghề. Học nghề gì phải gắn liền với sản xuất địa phương để phục vụ cho sản xuất địa phương. Học sinh của trường là thanh niên đã đến tuổi sản xuất nên trường phải vừa học vừa đảm bảo được sản xuất, không vì đi học mà ảnh hưởng đến sản xuất của địa phương, không nên nhận học sinh từ xa trường quá phải đi, về mất nhiều thì giờ không tham gia được sản xuất ở nhà nhất là không thể để tình trạng mang tiền, gạo từ nhà đi ở trọ, học thoát ly sản xuất. Đối với những nơi có điều kiện sản xuất tự túc có thể tập trung sản xuất tự túc không những giải quyết đời sống của học sinh để đi học mà còn đóng góp phần của mình cho gia đình, cho xã hội. Những nơi không có điều kiện tự túc, học sinh phải đi về mà số học sinh ở quanh địa điểm mở trường quá ít thì nên mở những lớp phổ thông của địa phương.
Các trường phổ thông nông nghiệp không nên xin nhiều ruộng của địa phương làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nơi nào có điều kiện, có thể tập trung học sinh đi khai hoang và tổ chức trường ở đó theo kinh nghiệm của trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa của Hoà bình và của Thái Nguyên. Các tỉnh miền xuôi có thể tổ chức các trường ở các tỉnh miền núi kết nghĩa. Học sinh lên đó vừa học tập, vừa khai hoang sản xuất.
Trong việc mở trường cần nắm vững nguyên tắc không thể vì mở trường mà làm tăng thêm lực lượng phi sản xuất, nhất là giảm lực lượng sản xuất nông nghiệp.
III. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG TRƯỜNG NĂM 1962-1963
Căn cứ vào mục đích của các trường phổ thông có học nghề, căn cứ vào tình hình xây dựng trường trong hai năm qua như đã nêu ở trên, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đã rút ra được trong hội nghị tổng kết năm học 1961-1962, năm nay các trường phổ thông có học nghề, các cơ quan giáo dục từ trung ương đến địa phương phải “ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện lên một bước nữa, làm cho nhà trường thể hiện được tính chất của một trường vừa học văn hóa, vừa học nghề để phục vụ sản xuất và bước đầu thực sự trở thành một trung tâm văn hóa kỹ thuật của địa phương trường đóng”.
Muốn vậy cần phải tăng cường hơn nữa giáo dục tư tưởng chính trị, tư cách đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa chất lượng kiến thức văn hóa và kỹ thuật trên một cơ sở vật chất tương đối tốt và phù hợp với tính chất trường; đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu kỹ thuật áp dụng kỹ thuật trong lao động sản xuất, và tiến hành lao động sản xuất ra của cải vật chất để giải quyết tự túc và đóng góp cho xã hội, cho gia đình và tăng cường mối quan hệ với cơ sở sản xuất, đẩy mạnh mọi hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh phòng bệnh và tham gia giảng dạy bổ túc văn hóa.
1. Tăng cường hơn nữa giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, tư cách, tác phong, xã hội chủ nghĩa:
Phải lấy việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, tư cách, tác phong xã hội chủ nghĩa làm cơ sở đẩy mạnh mọi mặt khác. Ngoài yêu cầu giáo dục các đức tính chung như các trường phổ thông, các trường phổ thông có học nghề phải đặc biệt chú ý giáo dục học sinh nông thôn, yêu xí nghiệp, yêu lao động chân tay có ý chí đem khoa học phục vụ lao động. Đối với học sinh phổ thông nông nghiệp càng phải làm cho các em gắn bó với đồng ruộng với hợp tác xã, có tinh thần làm chủ ở nông thôn, có quyết tâm xây dựng nông thôn, mang khoa học làm cho đời sống của nông dân thêm tươi đẹp, đem kỹ thuật đẩy mạnh năng suất sản xuất, giải quyết tư tưởng muốn thoát ly nông thôn.
Muốn đạt kết quả ấy phải đưa việc học tập lao động vào nền nếp, giảng dạy lý thuyết kỹ thuật và thực hành kỹ thuật chu đáo, tiến hành nghiên cứu các đề tài thành công và đẩy mạnh sản xuất để tự túc. Phải dựa hẳn vào Đoàn thanh niên lao động và kết hợp chặt chẽ với gia đình và hợp tác xã. Ngoài xã hội phải tuyên truyền cho mọi người hiểu về trường, thấy rõ vai trò của trường đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đối do đó có quan niệm về thái độ đúng về truờng.
2. Ra sức nâng cao chất lượng kiến thức văn hóa và lý thuyết kỹ thuật:
Đối với các trường phổ thông có học nghề năm nay cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng kiến thức văn hóa và lý thuyết kỹ thuật. Kiến thức văn hóa phải liên hệ chặt chẽ với thực tế sản xuất. Về kỹ thuật phải đi sâu vào ngành nghề phù hợp với địa phương. Để làm nhiệm vụ này được tốt phải tổ chức chỉnh lý tại chương trình phổ thông nông nghiệp đã ban hành, xây dựng chương trình phổ thông công nghiệp. Phải tổ chức cho giáo viên nghiên cứu học tập chương trình trước khi giảng dạy. Phải cung cấp tài liệu giảng dạy, hướng dẫn thực hiện chương trình chỉ đạo rút kinh nghiệm thực hiện chương trình. Phải nghiên cứu bố trí việc học tập và lao động cho thích hợp. Phải giải quyết tốt phương tiện học tập và thực hành kỹ thuật. Giáo viên kỹ thuật phải nắm được chương trình văn hóa để lấy kiến thức văn hóa giải thích kỹ thuật, ngược lại, các giáo viên văn hóa cần hiểu kỹ thuật để liên hệ bài giảng với thực tế sản xuất. Ngoài ra còn cần tiến hành các biện pháp khác để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Phải làm cho học sinh hiểu và áp dụng được những biện pháp kỹ thuật đã học trong nhà trường, có ý thức luôn luôn tìm tòi nghiên cứu khoa học, biết đem những kiến thức học được giải thích vận động nhân dân thực hiện đồng thời bản thân áp dụng trong lao động sản xuất ra của cải vật chất để tự túc và đóng góp cho xã hội. Những nơi có khả năng khai hoang, tập thể nhà trường phải tiến tới tự túc góp phần tăng thu hoạch cho gia đình. Nơi nào không có khả năng thì sản xuất nhà trường chủ yếu là phục vụ cho sản xuất của hợp tác.
Muốn vậy các buổi thực hành phải tổ chức cho chu đáo, phải tổ chức học sinh thành các tổ nghiên cứu có tinh thần dám nghĩ, dám làm. Các đề tài nghiên cứu phải phục vụ cho sản xuất của địa phương trường đóng. Phải làm cho học sinh gắn liền với sản xuất ở địa phương, tổ chức cho học sinh lao động trong hợp tác xã, như một đơn vị sản xuất của hợp tác xã, lấy công điểm để tự túc. Những nơi có điều kiện thì tập trung học sinh khai hoang để sản xuất tự túc. Mức độ tự túc có thể từ thấp đến cao nhưng luôn luôn có ý chí phấn đấu vươn lên tự túc hoàn toàn.
4. Xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với tính chất trường:
Các trường phổ thông công nông nghiệp, ngoài trường sở, bàn ghế cần thiết phải có một cơ sở vật chất phù hợp với tính chất trường. Các trường phổ thông công nghiệp phải có xưởng trường thiết bị cho việc học nghề của trường. Các trường phổ thông nông nghiệp phải có vườn thực nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, phòng thí nghiệm, phải tổ chức như một trường chuyên nghiệp, phục vụ cho việc học văn hóa cũng như học nghề. Phải chú ý bảo quản tài sản của trường và nhất là bảo quản sản phẩm sản xuất.
Muốn vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ cơ sở vật chất tốt có tác dụng quyết định đến việc nân cao chất lượng học tập. Phải chú ý làm các giáo cụ. Có thể tổ chức những tổ làm giáo cụ. Phải dựa vào nhân dân và nhất là hợp tác xã địa phương trong việc xây dựng cơ sở vật chất và bảo quản sản phẩm sản xuất. Phải nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh xây dựng nhà trường của giáo viên và học sinh.
5. Củng cố mối quan hệ với các cơ sở sản xuất:
Trong quan hệ hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, phải làm cho học sịnh hiểu rõ về mọi hoạt động của cơ sở sản xuất của hợp tác xã. Phải tăng cường mối quan hệ giữa các trường phổ thông nông nghiệp với các cơ sở sản xuất, muốn vậy trong phong trào kết nghĩa phải có quy ước định nhiệm vụ của hai bên. Không phải nhà trường chỉ dựa vào các cơ sở sản xuất mà nhà trường phải cùng với cơ sở sản xuất nghiên cứu các vấn đề khó khăn về kỹ thuật sản xuất, giúp giải quyết các khó khăn đó. Phải làm thế nào cho nhà trường có tác dụng tích cực đến việc đẩy mạnh năng suất sản xuất của cơ sở kết nghĩa và chỉ có làm như vậy mới có thể tiến hành việc giáo dục của nhà trường đạt được kết quả tốt.
6. Đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh phòng bệnh:
Các hoạt động này phải nhằm phục vụ cho học tập văn hóa, kỹ thuật và lao động sản xuất được tốt. Phải có tác dụng lôi cuốn nhân dân địa phương cùng tham gia, gây phong trào nếp sống văn minh ở địa phương. Vấn đề bảo vệ sức khỏe không những nhằm để học tập và sản xuất tốt mà còn để tham gia bảo vệ quốc phòng. Học sinh các trường phổ thông có học nghề nói chung lớn tuổi, đã đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự.
Để thực hiện nhiệm vụ này cần có hoạt động văn nghệ thường xuyên. Nên phát triển các hình thức văn nghệ dân tộc. Phải giữ vững tập thể dục thường xuyên và có thì giờ hoạt động thể thao. Phải có bố trí tập dượt thể thao quốc phòng. Trong lao động phải chú ý bảo vệ an toàn lao động nhất là đối với các trường phổ thông công nghiệp phải vào nhà máy thực tập.
7. Tham gia giảng dạy bổ túc văn hóa.
Qua giảng dạy bổ túc văn hóa học sinh sẽ gắn liền hơn với đời sống địa phương và sẽ củng cố thêm kiến thức văn hóa đã học. Đây là một nhiệm vụ cần thiết của người thanh niên đã được may mắn có kiến thức văn hóa hơn người khác để góp phần thực hiện cách mạng văn hóa, phổ cập giáo dục, đẩy mạnh sản xuất công, nông nghiệp lên nữa.
Để thực hiện bảy nhiệm vụ trên, ở đây chỉ hướng dẫn yêu cầu và biện pháp riêng của các trường phổ thông có học nghề. Các yêu cầu và biện pháp khác như của các trường phổ thông cũng cần nghiên cứu thực hiện tốt.
|
BỘ TRUỞNG BỘ
GIÁO DỤC |
Chỉ thị 35-CTPT năm 1962 về xây dựng trường phổ thông có học nghề niên khóa 1962-1963 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành
Số hiệu: | 35-CTPT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục |
Người ký: | Nguyễn Văn Huyên |
Ngày ban hành: | 02/08/1962 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 35-CTPT năm 1962 về xây dựng trường phổ thông có học nghề niên khóa 1962-1963 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành
Chưa có Video