CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 283-CT |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1983 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ QUẢN LÝ THƯƠNG BINH, BỆNH BINH
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, chế độ nhằm giúp đỡ, ổn định đời sống của anh chị em thương binh, bệnh binh. Các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức giáo dục, quản lý và thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh. Nhiều anh chị em đã giữ vững và phát huy được truyền thống tốt đẹp về phẩm chất đạo đức cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, nêu gương tốt trên nhiều mặt học tập, công tác và sản xuất, được nhân dân tin yêu và quý trọng.
Nhưng gần đây ở một số nơi như Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Hoàng Liên Sơn, v.v... đã liên tiếp xảy ra những vụ phạm pháp và gây rối trị an do thương binh, bệnh binh ở các đoàn an dưỡng của quân đội, thương binh, bệnh binh đã về địa phương, và thương bệnh binh thuộc các cơ sở của ngành thương binh xã hội quản lý. Số thương binh, bệnh binh này tuy chỉ là một số ít, nhưng những hành động phạm pháp đó đã và đang gây thành dư luận xấu trong quần chúng, và sự bất bình lo ngại trong nhân dân, tạo sơ hở cho kẻ địch và phần tử xấu lợi dụng, kích động.
Tình hình trên đây, tuy có được khắc phục ngăn chặn, nhưng đến nay vẫn còn tiếp tục xảy ra; có nơi, có lúc vẫn còn nghiêm trọng.
Để chấp hành tốt hơn nữa việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và ngăng ngừa, chấm dứt các hành động phạm pháp và tiêu cực của thương bệnh binh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan và các đoàn thể quần chúng có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt những vấn đề sau đây:
Giáo dục cho anh chị em thương binh, bệnh binh hiểu rõ tình hình nhiệm vụ cách mạng của cả nước và của địa phương, những thành tích và những khó khăn của đất nước, những đóng góp và tình cảm của nhân dân đối với anh chị em thương binh, bệnh binh, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đấu tranh khắc phục những sai trái trong nội bộ thương binh và những mặt tiêu cực ở ngoài xã hội.
Các cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề, sản xuất, phục hồi chức năng lao động cho thương binh, bệnh binh của ngành thương binh xã hội và quân đội, phải có nội quy quản lý chặt chẽ thương binh, bệnh binh, duy trì tốt nề nếp sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong thương binh, bệnh binh.
Các địa phương có thương binh, bệnh binh (kể cả thương binh, bệnh binh nặng) đã về sống với gia đình, cần giúp đỡ và tổ chức cho số anh chị em tham gia một cách thích hợp vào các cuộc sinh hoạt chung với nhân dân và các tổ chức xã hội; hướng dẫn cho các tổ thương binh ở các hợp tác xã, các đội sản xuất giữ vững nền nếp sinh hoạt nội bộ, để động viên giúp đỡ nhau, phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa khắc phục những mặt tiêu cực.
Các Bộ Thương binh và xã hội, Quốc phòng, Y tế, Nội thương. Lương thực, Nông nghiệp Ngân hàng, Tài chính, v.v... (theo phạm vi chức năng của từng ngành) cần thực hiện đầy đủ và kịp thời những chế độ, chính sách đã được Đảng và Nhà nước ban hành đối với thương binh, bệnh binh. Ngoài ra. Bộ Quốc phòng và các quân khu cần chú ý giải quyết đầy đủ mọi quyền lợi cho số thương binh, bệnh binh do quân đội phụ trách, trước khi chuyển cho ngành thương binh và xã hội quản lý.
Phải củng cố và mở rộng hoạt động phục hồi chức năng lao động ở các cơ sở điều dưỡng thương binh để chăm lo phục hồi sức khoẻ cho anh chị em. Các trung tâm phục hồi chứ năng lao động của ngành thương binh xã hội cần cố gắng tổ chức nhiều tổ, đội công tác lưu động đến từng địa phương và cơ sở để phục vụ kịp thời tại chỗ các yêu cầu về làm chân tay giả cho thương binh, bệnh binh, để các anh chị em không phải đi lại vất vả và chờ đợi mất nhiều thời gian, do phải tập trung về các trung tâm chỉnh hình.
Cần tổ chức tốt việc điều dưỡng cho thương binh, bệnh binh (kể cả đối với anh chị em đã về sống với gia đình mà sức khoẻ bị giảm sút nhiều). Kịp thời giải quyết những phương tiện đi lại cho thương binh không còn tự đi lại được và bảo đảm cung cấp những đồ dùng cần thiết cho những thương binh, bị liệt tuỷ sống và bị bệnh tâm thần.
Đối với những thương bệnh binh nặng, nếu có nguyện vọng về sống với gia đình, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ anh chị em và bảo đảm cho anh chị được hưởng đầy đủ mội quyền lợi về tiêu chuẩn, chế độ như khi anh chị em còn ở trong các trạm, trại điều dưỡng.
Các Bộ Cơ khí và luyện kim, Nội thương, Tài chính, Ngân hàng và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần giúp đỡ ngành thương binh và xã hội củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất của thương binh, tìm ta những hình thức tổ chức và quy mô thích hợp, và hướng dẫn cho các tổ chức này đi vào sản xuất đúng hướng, đúng chính sách và thể lệ quy định của Nhà nước.
Bộ Thương binh và xã hội cần phối hợp với các địa phương và các ngành có liên quan tiến hành tổng kết tình hình tổ chức và sản xuất của các cơ sở sản xuất của thương binh để rút ra những ưu điểm và những tồn tại cần được giải quyết.
Khi xử lý phải tìm rõ nguyên nhân cụ thể, với thái độ thận trọng, khách quan, cảnh giác, phân rõ kẻ cầm đầu và người bị kích động; chú ý phát hiện các phần tử xấu, bọn giả danh thương binh, bọn lợi dụng kích động thương binh hoạt động phạm pháp. Đối với thương binh, bệnh binh có những hành động vi phạm luật lệ, gây rối trị an, thì phải lấy giáo dục, thuyết phục là chính nhưng đồng thời phải xử lý nghiêm khắc số quá xấu, biến chất, theo đúng pháp luật hiện hành. Qua mỗi vụ việc xảy ra và sau khi đã được giải quyết, cần kịp thời rút kinh nghiệm để phổ biến ngăn ngừa chung và giáo dục trong thương binh, bệnh binh, nâng cao cảnh giác với bọn phản cách mạng, bọn buôn lậu, bọn lưu manh... Không để bị chúng lợi dụng kích động anh em gây rối trật tự hoặc hành động phạm pháp, có lợi cho chúng và gây tiếng xấu cho anh em, làm mất tình cảm của nhân dân đối với thương binh.
Cần nghiên cứu có chính sách khuyến khích thoả đáng đối với số cán bộ, công nhân viên phục vụ ở các trạm trại thương binh nặng, có dạng thương tật đặc biệt.
Các địa phương phải coi việc chăm sóc, quản lý, giáo dục thương binh ở địa phương mình là trách nhiệm trực tiếp của các cấp chính quyền, các ngành và đoàn thể ở địa phương. Bộ Thương binh và xã hộ cần tiến hành sớm việc phân cấp cho các địa phương những cơ sở thương binh mà hiện nay Bộ Thương binh và xã hội đang còn quản lý. Bộ Thương binh và xã hội chỉ nên trực tiếp quản lý một vài cơ sở chuyên khoa mà trước mắt tuyến điều trị địa phương chưa phụ trách được.
Trong tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, và trong hoàn cảnh đời sống đang còn nhiều khó khăn, xã hội đang có nhiều tiêu cực, đặc biệt bọn phản động Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta, việc tăng cường chăm sóc, giáo dục và quản lý thương binh, bệnh binh càng có ý nghĩa quan trọng cần được các cấp, các ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo tốt hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội chủ trì với các cấp, các ngành có liên quan và các đoàn thể, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
|
Tố Hữu (Đã ký)
|
Chỉ thị 283-CT năm 1983 về việc tăng cường chăm sóc, giáo dục và quản lý thương binh, bệnh binh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu: | 283-CT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký: | Tố Hữu |
Ngày ban hành: | 07/11/1983 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 283-CT năm 1983 về việc tăng cường chăm sóc, giáo dục và quản lý thương binh, bệnh binh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chưa có Video