BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1999/CT-BGD&ĐT |
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1999 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP TRONG CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM
Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII đã chỉ rõ một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo là: "Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thói quen, nề nếp tư duy sáng tạo của người học".
Vì nhà giáo có vai trò quyết định đối với tất cả những đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp ở tất cả các môn học, bậc học nên các trường sự phạm có vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy học tập và công việc này phải được bắt đầu từ trường sư phạm.
Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong trường sư phạm nhằm tích cực hoá hoạt động học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên. Nhà giáo giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, điều khiển, định hướng quá trình dạy học, còn người học giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập và tham gia nghiên cứu khoa học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập là nhiệm vụ quan trọng của từng trường (khoa) sư phạm, từng bộ môn, của mỗi giảng viên và của mỗi học sinh, sinh viên sư phạm, trong đó đi đầu phải là giảng viên các bộ môn phương pháp dạy học, bộ môn Tâm lý - Giáo dục học.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW2, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, các trường (khoa) sư phạm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây từ năm học 1999-2000 và các năm học tiếp theo:
I. ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG (KHOA) SƯ PHẠM:
1. Đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
Các trường (khoa) sư phạm, các cơ sở đào tạo - bồi dưỡng giáo viên phối hợp với Công đoàn Giáo dục, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập từ năm học 1999-2000. Cuộc vận động đồng thời nhằm vào cả 2 đối tượng: Giảng viên và học sinh, sinh viên.
a/ Đối với giảng viên các trường sư phạm:
- Đưa hoạt động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập trong trường sư phạm trở thành công việc thường xuyên và coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá cán bộ, công chức.
- Hàng năm tổ chức hội thảo, hội thi giáo viên giỏi, tổng kết và vận dụng kinh nghiệm dạy học tiên tiến trong trường, khoa hoặc trong cụm liên kết các trường sư phạm được quy định tại Thông tư số 17/GD-ĐT ngày 16/8/1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các giảng viên coi trọng việc hướng dẫn học sinh, sinh viên tự học, tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập sư phạm; đồng thời chính các giảng viên cũng cần tham gia giảng dạy một số giờ ở trường phổ thông, mầm non hoặc cơ sở giáo dục.
b/ Đối với học sinh, sinh viên:
- Hưởng ứng phong trào tự học do nhà trường và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên phối hợp tổ chức.
- Có ý thức và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu, gắn lý thuyết với thực hành, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động giáo dục của trường hoặc của địa phương, liên hệ với thực tiễn giáo dục phổ thông, mầm non.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dậy, học tập.
- Tổ chức để giảng viên nghiên cứu các đề tài khoa học về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dậy, học tập gắn với yêu cầu chỉ đạo bộ môn và các nghiên cứu thực nghiệm ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông chuẩn bị cho sự đổi mới sau năm 2000.
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập với các cơ quan, tổ chức có liên quan (Viện Khoa học giáo dục, các trường đại học sư phạm, ban chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu của Bộ, các đề án...).
3. Xây dựng trường thực hành sư phạm, đổi mới phương pháp giáo dục nghiệp vụ sư phạm.
- Củng cố và xây dựng các trường thực hành sư phạm cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Những trường sư phạm chưa có trường thực hành cần nghiên cứu quy chế trường thực hành đã ban hành tại Quyết định số 31/1998/QĐ-BGD&ĐT ngày 20-5-1998 để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Giáo dục - Đào tạo xin mở trường thực hành Sư phạm.
- Tăng cường củng cố xây dựng đội ngũ giảng viên các môn phương pháp dạy học, Tâm lý học, Giáo dục học, từng bước ổn định, hình thành đội ngũ các chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực trên.
- Nắm bắt kịp thời các đổi mới về phương pháp giảng dạy và học tập ở giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non: hàng năm nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về chuyên môn ở từng bậc học, mời cán bộ các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo tham gia giảng dạy hoặc báo cáo chuyên đề ở trường sư phạm. Tích cực tham gia các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của Sở, của phòng Giáo dục và các trường phổ thông, mầm non tiên tiến.
Từ năm học 1999-2000, các trường sư phạm cần chuẩn bị tích cực để tiếp nhận những thành tựu về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ở giáo dục mầm non, về bậc tiểu học mới của giai đoạn sau năm 2000, về đổi mới cách đánh giá kiểm tra ở tiểu học, góp ý kiến về các dự thảo chương trình các môn học ở trung học cơ sở, chương trình chỉnh lí trung học phân ban. Chuẩn bị điều kiện để bồi dưỡng các nội dung mới, phương pháp mới cho giáo viên các trường phổ thông, mầm non khi Bộ ban hành các chương trình nói trên.
- Tham gia tích cực triển khai chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông, mầm non chu kỳ 1997-2000. Thông qua đó, chọn lọc các nội dung và phương pháp giảng dạy và học tập thích hợp để bổ sung vào nội dung đào tạo trong trường sư phạm và trường thực hành sư phạm.
- Củng cố và nâng cấp thư viện, tăng số lượng đầu sách về khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, chú ý các tài liệu về phương pháp giảng dạy, học tập và đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ các chương trình đào tạo.
- Củng cố và đưa vào hoạt động có hiệu quả các phòng thí nghiệm lý, hoá, sinh, kỹ thuật, tin học, các thiết bị học tiếng. Sử dụng các phương tiện dạy - học hiện đại trong quá trình đào tạo.
- Phát động trong học sinh, sinh viên phong trào tự làm đồ dùng dạy học phục vụ các bài học trong trường sư phạm, trường phổ thông, mầm non và các bài trong chương trình thực tập sư phạm.
II. ĐỐI VỚI CÁC SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO:
1. Có kế hoạch và tạo cơ chế đưa hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của trường (khoa) sư phạm vào nền nếp, coi đây là một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, cụ thể là:
Ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giảng dạy và học tập liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
- Tăng cường bổ sung giảng viên có năng lực, đặc biệt cho các bộ môn Tâm lý - Giáo dục học và phương pháp dạy học.
- Tạo cơ chế thuận lợi để trường sư phạm nhập cuộc vào hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ở trường phổ thông, mầm non như: thông tin và cập nhật kịp thời cho trường sư phạm các văn bản chỉ thị, thông tư, hướng dẫn chuyên môn các bậc học, cấp học. Bố trí giảng viên sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông, mầm non, và tham gia chấm thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi.
2. Tìm giải pháp thích hợp, tạo ra động lực thu hút giảng viên trường sư phạm tham gia hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Động viên, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể Sư phạm có nhiều cố gắng trong hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
III. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CỦA BỘ VÀ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
A. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CỦA BỘ:
1. Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập giữa các bậc học phổ thông, mầm non và ngành sư phạm. Tổ chức hội nghị giáo viên giỏi, rút đúc kinh nghiệm dạy tốt - học tốt.
2. Tăng cường chỉ đạo nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong các trường (khoa) sư phạm. Bảo đảm hàng năm mỗi trường đại học sư phạm chủ trì 1 đến 2 đề tài cấp Bộ về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên. Mở các hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy và học tập tiên tiến. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên sư phạm. Tổ chức các hình thức sinh động để giáo dục nghiệp vụ sư phạm. Tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm ở trường hàng năm, ở cụm liên kết sư phạm vào năm học 1999 - 2000 và chuẩn bị hội thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc vào năm học 2000 2001.
3. Tổ chức Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả "Chương trình xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm", ưu tiên đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên, trang thiết bị cho các trường sư phạm để có đủ những điều kiện và phương tiện dạy học tối thiểu và hiện đại phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
4. Xây dựng và ban hành văn bản của Bộ về cơ cấu tổ chức của trường CĐSP đa hệ, bảo đảm nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nghiên cứu khoa học.
5. Bảo đảm kế hoạch xuất bản giáo trình, tài liệu học tập theo chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Ưu tiên sách khoa học sư phạm: Tâm lý học, Giáo dục học, phương pháp giảng dạy và học tập...
6. Mở rộng các hoạt động quốc tế phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong trường, khoa sư phạm (tổ chức tham quan nghiên cứu, nhập công nghệ giảng dạy và học tập tiến tiến...).
7. Phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động thi đua: đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập - nâng cao hiệu quả đào tạo trong các trường sư phạm.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường (khoa) sư phạm, các Sở Giáo dục - Đào tạo về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
B. ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM.
Các trường (khoa) đại học sư phạm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong phần I của Chỉ thị này. Ngoài ra các trường đại học sư phạm phải có trách nhiệm hỗ trợ và phát huy tác dụng đối với các trường sư phạm cấp dưới trong việc nghiên cứu, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ở giáo dục phổ thông, mầm non.
Để thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong các trường sư phạm có chất lượng, đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:
- Các Ông (Bà) Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố, các ông (bà) Hiệu trưởng các trường (khoa) Sư phạm, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên trong toàn quốc thực hiện tốt những nội dung đã nêu trong Chỉ thị. Định kỳ theo năm học, các Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường (khoa) sư phạm báo cáo Bộ về kết quả thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
- Các Ông (Bà) Vụ trưởng các Vụ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị. Vụ Giáo viên là cơ quan đầu mối, tham mưu cho Bộ xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này ở các trường sư phạm.
|
Nguyễn Minh Hiển (Đã ký) |
Chỉ thị 15/1999/CT-BGD&ĐT về việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp giảng dậy và học tập trong các trường sư phạm do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 15/1999/CT-BGD&ĐT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Nguyễn Minh Hiển |
Ngày ban hành: | 20/04/1999 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 15/1999/CT-BGD&ĐT về việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp giảng dậy và học tập trong các trường sư phạm do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video