ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2014/CT-UBND |
Ninh Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ XÂY DỰNG PHONG TRÀO “AN TOÀN TRƯỜNG HỌC” TRONG CÁC NHÀ TRƯỜNG
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, các cấp, các ngành đã phối hợp cùng với lực lượng Công an làm tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong các nhà trường, tạo môi trường thuận lợi nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, công tác bảo đảm an toàn trường học đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Các thế lực thù địch, bọn phản động đang tìm cách lôi kéo, kích động học sinh, sinh viên vào các hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là internet đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của một bộ phận học sinh, sinh viên, sống không có hoài bão lý tưởng, lệch chuẩn đạo đức, buông thả thực dụng, vi phạm pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; về ý thức chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho học sinh, sinh viên còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý truy cập, khai thác các thông tin, trò chơi trên internet còn nhiều bất cập. Các trường học trong tỉnh chủ yếu đứng chân trên các địa bàn phức tạp, đông dân cư tiềm ẩn những vấn đề mất an toàn về tài sản của nhà trường.
Để công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học trong tình hình hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan, Ban Giám hiệu các trường trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các nhà trường. Trọng tâm là: Quyết định số 46/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”; Thông tư liên tịch số 34/2009/TT-BGDĐT-BCA ngày 20/11/2009 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Công an về “Thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” và Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
2. Các cấp, các ngành tập trung công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về âm mưu, phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Bồi dưỡng nâng cao khả năng “tự đề kháng” của học sinh, sinh viên trước cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường, tai, tệ nạn xã hội.
3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động phong trào “An toàn trường học” tại 100% các trường học trên địa bàn tỉnh. Chủ trì nắm tình hình, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động móc nối, kích động học sinh, sinh viên vào các hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước. Phối hợp trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật. Phát động phong trào, tấn công, trấn áp tội phạm, tai, tệ nạn xã hội ở địa bàn có trường học đứng chân, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn tài sản cho nhà trường.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các nhà trường thông qua các chương trình đào tạo để giáo dục học sinh, sinh viên kiến thức về an ninh, quốc phòng, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nắm tình hình tư tưởng, quản lý học sinh, sinh viên trong các quan hệ, nhất là các mối quan hệ với đối tượng xấu, quản lý giờ giấc học tập của học sinh, sinh viên. Trao đổi thông tin với gia đình, phụ huynh học sinh, sinh viên về những dấu hiệu vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, kết quả học tập, tu dưỡng của con em họ. Trao đổi thông tin với lực lượng Công an những biểu hiện quan hệ phức tạp, vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên để phối hợp trong phòng ngừa, xử lý sai phạm. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng bảo vệ trông coi, quản lý tài sản của nhà trường, không để đối tượng xấu xâm nhập dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật.
5. Lực lượng Công an cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám hiệu các nhà trường phối hợp với Hội phụ huynh học sinh bàn các biện pháp và xác định trách nhiệm của các gia đình học sinh, sinh viên trong trao đổi thông tin, phối hợp quản lý, giáo dục con em mình, chú trọng các biện pháp quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, quan hệ, hoạt động, giờ giấc học tập.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương bảo đảm cơ chế phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức công tác phối hợp; biện pháp xây dựng phong trào “an toàn trường học” cho phù hợp với mỗi trường; quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là các phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong học sinh, sinh viên và tổ chức tốt các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hàng năm.
7. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo duy trì thực hiện tốt việc xây dựng và tổ chức xét duyệt, công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tham gia phối hợp, chỉ đạo, phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 kể từ ngày ký. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Chỉ thị 04/2014/CT-UBND xây dựng phong trào “An toàn trường học” trong các nhà trường do tỉnh Ninh Bình ban hành
Số hiệu: | 04/2014/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký: | Đinh Văn Điến |
Ngày ban hành: | 18/11/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 04/2014/CT-UBND xây dựng phong trào “An toàn trường học” trong các nhà trường do tỉnh Ninh Bình ban hành
Chưa có Video