ỦY
BAN DÂN TỘC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/BC-UBDT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2012 |
BÁO CÁO
VỀ NHỮNG BẤT HỢP LÝ, CẦN KHẮC PHỤC TRONG CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2012-2020
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2307/VPCP-KGVX ngày 9 tháng 4 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về Đề án Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính “nghiên cứu làm rõ các vấn đề bất hợp lý, cần khắc phục trong chính sách phát triển giáo dục, đào tạo đối với đồng bào dân tộc hiện nay; đề xuất danh mục các chính sách cần điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn 2012 - 2020 để phát triển giáo dục đào tạo, phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước “. Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các chính sách giáo dục hiện hành, báo cáo những bất cập và đề xuất kiến nghị một số chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi như sau:
I. NHỮNG KẾT QUẢ, HẠN CHẾ TRONG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
1. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú
1.1. Kết quả:
Nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập của cả nước, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được xác định có vị trí mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc và miền núi, trong việc tạo nguồn cán bộ là người dân tộc. Hệ thống trường dân tộc nội trú có bước phát triển sâu rộng, trên địa bàn tỉnh và thành phố cả nước với 297 trường PTDTNT gồm: 06 trường thuộc Bộ, trường tỉnh, 241 trường huyện, trong đó có 28 trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT. Hầu hết các tỉnh, huyện ở miền núi, vùng dân tộc đều có trường PTDTNT, một số địa phương có trường liên huyện, trường cụm xã.
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, nhiều địa phương đã xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện theo hướng liên thông THCS và THPT. Tiếp đó, ngày 21/9/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duvệt Đề án: Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg, với mục tiêu: Củng cố, phát triển mạng lưới trường PTDTNT ở miền núi, vùng dân tộc; đảm bảo đến năm 2015 số học sinh PTDTNT bằng 7% học sinh dân tộc học trung học và các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, tăng cường đào tạo nghề và dạy nghề truyền thống cho học sinh PTDTNT. Hầu hết các trường đều được đầu tư, xây dựng kiên cố, bán kiên cố, trang bị phương tiện dạy, học và ở nội trú, từng bước đáp ứng yêu cầu cho giáo viên và học sinh cấp THCS và nâng dần số lượng học sinh THPT. Hàng năm đã giải quyết được hàng vạn học sinh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vùng dân tộc và miền núi vào học.
1.2. Hạn chế.
- Việc liên thông giữa cấp THCS và THPT của hệ thống trường nội trú còn hạn chế.
Trong tổng số 297 trường PTDTNT trên địa bàn 49 tỉnh và thành phố cả nước mới chỉ có 28 trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT, do hệ thống trường PTDTNT bậc phổ thông trung học chủ yếu mới mở ở cấp tỉnh với quy mô ổn định trong một thời gian dài, vì vậy nhiều học sinh ở những huyện vùng cao có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, sau khi học xong phổ thông cơ sở ở trường nội trú huyện không có điều kiện tiếp tục học lên phổ thông trung học vì trường học quá xa nhà. Qua khảo sát tại một số địa phương, tình trạng học sinh các trường dân tộc nội trú sau khi tốt nghiệp cấp cơ sở không được đi học tiếp còn nhiều, số học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH phải trở về quê còn chiếm tỷ lệ khá cao vào khoảng 38,6%. Với thực trạng, trên mạng lưới các trường, PTDTNT chưa phát triển thành hệ thống liên thông từ bậc trung học cơ sở tới trung học phổ thông, chưa thực hiện được việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp các cấp học trong PTDTNT, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
- Quy mô của các trường PTDTNT chưa đồng đều giữa các địa phương.
Do thiếu trường PTDTNT ở cấp huyện nên có nhiều trường nội trú tỉnh quá tải. (Năm học 2006-2007, khoảng 39% trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh vượt quy mô tối đa như: Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh An Giang: 686 hs, Nghệ An: 557 hs, Hoà Bình: 532 hs...). Chỉ tiêu tuyển sinh ít so với nhu cầu đào tạo thực tế gây tâm lý không tốt đối với học sinh cũng như với cha mẹ học sinh.
- Về trang cấp hiện vật:
Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính qui định: “cấp bằng hiện vật 1 lần (trong cả khóa học) đối với một số đồ dùng cá nhân như: quần áo đồng phục; chiếu cá nhân, Nilon đi mưa, màn cá nhân (trừ chăn bông cá nhân, áo bông) chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
- Về vấn đề đào tạo nghề hệ thống trường PTDTNT
Hoạt động giáo dục dạy nghề trong trường PTDTNT bao gồm dạy nghề ngắn hạn và dạy nghề truyền thống, chủ yếu thông qua 2 hình thức là: dạy tại trường và liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của địa phương tập trung vào các nhóm nghề như: Làm vườn, thú y, lâm sinh, may mặc, điện dân dụng, mộc, y tế thôn bản... Nhìn chung, các hoạt động dạy nghề còn mờ nhạt, chưa rõ nét.
- Về chế độ chính sách.
Tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc quy định mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước/12 tháng/năm (tương đương với 840.000đ/tháng; bình quân 28.000đ/học sinh/ ngày và 9.300đ/ bữa ăn/học sinh). Với mức trợ cấp như vậy, khi các em đang ở độ tuổi phát triển về thế lực không đủ đảm bảo sức khỏe cho việc học tập của học sinh hiện nay.
2. Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg
2.1. Kết quả:
Chính sách được ban hành đã từng bước đáp ứng và giải quyết được những khó khăn vướng mắc tồn tại nhiều thập kỷ qua đối với học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường bán trú dân nuôi trước đây. Chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa được đến trường học có nơi ăn, ở thuận lợi hơn.
2.2. Hạn chế:
- Về chế độ chính sách: Với mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay bằng 40% mức lương tối thiểu chung tương đương 420.000đ/tháng, bình quân bằng 14.000đ/ngày/học sinh là quá thấp.
- Về đối tượng: Việc qui định về đối tượng, phạm vi áp dụng cũng khá hạn hẹp, đối tượng thụ hưởng chính sách này chưa phủ hết vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, những vùng có điều kiện KT-XH khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg vẫn chưa được áp dụng.
3. Chính sách cử tuyển
3.1. Kết quả:
- Cử tuyển là một trong những chính sách nhằm đào tạo đội ngũ tri thức dân tộc thiểu số để tăng cường đội ngũ cán bộ cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao dân trí thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững của các địa phương. Theo Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/04/2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính- Bộ Nội vụ- Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong quá trình học tập các em được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước như: Học bổng chính sách theo quy định; Trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế: Mức trợ cấp tối thiểu bằng 50% mức lương tối thiểu chung của Nhà nước. Số tháng được trợ cấp trong năm là 10 tháng. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã được bố trí công việc vào các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội và từng bước giữ các vị trí trọng trách ở địa phương.
3.2. Hạn chế:
- Về chỉ tiêu: Trong 4 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến khoảng 3.000 - 4.000 chỉ tiêu/năm, nhưng trên thực tế các tỉnh chỉ đăng ký và thực hiện khoảng 3.000 chỉ tiêu. Chỉ tiêu ít, nhưng hằng năm thực hiện không hết, việc đề xuất chỉ tiêu của địa phương và giao chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm chưa xác định được vùng cần được ưu tiên, dân tộc cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là những tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn, có nhiều dân tộc, dẫn đến tình trạng lãng phí, có nơi thừa, nơi thiếu.
Việc giao chỉ tiêu cho các địa phương chưa thực hiện theo đúng quy trình tuyển chọn quy định tại khoản 1 Mục II của Thông tư liên tịch số 13: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (tùy theo trình độ đào tạo), Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng chỉ tiêu cử tuyển trong năm”
- Về cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển: chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ngành nghề cử tuyển hàng năm tập trung chủ yếu vào một số ngành nông, lâm nghiệp, văn hóa, thể thao. Các ngành khoa học, đòi hỏi điểm thi đầu vào cao như: Y tế, Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc, Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng...được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế.
- Cơ cấu giữa các dân tộc được cử tuyển đi học chưa đồng đều: Đối tượng và địa bàn cử tuyển là học sinh dân tộc sống tại các xã đặc biệt khó khăn, ở các địa bàn trên rất ít đối tượng đủ điều kiện cử tuyển; nhất là các dân tộc thiểu số rất ít người dẫn đến tình trạng phần lớn số học sinh đủ tiêu chuẩn để xét tuyển tập trung vào các dân tộc thiểu số có số dân đông như Tày, Nùng, Thái, Mường... Trong khi đó các dân tộc khác rất thiếu cán bộ cần được đào tạo nhưng lại không có nguồn. Điều đó, dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo của các dân tộc thiểu số. Số người có trình độ đại học của các dân tộc thiểu số còn rất thấp như: dân tộc Raglei chỉ chiếm 0,1%; Xtiêng 0,1%; Khơ Mú 0,1%; Pà Thẻn 0,1%; Kháng 0,1%; Mông 2%; Dao 0,2%; Gia Rai 0,2%; Ba Na 0,2%....
- Về công tác bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp: Hiện nay việc bố trí công tác đối với học sinh cử tuyển tốt nghiệp ra trường đang chồng chéo giữa hai Nghị định của Chính phủ:
+ Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người học được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp;
+ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 116/2003/NĐ-CP quy định việc tuyển dụng công chức, viên chức phải thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Mặt khác, chỉ tiêu biên chế ở các cấp địa phương đã đủ nên không có chỉ tiêu biên chế để bố trí cho sinh viên mới ra trường. Sinh viên cử tuyển ra trường vẫn phải thi tuyển công chức như các đối tượng khác.
- Về kinh phí đào tạo: Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định kinh phí đào tạo do địa phương chi trả bao gồm học phí, phụ cấp sinh hoạt, phụ cấp chính sách và các chi phí khác. Nhưng các địa phương vùng dân tộc thiểu số đều là tỉnh nghèo nên việc yêu cầu chi trả kinh phí thực hiện chính sách cử tuyển gặp khó khăn, do đó các địa phương cũng chưa thực hiện hết chỉ tiêu được giao.
- Việc bổ sung văn bản hướng dẫn chưa kịp thời: Công tác hướng dẫn bổ sung thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP của trung ương và địa phương chưa kịp thời. Như Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II nhưng Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 7/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc lại không đề cập đến Quyết định 01/2008/QĐ-UBDT để làm cơ sở xét tuyển, gây thiệt thòi cho học sinh ở các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II.
4. Hệ Dự bị Đại học Dân tộc
4.1. Kết quả:
- Cả nước hiện có 4 trường dự bị đại học và dự bị đại học dân tộc với tổng quy mô hơn 3000 học sinh /năm, có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số và các dân tộc sinh sống tại miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn không đỗ đại học có đủ kiến thức để được xét vào học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Chính sách dự bị đại học đã góp phần thiết thực trong tạo nguồn cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
4.2. Hạn chế:
- Mất cân đối về thành phần dân tộc được xét tuyển: Tại Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ngày 13/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học, quy định việc đào tạo học sinh hiện nay chỉ tập trung 01 năm. Học sinh thuộc các đối tượng ưu tiên (UT1) và thuộc khu vực 1(KV1) đạt điểm vào học hệ dự bị đại học dân tộc trên cơ sở điểm chuẩn của trường quy định. Quy định trên, dẫn đến số học sinh được xét vào học hệ dự bị tập trung chủ yếu là con em các dân tộc có số lượng dân số đông như Tày, Thái, Mường.... còn các dân tộc thuộc các dân tộc thiểu số rất ít người như Ơ đu, Rơ măm, Pu Péo, Si la... và các DTTS sống ở những địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn ít có cơ hội đủ điều kiện để được xét tuyển.
5. Chính sách đối với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng
- Chưa có chính sách khuyến khích học sinh khá giỏi người dân tộc thiểu số đang học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Cùng là đối tượng DTTS, nhưng số học sinh có học lực khá thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy lại không được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như học sinh hệ cử tuyển.
- Phương thức chi trả cấp bù học phí chưa phù hợp.
Tại điểm b khoản 2 điều 3 Hướng dẫn khoản 2, 3 Điều 7 Nghị định 49 của Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2010 về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2014-2015, quy định: Phòng Giáo dục chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ trẻ em học mẫu giáo, học sinh trung học cơ sở; Sở Giáo dục chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh trung học phổ thông.
Việc quy định cấp bù học phí như vậy buộc cha mẹ học sinh phải đến Phòng giáo dục và Sở giáo dục để nhận, gây khó khăn cho cha mẹ học sinh vì phần lớn các tỉnh vùng dân tộc thiểu số đều có địa bàn rộng, điều kiện giao thông đi lại không thuận lợi.
6. Về áp dụng chính sách cho đối tượng thụ hưởng thuộc các khu vực
- Chưa thống nhất về đối tượng, địa bàn áp dụng chính sách.
Hiện nay, một số Nghị định và Thông tư chưa thống nhất về đối tượng, địa bàn áp dụng chính sách theo kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển được qui định tại Quyết định hiện hành. Cụ thể:
+ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; tại Điều 11 quy định về khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông lại được xác định theo 3 vùng “thành thị, nông thôn, miền núi" nên địa phương rất khó xác định đối tượng.
+ Tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học ban hành kèm theo thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhóm ưu tiên 1 (UT1) trong đó đối tượng 01 là Công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số. Việc quy định này chưa phù hợp với tiêu chí phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển.
7. Về “Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, ở nước ta hiện nay trong 53 dân tộc thiểu số có 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, quy định dân tộc thiểu số rất ít người là những dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Theo đó, ở nước ta có 16 dân tộc được hưởng chính sách này.
Nhưng “Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 mới chỉ thực hiện hỗ trợ cho 9/16 dân tộc rất ít người được hưởng chính sách là Ơ Đu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Brâu. Như vậy, còn thiếu 7 dân tộc rất ít người chưa được hưởng chính sách gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô.
8. Chính sách đào tạo nghề
8.1. Kết quả:
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp cho lao động nông thôn nói chung và lao động dân tộc thiểu số nói riêng từng bước chuyển dịch lao động, thay đổi phương thức sản xuất; phát triển các ngành nghề mới dựa trên những thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất kinh doanh, thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Công tác đào tạo nghề được thực hiện theo một số chính sách như: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách về tín dụng đối với học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao trình độ theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
8.2. Hạn chế:
- Chưa thống nhất mức trợ cấp học bổng cho người học tại thông tư hướng dẫn:
Tại điểm c khoản 3 Thông tư liên tịch số 65/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC về hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú quy định: “Học sinh trong thời gian học nghề được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội hiện hành. Song, hiện nay theo quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú mức học bổng trợ cấp là 80% mức lương tối thiểu, tương đương 840.000đ/tháng.
Trong khi đó học sinh học nghề chỉ được hưởng mức học bổng là: 280.000đ/người/tháng; tính theo số tháng học thực tế của người học, mức tối đa không quá 360.000đ/học sinh cho cả khóa học nghề có thời gian đào tạo từ 01 năm trở lên, tối đa không quá 240.000đ/học sinh cho cả khóa học nghề có thời gian đào tạo từ 03 tháng đến dưới 01 năm. Việc quy định các mức hỗ trợ học sinh dân tộc nội trú học nghề về học bổng, thưởng, trang cấp đồ dùng cá nhân, học phẩm, chi ngày lễ tết nguyên đán, tết dân tộc... như hiện nay là quá thấp, không thu hút được học sinh đến với các sở đào tạo nghề, nhất là trong điều kiện các trường dạy nghề mới chỉ dừng lại ở quy mô cấp tỉnh.
- Cùng đối tượng nhưng chính sách thụ hưởng lại khác nhau:
Theo Dự án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng của Chương trình 135 giai đoạn II, tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT/UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010, quy định: Thanh niên dân tộc thiểu số từ 16-25 tuổi tham gia học nghề được hỗ trợ chính sách theo Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và tiền ăn trong thời gian học nghề: Tiền ăn: tối đa 10.000đ/người/ngày; Tiền đi lại: tối đa không quá 200.000đ/người/khóa học.
Nhưng theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 29/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" người dân tộc thiểu số tham gia học nghề được hỗ trợ: chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng) với mức tối đa 3.000.000đ/người/khóa học; tiền ăn trong thời gian học nghề là 15.000đ/ngày thực học/người; tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Như vậy, cùng đối tượng là người dân tộc thiểu số, nhưng định mức thụ hưởng chính sách khác nhau, gây khó khăn lúng túng cho địa phương trong thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc. Mặt khác, cả 2 mức này hiện nay chưa đáp ứng được so với thực tế đào tạo nghề đối với thanh niên dân tộc thiểu số . Vì vậy, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trong vùng dân tộc những năm qua còn rất hạn chế và bộc lộ nhiều bất cập.
9. Nhóm chính sách đối với nhà giáo, người lao động và cán bộ quản lý giáo dục tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số
- Về chính sách thu hút:
Tại Điều 8 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, quy định thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm. Việc quy định thời gian như vậy chưa thu hút được những giáo viên muốn công hiến lâu năm tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
II. ĐỀ XUẤT DANH MỤC CÁC CHÍNH SÁCH CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ BAN HÀNH MỚI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành chức năng, Ủy ban Dân tộc kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng sửa đổi một số quyết định sau:
1. Nhóm chính sách cho học sinh nội trú, bán trú
- Đề nghị mở rộng hệ thống trường nội trú liên thông cấp THCS, THPT và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo cho con em dân tộc được đến trường: Đối với những nơi không đủ điều kiện mở trường hoặc các lớp nội trú thuộc hệ phổ thông trung học cơ sở và trung học phổ thông, nên học sinh dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được vào học ở trường nội trú, bán trú phải học ở các trường phổ thông công lập, đề nghị xem xét cho các em được hưởng chính sách như học sinh học ở các trường PTDTNT.
- Về chế độ chính sách: Nâng mức hỗ trợ cho học sinh nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 từ 80% mức lương tối thiểu lên 100% và Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22 tháng 12 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú từ 40% lên 100% mức lương tối thiểu.
- Về trang cấp hiện vật: Sửa đổi bổ sung chế độ trang cấp hiện vật đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học theo Thông tư số 109/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính.
2. Nhóm chính sách đối với sinh viên học ở các trường Đại học, Cao đẳng và sau Đại học
Bổ sung chính sách trợ cấp xã hội cho sinh viên người dân tộc thiểu số thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng và sau đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Đề nghị sửa đổi phương thức chi trả cấp bù học phí tại Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2010 về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, nên chuyển trực tiếp số tiền cấp bù học phí cho cơ sở đào tạo.
3. Hệ cử tuyển
- Đề nghị tăng chỉ tiêu, bổ sung ngành nghề đào tạo mở rộng đối tượng và phạm vi cử tuyển là học sinh người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn các xã thuộc diện khó khăn (theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
- Đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi việc chi phí hỗ trợ cho học sinh cử tuyển do ngân sách địa phương đảm nhận bằng ngân sách trung ương. Ngân sách chi cho chính sách cử tuyển nên bố trí từ ngân sách trung ương cho tất cả các tỉnh, không nên áp dụng như quy định hiện nay.
4. Hệ Dự bị Đại học Dân tộc
- Đề nghị mở rộng: hình thức đào tạo (hệ 1 năm và hệ 2 năm) hoặc có chính sách ưu tiên để tuyển chọn được đối tượng học sinh là các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số có tỷ lệ đào tạo bậc đại học, cao đẳng còn quá thấp, để các đối tượng học sinh này có cơ hội được xét tuyển nhằm đảm bảo cân đối học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số và ngành nghề đào tạo.
- Duy trì các khoa Dự bị tại các trường Đại học chuyên ngành cho sinh viên dân tộc thiểu số vào học để sau đó được tiếp tục đào tạo tại các trường chuyên ngành.
5. Nhóm chính sách đào tạo nghề
- Có chính sách đầu tư đào tạo nghề trong trường PTDTNT: Bổ sung chính sách cho người dân tộc thiểu số học trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách học nghề như chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú.
- Thống nhất định mức hỗ trợ chính sách cho người DTTS học nghề: Đề nghị điều chỉnh định mức hỗ trợ cho người học nghề trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi bằng 100% mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng cho tất cả loại hình đào tạo dài hạn, ngắn hạn và hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng.
- Cơ chế giám sát việc thực hiện phối hợp, quản lý: Nghiên cứu cơ chế phối hợp trong đào tạo nghề cả về phân cấp, giao chỉ tiêu, quy định định mức hỗ trợ định hướng nội dung và hình thức đào tạo cho phù hợp với đặc thù vùng dân tộc và miền núi.
6. Nhóm chính sách đối với nhà giáo, người lao động và cán bộ quản lý giáo dục tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số
- Về chính sách thu hút:
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cần có khung chính sách thu hút cán bộ giáo viên muốn cống hiến lâu năm (từ 1-5 năm; từ 5-10 năm; từ 10-15 năm....) tại vùng dân tộc và miền núi.
- Về chính sách tuyển dụng công chức:
Sửa đổi, bổ sung chính sách thi, tuyển dụng công chức đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số tại vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao theo hướng xét tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người. Việc thi tuyển công chức, viên chức và thi chuyên ngạch, các đối tượng là các dân tộc thiểu số và những người biết tiếng dân tộc công tác tại vùng DTTS nên thay thế môn thi ngoại ngữ bằng môn thi tiếng dân tộc cho phù hợp.
7. Về “Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
- Căn cứ kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và theo quy định của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, đối với dân tộc thiểu số có số dân dưới 1 vạn người thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người. Vì vậy đề nghị sửa đổi bổ sung đối tượng, phạm vi áp dụng tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Hiện nay mới thực hiện hỗ trợ cho học sinh 9 dân tộc là Ơ Đu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Brâu). Vì vậy, còn thiếu 7 dân tộc rất ít người chưa được hưởng chính sách gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô.
III. NHỮNG Ý KIẾN CÒN KHÁC NHAU CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN DÂN TỘC
1. Những ý kiến còn khác nhau của các Bộ, ngành
- Định mức đối với học sinh nội trú, bán trú và đào tạo nghề, có Bộ, ngành đề nghị áp dụng chi theo quy định của văn bản hiện hành.
- Kinh phí chi trả đào tạo của chính sách cử tuyển, cơ chế theo Nghị định 134, có Bộ, ngành đề nghị áp dụng như cơ chế hiện hành.
2. Kiến nghị của Ủy ban Dân tộc
Từ những ý kiến còn khác nhau, hạn chế, bất cập trong giáo dục và đào tạo. Ủy ban Dân tộc xin giải trình và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như sau:
1. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thống nhất việc áp dụng chính sách đối với các dân tộc thiểu số theo kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển tại các Quyết định hiện hành.
2. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng chủ trì, phối hợp sửa đổi các quyết định có liên quan và sửa đổi các thông tư thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, đang có những bất cập, hạn chế nêu trên.
3. Định mức hỗ trợ đối với học sinh dân tộc nội trú, bán trú, cử tuyển và đào tạo nghề thực hiện theo hướng:
- Học sinh dân tộc nội trú, bán trú được hưởng theo định mức như nhau, bằng 100% mức lương tối thiểu. Vì mức hiện hành không còn phù hợp với giá cả thực tế hiện nay.
- Đối với đào tạo nghề (cả ngắn hạn, dài hạn), đề nghị áp dụng mức hỗ trợ bằng 100% mức lương tối thiểu. Mức hiện hành là quá thấp, đối tượng học hầu hết là lao động chính trong gia đình, nếu không nâng mức hỗ trợ đủ tiền ăn trong ngày sẽ không thu hút được người tham gia học nghề.
4. Về đào tạo cử tuyển:
- Đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi việc chi phí hỗ trợ cho học sinh cử tuyển do ngân sách địa phương đảm nhận bằng ngân sách trung ương. Ngân sách chi cho chính sách cử tuyển nên bố trí từ ngân sách trung ương cho tất cả các tỉnh, không nên áp dụng như quy định hiện nay.
- Đề nghị Chính phủ giao cho một cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện chính sách cử tuyển, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp về giao chỉ tiêu, chi trả kinh phí cho các cơ sở đào tạo, theo dõi, quản lý sinh viên trong thời gian học tập, phối hợp với các cơ quan chức năng trong bố trí việc làm sau khi ra trường.
5. Đề nghị cho phép Ủy ban Dân tộc thành lập Học viện Dân tộc nhằm đào tạo học sinh các dân tộc sống ở vùng dân tộc và miền núi, cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi và cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
Trên đây là báo cáo những bất hợp lý, cần khắc phục trong chính sách giáo dục, đào tạo và đề xuất chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2020, Ủy ban Dân tộc kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Báo cáo 56/BC-UBDT về bất hợp lý, cần khắc phục trong chính sách giáo dục, đào tạo và đề xuất chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2020 do Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu: | 56/BC-UBDT |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký: | Giàng Seo Phử |
Ngày ban hành: | 19/07/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 56/BC-UBDT về bất hợp lý, cần khắc phục trong chính sách giáo dục, đào tạo và đề xuất chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2020 do Ủy ban Dân tộc ban hành
Chưa có Video