Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ ĐIỆN LỰC-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-TT/LB

Hà Nội , ngày 14 tháng 5 năm 1984

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - ĐIỆN LỰC SỐ 21-TT/LB NGÀY 14-5-1984 HƯỚNG DẪN VIỆC TRÍCH LỢI NHUẬN VÀ THU QUỐC DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ XÍ NGHIỆP TRONG NGÀNH ĐIỆN NỘP CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 138-HĐBT NGÀY 19-11-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ điểm 7 và 8, mục II của Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, liên Bộ Tài chính - Điện lực hướng dẫn các xí nghiệp trong toàn ngành điện lực trích nộp 10% lợi nhuận và 5% thu quốc doanh cho ngân sách địa phương như sau.

I- ĐỐI TƯỢNG NỘP LỢI NHUẬN VÀ THU QUỐC DOANH CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Các đơn vị xí nghiệp (bao gồm các nhà máy phát điện, các Sở quản lý phân phối điện, các nhà máy cơ khí sửa chữa...) trực thuộc các Công ty sản xuất điện Trung ương của Bộ Điện lực (Công ty điện lực I, Công ty điện lực II...) đóng ở tỉnh, thành phố, đặc khu nào thì phải trích lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) nộp cho ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu đó. Nguồn nộp lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) do các công ty phân bổ (cách phân bổ quy định ở mục II dưới đây).

Công ty sản xuất điện có lỗ kế hoạch không thuộc diện phải nộp lợi nhuận cho ngân sách địa phương.

Những công ty sản xuất điện Trung ương tổ chức hạch toán tập trung, nếu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn công ty trong cả năm bị lỗ, nhưng có thể có một số đơn vị xí nghiệp hạch toán trong nội bộ công ty lại có lãi (do công ty quy định giá cả hạch toán nội bộ và điều hành sản xuất) số lãi đó phải dùng để điều hoà kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn công ty thì những đơn vị xí nghiệp đó cũng không thuộc diện phải trích nộp lợi nhuận cho ngân sách địa phương. Ngược lại, nếu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn công ty cả năm có lãi nhưng có thể có một số xí nghiệp hạch toán trong nội bộ công ty lại bị lỗ và số lỗ đó sẽ được bù trừ chung trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn công ty thì những đơn vị xí nghiệp tạm thời bị lỗ đó vẫn thuộc diện phải nộp lợi nhuận cho ngân sách địa phương, số lợi nhuận phải nộp do công ty phân bổ về.

Căn cứ để tính số nộp chính thức lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) vào ngân sách địa phương là số thực hiện. Do đó, những Công ty sản xuất điện Trung ương có lỗ kế hoạch, nhưng nếu khi thực hiện có lãi thì số lãi đó sau khi trừ số trích lập quỹ xí nghiệp và chi ngoài giá thành được trích từ lợi nhuận, công ty vẫn phải trích nộp lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) cho ngân sách địa phương thông qua các đơn vị xí nghiệp trực thuộc của mình. Trường hợp các công ty sản xuất điện Trung ương có lãi kế hoạch, nhưng khi thực hiện bị lỗ, hoặc không còn lãi sau khi trừ đi số được trích lập 3 quỹ và chi ngoài giá thành thì không phải trích nộp lợi nhuận cho ngân sách địa phương. Các công ty đó phải báo cáo rõ tình hình và nguyên nhân bị lỗ hoặc không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận với Bộ chủ quản. Bộ Tài chính và Chi cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương hoặc phòng thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương và Sở tài chính nơi mình đóng.

Các đơn vị trực thuộc công ty là các trường đào tạo, bệnh viện, các đơn vị nghiên cứu khoa học không hạch toán kinh tế, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp không thuộc diện nộp lợi nhuận cho ngân sách địa phương theo quy định của thông tư này. Cơ quan công ty cũng là một đơn vị nộp một phần lợi nhuận cho ngân sách địa phương nơi mình đóng.

Các công ty xây lắp đường dây và trạm, Công ty xây lắp điện I, Công ty khảo sát thiết kế điện, Công ty vật tư, Công ty sửa chữa và chế tạo thiết bị điện, có hạch toán kinh tế độc lập và tập trung trực thuộc Bộ Điện lực, do số lợi nhuận thực hiện không lớn nên chỉ phải nộp số lợi nhuận và thu quốc doanh vào ngân sách địa phương và ngân sách trung ương tại nơi cơ quan công ty đóng mà không cần phải phân bổ số lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) vào ngân sách địa phương cho các đơn vị trực thuộc công ty đóng ở các tỉnh và thành phố khác.

II- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH MỨC NỘP LỢI NHUẬN VÀ THU QUỐC DOANH VÀO NGÂN SÁCH

a) Số lợi nhuận phải nộp vào ngân sách địa phương được xác định bằng 10% tổng số lợi nhuận phải nộp ngân sách Nhà nước nói chung trong năm của toàn công ty.

Tổng số lợi nhuận phải nộp ngân sách Nhà nước nói chung của toàn công ty là tổng số lợi nhuận thực hiện trong năm (bao gồm lãi sản xuất kinh doanh chính, sản xuất kinh doanh phụ, kinh doanh ngoài cơ bản và các khoản lãi khác) trừ đi các khoản trích lập 3 quỹ, chi ngoài giá thành, các khoản trích khác từ lợi nhuận đã được duyệt trong kế hoạch như trích bổ sung vốn lưu động... cộng trừ với các khoản nộp thiếu thừa năm trước chuyển sang.

Công ty phân bổ số lợi nhuận phải nộp ngân sách địa phương cho các đơn vị xí nghiệp trực thuộc theo tỷ lệ thuận với tổng quỹ lương thực hiện cả năm của đơn vị đó không bao gồm quỹ lương thuộc các nguồn khác đài thọ như sự nghiệp và xây dựng cơ bản. Cơ quan công ty cũng là một đơn vị thực hiện việc nộp lợi nhuận vào ngân sách địa phương sở tại. Mức nộp cũng tương ứng với quỹ lương thực hiện cả năm của cơ quan công ty.

Công ty phải bảo đảm việc trích nộp lợi nhuận vào ngân sách các địa phương tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, nơi có các đơn vị xí nghiệp trực thuộc của mình đóng sao cho đủ 10% tổng số lợi nhuận phải nộp ngân sách Nhà nước của toàn công ty như quy định hiện hành.

Số lợi nhuận phải nộp còn lại (90%) công ty vẫn nộp tập trung vào ngân sách Trung ương như thể thức hiện hành.

b) Số thu quốc doanh (nếu có) phải nộp vào ngân sách địa phương được xác định bằng 5% tổng số thu quốc doanh phải nộp ngân sách Nhà nước nói chung trong năm của toàn công ty.

Phương pháp phân bổ số phải nộp cho các đơn vị xí nghiệp trực thuộc và cách thức nộp cũng áp dụng tương tự như quy định nói trên đối với việc nộp lợi nhuận vào ngân sách địa phương.

III- KẾ HOẠCH HOÁ VÀ THỰC HIỆN VIỆC THU NỘP

Hàng năm và hàng quý các công ty sản xuất điện thuộc Bộ Điện lực và các đơn vị xí nghiệp trực thuộc công ty phải kế hoạch hoá khoản lợi nhuận và thu quốc doanh phải nộp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch tài chính của đơn vị.

Các công ty phải thông báo số liệu kế hoạch tài chính được duyệt hàng năm, có chia ra từng quý cho các đơn vị xí nghiệp trực thuộc, trong đó có số nộp ngân sách địa phương về lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có). Các đơn vị xí nghiệp trực thuộc công ty phải gửi kế hoạch tài chính được duyệt cho các Sở Tài chính và các Chi cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương tại địa phương nơi mình đóng.

Các Sở Tài chính và Chi cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải đưa vào cân đối trong kế hoạch thu chi ngân sách của địa phương các khoản lợi nhuận và thu quốc doanh của các đơn vị xí nghiệp trung ương đóng tại địa phương, đồng thời kiểm tra và theo dõi đôn đốc việc thực hiện chính xác và kịp thời các khoản nộp đó vào ngân sách địa phương và ngân sách trung ương.

Các đơn vị xí nghiệp trực thuộc công ty, thuộc diện phải nộp lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) cho ngân sách địa phương căn cứ vào kế hoạch tài chính hàng quý đã được cấp trên xét duyệt mà trích nộp vào ngân sách địa phương số phải nộp theo kế hoạch. Công ty tổ chức thực hiện và bảo đảm nguồn nộp đó cho các đơn vị xí nghiệp trực thuộc của mình.

Số phải nộp chính thức về lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) vào ngân sách địa phương của cả năm được xác định trên cơ sở số liệu báo cáo quyết toán chính thức được duyệt của toàn công ty và đơn vị xí nghiệp trực thuộc. Khi so sánh số đã nộp theo kế hoạch với số phải nộp chính thức theo quyết toán được duyệt, nếu đơn vị nộp còn thiếu thì phải nộp bổ sung cho đủ; nếu thừa được tính trừ vào số nộp cho năm sau hoặc ngân sách địa phương phải hoàn trả lại theo yêu cầu của đơn vị.

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

a) Các công ty sản xuất điện Trung ương và các đơn vị xí nghiệp trực thuộc là đối tượng phải trích lợi nhuận và thu quốc doanh nộp ngân sách địa phương, Sở Tài chính và Chi cục thu quốc doanh và quản lý xí nghiệp trung ương tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định trong Thông tư này. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt trừ khi xét duyệt khen thưởng và trích lập các quỹ xí nghiệp theo chế độ hiện hành. Các quy định trước đây về việc nộp lợi nhuận và thu quốc doanh cho ngân sách địa phương trái với thông tư này đều bãi bỏ.

b) Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1984 và được áp dụng để xác định số lợi nhuận và thu quốc doanh (nếu có) phải nộp ngân sách địa phương của các đơn vị xí nghiệp trực thuộc các công ty sản xuất điện cho cả năm 1984, các đơn vị xí nghiệp thuộc đối tượng nộp ngân sách địa phương và các Sở tài chính tỉnh, thành phố, đặc khu cần điều chỉnh lại kế hoạch tài chính của đơn vị cho phù hợp.

Hồ Tế

(Đã ký)

Vũ Hiền

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư liên bộ 21-TT/LB năm 1984 hướng dẫn trích lợi nhuận và thu quốc doanh của các đơn vị, xí nghiệp trong ngành điện nộp cho ngân sách địa phương theo Nghị quyết 138-HĐBT do Bộ Điện lực; Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 21-TT/LB
Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Điện lực, Bộ Tài chính
Người ký: Hồ Tế, Vũ Hiền
Ngày ban hành: 14/05/1984
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư liên bộ 21-TT/LB năm 1984 hướng dẫn trích lợi nhuận và thu quốc doanh của các đơn vị, xí nghiệp trong ngành điện nộp cho ngân sách địa phương theo Nghị quyết 138-HĐBT do Bộ Điện lực; Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…