NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2025/TT-NHNN |
Hà Nội, ngày tháng năm 2025 |
DỰ THẢO 2 |
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY CON, CÔNG TY LIÊN KẾT CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NỢ VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 26/2025/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (sau đây gọi là công ty quản lý nợ).
2. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) có công ty quản lý nợ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của công ty quản lý nợ.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
Công ty quản lý nợ, tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ khi thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Công ty quản lý nợ chỉ được thực hiện các hoạt động quy định tại Thông tư này. Tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ, công ty quản lý nợ chịu trách nhiệm về việc đăng ký doanh nghiệp của công ty quản lý nợ đảm bảo phù hợp với phạm vi hoạt động quy định tại Thông tư này.
2. Tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.
3. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công ty quản lý nợ, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Công ty quản lý nợ là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ khi tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ trừ trường hợp mua nợ theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ NỢ VÀ QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ NỢ, TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Điều 4. Hoạt động của công ty quản lý nợ
Công ty quản lý nợ được thực hiện các hoạt động sau đây:
1. Quản lý nợ, khai thác tài sản theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó.
2. Mua, bán nợ.
3. Các hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm khác theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Điều 5. Khoản nợ được xử lý trong hoạt động của công ty quản lý nợ
1. Công ty quản lý nợ thực hiện quản lý nợ, khai thác tài sản theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó đối với các khoản nợ là khoản nợ xấu bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán.
2. Công ty quản lý nợ thực hiện mua, bán các khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính là khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán.
Điều 6. Hoạt động quản lý nợ, khai thác tài sản theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ
1. Hoạt động quản lý nợ, khai thác tài sản của công ty quản lý nợ theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó đối với các khoản nợ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này bao gồm:
a) Tiếp nhận, quản lý các khoản nợ (bao gồm nợ có tài sản bảo đảm và nợ không có tài sản bảo đảm), tài sản bảo đảm của khoản nợ để xử lý, thu hồi nợ;
b) Quản lý, xử lý nợ đã tiếp nhận thông qua các hình thức: theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tài sản bảo đảm; thu hồi nợ trực tiếp từ khách nợ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, bán cho tổ chức, cá nhân khác và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Quản lý, xử lý tài sản bảo đảm đã tiếp nhận thông qua hình thức: kiểm tra, trông giữ; bán tài sản bảo đảm, nhận tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng và các phương thức khác phù hợp quy định pháp luật, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, cho thuê mua, khai thác kinh doanh, góp vốn, liên doanh bằng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật;
d) Định giá tài sản bảo đảm theo ủy quyền hoặc theo yêu cầu của khách hàng, bên bảo bảo đảm;
đ) Thực hiện các hoạt động khác liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, xử lý khoản nợ, tài sản bảo đảm theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó theo quy định của pháp luật.
2. Công ty quản lý nợ là công ty con của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được tiếp nhận, quản lý, xử lý nợ; tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc theo ủy quyền của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.
3. Việc ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ cho công ty quản lý nợ đó để thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành hợp đồng ủy quyền phù hợp với quy định của pháp luật, hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm giữa tổ chức tín dụng đó với khách hàng và các bên liên quan khác.
4. Công ty quản lý nợ chỉ được thực hiện hoạt động định giá tài sản bảo đảm theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó; không được thỏa thuận, thu tiền từ khách hàng của khoản cấp tín dụng được ủy quyền. Tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ thỏa thuận với khách hàng các nội dung liên quan đến định giá tài sản bảo đảm (nếu có) theo quy định pháp luật.
Điều 7. Hoạt động mua, bán nợ
1. Hoạt động mua, bán nợ của công ty quản lý nợ đối với các khoản nợ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này gồm:
a) Mua nợ của chính tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ khoản nợ mà tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đã bán cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
c) Mua nợ của công ty quản lý nợ khác;
d) Bán nợ cho tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác), cá nhân, trừ trường hợp bán nợ cho công ty con khác của cùng tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ.
2. Việc mua, bán nợ của công ty quản lý nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành hợp đồng mua, bán nợ phù hợp với quy định của pháp luật, hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm (nếu có).
3. Công ty quản lý nợ không được mua lại khoản nợ mà công ty quản lý nợ đó đã bán hoặc mua khoản nợ mà tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó đã bán, trừ trường hợp khoản nợ thuộc các trường hợp tổ chức tín dụng được mua lại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Công ty quản lý nợ là công ty con của công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành không được mua khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành có công ty quản lý nợ đó.
Điều 8. Quy định nội bộ
1. Trên cơ sở quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, công ty quản lý nợ phải xây dựng quy định nội bộ về hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ, công ty quản lý nợ gửi 01 bản quy định nội bộ về hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực nơi công ty quản lý nợ đặt trụ sở chính.
2. Quy định nội bộ của công ty quản lý nợ về hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản phải có tối thiểu các nội dung sau:
a) Quy trình tiếp nhận, phân loại tài sản bảo đảm;
b) Quy trình quản lý, xử lý nợ tiếp nhận;
c) Quy trình quản lý, xử lý tài sản bảo đảm đã tiếp nhận;
d) Quy trình mua, bán nợ đối với từng đối tượng mà công ty quản lý nợ thực hiện mua, bán nợ quy định tại Điều 7 Thông tư này;
đ) Quy trình định giá tài sản bảo đảm theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ;
e) Quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động quản lý nợ, khai thác tài sản;
f) Trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện hoạt động, nghiệp vụ của công ty quản lý nợ.
Điều 9. Quyền, nghĩa vụ của công ty quản lý nợ
1. Thực hiện các hoạt động theo quy định tại Thông tư này.
2. Cung cấp các thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản cho tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ đó khi có yêu cầu.
3. Xây dựng và ban hành quy định nội bộ phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
4. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ
1. Quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty quản lý nợ, đảm bảo công ty quản lý nợ hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư này.
2. Thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng, minh bạch các hợp đồng, giao dịch khác với công ty quản lý nợ phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Điều 11. Báo cáo
1. Công ty quản lý nợ phải gửi báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực nơi công ty quản lý nợ đặt trụ sở chính khi được yêu cầu.
2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ phải lập và gửi cho Ngân hàng Nhà nước báo cáo tổng hợp về hợp đồng, giao dịch giữa tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ với công ty quản lý nợ đó.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Điều 12. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
1. Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng có trách nhiệm tiếp nhận quy định nội bộ về hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản của công ty quản lý nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này để phục vụ cho công tác giám sát an toàn vi mô, kiểm tra.
2. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản của công ty quản lý nợ theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực có trách nhiệm thanh tra, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản của công ty quản lý nợ trên địa bàn theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày tháng năm 2025.
2. Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN ngày 07/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại.
3. Các công ty quản lý nợ được thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải xây dựng lộ trình để đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Sau thời điểm nêu trên, các công ty quản lý nợ không đáp ứng được quy định tại Thông tư này phải chấm dứt hoạt động. Tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc công ty quản lý nợ đã đáp ứng quy định tại Thông tư này hoặc đã chấm dứt hoạt động.
4. Hợp đồng mua, bán nợ ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ; công ty quản lý nợ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: |
THỐNG ĐỐC
|
Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu: | Khongso |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | 20/05/2025 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Chưa có Video