Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ VẬT TƯ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2893-VT/QL

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 1979 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ CUNG ỨNG VẬT TƯ CỦA LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh theo Nghị định số 302-CP ngày 1/12/1978.

Những quy định trong các điểm 5, 6 thuộc điều 4; những điều 20, 21, 22, 23 thuộc mục Đ của điều lệ đã xác định những nguyên tắc cơ bản và những chức năng chủ yếu của liên hiệp trong việc bảo đảm vật tư cho sản xuất của liên hiệp cũng như của ngành.

Để thực hiện những quy định đó, Bộ Vật tư hướng dẫn cụ thể một số điểm về nhiệm vụ quản lý cung ứng vật tư của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh như sau:

A. NHIỆM VỤ CỦA LIÊN HIỆP TRONG CÔNG TÁC KẾ HOẠCH VẬT TƯ

1. Liên hiệp có trách nhiệm xây dựng, kế hoạch vật tư cho toàn liên hiệp theo nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh được giao.

Thực hiện việc trên, hàng năm theo các phương pháp và trình tự kế hoạch hóa cung ứng vật tư, liên hiệp có trách nhiệm hướng dẫn các xí nghiệp trực thuộc xác định rõ nhu cầu vật tư, xây dựng kế hoạch vật tư của từng xí nghiệp theo số lượng và quy cách cụ thể phù hợp với kế hoạch sản xuất được giao, tiến hành tổng hợp kế hoạch vật tư của từng xí nghiệp thành kế hoạch vật tư chung của toàn liên hiệp; lập các bảng cân đối những loại vật tư chủ yếu cho sản xuất, liên hiệp có trách nhiệm trình kế hoạch vật tư đó cho Bộ chủ quản xét duyệt.

2. Khi có chỉ tiêu chính thức của Nhà nước, Bộ chủ quản sẽ giao toàn bộ chỉ tiêu vật tư chung của liên hiệp cho liên hiệp.

Liên hiệp tiến hành tính toán phân bố các chỉ tiêu vật tư cụ thể cho từng xí nghiệp trực thuộc theo phương án sản xuất của liên hiệp giao cho xí nghiệp; xác định rõ phần vật tư thuộc liên hiệp tổ chức cung ứng, phần vật tư các xí nghiệp trực tiếp ký hợp đồng cung ứng với các tổ chức cung ứng và các cơ sở sản xuất thuộc các Bộ ngành khác. Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất, liên hiệp có quyền điều chỉnh kế hoạch vật tư đã phân bố cho xí nghiệp, điều động vật tư giữa các xí nghiệp trực thuộc để bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của liên hiệp.

Quyết định phân bố hoặc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch vật tư của liên hiệp (trong khuôn khổ chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho liên hiệp) được dùng làm căn cứ để các xí nghiệp trực thuộc ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng.

Liên hiệp phải tiến hành việc phân bố hoặc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch theo đúng trình tự và thời gian quy định của Nhà nước về lập kế hoạch và theo quy định trong chỉ thị số 124-TTg ngày 3/5/1972 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cung ứng vật tư cho xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và Thông tư số 1199-VT/QL ngày 8/6/1977 của Bộ Vật tư hướng dẫn thi hành chỉ thị nói trên.

3. Đối với những loại vật tư chuyên dùng do liên hiệp phụ trách cung ứng, liên hiệp có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu về nguồn hàng; giúp Bộ chủ quản lập cân đối và xây dựng kế hoạch cung ứng vật tư cho toàn ngành và các đơn vị trung ương và địa phương thuộc ngành khác, trình Bộ duyệt hoặc để Bộ trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Theo kế hoạch được duyệt, liên hiệp thực hiện việc tạo nguồn và tổ chức cung ứng các loại vật tư chuyên dùng này cho các đơn vị trung ương và địa phương cùng ngành và các đơn vị trung ương và địa phương của ngành khác có nhu cầu.

4. Liên hiệp có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng các định mức ngành về tiêu hao vật tư để trình Bộ hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và ban hành. Liên hiệp có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện các định mức ngành đã ban hành, đồng thời ban hành các định mức thuộc cấp liên hiệp, chỉ đạo và kiểm tra các xí nghiệp trực thuộc xây dựng các định mức vật tư thuộc cấp xí nghiệp.

Liên hiệp có trách nhiệm thông báo những định mức vật tư của ngành và của liên hiệp cho các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng vật tư cho liên hiệp để làm cơ sở cho việc tính toán nhu cầu vật tư của các xí nghiệp trực thuộc và các cơ sở cùng ngành hoặc thuộc các ngành khác (đối với vật tư chuyên dùng).

B. TRÁCH NHIỆM CỦA LIÊN HIỆP TRONG VIỆC TỔ CHỨC CUNG ỨNG

1. Những loại vật tư thông dụng do Nhà nước thống nhất quản lý, nói chung, sẽ do các tổ chức cung ứng của Bộ Vật tư và các Bộ khác được giao nhiệm vụ cung ứng có trách nhiệm tổ chức cung ứng cho các xí nghiệp của liên hiệp theo quy định trong chỉ thị số 124-TTg ngày 3/5/1972 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 1199-VT/QL ngày 8/6/1977 của Bộ Vật tư.

Đối với một số loại vật tư thông dụng nhưng quý hiếm, nguồn hàng không ổn định, khối lượng sử dụng ít nhưng thiết yếu với sản xuất, liên hiệp cần nắm để điều hòa sản xuất được thuận lợi và đối với những loại vật tư cần sơ chế thành phôi liệu, khởi phẩm chung của các xí nghiệp, nếu các tổ chức cung ứng không đảm nhiệm được, liên hiệp cần giao cho tổ chức cung ứng của mình đứng ra ký hợp đồng thu mua và sơ chế rồi phân phối lại cho các xí nghiệp.

Trong những trường hợp trên, liên hiệp có trách nhiệm tính toán về mặt hiệu quả kinh tế, lập thành phương án và tổ chức thực hiện sau khi được Bộ cung ứng các loại vật tư đó đồng ý.

2. Đối với những loại vật tư chuyên dùng do liên hiệp phụ trách cung ứng, liên hiệp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ chủ quản về đơn hàng nhập khẩu và đơn hàng sản xuất trong nước. Liên hiệp có thể trực tiếp ký hợp đồng nhập khẩu với ngoại thương hoặc ủy nhiệm cho tổ chức cung ứng vật tư của mình ký với ngoại thương.

Trong trường hợp cần thiết được Bộ chủ quản đồng ý, liên hiệp được trực tiếp giao dịch thẳng và ký hợp đồng với các tổ chức bán hàng nước ngoài theo đúng chính sách và chế độ của Nhà nước quy định đối với hàng nhập khẩu dưới sự quản lý và hướng dẫn của Bộ Ngoại thương.

Liên hiệp chỉ đạo tổ chức cung ứng vật tư của mình, làm tốt việc tiếp nhận dự trữ các loại vật tư chuyên dùng, đồng thời phải tổ chức cung ứng một cách thuận lợi các vật tư chuyên dùng đó cho các đơn vị thuộc liên hiệp và các đơn vị cùng ngành.

3. Liên hiệp sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, v.v…, phải có trách nhiệm nghiên cứu, đề nghị quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cho liên hiệp. Theo quy hoạch được duyệt, liên hiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện việc thu mua nguyên liệu.

Tùy theo điều kiện từng nơi, liên hiệp thống nhất với chính quyền địa phương để thực hiện việc thu mua bằng hình thức thông qua tổ chức thu mua của địa phương, do liên hiệp trực tiếp thu mua, hoặc liên hiệp ủy nhiệm cho xí nghiệp ký hợp đồng với cơ sở sản xuất.

Liên hiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở sản xuất, với tổ chức thu mua ở địa phương, nghiên cứu đề xuất với chính quyền địa phương và cấp trên của liên hiệp những chính sách và biện pháp phát triển nguồn nguyên liệu nhằm đẩy mạnh thu mua đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của liên hiệp.

Việc cung ứng vật tư cho các vùng chuyên canh nêu trên được tiến hành như sau:

a) Đối với những vùng chuyên canh mà Nhà nước giao cho liên hiệp quản lý, liên hiệp được nhận toàn bộ các loại vật tư cần thiết thuộc nhu cầu của vùng chuyên canh để tổ chức cung ứng cho các đối tượng trong vùng.

Ở những nơi có mạng lưới cung ứng các loại vật tư đó của các Bộ cung ứng thì liên hiệp có thể tận dụng mạng lưới đó để phục vụ cung ứng cho các nhu cầu của vùng chuyên canh, trong trường hợp này liên hiệp cần thông báo rõ chỉ tiêu kế hoạch phân phối vật tư cho các tổ chức cung ứng, để các tổ chức cung ứng thực hiện, liên hiệp chịu trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch cung ứng đó.

b) Những vùng chuyên canh thuộc chính quyền địa phương quản lý, liên hiệp tham gia với chính quyền địa phương trong việc phân phối và tổ chức cung ứng vật tư nhằm bảo đảm đẩy mạnh sản xuất và thu mua nguyên liệu theo kế hoạch của liên hiệp.

C. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VẬT TƯ

1. Liên hiệp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư trong toàn liên hiệp.

- Liên hiệp phải thường xuyên tổ chức nắm chắc lực lượng thiết bị, nguyên liệu, tình hình cung ứng và sử dụng vật tư của các xí nghiệp trực thuộc, theo dõi và đôn đốc việc ký kết và thực hiện các hợp đồng cung ứng giữa các xí nghiệp với các tổ chức cung ứng vật tư để bảo đảm vật tư cho sản xuất. Khi kế hoạch sản xuất hoặc cung ứng vật tư thay đổi, liên hiệp phải kịp thời điều hòa, điều động việc cung ứng vật tư giữa các xí nghiệp, giúp các xí nghiệp giải quyết các khó khăn về vật tư và thực hiện phương án sản xuất chung của liên hiệp có hiệu quả nhất;

- Liên hiệp phải chỉ đạo và kiểm tra các xí nghiệp sử dụng vật tư hợp lý và tiết kiệm, phấn đấu hạ định mức tiêu hao vật tư;

- Liên hiệp phải thường xuyên nghiên cứu, tìm các thiết bị tiên tiến, nguyên liệu mới để chỉ đạo các xí nghiệp ngày càng ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của liên hiệp; tổ chức nghiên cứu và chỉ đạo các xí nghiệp nghiên cứu việc thay thế vật tư trong sản xuất, chỉ đạo các xí nghiệp huy động mọi nguồn vật tư ứ đọng vào sản xuất theo quy định của Chỉ thị số 316-TTg ngày 19/9/1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giải quyết vật tư thiết bị ứ đọng và các Thông tư hướng dẫn thi hành chỉ thị này.

Đối với phế liệu, phế phẩm:

a) Đối với các loại phế liệu và phế phẩm thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý của liên hiệp thải ra, cần sử dụng trong dây chuyền sản xuất của liên hiệp, liên hiệp tiến hành giao nhiệm vụ thu hồi cho các xí nghiệp thuộc liên hiệp. Liên hiệp tiến hành điều hòa phân phối những phế liệu đó cho các xí nghiệp. Phần sử dụng không hết, liên hiệp tổng hợp báo cáo ngành chủ quản để điều hòa phân phối và sử dụng trong nội bộ ngành. Phần không sử dụng trong nội bộ ngành, hoặc sử dụng không hết, liên hiệp chỉ đạo các xí nghiệp bán cho các đơn vị có nhu cầu theo quy định của nghị quyết số 279-CP ngày 2/8/1979 của Hội đồng Chính phủ về chính sách khuyến khích sản xuất và lưu thông những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư; những mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu địa phương và phế liệu phế phẩm.

b) Đối với các loại phế liệu, phế phẩm khác của liên hiệp thải ra không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, liên hiệp được mua bán hoặc ủy nhiệm cho các xí nghiệp được mua bán trực tiếp với các đơn vị có nhu cầu.

Liên hiệp phải thường xuyên kiểm tra việc tổ chức, quản lý, bảo quản và cấp phát vật tư của các xí nghiệp, quản lý chặt chẽ định mức dự trữ vật tư của các xí nghiệp, không để xí nghiệp dự trữ vật tư quá định mức và ứ đọng, hướng dẫn và đôn đốc các xí nghiệp thực hiện việc quyết toán vật tư với liên hiệp sau mỗi kỳ kế hoạch. Liên hiệp thực hiện quyết toán vật tư với Bộ chủ quản. Đối với vật tư chuyên dùng mà liên hiệp cung ứng cho các cơ sở khác cùng ngành (không thuộc liên hiệp quản lý), và các cơ sở trung ương và địa phương thuộc ngành khác, thì liên hiệp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc sử dụng và yêu cầu đơn vị sử dụng phải thực hiện chế độ quyết toán vật tư với cơ quan chủ quản.

2. Đối với những loại vật tư chuyên dùng do liên hiệp được giao trách nhiệm cung ứng, liên hiệp thực hiện chức năng quản lý cung ứng toàn ngành; cụ thể là phải nghiên cứu định phương thức và tổ chức cung ứng thích hợp cho các nhu cầu tiêu dùng theo nguyên tắc tránh qua các đầu mối trung gian, bỏ các thủ tục phiền hà, thực hiện cung ứng thuận tiện, nhanh chóng và có hiệu quả cho các đơn vị sử dụng. Liên hiệp phải nghiên cứu trình Bộ và Nhà nước ban hành các chế độ quản lý cung ứng vật tư kỹ thuật chuyên dùng, các chế độ bảo quản, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các loại vật tư đó, hướng dẫn và kiểm tra các ngành sử dụng vật tư chuyên dùng thực hiện các chế độ trên.

D. TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ CUNG ỨNG VẬT TƯ CỦA LIÊN HIỆP

1. Liên hiệp cần tổ chức bộ máy giúp liên hiệp làm nhiệm vụ quản lý vật tư của liên hiệp và thực hiện chức năng quản lý cung ứng ngành hàng.

2. Liên hiệp cần thành lập một tổ chức cung ứng vật tư (xí nghiệp cung ứng) làm nhiệm vụ kinh doanh các loại vật tư chuyên dùng cho các xí nghiệp trực thuộc và các đơn vị thuộc ngành sản xuất. Ngoài ra có thể tổ chức cung ứng cả những loại vật tư thông dụng nhưng quý hiếm và các loại vật tư thông dụng khác mà liên hiệp xét thấy thuận lợi và bảo đảm hiệu quả kinh tế cho toàn liên hiệp.

Tổ chức cung ứng vật tư của liên hiệp là một đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có trách nhiệm tổ chức triển khai hệ thống kho tàng và mạng lưới cung ứng để thực hiện việc cung ứng thuận lợi cho các đối tượng.

Cung ứng và quản lý vật tư của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh là một vấn đề mới và phức tạp.

Thực hiện việc cung ứng vật tư cho liên hiệp cần gắn chặt với việc thực hiện cung ứng vật tư cho xí nghiệp công nghiệp quốc doanh đã quy định trong chỉ thị số 124-TTg ngày 3/5/1972 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, các Bộ, các ngành, các liên hiệp các xí nghiệp cần thu thập và phản ánh những kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc với Bộ Vật tư để Bộ Vật tư tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh Thông tư này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ VẬT TƯ

 
 

Trần Sâm

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 2893-VT/QL-1979 về quản lý cung ứng vật tư của Liên hiệp các Xí nghiệp quốc doanh do Bộ Vật tư ban hành

Số hiệu: 2893-VT/QL
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Vật tư
Người ký: Trần Sâm
Ngày ban hành: 11/12/1979
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 2893-VT/QL-1979 về quản lý cung ứng vật tư của Liên hiệp các Xí nghiệp quốc doanh do Bộ Vật tư ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…