BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232/2012/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012 |
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH 10 ngày 09/12/2000;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán,
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định một số Tài khoản, nguyên tắc, phương pháp hạch toán, mẫu Báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe, tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ).
2. Những nội dung kế toán không hướng dẫn trong Thông tư này, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện theo Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây viết tắt là Quyết định 15/2006/QĐ-BTC); các Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp.
Điều 2. Quy định về tài khoản kế toán
1. Đổi tên một số tài khoản kế toán đã ban hành tại Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp để áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
1.1. Đổi tên tài khoản cấp 2 của TK 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” như sau:
- TK 5111 - “Doanh thu bán hàng hóa” thành “Doanh thu phí bảo hiểm gốc”;
- TK 5112 - “Doanh thu bán các thành phẩm” thành “Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm”;
- TK 5113 - “Doanh thu cung cấp dịch vụ” thành “Doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”.
1.2. Đổi tên TK 531 - “Hàng bán bị trả lại” thành “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm”.
TK 531 có các tài khoản cấp 2 như sau:
- TK 5311 - Hoàn phí bảo hiểm gốc;
- TK 5312 - Hoàn phí nhận tái bảo hiểm;
- TK 5313 - Hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.
1.3. Đổi tên TK 532 - “Giảm giá hàng bán” thành “Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm”.
TK 532 có các tài khoản cấp 2 như sau:
- TK 5321 - Giảm phí bảo hiểm gốc;
- TK 5322 - Giảm phí nhận tái bảo hiểm;
- TK 5323 - Giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.
2. Bổ sung các Tài khoản kế toán so với Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp để áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
2.1. Bổ sung tài khoản cấp 2 của TK 244 - “Ký quỹ, ký cược dài hạn” như sau:
- TK 2441 - Ký quỹ bảo hiểm;
- TK 2448 - Ký quỹ, ký cược khác.
2.2. Bổ sung tài khoản cấp 2, cấp 3 của TK 352 - “Dự phòng phải trả” như sau:
- TK 3521 - Dự phòng phí chưa được hưởng
+ TK 35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm;
+ TK 35212 - Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm.
- TK 3522 - Dự phòng bồi thường
+ TK 35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm;
+ TK 35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm.
- TK 3523 - Dự phòng dao động lớn.
- TK 3524 - Dự phòng phải trả.
2.3. Bổ sung TK 416 - “Quỹ dự trữ bắt buộc”.
2.4. Bổ sung TK 533 - “Phí nhượng tái bảo hiểm”.
2.5. Bổ sung TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”.
TK 624 có các tài khoản cấp 2 và cấp 3 như sau:
- TK 6241 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc:
+ TK 62411 - Chi bồi thường;
+ TK 62412 - Dự phòng phí chưa được hưởng;
+ TK 62413 - Dự phòng bồi thường;
+ TK 62414 - Chi hoa hồng;
+ TK 62417 - Chi quản lý đại lý bảo hiểm;
+ TK 62418 - Chi khác về kinh doanh bảo hiểm gốc.
- TK 6242 - Chi phí kinh doanh nhận tái bảo hiểm:
+ TK 62421 - Chi bồi thường;
+ TK 62422 - Dự phòng phí chưa được hưởng;
+ TK 62423 - Dự phòng bồi thường;
+ TK 62424 - Chi hoa hồng;
+ TK 62428 - Chi khác về kinh doanh nhận tái bảo hiểm.
- TK 6243 - Chi phí kinh doanh nhượng tái bảo hiểm.
- TK 6245 - Dự phòng dao động lớn.
- TK 6248 - Chi phí hoạt động kinh doanh khác.
2.6. Bổ sung TK 005 - “Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”
TK 005 có các tài khoản cấp 2 như sau:
+ TK 0051 - Hợp đồng bảo hiểm gốc chưa phát sinh trách nhiệm;
+ TK 0052 - Hợp đồng nhận tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm;
+ TK 0053 - Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm.
3. Không dùng một số Tài khoản kế toán sau:
3.1. Không dùng các Tài khoản trong Bảng cân đối kế toán:
- TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa;
- TK 155 - Thành phẩm;
- TK 1561 - Giá mua hàng hóa;
- TK 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa;
- TK 157 - Hàng gửi đi bán;
- TK 158 - Hàng hóa kho bảo thuế;
- TK 161 - Chi sự nghiệp;
- TK 2134 - Nhãn hiệu hàng hóa;
- TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng;
- TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa;
- TK 417 - Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp;
- TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB;
- TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp;
- TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ;
- TK 5114 - Doanh thu trợ cấp, trợ giá;
- TK 521 - Chiết khấu thương mại;
- TK 611 - Mua hàng;
- TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp;
- TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp;
- TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công;
- TK 627 - Chi phí sản xuất chung;
- TK 631 - Giá thành sản xuất;
- TK 641 - Chi phí bán hàng.
3.2. Không dùng các Tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán:
- TK 003 - Hàng hóa nhận bán hộ, nhận ký gửi, ký cược;
- TK 008 - Dự toán chi sự nghiệp, dự án.
(Danh mục Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này).
Điều 3. Kế toán các khoản đầu tư tài chính
1. Kế toán các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phản ánh ở các nhóm Tài khoản 12 - Đầu tư tài chính ngắn hạn, nhóm TK 22 - Đầu tư tài chính dài hạn và các Tài khoản liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư (TK 1567 - Hàng hoá bất động sản và TK 217 - Bất động sản đầu tư).
2. Kế toán các khoản đầu tư tài chính được phản ánh ở các Tài khoản nêu tại khoản 1 Điều này cần tuân thủ các quy định sau:
2.1. Các hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, thanh khoản;
2.2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải hạch toán các khoản đầu tư ở các nhóm Tài khoản 12 - Đầu tư tài chính ngắn hạn, nhóm TK 22 - Đầu tư tài chính dài hạn chi tiết, tách bạch theo từng nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật làm cơ sở lập báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định của chế độ tài chính;
2.3. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thực hiện các quy định khác theo Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp.
3. Kế toán phải mở sổ theo dõi chi tiết các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, kinh doanh bất động sản, thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài và các danh mục đầu tư khác).
3.1. Từng khoản đầu tư phải được ghi sổ kế toán để theo dõi giá gốc khoản đầu tư ban đầu, tình hình tăng giảm các khoản đầu tư và giá trị khoản đầu tư hiện có cuối kỳ kế toán, đồng thời phải theo dõi chi tiết theo từng nguồn hình thành đầu tư (nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật);
3.2. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải căn cứ vào sổ kế toán chi tiết của các khoản đầu tư theo từng hình thức đầu tư phát sinh trong kỳ để lập báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định của chế độ tài chính (ví dụ căn cứ vào sổ kế toán chi tiết từng khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn để lập bảng tổng hợp các khoản đầu tư dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn (ngắn hạn) theo từng nguồn hình thành đầu tư: nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật).
Điều 4. Kế toán các khoản phải thu của khách hàng
Tài khoản 131 - “Phải thu của khách hàng”: Bổ sung nội dung phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với các đối tượng phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm (gọi tắt là hoạt động kinh doanh khác).
Bổ sung nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Tài khoản 131 phải hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải thu, theo từng nội dung phải thu và hạch toán chi tiết theo từng hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác làm cơ sở lập
Bảng cân đối kế toán và theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp;
- Tài khoản 131 phải hạch toán chi tiết các khoản phải thu phí bảo hiểm gốc (gồm phải thu của bên mua bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm, của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm), phải thu phí nhận tái bảo hiểm, phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, phải thu bồi thường từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm và phải thu khác (thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%...) để đảm bảo cung cấp đủ thông tin thuyết minh trong báo cáo tài chính và theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp;
- Hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không phản ánh vào TK 131 - “Phải thu của khách hàng”. Khoản hoa hồng bảo hiểm phải thu này, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm hạch toán vào bên Nợ TK 331 - “Phải trả cho người bán” (Nợ TK 331/Có TK 5113) để ghi giảm số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 131 - “Phải thu của khách hàng”
Bên Nợ:
Số tiền phải thu của các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác.
Bên Có:
Số tiền đã thanh toán của các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác.
Số dư bên Nợ:
Số tiền còn phải thu của các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi phát sinh các khoản phí bảo hiểm gốc phải thu của các đối tượng như thu trực tiếp của khách hàng là bên mua bảo hiểm, thu của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, thu qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc đại lý bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
2. Khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc thu được tiền phí bảo hiểm gốc, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3. Khi phát sinh các khoản phải thu ghi giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc như thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%..., kế toán doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
4. Khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc thu được tiền các khoản phải thu ghi giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
5. Khi phát sinh các khoản phí nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112) (Số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu).
Đồng thời xác định và phản ánh hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm và ghi giảm phí nhận tái bảo hiểm phải thu, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả).
6. Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhận được số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu sau khi trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
7. Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phát sinh các khoản phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu về chi phí đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6241).
8. Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận được tiền của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm về các khoản phải thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 ,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
9. Khi doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu phát sinh các khoản phải thu bồi thường từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, thu về chi phí đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411) (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp đứng đầu)
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường phải thu của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác phải trả khi xảy ra tai nạn, tổn thất).
10. Khi doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu nhận được tiền của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm về các khoản phải thu từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112 ,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
11. Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh các khoản phải thu về cung cấp các dịch vụ đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường,... của khách hàng, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311) (nếu có).
12. Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhận được tiền của khách hàng về các khoản phải thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 ,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
13. Trường hợp thanh toán bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một đối tượng, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
Điều 5. Kế toán các khoản chi phí trả trước ngắn hạn
Tài khoản 142 - “Chi phí trả trước ngắn hạn”: Bổ sung nội dung phản ánh các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm phải trả thực tế đã phát sinh nhưng chưa được tính vào chi phí kinh doanh bảo hiểm của kỳ phát sinh và việc kết chuyển chi phí hoa hồng bảo hiểm vào chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm của các kỳ kế toán sau trong một năm tài chính hoặc một chu kỳ kinh doanh 12 tháng.
Bổ sung nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải theo dõi chi tiết các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa phân bổ cho từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
- Toàn bộ hoa hồng bảo hiểm phải trả cho đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo quy định của chế độ tài chính hạch toán vào bên Nợ TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (chi tiết cho từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm).
- Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải xác định khoản hoa hồng bảo hiểm chưa được tính vào chi phí kỳ này tương ứng với doanh thu phí bảo hiểm chưa được hưởng để chuyển sang phân bổ vào các kỳ kế toán sau theo phương pháp trích lập dự phòng phí bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính.
- Định kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xác định và phân bổ khoản hoa hồng bảo hiểm vào chi phí kinh doanh bảo hiểm kỳ này.
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải hạch toán chi tiết hoa hồng bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa phân bổ, số đã phân bổ vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ để làm cơ sở thuyết minh trên báo cáo tài chính theo quy định.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 142 - “Chi phí trả trước ngắn hạn”
Bên Nợ:
Các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm thực tế phát sinh chưa phân bổ.
Bên Có:
Các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm đã phân bổ vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Nợ:
Các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm chưa phân bổ vào chi phí kinh doanh bảo hiểm.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc xác định được hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
a. Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414, 62424)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
b. Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài không thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414, 62424)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
c. Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT, kế toán phản ánh số thuế GTGT phải thu của nhà thầu được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
2. Khi phát sinh hoa hồng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc phải trả cho các đại lý bảo hiểm là tổ chức hoặc cá nhân:
a. Trường hợp đại lý bảo hiểm là tổ chức, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
b. Trường hợp đại lý bảo hiểm là cá nhân, ghi:
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trả tiền ngay cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có các TK 111, 112
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa trả tiền hoa hồng cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Khi trả tiền cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
3. Khi phát sinh hoa hồng phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm trừ (-) vào số phí nhận tái bảo hiểm còn phải thu theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
4. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải xác định và ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm phải trả thực tế đã phát sinh chưa được ghi nhận vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ chuyển sang phân bổ vào các kỳ kế toán sau, ghi:
Nợ TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414, 62424).
5. Định kỳ, xác định và phân bổ hoa hồng bảo hiểm vào chi phí kinh doanh bảo hiểm kỳ này:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414, 62424)
Có TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn.
Chi phí khai thác bảo hiểm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm được phản ánh vào tài khoản 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”.
Nguyên tắc hạch toán tài khoản này:
1. Toàn bộ chi phí khai thác bảo hiểm bao gồm: Chi hoa hồng môi giới bảo hiểm, chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi hoa hồng nhận tái bảo hiểm, các chi phí liên quan đến hoạt động bán hàng như: Chi phí cho nhân viên bán bảo hiểm, chi tuyển dụng, đào tạo và quản lý đại lý bảo hiểm, chi khen thưởng đại lý, chi phí thuê văn phòng cho hoạt động bán hàng hoặc đại lý bảo hiểm, chi phí quảng cáo, tiếp thị,...Các chi phí này khi phát sinh được ghi vào bên Nợ TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”.
2. Không phản ánh các khoản chi phí khai thác bảo hiểm vào TK 642 – “Chi phí quản lý doanh nghiệp”.
3. Các khoản chi phí khai thác bảo hiểm khi phát sinh xác định được cụ thể, rõ ràng thì phản ánh vào TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”.
4. Khi phát sinh những chi phí quản lý chung không xác định được cụ thể, rõ ràng cho hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý doanh nghiệp thì kế toán doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phản ánh vào bên Nợ TK 642 – “Chi phí quản lý doanh nghiệp”. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tiến hành tính toán, phân bổ phần chi phí quản lý chung theo tiêu thức phù hợp và đảm bảo nhất quán. Phần chi phí khai thác bảo hiểm được phân bổ ghi Nợ TK 624/Có TK 642, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thuyết minh tiêu thức phân bổ các khoản chi phí này mà doanh nghiệp áp dụng trong kỳ trên thuyết minh báo cáo tài chính.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải hạch toán chi tiết chi phí khai thác bảo hiểm theo các nội dung chi phí được quy định trong chế độ tài chính và theo từng hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm để có đủ thông tin thuyết minh trong báo cáo tài chính và theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Điều 7. Kế toán các khoản ký quỹ bảo hiểm
Tài khoản 244 - “Ký quỹ, ký cược dài hạn”, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2441 - “Ký quỹ bảo hiểm”: Dùng để phản ánh số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ký quỹ bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 2441 - “Ký quỹ bảo hiểm”
Bên Nợ
Số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ký quỹ dài hạn khi bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc bổ sung trong quá trình hoạt động.
Bên Có
- Số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán bị thiếu hụt;
- Số tiền ký quỹ dài hạn doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ rút về khi chấm dứt hoạt động.
Số dư bên Nợ
Số tiền đang ký quỹ dài hạn.
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chuyển tiền để ký quỹ bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 244 - Ký quỹ, ký cược dài hạn (2441)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
2. Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ rút tiền ký quỹ bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 244 - Ký quỹ, ký cược dài hạn (2441).
3. Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng số tiền ký quỹ bảo hiểm để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán bị thiếu hụt theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ các TK có liên quan
Có TK 244 – Ký quỹ, ký cược dài hạn (2441).
- Tài khoản 2448 - “Ký quỹ, ký cược khác”: Dùng để phản ánh số tiền hoặc giá trị tài sản mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đem đi ký quỹ, ký cược dài hạn tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác có thời hạn trên 1 năm ngoài các khoản ký quỹ bảo hiểm.
Kế toán TK 2448 thực hiện theo quy định của TK 244 - Ký quỹ, ký cược dài hạn quy định trong Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC.
Điều 8. Kế toán các khoản phải trả cho người bán
Tài khoản 331 - “Phải trả cho người bán”: Bổ sung nội dung phản ánh các khoản nợ phải trả và tình hình thanh toán các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với các đối tượng phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bổ sung nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Tài khoản 331 phải hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải trả theo từng nội dung phải trả và hạch toán chi tiết theo từng hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác làm cơ sở lập Bảng cân đối kế toán và theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp;
- Tài khoản 331 phải hạch toán chi tiết các khoản phải trả gồm: phải trả phí nhượng tái bảo hiểm, phải trả doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, phải trả bồi thường bảo hiểm, phải trả hoa hồng bảo hiểm và phải trả khác để đảm bảo cung cấp đủ thông tin thuyết minh trong báo cáo tài chính và theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp;
- Hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm không phản ánh vào TK 331 - “Phải trả cho người bán”. Khoản hoa hồng bảo hiểm phải trả này, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phải hạch toán vào bên Có TK 131 (ghi Nợ TK 624/Có TK 131) để ghi giảm số phí nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 331 - “Phải trả cho người bán”
Bên Nợ:
Số tiền đã thanh toán cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm khác.
Bên Có:
Số tiền phải trả cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm khác.
Số dư bên Có:
Số tiền còn phải trả cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm khác.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi phát sinh các khoản phải trả về chi bồi thường cho đối tượng được bảo hiểm do xảy ra tai nạn, tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và khách hàng (bên mua bảo hiểm), kế toán doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
2. Khi nhận dịch vụ cung cấp (chi phí giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm và các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc) của người bán, kế toán doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6241) (Tài khoản cấp 3 phù hợp)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3. Khi ứng trước hoặc thanh toán tiền bồi thường cho đối tượng được bảo hiểm hoặc khi thanh toán các khoản nợ phải trả cho người cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kế toán doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,...
4. Căn cứ vào thông báo của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm về số tiền bồi thường và các khoản chi khác như chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% thuộc phần trách nhiệm nhận tái bảo hiểm và các chứng từ liên quan, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phản ánh số tiền phải trả về chi bồi thường nhận tái bảo hiểm và các khoản chi khác cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6242)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
5. Khi nhận dịch vụ cung cấp của người bán liên quan đến hoạt động nhận tái bảo hiểm như chi phí đánh giá, giám định tổn thất của đối tượng bảo hiểm,..., kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6242) (Tài khoản cấp 3 phù hợp)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
6. Khi ứng trước hoặc thanh toán tiền bồi thường và các khoản chi khác cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm hoặc khi thanh toán các khoản nợ phải trả cho người cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112, ...
7. Khi phát sinh khoản phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331- Phải trả cho người bán (Số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
Đồng thời phản ánh doanh thu hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng phải thu trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
8. Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,... (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có).
9. Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh các khoản phải trả người bán, người cung cấp dịch vụ liên quan đến các dịch vụ đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường,... ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6248)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
10. Khi nhận dịch vụ cung cấp của người bán liên quan đến hoạt động nhượng tái bảo hiểm như chi phí đánh giá, giám định tổn thất của đối tượng bảo hiểm,... kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6243) (Tài khoản cấp 3 phù hợp)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
11. Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ứng trước hoặc thanh toán các khoản phải trả cho người bán, người cung cấp dịch vụ liên quan đến các dịch vụ đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường,..., ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112, ...
12. Trường hợp thanh toán bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một đối tượng, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
Điều 9. Kế toán doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng
Tài khoản 3387 - “Doanh thu chưa thực hiện”: Bổ sung nội dung phản ánh các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế đã phát sinh nhưng chưa được tính vào doanh thu của kỳ phát sinh và việc kết chuyển hoa hồng vào doanh thu hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm của các kỳ kế toán sau trong một năm tài chính hoặc một chu kỳ kinh doanh 12 tháng.
Bổ sung nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải theo dõi chi tiết các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa được hưởng chờ phân bổ cho hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu quản lý.
- Toàn bộ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết theo quy định của chế độ tài chính hạch toán vào bên Có TK 511 (5113).
- Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải xác định doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng tương ứng với khoản phí nhượng tái bảo hiểm chưa được ghi nhận kỳ này để chuyển sang phân bổ vào các kỳ kế toán sau theo phương pháp trích lập dự phòng phí bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính.
- Định kỳ, doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm xác định và ghi nhận khoản hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng kỳ trước vào doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm kỳ này.
- Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải hạch toán chi tiết doanh thu hoa hồng bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa phân bổ, số đã phân bổ vào doanh thu hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm trong kỳ để làm cơ sở thuyết minh trên báo cáo tài chính theo quy định.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 3387 - “Doanh thu chưa thực hiện”
Bên Nợ:
Các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm đã phân bổ vào doanh thu hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế phát sinh chưa được hưởng.
Số dư bên Có:
Các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa phân bổ vào doanh thu hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm .
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi phát sinh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm (khi hợp đồng bảo hiểm gốc và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trách nhiệm), kế toán phản ánh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng phải thu trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
2. Cuối kỳ kế toán, ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm khoản hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng chuyển kỳ sau, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng chuyển kỳ sau).
3. Định kỳ, kế toán xác định hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng kỳ trước chuyển sang để ghi nhận doanh thu hoa hồng kỳ này, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
Điều 10. Kế toán dự phòng phải trả
Tài khoản 352 - “Dự phòng phải trả”: Dùng để phản ánh các khoản dự phòng phải trả hiện có, tình hình trích lập và sử dụng các khoản dự phòng phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và dự phòng phải trả.
Bổ sung nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Các khoản dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm được lập vào cuối kỳ kế toán quý và cuối kỳ kế toán năm khi lập báo cáo tài chính. Việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phải được thực hiện theo đúng quy định của chế độ tài chính hiện hành.
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xác định các khoản dự phòng nghiệp vụ phải lập cho kỳ kế toán tiếp theo:
+ Trường hợp khoản dự phòng phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng chi phí kinh doanh bảo hiểm (đối với dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) hoặc ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm (đối với dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm).
+ Trường hợp khoản dự phòng phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm (đối với dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) hoặc ghi tăng chi phí kinh doanh bảo hiểm (đối với dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm).
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không được bù trừ các khoản dự phòng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm với dự phòng cho hoạt động nhượng tái bảo hiểm. Các khoản dự phòng này phải được trình bày riêng biệt trên các chỉ tiêu của Bảng cân đối kế toán, trong đó các khoản dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, dự phòng dao động lớn được phản ánh là nợ phải trả; Dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm được phản ánh là tài sản tái bảo hiểm. Đồng thời phải thuyết minh cơ sở và định lượng của số trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập các khoản dự phòng này nếu xác định được.
Tài khoản 352 - “Dự phòng phải trả”, có 4 Tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3521 - “Dự phòng phí chưa được hưởng”;
- Tài khoản 3522 - “Dự phòng bồi thường”;
- Tài khoản 3523 - “Dự phòng dao động lớn”;
- Tài khoản 3524 - “Dự phòng phải trả”.
1. Tài khoản 3521 - “Dự phòng phí chưa được hưởng”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng phí chưa được hưởng theo quy định của chế độ tài chính.
Tài khoản 3521 có 2 Tài khoản cấp 3:
- Tài khoản 35211 - “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”;
- Tài khoản 35212 - “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm”.
1.1. Tài khoản 35211 - “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”:
Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng phí của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng.
Tài khoản này được sử dụng ở doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 35211 - “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”
Bên Nợ:
Giá trị dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm được hoàn nhập ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Giá trị dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập tính vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Có:
Giá trị dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hiện có cuối kỳ.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), khi lập dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm lần đầu tiên, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm).
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý) tiếp theo:
+ Nếu khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412, 62422)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm).
+ Nếu khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412, 62422).
1.2. Tài khoản 35212 - “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập dự phòng phí của hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng.
Tài khoản này được sử dụng ở doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 35212 - “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm”
Bên Nợ:
Giá trị dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm đã lập ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Giá trị dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm được hoàn nhập ghi tăng chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Nợ:
Giá trị dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm hiện có cuối kỳ.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), khi lập dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng lần đầu tiên, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35212 - Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412, 62422).
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý) tiếp theo:
+ Nếu khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35212 - Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412, 62422).
+ Nếu khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412, 62422)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35212 - Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm).
2. Tài khoản 3522 - “Dự phòng bồi thường”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng bồi thường theo quy định của chế độ tài chính.
Tài khoản 3522 có 2 Tài khoản cấp 3:
- Tài khoản 35221 - “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”;
- Tài khoản 35222 - “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm”.
2.1. Tài khoản 35221 - “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng bồi thường của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm.
Tài khoản này được sử dụng ở doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 35221 - “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm”
Bên Nợ:
Giá trị dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm được hoàn nhập ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Giá trị dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập tính vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Có:
Giá trị dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hiện có cuối kỳ.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), khi lập dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm lần đầu tiên, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm).
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý) tiếp theo:
+ Nếu khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm).
+ Nếu khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35221) (Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423).
2.2. Tài khoản 35222 - “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng bồi thường của hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm.
Tài khoản này được sử dụng ở doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 35222 - “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm”
Bên Nợ:
Giá trị dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm đã lập ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Giá trị dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm được hoàn nhập ghi tăng chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Nợ:
Giá trị dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm hiện có cuối kỳ.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), khi lập dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm lần đầu tiên, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423).
- Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý) tiếp theo:
+ Nếu khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423).
+ Nếu khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm đã lập ở cuối kỳ kế toán trước thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413, 62423)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm).
3. Tài khoản 3523 - “Dự phòng dao động lớn”: Dùng để phản ánh tình hình trích lập và sử dụng dự phòng dao động lớn theo quy định của chế độ tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 3523 - “Dự phòng dao động lớn”
Bên Nợ:
Giá trị dự phòng dao động lớn đã sử dụng ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Bên Có:
Giá trị dự phòng dao động lớn được trích lập tính vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ.
Số dư bên Có:
Giá trị dự phòng dao động lớn hiện có cuối kỳ.
Bổ sung phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
- Cuối kỳ kế toán năm, căn cứ vào phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính theo từng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tỷ lệ trích lập theo quy định của chế độ tài chính để xác định số dự phòng dao động lớn cần phải lập (năm đầu tiên), ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6245)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3523 - Dự phòng dao động lớn).
- Căn cứ vào chế độ tài chính, số chi bồi thường của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm nếu được chi từ quỹ dự phòng dao động lớn, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3523 - Dự phòng dao động lớn)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6245).
- Cuối kỳ kế toán năm, căn cứ vào phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính tiếp theo của từng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tỷ lệ trích lập theo quy định của chế độ tài chính để xác định số dự phòng dao động lớn phải trích lập, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6245)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3523 - Dự phòng dao động lớn).
4. Tài khoản 3524 - “Dự phòng phải trả”
Thực hiện tương tự quy định của TK 352 - “Dự phòng phải trả” trong Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Điều 11. Kế toán Quỹ dự trữ bắt buộc
Bổ sung TK 416 - “Quỹ dự trữ bắt buộc”: Dùng để phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, sử dụng quỹ dự trữ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Quỹ dự trữ bắt buộc được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc trích lập và sử dụng quỹ dự trữ bắt buộc thực hiện theo quy định của chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 416 - “Quỹ dự trữ bắt buộc”
Bên Nợ:
Số tiền quỹ dự trữ bắt buộc giảm do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng quỹ dự trữ bắt buộc theo quy định của chế độ tài chính.
Bên Có:
Số tiền quỹ dự trữ bắt buộc tăng do trích lập hàng năm.
Số dư bên Có:
Quỹ dự trữ bắt buộc hiện có cuối kỳ.
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Cuối năm tài chính, xác định số quỹ dự trữ bắt buộc phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận chưa phân phối
Có TK 416 - Quỹ dự trữ bắt buộc.
2. Khi chi sử dụng quỹ dự trữ bắt buộc theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ TK 416 - Quỹ dự trữ bắt buộc
Có các TK liên quan.
Điều 12. Kế toán các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Tài khoản 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”: Bổ sung nội dung phản ánh doanh thu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm: doanh thu phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư và doanh thu hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong một kỳ kế toán.
Bổ sung nguyên tắc hạch toán kế toán tài khoản này
- Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm hạch toán trên TK 511 phải phản ánh chi tiết cho từng loại hoạt động kinh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, bất động sản đầu tư và hoạt động kinh doanh khác. Trong từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải chi tiết theo từng nghiệp vụ bảo hiểm, cho từng đối tượng khách hàng và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải hạch toán doanh thu, các khoản giảm trừ doanh thu liên quan đến từng hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo đúng thời điểm ghi nhận và nội dung quy định trong chế độ tài chính;
- Doanh thu phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm và doanh thu hoa hồng bảo hiểm có thể tăng, giảm khi có sự điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm do khách hàng (bên mua bảo hiểm) thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm. Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm dẫn đến tăng phí bảo hiểm gốc, tăng phí nhận tái bảo hiểm, tăng hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi Nợ các TK 111, 112, 131.../Có TK 511; Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm dẫn đến giảm phí bảo hiểm gốc, giảm phí nhận tái bảo hiểm, giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi Nợ TK 511/Có các TK 111, 112, 131...
- Những khoản hoàn hoặc giảm phí bảo hiểm gốc, hoàn hoặc giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn hoặc giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm là các khoản giảm trừ doanh thu và được theo dõi riêng trên các TK 531 “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm” và TK 532 “Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm”, cuối kỳ kết chuyển vào TK 511 để tính doanh thu thuần.
- Phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm là khoản giảm trừ doanh thu và được theo dõi riêng trên TK 533 “Phí nhượng tái bảo hiểm”, cuối kỳ kết chuyển vào TK 511 để tính doanh thu thuần của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm.
- Các doanh nghiệp nhượng tái và nhận tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu, phí nhượng tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) và doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả (đối với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm) tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý. Cuối năm tài chính, doanh nghiệp nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phải đối chiếu công nợ phải thu, phải trả để đảm bảo ghi nhận doanh thu, chi phí đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo quy định của chế độ tài chính.
Bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của TK 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”
Bên Nợ:
- Kết chuyển các khoản hoàn phí bảo hiểm gốc, hoàn phí nhận tái bảo hiểm, hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ;
- Kết chuyển các khoản giảm phí bảo hiểm gốc, giảm phí nhận tái bảo hiểm, giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ;
- Kết chuyển các khoản phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ;
- Khoản hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng chuyển kỳ sau;
- Kết chuyển doanh thu thuần các hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm và doanh thu thuần hoạt động kinh doanh khác sang TK 911 để xác định kết quả kinh doanh.
Bên Có:
Doanh thu cung cấp dịch vụ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác thực hiện trong một kỳ kế toán.
Tài khoản 511 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 511- “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, có 5 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 5111 - “Doanh thu phí bảo hiểm gốc”: Dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc thực hiện trong kỳ kế toán;
- Tài khoản 5112 -“ Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm thực hiện trong kỳ kế toán;
- Tài khoản 5113 - “Doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm thực hiện trong kỳ kế toán;
- Tài khoản 5117 - “Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư”;
- Tài khoản 5118 -“ Doanh thu hoạt động kinh doanh khác”: Dùng để phản ánh doanh thu, doanh thu thuần các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các khoản thu khác nếu có (như bán vật tư thừa) ngoài phạm vi các khoản doanh thu đã phản ánh ở các TK 5111, 5112, 5113, 5117.
Điều 13. Kế toán các khoản hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm
Tài khoản 531 - “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải trả cho khách hàng hoặc các tổ chức khác như doanh nghiệp nhận tái hoặc doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm,... trong các trường hợp khách hàng (bên mua bảo hiểm) hủy hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Tài khoản 531 phải hạch toán chi tiết các khoản hoàn phí bảo hiểm, hoàn hoa hồng bảo hiểm theo từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc (đối với các khoản hoàn phí bảo hiểm gốc), hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm (đối với các khoản hoàn phí nhận tái bảo hiểm), hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm (đối với các khoản hoàn hoa hồng bảo hiểm). Trong từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải hạch toán chi tiết cho từng loại sản phẩm, nghiệp vụ bảo hiểm.
- Trong kỳ, các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải hoàn trả lại được phản ánh bên Nợ TK 531 “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm”. Cuối kỳ, tổng giá trị các khoản hoàn phí bảo hiểm, hoàn hoa hồng bảo hiểm được kết chuyển sang tài khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ để xác định doanh thu thuần của kỳ báo cáo.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 531 - “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm”
Bên Nợ:
Các khoản hoàn phí bảo hiểm, hoàn hoa hồng bảo hiểm phải trả phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
Kết chuyển các khoản hoàn phí bảo hiểm, hoàn hoa hồng bảo hiểm phải trả phát sinh trong kỳ vào TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để xác định doanh thu thuần trong kỳ báo cáo.
Tài khoản 531 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 531- “Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm”, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 5311 - “Hoàn phí bảo hiểm gốc”: Dùng để phản ánh các khoản hoàn phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ;
- Tài khoản 5312 - “Hoàn phí nhận tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản hoàn phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ;
- Tài khoản 5313 - “Hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ.
Điều 14. Kế toán các khoản giảm phí, hoa hồng bảo hiểm
Tài khoản 532 - “Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm bị giảm do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải trả lại cho khách hàng (bên mua bảo hiểm) trong các trường hợp khi kết thúc hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không xảy ra tai nạn, tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với khách hàng hoặc do duy trì quan hệ lâu năm giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với khách hàng và các trường hợp theo cam kết khác ghi trong hợp đồng.
Nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Chỉ phản ánh vào Tài khoản 532 các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm ngoài hóa đơn sau khi kết thúc hợp đồng, tức là giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm sau khi đã phát hành hóa đơn.
- Không phản ánh vào Tài khoản 532 các khoản phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm giảm do khách hàng thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí bảo hiểm dẫn đến giảm doanh thu phí bảo hiểm và hoa hồng bảo hiểm.
- Tài khoản 532 phải hạch toán chi tiết các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm theo từng loại hình hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc (đối với các khoản giảm phí bảo hiểm gốc), hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm (đối với các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm), hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm (đối với các khoản giảm hoa hồng bảo hiểm). Trong từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải hạch toán chi tiết theo từng loại sản phẩm, nghiệp vụ bảo hiểm.
- Trong kỳ, các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm phát sinh được phản ánh bên Nợ Tài khoản 532 – Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm. Cuối kỳ, tổng giá trị các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm được kết chuyển sang tài khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ để xác định doanh thu thuần của kỳ báo cáo.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 532 - “Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm”
Bên Nợ:
Các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
Kết chuyển các khoản giảm phí bảo hiểm, giảm hoa hồng bảo hiểm phải trả phát sinh trong kỳ vào TK 511 - "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ" để xác định doanh thu thuần trong kỳ báo cáo.
Tài khoản 532 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 532 - “Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm”, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 5321 - “ Giảm phí bảo hiểm gốc”: Dùng để phản ánh các khoản giảm phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ;
- Tài khoản 5322 - “Giảm phí nhận tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ;
- Tài khoản 5323 - “Giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh các khoản giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ.
Điều 15. Kế toán các khoản phí nhượng tái bảo hiểm
Bổ sung Tài khoản 533 - “Phí nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh phí nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
Nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Tài khoản 533 sử dụng ở doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thực hiện hoạt động nhượng tái bảo hiểm. Phí nhượng tái bảo hiểm là khoản điều chỉnh giảm doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm để xác định doanh thu phí bảo hiểm thuần;
- Tài khoản 533 phải theo dõi chi tiết cho hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm của hoạt động bảo hiểm gốc và nhượng tái bảo hiểm của hoạt động nhận tái bảo hiểm;
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải phản ánh tại cùng một thời điểm phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển trả và hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm khi phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết;
- Các doanh nghiệp nhượng tái và nhận tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu, phí nhượng tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) và doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả (đối với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm) tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý. Cuối năm tài chính, doanh nghiệp nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phải đối chiếu công nợ phải thu, phải trả để đảm bảo ghi nhận doanh thu, chi phí đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo quy định của chế độ tài chính.
- Trong kỳ kế toán, số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm khi phát sinh phản ánh vào bên Nợ Tài khoản 533, cuối kỳ kết chuyển toàn bộ số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ sang Tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, để xác định doanh thu phí bảo hiểm thuần thực hiện trong kỳ kế toán;
- Trường hợp khách hàng thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đến tăng phạm vi bảo hiểm làm tăng phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi Nợ TK 533/Có TK 331; Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi Nợ TK 331/Có TK 533.
- Trường hợp phát sinh các khoản hoàn phí bảo hiểm do khách hàng huỷ hợp đồng bảo hiểm hoặc giảm phí bảo hiểm do không xảy ra tai nạn, tổn thất ... theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi Nợ TK 331/Có TK 533.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 533 - “Phí nhượng tái bảo hiểm”
Bên Nợ:
Phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
- Phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trong trường hợp phát sinh các khoản hoàn phí, giảm phí bảo hiểm;
- Kết chuyển toàn bộ số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ sang TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để xác định doanh thu thuần thực hiện trong kỳ kế toán.
Tài khoản 533 không có số dư cuối kỳ.
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
2. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, kế toán phản ánh phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
Đồng thời kế toán phản ánh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng phải thu trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,... (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
3. Trường hợp phải chuyển thêm phí nhượng tái bảo hiểm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm do khách hàng tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Đồng thời kế toán phản ánh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,... (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
4. Trường hợp phải thu lại phí nhượng tái bảo hiểm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm do doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải hoàn phí, giảm phí bảo hiểm hoặc do khách hàng giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Đồng thời kế toán ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm giảm trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp khách hàng giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Trường hợp khách hàng (bên mua bảo hiểm) hoặc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ huỷ hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm (5313)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Trường hợp giảm phí bảo hiểm do không xảy ra tai nạn, tổn thất... theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm (5323)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận được số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,..
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
5. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ sang TK 511 để xác định doanh thu thuần thực hiện trong kỳ kế toán, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Điều 16. Phương pháp kế toán doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm
1. Doanh thu hoạt động bảo hiểm gốc
1.1. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã giao kết với khách hàng (bên mua bảo hiểm) nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
1.2. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc đã phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phản ánh doanh thu phí bảo hiểm gốc, cụ thể như sau:
a. Kế toán phản ánh doanh thu phí bảo hiểm gốc khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết với bên mua bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc khi có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc thoả thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Trường hợp bên mua bảo hiểm đóng đủ phí bảo hiểm)
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Trường hợp bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
b. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận với bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm theo kỳ, kế toán ghi doanh thu là phí bảo hiểm phải thu theo kỳ đóng phí, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Trường hợp đã nhận được tiền phí bảo hiểm từ khách hàng)
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Trường hợp chưa nhận được tiền phí bảo hiểm từ khách hàng)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
c. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thoả thuận với bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm trước nhiều kỳ, kế toán ghi doanh thu là số tiền phải thu của khách hàng tương ứng với phí bảo hiểm phải thu kỳ này và ghi doanh thu chưa thực hiện là số tiền nhận trước các kỳ sau, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Số tiền phí bảo hiểm đã nhận)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (Số phí bảo hiểm đã thu kỳ này) (5111)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (Giá chưa có thuế GTGT) (Số phí bảo hiểm nhận trước cho các kỳ sau)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (Thuế GTGT phải nộp trên tổng số tiền phí bảo hiểm nhận được) (33311) (nếu có).
Đồng thời ghi Có TK 005- Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
- Định kỳ phân bổ số phí bảo hiểm nhận trước tương ứng với số phí bảo hiểm phải thu từng kỳ vào doanh thu phí bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (Tương ứng số phí bảo hiểm phải thu kỳ này)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
1.3. Khi hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005- Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
1.4. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc đã phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phản ánh số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
Đồng thời phản ánh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331- Phải trả cho người bán (Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
1.5. Trường hợp khách hàng (bên mua bảo hiểm) thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết dẫn đến thay đổi phí bảo hiểm, kế toán ghi:
a. Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu số tiền phải thu thêm của khách hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Trường hợp đã nhận được tiền phí bảo hiểm phải thu thêm của khách hàng)
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Trường hợp chưa nhận được tiền phí bảo hiểm phải thu thêm của khách hàng)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
Đồng thời ghi tăng phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331- Phải trả cho người bán.
Đồng thời ghi tăng doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
b. Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phải trả lại cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT) (5111)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 131 (Tổng số tiền thanh toán).
Đồng thời ghi giảm phí nhượng tái bảo hiểm phải thu lại từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Đồng thời ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm nhận được số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
1.6. Khi phát sinh các khoản hoàn phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ huỷ hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, kế toán ghi giảm doanh thu số hoàn phí bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm (Giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Trường hợp đã thanh toán số tiền hoàn phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Trường hợp chưa trả số tiền hoàn phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm).
Đồng thời phản ánh số phí nhượng tái bảo hiểm phải thu lại của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm do hoàn phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Đồng thời ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải hoàn trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm nhận được số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
1.7. Khi phát sinh các khoản giảm phí bảo hiểm do không xảy ra tai nạn, tổn thất ... cho khách hàng theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với bên mua bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền giảm phí bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm (Giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (Tổng số tiền thanh toán) (Trường hợp đã thanh toán số tiền giảm phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Trường hợp chưa trả lại số tiền giảm phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm).
Đồng thời phản ánh số phí nhượng tái bảo hiểm phải thu (nếu có) của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm do giảm phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Đồng thời ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi doanh nghiệp bảo hiểm nhận được số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
1.8. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản phí nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ trừ (-) vào doanh thu phí bảo hiểm gốc thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
1.9. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản hoàn phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ trừ (-) vào doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, kế toán ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm.
1.10. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản giảm phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ trừ (-) vào doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm.
1.11. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
2. Doanh thu nhận tái bảo hiểm
2.1. Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng nhận tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0052).
2.2. Khi hợp đồng nhận tái bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phản ánh doanh thu phí nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112) (Số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng nhận tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0052).
Đồng thời phản ánh hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm trừ vào số phải thu phí nhận tái bảo hiểm).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhận được số tiền phí nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có).
2.3. Trường hợp bên mua bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm dẫn đến thay đổi phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm:
a. Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112).
Đồng thời, ghi tăng chi phí số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả thêm cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với số phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả thêm cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhận được số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm sau khi trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có).
b. Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số phí nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm chi phí số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu lại của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với số phí nhận tái bảo hiểm giảm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trả lại phí nhận tái bảo hiểm giảm sau khi đã trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (Số tiền thực trả doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
2.4. Trường hợp doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng tái bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm dẫn đến thay đổi phí nhận tái bảo hiểm:
a. Trường hợp tăng phạm vi tái bảo hiểm làm tăng phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112).
Đồng thời ghi tăng chi phí số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả thêm cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với số phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả thêm cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhận được số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm sau khi đã trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có).
b. Trường hợp giảm phạm vi tái bảo hiểm làm giảm phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số phí nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm chi phí số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu lại của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với số phí nhận tái bảo hiểm giảm bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trả lại phí nhận tái bảo hiểm giảm sau khi đã trừ (-) hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có)
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
2.5. Khi phát sinh các khoản hoàn phí nhận tái bảo hiểm do bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ huỷ hợp đồng bảo hiểm đã giao kết dẫn đến huỷ hợp đồng nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu phí nhận tái bảo hiểm theo số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải hoàn trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm chi phí số tiền hoa hồng phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với phí nhận tái bảo hiểm phải hoàn trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trả lại phí nhận tái bảo hiểm sau khi đã trừ
(-) số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có)
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
2.6. Khi phát sinh các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm do không xảy ra tai nạn, tổn thất .... theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc với bên mua bảo hiểm dẫn đến giảm phí nhận tái bảo hiểm và hoa hồng nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm chi phí số tiền hoa hồng phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm tương ứng với phí nhận tái bảo hiểm giảm phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424).
- Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm thanh toán phí nhận tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) số tiền hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu phần hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm) (nếu có)
Có các TK 111, 112,… (Số tiền phí nhận tái bảo hiểm thực trả doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm).
2.7. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản hoàn phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ trừ (-) vào doanh thu nhận tái bảo hiểm thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112)
Có TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm.
2.8. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ trừ (-) vào doanh thu nhận tái bảo hiểm thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112)
Có TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm.
2.9. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu thuần sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5112)
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
3. Doanh thu hoạt động nhượng tái bảo hiểm
3.1. Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
3.2. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phản ánh doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng phải thu trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
Đồng thời ghi Có TK 005 - Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0053).
Đồng thời kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phản ánh số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331- Phải trả cho người bán (Số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
3.3. Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có).
3.4. Trường hợp bên mua bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc dẫn đến thay đổi phí bảo hiểm gốc và phí nhượng tái bảo hiểm:
a. Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phản ánh tăng doanh thu hoa hồng phải thu thêm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm tăng phải trả thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Hoa hồng phải thu thêm trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
Đồng thời ghi tăng phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331- Phải trả cho người bán (Số tiền phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có).
b. Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phản ánh giảm doanh thu hoa hồng bảo hiểm phải trả cho của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm giảm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng giảm phải trả trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm được thanh toán số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả lại cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.5. Trường hợp doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng tái bảo hiểm đã giao kết với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm dẫn đến thay đổi phí nhượng tái bảo hiểm:
a. Trường hợp tăng phạm vi tái bảo hiểm làm tăng phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu hoa hồng phải thu thêm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm tăng phải trả thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng phải thu thêm trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
Đồng thời ghi tăng phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331- Phải trả cho người bán (Phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển thêm cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,… (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có).
b. Trường hợp giảm phạm vi tái bảo hiểm làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu hoa hồng bảo hiểm phải trả cho của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm giảm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng giảm phải trả trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm).
Đồng thời ghi giảm phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm được thanh toán số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả lại doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thực nhận từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.6. Khi bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ huỷ hợp đồng bảo hiểm đã giao kết dẫn đến phải hoàn trả phí bảo hiểm, phí nhượng tái bảo hiểm và hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải hoàn trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm do phải hoàn trả phí nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải trả lại doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải thu).
Đồng thời phản ánh phí nhượng tái bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm được thanh toán số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thực thu từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.7. Khi phát sinh các khoản giảm phí bảo hiểm do không xảy ra tai nạn, tổn thất ... theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết dẫn đến giảm phí nhượng tái bảo hiểm và hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, kế toán phản ánh phí nhượng tái bảo hiểm phải thu (nếu có) của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (bao gồm cả thuế nhà thầu) (nếu có), ghi:
Nợ TK 331- Phải trả cho người bán (Phí nhượng tái bảo hiểm giảm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
Đồng thời ghi hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trừ vào phí nhượng tái bảo hiểm phải thu).
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm được thanh toán số tiền phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) số tiền hoa hồng bảo hiểm phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thực thu từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Nợ TK 3338 - Các loại thuế khác (thuế nhà thầu) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.8. Cuối kỳ kế toán, ghi giảm doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm số tiền hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng chờ phân bổ chuyển kỳ sau, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (Số tiền hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa được hưởng chờ phân bổ chuyển kỳ sau).
3.9. Định kỳ, kế toán tính toán, xác định số tiền hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng kỳ trước chuyển sang để phản ánh doanh thu hoa hồng được ghi nhận kỳ này, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (Tương ứng số hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu kỳ này)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
3.10. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản phí nhượng tái bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm.
3.11. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ trừ vào doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, kế toán ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 531 - Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm.
3.12. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ trừ vào doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế phát sinh trong kỳ để xác định doanh thu thuần, kế toán ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 532 - Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm.
3.13. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu thuần sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
Điều 17. Kế toán chi phí kinh doanh bảo hiểm
Bổ sung Tài khoản 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”: Dùng để phản ánh chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Chi phí kinh doanh bảo hiểm gồm toàn bộ các chi phí thực tế liên quan đến thực hiện các hoạt động kinh doanh bảo hiểm như chi thiết kế, xây dựng, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, chi giám định tổn thất, điều tra, thu thập thông tin liên quan đến sự kiện bảo hiểm, chi bồi thường, trích lập dự phòng, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%, chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi đánh giá, giám định rủi ro đối tượng bảo hiểm, chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác bảo hiểm (như hoa hồng bảo hiểm, chi phí liên quan hoạt động bán bảo hiểm, chi quản lý đại lý bảo hiểm, chi tuyển dụng, đào tạo, chi khen thưởng cho đại lý bảo hiểm,…) và các khoản chi khác như chi nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, chi nộp các quỹ khác theo quy định của chế độ tài chính.
Tài khoản này còn dùng để phản ánh chi phí các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm như các chi phí thực hiện các dịch vụ đại lý giám định tổn thất, đại lý xét giải quyết bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn,…
Nguyên tắc hạch toán tài khoản này
- Chỉ phản ánh vào TK 624 –“Chi phí kinh doanh bảo hiểm” các chi phí thực tế phát sinh (đã chi tiền hoặc chưa chi tiền) có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong kỳ kế toán; các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, hoa hồng bảo hiểm chờ phân bổ các kỳ sau, các khoản hoàn nhập dự phòng nghiệp vụ.
- Chi phí kinh doanh bảo hiểm hạch toán trên TK 624 phải phản ánh chi tiết theo từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác. Trong từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải hạch toán chi tiết từng loại nghiệp vụ bảo hiểm theo từng nội dung chi phí theo đúng quy định của chế độ tài chính và yêu cầu quản lý của doanh doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận chi bồi thường và các khoản chi phí khác như chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã giải quyết bồi thường 100%; số thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác như thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, chi phí hoa hồng nhận tái bảo hiểm tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý. Cuối năm tài chính, các doanh nghiệp nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phải đối chiếu công nợ phải thu, phải trả để đảm bảo ghi nhận doanh thu, chi phí đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo quy định của chế độ tài chính.
- Toàn bộ chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ sau khi trừ các khoản ghi giảm chi phí được kết chuyển sang TK 911 – “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định kết quả kinh doanh.
- Chi phí hoạt động kinh doanh dịch vụ khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm như đại lý làm giám định tổn thất, đại lý xét giải quyết bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn,.. dở dang cuối kỳ (nếu có) được kết chuyển sang TK 154 – “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”. Giá thành các dịch vụ này hoàn thành được xác định là bán trong kỳ được kết chuyển sang TK 911 – “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định kết quả kinh doanh.
- TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” không phản ánh các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hoạt động tài chính, chi phí khác.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”
Bên Nợ:
- Chi phí phát sinh trong kỳ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm (gồm bảo hiểm gốc, nhận tái, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác);
- Kết chuyển chi phí các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm dở dang đầu kỳ.
Bên Có:
- Các khoản ghi giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác phát sinh trong kỳ (như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, chi phí hoa hồng bảo hiểm chưa phân bổ chuyển kỳ sau, các khoản hoàn nhập dự phòng nghiệp vụ,…);
- Số chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm được chi từ quỹ dự phòng dao động lớn;
- Kết chuyển chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát sinh trong kỳ sau khi trừ các khoản ghi giảm chi phí sang TK 911 - Xác định kết quả hoạt động kinh doanh;
- Chi phí các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm dở dang cuối kỳ kết chuyển vào Tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”.
- Giá thành thực tế dịch vụ các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm được xác định là bán trong kỳ kết chuyển sang TK 911 - Xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
Tài khoản 624 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 624 - “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”, có 5 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6241 –“Chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc”: Dùng để phản ánh chi phí của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ, gồm chi bồi thường, chi hoa hồng, và các khoản chi phí khác liên quan đến hoạt động khai thác bảo hiểm trích lập dự phòng nghiệp vụ, chi giám định tổn thất, điều tra, thu thập thông tin, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%, chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi đánh giá, giám định rủi ro đối tượng bảo hiểm, chi đề phòng hạn chế tổn thất và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc.
Tài khoản này có 6 tài khoản cấp 3:
Tài khoản 62411- Chi bồi thường;
Tài khoản 62412- Dự phòng phí chưa được hưởng;
Tài khoản 62413- Dự phòng bồi thường;
Tài khoản 62414- Chi hoa hồng;
Tài khoản 62417- Chi quản lý đại lý bảo hiểm;
Tài khoản 62418- Chi khác về kinh doanh bảo hiểm gốc.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được mở các tài khoản cấp 3, cấp 4 để phản ánh các nội dung chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc ngoài nội dung các khoản chi phí đã phản ánh trên các tài khoản TK 62411, 62412, 62413, 62414, 62417 và TK 62418 theo quy định của chế độ tài chính và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6242 – “Chi phí kinh doanh nhận tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh chi phí của hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm gồm chi bồi thường, trích lập dự phòng nghiệp vụ, chi hoa hồng, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%, chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi đánh giá, giám định rủi ro đối tượng bảo hiểm, và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm.
Tài khoản này có 5 tài khoản cấp 3:
Tài khoản 62421- Chi bồi thường;
Tài khoản 62422- Dự phòng phí chưa được hưởng;
Tài khoản 62423- Dự phòng bồi thường;
Tài khoản 62424- Chi hoa hồng;
Tài khoản 62428- Chi khác về kinh doanh nhận tái bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được mở các tài khoản cấp 3, cấp 4 để phản ánh các nội dung chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc ngoài nội dung các khoản chi phí đã phản ánh trên các tài khoản TK 62421, 62422, 62423, 62424 và TK 62418 theo quy định của chế độ tài chính và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6243 - “Chi phí kinh doanh nhượng tái bảo hiểm”: Dùng để phản ánh chi phí của hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm.
- Tài khoản 6245 - “Dự phòng dao động lớn”: Dùng để phản ánh chi phí trích lập dự phòng dao động lớn của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
- Tài khoản 6248 - “Chi phí hoạt động kinh doanh khác”: Dùng để phản ánh chi phí cho các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các chi phí hoạt động kinh doanh khác ngoài nội dung các khoản chi phí đã phản ánh ở các TK 6241, 6242, 6243 và 6245.
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc
1.1. Khi phát sinh các chi phí liên quan đến giám định tổn thất, điều tra, thu thập thông tin liên quan đến sự kiện bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
1.2. Khi xác định được số tiền bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm gốc mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải trả cho đối tượng được bảo hiểm khi xảy ra tai nạn tổn thất. Căn cứ vào các chứng từ có liên quan, kế toán phản ánh số tiền phải chi bồi thường, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Nếu chưa trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm)
Có các TK 111,112,… (Nếu đã thanh toán tiền bồi thường cho người được bảo hiểm).
Khi phát sinh các khoản phải thu bồi thường tương ứng với phần trách nhiệm phí bảo hiểm đã nhượng tái của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm và ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411).
1.3. Khi chi trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111,112,...
1.4. Khi phát sinh các khoản chi phí của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc mà doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chi sau đó phải thu lại của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm theo thoả thuận đã giao kết trong hợp đồng nhượng tái bảo hiểm như chi giám định, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%, chi đòi người thứ ba bồi hoàn và các khoản chi khác, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
Khi phát sinh các khoản ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm như chi giám định, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%, chi đòi người thứ ba bồi hoàn và các khoản chi khác, …phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm phí bảo hiểm đã nhượng tái và ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411).
1.5. Khi số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn xác định được một cách đáng tin cậy, căn cứ vào các chứng từ có liên quan, kế toán ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm toàn bộ số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (Toàn bộ số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn) (62411)
Khi phát sinh số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm phí bảo hiểm đã nhượng tái, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm từ số phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn).
1.6. Khi thu hồi được hàng đã xử lý bồi thường 100%, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có trách nhiệm theo dõi chi tiết về mặt hiện vật trên sổ kế toán toàn bộ số hàng thu hồi được cho đến khi bán hoặc thanh lý. Khi xác định được số phải thu về hàng đã xử lý bồi thường 100%, kế toán ghi giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm toàn bộ số phải thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời phản ánh số phải thu hàng đã xử lý bồi thường 100% phải trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số phải trả doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm từ số phải thu về hàng đã xử lý bồi thường 100%) (3311).
1.7. Khi phát sinh các khoản chi về đánh giá, giám định rủi ro đối tượng bảo hiểm, chi đề phòng, hạn chế tổn thất,… ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62418)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
1.8. Khi mua sắm tài sản, thiết bị trang bị cho đối tượng được bảo hiểm để đề phòng hạn chế tổn thất, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62418)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,… (Trường hợp mua tài sản, thiết bị trang bị ngay cho đối tượng được bảo hiểm)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (Trường hợp xuất kho tài sản, thiết bị trang bị cho đối tượng được bảo hiểm).
1.9. Khi tính, trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tính trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm gốc theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62418)
Có các TK 111, 112,...
1.10. Khi tính, trích nộp các quỹ phòng cháy chữa cháy, quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62418)
Có các TK 111, 112,...
1.11. Kế toán chi phí khai thác bảo hiểm:
a. Khi xác định được số phải trả về hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới theo hợp đồng đã giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định của chế độ tài chính:
- Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 112, 331,…
- Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thuộc đối tượng không được khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 -Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
- Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT, kế toán phản ánh số thuế GTGT phải thu của nhà thầu được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 -Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
b. Khi xác định được hoa hồng phải trả cho các đại lý bảo hiểm là tổ chức hoặc cá nhân theo quy định của chế độ tài chính:
- Trường hợp đại lý bảo hiểm là tổ chức, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
- Trường hợp đại lý bảo hiểm là cá nhân, ghi:
+ Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trả tiền ngay cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có các TK 111, 112,...
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
+ Khi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa trả tiền hoa hồng cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Khi trả tiền cho các đại lý bảo hiểm:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,...
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
c. Khi phát sinh các khoản chi quản lý đại lý như chi tuyển dụng, đào tạo ban đầu, thi cấp chứng chỉ đại lý, chi đào tạo nâng cao kiến thức và chi hỗ trợ cho đại lý, … ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62417)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
d. Khi phát sinh các khoản chi khen thưởng cho các đại lý bảo hiểm là tổ chức hoặc cá nhân, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62417)
Có các TK 111,112,…
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân (trường hợp đại lý bảo hiểm là cá nhân).
đ. Khi phát sinh tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản khác phải trả cho nhân viên bộ phận bán bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
- Trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên bộ phận bán bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (Phần khấu trừ vào lương)
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (phần tính vào chi phí)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
e. Khi phát sinh tiền thuê văn phòng và các TSCĐ phục vụ cho đại lý, hoặc phục vụ cho hoạt động bán bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (Chi tiết theo yêu cầu quản lý)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
f. Trích khấu hao TSCĐ phục vụ cho đại lý, hoặc phục vụ cho hoạt động bán bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
1.12. Khi phát sinh các chi phí quản lý chung không xác định được cụ thể, rõ ràng cho hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
1.13. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiến hành tính toán, phân bổ phần chi phí khai thác bảo hiểm được phân bổ vào chi phí kinh doanh bảo hiểm trong kỳ, ghi:
Nợ TK 624 – Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp.
1.14. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm gốc phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính:
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng bồi thường đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái BH) (chi tiết dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc).
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường phải lập cho kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng bồi thường đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35221- Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc).
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413).
1.15. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng bồi thường của hợp đồng nhượng tái bảo hiểm phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính:
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413).
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phải lập cho kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62413)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả ((35222 - Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm).
1.16. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng phí chưa được hưởng của hợp đồng bảo hiểm gốc phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính:
- Nếu các khoản dự phòng phí chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng phí chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35211-Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng phí bảo hiểm gốc).
- Nếu các khoản dự phòng phí chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng phí chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35211-Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng phí bảo hiểm gốc)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412).
1.17. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng phí chưa được hưởng của các hợp đồng nhượng tái bảo hiểm phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính:
- Nếu các khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35212- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412).
- Nếu các khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62412)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35212- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm).
1.18. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xác định và ghi giảm chi phí hoa hồng bảo hiểm để chuyển sang phân bổ vào các kỳ kế toán sau, ghi:
Nợ TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414).
1.19. Định kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xác định và phân bổ hoa hồng bảo hiểm vào chi phí kinh doanh bảo hiểm kỳ này:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn.
1.20. Cuối kỳ, kết chuyển chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm.
2. Chi phí hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm
2.1. Căn cứ vào thông báo của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm về số tiền bồi thường thuộc phần trách nhiệm nhận tái bảo hiểm và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh số tiền phải trả về chi bồi thường nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62421)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
2.2. Khi chi trả tiền bồi thường cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,…
2.3. Khi nhận được thông báo của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm về các khoản phải trả về chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% và các khoản chi khác (nếu có), căn cứ vào các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6242)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
2.4. Khi phát sinh các khoản chi của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm về đánh giá, giám định rủi ro của đối tượng bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62428)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
2.5. Khi phát sinh các khoản phải thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100% của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, căn cứ vào thông báo của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6242).
Khi thu được tiền từ doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
2.6. Kế toán chi phí khai thác bảo hiểm
2.6.1. Khi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm xác định được số tiền hoa hồng phải trả cho doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm trừ (-) vào số phí nhận tái bảo hiểm phải thu theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
2.6.2. Kế toán các khoản chi phí khác liên quan đến khai thác bảo hiểm khi phát sinh ở doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hạch toán tương tự như đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc, đã trình bầy ở phần 1 điều này.
2.7. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng bồi thường của các hợp đồng nhận tái bảo hiểm phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng bồi thường đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62423)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng bồi thường nhận tái bảo hiểm).
- Nếu các khoản dự phòng bồi thường phải lập cho kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng bồi thường đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35221 - Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm)(chi tiết dự phòng bồi thường nhận tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62423).
2.8. Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), căn cứ vào các khoản dự phòng phí chưa được hưởng của hợp đồng nhận tái bảo hiểm phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
- Nếu các khoản dự phòng phí nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này lớn hơn các khoản dự phòng phí nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì phải trích lập thêm số chênh lệch lớn hơn, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62422)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng phí nhận tái bảo hiểm).
- Nếu các khoản dự phòng phí nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng phải lập kỳ kế toán này nhỏ hơn các khoản dự phòng phí nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng đã trích lập kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (35211 - Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm) (chi tiết dự phòng phí nhận tái bảo hiểm)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62422).
2.9. Cuối kỳ kế toán, xác định và ghi giảm chi phí hoa hồng bảo hiểm để chuyển sang phân bổ vào kỳ kế toán sau, ghi:
Nợ TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424).
2.10. Định kỳ, xác định và phân bổ hoa hồng vào chi phí kinh doanh bảo hiểm kỳ này, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62424)
Có TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn.
2.11. Cuối kỳ, kết chuyển chi phí hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6242).
3. Chi phí hoạt động kinh doanh nhượng tái BH
3.1. Khi phát sinh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm, căn cứ vào các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6243)
Có các TK 111, 112, 141, 331,…
3.2. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6243).
4. Dự phòng dao động lớn
4.1. Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào các khoản dự phòng dao động lớn phải trích lập theo quy định của chế độ tài chính, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6245)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3523- Dự phòng dao động lớn).
4.2. Căn cứ vào chế độ tài chính, số chi bồi thường của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm nếu được chi từ quỹ dự phòng dao động lớn, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3523 - Dự phòng dao động lớn)
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6245).
5. Chi phí các hoạt động kinh doanh khác
5.1. Đầu kỳ kế toán, kết chuyển chi phí các hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí hoạt động kinh doanh khác dở dang đầu kỳ (nếu có) vào bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”, ghi:
Nợ TK 624 – Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6248)
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
5.2. Khi phát sinh các chi phí hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm như chi phí làm dịch vụ đại lý giám định tổn thất, đại lý xét giải quyết bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn,…, và các chi phí hoạt động kinh doanh khác, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6248)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
5.3. Cuối kỳ kế toán, chi phí hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các chi phí hoạt động kinh doanh khác dở dang cuối kỳ (nếu có) kết chuyển vào bên Nợ TK 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 624 – Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6248).
5.4. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển giá thành dịch vụ của các hoạt động kinh doanh khác hoàn thành được xác định là bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (6248).
1. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
1.1. Khi chi trả hoa hồng bảo hiểm của các dịch vụ kinh doanh bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước hoặc đại lý bảo hiểm là tổ chức, căn cứ vào hóa đơn GTGT của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước hoặc đại lý bảo hiểm và các chứng từ có liên quan, kế toán phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
1.2. Khi phát sinh các khoản chi bồi thường cho người được bảo hiểm của các dịch vụ kinh doanh bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, căn cứ hóa đơn GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT và các chứng từ có liên quan, nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Nếu chưa trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm)
Có các TK 111,112,… (Nếu đã thanh toán tiền bồi thường cho người được bảo hiểm).
1.3. Khi phát sinh các chi phí liên quan các dịch vụ kinh doanh bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, căn cứ hóa đơn GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT và các chứng từ có liên quan, nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,...
1.4. Khi mua sắm tài sản, thiết bị trang bị cho đối tượng được bảo hiểm để đề phòng hạn chế tổn thất liên quan đến các dịch vụ kinh doanh bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, căn cứ vào hóa đơn GTGT của nhà cung cấp và các chứng từ liên quan, nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62418) (Trường hợp mua tài sản, thiết bị trang bị ngay cho đối tượng được bảo hiểm)
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (Trường hợp nhập kho tài sản, thiết bị)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,…
1.5. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mua sắm, sửa chữa lớn TSCĐ sử dụng đồng thời cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT hoặc phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ở cho người lao động,… thì thuế GTGT đầu vào được khấu trừ toàn bộ, ghi:
Nợ các TK 211, 213 (Trường hợp mua sắm TSCĐ)
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (Trường hợp đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sửa chữa lớn TSCĐ)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112, 331,…
1.6. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ dùng đồng thời cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT:
Về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải hạch toán trực tiếp vào giá trị vật tư, hàng hóa, dịch vụ mua vào tùy theo từng trường hợp cụ thể:
Khi mua vật tư, hàng hóa, dịch vụ dùng đồng thời cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT nhưng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 624, 642,… (Giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331,…
1.7. Cuối kỳ, tính toán và xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng với tỷ lệ doanh thu dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT trên tổng doanh thu phát sinh trong kỳ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, kế toán phản ánh số thuế GTGT được khấu trừ:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
1.8. Đồng thời, kế toán phản ánh số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ ghi:
Nợ các TK 624, 642
Nợ các TK 142, 242 (Trường hợp số thuế GTGT không được khấu trừ có giá trị lớn phải phân bổ dần vào các kỳ kế toán sau)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
2. Thuế GTGT đầu ra
2.1. Khi phát sinh doanh thu của các dịch vụ kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ khác thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, căn cứ hóa đơn GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh số thuế GTGT đầu ra phải nộp:
Nợ các TK 111, 112, 131,… (Tổng số tiền thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
2.2. Khi phát sinh các khoản phải thu ghi giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc như thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
3. Thuế thu nhập cá nhân
3.1. Khi phát sinh hoa hồng phải trả cho các đại lý bảo hiểm là cá nhân, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trả tiền ngay cho các đại lý bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có các TK 111, 112,…
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa trả tiền hoa hồng cho đại lý bảo hiểm là cá nhân, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62414)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Khi trả tiền cho đại lý bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,…
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
3.3. Khi phát sinh các khoản chi khen thưởng cho đại lý bảo hiểm là cá nhân, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62417)
Có các TK 111,112,…
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
4. Thuế nhà thầu
4.1. Khi hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, kế toán phản ánh phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, căn cứ vào bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 533 - Phí nhượng tái bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm sau khi đã trừ (-) hoa hồng bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,... (Số tiền thực trả cho doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm)
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
4.2. Khi phát sinh số phải trả về hoa hồng bảo hiểm cho doanh nghiệp môi giới theo hợp đồng đã giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thuộc đối tượng không được khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, kế toán phản ánh số thuế nhà thầu phải nộp, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 -Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
- Trường hợp phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT, kế toán phản ánh số thuế GTGT phải thu của nhà thầu được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Khi trả tiền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 -Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
4.3. Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý doanh nghiệp hoặc hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn TSCĐ,… , phải trả người bán, người cung cấp hoặc nhà thầu nước ngoài, kế toán phản ánh số thuế nhà thầu phải nộp, ghi:
Nợ các TK 241, 624, 642
Có các TK 111, 112, 331,…
Có TK 3338 - Các loại thuế khác (Chi tiết thuế nhà thầu) (nếu có).
Điều 19. Kế toán hoạt động đồng bảo hiểm
Khi phát sinh các hoạt động đồng bảo hiểm trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm uỷ quyền cho một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (gọi tắt là doanh nghiệp đứng đầu) ký hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, thu toàn bộ phí bảo hiểm (bao gồm cả thuế GTGT), chi bồi thường và các khoản chi phí khác. Sau đó phải trả phí bảo hiểm theo mức rủi ro đã phân chia cho các doanh nghiệp khác tham gia đồng bảo hiểm và phải thu khoản chi bồi thường và chi phí khác thuộc phần trách nhiệm từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm theo hợp đồng đồng bảo hiểm đã giao kết.
Nguyên tắc kế toán hoạt động đồng bảo hiểm
- Doanh nghiệp đứng đầu phản ánh toàn bộ khoản phí bảo hiểm (bao gồm cả thuế GTGT) phải thu của khách hàng (bên mua bảo hiểm) vào bên Nợ TK 131 “Phải thu của khách hàng”.
- Khi xác định số phí bảo hiểm phải trả cho các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp đứng đầu phản ánh vào bên Có TK 331 “Phải trả cho người bán” (chi tiết phải trả cho từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm).
- Khi xác định số phải thu về chi bồi thường và các chi phí khác của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, kế toán phản ánh vào bên Nợ TK 131 “Phải thu của khách hàng” (chi tiết phải thu của từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm).
- Việc kê khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với hoạt động đồng bảo hiểm được phản ánh vào các tài khoản có liên quan theo đúng quy định về pháp luật thuế GTGT.
- Doanh nghiệp đứng đầu và các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm phải tiến hành thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo tất cả doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm đều ghi nhận doanh thu, chi phí theo đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết chậm nhất trong kỳ kế toán quý. Cuối năm tài chính, doanh nghiệp đứng đầu và các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm phải tiến hành đối chiếu, kiểm tra để đảm bảo ghi nhận doanh thu và chi phí phản ánh theo đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Kế toán đối với doanh thu phí bảo hiểm
1.1. Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp đứng đầu và khách hàng (bên mua bảo hiểm) nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp đứng đầu và doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
1.2. Khi phát sinh trách nhiệm đối với hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp đứng đầu và khách hàng (bên mua bảo hiểm), kế toán doanh nghiệp đứng đầu ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm được hưởng và phản ánh phí bảo hiểm phải trả cho các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm theo tỷ lệ phí bảo hiểm phân chia trong hợp đồng đồng bảo hiểm đã giao kết, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111) (số phí bảo hiểm doanh nghiệp đứng đầu được hưởng)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Chi tiết cho từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm) (số phí bảo hiểm phải trả cho các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm)
Có TK 3331 - Thuế GTGT đầu ra (nếu có).
Đồng thời, kế toán ghi Có TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
1.3. Khi phát sinh trách nhiệm đối với các hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đứng đầu đã giao kết với các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, căn cứ vào các chứng từ có liên quan về tiền phí bảo hiểm được hưởng và thuế GTGT (nếu có), kế toán doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm phản ánh doanh thu phí bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp đứng đầu, ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (Chi tiết doanh nghiệp đứng đầu)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Đồng thời, kế toán ghi Có TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051).
2. Kế toán chi bồi thường và các khoản chi phí khác
2.1. Khi xảy ra tai nạn, tổn thất làm phát sinh các khoản chi bồi thường và các khoản chi khác, doanh nghiệp đứng đầu được ủy quyền đứng ra giải quyết, thanh toán và xác định chi phí cho từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm theo tỷ lệ phí bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm bồi thường của từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, kế toán doanh nghiệp đứng đầu ghi nhận số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp đứng đầu và phản ánh số phải thu về chi bồi thường, các chi phí khác của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 624 - Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411) (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp đứng đầu)
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường phải thu của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (Số tiền chi bồi thường và các khoản chi khác phải trả khi xảy ra tai nạn, tổn thất).
2.2. Khi các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm nhận được thông báo của doanh nghiệp đứng đầu về số chi bồi thường và các khoản chi khác phải trả, căn cứ vào thông báo và các chứng từ có liên quan, kế toán doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm ghi:
Nợ TK 624 – Chi phí kinh doanh bảo hiểm (62411) (số tiền bồi thường và các khoản chi khác thuộc trách nhiệm bồi thường các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm phải trả)
Có TK 331 – Phải trả cho người bán (Chi tiết doanh nghiệp đứng đầu).
Có các TK 111, 112,...
Điều 20. Kế toán các hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm
Bổ sung Tài khoản 005 - “Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”:
Dùng để phản ánh doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã giao kết với khách hàng nhưng chưa phát sinh trách nhiệm.
Tài khoản 005 phải hạch toán chi tiết cho hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm nhưng chưa đến kỳ thu phí bảo hiểm theo quy định của chế độ tài chính.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 005 - “Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”
Bên Nợ
Doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm.
Bên Có
Doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm.
Số dư bên Nợ:
Doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm hiện có của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Tài khoản 005 - “Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”, có 3 tài khoản cấp 2:
- TK 0051 - “Hợp đồng bảo hiểm gốc chưa phát sinh trách nhiệm”: Doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm gốc chưa phát sinh trách nhiệm;
- TK 0052 - “Hợp đồng nhận tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”: Doanh thu của các hợp đồng nhận tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm;
- TK 0053 - “Hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm”:
Doanh thu của các hợp đồng nhượng tái bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm.
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã giao kết với khách hàng hoặc hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhưng chưa phát sinh trách nhiệm, ghi:
Nợ TK 005 - Hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm (0051, 0053).
2. Khi hợp đồng bảo hiểm gốc, hợp đồng nhận tái bảo hiểm và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, kế toán doanh nghiệp bảo hiểm gốc, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm ngoài việc ghi Có TK 005 còn phải ghi các bút toán trên các tài khoản trong Bảng Cân đối kế toán để phản ánh các nghiệp vụ như đã hướng dẫn ở các Điều 15, Điều 16, Điều 19 của Thông tư này.
Điều 21. Hệ thống báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính giữa niên độ.
1. Báo cáo tài chính năm
Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm 4 biểu báo cáo sau:
- Bảng Cân đối kế toán Mẫu số B 01 - DNPNT
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B 02 - DNPNT
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B 03 - DNPNT
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính Mẫu số B 09 - DNPNT
2. Báo cáo tài chính giữa niên độ
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải lập 4 biểu báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ như sau:
- Bảng Cân đối kế toán giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B 01a - DNPNT
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B 02a - DNPNT
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B 03a - DNPNT
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc: Mẫu số B 09a - DNPNT
Điều 22. Mẫu báo cáo tài chính áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
1. Mẫu báo cáo tài chính năm (Xem Phụ lục số 02)
2. Mẫu báo cáo tài chính giữa niên độ (Xem Phụ lục số 02)
Các mẫu Báo cáo tài chính giữa niên độ (dạng đầy đủ) áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giống như mẫu Báo cáo tài chính giữa niên độ (dạng đầy đủ) ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006. Các chỉ tiêu trong từng báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ giống như báo cáo tài chính năm ban hành tại Thông tư này.
Điều 23. Nội dung và phương pháp lập Báo cáo tài chính
1. Nội dung và phương pháp lập Bảng Cân đối kế toán (Mẫu số B 01 - DNPNT) (Xem phụ lục 02).
Thông tư này hướng dẫn nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu liên quan đến đặc thù của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Các chỉ tiêu (khoản mục) khác, doanh nghiệp thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp).
Phải thu khách hàng (Mã số 131)
Là chỉ tiêu phản ánh số tiền còn phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và phải thu khác của khách hàng có thời hạn thanh toán dưới 1 năm tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải thu khách hàng” căn cứ vào tổng số dư Nợ chi tiết TK 131 “Phải thu của khách hàng” mở theo từng khách hàng thuộc đối tượng phải thu trên sổ kế toán chi tiết TK 131, chi tiết các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Mã số 131 = Mã số 131.1 + Mã số 131.2
Phải thu về hợp đồng bảo hiểm (Mã số 131.1)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thời hạn thanh toán dưới 1 năm tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải thu về hợp đồng bảo hiểm” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 131 “Phải thu của khách hàng” trên sổ kế toán TK 131.
Phải thu khác của khách hàng (Mã số 131.2)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải thu khác từ các đối tượng liên quan tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải thu khác của khách hàng” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 131 “Phải thu của khách hàng” trên sổ kế toán chi tiết TK 131, chi tiết các khoản phải thu ngắn hạn khác của khách hàng.
Chi phí trả trước ngắn hạn (Mã số 151)
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí hoa hồng bảo hiểm chưa phân bổ và chi phí trả trước ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước ngắn hạn” căn cứ vào số dư Nợ TK 142 “Chi phí trả trước ngắn hạn” trên sổ kế toán TK 142.
Mã số 151 = Mã số 151.1 + Mã số 151.2
Chi phí hoa hồng chưa phân bổ (Mã số 151.1)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản chi phí phí hoa hồng bảo hiểm phải trả thực tế đã phát sinh nhưng chưa được phân bổ vào chi phí kinh doanh bảo hiểm của kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Chi phí hoa hồng chưa phân bổ” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 142 “Chi phí trả trước ngắn hạn” trên sổ kế toán TK 142, chi tiết chi phí hoa hồng bảo hiểm chưa phân bổ.
Chi phí trả trước ngắn hạn khác (Mã số 151.2)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã thanh toán cho một số khoản chi phí nhưng đến cuối kỳ kế toán chưa được tính vào chi phí kinh doanh bảo hiểm của năm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước ngắn hạn khác” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 142 “Chi phí trả trước ngắn hạn” trên sổ kế toán chi tiết TK 142 sau khi trừ (-) chi phí hoa hồng chưa phân bổ đã được phản ánh ở Mã số 151.1.
Tài sản tái bảo hiểm (Mã số 190)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “ Tài sản tái bảo hiểm” căn cứ vào số dư Nợ các TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm”, TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” trên sổ kế toán chi tiết các TK 35212, TK 35222.
Mã số 190 = Mã số 191 + Mã số 192
Phải thu dài hạn khác (Mã số 218)
Là chỉ tiêu phản ánh số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mang đi ký quỹ bảo hiểm theo quy định và các khoản phải thu dài hạn khác từ các đối tượng có liên quan tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải thu dài hạn khác” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết các TK 138 “Phải thu khác”, TK 244 “Ký quỹ, ký cược dài hạn”, TK 338 “Phải trả, phải nộp khác” trên sổ kế toán chi tiết các TK 138, 244, 338, chi tiết các khoản phải thu dài hạn.
Mã số 218 = Mã số 218.1 + Mã số 218.2
Ký quỹ bảo hiểm (Mã số 218.1)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ký quỹ bảo hiểm dài hạn theo quy định tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Ký quỹ bảo hiểm” căn cứ vào số dư Nợ TK 2441 “Ký quỹ bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 2441.
Phải thu dài hạn khác (Mã số 218.2)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu khác từ các đối tượng có liên quan được xếp vào loại tài sản dài hạn, các khoản ứng trước cho người bán dài hạn (nếu có).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải thu dài hạn khác” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết các TK 138 “Phải thu khác”, TK 338 “Phải trả, phải nộp khác” , TK 244 “Ký quỹ, ký cược dài hạn”, sau khi trừ (-) khoản ký quỹ bảo hiểm đã được phản ánh ở Mã số 218.1 trên sổ kế toán chi tiết các TK 138, 338 và trên sổ kế toán TK 2448 (chi tiết các khoản phải thu dài hạn).
Phải trả người bán (Mã số 312)
Là chỉ tiêu phản ánh số tiền còn phải trả cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và phải trả khác cho người bán có thời hạn thanh toán dưới 1 năm hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải trả người bán” là số dư Có chi tiết TK 331 “Phải trả người bán” được phân loại là ngắn hạn mở theo từng người bán thuộc đối tượng phải trả trên sổ kế toán chi tiết TK 331, chi tiết các khoản phải trả ngắn hạn cho người bán.
Mã số 312 = Mã số 312.1 + Mã số 312.2
Phải trả về hợp đồng bảo hiểm (Mã số 312.1)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thời hạn thanh toán dưới 1 năm hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải trả về hợp đồng bảo hiểm” căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 331 “Phải trả người bán” trên sổ kế toán chi tiết TK 331.
Phải trả khác cho người bán (Mã số 312.2)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả khác cho người bán tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải trả khác cho người bán” căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 331 “Phải trả người bán” trên sổ kế toán chi tiết TK 331, chi tiết các khoản phải trả ngắn hạn khác cho người bán.
Doanh thu hoa hồng chưa được hưởng (Mã số 319.1)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoa hồng thực tế đã phát sinh nhưng chưa được hưởng nên chưa ghi nhận vào doanh thu trong kỳ tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu hoa hồng chưa được hưởng” căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 3387 “Doanh thu chưa thực hiện” (chi tiết doanh thu hoa hồng chưa được hưởng) trên sổ kế toán chi tiết TK 3387.
Dự phòng phải trả ngắn hạn (Mã số 320)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng phải trả ngắn hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng phải trả ngắn hạn” là số dư Có chi tiết TK 3524 “Dự phòng phải trả” (Chi tiết các khoản dự phòng cho các khoản phải trả ngắn hạn) trên sổ kế toán TK 3524.
Dự phòng nghiệp vụ (Mã số 329)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh các khoản dự phòng nghiệp vụ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo.
Mã số 329 = Mã số 329.1 + Mã số 329.2 + Mã số 329.3
Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (Mã số 329.1):
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm" là số dư Có TK 35211 “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” trên sổ kế toán chi tiết TK 35211.
Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (Mã số 329.2):
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm" là số dư Có TK 35221 “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” trên sổ kế toán chi tiết TK 35221.
Dự phòng dao động lớn (Mã số 329.3):
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản dự phòng dao động lớn hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng dao động lớn" là số dư Có TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” trên sổ kế toán chi tiết TK 3523.
Dự phòng phải trả dài hạn (Mã số 337)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng phải trả dài hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng phải trả dài hạn” là số dư Có chi tiết TK 3524 “Dự phòng phải trả” (Chi tiết các khoản dự phòng phải trả dài hạn) trên sổ kế toán TK 3524.
Doanh thu chưa thực hiện (Mã số 338)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện” căn cứ vào số dư Có TK 3387 “Doanh thu chưa thực hiện” sau khi trừ (-) khoản doanh thu hoa hồng chưa được hưởng đã được phản ánh ở mã số 319.1.
Quỹ dự trữ bắt buộc (Mã số 419)
Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ dự trữ bắt buộc chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ dự trữ bắt buộc” là số dư Có TK 416 “Quỹ dự trữ bắt buộc” trên sổ kế toán TK 416.
2. Nội dung và phương pháp lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B 02- DNPNT.
Thông tư này hướng dẫn nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu (khoản mục) có sửa đổi, bổ sung để ghi số liệu vào cột 4 “Năm nay” của báo cáo này năm nay. Các chỉ tiêu (khoản mục) không có sửa đổi, bổ sung được lập theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp).
- Số liệu ghi vào cột 5 “Năm trước” phần I và phần II của báo cáo này năm nay được căn cứ vào số liệu ghi ở cột 4 “Năm nay” của từng chỉ tiêu tương ứng của phần I và phần II báo cáo này năm trước.
- Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu ghi vào cột 4 “Năm nay”, như sau:
Phần I- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp: Các chỉ tiêu của phần này được lập căn cứ vào các chỉ tiêu tương ứng của phần II- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo hoạt động dưới đây.
Phần II- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo hoạt động
Doanh thu phí bảo hiểm (Mã số 01)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản, gồm: giảm phí bảo hiểm gốc, giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm gốc, hoàn phí nhận tái bảo hiểm và chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Mã số 01 = Mã số 01.1 + Mã số 01.2 - Mã số 01.3
Phí bảo hiểm gốc (Mã số 01.1)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số doanh thu phí bảo hiểm gốc sau khi trừ (-) các khoản giảm phí bảo hiểm gốc, hoàn phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Có của TK 5111 "Doanh thu phí bảo hiểm gốc" trừ (-) luỹ kế số phát sinh Có của các TK 5311- "Hoàn phí bảo hiểm gốc", TK 5321 "Giảm phí bảo hiểm gốc" và các TK 111,112, 131 (Chi tiết giảm phí bảo hiểm gốc do giảm phạm vi hợp đồng) đối ứng với bên Nợ TK 5111 trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán các TK 5111, 5311, 5321, 111, 112, 131…
Phí nhận tái bảo hiểm (Mã số 01.2)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số doanh thu phí nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Có của TK 5112 "Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm" trừ (-) luỹ kế số phát sinh Có của các TK 5312- "Hoàn phí nhận tái bảo hiểm ", TK 5322 "Giảm phí nhận tái bảo hiểm" và các TK 111,112, 131 (Chi tiết giảm phí nhận tái bảo hiểm do giảm phạm vi hợp đồng) đối ứng với bên Nợ TK 5112 trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán các TK 5112, 5312, 5322, 111, 112, 131…
Tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (Mã số 01.3)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng, là số chênh lệch giữa số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm năm trước chuyển sang.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp tăng là số trích bổ sung căn cứ vào số phát sinh Có của TK 35211 “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (TK 62412, 62422) trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 35211.
Đối với trường hợp giảm là số ghi giảm chi phí căn cứ vào số phát sinh Nợ của TK 35211 “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62412, 62422) trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 35211, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...)
Phí nhượng tái bảo hiểm (Mã số 02)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ sau khi trừ (-) khoản chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm.
Mã số 02 = Mã số 02.1 - Mã số 02.2
Tổng phí nhượng tái bảo hiểm (Mã số 02.1)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển cho các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh Có của TK 533 "Phí nhượng tái bảo hiểm" đối ứng với bên Nợ TK 511- "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ" (5111, 5112) trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 533.
Tăng (giảm) dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm (Mã số 02.2)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm, là số chênh lệch giữa số dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm năm trước chuyển sang.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp tăng là số trích bổ sung căn cứ vào số phát sinh Nợ của TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62412, 62422) trên sổ kế toán TK 35212.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp giảm căn cứ vào số phát sinh
Có của TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62412, 62422) trên sổ kế toán TK 35212, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Doanh thu phí bảo hiểm thuần (Mã số 03)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số doanh thu phí bảo hiểm phát sinh sau khi trừ (-) các khoản giảm phí, hoàn phí, phí nhượng tái bảo hiểm và sau khi điều chỉnh các khoản tăng giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, tăng giảm dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ báo cáo.
Mã số 03 = Mã số 01 - Mã số 02
Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 04)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 04 = Mã số 04.1 + Mã số 04.2
Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm (Mã số 04.1)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh Nợ của TK 5113 "Doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm" đối ứng với bên Có của TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 5113.
Doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 04.2)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu của các hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái và nhượng tái bảo hiểm như doanh thu phí về dịch vụ đại lý giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, yêu cầu đòi người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng tổn thất đã giải quyết bồi thường 100% và các khoản thu khác trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh Nợ của TK 5118- "Doanh thu hoạt động kinh doanh khác” đối ứng với bên Có của TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 5118.
Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 10)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số doanh thu phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm và các khoản thu khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản giảm phí, giảm hoa hồng, hoàn phí, hoàn hoa hồng, phí nhượng tái bảo hiểm và sau khi điều chỉnh các khoản tăng giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, tăng giảm dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ báo cáo.
Mã số 10 = Mã số 03 + Mã số 04.
Chi bồi thường (Mã số 11)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm và các khoản chi liên quan đến hoạt động bồi thường khi xảy ra tai nạn tổn thất sau khi trừ (-) các khoản phải thu ghi giảm chi bồi thường, gồm: thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 11 = Mã số 11.1 - Mã số 11.2.
Tổng chi bồi thường (Mã số 11.1)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm và các khoản chi liên quan đến hoạt động bồi thường khi xảy ra tai nạn tổn thất như chi bồi thường cho người được bảo hiểm, chi giám định tổn thất, chi điều tra, thu thập thông tin liên quan đến sự kiện bảo hiểm, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Nợ của TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62411, 62421) đối ứng với bên Có TK 111, 112, 331… trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 62411, 62421.
Các khoản giảm trừ (Mã số 11.2)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số thu giảm chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm gồm thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số phát sinh Nợ TK 131 “Phải thu của khách hàng” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62411, 62421) trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 131 (chi tiết thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%).
Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm (Mã số 12)
Chỉ tiêu này phản ánh số chi bồi thường phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm để giảm chi bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số phát sinh Nợ TK 131 “Phải thu của khách hàng” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 131 (Chi tiết thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm).
Tăng (giảm) dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (Mã số 13)
Chỉ tiêu này phản ánh số tăng, giảm dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, là số chênh lệch giữa số dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng bồi thường năm trước chuyển sang.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp tăng là số trích bổ sung căn cứ vào số phát sinh Có của TK 35221 “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62413, 62423) trên sổ kế toán TK 35221.
Đối với trường hợp giảm là số ghi giảm chi phí căn cứ vào số phát sinh Nợ của TK 35221 “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62413, 62423) trên sổ kế toán TK 35221, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Tăng (giảm) dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm (Mã số 14)
Chỉ tiêu này phản ánh số tăng, giảm dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm là số chênh lệch giữa số dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm năm trước chuyển sang.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp tăng là số trích bổ sung căn cứ vào số phát sinh Nợ của TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62413, 62423) trên sổ kế toán TK 35222.
Đối với trường hợp giảm căn cứ vào số phát sinh Có của TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62413, 62423) trên sổ kế toán TK 35222, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Tổng chi bồi thường bảo hiểm (Mã số 15)
Chỉ tiêu này là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng chi phí bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sau khi trừ (-) các khoản thu giảm chi phí bồi thường bảo hiểm, thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và sau khi điều chỉnh các khoản tăng giảm dự phòng bảo hiểm gốc và nhượng tái bảo hiểm, tăng giảm dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 15 = Mã số 11 - Mã số 12 + Mã số 13 - Mã số 14
Tăng giảm dự phòng dao động lớn (Mã số 16)
Chỉ tiêu này phản ánh số tăng, giảm dự phòng dao động lớn là số chênh lệch giữa số dự phòng dao động lớn phải trích trong năm với số dự phòng dao động lớn đã sử dụng trong năm.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này đối với trường hợp tăng là số trích bổ sung căn cứ vào số phát sinh Có của TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (6245) trừ (-) số phát sinh Nợ của TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (6245) phát sinh trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 3523.
Đối với trường hợp giảm (số sử dụng dự phòng dao động lớn trong năm lớn hơn số phải trích lập) căn cứ vào số phát sinh Nợ của TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” đối ứng với bên Có TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (6245) trừ (-) số phát sinh Có của TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” đối ứng với bên Nợ TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (6245) trên sổ kế toán TK 3523, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 17)
Chỉ tiêu này là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh các khoản các khoản chi hoa hồng bảo hiểm và chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 17 = Mã số 17.1 + Mã số 17.2
Chi hoa hồng bảo hiểm (Mã số 17.1)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chi phí hoa hồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh Có của TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (62414, 62424) đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 62414, TK 62424.
Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 17.2)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản chi khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm: Chi về dịch vụ đại lý (giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn), chi đánh giá rủi ro đối tượng được bảo hiểm, chi phí bán hàng (chi quản lý đại lý bảo hiểm, chi tiền lương nhân viên bán hàng, chi phí vật liệu, chi phí đồ dùng văn phòng, khấu hao máy móc thiết bị … của bộ phận bán hàng), chi đề phòng hạn chế tổn thất, các khoản trích lập bắt buộc theo quy định (Chi lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm...), và các khoản chi khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định của chế độ tài chính.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh Có của TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm” (các tài khoản chi tiết của TK 624 ngoài các TK 62411, 62412, 62413, 62414, 62421, 62422, 62423, 62424, 6245) đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán các TK chi tiết của TK 624 “Chi phí kinh doanh bảo hiểm”.
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 18)
Chỉ tiêu này là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm các khoản chi bồi thường, tăng giảm dự phòng giao động lớn và các khoản chi khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Mã số 18 = Mã số 15 + Mã số 16 + Mã số 17.
Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Mã số 19)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm với tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Mã số 19 = Mã số 10 – Mã số 18
Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư (Mã số 20)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Nợ của TK 5117 “Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 5117.
Giá vốn bất động sản đầu tư (Mã số 21)
Chỉ tiêu này phản ánh giá vốn bất động sản đầu tư và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào sổ kế toán chi tiết TK 632 “Giá vốn hàng bán” (Chi tiết giá vốn bất động sản đầu tư).
Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư bất động sản (Mã số 22)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư với giá vốn bất động sản đầu tư phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 22 = Mã số 20 – Mã số 21
Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 23)
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Nợ của TK 515 “Doanh thu hoạt động tài chính” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 515.
Chi phí hoạt động tài chính (Mã số 24)
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Có của TK 635 “Chi phí tài chính” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 635.
Lợi nhuận gộp hoạt động tài chính (Mã số 25)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần hoạt động tài chính với chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 25 = Mã số 23 – Mã số 24
Chi phí quản lý doanh nghiệp (Mã số 26)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm: Chi phí nhân viên, chi phí vật liệu, chi phí đồ dùng văn phòng, chi phí khấu hao TSCĐ, thuế, phí và lệ phí, chi phí dự phòng, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Có của TK 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo trên sổ kế toán TK 642.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 30)
Chỉ tiêu này phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính toán trên cơ sở lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm cộng (+) lợi nhuận từ hoạt động đầu tư bất động sản cộng (+) lợi nhuận gộp hoạt động tài chính trừ (-) chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo.
Mã số 30 = Mã số 19 + Mã số 22 + Mã số 25 – Mã số 26.
3. Nội dung và phương pháp lập Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B 09 - DNPNT)
Thông tư này bổ sung một số nội dung của Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B 09 - DNPNT) cho phù hợp với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Các chỉ tiêu (khoản mục) không có sửa đổi, bổ sung được lập theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp).
Mục IV - Các chính sách kế toán áp dụng, bổ sung sửa đổi một số nội dung sau:
- Tại điểm 11- Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu, bổ sung các chỉ tiêu thuyết minh phí bảo hiểm gốc, nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, doanh thu hoạt động kinh doanh khác, các khoản giảm trừ doanh thu.
- Tại điểm 12, sửa đổi thành “Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí”, trong đó bổ sung các chỉ tiêu thuyết minh chi bồi thường, chi hoa hồng bảo hiểm, chi phí khai thác bảo hiểm khác, chi dịch vụ đại lý và các khoản giảm trừ chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý giải quyết bồi thường 100%).
- Bổ sung điểm 16- Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận các khoản dự phòng nghiệp vụ, trong đó bổ sung các chỉ tiêu thuyết minh dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường, dự phòng dao động lớn.
Tại Mục V - Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Bảng cân đối kế toán, bổ sung một số nội dung như sau:
- Tại điểm 07 - Phải thu dài hạn khác, bổ sung chỉ tiêu ký quỹ bảo hiểm.
- Tại điểm 12- Tăng, giảm bất động sản đầu tư, phần thuyết minh số liệu và giải trình khác bổ sung thuyết minh phương pháp khấu hao bất động sản đầu tư, thời gian sử dụng hữu ích của bất động sản đầu tư hoặc tỷ lệ khấu hao sử dụng, nguyên giá và khấu hao luỹ kế tại thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ, giá trị hợp lý của bất động sản đầu tư tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán...
- Tại điểm 14- Chi phí trả trước dài hạn, bổ sung chỉ tiêu chi phí khai thác bảo hiểm.
- Tại điểm 18- Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác, bổ sung chỉ tiêu doanh thu hoa hồng chưa được hưởng.
- Bổ sung điểm 25.1- Phải thu về hợp đồng bảo hiểm để thuyết minh các khoản phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 25.2- Phải trả về hợp đồng bảo hiểm để thuyết minh chi tiết các khoản phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 25.3- Chi phí trả trước ngắn hạn, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi phí hoa hồng chưa phân bổ và chi phí trả trước ngắn hạn khác.
- Bổ sung điểm 25.4- Dự phòng nghiệp vụ, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết dự phòng bồi thường, dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng dao động lớn.
- Bổ sung điểm 25.5 - Tài sản tái bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm.
Mục VI- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bổ sung sửa đổi một số nội dung sau:
- Bổ sung điểm 26.1- Doanh thu phí bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết phí bảo hiểm gốc, các khoản giảm trừ phí bảo hiểm gốc (Giảm phí, hoàn phí bảo hiểm gốc), phí nhận tái bảo hiểm, các khoản giảm trừ phí nhận tái bảo hiểm (Giảm phí, hoàn phí nhận tái bảo hiểm), tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 26.2- Phí nhượng tái bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết tổng phí nhượng tái bảo hiểm và tăng (giảm) dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 27.1- Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và giảm trừ hoa hồng (Hoàn hoa hồng, giảm hoa hồng).
- Bổ sung điểm 27.2- Doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết thu phí về dịch vụ đại lý (giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, yêu cầu đòi người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng đã bồi thường 100%), thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 28.1- Tổng chi bồi thường bảo hiểm, trong đó bổ sung chỉ tiêu thuyết minh chi tiết chi bồi thường, thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, tăng (giảm) dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, tăng (giảm) dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 28.2- Chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm, để thuyết minh các khoản chi hoa hồng bảo hiểm và chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm như chi về dịch vụ đại lý, chi đánh giá rủi ro đối tượng được bảo hiểm, chi phí bán hàng (chi quản lý đại lý bảo hiểm, chi tiền lương, chi phí vật liệu, chi phí đồ dùng văn phòng, khấu hao tài sản cố định... của bộ phận bán hàng), chi đề phòng hạn chế tổn thất, các khoản trích lập bắt buộc theo quy định (Chi lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm...), các khoản chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Bổ sung điểm 33.1. Chi phí quản lý doanh nghiệp, trong đó thuyết minh chi tiết chi phí nhân viên, chi phí vật liệu, chi phí đồ dùng văn phòng, chi phí khấu hao TSCĐ, thuế, phí và lệ phí, chi phí dự phòng, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác.
Mục VIII- Những thông tin khác, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
- Điểm 1, bổ sung thuyết minh các thông tin về rủi ro bảo hiểm và chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thuyết minh tình hình bồi thường tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, gồm: Thuyết minh rủi ro bảo hiểm theo từng lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm gốc, nhận tái và nhượng tái bảo hiểm, theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm và theo từng khu vực địa lý, chính sách của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ để giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm, phân tích độ nhạy của các rủi ro bảo hiểm, phân tích mức độ tập trung của các rủi ro bảo hiểm, thuyết minh về tình hình bồi thường để so sánh các khoản bồi thường thực tế so với số liệu ước tính trước đây thông qua “Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường”.
(Chi tiết các nội dung sửa đổi bổ sung xem Mẫu B09-DNPNT theo phụ lục đính kèm)
Nội dung và phương pháp lập một số chỉ tiêu sửa đổi, bổ sung trên thuyết minh báo cáo tài chính:
Phải thu về hợp đồng bảo hiểm (Điểm 25.1)
Chỉ tiêu này phản ánh số phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm: phải thu phí bảo hiểm gốc (phải thu của bên mua bảo hiểm, phải thu của đại lý bảo hiểm, phải thu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, phải thu của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm), phải thu phí nhận tái bảo hiểm, phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, phải thu bồi thường từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, phải thu khác (thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%...) phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ TK 131 “Phải thu của khách hàng” (chi tiết phải thu phí bảo hiểm gốc, phải thu phí nhận tái bảo hiểm, phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, phải thu bồi thường từ các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, phải thu khác) tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán chi tiết TK 131.
Phải trả về hợp đồng bảo hiểm (Điểm 25.2)
Chỉ tiêu này phản ánh số phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm: phải trả phí tái bảo hiểm, phải trả doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, phải trả bồi thường bảo hiểm, phải trả hoa hồng bảo hiểm, phải trả khác của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có TK 331 “Phải trả cho người bán” (Chi tiết phải trả phí tái bảo hiểm, phải trả doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, phải trả bồi thường bảo hiểm, phải trả hoa hồng bảo hiểm, phải trả khác) tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán chi tiết TK 331.
Dự phòng nghiệp vụ (Điểm 25.4)
Chỉ tiêu này phản ánh số dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm dự phòng bồi thường, dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng dao động lớn tại thời điểm báo cáo.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định hiện hành của chế độ tài chính để làm cơ sở cho việc thuyết minh đầy đủ các chỉ tiêu về dự phòng bồi thuờng, dự phòng phí chưa được hưởng tính trên phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm (sau khi đã trừ các khoản giảm phí, hoàn phí bảo hiểm) và dự phòng bồi thường, dự phòng phí chưa được hưởng tính trên phí nhượng tái bảo hiểm.
Chỉ tiêu này bao gồm các chỉ tiêu:
Dự phòng bồi thường và dự phòng phí chưa được hưởng (Điểm 25.4.1)
Chỉ tiêu này phản ánh số dự phòng bồi thường gồm dự phòng cho các yêu cầu đòi bồi thường chưa giải quyết, dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh nhưng chưa thông báo và dự phòng phí chưa được hưởng tại thời điểm báo cáo.
Đối với khoản dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh nhưng chưa thông báo nếu doanh nghiệp xác định được chỉ tiêu này thì phải thực hiện ngay, nếu chưa xác định được thì chậm nhất doanh nghiệp phải xác định để trình bày từ 31/12/2014.
Số liệu để ghi vào cột 5, 6, 7 biểu này năm nay căn cứ vào số liệu các cột 2, 3, 4 của biểu này năm trước.
Số liệu để ghi vào cột 2, mục 1 căn cứ vào số dư Có TK 35221 “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán TK 35221.
Số liệu để ghi vào cột 3, mục 1 căn cứ vào số dư Nợ TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán TK 35222.
Số liệu để ghi vào cột 2, mục 2 căn cứ vào số dư Có TK 35211 “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán TK 35211.
Số liệu để ghi vào cột 3, mục 2 căn cứ vào số dư Nợ TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm” tại thời điểm lập báo cáo trên sổ kế toán TK 35212.
Cột 4 = Cột 2 - Cột 3
Dự phòng bồi thường - Mục (1)
Chỉ tiêu này phản ánh tình hình tăng, giảm dự phòng bồi thường do trích lập thêm hoặc hoàn nhập dự phòng trong kỳ báo cáo. Đối với số trích lập thêm hoặc hoàn nhập phải thuyết minh chi tiết cơ sở của việc trích lập thêm hoặc hoàn nhập dự phòng (nếu định lượng được), ví dụ: Thay đổi ước tính về chi phí bồi thường bình quân, thay đổi số vụ bồi thường bình quân...)...
Số liệu để ghi vào cột 5,6,7 của biểu này năm nay căn cứ vào số liệu các cột 2,3,4 của biểu này năm trước.
Số liệu để ghi vào cột 2 căn cứ vào số dư Có đầu kỳ, số phát sinh Nợ, số phát sinh Có trong kỳ và số dư Có cuối kỳ của TK 35221 “Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35221.
Số liệu để ghi vào cột 3, căn cứ vào số dư Nợ đầu kỳ, số phát sinh Nợ, số phát sinh Có trong kỳ và số dư Nợ cuối kỳ của TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35222.
Cột 4 = Cột 2 - Cột 3
Dự phòng phí chưa được hưởng - Mục (2)
Chỉ tiêu này phản ánh tình hình tăng giảm dự phòng phí chưa được hưởng do trích lập thêm hoặc hoàn nhập dự phòng trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào cột 5,6,7 của biểu này năm nay căn cứ vào số liệu các cột 2,3,4 của biểu này năm trước.
Số liệu để ghi vào cột 2 căn cứ vào số dư Có đầu kỳ, số phát sinh Nợ, số phát sinh Có trong kỳ và số dư Có cuối kỳ của TK 35211 “Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35211.
Số liệu để ghi vào cột 3, căn cứ vào số dư Nợ đầu kỳ, số phát sinh Nợ, số phát sinh Có trong kỳ và số dư Nợ cuối kỳ của TK của TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35212.
Cột 4 = Cột 2 - Cột 3
Dự phòng dao động lớn (Điểm 25.4.2)
Chỉ tiêu này phản ánh tình hình tăng giảm dự phòng dao động lớn do trích lập thêm hoặc sử dụng dự phòng trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có đầu kỳ, số phát sinh Nợ, số phát sinh Có trong kỳ và số dư Có cuối kỳ của TK 3523 “Dự phòng dao động lớn” trên sổ kế toán TK 3523.
Tài sản tái bảo hiểm (Điểm 25.5)
Chỉ tiêu này phản ánh số dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm tại thời điểm đầu năm và cuối kỳ báo cáo.
- Số liệu để ghi vào chỉ tiêu dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm căn cứ vào số dư Nợ đầu kỳ và cuối kỳ của TK 35212 “Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35212.
- Số liệu để ghi vào chỉ tiêu dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm căn cứ vào số dư Nợ đầu kỳ và cuối kỳ của TK 35222 “Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm” trên sổ kế toán TK 35222.
Phương pháp lập “Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường” (Phần VIII, điểm 1.5):
Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường được lập theo năm tài chính, mục đích của bảng này để so sánh các khoản chi trả bồi thường thực tế so với những ước tính chi bồi thường trước đó. Các doanh nghiệp phải thực hiện thống kê tình hình bồi thường theo số liệu thực tế đã bồi thường kể từ ngày 1/1/2014 nhằm cung cấp số liệu để lập Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường kể từ năm tài chính 2016 cụ thể như sau:
- Năm tài chính 2016 các doanh nghiệp phải lập Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường trong 3 năm (2014, 2015, 2016).
- Năm tài chính 2017 các doanh nghiệp phải lập Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường trong 4 năm (2014, 2015, 2016, 2017).
- Năm tài chính 2018 các doanh nghiệp phải lập Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường trong 5 năm (2014, 2015, 2016, 2017, 2018).
- Kể từ năm tài chính 2019 trở về sau, các doanh nghiệp phải lập Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường trong năm 5 năm liên tục liền trước (kể cả năm báo cáo).
Số liệu để lập Bảng này căn cứ số liệu thống kê về tình hình bồi thường tổn thất của các năm trước của phòng nghiệp vụ.
Mục I- Số ước tính chi bồi thường luỹ kế: Số liệu để lập chỉ tiêu này căn cứ số liệu ước tính về chi bồi thường luỹ kế của năm xảy ra tổn thất, cụ thể:
- Cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014:
+ Dòng 1, cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2014) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 2, cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2015) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 3, cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (năm 2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 4, cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 4 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 5, cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 5 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 1 (2014): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
- Cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015:
+ Dòng 1, cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2015) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 2, cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 3, cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 4, cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 4 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 2 (2015): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
- Cột 3 (2016): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016:
+ Dòng 1, cột 3 (2016): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng 2, cột 3 (2016): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng 3, cột 3 (2016): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 3 (2016): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
- Cột 4 (2017): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017:
+ Dòng 1, cột 4 (2017): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
+ Dòng 2, cột 4 (2017): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
+ Dòng số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 4 (2017): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
- Cột 5 (2018): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018:
+ Dòng 1, cột 5 (2018): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018.
+ Dòng số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 5 (2018): Căn cứ số ước tính chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018.
- Cột 6 là số tổng cộng ước tính chi bồi thường luỹ kế của 5 năm (từ 2014 đến năm 2018).
Mục II- Số đã chi trả bồi thường lũy kế: Phản ánh số chi bồi thường thực tế đã chi trả luỹ kế cho các tổn thất đã xẩy ra. Số liệu để lập chỉ tiêu này căn cứ số đã chi trả bồi thường thực tế luỹ kế của năm xảy ra tổn thất, cụ thể:
- Cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014:
+ Dòng 1, cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (2014) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 2, cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (2015) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 3, cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 4, cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 4 (2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng 5, cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 5 (2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
+ Dòng số chi trả bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (2), cột 1 (2014): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế năm đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2014.
- Cột 2 (2015): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015:
+ Dòng 1, cột 2 (2015): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2015) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 2, cột 2 (2015): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 3, cột 2 (2015): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng 4, cột 2 (2015): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 4 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
+ Dòng số đã chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 2 (2015):
Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2015.
- Cột 3 (2016): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016:
+ Dòng 1, cột 3 (2016): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2016) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng 2, cột 3 (2016): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng 3, cột 3 (2016): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 3 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
+ Dòng số đã chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 3 (2016):
Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2016.
- Cột 4 (2017): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017:
+ Dòng 1, cột 4 (2017): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2017) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
+ Dòng 2, cột 4 (2017): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 2 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
+ Dòng số đã chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 4 (2017): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2017.
- Cột 5 (2018): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018:
+ Dòng 1, cột 5 (2018): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm thứ 1 (năm 2018) cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018.
+ Dòng số đã chi bồi thường luỹ kế đến năm hiện tại - Mục (1), cột 5 (2018): Căn cứ số đã chi bồi thường luỹ kế đến cuối năm 2018 cho các tổn thất xảy ra trong năm 2018.
- Cột 6 là tổng số chi bồi thường luỹ kế của 5 năm (từ 2014 đến năm 2018).
Mục III - Tổng dự phòng bồi thường chưa giải quyết: Phản ánh tổng số dự phòng bồi thường chưa giải quyết (3) = (1) – (2)
Mục IV- Ước thặng dư hoặc thâm hụt dự phòng bồi thường (4): Phản ánh số ước tính dự phòng bồi thường thừa hoặc thiếu tại thời điểm báo cáo. Số liệu để lập chỉ tiêu này căn cứ số liệu ước tính số dự phòng thừa hoặc thiếu do phòng nghiệp vụ tính toán.
Mục V- Tỷ lệ % thặng dư hoặc thâm hụt dự phòng trên số ước tính chi bồi thường: (5) = (4)/(1)*100%.
4. Nội dung và phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; nội dung và phương pháp lập các báo cáo tài chính giữa niên độ được thực hiện theo Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp).
Điều 23. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 và bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014.
Các nội dung hướng dẫn kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ban hành theo Quyết định 1296/TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 150/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán doanh nghiệp bảo hiểm ban hành theo Quyết định số 1296/TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.
2. Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
MINISTRY OF
FINANCE |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 232/2012/TT-BTC |
Hanoi, December 28, 2012 |
Pursuant to the Law on accounting No. 03/2003/QH11 dated June 17, 2003;
Pursuant to the Law on Insurance Business No. 24/2000/QH10 dated December 09, 2000;
Pursuant to the Law on amendments to certain articles of the Law on insurance business No. 61/2010/QH12 dated November 24, 2010;
Pursuant to the Decree No. 129/2004/ND-CP dated May 31, 2004 of the Government stipulating in detail some Articles of the Accounting Law applicable to business operation;
Pursuant to the Decree No. 118/2008/ND-CP dated November 27, 2008 of the Government stipulating the functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;
Pursuant to the Government’s Decree No. 45/2007/ND-CP dated March 27, 2007 providing guidelines for implementation of a number of articles of Law on Insurance Business;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
At the request of the Department of Audit and Accounting Regulation,
The Minister of Finance provides guidance on the accounting applicable to non-life insurance companies, reinsurance companies and branches of foreign non-life insurance companies.
Article 1. Scope and regulated entities
1. This Circular prescribes a number of accounting accounts, accounting principles, accounting standards and forms of financial statements applicable to non-life insurance companies, reinsurance companies and branches of foreign non-life insurance companies which are established and operating legally in Vietnam (hereinafter referred to as “non-life insurance company").
2. For accounting contents that are not included in this Circular, non-life insurance companies shall comply with the enterprise accounting policy issued together with the Minister of Finance’s Decision No. 15/2006/QD-BTC dated March 20, 2006 (hereinafter referred to as Decision No. 15/2006/QD-BTC); the circulars guiding the implementation of accounting standards and the circulars guiding the amendments of enterprise accounting policy.
Article 2. Regulations on accounts in accounting
1. Names of a number of accounts promulgated in the enterprise accounting policy issued together with Decision No. 15/2006/QD-BTC and the circulars guiding the amendments of enterprise accounting policy are changed for application to non-life insurance companies.
1.1. The names of tier 2 accounts of Account 511 – “Revenues” are changed as follows:
- The name of Account 5111 – “Sales revenue” is changed to “Revenue from primary insurance premiums”;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 5113 – “Revenue from provision of services” is renamed to “Revenue from ceding commissions”.
1.2. The name of Account 531 – “Sales returns” is changed to “Insurance premiums and commission refund”.
Account 531 has the following tier 2 accounts:
- Account 5311 – Refund of insurance premiums;
- Account 5312 – Refund of reinsurance premiums;
- Account 5313 – Refund of ceding commission.
1.3. The name of Account 532 – “Sales allowance” is changed to “Insurance premiums and commission deduction”.
Account 532 has the following tier 2 accounts:
- Account 5321 – Deduction in primary insurance premiums;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 5323 – Deduction in ceding commission.
2. The following accounts are added to the charts of accounts compared to the Decision No. 15/2006/QD-BTC and the circulars guiding the amendments of enterprise accounting policy for application to non-life insurance companies.
2.1. Tier 2 accounts of Account 244 – “Revenues” are changed as follows:
- Account 2441 – Guaranty fund;
- Account 2448 – Other deposits.
2.2. The following tier 2 and 3 accounts are added to Account 352 – “Provision for payables”:
- Account 3521 – Unearned premiums reverse
+ Account 35211 – Premium reserve of primary insurance and reinsurance;
+ Account 35212 – Premium reserve of reinsurance ceded.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Account 35221 – Primary insurance and reinsurance indemnity reserve;
+ Account 35222 – Reinsurance ceded indemnity reserve.
- Account 3523 – Catastrophe reserve.
- Account 3524 – Provision for payables.
2.3. Account 416 – “Statutory reserve”.
2.4. Account 533 – “Reinsurance ceded premiums”.
2.5. Account 624 – “Costs of insurance business”.
Account 624 has the following tier 2 and 3 accounts:
- Account 6241 – Costs of primary insurance business:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Account 62412 – Unearned premiums reverse;
+ Account 62413 – Claims reserve;
+ Account 62414 – Costs of commission;
+ Account 62417 – Costs of management of insurance agents;
+ Account 62418 – Other costs of primary insurance business.
- Account 6242 – Costs of reinsurance business:
+ Account 62421 – Costs of indemnity;
+ Account 62422 – Unearned premiums reverse;
+ Account 62423 – Claims reserve;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Account 62428 – Other costs of reinsurance business.
- Account 6243 – Costs of reinsurance ceded.
- Account 6245 – Catastrophe reserve.
- Account 6248 – Other operating costs.
2.6. The following sub-accounts are added to Account 005 – “Insurance contracts not yet incurred liabilities”
Account 005 has the following tier 2 accounts:
+ Account 0051 – Primary insurance contracts not yet incurred liabilities;
+ Account 0052 – Reinsurance contracts not yet incurred liabilities;
+ Account 0053 – Reinsurance ceded contracts not yet incurred liabilities.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.1. The following accounts in the balance sheet shall not be applied:
- Account 1385 – Equitization receivables;
- Account 155 – Finished goods;
- Account 1561 – Purchase costs;
- Account 1562 – Incidental purchase costs;
- Account 157 – Goods in transit;
- Account 158 – Goods in bonded warehouse;
- Account 161 – Non-business expenditure;
- Account 2134 – Trademarks;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 3385 – Equitization payables;
- Account 417 – Enterprise reorganization assistance fund;
- Account 441 – Capital expenditure funds;
- Account 461 – Non-business funds;
- Account 466 – Funds used for fixed asset acquisitions;
- Account 5114 – Revenue from government grants;
- Account 521 – Trade discounts;
- Account 611 – Purchases;
- Account 621 – Direct raw material costs;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 623 – Costs of construction machinery;
- Account 627 – Factory overheads;
- Account 631 – Production costs;
- Account 641 – selling expenses.
3.2. The following off-balance sheet accounts shall not be applied:
- Account 003 - Goods received on consignment for sale, deposit and collateral;
- Account 008 – Non-business and project expenditure estimate.
(Chart of accounts applicable to non-life insurance companies is in Appendix 01 enclosed together with this Circular).
Article 3. Accounting of financial investments
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Financial investments recognized in the accounts specified in Clause 1 this Article shall comply with the following regulations:
2.1. The financial investments of a non-life insurance company shall be carried out in accordance with law provisions and in a manner that ensures the security, efficiency and liquidation;
2.2. Non-life insurance companies shall record the investments in Accounts 12 – Short-term financial investments, Accounts 22 – Long-term financial investments in details and separately according to each owner’s equity, idle capital from operating reverses and other legal sources in accordance with law provisions to act as the basis for making reports on investment activities in accordance with effective regulations of the financial policy;
2.3. Non-life insurance companies shall comply with other regulations in accordance with the enterprise accounting policy issued together with Decision No. 15/2006/QD-BTC and the circulars guiding the amendments of enterprise accounting policy.
3. Accountants shall open special journals to follow long-term and short-term investments (including term deposits at credit institutions, government bonds, corporate bonds, shares, real estate business, establishment or contribution to foreign insurance companies and other investment portfolios).
3.1. Each investment shall be recorded to monitor historical costs, increases and decreases in investments and current value of investments at the end of the accounting period, at the same time monitor in detail each investment fund (owner’s equity, idle capital from operating reverses and other legal sources in accordance with law provisions);
3.2. At the end of the accounting period, non-life insurance companies shall, based on the special journals of investments established according to each form of investment within the period, prepare the reports on investment activities in accordance with the financial policies (e.g. prepare a general table of term deposits (short-term) by each investment fund: owner’s equity, idle capital from operating reverses and other legal sources in accordance with law provisions based on the specials journal of each short-term deposit).
Article 4. Accounting of receivables
Account 131 – “Receivables": Supplementation of contents on recognition of receivables and payments of receivables of non-life insurance companies made by debtors in connection with primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other insurance businesses (hereinafter referred to as other business operations).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 131 shall record in detail each debtor according to each receivable and for each business operation such as primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other business operations to act as the basis for preparing balance sheets and serving management requirements;
- Account 131 shall record in detail the receivables from primary insurance (including receivables from insurance buyers, insurance agents, insurance broker companies and enterprises participating in coinsurance), receivables from reinsurance premiums, from indemnity of reinsurance ceded, from indemnity of enterprises participating in coinsurance and other receivables (receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, etc.) to ensure adequacy of information in financial statements and serve management requirements of the enterprise;
- Receivables from ceding commissions of reinsurers shall not be recorded to Account 131 – “Receivables”. Accountants of ceding companies shall record these ceding commissions to Dr 331 – “Payables” (Dr 331/Cr 5113) as decreases in reinsurance ceded premiums payable to reinsurers.
Supplementation of structure and content of Account 131 – “Receivables”
Debit:
Receivables from entities in connection with primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other business operations.
Credit:
Payments made by entities in connection with primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other business operations.
Debit balance:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
1. Receivables from primary insurance of entities such as direct receivables from insurance buyers, enterprises participating in coinsurance, through insurance broker companies or insurance agents shall be recorded as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 511 – Revenues (VAT-exclusive) (5111)
Cr 3331 – VAT (33311) (if any).
2. Collected primary insurance premiums shall be recorded as follows:
Dr 111, 112,...
Cr 131 - Receivables
3. Receivables recorded as decreases in costs of primary insurance such as receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, etc. shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 624 – Costs of insurance business (62411)
Cr 3331 – VAT (if any).
4. The amount of receivables collected as decreases in costs of primary insurance shall be recorded as follows:
Dr 111, 112,…
Cr 131 - Receivables
5. Reinsurance premiums receivable of the ceding company in accordance with policies concluded between the reinsurer and the ceding company shall be recorded by the reinsurer as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 511 – Revenues (5112) (Receivables from reinsurance premiums).
As the same time the reinsurer shall determine and record ceding commissions payable to the ceding company as a decrease in receivables from reinsurance premiums as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 131 – Receivables (Payables from ceding commissions).
6. The collected amount of reinsurance premiums minus (-) the ceding commission paid to the ceding company shall be recorded by the reinsurer as follows:
Dr 111, 112,... (Amounts actually received from ceding companies)
Cr 131 - Receivables
7. Receivables from indemnities of reinsurance ceded, receivables from request for third parties’ reimbursements, cost for handling of fully compensated goods of the reinsurer shall be recorded by the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (6241)
8. When the receivables are collected from the reinsurer, the following entries shall be made:
Dr 111, 112,...
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
9. Receivables from indemnities of enterprises participating in coinsurance, receivables from costs of request for third parties’ reimbursements, receivables from cost for handling of fully compensated goods of enterprises participating in coinsurance shall be recorded by the leading insurance company as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411) (Indemnities and other payables under indemnity liabilities of leading insurance companies)
Dr 131 – Receivables (Indemnities and other receivables under indemnity liabilities of enterprises participating in coinsurance)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables (Indemnities and other payables in cases of accidents or losses).
10. Collected amounts from enterprises participating in coinsurance shall be recorded by leading insurance companies as follows:
Dr 111, 112,...
Cr 131 - Receivables
11. Receivables from provisions of damage expertise agency, consideration of indemnity settlement, etc. shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 511 – Revenues (5118)
Cr 333 – Taxes and other payables to state budget (33311) (if any).
12. When the receivables are collected from the policyholder, the following entries shall be made:
Dr 111, 112,...
Cr 131 - Receivables
13. When receivables and payables of the same entity are offset against each other, the following entries shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 131 - Receivables
Article 5. Accounting of short-term prepaid expenses
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Supplementation of accounting principles applicable to this account
- Non-life insurance companies shall monitor in detail insurance commission expenses have arisen but not yet included in the expenses for each primary insurance and reinsurance to serve management requirements.
- All insurance commissions payable to insurance agents, insurance broker companies and ceding companies in accordance with the concluded insurance policies under financial policies shall be recorded in Dr 624 – “Costs of insurance business” (open a sub account for each primary insurance and reinsurance).
- At the end of the accounting period, non-life insurance companies shall determine the insurance commissions not yet included in the expenses of this period corresponding to the unearned insurance premium revenue to transfer them to the following accounting period according to the method of setting aside of premium reserve registered with the Ministry of Finance.
- Periodically, non-life insurance companies shall determine and allocate the insurance commissions to the expenses of current period.
- Non-life insurance companies shall record in detail the actual insurance commission expenses incurred but not yet allocated in the expenses, the amounts of them allocated in the expenses of current period to prepare the notes to financial statement as prescribed.
Supplementation of structure and content of Account 142 – “Short-term prepaid expenses”
Debit:
Insurance commission expenses have arisen but not yet included in the expenses.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Insurance commission expenses included in the insurance business expenses of current period.
Debit balance:
Insurance commission expenses not yet included in the insurance business expenses of current period.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
1. Determined insurance commissions payable to insurance broker companies shall be recorded by the primary insurance company as follows:
a. Commissions paid to domestic insurance broker companies eligible for VAT deduction according to the Law on VAT shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414, 62424)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331...
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (62414, 62424)
Cr 331 – Payables
When making payment to foreign insurance broker companies, the following entries shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
c. When the non-life insurance company has to pay commissions to the foreign insurance broker company eligible for VAT deduction, the amounts of VAT receivable from the contractor which are deducted according to the laws on VAT shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
When making payment to foreign insurance broker companies, the following entries shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
2. Insurance commissions payable to insurance agents shall be recorded as follows:
a. If the insurance agent is an organization:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,...
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- When the non-life insurance company makes instant payments to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Cr 111, 112
Cr 3335 – Personal income tax
- If the non-life insurance company has not yet paid the commissions to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Cr 331 – Payables
When the non-life insurance company makes payments to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 3335 – Personal income tax
3. Insurance commission payable to ceding companies minus (-) reinsurance premiums receivable in accordance with the concluded policy shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 131 - Receivables
4. At the end of the accounting period, the non-life insurance company shall determine and credit the cost of insurance business as an actual insurance commission expenses incurred but have not been included in expenses to determine business results within the period and transfer them to the following period as follows:
Dr 142 - Short-term prepaid expenses
Cr 624 – Costs of insurance business (62414, 62424)
5. Periodically, insurance commission expenses shall be included in the insurance business expenses of current period as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414, 62424)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 6. Accounting of cost of primary insurance and reinsurance businesses
Cost of primary insurance and reinsurance business shall be recorded in Account 624 – “Cost of insurance business”.
Accounting principles applicable to this account
1. All costs of insurance business including: insurance commissions, insurance agent commissions, reinsurance commissions and costs related to sale of goods such as: cost of sales staffs, cost of recruitments, training and management of insurance agents, cost of bonuses of agents, cost of renting of offices for sales of insurance or insurance agents, cost of advertisements and marketing, etc. shall be recorded in Dr 624 – “Cost of insurance business”.
2. Cost of insurance exploitation shall not be recorded in Account 642 – “Cost of insurance business”.
3. Cost of insurance exploitation which are specifically determined shall be recorded in Account 624 – “Cost of insurance business”.
4. General management costs not specifically defined for insurance operation and business management shall be recorded to Dr 642 – “Cost of insurance business”. At the end of the accounting period, non-life insurance companies shall allocate the general management costs under characteristics appropriately and consistently. The allocated insurance exploitation costs shall be recorded as Dr 624/ Cr 642, non-life insurance companies shall explain the criteria for allocation of these expenses applied by them in the period stated in the financial statements.
4. Non-life insurance companies shall record in detail the insurance costs in accordance with the contents of costs specified in the financial regulations and each primary insurance and reinsurance operation to ensure adequacy of information in financial statements and serve management requirements of the enterprise.
Article 7. Accounting of guaranty fund
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- The amount of money deposited by the non-life insurance company at a commercial bank in accordance with the Law on Insurance business shall be recognized in Account 2441 – “Guaranty fund”.
Supplementation of structure and content of Account 2441 – “Guaranty fund”
Debit
Amounts of money deposited by the non-life insurance company for long term when starting its insurance business or additionally deposited during its operations.
Credit
- Amounts of money used by the non-life insurance company to fulfill commitments to insurance buyers when the solvency is inadequate;
- Long-term deposits withdrawn by the non-life insurance company upon its end of operation.
Debit balance
Current amount of long-term deposits.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. The insurance deposits made by the non-life insurance company upon the company’s start of operation shall be recorded as follows:
Dr 244 – Long-term deposits (2441)
Cr 112 – Cash in banks
2. The amount of deposits withdrawn by the non-life insurance company upon the company’s end of operation shall be recorded as follows:
Dr 112 – Cash in banks
Cr 244 – Long-term deposits (2441).
3. The insurance deposits used by the non-life insurance company to fulfill commitments to insurance buyers when the solvency is inadequate in accordance with financial regulations shall be recorded as follows:
Dr related accounts
Cr 244 – Long-term deposits (2441).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Accounting of Account 2448 shall comply with those for Account 244 – Long-term deposits prescribed in the enterprise accounting regulations issued together with Decision No. 15/2006/QD-BTC.
Article 8. Accounting of payables
Account 331 – “Payables": Recognizes debts payable and payments of these debts of a non-life insurance company to entities in connection with its primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other insurance businesses.
Supplementation of accounting principles applicable to this account
- Account 331 shall be recorded in detail to each creditor according to each payable and to each business operation such as primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other business operations to act as the basis for preparing balance sheets and serving management requirements;
- Account 331 shall record in detail the payables including premiums for reinsurance ceded, payables to enterprises participating in coinsurance, insurance payout, insurance commission payables and other payables to provide sufficient information for preparation of financial statements and serve management requirements of the enterprise;
- Ceding commission payables of ceding companies shall not be recorded to Account 331 – “Payables”. The reinsurer shall record these ceding commission payables to Cr 131 (Dr 624/Cr 131) as a decrease in reinsurance premiums receivable from ceding companies.
Supplementation of structure and content of Account 331 – “Payables”
Debit:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Credit:
Amounts payable to entities related to primary insurance, reinsurance, cession and other business operations.
Credit balance:
Remaining amounts payable to entities related to primary insurance, reinsurance, cession and other business operations.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
1. Indemnities payable to the insured due to accidents or losses in accordance with the policy concluded between the non-life insurance company and the customer (the insured) shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (6241) (corresponding tier 3 account)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables
3. When making advance payments or payments of indemnities or other payments of payable liabilities to providers of services related to primary insurance, the following entries shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,....
4. Based on the notice of the ceding company of indemnities and other costs such as costs for request for third parties’ reimbursements, costs for handling of fully compensated goods in proportion to the portion of liabilities of the reinsurance and other related vouchers, the reinsurance company shall record the indemnities for reinsurance and other payables to the ceding company as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6242)
Cr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (6242) (corresponding tier 3 account)
Cr 331 – Payables
6. Advance payments or payments of indemnities and other payments to the ceding company or paying liabilities to providers of services related to reinsurance shall be recorded by the reinsurer as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,....
7. When making payment of premiums for reinsurance ceded to the reinsurer (including withholding tax) (if any), the following entries shall be made:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331- Payables (Premiums for reinsurance ceded payable to reinsurers).
At the same time, insurance commissions receivable from reinsurers shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 511 – Revenues (5113)
8. When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,... (Amounts actually payable to reinsurers)
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
9. The non-life insurance company’s payables to sellers or providers of services related to damage expertise agencies, consideration of indemnity settlement, etc. shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6248)
Dr 133 – Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (6243) (corresponding tier 3 account)
Cr 331 – Payables
11. When making advance payments or payments of paying liabilities to sellers or providers of services related to damage expertise agencies, consideration of indemnity settlement, etc., the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,....
12. When receivables and payables of the same entity are offset against each other, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 131 - Receivables
Article 9. Accounting of unearned revenue from ceding commissions
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Supplementation of accounting principles applicable to this account
- The ceding company shall monitor in detail the actual unearned revenue from ceding commissions pending for allocation in cession to serve management requirements.
- All ceding commissions receivable of the reinsurer according to the signed insurance policy under financial regulations shall be recorded in Cr 511 (5113).
- At the end of the accounting period, the ceding company shall determine the unearned revenue from ceding commissions corresponding to the deferred cost of reinsurance premiums to allocate them to following accounting periods according to the method of setting aside of premium reserve registered with the Ministry of Finance.
- Periodically, the ceding company shall determine and record unearned revenues from ceding commissions of the previous period to the revenue from ceding commissions of current period.
- The ceding company shall record in detail the actual insurance commission revenue incurred but not yet allocated in the revenue, the amounts of them allocated in the revenue from cession of the current period to prepare the notes to financial statement as prescribed.
Supplementation of structure and content of Account 3387 – “Unearned revenue”
Debit:
Revenues from ceding commissions included in the revenue from cession of current period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Deferred revenue from ceding commissions.
Credit balance:
Revenue from ceding commissions not yet allocated in the revenue from cession.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
1. Revenue from ceding commissions (when the primary insurance contract and the reinsurance contract cover liabilities) shall be recorded by the reinsurer as follows:
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commissions receivable which are deducted from premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
2. At the end of the accounting period, record the deferred ceding commissions as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5113)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. Periodically, the accountant shall allocate unearned revenue from ceding commissions of previous period to revenue from commissions of current period as follows:
Dr 3387 – Unearned revenue
Cr 511 – Revenues (5113)
Article 10. Accounting of provision for payables
Current provisions for payables, the contributions to and use of provisions for payables of non-life insurance companies, including technical reserve and provision for payables shall be recorded to Account 352 – “Provisions for payable”
Supplementation of accounting principles applicable to this account
- Technical reserves shall be set aside at the end of the quarterly accounting period and at the end of the annual accounting period when preparing the financial statement. The contributions to technical reserves shall comply with effective accounting regulations
- At the end of the annual (or quarterly) accounting period, the non-life insurance company shall determine the technical reserve to be set aside in the following period:
+ The positive difference between total amount of provisions which must be set aside in this period and unused provisions at the end of the previous period shall be recorded as an increase in provisions and an increase in cost of insurance business (regarding unearned premium reserve and primary insurance and reinsurance indemnity reserve) or a decrease in cost of insurance business (regarding unearned premium reserve and reinsurance ceded indemnity reserve).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- The non-life insurance company shall not offset the primary insurance and reinsurance indemnity reserve against the reinsurance ceded indemnity reserve. Such reserves must be separately presented on the balance sheet, in which unearned premium reserve, primary insurance and reinsurance indemnity reserve, catastrophe reserve shall be recorded as payables; unearned premium reserve and reinsurance ceded indemnity reserve shall be recorded as reinsurance assets. At the same time, the basic and quantitative explanations of the additional amounts or reversed amounts of these reserves shall be provided if they are identifiable.
Account 352 – “Provision for payables” has 4 tier 2 accounts:
- Account 3521 – “Unearned premiums reverse”;
- Account 3522 – “Claims reserve”;
- Account 3523 – “Catastrophe reserve”;
- Account 3524 – “Provision for payables”.
1. Account 3521 – “Unearned premium reserve”: recognizes the setting aside and reverse of provisions for unearned premiums in accordance with financial regulations.
Account 3521 has 2 tier 3 accounts:
- Account 35211 – “Premium reserve of primary insurance and reinsurance";
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.1. Account 35211 – “Premium reserve of primary insurance and reinsurance:
This account recognizes the setting aside and reverse of unearned primary insurance premium and reinsurance premium reserve.
This account shall be applied at enterprises providing primary insurance and reinsurance.
Supplementation of structure and content of Account 35211 – “Premium reserve of primary insurance and reinsurance”
Debit:
The value of premium reserve which is reversed for primary insurance and reinsurance which is recorded as a decrease in cost of business operation in the period.
Credit:
The value of the established premium reserve for primary insurance and reinsurance which is recorded in cost of business operation within the period.
Credit balance:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
- When setting aside premium reserve for primary insurance and reinsurance for the first time at the end of the annual (or quarterly) accounting period, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business
Cr 352 – Provision for payables (35211 - Premium reserve of primary insurance and reinsurance).
- At the end of the following annual (or quarterly) accounting period:
+ The positive difference between the amount of premium reserve for primary insurance and reinsurance which must be set aside in this period and the unused amounts of premium reserve for primary insurance and reinsurance at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 624 – Costs of insurance business (62412, 62422)
Cr 352 – Provision for payables (35211 - Premium reserve for primary insurance and reinsurance).
+ The negative difference between the amount of premium reserve for primary insurance and reinsurance which must be set aside in this period and the unused amounts of premium reserve for primary insurance and reinsurance at the end of the previous period shall be reversed and recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 624 – Costs of insurance business (62412, 62422).
1.2. Account 35212 – “Reinsurance ceded premium reserve”: Recognizes the contributions to unearned reinsurance ceded premium reserve.
This account shall be applied at ceding enterprises.
Supplementation of structure and content of Account 35212 – “Reinsurance ceded premium reserve”
Debit:
The value of established reinsurance ceded premium reserve which is recorded as a decrease in cost of business operation in the period.
Credit:
The value of reversed reinsurance ceded premium reserve which is recorded as an increase in cost of business operation in the period.
Debit balance:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
- When setting aside reinsurance ceded premium reserve for the first time at the end of the annual (or quarterly) accounting period, the following entry shall be made:
Dr 352 – Provision for payables (35212 - Reinsurance ceded premium reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62412, 62422).
- At the end of the following annual (or quarterly) accounting period:
+ The positive difference between the amount of reinsurance ceded premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded premium reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 352 – Provision for payables (35212 - Reinsurance ceded premium reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62412, 62422).
+ The negative difference between the amount of reinsurance ceded premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded premium reserve at the end of the previous period shall be reversed as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 352 – Provision for payables (35212 - Reinsurance ceded premium reserve)
2. Account 3522 – “Claims reserve”: recognizes the setting aside and reverse of provisions for claims reserve in accordance with financial regulations.
Account 3522 has 2 tier 3 accounts:
- Account 35221 – “Primary insurance and reinsurance indemnity reserve”;
- Account 35222 – “Reinsurance ceded indemnity reserve”.
2.1. Account 35221 – “Primary insurance and reinsurance indemnity reserve”: recognizes the setting aside and reverse of primary insurance and reinsurance indemnity reserve.
This account shall be applied at enterprises providing primary insurance and reinsurance.
Supplementation of structure and content of Account 35221 – “Primary insurance and reinsurance indemnity reserve”
Debit:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Credit:
The value of established primary insurance and reinsurance indemnity reserve which is recorded in cost of business operation in the period.
Credit balance:
Remaining value of primary insurance and reinsurance indemnity reserve at the end of the period.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
- When setting aside primary insurance and reinsurance indemnity reserve for the first time at the end of the annual (or quarterly) accounting period, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423)
Cr 352 – Provision for payables (35221 - Primary insurance and reinsurance indemnity reserve).
- At the end of the following annual (or quarterly) accounting period:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423)
Cr 352 – Provision for payables (35221 - Primary insurance and reinsurance indemnity reserve).
+ The negative difference between the amount of primary insurance and reinsurance indemnity reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of primary insurance and reinsurance indemnity reserve at the end of the previous period shall be reversed as follows:
Dr 352 – Provision for payables (35221) (Primary insurance and reinsurance indemnity reserve).
Cr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423).
2.2. Account 35222 – “Reinsurance ceded indemnity reserve”: Recognizes the setting aside and reverse of the provisions for indemnity for reinsurance ceded.
This account shall be applied at ceding enterprises.
Supplementation of structure and content of Account 35222 – “Reinsurance ceded indemnity reserve”
Debit:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Credit:
The value of reversed reinsurance ceded indemnity reserve which is recorded as an increase in cost of business operation within the period.
Debit balance:
Remaining value of reinsurance ceded indemnity reserve at the end of the period.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
- When setting aside reinsurance ceded indemnity reserve for the first time at the end of the annual (or quarterly) accounting period, the following entry shall be made:
Dr 352 – Provision for payables (35222 - Reinsurance ceded indemnity reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423).
- At the end of the following annual (or quarterly) accounting period:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 352 – Provision for payables (35222 - Reinsurance ceded indemnity reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423).
+ The negative difference between the amount of reinsurance ceded indemnity reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded indemnity reserve at the end of the previous period shall be reversed as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62413, 62423)
Cr 352 – Provision for payables (35222 - Reinsurance ceded indemnity reserve)
3. Account 3523 – “Catastrophe reserve”: recognizes the setting aside and use of catastrophe reserve in accordance with financial regulations applicable to non-life insurance companies.
Supplementation of structure and content of Account 3523 – “Catastrophe reserve”
Debit:
The value of used catastrophe reserve recorded as a decrease in cost of business operation in the period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The value of catastrophe reserve set aside and recorded in cost of business operation in the period.
Credit balance:
Remaining value of catastrophe reserve at the end of the period.
Supplementation of accounting methods for a number of business transactions
- At the end of the annual accounting period, the catastrophe reserve shall be set aside (first year) based on the retention of the fiscal year according to each line of insurance of the non-life insurance company and provision rate in accordance with financial regulations as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6245)
Cr 352 – Provision for payables (3523 - Catastrophe reserve)
- Based on effective financial regulations, payment of primary insurance and reinsurance indemnities using the catastrophe reserve shall be recorded as follows:
Dr 352 – Provision for payables (3523 - Catastrophe reserve)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- At the end of the annual accounting period, the catastrophe reserve shall be set aside in the following fiscal year based on the retention of the fiscal year according to each line of insurance of the non-life insurance company and provision rate in accordance with financial regulations as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6245)
Cr 352 – Provision for payables (3523 - Catastrophe reserve)
4. Account 3524 – “Provision for payables”
Accounting of Account 352 shall be implemented similarly to those for Account 352 – “Provision for payables” specified in enterprise accounting regulations issued together with Decision No. 15/2006/QD-BTC dated March 20, 2006 of the Minister of Finance and supplementary documents.
Article 11. Accounting of statutory reserve
Supplementation of Account 416 – “Statutory reserve”: recognizes the current amount, setting aside and use of statutory reserve of non-life insurance companies.
Statutory reserve is set aside from profits after tax.
The setting aside and use of statutory reserve shall comply with financial regulations applicable to non-life insurance companies.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Debit:
Decrease in the statutory reserve resulted from the non-life insurance company’s use of the statutory reserve in accordance with financial regulations.
Credit:
Increase in the statutory reserve resulted from annual contribution.
Credit balance:
Closing balance of the statutory reserve.
Accounting methods for a number of business transactions
1. The amount of statutory reserve which the non-life insurance company is required to be set aside at the end of the fiscal year shall be recorded as follows:
Dr 421 – Undistributed profit
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. When using the statutory reserve in accordance with financial regulations, the following entry shall be made:
Dr 416 – Statutory reserve
Cr related accounts.
Article 12. Accounting of revenues
Account 511 – “Revenues": Recognizes revenue from insurance businesses including: primary insurance premium, reinsurance premium, ceding commissions, investment properties and other business operations of a non-life insurance company in an accounting period.
Supplementation of accounting principles applicable to this account
- Revenues from insurance business recorded in Account 511 shall be specific to each type of primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded, investment properties and other business operations. Revenues from each type of insurance businesses shall be specific to each line of insurance, each client group and the management requirements;
- Non-life insurance companies shall record the revenue and revenue deductions related to each insurance operation at the time in which they are incurred and in accordance with the contents specified in financial regulations;
- Revenues from primary insurance premium, reinsurance premium and insurance commissions may increase or decrease according to adjustments to insurance policies because policyholders (insurance buyers) make changes in sums assured, scope of insurance coverage or policy period. If the increase in sums assured, scope of insurance coverage or policy period leads to the increase in primary premium, reinsurance premium and ceding commissions, the accountant shall record the increase to Dr 111, 112, 131.../Cr 511; if the decrease in sums assured, scope of insurance coverage or policy period leads to the decrease in primary premium, reinsurance premium and ceding commissions, the accountant shall record the decrease to Dr 511/Cr 111,112,131...
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Reinsurance ceded premiums which must be transferred to the reinsurer are considered as revenue deductions and separately recorded in Account 533 “Reinsurance ceded premiums” and transferred to Account 511 to calculate net revenue of the ceding company.
- The ceding company and the reinsurer must notify and certify with each other in a timely manner so as to ensure that revenue of ceding commissions receivable and reinsurance ceded premiums (of the ceding company) and revenue of reinsurance premiums and ceding commission payable (of the reinsurer) shall be recorded when obligations are incurred according to the signed insurance policy within the same quarterly accounting period. At the end of the fiscal year, the ceding company and the reinsurer shall certify payables and receivables with each other so as to ensure that revenues and costs shall be recorded as soon as obligations are incurred from the signed insurance policy and financial regulations.
Supplementation of structure and content of Account 511 – “Revenue”
Debit:
- Refunds of primary insurance premium, reinsurance premium and ceding commissions carried forward in the period;
- Reductions of primary insurance premium, reinsurance premium and ceding commissions carried forward in the period;
- Reinsurance ceded premium transferred to the reinsurer in the period;
- Deferred revenue from ceding commissions;
- Net revenue from primary insurance, reinsurance, reinsurance ceded and other business operations carried forward to Account 911 to calculate business results.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Revenues from insurance business and other business operations in an accounting period.
Account 511 does not have a closing balance.
Account 511 – “Revenues” has 5 tier 2 accounts:
- Account 5111 – “Revenue from primary insurance": Recognizes revenue and net revenue from primary insurance business in the accounting period;
- Account 5112 – “Revenue from reinsurance premiums": Recognizes revenue and net revenue from reinsurance business within the accounting period;
- Account 5113 – “Revenue from reinsurance ceded premiums": Recognizes revenue and net revenue from reinsurance ceded business in the accounting period;
- Account 5117 – “Revenue from investment properties”;
- Account 5118 – “Other revenue”: Recognizes revenue and net revenue of other business operations of insurance business and other receivables if any (sales of excess supplies) other than those recognized in accounts 5111, 5112, 5113, 5117.
Article 13. Accounting of insurance premiums and commission refund
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Accounting principles applicable to this account
- Account 531 shall specifically recognize refunds of insurance premium and insurance commissions according to each type of insurance business such as primary insurance (refund of primary insurance premium), reinsurance (refund of reinsurance premium) and reinsurance ceded (refund of insurance commissions). Each product and line of insurance shall be recorded specifically in each type of insurance business.
- During the period, insurance premium, reinsurance premium and ceding commissions which must be refunded shall be recorded in Dr 531 “Refund of insurance premiums and commissions". At the end of the period, the total amount of refunded insurance premiums and commissions shall be carried forward to the revenue account to determine net revenue of the reporting period.
Structure and content of Account 531 – “Refunds of insurance premium and commission”
Debit:
Insurance premiums and commissions which must be refunded in the period.
Credit:
Total amount of refunded insurance premium and commission in the period carried forward to Account 511 “Revenues” to determine net revenue of the reporting period.
Account 531 does not have a closing balance.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 5311 – “Refunds of primary insurance premium” recognizes the amount of primary insurance premium refunded in the period;
- Account 5312 – “Refunds of reinsurance premium” recognizes the amount of reinsurance premium refunded in the period;
- Account 5313 – “Refunds of ceding commissions” recognizes the amount of ceding commissions refunded in the period.
Article 14. Accounting of insurance premiums and commission deduction
Account 532 – “Reductions of insurance premiums and commission” recognizes amounts of primary insurance premium, reinsurance premium and insurance commissions that are reduced because the non-life insurance company has to return them to the client (insurance buyer) in cases the insurance policy is expired, the policyholder does not suffer any accidents or losses under the insurance policy concluded between the non-life insurance company and the client or by maintaining long-term relationships between the non-life insurance company and the client and other cases as committed in the policy.
Accounting principles applicable to this account
- Only recognize the reduced amounts of insurance premium and commission after the issuance of invoice to Account 532 after the expired date of the policy, i.e. reductions in the insurance premium and commission are given after the invoice has been issued.
- Reductions in premiums and commissions due to the policyholder’s change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period shall not be recorded to account 532.
- Account 532 shall specifically recognize reductions of insurance premium and commissions according to each type of insurance business such as primary insurance (reduction of primary insurance premium), reinsurance (reduction of reinsurance premium), reinsurance ceded (reduction of insurance commissions). Each product and line of insurance shall be recorded specifically in each type of insurance business.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Structure and content of Account 532 – “Reductions of insurance premium and commission”
Debit:
Primary insurance premium and commission which must be reduced in the period.
Credit:
Total amount of reduced insurance premium and commission in the period carried forward to Account 511 - “Revenues” to determine net revenue of the reporting period.
Account 532 does not have a closing balance.
Account 532 “Reductions of insurance premium and commission” has 3 tier 2 accounts:
- Account 5321 – “Reductions of primary insurance premium” recognizes the amount of primary insurance premium reduced in the period;
- Account 5322 – “Reductions of reinsurance premium” recognizes the amount of reinsurance premium reduced in the period;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 15. Accounting of reinsurance ceded premiums
Account 533 – “Reinsurance ceded premium” recognizes the reinsurance ceded premium in the accounting period of a non-life insurance company.
Accounting principles applicable to this account
- Account 533 shall be applied in non-life insurance companies that engage in cession. Reinsurance ceded premiums are considered as decreases in revenues from insurance business so as to determine net premium revenue;
- Account 533 shall be recognized in details the cessions of primary insurance and reinsurance;
- The non-life insurance company must record both reinsurance ceded premiums payable and ceding commissions receivable from the reinsurer at the same time obligations are incurred according to the signed insurance policy;
- The ceding company and the reinsurer must notify and certify with each other in a timely manner so as to ensure that revenue of ceding commissions receivable and reinsurance ceded premiums (of the ceding company) and revenue of reinsurance premiums and ceding commission payable (of the reinsurer) shall be recorded when obligations are incurred according to the signed insurance policy within the same quarterly accounting period. At the end of the fiscal year, the ceding company and the reinsurer shall certify payables and receivables with each other so as to ensure that revenues and costs shall be recorded as soon as obligations are incurred from the signed insurance policy and financial regulations.
- During the accounting period, the amount of reinsurance ceded premium payable to the reinsurer shall be recorded in Dr 533, at the end of the accounting period, total amounts of the reinsurance ceded premium payable to the reinsurer in the period shall be carried forward to Account 511 – Revenue to determine the net premium revenue in the period;
- Changes in sums assured, scope of insurance coverage or policy period made by the policyholder according to the concluded policy that leads to an increase in the scope of insurance coverage resulted in an increase in the reinsurance ceded premium shall be recorded as Dr 533/Cr 331; a decrease in sums assured, scope of insurance coverage or policy period that leads to a decrease in reinsurance ceded premium shall be recorded as Dr 331/Cr 533.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Structure and content of Account 533 – “Reinsurance ceded premium”
Debit:
Reinsurance ceded premium payable to the reinsurer in the period.
Credit:
- Reinsurance ceded premium receivable from the reinsurer in cases of refunds or deductions of premium;
- Carried forward sum of premiums for reinsurance ceded which must be paid to the reinsurer in the period to account 511 "Revenue” so as to calculate the net revenue in the period.
Account 533 does not have a closing balance.
Accounting methods for a number of business transactions
1. When the insurance policy has been concluded between the ceding company and the reinsurer but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. When liabilities arise from the insurance policy and the reinsurance agreement, premiums for reinsurance ceded which must be paid to the reinsurer shall be recorded to:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 – Payables
As the same time Cr 005 – Reinsurance ceded contracts not yet incurred liabilities (0053) shall be recorded.
Concurrently, the accountant shall record the ceding commission receivable from the reinsurer to revenue as follows:
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commissions receivable which are deducted from premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
- When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
Dr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
3. In case the policyholder makes change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period specified in the insurance policy signed with the ceding company resulting in an increase in the premiums for reinsurance ceded which must be paid to the reinsurer, the following entry shall be made:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 – Payables
At the same time, the additional amount of ceding commission receivable from the reinsurer and revenue shall be recorded as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 511 – Revenues (5113)
- When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) additional ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
Dr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
4. In cases the ceding company refunds or reduces insurance premiums or the policyholder decreases the sums assured, scope of insurance coverage or policy period of the insurance policy concluded with the ceding company, the amount of premiums for reinsurance ceded which must be recovered shall be recorded to:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
At the same time, a decrease in the ceding commission revenue in proportion to the decrease in premiums for reinsurance ceded shall be recorded as follows:
- If the policyholder decreases the sums assured, scope of insurance coverage or policy period of the insurance policy, the decrease in ceding commission revenue shall be recorded to:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 331 – Payables
- If the policyholder (insurance buyer) or the non-life insurance company terminates the insurance policy, the decrease in ceding commission revenue shall be recorded to:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 331 – Payables
- If a reduction in insurance premium is given because no accidents or losses occurred according to the insurance policy, the decrease in ceding commission revenue shall be recorded to:
Dr 532 – Reductions of insurance premium and commission (5323)
Cr 331 – Payables
- When receiving the amounts of reinsurance ceded premiums minus (-) the amount of ceding commissions payable to the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
Dr 111, 112,...
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
5. At the end of the accounting period, the sum of premiums for reinsurance ceded which must be paid to the reinsurer in the period shall be carried forward to account 511 so as to calculate the net revenue in the period as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
Article 16. Accounting of revenue from insurance businesses
1. Revenue from primary insurance business
1.1. When the insurance policy has been concluded between the non-life insurance company and the policyholder (insurance buyer) but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
Dr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051).
1.2. When liabilities arise from the insurance policy, the non-life insurance company shall record the revenue from primary insurance premium as follows:
a. When the insurance policy has been concluded with the policyholder and the policyholder has fully paid premium or when having documents proving that the insurance policy has been concluded and the policyholder has fully paid premium (in case of a new policy) or there is an agreement made with the policyholder on the insurance premium debts, the revenue from primary insurance premium shall be recorded to:
Dr 111, 112 (Total premium paid) (In case the insurance buyer has fully paid the premium)
Dr 131 – Receivables (In case the insurance buyer has an agreement on delay in payment of premium)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
As the same time Cr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051) shall be recorded.
b. When the insurer has come to an agreement on installment payment with the policyholder, the insurance premium receivable of each payment term shall be recorded as revenue as follows:
Dr 111, 112 (Total premium paid) (In case the insurer has received payment of premium from the policyholder)
Dr 131 – Receivables (In case the insurance buyer has not yet received payment of premium from the policyholder)
Cr 511 – Revenues (VAT-exclusive) (5111)
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
As the same time Cr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051) shall be recorded.
c. When the insurer has come to an agreement on advance payment for multiple periods with the policyholder, the insurance premium receivable from the policyholder in proportion to the insurance premium receivable of current term shall be recorded as revenue and the advances shall be recorded as unearned revenue as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 511 – Revenues (VAT-exclusive) (The amount of insurance premium received in the period) (5111)
Cr 3387 – Unearned revenues (VAT-exclusive) (The amount of advances received for the following periods)
Dr 3331 – VAT (33311) (VAT payable on the total premiums received) (if any).
As the same time Cr 005- Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051) shall be recorded.
- Periodically, the advance of premiums in proportion to the premiums receivable of each period shall be allocated to the revenue from premiums as follows:
Dr 3387 – Unearned revenue (In proportion to the amount of premiums receivable in the period)
Cr 511 – Revenues (5111)
1.3. When the insurance policy has been concluded between the ceding company and the reinsurer but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
Dr 005- Insurance contracts not yet incurred liabilities (0053).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 - Payables (Premiums for reinsurance ceded payable to reinsurers).
Concurrently, the ceding commission receivable from the reinsurer shall be recorded as revenue as follows:
Dr 331- Payables (Ceding commission receivable of the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
As the same time Cr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0053) shall be recorded.
- Payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivables from reinsurers shall be recorded by the ceding company as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.5. In case a policyholder (insurance buyer) makes changes in sums assured, scope of insurance coverage or policy period specified in the concluded insurance policy, changes in insurance premiums shall be recorded as follows:
a. The increase in premium revenue resulted from the change in sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period shall be recorded to:
Dr 111, 112 (Total premium paid) (In case the insurer has received the additional premium from the policyholder)
Dr 131 – Receivables (In case the insurance buyer has not yet received the additional premium from the policyholder)
Cr 511 – Revenues (VAT-exclusive) (5111)
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
Concurrently, an increase in the premium for reinsurance ceded which must be transferred to the reinsurer (including withholding tax) (if any) shall be recorded to:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331- Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 331 – Payables
Cr 511 – Revenues (5113)
- When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) the ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,… (Amounts actually payable to reinsurers)
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
b. The amount refunded to the policyholder that are resulted from the change in sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period shall be recorded as an decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (VAT-exclusive) (5111)
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Concurrently, a decrease in the premium for reinsurance ceded which must be collected from the reinsurer under terms of the signed reinsurance agreement (including withholding tax) (if any) shall be recorded as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
At the same time, the ceding commission payable to the reinsurer shall be recorded as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 331 – Payables
- When receiving the amounts of reinsurance ceded premiums minus (-) the amount of ceding commissions payable to the reinsurer, the following entry shall be made:
Dr 111, 112,...
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.6. If the policyholder or the non-life insurance company terminates the signed insurance policy, the insurance premium refunded to the policyholder shall be recorded as follows:
Dr 531 – Refunds of insurance premium and commission (VAT exclusive)
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
Cr 111, 112 (Total premium paid) (In case the non-life insurance company has refunded the insurance premium to the policyholder)
Cr 131 – Receivables (In case the non-life insurance company has not yet refunded the insurance premium to the policyholder).
Concurrently, the amount of premium for reinsurance ceded which must be collected from the reinsurer due to a refund of premium to the policyholder shall be recorded to:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
At the same time, the amount of ceding commission refunded to the reinsurer shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 331 – Payables
- When receiving the amounts of reinsurance ceded premiums minus (-) the amount of ceding commissions payable to the reinsurer, the following entry shall be made:
Dr 111, 112,...
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
1.7. When a reduction in insurance premium is made due to the non-occurrence of the policyholder’s damage or loss according to the signed insurance policy between the non-life insurance company and the policyholder, the reduced amount of insurance premium to be paid to the policyholder shall be recorded as follows:
Dr 532 – Reductions of insurance premium and commission (VAT exclusive)
Dr 3331 – VAT (33311) (if any).
Cr 111, 112 (Total premium paid) (In case the non-life insurance company has reduced the insurance premium to the policyholder)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Concurrently, the amount of premium for reinsurance ceded which must be collected from the reinsurer (if any) due to a reduction of premium given to the policyholder (including withholding tax) (if any) shall be recorded to:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
At the same time, the ceding commission payable to the reinsurer shall be recorded as follows:
Dr 532 – Reductions of insurance premium and commission
Cr 331 – Payables
- When receiving the amounts of reinsurance ceded premiums minus (-) the amount of ceding commissions payable to the reinsurer, the following entry shall be made:
Dr 111, 112,...
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.8. At the end of the accounting period, premiums for reinsurance ceded in the period shall be transferred to and deducted from the actual primary premium revenue in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5111)
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
1.9. At the end of the accounting period, refunded amounts of primary premiums in the period shall be transferred to and deducted from the actual primary premium revenue in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5111)
Cr 531 – Refunds of insurance premium and commission
1.10. At the end of the accounting period, reduced amounts of primary premiums in the period shall be transferred to and deducted from the actual primary premium revenue in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5111)
Cr 532 – Reductions of insurance premium and commission
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 511 – Revenues (5111)
Cr 911 – Income summary
2. Revenue from reinsurance
2.1. When the insurance policy has been concluded between the ceding company and the reinsurer but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
Dr 005 – Reinsurance agreement not yet incurred liabilities (0052).
2.2. When liabilities arise from the reinsurance agreement, the reinsurer shall record the reinsurance premium which must be collected from the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 511 – Revenues (5112) (Amounts of premiums for reinsurance which must be collected from the ceding company).
As the same time Cr 005 – Reinsurance agreement not yet incurred liabilities (0052) shall be recorded.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 131 – Receivables (Amounts of ceding commissions which must be paid to the ceding company and deducted from the amount of reinsurance premium receivable)
- The reinsurer shall record the received amount of reinsurance premium minus (-) the ceding commission paid to the ceding company as follows:
Dr 111, 112 (Amounts actually received from the ceding company)
Cr 131 - Receivables
Cr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission receivable from the ceding company) (if any)
2.3. In case the policyholder makes change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period specified in the insurance policy concluded with the ceding company, changes in primary insurance premium and reinsurance premium shall be recorded as follows:
a. The reinsurance premium which must be collected from the ceding company because of the change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period shall be recorded as an increase in revenue as follows:
Dr 131 - Receivables (Additional amount of reinsurance premium which must be collected from the ceding company)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Concurrently, the ceding commission payable to the ceding company in proportion to the additional amount of reinsurance premium (including withholding tax) (if any) shall be recorded as an increase in costs as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 131 - Receivables (Additional amount of ceding commission payable to the ceding company)
- The reinsurer shall record the additional amount of reinsurance ceded premium receivable minus (-) the ceding commission paid to the ceding company as follows:
Dr 111, 112 (Amounts actually received from the ceding company)
Cr 131 - Receivables
Cr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission payable to the ceding company) (if any)
b. The amount refunded to the ceding company which is resulted from the change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period shall be recorded as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5112)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Concurrently, the ceding commission receivable from the ceding company in proportion to the decrease in the reinsurance premium (including withholding tax) (if any) shall be recorded as a decrease in costs as follows:
Dr 131 - Receivables (Amount of ceding commission which must be collected from the ceding company)
Cr 624 – Costs of insurance business (62424)
- The reinsurer shall record the refunded amount of reinsurance premium minus (-) the ceding commission receivable from the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Dr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission receivable from the ceding company) (if any)
Cr 111, 112 (Amounts actually payable to the ceding company)
2.4. In case the ceding company makes change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period specified in the reinsurance agreement concluded with the reinsurer, changes in reinsurance premium shall be recorded as follows:
a. The reinsurance premium which must be collected from the ceding company because of the increase in the scope of reinsurance coverage shall be recorded as an increase in revenue as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 511 – Revenues (5112)
Concurrently, the ceding commission payable to the ceding company in proportion to the additional amount of reinsurance premium (including withholding tax) (if any) shall be recorded as an increase in costs as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 131 - Receivables (Additional amount of ceding commission payable to the ceding company)
- The reinsurer shall record the additional amount of reinsurance ceded premium receivable minus (-) the ceding commission paid to the ceding company as follows:
Dr 111, 112,… (Amounts actually received from the ceding company)
Cr 131 - Receivables
Cr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission payable to the ceding company) (if any)
b. The amount refunded to the ceding company which is resulted from the change in the scope of reinsurance coverage shall be recorded as a decrease in revenue as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 131 - Receivables (Amount of reinsurance premium payable to the ceding company)
Concurrently, the ceding commission receivable from the ceding company in proportion to the decrease in the reinsurance premium (including withholding tax) (if any) shall be recorded as a decrease in costs as follows:
Dr 131 - Receivables (Amount of ceding commission which must be collected from the ceding company)
Cr 624 – Costs of insurance business (62424)
- The reinsurer shall record the refunded amount of reinsurance premium minus (-) the ceding commission receivable from the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Dr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission receivable from the ceding company) (if any)
Cr 111, 112,… (Amounts actually payable to the ceding company)
2.5. If the reinsurance premium must be refunded because either the policyholder or the non-life insurance company terminates the signed insurance policy resulting in the termination of the reinsurance agreement, the amount of reinsurance premium refunded to the ceding company shall be recorded as a decrease in revenue as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 131 - Receivables (Amount of reinsurance premium payable to the ceding company)
Concurrently, the commission receivable from the ceding company in proportion to the amount of reinsurance premium refunded to the ceding company shall be recorded as a decrease in costs as follows:
Dr 131 - Receivables (Amount of ceding commission which must be collected from the ceding company)
Cr 624 – Costs of insurance business (62424)
- The reinsurer shall record the refunded amount of reinsurance premium minus (-) the ceding commission receivable from the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Dr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission receivable from the ceding company) (if any)
Cr 111, 112,… (Amounts actually payable to the ceding company)
2.6. When a reduction in reinsurance premium is made due to the non-occurrence of the policyholder’s damage or loss according to the signed insurance policy between the non-life insurance company and the policyholder resulting in the reduction of reinsurance premium and ceding commission, the reduced amount of insurance premium to be paid to the policyholder shall be recorded as a decrease in revenue as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 131 - Receivables (Amount of reinsurance premium payable to the ceding company)
Concurrently, the commission receivable from the ceding company in proportion to the reduced amount of reinsurance premium payable to the ceding company shall be recorded as a decrease in costs as follows:
Dr 131 - Receivables (Amount of ceding commission which must be collected from the ceding company)
Cr 624 – Costs of insurance business (62424)
- The reinsurer shall record the payment of reinsurance premium minus (-) the ceding commission receivable from the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Dr 3338 - Other taxes (Withholding tax on the ceding commission receivable from the ceding company) (if any)
Cr 111, 112,… (Amount of reinsurance premium actually paid to the ceding company)
2.7. At the end of the accounting period, refunded amount of reinsurance premium in the period shall be transferred to and deducted from the actual reinsurance premium revenue in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 531 – Refunds of insurance premium and commission
2.8. At the end of the accounting period, reduced amount of reinsurance premium in the period shall be transferred to and deducted from the actual reinsurance premium revenue in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5112)
Cr 532 – Reductions of insurance premium and commission
2.9. At the end of the accounting period, the net revenue shall be carried forward to Account 911 – Income summary as follows:
Dr 511 – Revenues (5112)
Cr 911 – Income summary
3. Revenue from reinsurance ceded
3.1. When the insurance policy has been concluded between the ceding company and the reinsurer but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.2. When liabilities incurred from the insurance policy and the reinsurance agreement, the ceding company shall record the ceding commission receivable from the reinsurer under terms of the reinsurance agreement to the revenue as follows:
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commissions receivable which are deducted from premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
As the same time Cr 005 – Reinsurance ceded contracts not yet incurred liabilities (0053) shall be recorded.
Concurrently, the ceding company shall record the premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer (including withholding tax) (if any) as follows:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 - Payables (Premiums for reinsurance ceded payable to reinsurers).
3.3. When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
Dr 331 – Payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
3.4. In case the policyholder makes change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period specified in the insurance policy concluded with the non-life insurance company, changes in primary insurance premium and reinsurance ceded premium shall be recorded as follows:
a. If the change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period results in an increase in the premium for reinsurance ceded, accountant of the ceding company shall record the additional amount of ceding commission receivable from the reinsurer in proportion to the additional amount of premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer as an increase in revenue as follows:
Dr 331 – Payables (Additional amount of ceding commissions receivable which are deducted from premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
Concurrently, an increase in the premium for reinsurance ceded which must be transferred to the reinsurer under terms of the signed insurance policy (including withholding tax) (if any) shall be recorded to:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 - Payables (Additional amount of premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer).
- When making payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivable from the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 111, 112,… (Amount actually payable to reinsurers)
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
b. If the change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period results in a decrease in the premium for reinsurance ceded, accountant of the ceding company shall record the amount of ceding commission to be refunded to the reinsurer in proportion to the amount of premium for reinsurance ceded recovered from the reinsurer as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commissions payable which are deducted from premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Concurrently, a decrease in the premium for reinsurance ceded which must be collected from the reinsurer under terms of the signed reinsurance agreement (including withholding tax) (if any) shall be recorded as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
- When receiving the amounts of reinsurance ceded premiums minus (-) the amount of ceding commissions payable to the reinsurer, the following entry shall be made by the ceding company:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
3.5. In case the ceding company makes change in the sums assured, the scope of insurance coverage or the policy period specified in the reinsurance agreement concluded with the reinsurer, changes in reinsurance ceded premium shall be recorded as follows:
a. If the change in the scope of insurance coverage results in an increase in the premium for reinsurance ceded, the accountant shall record the additional amount of ceding commission receivable from the reinsurer in proportion to the additional amount of premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer as an increase in revenue as follows:
Dr 331 – Payables (Additional amount of ceding commission receivable which is deducted from premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Cr 511 – Revenues (5113)
Concurrently, an increase in the premium for reinsurance ceded which must be transferred to the reinsurer under terms of the signed insurance policy (including withholding tax) (if any) shall be recorded to:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 - Payables (Additional amount of premium for reinsurance ceded payable to the reinsurer).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,… (Amount actually payable to reinsurers)
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
b. If the change in the scope of insurance coverage results in a decrease in the premium for reinsurance ceded, the accountant shall record the amount of ceding commission payable to the reinsurer in proportion to the decrease in premium for reinsurance ceded receivable from the reinsurer as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commissions payable which are deducted from premiums for reinsurance ceded payable to the reinsurer)
Concurrently, a decrease in the premium for reinsurance ceded which must be collected from the reinsurer under terms of the signed reinsurance agreement (including withholding tax) (if any) shall be recorded as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 111, 112,… (Amounts actually received from the reinsurer)
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
3.6. When the policyholder or the non-life insurance company terminates the signed insurance policy resulting in refund of insurance premium, reinsurance ceded premium and ceding commission, accountant of the ceding company shall record the ceding commission which must be refunded to the reinsurer because of the refund of reinsurance ceded premium as a decrease in revenue as follows:
Dr 531 – Refunds of insurance premium and commission
Cr 331 – Payables (Amounts of ceding commission which must be refunded to the reinsurer and deducted from the premium for reinsurance ceded receivable from the reinsurer)
Concurrently, the amount of premium for reinsurance ceded receivable from the reinsurer (including withholding tax) (if any) shall be recorded to:
Dr 331 – Payables
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 111, 112,… (Amounts actually collected from the reinsurer)
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
3.7. When a reduction in reinsurance premium is made due to the non-occurrence of the policyholder’s damage or loss according to the signed insurance policy resulting in the reduction of reinsurance premium and ceding commission, accountant shall record the premium for reinsurance ceded (if any) receivable from the reinsurer (including withholding tax, if any) to:
Dr 331 - Payables (The reduced amount of premiums for reinsurance ceded receivable from the reinsurer)
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
At the same time, the ceding commission which must be refunded to the reinsurer shall be recorded as follows:
Dr 532 – Reductions of insurance premium and commission
Cr 331 – Payables (The amount of ceding commission which must be refunded to the reinsurer and deducted from the premium for reinsurance ceded receivable from the reinsurer)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 111, 112,… (Amounts actually collected from the reinsurer)
Dr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any)
Cr 331 – Payables
3.8. At the end of the accounting period, record the deferred ceding commissions as a decrease in revenue as follows:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 3387 – Unearned revenue (The deferred ceding commissions actually incurred)
3.9. Periodically, accountants shall allocate unearned revenue from ceding commissions of previous period to revenue from commissions of current period as follows:
Dr 3387 – Unearned revenue (In proportion to the amount of ceding commission receivable in the period)
Cr 511 – Revenues (5113)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 533 – Reinsurance ceded premium
3.11. At the end of the accounting period, the ceding commission refunded in the period shall be transferred to and deducted from the revenue as the ceding commission actually earned in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 531 – Refunds of insurance premium and commission
3.12. At the end of the accounting period, the ceding commission reduced in the period shall be transferred to and deducted from the revenue as the ceding commission actually earned in the period so as to determine the net revenue, and recorded to:
Dr 511 – Revenues (5113)
Cr 532 – Reductions of insurance premium and commission
3.13. At the end of the accounting period, the net revenue shall be carried forward to Account 911 – Income summary as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 911 – Income summary
Article 17. Accounting of costs of insurance business
Supplementation of Account 624 – “Costs of insurance business”: Recognizes costs of insurance business and other operating costs of insurance business incurred by a non-life insurance company.
Costs of insurance business include all actual costs incurred during the provision of insurance services such as: cost of product design, establishment and introduction, cost of damage assessment, inspection and collection of information related to insurance event, payment of insurance payouts, technical reserves, cost for request of third parties’ reimbursements, cost for handling of fully compensated goods, cost for evaluation of the insured’s risks, cost directly related to insurance (including insurance commissions, costs related to insurance sale, cost of management of insurance agencies such as recruitment, training and incentives for agencies, etc.) and other costs such as contributions to the Fund for protection of the insured and other funds in accordance with the financial regulations.
This account shall also be recognized other operating costs incurred during the provision of insurance services such as costs of damage assessment, claim review services, request of third parties’ reimbursements, etc.
Accounting principles applicable to this account
- Account 624 – “costs of insurance business and others” shall be only recognized the actual costs incurred (regardless of payment made or not) during the provision of insurance services in the accounting period; amounts receivable recorded as decreases in costs incurred in the period such as indemnities collected from reinsurers, collection of third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, insurance commissions pending for allocation and reversed amounts of technical reserves.
- Costs of insurance business recognized on account 624 must be specific to primary insurance business, reinsurance business, reinsurance ceded and other operations. Costs of every insurance operation of a certain insurance business type shall be specifically recorded to this account in accordance with financial regulations and management requirements of the company.
- The ceding company and the reinsurer must notify and certify with each other in a timely manner so as to ensure that indemnities and other costs such as request for third parties’ reimbursements, cost for handling of fully compensated goods; collection of reinsurance claim payments and other receivables such as collection of third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, ceding commissions shall be recorded when obligations are incurred according to the signed insurance policy within the same quarterly accounting period. At the end of the fiscal year, ceding companies and reinsurers shall certify payables and receivables with each other so as to ensure that revenues and costs shall be recorded as soon as obligations are incurred from the signed insurance policy and financial regulations.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Other operating costs include costs of other business operations such as costs in progress of provision of damage assessment, claim review services, request of third parties’ reimbursements, etc. made by insurance agencies (if any) shall be transferred to account 154 – “Work in progress”. Costs of services sold during a period shall be transferred to account 911 – “Income summary” to determine the company’s business result.
- Account 624 – “Costs of insurance business” shall not be used to recognize general administration costs, financial costs and other costs.
Structure and content of Account 624 – “Costs of insurance business”
Debit:
- Costs that arise in the period of insurance business (including primary insurance business, reinsurance business, reinsurance ceded and other business operation);
- Carriedforward cost of other business operations in progress at the beginning of the period.
Credit:
- Amounts recorded as decreases in costs of insurance business and other business operations incurred within the period (such as indemnities paid by reinsurers, collection of third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, insurance commissions pending for allocation, reversed amounts of technical reserves, etc.)
- Amounts of indemnities of primary insurance and reinsurance paid from the catastrophe reserve;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Costs of other business operations in progress at the end of the period carriedforwarded to account 154 – “Work in progress”.
- Actual costs of services of other business operations sold during the period shall be carriedforwarded to account 911 – Income summary.
Account 624 does not have a closing balance.
Account 624 – “Costs of insurance business” has 5 tier 2 accounts:
- Account 6241 - "Costs of primary insurance business”: recognizes all costs of primary insurance business incurred in the period, including: payment of indemnities, payment of commissions and other costs related to the setting aside of technical reserves, payment of damage assessment, cost of inspection and collection of information, cost for handling of fully compensated goods, cost of request for third parties’ reimbursements, cost for evaluation of the insured’s risks, cost of prevention and reduction of losses and other costs related to primary insurance business.
This account has 6 tier 3 accounts:
Account 62411- Costs of indemnity;
Account 62412- Unearned premiums reverse;
Account 62413- Claims reserve;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Account 62417- Costs of management of insurance agents;
Account 62418- Other costs of primary insurance business.
A non-life insurance company may open more tier 3 or 4 accounts to record costs of primary insurance business other than those recognized on accounts 62411, 62412, 62413, 62414, 62417 and 62418 in accordance with applicable financial regulations and its management requirements.
- Account 6242 – “Costs of reinsurance business” recognizes all costs of reinsurance assumed in the period, including payment of indemnities, setting aside of technical reserves, payment of commissions, cost for handling of fully compensated goods, cost of request for third parties’ reimbursements, cost for evaluation of the insured’s risks and other costs of reinsurance business
This account has 5 tier 3 accounts:
Account 62421- Cost of indemnity;
Account 62422- Unearned premiums reverse;
Account 62423- Claims reserve;
Account 62424- Costs of commission;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
A non-life insurance company may open more tier 3 or 4 accounts to record costs of reinsurance business other than those recognized on accounts 62421, 62422, 62423, 62424 and 62428 in accordance with applicable financial regulations and its management requirements.
- Account 6243 – “Cost of reinsurance ceded": Recognizes costs of reinsurance ceded.
- Account 6245 – “Catastrophe reserve”: recognizes the cost of setting aside of catastrophe reserve of the non-life insurance company.
- Account 6248 – “Other operating costs”: Recognizes expenses related to insurance business and other business operations other than those recognized in accounts 6241, 6242, 6243 and 6245.
Accounting methods for a number of business transactions
1. Costs of primary insurance business:
1.1. When costs in connection with damage assessment, inspection and collection of information related to insurance event incurred, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.2. When the non-life insurance company has determined the amount of insurance payout to the insured due to the occurrence of damage or loss according to the primary insurance policy, based on related vouchers, the amount of insurance payout shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables (If the company has not yet paid the insurance payout to the insured)
Cr 111,112,… (If the company has paid the amount of insurance payout to the insured)
When amounts of indemnities receivable in proportion to the portion of risks taken on by the reinsurer arise, the following entry shall be made:
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (62411)
1.3. When making payment of the amount of insurance payout to the insured, the following entry shall be made:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 111, 112, etc.
1.4. When costs of primary insurance business which are paid by the insurance company then recovered from the reinsurer as agreed upon in the reinsurance agreement such as cost of assessment, cost of handling of fully compensated goods, cost of request for third parties’ reimbursements and other costs arise, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,…...
When decreases of costs of primary insurance business such as cost of assessment, cost of handling of fully compensated goods, etc. and receivables of the reinsurer in proportion to the portion of risks it taken on arise, the following entry shall be made:
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (62411)
1.5. When the amount of collection of third parties’ reimbursements is determined truthfully, based on related vouchers, the accountant shall record them as a decrease in cost of insurance business as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 624 – Costs of insurance business (Total amount of collection of third parties’ reimbursements) (62411)
When amounts of collection of third parties’ reimbursements payable to the reinsurer in proportion to the portion of risks it taken on arise, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Cr 331 - Payables (The amount payable to the reinsurer from the collection of third parties’ reimbursements).
1.6. When recovering fully compensated goods, the non-life insurance company shall monitor in detail all kinds of recovered goods on the books of accounts until they are sold or liquidated. When the amount of fully compensated goods recovered is determined, the accountant shall record them as a decrease in costs of insurance business as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (62411)
Cr 3331 – VAT (if any).
At the same time, the amount of fully compensated goods receivable shall be recorded as payables to the reinsurer as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 331 – Payables (The amount payable to the insurer from the amount of fully compensated goods recovered) (3311).
1.7. When costs of evaluation of the insured’s risks, costs of prevention and reduction of losses, etc. arise, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62418)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,…
1.8. When purchasing assets and equipment for the insured to prevent and reduce losses, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62418)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,… (In case of purchasing assets and equipment immediately for the insured)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.9. When calculating and contributing to the Fund for protection of the insured based on total premiums from primary insurance contracts in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62418)
Cr 111, 112,....
1.10. When calculating and contributing to the Fund for fire prevention and control, the Fund for motor vehicle insurance, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62418)
Cr 111, 112,....
1.11. Accounting of costs of insurance exploitation:
a. When payables related to commissions for the brokerage enterprise in accordance with the contract concluded between the insurance company and the insurance brokerage in accordance with effective financial regulations:
- Commissions paid to domestic insurance broker companies eligible for VAT deduction according to the Law on VAT shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 112, 331,…
- Commissions paid to domestic insurance broker companies not eligible for VAT deduction according to the Law on VAT shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Cr 331 – Payables
When making payment to foreign insurance broker companies, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables
When making payment to the foreign insurance broker company, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
b. When commissions payable to insurance agents in accordance with effective financial regulations are determined, the following entries shall be made:
- If the insurance agent is an organization:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,…
- If the insurance agent is an individual:
+ When the non-life insurance company makes instant payments to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Cr 111, 112,....
Cr 3335 – Personal income tax
+ If the non-life insurance company has not yet paid the commissions to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
When the non-life insurance company makes payments to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,....
Cr 3335 – Personal income tax
c. When costs of management of insurance agents such as recruitment, initial training, certification exams, advanced training and aid for agents, etc. arise, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62417)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,…
d. Costs of incentives for insurance agents shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 111, 112, etc.
Cr 3335 – Personal income tax (if the insurance agent is an individual).
D. Salaries, wages, allowances and other payables to staffs of the sales department shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Cr 334 – Payables
- Social insurances, health insurances, union fees and unemployment insurances of staffs of the sales department shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables (The amount deducted from salaries)
Dr 624 – Costs of insurance business (The amount included in costs)
Cr 338 – Other payables
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (According to management requirements)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331...
f. Depreciation of fixed assets for sale of insurance or insurance agents shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Cr 214 – Depreciation of fixed assets.
1.12. General management costs not specifically defined for insurance operation and business management shall be recorded as follows:
Dr 642 – General administration expenses
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.13. At the end of the accounting period, the non-life insurance company shall determine and allocate the costs of insurance exploitation to the costs of insurance business as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Cr 642 – General administration expenses
1.14. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the claims reserve of primary insurance policies which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of claims reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of claims reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 624 – Costs of insurance business (62413)
Cr 352 – Provision (35221 – Primary insurance and reinsurance indemnity reserve) (Primary insurance indemnity reserve).
- The negative difference between the amount of claims reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of claims reserve at the end of the previous period shall be reversed and recorded to:
Dr 352 – Provision (35221- Primary insurance and reinsurance indemnity reserve) (Primary insurance indemnity reserve).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.15. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the claims reserve of the reinsurance agreement which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of reinsurance ceded indemnity reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded indemnity reserve of the previous period shall be recorded to:
Dr 352 – Provision for payables (35222 - Reinsurance ceded indemnity reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62413)
- The negative difference between the amount of reinsurance ceded indemnity reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded indemnity reserve at the end of the previous period shall be reversed and recorded to:
Dr 624 – Costs of insurance business (62413)
Cr 352 – Provision for payables (35222 - Reinsurance ceded indemnity reserve)
1.16. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the unearned premium reserve of the primary insurance policy which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of unearned premium reserve which must be set aside in this period and the unearned premium reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 352 – Provision for payables (35211- Premium reserve of primary insurance and reinsurance) (Primary insurance premiums)
- The negative difference between the amount of unearned premium reserve which must be set aside in this period and the unearned premium reserve at the end of the previous period shall be reversed and recorded to:
Dr 352 – Provision for payables (35211- Premium reserve of primary insurance and reinsurance) (Primary insurance premiums)
Cr 624 – Costs of insurance business (62412)
1.17. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the unearned premium reserve of the reinsurance agreement which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of reinsurance ceded premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded premium reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 352 – Provision for payables (35212- Reinsurance ceded premium reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62412)
- The negative difference between the amount of reinsurance ceded premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance ceded premium reserve at the end of the previous period shall be reversed and recorded to:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 352 – Provision for payables (35212- Reinsurance ceded premium reserve)
1.18. At the end of the accounting period, the non-life insurance company shall determine and credit the costs of insurance commissions so as to transfer them to the following period as follows:
Dr 142 - Short-term prepaid expenses
Cr 624 – Costs of insurance business (62414)
1.19. Periodically, non-life insurance companies shall determine and allocate the insurance commissions to the expenses of current period as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Cr 142 - Short-term prepaid expenses
1.20. At the end of the accounting period, costs of primary insurance business in the period shall be recorded as follows:
Dr 911 – Income summary
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Costs of reinsurance business
2.1. Based on notices of the ceding company on indemnities which are in proportion to the portion of liabilities of the reinsurance and other related vouchers, the accountant shall record indemnities for reinsurance and others payables to the ceding company as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62421)
Cr 331 – Payables
2.2. When making payment of the amount of insurance payout to the ceding company, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,…
2.3. When receiving notices of the ceding company on payables such as cost of request for third parties’ reimbursements, costs for handling of goods fully compensated and other payables (if any), based on related vouchers, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (6242)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.4. When costs of evaluation of the insured’s risks, costs of prevention and reduction of losses, etc. of the reinsurer arise, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62428)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331,…
2.5. Based on notices of the ceding company, receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated of the ceding company as follows:
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (6242)
When collecting receivables from the ceding company, the following entry shall be made:
Dr 111, 112
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.6. Accounting of costs of insurance exploitation:
2.6.1. Insurance commission payable to the ceding company minus (-) reinsurance premiums receivable in accordance with the concluded policy shall be recorded by the reinsurer as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 131 - Receivables
2.6.2. Accounting of other costs related to insurance exploitation incurred at the non-life insurance company shall be implemented similarly to those at the primary insurance company as specified in part 1 of this Article.
2.7. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the claims reserve of reinsurance agreements which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of claims reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of claims reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 624 – Costs of insurance business (62423)
Cr 352 – Provision (35221 - Primary insurance and reinsurance indemnity reserve) (Primary insurance indemnity reserve).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 352 – Provision (35221 - Primary insurance and reinsurance indemnity reserve) (Primary insurance indemnity reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (62423)
2.8. At the end of the annual (or quarterly) accounting period, based on the unearned premium reserve of the reinsurance agreement which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
- The positive difference between the amount of reinsurance premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance premium reserve at the end of the previous period shall be recorded to:
Dr 624 – Costs of insurance business (62422)
Cr 352 – Provision (35211 - Premium reserve of primary insurance and reinsurance) (Primary insurance premiums)
- The negative difference between the amount of reinsurance premium reserve which must be set aside in this period and the unused amounts of reinsurance premium reserve at the end of the previous period shall be reversed and recorded to:
Dr 352 – Provision for payables (35211- Premium reserve of primary insurance and reinsurance) (Primary insurance premiums)
Cr 624 – Costs of insurance business (62422)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 142 - Short-term prepaid expenses
Cr 624 – Costs of insurance business (62424)
2.10. Periodically, insurance commission expenses shall be included in the insurance business expenses of current period as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62424)
Cr 142 - Short-term prepaid expenses
2.11. At the end of the accounting period, costs of reinsurance business in the period shall be recorded as follows:
Dr 911 – Income summary
Cr 624 – Costs of insurance business (6242)
3. Costs of reinsurance ceded
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (6243)
Cr 111, 112, 141, 331...
3.2. At the end of the accounting period, costs of reinsurance ceded in the period shall be recorded as follows:
Dr 911 – Income summary
Cr 624 – Costs of insurance business (6243)
4. Catastrophe reserve
4.1. At the end of the accounting period, based on the amount of catastrophe reserve which must be set aside in accordance with effective financial regulations, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (6245)
Cr 352 – Provision (3523- Catastrophe reserve)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 352 – Provision (3523 - Catastrophe reserve)
Cr 624 – Costs of insurance business (6245)
5. Other operating costs
5.1. At the beginning of the accounting period, other operating costs of insurance business and operating work in progress (if any) shall be carriedforwarded to Dr 624 “Costs of insurance business” as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6248)
Cr 154 – Work in progress.
5.2. Other insurance business costs such as costs of damage assessment, consideration of indemnity settlement, request for third parties’ reimbursements, etc. and other operating costs shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (6248)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5.3. At the end of the accounting period, other operating costs of insurance business and operating work in progress (if any) shall be carriedforwarded to Dr 154 “Work in progress” as follows:
Dr 154 – Work in progress
Cr 624 – Costs of insurance business (6248)
5.4. At the end of the accounting period, costs of services sold during a period shall be carriedforwarded as follows:
Dr 911 – Income summary
Cr 624 – Costs of insurance business (6248)
1. Deductible input VAT
1.1. When making payment of insurance commission of insurance businesses subject to VAT to the domestic insurance brokerage company or the insurance agent which is an organization, based on the VAT invoice of the domestic insurance brokerage company or the insurance agent and related vouchers, the amount of deductible input VAT shall be recorded as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 133 – Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 111, 112, 331...
1.2. Based on VAT invoices in accordance with the Law on VAT and other related vouchers, the amount of insurance payout of insurance businesses which are subject to VAT shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 331 – Payables (If the company has not yet paid insurance payout to the insured)
Cr 111,112,… (If the company has paid the amount of insurance payout to the insured)
1.3. Based on VAT invoices in accordance with the Law on VAT and other related vouchers, if costs related to insurance businesses which are subject to VAT are eligible for input VAT deduction, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 111, 112, 331...
1.4. Based on VAT invoices of the supplier and other related vouchers, if assets and equipment purchased to prevent and reduce losses of the insured which are related to insurance businesses subject to VAT are eligible for input VAT deduction, the following entry shall be made:
Dr 624 - Costs of insurance business (62418) (In case of purchasing assets and equipment immediately for the insured)
Dr 152 – Raw materials (In case of warehousing assets and equipment)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111, 112, 331,…
1.5. If the non-life insurance company spends cash on capital expenditure or purchase or major repair of fixed assets which are concurrently used in insurance businesses that are subject to and not subject to VAT or used for employees of the company such as: mid-shift rest houses, houses for employees, etc., the input VAT shall be totally deducted and the following entry shall be made:
Dr 211, 213 (In case of purchase of fixed assets)
Dr 241 – Construction in progress (In case of capital expenditure works or major repairs of fixed assets)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 111, 112, 331,…
1.6. In case of purchase of goods and services which are concurrently use in insurance businesses and other operations subject to and not subject to VAT:
Technically, the non-life insurance company shall recognize separately the deductible input VAT. The amount of non-deductible input VAT shall be recognized separately to materials, goods and services purchased on a case-by-case basis:
When purchasing materials, goods and services which are concurrently use in insurance businesses and other operations subject to and not subject to VAT but the deductible input VAT are not recognized separately, the following entry shall be made:
Dr 152, 153, 624, 642,… (VAT exclusive)
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 111, 112, 331,…
1.7. At the end of the accounting period, the amount of deducted input VAT in proportion to the portion of revenues of services that are subject to VAT on total revenue arising in the period in accordance with the Law on VAT shall be calculated and recorded as follows:
Dr 3331 – VAT (33311)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.8. The amount of non-deductible input VAT shall also be recorded as follows:
Dr 624, 642
Dr 142, 242 (In case the non-deductible VAT amount is in large value and needs to be gradually amortized to following accounting periods)
Cr 133 – Deductible VAT
2. Output VAT
2.1. When revenue from insurance businesses and other services which are subject to VAT arise, based on VAT invoices in accordance with the Law on VAT and other related vouchers, the amount of output VAT payable shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131,… (Total amount paid)
Cr 511 – Revenues (VAT-exclusive)
Cr 3331 – VAT (33311)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 131 - Receivables
Cr 624 – Costs of insurance business (62411)
Cr 3331 – VAT (if any).
3. Personal income tax
3.1. When the non-life insurance company makes instant payment of commissions payable to insurance agents, the following entry shall be made:
Dr 624 – Costs of insurance business (62414)
Cr 111, 112,…
Cr 3335 – Personal income tax
3.2. If the non-life insurance company has not yet paid the commissions to the insurance agent who is an individual, the following entry shall be made:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 331 – Payables
When the non-life insurance company makes payments to the insurance agent, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,…
Cr 3335 – Personal income tax
3.3. Costs of incentives for the insurance agent who is an individual shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business (62417)
Cr 111, 112, etc.
Cr 3335 – Personal income tax
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.1. When liabilities arise from the reinsurance agreement, based on a certified document on payment of reinsurance under the reinsurance agreement concluded, premiums for reinsurance ceded which must be paid to the reinsurer shall be recorded to:
Dr 533 – Reinsurance ceded premium
Cr 331 – Payables
- Payment of amounts of premiums for reinsurance ceded minus (-) ceding commission receivables from the reinsurer shall be recorded by the ceding company as follows:
Dr 331 – Payables
Cr 111, 112,.... (Actual amounts payable to reinsurers)
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
4.2. When insurance commissions payable to the broker company under the agreement concluded between the non-life insurance company and the foreign insurance brokerage company who not eligible for VAT deduction in accordance with the Law on VAT arise, the amount of withholding tax payable shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
When making payment to the foreign insurance broker company, the following entry shall be made:
Dr 331 – Payables
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
- When the non-life insurance company has to pay commissions to the foreign insurance broker company eligible for VAT deduction, the amounts of VAT receivable from the contractor which are deducted according to the laws on VAT shall be recorded as follows:
Dr 624 – Costs of insurance business
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables
When making payment to the foreign insurance broker company, the following entry shall be made:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 112 – Cash in banks
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
4.3. When costs related to insurance business, general administration or construction works, major repairs of fixed assets, etc. payable to the seller, the supplier or the foreign contractor arise, the amount of withholding tax payable shall be recorded as follows:
Dr 241, 624, 642
Cr 111, 112, 331,…
Cr 3338 – Other taxes (withholding tax) (if any).
Article 19. Accounting of coinsurance business
In case of coinsurance business in non-life insurance companies, the companies participating in coinsurance shall authorize one non-life insurance company (referred to as leading insurer) to sign the insurance policy with the policyholder, collect all insurance premium (VAT included), pay indemnities and other costs, then pay insurance premiums in proportion to the amount of risk taken by other companies participating in coinsurance and collect the amount of indemnities and other costs in proportion to the amount of risk taken by other companies participating in coinsurance under the signed coinsurance agreement.
Accounting principles applicable to coinsurance business
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- When determining the amount of insurance premiums payable to the companies participating in coinsurance, the leading insurer shall recognize them to Cr 331 “Trade payables” (Specific amount of payable to each company participating in coinsurance).
- When determining the amount of indemnities and other costs receivable from the companies participating in coinsurance, the leading insurer shall recognize them to Dr 131 “Trade receivables” (Specific amount of receivable from each company participating in coinsurance).
- Declaration of deducted input and output VAT of coinsurance business shall be recognized in related accounts in accordance with the Law on VAT.
- The leading reinsurer and companies participating in coinsurance must notify and certify with each other in a timely manner so as to ensure that revenues and costs shall be recorded by all companies participating in coinsurance when obligations are incurred according to the signed insurance policy within the same quarterly accounting period. At the end of the fiscal year, the leading reinsurer and companies participating in coinsurance shall carry out certification and inspection so as to ensure that revenues and costs shall be recorded as soon as obligations are incurred from the signed insurance policy.
Accounting methods for a number of business transactions
1. Accounting of revenue from insurance premium
1.1. When the insurance policy has been signed by the leading insurer and the policyholder (the insurance buyer) but not yet incurred liabilities, the leading insurer and companies participating in coinsurance shall record the following entry:
Dr 005 – Insurance policies not yet incurred liabilities (0051).
1.2. When liabilities incur from the insurance policy signed by the leading insurer and the policyholder (the insurance buyer), the leading insurer shall recognize the amount of revenue from insurance premium receivable and the amount of insurance premiums payable to companies participating in coinsurance in proportion to the portion of premiums stated in the signed coinsurance agreement as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Cr 511 – Revenues (5111) (The amount of insurance premium receivable of the leading insurer)
Cr 331 – Trade payables (Each company participating in coinsurance) (amounts of payable to companies participating in coinsurance).
Cr 3331 – output VAT (if any).
Cr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051) shall also be recorded.
1.3. When liabilities incur from the insurance policy signed by the leading insurer and the companies participating in coinsurance, based on vouchers related to the insurance premiums receivable and VAT (if any), the companies participating in coinsurer shall recognize the amount of insurance premiums receivable from the leading insurer as follows:
Dr 131 – Receivables (The leading insurer)
Cr 511 – Revenues (5111)
Cr 005 – Insurance contracts not yet incurred liabilities (0051) shall also be recorded.
2. Accounting of indemnities and other costs
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Dr 624 – Costs of insurance business (62411) (Indemnities and other payables under indemnity liabilities of the leading insurer)
Dr 131 – Receivables (Indemnities and other payables under indemnity liabilities of enterprises participating in coinsurance)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 331 – Payables (Indemnities and other payables in cases of accidents or losses).
2.2. When receiving a notice from the leading insurer on the amount of indemnities and other payable, based on the notice and other related vouchers, the following entry shall be recorded by the companies participating in the coinsurance:
Dr 624 – Costs of insurance business (62411) (Indemnities and other payables under indemnity liabilities of companies participating in coinsurance)
Cr 331 – Trade payables (The leading insurer)
Cr 111, 112,....
Article 20. Accounting of insurance contracts not yet incurred liabilities
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The above account shall be used to recognize revenues from the primary insurance policy, reinsurance and reinsurance ceded agreements which has been concluded by the non-life insurance company and the policyholder but not yet incurred liabilities:
Account 005 shall be recognized in detail the insurance policy which incurred liabilities but not yet reached the premium paying term in accordance with effective financial regulations.
Structure and content of Account 005 – “Insurance contracts not yet incurred liabilities”
Debit
Revenue from insurance policies not yet incurred liabilities
Credit
Revenue from insurance policies that have incurred liabilities
Debit balance:
Revenue from current insurance policies not yet incurred liabilities of the non-life insurance company.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Account 0051 – “Primary insurance policy not yet incurred liabilities”: Revenue from primary insurance policies not yet incurred liabilities;
- Account 0052 – “Reinsurance agreement not yet incurred liabilities”: Revenue from reinsurance agreements not yet incurred liabilities;
- Account 0053 - “Reinsurance ceded contract not yet incurred liabilities”: Revenue from reinsurance ceded contracts not yet incurred liabilities.
Accounting methods for a number of business transactions
1. When the primary insurance policy has been concluded by the non-life insurance company and the policyholder or the reinsurance agreement has been concluded but not yet incurred liabilities, the following entry shall be made:
Dr 005 – Insurance policies not yet incurred liabilities (0051, 0053).
2. When liabilities have arisen from the primary insurance policy, the reinsurance agreement or the reinsurance ceded contract, apart from crediting to Account 005, the primary insurance company, the reinsurer and the ceding company shall record entries to the balance sheet to recognize the transactions as indicated in Article 15, Article 16 and Article 19 of this Circular.
Article 21. Annual financial statement and interim financial statement system
1. Annual financial statement
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Balance sheet Form B 01 - DNPNT
- Income statement Form B 02 - DNPNT
- Cash flow statement Form B 03 - DNPNT
- Notes to financial statement Form B 09 - DNPNT
2. Interim financial statement
A non-life insurance company is required to prepare the following interim financial statements:
- Interim balance sheet (complete statement): Form B 01a - DNPNT
- Interim income statement (complete statement): Form B 02a - DNPNT
- Interim cash flow statement (complete statement): Form B 03a - DNPNT
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 22. Forms of financial statement applied to non-life insurance companies
1. Forms of annual financial statement (Stated in Annex 02 enclosed herewith)
2. Forms of interim financial statement (Stated in Annex 02 enclosed herewith)
Forms of interim financial statements (complete statements) applied to non-life insurance companies are the same as those specified in Decision No. 15/2006/QD-BTC dated March 20, 2006. An interim financial statement (complete statement) shall include all items as those of an annual financial statement of same kind as mentioned herein.
Article 23. Contents and preparation of financial statement
1. Contents and preparation of balance sheet (Form B 01 – DNPNT) (Stated in Annex 02).
This Circular provides guidelines for contents and preparation of specific indicators associated with operations of non-life insurance companies. Non-life insurance companies shall specify other indicators (items) in financial statement in accordance with effective corporate accounting regulations (corporate accounting regulations issued together with the Ministry of Finance’s Decision No. 15/2006/QD-BTC dated March 20, 2006 and the Circulars guiding the amendment and supplementation of the corporate accounting regulations).
Trade receivables (131)
This indicator reflects receivables related to primary insurance business, reinsurance business and reinsurance ceded and other receivables due within one year at the reporting time. This indicator shall recognize total debit balance of account 131 “Trade receivables” opened with each customer, detailing short-term receivables from customers.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Receivables related to insurance policies (Code 131.1)
This indicator reflects receivables related to primary insurance business, reinsurance business and reinsurance ceded and other receivables due within one year at the reporting time. Detailed debit balance of account 131 “Trade receivables” shall be recorded to “Receivables related to insurance policies”.
Other trade receivables (131.2)
This indicator recognizes receivables from other related entities at the reporting time. This indicator shall recognize the detailed debit balance of account 131 “Trade receivables”, detailing other short-term receivables from customers.
Short-term prepaid expenses (151)
This indicator recognizes deferred expenses from insurance commissions and other short-term prepaid expenses at the reporting time. This indicator shall recognize the detailed debit balance of account 142 “Short-term prepaid expenses”.
Code 151 = Code 151.1 + Code 151.2
Deferred expenses from insurance commissions (151.1)
This indicator recognizes actual insurance commission expenses have arisen but not yet included in the expenses of insurance business of the reporting period. This indicator shall recognize the detailed debit balance of account 142 “Short-term prepaid expenses”, detailing deferred expenses from insurance commissions.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator recognizes amounts of payment made for some expenses but not yet included in the expenses of insurance business at the end of the accounting period of the reporting year. This indicator shall recognize the detailed debit balance of account 142 “Short-term prepaid expenses” minus (-) the amount of deferred expenses from insurance commissions recognized in code 151.1.
Reinsurance assets (Code 190)
This indicator recognizes amounts of reinsurance ceded premium reserve and reinsurance ceded indemnity reserve at the reporting time. This indicator shall recognize the debit balance of account 35212 “Reinsurance ceded premium reserve” and account 35222 “Reinsurance ceded indemnity reserve”.
Code 190 = Code 191 + Code 192
Other long-term receivables (218)
This indicator recognizes compulsory insurance deposits of the life insurer and other long-term receivables from relevant debtors at the reporting time. This indicator shall recognize total debit balance of account 138 “Other receivables”, account 244 “Long-term deposits” and account 338 “Other payables” and its sub accounts, detailing long-term receivables.
Code 218 = Code 218.1 + Code 218.2
Insurance deposits (Code 218.1)
This indicator recognizes long-term insurance deposits of the non-life insurance company at the reporting time. Debit balance of account 2441 - “Insurance deposits” shall be recorded to this indicator.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator recognizes receivables from other debtors classified as long-term assets and long-term advance payments to sellers (if any).
This indicator equals (=) the total debit balance of account 138 “Other receivables”, account 338 “Other payables” and account 244 “Long-term deposits” minus (-) sum of insurance deposits recognized in code 218.1
Trade payables (312)
This indicator reflects amounts payable to creditors related to primary insurance business, reinsurance business and reinsurance ceded and other payables that are due within one year or within a course of business at the reporting time. This indicator shall recognize total credit balance account 331 “Trade payables” which are specified as short-term and opened with each customer, detailing short-term payables to sellers.
Code 312 = Code 312.1 + Code 312.2
Payables related to insurance policies (Code 312.1)
This indicator reflects payables related to primary insurance business, reinsurance business and reinsurance ceded and other business operations that are due within one year or within a course of business at the reporting time. Detailed credit balance of account 331 “Trade payables” shall be recorded to “Payables related to insurance policies”.
Other trade payables (312.2)
This indicator reflects other amounts payable to sellers at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of sub accounts of account 331 “Trade payables”, detailing short-term payables to sellers.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator reflects unearned revenues from insurance commissions which have not yet been recorded as revenues in the period at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 3387 “Unearned revenues” (unearned revenue from insurance commissions).
Provision for short-term payables (320)
This indicator recognizes provision for short-term payables at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 3524 “Provision for payables” (sub accounts: provisions for short-term payables).
Technical reserves (329)
This indicator reflects unused technical reserves at the reporting time.
Code 329 = Code 329.1 + Code 329.2 + Code 329.3
Premium reserve of primary insurance and reinsurance (329.1):
This indicator recognizes amounts of unearned premium reserve of primary insurance and reinsurance at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 35211 “Primary insurance premiums and reinsurance premiums reserves”.
Primary insurance and reinsurance indemnity reserve (329.2):
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Catastrophe reserve (329.3):
This indicator recognizes amounts of catastrophe reserve at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 3523 “Catastrophe reserve”.
Provision for long-term payables (337)
This indicator recognizes provision for long-term payables at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 3524 “Provision for payables” (sub accounts: provisions for long-term payables).
Unearned revenue (338)
This indicator reflects unearned revenues at the reporting time. This indicator equals the credit balance of account 3387 “Unearned revenues” minus (-) unearned revenue from insurance commissions recognized in code 319.1.
Statutory reserve (419)
This indicator recognizes statutory reserve at the reporting time. This indicator shall recognize the credit balance of account 416 “Statutory reserve”.
2. Contents and methods of preparing income statement - Form B 02- DNPNT
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Figures recorded in Column 5 “Previous year” of Part I and Part II of the Income statement of current year shall be those of respective indicators specified in Column 4 “Current year” of Part I and Part II of the Income statement of the previous year
- Indicators in Column 4 "Current year" shall be recorded as follows:
Part I- General income statement: Indicators in this part shall reflect figures in respective indicators in Part II – Operation-based income statement herein.
Part II- Operation-based income statement:
Insurance premium revenue (Code 01)
This indicator reflects total revenue from primary insurance business and reinsurance business after deduction of the following amounts: reductions in and/or refunds of primary premiums, reductions in and/or refunds of reinsurance premiums and decreases or increases in premium reserves related to primary insurance business and reinsurance business in the reporting period of the non-life insurance company.
Code 01 = Code 01.1 + Code 01.2 + Code 01.3
Primary insurance premium (Code 01.1)
This indicator reflects total revenue from primary insurance business minus (-) reductions in and/or refunds of primary premiums made in the reporting period of the non-life insurance company.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Reinsurance premiums (Code 01.2)
This indicator reflects total revenue from reinsurance business minus (-) reductions in and/or refunds of reinsurance premiums made in the reporting period of the non-life insurance company.
This indicator equals the accumulated value on the credit side of account 5112 “Reinsurance premium revenue” minus (-) the accumulated value on the credit side of account 5312 – “Refund of reinsurance premiums”, account 5322 “Reduction in reinsurance premiums” and accounts 111, 112, 131 (sub accounts: reduction in reinsurance premiums due to reduction in scope of policy) and the debit side of account 5112 in the reporting period
Increase (decrease) in premium reserve of primary insurance and reinsurance (01.3):
This indicator reflects an increase or a decrease in unearned premium reserve of primary insurance and reinsurance which is the difference between amounts of unearned premium reserve of primary insurance and reinsurance to be set aside in the fiscal year and amounts of unearned premium reserve of primary insurance and reinsurance carriedforward from previous year
In case of increase, this indicator shall reflect the credit balance of account 35211 “Premium reserve of primary insurance and reinsurance” and debit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62412, 62422) in the reporting period.
In case of decrease, this indicator shall reflect the debit balance of account 35211 “Premium reserve of primary insurance and reinsurance” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62412, 62422) in the reporting period, this indicator shall be recorded in negative numbers in round brackets (...)
Reinsurance ceded premiums (Code 02)
This indicator reflects total reinsurance ceded premium which must be paid to the reinsurer in the period minus (-) the increase/decrease in premium reserve for reinsurance ceded.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Total amount of reinsurance ceded premiums (Code 02.1)
This indicator reflects the total amount of reinsurance ceded premium which must be paid to the reinsurer in the period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the credit side of account 533 “Reinsurance ceded premium” and debit balance of account 511 “Revenues” (Sub accounts 5111, 5112) in the reporting period.
Increase (decrease) in premium reserve of reinsurance ceded (02.2)
This indicator reflects an increase or a decrease in premium reserve of reinsurance ceded which is the difference between amounts of premium reserve of reinsurance ceded to be set aside in the fiscal year and amounts of premium reserve of reinsurance ceded carriedforward from previous year
In case of increase, this indicator shall reflect the debit balance of account 35212 “Premium reserve of reinsurance ceded” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62412, 62422).
In case of decrease, this indicator shall reflect the credit balance of account 35212 “Premium reserve of reinsurance ceded” and debit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62412, 62422), this indicator shall be recorded in negative numbers in round brackets (...).
Net premium revenue (Code 03)
This entry reflects total revenue from insurance business minus (-) reductions in and/or refunds of insurance premiums, premiums for reinsurance ceded and increases or decreases in premium reserve of primary insurance, reinsurance and reinsurance ceded of the non-life insurance company in the reporting period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Ceding commissions and revenue from other business operations (Code 04)
This indicator reflects amounts of ceding commission revenue and revenue from other business operations in the reporting period.
Code 04 = Code 04.1 + Code 04.2
Ceding commission (Code 04.1)
This indicator reflects total ceding commission revenue minus (-) refunds of and/or reductions in ceding commissions made in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 5113 “Ceding commission revenue” and credit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
Revenue from other business operations (Code 04.2)
This indicator reflects revenue from business operations other than primary insurance, reinsurance business and reinsurance ceded such as revenue earned from provision of damage assessment and claim review handling services, request for third parties’ reimbursements, handling of fully compensated goods and other earnings in the period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 5118 “Other revenue” and credit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This entry reflects total revenue from insurance business, ceding commissions and other earnings from insurance business minus (-) reductions in insurance premium and/or ceding commissions, refunds of insurance premiums and/or ceding commissions, premiums for reinsurance ceded and increases or decreases in premium reserve of primary insurance, reinsurance and reinsurance ceded of the non-life insurance company in the reporting period.
Code 10 = Code 03 + Code 04
Payment of indemnities (11):
This indicator reflects total payment of indemnities of primary insurance, reinsurance and other payments related to indemnities when damage or loss occurs minus (-) amounts of receivables recorded as decreases in payment of indemnities including: receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated of the non-life insurance company in the reporting period.
Code 11 = Code 11.1 - Code 11.2
Total payment of indemnities (11.1)
This indicator reflects total payment of indemnities of primary insurance, reinsurance and other payments related to indemnities when damage or loss occurs such as insurance payout to the insured, cost of damage assessment, inspection and collection of information related to insurance event, cost for handling of fully compensated goods of the non-life insurance company in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 624 “Costs of insurance business” (sub accounts: 62411, 62421) and credit balance of accounts 111, 112, 331, ect. in the reporting period.
Deductions (11.2)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator shall reflect the value on the debit side of account 131 “Trade receivables” and credit balance of accounts 624 “Costs of insurance business” (sub accounts: 62411, 62421) in the reporting period (receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated).
Claim payments by reinsurers (Code 12)
This indicator reflects the amount of indemnities receivable from the reinsurer to decrease the amount of indemnities paid by the non-life insurance company in the reporting period.
This indicator shall reflect the value on the debit side of account 131 “Trade receivables” and credit balance of accounts 624 “Costs of insurance business” in the reporting period (Claim payments by reinsurers).
Increase (decrease) in indemnity reserve of primary insurance and reinsurance (13)
This indicator reflects an increase or a decrease in indemnity reserve of primary insurance and reinsurance which is the difference between amounts of indemnity reserve of primary insurance and reinsurance to be set aside in the fiscal year and amounts of indemnity reserve of primary insurance and reinsurance carriedforward from previous year
In case of increase, this indicator shall reflect the credit balance of account 35221 “Indemnity reserve of primary insurance and reinsurance” and debit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62413, 62423).
In case of decrease, this indicator shall reflect the debit balance of account 35221 “Indemnity reserve of primary insurance and reinsurance” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62413, 62423), this indicator shall be recorded in negative numbers in round brackets (...).
Increase (decrease) in indemnity reserve of reinsurance ceded (14)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
In case of increase, this indicator shall reflect the debit balance of account 35222 “Indemnity reserve of reinsurance ceded” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62413, 62423).
In case of decrease, this indicator shall reflect the debit balance of account 35222 “Indemnity reserve of reinsurance ceded” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub accounts 62413, 62423), this indicator shall be recorded in negative numbers in round brackets (...).
Total payment of insurance indemnities (15)
This indicator reflects the sum of indemnities paid by the non-life insurance company minus (-) amounts receivable to reduce indemnity costs, claim payments made by reinsurers after adjusting increase or decrease in reserves of primary insurance and reinsurance and increase or decrease in indemnity reserves of reinsurance ceded in the reporting period.
Code 15 = Code 11 - Code 12 + Code 13 – Code 14
Increase (Decrease) in catastrophe reserve (16)
This indicator reflects an increase or a decrease in catastrophe reserve which is the difference between amounts of catastrophe reserve to be set aside in the fiscal year and amounts of catastrophe reserve used in current year
In case of increase, this indicator shall reflect the credit balance of account 3523 “Catastrophe reserve” and debit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub account 6245) minus (-) the debit balance of account 3523 “Catastrophe reserve” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (sub account 6245) in the reporting period.
In case of decrease (the amount of catastrophe reserve used in the current year is larger than the amount to be set aside), the debit balance of account 3523 “Catastrophe reserve” and credit balance of account 624 “Costs of insurance business” (Sub account 6245) minus (-) the credit balance of account 3523 “Catastrophe reserve” and debit balance of account 624 “Costs of insurance business” (sub account 6245) in the reporting period shall be recorded in this indicator in negative numbers in round brackets (...)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator reflects payments of insurance commissions and other expenses incurred in the process of providing insurance services in the reporting period.
Code 17 = Code 17.1 + Code 17.2
Payment of insurance commission (Code 17.1)
This indicator reflects total insurance commission paid by the non-life insurance company in the period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the credit side of account 624 “Costs of insurance business” (sub accounts: 62414, 62424) and credit balance of accounts 911 “Income summary” in the reporting period.
Other costs of insurance business operations (Code 17.2)
This indicator reflects other costs related to insurance business, including: Costs of agent services (damage assessment, consideration of indemnity settlement, request for third parties’ reimbursements), cost of risk assessment of the insured, cost of sales (management of insurance agents, wages of sales staff, material costs, office equipment expenses, depreciation expenses, etc. of the sales department), cost of prevention and reduction of losses, compulsory reserves as per the law (establishment of Fund for protection of the insured, etc.) and other costs related to insurance business in accordance with effective financial regulations.
This indicator shall reflect the accumulated value on the credit side of account 624 “Costs of insurance business” (sub accounts of 624 except for: 62411, 62412, 62413, 62414, 62421, 62422, 62423, 62424, 6245) and debit balance of accounts 911 “Income summary” in the reporting period.
Total costs of insurance business operations (Code 18)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Code 18 = Code 15 + Code 16 + Code 17
Gross profit on insurance business (Code 19)
This indicator reflects the difference between the net revenue from insurance business and total costs of insurance business in the reporting period by the non-life insurance company.
Code 19 = Code 10 - Code 18
Revenue from investment properties (20)
This indicator reflects the revenue earned from trading in investment properties in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 5117 “Revenue from investment properties” and credit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
Costs of investment properties (21)
This indicator reflects costs of investment properties and other expenses directly related to investment properties in the reporting period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Profit on investment properties (22)
This indicator reflects the difference between the revenue from investment properties and costs of investment properties in the reporting period.
Code 22 = Code 20 - Code 21
Financial income (23)
This indicator reflects the net income from financial activities in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 515 “Financial income” and credit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
Financial expenses (24)
This indicator reflects financial expenses of the non-life insurance company in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the debit side of account 635 “Financial expenses” and credit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator reflects the difference between the net financial revenue and financial expenses in the reporting period by the non-life insurance company.
Code 25 = Code 23 - Code 24
General administration expenses (26)
This indicator reflects total general administration expenses, including: labor expenses, material expenses, office equipment expenses, depreciation of fixed assets, taxes and fees, provisions, costs of external services and other cash expenses incurred in the reporting period.
This indicator shall reflect the accumulated value on the credit side of account 642 “General administration expenses” and debit balance of account 911 “Income summary” in the reporting period.
Net profit on insurance business (Code 30)
This indicator reflects the business performance of the non-life insurance company in the reporting period. This indicator equals gross profit on insurance business plus (+) profit on investment properties plus (+) gross profit on financial activities minus (-) general administration expenses in the reporting period
Code 30 = Code 19 + Code 22 + Code 25 – Code 26
3. Contents and methods of preparing notes to financial statement (Form B 09 – DNPNT)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Section IV – The following contents shall be applied to accounting regulations:
- At Point 11 - Rules and methods for recording revenues, notes of primary insurance premiums, reinsurance premiums, ceding commissions, revenues from other business operations and revenue deductions shall be supplemented.
- Name of Point 12 shall be changed into "Rules and methods for recording costs” with additional notes of payments of indemnities, payments of insurance commissions, expenses for services of insurance agents and decreases in costs of primary insurance and reinsurance business (such as claim payments made by reinsurers, receivables from third parties’ reimbursements and retrieval of goods handled and fully compensated).
- Point 16- Rules and methods for recording technical reserves shall be supplemented, in which notes of unearned premium reserve, claims reserve and catastrophe reserve shall be supplemented.
Section V – Information about items in the balance sheet is supplemented as follows:
- At Point 07 – Other long-term receivables, “guaranty fund” is supplemented.
- At Point 12- Increases, decreases in investment properties, part- notes of other figures and explanations, notes of methods of depreciation of investment properties, useful life of investment properties or depreciation rate, original cost and accumulated depreciation at the beginning and the end of accounting period, fair and reasonable price of investment properties at the end of the accounting year, etc. are supplemented.
- At Point 14- Long-term prepaid expenses, cost of insurance exploitation is supplemented.
- At Point 18- Other short-term payables, unearned revenue from insurance commissions is supplemented.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Point 25.2 – Payables related to insurance policies is supplemented so as to prepare notes of payables related to insurance business.
- Point 25.3- Short-term prepaid expenses are supplemented, in which notes of deferred expenses from insurance commissions and other short-term prepaid expenses are supplemented.
- Point 25.4- Technical reserve is supplemented, in which notes of unearned premium reserve, claims reserve and catastrophe reserve are supplemented.
- Point 25.5 - Reinsurance asset is supplemented, in which notes of premium reserve of reinsurance ceded and indemnity reserve of reinsurance ceded are supplemented.
Section VI- Additional information about items of the Income statement is amended, supplemented as follows:
- Point 26.1 – Insurance premium revenue is supplemented with the addition of notes of primary premiums and deductions thereof (reductions and refunds of primary premiums), reinsurance premiums and deductions thereof (reductions and refunds of reinsurance premiums), increases (decreases) in premium reserves of primary insurance and reinsurance
- Point 26.2- Premium for reinsurance ceded is supplemented, in which notes of total premium for reinsurance ceded and increases (decreases) in indemnity reserve of reinsurance ceded are supplemented.
- Point 27.1- Ceding commission is supplemented with the addition of notes of ceding commissions and deductions thereof (refunds and reductions in ceding commissions).
- Point 27.2 – Revenue from other business operation is supplemented with the addition of notes of payments of agent services (such as damage assessment, claim review services, request for third parties’ reimbursements and handling of fully compensated goods) and other earnings from insurance business.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Point 28.2- Other costs of insurance business is supplemented so as to prepare notes of expenses from insurance commissions and other costs related to insurance business such as costs of agent services, cost of risk assessment of the insured, selling expense (management of insurance agents, wages of sales staff, material costs, office equipment expenses, fixed asset depreciation expenses, etc. of the sales department), cost of prevention and reduction of losses, compulsory reserves as per the law (establishment of Fund for protection of the insured, etc.) and other costs related to insurance business.
- Point 33.1. General administration expense is supplemented with detailed notes of labor expenses, material expenses, office equipment expenses, depreciation of fixed assets, taxes and fees, provisions, costs of external services and other cash expenses.
Section VIII – Other information is supplemented and amended as follows:
- Point 1 is supplemented with notes of insurance risks and risk management policies applied to non-life insurance companies, notes of claims of non-life insurance companies, including: notes of insurance risks according to each primary insurance, reinsurance and reinsurance ceded, each line of insurance and each geographic scope, each policy of the non-life insurance company to reduce risks from insurance policies, analyze the sensitivity of insurance risks and insurance risk concentration, make notes of claims payment so as to compare the actual payment of indemnities with estimated amounts through the “Table of compilation of data on indemnities”.
(Specific contents of the amendments are specified in Form B09-DNPNT enclosed hereof)
Contents and methods of preparing certain items amended, supplemented in notes to financial statement
Receivables related to insurance policies (Point 25.1)
This entry reflects amounts receivable related to insurance business, including: primary insurance receivable (receivables from policyholders, receivables from agents, receivables from insurance brokers, receivables from enterprises participating in coinsurance), receivables from reinsurance premiums, receivables from indemnity of reinsurance ceded, receivables from indemnities of enterprises participating in coinsurance and other receivables (receivables from third parties’ reimbursements, retrieval of goods handled and fully compensated, etc.) in the reporting period of the non-life insurance company.
This indicator shall reflect debit balance of account 131 “Trade receivables” (sub accounts: primary premiums receivable, reinsurance premiums receivable, indemnity payments by reinsurers, indemnity payments by enterprises participating in coinsurance) at the reporting period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This indicator reflects amounts payable related to insurance business, including: payables of reinsurance and reinsurance ceded, payables to enterprises participating in coinsurance, payables of indemnities, insurance commissions and other payables in the reporting period of the non-life insurance company.
This indicator shall reflect debit balance of account 331 “Trade payables” (sub accounts: payables of reinsurance and reinsurance ceded premiums, payables to enterprises participating in coinsurance, payables of indemnities, insurance commissions and other payables) at the reporting period.
Technical reserves (25.4)
This indicator reflects technical reserves of the non-life insurance company, including claims reserve, unearned premium reserve and catastrophe reserve at the reporting time.
Non-life insurance companies shall set aside technical reserves in accordance with applicable financial regulations so as to use as the basis for preparing notes of claims reserve, unearned premium reserve over primary insurance premium and reinsurance premium (after reducing deductions and refunds of premiums) and claims reserve, unearned premium reserve over reinsurance ceded premium.
This indicator includes the following sub indicators:
Unearned premiums reverse and claims reserve (Point 25.4.1)
This indicator reflects claims reserves including reserve for claim requests not yet been resolved, reserve for losses that have occurred but have not been reported and unearned premium reserve at the reporting time.
The amount of reserve for losses that have occurred but have not been reported shall be set aside immediately upon determination, if not, the non-life insurance shall determine such amount by December 31, 2014 so as to prepare the notes.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Column 2, section 1 shall reflect the credit balance of account 35221 “Indemnity reserve of primary insurance and reinsurance” at the reporting time.
Column 3, section 1 shall reflect the debit balance of account 35222 “Indemnity reserve of reinsurance ceded” at the reporting time.
Column 2, section 2 shall reflect the credit balance of account 35211 “Indemnity reserve of primary insurance and reinsurance” at the reporting time.
Column 3, section 2 shall reflect the debit balance of account 35212 “Premium reserve of reinsurance ceded” at the reporting time.
Column 4 = column 2 – column 3
Claims reserve - Section (1)
This indicator reflects increases and decreases of claims reserve which are due to additional setting aside or reverse of reserve in the reporting period. Notes of reserve which is required to be set aside or reversed shall specify the basis of the setting aside or reverse (if quantifiable), e.g. estimated change in average claim expense, change in average claim case, etc.
Figures in column 5, 6, 7 of the current year are based on the figures in column 2, 3, 4 of last year’s report.
Column 2 shall reflect the credit balance at the beginning of the period, the value on the credit and debit side in the period and the credit balance at the end of the period of account 35221 “Indemnity reserve of primary insurance and reinsurance”.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Column 4 = column 2 – column 3
Unearned premium reverse - Section (2)
This indicator reflects increases and decreases of unearned premium reserve which are due to additional setting up or reverse of reserve in the reporting period.
Figures in column 5, 6, 7 of the current year are based on the figures in column 2, 3, 4 of last year’s report.
Column 2 shall reflect the credit balance at the beginning of the period, the value on the credit and debit side in the period and the credit balance at the end of the period of account 35211 “Premium reserve of primary insurance and reinsurance”.
Column 3 shall reflect the debit balance at the beginning of the period, the value on the credit and debit side in the period and the debit balance at the end of the period of account 35212 “Premium reserve of reinsurance ceded”.
Column 4 = column 2 – column 3
Catastrophe reserve (Point 25.4.2)
This indicator reflects increases and decreases of catastrophe reserve which are due to additional setting aside or use in the period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Reinsurance assets (Point 25.5)
This indicator recognizes amounts of reinsurance ceded premium reserve and reinsurance ceded indemnity reserve at the beginning of the year and the end of the reporting period.
- “Premium reserve of reinsurance ceded” shall reflect the debit balance at the beginning and at the end of the period of account 35212 “Premium reserve of reinsurance ceded”.
- “Indemnity reserve of reinsurance ceded” shall reflect the debit balance at the beginning and at the end of the period of account 35222 “Indemnity reserve of reinsurance ceded”.
Method of preparing the “Table of compilation of data on indemnities” (Part VIII, Point 1.5):
A table of compilation of data on indemnities is established in a fiscal year so as to compare the actual payment of indemnities with estimated amounts. Enterprises shall carry out the statistic of indemnities according to the actual payment of indemnities from January 1, 2014 to provide data for table of compilation of data on indemnities since the fiscal year of 2016 as follows:
- Fiscal year of 2016, enterprises shall prepare the table of compilation of data on indemnities for 3 years (2014, 2015, 2016).
- Fiscal year of 2017, enterprises shall prepare the table of compilation of data on indemnities for 4 years (2014, 2015, 2016, 2017).
- Fiscal year of 2018, enterprises shall prepare the table of compilation of data on indemnities for 5 years (2014, 2015, 2016, 2017, 2018).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This table reflects the statistic of indemnity payment of previous years by the operation division.
Section I- Estimated accumulated payment of indemnities reflects estimated amounts of accumulated payment of indemnities in the year of losses, specifically:
- Column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities for losses occurred in 2014:
+ Line 1, column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the first year of payment (2014) for losses occurred in 2014.
+ Line 2, column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the second year of payment (2015) for losses occurred in 2014.
+ Line 3, column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the third year of payment (2016) for losses occurred in 2014.
+ Line 4, column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the fourth year of payment (2017) for losses occurred in 2014.
+ Line 5, column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the fifth year of payment (2018) for losses occurred in 2014.
+ Line of amounts of cumulative payment of indemnities until current year - Section (1), column 1 (2014): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of 2018 for losses occurred in 2014.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Line 1, column 2 (2015): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the first year of payment (2015) for losses occurred in 2015.
+ Line 2, column 2 (2015): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the second year of payment (2016) for losses occurred in 2015.
+ Line 3, column 2 (2015): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the third year of payment (2017) for losses occurred in 2015.
+ Line 4, column 2 (2015): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the fourth year of payment (2018) for losses occurred in 2015.
+ Line of amounts of cumulative payment of indemnities until current year - Section (1), column 2 (2015): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of 2018 for losses occurred in 2015.
- Column 3 (2016): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities for losses occurred in 2016:
+ Line 1, column 3 (2016): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the first year of payment (2016) for losses occurred in 2016.
+ Line 2, column 3 (2016): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the second year of payment (2017) for losses occurred in 2016.
+ Line 3, column 3 (2016): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the third year of payment (2018) for losses occurred in 2016.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Column 4 (2017): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities for losses occurred in 2017:
+ Line 1, column 4 (2017): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the first year of payment (2017) for losses occurred in 2017.
+ Line 2, column 4 (2017): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the second year of payment (2018) for losses occurred in 2017.
+ Line of amounts of cumulative payment of indemnities until current year - Section (1), column 4 (2017): amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of 2018 for losses occurred in 2017.
- Column 5 (2018): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities for losses occurred in 2018:
+ Line 1, column 5 (2018): Amount of estimated cumulative payment of indemnities until the end of the first year of payment (2018) for losses occurred in 2018.
+ Line of amounts of cumulative payment of indemnities until current year - Section (1), column 5 (2018): Amounts of estimated cumulative payment of indemnities until the end of 2018 for losses occurred in 2018.
- Column 6 reflects the total amount of estimated cumulative payment of indemnities of 5 years (from 2014 to 2018).
Section II- Cumulative indemnities that have been paid: Reflects the amount of cumulative indemnities that have been paid for losses occurred. This indicator reflects amounts of cumulative indemnities that have been paid in the year of losses, specifically:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Line 1, column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the first year of payment (2014) for losses occurred in 2014.
+ Line 2, column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the second year of payment (2015) for losses occurred in 2014.
+ Line 3, column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the third year of payment (2016) for losses occurred in 2014.
+ Line 4, column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the fourth year of payment (2017) for losses occurred in 2014.
+ Line 5, column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the fifth year of payment (2018) for losses occurred in 2014.
+ Line of the amount of cumulative indemnities that have been paid in the current year - Section (2), column 1 (2014): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of 2018 for losses occurred in 2014.
- Column 2 (2015): Amounts of cumulative indemnities that have been paid for losses occurred in 2015:
+ Line 1, column 2 (2015): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the first year of payment (2015) for losses occurred in 2015.
+ Line 2, column 2 (2015): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the second year of payment (2016) for losses occurred in 2015.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Line 4, column 2 (2015): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the fourth year of payment (2018) for losses occurred in 2015.
+ Line of the amount of cumulative indemnities that have been paid in the current year - Section (1), column 2 (2015):
Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of 2018 for losses occurred in 2015
- Column 3 (2016): Amounts of cumulative indemnities that have been paid for losses occurred in 2016:
+ Line 1, column 3 (2016): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the first year of payment (2016) for losses occurred in 2016.
+ Line 2, column 3 (2016): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the second year of payment (2017) for losses occurred in 2016.
+ Line 3, column 3 (2016): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the third year of payment (2018) for losses occurred in 2016.
+ Line of the amount of cumulative indemnities that have been paid in the current year - Section (1), column 3 (2016):
Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of 2018 for losses occurred in 2016
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Line 1, column 4 (2017): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the first year of payment (2017) for losses occurred in 2017.
+ Line 2, column 4 (2017): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the second year of payment (2018) for losses occurred in 2017.
+ Line of the amount of cumulative indemnities that have been paid in the current year - Section (1), column 4 (2017): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of 2018 for losses occurred in 2017.
- Column 5 (2018): Amounts of cumulative indemnities that have been paid for losses occurred in 2018:
+ Line 1, column 5 (2018): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of the first year of payment (2018) for losses occurred in 2018.
+ Line of the amount of cumulative indemnities that have been paid in the current year - Section (1), column 5 (2018): Amount of cumulative indemnities that have been paid at the end of 2018 for losses occurred in 2018.
- Column 6 reflects the total amount of cumulative indemnities has been paid in 5 years (from 2014 to 2018).
Section III – Total claims reserve not yet been resolved: Reflects the total amount of claims reserve not yet been resolved (3) = (1) - (2)
Section IV- Estimated surplus or deficit of claims reserve (4): Reflects the estimated amount of surplus or deficit of claims reserve at the reporting time. Figures in this indicator are based on the estimated amount of surplus or deficit of reserve calculated by the operation division.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. Contents and methods for preparing cash flow statement and those for preparing interim financial statements shall comply with applicable corporate accounting regulations (Corporate accounting regulations issued together with the Ministry of Finance’s Decision No. 20/3/2006 dated March 20, 2006 and the Circulars guiding the amendment and supplementation of the corporate accounting regulations).
Article 23. Effect and implementation
1. This Circular shall come into force as of January 01, 2014 and begin to take effect from the fiscal year of 2014.
Regulations on accounting of non-life insurance companies in the Decision No. 1296/TC/QD/CDKT dated December 31, 1996 of Minister of Finance and the Decision No. 150/2001/QD-BTC dated December 31, 2001 on amendments to regulations on accounting of life insurers in the Decision No. 1296/TC/QD/CDKT dated December 31, 1996 of Minister of Finance shall be null and void as from January 01, 2014
2. Director of the Department of Accounting & Auditing Regulations, Director of Insurance Supervisory Authority, Directors of non-life insurance companies, Directors of reinsurance companies, Directors of branches of foreign non-life insurance companies and heads of relevant units shall implement this Circular.
3. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Finance for consideration./.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
;
Thông tư 232/2012/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 232/2012/TT-BTC |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 28/12/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 232/2012/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Chưa có Video