BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2013/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2013 |
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu,
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, bao gồm:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chuyển đổi, thành lập.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau đây gọi tắt là công ty.
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên chuyên trách, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty (sau đây gọi chung là viên chức quản lý chuyên trách).
Viên chức quản lý chuyên trách nêu trên không bao gồm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động.
2. Chủ tịch Hội đồng thành viên không chuyên trách, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách (sau đây gọi chung là viên chức quản lý không chuyên trách).
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty (sau đây gọi chung là chủ sở hữu).
4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý quy định tại Thông tư này.
MỤC 2. XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC QUẢN LÝ CHUYÊN TRÁCH
1. Viên chức quản lý chuyên trách được xếp lương theo chức danh hiện giữ và hạng công ty được xếp theo Bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ.
Hệ số mức lương tại Phụ lục số I nêu trên, từ ngày 01 tháng 5 năm 2013 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2013 được tính theo mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ; từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 trở đi tính theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ (gọi tắt là mức tiền lương chế độ) làm căn cứ đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở hoặc có quy định mới thì thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.
2. Việc chuyển xếp lương đối với Chủ tịch và thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng được căn cứ vào chức danh hiện giữ, bậc lương theo hạng công ty do Chính phủ quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 (gọi tắt là lương cũ) để chuyển sang Bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ (gọi tắt là lương mới) theo nguyên tắc: công ty đang xếp hạng nào thì chuyển tương ứng vào hạng đó; viên chức quản lý đang giữ chức danh nào thì chuyển xếp vào chức danh đó và chuyển bậc 1 lương cũ vào bậc 1 lương mới, bậc 2 lương cũ vào bậc 2 lương mới. Không kết hợp chuyển xếp lương để nâng bậc lương. Thời gian nâng bậc lương lần sau (đối với trường hợp đang xếp lương bậc 1) được tính từ khi xếp bậc lương cũ.
3. Việc chuyển xếp lương đối với Kiểm soát viên chuyên trách được căn cứ vào hệ số lương đang hưởng, gồm: hệ số lương chuyên môn, cộng phụ cấp chức vụ của Trưởng phòng và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có đối với trường hợp được bảo lưu theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) theo nguyên tắc:
a) Xếp vào bậc 1, nếu hệ số lương đang hưởng bằng hoặc thấp hơn hệ số lương bậc 1. Thời gian nâng bậc lương tính từ khi xếp lương bậc 1. Trường hợp mức chênh lệch giữa hệ số lương đang hưởng và hệ số lương bậc 1 nhỏ hơn 70% khoảng chênh lệch giữa hệ số lương bậc 1 và bậc 2 thì thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp hệ số lương đang hưởng.
b) Xếp vào bậc 2, nếu hệ số lương đang hưởng cao hơn hệ số lương bậc 1.
1. Viên chức quản lý chuyên trách đang xếp lương bậc 1, được xem xét nâng bậc lương khi bảo đảm đủ các điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ bậc 1 từ 3 năm trở lên.
b) Hoàn thành nhiệm vụ hằng năm theo tiêu chí đánh giá do Chính phủ quy định.
c) Không vi phạm chế độ trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động.
d) Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật.
2. Công ty báo cáo cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý xem xét, quyết định nâng bậc lương đối với viên chức quản lý chuyên trách đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 5. Xếp hạng công ty làm cơ sở để xếp lương
1. Hạng Tập đoàn kinh tế
Hạng Tập đoàn kinh tế được áp dụng đối với công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi, thành lập.
2. Hạng Tổng công ty đặc biệt
a) Hạng Tổng công ty đặc biệt được áp dụng đối với:
- Công ty được chuyển đổi từ Tổng công ty, công ty nhà nước đã được xếp hạng Tổng công ty đặc biệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Công ty được chuyển đổi từ Tổng công ty, công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xếp lương hoặc vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty đặc biệt.
- Công ty mẹ trong mô hình công mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đủ các điều kiện:
+ Giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế.
+ Có vốn nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận từ 100 tỷ đồng trở lên, nộp ngân sách nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên.
+ Có từ 10 đơn vị thành viên trở lên (bao gồm đơn vị thành viên hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc).
Công ty đủ các điều kiện nêu trên thì có văn bản đề nghị chủ sở hữu để thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Xếp lại hạng Tổng công ty đặc biệt:
- Công ty đã được xếp hạng Tổng công ty đặc biệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì không phải xếp lại hạng Tổng công ty đặc biệt.
- Công ty mẹ trong mô hình công mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đủ các điều kiện tại điểm a Khoản 2 Điều này, sau 03 năm kể từ ngày được xếp hạng Tổng công ty đặc biệt và công ty đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xếp lương hoặc vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty đặc biệt sau 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, phải xem xét lại việc xếp hạng Tổng công ty đặc biệt, xếp lương và vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty đặc biệt theo các điều kiện tại điểm a nêu trên và có văn bản đề nghị chủ sở hữu để thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Hạng Tổng công ty và tương đương
a) Hạng Tổng công ty và tương đương được áp dụng đối với:
- Công ty mẹ được chuyển đổi từ Tổng công ty nhà nước hoặc thành lập mới là Tổng công ty.
- Công ty mẹ được chuyển đổi từ công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền cho phép xếp lương hoặc vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty.
- Công ty mẹ trong mô hình công mẹ - công ty con đủ các điều kiện:
+ Có vốn nhà nước từ 700 tỷ đồng trở lên; Lợi nhuận từ 70 tỷ đồng trở lên; Nộp ngân sách nhà nước từ 70 tỷ đồng trở lên.
+ Có từ 05 đơn vị thành viên trở lên (bao gồm đơn vị thành viên hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc).
Công ty đủ các điều kiện nêu trên thì có văn bản đề nghị chủ sở hữu xem xét, quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
b) Xếp lại hạng Tổng công ty:
- Công ty mẹ được chuyển đổi từ Tổng công ty nhà nước hoặc thành lập mới là Tổng công ty thì không phải xếp lại theo hạng Tổng công ty.
- Công ty mẹ trong mô hình công mẹ - công ty con đủ các điều kiện tại điểm a Khoản 3 Điều này, sau 03 năm kể từ ngày được xếp hạng Tổng công ty và công ty đã được cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền cho phép xếp lương hoặc vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty sau 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, phải xem xét lại việc xếp hạng Tổng công ty, xếp lương và vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty theo các điều kiện tại điểm a nêu trên và có văn bản đề nghị chủ sở hữu xem xét, quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính. Đối với công ty đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xếp lương hoặc vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty thì chủ sở hữu sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Hạng công ty I, II, III
a) Hạng công ty I, II, III được áp dụng đối với các công ty còn lại (ngoài công ty quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này), bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn xếp hạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành.
b) Điều kiện và tiêu chuẩn xếp hạng công ty tạm thời thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng công ty nhà nước cho đến khi có quy định mới. Đối với công ty chưa có tiêu chuẩn xếp hạng hoặc đang vận dụng tiêu chuẩn xếp hạng của ngành nghề khác thì phải xây dựng tiêu chuẩn, báo cáo chủ sở hữu để gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét, quyết định làm căn cứ xếp hạng công ty.
c) Nguyên tắc, thẩm quyền xếp hạng, thời gian xếp lại hạng:
- Công ty căn cứ vào tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của công ty do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành để định hạng công ty. Công ty đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tương ứng với hạng nào thì báo cáo chủ sở hữu quyết định xếp theo hạng đó. Đối với công ty xếp hạng I thì sau khi quyết định xếp hạng, chủ sở hữu gửi hồ sơ xếp hạng về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra.
- Sau 03 năm (tròn 36 tháng) kể từ ngày có quyết định xếp hạng, phải xếp lại hạng công ty. Trước 02 tháng đến thời hạn phải xếp lại hạng, công ty phải báo cáo chủ sở hữu quyết định xếp lại hạng. Đối với công ty chưa xếp hạng hoặc đã được xếp hạng nhưng đến thời hạn phải xếp lại hạng mà không báo cáo chủ sở hữu quyết định xếp hạng theo quy định thì viên chức quản lý công ty chỉ được xếp lương theo công ty hạng III.
5. Hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng
Hồ sơ xếp hạng hoặc xếp lại hạng, vận dụng xếp lương theo hạng công ty quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 5 Thông tư này, bao gồm:
a) Công văn đề nghị xếp hạng hoặc xếp lại hạng, vận dụng xếp lương theo hạng công ty.
b) Báo cáo thuyết minh cụ thể về chỉ tiêu theo các điều kiện để xếp hạng theo quy định.
c) Bản sao báo cáo tài chính của 02 năm trước liền kề và kế hoạch năm đề nghị xếp hạng hoặc xếp lại hạng.
d) Biểu tổng hợp các số liệu về chỉ tiêu theo các điều kiện để xếp hạng theo tiêu chuẩn quy định.
Điều 6. Chuyển xếp lương khi hạng công ty thay đổi
1. Khi hạng công ty thay đổi hoặc viên chức quản lý chuyên trách thay đổi chức vụ thì phải chuyển xếp lại lương đối với viên chức quản lý chuyên trách theo hạng công ty hoặc chức vụ, công việc mới đảm nhận, không bảo lưu mức lương theo hạng hoặc chức vụ cũ.
2. Việc chuyển xếp lương đối với viên chức quản lý chuyên trách khi hạng công ty thay đổi hoặc viên chức quản lý chuyên trách thay đổi chức vụ hoặc được bổ nhiệm mới tạm thời thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính cho đến khi có quy định mới.
MỤC 3. QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC QUẢN LÝ
Điều 7. Nguyên tắc xác định, trả lương, thù lao, tiền thưởng
1. Tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Đối với trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên chuyên trách hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách kiêm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc thì chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.
2. Thù lao đối với viên chức quản lý không chuyên trách tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc. Mức thù lao do công ty xác định, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách tương ứng. Trường hợp công ty không có thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên trách thì thù lao của thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên không chuyên trách được tính so với tiền lương của Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc; thù lao của Chủ tịch công ty không chuyên trách so với tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc.
4. Quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động. Căn cứ vào quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch do công ty xác định, hàng tháng viên chức quản lý được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm. Quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và thể hiện thành một mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
5. Tiền thưởng của viên chức quản lý được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại được trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
6. Quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng của viên chức quản lý do công ty xác định theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này; quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng của viên chức quản lý phải trình chủ sở hữu phê duyệt trước khi thực hiện.
a) Quỹ tiền lương, thù lao chung trả cho Kiểm soát viên không vượt quá tổng các khoản tiền lương, thù lao của Kiểm soát viên do các công ty xác định và trích nộp cho chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính).
b) Quỹ tiền lương, thù lao chung được chi trả hết từng năm, gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của Kiểm soát viên theo quy chế của chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính) quy định:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tiền lương, thù lao được hưởng tăng, nhưng không vượt quá 1,3 lần mức tiền lương, thù lao của Kiểm soát viên do công ty đã trích nộp.
- Hoàn thành nhiệm vụ thì tiền lương, thù lao bằng mức tiền lương, thù lao của Kiểm soát viên do công ty đã trích nộp.
- Không hoàn thành nhiệm vụ thì tiền lương, thù lao được hưởng giảm, nhưng không thấp hơn 70% mức tiền lương, thù lao của Kiểm soát viên do công ty đã trích nộp và tiền lương của Kiểm soát viên chuyên trách thấp nhất bằng mức tiền lương chế độ tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
c) Quỹ tiền thưởng chung được chi trả một phần vào cuối năm, phần còn lại chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
Điều 8. Quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch
Công ty xác định, quyết định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch và tạm ứng tiền lương, thù lao cho viên chức quản lý như sau:
1. Quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý chuyên trách
a) Quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở số lượng viên chức quản lý chuyên trách kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch.
b) Mức tiền lương bình quân để xác định quỹ tiền lương kế hoạch được căn cứ vào mức lương cơ bản quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ tính bình quân của các viên chức quản lý chuyên trách trong công ty (sau đây gọi tắt là mức lương cơ bản) và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh so với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện của năm trước liền kề như sau:
- Công ty bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, lợi nhuận và năng suất lao động cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tối đa bằng 1,5 lần mức lương cơ bản.
- Công ty bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, lợi nhuận và năng suất lao động bằng thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tối đa bằng mức lương cơ bản.
- Công ty bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, lợi nhuận và năng suất lao động thấp hơn thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch thấp hơn mức lương cơ bản.
- Công ty không có lợi nhuận hoặc lỗ thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tối đa bằng mức tiền lương chế độ quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
2. Quỹ thù lao kế hoạch của viên chức quản lý không chuyên trách
Quỹ thù lao kế hoạch được xác định trên cơ sở số lượng viên chức quản lý không chuyên trách kế hoạch và mức thù lao theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
3. Tạm ứng tiền lương, thù lao
a) Căn cứ vào quỹ tiền lương và quỹ thù lao kế hoạch, công ty tạm ứng tiền lương, thù lao cho viên chức quản lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư này.
b) Đối với khoản tiền lương, thù lao của Kiểm soát viên, công ty trích, chuyển cho chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước) để tạm ứng cho Kiểm soát viên.
Điều 9. Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách
1. Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách được xác định theo công thức sau:
Vthqlct = Lqlct x TLbqth x 12 (1)
Trong đó:
- Vthqlct: Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách.
- Lqlct: Số viên chức quản lý chuyên trách thực tế tính bình quân theo tháng.
- TLbqth: Mức tiền lương bình quân thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách, được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
- 12: Số tháng trong năm, trường hợp công ty mới thành lập thì tính theo tổng số tháng thực tế hoạt động.
2. Mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản bình quân theo tháng, gắn với mức tăng (hoặc giảm) các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề như sau:
a) Công ty bảo đảm đủ các điều kiện: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp ngân sách theo quy định; lợi nhuận thực hiện trong năm cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề và năng suất lao động bình quân không giảm so với thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định như sau:
TLbqth = TLcb + Hln x TLcb (2)
Trong đó:
- TLbqth: Mức tiền lương bình quân thực hiện.
- TLcb: Mức lương cơ bản tính theo điểm b, Khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
- Hln: Hệ số tiền lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với mức tăng lợi nhuận như sau:
+ Đối với công ty có lợi nhuận thực hiện trong năm dưới 500 tỷ đồng: trường hợp lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng dưới 5% thì Hln được tính tối đa bằng 0,3; lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng từ 5% đến dưới 7% thì Hln được tính tối đa bằng 0,4; lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng từ 7% trở lên thì Hln được tính tối đa bằng 0,5.
+ Đối với công ty có lợi nhuận thực hiện trong năm từ 500 tỷ đồng trở lên: trường hợp lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng dưới 3% thì Hln được tính tối đa bằng 0,3; lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng từ 3% đến dưới 5% thì Hln được tính tối đa bằng 0,4; lợi nhuận thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề tăng từ 5% trở lên thì Hln được tính tối đa bằng 0,5.
Trường hợp công ty bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp ngân sách theo quy định; lợi nhuận thực hiện trong năm cao hơn thực hiện của năm trước liền kề, nhưng năng suất lao động bình quân (sau khi loại trừ yếu tố khách quan theo quy định) thấp hơn so với thực hiện của năm trước liền kề thì sau khi xác định mức tiền lương bình quân thực hiện theo công thức (2) công ty phải giảm trừ tiền lương theo nguyên tắc: cứ giảm 1% năng suất lao động bình quân thực hiện trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề thì giảm trừ 1% mức tiền lương bình quân thực hiện của viên chức quản lý. Năng suất lao động bình quân được xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối với công ty thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng hoặc công ty hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận khi xác định mức tiền lương bình quân thực hiện theo quy định nêu trên, công ty được thay chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện bằng chỉ tiêu khối lượng sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ thực hiện, trong đó khối lượng sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ thực hiện không thấp hơn so với thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân thực hiện bằng mức lương cơ bản.
c) Công ty có lợi nhuận thực hiện trong năm thấp hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định như sau:
TLbqth = TLcb - TLln (3)
Trong đó:
- TLbqth: Mức tiền lương bình quân thực hiện.
- TLcb: Mức lương cơ bản tính theo điểm b, Khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
- TLln: Khoản tiền lương giảm theo lợi nhuận, được tính theo công thức sau:
(4)
Pth và Pthnt: Lợi nhuận thực hiện trong năm và lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề.
Mức tiền lương bình quân thực hiện sau khi tính theo công thức (3) bảo đảm thấp nhất bằng 1,2 lần so với mức tiền lương bình quân theo chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
d) Công ty không có lợi nhuận thì tùy theo mức độ thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề và so với kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định thấp nhất bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ và cao nhất không được vượt quá 1,2 lần so với mức tiền lương bình quân theo chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
đ) Công ty lỗ thì mức tiền lương bình quân thực hiện bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
3. Khi xác định mức tiền lương bình quân thực hiện từ năm 2014 trở đi theo quy định điểm a và điểm b, Khoản 2 Điều này, trường hợp công ty bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp ngân sách theo quy định; lợi nhuận thực hiện cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề đối với công ty quy định tại điểm a hoặc lợi nhuận thực hiện bằng lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề hoặc khối lượng sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ thực hiện không thấp hơn so với thực hiện của năm trước liền kề đối với công ty quy định tại điểm b, mà mức tiền lương bình quân thực hiện thấp hơn mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề thì được tính bằng mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề.
a) Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước, yêu cầu tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh.
b) Công ty thực hiện sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc quản lý giá, thực hiện chương trình an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ; tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với những doanh nghiệp tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đối với công ty kinh doanh xổ số thì loại trừ chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) trả thưởng thực tế trong năm so với thực hiện của năm trước liền kề.
Việc loại trừ yếu tố khách quan nêu trên được thực hiện theo nguyên tắc: phần lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan phải được lượng hóa và tính toán bằng số liệu cụ thể; các yếu tố khách quan làm tăng thêm lợi nhuận thì phải giảm trừ phần lợi nhuận tăng thêm, các yếu tố khách quan làm giảm lợi nhuận thì được cộng thêm phần lợi nhuận giảm vào chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện làm căn cứ để xác định mức tiền lương bình quân thực hiện.
5. Công ty xác định quỹ tiền lương còn lại của viên chức quản lý chuyên trách như sau:
a) Quỹ tiền lương còn lại được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và quỹ tiền lương đã tạm ứng cho viên chức quản lý quy định tại Điều 8 Thông tư này. Trường hợp đã tạm ứng và chi vượt quỹ tiền lương thực hiện thì các viên chức quản lý chuyên trách và công ty phải hoàn trả phần tiền lương đã chi vượt ngay trong năm.
b) Đối với khoản tiền lương còn lại của Kiểm soát viên chuyên trách, công ty xác định, trích chuyển cho chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước) để chi trả cho Kiểm soát viên. Trường hợp đã trích, chuyển vượt quỹ tiền lương thực hiện của Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên và chủ sở hữu phải hoàn trả cho công ty ngay trong năm.
Điều 10. Quỹ thù lao thực hiện của viên chức quản lý không chuyên trách
1. Quỹ thù lao thực hiện của viên chức quản lý không chuyên trách được tính trên cơ sở số viên chức quản lý không chuyên trách thực tế tại các thời điểm trong năm, thời gian làm việc, mức tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách và tỷ lệ thù lao do công ty xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
2. Căn cứ quỹ thù lao thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này và quỹ thù lao đã tạm ứng cho viên chức quản lý không chuyên trách quy định tại Điều 8 Thông tư này, công ty xác định phần thù lao còn lại. Trường hợp đã tạm ứng và chi vượt quỹ thù lao thực hiện thì viên chức quản lý không chuyên trách và công ty phải hoàn trả phần thù lao đã chi vượt ngay trong năm.
3. Đối với khoản thù lao còn lại của Kiểm soát viên không chuyên trách, công ty xác định, trích chuyển cho chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước) để chi trả cho Kiểm soát viên. Trường hợp đã trích, chuyển vượt quỹ thù lao thực hiện của Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên và chủ sở hữu phải hoàn trả cho công ty ngay trong năm.
Điều 11. Quỹ tiền thưởng của viên chức quản lý
1. Quỹ tiền thưởng hàng năm của viên chức quản lý chuyên trách và không chuyên trách thực hiện theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Quỹ tiền thưởng quy định tại Khoản 1 Điều này, hàng năm được trích 90% để thưởng cuối năm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với viên chức quản lý theo quy định của Chính phủ về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy chế thưởng đối với viên chức quản lý của công ty.
3. Phần tiền thưởng còn lại (10% quỹ tiền thưởng hàng năm) được lập thành quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ, dùng để thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ của từng viên chức quản lý như sau:
a) Trường hợp các năm trong nhiệm kỳ đều hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì viên chức quản lý được hưởng toàn bộ phần tiền thưởng từ quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ.
b) Trường hợp trong nhiệm kỳ, có một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì viên chức quản lý chỉ được hưởng 50% phần tiền thưởng từ quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ.
c) Trường hợp trong nhiệm kỳ, có hai năm trở lên không hoàn thành nhiệm vụ thì viên chức quản lý không được hưởng phần tiền thưởng từ quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ.
Phần quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ còn lại tại điểm b và điểm c nêu trên được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.
Nhiệm kỳ để xác định quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ của viên chức quản lý được tính theo nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty). Trường hợp thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty) trước ngày 01 tháng 5 năm 2013 thì nhiệm kỳ được tính cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
4. Đối với khoản tiền thưởng của Kiểm soát viên, công ty xác định, trích chuyển cho chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước) để chi trả cho Kiểm soát viên.
Điều 12. Trả lương, thù lao, tiền thưởng
1. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng trả cho viên chức quản lý được thực hiện theo quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý của công ty.
2. Quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý do công ty xây dựng theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, gắn với mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành, trách nhiệm của viên chức quản lý.
3. Khi xây dựng quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý phải có sự tham gia của Ban Chấp hành công đoàn công ty và có ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu trước khi thực hiện.
4. Căn cứ vào quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện, quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý, công ty trả lương, thù lao, tiền thưởng cho từng viên chức quản lý. Đối với Kiểm soát viên thì tiền lương, thù lao, tiền thưởng do chủ sở hữu (hoặc Bộ Tài chính đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước) quyết định theo quy định Điều 7 Thông tư này.
MỤC 4. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty
1. Quyết định chuyển xếp lương đối với viên chức quản lý chuyên trách thuộc thẩm quyền bổ nhiệm theo Bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ; báo cáo chủ sở hữu quyết định chuyển xếp lương đối với viên chức quản lý chuyên trách thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của chủ sở hữu.
2. Quý I hàng năm, chỉ đạo Tổng giám đốc hoặc Giám đốc xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định; quyết định tạm ứng tiền lương, thù lao cho viên chức quản lý.
3. Báo cáo chủ sở hữu, đồng thời gửi cho Kiểm soát viên tiền lương, thù lao, tiền thưởng theo biểu mẫu số 1, 2, 3, 4 và số 5 kèm theo Thông tư này như sau:
a) Chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 hàng năm, xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện năm trước của viên chức quản lý gắn với các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện để báo cáo chủ sở hữu phê duyệt. Báo cáo xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng phải thuyết minh về các căn cứ xây dựng tiền lương, các số liệu theo biểu mẫu số 1.
Trong quá trình rà soát, xây dựng báo cáo tài chính hàng năm của công ty, trường hợp có sự thay đổi các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện thì xác định và báo cáo chủ sở hữu điều chỉnh và phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện năm trước chậm nhất vào ngày 01 tháng 3 hàng năm.
b) Chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hàng năm, báo cáo việc xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của công ty theo biểu mẫu số 2; báo cáo tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý theo biểu mẫu số 3 và tình hình thu, nộp, chi trả khoản thù lao năm trước đối với viên chức quản lý chuyên trách được cử đại diện phần vốn góp ở công ty, doanh nghiệp khác theo biểu mẫu số 4.
c) Chậm nhất vào ngày 30 tháng 7 hàng năm, báo cáo tình hình thực hiện quỹ tiền lương, tạm ứng tiền lương gắn với các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của 6 tháng đầu năm theo biểu mẫu số 5.
Đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, khi báo cáo chủ sở hữu thì đồng thời gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.
4. Xây dựng quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý và báo cáo chủ sở hữu trước khi thực hiện.
5. Thực hiện trả lương, thù lao, tiền thưởng cho viên chức quản lý theo quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng của công ty.
6. Xác định khoản tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên theo quy định tại Thông tư này và trích nộp cho chủ sở hữu để chi trả gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Kiểm soát viên.
7. Xây dựng quy chế, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quyết định mức thù lao được hưởng đối với viên chức quản lý được cử đại diện phần vốn góp ở các công ty, doanh nghiệp khác.
8. Cung cấp các tài liệu, báo cáo có liên quan đến tình hình thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng khi Kiểm soát viên yêu cầu; rà soát lại nội dung Kiểm soát viên kiến nghị (nếu có) để chỉ đạo sửa đổi, điều chỉnh theo đúng quy định.
9. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hàng năm, thông báo công khai trên trang thông tin điện tử (Website) của công ty về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý.
Điều 14. Trách nhiệm của Kiểm soát viên
1. Rà soát, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo chủ sở hữu việc thực hiện trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc theo quy định của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.
2. Đề nghị Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chỉ đạo sửa đổi, điều chỉnh nếu phát hiện nội dung không đúng quy định trong quá trình rà soát, kiểm tra. Trường hợp Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không thực hiện thì báo cáo cho chủ sở hữu biết để kịp thời xử lý.
3. Thực hiện rà soát, thẩm định việc xác định quỹ tiền lương thực hiện để báo cáo chủ sở hữu trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận báo cáo của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty. Kiểm soát viên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo thẩm định.
Điều 15. Trách nhiệm của Chủ sở hữu
1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý theo quy định tại Thông tư này đối với các công ty được phân công làm chủ sở hữu.
2. Quyết định chuyển xếp lương đối với các viên chức quản lý chuyên trách thuộc thẩm quyền bổ nhiệm theo Bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ.
4. Tiếp nhận, phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng năm trước đối với viên chức quản lý công ty chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 hàng năm. Trường hợp công ty đề nghị điều chỉnh quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng quy định tại Khoản 3, Điều 13 Thông tư này thì chậm nhất vào ngày 15 tháng 03 hàng năm phải phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, quỹ tiền thưởng thực hiện năm trước. Đối với quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, chủ sở hữu phê duyệt sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm biểu mẫu số 6 theo Thông tư này), sau khi phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng của viên chức quản lý công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để tổng hợp, theo dõi.
6. Tiếp nhận, rà soát và cho ý kiến về quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng đối với viên chức quản lý công ty.
7. Tổ chức quản lý, đánh giá, trả lương, thù lao, tiền thưởng và thực hiện các chế độ đối với Kiểm soát viên và người đại diện vốn (tách riêng giữa Kiểm soát viên và người đại diện vốn):
a) Tiếp nhận và quản lý khoản tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên do công ty trích nộp; thù lao, tiền thưởng của người đại diện phần vốn do công ty, doanh nghiệp khác chi trả để hình thành quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng chung của Kiểm soát viên và quỹ thù lao, tiền thưởng chung của người đại diện vốn.
b) Xây dựng Quy chế đánh giá Kiểm soát viên và Quy chế đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trả lương, thù lao, tiền thưởng. Các Quy chế này được lấy ý kiến của Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước trước khi ban hành chính thức.
c) Chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho Kiểm soát viên; thù lao, tiền thưởng cho người đại diện phần vốn nhà nước. Mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng của từng người được gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định tại Thông tư này.
8. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 5 hàng năm, thông báo công khai quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng và mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý công ty trên trang thông tin điện tử (Website) của cơ quan chủ sở hữu, đồng thời tổng hợp theo biểu mẫu số 6, 7 và số 8 kèm theo Thông tư này gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi.
9. Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với các công ty được phân công làm chủ sở hữu.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh mức lương cơ bản khi chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 10% trở lên so với lần quy định hoặc điều chỉnh gần nhất làm căn cứ để các công ty xây dựng quỹ tiền lương thực hiện.
3. Tham gia ý kiến để chủ sở hữu quyết định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện đối với viên chức quản lý công ty mẹ - tập đoàn kinh tế.
4. Phối hợp với chủ sở hữu giám sát tiền lương, thù lao, tiền thưởng của viên chức quản lý công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty hạng đặc biệt, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam như sau:
a) Tiếp nhận các báo cáo xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; tình hình thực hiện quỹ tiền lương, tạm ứng tiền lương của 6 tháng đầu năm; việc xác định, quyết định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của công ty.
b) Rà soát việc xác định tiền lương, thù lao trong các báo cáo của công ty và chủ sở hữu theo quy định của Nhà nước.
c) Phối hợp với chủ sở hữu định kỳ 6 tháng một lần tổ chức kiểm tra, giám sát việc xác định quỹ tiền lương, thù lao, tạm ứng tiền lương, trả lương của công ty.
Trong quá trình rà soát, kiểm tra, giám sát, trường hợp phát hiện việc xác định quỹ tiền lương, thù lao không đúng quy định thì có ý kiến để chủ sở hữu chỉ đạo công ty điều chỉnh hoặc xuất toán theo quy định.
5. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn xếp hạng công ty làm cơ sở để xếp lương, xác định mức lương cơ bản đối với viên chức quản lý theo hạng công ty được xếp.
6. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Thông tư này và tổng hợp tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng của viên chức quản lý các công ty và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Tiếp nhận và quản lý khoản tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên tài chính do các tập đoàn kinh tế nhà nước trích nộp.
2. Xây dựng quy chế và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước, sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn xếp hạng công ty làm cơ sở để xếp lương, xác định mức lương cơ bản đối với viên chức quản lý công ty.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2013.
2. Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 4 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế; Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước và các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 5 năm 2013. Quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 của viên chức quản lý chuyên trách được xác định theo 02 giai đoạn (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 4 và từ ngày 01 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12) theo hướng dẫn tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Ngoài quỹ tiền lương thực hiện tính theo công thức (1), viên chức quản lý ở một số ngành đặc thù còn được hưởng quỹ thưởng an toàn theo quy định tại Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005, Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
5. Công ty tiếp tục thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho viên chức quản lý không vượt quá 680.000 đồng/người/tháng. Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước.
Điều 19. Áp dụng đối với công ty, tổ chức khác và người đại diện phần vốn của Nhà nước
1. Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội tiếp tục áp dụng quy định tại Nghị định số 65/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ Thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2011 - 2013 và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 12 tháng 11 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng để xác định tiền lương năm 2013.
2. Các tổ chức, đơn vị hiện đang áp dụng chế độ tiền lương như công ty nhà nước trước đây hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu theo quy định của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ tại Điều 1 Thông tư này làm chủ sở hữu thì thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với viên chức quản lý theo quy định tại Thông tư này và các văn bản khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các công ty thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này.
2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty mẹ của công ty tại Điều 1 Thông tư này, căn cứ vào nội dung quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại Thông tư này để tổ chức quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu.
3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội xem xét, quyết định việc áp dụng các quy định tại Nghị định này đối với viên chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do mình làm chủ sở hữu.
4. Các cơ quan, tổ chức là đại diện phần vốn nhà nước tại công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn căn cứ vào một số nội dung quy định tại Thông tư này, tham gia quyết định hoặc đề xuất với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên để quyết định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước cho phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm quản lý chung của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, công ty phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
XÁC ĐỊNH QUỸ
TIỀN LƯƠNG THỰC HIỆN CỦA VIÊN CHỨC QUẢN LÝ CHUYÊN TRÁCH NĂM 2013
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
1. Quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 được tính theo công thức sau:
Vthqlct = Vthql4 + Vthql8 (5)
Trong đó:
- Vthqlct: Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách năm 2013.
- Vthql4: Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 4 tháng đầu năm 2013 (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 4 năm 2013) được tính theo hướng dẫn tại khoản 2, Phụ lục này.
- Vthql8: Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 8 tháng cuối năm 2013 (từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013) được tính theo hướng dẫn tại khoản 3, Phụ lục này.
2. Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 4 tháng đầu năm 2013 (Vthql4)
Công ty xác định quỹ tiền lương kế hoạch và quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 làm căn cứ xác định quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 4 tháng đầu năm 2013 như sau:
a) Quỹ tiền lương kế hoạch năm 2013 được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 và Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh để xác định quỹ tiền lương kế hoạch là chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch năm 2013 và so sánh với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện năm 2012.
b) Quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 được tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 và Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh để xác định quỹ tiền lương thực hiện là chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện năm 2013 và so sánh với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch năm 2013.
c) Quỹ tiền lương thực hiện 4 tháng đầu năm 2013 được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 quy định tại điểm b nêu trên chia cho 12 tháng và nhân với 4 tháng.
3. Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 8 tháng cuối năm 2013 (Vthql8)
Công ty xác định quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 làm căn cứ xác định quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý chuyên trách 8 tháng cuối năm 2013 như sau:
a) Quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 được tính trên cơ sở mức tiền lương bình quân và số viên chức quản lý chuyên trách theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Thông tư này. Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh để xác định mức tiền lương bình quân và quỹ tiền lương thực hiện là chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện năm 2013 và so sánh với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thực hiện năm 2012.
b) Quỹ tiền lương thực hiện 8 tháng cuối năm 2013 được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 tại điểm a nêu trên chia cho 12 tháng và nhân với 8 tháng.
Quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý năm 2013 xác định theo công thức (5) Thông tư này áp dụng đối với công ty hoạt động đủ 12 tháng. Trường hợp hoạt động không đủ 12 tháng thì hoạt động tháng nào thì tính theo tháng đó, nếu có số ngày lẻ dưới 15 ngày thì không tính, nếu lẻ từ 15 ngày trở lên thì làm tròn bằng một tháng.
Tên Chủ sở hữu …………………………………………….. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ……… |
Biểu mẫu số 1 |
BÁO CÁO XÁC
ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG THỰC HIỆN NĂM .....
của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch
công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám
đốc, Kế toán trưởng
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
Số TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Số báo cáo năm.... (6) |
Số báo cáo năm... |
||
Kế hoạch |
Thực hiện |
Kế hoạch |
Thực hiện |
|||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
I |
Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh: |
|
|
|
|
|
1 |
Tổng số vốn chủ sở hữu |
Tr.đồng |
|
|
|
|
2 |
Tổng sản phẩm (kể cả quy đổi) |
- |
|
|
|
|
3 |
Tổng doanh thu |
Tr.đồng |
|
|
|
|
4 |
Tổng chi phí (chưa có lương) |
Tr.đồng |
|
|
|
|
5 |
Tổng các khoản nộp ngân sách Nhà nước |
Tr.đồng |
|
|
|
|
6 |
Lợi nhuận |
Tr.đồng |
|
|
|
|
7 |
Năng suất lao động bình quân (1) |
Trđ/năm |
|
|
|
|
II |
Tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách (2) |
|
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
|
2 |
Hạng công ty được xếp |
- |
|
|
|
|
3 |
Hệ số mức lương bình quân |
- |
|
|
|
|
4 |
Mức lương cơ bản bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
|
5 |
Hệ số tăng thêm so mức lương cơ bản (nếu có) |
- |
|
|
|
|
6 |
Quỹ tiền lương |
Tr.đồng |
|
|
|
|
7 |
Mức tiền lương bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
|
III |
Thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách (3) |
|
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý không chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
|
2 |
Tỷ lệ thù lao bình quân so với tiền lương |
% |
|
|
|
|
3 |
Quỹ thù lao |
Tr.đồng |
|
|
|
|
4 |
Mức thù lao bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
|
IV |
Tiền thưởng, thu nhập |
|
|
|
|
|
1 |
Quỹ tiền thưởng |
Tr.đồng |
|
|
|
|
2 |
Quỹ thưởng an toàn (nếu có) |
Tr.đồng |
|
|
|
|
3 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách (4) |
Tr.đồng/th |
|
|
|
|
4 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách (5) |
Tr.đồng/th |
|
|
|
|
Ghi chú:
(1) ghi rõ năng suất lao động tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí (chưa có lương) hoặc tính theo tổng sản phẩm tiêu thụ.
(2) Viên chức quản lý chuyên trách, gồm: Chủ tịch và thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty.
(3) Viên chức quản lý không chuyên trách, gồm: Chủ tịch và thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách.
(4) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách, gồm tiền lương, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có).
(5) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách, gồm thù lao, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có).
(6) Năm trước liền kề năm báo cáo tại cột số 6 và số 7.
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu …………………………………………….. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ……… |
Biểu mẫu số 2 |
BÁO CÁO XÁC
ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG KẾ HOẠCH NĂM….
của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty,
Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế
toán trưởng
(Ban hành kèm theo
Thông tư sổ 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
STT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Số báo cáo năm trước |
Kế hoạch năm nay |
|
Kế hoạch |
Thực hiện |
||||
I |
Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh: |
|
|
|
|
1 |
Tổng số vốn chủ sở hữu |
Tr.đồng |
|
|
|
2 |
Tổng sản phẩm (kể cả quy đổi) |
- |
|
|
|
3 |
Tổng doanh thu |
Tr.đồng |
|
|
|
4 |
Tổng chi phí (chưa có lương) |
Tr.đồng |
|
|
|
5 |
Tổng các khoản nộp ngân sách Nhà nước |
Tr.đồng |
|
|
|
6 |
Lợi nhuận |
Tr.đồng |
|
|
|
7 |
Năng suất lao động bình quân (1) |
Trđ/năm |
|
|
|
II |
Tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách (2) |
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
2 |
Hạng công ty được xếp |
- |
|
|
|
3 |
Hệ số mức lương bình quân |
- |
|
|
|
4 |
Mức lương cơ bản bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
5 |
Hệ số tăng thêm so mức lương cơ bản (nếu có) |
- |
|
|
|
6 |
Quỹ tiền lương |
Tr.đồng |
|
|
|
7 |
Mức tiền lương bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
III |
Thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách (3) |
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý không chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
2 |
Tỷ lệ thù lao bình quân so với tiền lương |
% |
|
|
|
3 |
Quỹ thù lao |
Tr.đồng |
|
|
|
4 |
Mức thù lao bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
IV |
Tiền thưởng, thu nhập |
|
|
|
|
1 |
Quỹ tiền thưởng |
Tr.đồng |
|
|
|
2 |
Quỹ thưởng an toàn (nếu có) |
Tr.đồng |
|
|
|
3 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách (4) |
Tr.đồng/th |
|
|
|
4 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách (5) |
Tr.đồng |
|
|
|
Ghi chú:
(1) ghi rõ năng suất lao động tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí (chưa có lương) hoặc tính theo tổng sản phẩm tiêu thụ.
(2) Viên chức quản lý chuyên trách, gồm: Chủ tịch, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng.
(3) Viên chức quản lý không chuyên trách, gồm: Chủ tịch và thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách.
(4) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách, gồm tiền lương, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có).
(5) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách, gồm thù lao, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có).
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu …………………………………………….. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ……… |
Biểu mẫu số 3 |
BÁO CÁO
TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG BÌNH QUÂN (1) NĂM….
của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty,
Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng
(Ban hành kèm theo Thông tư
số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội)
TT |
Họ tên |
Chức danh |
Chuyên trách/ không chuyên trách (2) |
Hệ số mức lương |
Tiền lương (trđồng/tháng) |
Thù lao |
Tiền thưởng (trđồng/ tháng) |
Thu nhập (trđồng/ tháng) |
||
Kế hoạch |
Thực hiện |
Kế hoạch |
Thực hiện |
|||||||
1 |
Nguyễn Văn A |
Chủ tịch công ty |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Đào Thị B |
Tổng giám đốc |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
Đinh Văn C |
Phó tổng giám đốc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(1) tiền lương, thù lao, tiền thưởng được tính bình quân theo tháng và được lấy theo số báo cáo quyết toán của công ty và báo cáo quyết toán thuế hàng năm.
(2) Các chức danh chuyên trách hưởng tiền lương, tiền thưởng; chức danh không chuyên trách hưởng thù lao, tiền thưởng.
(3) Thu nhập của các chức danh chuyên trách gồm tiền lương, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có) và các khoản khác (thù lao đại diện vốn...); thu nhập của các chức danh không chuyên trách gồm thù lao, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có) và các khoản khác (nếu có).
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu …………………………………………….. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ……… |
Biểu mẫu số 4 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THU, NỘP, CHI TRẢ THÙ LAO NĂM …
của viên chức quản lý chuyên trách được cử làm đại
diện vốn ở công ty, doanh nghiệp khác
(Ban hành kèm theo Thông tư
số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội)
STT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Thực hiện năm.... |
Ghi chú |
I |
Quỹ thù lao: |
|
|
|
1 |
Số lượng viên chức quản lý chuyên trách được cử đại diện vốn ở công ty, doanh nghiệp khác |
Người |
|
|
2 |
Số lượng công ty, doanh nghiệp khác có viên chức quản lý chuyên trách của công ty làm đại diện vốn |
Doanh nghiệp |
|
|
3 |
Tổng quỹ thù lao viên chức quản lý nộp về công ty |
Tr.đồng |
|
|
4 |
Mức thù lao bình quân 01 viên chức quản lý nộp về công ty (1) |
Tr.đồng/tháng |
|
|
II |
Chi trả thù lao: |
|
|
|
1 |
Mức tiền lương thực tế bình quân của viên chức quản lý chuyên trách tại công ty |
Tr.đồng/tháng |
|
|
2 |
Mức thù lao bình quân công ty chi trả cho viên chức quản lý - chuyên trách được cử làm đại diện vốn |
Tr.đồng/tháng |
|
|
3 |
Mức thù lao cao nhất công ty chi trả |
Tr.đồng/tháng |
|
|
4 |
Mức thù lao thấp nhất công ty chi trả |
Tr.đồng/tháng |
|
|
III |
Quỹ thù lao còn lại |
|
|
|
1 |
Quỹ thù lao đã chi trả |
Tr.đồng |
|
|
2 |
Quỹ thù lao còn lại (2) |
Tr.đồng |
|
|
Ghi chú:
(1) Mức thù lao bình quân 01 viên chức quản lý chuyên trách nộp về công ty được tính trên cơ sở lấy tổng quỹ thù lao viên chức quản lý nộp về công ty chia cho tổng số viên chức quản lý chuyên trách được cử đại diện vốn và chia cho tổng số tháng đại diện vốn của số viên chức nêu trên.
(2) Quỹ thù lao còn lại được tính bằng quỹ thù lao do viên chức quản lý chuyên trách được cử đại diện nộp về công ty trừ đi quỹ thù lao đã chi trả cho các viên chức đó.
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu …………………………………………….. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ……… |
Biểu mẫu số 5 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM .....
của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty,
Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế
toán trưởng
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
STT |
Chỉ tiêu tính tiền lương, thù lao |
Đơn vị tính |
Kế hoạch cả năm |
Thực hiện 6 tháng |
So sánh % |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6=5/4 |
I |
Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh: |
|
|
|
|
1 |
Tổng số vốn chủ sở hữu |
Tr.đồng |
|
|
|
2 |
Tổng sản phẩm (kể cả quy đổi) |
- |
|
|
|
3 |
Tổng doanh thu |
Tr.đồng |
|
|
|
4 |
Tổng chi phí (chưa có lương) |
Tr.đồng |
|
|
|
5 |
Tổng các khoản nộp ngân sách Nhà nước |
Tr.đồng |
|
|
|
6 |
Lợi nhuận |
Tr.đồng |
|
|
|
7 |
Năng suất lao động bình quân (1) |
Trđ/năm |
|
|
|
II |
Tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách (2) |
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
2 |
Hạng công ty được xếp |
- |
|
|
|
3 |
Hệ số mức lương bình quân |
- |
|
|
|
4 |
Mức lương cơ bản bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
5 |
Hệ số tăng thêm so mức lương cơ bản (nếu có) |
- |
|
|
|
6 |
Quỹ tiền lương |
Tr.đồng |
|
|
|
7 |
Mức tiền lương bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
III |
Thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách (3) |
|
|
|
|
1 |
Số viên chức quản lý không chuyên trách (tính bình quân) |
Người |
|
|
|
2 |
Tỷ lệ thù lao bình quân so với tiền lương |
% |
|
|
|
3 |
Quỹ thù lao |
Tr.đồng |
|
|
|
4 |
Mức thù lao bình quân |
Tr.đồng/th |
|
|
|
IV |
Tiền thưởng, thu nhập |
|
|
|
|
1 |
Quỹ tiền thưởng |
Tr.đồng |
|
|
|
2 |
Quỹ thưởng an toàn (nếu có) |
Tr.đồng |
|
|
|
3 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách (4) |
Tr.đồng/th |
|
|
|
4 |
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách (5) |
Tr.đồng/th |
|
|
|
Ghi chú:
(1) ghi rõ năng suất lao động tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí (chưa có lương) hoặc tính theo tổng sản phẩm tiêu thụ.
(2) Viên chức quản lý chuyên trách, gồm: Chủ tịch và thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty.
(3) Viên chức quản lý không chuyên trách, gồm: Chủ tịch và thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách.
(4) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chuyên trách, gồm tiền lương, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có).
(5) Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý không chuyên trách, gồm thù lao, tiền thưởng (kể cả thưởng an toàn nếu có)
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu ………………………………………………… |
Biểu mẫu số 6 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG THỰC HIỆN CỦA VIÊN CHỨC QUẢN LÝ NĂM ...
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
Số TT |
Tên công ty |
Viên chức quản lý chuyên trách |
Viên chức quản lý không chuyên trách |
||||||||||||||||||
Số lượng (người) (1) |
Quỹ tiền lương (tr.đồng) |
Quỹ tiền thưởng, kể cả thưởng an toàn nếu có (tr.đồng) |
Quỹ thù lao đại diện vốn (tr.đồng) |
Số lượng (người) (2) |
Quỹ thù lao (tr.đồng) |
Quỹ tiền thưởng (tr.đồng) |
|||||||||||||||
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm trước |
Thực hiện năm trước |
Thực hiện năm trước |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
1 |
Công ty A |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Công ty B |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: (1) tính bình quân theo số lượng viên chức quản lý chuyên trách trong năm; (2) tính bình quân theo số lượng viên chức quản lý không chuyên trách trong năm.
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu ………………………………………………… |
Biểu mẫu số 7 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG, THÙ LAO THỰC HIỆN
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN HOẶC CHỦ TỊCH CÔNG TY CHUYÊN TRÁCH, TỔNG GIÁM
ĐỐC NĂM............
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
Số TT |
Tên công ty |
Chủ tịch chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách |
Tổng giám đốc |
||||||||||||||||
Tiền lương (tr.đồng/tháng) |
Tiền thưởng, kể cả thưởng an toàn nếu có (tr.đồng/tháng) |
Thù lao (tr.đồng/tháng) |
Tiền lương (tr.đồng/tháng) |
Tiền thưởng, kể cả thưởng an toàn nếu có (tr. đồng/tháng) |
Thù lao (tr.đồng/tháng) |
||||||||||||||
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
Thực hiện năm trước |
Kế hoạch năm nay |
Thực hiện năm nay |
||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
1 |
Công ty A |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Công ty B |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Các khoản tiền lương, thù lao, tiền thưởng được lấy theo số báo cáo quyết toán của công ty và báo cáo quyết toán thuế hàng năm.
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
Tên Chủ sở hữu ……………………(1)…………………………… |
Biểu mẫu số 8 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG CỦA KIỂM SOÁT VIÊN NĂM ..........
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội)
Số TT |
Tên công ty |
Kiểm soát viên chuyên trách |
Kiểm soát viên không chuyên trách |
||||||||||||||||
Số lương (người) (2) |
Quỹ tiền lương (tr.đồng) |
Quỹ tiền thưởng, kể cả thưởng an toàn nếu có (tr.đồng) |
Số lượng (người) (3) |
Quỹ thù lao (tr.đồng) |
Quỹ tiền thưởng (tr.đồng) |
||||||||||||||
Thực hiện năm trước (4) |
Năm .... |
Đã trả cho KSV năm trước |
Năm .... |
Đã trả cho KSV năm trước |
Năm .... |
Thực hiện năm trước |
Năm .... |
Đã trả cho KSV năm trước |
Năm .... |
Đã trả cho KSV năm trước |
Năm .... |
||||||||
Kế hoạch |
Thực hiện |
Thu từ công ty |
Đã chi trả cho KSV |
Thu từ công ty |
Đã chi trả cho KSV |
Kế hoạch |
Thực hiện |
Thu từ công ty |
Đã chi trả cho KSV |
Thu từ công ty |
Đã chi trả cho KSV |
||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
r 7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
1 |
Công ty A |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Công ty B |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(1) Chủ sở hữu là Bộ Tài chính đối với trường hợp báo cáo tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên tài chính tại Tập đoàn kinh tế.
(2) tính bình quân theo số lượng Kiểm soát viên chuyên trách trong năm.
(3) tính bình quân theo số lượng Kiểm soát viên không chuyên trách trong năm.
(4) Năm trước liền kề năm báo cáo tại cột số 4 và số 5.
|
……, ngày … tháng … năm ….. |
THE
MINISTRY OF LABOR, INVALIDS AND SOCIAL AFFAIRS |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: 19/2013/TT-BLDTBXH |
Hanoi, September 09, 2013 |
Pursuant to the Government's Decree No. 106/2012/ND-CP dated December 20, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair;
Pursuant to the Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013, providing for the wage, remuneration, and bonus regimes for members of the members’ council or the company’s presidents, the controllers, the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants of state-owned one-member limited-liability companies;
Pursuant to Decision No. 35/2013/QD-TTg dated June 07, 2013 of the Prime Minister, promulgating the regulation on operation of controllers of one-member limited liability companies of which State holds 100% of charter capital;
At the proposal of Director of Labor and Salary Department;
The Minister of Labor - Invalids and Social Affairs promulgates Circular guiding implementation of the wage, remuneration, and bonus regimes for members of the members’ council or the company’s presidents, the controllers, the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants of state-owned one-member limited-liability companies,
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This Circular guiding implementation of the wage, remuneration, and bonus regimes for members of the members’ council or the company’s presidents, the controllers, the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants of state-owned one-member limited-liability companies, including:
1. Independent one-member limited liability companies of Ministries, the provincial/municipal People’s Committees.
2. One-member limited liability companies that are mother companies of state economic groups, mother companies in model of mother company and subsidiary companies which are transformed, established under decisions of the Prime Minister, Ministers, presidents of the provincial/municipal People’s Committee.
One-member limited liability companies specified at clauses 1 and 2 of this article hereinafter abbreviated to companies.
Article 2. Subjects of application
1. The full-time responsible presidents of the members’ council, full-time responsible members of the members’ council or full-time responsible company’s presidents, the full-time responsible controllers, the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants of companies (hereinafter collectively referred to as the full-time responsible managers).
The full-time responsible managers mentioned above exclude the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants who work under labor contracts.
2. The part-time responsible presidents of the members’ council, the part-time responsible members of the members’ council or the part-time responsible company’s presidents, the part-time responsible controllers (hereinafter collectively referred to as the part-time responsible managers).
3. Ministries, ministerial-level agencies and government attached agencies, provincial-level People’s Committees which are assigned, decentralized to perform rights, duties and obligations of company owners (hereinafter collectively referred to as owners).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
SECTION 2. GRADING WAGES FOR THE FULL-TIME RESPONSIBLE MANAGERS
Article 3. The wage changing and grading
1. A full-time responsible manager shall be graded wage under the position which he is keeping and company’s rank which is ranked under Table of wage coefficient for the full-time responsible managers at Annex No. I promulgated together with the Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013.
The wage coefficients at Annex No. I mentioned above shall, from May 01, 2013 to the end of June 30, 2013, be calculated under the common minimum wages specified in the Government's Decree No. 31/2012/ND-CP dated April 12, 2012; as from July 01, 2013, be calculated under the basic wages specified at the Government’s Decree No. 66/2013/ND-CP dated June 27, 2013 (abbreviated to the regime wages) as the basis for paying and receiving social insurance, medical insurance and solving other rights and benefits under law. When Government adjusts the basic wages or new regulations are promulgated, such new regulations of Government shall be applied.
2. The changing and grading of wage for the full-time responsible presidents and members of the members’ council, or the full-time responsible company’s presidents, the general directors or directors, the deputy general directors or deputy directors, and the chief accountants shall be based on the positions which they are keeping, wage grades under company’s ranks as prescribed by Government in Decree No. 205/2004/ND-CP dated December 14, 2004 and Decree No. 141/2007/ND-CP dated September 05, 2007 (abbreviated to old wages) to turn into Table of wage coefficients of the full-time responsible managers at Annex No. 1 promulgated together with Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013 (abbreviated to new wages) in the principle: turn into the respective company’s rank; grading into positions which managers are keeping and changing grade 1 of old wage into grade 1 of new wage, grade 2 of old wage into grade 2 of new wage. Do not combine the changing and grading of wage with the raising of the wage grade. Duration for raising the wage grade in next time (for case where a manager is being graded wage at grade 1) shall be calculated from time the old wage grade has been graded.
3. The changing and grading of wage for a full-time responsible controller shall be based on the wage coefficient which he is being received, including: The specialized wage coefficient, plus to position allowance of head of division and the reserved difference coefficient (if any for cases allowed to be reserved as prescribed at Clause 1 Article 11 of Circular No. 27/2010/TT-BLDTBXH dated September 14, 2010 of the Ministry of Labor, Invalids and Social Affair) in principle:
a) To put into grade 1, if the currently-receiving wage coefficient is equal to or lower than the wage coefficient of grade 1. If difference between the currently-receiving wage coefficient and the wage coefficient of grade 1 is less than 70% of difference between the wage coefficient of grade 1 and the wage coefficient of grade 2, duration for raising wage grade at next time shall be calculated from time the currently-receiving wage grade is graded.
b) To put in grade 2, if the currently-receiving wage coefficient is higher than the wage coefficient at grade 1
Article 4. Raising the wage grade
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a) Duration of grade 1 is 3 years or more.
b) Finishing the annual tasks under assessment criteria prescribed by Government.
c) Not violating the task regulations as prescribed by labor law.
d) Not in time of being disciplined.
2. Company shall report to competent authorities under management decentralization to consider, decide on raising wage grade for the full-time responsible manager who satisfies conditions specified at Clause 1 of this Article.
Article 5. Ranking companies as basis for grading wages
1. Rank of economic Group
Rank of economic Group is applied to mother companies of state economic Groups which are transformed or established under decisions of the Prime Minister.
2. Rank of Special Corporation
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Companies which are transformed from state corporations or companies which have been ranked as Special Corporation under decisions of the Prime Minister.
- Companies that are transformed from state corporations or companies that have been allowed by the Prime Minister in grading the wage or apply regulation on grading wages under the rank of Special Corporation.
- Mother companies in model of Mother Company - subsidiary companies established under decisions of the Prime Minister which have sufficient conditions:
+ Playing a key role in the economy.
+ State capital of 1,000 billion VND or more, attaining profit of 1000 billion VND or more, remitting state budget 100 billion VND or more.
+ Having 10 member units or more (including independent-accounting member units and dependent-accounting member units).
If a company has sufficient conditions stated above, it may make a written request to owner to reach unified opinion with the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance and report to the Prime Minister for consideration and decision.
b) Re-ranking Special Corporation:
- Companies which have been ranked Special Corporation under decisions of the Prime Minister are not required to re-rank.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. Rank of corporation and equivalence
a) Rank of corporation and equivalence is applied to:
- Mother companies which are transformed from state corporations or established newly as corporations.
- Mother companies which are transformed from state companies which have been allowed by the Prime Minister of state management agencies under competence in grading the wage or apply regulation on grading wages under the rank of Corporation.
- Mother Companies in model of Mother company - subsidiary companies which have sufficient conditions:
+ State capital of 700 billion VND or more, attaining profit of 70 billion VND or more, remitting state budget 70 billion VND or more.
+ Having 05 member units or more (including independent-accounting member units and dependent-accounting member units).
If a company has sufficient conditions stated above, it may make a written request to owner for consideration and decision after reaching unified opinion with the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance.
b) Re-ranking Corporation:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Mother companies in model of Mother Company - subsidiary companies which have sufficient conditions at point a clause 3 this Article, 03 years after being ranked Corporation and companies which have been allowed by state management agencies under competence in grading wages or applying regulation on grading wages under the rank of Corporation, 03 years after this Circular takes effect, must review the rank of corporation, grading of wage and applying regulation on grading wages under the rank of Corporation according to conditions at point a mentioned above and make a written request to owner for consideration and decision after unifying opinions with the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance. For companies which have been allowed by the Prime Minister in grading wages or applying regulation on grading wages under the rank of Corporation, owners shall report to the Prime Minister for consideration and decision after unifying opinions with the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance.
4. Company rank I, II, III
a) Company Rank I, II, III shall be applied to the remaining companies (apart from companies specified at Clause 1, 2 and Clause 3 this article), assure conditions and criteria of ranking promulgated by the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair.
b) Conditions and criteria of company ranking shall temporarily comply with provisions and guides in the Joint Circular No. 23/2005/TTLT-BLDTBXH-BTC dated August 31, 2005 of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance, guiding on the ranking and wage grading for the full-time members of Board of Directors, General Directors, Director, Deputy General Directors, Deputy Directors, Chief accountant of state companies until new regulation is issued. For Companies which have not yet had criteria of ranking or are applying criteria of ranking for other trades, they must elaborate criteria, report to owners to send them to the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance for consideration and decision as the basis for company ranking.
c) Principles, competence of ranking, duration of re-ranking:
- Companies must base on criteria of ranking respective with companies’ trades, fields of production and business which are promulgated by the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance, to define rank of company. A company which is eligible according to criteria respective with a rank may report to owner to decide on ranking in such rank. For companies ranked I, after issuing decision on ranking, owners shall send dossiers of ranking to the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance for monitoring and examination.
- 03 years (full 36 months) after issuing decision on ranking, company must be re-ranked. 02 months before time limit of re-ranking, companies must report to owners to decide on re-ranking. For a company which has not yet been ranked or already been ranked and time limit for its re-ranking is passed but its owner fails to reported for decision on ranking, under regulations, its managers shall only be graded wages under company of rank III.
5. Dossier of ranking and re-ranking
Dossier of ranking or re-ranking, applying regulation on wage grading under rank of company specified at Clause 2, Clause 3 and Clause 4 Article 5 of this Circular includes:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) Report to specify criteria under conditions for ranking under regulations.
c) Copy of financial statements of 02 latest years and plan of year.
d) Table summing up data of criteria under conditions for ranking under regulations.
Article 6. The wage changing and grading when the company's rank is changed
1. When the company's rank is changed or position of a full-time manager is changed, wage of full-time manager must be re-graded under the company’s rank or new position or job, the wage under company rank or old position shall not be reserved.
2. The wage changing and grading for the full-time managers when the company’s rank is change or when the full-time managers change position or are appointed at new position shall temporarily comply with provisions and guides in the Joint Circular No. 23/2005/TTLT-BLDTBXH-BTC dated August 31, 2005 of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair and the Ministry of Finance until new regulation is issued.
SECTION 3. MANAGEMENT OF WAGES, REMUNERATION, BONUSES FOR MANAGERS
Article 7. Principles to determine and pay wages, remuneration, and bonuses
1. The full-time managers shall be determined and pay wages in association with efficiency of production and business, result of management, administering or control and the maximum levels is restrained. For case of the full-time presidents of Members’ council or the full-time presidents of companies concurrently being General Directors or Directors, they shall only be received highest wage of one position.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. For managers in company who are assigned to act as representatives of contributed capital in other companies or enterprises, the remuneration which is paid by other companies or enterprises shall be remitted to company. Members' Council or president of company shall decide on payment under the extent of finishing tasks under regulation of company, but the maximum level does not exceed 50% of wage which they practically are received at company. The rest (if any) shall be accounted into other income of company.
4. The fund of wages, remuneration for managers shall be determined annually, and separated from the fund of wages for employees. Based on the planned fund of wages and remuneration as defined by company, monthly, managers shall be paid in advance 80% of wages and remuneration which are temporarily calculated for that month; the remaining 20% shall be finalized and paid in the end of year. The fund of wages, remuneration for managers shall be accounted into cost price or business cost and presented into a separate index in the annual financial statement of company.
5. The bonuses of managers shall be determined in year respective with efficiency of production and business, result of management, administering or control, be paid partly in the end of year, the rest shall be paid upon ending tenure.
6. Companies shall determine the fund of wages and remuneration under plan and fund of wages and remuneration for implementation, fund of bonuses for managers according to regulations of Government and guides in this Circular; fund of wages and remuneration for implementation and fund of bonuses for managers must be submitted to owners for approval before implementation.
7. Wages, bonuses and remuneration of controllers shall be determined under this Circular, Companies must deduct to submit to owners (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) to form general full for payment to controllers as follows:
a) The general fund of wages, remuneration for controllers shall do not exceed total wages, remuneration for controllers as determined and deducted to be submitted to owners (or the Ministry of Finance) by companies.
b) The general fund of wages and remuneration shall be paid entirely in each year, in association with the extent of finishing the assigned tasks of controllers under regulations of owners (or the Ministry of Finance):
- Finishing tasks well, wages and remuneration shall be increased but not exceed 1.3 times of wages and remuneration for controllers which have been deducted and remitted by company.
- Finishing tasks, wages and remuneration shall be equal to wages and remuneration for controllers which have been deducted and remitted by company.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
c) The general fund of bonuses shall be paid partly in the end of year, the rest shall be paid after ending tenure as prescribed in Article 11 of this Circular.
Article 8. Fund of wages and remuneration under plan
Companies shall determine, decide on fund of wages and remuneration under plan and pay in advance wages and remuneration for managers as follows:
1. Fund of wage under plan of the full-time responsible managers
a) Fund of wage under plan shall be determined on the basis of quantity of the full-time responsible managers under plan and the planned average wage.
b) The average wage to determine fund of wage under plan shall be based on the basic wages specified at Annex No. II promulgated together with the Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013, calculating average of the full-time managers in company (hereinafter abbreviated to the basic wage) and criteria of the production and business plan in comparison with the criteria of the production and business which have been performed in the last year, as follows:
- If company keeps intact and develops state capital, profit and labor productivity higher than ones implemented in last year, the maximum average wage under plan shall be equal to 1.5 times of basic wage.
- If company keeps intact and develops state capital, profit and labor productivity equal to ones implemented in last year, the maximum average wage under plan shall be equal to basic wage.
- If company keeps intact and develops state capital, profit and labor productivity lower than ones implemented in last year, the average wage under plan shall be less than basic wage.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Fund of remuneration under plan of the part-time responsible managers
Fund of remuneration under plan shall be determined on the basis of quantity of the part-time responsible managers under plan and the remuneration as prescribed at Clause 2 Article 7 of this Circular.
3. Payment in advance of wages and remuneration
a) Based on fund of wages and remuneration under plan, companies shall pay in advance wages and remuneration for managers as prescribed at Clause 4 Article 7 of this Circular.
b) For wages and remuneration of controllers, companies shall deduct and transfer to owners (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) to pay in advance for controllers.
Article 9. Fund of wage for implementation for the full-time responsible managers
1. Fund of wage for implementation for the full-time responsible managers shall be determined under the following formula:
Vthqlct = Lqlct x TLbqth x 12 (1)
In which:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Lqlct: Monthly average of the full-time manager quantity in real
- TLbqth: Average wage for implementation for the full-time responsible managers, which is determined under Clause 2 of this Article.
- 12: number of months in year, in case of new company, it is count of operational month in real.
2. The average wage for implementation shall be determined on the basis of the monthly basic average wage, in association with the increase (or decrease) of production and business criteria which performed in year in comparison with ones implemented in last year, as follows:
a) Company must assure sufficient conditions: To keep intact and develop state capital; submit budget as prescribed; profit implemented in year is more than profit implemented in last year and average labor productivity does not reduce in comparison with implementation of last year, so the average wage for implementation shall be less than basic wage.
TLbqth = TLcb + Hln x TLcb (2)
In which:
- TLbqth: The average wage for implementation.
- TLcb: The basic wage calculated under point b Clause 1 Article 8 of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ For a company with the implementation profit in year less than 500 billion VND: If the implementation profit in year increases less than 5% in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.3 maximally; the implementation profit in year increases between 5% and less than 7% in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.4 maximally; the implementation profit in year increases 7% or more in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.5 maximally.
+ For a company with the implementation profit in year equal to 500 billion VND or more: If the implementation profit in year increases less than 3% in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.3 maximally; the implementation profit in year increases between 3% and less than 5% in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.4 maximally; the implementation profit in year increases 5% or more in comparison with implementation of last year, Hln shall be 0.5 maximally.
If company keeps intact and develops state capital; submits budget as prescribed; profit implemented in year is more than profit implemented in last year but average labor productivity (after removing objective elements as prescribed) is lower than implementation of last year, after determining the average wage for implementation according to formula (2), company must deduct wage in principle: Every 1% of average labor productivity of implementation which is decreased in comparison with implementation of last year, company must deduct 1% of the implementation average wage for managers. The average labor productivity shall be determined under guide at Annex No. I promulgated together with the Circular No. 18/2013/TTLT-BLDTBXH dated September 09, 2013 of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affair guiding management of laborers, wages and bonuses for employees in State-owned One-member limited liability companies.
b) Company must assure sufficient conditions: In case of keeping intact and developing state capital; submitting budget as prescribed; profit implemented in year equal to the profit implemented in last year, the implementation average wage shall be equal to the monthly basic average wage.
For companies supplying public-utility products and services under the orders of state or companies operating without profit purpose, when determining the implementation average wage as prescribed above, company may change the implementation profit criteria by criteria of implementation product, service and task quantity, in which the implementation product, service and task quantity is not lower than implementation of the last year, and the implementation average wage shall be equal to the basic wage.
c) If company has the implementation profit in year less than the implementation profit of last year, the implementation average wage shall be determined as follows:
TLbqth = TLcb - TLln (3)
In which:
- TLbqth: The wage average for implementation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- TLln: The wage reduced under profit shall be calculated under the following formula:
(4)
Pth and Pthnt The implementation profit in year and the implementation profit in last year.
The implementation average wage after calculating under the formula (3) is assured to not less than 1.2 times of the average wage under regime at clause 1 article 3 of this Circular.
d) When company has no profit, depending on extent of implementing criteria of production and business task in year in comparison with implementation of the last year and in comparison with plan, the minimum implementation average wage shall be equal to the average wage under regime and the maximum implementation average wage shall do not exceed 1.2 times in comparison with the average wage under regime prescribed in Clause 1 Article 3 of this Circular.
dd) When company gets loss, the implementation average wage shall be equal the average wage under regime prescribed at clause 1 article 3 of this Circular.
3. When determining the implementation average wage from 2014 as prescribed at point a and point b, Clause 2 this Article, in case where company keeps intact and develops state capital; submit to budget as prescribed; the implementation profit is more than the implementation profit in the last year for companies specified at point a or the implementation profit is equal to the implementation profit in last year or volume of the implementation products, services and tasks are not less than implementation of last year for companies specified at point b, and the implementation average wage is lower than the implementation average wage of last year, it shall be equal to the implementation average wage of last year.
4. When determining the fund of wages and the implementation average wage as prescribed at Clause 1 and Clause 2 this Article, company may remove objective elements influencing to the implementation profit, including:
a) State issues decisions to interfere aiming to stabilize market, provide enterprise income tax incentives, increase or reduce state capital, require for depreciation increase to revoke capital fast.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The removal of objective elements mentioned above shall be implemented in principles: Part of profit that is influenced by objective elements must be quantified and calculated with specific data; if objective elements increase profit, the increased profit must be deducted, if objective elements decrease profit, the decreased profit must be added in the implementation profit criteria to do as basis for determining the implementation average wage.
5. Company may determine the remaining fund of wage for the full-time responsible managers as follows:
a) The remaining wage fund shall be determined on the basis of the implementation wage fund specified at Clause 1 and Clause 2 this Article and the wage fund that has paid in advance for the managers specified at Article 8 this Circular. If the fund of wage has been paid in advance and exceeds the implementation wage fund, the full-time responsible managers and company must return the overpaid wage instantly in year.
b) For the remaining wages of the full-time controllers, companies shall define and transfer to owner (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) to pay for controllers. If the fund of wage has been transferred in excess of the implementation wage fund for controllers, controllers and owner must return it to company instantly in year.
Article 10. Fund of remuneration for implementation for the part-time responsible managers
1. The fund of remuneration for implementation of the part-time responsible managers shall be calculated on the basis of number of the part-time responsible managers at times in year, the working time, the implementation wage of the full-time responsible managers and rate of remuneration defined by company as prescribed at Clause 2 Article 7 of this Circular.
2. Based on the fund of remuneration for implementation specified at Clause 1 this Article and the fund of remuneration already been paid in advance for the full-time responsible managers specified in Article 8 of this Circular, company shall define the remaining remuneration. If the fund of remuneration has been paid in advance and exceeds the implementation remuneration fund, the part-time responsible managers and company must return the overpaid remuneration instantly in year.
3. For the remaining remuneration of the part-time controllers, company shall define and transfer to owner (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) to pay for controllers. If the fund of remuneration has been transferred in excess of the implementation remuneration fund for controllers, controllers and owner must return it to company instantly in year.
Article 11. Fund of bonuses for managers
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. The fund of bonuses specified at Clause 1 this Article, every year, shall be deducted 90% for reward in the end of year in association with the efficiency of production and business and criteria to assess the extent of finishing tasks applied to the managers as prescribed by Government involving financial supervision, assessment on operational efficiency, disclosure of financial information applicable to state-owned enterprises, guides of the Ministry of Finance and the regulation on reward applicable to the managers of company.
3. The remaining reward (10% of annual reward fund) shall be used to set up the fund of tenure reward in order to reward when ending tenure depending on the extent of finishing tasks of entire tenure of each managers as follows:
a) If a manager has finished, finished excellently his task for years in tenure, he shall be received entire bonus from the fund of tenure reward.
b) If a manager fails to finish his task in a year in tenure, he shall be received only 50% of bonus from the fund of tenure reward.
c) If a manager fails to finish his task in two or more years in tenure, he shall not be received bonus from the fund of tenure reward.
The remaining fund of reward at points b and c mentioned above shall be accounted into other income of company.
Tenure to define the fund of tenure reward for managers shall be calculated under tenure of president of Members’ Council (or president of company). If tenure of president of Members’ Council (or president of company) is started before May 01, 2013, the tenure shall be calculated for the remaining duration of tenure.
4. For the bonuses for remaining wages of controllers, companies shall define and transfer to owners (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) to pay for controllers.
Article 12. Payment of wages, remuneration and bonuses
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Company shall elaborate the regulation on payment of wages, remuneration and bonuses for managers as prescribed by law, ensuring democracy, publicity and transparence, in association with extent of contribution in efficiency of production, business and result of management, administering; and tasks of managers
3. When elaborating the regulation on payment of wages and remuneration, and regulation on reward for managers, it must have participation of the Executive Committee of the Trade Union of company and approval opinion of owner before implementation.
4. Based on the funds of wages, remuneration and bonuses for implementation, regulations on payment of wages, remuneration, and regulations on reward applied to managers, company shall pay wages, remuneration and bonuses for each manager. For controllers, wages, remuneration and bonuses shall be decided by owner (or the Ministry of Finance for finance controllers at state economic corporations) as prescribed in Article 7 of this Circular.
SECTION 4. RESPONSIBILITIES FOR IMPLEMENTATION ORGANIZATION
Article 13. Responsibilities of Members' Councils or the company’s presidents
1. To decide on changing and grading wages for the full-time responsible managers under competence of appointment under the Table of wage coefficient for the full-time responsible managers at Annex No. I promulgated together with the Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013; report to the owners to decide on changing and grading wages for the full-time responsible managers under the owner’s appointment competence.
2. At quarter I every year, to direct General Directors or Directors to define the fund of wages and remuneration under plan to submit to Members' Council or president of company for decision; to decide on pay in advance wages, remuneration for managers.
3. To report to owner, concurrently send to the controllers of wages, remuneration and bonuses under forms No. 1, 2, 3, 4 and 5 enclosed with this Circular as follows:
a) Not later than January 15 every year, to define the implementation fund of wages, remuneration and bonuses in last year of managers in association with the implementation criteria of production and business to report to owner for approval. Reports on determining the funds of wages, remuneration and bonuses must have explanations on basis to set up wages, data made according to form No. 1.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) Not later than March 31 every year, to make report on determining the funds of planned wages and remuneration according to form No. 2; reports on wages, remuneration, bonuses and monthly average income in last year of each manager according to form No. 3 and situation of collection, remittance and payment of remuneration in last year for the full-time managers who are assigned to act as representative of contribution capital in other companies or enterprises according to form No. 4.
c) Not later than July 30 every year, to make report on the implementation fund of wages, payment in advance of wages in association with the criteria of production and business of 6 months of begin of year according to form No. 5.
For Mother companies - State economic Groups, Mother Companies or Special-rank Corporations, Vietnam Corporation of aviation control, Vietnam Corporation of airports, the North maritime safety Corporation, the South maritime safety Corporation and Vietnam Postal Corporation, when reporting to owner, they shall concurrently send reports to the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs for monitoring and supervision.
4. To elaborate regulation on payment of wages, remuneration, and regulation on reward for managers and report to owner before implementation.
5. To pay wages, remuneration and bonuses for managers under regulation on payment of wages, remuneration, and regulation on reward of company.
6. To determine the wages, remuneration and bonuses for controllers as prescribed in this Circular and transferred to owner for payment in association with the extent of finishing tasks of controllers.
7. To elaborate regulation and assess the extent of finishing tasks and decide on the remuneration for managers who are appointed to act as representatives of contributed capital in other companies or enterprises.
8. To supply documents, reports related to implementation of the wage, remuneration and bonus regime at the request of controllers; to review content of petitions of controllers (if any) to direct modification and adjustment in accordance with regulation.
9. Not later than March 31 every year, to notify publicly in website of company about wages, remuneration, bonuses and monthly average income in last year of each manager.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. To review, inspect, supervise and periodically report to owner about implementation of duties of Members' Council or president of company, General Director or Director in accordance with regulations of Government and this Circular.
2. To propose Members' Council or president of company in directing modification, adjustment as detecting content inconsistent with regulations during review and inspection. If Members' Council or president of company fails to perform, report to owner for timely handling.
3. To review, appraise the determination of the implementation wage fund to report to owner within 15 days after receiving reports of Members' Council or president of company. Controllers take responsibilities for the accuracy, truthfulness of reports on appraisal.
Article 15. Responsibilities of owners
1. To organize implementation of and guide on the wage, remuneration and bonus regimes for managers as prescribed in this Circular for companies which they are assigned to act as owner.
2. To decide on changing and grading wages for the full-time responsible managers under competence of appointment under the Table of wage coefficient for the full-time responsible managers at Annex No. I promulgated together with the Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated May 14, 2013;
3. To receive, monitor, supervise the determination of funds of wages and remuneration under plan, the implementation of fund of wages, payment in advance of wages in 6 months of begin of year of company; the collection, remittance and payment of remuneration for managers who are assigned to act as representative of contribution parts in other companies or enterprises. If detecting the determination of funds of wages, payment in advance of wages inconsistent with regulations, to direct companies for adjustment in accordance with regulations.
4. To receive and approve the implementation fund of wages, remunerations, the fund of reward in last year of managers not later than January 31 every year. If a company wishes to request for adjusting the implementation fund of wages, remunerations, fund of reward specified at clause 3 Article 13 of this Circular, it must approve the fund of wages, remunerations, fund of reward for implementation in last year before March 15 every year. For the implementation fund of wages, remuneration for managers of mother companies - economic groups, owners shall approve after reaching agreement opinion of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair.
5. To sent to the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs (enclosed with form No. 6 in this Circular), after approving the implementation fund of wages and remuneration, fund of reward for managers of Mother companies - State economic Groups, Mother Companies or Special-rank Corporations, Vietnam Corporation of aviation control, Vietnam Corporation of airports, the North maritime safety Corporation, the South maritime safety Corporation and Vietnam Postal Corporation, for summing up and monitoring.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
7. To organize the management, assess, pay wages, remuneration and bonuses and implement regimes for controllers and representatives of contributed capital (separation between controllers and representatives of contributed capital):
a) To receive and manage wages, remuneration and bonuses for controllers remitted by company; remuneration and bonuses for the representatives of contributed capital which are paid by other companies and enterprises in order to form the general fund of wages, remuneration and bonuses for controllers and general fund of wages, remuneration and bonuses for the representatives of contributed capital.
b) To elaborate regulation on assessing the controllers and regulation on assessing the representatives of contributed capital as the basis for assessing the extent of finishing tasks and paying wages, remuneration and bonuses. Controllers and representatives of contributed state capital must be asked for opinions about these regulations before formal promulgation.
c) Payment of wages, remunerations and bonuses for controllers; remunerations and bonuses for representatives of contributed state capital The wages, remuneration and bonuses of each person shall be associated with the extent of finishing the assigned tasks in accordance with this Circular.
8. Not later than May 31 every year, to notify publicly about the implementation fund of wage and remuneration, fund of reward and the wages, remuneration, bonuses and monthly average income in last year of each manager in website of agency of owner, concurrently sum up forms No. 6, 7 and 8 enclosed with this Circular and send them to the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair for monitoring.
9. To annually organize inspections, supervisions and take responsibilities before Government, the Prime Minister about implementation of the wage, remuneration and bonus regimes applied to companies which they are assigned to act as owner.
Article 16. Responsibilities of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair
1. To perform tasks involving rights and obligations of owners for State-owned One-member limited liability companies as assigned by Government.
2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant Ministries and sectors in adjusting the basic wages when the Consumer Price Index increases from 10% or more in comparison with the last time of regulation or adjustment as the basis for companies to elaborate the fund of implementation wage.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. To coordinate with the owner in supervising wages, remuneration and bonuses of managers in Mother companies of economic Groups, Special-rank Corporations, Vietnam Corporation of aviation control, Vietnam Corporation of airports, the North maritime safety Corporation, the South maritime safety Corporation and Vietnam Postal Corporation as follows:
a) To receive reports on determining the fund of wages and remuneration under plan, the implementation of fund of wages, payment in advance of wages in 6 months of begin of year; the determination and decision on fund of wages and remuneration for implementation of company.
b) To review the determination of wages, remuneration in reports of companies and owners as prescribed by State.
c) To coordinate with owner in biannually organizing inspection and supervision of determination of the fund of wages, remuneration, payment in advance of wages and payment of wages by company.
During review, inspection and supervision, if detecting the determination of fund of wages, remuneration inconsistent with regulations, they may give out opinion to owner for directing the company for adjustment or payment in accordance with regulations.
5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in researching, elaborating and promulgating the basic wages for managers under rank of company
6. To inspect, check, supervise implementation of this Circular and sum up situation of wages, remuneration and bonuses for managers of company and make periodical report to the Prime Minister.
Article 17. Responsibilities of the Ministry of Finance
1. To receive and manage the wages, remuneration and bonuses for financial controllers which are remitted by state economic corporations.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. To coordinate with the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair in researching, elaborating and promulgating the criteria for company ranking as basis for grading wages, defining the basic wage for managers of company.
SECTION 5. IMPLEMENTATION PRVISIONS
1. This Circular takes effect on October 25. 2013.
2. The Circular No. 27/2010/TT-BLDTBXH dated September 14, 2010 of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs, guiding management of employees, wages, remuneration and bonuses in State-owned One-member limited liability companies; Circular No. 19/2007/TT-BLDTBXH dated October 04, 2007 of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair guiding implementation of Government’s Decree No. 141/2007/ND-CP dated September 05, 2007, providing for the wage regime applicable to State-owned mother company and subsidiary companies in economic groups; Circular No. 08/2005/TT-BLDTBXH dated January 05, 2005 of the Ministry of Labor - Invalid and Social Affair guiding implementation of Government’s Decree No. 207/2004/ND-CP dated December 14, 2004, providing for the wage, remuneration regime and liability regime for members of Board of Directors, General Directors, Directors in state companies and previous regulations in contrary to provisions in this Circular shall cease to be effective on the effective date of this Circular.
3. The regimes specified in this Circular shall be applied from May 01, 2013. The fund of implementation wage in 2013 of the full-time managers shall be determined under 02 stages (from January 01 to April 30 and from May 01 to December 31) under guide at Annex No. I promulgated together with this Circular.
4. In addition to the fund of implementation wage calculated under formula (1), managers at some typical sectors may be enjoyed the safety reward fund as prescribed at Decision No. 234/2005/QD-TTg dated September 26, 2005, Decision No. 43/2012/QD-TTg dated October 12, 2012 of the Prime Minister and the guiding Circulars of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs and the Ministry of Finance.
5. Companies may further perform the payment for shift meals for managers not exceeding 680,000 VND/person/month. The implementation of shift meals shall comply with guide in Circular No. 22/2008/TT-BLDTBXH dated October 15, 2008 of the Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs, guiding implementation of regime on shift meal in state-owned companies.
Article 19. Application for other companies, organizations and representatives of state capital
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Organizations and units that are applying the wage regime like state-owned companies in the past or the State-owned One-member limited liability companies as prescribed by competent state agencies, One-member limited liability companies owned by Mother companies specified in Article 1 of this Circular shall manage employees, wages, bonuses for managers as prescribed in this Circular and other documents as prescribed by Government and the Prime Minister.
3. Persons who are assigned to act as representatives of contribution capitals in joint-stock companies, state contributed capitals, work under part-time regime, not participate full time in management and executive boards of companies in which state has shares, contribution capital, in case where they are paid remuneration and bonuses by such companies, after receiving these remuneration and bonuses, they must submit to owner to form the general fund, on that basis, the owner shall pay to representatives of capital in association with the extent of finishing the assigned task in principle as regulation applied to controllers at Clause 7 Article 7 of this Circular.
Article 20. Implementation responsibility
1. Ministers, heads of ministerial-level agencies and government attached agencies, chairpersons of provincial-level People’s Committees shall direct, urge, check, supervise companies to implement in accordance with this Circular.
2. Members' Councils or presidents of mother companies of companies specified in Article 1 of this Circular shall, based on content involving management of employees, wages, bonuses in this Circular, organize management of labor, wages, bonuses for managers of One-member limited liability companies owned by mother companies.
3. Political organizations, socio-political organizations shall consider, decide on application of this Circular for managers of One-member limited liability companies owned by them.
4. Agencies and organizations that are representatives of state capital in companies having dominant shares, contribution capital of state shall direct representatives of capital to base on some contents specified in this Circular, participate in decision or propose to Board of directors, Members' Council in order to decide on the wage, remuneration and bonus regime for the manager in companies having dominant shares, contribution capital of state in line with the actual conditions and ensure general management of State.
During the course of implementation, agencies, organizations, companies may report problems, difficulties to the Ministry of Labor - Invalid and Social Affairs for guiding and supplementing timely.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
FOR
THE MINISTER OF LABOR
- INVALID AND SOCIAL AFFAIRS
DEPUTY MINISTER
Pham Minh Huan
;
Thông tư 19/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: | 19/2013/TT-BLĐTBXH |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký: | Phạm Minh Huân |
Ngày ban hành: | 09/09/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 19/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Chưa có Video