Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 306/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỀ TÌNH HÌNH SẮP XẾP, CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN, CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020; NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020

Ngày 06 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tổng hợp và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:

I. Đánh giá tình hình thực hiện

1. Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Trong bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo đã tích cực hoạt động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và phát triển doanh nghiệp.

2. Các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai có kết quả các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi) để tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước được mở rộng hơn để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Đã tổng hợp, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của cả nước giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với thực tế tình hình triển khai; thường xuyên, kịp thời rà soát công tác cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật; báo cáo Bộ Chính trị sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30-NQ/TW, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo đối với công tác sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Đang khẩn trương sửa đổi bổ sung, thay thế các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Nghị định về Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

3. Lũy kế từ năm 2016-tháng 6/2020: cả nước đã cổ phần hóa 175 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 207.145 tỷ đồng, bằng 109 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015 (189.509 tỷ đồng); thoái 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng (gấp 6,8 lần giá trị sổ sách). Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 218.012 tỷ đồng, gấp 2,79 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ). Số tiền chuyển Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 211.500/250.000 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.

4. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt một số kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký năm 2019 và 5 năm gần đây đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân liên tục tăng; năm 2019 đạt 7,6 doanh nghiệp/1.000 dân (so với năm 2016 là 5,4; năm 2017 là 6; năm 2018 là 7,3). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 tăng 16,4 % so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với việc kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2020, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

II. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

1. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần được rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra; trong 6 tháng đầu năm 2020, chưa có doanh nghiệp quy mô lớn nào được phê duyệt phương án cổ phần hóa hoặc thoái vốn thành công. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời.

Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa, chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương và triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt còn chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa. Đại dịch Covid 19 tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và sự tham gia của nhà đầu tư đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn. 6 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký đều giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ, đặc biệt đối với các nhóm ngành du lịch, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, hàng không.

2. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ sự chưa chủ động, nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm, không thực hiện, chưa xem xét đúng mức trách nhiệm của người đứng đầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trước đây và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP hiện nay, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn... nên cần nhiều thời gian triển khai thực hiện. Việc rà soát, xác lập hồ sơ pháp lý, cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa mất nhiều thời gian so với quy định. Môi trường kinh doanh còn rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân; pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, việc triển khai chính sách còn chậm; khả năng tiếp cận các nguồn lực để phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn; chi phí chính thức và không chính thức còn cao.

III. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025.

2. Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt.

3. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2017, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2018; phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp.

4. Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao:

a) Khẩn trương nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị nêu tại Hội nghị này.

b) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, chương trình công tác đề ra.

c) Tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các văn bản pháp luật đã rõ, phải chỉ đạo triển khai quyết liệt, tăng cường giải thích để hiểu đúng pháp luật; không để hiện tượng viện cớ vướng mắc pháp luật để chậm, không triển khai công việc.

5. Bộ Tài chính:

a) Hoàn thiện trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định hướng dẫn về thu, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Thông báo số 292/TB-VPCP ngày 13 tháng 8 năm 2020.

b) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành:

- Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP, 91/2015/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-CP.

- Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

- Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

- Nghị định thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

c) Tổng kết việc thực hiện Quyết định 707/QĐ-TTg, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo tại văn bản số 2062/VPCP-ĐMDN ngày 18 tháng 3 năm 2020.

d) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo quy định đảm bảo kỷ luật, kỷ cương; tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Theo thẩm quyền trình, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phủ và các cơ quan có liên quan xem xét, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo tại văn bản số 5727/VPCP-ĐMDN ngày 14 tháng 7 năm 2020.

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn sau năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019.

- Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ, đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đôn đốc, phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này.

8. Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các Tổng công ty: Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị theo kế hoạch.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo kế hoạch.

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, bảo đảm cơ bản hoàn thành sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.

11. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc bảo đảm yêu cầu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020; triển khai các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh, có giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

- Tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc; thực hiện các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, tính khả thi của việc giao một đơn vị phân loại đất do các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì tập trung về một đầu mối để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Trong tháng 8 năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc trình, xử lý các vấn đề liên quan đến Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phát triển hạ tầng giao thông; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo tại văn bản số 240/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2020 về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

- Tập trung triển khai có kết quả Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương theo đúng các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

- Xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý như quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.

12. Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất nằm trên địa bàn theo quy định; khẩn trương triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ được phê duyệt; triển khai nghiêm túc công tác xử lý sau thanh tra, đặc biệt là việc thu hồi đất đai, nguồn lực có sai phạm theo kết luận của các cơ quan chức năng.

13. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết TW5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài.

- Đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid 19 đã đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP...

- Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc bảo đảm yêu cầu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020; triển khai các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh, có giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

- Chủ động tháo gỡ, khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019, Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2020; cuối năm có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục rà soát công tác cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

- Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm, không phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017.

- Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà, đất, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trong việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất; kịp thời có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp, phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: (i) Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan cố tình không chấp hành, trì hoãn, kéo dài việc thực hiện; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định pháp luật; (ii) Hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định, trường hợp không bảo đảm thời gian, giải trình rõ nguyên nhân và trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

14. Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm, phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo để có văn bản chỉ đạo kịp thời.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết và phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương;
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tổng cục Thuế;
- Tổng cục Thống kê;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC);
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, NN, PL, QHĐP, KGVX, TH, TCCV, Cục KSTTHC;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b). Hòa

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 306/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 306/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 20/08/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [24]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 306/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [16]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…