Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 475/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 24 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP VÀ CHUYÊN GIA QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 5882/QĐ-UBND ngày 23/7/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp”, với các nội dung chính sau đây:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo phục vụ yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, một trong những trung tâm đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2020, 50% nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nắm vững các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn khi tiếp cận với công việc thực tế tại doanh nghiệp mà không phải qua các khóa đào tạo lại.

- Tỷ lệ chuyên gia quản trị doanh nghiệp được bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý doanh nghiệp và kiến thức pháp luật thông qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn đạt từ 20 - 30%.

II. Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp

- Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực. Chú trọng công tác phát triển nhân lực trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, tránh dựa hoàn toàn vào các cơ quan quản lý nhà nước.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ công chức và sự đồng thuận của xã hội về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong kinh doanh, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải cho xã hội; tôn vinh sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.

- Thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo nhằm phát huy tối đa sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau trong việc phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp có chất lượng, kỹ năng, làm việc hiệu quả.

2. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo

2.1. Hoàn thiện khung chương trình đào tạo

- Khuyến khích các cơ sở đào tạo đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa theo chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm giúp cho người được đào tạo nhanh chóng hòa nhập, bắt nhịp được với công việc thực tế tại các doanh nghiệp.

- Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình của các ngành nghề theo yêu cầu thực tiễn sử dụng nhiều máy móc thiết bị công nghệ hiện đại.

2.2. Tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp

- Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo sát nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động nhằm nắm bắt được nhu cầu lao động của các ngành nghề mà thị trường cần.

- Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người được đào tạo được tiếp cận với doanh nghiệp, tận dụng năng lực thực hành của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo chỉ tập trung đào tạo về lý thuyết và mời các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp về dạy và thực hiện chuyển giao công nghệ. Có như vậy mới tiếp cận được kiến thức rõ ràng và thực tế công việc sẽ làm trong tương lai.

- Mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đảm bảo cho người được đào tạo sẽ có việc làm ngay và dễ dàng hòa nhập với công việc thực tế.

3. Hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

Qua thực tế cho thấy doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò chủ yếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Mở các lớp đào tạo, hỗ trợ cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động ở các doanh nghiệp có thêm cơ hội học tập, công tác tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cần thực hiện một cách bài bản theo quy trình cụ thể.

3.1. Đối tượng đào tạo

- Lao động phổ thông, chưa qua các khóa đào tạo. Đối tượng này chủ yếu là các công nhân sản xuất, tạp vụ.

- Lao động đã qua đào tạo nhưng lại được giao đảm nhận những công việc không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

- Lao động đã qua đào tạo hoặc đào tạo nghề làm việc theo đúng chuyên môn nhưng bị hạn chế về năng lực và kỹ năng cần được đào tạo để nâng cao tay nghề, kỹ năng, nghiệp vụ.

- Các chuyên gia quản trị doanh nghiệp muốn nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý.

3.2. Hình thức đào tạo

- Đào tạo mới các cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động có nhu cầu làm việc tại các bộ phận sản xuất chưa qua các khóa đào tạo.

- Đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng mềm khác cho các nhân viên văn phòng, lao động đã qua đào tạo nhưng cần đào tạo lại để nâng cao tay nghề.

- Đa dạng hoá các hình thức, phương thức đào tạo gồm ngắn hạn, dài hạn, đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, đào tạo theo trường lớp và tự đào tạo, mở ra nhiều cơ hội cho lao động tự lựa chọn các hình thức đào tạo để nâng cao tay nghề.

- Đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cho các chuyên gia quản trị doanh nghiệp.

3.3. Số lượng đào tạo phân theo nhóm ngành nghề

Số lượng lao động chưa qua đào tạo cần đào tạo mới của một số ngành

 

 

ĐVT: Người

Ngành

Năm 2015

Năm 2020

1. CN chế biến

43.635

32.368

2. Lưu trú và ăn uống

36.868

59.340

3. Tài chính ngân hàng

3.650

4.223

4. Vận tải kho bãi

13.577

9.557

5. Thương mại

39.832

22.594

 

Số lượng lao động đã qua đào tạo cần đào tạo lại phân theo trình độ của 3 nhóm ngành nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ giai đoạn 2015- 2020

 

 

 

ĐVT: Người

 

CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

CAO ĐẲNG

-ĐẠI HỌC

Tổng số

Năm 2015

 

 

 

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

711

362

236

1.309

II. Công nghiệp và xây dựng

4.407

1.877

3.202

9.486

III. Dịch vụ

10.148

4.303

7.466

21.917

Tổng số

15.266

6.542

10.904

32.712

Năm 2020

 

 

 

 

I. Nông, lâm nghiệp, thủy sản

1.054

577

396

2.028

II. Công nghiệp và xây dựng

8.330

4.155

5.259

17.743

III. Dịch vụ

20.436

10.178

12.983

43.597

Tổng số

29.820

14.910

18.637

63.367

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng lao động đã qua đào tạo cần đào tạo lại phân theo một số ngành kinh tế giai đoạn 2015- 2020

ĐVT: Người

 

CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

CAO ĐẲNG-ĐẠI HỌC

Tổng số

Năm 2015

 

 

 

 

1. CN chế biến

2.405

1.202

2.672

6.279

2. Lưu trú và ăn uống

2.963

1.436

871

5.270

3. Tài chính ngân hàng

52

0

519

571

4. Vận tải kho bãi

379

922

823

2.124

5. Thương mại

4.505

3.467

1.373

9.345

Năm 2020

 

 

 

 

1. CN chế biến

4.094

1.706

3.412

9.212

2. Lưu trú và ăn uống

3.822

2.022

2.949

8.793

3. Tài chính ngân hàng

84

209

1.045

1.337

4. Vận tải kho bãi

570

1.340

1.117

3.026

5. Thương mại

8.801

7.359

1.972

18.133

3.4. Lựa chọn tổ chức đào tạo

Những tiêu chí trong việc lựa chọn các tổ chức đào tạo với thứ tự ưu tiên từ trên xuống như sau:

- Chất lượng, hiệu quả đào tạo của tổ chức (kinh nghiệm từ các khóa học trước).

- Kinh phí tổ chức đào tạo thấp nhất trong số các đơn vị có cùng chất lượng đào tạo.

- Tổ chức đã có uy tín đào tạo về chuyên ngành cần đào tạo trên địa bàn thành phố.

4. Thay đổi, đa dạng hóa phương pháp đào tạo để tạo động lực học tập cho nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Đầu tư vào việc đào tạo nhân viên ngay trong công việc là một giải pháp tự đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Song mỗi đơn vị, tại mỗi thời điểm có những nhu cầu và điều kiện làm việc đặc thù, do đó khó có thể nói tới một phương pháp đào tạo chung chung cho tất cả các đơn vị. Hiểu về các phương pháp đào tạo khác nhau có thể giúp nhà lãnh đạo lựa chọn một phương pháp phù hợp nhất với đặc điểm của đơn vị mình.

4.1. Nhà quản lý tạo điều kiện cho nhân viên tự học

- Việc giao các nhiệm vụ vượt quá khả năng là cách huấn luyện cho nhân viên tự nâng cao năng lực. Đặc điểm của phương pháp này là nó đòi hỏi người nhân viên phải vượt ra khỏi những gì đã biết, tự học hỏi thêm những kỹ năng mới để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Vì thế, đối tượng áp dụng của phương pháp phải là những nhân viên có nhiều triển vọng phát triển. Đơn vị sẽ có thêm nhiều nhân viên tài năng, còn nhân viên lại có cơ hội học các kỹ năng mới, tạo các mối quan hệ bên ngoài và thăng tiến trong sự nghiệp.

- Với mục tiêu giúp nhân viên có cơ hội trau dồi thêm kinh nghiệm công tác, nhà quản lý có thể yêu cầu nhân viên sử dụng một công nghệ mới hoặc giao cho họ phụ trách nhóm các khách hàng có trình độ cao. Biết cách giao nhiệm vụ vượt quá khả năng một cách hợp lý, phương pháp này sẽ trở thành một thứ công cụ quản trị quý giá.

4.2. Doanh nghiệp tự đào tạo nhân viên

Hai đối tượng chủ yếu mà doanh nghiệp chú trọng đầu tư là nhân viên mới vào và nhân viên đang trong quá trình làm việc có nhu cầu nâng cao năng lực.

- Huấn luyện nhân viên mới: Sau quá trình tuyển dụng, nếu tiến hành định hướng và huấn luyện cho các nhân viên mới một cách bài bản sẽ quyết định đến hiệu quả làm việc về sau của đội ngũ nhân viên, giữ họ ở lại lâu dài với doanh nghiệp, giảm chi phí đào tạo lại . Mục đích của công tác đào tạo này nhằm giúp nhân viên mới cảm thấy tự tin khi hòa nhập với môi trường mới, nhanh chóng thích nghi với công việc chung và giúp doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với sự phát triển trong tương lai của họ.

- Kèm cặp trong quá trình làm việc: Các nhà quản lý cũng cần đào tạo các nhân viên đương nhiệm để chia sẻ gánh nặng công tác của họ. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án trực tiếp huấn luyện nhân viên dưới hai hình thức: nhà quản lý trực tiếp kèm cặp hoặc cử nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn những người chưa vững vàng.

Ưu điểm của phương án này là công tác huấn luyện được tiến hành thường xuyên, duy trì liên tục, không gián đoạn; doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực nội bộ; điều kiện huấn luyện linh hoạt theo từng tình huống kinh doanh; việc dạy - học diễn ra theo một chu trình tuần hoàn "lý luận - thực tiễn".

Một số doanh nghiệp bố trí một nhân sự có trình độ cao hướng dẫn một nhân viên còn yếu kém giúp người này, một mặt, học được nhiều kỹ năng và kỹ xảo nghiệp vụ từ đồng nghiệp, mặt khác, anh ta có thể làm việc tự tin vì được sẵn sàng cố vấn nếu có vấn đề. Đối với nhân viên giàu kinh nghiệm, kèm cặp người khác chính là một sự khẳng định đối với công việc của họ, cho họ một cảm giác về vai trò quản lý.

4.3. Doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo tập trung

- Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình đào tạo tập trung thông qua các địa chỉ đào tạo chuyên nghiệp. Hình thức đào tạo này đem đến cho doanh nghiệp một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn trong công tác giảng dạy.

- Bên cạnh đó, các nhân viên được đào tạo tập trung với chất lượng tương đối đồng đều, có thể hình thành các chuẩn mực trong quy trình làm việc. Các khóa đào tạo sẽ giúp nhân viên làm việc nhất quán, tập trung; tăng cường tinh thần làm việc với đội nhóm…

- Để đạt được điều đó, doanh nghiệp phải chọn cho mình một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy dựa trên các tiêu chí: Chương trình học, danh sách giảng viên, lĩnh vực chuyên môn, danh sách khách hàng của dịch vụ, ý kiến phản hồi từ các khách hàng.

- Việc chọn dịch vụ đào tạo không nên dựa trên mức học phí thấp; cần tránh các chương trình học nặng tính hàn lâm; giảng viên có trình độ học thuật cao nhưng thiếu kinh nghiệm làm việc, không nắm bắt các vấn đề thời sự…

- Đối tượng đào tạo phải là những người biết chủ động tìm kiếm các cơ hội học hỏi, biết đặt ra mục tiêu cá nhân và có thái độ tích cực để việc học đạt kết quả trọn vẹn. Mặt khác, lãnh đạo phải luôn thể hiện quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc đào tạo đối với nhân viên và cam kết những chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo để nhân viên nỗ lực hết mình.

- Nội dung đào tạo phải được lựa chọn để nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên và đáp ứng mục tiêu phát triển của doanh nghiệp chứ không phải theo xu thế của xã hội hay nhu cầu cá nhân. Mặt khác, cần tạo cơ hội lựa chọn cho nhân viên bằng cách lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân viên để biết được ưu - nhược điểm của chương trình đào tạo.

- Sau một thời gian thực hiện chế độ đào tạo, phải luôn tổ chức đánh giá kết quả đào tạo và việc chuyển giao kết quả đó vào thực hiện công việc. Từ đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có cơ sở để khuyến khích duy trì công tác đào tạo hay tìm hướng đi khác phù hợp hơn. Đây cũng là một dịp để đánh giá khả năng học hỏi và tiến bộ của cấp dưới.

5. Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp

- Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân theo Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho doanh nhân về khởi sự doanh nghiệp, những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.

- Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích đội ngũ quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp hiện đại; trợ giúp phát triển các kỹ năng cần thiết cho chuyên gia quản trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế, nhằm trang bị cho các nhà quản trị có kiến thức lý luận và thực tiễn về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, về pháp luật; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà quản trị đối với người lao động, với cộng đồng xã hội, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc.

- Thường xuyên tạo cơ hội và điều kiện để các chuyên gia quản trị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp xúc, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà quản trị trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức về thực tiễn trong quá trình hội nhập. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Theo dõi việc thực hiện đề án và đề xuất điều chỉnh, bổ sung Đề án phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu đề xuất UBND thành phố cân đối, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án; lồng ghép việc thực hiện đề án vào các kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm của thành phố.

- Tổ chức, kiểm tra, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch và lồng ghép những nội dung Đề án liên quan đến lĩnh vực dạy nghề vào chương trình, kế hoạch hoạt động đào tạo nghề để triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề triển khai phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức hoạt động hệ thống thông tin thị trường lao động trên địa bàn thành phố nhằm thu thập và cung cấp thông tin cung, cầu và sự biến động cung cầu lao động làm cơ sở để thực hiện Đề án.

3. Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp.

- Phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức các lớp hội thảo, hội nghị, các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho các chuyên gia quản trị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành kêu gọi đầu tư từ nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện Đề án.

6. Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu triển khai xây dựng các chương trình đào tạo chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ để kết nối với các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp.

7. UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hiểu được vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

8. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đánh giá nguồn nhân lực và tiến hành đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và mục tiêu của Đề án, tranh thủ sự hỗ trợ địa phương và nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện công tác đào tạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- Lưu: VT, VX (Nhân).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 475/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu: 475/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
Người ký: Huỳnh Đức Thơ
Ngày ban hành: 24/01/2015
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 475/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp do thành phố Đà Nẵng ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [12]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…