Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4689/2004/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 01 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HỖ TRỢ VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số: 13/1999/QH10 ngày 12 tháng 6 năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế phối hợp hỗ trợ và quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì phối hợp với Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thi hành quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn, thiếu sót, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Hà

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HỖ TRỢ VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-UB ngày 01/12/2004 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng và phương pháp điều chỉnh

- Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh.

- Các cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áo dụng Quy chế này và các quy định của Pháp luật chuyên ngành để quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo quy định Luật Doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân được gọi tắt là doanh nghiệp.

Điều 2. Mục tiêu của quy chế

Mục tiêu của việc tổ chức quản lý doanh nghiệp nhằm đạt được những nội dung như sau:

1) Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật;

2) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Doanh nghiệp;

3) Phản ánh kịp thời và chính xác thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

4) Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.

Chương II

PHỐI HỢP QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

Điều 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

1) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

2) Thực hiện chế độ tiếp nhận và bổ sung, cập nhật thông tin về doanh nghiệp;

3) Thực hiện chế độ cung cấp thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

4) Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

5) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về công tác đăng ký kinh doanh; công tác quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện;

6) Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành;

7) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ kế hoạch - Đầu tư thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

8) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp; đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ báo cáo tài chính hàng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Doanh nghiệp;

9) Trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu thấy cần thiết, thì phải tiến hành thẩm tra, xác minh hoặc tham khảo ý kiến với các Sở, ngành có liên quan về nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;

- Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu phát hiện các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp là không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo, thì gửi thông báo yêu cầu doanh nghiệp hiệu đính. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày gởi thông báo mà không nhận được thông báo hiệu đính của doanh nghiệp thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

10) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;

11) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh;

12) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Cục Thuế tỉnh

1) Tiếp nhận, xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, sao gửi cho các đơn vị theo dõi, quản lý doanh nghiệp theo quy định của ngành Thuế;

2) Rà soát, đối chiếu doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế với danh sách doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh;

3) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế phải thông báo ngay cho Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách các doanh nghiệp vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành Thuế và danh sách các doanh nghiệp bị thu hồi mã số thuế để xử lý hoặc làm thủ tục xoá tên doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

4) Định kỳ 6 tháng, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh danh sách các doanh nghiệp không đăng ký mã số thuế; không tiến hành hoạt động kinh doanh tại điểm đăng ký trong thời hạn hoạt động kinh doanh tại điểm đăng ký trong thời hạn một năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục; hoạt động không đúng nội dung đăng ký kinh doanh, không đúng địa chỉ, trụ sở đã đăng ký.

5) Có trách nhiệm hướng dẫn Chi cục Thuế các huyện, thị xã phối hợp với các ngành huyện quản lý, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn;

6) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Sở Thương mại - Du lịch

1) Tiếp nhận, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp;

2) Có kế hoạch, thường xuyên tổ chức, phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ trên địa bàn tỉnh;

3) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật;

4) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp phải thông báo ngay cho Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành có liên quan danh sách các doanh nghiệp vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Thương mại - Du lịch;

5) Định kỳ 6 tháng, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ trên địa bàn tỉnh;

6) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Sở Văn hóa - Thông tin

1) Tiếp nhận, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp;

2) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội, Đội 814 tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phối hợp lực lượng, phân công cụ thể trách nhiệm từng ngành, từng thành viên kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và ngành nghề khác thuộc ngành mình quản lý; tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng.

3) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật;

4) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp phải thông báo ngay cho Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành có liên quan danh sách các doanh nghiệp vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Văn hóa - Thông tin;

5) Định kỳ 6 tháng, tổng hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh;

6) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Công an tỉnh

1) Tiếp nhận quản lý thông tin về doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp;

2) Chỉ đạo lực lượng Công an địa phương, nhất là Công an phụ trách khu vực, Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với chính quyền, đoàn thể cùng cấp tổ chức quản lý các hoạt động kinh doanh của tất cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn; trong đó có chú trọng hơn đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà hàng khách sạn, nhà trọ để làm trong sạch địa bàn; phấn đấu xây dựng từng khu vực xã, phường, thị trấn văn hóa lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

3) Thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách các doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Sở Tài chính

1) Hướng dẫn, tư vấn và giám sát việc thực hiện chính sách tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên địa bàn;

2) Kiểm tra tài chính doanh nghiệp trên địa bàn khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài chính, mất khả năng thanh toán nợ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh qua tự phát hiện hoặc phát hiện của các tổ chức, cá nhân khác và thực hiện đúng quy định của Nhà nước về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về những biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về tài chính;

3) Định kỳ 6 tháng tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp về cơ chế tài chính, kế toán báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

4) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Các sở, ngành khác trong tỉnh

Các sở, ngành khác trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của ngành mình có trách nhiệm:

1) Thực hiện quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

2) Tiếp nhận, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp;

3) Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy định về điều kiện kinh tế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh;

4) Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp phải thông báo ngay cho phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành có liên quan danh sách các doanh nghiệp vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành mình;

5) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể phát triển sản xuất kinh doanh;

6) Định kỳ 6 tháng tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành mình quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

7) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

1) Quản lý và kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp theo thẩm quyền;

2) Tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh;

3) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 37/2003/NĐ-CP ngày 10-4-2003 của Chính phủ;

4) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các ngành huyện trong việc quản lý, kiểm tra, xác minh thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.

5) Định kỳ 6 tháng tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 11. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

- Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh nằm trên địa bàn tỉnh phải có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật chuyên ngành; đồng thời chịu sự quản lý, giám sát của các sở, ngành và chính quyền địa phương.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1) Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật;

2) Các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã vận dụng quy định của Quy chế này trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; tích cực tham gia, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về những biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn;

Điều 13. Kinh phí thực hiện kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh

- Kinh phí phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh được cấp từ ngân sách Nhà nước. Hàng năm, Sở Kế hoạch Đầu tư xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành để kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, lập dự toán kinh phí phục vụ cho đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác hậu kiểm doanh nghiệp trình Ủy ban nhân dân phê duyệt.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và Quy chế này được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước về khen thưởng.

2) Cơ quan, tổ chức,cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật và Quy chế này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 4689/2004/QĐ-UB Quy chế phối hợp hỗ trợ và quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu: 4689/2004/QĐ-UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
Người ký: Nguyễn Thị Thanh Hà
Ngày ban hành: 01/12/2004
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 4689/2004/QĐ-UB Quy chế phối hợp hỗ trợ và quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [6]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…